Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Yêu là vui vì hạnh phúc của người khác, là coi hạnh phúc của người kia như hạnh phúc của chính mình.
G.W. Leibnitz
Trang 7 / 7 ĐầuĐầu ... 567
Results 61 to 62 of 62

Chủ Đề: Những mảnh đời dang dở

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Những mảnh đời dang dở

    Tác giả:
    Nguyễn Ngọc Minh


    Ngày đi

    Sách đã xuất bản năm 2004, bởi THẮNG MÕ NAM CALIFORNIA ấn hành.
    Tác phẩm gồm những bài viết của một người lính Thủy Quân Lục Chiến về những mảnh đời rất thật của chính tác giả và đồng đội cũng như số phận nghiệt ngã mà những người lính VNCH phải gánh chịu theo mệnh nước nổi trôi...
    Những bài viết rất thật đến độ có thể làm khó chịu một vài người nhưng chắc chắn những người đã từng cầm súng bảo vệ mảnh đất miền Nam thân yêu trước đây sẽ tìm thấy bàng bạc hình ảnh của chính mình trong đó.
    Đôi hàng về người viết:
    Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1951 tại Saigon. Học trường tiểu học Trương Minh Ký, sau đổi thành Nguyễn Thái Học, trung học tại trường Nguyễn Trải, sau đó là Đại học Khoa học Saigon.
    Gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến năm 1972, trấn đống tuyến đầu Quảng Trị, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An - Đà Nẵng cuối tháng 3/75. Cải tạo 6 năm từ Trung ra Bắc. Vượt biên đường bộ 2 tháng xuyên qua Kampuchia đến Thái Lan 6/81. Định cư tại San Fernando Valley - Los Angeles từ 7/83. Hiện là chủ nhân cơ sở "Professional #1 Auto Repair" ở Canoga Park, California.


    "Anh sẽ ra đi về miền cát nóng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..."
    Thấm thoát đã 32 năm từ ngày Trần Chúc leo lên sân khấu vườn Tao Ngộ - Trung Tâm 3 tuyển mộ và nhập ngũ để hát bài “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy. Mùa hè đỏ lửa năm đó, miền cát nóng Quảng Trị Cổ Thành, đã cuốn hút biết bao nhiêu người dân Việt trong lứa tuổi thanh xuân, đến để tàn sát nhau trong một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt.

    Đầu tháng 3/72 cuộc chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt, với những trận địa chiến nặng nề, khi quân đội miền Bắc dồn toàn lực tấn công trên khắp các vùng chiến thuật.
    Tàn khốc nhất là mặt trận Quảng Trị khi Bắc quân tràn qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Bất chấp các hiệp định đã được ký kết, quyết tâm lấn chiếm các căn cứ quân sự của quân dân miền Nam ở phía Bắc sông Thạch Hãn, để làm bàn đạp tiến xuống miền Nam. Cùng lúc đó các mặt trận khác cũng sục sôi không kém.
    Mặt trận Tây Nguyên - Kon Tum, Đakto, Tân Cảnh ở vùng II chiến thuật.
    Mặt trận Bình Long - An Lộc ở vùng III chiến thuật - Tây-Bắc của thủ đô Saigon.
    Tôi còn nhớ chiều hôm ấy vào dạo cuối tháng 3/72 khi đang ngồi uống cùng anh bạn học, Thiếu úy Nguyễn Văn Vân, vài chai bia trong lần gặp gỡ cuối cùng. Anh cũng là một học sinh Nguyễn Trãi và chúng tôi cùng học luyện thi tại trường Tân Văn niên khóa 67/68, nhập ngũ khóa 9/68 sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khi tốt nghiệp anh đã tình nguyện về Nhảy Dù.
    - Ngày mai tụi tao lên Pleiku tăng phái cho quân đoàn II tại mặt trận Tân Cảnh.
    Tôi cũng chẳng biết nói gì khi chia tay bạn vì hai chữ bình an lúc này vô nghĩa. Ai ra đi cũng được cầu chúc bình an, nhưng có mấy người được an bình trở lại...
    - Giữ gìn sức khỏe, dạo này cánh tay mày ra sao?
    Vân bị tai nạn bên cánh tay phải năm học đệ tứ nên khi viết bảng phải dùng tay trái, tay phải bị run khi anh dơ lên cao. Nhưng lần này anh đưa cả hai cánh tay thẳng lên trời.
    - Quân đội là lò luyện thép mà.
    Đó là lần cuối cùng gặp nhau. Khi tôi đến Hải Trường - Bến Đá, trong một lần gặp gỡ vài người bạn thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, thì được biết Vân đã hy sinh tại Động Ông Đô trên đường tái chiếm cổ thành.

    Tháng 4/72 chúng tôi được giấy gọi nhập ngũ. Lúc này tình hình chiến sự thật sôi động. Trên các trang báo ngoài những mục bình thường, phần tin tức chỉ toàn là tin chiến sự. Hình ảnh những đoàn người tỵ nạn chiến tranh chen chúc nhau đổ vào các trung tâm tỵ nạn tại Huế và Đà Nẵng. Các đoàn quân tiếp tục tiến ra chiến trường, các trận đánh đẫm máu, các lời tường thuật về những anh hùng vị quốc vong thân.
    Hình ảnh xúc động tột cùng của một em bé gái bị bom Napalm cháy phỏng khắp thân mình, đang chạy kêu la cầu cứu với gương mặt hốt hoảng, đau đớn...

    Giữa tháng 4/72 bài hát anh hùng Không Quân Trần Thế Vinh được truyền đi trên các làn sóng phát thanh. Tiếp theo là hàng loạt các bài hát Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng, Trị Thiên vùng dậy...

    Cuối tháng 4, những bức chân dung mới bắt đầu xuất hiện trên bùng binh chợ Bến Thành và một số các bùng binh khác trong thành phố Saigon. Bài hát “Người ở lại Charlie” của Trần Thiện Thanh làm xúc động lòng dân thành phố và cả miền Nam.

    Các trường đại học cho thi sớm hơn để các sinh viên chuẩn bị xếp bút nghiên lên đường. Phòng thi thưa thớt thí sinh, hầu hết là những anh còn ở lại mới còn tâm trí đến trường. Chúng tôi đã có giấy gọi, không còn hứng thú để vào thi, tụ tập bên ngoài phòng thi, kẻ thì bàn tán về tương lai trong cuộc đời quân ngũ, người thì vẽ ra các chọn lựa để phòng xa, một số ít thì ù lì thả trôi theo vận nước "tới đâu thì tới...".
    Last edited by giavui; 10-25-2010 at 04:20 AM.

  2. #61
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Ngày vui qua nhanh, chiều mùng 4 tết tiểu đoàn được lệnh chuyển quân đêm đến căn cứ tiền phương Đông Hà - Quảng Trị và từ đó chúng tôi lội bộ vào Cùa, Mai Lộc để tăng phái cho lữ đoàn 147 TQLC vì có dấu hiệu Bắc quân đang tập trung lực lượng trong các khu vực này.
    Đúng như dự liệu, đầu tháng 3 năm 72 Bắc quân ồ ạt dùng xe tăng, biển người tràn qua vùng phi quân sự, tấn công các vị trí của sư đoàn 3 và Địa Phương Quân tỉnh quảng Trị, cùng lúc chúng cũng đột kích vào các lực lượng TQLC.
    Tháng 4 năm 72, trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 3 bộ binh thất thủ sau một thời gian dài bị Cộng quân vây hãm khiến hệ thống phòng thủ của sư đoàn 3 hoàn toàn sụp đổ. Bắc quân tiến chiếm căn cứ Ái Tử - Quảng Trị và cổ thành lọt vào vòng đạn pháo của Cộng quân.
    Ngày 29 tháng 4 sư đoàn 3 bộ binh rút lui rời bỏ cổ thành Đinh Công Tráng và tỉnh lỵ Quảng Trị. Không còn sư đoàn 3 đối đầu khiến áp lực của Bắc quân dồn hết vào các lực lượng TQLC đang trấn thủ tại đây.
    Chiến trận ngày càng thêm khốc liệt. Những ngày cuối tháng 4 dân chúng Quảng Trị hoảng hốt vứt bỏ cả tài sản, cố thoát thân ra khỏi vùng lửa đạn. Thường dân, xe cộ theo chân các đoàn cơ giới của sư đoàn 3 rút lui về Nam, gây cảnh bế tắc và chết chóc thảm thương trên Đại Lộ Kinh Hoàng khi Bắc quân cố dùng đạn pháo ngăn cản.
    Đêm hôm đó đang chập chờn trong giấc ngủ mê mệt, tôi chợt tỉnh cơn ngủ vật vờ, căng thẳng cả đêm qua vì tiếng động cơ rì rầm xa xa từ hướng ngã ba Hải Lăng vọng xuống. Một người lính trẻ đang gác quay qua hỏi tôi:
    - Anh Lựu, anh dậy rồi à! Em nghe tiếng xe tăng, phải xe của mình không?
    - Không biết, để tao hỏi Thiếu úy Lai.
    Nhìn vào chiếc đồng hồ dạ quang trên tay chưa đến 4 giờ sáng, tôi định bước qua ban chỉ huy trung đội để thông báo cho Thiếu úy Nguyễn Lai thì trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ hướng đó, chắc anh cũng đã dậy rồi, hầu như tất cả những người lính của trung đội 3 đều đã thức giấc. Tôi mồi một điếu thuốc Capstan, kéo một hơi dài, cảm thấy ê ẩm cả lồng ngực, suốt hai ngày qua quần thảo với Bắc quân trên Đại Lộ Kinh Hoàng, hít toàn khói súng và khói đạn pháo của cả ta và địch, buồng phổi của anh em chúng tôi chắc đang chứa đầy thán khí.
    Dập tắt điếu thuốc ngon nhất trong ngày vì nó đã trở thành vô vị, tôi đi kiểm soát từng vọng gác, nhắc nhở các chiến binh trung đội 3 cẩn thận vì Bắc quân thường đột kích tấn công vào lúc trời rạng sáng, thường giờ này là lúc mọi người dễ say ngủ hoặc ỷ y.
    - Nè, cẩn thận nhé Mai! Tôi lên tiếng nhắc Binh nhất Nguyễn Hồng Mai đang ngồi gác.
    - Bộ xe tăng tụi nó hả anh Lựu?
    - Có thể xe bên mình...
    Khoảng 4 giờ 30 phút tiếng động cơ nghe rõ hơn, sinh nghi tôi chạy vội qua để liên lạc với Thiếu úy Lai thì được biết anh đã thông báo cho đại đội và nhận được lệnh cẩn thận vì có thể là thiết giáp của đơn vị bạn đang rút về.

    Trung đội 3 rải tuyến hàng ngang ở bờ Bắc cầu Bến Đá, từ phía Tây của cầu đường nhựa kéo dài qua khỏi cầu sắt xe lửa theo hình cánh cung. Chúng tôi sử dụng các hầm hố có sẵn của đơn vị Địa Phương Quân gác cầu đã bỏ đi mấy ngày trước. Bên phía Đông Bắc của cầu Bến Đá, cách phía Bắc cây cầu khoảng 100 mét là một tiểu đội tiền đồn của tiểu đoàn 9 TQLC đang trấn giữ. Gần 5 giờ sáng tiểu đội này rút về và họ cũng cho biết nghe rõ tiếng động cơ và tiếng xích xe tăng từ hướng Bắc vọng xuống như chúng tôi.
    Chúng tôi quyết định cho tập hợp các cấp trưởng để bố trí phòng thủ và phân công nhiệm vụ trong trường hợp đoàn xe tăng đang tới không phải là xe tăng của đơn vị bạn.
    Trung đội 3 được phân chia như sau: Tiểu đội đại liên của Hạ sĩ Sơn trấn ngay bờ phía Đông cầu Bến Đá và cây đại liên được đặt trên ụ bao cát ngay đầu cầu. Một tiểu đội tác chiến nằm với ban chỉ huy trung đội bên bờ phía Tây của cây cầu, một tiểu đội tác chiến khác nối theo tới cầu sắt xe lửa, tiểu đội tác chiến còn lại của Hạ sĩ Đức trải dài trên cầu sắt với M-72. Thiếu úy Lai chỉ huy tổng quát toàn trung đội, tất cả M-72 còn lại của trung đội được gom lại cho toán xạ thủ 5 người sẽ đứng bắn xe tăng do tôi chỉ huy. Toán này gồm tôi, 3 tiểu đội trưởng và một tiểu đội phó thâm niên, đứng dàn hàng ngang trước hầm của ban chỉ huy trung đội, chỉ cách đường Quốc lộ 1 chưa tới 10 mét bên tay trái bờ Bắc. Hạn chế số xạ thủ tiếp cận chỉ với những chiến sĩ cấp trưởng, dày dạn kinh nghiệm chiến trường và khi đứng trước mặt hầm ban chỉ huy trung đội, sẽ đề phòng được tai nạn do tia lửa phụt hậu của M-72 bắn ra.
    Chúng tôi phân công rõ ràng là 5 xạ thủ sẽ đứng bắn những chiếc xe tăng trước khi chúng tới cầu, những chiếc nào thoát qua lên tới giữa cầu là nhiệm vụ của tiểu đội trên cầu sắt.

    Phân phối nhiệm vụ và bố trí xong xuôi thì trời bắt đầu rựng sáng. Tiếng động cơ ầm ĩ hơn, ồn ào hơn như vang vọng bên tai, đoàn xe đã tiến tới gần. Tôi hít vào một hơi thật dài, cố trấn tĩnh quả tim đang đập vội vã liên hồi trong lồng ngực, "Điệu này là cả một đoàn xe chứ không phải một vài chiếc", tôi lo lắng nghĩ thầm. Thấu hiểu nỗi lo lắng của các bạn đồng đội, quay qua các xạ thủ bên cạnh tôi nói thật lớn để trấn tĩnh các bạn cũng như trấn tĩnh chính mình. "Thủy quân lục chiến quyết chiến, Thủy quân lục chiến quyết thắng, anh em sẵn sàng!".
    Hạ sĩ Sơn lên tiếng hỏi:
    - Chừng nào thì bắn anh Lựu?
    - Chừng nào tao hô bắn thì bắn!
    Dưới chân mỗi người xạ thủ chúng tôi là 3 đến 4 cây M-72 đã giương nòng sẵn chỉ chờ để được khai hỏa. Siết mạnh cây M-72 trong tay, mắt tôi nhìn đăm đăm phía trước không chớp...

  3. #62
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Từ xa trên đầu dốc, cách chỗ chúng tôi đứng chừng hơn 300 mét xuất hiện một lá cờ nhỏ gắn trên đầu cây ăng-ten của một chiến xa từ từ lú lên cao. Ánh sáng mặt trời mới mọc đỏ như máu xuyên qua làn sương mai lờ mờ khiến tôi không nhìn thấy rõ màu cờ. Lá cờ từ từ nhô lên cao, rồi đến nòng súng, pháo tháp và toàn bộ chiến xa bắt đầu hiện nguyên hình.
    Chiến xa địch bắt đầu đổ dốc, nó đang xả hết tốc lực, lá cờ đã hiện rõ nửa xanh nửa đỏ, pháo tháp tròn như hình chiếc nón cối. Đúng là chiếc T-54 đang đâm thẳng về phía chúng tôi.
    Nhớ lại những kinh nghiệm chống tank địch mà Bộ tư lệnh sư đoàn đã thông báo sau khi tiểu đoàn 6 TQLC bắn cháy và bắt sống chiến xa địch ở căn cứ Phượng Hoàng tháng trước, chúng tôi cảm thấy vững tâm hơn.
    Chiến xa địch tiếp tục tiến về phía chúng tôi... còn cách 250 mét... 200 mét... theo sau chiếc T-54 dẫn đầu là một chiếc PT-76.... 150 mét - một chiếc PT-76 thứ nhì... 100 mét - một chiếc PT-76 nữa. Tôi dán mắt vào biểu xích, từ từ xoay người theo hướng di chuyển của chiếc chiến xa T-54.
    Thật tình mà nói, trong lòng tôi lúc này rất mâu thuẫn. Khi chiến xa địch chưa xuất hiện thì vừa lo vừa háo hức. Lo là vì lần đầu chạm trán với chiến xa, không biết lát nữa đây khi bắn nó có cháy hay không? Còn háo hức vì đã nghe nói nhiều nên cũng muốn thử lửa một lần cho biết. Dịp may hiếm có mà, đời lính dễ gì có một lần được bắn chiến xa địch.
    Bây giờ trong khi đoàn chiến xa địch đang tiến đến gần điểm quyết định, không riêng gì cá nhân tôi mà cả trung đội còn mong cho nó mau tới để được bấm cò M-72 đang nắm trong tay. Nỗi lo hiện thời đã biến mất, chỉ còn lại quyết tâm bắn hạ chiếc T-54 ngay những phát đạn đầu tiên, còn lại mấy chiếc PT-76 sau đó thì dễ hạ hơn nhiều...
    100 mét, khẩu đại liên trên chiếc T-54 của địch quân bắt đầu khai hỏa. Có thể khi đi từ chỗ sáng vào chỗ tối tên xạ thủ đại liên không thấy đường nên bắn thị uy vào hai bên bờ cầu, sau đó nó ngưng bắn và chiếc T-54 vẫn ào ào lướt tới, chắc nó tưởng đang đi vào chỗ không người!!!
    Khẩu M-72 phát nóng trong lòng tay tôi vì chờ đợi... 80 mét... 70 mét... 60 mét... 50 mét... 40 mét... Binh nhất Thanh - xạ thủ đại liên chụp cây M-60 trên ụ cát chắn ngay giữa lộ nhắm tên xạ thủ đại liên trên chiếc T-54 xiết cò, nhưng bắn chưa kịp hết loạt đạn thì anh đã xách súng nhảy qua một bên đường vì chiếc T-54 đã tràn tới. 30 mét... 20 mét. Tôi hét lớn "Bắn".
    Ầm... Ầm... Ầm..., pháo tháp chiếc T-54 lãnh đủ một loạt đạn từ các xạ thủ M-72. Những ngọn lửa xanh đỏ chớp lóe liên tục. Tiếng những xạ thủ hét lớn:
    - Cháy rồi...
    - Nó cháy rồi...
    Tôi thấy chiếc T-54 khựng hẳn lại, bốc cháy và tốc độ giảm hẳn đi. Có lẽ sức chấn động của loạt đạn nổ đã làm cho những tên lính Bắc quân trong xe tăng bị thương rồi, lúc này nó chỉ còn trớn lướt tới mà thôi. Lúc nó lướt qua mặt chúng tôi, tôi chỉ cảm thấy bóng đen của một khối sắt khổng lồ với những chấn động mạnh, rung chuyển cả khoảng đất chúng tôi đang đứng vì lúc đó chúng tôi chỉ đứng cách nó khoảng chừng 6, 7 mét mà thôi.
    Chiếc tank T-54 của địch như một con dã thú bị thương đang trườn tới giữa cầu. Quay người lại tôi bồi thêm một phát M-72 vào ngay sợi xích của nó. Một ánh lửa lóe lên, những mảnh xích bay tung tóe trên cầu. Cùng lúc đó tiểu đội trên cầu sắt tặng nó thêm mấy quả M-72 khiến nó bị bốc cháy như một ngọn đuốc.
    Khi vừa lết qua khỏi cây cầu tới bờ Nam thì một tiếng ầm dữ dội vang lên. Chiếc M-41 tăng phái cho tiểu đoàn 9 TQLC nằm ở bờ Nam cây cầu bồi thêm cho nó một phát 76 ly banh luôn pháo tháp, nằm gục bên vệ đường hướng Đông Nam.
    Chiếc PT-76 vừa trờ tới bị trúng luôn mấy trái M-72 của tụi tôi bốc cháy dữ dội, những tên bộ đội tùng thiết nhảy ra khỏi xe, một số rớt xuống dòng sông nước chảy xiết, một số chạy qua bờ Nam cầu thì bị các chiến sĩ tiểu đoàn 9 TQLC bắt sống. Khi chiếc PT-76 này bò tới giữa cầu thì bị tiểu đội trên cầu sắt gửi thêm mấy quả M-72 nên chỉ còn đủ trớn lết qua khỏi cầu thì nằm cán lên chiếc T-54 và cả hai biến thành một khối lửa.
    Tôi nghe tiếng Hạ sĩ Sơn hét lớn " Cho mày chết!".
    Đúng lúc đó chiếc PT-76 thứ nhì bị trúng một loạt đạn M-72 của các xạ thủ từ xa, bốc cháy ủi vào hàng rào phòng thủ của trung đội. Những chiếc còn lại hốt hoảng quay đầu chạy về hướng Đông, dọc theo bờ Bắc sông Ô Lâu tẩu thoát.
    Xong trận diệt tank Bắc quân, anh em chúng tôi vui mừng vì không ngờ mình lại hạ được tank địch một cách quá dễ dàng như vậy. Kiểm điểm lại quân số thì được biết Thiếu úy Lai bị thương vì trúng đạn đại liên của địch. Sau đó anh đã được tải thương về đại đội. Ngay trong ngày hôm đó Đại úy Tôn Thất Trân đã cho mang thêm M-72 bổ sung cho trung đội 3. Tôi nghe tiếng anh nói trên máy truyền tin PRC-25: “Thằng 3 đánh một trận diệt tank địch để đời... Lựu à! Ráng chăm sóc anh em chờ thẩm quyền Lê Lai trở lại...".
    - Tôi nghe Đại bàng 5 trên.
    Tiếng nói của người anh cả đại đội làm tôi nhớ đến lời anh trấn an ngày tôi bị thương ở Hạ Lào năm trước, đã làm tôi ấm lòng.
    10 giờ sáng hôm đó Đại tá Phạm Văn Chung, Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369, tới quan sát chiến trường ghi nhận thêm các kinh nghiệm chống tank. 1 giờ trưa cùng ngày, cánh B tiểu đoàn 7 TQLC được lệnh di chuyển về Mỹ Chánh ở bờ Nam sông Ô Khê thuộc quyền lữ đoàn 369.

    Cuối tháng 8 năm 1972 tiểu đoàn 7 TQLC được điều động vào Chợ Sãi - Triệu Phong để ngăn chận việc tiếp tế bằng đường thủy của Cộng quân vào cổ thành và tỉnh lỵ Quảng Trị trên sông Thạch Hãn. Tôi bị thương tại đây vào đầu tháng 9. Lần bị thương thứ nhì này đã làm cho tôi phải rời xa đơn vị vĩnh viễn, trở thành một phế binh. Lần thứ nhất tôi bị thương tại Hạ Lào năm 1971.

    Đã hơn 30 năm qua từ ngày tôi rời xa đơn vị nhưng những kỷ niệm từ ngày đầu tiên cho đến những ngày cuối cùng với tiểu đoàn 7 TQLC, nhất là trung đội 3, đại đội 3 không hề rời xa tâm hồn tôi. “TQLC sống hùng, sống mạnh nhưng không sống dai”. Đó là câu nói đùa từ cửa miệng của anh em chúng tôi.

    Xin thành kính nghiêng mình trước anh linh của các chiến hữu đã hy sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ màu cờ sắc áo. Tôi vẫn và mãi mãi sẽ không bao giờ quên câu tâm niệm của người chiến binh Thủy Quân Lục Chiến.
    "Sống đội mũ xanh, chết mặc đồ rằn".


    Viết theo lời kể lại của Thượng sĩ Thái Công Lựu, Virginia - USA.
    Trung đội phó Trung đội 3 - Đại đội 3 - Tiểu đoàn 7 TQLC.


    Nguyễn Ngọc Minh
    Nguyễn Trãi B363 -
    Tiểu đoàn 7 TQLC

Trang 7 / 7 ĐầuĐầu ... 567

Chủ Đề Tương Tự

  1. 3 bước bảo quản đồ gỗ để ngoài trời
    By Nhan in forum Mẹo Vặt-Khéo Tay
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 11-20-2010, 04:15 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-11-2010, 06:54 AM
  3. Sữa ngoại đang thao túng thị trường sữa Việt Nam
    By giavui in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-31-2010, 01:42 PM
  4. Cả nhà quỳ ra đường để đòi công lý
    By giavui in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-30-2010, 04:44 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-25-2010, 09:52 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •