Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Kẻ nào không chịu đựng được đau khổ trong tình yêu thì không xứng đáng để hưởng hạnh phúc của tình yêu.
V.Ạ Sukhomlinski
Trang 3 / 7 ĐầuĐầu 12345 ... Cuối Cuối
Results 21 to 30 of 62

Chủ Đề: Những mảnh đời dang dở

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Những mảnh đời dang dở

    Tác giả:
    Nguyễn Ngọc Minh


    Ngày đi

    Sách đã xuất bản năm 2004, bởi THẮNG MÕ NAM CALIFORNIA ấn hành.
    Tác phẩm gồm những bài viết của một người lính Thủy Quân Lục Chiến về những mảnh đời rất thật của chính tác giả và đồng đội cũng như số phận nghiệt ngã mà những người lính VNCH phải gánh chịu theo mệnh nước nổi trôi...
    Những bài viết rất thật đến độ có thể làm khó chịu một vài người nhưng chắc chắn những người đã từng cầm súng bảo vệ mảnh đất miền Nam thân yêu trước đây sẽ tìm thấy bàng bạc hình ảnh của chính mình trong đó.
    Đôi hàng về người viết:
    Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1951 tại Saigon. Học trường tiểu học Trương Minh Ký, sau đổi thành Nguyễn Thái Học, trung học tại trường Nguyễn Trải, sau đó là Đại học Khoa học Saigon.
    Gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến năm 1972, trấn đống tuyến đầu Quảng Trị, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An - Đà Nẵng cuối tháng 3/75. Cải tạo 6 năm từ Trung ra Bắc. Vượt biên đường bộ 2 tháng xuyên qua Kampuchia đến Thái Lan 6/81. Định cư tại San Fernando Valley - Los Angeles từ 7/83. Hiện là chủ nhân cơ sở "Professional #1 Auto Repair" ở Canoga Park, California.


    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..."
    Thấm thoát đã 32 năm từ ngày Trần Chúc leo lên sân khấu vườn Tao Ngộ - Trung Tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ để hát bài “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy. Mùa hè đỏ lửa năm đó, miền cát nóng Quảng Trị Cổ Thành, đã cuốn hút biết bao nhiêu người dân Việt trong lứa tuổi thanh xuân, đến để tàn sát nhau trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt.

    Đầu tháng 3/72 cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt, với những trận địa chiến nặng nề, khi quân đội miền Bắc dồn toàn lực tấn công trên khắp các vùng chiến thuật.
    Tàn khốc nhất là mặt trận Quảng Trị khi Bắc quân tràn qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Bất chấp các hiệp định đã được ký kết, quyết tâm lấn chiếm các căn cứ quân sự của quân dân miền Nam ở phía Bắc sông Thạch Hãn, để làm bàn đạp tiến xuống miền Nam. Cùng lúc đó các mặt trận khác cũng sục sôi không kém.
    Mặt trận Tây Nguyên - Kon Tum, Đakto, Tân Cảnh ở vùng II chiến thuật.
    Mặt trận Bình Long - An Lộc ở vùng III chiến thuật - Tây-Bắc của thủ đô Saigon.
    Tôi còn nhớ chiều hôm ấy vào dạo cuối tháng 3/72 khi đang ngồi uống cùng anh bạn học, Thiếu úy Nguyễn Văn Vân, vài chai bia trong lần gặp gỡ cuối cùng. Anh cũng là một học sinh Nguyễn Trãi và chúng tôi cùng học luyện thi tại trường Tân Văn niên khóa 67/68, nhập ngũ khóa 9/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khi tốt nghiệp anh đã tình nguyện về Nhảy Dù.
    - Ngày mai tụi tao lên Pleiku tăng phái cho quân đoàn II tại mặt trận Tân Cảnh.
    Tôi cũng chẳng biết nói gì khi chia tay bạn vì hai chữ bình an lúc này vô nghĩa. Ai ra đi cũng được cầu chúc bình an, nhưng có mấy người được an bình trở lại...
    - Giữ gìn sức khỏe, dạo này cánh tay mày ra sao?
    Vân bị tai nạn bên cánh tay phải năm học đệ tứ nên khi viết bảng phải dùng tay trái, tay phải bị run khi anh dơ lên cao. Nhưng lần này anh đưa cả hai cánh tay thẳng lên trời.
    - Quân đội là lò luyện thép mà.
    Đó là lần cuối cùng gặp nhau. Khi tôi đến Hải Trường - Bến Đá, trong một lần gặp gỡ vài người bạn thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, thì được biết Vân đã hy sinh tại Động Ông Đô trên đường tái chiếm cổ thành.

    Tháng 4/72 chúng tôi được giấy gọi nhập ngũ. Lúc này tình hình chiến sự thật sôi động. Trên các trang báo ngoài những mục bình thường, phần tin tức chỉ toàn là tin chiến sự. Hình ảnh những đoàn người tỵ nạn chiến tranh chen chúc nhau đổ vào các trung tâm tỵ nạn tại Huế và Đà Nẵng. Các đoàn quân tiếp tục tiến ra chiến trường, các trận đánh đẫm máu, các lời tường thuật về những anh hùng vị quốc vong thân.
    Hình ảnh xúc động tột cùng của một em bé gái bị bom Napalm cháy phỏng khắp thân mình, đang chạy kêu la cầu cứu với gương mặt hốt hoảng, đau đớn...

    Giữa tháng 4/72 bài hát anh hùng Không Quân Trần Thế Vinh được truyền đi trên các làn sóng phát thanh. Tiếp theo là hàng loạt các bài hát Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy...

    Cuối tháng 4, những bức chân dung mới bắt đầu xuất hiện trên bùng binh chợ Bến Thành và một số các bùng binh khác trong thành phố Saigon. Bài hát “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh làm xúc động lòng dân thành phố và cả miền Nam.

    Các trường đại học cho thi sớm hơn để các sinh viên chuẩn bị xếp bút nghiên lên đường. Phòng thi thưa thớt thí sinh, hầu hết là những anh còn ở lại mới còn tâm trí đến trường. Chúng tôi đã có giấy gọi, không còn hứng thú để vào thi, tụ tập bên ngoài phòng thi, kẻ thì bàn tán về tương lai trong cuộc đời quân ngũ, người thì vẽ ra các chọn lựa để phòng xa, một số ít thì ù lì thả trôi theo vận nước "tới đâu thì tới...".
    Last edited by giavui; 10-25-2010 at 04:20 AM.

  2. #21
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Nhưng anh em chúng tôi không hề được về đón giao thừa. Ngồi hát bài nhạc mà trong lòng rộn ràng với niềm vui khi tiểu đoàn về hậu cứ.
    Anh Xê, trung đội phó hỏi tôi:
    - Ông hát bài “12 tháng anh đi” mà tiểu đoàn mình đi tới 2 năm rồi mà vẫn chưa về.
    - Tại ông thi sĩ nhà mình làm bài thơ “12 tháng anh đi” chứ đâu phải là “12 tháng anh về”.
    - Ờ há! Nói đi chứ đâu có nói về.

    Đời người lính TQLC chúng tôi cứ tuần tự 12 tháng anh đi, rồi lại 12 tháng anh đi tiếp theo...
    Thật thẹn cho thân nam nhi, đường đường trượng phu mà khi đi phép chỉ có vài lý do quanh quẩn, hoặc là "cha mẹ đau nặng" hay "cha mẹ mất". Người nào có gia đình thì có thêm phép "con đau" hoặc "vợ đẻ".
    Phép kiểu này thì hết ai ham.

    Cuối tháng 7 năm 73, tiểu đoàn 7 về hậu cứ. Trong số gần 800 chiến binh về đến nhà của đơn vị, chỉ có khoảng chưa được 1/4 là đã từng ở hậu cứ của tiểu đoàn.
    Cả đại đội 3 lọt thỏm trong chiếc C-130 của Không Quân Việt Nam. Thời gian bay chỉ khoảng dưới 2 tiếng đồng hồ, mà sao chúng tôi cảm thấy quá dài so với khi ra trận hành quân.
    Lúc máy bay cất cánh là lúc tất cả những hình ảnh quá khứ bắt đầu chạy qua trí nhớ. Từ lúc còn thơ ấu đến khi trưởng thành, gia nhập quân đội, lao vào biển lửa...

    Quay nhìn xung quanh, những người lính đại đội 3 trẻ tuổi, hồn nhiên nói cười, chờ đợi. Khoảng nửa tiếng sau bắt đầu có tiếng ngáy. Nhìn về phía anh lính trẻ đang ngủ ngon, trên gương mặt vô tư thoáng hiện một nụ cười.
    Có lẽ anh đã về đến nhà trong giấc mơ ngắn ngủi tuyệt đẹp, trong lòng chiếc phi cơ đang trực chỉ Sài Thành yêu dấu.

    “Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi!”

    Tôi dựa đầu trên ba-lô, thả hồn mình phiêu lãng.

  3. #22
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    4. TRƯỜNG PHƯỚC - LA VANG - NHƯ LỆ

    Thánh địa La Vang với cây đa và đoạn đường thánh giá diễn tả ngày Chúa Giê-Su chịu khổ nạn, đã có một thời hưng thịnh, vì đã từng là một địa điểm hành hương của các tín đồ Thiên Chúa Giáo từ cuối thập niên 50s đến đầu thập niên 70s, giờ đây chỉ còn là một di tích hoang tàn, khiến người ghé qua không tránh khỏi bùi ngùi, cảm xúc...


    Giữa tháng 6/73 từ Triệu Phong, Chợ Sãi và sông Vĩnh Định, đơn vị tôi được di chuyển đến trung tâm huấn luyện Đống Đa để được (hấp) theo một khóa học bổ túc khoảng 2 tuần lễ, cùng lúc với đơn vị bạn là TĐ 11 Nhảy Dù.
    Trở lại quân trường là điều mà các người lính không ưa thích mấy, nhưng lại là một điều hữu ích cho các đơn vị. Chúng tôi được học ôn lại những căn bản trong kỹ thuật tác chiến, được thực tập nhị thức hành quân Thiết giáp Bộ binh, thực tập xin Không yểm, Pháo yểm và Hải yểm.
    Thời gian này thật cần thiết để các sĩ quan trong đơn vị quen biết nhau qua các bài học tham mưu, tâm lý chiến và tình báo.
    Ngày mãn khóa chúng tôi có một cuộc hành quân gần như thật, đó là cuộc hành quân tùng thiết với chiến xa, pháo binh và phản lực cơ yểm trợ, sử dụng toàn bom và đạn thật...

    Sau khi rời trung tâm huấn luyện Đống Đa, tiểu đoàn 7 di chuyển đến làng TQLC. Làng này nằm ở phía Tây Bắc cầu Bến Đá khoảng 2 cây số , trong khu vực thôn Diên Sanh, xã Hải Trường, trên lộ trình từ quốc lộ 1 đến núi Trường Phước.
    Một tuần sau chúng tôi vào thay thế tuyến cho TĐ 2 trong khu vực Trường Phước.
    Các trung đội đóng quân biệt lập, dọc theo lộ trình, trung đội này cách trung đội kia khoảng hơn 1 cây số. Trung đội 3 đóng trên một ngọn đồi ở phía Tây của đại đội cách khoảng 200 mét và trung đội 4 phòng thủ chu vi đại đội.

    Chúng tôi phải tham dự một cuộc bầu cử bán phần Thượng Nghị Viện. Tôi nhớ mãi vì được nhiệm vụ phải nói khéo để các người lính bầu cho các liên danh thân chính.
    Trong lúc tập họp để nhắc nhở trung đội 3 về 2 liên danh thân chính mà tôi được chỉ thị bầu phiếu cho, khi tôi đang cố lựa lời nói khéo cho các liên danh này thì Trung sĩ Dần - Tiểu đội trưởng tiểu đội 1 lên tiếng:
    - Thưa Thiếu úy, tôi có ý kiến.
    - Vâng, anh Dần cho biết ý kiến.
    Trung sĩ Dần đứng dậy, quay nhìn các anh em trung đội 3 và nói:
    - Theo Thiếu úy thì anh em nên bầu cho 2 liên danh này, còn liên danh thứ 3 thì tùy ý anh em, anh em đồng ý không?
    Tất cả các người lính thuộc trung đội 3 trả lời:
    - Đồng ý!
    Thế là chẳng còn gì để nói thêm nữa, tôi cho anh em tan hàng. Sau đó huynh trưởng Nguyễn Lai hỏi tôi:
    - Ông nói chuyện gì mà nhanh quá vậy Minh?
    - Anh em đồng ý với những gì tôi đề nghị rồi huynh trưởng, làm sớm nghỉ sớm mà.

    Một buổi đang nằm hút thuốc sau bữa cơm chiều, Binh I Tân - Hiệu thính viên trung đội 3 mà tôi vừa chọn khi tiểu đoàn hấp ở trung tâm huấn luyện Đống Đa, đến gặp tôi với một bức thư trên tay nhờ tôi trả lời giùm.

    Lá thơ bắt đầu;

    "Ông Tân!
    Đọc thư ông tôi liên tưởng đến một gương mặt thật vô duyên, với nụ cười để lộ ra hai hàm răng mất trật tự..."

    Tôi ngó vào mặt Tân và hỏi:
    - Mày trả lời thư cô ta mấy lần rồi?
    - Chỉ có một lần thôi Thiếu úy.
    - Có phải mày gọi cô ấy là "Bà" không?
    - Ông thấy đó Thiếu úy, trong thư bà ấy gọi tôi bằng Ông.
    - Mày đúng thiệt là vô duyên, chẳng lẽ người con gái viết thư cho người con trai chưa quen lần đầu tiên mà lại gọi là "Anh" ngọt xớt à!
    Nhìn vào bì thư tôi thấy địa chỉ cô ở quận 3 - Saigon. Tên cô là Hạ Vũ, có lẽ đó là bút hiệu thì đúng hơn.
    Tôi viết thảo cho Tân một bức thư.

  4. #23
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    "Hạ Vũ!
    Nhận được thư Hạ Vũ tôi rất vui, càng đọc càng có cảm tình với Hạ Vũ vì Hạ Vũ là một người thành thật. Những ước mơ của Hạ Vũ là những ước mơ của tuổi mới lớn, là những điều mà tôi đã trải qua nhiều năm trước khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
    Trước khi dừng bút, tôi xin vui vẻ nhận Hạ Vũ là cô em gái hậu phương. Hy vọng rằng trong một ngày rất gần đây sẽ có dịp gặp em tại Saigon để hàn huyên, tâm sự và được chiều chuộng cô em nhí nhảnh, dễ thương.
    Chúc em một giấc ngủ thật ngon với nhiều mộng đẹp.
    Anh
    Nguyễn Văn Tân"

    Hai kỳ tiếp tế (10 ngày sau) thư hồi âm từ cô bé Hạ Vũ được bắt đầu bằng hai chữ “Anh Tân”, và sau đó họ hẹn gặp nhau đi dạo phố Saigon khi tiểu đoàn về hậu cứ.

    Đầu tháng 7, thằng Tuấn - Trung đội trưởng trung đội 2 đi phép, tôi phải lên thay thế nó vì trung đội 2 nằm xa nhất trên tuyến đường, mất 30 phút đi bộ từ đại đội đến trung đội 2. Thời gian này Bửu trở lại đại đội sau khi diễn hành ngày Quân Lực 19/6 để chờ đợi được chuyển qua đại đội 1.

    Mùa hè, những đồi sim thấp trong khu Trường Phước đầy những hoa sim tím, những quả sim ăn vào tím cả lưỡi và ngọt lịm. Vừa đi vừa hái sim dọc đường, vừa ca bài hát "Những Đồi Hoa Sim" của Dzũng Chinh mà quên cả đường dài.

    Từ trung đội 2 theo con đường đi tiếp thì sẽ tới một dòng suối mà chúng tôi tắm giặt và lấy nước nấu ăn. Một hôm các anh lính cho biết có gặp các anh bộ đội miền Bắc xuống lấy nước, nhưng vì đang trong thời kỳ ngưng chiến nên cả hai bên chỉ nhìn nhau. Những lần sau khi xuống suối họ đi hai người, một người mang theo súng. Tôi quyết định cho trung đội đi lấy nước ở một điểm khác, chỉ thị các người lính kiểm soát kỹ lưỡng và gài lựu đạn đoạn đường này để đề phòng Bắc quân có thể vi phạm và xâm nhập tấn công.
    Cuối tháng 7 TĐ về Saigon. Sau hơn 1 tháng trời dưỡng quân, đến đầu tháng 9 tiểu đoàn 7 TQLC trở lại hành quân. Trong lúc ở Saigon tôi rủ anh Huyền và Mẫn ghé thăm gia đình một người quen ở Thủ Đức. Bác là Giáo sư Pháp Văn tại trường Pétrus Ký đã về hưu, nghiên cứu tử vi và tướng pháp, có một người con trai là sĩ quan pháo binh TQLC đã hy sinh trong trận tái chiếm cổ thành.
    Trong khi chờ chú em trai vào thông báo cho bác biết có chúng tôi đến thăm, thằng Mẫn tò mò mở một quyển tập để trên bàn ngồi đọc. Đúng ngay cái đoạn bàn về tướng số một người có hình dạng giống như nó "Người cao, chân dài, tay ngắn là tướng đoản mệnh...". Nó chỉ cho tôi đọc đoạn này, trên gương mặt nở một nụ cười buồn. Trang tiếp theo bàn về tướng của một người có gương mặt dài như anh Huyền, thằng Mẫn vừa đọc vừa cười nắc nẻ.

    Không ngờ đó là những điềm ứng trước, cả hai đã hy sinh sau đó không lâu vì những tướng đoản mệnh.

    Từ Saigon, chúng tôi ra hành quân và trở lại làng TQLC. Đầu tháng 10/73 tiểu đoàn 7 đến La Vang thay tuyến cho TĐ 8 TQLC. Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng tại đồi dương, gần ngã ba Long Hưng, nơi đã là tuyến xuất phát của TQLC khi tái chiếm Quảng Trị và Cổ Thành năm trước.
    Di chuyển một hàng dọc từ điểm đổ quân ở cánh B băng qua hai ngọn đồi thấp, vài dòng suối mùa, chúng tôi đến bờ một con suối khá rộng nhưng cạn nước. Bước trên những hòn đá mà các đơn vị trước đã đặt trên lòng suối theo từng bước đi để khỏi bị ướt giày, chúng tôi đặt chân đến ban chỉ huy đại đội.
    Trung đội 4 của Hùng (thay thế cho Mẫn đi học khóa “rừng núi sình lầy” chưa về) nằm dọc theo bờ suối giữ an ninh và phòng thủ khu vực đại đội. Tiếp theo là trung đội 3 và trung đội 2 dàn tuyến đối mặt với Bắc quân.
    Từ trung đội 2 băng qua một cái lạch nhỏ và một khoảng đầm lầy trên những cây cột nhà lót đường thì tới cái tiền đồn được phòng thủ chu vi của trung đội 1. Nhìn địa thế hiểm ác của cái tiền đồn này, ai cũng biết muốn giữ được chắc các đơn vị bạn trước kia đã phải tốn biết bao nhiêu xương máu. Trung đội phòng thủ một khu vực gần như là một vòng tròn, với đường chu vi khoảng chừng 100 mét.
    Ngôi làng nơi đại đội đóng quân có tên là Như Lệ, cái tên nghe quá buồn. Những ngày mưa, đường trơn trợt, ướt át, trời bắt đầu trở lạnh nên chẳng ai muốn ra ngoài. Nằm nghe mưa rơi trên những tấm tôn thủng rả rích, từng giọt nước tí tách, rầu thúi ruột và nhớ nhà.

  5. #24
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Ngày đặt chân đến Như Lệ quang cảnh cũng tương tự như Chợ Sãi - Triệu Phong. Các anh lính miền Bắc đứng bên hàng rào hỏi thăm và mời chúng tôi sang một cái chòi mà họ gọi là "Nhà Hòa Hợp", cũng vẫn cái bảng treo trước cửa với hàng chữ "Không có gì... cả".

    Anh Lai, anh Huyền và tôi bước vào căn nhà. Sau khi chào và hỏi thăm nhau, chúng tôi cả hai bên cùng ngồi vào bàn và nói chuyện xã giao. Có một điều không biết là tiện hay bất tiện, tốt hay không tốt vì những phù hiệu trên áo đã cho họ biết chúng tôi thuộc tiểu đoàn nào rồi, mặc dù chúng tôi đã mặc áo của các người lính không có cấp bậc. Riêng các anh lính Bắc quân thì không thấy được gì trên quân phục của họ.
    Họ mời chúng tôi nước trà, thuốc lá. Thuốc lá hiệu Tam Đảo, Điện Biên nội địa và Hoa Hồng của Trung Quốc.
    Anh Lai đốt một điếu thuốc, kéo một hơi dài, tủm tỉm cười lên tiếng:
    - Thơm mùi nhang quá!
    Chúng tôi cười trong khi các anh bộ đội miền Bắc không hiểu gì cả.
    Nói chuyện vớ vẩn, bâng quơ vì chẳng có gì để nói lâu, chúng tôi kiếu từ ra về thì các anh bộ đội miền Bắc lại theo phép lịch sự "như người Hà Nội" giữ khách và mời khéo:
    - Các anh về chóng thế, khi nào rỗi mời các anh lại sang chơi nhé.

    Từ tháng Mười kéo dài qua Tết là mùa mưa dầm, mưa lê thê. Mưa kiểu này mà nằm nhai gạo sấy rang (thay cốm) tẩm nước đường thì hết nói. Trời mưa chẳng có gì làm thì lại quanh quẩn Domino, cờ tướng và mong đến kỳ lãnh lương.
    Ngày phát lương là ngày chúng tôi tha hồ ăn uống. Ban quân lương đến cánh B phát lương cho các đại đội và có câu lạc bộ đến bán mì gói, thuốc lá, bia và các nhu yếu phẩm cho lính.

    Từ cánh B đi về phía Nam một đoạn đường ngắn 10 phút là tới khu nhà thờ La Vang. Vào cuối thập niên 50s đến đầu thập niên 70s, nơi đây đã từng là một vùng thịnh trị, rất nhiều tín đồ đạo Thiên Chúa từ khắp miền Nam đến hành hương.
    Tôi còn nhớ những năm cuối thập niên 50s, vé số Tombola được bán khắp nơi giá 2 đồng bạc thời đó để lấy tiền xây dựng khu thánh địa La Vang, và đường xe hỏa đồng thời được phát triển để phục vụ khách đến thăm vùng này.

    Trước mặt nhà thờ là một đoạn đường được gọi tên là “đoạn đường Thánh Giá”, hai bên đường là những bức tượng diễn tả Chúa Giê-Su trong ngày chịu tội, đã gãy đổ tan nát không còn nguyên vẹn. Cây đa đúc bằng bê tông cốt sắt, nghe nói là được xây ngay tại chỗ cây đa thật trước kia, nơi người ta tin rằng mẹ Maria đã hiện lên, nay chỉ còn trụi lủi thân cây mà thôi. Các cành được đúc bằng bê tông cốt sắt đã gãy gục nát tan vì bom đạn. Tượng đức mẹ Maria cũng chẳng còn nguyên vẹn, “Ôi! Sức tàn phá và hủy diệt của con người thật là ghê gớm!".
    Ngôi thánh đường to lớn bị hủy hoại khắp cả bốn phía. Phần bên phải của tòa giảng hoàn toàn sụp đổ từ nóc nhà thờ xuống tới mặt đất. Các ngôi nhà của tu sĩ và giáo dân giúp việc hoàn toàn bị san bằng. Những hàng cây khuynh diệp trồng quanh khu vực nhà thờ chẳng cây nào không mang thẹo thọ vì đạn bom.
    Các bạn và tôi đã thay phiên nhau chụp một số hình ảnh ở khu vực này, rất tiếc là sau ngày miền Nam sụp đổ, gia đình tôi đã không còn giữ lại được tấm ảnh nào.

    Tôi hình dung ra quang cảnh tấp nập trong những ngày lễ tôn giáo trước đây, hàng ngàn người đến hành hương và tham dự các khóa lễ. Bây giờ nơi đây hoàn toàn giá lạnh, hoang vắng, không có bóng dáng một tín đồ nào. Nhìn qua Cường đang làm dấu “Amen” mà không tránh khỏi những bùi ngùi, cảm xúc.

    Chúng tôi rời khu thánh địa La Vang, thấy thấm thía nỗi thảm thương cơ cực của người dân Quảng Trị. Đến bao giờ và phải hao tốn bao nhiêu máu xương, của cải để xây dựng lại những nơi này?

    Đầu tháng 11, đại đội tiếp nhận thêm các người lính mới bổ sung cho đơn vị, một số cựu tù binh, quân phạm, và một sĩ quan - Phước mập, đi bay với thằng Tuấn. Trung đội 3 nhận thêm các người lính mới, trong đó có Trung sĩ I Nhẫn - cựu tù binh, Hạ sĩ I Hào - Quân phạm v.v..

    Tháng 12/73 sư đoàn tổ chức các khóa học bổ túc trung đội trưởng cho các sĩ quan. Tôi được chỉ định đi học đợt đầu tiên với 3 người bạn khác là Hòa ở đại đội 1, Toàn ở đại đội 2 và Thành ở đại đội 4. Chúng tôi được đưa đến Bộ chỉ huy lữ đoàn 258 đóng tại Hội Yên để tham dự khóa học cùng với các sĩ quan trung đội trưởng ở 8 tiểu đoàn bạn. Khóa học kéo dài trong 2 tuần, thành phần huấn luyện viên là các chiến sĩ tài ba ưu tú từ các tiểu đoàn TQLC và các đơn vị yểm trợ như Pháo Binh, Công Binh, Thiết Giáp, Không Quân và Hải Quân...

  6. #25
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Đại tá Ngô Văn Định - Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 258 khai mạc khóa học trong một nghi lễ đơn sơ nhưng đầy thân tình. Ông mong mỏi khóa học này sẽ giúp chúng tôi những điều cần thiết tối thiểu để khi trở lại đơn vị; với các kinh nghiệm thực tiễn quý báu từ các đàn anh, chúng tôi sẽ áp dụng các sáng kiến thích nghi để tiết kiệm xương máu đồng đội, phát huy khả năng của đơn vị và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó tốt đẹp.
    Chúng tôi lại được nghe thuyết trình về các trận đánh tiêu biểu của đơn vị TQLC, về thế công, thế thủ, cách thức điều binh từ chính các sĩ quan chỉ huy tham dự trực tiếp các trận đánh đó như Thiếu tá Nguyễn Văn Sử, Trung úy Kiên Pek v.v..
    Được sự đóng góp thêm của Đại tá Ngô Văn Định, Trung tá Đỗ Hữu Tùng, được trình bày các kinh nghiệm bản thân của mình để lớp học bàn thảo, đưa ra các phương thức để giải quyết trong các tình huống xấu. Chúng tôi đã được học biết bao nhiêu kinh nghiệm hay và quý báu để áp dụng sau đó trong đời lính...

    Ngoài ra chúng tôi cũng được học thêm về công binh, pháo binh, thiết giáp và chống thiết giáp, liên lạc xin không yểm, hải yểm v.v.. Thời gian quá ngắn cho một khóa học nhưng đã đem lại cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm hữu ích không ngờ. Nếu không được tham dự các khóa học bổ túc như thế này, có lẽ việc điều quân phản ứng của chúng tôi sẽ kém nhạy bén. Chúng tôi học được cách nhìn sự việc dưới những góc cạnh, lý lẽ khác nhau. Học được cách ước định tình huống trước khi nó xảy ra, điều này làm cho chúng tôi tăng thêm sự tự tin vào khả năng của đơn vị khi được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ.

    Cuối tuần lễ đầu vào ngày Chủ Nhật, một số các sĩ quan chúng tôi đi thăm khu nhà thờ hai nóc Thanh Hương - Điền Môn, nơi mà tôi sẽ trở lại sau này trong cuộc lui binh cuối cùng.

    Chấm dứt tuần thứ nhì là lễ mãn khóa dưới sự chủ tọa của Thiếu tướng Bùi Thế Lân - Tư lệnh sư đoàn TQLC. Ông nhắc nhở chúng tôi hãy ứng dụng các điều đã học một cách thích hợp để phát triển khả năng sẵn có của đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
    Xe của tiểu đoàn đã chờ sẵn và đón chúng tôi trở lại đơn vị.

    Tết năm đó đại đội thật vui, nhất là trung đội 3 với sự có mặt của các chị, vợ anh Xê - Trung đội phó, vợ anh Hào - tiểu đội đại liên. Chúng tôi có một cái tết thịnh soạn với các món ăn thượng hảo hạng từ những bàn tay khéo léo của các chị như Vịt tiềm thuốc Bắc của chị Hào, các món bánh lá, bánh đập... và nồi bún bò cay tóe khói của chị Xê, gốc người Huế, vừa ăn vừa hít hà, nước mắt nước mũi, mồ hôi chảy ra nhễ nhại vì cái gì ăn vô cũng cay, cũng nóng.
    Ngày đầu năm chúng tôi xông đất các anh Bắc quân ở nhà "Hòa Hợp". Chúng tôi chúc Tết nhau. Họ mời chúng tôi thuốc lá, hạt dưa, và các loại kẹo bột, kẹo đậu phộng... (không ngờ rằng nhiều năm sau đó, mỗi lần Tết đến chúng tôi lại ngồi mong chờ những thứ này trong tù.)
    Chúng tôi mời các anh ấy các thứ mứt, kẹo, bánh trái của miền Nam. Họ cứ xuýt xoa mãi.
    - Hàng ngoại đấy à các anh.
    Thoạt đầu tôi không hiểu ý các anh ấy, sau mới biết họ tưởng là đồ nhập cảng. Những cái kẹo mứt mãng cầu gói trong các loại giấy bóng kiếng đủ màu, hoặc những miếng mứt thập cẩm quá đẹp làm họ ngạc nhiên. Nhưng họ chỉ dám thử một cái. Không biết vì thấy đẹp không dám ăn uổng quá hay vì sợ có thuốc độc bên trong ?
    - Do các chị vợ của anh em chúng tôi làm đó.
    - Đẹp thế nhỉ!
    - Khéo thế nhỉ!
    Nghe những lời khen chân thành, mộc mạc của các anh lính Bắc quân lúc đó, tôi không nghĩ là họ khen thật, cho đến khi vào tù vì thua cuộc chiến tôi mới biết rõ ràng là họ thành thật. Các người tù cải tạo thường bông đùa, chọc ghẹo họ luôn bằng cách khen nhưng thật tình là chửi xéo.

    Rồi những ngày Tết cũng trôi qua, các thân nhân của những người lính cũng lần lượt ra về hết, và sinh hoạt của đơn vị cũng trở lại bình thường.
    Sau ngày Tết trung đội 3 thay thế trung đội 1 ở vị trí tiền đồn. Bàn giao với anh Huyền xong, tôi đi xem lại vị trí đóng quân và cho vét lại giao thông hào ở các đoạn bị sụp lở vì nước mưa.

  7. #26
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Trung đội 3 phòng thủ chu vi trong một hình gần như tròn với đường kính khoảng hơn 30 mét. Hướng Tây và Tây Nam giáp mặt Bắc quân, hướng Đông của tiền đồn là một dòng suối chảy về phía đại đội, hướng Bắc là một con lạch nhỏ nối tiếp với một bãi lầy. Tiền đồn được nối liền với đại đội bằng một chiếc cầu khỉ bắc qua con lạch và những thân cây, gỗ tạp được dùng để lót qua bãi lầy. Vị trí tiền đồn này rất nguy hiểm vì gần như là "bốn bề thọ địch".

    Đặc công cộng sản có lối đánh là bò theo các đường mòn và các khe xâm nhập mà cái tiền đồn này hai mặt giáp địch, còn hai mặt kia lại là suối, lạch và đất thấp lầy lội.
    Ngay sau khi bàn giao tuyến, tôi đã chỉ thị cho các tiểu đội vét lại giao thông hào và sửa chữa khu vực phòng thủ.
    Các anh Bắc quân kêu réo ầm ĩ lên:
    - Này các anh làm gì thế, đào gì thế?
    - Mưa lở đất, chúng tôi đắp lại thôi.
    - Các anh làm thế là vi phạm đấy.
    - Chúng tôi chẳng làm gì mà vi phạm.
    Vừa làm vừa cãi nhau, rồi thì chúng tôi cũng sửa xong lại tuyến phòng thủ chiều hôm đó.
    Hạ sĩ Tâm, trước kia là Hiệu thính viên truyền tin, sau ra tiểu đội của Trung sĩ Phấn, trong lúc vét lại giao thông hào, thấy lộ ra một bộ xương người lính Bắc quân và trang phục còn sót lại. Anh tinh nghịch đặt chiếc xương sọ lên trên bờ giao thông hào và đôi dép râu gác lên trên đầu chiếc xương sọ, miệng thì nói "Sinh Bắc Tử Nam". Các anh bộ đội miền Bắc la lên phản đối.
    Nghe có chuyện, tôi bước đến nơi và nói với Tâm:
    - Dẹp đi Tâm, người ta đã chết rồi, đừng làm vậy!
    Sau đó tôi không biết Tân đã dấu cái xương sọ và đôi dép râu đi đâu.

    Mờ tối hôm đó, khi tôi đang ngồi đọc sách ở dưới hầm thì nghe như có tiếng người chạy huỳnh huỵch bên ngoài. Tiếng Binh I Chánh - Hiệu thính viên, đứng ngay cửa hầm gọi tôi:
    - Thiếu úy, Thằng Tâm có chuyện, nó bị ma đánh.
    Leo lên khỏi hầm, tôi chạy đến chỗ tiểu đội của Trung sĩ Phấn thì thấy các người lính đang vây quanh Tâm ở một góc giao thông hào. Tân chúi đầu vào góc Tuyến không dám ngẩng lên.
    - Anh Phấn, anh cho trói nó lại.
    Người Tâm bê bết đất cát, đôi mắt lạc thần. Anh không dám chống cự khi hai người lính đến trói anh lại.
    Tôi liên lạc báo cáo tình hình và xin giải giao Tâm vào đại đội vì sợ nó lên cơn nửa đêm thì nguy hiểm cho tính mạng nó. Hai anh lính giải giao Tâm vào đại đội trở về kể lại.

    "Khi gặp Trung sĩ I Trần Ngâm thằng Tâm không dám nhìn mặt. Nó lấm la, lấm lét. Anh Ngâm dùng roi dâu quất lên người Tâm, nó la hét và lăn lộn trên mặt đất..."

    Sáng sớm hôm sau Tâm được đưa về tiểu đoàn và sau đó được đưa ra quân y viện Nguyễn Tri Phương tại Huế để điều trị. Mấy tháng sau bình phục Tâm trở lại đơn vị thì tôi đã ra toán CAP ở Hải Trường.

    Một buổi tối đang ngồi đọc sách dưới hầm, cảm thấy thèm một điếu thuốc, tôi bước ra khỏi hầm đi dạo một vòng, nói chuyện với các người lính, quên tắt ngọn đèn cầy đốt để đọc sách trong hầm.
    Tiếng Binh I Chánh la thất thanh:
    - Lửa cháy trong hầm Thiếu úy.
    Tôi chạy trở lại thì thấy lửa cháy sáng trong hầm.
    - Lấy nước dập tắt đi.

  8. #27
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Các người lính chuyền nước vào dập tắt ngọn lửa. Tàn lửa cháy loang lổ cái ba-lô và làm hư hại các đồ đạc bên trong, may là chưa bắt qua phát nổ đạn và lựu đạn. Sức nóng của lửa làm hư hại cái máy chụp hình OLYMPUS PEN DEMI của tôi.
    Tối hôm đó tôi ngủ lạnh để trả cái lỗi bất cẩn của mình. Sáng hôm sau phải giặt giũ tất cả quân trang, quân dụng còn xài được và vất đi các thứ đã bị cháy hư hại. Kiểm soát lại thì thấy thiệt hại khoảng 50%.

    Hai ngày sau, một công điện bất ngờ từ tiểu đoàn chuyển đến. Tôi được chỉ thị ra thay thế Trung úy Lê Văn Minh thuộc đại đội 4 trong chức vụ trưởng toán CAP (huấn luyện) tiểu đoàn 7 TQLC ở xã Hải Trường.
    Xếp tất cả các đồ đạc còn lại vào chiếc ba-lô cháy loang lổ của mình. Thằng Mẫn đang ngồi chơi với tôi lên tiếng:
    - Lấy cái ba-lô của tao đi Minh, mày vác cái ba-lô này ra làng, họ tưởng mày "ăn xin" đó.
    Tôi bật ra cười lớn, thầm nghĩ "Đúng là cái số ăn mày!". Chúng tôi trao đổi cho nhau một số đồ đạc, và sáng hôm sau "Ba-lô lên vai", tôi rời đại đội lên trình diện tiểu đoàn để đi nhận nhiệm vụ mới.

    Đứng trên dốc khoảng lưng chừng đồi, nhìn xuống làng Như Lệ, nghe tiếng các dòng suối mùa đang chảy róc rách đâu đây. Khu vực đại đội 3 đóng quân nằm yên lặng dưới chân đồi, phía bên kia dòng suối. Đưa tầm mắt trải dài tới các trung đội bạn 1, 2, dừng lại nơi cái tiền đồn lẻ loi đơn độc của trung đội 3, nhớ lại các kỷ niệm tràn đầy sau hơn một năm tôi sống cùng đơn vị.

    Một hình ảnh toàn cảnh hiện ra trước mắt làm tôi chợt thấy bâng khuâng. Trước kia ở góc độ này, nếu nhìn xuống làng Như Lệ là một hình ảnh thật thanh bình, với những dòng suối chảy róc rách, những ngôi nhà nhỏ xen kẽ trong một vùng đồi núi thấp chung quanh. Các thửa ruộng nhỏ xếp thành hình những bậc thang để nhận nước từ những suối nguồn.

    Mỗi sáng Chủ Nhật tiếng chuông nhà thờ La Vang đánh thức người dân, và rồi từng đoàn người với các chiếc áo dài khăn đóng, những chiếc khăn mỏ quạ, cùng với các em nhỏ trai gái trong đồng phục đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể lũ lượt từ Như Lệ cũng như những ngôi làng khác quanh đây, vượt qua các ngọn đồi để kéo về thánh đường La Vang đã một thời hưng thịnh.

    Hình ảnh đó không còn nữa. Giờ đây là các hầm hố, địa đạo, giao thông hào, chẳng còn một ngôi nhà nào còn sót lại trong làng Như Lệ.
    Ôi! Sao tang thương dâu bể, vật đổi sao dời. Tôi quay lưng bước đi, lòng tự hỏi:

    “Trong những năm tháng tới đây, quê hương tôi sẽ được nhìn thấy La Vang và các khu làng quanh đây hồi sinh, hay sẽ còn phải tiếp nhận thêm các tai ương trong một cuộc chiến đã hơn 20 năm giữa hai miền Nam Bắc, Quốc Cộng, giữa hai chính thể !?”
    Chúng tôi cứ phải nghe, đôi khi phải tuyên truyền thêm về những sự tích anh hùng trong chiến tranh, cứ phải nhìn những cảnh máu đổ, thịt rơi. Trên báo chí cả hai miền Nam Bắc thì đua nhau ca ngợi các chiến thắng lẫy lừng!

    "Vậy chứ ai là người thua cuộc khi cả hai bên đều thắng? Chắc là người dân nghèo nơi quê hương tôi, một cổ hai tròng..."

    Tôi thở dài, lắc đầu, tiếp tục leo nốt ngọn đồi trước mặt. Xa xa về hướng Đông-Bắc là đồi dương, nơi bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng quân, mường tượng tới những hình ảnh nơi tôi sẽ đến làm công tác dân sự vụ, một nỗi vui buồn lẫn lộn trong lòng.
    Biết nói gì đây với những người dân, những người lính địa phương?
    Tôi bật cười, đá văng một hòn sỏi nhỏ dưới chân, miệng nói khẽ:

    "Có gì mà phải lo, mọi sự rồi sẽ ổn thỏa".

  9. #28
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    5. HẢI TRƯỜNG, BẾN ĐÁ, ĐẠI LỘ KINH HOÀNG

    "Đây Đại Lộ Kinh Hoàng Gieo Lắm Cảnh Bi Thương Muôn Thuở Không Nguôi Niềm Tủi Hận.
    Nọ Dòng Sông Bến Hải Khơi Bao Nguồn Sóng Gió Ngàn Thu Luống Chạnh Nỗi Chia Ly."

    Tôi còn nhớ mãi 30 năm trước đây đứng trên đàn tràng cầu siêu cho hương linh của những người dân vô tội, với lòng xúc động thật sâu xa khi được đọc những dòng chữ trên hai tấm biển thật to dựng hai bên đàn tràng. Hai câu đối diễn tả lòng bức xúc của người dân Quảng Trị về thảm cảnh Đại Lộ Kinh Hoàng và vận nước Việt Nam trong những ngày nồi da xáo thịt.


    Đến Bến Đá một buổi chiều sau khi được một công điện bất ngờ ra nhận nhiệm vụ trưởng toán CAP (huấn luyện) tiểu đoàn 7 TQLC thay thế cho huynh trưởng Mê Linh. Ba-lô và những trang bị cá nhân trên vai, sau khi bàn giao trung đội 3 cho Phước mập, tôi lên trình diện tiểu đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Từ thôn Như Lệ, băng qua hai dòng suối nhỏ, vài ngọn đồi thì đến cánh B, nhìn thấy huynh trưởng Lâm Tài Thạnh tôi chào anh. Sau khi chào lại, anh hỏi:
    - Ông Minh đi đâu vậy?
    - Thưa Thiếu tá, tôi ra thay thế cho Trung úy Minh ở toán CAP tiểu đoàn 7.
    - Đi bình an và may mắn nhé!

    Nhớ lại thời gian hơn một năm trước, ngày tôi về trình diện đơn vị, được gặp huynh trưởng. Sau lời dặn dò của một người anh, anh đã phân chia tôi về đại đội 3 với huynh trưởng Tăng Bá Phụng; còn Sơn, người bạn cùng khóa, về đại đội 1 với huynh trưởng Tống Ngọc Hạp. Một tháng sau đó đơn vị rời Cổ Thành Quảng Trị về đóng quân ở Chợ Sãi, Vĩnh Định, Triệu Phong. Trong một buổi thực tập hành quân chiếm mục tiêu của trung đội 3, với những lời phê bình và chỉ dẫn các khuyết điểm của tôi trong cuộc tấn công, anh có nhắc đến ưu điểm của tôi là biết sử dụng hỏa lực yểm trợ.

    Được đọc tâm sự mới đây của anh qua những bài viết về huynh trưởng Lê Hằng Minh mà anh xem là một tấm gương sáng. Tôi cảm thấy chính anh Lâm Tài Thạnh cũng đã là một tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo từ những ngày đầu về trình diện đơn vị.

    Bước vào bộ chỉ huy tiểu đoàn, gặp Đại úy Đức trưởng ban 3. Thông báo cho tôi những chỉ thị cần thiết trước khi ra nhận nhiệm vụ mới, anh nói "công tác của ông bây giờ là dân sự vụ, ráng làm sao cho đừng mất lòng dân".

    Trên chiếc xe Jeep của tiểu đoàn trưởng, Hạ sĩ Thế đưa tôi và Binh nhất Thọ, đại đội 4 đến Bến Đá vào một buổi chiều mát trời tháng 3, xe quẹo vào con đường đất ở Đông Nam cầu Bến Đá, nơi có ngôi chợ nhỏ thường họp vào mỗi buổi sáng.
    Hai phía bờ Nam của cầu Bến Đá, trên sông Ô Lâu còn in lại dấu vết của đoàn chiến xa Bắc Việt đã bị đại đội 3, tiểu đoàn 7 TQLC bắn tan hàng nơi đây gần 2 năm về trước trong cuộc triệt thoái khỏi Quảng Trị.

    Đầu tháng 3 năm 1972, Bắc quân ồ ạt vượt sông Bến Hải và vùng phi quân sự, tấn công và chiếm đóng các vùng đất ở phía Bắc thành phố Quảng Trị. Tại căn cứ Phượng Hoàng, tiểu đoàn 6 TQLC đã chặn đứng bước tiến của Bắc quân, diệt hàng chục xe tăng thâm nhập vào phòng tuyến.

    Trên không phận Quảng Trị những ngày hè đỏ lửa, các con Thần Ưng, Đại Bàng Trần Thế Vinh, Nguyễn Bửu Thọ thuộc sư đoàn 1 Không Quân, đã bắn cháy hàng loạt các chiến xa, làm chùng bước tiến của làn sóng đỏ.
    Hăng say với nhiệm vụ quên thân mình, con đại bàng Trần Thế Vinh đã ra đi, để lại bao nhiêu tiếc thương cho đồng đội và nhân dân miền Nam trong những ngày hè ngập lửa.
    Lúc đó dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Võ Trí Huệ, tiểu đoàn 7 TQLC là lực lượng triệt thoái cuối cùng của lữ đoàn 369, và cũng là lực lượng sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Dọc lộ trình di chuyển, nhìn những viên đạn pháo của Bắc quân cày nát quốc lộ 1 từ ngã ba Hải Lăng đến cầu Bến Đá, đoạn đường này được gọi là “Đại Lộ Kinh Hoàng” chỉ dài chưa đầy 7 cây số trên quốc lộ 1 mới. (Đường quốc lộ 1 cũ chạy song song và nằm về hướng Đông, cách đó khoảng nửa cây số).

  10. #29
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Những chiến binh của đại đội 3 tiểu đoàn 7 TQLC nương theo những bụi cây, gò cát hai bên quốc lộ để rút về Nam, trong khi thường dân vô tội chỉ biết kéo nhau đâm vào chỗ chết trên đoạn đường kinh hoàng, đầy xác người và xe cộ chồng chất lên nhau; Mãi cho đến khi những chiến binh tiểu đoàn 7 TQLC bắt sống được hai đề-lô Bắc quân, mặc quần áo ngụy trang của sư đoàn 3 thì pháo mới chấm dứt.
    Đến sông Ô Lâu, được lệnh dừng lại bố trí để đón hết những thường dân vô tội trên đường di tản. Các chiến binh tiểu đoàn 7 trải hàng ngang dọc bờ sông Ô Lâu từ cầu Bến Đá về hướng Tây để ngăn cản bước tiến của Bắc quân. Đại đội trưởng đại đội 3, Đại úy Tôn Thất Trân - Xử lý thường vụ cánh B tiểu đoàn 7, được giao cho nhiệm vụ trấn ải. Người đại đội trưởng tài ba của đơn vị được danh dự nhận lãnh nhiệm vụ chận đứng bất cứ sự xâm nhập nào của Bắc quân, dưới tay anh hơn 150 tay súng cừ khôi của đơn vị đã thi hành nhiệm vụ một cách tuyệt vời.

    Đại đội 3 tiểu đoàn 7 TQLC nguyên là một đại đội tác chiến thuộc tiểu đoàn 3 TQLC, được chuyển qua khi thành lập tiểu đoàn 7 tân lập vào cuối năm 1969 trước khi bắt đầu cuộc hành quân Kampuchia. Những chiến binh đại đội 3 là những người đã từng dày dạn khói lửa khắp bốn vùng chiến thuật và hai trận vượt biên. Lần này lập công đầu phải kể đến huynh trưởng Nguyễn Lai, trung đội trưởng trung đội 3, đơn vị mà tôi được vinh dự thay thế khi anh đã là đại đội phó sau này.
    Dọc bờ Nam sông Ô Lâu, trung đội 1 và trung đội 2 phía Tây, trung đội 4 súng nặng, và ban chỉ huy đại đội dọc theo quốc lộ 1. Trung đội 3 với một tiểu đội dàn hàng ngang trên cầu xe lửa, người này tiếp theo người kia không quá một sải tay, song song với cầu đường nhựa trong khoảng chưa đầy 40 mét. Khoảng cách này thật lý tưởng cho tầm bắn của M72 mà mỗi chiến binh đều được trang bị từ 2 đến 3 cây, ba tiểu đội còn lại nằm trấn ở phía Bắc cầu Bến Đá với tổ bắn chiến xa do Trung sĩ I Lựu điều động, còn huynh trưởng Nguyễn Lai chỉ huy tổng quát toàn trung đội 3.

    Sau này khi nhắc lại chuyện cũ, Hạ sĩ Nguyễn Hồng Mai - Tiểu đội phó tiểu đội 2 cho biết “lúc đó tụi tui lo quá, tại sao dân đi hết rồi mà chưa tới phiên mình”. Với giọng cười giòn giã, huynh trưởng Nguyễn Lai góp chuyện “nghe tiếng xe tăng địch, tao cố trấn tĩnh nhưng bụng thì đánh lô tô. Đáng lẽ tao chờ cho đến khi chiếc tăng thứ nhất của địch đến giữa cầu, các chiếc khác nối đuôi theo sau trên cầu mới thổi còi ra lệnh thì chắc cháy hết 5 chiếc một lúc”.

    Run quá nên khi chiếc tăng thứ nhất vừa lên cầu, không chờ đợi gì nữa, anh thổi còi ngay. Hàng chục tay súng đã hờm sẵn M72 từ trước đồng loạt khai hỏa. Chiếc tăng thứ nhất của địch bị trúng đạn chạy tới giữa cầu rồi bốc cháy nhưng vẫn còn trớn lết về phía trước, qua khỏi cầu tài xế tăng Bắc quân lính quýnh lủi tránh về hướng Đông Nam thì bị kẹt ở đó. Chiếc thứ hai cũng cùng chung số phận, trúng đạn chạy qua khỏi cầu thì cán chồng lên chiếc thứ nhất và bốc cháy dữ dội.
    Quá phấn chấn cả trung đội đều đứng lên nhắm bắn chiếc thứ ba khi nó chưa tới cầu, bị trúng đạn nó lủi về hướng Đông Bắc của cầu Bến Đá, hai chiếc thứ tư và thứ năm nhìn thấy các chiếc trước trúng đạn, đâm ra kinh hãi, quay đầu chạy về hướng Bắc.
    Lúc đó trung đội 2 vượt sông Ô Lâu để truy kích toán bộ đội tùng thiết của Bắc quân, trong khi trung đội 1 và 4 thanh toán và bắt sống những lính Bắc quân trên hai chiếc tăng ở bờ Nam.
    Một người lính TQLC trẻ nhìn thấy hai nòng súng đại bác ló ra từ đám cháy của xe tăng Bắc quân, anh thốt lên với các bạn gần đó:
    - Xe tăng Việt Cộng hai từng bay ơi!
    - Nói tầm bậy, tụi nó chết chùm đó! Hai chiếc cháy nhập một. Tiếng một anh khác trả lời.
    Tiếng reo hò vui mừng của các chiến binh đại đội 3 sau khi hạ được xe tăng địch đã lấn áp nỗi lo âu trước đó khi không biết M72 của mình có đủ khả năng tiêu diệt được chiến xa của địch hay không?
    Sau sự tan rã của đoàn chiến xa và tùng thiết tại cầu Bến Đá làm Bắc quân khựng hẳn lại. Tiểu đoàn 7 TQLC yên ổn hành quân triệt thoái về tuyến Mỹ Chánh để hợp với các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 369, thiết lập tuyến phòng thủ ở bờ Nam sông Ô Khê dưới quyền chỉ huy của Đại tá Phạm Văn Chung.

    Ngày 19-06-1972 sau lệnh tái phản công để chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị đang bị Bắc quân chiếm giữ, sư đoàn TQLC ở hướng Đông, sư đoàn Dù ở hướng Tây tạo thành hai gọng kềm tiến lên chiếm lại tỉnh lỵ Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng. Ngày 15-09-1972 trung đội của Lê Đình Lời thuộc tiểu đoàn 3 TQLC đã leo lên được bờ thành cổ, đánh bật các chốt của Bắc quân, mở màn cho cuộc chiếm lại Cổ Thành...

    Cầu Bến Đá là một cây cầu bắc ngang qua một con sông nhỏ tên Ô Lâu, thuộc phạm vi xã Hải Trường, tên cũ là làng Trường Sanh. Xã Hải Trường gồm các ấp Giáp Trung, Giáp Hậu, Giáp Đông, Giáp Tây, và Diên Sanh.
    Toán CAP tiểu đoàn 7 đến Hải Trường để đón dân về hồi cư từ các trại tị nạn ở Huế và Đà Nẵng vào cuối năm 1973. Nhiệm vụ của chúng tôi là đón dân trở về làng cũ, giúp đỡ và bảo vệ dân chúng, tiếp tay với chính quyền địa phương tổ chức và huấn luyện cho Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ. Nhờ công tác này mà sau đó tôi được tưởng thưởng một Nhân Dân Tự Vệ Bội Tinh.

  11. #30
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,764
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Đường quốc lộ 1 mới ở về hướng Tây như là một cái cột xương sống đỡ lưng cho toàn xã Hải Trường, còn quốc lộ 1 cũ chạy xuyên qua giữa làng như một đường thực quản. Nối hai đường quốc lộ cũ và mới là một con đường đất ở phía Nam của cầu Bến Đá. Dân về hồi cư có một số tụ họp dọc theo hai bên con đường đất này.
    Chợ Bến Đá họp mỗi buổi sáng từ tinh mơ cho đến giữa trưa. Ngoài các sạp chợ, còn có các cửa hàng xén, hàng tạp hóa, các dịch vụ như may mặc, hớt tóc, sửa chữa giày dép, rèn và gò các dụng cụ nhà nông, một vài quán ăn phục vụ cho dân trong xã cũng như các đơn vị quân đội đồn trú quanh đó.

    Dân Trường Sanh hồi cư về làng cũ; Thôn Đông hơn 300 người; Thôn Tây gần 800 người; Thôn Hậu 1000 người, nhiều nhất là Thôn Trung với khoảng 2000 người. Thôn Diên Sanh cũng có khoảng 200 người ngụ cư, phần lớn họ không phải là dân Trường Sanh trước đây mà là dân buôn bán ở hai bên quốc lộ 1.
    Làng Trường Sanh gồm có 7 họ, trong đó hai họ chính là Lê và Trương, mỗi họ chiếm khoảng 30% dân số, 40% còn lại thuộc về 5 họ khác. Làng có một trung đội nghĩa quân cơ hữu và khoảng gần 100 nhân dân tự vệ.
    Trụ sở hành chánh xã nằm ở góc Tây Nam của cây cầu trên quốc lộ 1 cũ. Cuộc Cảnh Sát và Xây Dựng Nông Thôn nằm gần đó, trên con đường đất xuyên qua làng. Đến giữa năm 1974 thì Phân Chi Khu Hải Trường được thành lập, trụ sở tạm thời của phân chi khu được đặt ở trụ sở xã.

    Người dân Trường Sanh hiền hòa, hiếu khách. Trong một chuyến hành quân về thôn Đông, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà dọc đường. Gặp một bà cụ ở đây khoảng 70 tuổi, tôi hỏi thăm:
    - Mệ đi Huế thường không Mệ?
    - Mô rứa eeng. Tui chỉ có đi tới quận Hải Lăng một lần, hồi tê chưa có chồng!
    - Hồi tản cư mệ ở đâu?
    - Ở trong trại. Có nhớ trại nào mô! Ngồi một chỗ mà nhớ nhà, nhớ mồ mả, giỗ kỵ ông bà, eeng ơi!
    Những bà mẹ miền Trung cả một đời chỉ biết quấn quít bên lũy tre làng, hiền lành, chịu đựng, tần tảo lo lắng cho gia đình sớm tối suốt cả một đời.
    Lần về Giáp Tây, một chiến binh CAP hỏi xin nước một bà mẹ:
    - Mạ à, cho con xin ly nước.
    - Nát trong bường tê.
    Anh chiến binh đứng ngẩn ngơ, phân vân không hiểu thì một người lính nghĩa quân chỉ vào cái ấm trên bàn và nói:
    - Nước trong bình đó anh.

    Trong làng chỉ có một ngôi trường tiểu học với mái bằng tôn, trống hốc, bàn ghế xiêu vẹo, chắp vá, nóng bức vào mùa hè, lạnh lẽo vào mùa đông. Tuy vậy vẫn có rất nhiều em nhỏ không thể đến trường vì cha mẹ bận rộn với miếng cơm, manh áo, không còn đủ khả năng cho các em đi học được. Một số em may mắn xong bậc tiểu học thì cũng phải chuyển sang đi học trường Nguyễn Hoàng, một ngôi trường trung học duy nhất cho cả tỉnh Quảng Trị hồi cư, được xây dựng lại trên một bãi cát gần quận lỵ Hải Lăng.
    Tội nghiệp, chẳng có bao nhiêu em được tiếp tục bậc trung học. Phần lớn các em xong bậc tiểu học là ở nhà lo phụ giúp gia đình kiếm sống. Các em trai làm việc cực nhọc, đến tuổi lớn thì vào nghĩa quân hay địa phương quân. Các em gái thì đầu tắt mặt tối giúp đỡ cha mẹ, lo lắng cho các em nhỏ, chăm sóc gia đình cho đến khi lấy chồng, rồi lại cả một đời quanh quẩn bên lũy tre làng. Một số cô học làm thợ may, vài cô học lên bậc trung học thì xin học làm y tá, thư ký trong xã. Rất ít gia đình có đủ khả năng cho con vào Huế để được học cao hơn. Tôi biết được một gia đình ngụ cư. Ông này có chiếc xe đò nhỏ chở khách chạy đường Huế - Quảng Trị là có con được vào Huế học mà thôi.

    Vài anh lính trong trung đội nghĩa quân cơ hữu của làng thường khai bệnh vắng mặt. Một hôm tôi đến thăm nhà một anh cho biết rõ sự tình thì chỉ gặp mấy đứa nhỏ nheo nhóc, một đứa bò lê, bò càng khóc đòi bú, thằng con trai chừng hai tuổi trần truồng đứng bú tay, một đứa bé gái chừng năm tuổi dỗ dành thằng em đang khóc ngất.

Trang 3 / 7 ĐầuĐầu 12345 ... Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. 3 bước bảo quản đồ gỗ để ngoài trời
    By Nhan in forum Mẹo Vặt-Khéo Tay
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 11-20-2010, 04:15 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-11-2010, 06:54 AM
  3. Sữa ngoại đang thao túng thị trường sữa Việt Nam
    By giavui in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-31-2010, 01:42 PM
  4. Cả nhà quỳ ra đường để đòi công lý
    By giavui in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-30-2010, 04:44 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-25-2010, 09:52 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •