Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Đời người như một cành hoa mà Ái-Tình là một giọt mật.
Victor Hugo
Trang 1 / 7 123 ... Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 62

Chủ Đề: Những mảnh đời dang dở

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Những mảnh đời dang dở

    Tác giả:
    Nguyễn Ngọc Minh


    Ngày đi

    Sách đã xuất bản năm 2004, bởi THẮNG MÕ NAM CALIFORNIA ấn hành.
    Tác phẩm gồm những bài viết của một người lính Thủy Quân Lục Chiến về những mảnh đời rất thật của chính tác giả và đồng đội cũng như số phận nghiệt ngã mà những người lính VNCH phải gánh chịu theo mệnh nước nổi trôi...
    Những bài viết rất thật đến độ có thể làm khó chịu một vài người nhưng chắc chắn những người đã từng cầm súng bảo vệ mảnh đất miền Nam thân yêu trước đây sẽ tìm thấy bàng bạc hình ảnh của chính mình trong đó.
    Đôi hàng về người viết:
    Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1951 tại Saigon. Học trường tiểu học Trương Minh Ký, sau đổi thành Nguyễn Thái Học, trung học tại trường Nguyễn Trải, sau đó là Đại học Khoa học Saigon.
    Gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến năm 1972, trấn đống tuyến đầu Quảng Trị, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An - Đà Nẵng cuối tháng 3/75. Cải tạo 6 năm từ Trung ra Bắc. Vượt biên đường bộ 2 tháng xuyên qua Kampuchia đến Thái Lan 6/81. Định cư tại San Fernando Valley - Los Angeles từ 7/83. Hiện là chủ nhân cơ sở "Professional #1 Auto Repair" ở Canoga Park, California.


    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..."
    Thấm thoát đã 32 năm từ ngày Trần Chúc leo lên sân khấu vườn Tao Ngộ - Trung Tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ để hát bài “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy. Mùa hè đỏ lửa năm đó, miền cát nóng Quảng Trị Cổ Thành, đã cuốn hút biết bao nhiêu người dân Việt trong lứa tuổi thanh xuân, đến để tàn sát nhau trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt.

    Đầu tháng 3/72 cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt, với những trận địa chiến nặng nề, khi quân đội miền Bắc dồn toàn lực tấn công trên khắp các vùng chiến thuật.
    Tàn khốc nhất là mặt trận Quảng Trị khi Bắc quân tràn qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Bất chấp các hiệp định đã được ký kết, quyết tâm lấn chiếm các căn cứ quân sự của quân dân miền Nam ở phía Bắc sông Thạch Hãn, để làm bàn đạp tiến xuống miền Nam. Cùng lúc đó các mặt trận khác cũng sục sôi không kém.
    Mặt trận Tây Nguyên - Kon Tum, Đakto, Tân Cảnh ở vùng II chiến thuật.
    Mặt trận Bình Long - An Lộc ở vùng III chiến thuật - Tây-Bắc của thủ đô Saigon.
    Tôi còn nhớ chiều hôm ấy vào dạo cuối tháng 3/72 khi đang ngồi uống cùng anh bạn học, Thiếu úy Nguyễn Văn Vân, vài chai bia trong lần gặp gỡ cuối cùng. Anh cũng là một học sinh Nguyễn Trãi và chúng tôi cùng học luyện thi tại trường Tân Văn niên khóa 67/68, nhập ngũ khóa 9/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khi tốt nghiệp anh đã tình nguyện về Nhảy Dù.
    - Ngày mai tụi tao lên Pleiku tăng phái cho quân đoàn II tại mặt trận Tân Cảnh.
    Tôi cũng chẳng biết nói gì khi chia tay bạn vì hai chữ bình an lúc này vô nghĩa. Ai ra đi cũng được cầu chúc bình an, nhưng có mấy người được an bình trở lại...
    - Giữ gìn sức khỏe, dạo này cánh tay mày ra sao?
    Vân bị tai nạn bên cánh tay phải năm học đệ tứ nên khi viết bảng phải dùng tay trái, tay phải bị run khi anh dơ lên cao. Nhưng lần này anh đưa cả hai cánh tay thẳng lên trời.
    - Quân đội là lò luyện thép mà.
    Đó là lần cuối cùng gặp nhau. Khi tôi đến Hải Trường - Bến Đá, trong một lần gặp gỡ vài người bạn thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, thì được biết Vân đã hy sinh tại Động Ông Đô trên đường tái chiếm cổ thành.

    Tháng 4/72 chúng tôi được giấy gọi nhập ngũ. Lúc này tình hình chiến sự thật sôi động. Trên các trang báo ngoài những mục bình thường, phần tin tức chỉ toàn là tin chiến sự. Hình ảnh những đoàn người tỵ nạn chiến tranh chen chúc nhau đổ vào các trung tâm tỵ nạn tại Huế và Đà Nẵng. Các đoàn quân tiếp tục tiến ra chiến trường, các trận đánh đẫm máu, các lời tường thuật về những anh hùng vị quốc vong thân.
    Hình ảnh xúc động tột cùng của một em bé gái bị bom Napalm cháy phỏng khắp thân mình, đang chạy kêu la cầu cứu với gương mặt hốt hoảng, đau đớn...

    Giữa tháng 4/72 bài hát anh hùng Không Quân Trần Thế Vinh được truyền đi trên các làn sóng phát thanh. Tiếp theo là hàng loạt các bài hát Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy...

    Cuối tháng 4, những bức chân dung mới bắt đầu xuất hiện trên bùng binh chợ Bến Thành và một số các bùng binh khác trong thành phố Saigon. Bài hát “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh làm xúc động lòng dân thành phố và cả miền Nam.

    Các trường đại học cho thi sớm hơn để các sinh viên chuẩn bị xếp bút nghiên lên đường. Phòng thi thưa thớt thí sinh, hầu hết là những anh còn ở lại mới còn tâm trí đến trường. Chúng tôi đã có giấy gọi, không còn hứng thú để vào thi, tụ tập bên ngoài phòng thi, kẻ thì bàn tán về tương lai trong cuộc đời quân ngũ, người thì vẽ ra các chọn lựa để phòng xa, một số ít thì ù lì thả trôi theo vận nước "tới đâu thì tới...".
    Last edited by giavui; 10-25-2010 at 04:20 AM.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tháng 6/72 trôi qua và ngày đi đã đến, nhóm chúng tôi hẹn nhau ở chùa Xá Lợi, vì trước đây chùa có dành cho các nam học sinh và sinh viên một căn phòng trống để học hành. Thỉnh thoảng ban trị sự chùa dùng làm phòng họp thì chúng tôi lại ra sân ngồi học. Bên hông phòng hành lễ là một hành lang dài, nơi này rất yên tĩnh cho các cô nữ sinh viên và học sinh. Thường thường khi gần tới mùa thi cũng náo nức và đông người lắm.
    Những mối tình ngây thơ trong trắng cũng đã từng xảy ra với những học sinh đến chùa. Niên khóa 71/72 có sự xuất hiện của vài cô nữ sinh Trưng Vương đến đây học thi Tú Tài 1. Các cư dân ở chùa Xá Lợi (tiếng để gọi các anh chàng đến chùa học đã lâu năm) bắt đầu bắt chuồn chuồn và có vài anh đến ve vãn cô bé sừng bò. Tôi cũng chẳng biết cái tên này được gán cho cô lúc nào, có lẽ câu thơ “gái 17 bẻ gãy sừng trâu” có vẻ hơi thô lỗ với vóc dáng của cô em, nên chúng tôi gọi cô là cô bé sừng bò, người gầy gầy thanh tú trong chiếc áo dài trắng Trưng Vương, đôi bím tóc thả dài hai bên lưng, đi chiếc xe PC trông thật xinh xắn.
    Cái lũ “thứ ba học trò” tinh nghịch, đôi khi tìm cách nhét giấy vào típ của dây bougie với hy vọng xe không nổ máy để có dịp tán tỉnh, hoặc được lọt vào mắt xanh của cô. Có lẽ trời bất dung gian nên chẳng đứa nào làm được việc.
    Chùa có hai cầu thang lên chánh điện. Một ở phía tháp chuông và một ở phía cổng lớn bên hông chùa.
    Ngồi học ở dưới chân cầu thang phía tháp chuông, đôi khi bất chợt nhìn qua phòng hành lễ, thấy cô bé sừng bò cũng đang nhìn, tôi lúng túng mỉm cười và gật đầu chào cô. Đôi khi tôi và cô bé cùng cười và cùng gật đầu chào nhau.
    Đã gần một năm học mà chẳng anh nào tán tỉnh được cô. Vài anh viết thư kẹp vào trong sách, nhờ các cô bé học sinh Gia Long đệ nhất cấp buổi chiều, ghé qua nhờ chỉ bài đưa hộ. Nhưng chỉ được trả lời bằng những cái lắc đầu.
    Trước đó vào đầu tháng 6/72 chúng tôi đã trình diện nhập ngũ tại trung tâm 3, và được cho nghỉ phép trong thời gian chờ đợi đưa đến các quân trường huấn luyện.
    Những lần về phép ghé qua chùa, tôi đến chỗ ngồi cũ vẫn trông thấy cô em sừng bò ngồi học. Sắp đến ngày thi nên cô lại càng ráo riết học, "vóc liễu đã gầy, càng thêm úa gầy vì thi cử".
    Lần phép cuối cùng thì chúng tôi được biết, trong số các bạn nhập ngũ cùng đợt 6 người tại chùa Xá Lợi lần này, 3 người trong số đó có tôi sẽ phải đi đợt đầu tiên ra thụ huấn tại Đồng Đế - Nha Trang vì chúng tôi có nhiều hơn 2 chứng chỉ Quân Sự Học Đường, 3 người còn lại chưa biết sẽ đi Nha Trang hay Thủ Đức.
    Buổi chiều cuối cùng rời xa chùa Xá Lợi là ngày thứ Năm trong tuần. Lần đầu tiên chúng tôi mặc quần áo lính ghé lại chùa để từ biệt các bạn bè còn ở lại, hoặc sẽ phải đi sau. Chúng tôi hẹn gặp nhau lần cuối tại đây để cùng lên đường.
    Bước đến chỗ thường ngồi học dưới chân cầu thang, nhìn qua phía hành lang phòng hành lễ nơi cô bé sừng bò vẫn ngồi học. Cô vẫn ngồi đó, mắt nhìn sững tôi ngạc nhiên, chắc lạ lắm vì hôm nay tôi mặc quần áo lính.
    Ngồi xuống chỗ cũ, tôi nhìn cô và mỉm cười. Tôi không nhìn thấy được nụ cười của mình lúc đó, nhưng có lẽ buồn lắm!
    Tiếng những người bạn gọi vọng vào thúc giục.
    - Minh ơi, tới giờ đi rồi mày!
    Hai chúng tôi nhìn nhau. Tôi đứng dậy lắc đầu và lặng lẽ bước ra ngoài.
    Ra đến bên ngoài, đứng bên hông chùa với các bạn ở phía bên kia con đường; chúng tôi từ giã nhau, người đi kẻ ở. Vài anh định lấy xe đưa chúng tôi ra đường Lê Văn Duyệt để đón xe đò lên Trung tâm 3.
    Thằng Chiến lên tiếng:
    - Thôi, tụi tao đi bộ được rồi.
    Quay qua phía những người đi, nó hỏi lại:
    - Đi được chưa tụi bay?
    Nhìn các bạn bè ở lại lần chót, họ bắt đầu trở lại khuôn viên chùa. Tôi quay qua nói với Chiến:
    - Tụi mày chờ tao thêm 5 phút nữa.
    - Gì nữa đây? Mày là cái thằng nhanh và gọn nhất mà sao hôm nay lại là thằng dây dưa nhất!
    Nhìn qua bức tường thưa của chùa, tôi thấy cô bé sừng bò và một cô bạn đang đi ra ngoài từ cổng nhỏ bên hông chùa, ở phía sau gần nhà quàn xác. Vài phút sau hai cô đi ngang qua chỗ chúng tôi đứng. Các bạn tôi ngạc nhiên quay qua hỏi:
    - Cái gì nữa đây Minh, bộ hôm nay có chuyện lạ à?
    Tôi bước qua đường tiến về phía hai cô thì cô bạn đi cùng bước nhanh lên để cô bé sừng bò đứng lại. Quá nửa con đường, tôi đứng lại nhìn cô, cô nhìn tôi. Tâm trạng mâu thuẫn làm tôi ngừng lại những điều tôi định nói với cô. Hai chúng tôi nhìn nhau nhưng không ai nói gì cả. Tôi cúi đầu quay người bước lại chỗ các bạn tôi đang đứng đợi, vác chiếc sac-marin lên vai và bước đi. Cô bé sừng bò thì lặng lẽ bước về phía cô bạn đang chờ...
    - Thôi đi tụi bay, trễ rồi. Tôi lên tiếng.
    Thằng Chiến quay lại trách tôi:
    - Mày làm cái gì vậy Minh, người ta chờ mà mày bỏ đi, tụi tao chờ mày.
    - Tao từ biệt rồi!
    Cả bọn nhao nhao lên, ngay cả những thằng còn ở lại, chúng nó nói nửa đùa nửa thật:
    - Ê Minh, mày làm như vầy kỳ lắm, mời người ta ăn bò bía đi, tao đãi cho.
    Một thằng khác lớn tiếng chen vào.
    - Còn tao trả tiền đậu xanh, bánh lọt.
    - Thôi đi tụi mày, đừng dở hơi nữa. Tôi bước nhanh.
    Trên đường đi bộ đến chỗ đón xe, bọn chúng nó cứ trách móc tôi mãi.
    - Mèo mù vớ cá rán mà còn bày đặt chê.
    - Thằng Minh này tầm ngầm mà chết voi đấy!
    Tôi không nhớ đã nghĩ gì trong lúc đó, chỉ biết lòng mình thật trống vắng...

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Vài tháng sau từ trường Đồng Đế Nha Trang, tôi nhận được thư của Đinh Khắc Tâm, một người bạn còn ở lại. Trong thư có đoạn "Em sừng bò thi đậu rồi. Em vẫn còn siêng năng tới chùa học như thường lệ. Quyết định đi, tao sẽ đưa thư giùm cho...”
    Tôi viết thư trả lời "Để yên như vậy cho hai bên còn những hình ảnh đẹp. Nếu tao viết thư than cực, than khổ, cô bé sẽ đâm chán ngấy đó..."
    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng...", giọng hát của Trần Chúc đã bay theo chúng tôi ra Đồng Đế. Và miền cát nóng Nha Trang đã tiếp đón chúng tôi với những ngày hè nắng cháy "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.", và bài hành khúc:

    Trường hạ sĩ quan nung chí người trai
    Một đời thép súng nở hoa tươi cười
    Luyện rèn ngày đêm luôn có anh tôi
    Mưa nắng thao trường thắm bao mồ hôi
    Cùng về Nha Trang sương gió nề chi
    Trèo đèo vượt suối vui hơn kinh kỳ
    Đường chiều hành quân lớp lớp chiến y
    Sương muối rơi nhiều ướt vai sá gì
    Đu đưa giữa trời một đêm nguy không nao
    Qua giây tử thần cười với hố sâu
    Xung phong lên quyết chiến thắng gian lao
    Chiến công rực rỡ hơn nắng đào
    Hẹn về nơi đây chiến sĩ ngàn phương
    Để rồi mai sớm xông pha lên đường
    Dệt thành bài thơ gươm súng muôn phương
    Phơi xác quân thù say men chiến trường.

    Tháng 9/72 TQLC tái chiếm cổ thành làm cho cả miền Nam tưng bừng khí thế chiến thắng. Trường Hạ sĩ quan chuẩn bị cho chúng tôi lên đường tham gia chiến dịch tâm lý chiến ở quân khu II.

    Tháng 11/72 chúng tôi đến các tiểu khu để thi hành chiến dịch. Bài nhạc "Anh đi chiến dịch" của Phạm Đình Chương rộn ràng đưa chúng tôi lên đường.

    "Anh đi chiến dịch xa vời
    Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than.
    Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy
    Thấy nỗi xót xa của kiếp đọa đày, anh đi..."

    Chúng tôi đến các địa phương để chuẩn bị cho dân chúng những điều cần thiết phải làm khi ngưng bắn.
    "Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng."
    Miền cao nguyên Lâm Đồng (Bảo Lộc và Di Linh) đón chúng tôi mùa Đông giá lạnh với đầy nồng ấm tình người, người dân tôi sống hiền hòa trên khắp nẻo đường đất nước.
    Tôi còn nhớ mãi những ngày Đông tháng giá tuyệt đẹp ở Lâm Đồng. Học sinh trường nữ trung học Bảo Lộc với áo khoác len màu tím, và trường Nguyễn Hoàng - Di Linh với áo khoác len màu xanh, làm xanh, tím cả một vùng, trông như những đàn bướm, tung tăng trong những buổi tan trường.
    Những buổi hành quân tâm lý chiến với các toán Nghĩa Quân và Địa Phương Quân cả người Kinh lẫn người Thượng, và các anh chị Xây Dựng Nông Thôn vào tận các xã ấp hẻo lánh trên các đường quốc lộ 14, 19, 20. Các buổi tập hát cho các học sinh người thiểu số vùng cao nguyên Di Linh. Những nụ cười vô tư giòn giã trên gương mặt ngây thơ vô tội như những búp non, trước những bài hát mới, những trò chơi vui lạ mà chúng tôi đem đến cho các em, tạo thêm cho chúng tôi những nồng ấm, và để thấy rằng, cơn gió cao nguyên không phải chỉ lạnh lùng.
    Những ngày trước Noel, nơi xứ đạo Tân Thanh, bốn anh em chúng tôi - những người ngoại đạo. Phạm Vĩnh Ninh - đại học Kiến Trúc, Lê văn Hai - Sư Phạm, Mã Quyền - Ban giáo dục đại học Cao Đài; và tôi - Khoa Học, cố gắng làm cho xong cái hang đá bằng các vật liệu góp nhặt đó đây trước chiều tối ngày 23, vì sáng sớm hôm sau ngày 24, chúng tôi phải đón xe về Saigon cho kịp đêm Noel. Cái hang đá mà theo Cha xứ nói, đã nhiều năm rồi mới được dựng lên để mừng ngày Chúa ra đời ở xứ đạo Tân Thanh.
    Phạm Vĩnh Ninh - trưởng toán, người Bình Dương, đã hy sinh trong năm 73 sau khi anh về một đơn vị Công Binh chiến đấu.
    Theo chương trình thụ huấn, chúng tôi sẽ mãn khóa ngày 25/11/72, nhưng chúng tôi phải kéo dài chiến dịch tâm lý chiến cho đến tháng 1/73 mới trở lại quân trường.
    Chúng tôi được đóng quân ở trại chuyển tiếp. Những đêm tiền đồn trên đèo Rù Rì, tiếng gió rít qua những khe hở của chòi canh, nghe như tiếng ai đó đang rù rì hay thầm thì tâm sự.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trở lại trường Đồng Đế để chấm dứt các lớp học quân sự và chuẩn bị lễ mãn khóa. Khi sĩ quan tuyển mộ nói chuyện với đại đội 719 về chiến thắng oai hùng của TQLC tại cổ thành Quảng Trị, anh em chúng tôi ai nấy đều nức lòng. Nhàn, Sơn, Lành, An và tôi, 5 người tình nguyện về TQLC.
    Tối ngày hôm sau khi việc chọn lựa đơn vị đã kết thúc, ai cũng biết mình sẽ về đơn vị, ngành nào.
    Nơi câu lạc bộ Đông, Hạnh - một người bạn ở đại đội 720 cầm chai bia gần cạn, nét mặt buồn rầu, mắt đỏ hoe. Anh không ngờ với bằng cử nhân Luật mà khi lên chọn đơn vị, anh chỉ đành phải chấp nhận những chỗ cuối cùng còn sót lại ở sư đoàn 3 bộ binh mà thôi.
    Quá nhiều nỗi buồn và tâm sự trong những đêm cuối cùng tại trường Đồng Đế.
    Bao nhiêu mảnh đời dở dang một cách đáng tiếc.
    Mẫu - năm thứ 5 Y khoa, dang dở mộng làm bác sĩ. Nếu chiến trận mùa hè đỏ lửa xảy ra trễ một năm thì anh đã lên năm thứ 6 và được ở lại để hoàn tất việc học hành, cuối cùng anh phải trở thành một sĩ quan trợ y hoặc hành chánh quân y mà thôi.
    Bổn, người Phong Điền - Thừa Thiên, năm thứ 3 Dược khoa. Rất nhiều các bạn năm thứ 3, thứ 4 Nha khoa, các bạn ở Kiến Trúc, Phú Thọ, Nông Lâm Súc v.v.. Hàng ngàn anh em chúng tôi phải dang dở việc học hành. Cả một tài nguyên lớn của đất nước bị đầu tư nửa mùa dang dở.
    Thiều, một người bạn thuộc đại đội 723, trước học Nông Lâm Súc, được đưa về tiểu đoàn 3 TQLC, cứ ray rứt mãi với những lời tâm sự “Tao chưa bao giờ thi rớt mà phải dang dở việc học hành...”
    Ngày trình diện bộ tư lệnh sư đoàn TQLC để chờ được đưa lên Rừng Cấm - Thủ Đức, theo học khóa căn bản TQLC và đổ bộ leo lưới. Nằm cạnh tôi, Thiều đưa cho tôi xem tấm ảnh mà anh vừa chụp chung với cô bạn gái tại bồn hoa trước tòa Đô Chính, trong bộ quân phục TQLC mới tinh, với mũ bê rê xanh mát mắt.
    Thật tiếc cho Thiều, một chiến sĩ TQLC cao, đẹp trai, yêu đời, từ tốn, nhưng có nụ cười buồn, vắn số. Thiều đã hy sinh tại Đồi 51 khi Cộng quân tiền pháo hậu xung, tràn ngập đơn vị, và anh đã phải xin pháo binh rót đạn ngay trên tuyến mình... để ngăn cản các đợt xung phong của địch.
    Thiều đã ra đi để lại cô bạn gái, người tình xinh đẹp phải chịu cùng một nỗi buồn dang dở.
    Rồi cái đám thằng Việt, thằng Lang tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh, về tiểu đoàn 1 TQLC, tụi nó phải tự kinh doanh đời mình trong nghiệp lính.
    Thằng Phan Văn Châu, người Qui Nhơn, học trường Công Nghệ Phú Thọ, phải dang dở cả cuộc tình với cô em bé Marie Curie, quả cau nho nhỏ dễ thương của nó.
    Đêm cuối cùng ở quân trường, quả thật có nhiều nỗi đắng cay, dang dở, nhưng đó chỉ là bước đầu của anh em chúng tôi. Ngày mai, và cả những chuỗi ngày sau đó khi về đến đơn vị, và cứ tiếp tục kéo dài cho đến bây giờ, đã có biết bao nhiêu những mảnh đời phải chịu dở dang, nửa đường gãy gánh.
    Sau khi chấm dứt chương trình thụ huấn tại trung tâm huấn luyện TQLC, chúng tôi được đưa đến trình diện Thiếu tá Diễn - trưởng phòng tổng quản trị và được phân chia đơn vị trước khi gặp Đại tá Quế - tham mưu trưởng sư đoàn.
    Đêm cuối ở Bộ tư lệnh trước khi ra hành quân, chẳng anh nào ngủ được vì ngày mai mỗi người một ngả.

    "Từ nay trên vạn nẻo đường dài,
    Nắng mưa dấu in trên hình hài,
    Tháng năm bước phong sương miệt mài, đó đây..."

    Sáng sớm hôm sau, 20 anh em chúng tôi được đưa thẳng từ Bộ tư lệnh TQLC đến phi trường Tân Sơn Nhất để lên máy bay ra thẳng hành quân. Chiếc phi cơ đáp xuống phi trường Phú Bài đã gần trưa, và chúng tôi được GMC đưa về căn cứ Mang Cá nhỏ - hậu trạm của sư đoàn TQLC.
    Trong chuyến bay này có những người lính của tiểu đoàn 7 TQLC hết phép trở lại hành quân. Trưởng toán là Thiếu úy Cường thuộc đại đội 4. Anh kể cho chúng tôi nghe về tình hình đơn vị, nơi đóng quân và trả lời những điều Sơn và tôi thắc mắc.
    Ngày đầu tiên về tiểu đoàn 7 TQLC, tôi có hai người bạn là Cường và Sơn. Ngày cuối cùng của tiểu đoàn 7 (26/3/1975) tại Thuận An, Cường và Sơn hy sinh, riêng tôi bị thương và là người còn sót lại. Nghĩ đến đời lính tác chiến “10 người chết 7 còn 3” mà quá đỗi ngậm ngùi.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Cường đưa chúng tôi đến gặp Trung úy Tập - chỉ huy hậu trạm của tiểu đoàn. Ông cho biết là chiếc xe Jeep của tiểu đoàn phó sẽ đến đón chúng tôi, hai sĩ quan mới, vào hành quân ngay chiều hôm ấy theo lệnh Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
    Chúng tôi qua hậu trạm đại đội để nhận quân trang quân dụng cần thiết, trước khi lên đường.
    Khoảng gần 2 giờ chiều, Hạ sĩ Bình - tài xế của tiểu đoàn phó Lâm Tài Thạnh, đưa chúng tôi vào vùng hành quân.
    Ngồi trên ghế trưởng xa, tôi chăm chú theo dõi những hình ảnh lạ mắt ở thành phố Huế lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây. Xe rời Mang Cá nhỏ, chạy dọc theo bờ sông Gia Hội rồi quẹo phải ra đường Trần Hưng Đạo, qua chợ Đông Ba, ty Thông Tin, cầu Trường Tiền, Phú Vân Lâu, Cầu Mới rồi đến quốc lộ 1.
    Xe bắt đầu rời thành phố Huế, đến An Lỗ, Phong Điền và khoảng 2 giờ sau thì đến Mỹ Chánh. Nhìn về phía cây cầu cũ chỉ còn trơ lại những hàng cột cháy nám đen, và cây cầu sắt xe lửa chỉ còn lơ thơ những cây sắt gãy gọng, gục xuống dòng sông.
    Nơi đây đã là tuyến tử thủ cuối cùng của Quân Lực Miền Nam dưới quyền chỉ huy của Đại tá Phạm Văn Chung - Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369, trong những ngày hè ngập lửa.
    Qua khỏi Mỹ Chánh khoảng 6 cây số thì đến cầu Bến Đá trên sông Ô Lâu, nơi đại đội 3 - tiểu đoàn 7 TQLC chặn đứng và tiêu diệt đoàn tank Bắc quân ở cuối chặng đường Đại Lộ Kinh Hoàng. Hình ảnh hai chiếc xe tăng Bắc quân bị bắn cháy nằm chồng lên nhau ở bờ Nam cầu Bến Đá là một ấn tượng mạnh mà tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ.
    Đại Lộ Kinh Hoàng đang hiện ra trước mặt với một đoạn đường dài đầy các xe quân sự lẫn dân sự đã được các xe ủi đất của Công Binh ủi sang hai bên đường để khai thông quốc lộ 1. Các toán Công Binh chiến đấu đang dọn dẹp và di chuyển những tàn tích còn sót lại đó đây. Mùi tử khí rờn rợn chung quanh.
    Nhìn về hướng Bắc quốc lộ 1 vắng vẻ, hoang, không nhà cửa, không người. Quay lại nhìn Sơn ở băng ghế sau, hai đứa tôi cùng nhìn nhau mỉm cười, chắc nó cũng như tôi, hai đứa có cùng một tâm trạng.
    Tiếng hát Trần Chúc như văng vẳng bên tai:

    "Trả lại em yêu mối tình vời vợi,
    Ngôi trường thân yêu bạn bè cũ mới
    Đường buồn anh đi bao giờ cho tới
    Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài..."

    Những nỗi đau còn dài đang chờ đợi chúng tôi, những người nhập cuộc. Và còn dài hơn nữa cho quê hương tôi, dân tộc tôi. Bốn chục triệu người ở cả hai miền Nam Bắc đã và đang hứng chịu những nỗi đau chia cắt trong cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt, tương tàn gần 30 năm qua.
    Tôi siết chặt tay Sơn, cả hai chúng tôi cùng im lặng. Quay qua Hạ sĩ Bình, tôi cất tiếng hỏi:
    - Còn xa không anh Bình?
    - Khoảng gần 10 cây số nữa thì tới Bộ chỉ huy tiểu đoàn.
    Nắng chiều đang xuống dần, bụi mờ thoang thoảng trước mặt. Chiếc xe Jeep vẫn lầm lũi đưa chúng tôi tiến về phía Quảng Trị Cổ Thành.

    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng,
    Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng..."
    Tôi ngồi thẳng lại và cất tiếng hát khe khẽ.
    "Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
    Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
    Đem mối thương yêu vào niềm thương nhớ
    Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về..."

    Đời lính chiến mấy ai biết được ngày về...
    Nở một nụ cười tự tin, tôi nhìn thẳng về hướng bụi mờ trước mặt.

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    2. QUẢNG TRỊ, THÀNH PHỐ BUỒN THIU


    Cổ thành Đinh Công Tráng, cái bánh chưng khó nuốt. Phải gọi đó là cái bánh chưng đẫm máu. Với diện tích chưa đầy 1 Km vuông, nó đã làm kiệt quệ sư đoàn Dù và làm tiêu hao một nửa sư đoàn TQLC, các liên đoàn Biệt Động Quân và Địa Phương Quân, cộng với sự thiệt hại đáng kể của các đơn vị yểm trợ... Đồng thời nó cũng xóa sổ hàng chục trung đoàn Bắc quân, kiềng chốt trong và ngoài cái địa danh lịch sử của tiểu khu Quảng Trị.

    Đơn vị tôi dừng chân ở Quảng Trị và cổ thành trước ngày hiệp định Paris ngưng bắn 27/01/73.
    Toàn bộ thành phố Quảng Trị và cổ thành Đinh Công Tráng chỉ còn là một đống gạch khổng lồ, đổ nát hoang tàn, không một bóng cây. Dãy hào sâu bao bọc khu thành cổ chỉ còn là những vũng nước đứt quãng vì gạch đá tràn lấp, san bằng, có nhiều chỗ cao hơn cả mặt đất.
    Những ngày cuối tuần trong tháng 3 và tháng 4 năm 1973, từng đoàn người lũ lượt tràn về Quảng Trị với cờ xí, biểu ngữ nối đuôi nhau tháp tùng theo các đoàn xe quân sự lẫn dân sự, hàng hàng lớp lớp từ Huế và Đà Nẵng kéo ra địa điểm trao đổi tù binh hai miền ở bờ Nam sông Thạch Hãn.
    Thả bộ từ vị trí đóng quân cách đó hơn 1 cây số, tôi đến nơi trao đổi tù binh. Những chiếc ca nô của công binh từ bờ Nam, chở tù binh Bắc quân qua bờ Bắc và đón các chiến sĩ QLVNCH trở lại bờ Nam.
    Không khí hai bên bờ sông hoàn toàn khác biệt. Phía bờ Bắc thưa thớt người, chỉ toàn là bộ đội, không có bóng người dân. Bờ Nam thì thân nhân, dân chúng, học sinh từ các trường trung học ở Huế, Đà Nẵng kéo ra nườm nượp.
    Những tà áo dài Đồng Khánh thướt tha như từng đàn bướm trắng, được che mát bởi những chiếc nón bài thơ mượt mà. Những bộ đồng phục quần xanh, áo trắng Quốc Học làm cho tôi nhớ lại quãng đời học sinh mà tôi đã rời bỏ không lâu.
    Nhạc chào mừng, loa phóng thanh loan báo, các vòng hoa, lời chúc mừng, nước mắt, nụ cười đoàn tụ, như cùng một lúc òa vỡ khắp bờ Nam.
    Quang cảnh náo nhiệt, thức ăn, nước uống tràn ngập như một ngày đại hội.
    Đứng ở một góc khuất xa các đám đông người, tôi nhìn và theo dõi những bi hoạt cảnh của đời. Nơi này thì nói cười, chỗ kia thì tư lự, từng nhóm tụm năm, tụm ba. Những đám đông người khi thì vang lên những lời đả đảo, lúc lại rộn ràng những tiếng hoan hô.
    - Đả đảo bọn cộng sản Bắc Việt xâm lăng!
    - Hoan hô các chiến sĩ QLVNCH!
    Trên gương mặt các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trở về từ bờ Bắc là cả một sự vui mừng hớn hở, nhưng trên gương mặt những tù binh Cộng Sản rời khỏi bờ Nam là cả một sự dửng dưng. Phải chăng họ đã chai lì hoặc là sống sau bức màn sắt, thì không ở tù cũng như ở tù mà thôi.
    Rải rác đó đây, có những đôi uyên ương xé lẻ, họ không đứng cùng dòng người, họ tìm những nơi khuất nẻo, những góc yên tĩnh để tâm sự, hàn huyên.
    Lác đác tôi cũng nhìn thấy vài người đứng một mình đang nhìn vào những cảnh tượng xảy ra, trên gương mặt họ lúc điểm nụ cười, lúc lộ niềm suy tư lo lắng.
    Quay nhìn lại phía sau lưng, tôi thấy một người lính TQLC đứng một mình đang theo dõi các đám đông, cùng lúc đó anh quay sang nhìn tôi. Chúng tôi cùng mỉm cười chào nhau. Thì ra tôi cũng có người anh em đồng điệu.
    Chiều về, khi những cuộc trao đổi trong ngày đã chấm dứt, những chiếc ca-nô đã trở lại bờ Nam, đoàn người đã rời khỏi nơi này. Sự yên lặng trở lại trên hai bờ của dòng sông, những rác rưởi, dấu vết của một ngày ồn ào vừa lắng xuống. Ráng chiều trải dài trên thành phố nóng như lửa đốt, vì không còn màu xanh của cây cối.
    Một mình thơ thẩn trên đường về, văng vẳng giọng ca Elvis Phương từ một chiếc radio của một chiến binh tiểu đoàn 7 TQLC đóng cạnh bờ sông.
    Bài hát mang tên "Thành Phố Buồn Hiu", mà giờ này lại càng thêm ảm đạm hoang tàn.

    "Quê hương anh là Quảng Trị
    Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn
    Ngày xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng
    Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung
    Và chiều chiều trên con phố buồn hiu
    Cùng người yêu anh thường hò hẹn
    Tình nồng thơm chất ngất men say..."

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mở đầu bài thơ của chàng chiến binh TQLC thật nhẹ nhàng, thơ mộng. Rồi thì đời trai phải lăn lóc gió sương, anh phải gia nhập quân đội để làm tròn nhiệm vụ trong thời chinh chiến, và anh đã trở thành một chàng Cọp Biển.
    Hãy nghe anh kể tiếp câu chuyện.

    "Hôm anh xa rời Quảng Trị
    Trời đổ mưa, mây mù giăng thành phố
    Người yêu đứng bên đường lặng lẽ nhìn
    Tình lưu luyến đau lòng người ra đi
    Nhìn tạ từ ôi con phố buồn hiu
    Hẹn cùng ai mai này trở lại
    Đường tình xưa tiếp nối hẹn hò..."

    Hẹn ước là một chuyện, nhưng thực tế lại là một điều khác xảy ra. Cuộc đời quân nhân nổi trôi đây đó, anh chưa có dịp trở lại Quảng Trị thì lửa đạn đã tràn đến quê hương anh.

    "Rồi đời anh như chim bay vào bão tố
    Một hôm nghe quân thù về cướp quê hương
    Súng đạn của giặc thù
    Cày nát tim người nghèo nàn
    Máu lửa ngập tràn, phủ kín quê hương..."

    Người chiến binh đã trở về thành phố trong đoàn hùng binh TQLC để chiếm lại cổ thành Đinh Công Tráng và thành phố Quảng Trị quê hương anh gần 5 tháng sau đó.

    "Khi hay tin anh trở về
    Tìm người yêu, trong vòng vây đạn pháo
    Thành phố đó bây giờ đầy xác người
    Đường phố đó bây giờ đà tan hoang
    Và tìm hoài sao không thấy người xưa
    Đường buồn hiu âm thầm một mình
    Giờ còn ai tiếp nối hẹn hò..."

    Lang thang một mình trở về vị trí đóng quân. Nắng chiều trải dài trên con đường Quang Trung không còn giới hạn tầm mắt, tôi có thể nhìn suốt cả một khoảng không gian trước mặt vì tất cả nhà cửa đã sụp đổ hoang tàn. Trường Nguyễn Hoàng chỉ còn trơ những cột bê tông đổ nát, với những thỏi sắt cong quẹo cháy nám. Tôi thấy thấm thía và cảm thông nỗi lòng của người chiến hữu.
    Không biết giờ này, nơi đâu, anh có được đoàn tụ với người xưa để không còn phải chờ đợi, hẹn hò?
    Bước chân tản mạn đưa tôi đến một lối vào cổ thành, làm tôi nhớ đến một người bạn, một chiến binh tiểu đoàn 3 TQLC - Lê Đình Lời. Người Trung đội trưởng gan dạ đã leo lên bờ thành cổ, đánh bật các chốt của Việt Cộng, mở màn cho việc chiếm lại cổ thành Đinh Công Tráng rạng sáng ngày 15/9/72.
    Anh kể lại: Trong chiếc hầm chữ A gần như hoàn toàn sụp đổ ở một góc tường thành, một cuốn nhật ký cháy sém với những dòng chữ nhạt nhòa bởi máu và nước mắt của một anh bộ đội miền Bắc.
    "Mẹ ơi! Chắc con chết mất! Mấy tuần nay bom, pháo liên tục dội xuống cả ngày đêm, mắt, mũi, tai con chảy máu cả ra. Người con cơ hồ như bị ai đánh đấm túi bụi, con chẳng thiết ăn uống gì cả, chỉ mong được một giấc ngủ ngon..."

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Như một phản ứng tự nhiên từ khi có các loài sinh vật, trong cảnh cùng khốn, con người hay con vật thường kêu van mẹ vì mẹ là một điều gì đó thiêng liêng và gần gũi nhất.
    Không biết trong những đống xác chết của những người bộ đội miền Bắc, được chôn vùi tập thể dưới những ngôi mồ bên trong cổ thành Đinh Công Tráng những ngày sau đó. Có anh không anh lính Bắc quân!? Nếu có, xin chúc anh ngủ ngon và quên đi những gì đã xảy ra cho tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thoát.
    Với diện tích chưa đầy 1 Km vuông, cổ thành Đinh Công Tráng đã đón nhận hàng trăm ngàn tấn bom đạn của cả hai phía trút vào, từ những ngày đầu tháng 3/72 khi Bắc quân pháo kích vào bộ tư lệnh sư đoàn 3 bộ binh. Sau đó bom đạn từ hai phía và từ đệ thất hạm đội, từ các phi vụ B-52 liên tục trút vào cho tới ngày ngưng bắn. Tính ra một mét vuông đất của cổ thành được nhận lãnh hàng tấn bom đạn.
    Sinh vật nào có thể sống được trong tình trạng này? Chỉ có những người lính Bắc quân bị bức tử không còn con đường nào khác để chọn lựa mà thôi!!!
    Tôi có một người bạn vong niên, sơ giao nhưng lại rất thân tình. Anh kể cho tôi nghe về một tác phẩm của một nhà báo, phóng viên chiến trường người ngoại quốc viết về chiến tranh Việt Nam. Tên quyển sách là: Việt Nam, cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn - cuộc chiến tranh phá sản.
    Còn có nhận định nào hay và đúng bằng nhận định trên?
    Thực tế thì sau cuộc chiến tranh hơn 20 năm chia cắt, dân tộc tôi chết hơn 2 triệu người, đất nước tôi thụt lùi hàng thế kỷ, và cho tới bây giờ 50 năm sau ngày đất nước bị chia cắt, 30 năm sau ngày thống nhất, dân tộc tôi vẫn còn bị nợ nần như chúa chổm.
    Chúng ta thấy rõ ràng. Sau khi miền Bắc thắng thì đất nước kiệt quệ, chính sách cai trị độc tài và ngu dốt, thêm vào sự cấm vận của Mỹ và khối tư bản trong nhiều năm, dân Việt Nam nằm trên vựa thóc mà vẫn phải nghèo đói không có cơm ăn.
    Cho đến bây giờ người dân quê hương tôi vẫn còn là một món hàng được xuất cảng đi khắp các nước khác để lao động trả nợ, những món nợ mà chính quyền miền Bắc đã vay mượn trong thời chiến.
    Nhưng nếu miền Nam thắng thì dân tộc tôi sẽ được gì? Hay là vẫn những tên tham nhũng, xôi thịt, tồi bại từ miền Nam sẽ ra hốt của cải, tài sản của người dân miền Bắc, vốn đã chẳng còn có gì.
    Có ai dám bảo đảm rằng những tên tư bản Mỹ sẽ không kéo vào cày xéo đất nước tôi lên để lấy tài nguyên, bù vào những số tiền viện trợ mà họ đổ vào đất nước tôi, suốt trong 20 năm họ hiện diện.
    Trước năm 1954 nhân dân tôi chẳng mắc nợ ai. Bọn Tây thực dân không chịu trả độc lập cho dân tộc tôi. Bọn Mỹ tư bản không chịu nhìn nhận đất nước tôi. Hai khối Cộng Sản và Tư Bản đang tâm chia cắt đất nước tôi mà không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của hơn 30 triệu người dân tôi thời đó.
    Miền Bắc thì hò hét, hô hào giải phóng miền Nam. Miền Nam thì tự nhận là tiền đồn, thành trì chống Cộng của thế giới tự do, ngăn chận làn sóng đỏ.
    Những năm cuối bậc trung học và suốt những năm ở bậc đại học, chúng tôi đã được các chính trị gia thời đó nhồi nhét vào đầu các tư tưởng như “chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh ý thức hệ...”, không thể chung sống với Cộng Sản, Cộng Sản bần cùng hóa nhân dân.
    Cộng Sản Việt Nam đúng là tay sai của Nga, Hoa, nhưng có ai dám bảo đảm rằng những người chính trị gia miền Nam không phải là đày tớ, gia nô của thực dân Pháp và tư bản Mỹ.
    Miền Bắc thì cáo già Hồ Chí Minh đóng kịch, lừa đảo người dân cùng khổ bằng cách vừa khóc, vừa quệt nước mắt như một đứa con nít, miệng thì thốt ra các câu nói xảo ngôn như "Miền Nam lúc nào cũng ở trong trái tim tôi...". Hồ Chí Minh đâu có tim, nếu có tim ông đã không lường gạt dân tộc.
    Nhân dân tôi, đất nước tôi được gì trong suốt 20 năm chia cắt? Trong 20 năm này tất cả các nước trên thế giới được xây dựng, kiến thiết, thì tại đất nước tôi, hơn 2 triệu người lao động chính của hai miền Nam Bắc, cộng với hơn 1/2 triệu lính Mỹ và hàng chục ngàn của các nước đồng minh, mang theo bom đạn, vũ khí, chất độc hóa học của cả hai phe tư bản và cộng sản, thay vì xây dựng lại đi tàn phá đất nước tôi, giết hại nhân dân tôi.
    Điều này là nghĩa lý gì? Chính nghĩa ở phe nào, miền Bắc hay miền Nam?
    Chung cuộc thì chính quyền của cả hai miền Nam Bắc đều là tay sai của ngoại bang, đều bị áp lực của ngoại bang đi tàn sát chính dân mình để tường trình thắng lợi.
    Hai miền Nam Bắc là hai con gà chọi bị bọn Tư Bản và Cộng Sản, bôi nghệ, tháp cựa, phun nước vào mặt cho đá với nhau chí tử..!
    “Chú phỉnh anh rồi chính phủ ơi!!!”
    Xin cho tôi nói một lời đơn giản. Chính phủ của cả hai miền Nam Bắc đều lường gạt dân tộc tôi.
    Thật là nực cười khi Lê Chiêu Thống chửi bới Trần Ích Tắc rước voi về dày mả tổ.
    Chắc đó là cái nghiệp xương máu mà dân tộc tôi phải trả!
    "Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

    Năm 1972 có hơn 60 đại đội tân binh TQLC tốt nghiệp tại trung tâm huấn luyện Rừng Cấm - Thủ Đức để bổ sung cho sư đoàn TQLC tại chiến trường. Ngoài ra còn có các khóa sĩ quan, hạ sĩ quan, các khóa chuyên môn như Công Binh, Pháo Binh, các quân phạm được cung cấp cho các đơn vị, các ban ngành. Hàng chục ngàn người được bổ sung, thay thế cho các đợt chiến binh đã hy sinh.
    Trong ba tháng tái chiếm cổ thành Quảng Trị, số chiến sĩ TQLC đền nợ nước đã lên tới con số hơn 5.000 người.
    Ôi!!! Biết bao xương máu, nhân tài vật lực được nhét vào cái “bánh chưng đẫm máu”, mỗi bề chỉ dài chưa được 1 Km, và cuối cùng chúng tôi đã thắng, một trận thắng để đời; Thắng để được gì!!!? "Một tiếng vang ở bàn hội nghị Ba Lê hay một đòn chính trị..."
    Hàng loạt huy chương cấp bậc để thay thế cho hàng chục ngàn người chết banh xác!

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Một nỗi sợ hãi thấm vào lòng, tôi vội vàng quay người bước ra khỏi tòa thành cổ, vừa đi vừa nghĩ ngợi mông lung, "Ba mươi năm trước nếu Bố không vào Nam thì anh em tôi cũng đã là những người lính Bắc quân này. Hoặc là những bộ xương trắng trên đường Trường Sơn, hoặc tan nát hình hài trong khu thành cổ!"
    Về đến nơi đóng quân với cõi lòng hoang mang và một mặc cảm tự ti ích kỷ "May mắn cho anh em chúng tôi, Bố vào Nam..."

    Tiếng chào hỏi của người lính gác kéo tôi trở về thực tại.
    - Ngoài đó vui không Thiếu úy?
    - Vui gì đâu! Tao chỉ đi rửa mắt chơi. Lâu lắm rồi mới được nhìn thấy từng đoàn áo dài đủ màu sắc trông như những đàn bướm, đông thiệt là đông.
    Hạ sĩ nhất Quang, một Tiểu đội trưởng của trung đội 2, đang ngồi trong cái nhà bằng tôn, ván chắp đụp để làm nơi ngồi ăn của tiểu đội này, lên tiếng:
    - Ở nhà nhậu vui hơn ông ơi, ra ngoài đó dang nắng mệt thấy mồ tổ.
    Những người lính nhậu say, thực tình là những mối lo cho đơn vị. Nhớ lại lần tôi gặp một toán lính thuộc đại đội 1, gánh 6 cái poncho xác người về tiểu đoàn tuần trước mà thấy lạnh người.
    Các anh này vui quá nhậu say rồi cãi lộn vì tự ái. Một anh rút chốt quả lựu đạn, sút tay làm rớt xuống đất. Cả đám say quá không phản ứng kịp. Thế là uổng mạng! Đó là những cái chết thật vô ích, thiệt mạng mình lại còn làm liên lụy đến những người khác như bạn bè, cha mẹ, vợ con...

    Mùa lũ bắt đầu bằng một cơn bão lớn đêm qua và một trận mưa kéo dài đến gần sáng. Bước ra khỏi chỗ ngủ, tôi vươn vai làm vài động tác để khởi động cái thân thể mỏi nhừ suốt đêm không chợp mắt được vì mưa bão.
    Con đê dọc bờ sông, chiều hôm qua còn là cái sân đá banh của tiểu đội 2 - trung đội 1 của Trung sĩ Điện, bây giờ hoàn toàn khuất lấp dưới dòng nước mênh mông của sông Thạch Hãn. Vài chiếc cọc sắt ấp chiến lược mà những anh lính đóng để căng lều, giăng võng nằm ngủ, lòi lên khỏi mặt nước đang lắc lư chống chỏi dòng cuồng lưu đang chảy xuôi ra biển.
    Tiếng các người lính gọi nhau ơi ới dọc theo bờ sông, kéo dài suốt vị trí đóng quân của trung đội 1.
    Khoảng giữa khuya khi cơn bão trút xuống một cách bất ngờ, giận dữ. Dòng nước sông dâng cao quá nhanh. Các tiểu đội đóng trên bờ đê và dọc theo dòng sông được lệnh di chuyển lên các điểm cao. Nước dâng quá đột ngột, chỉ một tiếng đồng hồ con đê đã chìm dưới dòng nước, cuốn theo 2 người lính của trung đội 1 khi họ cố gắng lội vào bờ.
    Giọng nói run run xúc động của một người lính trung đội 1 kể lại tai nạn xảy ra làm ai nấy đều bùi ngùi. “Khoảng 11 giờ khuya nước bắt đầu tràn bờ đê. Tụi em sợ quá, cuốn hết quân trang, quân dụng vội vã lội vô bờ. Thằng Nở và thằng Tiến không biết bơi nên khi từ trên bờ đê bước xuống là rơi tõm ngay vào những trũng nước sâu ngập đầu, tụi nó bị nước cuốn....".
    Hai ngày sau thi thể Binh nhất Nở và Binh nhì Tiến được tìm thấy nổi lềnh bềnh trên sông Vĩnh Định, gần cầu Ba Bến.

    Thời gian ở cổ thành tôi được đi bay với huynh trưởng Nguyễn Văn Huyền, anh tốt nghiệp khóa 5/70. Đầu năm 75 anh được chuyển qua tiểu đoàn 16 TQLC tân lập, và anh đã hy sinh trong những trận đánh cuối cùng vào tháng 4/75.
    Anh Huyền người Tây Ninh, cao ráo, da ngăm đen rắn chắc và nghiêm nghị. Anh em chúng tôi thường tâm sự về thời gian còn là học sinh. Anh rất thích đàn cho tôi hát. Nhiều lần anh đàn cho tôi hát say sưa đến nỗi đau cả mấy đầu ngón tay bấm phím mà vẫn không chịu ngừng. Anh là người rất nhạy cười, anh cười ra nước mắt mỗi lần tôi kể chuyện tếu hoặc đùa giỡn.
    Thời gian ở cổ thành cũng xảy ra vài chuyện thương tâm. Một hôm 3 người lính thuộc trung đội 1 rủ nhau đi bắt tôm, bắt cá. Gặp cái giếng cạn, nghe tiếng ếch kêu, một anh leo xuống. Chẳng may khi xuống tới đáy giếng thì anh kêu vói lên trên là mệt quá, chóng mặt. Anh lính thứ nhì lần theo dây xuống cứu bạn thì cũng bị tình trạng tương tự. Người thứ ba là Hạ sĩ Lợi - tiểu đội phó cũng lao xuống nhưng vừa tới miệng giếng thì thấy chóng mặt, ngộp thở và nôn thốc nôn tháo ra cả máu. Thất kinh anh chạy về kêu la cầu cứu.
    Bác sĩ Rậu - Y sĩ trưởng tiểu đoàn chạy đến, ra lệnh cho các người lính đi chặt những cành cây và thay phiên nhau dùng cành cây thụt lên thụt xuống để bơm không khí xuống giếng.
    Sau đó các anh lính xuống giếng mang các bạn mình lên thì hai người lính đã chết ngộp. Thì ra khí độc và thán khí từ bom đạn, tỷ trọng nặng hơn không khí, tụ lại dưới đáy giếng. Khi hai anh lính xuống dưới thì bị chóng mặt xây xẩm, ngã ra bất tỉnh vì thiếu không khí để thở. Hạ sĩ Lợi thoát chết và từ đó có cái tên mới là "Lợi Hộc Máu".
    Vài người lính khác tìm thấy những chai thuốc rầy trong các căn nhà đổ nát, họ mang đổ xuống các ao vũng chung quanh cổ thành để thuốc cá. Chỉ vài phút sau những con cá say thuốc nổi lên. Thế là họ tha hồ vớt. Chiều hôm đó cả trung đội ăn cơm với cá tươi và cả ngày hôm sau cả trung đội ngật ngừ vì say thuốc rầy. Cũng may là chưa ai thiệt mạng.
    Từ đó anh em chúng tôi nhận ra rằng, phải cẩn thận đề phòng các chất độc tác hại đến thân thể, nếu không thì thiệt thân, uổng mạng.
    Thời gian này đại đội 3 thay phiên nhau được đi phép, mỗi tuần có một sĩ quan và khoảng 10 người lính đi phép, sau khi toán này trở ra thì đến phiên toán kế tiếp.

  10. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Sau ngày ký kết hiệp định ngưng bắn. Các đơn vị đồng minh rút quân, viện trợ từ Hoa Kỳ bị cắt giảm đáng kể. TQLC Việt Nam cũng mất đi một nguồn tài trợ lớn từ TQLC Mỹ.
    Theo lý thuyết thì mỗi người chiến binh được nhận 3 bộ đồ mới hàng năm, thực ra nếu có được 2 bộ đồ mới mỗi năm là mừng quá rồi. Đôi khi nhận đồ đạc còn phải bị bắt xác (đem đồ cũ đổi lấy đồ mới). Súng thì phải có số danh bộ, quân trang, quân dụng thì phải liệt kê rõ ràng, mất thì phải bồi thường hoặc phải chịu thiếu thốn, đạn và lựu đạn thì phải đủ cấp số. Thành ra những người lính không dám vứt bỏ bừa bãi như trước kia nữa.
    Vải ngụy trang mũ sắt, dây ba chạc, giày là những vật gần như không được thay thế định kỳ. Có những chiến binh với chiếc dây ba chạc rách tươm, mũ sắt không có vải ngụy trang hay rách loang lổ trông thật tội nghiệp.
    Tôi có đôi giày hư chờ đỏ mắt không được phát đành phải vào khu dân sinh Saigon mua trong dịp tiểu đoàn về hậu cứ. Trong đó thì hàng quân đội sắp lớp, cỡ nào cũng có, ngay cả đồ trận, áo Jacket, giây ba chạc, giày, bi đông, ca, xẻng, cuốc v.v.. Chỉ cần có tiền trả, muốn mua gì cũng có. Rất tiếc tiền lương người lính quá khiêm nhường ít ỏi...
    Những anh lính độc thân thì còn có tiền tiêu xài, riêng các anh có gia đình thì ủy quyền cho vợ nhận lương để nuôi con nên lúc nào túi cũng xẹp lép quanh năm, dù là đầu tháng hay cuối tháng.
    Đúng là TQLC sống hùng, sống mạnh, nhưng sống nghèo nàn.
    Sau ngày ngưng bắn trong ba lô anh em chúng tôi ai cũng có một bộ đồ kẻng, gọi là kẻng nhưng thật ra chỉ là một bộ đồ lành lặn nhất để phòng khi đi phép, hoặc về hậu cứ có sẵn để mặc cho tươm tất đỡ phải tủi thân. Lúc đó chúng tôi được phát đồ bông thay thế cho đồ rằn, được gọi là quân phục ngụy trang đồng nhất.

    Mưa xuân bắt đầu rơi và các mầm sống xanh tươi bắt đầu trổ ra khắp nơi. Chung quanh bờ các hồ ao, vũng nước, các ngọn rau muống bắt đầu vươn ra, trổ nhánh đâm chồi. Như các mạch sống tiềm tàng trong lòng đất, các chồi măng non lại trỗi lên từ các bụi tre già tan tác không còn hình dạng vì bom đạn.
    Lác đác đã có một số người dân Quảng Trị, thân nhân của các đơn vị Địa phương quân, các cơ sở hành chánh xuất hiện và tỉnh Quảng Trị chuẩn bị hồi cư. Trung tá Đỗ Kỳ - Trưởng phòng 3 TQLC được chỉ định làm tỉnh trưởng Quảng Trị.
    Anh em chúng tôi, những người lính TQLC bắt đầu đùa với nhau, nếu có ai hỏi chúng tôi ở đơn vị nào, thì anh em chúng tôi cười rộ lên và trả lời:
    - Địa phương quân tỉnh Quảng Trị.
    Đã một năm rồi từ ngày bắt đầu cuộc chiến mùa hè đỏ lửa, cả hai sư đoàn Dù và TQLC đã có mặt ở Quân đoàn 1 tiền phương. Sau đó TQLC chúng tôi từ từ thay thế cho sư đoàn Dù vì đơn vị bạn được di chuyển vào Quảng Nam - Đà Nẵng.

    Tháng 3/73, tiểu đoàn 7 TQLC được lệnh hoán đổi với tiểu đoàn 3 tại khu vực Chợ Sãi và sông Vĩnh Định, cầu Ba Bến.
    Bỏ chiếc ba lô xuống đất, tôi nhảy xuống giao thông hào và chui vào căn hầm ẩm thấp, nơi trú ngụ của tôi trong thời gian sắp tới. Tiếng những người lính gọi nhau ơi ới để nhận tuyến mới, đột nhiên có tiếng người la lên xen lẫn chút ngạc nhiên trong giọng nói.
    - Ê tụi bay, Việt Cộng đứng ở hàng rào mời mình ra nói chuyện kìa!
    Cái hàng rào được dựng lên sau ngày ngưng bắn để phân chia khu vực hai bên. Bên kia là những lá cờ xanh đỏ của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Bên này là cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam tự do.
    Những anh lính miền Bắc đến bên hàng rào gọi và hỏi thăm chúng tôi. Tôi cảm thấy cái không khí xã giao thân mật này như ẩn chứa một điều gì không ổn, sớm muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra. Chúng tôi nói chuyện nhưng lúc nào cũng đề phòng. Chưa bao giờ chúng tôi lại mặt đối mặt với những anh lính Bắc quân như thế này. Bắt tay nhau, nói vài câu thăm hỏi, mời nhau một điếu thuốc. Chắc các anh ấy cũng như chúng tôi đều không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra vì sau ngày ngưng bắn tại chỗ, các cuộc nói chuyện giữa hai miền Nam Bắc chẳng đi tới đâu.
    Có một hôm phái đoàn các bên đình chiến trên hai chiếc trực thăng vừa bay qua sông Thạch Hãn thì phòng không miền Bắc nổ như pháo bông trên bầu trời. Quá kinh hoàng cả hai chiếc trực thăng quay đầu trở lại, bay vô bờ Nam của dòng sông.
    Trái với sự tưởng tượng và mong đợi của người dân miền Nam, họ cứ nghĩ ngưng bắn là có hòa bình. Những người chiến binh TQLC ở địa đầu giới tuyến, hơn ai hết thực sự mong ước điều này xảy ra, nhưng trong thâm tâm anh em chúng tôi cũng đều biết rằng, ngưng bắn chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy mà thôi.
    Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng đề phòng để đối phó các cuộc tấn công bất ngờ của Bắc quân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trang 1 / 7 123 ... Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. 3 bước bảo quản đồ gỗ để ngoài trời
    By Nhan in forum Mẹo Vặt-Khéo Tay
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 11-20-2010, 04:15 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-11-2010, 06:54 AM
  3. Sữa ngoại đang thao túng thị trường sữa Việt Nam
    By giavui in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-31-2010, 01:42 PM
  4. Cả nhà quỳ ra đường để đòi công lý
    By giavui in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-30-2010, 04:44 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-25-2010, 09:52 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •