Trung Quốc phản ứng gay gắt dự luật cấm TikTok - Mỹ đáp trả sắc sảo
Trung Quốc phản ứng gay gắt dự luật cấm TikTok - Mỹ đáp trả sắc sảo
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn về tài chính khí hậu tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 8/7/2023. (Ảnh: MARK SCHIEFELBEIN/POOL/AFP qua Getty Images)
Dự luật cấm TikTok có nhiều khả năng trở thành hiện thực sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua. Và sự bất mãn của Trung Quốc được nhìn nhận là đáng mỉa mai và đạo đức giả.
Hôm thứ 5 (14/3), Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt trước khả năng Mỹ sẽ cấm TikTok. Ông Burns, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, sau đó đã chỉ trích một cách sắc sảo những phát biểu của Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm thứ 5 (14/3): “Tôi thấy thật mỉa mai vì các quan chức chính phủ ở đây đang sử dụng nền tảng X để chỉ trích Mỹ”. Ông nói tiếp: “Họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã không trao cho công dân của mình quyền sử dụng X, sử dụng Instagram, sử dụng Facebook và truy cập Google”.
Ông Burns cho biết ứng dụng chia sẻ video TikTok và các con chip tiên tiến là trung tâm của căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phát biểu của ông tiếp tục báo hiệu lập trường cứng rắn của chính quyền Biden trong việc kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Cuộc tranh luận về việc cấm TikTok đã trở thành một trong những chủ đề mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể cùng thống nhất tại Quốc hội khi mối lo ngại đang ngày càng gia tăng trước sự can thiệp của Trung Quốc vào các ngành như giáo dục, kỹ thuật và giải trí. Trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, các quan chức an ninh và tình báo Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp ngắn dành cho các nhà lập pháp nêu rõ các rủi ro an ninh quốc gia của ứng dụng.
Trước đó cũng vào thứ 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bày tỏ sự không hài lòng với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật TikTok và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng “đàn áp vô lý” đối với TikTok.
Trong khi đó, các ứng dụng của Mỹ từ lâu đã bị cấm ở Trung Quốc. Bắc Kinh hiện chặn hầu hết các nền tảng truyền thông xã hội của Hoa Kỳ, bao gồm Google, YouTube, X, Instagram và Meta, vì các công ty Hoa Kỳ này từ chối tuân thủ các quy định của chính quyền Trung Quốc về thu thập dữ liệu và loại hình nội dung được chia sẻ.
CNN đưa tin ông Brock Silvers, giám đốc quản lý của Kaiyuan Capital, cho biết: “Với lập trường của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đối với các ứng dụng xã hội của Hoa Kỳ, dự luật TikTok dường như có nhiều khả năng trở thành luật. Và sự bất mãn của Trung Quốc thật là mỉa mai, nếu không muốn nói là đạo đức giả”.
Logo của TikTok, một ứng dụng xã hội chia sẻ video ngắn của Công ty công nghệ Trung Quốc Bytedance. (NICOL ASFOURI / AFP qua Getty Images) Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một hashtag liên quan đến lệnh cấm tiềm tàng đối với TikTok ở Hoa Kỳ đã trở thành chủ đề thịnh hành vào thứ 5, với 78 triệu lượt xem và hàng nghìn bài đăng thảo luận.
Một người dùng cho biết: “Chúng ta đã bị chặn khỏi Google, Twitter và Facebook trong hơn một thập kỷ”. Người dùng này nói tiếp: “Tôi nghĩ chúng ta đã vượt xa Mỹ trong việc chặn các phương tiện truyền thông (dịch vụ) tin tức nước ngoài”.
Ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich và là giảng viên tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, cho biết vụ việc đã phơi bày “sự trớ trêu và bất bình đẳng” trong trao đổi kinh doanh Mỹ - Trung.
Ông nói: “Trong khi Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) cấm hoàn toàn (những) ứng dụng này của Mỹ thì TikTok được hưởng mọi lợi ích từ hệ thống chính trị và pháp lý tự do và cởi mở của Hoa Kỳ”.
Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, Mỹ, vào ngày 28/2/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Một thời điểm quan trọng
Bình luận của ông Burns được đưa ra một tuần sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Mỹ áp đặt các hạn chế thương mại "gây bối rối" đối với Trung Quốc và cáo buộc ông Biden không thực hiện các cam kết đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Vương Nghị, ông Burns trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi đã thực hiện những cam kết đã đưa ra ở San Francisco (tại hội nghị thượng đỉnh APEC)”.
Quan hệ Mỹ - Trung đã xuống đến mức tồi tệ nhất sau sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào năm ngoái. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại một số tương tác cấp cao, nhưng sự khác biệt giữa hai nước vẫn tiếp tục gia tăng về các vấn đề như chiến tranh Ukraine, Biển Đông và Đài Loan, đồng thời cuộc chiến công nghệ giữa hai bên cũng ngày càng gay gắt.
Ông Burns một lần nữa nhắc lại rằng Hoa Kỳ cần phải hạn chế khả năng tiếp cận chip cao cấp của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp hay đàm phán về các vấn đề an ninh quốc gia”.
Chính quyền Biden đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ để tăng cường khả năng quân sự của mình. Trước đó vào tháng này, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết Hoa Kỳ “sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết” để hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.
Chính quyền Biden đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả nhà sản xuất chip nhớ Changxin Memory Technology Co. Ông Biden cũng đưa ra lời hứa vào hôm thứ 3 (12/3) rằng chính phủ sẽ xem xét các khoản trợ cấp của Bắc Kinh cho các nhà máy đóng tàu dựa trên kiến nghị của 5 liên đoàn lao động lớn.
CNN đưa tin ông Craig Singleton, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, một tổ chức tư vấn phi đảng phái ở Washington, cho biết: “Quy định luật pháp này (dự luật TikTok) đánh dấu cuộc đấu tranh liên tục để kiểm soát không gian dư luận đang nổi lên và nó đến vào thời điểm quan trọng, làm sâu sắc thêm cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung[/URL]
Bảo Nguyên biên dịch