Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Trên đời chỉ có một việc đáng nói là tình yêu vì nó là mầm mống của sung sướng và là nguyên nhân của đau khổ.
Ronsard
Trang 2 / 7 ĐầuĐầu 1234 ... Cuối Cuối
Results 11 to 20 of 62

Chủ Đề: Những mảnh đời dang dở

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Những mảnh đời dang dở

    Tác giả:
    Nguyễn Ngọc Minh


    Ngày đi

    Sách đã xuất bản năm 2004, bởi THẮNG MÕ NAM CALIFORNIA ấn hành.
    Tác phẩm gồm những bài viết của một người lính Thủy Quân Lục Chiến về những mảnh đời rất thật của chính tác giả và đồng đội cũng như số phận nghiệt ngã mà những người lính VNCH phải gánh chịu theo mệnh nước nổi trôi...
    Những bài viết rất thật đến độ có thể làm khó chịu một vài người nhưng chắc chắn những người đã từng cầm súng bảo vệ mảnh đất miền Nam thân yêu trước đây sẽ tìm thấy bàng bạc hình ảnh của chính mình trong đó.
    Đôi hàng về người viết:
    Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1951 tại Saigon. Học trường tiểu học Trương Minh Ký, sau đổi thành Nguyễn Thái Học, trung học tại trường Nguyễn Trải, sau đó là Đại học Khoa học Saigon.
    Gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến năm 1972, trấn đống tuyến đầu Quảng Trị, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An - Đà Nẵng cuối tháng 3/75. Cải tạo 6 năm từ Trung ra Bắc. Vượt biên đường bộ 2 tháng xuyên qua Kampuchia đến Thái Lan 6/81. Định cư tại San Fernando Valley - Los Angeles từ 7/83. Hiện là chủ nhân cơ sở "Professional #1 Auto Repair" ở Canoga Park, California.


    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..."
    Thấm thoát đã 32 năm từ ngày Trần Chúc leo lên sân khấu vườn Tao Ngộ - Trung Tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ để hát bài “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy. Mùa hè đỏ lửa năm đó, miền cát nóng Quảng Trị Cổ Thành, đã cuốn hút biết bao nhiêu người dân Việt trong lứa tuổi thanh xuân, đến để tàn sát nhau trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt.

    Đầu tháng 3/72 cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt, với những trận địa chiến nặng nề, khi quân đội miền Bắc dồn toàn lực tấn công trên khắp các vùng chiến thuật.
    Tàn khốc nhất là mặt trận Quảng Trị khi Bắc quân tràn qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Bất chấp các hiệp định đã được ký kết, quyết tâm lấn chiếm các căn cứ quân sự của quân dân miền Nam ở phía Bắc sông Thạch Hãn, để làm bàn đạp tiến xuống miền Nam. Cùng lúc đó các mặt trận khác cũng sục sôi không kém.
    Mặt trận Tây Nguyên - Kon Tum, Đakto, Tân Cảnh ở vùng II chiến thuật.
    Mặt trận Bình Long - An Lộc ở vùng III chiến thuật - Tây-Bắc của thủ đô Saigon.
    Tôi còn nhớ chiều hôm ấy vào dạo cuối tháng 3/72 khi đang ngồi uống cùng anh bạn học, Thiếu úy Nguyễn Văn Vân, vài chai bia trong lần gặp gỡ cuối cùng. Anh cũng là một học sinh Nguyễn Trãi và chúng tôi cùng học luyện thi tại trường Tân Văn niên khóa 67/68, nhập ngũ khóa 9/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khi tốt nghiệp anh đã tình nguyện về Nhảy Dù.
    - Ngày mai tụi tao lên Pleiku tăng phái cho quân đoàn II tại mặt trận Tân Cảnh.
    Tôi cũng chẳng biết nói gì khi chia tay bạn vì hai chữ bình an lúc này vô nghĩa. Ai ra đi cũng được cầu chúc bình an, nhưng có mấy người được an bình trở lại...
    - Giữ gìn sức khỏe, dạo này cánh tay mày ra sao?
    Vân bị tai nạn bên cánh tay phải năm học đệ tứ nên khi viết bảng phải dùng tay trái, tay phải bị run khi anh dơ lên cao. Nhưng lần này anh đưa cả hai cánh tay thẳng lên trời.
    - Quân đội là lò luyện thép mà.
    Đó là lần cuối cùng gặp nhau. Khi tôi đến Hải Trường - Bến Đá, trong một lần gặp gỡ vài người bạn thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, thì được biết Vân đã hy sinh tại Động Ông Đô trên đường tái chiếm cổ thành.

    Tháng 4/72 chúng tôi được giấy gọi nhập ngũ. Lúc này tình hình chiến sự thật sôi động. Trên các trang báo ngoài những mục bình thường, phần tin tức chỉ toàn là tin chiến sự. Hình ảnh những đoàn người tỵ nạn chiến tranh chen chúc nhau đổ vào các trung tâm tỵ nạn tại Huế và Đà Nẵng. Các đoàn quân tiếp tục tiến ra chiến trường, các trận đánh đẫm máu, các lời tường thuật về những anh hùng vị quốc vong thân.
    Hình ảnh xúc động tột cùng của một em bé gái bị bom Napalm cháy phỏng khắp thân mình, đang chạy kêu la cầu cứu với gương mặt hốt hoảng, đau đớn...

    Giữa tháng 4/72 bài hát anh hùng Không Quân Trần Thế Vinh được truyền đi trên các làn sóng phát thanh. Tiếp theo là hàng loạt các bài hát Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy...

    Cuối tháng 4, những bức chân dung mới bắt đầu xuất hiện trên bùng binh chợ Bến Thành và một số các bùng binh khác trong thành phố Saigon. Bài hát “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh làm xúc động lòng dân thành phố và cả miền Nam.

    Các trường đại học cho thi sớm hơn để các sinh viên chuẩn bị xếp bút nghiên lên đường. Phòng thi thưa thớt thí sinh, hầu hết là những anh còn ở lại mới còn tâm trí đến trường. Chúng tôi đã có giấy gọi, không còn hứng thú để vào thi, tụ tập bên ngoài phòng thi, kẻ thì bàn tán về tương lai trong cuộc đời quân ngũ, người thì vẽ ra các chọn lựa để phòng xa, một số ít thì ù lì thả trôi theo vận nước "tới đâu thì tới...".
    Last edited by giavui; 10-25-2010 at 04:20 AM.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Sau khi sắp xếp xong xuôi những công việc cần thiết khi đến vị trí đóng quân mới, tôi leo lên bờ giao thông hào, đi dọc theo vị trí đóng quân của đơn vị.
    Tiếng anh Huyền gọi tôi:
    - Ê Minh, vô đây uống nước.
    Ngồi xuống bên chiếc bàn dã chiến, trên có một ấm nước và hai chiếc ca nhà binh nước trà nóng hổi.
    - Xong hết chưa Minh?
    - Rồi, huynh trưởng.
    Anh Huyền hơi nghiêng nghiêng đầu như thói quen anh thường làm mỗi khi có điều cần suy nghĩ.
    - Mẹ, đóng quân gì thấy ớn lạnh, cách nhau có vài thước, tuy nhiên dù sao mình cũng đã quen tác chiến, cận chiến với tụi chuột này rồi.
    Quay qua phía Binh nhất Sang - Hiệu thính viên trung đội 1, anh hỏi:
    - Anh Ngâm đâu rồi Sang?
    - Dạ, ảnh đi kiểm soát vị trí của tiểu đội tiền đồn, Thiếu úy.
    Với lấy cây đàn đã để sẵn trên bàn, anh Huyền so dây bấm phím rồi cất tiếng hát.

    "Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi...."

    Đúng, đời lính tác chiến chúng tôi là cuộc đời một ngày căng thẳng như mọi ngày, từ lúc bắt đầu thức tới lúc ngủ, căng thẳng ngay cả trong khi ngủ cho tới khi thức giấc trở lại.
    Anh say sưa ca bài nhạc với những xúc động chân thành của một người lính hát cho thân phận mình và thân phận quê hương. Đời lính chiến đối diện với cái chết từng giờ, từng phút, ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mỏng manh. Những bản nhạc của Trịnh Công Sơn thời đó đã nói lên được nỗi ray rức biết chừng nào về quê hương và con người Việt Nam.
    Uống một hớp trà nóng, tôi dựa người vào thành cái băng ghế dã chiến dùng làm bàn ăn, thấy thấm thía lời bài nhạc và say sưa nghe anh hát.
    - Tới phiên mày đi chứ!
    Tôi cười nhìn anh và lên tiếng hỏi:
    - Mình ca hát như vầy được bao lâu nữa anh Huyền!
    - Tới luôn đi bác tài, ba bài liên tiếp.
    Hai chúng tôi cười vang lên.
    Anh Ngâm - trung đội phó trung đội 1 vừa về tới. Bước đến gần chỗ anh Huyền, anh Ngâm lên tiếng:
    - Tất cả xong rồi Thiếu úy.
    Và anh ngồi xuống cầm lấy ca nước trà, nở một nụ cười với mấy cái răng vàng chói.
    Trung sĩ 1 Trần Ngâm, người Khmer Crôm vùng 4, tính tình hiền lành, thâm trầm, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng anh cũng là một thầy bùa có hạng.
    Cuộc đổi tuyến đã chấm dứt. Chúng tôi đã rời khỏi cổ thành sau hơn 2 tháng trấn đóng.
    Hiệp định ngưng bắn đã có hiệu lực nhưng không biết nó sẽ còn hiệu lực tới bao giờ.
    Tôi bắt đầu hát để cho anh Huyền đàn.

    "Tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê
    Hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về
    Đêm rừng núi lạnh ướt mái poncho
    Súng cầm canh nhịp từng giờ
    Trái châu chiếu xuyên cành lá
    Tay ghì súng nghe mùi tang tóc đâu đây
    Tâm hồn se vơi chẳng vơi, đầy chẳng đầy
    Khi vào lính nhận nếp sống đơn sơ
    Rời đằng sau nhiều hẹn hò
    Hai màu áo một niềm mơ..."

    Đã hai mùa mưa rồi tiểu đoàn 7 trấn giữ địa đầu giới tuyến, không biết chừng nào mới được về miền Nam. Anh em chúng tôi mong ngày về hậu cứ.
    Nhớ lại những năm trước đây trong đời sinh viên, học sinh vô tư, tôi chưa thể hiểu được những nỗi thống khổ của quê hương mình, dân tộc mình. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin tưởng rằng đã là người Việt Nam thì cho dù ở cương vị nào, mặc áo màu gì, dân sự hay nhà binh, áo học sinh hoặc áo lính, tất cả người dân quê hương tôi ai cũng khát vọng hòa bình, ngoại trừ những kẻ vô lương tâm chỉ biết làm giàu trên máu xương đồng loại, những kẻ lợi dụng chiến tranh để buôn bán xác người, những kẻ lãnh đạo tồi bại bất lương không xứng đáng. Tôi chợt nhớ đến một nhận định rất thực nhưng cay đắng.

    "Loài người là loài sinh vật dã man nhất trên trái đất, vì chỉ có loài người mới tàn sát loài người để thỏa mãn tham vọng và lòng ích kỷ. Loài vật chỉ giết loài vật vì bản năng sinh tồn mà thôi. Loài nào thì đáng sợ hơn ?"

    Quay qua nhìn anh Huyền đang say sưa bấm phím, tôi buông nhẹ một hơi thở dài, thầm hỏi:
    - Hòa bình ơi, chừng nào thì sẽ tới!!!?

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    3. TRIỆU PHONG - CHỢ SÃI - SÔNG VĨNH ĐỊNH

    Những người lính TQLC chúng tôi từ khắp miền đất nước, từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới Năm Căn, Cà Mau, từ Tây Nguyên Pleiku, Kontum đến miền duyên hải Nha Trang, Đà Nẵng, những người dân Khmer Crôm vùng 4, tới một chàng thanh niên trẻ yêu đời từ Paris. Chúng tôi được tập họp tại Quảng Trị, để cùng với người dân vùng đất cày lên sỏi đá này, đóng những vai thật trong một vở bi kịch thời chiến....


    Tháng 3 năm 1973 đơn vị tôi rời cổ thành và tỉnh lỵ Quảng Trị, hoán đổi vị trí đóng quân với tiểu đoàn 3 TQLC tại Triệu Phong, khu vực Chợ Sãi và sông Vĩnh Định.
    Trên đường chuyển quân tôi gặp Bích, một người bạn cùng khóa thuộc tiểu đoàn 3. Chúng tôi dừng lại đôi ba phút để hỏi thăm nhau, rồi mạnh ai nấy tiếp tục đoạn đường.
    Chợ Sãi chiếm một khu vực thật đẹp mắt ở ngã ba sông Thạch Hãn, và một nhánh nhỏ dẫn về sông Vĩnh Định, nằm ở phía Đông Bắc của Quảng Trị và cổ thành Đinh Công Tráng, trên trục lộ đường thủy từ cửa Việt đến Quảng Trị. Vì là một vị trí chiến lược quan trọng nên quân đội của cả hai miền đều dồn sức vào đây. Bom, pháo liên tục, Chợ Sãi chỉ còn là một chiến địa hoang tàn.
    Chúng tôi, những chiến binh miền Nam xa gia đình đi chiến đấu, không biết nhiều về những truyền tích xưa. Không hiểu là khu vực này được xây dựng từ thời Chúa Sãi, hoặc tự bao giờ?
    Người dân Quảng Trị thường nhắc về Chợ Sãi với món nem nướng thơm ngon. Thế mà những người lính chúng tôi đóng quân ở nơi này lại không có dịp thưởng thức được món đặc sản này, vì Chợ Sãi đã không còn.
    Ngay góc sông, tàn tích còn sót lại của một ngôi nhà to, xây bằng gạch nung và đá vôi, mặt nhà nhìn về hướng cầu Thạch Hãn, lối bước lên nhà là một bậc cấp 7 bước. Bên ngoài ở góc phía sau nhà là một lối nhỏ dẫn vào chỗ kho chứa, chất đầy các dụng cụ linh tinh. Nơi đây đã là chỗ trú ngụ trong suốt những ngày lửa đạn của ba cô cháu gái, và cũng là chỗ tiếp tục kéo dài theo những mảnh đời của họ sau này.
    Băng qua nhánh sông, trên những khúc gỗ tạp chồng chất lên nhau để nối liền hai bờ của chiếc cầu đã gẫy, con tỉnh lộ nối Triệu Phong với tỉnh lỵ Quảng Trị không còn hình dạng, những đoạn đường nhựa bị cắt quãng bởi hố bom và giao thông hào xen kẽ với nhau.
    Tôi dừng lại đốt một điếu thuốc, kéo một hơi dài, nghe lồng ngực căng ra với một cảm giác lâng lâng. Một người lính trẻ bước qua chỗ tôi ngồi, lên tiếng chào:
    - Thiếu úy ngồi nghỉ mệt hả?
    Tôi cười và gật đầu trả lời, rồi hỏi:
    - Em ở đâu?
    Chỉ tay về phía khúc quanh của đoạn giao thông hào không xa phía trước, anh nói:
    - Dạ, trung đội em ở ngay trước mặt đó. Thiếu úy đi sau nghe Thiếu úy...
    Điếu thuốc còn dang dở trên tay, chưa kịp tiếp tục đoạn đường đến vị trí đóng quân, tôi nghe tiếng nổ chát chúa của một quả lựu đạn M-67, nhảy vội xuống giao thông hào, nhìn về hướng tiếng nổ phát ra, một bóng người vừa ngã xuống.
    - Chuyện gì vậy?
    Tôi hỏi những người lính phía trước, một lúc sau có tiếng những người lính nói chuyền xuống.
    - Thằng... bị sút kíp lựu đạn khi nó nhảy xuống giao thông hào.
    - Người tôi rởn da gà nhớ lại câu " Thiếu úy đi sau nghe Thiếu úy...". Câu anh nói chưa tàn điếu thuốc, bây giờ anh đi rồi, chừng nào tới phiên tôi đi... Tôi lặng người và không dám nghĩ tới.
    Đại đội 3 đóng quân trải dài trên một đường tuyến ngoằn ngoèo khoảng hơn nửa cây số, từ bên ngoài Chợ Sãi kéo về phía quận đường Triệu Phong, rồi lại uốn cong về hướng Vĩnh Định.
    Thời gian này tôi còn đi bay, OJT (on job training) với huynh trưởng Nguyễn Văn Huyền, trung đội 1 và huynh trưởng Nguyễn Lai, đại đội phó, trước khi nhận trung đội 3.
    Tôi được học về cách bố trí quân, điều động và kết hợp, chọn vị trí chốt, các điểm chính yếu khi phòng thủ, các hướng tấn công và các đường xâm nhập của địch, trên thực tế, ngay tại chiến trường. Những ngày đi bay, học nghề của những sĩ quan trung đội trưởng TQLC, đã tiết kiệm được biết bao nhiêu xương máu của những người chiến sĩ mũ xanh.
    Ngay sau khi hiệp định Paris 27/01/73 được ký kết, thay vì hòa bình chiến sự vẫn tiếp diễn ngày càng khốc liệt vì cộng quân tiếp tục tấn công để giành dân lấn đất sau ngày ngưng bắn. Thỉnh thoảng nghe được tin tức vài bạn cùng khóa hoặc khác khóa từ trường Đồng Đế Nha Trang đã hy sinh. Các bạn tôi ở cùng trung đội 1, đại đội 719, tiểu đoàn 1 khóa sinh, khóa 3/72 Nha Trang nhưng khi ra trường mỗi đứa một nơi như Mã Quyền thuộc sư đoàn 23 bộ binh, Trần Như Phú thuộc Biệt Động Quân cũng đã anh dũng đền nợ nước.
    Hơn một tuần sau, đại đội 3 được giao cho công tác làm một hàng rào chắn đạn trực xạ, dọc bờ sông Thạch Hãn trong khu vực Chợ Sãi, và tôi nhận nhiệm vụ thi hành công việc này.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Thường thì vào giờ giải lao các chiến binh tìm chỗ mát nghỉ mệt, vài anh vào các căn nhà sụp đổ, thơ thẩn tìm vài vật dụng cần thiết còn có thể dùng được, số khác ngồi hút thuốc tán gẫu, hoặc tư lự nhớ nhà.
    Một hôm có một người lính trẻ, lôi ra một cuốn sách Cours de Langne (Mauger Tome IV) ngồi đọc lẩm nhẩm, mỉm cười trầm tư.
    Bước từ trên những bậc thềm của ngôi nhà xuống, nhìn thấy anh ta đang ngồi đọc sách, tôi hỏi:
    - Mày lấy cuốn sách tiếng Tây làm chi, mày đọc được không?
    - Dạ được, Thiếu úy.
    - Đọc thử một đoạn coi.
    Anh cất giọng đọc một cách thoải mái tự tin, làm cho tôi sửng sốt. Tôi đã được học một số bài trong sách này năm đệ Nhất, và tôi cũng đã được học 3 khóa Pháp văn tại Centre Culturel Francaise vào năm 67 và 68, mà tôi còn phải giật mình.
    - Mày học tiếng Pháp ở đâu vậy?
    - Em học ở Paris.
    - Mẹ, mày giỡn hả?
    - Nó ở bên Tây về đó Thiếu úy, người lính ngồi cạnh anh lên tiếng.
    Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ lại anh lính trẻ. Anh vào khoảng 18, 19 tuổi, sống mũi cao, tóc vàng, mắt xanh lơ, mà ngạc nhiên không ít.
    - Có thiệt mày ở bên Tây về không?
    - Dạ phải, Thiếu úy.
    Anh nói tiếng Việt lơ lớ. Tôi cũng muốn biết thêm, nhưng không có nhiều thì giờ để tìm hiểu về cuộc đời anh nên chờ khi khác có dịp thuận tiện hơn.
    Hơn một tháng sau, hàng rào được hoàn tất.
    Một hôm huynh trưởng Tăng Bá Phụng mời các sĩ quan đại đội lên họp. Anh là một đại đội trưởng giỏi, có đạo đức và tư cách. Tôi đã học được từ anh rất nhiều về cung cách điều động và ứng xử với thuộc cấp.
    - Ông Minh, lệnh từ sư đoàn là phải tổ chức một lớp học Việt ngữ cho những người lính mù chữ. Thượng sĩ Nam, thường vụ đại đội, sẽ phụ trách lớp học nhưng cần sự cố vấn, giúp đỡ của một sĩ quan, tôi giao cho anh chuyện này.
    Sau đó anh em chúng tôi ngồi tâm sự, nói chuyện đời. Anh đưa cho tôi mượn vài quyển tiểu thuyết, truyện dịch của Quỳnh Dao và Erich Maria Remarque. Huynh trưởng Nguyễn Lai vừa cười vừa nói:
    - Ê Minh, lính tác chiến không biết ngày về, cầm đọc cho đỡ quên chữ.
    Anh Lai là sĩ quan thâm niên và lớn tuổi nhất đại đội. Anh nhập ngũ khóa hạ sĩ quan, sau đó được đi học sĩ quan đặc biệt khóa 1/70 và cũng là sĩ quan độc nhất có gia đình. Các anh em còn lại chúng tôi, đại đội trưởng và các trung đội trưởng vẫn còn độc thân tại chỗ.
    Lớp học Việt ngữ có khoảng 10 học sinh, ai cũng nói giỏi tiếng Việt nhưng không biết viết. Chỉ trừ Binh II Nguyễn Văn Quang từ Paris về, nói không rành và viết chữ cũng không có dấu.
    Bắt đầu thì học cho thuộc các mẫu tự, rồi tập ráp vần, ráp chữ, sau đó thì tập đọc và viết.
    Một hôm có một anh lính tinh nghịch chỉ cho Quang đánh vần thơ lục bát. Quang học nhanh vì em có trình độ.
    Hai câu thơ lục bát như sau:

    “M K M H U Ơ
    M K M H M R Q N.”

    Nhìn gương mặt hồn nhiên của một chàng trai mới lớn, hiếu học, ham tìm hiểu tiếng mẹ đẻ mà thấy dễ thông cảm với em hơn.
    Quang háo hức cất tiếng đọc chậm rãi:

    "Em ca em hát u ơ
    Em ca em hát em rờ... cu anh."

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Cả lớp học rộ lên cười, trong khi Quang trố mắt ngạc nhiên và mỉm cười cất tiếng hỏi:
    - Bộ vui lắm hả?
    Hình như em chưa hiểu hết ý nghĩa của câu thơ.

    Giữa tháng Tư, tôi nhận trung đội 3 khi Bửu về tập dượt diễn hành cho ngày Quân Lực 19/6. Tôi có một cuốn sổ bỏ túi để ghi tên tuổi, cá tính, trình độ học vấn của tất cả các chiến binh trung đội 3. Những chi tiết cần thiết này giúp tôi biết rõ các chiến binh thuộc quyền để dễ dàng điều động cho thích hợp với nhiệm vụ.

    Trang viết về Binh II Nguyễn Văn Quang như sau:

    Tên: NGUYỄN VĂN QUANG. Cấp bực: Binh II.
    Ngày và nơi sinh: 1955 - Cần Thơ.
    Trình độ học vấn: Tú tài (Vỡ lòng).
    Hoàn cảnh gia đình: Độc thân.
    Sở thích: Đọc sách tiếng Pháp.
    Vũ khí sử dụng: M-16.
    Cá tính: Hay ngủ gật khi gác.

    Quyển sổ tay nhỏ này giúp cho tôi rất nhiều trong thời gian ở đại đội 3 và những ngày trong quân đội. Anh Lê Văn Xê, trung đội phó, hỏi tôi:
    - Sao ông viết Tú tài rồi còn vỡ lòng nữa?
    - Nó Tú tài Tây nhưng vỡ lòng Việt ngữ.
    Anh Xê cũng chiếm một trang trong sổ tay của tôi và chính anh cũng có một sổ tay riêng của trung đội phó ghi chép về trang bị và vũ khí của từng người trong trung đội.
    Thời gian đi công tác làm hàng rào chống đạn trực xạ, tôi có nhìn thấy một chiếc xương sọ người trong một ngôi nhà đổ nát. Một hôm nhìn vào tôi thấy chiếc xương sọ biến mất. Ngạc nhiên tôi hỏi những người lính:
    - Ai lấy chiếc xương sọ ở đây?
    Một anh ở trung đội 4 trả lời.
    - Anh Tiền đó Thiếu úy.
    Trung sĩ Tiền, trung đội phó trung đội 4 đã lấy chiếc xương sọ về. Thảo nào tôi có nghe các người lính kể chuyện anh Tiền gửi hậu trạm, mua nhang đèn, trái cây, giấy tờ vàng bạc, và đêm nào cũng thắp nhang đèn vái lạy tứ phía.
    Khoảng hơn một tuần sau, tôi lại thấy chiếc xương sọ trở về chỗ cũ trong ngôi nhà. Lại nghe các người lính kháo nhau về chuyện này.
    Tôi ghé hỏi thăm Dũng và Chắn, hai người lính ở ban chỉ huy trung đội 4, Dũng trả lời:
    - Ông không biết hả Thiếu úy, tối nào nó cũng về bóp cổ ổng, thở không nổi nên ổng phải đem trả lại đó.
    Một buổi trưa tôi đang ngồi đọc sách dưới bóng râm của những tấm tôn vá víu dùng làm chỗ ngồi ăn của trung đội 3 thì thấy một số người lính đi nhận tiếp tế hàng tuần từ cánh B trở về đi ngang qua, trong số có Trung sĩ Thật, trung đội phó trung đội 2, mang theo một ôm thư, theo sau anh là Binh I Triết, hiệu thính viên của trung đội 2, cũng khệ nệ ôm một đống thư.
    Tôi lên tiếng hỏi:
    - Thư của ai nhiều vậy anh Thật?
    Chỉ vào thằng Triết, anh nói:
    - Của thằng này đây nè, nó bốn phé bắn (tìm bạn bốn phương) trong chương trình Bạch Tuyết trên đài phát thanh Quân đội nên thư gửi tới cả đống.
    Sau ngày TQLC tái chiếm cổ thành Quảng Trị, trên các đài phát thanh hàng ngày thường phát đi bài hát “Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị”.
    Những người dân miền Nam lúc đó rất thương mến những chiến sĩ cọp biển, nhất là các cô em gái hậu phương, hình ảnh người anh cọp biển tiền tuyến là thần tượng khi nghe đọc trên đài phát thanh trong mục tìm bạn bốn phương. Tôi còn nhớ lời tìm bạn bốn phương của Nguyễn Văn Tân.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    “Hơn 20 tuổi đời, tròn 2 tuổi lính, ôm giấc mộng làm trai thời chinh chiến, thèm ánh đèn đô thị với những buổi hẹn hò, thương chiếc áo dài trắng trên sân trường ngập nắng, mà chưa một lần được ngỏ cùng ai. Này cô em gái hậu phương, nếu có cảm thông niềm tâm sự, xin cho cánh nhạn bay về:
    Nguyễn văn Tân
    Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 TQLC
    KBC 3359
    Hứa hồi âm dù thư đến chậm."

    Chắc các người trong chương trình tìm bạn bốn phương đã sửa đổi ít nhiều khiến cho lời rao tìm bạn của Nguyễn Văn Tân trở nên văn hoa quá!
    Tân và Triết là hai trong hàng trăm cọp biển độc thân của đại đội 3, yêu đời lính, thích nhạc họ Trịnh (chú thích: Trịnh Lâm Ngân). Đoạn này làm tôi nhớ đến thằng Mẫn, trung đội trưởng trung đội 4, mỗi lần nghe đến câu thích nhạc họ TRỊNH là nó phá lên cười sằng sặc. Mẫn đã hy sinh vào cuối năm 74 khi đơn vị đóng quân tại căn cứ Hòa Mỹ, lúc tiểu đoàn 7 tăng phái cho lữ đoàn 1 thiết kỵ trong khu dinh điền Đông Lâm.
    Các bản nhạc rất phổ thông trong đời lính xa nhà lúc bấy giờ là "Xuân Này Con Không Về", "Giã Từ Vũ Khí", "Sương Trắng Miền Quê Ngoại"...
    Khoảng mười ngày sau khi nhận thư, tôi đang ngồi đọc sách thì Triết đến tìm tôi với vài lá thư trên tay.
    - Thiếu úy à, ông đọc giùm tôi bức thư này được không?
    Tôi gật đầu nhận bức thư và mở ra xem. Đó là một lá thư từ Saigon gửi ra cho anh, nét chữ tròn trịa, mềm mại của một cô gái. Nếu cứ nhìn nét chữ mà đoán người thì cô gái này chắc trông cũng "phì nhiêu" và có da có mỡ lắm!
    Mở đầu thư cô nhắc về những tư tưởng của Hégel, Des Cartes, Pythagore... Cô diễn tả về con đường Cường Đễ với những hàng Me và những hàng cây Sao kéo dài tới bến Bạch Đằng...
    Lá thư thứ nhì nét chữ sắc sảo, thanh tú, cao và gầy như những búp măng. Nhìn chữ tôi liên tưởng tới hình cô gái làm kiểu mẫu cho hãng tăm tre hiệu "Hạnh Phúc".

    Thư viết:

    "Ông Triết,
    Tôi viết lá thư này cho ông khi ngồi ở sân trường, dưới bóng mát của những hàng me. Mùa này chưa có tiếng ve sầu vì trời chưa vào hạ. Trước khi đến trường, tôi ghé qua chiếc xe bán dừa tươi ở Công Trường Chiến Sĩ để mua một ly nước dừa xiêm ướp đá mát lạnh.
    Nghĩ đến ông và những người bạn cùng đơn vị, nơi Cổ Thành Quảng Trị xa vời mà thầm cám ơn người lính Cộng Hòa..."

    Lời thư ngọt lịm của những cô em gái, từ thủ đô Saigon xa xôi gửi tới người anh chưa từng biết mặt nơi tuyến đầu nắng cháy.
    Tôi quay qua Triết hỏi đùa:
    - Ê Triết, mày thích ngủ giường nệm mousse (mút) hay thích ngủ sạp tre?
    - Con gái Saigon viết cái gì khó hiểu vậy ông?
    Triết hỏi lại tôi mà không trả lời.
    Nhìn vào bì thư tôi thấy tên người nhận là:
    "Cao Hiền Triết
    Đại đội 3 - Tiểu đoàn 7 TQLC“
    Tôi chợt hiểu và không ngờ người lính TQLC này có cái tên nghe quá hay và học thức như thế!
    - Triết à, mày quê ở đâu?
    - Năm Căn - Cà Mau, Thiếu úy ơi!
    - Mày đi học ở đâu? Hết trung học chưa?
    - Tui đi học trường ở dưới quận, chưa hết lớp Nhứt ông ơi!
    Tôi nhìn vào mặt Binh I Triết, vẻ ngây thơ và nụ cười rụt rè của một người con trai vùng quê mới lớn, khoảng 20 tuổi đời. Lòng phân vân tôi nói với Triết:
    - Tao có thể viết thư trả lời giùm cho mày, nhưng chỉ một hai lần thôi, sau đó mày có viết tiếp được không thì tùy mày. Nhưng tao đề nghị mày nên chọn một lá thư nào mà mày đọc và hiểu rõ ràng thì mới trả lời, thư nào thiệt dễ hiểu thì tốt nhất.
    Cái tên Cao Hiền Triết làm cho các cô gái nghĩ ngay tới một người mẫu người nghiêm trang, học thức, lý tưởng cho các cô gái có học. Nhưng Triết thực tế ngoài đời không phải là đối tượng như vậy cho các cô sinh viên Văn Khoa và Luật Khoa đầy mơ mộng ở các giảng đường đại học Saigon.
    Triết là một người trai trẻ học ít nhưng yêu quê hương, yêu đời, sinh ở miền tận cùng đất nước, vào lính theo tiếng gọi non sông và đóng quân ở tuyến đầu cực Bắc... Vài tuần lễ sau thư tới tay Triết thưa dần, gặp Triết tôi hỏi:
    - Mày chọn được cô nào chưa Triết?
    - Thôi ông thầy ơi, thư gì mà khó hiểu quá, mà tui cũng hổng đủ tiền mua tem nên không dám trả lời. Thằng Tân nó nhận thư nào cũng dễ đọc và dễ hiểu.
    Cái tên thật bình thường và giản dị Nguyễn Văn Tân, đúng là cái tên dành cho các cô gái quê chất phác miền Nam và vùng 4 một niềm tin thành thật.

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Một buổi sáng đang ngồi chơi với thằng Mẫn tôi thấy vài người lính rủ nhau đi bắt tôm, họ mang theo một nắm cơm, cột một hòn đá vào một bên của cái nón sắt, rồi thả xuống giếng nước. Mỗi lần kéo lên là lại được vài con tôm đỏ tươi, kéo cả tiếng đồng hồ thì cũng đủ để nấu một tô canh tập tàng (đủ các loại rau dại). Chuyện này làm tôi nhớ lại một kỷ niệm vui tôi được nghe trong lúc đơn vị còn trên đường tiến chiếm Cổ Thành. Khi những người lính đại đội chỉ huy đi hái rau lẫn lộn trong cỏ dại để nấu canh, mong có chút rau tươi thay vì chỉ ăn Ration C, nóng và bón. Người sĩ quan cố vấn Mỹ nhìn thấy và nói bập bẹ tiếng Việt: “Lính TQLC Việt Nam ăn cỏ”, nghe câu này tôi thấy thêm thương đời lính tác chiến xa nhà. Lúc đóng quân ở vị trí mới thì đi tìm nước uống, những người lính tìm thấy giếng thì múc nước uống, thấy có tôm trong giếng thì múc nước bắt tôm. Ngày hôm sau không có ai đi bắt tôm nữa, tò mò tôi hỏi thằng Chắn:
    - Bộ hết tôm rồi hả Chắn?
    - Không, tôm còn nhiều lắm, nhưng mà khi nước xuống thấp thì thấy nguyên một bộ xương người ngồi dưới đáy giếng. Không đứa nào dám bắt tôm nữa ông ơi!
    Thế rồi họ quay sang đi bẻ măng. Những người lính đôi mươi, tuổi mới lớn đang khỏe ăn, lúc nào cũng mong có thêm một ít thức ăn tươi cho bữa cơm đạm bạc của họ. Mãi cho đến một hôm, một người lính trung đội 1 của huynh trưởng Nguyễn Văn Huyền đi bẻ măng bị thất lạc, hỏi thăm thì thằng Xương ở trung đội 1 cho biết:
    - Thằng Hội đi hái măng từ 11 giờ sáng cho tới bữa cơm trưa cũng chưa về. Cả trung đội thay phiên đi tìm nó chung quanh mấy bụi tre trong khu đại đội đóng quân mà không thấy. Mãi đến 2 giờ chiều mới có người trông thấy anh ta ngồi kẹt trong một bụi tre gai, miệng la bài hãi kêu cứu. Mấy anh lính TQLC phải dùng dao đi rừng, phát cây, chặt tre để mở đường cho anh ta thoát ra. Ra đến bên ngoài thì thằng Hội xây xát cả mình mẩy.
    Một người lính của trung đội 1 hỏi thằng Hội:
    - Mày làm gì mà chui vô trong đó ngồi?
    - Tao thấy măng trong bụi này, chui vô rồi bị kẹt cứng, loay hoay hoài không thấy đường ra nên kêu la cầu cứu. Thật không hiểu nổi tại sao!

    Trên đường từ cánh B đi xuống cánh A phải băng qua một khu đồng trống, nơi tiểu đoàn 1 Quái Điểu đã nhảy trực thăng vào Triệu Phong tháng 7 năm 1972. Chỗ chiếc trực thăng bị bắn nổ tung là một cái miếu với mấy chục cái nón sắt bị cháy sém, loang lổ...
    Mỗi khi đi ngang qua đây, chúng tôi ghé vào đốt nhang khấn vái các chiến hữu đã hy sinh. Còn nếu đi một mình thì cắm đầu cắm cổ chạy cho lẹ qua khỏi chỗ này. Có lần trên đường về, nhìn thấy một anh lính ngồi bên vệ đường, tôi hỏi:
    - Em làm gì ngồi đây, ở đại đội nào?
    - Em ở đại đội 1. Em không dám đi một mình, chờ có ai đi chung cho đỡ sợ.
    Nhớ lại câu chuyện mà một anh lính đại đội 3 kể lại. Một hôm trên đường đi về, gần đến cái miếu thì anh thấy có một người lính theo sau. Khi vừa qua khỏi cái miếu thì anh nghe có tiếng cười sau lưng, quay lại thì không thấy anh lính đi sau đâu nữa. Thế là anh vắt giò lên cổ chạy bạt mạng. Từ đó về sau, không bao giờ anh dám đi qua nơi này mà không có 2 hay 3 người đi cùng.
    Quay qua nhìn anh lính, tôi hơi cảm thấy lo vì không biết có phải các anh khuất mặt trêu đùa hay không? Nhìn bảng tên anh trên ngực, màu cam của tiểu đoàn 7, thế là có bạn đồng hành.
    Trên đường đi anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Có lần đi qua ngôi miếu anh nghe có tiếng cười bên trong, có khi nghe cả tiếng người nói chuyện và cãi vã nhau nữa...

    Tháng 5/1972 đại đội 1 và 3 chuyển về cánh A trên hướng sông Vĩnh Định và Hương lộ 555. Thời gian này trung đội 3 được tăng phái giữ an ninh vòng đai cho tiểu đoàn.
    Tôi đến gặp huynh trưởng Ngô Kim Anh để nhận tuyến. Anh vừa được thuyên chuyển từ TĐ5 qua TĐ7 TQLC trước đó một tháng. Trong dịp tăng phái cho đại đội chỉ huy, tôi đã có dịp gặp anh và quen biết với hầu hết các sĩ quan trong ban ngành và đại đội chỉ huy. Hai tuần sau hết nhiệm vụ, trung đội 3 lại trở về đại đội bên bờ sông Vĩnh Định.
    Mỗi đêm tôi thường đi kiểm soát tuyến đóng quân và các vọng gác của trung đội 3 một lần khoảng giữa khuya và một lần khoảng gần sáng. Trung đội có vài con chó được giao cho vài anh lính nuôi để gác đêm. Có lần tôi thấy con chó của Hạ sĩ I Phấn, tiểu đội 3 được cột ngay trước cửa hầm của anh. Tôi hỏi anh lính gác gần đó:
    - Tại sao không để chó nằm ngoài vọng gác?
    Anh trả lời:
    - Tối nào anh Phấn cũng thấy hai người đàn bà, một người đang mang thai dẫn theo một đứa bé vào thăm anh, làm cho anh sợ hãi không ngủ được, mặt mày xanh lè xanh lét. Nếu cột con chó trước cửa, nó sủa, họ sợ không dám vào thì anh mới chợp mắt được; còn không thì anh phải thức làm việc cả đêm.
    Cũng tại tuyến đóng quân này, Binh I Lên - Hiệu thính viên, đã từng gặp ma một đêm khuya, làm cho tôi phải dời chỗ ở qua nhà khác.
    Thời gian đóng quân ở sông Vĩnh Định là thời gian tương đối nhàn nhã, rảnh rỗi. Ngoài các công việc thường xuyên hàng ngày, thời giờ còn lại tôi và anh Huyền thường đàn hát, đôi khi các trung đội trưởng ngồi chơi đố chữ. Cũng trong thời gian này, tôi có dịp ghé thăm các đại đội khác và quen biết các sĩ quan đại đội 1, 2 và 4.
    Cứ mỗi lần tiếp tế tôi lại ghé huynh trưởng Tăng Bá Phụng để mượn một vài quyển sách anh đã đọc xong.

  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Thời gian này tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về cuộc đời của Binh II Nguyễn Văn Quang.
    Một hôm tôi gọi Quang đến để hỏi thăm về hoàn cảnh của em.
    - Lúc trước mày ở đâu bên Pháp?
    - Em ở phía Nam của thủ đô Paris.
    - Tại sao mày lại về Việt Nam đi lính?
    - Hè năm 72 sau khi tốt nghiệp Trung học, ba má cho em về Việt Nam thăm bà ngoại.
    - Bà ngoại mày ở đâu?
    - Dạ, ở Cần Thơ.
    - Rồi tại sao hết hè mày không về Pháp mà lại ở đây?
    - Em không biết, không nghe ba má nói gì hết.
    - Mày làm gì ở nhà bà ngoại?
    - Không có làm gì, chỉ đi chơi, đói thì về nhà ăn, rồi ngủ.
    - Tại sao mày lại đi lính TQLC?
    - Một hôm em đi theo tụi bạn cùng xóm lên chợ, tụi nó tình nguyện đăng lính. Một anh lính trong ban tuyển mộ hỏi em, "Ê, còn mày đi không? Tao có giấy tờ cho mày nè!". Rồi anh làm hết thủ tục giấy tờ cho em.

    Sau vài ngày chờ đợi ở trung tâm 4 tuyển mộ và nhập ngũ, Quang và các bạn được đưa về trung tâm huấn luyện TQLC ở rừng Cấm. Thế rồi tiếp theo 9 tuần căn bản quân sự, một khóa học đổ bộ và leo lưới, em đã trở thành một chiến binh TQLC tên Nguyễn Văn Quang. (Tôi không còn nhớ tên Pháp của em).
    Quang sống vô tư, không biết lo lắng, chưa ý thức được hiểm nguy, nên khi gác em thường ngủ gật, hoặc mang theo ghế ngồi gác, dựa vào tương vôi, hút thuốc tỉnh bơ. Tôi phạt Quang và giải thích cho em rất nhiều lần về nhiệm vụ gác giặc, ngày và đêm phải luôn luôn thức tỉnh, kín đáo phát giác kịp thời các hoạt động của địch để bảo vệ sinh mạng của mình và đồng đội.
    Một hôm tôi hỏi Quang:
    - Mày có thường coi cinéma không?
    - Dạ có.
    - Có biết tài tử Alain Delon không?
    - Dạ, ở Pháp Alain Delon nổi tiếng như Hùng Cường ở đây vậy.
    Quang là một người con lai, cha Pháp mẹ Việt. Tôi cố gắng tìm hiểu kỹ càng thì được biết về cuộc đời em như sau:

    "Cha em là một người lính viễn chinh Pháp tại Việt Nam, yêu thương mẹ em là một cô gái Việt nhưng bên nội ở Pháp không đồng ý. Hai người muốn đặt bên nội trước tình thế đã rồi nên xin một đứa con nuôi lai Pháp của một người bạn gái mẹ em đem về Pháp vào khoảng 1956 khi lực lượng viễn chinh Pháp cuối cùng rút về nước. Đứa bé nuôi đó chính là em bây giờ".

    - Ở Paris mày có chú thím, cô bác gì không?
    - Chỉ có Grand père et Grande mère.
    - Ông bà nội có thương mày không?
    - Thương lắm nhưng bây giờ chết rồi.
    - Mày có em không?
    - Dạ có hai em gái. Hồi chưa có thêm em gái thì ba má thương, sau đó rồi thì ba má không thương nữa.
    - Có viết thư cho ba má mày không?
    - Không.
    - Cậu mợ dì dượng mày ở đây có liên lạc với má mày ở bên Pháp không?
    - Có, nhưng không thấy nói gì hết. Có lần họ nói em là con hoang, muốn đi đâu thì đi.
    Tôi giật mình vì câu nói của em, không thể tin được ở tai mình. Thật tội cho em, nếu em ở lại Việt Nam thì đáng thương cho một kiếp người.
    Khi tiểu đoàn ra dưỡng quân tại làng TQLC trước khi về Saigon, tôi gọi em đến và bảo:
    - Để dành tiền lương tháng này và tháng tới, chỉ xài chút đỉnh khi nào cần thiết mà thôi.

  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Lấy một tờ giấy, tôi vẽ cho em một bản đồ nhỏ và ghi rõ chú thích: Từ bến xe Phú Lâm gọi taxi hoặc xích lô đi đến ngã tư Hồng Thập Tự và Hai Bà Trưng, vừa qua khỏi ngã tư bên tay phải là tòa Tổng Lãnh Sự Pháp.

    - Về nhà bà ngoại ở Cần Thơ, ráng tìm cho được các giấy tờ hồi mày ở Pháp, đi xe đò lên Phú Lâm, tới chỗ này, tôi chỉ tay vào bản đồ. Dù có giấy tờ hay không cũng không cần thiết, vào nói với họ mày xin về Pháp. Tên ba mày, địa chỉ ở Pháp, giọng nói và hình dáng mày thì người ta sẽ cho mày về. Ở đây không phải là chỗ thích hợp cho mày đâu.

    Cuối tháng 7 năm 73 tiểu đoàn về hậu cứ. Đầu tháng 9 năm 73 tiểu đoàn trở ra hành quân, và trong đoàn chiến binh TQLC trở lại Quảng Trị lần này vắng mặt Binh II Nguyễn Văn Quang.

    "Chúc em được nhiều may mắn nơi quê cha ở trời Tây!".

    Suốt thời gian đóng quân ở Chợ Sãi, mỗi chiều sau khi công tác xong, chúng tôi thường xuống sông Thạch Hãn tắm và bơi. Một hôm trên đường về, đi ngang qua một ngôi nhà, tôi gặp ba cô cháu đang ngồi ăn cơm chiều nơi góc một căn nhà đổ nát.
    Bước về phía họ tôi mở miệng:
    - Mạ với mệ ăn gì đó, cho con ăn với?
    - Ăn cơm eeng ơi!
    Tôi ngồi xuống đất thì bà cô trẻ nhất bới cho tôi một bát cơm. Nhìn vào cái mâm đồng hoen rỉ trước mặt ba cô cháu thì chỉ thấy một chén muối ớt.
    - Cám ơn mạ!
    Đón lấy đôi đũa và bát cơm, tôi gắp một lát sắn bỏ vào miệng nhai, cảm thấy bùi bùi. Gắp lát thứ nhì và nhai kỹ hơn, tôi cảm thấy vị đăng đắng và mùi ẩm mốc xông lên. Nhìn kỹ vào bát cơm độn tím ngắt, tôi có thể nhìn thấy rõ những vết mốc trên những lát sắn phơi không đủ khô, hoặc còn ẩm ướt khi dự trữ.
    Bước đến chỗ một người lính đóng quân gần đó, tôi xin anh một bao gạo sấy và đi về phía căn nhà đổ nát bên cạnh, trút bát cơm độn vào một hố trống cạnh nhà, dùng chân đùa vội những mảnh gạch vụn quanh đó để khỏa lấp bát cơm mốc. Tôi quay trở lại để trả bát đũa cho bà cô trẻ và tặng bà một bao gạo sấy.
    Lòng xót xa nghĩ về ba cô cháu đã phải chịu đựng đạn bom trong suốt cuộc chiến tranh ập xuống Quảng Trị trong những năm vừa qua. Bây giờ không còn người thân, không còn nhà cửa, đất đai và phương tiện sinh sống. Ba cô cháu sẽ phải nương tựa vào nhau cho đến hết cuộc đời.

    Một hôm trên đường xuống sông tắm, tôi thấy bà cô trẻ ngồi khóc thút thít bên ngoài căn hầm.
    Bước đến cạnh bà tôi mở miệng hỏi thăm:
    - Làm gì mà khóc đó mạ?
    Tiếng bà cô già bên trong vọng ra:
    - Cái ngữ biếng nhác đó thì làm ăn gì eeng ơi!
    À, thì ra cô bị O mắng.

    Tháng 6 năm 72, đại đội 3 đóng quân ở sông Vĩnh Định, tôi có ghé lại khu Chợ Sãi nhưng chỉ còn gặp một bà cô trẻ và bà cô già. Hỏi thăm những người lính đóng quân gần đó thì được biết bà cô trẻ ít nói đã qua đời. Những người lính đã tiếp tay vùi nông thân xác bà ở một mảnh đất trống cạnh đó.
    Nhìn gương mặt hốc hác của hai cô cháu còn sót lại với vẻ âm thâm chịu đựng, tôi không biết dùng chữ gì để diễn tả gương mặt hai bà lúc đó. Một nỗi ray rức dấy lên trong hồn tôi, "Ngày nào thì sẽ đến phiên hai người này, ai sẽ là kẻ đi trước....?"
    Một ý nghĩ mâu thuẫn chợt đến trong đầu tôi, vừa mong cho họ sống lâu, vừa mong cho họ thoát nhanh ra khỏi cuộc đời đầy cay đắng này. Hình như không phải họ đang sống mà chỉ đang kéo dài cái chết...

  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Để chuẩn bị cho ngày Quân Lực, đại đội 3 được nhận một số lá cờ mới, chia đều cho các trung đội để cắm xung quanh vị trí đóng quân và gắn lên hàng rào ngăn cách giữa hai bên Nam Bắc.
    Một người lính trong lúc bước tới hàng rào, xuyên qua một bãi cát đã đạp lộ ra một quả lựu đạn M-67 được gài từ trước, chốt lựu đạn đã được rút, còn thìa thì được dằn bên dưới một hòn đất khô. Vừa nhìn thấy, tôi bảo anh đứng yên tại chỗ và gọi các người lính khác trở lại giao thông hào. Tôi ra hiệu cho anh rút bàn chân không giẫm lên quả lựu đạn đưa về phía sau, kiếm một điểm tựa chắc chắn và từ từ rút bàn chân đang đạp trên quả lựu đạn lên. Nếu thìa quả lựu đạn bật thì a lê hấp nhảy xuống giao thông hào... Khi anh rút chân ra khỏi thì quả lựu đạn vẫn còn nằm yên tại chỗ... Hú vía!!!
    Tôi chỉ thị cho các người lính cắm những lá cờ còn lại chung quanh vị trí đóng quân, không mạo hiểm nữa, và đóng một hàng cọc làm mốc đánh dấu cho các người lính khác khỏi đạp nhầm.
    Một anh lính xin tôi cho gỡ quả lựu đạn.
    - Thiếu úy, em biết cách gỡ trái lựu đạn đó.
    - Tao cấm mày bước tới đó, nếu tao biết được thì mày coi chừng tao.
    Tôi không muốn cho anh phiêu lưu, đem mạng sống của mình ra đùa giỡn với tử thần.

    Mùa hè đến với những cơn gió Nam Lào khô khốc. Sông Thạch Hãn nước xuống thấp, có những đoạn ta có thể lội bộ từ bờ bên này sang bên kia mà không cần phải biết bơi. Giữa sông có những cồn cát mà chúng tôi có thể ra ngồi chơi. Trời nóng bức đến nỗi chúng tôi phải xuống sông tắm 2, 3 lần một ngày.
    Những người lính TQLC suốt ngày trần trùng trục với mỗi một chiếc quần lính cắt ngắn, ai nấy đều mồ hôi vã ra như tắm. Mặc quân phục vào chừng mươi, mười lăm phút là ướt đẫm mồ hôi.
    Các sĩ quan chúng tôi ai cũng mong đến ngày tiếp tế để ghé huynh trưởng Tăng Bá Phụng, uống ké cà phê đá do hậu trạm mang ra.

    Trung đội 4 có cây đàn guitar, nên những buổi trưa nóng bức không nghỉ được, anh Huyền, Mẫn và tôi thường tụ họp lại để ca hát khuây khỏa. Ngoài ra trung đội 1 lại có thêm cây lục huyền cầm, thế là khi thì cải lương, khi thì tân nhạc, khi thì tân cổ giao duyên cũng nguôi bớt đi nỗi sầu chinh chiến.
    Ca mãi đâm chán, vài anh lính tinh nghịch thường đến bên hàng rào, nói chuyện và chòng ghẹo các anh lính miền Bắc.
    - Anh bộ đội Bắc Việt ơi!
    Không ai trả lời.
    - Anh Việt Cộng ơi!
    Cũng không ai trả lời.
    - Anh Giải Phóng ơi!
    Thì có tiếng đáp ngay.
    - Gì thế các anh?
    Những anh bộ đội miền Bắc nói chuyện rập khuôn, hình như họ phải học thuộc lòng một số câu căn bản để nói chuyện mà thôi. Nếu nói hết những câu này rồi thì họ thường cáo lui xin hẹn ngày mai, rồi ngày mai cũng lại toàn bổn cũ soạn lại.
    Những người lính miền Nam thường hỏi:
    - Anh ở đâu ngoài Bắc thế, Hà Nội à?
    - Không, tôi ở Quảng Trị.
    - Còn anh này cũng ở Quảng Trị.
    - Vâng, tôi cũng ở Quảng Trị.
    Thế là các người lính miền Nam bắt đầu chọc ghẹo.
    - Anh là người Quảng Trị mà sao nói giọng như "Bắc kỳ ăn cá rô cây" vậy?
    - Các anh hay trêu đùa quá!
    - Thiệt mà, giọng anh đâu có giống mắm ruốc đâu, giọng anh là giọng rặt thuốc lào.
    - Thôi, chúng tôi không nói chuyện nữa.
    Những người lính miền Nam đề nghị ca hát thì hầu như các anh miền Bắc chỉ thuộc mỗi một bài “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” mà thôi.
    Nếu không muốn ca hát chung nữa, những người lính TQLC chỉ cần ca bài “Cờ bay trên Cổ Thành Quảng Trị” là các anh lính miền Bắc rút lui ngay.
    Một hôm, một anh lính TQLC hỏi một anh lính miền Bắc:
    - Tôi thấy cái hàng chữ trên cổng của các anh là "Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập, Tự Do".
    - Đó là lời chủ tịch Hồ Chí Minh đấy!

  11. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Thế là anh lính TQLC đề nghị cắc cớ.
    - Nè anh giải phóng, tôi đề nghị một trò chơi mới.
    - Trò chơi gì đấy anh?
    - Tui hô "Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu", còn anh hô "Đả đảo Hồ Chí Minh".
    Anh bộ đội miền Bắc im lặng không trả lời, anh ta lặng lẽ rút lui.
    Anh lính TQLC nói vói theo.
    - Tự do thì mình muốn nói gì thì nói, sao anh không dám hô "Đả đảo Hồ Chí Minh"?
    Đôi khi các người lính TQLC trêu chọc bằng cách gọi các anh lính miền Bắc.
    - Anh giải phóng ơi!
    - Cái gì thế các anh?
    Đợi các anh miền Bắc lên tiếng trả lời xong thì anh lính TQLC đáp ngay:
    - Phỏng giái rồi anh giải phóng ơi!
    - Các anh ăn nói gì linh tinh thế!

    Giữa tháng 6/73 tiểu đoàn di chuyển về phía Tây của Quốc lộ 1, khu vực mà chúng tôi đã đóng quân vào khoảng tháng 4 năm 72 “Trường Phước” thay thế cho tiểu đoàn 2, và đầu tháng 7 năm 73 tiểu đoàn 7 ra làng TQLC chuẩn bị về hậu cứ.

    Gần 2 năm rồi kể từ sau trận Hạ Lào, tiểu đoàn 7 đã phải lưu động ở miền địa đầu giới tuyến. Có một chuyện khó tin là đa số những chiến binh TQLC chẳng hề được biết hậu cứ của đơn vị ra sao. Ngôi nhà nghỉ dưỡng quân của đơn vị mà các người con chẳng hề được biết.

    Khi rời khỏi trung tâm huấn luyện hoặc quân trường, chúng tôi được đưa thẳng đến đơn vị hành quân mà chẳng cần phải về hậu cứ, và rồi từ đó rong ruổi theo “Hành trình anh TQLC” hoặc “12 tháng anh đi”, mãi cho đến khi tiểu đoàn về hậu cứ.

    Có nhiều anh em TQLC chúng tôi từ ngày đáo nhậm đến ngày rời đơn vị vẫn không hề biết được hậu cứ ở đâu, vì họ về trong những chiếc quan tài!!!

    Tháng Giêng xuôi quân ra Huế
    Cố đô hoang vu điêu tàn
    Bãi học chiều em vắng bóng
    Tóc thề đã quấn khăn tang
    Tháng Hai về trấn ven đô
    Chong mắt hỏa châu giữ cầu
    Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
    Qua làn sương ánh đèn màu
    Ba lô lên vai, đến miền Tây đô
    Quê hương em xanh, xanh rợp bóng dừa
    Đêm ngủ bìa rừng, thèm làn môi ấm
    Ngọt trái sầu riêng, này lúc sang mùa
    Bây giờ trời mây vào hạ
    Mẹ em bận đi lễ chùa
    Em nguyện cầu cho chiến sĩ
    Trên đường sớm nắng chiều mưa
    Tháng Năm theo vì sao biếc
    Hoa phượng nở quanh sân trường
    Ngày xưa những dòng lưu bút
    Bây giờ phong thư gói quà
    Tháng Sáu anh vẫn miệt mài
    Hành quân chưa về thăm em
    Đừng trách ve sầu mùa hạ
    Xa thì xa vẫn chưa quên
    Sang thu mưa Ngâu
    Nước mù giăng mau
    Ô hay! Ta sao trong lòng rưng sầu
    Tráng sĩ xưa hề, vượt cầu sông ấy
    Người đứng đầu sông, người cuối sông chờ
    Bây giờ còn đâu huyền thoại
    Hằng Nga của em bé thơ
    Tất cả bầu trời thương nhớ
    Ai làm tháng Tám cằn khô
    Tháng Chín anh về Cửu Long
    Vú sữa căng của mẹ hiền
    Anh đi cho đồng tươi mát
    Tặng em này chiến công vang
    Về Cà Mau một phong thư gửi cho em
    Lời gió thương mây, lời chim nhớ rừng (2)
    Lời ta chờ nhau
    Cuối năm mùa Đông đan áo
    Cuối năm trời đã lạnh rồi
    Thiên hạ thì may áo cưới
    Ta thì hẹn tới năm sau
    Hoa mai nở đầy, em đang đợi chờ
    Mười hai tháng rồi, dài ước mơ say
    Nhớ má cho hồng, nhớ môi cho ngọt
    Anh về cùng em, vui đón mùa Xuân
    Anh về cùng em, vui đón giao thừa...

Trang 2 / 7 ĐầuĐầu 1234 ... Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. 3 bước bảo quản đồ gỗ để ngoài trời
    By Nhan in forum Mẹo Vặt-Khéo Tay
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 11-20-2010, 04:15 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-11-2010, 06:54 AM
  3. Sữa ngoại đang thao túng thị trường sữa Việt Nam
    By giavui in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-31-2010, 01:42 PM
  4. Cả nhà quỳ ra đường để đòi công lý
    By giavui in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-30-2010, 04:44 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-25-2010, 09:52 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •