Người Ðẹp Xóm Chùa

Đoàn Lê




Tôi vẫn ngỡ mình là một thiên tài "chưa có đầu ra". Thời thị trường còn đang mạnh giá gặp mấy anh có máu buôn vua, chắc họ phải vồ lấy tôi.

Đấy, như ông VanGogh, ông Gaughuin, mỗi bức tranh các ông để lại đều có giá hàng triệu đô la, vậy hiển nhiên cánh họa sĩ chúng tôi xứng đáng xếp loại mặt hàng quý hiếm. Chưa kể riêng tôi, năm ba mươi tuổi đã có một triển lãm gây xôn xao dư luận, triển lãm "Hai mươi mùa xuân nữ", nên tôi cũng có quyền coi mình thuộc diện ấu chúa lắm chứ.

Hai mươi mùa xuân là tên gọi cho hai mươi bức tranh khỏa thân nữ, tôi đã cật lực vẽ trong suốt bốn năm. Bốn năm tính ra gần ngàn rưỡi ngày đêm. Cái ngàn rưỡi ấy đáng lẽ dùng mua bán được biết bao ngọt bùi, nhưng tôi lại dành hết quãng "sinh thời" quý báu ấy để ca ngợi cái đẹp diệu kỳ của phần nửa nhân loại. Bởi phần nửa này vốn hoàn mỹ nhất trong các sáng tác của Thượng đế, đến nỗi nó làm cho toàn trái địa cầu khốn đốn. Tôi đồ rằng chính Thượng đế cũng đã ban phát xuống cho nhân thế trong một lúc đang điên đầu.

Đương nhiên tôi không dám phung phí, tận dụng hết ma lực của những bầu ngực, những vồng mông báu vật. ở bức tranh này tôi nhấn vào mấy ngón chân mỹ nữ mũm mĩm uốn cong lên, tinh nghịch đón một đốm nắng chiều. ở bức kia tôi gợi một đường cổ mềm tựa ức bồ câu yếu đuối mà ngây thơ, khiến người ta không dám thở mạnh. Còn đây, nơi bờ vai tràn trề sinh lực đã mờ đi dưới cái bóng của vài lọn tóc rơi xõa lơ đễnh, tôi chỉ để sáng lên khoảng gáy đầy đặn trắng ngần thiếu phụ...

Tôi chẳng rõ những ai chịu bớt chút thì giờ đến nghiêng mình tại cuộc triển lãm trước những cái gáy hay những ngón chân mỹ nữ của tôi, nhưng đã không ma dại nào mua hộ một bức. Cũng có vài ông "tây balô" xì xồ hỏi mua rẻ, mặc cả ráo riết, tôi cho qua luôn. Trong thâm tâm tôi không muốn xuất ngoại những mùa xuân Việt Nam. Có khác gì bắt các trinh nữ phương Đông đi làm "me Tây"?

Thế nên suốt trong hai chục ngày tôi chỉ ngồi canh chừng cho những tấm nhan sắc ế ẩm, mặc dù người xem kéo đến đông nghịt. Trong đám người ấy tôi nhận ra không ít những đôi mắt phàm phu tục tử. Các vị khách háo ngọt lục lạo những phần thân thể đàn bà tôi đã cố tình giấu đi. Họ giống hệt những anh hàng thịt soi mói con lợn sắp pha. Vài vị cao hứng cũng mặc cả mua tranh, tương tự mặc cả lợn hơi ngoài chợ. Tới ngày thứ mười tôi không còn giữ được bình tĩnh, và cũng để khỏi trả lời nhiều, tôi đặt vào mỗi bức tranh một mảnh giấy đề giá bán, cái giá làm bất cứ ai nhìn cũng phải sởn gai ốc: mười lăm ngàn đô la, mười tám ngàn đô la... Cái đẹp chứ không phải rác nhá!

Dĩ nhiên những ngày sau đó tôi còn mỗi việc ngồi đuổi ruồi cho các mỹ nhân. Dạo ấy gặp tiết mưa phùn, gió mùa đông bắc tràn về, tôi có cảm giác các mỹ nhân của tôi đều ẩm ướt, giá lạnh, run rẩy trên bốn bức tường xám. Tôi xót xa cho cái Đẹp. Vài bữa cuối cuộc triển lãm, thậm chí tôi không đủ can đảm nhìn vào những bóng dáng bất động dầu dãi trên tường. Mặt mũi tôi rần rật nỗi ngượng ngùng của một.. "ông chủ nhà chứa ế" như lời đám bạn tôi giễu.

Sau cuộc triển lãm tôi gói gọn "Hai mươi mùa xuân nữ" cất lên gác xép. Vừa để tỏ lòng tôn kính cái Đẹp, vừa bởi lòng tự ái của tôi đã bị thương tổn. Tôi thề sẽ không vẽ thêm một mùa xuân nào nữa. Hãy thôi đi lòng ta ơi!

Thế nhưng một buổi thằng Hiền tìm đến tôi. Nhìn xoáy thẳng mắt tôi, cái thằng thanh niên dạn dĩ ấy đã nói không úp mở:

- Cháu biết chú cần một người mẫu khỏa thân thật chuẩn. Cháu sẽ tìm cho chú một người bảo đảm tuyệt vời. Xong không?

- Mày lên cơn lảm nhảm gì đấy?

- Ôi dào, chú vứt quách ba cái cây lăng nhăng kia đi. Thị trường tranh hiện giờ "khát" khỏa thân lắm. Sở trường chú đang có đất dụng võ. Chú được người này làm mẫu bằng cả tá hoa hậu. Cháu chỉ yêu cầu chú hứa một điều...

Chưa bao giờ tôi thấy thằng mất dạy có bộ mặt nghiêm túc như lúc này, một vẻ nghiêm túc đe dọa.

- ... Rằng chú không được cư xử nhí nhố.

- Thằng này bố láo! Mày đã thấy tao nhí nhố với ai chưa? Thôi, cút!

Tôi cũng làm mặt nghiêm. Kể từ khi tôi biết nó, một thằng nhỏ mồ côi lang thang của khu vực này tôi thường "ký hợp đồng" với nó, nhờ trông cửa ngõ, không để trẻ con vào quấy nhiễu mỗi khi tôi làm việc, đặc biệt vào thời kỳ tôi đang vẽ khỏa thân.

Thằng Hiền dịu giọng:

- Chú ơi, chú là người duy nhất cháu tin cậy. Cháu không thể để nó đến làm mẫu cho ai, ngoài chú ra.

Sao? Nó là ai?

- Nó là em gái cháu.

Tôi hơi sững người. Một đứa có thành tích bài bạc bất hảo như Hiền, tôi không mong chờ ở nó những điều tử tế. Nó giăng bẫy gì tôi đây?

- Em ruột à?

- Vâng. Mẹ cháu chỉ có hai anh em cháu.

- Gì nữa? Cứ nói thật tao nghe.

- Chúng cháu đang cần gấp một món tiền. Đã vơ vét hết nhưng vẫn thiếu hai trăm rưỡi. Chúng cháu không thể vay ai. Mà vay rồi lấy gì mà trả? Chính cái Hương đã bàn với cháu chuyện tới đây.

Thằng Hiền chợt ngưng lại, liếc tôi một cái. Thằng dối trá. Nếu nó không đầu têu, con bé em sao biết chuyện tới đây làm mẫu khỏa thân?

- Thôi đi, tao biết thừa mày đạo diễn cả. Tóm lại mày đang cần tiền hay cô bé kia?

- Cháu xin lỗi vì chưa thể nói hết với chú. Nhưng chú cứ tin cháu. Cái Hương không tự nguyện, cháu ép nó cũng không xong. Chú khỏi cần để ý đến những chuyện vặt. Chú cứ vẽ cho đủ số tiền hai trăm rưỡi. Nhưng chiều nay chú cho chúng cháu xin tiền trước. Được không?

Thấy tôi cau mặt lặng thinh, Hiền nài nỉ:

- Chú mạnh dạn "ừ" cho cháu một tiếng. Chả lẽ chú để cháu đưa nó đến ông Quắc ư?

Vừa nghe đến Quắc tôi đã thấy kiến đốt gáy. Trong giới họa sĩ ai lạ gì lão. Mượn cớ vẽ vời, lão chuyên rủ rê các cô gái ngớ ngẩn để thỏa lòng háo ngọt. Và lão giàu. Và tôi căm ghét lão.

- Nếu quả mày vì hai trăm rưỡi dám đưa em gái cho quỷ sứ xơi, thì đây... Cầm lấy rồi cút!

Tôi quẳng cho nó hai trăm rưỡi trong số tiền lương mới lĩnh.

- Cảm ơn chú. Nửa tiếng nữa cháu đưa nó đến.

- Khỏi cần!

- Không, chúng cháu không muốn nợ ai cả.

Tôi cười nhạt. Dân cờ bạc có mãn kiếp cũng không thoát được đời con nợ! Tôi xót tiền, định phang nó một câu cay độc nhưng nó đã biến trước khi tôi kịp nghĩ ra.

Ấy thế tôi vẫn bối rối khi Hiền dẫn tới một cô bé ngoan ngoãn với đôi mắt nhìn xuống e lệ.

Bối rối vì cái vẻ non tơ hiền hậu khác hẳn thằng anh, bối rối vì ngay giây phút gặp mặt tôi đã đoán chắc đó là một cô bé nhà lành, lần đầu tiên liều mình bất kể. Vì sao? Chỉ vì hai trăm rưỡi ư? Tội nghiệp quá!

Sau vài câu giới thiệu qua loa, Hiền dặn cô bé:

- Hương cứ ở đây làm việc với chú. Năm giờ chiều anh tới đón. Yên tâm!

Nói xong nó liếc tôi một cái đầy ngụ ý, khẽ gật đầu chào rồi đi.

Tôi mặc cô bé ngồi im lặng ở bàn nước, vờ loay hoay dọn dẹp toan, mầu. Tôi muốn cô bé có thời gian làm quen với căn phòng, với người đàn ông đã hoa râm mà gương mặt khắc khổ chắc gớm ghiếc lắm.

- Thưa chú, khi nào bắt đầu làm việc chú cứ bảo cháu.

Cô bé cất giọng rất nhẹ, từ tốn, tựa hồ sợ tôi giận. Tôi đặt trước mặt cô bé một cốc nước lọc.

- Cháu uống nước đi. Chú nói ngay cho cháu yên tâm, cháu sẽ không phải làm cái việc ngồi mẫu cho chú vẽ.

Cô bé ngước nhìn tôi, ánh mắt thoáng lo âu.

- Chú không muốn vẽ cháu ạ?

- Chú không nỡ bắt cháu phải làm việc đó.

- Cháu không nghĩ...

- Ừ, "việc đó" hoàn toàn tốt, nhưng cháu chưa đủ ý thức và cũng không phải việc của cháu.

Tôi nghe giọng mình khô khốc đáng ghét. Cô bé khẽ nhếch khóe môi vẻ khó hiểu. Tôi lúng túng im lặng. Mọi lời giải thích đều sẽ thô bạo nhưng sự im lặng cũng vẫn len lỏi một ngụ ý chẳng kém thô bạo hơn.

Có tiếng người đưa thư gọi cổng. Tôi mừng vì có cớ tạm thoát khỏi tình thế kỳ cục này.

Tôi nấn ná đọc lá thư ngay ngoài thềm. Một lá thư tào lao không mấy ý nghĩa, nhưng tôi đọc từng chữ, gần tới hai lần rưỡi, để kéo dài thời gian khỏi phải trở vào nhà. Hình như trong tôi có một nỗi run sợ mơ hồ mỗi khi phải đối diện với cái Đẹp đích thực. Lần này thậm chí còn hơn thế.

Rồi cũng phải trở vào chứ. Tôi uể oải lấy mũi giày đẩy nhẹ cánh cửa... Gì thế kia? ở góc phòng vẽ của tôi, cô bé đứng co ro với chiếc khăn phủ tranh nhem nhuốc mầu vẽ, đang dùng dằng nửa muốn che đậy đôi chút, nửa muốn dứt bỏ những ngượng ngùng cuối cùng. Chợt thấy tôi vào, cô bé hơi giật mình, để rơi mảnh vải xuống chân, hai mắt giương to nhìn tôi sợ hãi lẫn dò hỏi.

Tôi xiết bao bàng hoàng. Cả góc phòng ngổn ngang luộm thuộm bỗng như sáng bừng trước vẻ lộng lẫy tinh khiết của một thân thể thiếu nữ. Tôi không thể cầm lòng để không hình dung một bức tranh khỏa thân đúng như trước mắt tôi kia. Thân hình mềm mại hơi run rẩy, ánh sáng cửa sổ hắt vào rõ cả chút mồ hôi râm rấp trên làn da trắng nuột... và trời đất ạ, cái nốt ruồi đỏ thắm nổi lên giữa bầu vú tròn mâng của cô bé tựa như có bàn tay nào tinh nghịch đánh dấu một vùng cấm thiên đường cho riêng mình... Xin đời tha thứ cái yếu lòng thằng tôi. Chút áy náy cuối cùng lẫn lòng trắc ẩn đã nhường chỗ cho con ngựa nghệ thuật nó đột ngột lồng lộn. Tôi bỗng náo nức, con tim nảy thì thụp dưới ngực áo, luýnh quýnh vơ đại cây bút vẽ nào trong tầm tay.

Giờ thì tôi cắm cúi vẽ, mê man quên hết mọi điều trên đời, quên tôi, quên Hương, chỉ còn một thứ duy nhất ngự trị trong phòng đó là bức tranh trên giá vẽ. Gần một giờ trôi qua, Hương chừng mỏi, động đậy người.

- Cảm ơn cháu, ta nghỉ một lát.

Tôi rút tấm lụa trắng trên mắc áo đưa cho Hương. Cô bé choàng vội quanh người, tới ngồi đúng cái ghế khi mới tới đây đã ngồi, nơi bóng tối của căn phòng được cô bé chọn làm vùng phòng ngự.

Tôi cũng ngừng tay, hoan hỷ ngắm công trình vừa khởi sự, lòng tấp tểnh hy vọng. Hóa ra đã trải hai mươi mùa xuân nữ, cái thân thể đàn bà tôi ngỡ quen thuộc từng đường nét, biết rõ từng vùng phớt tối mơ hồ nhất mà nó vẫn luôn mới lạ, kỳ bí, thách đố. Vì sao? Tôi không ngăn nổi mình đưa mắt nhìn lại cô bé với nỗi ngạc nhiên lặng lẽ. Nhưng trước mặt tôi cô bé đã co lại trong tấm lụa choàng tựa con tằm trong cái kén trắng. Tôi chợt thương cảm nỗi sợ hãi con nít ấy.

- Chú hỏi thật Hương nhé, có đúng cậu Hiền bắt cháu tới đây không?

- Không. Tự cháu đấy ạ.

- Chú không ngờ cháu rất hiểu công việc.

- Vâng... Ngày xưa có lần anh Hiền đã dắt cháu đến đây ngó trộm chú vẽ như thế này. Dạo cháu xem triển lãm của chú, cháu nhận ra đúng cô gái cầm hoa lưu ly ngày ấy, cháu thích lắm.

- Vì thế cháu đến làm việc giúp chú ư?

Hương ngập ngừng một chút.

- Dạ... Cũng chỉ vì anh Hiền đang mắc nợ người ta. Những bảy trăm. Cháu bán xe đạp của cháu chỉ được bốn trăm rưỡi.

- Lại trả nợ bạc phải không?

Hương ngước nhìn tôi, giọng buồn hẳn:

- Xin chú giữ kín cho. Anh ấy thua bạc, liều lĩnh lấy xe của gia đình người quen đem gán. Hôm nay không chuộc được xe trả họ, họ sẽ báo công an bắt.

Cổ tôi nghẹn đắng. Giá thằng Hiền có đó chắc tôi đã đấm vào mặt nó.

- Mẹ cháu lại đang ốm nặng. Chúng cháu chẳng còn gì để bán. Anh ấy đã thề độc với cháu lần này là lần cuối cùng, từ rày không đánh bạc nữa.

Thoáng một nét mỉm cười dịu dàng trong ánh mắt Hương. Cô bé không nhận ra tôi sắp khóc vì niềm tin yêu mộc mạc ngây thơ ẩn giấu trong giọng nói của cô bé.

Chúng tôi lặng lẽ trở lại công việc.

Thú thật đã gần chục năm trời, sau đợt triển lãm "Hai mươi mùa xuân nữ", những xúc cảm mãnh liệt của tôi trước tấm toan hình như giảm đi đến mức báo động. Giờ đây nó bỗng trở lại đột ngột, ào ạt, mừng tủi, vội vã. Mùi dầu, mùi sơn ngây ngất. Cây bút nhiều khi lạc đường. Và mầu, và ánh sáng lung linh, ánh sáng mỗi lúc biến động trên thân thể kia như trêu cợt tôi, cộng với tiếng đồng hồ cứ thảng thốt hối thúc. Tôi sẵn sàng đổi mọi giá để ghi được trọn vẹn vẻ đẹp đang lướt qua tầm tay. Lạy trời, như một búp hoa rồi nó sẽ nở, sẽ tàn úa. Có thể cây bút tôi sẽ chẳng kịp với thời gian, cũng có thể vì bất lực. Rồi sẽ không mấy ai biết được đã có một vẻ đẹp như vậy đi qua thế gian này. Rồi sẽ chẳng lâu nữa cái hương sắc trinh nữ kia bị vầy vò, bị những bàn tay đàn ông hưởng thụ không thương tiếc. Rồi sẽ chẳng lâu nữa những đứa trẻ lốc nhốc theo nhau rút đi máu thịt từ cội nguồn, để lại sau chúng một mẫu vật của lòng hỉ xả, nhăn nhúm, được mệnh danh là người mẹ. Rồi sẽ chẳng lâu nữa... chẳng lâu nữa...

"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ! Em, em ơi tình non sắp già rồi!". Câu thơ của chàng thi sĩ đa tình lặp lại trong óc tôi thành một điệp khúc vô lý.

Rồi bỗng nhiên tôi hụt hẫng. Mình có khác gì mấy anh hàng thịt lợn? Điều cần miêu tả trong bức tranh đâu phải chỉ da thịt? Còn chuyện cô bé tự đến đây, tự khỏa thân để lấy tiền cứu thằng anh cờ bạc, cứu người mẹ đang hấp hối? Có cách gì vẽ được vẻ đẹp của tâm hồn một nữ thánh trong cuộc hành đạo tới nơi tử nạn không? Có lẽ phải vẽ một cái gì khác bức tranh tôi đang theo đuổi. Đúng vậy.

- Chú ơi, chú không vẽ cái nốt ruồi chứ?

Giọng cô bé sẽ sàng cất lên.

- Vì sao?

- Dạ, cháu nghĩ thế.

Tôi an ủi cô bé:

- Nó có xấu đâu. Đẹp là đằng khác.

Hương khẽ cười. Lần đầu tiên tôi nghe cô bé cười. Tiếng cười của một đứa trẻ đấy chứ.

Đáng lẽ tôi không nghĩ tới cái nốt ruồi, giờ nó cứ ánh lên trong mắt tôi. Hương sợ ai nhận ra cô bé ở điểm đặc biệt ấy chăng? Người chồng sau này chẳng hạn?

- Cháu yên tâm. Bức tranh này chú dành riêng cho mình. Khi nào chết, chú tặng cháu. Và nếu cháu chết, hãy mang nó theo.

Lại cười. Yêu chết mất cái cười...

Lai lịch, số phận cái tranh khỏa thân trôi nổi từ đâu, ai biết rõ được. Tôi tin vào thuyết phân thân, tin có kiếp trước, kiếp sau, cùng mọi mối duyên nợ lằng nhằng. Trang Chu mộng Hồ điệp... chưa biết chừng tôi đích thực là ông họa sĩ gàn dở nào đó ngày xưa đã vẽ bức tranh khỏa thân với cái nốt ruồi đỏ kia.

Đương nhiên hiện nay tôi cũng không phải ai khác ngoài anh chàng thanh niên sinh ra ở ven ngoại ô. Tôi vừa thừa hưởng gia sản của mẹ tôi một cửa hàng tạp hóa. Để giễu thiên hạ, để các bà chị gái - bà nào cũng đầy đủ chồng con - chứng nhận cho sự ngoan ngoãn vì giữ được cơ nghiệp, tôi đã phải bỏ phòng văn hóa Sơn La, xin thôi việc, trở về đứng sau quầy hàng giữa đám sách báo, tạp chí, kim băng, dây chun... Chủ yếu tôi ngắm bụi đường cùng khách bộ hành chứ buôn bán là mấy. Tôi đang rình một cô vợ do các bà chị mối manh đưa về đây làm hình nhân thế mạng, đứng sau quầy thay tôi. Nhưng mãi chưa ai mắc lừa. Các bà chị tôi sốt sắng phàn nàn với tất cả cấp bậc phụ huynh của mọi cô gái quen biết rằng:

- Xem ra số cậu cháu chưa đứng. Bốn mươi đến nơi mà chưa ai ỉa đái cho.

Tôi nghe phát bực. Dễ mình phải đeo sau lưng tấm bảng "Toa lét công cộng" chăng? Hãy đợi đấy các thỏ non ạ!

Như tôi đã kể, cơ nghiệp gia tộc ngoài quầy tạp hóa còn có bức tranh khỏa thân treo ở góc khuất, che lỗ chuột. Nó bụi bặm mù mịt. Ngày mẹ tôi còn sống, có lần bà kể đã mua một mớ đồ đạc tầm thường của ông họa sĩ nghèo nào đó. Mua làm phúc lấy tiền chôn cất ông ta. Bởi ông sống độc thân, không ai ruột thịt. Hẳn bức tranh này của ông ta.

Đứng suốt những ngày mưa ngâu trong quầy hàng, tôi có nhiều dịp ngắm bức tranh thiếu nữ khỏa thân. Duy nhất cô ta chia xẻ cùng tôi nỗi cô đơn mốc meo. Phần tôi, tôi cũng thương cái mầu sắc ẩn hiện đã tàn phai theo năm tháng kia, chẳng khác thương mình đang hoen rỉ sau quầy tạp hóa. Mối đồng cảm giữa chúng tôi sâu nặng đến nỗi một hôm tôi quyết định lấy từng lát hành tây lau bức tranh như người ta dạy. Bụi sạch đến đâu bức tranh lộ ra một khung cảnh bất ngờ đến đó. Vùng ánh sáng ngoài cửa sổ hắt vào căn phòng làm ửng lên từng phần da thịt nuột nà thiếu nữ. Với tấm lụa trắng vắt vai rủ tới ngang bắp chân trần, cô gái đặt ánh mắt vào tôi vẻ hờ hững, đoan trang. Nàng đẹp mê hồn, nhưng không một mảy may gợi lên cái nồng nàn thân xác. Điều đặc biệt trên bầu ngực trái có nốt ruồi đỏ nâu rất tuyệt. Mới đầu tôi ngỡ người vẽ vô ý, sau nhìn kỹ tôi đã hiểu tác giả của bức tranh quả nghịch ngợm cố tình.

Khi tấm nhan sắc được đại tu đến mức lộng lẫy, tôi không dám đặt nó trong quầy hàng nữa. Tôi treo ở một góc khuất, đúng tầm nhìn, để tôi có thể lẩn thẩn trò chuyện cùng nàng trong suốt những ngày tháng dài làm kinh tế. Nàng an ủi tôi, xoa dịu mọi nỗi đau buồn, đôi lúc cũng hay lý sự. Bao giờ tôi cũng chiều theo ý nàng. Tôi không tưởng tượng được thiếu nàng đời tôi sẽ ra sao những ngày tháng này. Tuy nhiên thỉnh thoảng lại len lỏi trong ý nghĩ tôi một nỗi sợ hãi. Hẳn người đẹp trong tranh đã chết từ lâu, giờ đây hồn nàng nhập vào hình bóng để sống chung với tôi như những truyện Liêu trai vậy. Bởi đã nhiều đêm tôi mơ gặp gỡ nàng, âu yếm nàng. Nàng lẫn lộn trong hình bóng cô gái bán bánh cuốn mà ngày nào tôi cũng mua ăn. Nhiều đêm tỉnh dậy tôi choáng váng chẳng rõ vừa mơ thấy ai trong hai người ấy.

Cô hàng bánh cuốn nóng mỗi buổi sáng vẫn gánh bánh đi qua nhà tôi. Cô bé không đẹp nhưng bù lại kiểu ăn nói có duyên lạ lùng. Mời mọc ai, người đó không thể từ chối.

- Ngày nào em cũng mời anh bánh cuốn thế này, ông Táo nhà anh khéo chết đói mất.

- Táo ông đã có Táo bà chăm lo, sợ gì. Bao giờ anh có vợ, em không mời anh bánh cuốn nữa.

Tôi được biết cô vốn dạy trẻ mẫu giáo. Lương ít quá, không đủ nuôi bà mẹ già ốm, cô đành xoay nghề bán bánh cuốn. Đã dạy mẫu giáo nên cô bé mềm mỏng dễ thương, dỗ khách hàng ngọt ngào như dỗ trẻ. Tôi đã dị ứng món bánh cuốn sau mấy tháng trời nhưng ngày nào cũng phải mua nửa cân. Cô bé có cái cười giòn tan, hai răng khểnh duyên dáng hơn hai hột ngô nõn. Mỗi lần cân bánh xong cô lại đặt thêm vào đĩa cho tôi một lá bánh nhỏ.

- Này, để anh hay ăn chóng lớn nhá!

Bố ai không mê? Tôi đã nghiệm các cô răng khểnh cực kỳ nguy hiểm. Cứ xét từ các con thú xem. Bé như nanh rắn mà lớn như ngà voi, thảy đều đáng sợ. Nhưng có lẽ không gì nguy hiểm hơn những chiếc răng khểnh của tôi.

- Liệu trong bánh cuốn có bùa mê không em?

- Nếu có bùa mê thì cụ già bên kia đường đã mê trước anh. Ngày nào cụ ấy cũng mua một cân cơ.

Lại cười nữa. Nhiều lúc mơ màng tôi ước cô bé với người trong tranh nhập làm một, lúc nào cũng hiển hiện trước mặt tôi, trò chuyện cùng tôi. Để ý kỹ, lắm lúc tôi ngỡ họa sĩ vẽ cô hàng bánh cuốn chứ không phải ai khác.

Một ngày kia cô bé phát hiện ra bức tranh khỏa thân. Tôi hơi ngượng, còn cô rất kinh ngạc.

- Ai đây anh?

- Làm sao anh biết được. Có lẽ đây là người tình của ông cụ anh chăng.

- Anh treo bán bức tranh này ư?

- Bao nhiêu người hỏi mua nhưng anh không bán.

- Thật ư?

- Trời ơi, hàng ngàn đô-la đấy cô bé ạ. Đây là tác phẩm nghệ thuật chứ đâu phải trò nhảm nhí. Của gia bảo nhà anh đấy.

Rồi tôi sẽ phải ân hận suốt đời vì đã trêu đùa một cô bé ngây thơ. Lúc đó tôi đâu biết. Chỉ thấy cô ngây người ra, tôi cố nín cười. Mấy hôm sau tôi để ý cô bé thường kín đáo ngắm nghía bức tranh, nhưng tôi lờ đi, không nhắc đến nó.

Dạo này quan hệ giữa tôi với món bánh cuốn nóng được cải thiện rõ rệt. Có nghĩa rằng sau khi thú thực với cô hàng chuyện mấy bà chị gái tôi cũng xin thôi không chịu nhận món bánh cuốn tôi biếu nữa, cô bé thông cảm không nỡ ép tôi phải mua thường xuyên. Tôi mừng rỡ thầm gọi cô bé bằng "nàng" một cách âu yếm, biết ơn. Và không mấy ngày nàng không rẽ vào thăm tôi, sau mỗi tầm đã bán hết bánh.

Cũng tự nhiên mối tình thầm lặng trong tôi tiến triển đến giai đoạn phải giải tỏa bằng thơ. Tôi làm liền sáu bài lục bát tặng nàng, tha thiết vô cùng, bài nào cũng đi đến một cái đích duy nhất: nếu nàng không định cắt vụn trái tim tôi bằng cái kéo sáng loáng vẫn dùng cắt bánh cuốn nóng, thì xin nàng hãy nhận lấy nó. Tôi cùng lũ quần thần kim băng, dây chun, băng phiến... có ước nguyện được tôn thờ nàng làm bà chủ sở hữu mãi mãi.

Chao ôi, nàng đã nhận lời yêu tôi, cô bé tội nghiệp ấy, nàng nhận một cách dễ dàng, không kiểu cách. Cái anh nhà thơ tình nghiệp dư bỗng choáng ngợp hạnh phúc. Điểm duy nhất khiến tôi thắc thỏm là nàng nhất định chưa ưng cho tôi đến thăm nhà, thăm bà cụ đang ốm nặng. Nàng khất lần mãi với nhiều lý do hợp lý cũng như bất hợp lý. Nhưng khi người ta yêu, con người thường ích kỷ, chẳng cần gì hơn ngoài hình bóng mình yêu dấu. Tôi tặc lưỡi đồng ý để nàng trì hoãn, ngờ nàng mặc cảm không muốn tôi nhìn thấy cảnh túng bấn khó khăn. Người yêu dấu, sao em nỡ nghĩ thế?

Sau giai đoạn thi ca, tình yêu được chắp cánh với tốc độ bay chóng mặt. Đêm ngày qua đi toàn những giấc mộng. Nào môi, nào mắt, nào ngọt ngào hương vị những cử động mơ hồ ý nhị. Tôi chết lịm y hệt một chú ong say mật.

Cơn bão số ba năm nay gió xoáy cấp mười. Đúng đêm bão về, con tim tôi rụng rời, không được phòng chống mảy may. Nàng gõ cửa vào lúc mười giờ đêm, quần áo ướt sũng, chiếc áo mưa tím mỏng tang chỉ như cánh hoa bằng lăng, dán phớt lên thân hình tròn trặn. Tôi không dám đặt mắt vào đâu trên những đường tròn, luýnh quýnh giúp nàng cởi áo mưa, giúp nàng lau khô mái tóc.

Cơn mưa mười giờ mới thật dữ dằn. Nó lồng trên mái nhà và mặt đất bằng tất cả sự điên cuồng vui sướng. Tôi không nhớ những giây phút đầu tiên đã qua đi như thế nào, nhưng lúc đồng hồ điểm mười hai tiếng chuông mơ hồ lẫn trong tiếng thác nước trút xuống, tôi nhận ra nàng đã ở trong vòng tay tôi, ẩm ướt và giá lạnh. Tôi nghe mình thổn thức tan ra, quên hết thế gian, quên mọi thứ kim khâu nội ngoại cùng bút bi, hồ dán... Cái phần da thịt mướt mịn đang áp lên da thịt tôi, đang nóng dần ngan ngát, nó làm tôi mê mụ.

Nàng lặng lẽ hiến thân cho tôi. Tôi cũng dâng tôi cho nàng rất mực dịu ngọt. Khi nàng bỗng trở mình gỡ khỏi vòng tay tôi, tôi run bắn người nhìn trân trối vào những vết loang đỏ trên nệm. Nàng dụi đầu vào ngực tôi. Tôi chờ đợi những tiếng nức nở vang lên. Không rõ tôi đọc ở đâu người ta viết rằng các trinh nữ phải khóc khi trót lỡ bồng bột. Nếu vậy tôi cũng sẽ vui sướng đập đầu tự tử dưới chân nàng theo đúng cung cách tiểu thuyết. Mười lần chết, em ơi...

- Anh xin em, mặt trời của anh. Anh thề rằng sẽ chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta. Anh sẽ làm tất cả, sống tất cả cho em...

Tôi hôn lên những ngón tay im lặng của nàng, thành tâm hứa hẹn mọi điều. Tôi cố không nghẹn ngào. Từ tầng văn hóa của một anh hàng xén có trình độ thơ tình lục bát, tôi cho rằng đàn ông không được khóc.

Mưa bớt hối hả. Vào lúc tiếng sấm làm một trong hai ngọn đèn điện trong phòng vụt tắt, nàng ngước gương mặt ướt át nhìn tôi, khẽ nói:

- Chúng mình uống một chút nước cam nóng, được không anh?

Tôi cuống quýt mừng rỡ vì dù sao nàng đã nói, một câu nói đời thường, giúp tôi thoát khỏi tình thế của kẻ tội đồ.

- Đúng rồi. Chờ anh một chút nhé!

Tôi lại hôn nàng lần nữa trước lúc xuống bếp.

Cam thì nàng mang tới khi tối, đường thì cửa hàng tôi còn tồn đến nửa tạ. Khoảng mươi phút sau tôi đã mang hai ly nước cam lên.

- Em uống vừa miệng không?

- Hơi ngọt quá anh ạ. Cho em chút nước lọc nữa.

Tôi xúc động cả cái cốc nước lọc ấy. Không phải tôi đi xuống bếp mà thánh thần nâng cánh tôi bay lên.

- Em xin anh.

Nàng uống lặng lẽ. Thấy tôi cứ đắm đuối nhìn, nàng khẽ cười giục:

- Anh uống cùng em đi chứ!

Tôi nốc cạn cốc nước cam của mình như uống một hơi đôi mắt long lanh kia. May sao nó không làm tôi chết nghẹn.

Rồi tôi ngủ một giấc tới tận trưa hôm sau. Nàng, trong thời điểm hay gặp ở các truyện vụ án hình sự, nàng biến mất.

Có thể nàng là cô gái út của nhà trời, lẻn xuống trần một đêm cho biết mùi đời, hoặc cô hồ ly nhân mưa to gió lớn hiện hình trêu ghẹo tôi. Dù là ai, nàng cũng đã biến mất.

Và bức tranh khỏa thân biến theo nàng.

Tôi đóng cửa hàng, không thiết ăn uống, chỉ vật vã suy nghĩ, xem xét mọi bề. Có phải nàng đã khờ khạo đánh đổi một đời con gái vì lầm tưởng bức tranh hàng ngàn đô-la như tôi đùa cợt?

Tôi lao đi tìm nàng. Rất nhiều người nhận có ăn bánh cuốn nóng nhưng không hề biết gì về cô hàng bánh. Càng tìm, nỗi tuyệt vọng càng lớn. Tôi lên phố vật vờ vào những gallery để mong manh hy vọng sẽ dò tìm được tung tích bức tranh khỏa thân.

Biệt vô âm tín!

Sang đến ngày thứ tám, tôi quyết định mở cửa hàng, coi chuyện đã qua tựa hồ một giấc mộng ngọt ngào, không có thực. Tôi chỉ cố tránh không nhìn vào khoảng tường xưa treo bức tranh thôi.

Khoảng tầm chiều bỗng có chiếc xích lô đỗ lại trước cửa hàng. Ông xích lô đã già, gương mặt úa héo, vác một gói giấy to tướng, tò mò ngắm nghía quầy tạp hóa, rồi ông ngắm tôi, có lẽ chủ yếu ngắm tôi.

- Ông cụ muốn mua gì?

- Cậu là cậu Quảng.

- Vâng, cháu đây.

- Có người nhờ tôi đưa cho cậu cái này.

Ông xích lô đặt gói giấy lên mặt quầy hàng. Tôi vồ lấy nó, không kịp mở nút dây buộc, xé luôn những tờ giấy báo bọc ngoài... Đây rồi, bức tranh của tôi.

- Chắc cậu chưa biết, bà cụ cô Hằng đã mất năm hôm nay. Tội nghiệp, hai mẹ con nghèo quá. Cả xóm ai cũng quý hóa, mỗi người giúp giập một tí, thế cũng xong. Hôm qua, cô Hằng giao nhà cho vợ chồng tôi trông nom hộ, đi chuyến tàu trưa ra Cát Hải. Chả hai nhà giáp vách nhau, tôi lại đông con, chật chội. Cô bé tốt nết quá. Hiếu thảo với mẹ thì tôi chưa từng thấy ai được như thế. Đã bảo cứ ở lại buôn bán kiếm ăn với chúng tôi, nhưng cô ấy không nghe.

- Cô ấy đi đâu hở cụ?

- Nghe nói ra Cát Hải với bà bác họ. Nhưng cụ thể ra sao, cô ấy không nói rõ. Chỉ hẹn nếu có địa chỉ sẽ viết thư gửi về. Cô ấy nhờ tôi trao tận tay cậu bức tranh với lá thư đây.

Ông già xích lô đi lúc nào tôi chẳng để ý, sau khi cho tôi địa chỉ của ông ở một xóm ngoại ô phía tây thành phố.

Lá thư nàng gửi dày đặc bốn trang giấy, nét chữ tròn, hiền lành. Ngoài những lời xin lỗi hết sức cảm động, nàng hé mở cho tôi đôi phần bí ẩn. Hóa ra người đẹp trong bức tranh khỏa thân ấy chính là mẹ nàng, nàng nhận ngay được bởi cái nốt ruồi đỏ thân thuộc. Bà mẹ đã khóc, kể cho nàng nghe lai lịch cái tranh bị lưu lạc đến tay tôi đã được vẽ trong hoàn cảnh nào. Trong những ngày hấp hối của bà, nàng hứa sẽ chuộc lại cho bà bức tranh khỏa thân xa xưa ấy. Nhưng lấy đâu hàng ngàn đô-la? Cái đêm mưa bão nàng đến với tôi là để ít nhiều trả giá, gián tiếp sòng phẳng.

"Hãy tha thứ cho em đã dám dùng gói thuốc ngủ như một kẻ trộm đạo lọc lõi. Trước những giờ phút đau đớn vật vã cuối cùng của mẹ, em dám có gan liều mình hơn thế. Chỉ đến giờ em mới kịp xấu hổ với anh. Anh nhận lại bức tranh quý giá và nếu có thể được, đừng nhớ gì về em".

Nàng thật điên rồi. Khoảng nửa tiếng sau tôi đã phóng xe tới xóm ngoại ô, tìm đến căn nhà lá của nàng. Bà vợ ông xích lô đang dọn dẹp quét tước. Không khí nhà đám còn vương vất mọi nơi.

- Nếu như bà có biết địa chỉ dưới Cát Hải, cháu nhờ bà đưa cháu xuống. Sau này cháu xin hậu tạ chu tất.

- Sao cậu nỡ nói thế? Nghe cậu kể hết sự tình hai người, tôi cũng mừng cho con cháu Hằng gặp được người thật thà thương yêu. Lạy vong linh mẹ cháu chứng cho bụng dạ tôi. Chỉ sợ nó nói dối, không về Cát Hải, toi công tôi với cậu.

Tôi thắp ba nén hương, cầu nguyện trước bàn thờ mẹ nàng. Tôi trông mong một sự dun dủi linh thiêng. Và chính lúc ấy tấm ảnh bà mẹ Hằng cuốn hút tôi như có ma lực kỳ lạ. Tôi sững sờ. Chao ôi, người đàn bà già nua sầu muộn, hai hốc mắt tối thẫm, cái sọ trơ xương kia chính là người đẹp trong tranh đấy ư? Tôi không thể tin sự thật lại như thế. Chẳng có chút liên quan nào giữa hai đỉnh đối nghịch này. Nếu có chút liên quan thì nó quá phũ, quá khốc liệt. Liệu ông họa sĩ khi vẽ bức tranh người thiếu nữ khỏa thân ngày ấy có tưởng tượng nổi một mớ gân xương đậm xỉn, nhăn nhúm này không? Thật kinh hoàng.

- Ảnh chụp bà lão lúc mới liệt giường trông còn khá đấy. Gớm, lúc chết trông mới thương chứ. Đúng như bộ xương khô, không ai dám nhìn lâu. Nhìn lâu không cầm được nước mắt.

Bà vợ ông già xích lô vừa nói vừa sụt sịt.

Tôi ngây dại. Nhìn hai đốm sáng ở hốc mắt người đã chết trong ảnh, tôi có cảm giác bà đang dần dần nhận ra tôi, anh chàng hàng xén vẫn trò chuyện bao ngày với người đẹp có nốt ruồi đỏ.

Hỡi ôi, cái đẹp có thực hay không có thực?

Tôi nói với Hương:

- Cháu có muốn nghe chú kể về một anh hàng xén liên quan đến bức tranh chú vẽ cháu đây không?

Hương mỉm cười.

- Chuyện cổ tích ạ?

Đúng lúc đó tôi quyết định đặt ngọn bút vừa chấm sơn đỏ vào tranh. Để đánh dấu rằng quả thực đã có một nhan sắc như thế đi qua thế gian chúng ta.