Bố Mẹ Tôi
Đào Quang Vinh




Đêm hôm nay, mười bốn trăng tròn. Tôi tưởng tượng như thế. Nếu quả thật như vậy thì ngày mai nhất định phải là ngày rằm. Ngày rằm tháng tám, ngày tết trung thu, trăng sẽ sáng và thật tròn. Ánh trăng sẽ tỏa ngập trần gian. Thành phố này, nơi tôi vừa đến, tôi nhìn lên cao mà mường tượng, dường như thấy rõ cả khuôn mặt chị hằng nơi cung điện...

Với bao mùa trung thu qua, xa quê nhà tính ra đã cả hai mươi lăm năm trời, tôi đã trở thành "người khác" từ lúc nào không hay biết. Bây giờ giật mình, tôi thấy tôi đã bắt đầu chớm già. Không phải già vì tuổi tác mà già vì cuộc sống tranh đua từng ngày. Có lẽ vì vậy mà Tết Trung Thu chẳng còn ý nghĩa sâu đậm trong tôi như ngày nào, thủa tôi còn bé. Hình ảnh những chiếc bánh nướng mầu nâu, bánh dẻo mầu trắng và mùi thơm của tách trà tầu mạn sen bốc khói và nhất là nụ cười thật tươi của cha tôi cũng chẳng còn. Nhớ tới cha tôi là nhớ tới miền bắc xa xôi của người.

Hànội ngày ấy, tôi còn nhỏ, trời có mưa phùn bay và gió lạnh hiu hắt thổi nhẹ. Tôi vẫn còn nhớ cái mũ nồi mầu xám đậm kéo phủ mang tai, lốm đốm có những li ti bụi nước long lanh mầu vẩn thạch. Chiếc khăn quàng cổ rộng và dài, dầy cộm, quấn quanh chiếc cổ bé xíu, hồi tôi lên bẩy, trông thật ngộ nghĩnh. Cứ ba tháng trời mới được một lần dời nhà nội trú, để theo bố tôi về nhà, hưởng những ngày đầm ấm bên gia đình.

Tôi nhớ có lần bố đón, trên con đường vắng quen thuộc, ẩm ướt, bố dắt tay tôi qua đường vội vã và dục "nhanh lên con, về ăn bún riêu mẹ nấu". Theo chân bố, tôi bước những bước thật dài mà vẫn còn lẻo đẽo ở phía sau. Tôi muốn đi nhanh hơn nữa, có lúc phải chạy, vì biết giờ này mẹ đang mong ngóng chờ đợi tôi về. Mỗi năm chỉ có vài lần được sung sướng như thế. Ở lại nhà với mẹ vài ngày, hạnh phúc thật to lớn. Tôi muốn xà vào lòng mẹ ngay từ lúc mới bước vào cửa, nhưng không được. Bố tôi nghiêm khắc quá. Lúc nào thì ông cũng một mực "là con trai thì phải cứng rắn, không được làm nũng mẹ". Lần nào cũng vậy, đợi cho bố tôi vừa đi khuất, mẹ vẫy tôi lại ngay. Tôi ngập ngừng sợ hãi, dường như lời nói của ông vẫn còn văng vẳng đâu đây. Mẹ hiểu tâm trạng của tôi, vội với tay kéo tôi vào lòng. Những giờ phút ở cạnh mẹ, tôi thấy được bao bọc, được che chở mọi chiều, được đền bù cho những giây phút cô đơn một mình. Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường khóc, mơ ước được nằm trong cánh tay ấm áp của mẹ. Mẹ xoa đầu tôi, trìu mến nhìn thẳng vào mắt tôi, xuýt xoa. "Con của mẹ chóng lớn quá". Không khí gia đình luôn luôn vẫn thế, ấm cúng, khác xa với nơi nội trú tôi ở, nhất là về mùa đông có những ngày dài lê thê lạnh lẽo. Cơn mưa nhỏ làm mờ cửa kính, chỗ tôi vẫn thường đứng đó hằng đêm mà ngóng về hướng nhà cha mẹ tôi đang ở, nơi có một mảnh vườn nhỏ và đôi guốc gỗ bé vừa bằng bàn chân tôi. Tôi đã dấu thật sâu nơi bụi cây hàng rào chỉ vì nó dính bùn. Tôi sợ mẹ tôi nhìn thấy vì người đã cấm tôi không được ra chơi ngoài mưa.

Những ngày ở lại nhà, mẹ thường nấu cho tôi những món ăn lạ. Cái bụng nhỏ bé của tôi không bao giờ làm tôi vui lòng, nó nhỏ quá so với những thức ăn thật ngon mẹ dành cho tôi. Nhiều thứ lắm nhưng tôi chỉ thích món bún riêu cua mà thôi. Có lẽ vì tôi đã góp công lớn trong đó. Mẹ nói không có tôi chưa chắc món canh riêu cua lại đượm đà như thế. Lần nào cũng vậy, trong bữa cơm, mẹ vẫn thường tìm cách để tuyên dương công trạng của tôi. Tôi hãnh diện lắm và cảm thấy như đã là người lớn.

Tôi thích món bún riêu cua. Mà phải chính tay mẹ tôi nấu mới được. Nhìn những con cua đồng ngâm trong chậu nước đầy. Mẹ tôi đưa tôi chiếc đũa cả và dặn "Con cẩn thận nhé, đừng để tay sát mặt nước, khoắng cho đều để xả nước bùn". Tôi đỡ lấy chiếc đũa cả dài to bản, bắt đầu nhúng vào nước. Mấy con cua dơ tay lên cao như phản đối. Tôi gạt mạnh chúng sang một bên, hùng dũng như người vào trận địa. Rồi cười thích thú, bắt đầu quậy nhanh hơn cho chúng chóng mặt. Làn nước xoáy nhẹ chạy theo vết di chuyển của chiếc đũa to bản, làm thành những vòng tròn tù hãm trong chậu. Bọt bong bóng nhỏ dính từng chùm, nhả từ miệng mấy con cua mầu xám bóng loáng, nổi nhẹ trên mặt nước rồi trôi theo vòng quay, bám vào thành chậu. Mẹ biết tôi vẫn thích nghịch nước như thế. Mà thật vậy, trò chơi này tôi đã say mê từ khi nhìn thấy mấy con cua ngoan cố, tinh nghịch trèo lên thành chậu ngồi chơi, dương đôi mắt tròn như hai hạt é đen ướt át nhìn tôi khiêu khích. Tôi vội vã hất nó vào lại phía trong nhưng khó quá. Cặp chân như hai gọng kìm bám sát vành chậu. Tôi dơ chiếc đũa cả lên cao, đập cho vài cái thật mạnh trên chiếc mai cứng nhưng dường như chẳng thấm vào đâu. Con cua vẫn nghêng ngang trêu tôi, nó bò ra khỏi chiếc chậu nhôm cũ. Rồi rớt xuống sàn xi măng, chạy loạng quạng. Bối rối, sợ hãi tôi không biết phải làm gì, nhảy vội lên chiếc ghế thấp, la cầu cứu ầm ĩ. Mẹ tôi đang bận tay rửa chiếc cối đá gần đó, giật mình hốt hoảng chạy tới, tưởng tôi bị cua kẹp. Mặt tôi vẫn còn tái xanh, chỉ con cua đang tìm đường lẩn trốn, lắp bắp mách mẹ. Người cười, xoa đầu tôi, rồi mới thong thả đưa tay ra bắt lại con cua, ném nó vào trong chậu nước như cũ. Tôi phục mẹ tôi quá, việc gì người cũng làm được. Thật nhanh nhẹn, tháo vát. Lúc nào mẹ tôi cũng đến đúng lúc khi tôi cần đến người. Khuôn mặt hiền từ của mẹ và cử chỉ âu yếm ấy cứ luẩn quẩn theo tôi suốt năm tháng còn ở nội trú trong trường nhà dòng. Dạo ấy, cứ vào mỗi buổi chiều có cơn mưa phùn dai dẳng, tôi lại lên cơn nhớ nhà và nhớ hương vị thơm ngát của những món ăn. Đầu óc tôi lúc nào cũng luẩn quẩn bên bát bún riêu nóng mà mẹ tôi đã cẩn thận nấu dành cho tôi. Nhớ những cộng rau muống chẻ cong vút bám chặt, như những ngón tay búp măng đan vào nhau của đôi bàn tay đang kính cẩn nguyện cầu, hòa với mầu lá xanh của rau kinh giới vị nồng thơm, lác đác vài ba khoanh hoa chuối xắt mỏng mầu tím hoa sen. Mùi khói thơm bốc lên từ chiếc nồi đun sôi lăn tăn sủi bọt. Mẹ tôi nhanh nhẹn gắp bún bỏ vào tô, rắc ít hành hoa và gạch cua trưng rưới lên trên, rồi chan riêu cua cho ngập mặt bún. Mầu vàng sẫm của váng cua nổi bật trên mầu trắng của bún tươi. Tô bún gia đình, tô bún của mùa đông ẩm ướt có gió lạnh ngoài trời. Làm sao tôi quên được.

Rồi ngày lên đường, tôi trở lại trường cũ mà nước mắt quanh tròng. Mẹ tôi dịu dàng bao nhiêu thì trái lại, bố tôi nghiêm khắc bấy nhiêu. Bố tôi nhắc khéo "Con trai không được khóc đấy nhé". Tôi đã cắn gần như nát bờ môi và nguyện với lòng là nhất định không khóc. Bố tôi lặng lẽ đưa ra xe. Chiếc xe xích lô đạp xa dần căn nhà thân yêu mà tôi biết chắc mẹ tôi vẫn còn thấp thoáng nơi cửa sổ đang nhìn theo. Tôi không dám quay lại, sợ dòng nước mắt sẽ tuôn rơi. Rồi sẽ nhận lời khiển trách của bố. Tôi âm thầm chịu đựng ngồi cạnh người trong lòng chiếc xe mà nhịp tim đập mạnh hơn lúc thường. Dẫu sao đi nữa, tôi vẫn chỉ là một cậu bé lên bẩy bịn rịn lúc xa nhà.

Nơi tôi đến chẳng xa gì với chỗ bố mẹ tôi ở. Có nhiều lúc tôi nghĩ, thà như đám bạn tôi. Họ từ các tỉnh lỵ xa xôi khác tới, không biết đường về để dứt khoát khỏi nghĩ ngợi. Còn tôi, biết nơi nội trú và nhà tôi ở cùng trong một thành phố, chỉ cách nhau bằng một con sông nhỏ mà sao tôi phải chịu cảnh cách xa. Nhiều lúc lòng xôn xao tôi muốn trèo qua cái hàng rào bọc quanh trường, để chạy về nhà gặp lại mẹ tôi. Cái hàng rào làm bằng song sắt, thấp lè tè ngang tầm ngực, có mầu sơn đen đã bạc, nhiều chỗ sơn đã tróc đang chuyển sang mầu nâu rỉ xét. Cái hàng rào thấp ấy tôi có thể trèo qua một cách dễ dàng. Nhưng không hiểu tại sao dường như có một lực vô hình nào đã cản bước chân, giam hãm tôi, tù túng ở lại trong sân nhà trường. Tôi thấp thỏm đợi lần sau bố tôi đến đón như người đã hứa. Ngày tháng chờ mong thật dài, cái mũ nồi xám rộng vẫn nằm nguyên trên bàn và lời dặn dò của bố, tôi vẫn còn nhớ nằm lòng "Chịu khó học, lần sau bố đón về sớm. Nhớ đội nón khi ra sân chơi. Đừng nghịch mưa". Và đặc biệt không bao giờ người đề cặp tới giọt nước mắt của tôi khi người vẫn còn ở quanh phạm vi sân trường, nhất là trước mặt đám bạn bè nhỏ của tôi. Lúc ấy tôi chỉ biết bịn rịn nắm chặt tay bố. Người xoa đầu tôi, bế bổng tôi lên cao và hôn nhẹ vào má. Rồi thả lại tôi về với đám đông.

Tuổi quá non, tôi chẳng nhớ được nhiều những gì khi còn bé. Lớn lên tôi biết rất ít về Hànội, thành phố cổ kính rêu phong, có ngôi trường đồ sộ và những căn phòng nội trú lạnh lẽo. Sau này, nhiều lần nghe bố tôi kể lại, lúc ấy Hànội dần dần thành hình, để bồi đắp thêm cho vùng kỷ niệm đơn sơ của tôi, cái dĩ vãng của thằng bé xa nhà có nhiều nước mắt tủi thân hơn những nụ cười trẻ dại. Những hình ảnh gượng gạo của Hànội xa vời không rõ nét trong tôi. Bố chỉ kể cho tôi nghe loáng thoáng như thế, nơi có hồ Hoàn kiếm và những con đường nhỏ đông người. Phố Huế với đường xe điện chạy lên xuống, qua khu chợ Hôm. Chợ Đồng Xuân đông người tấp nập ngược xuôi. Những cảnh náo nhiệt ấy vẫn vô tình không thấm nhập hẳn vào tâm hồn bé bỏng của tôi. Những hình ảnh thật đơn sơ so với những trang sách sau này viết về Hànội. Cái kỷ niệm đậm nhất của thành phố cổ còn vương trong tôi, có lẽ, chỉ là buổi chiều ngày chót, bố đón tôi về nhà, để rồi từ đó tôi chẳng bao giờ có dịp trở lại nơi nội trú nữa. Tôi vẫn tiếc tấm hình mầu "Zorro" để trên đầu giường mà tôi thường mân mê trước khi đi ngủ. Bàn tay rắn chắc của chàng đang vung làn roi da quất mạnh vào không khí. Cái âm thanh sắt bén cao vút xé trời mà tôi đã tưởng tượng. Với bộ mặt nghiêm nghị, tự tin, "Zorro" như sẵn sàng thách thức với mọi biến chuyển của cuộc đời. Tôi dời nơi đó không một lời giã từ. Bỏ lại đằng sau tất cả trong vội vàng. Mải chơi, tôi quên mất lời bố đã dặn, đó là năm học chót, bãi trường sớm không chờ hết niên học. Tôi thương cho mấy con ve sầu trong hộp diêm chắc cũng chết queo vì đói và lạnh, tôi vẫn còn thấy tội nghiệp cho chúng.

Rồi tôi xa Hànội để theo gia đình vào Nam, tôi quyên đi thật lẹ thành phố tôi đã ở, quên dẫy nhà nội trú hàng ngày với tiếng chuông kẻng quen thuộc đều đặn nhắc nhở giờ sinh hoạt, giờ thức dậy, giờ đi học, giờ ra chơi, giờ ăn, giờ đi ngủ, để làm quen khí hậu mới với nắng mưa hai mùa. Saigon với những cơn nắng cháy da, và những trận mưa chiều dòng dã ướt át. Bố tôi đi làm vất vả hơn và mẹ tôi cũng vậy, lo cho chúng tôi đủ thứ. Chỉ có tôi là sung sướng, khỏi phải đi học, không phải trở về căn phòng bé nhỏ quạnh hiu ngày xưa nơi nhà nội trú nữa.

° ° °

Tuổi thơ đi qua nhanh quá. Thời gian chẳng chờ đợi ai. Tôi đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng cũng vừa bẩy tuổi. Sau giờ học, tôi giữ nó ở nhà, vui chơi với nó vài giờ rồi mới đi làm ca đêm, tôi vẫn sợ nó cô đơn như tôi thủa bé. Có những đêm nửa khuya, đi làm về tôi không hiểu đã nghĩ gì mà vội chạy vào phòng nó. Có lẽ tôi sợ nó như tôi ngày trước. Nửa đêm dựt mình thức giấc rồi nằm nghĩ vẩn vơ để dòng nước mắt rơi ướt gối. Bố tôi ngày ấy nghiêm khắc quá, vô tình đã tạo nên một khoảng cách xa giữa tôi và người. Bây giờ người đã mất. Lớn lên tôi mới hiểu được cái lý do tại sao người luôn luôn nghiêm khắc với tôi như thế. Cái mục đích duy nhất của cha tôi là tạo cho tôi trở thành con người cứng rắn và biết tự lập. Nhưng có một điều, theo tôi, có lẽ người đã bắt đầu quá sớm khi tôi vỏn vẹn mới sáu, bẩy tuổi...

Đêm nay, tôi đến đây, thành phố này, nhân một chuyến đi công tác của sở. Ngồi bên bờ hồ Eola, của thành phố lạ, Orlando vẫn rực sáng với ánh đèn mầu và làn nước phun nhân tạo. Những hạt nước li ti được gió đem đi xa, như những hạt mưa phùn vụn vỡ làm mát làn da mặt. Cảm giác lâng lâng ấy đã trôi hồn tôi về dĩ vãng. Tôi chợt nhớ đến những cơn mưa phùn Hànội. Ngày ấy còn nhỏ, những kỷ niệm bé xíu chứa chưa đầy vũng bàn tay mà bây giờ tôi phải nâng niu như một kỷ vật hiếm quí còn sót lại của thủa ấu thơ. Tôi nhớ cha tôi và nhớ cả đứa con trai đầu lòng. Ba thế hệ liên đới hòa nhập trong tôi cùng một buổi chiều tối xa nhà. Tôi lang thang đi vòng quanh bờ hồ, nơi đây một mình, rồi ngồi nghỉ chân trong một góc tối của bóng cây mà hồi tưởng đến những mùa trung thu đã đi qua trong đời. Thành phố Hànội buồn tẻ với cơn mưa phùn, như những hạt nước nhỏ đang bay quanh đây.Và một Saigon ngợp ánh nến lung linh của ngày tết trung thu. Đám trẻ nhỏ cùng lớp tuổi với tôi, hồi đó, đang hí hửng rước đèn, sức nóng của cây nến tỏa ra, làm căng tờ giấy bóng kính mầu. Đèn con cá, con tôm, đèn ngôi sao đủ mầu, có cả đèn kéo quân kồng kềnh. Những chiếc đèn xếp hình trái bí, trái bầu có sắc thái đặc biệt của đường giấy xếp gợn sóng. Tiếng cười đùa, tiếng la hét thỏa thê của đám trẻ nhỏ vô tư. Hình ảnh đó vẫn còn phẳng phất trong tâm khảm tôi, bất chợt hôm nay nó chạy vội tới, và tôi biết, ngày mai nó sẽ lặng lẽ đội nón ra đi chẳng một lời chào. Tôi không sợ những cơn giông to lớn mà chỉ ngại làn gió nhẹ thoảng qua mơ hồ. Hình ảnh tết trung thu ngày xưa, bây giờ chính nó đã làm lòng tôi xao xuyến, nhiều lúc đến độ day dứt khôn nguôi. Ôi! tuổi trẻ vô tư, nó đi qua thật mau. Những bài hát thủa tôi còn nhỏ bây giờ vẫn còn nghe trên đài phát thanh nơi quê người, cứ mỗi độ trung thu về

Tết trung thu thắp đèn đi chơi
Em thắp đèn đi thăm phố phường
Đèn ông sao với đèn cá chép...

Trăng đã lên cao, thật tròn tỏa ánh sáng trên vạn vật. Thế giới trẻ thơ là vùng đất của thần tiên, của ánh trăng vàng, của ngây thơ vụng dại. Ai đánh mất tuổi thơ, hoặc không có tuổi thơ mới thấy tuổi ngà ngọc ấy là quí. Chúng ta có trong tay, mà tội nghiệp thay cho những người không cảm nhận được những gì mình đang có. Để một ngày nào, nó vượt khỏi tầm với rồi mới thấy tiếc. Hạnh phúc của con người không phải góp nhặt bằng những hờn dỗi vu vơ, những bực bội vô tưởng mà bằng những yêu thương nồng ấm. Những thứ đó chúng đóng bè lại, tạo thành một vùng kỷ niệm của một thời, rồi chúng sẽ rủ nhau trôi đi thật xa. Thời gian bay nhanh quá, chúng ta có níu lại được không. Để một ngày nào đó, một cơn gió thoảng, một hạt mưa bay hay có một khoảng khắc bâng khuông nào chợt đến đã làm tâm hồn mình rung động. Mình nhận ra sự hiện hữu của chính mình, con người chỉ là cây sậy mền yếu. Loài cây cỏ ấy cho nhau được những gì ngoài những phiền muộn.

Tuổi thơ! tôi cũng như bạn đã ra khỏi lớp tuổi này từ lâu để hội nhập vào một thế giới khác nhiều lọc lừa và ganh đua. Chán nản, nhiều lúc tôi muốn quay về với những ngày xưa xa cũ, để cố tìm lại hình ảnh của cậu bé ngây thơ dạo nào. Tìm lại bát canh riêu cua mẹ nấu và những lần bịn rịn chia tay với cha tôi nơi văn phòng của nhà nội trú. Tôi có lấy lại được gì nữa đâu ngoài những trống vắng và cô đơn, như đêm nay với những bước chân âm thầm lặng lẽ trên lối đi bên bờ hồ vắng lạnh này.

Đêm rồi cũng qua và bình minh sẽ ló dạng. Trăng cũng chẳng còn treo trên cao và tâm hồn tôi cũng thế, chẳng còn là tôi của những ngày xa xưa cũ.

Đào Quang Vinh
Trích "Phiêu Bồng"
Xuất bản Tháng Tư/2002