Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Phân phát hạnh phúc là phương cách duy nhấtt để hưởng thụ hạnh phúc. Người nghĩ đến hạnh phúc là người luôn nghĩ đến con sô "hai".
Lord Byron
Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 15

Chủ Đề: Chùm Hoa Trắng Rụng Xuống Sân Tình Yêu

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    03 Rose

    Chùm Hoa Trắng Rụng Xuống Sân Tình Yêu

    Đinh Tiến Luyện

    Trang 1

    - Chị có chấp thuận không chị Kim ?
    - Ta thấy mi đừng nên bày vẽ, tốn tiền.
    - Chỉ hai chục ngàn thôi, coi như chị đi ăn đám cưới bạn, khỏi phải gói quà mừng !
    - Năm ngàn !
    - Ôi chao! Sinh nhật của một con bé nghèo hèn được tổ chức ở lề đường. Chỉ một vài muỗng chè là tụi nó nuốt trôi tuốt tuột hết mười lăm tuổi của mình. Ôi chao ! Tội nghiệp !
    - Không tương với chao gì nữa hết. Mười ngàn.
    - Chị trùm sò quá, chị Kim ạ ! Cầu trời mai mốt chị đừng gặp một ông bán kẹo kéo.
    - Kẹo gì thì kẹo, thây kệ ta. Mi làm ơn biến đi cho ta nhờ.
    - Cau có làm chi cho mau già. À, chị Kim này, đừng xài kem làm gì cho tốn. Người ta bảo trái dưa leo xắt lát mỏng, mỏng như tờ giấy ấy, đắp lên mặt. Ngủ một giấc tỉnh dậy soi gương thấy mình là công chúa.
    - Ai bảo vậy?
    - Mục "Các bạn gái nên biết" trong báo.
    - Báo. Báo tào lao.
    - Có cả "Mẹo Vặt" nữa đây nè: Bạn bực mình vì bọn muỗi đói quấy rầy giấc ngủ ư? Đơn giản thôi. Hãy mắc mùng và để hé một chút. Bọn muỗi sẽ đua nhau bu tới, chen nhau chui vào. Trong khi đó bạn có thể yên thân làm một giấc điệp... dưới gầm giường. Chúc các bạn ngủ ngon.
    - Lý thú đấy. Chúc mi ngủ ngon.
    - Cớ sao chị cứ phải khó chịu với em mãi vậy?
    An nằm dài ra trên giường chị :
    - Thôi. Em chẳng tổ chức sinh nhật nữa đâu.
    Chị Kim ngừng tay thoa mặt, nhìn An trong gương :
    - Mi hay dở chứng.
    An nằm yên, nhìn lơ đãng trên cao. Ở đâu đó vang lên một điệu nhạc.
    Chị Kim quay lại, hất mái tóc xõa rộng :
    - Mi thấy ta dạo này thế nào, An?
    - Chị nên may một chiếc quần đầm. Dáng chị mặc quần đầm hợp đấy.
    - Ta cũng đã nghĩ đến nhưng còn phân vân. Liệu có "mốt" quá không ?
    - Còn tùy.
    - Tùy sao ?
    - Tùy đối tượng, người ngắm là ai.
    Chị Kim mỉm cười ngồi xuống mép giường:
    - Ta đồng ý rồi đấy.
    - Sao cơ ?
    - Hai chục.
    An lăn mình trên giường rồi nhổm dậy, hớn hở :
    - Có thế chứ. Một kế toán trưởng tín dụng uy tín như chị phải là chỗ dựa đáng tin cậy.
    - Thôi, dựa nhè nhẹ thôi. Đến khi đổ lấy ai mà thăm nuôi.
    - Chị có hàng tá các ứng cử viên, chẳng lẽ không sót lại một.
    - Cám ơn.
    - Ít ra cũng còn em gái chị.
    - Cám ơn luôn.
    - Chị Kim nè, An lẩm nhẩm tính toán tiền mẹ cho cộng với tiền chị và số em để dành chắc là đủ cho một chiếc bánh đấy.
    - Chiếc bánh nho nhỏ thôi.
    - Cũng phải đủ vòng để cắm hết mười lăm ngọn nến sinh nhật chứ.
    - Dĩ nhiên.
    - Còn nước uống ?
    - Một chai xi-rô pha ra hàng trăm ly với trái thơm xắt nhỏ.
    - Cả xơ ri và chùm ruột nữa.
    - Vài ngàn bạc.
    - Cũng phải có chả giò chiên, bánh mặn, bánh ngọt gì nữa chứ.
    - Á, à, lại còn thế nữa. Cô phải tự xoay xở lấy.
    - Chị cho em vay vốn nhé.
    - Vay vốn phải có thế chấp.
    - Toàn bộ tài sản của em. - Toàn đồ cũ, không đáng một xu.
    - Thủy thủ tàu viễn dương nè, trưởng phòng kế hoạch vật tư nè, chuyên viên máy điện toán nè... chẳng lẽ họ không mừng em một cái gì đáng giá hơn một xu.
    - Ai cho phép mi... cầm nhầm bạn ta ?
    - Chị bảo em tự xoay xở mà. Toàn những người mong được có dịp ngồi vào phòng khách nhà mình, hẹp hòi gì mà không mời ?
    - Thôi dẹp.
    - Em đùa vậy, cái gì cũng phải có phép chị chứ.
    An rụt cổ để né một cái cú đầu của chị. Chị Kim vui hay buồn, An cũng có thể đoán được phần nào. Chị hỏi:
    - Đám bạn mi đông không ?
    An thành thật :
    - Vài chục đứa hơn, đứa nào cũng háu ăn cả.
    - Chặt đi một nửa.
    - Nửa đầu hay nửa đuôi hở chị ?
    - Đừng đùa. Để ta bàn cho. Một chục thôi.
    - Ít quá. Coi chừng tụi nó đánh nhau mất. Vừa rồi con Quỳnh Anh sinh nhật nó còn dám mời toàn lớp kia mà.
    - Mời họp hay sao mà mời đông. Bạn bè phải phân biệt đứa thân đứa không. Chơi tràn lan như mi chỉ tổ... lắm chí trên đầu.
    - Chị đừng khinh tụi bạn em, đứa nào cũng gội đầu bồ kết đủ bảy lần một tuần. Thôi em sẽ gạt đám con trai lại.
    - Toàn bạn gái không thôi ít vui.
    - Mấy đứa con trai lớp em cao kều cũng chỉ kêu em bằng... chị.
    - Hề gì. Đứa nào ngoan nhất cứ mời. Giặc một phe thì như cái chợ miệng. Có phái này phái kia mới chế ngự được nhau.
    An cười thầm. Chị Kim nói gì thế nhỉ? Bọn con trai, con gái trong lớp An vẫn cãi nhau chí chóe bất phân thắng bại, có đứa nào né đứa nào đâu. Thậm chí có khi còn đòi hỏi thăm sức khoẻ nhau mới phiền chứ.
    - Chị Kim ạ, như thế một chục có ngọn rồi.
    - Ngọn gì thì ngọn cũng phải vừa phải thôi. Đừng bày vẽ quá không ai dọn được.
    - Chị yên tâm, mấy đứa con trai lớp em ngoan lắm. Chúng đua nhau chờ em sai bảo.
    Chị Kim nhìn sang An một cái thật lạ. Có lẽ chị nghĩ An chỉ thích đùa.
    - Mi lớn rồi đấy, An ạ. Tiếp xúc với bọn con trai cũng phải biết giữ ý tứ một chút.
    An cãi:
    - Chúng không ý tứ với em thì thôi chứ mắc mớ gì em phải ý tứ với chúng nhỉ?
    - Mi bướng như... gì ấy. Con gái là con gái, đừng ăn nói như thế.
    - Chứ chị bảo phải làm sao?
    - Con gái là phải dịu dàng, kín đáo.
    - Quan niệm đó xưa rồi chị ơi. Thời xưa khác, ngày nay khác.
    - Khác làm sao?
    - Em tiên đoán đến năm... 3000 nguyên thủ các quốc gia trên thế giới toàn là nữ giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng là nữ giới luôn.
    Chị Kim đã thay quần áo và đòi giường:
    - Mi hãy ráng sống đến năm 3000 mà làm thủ tướng. Còn bây giờ làm ơn xéo đi cho tôi nhờ.
    An ôm cứng lấy chị:
    - Hôm nay chị cho em ngủ chung một bữa đi.
    Chị Kim đẩy An ra:
    - Nỡm, mi dở chứng vừa chứ.
    An vẫn không buông chị:
    - Em thấy dạo này chị ốm hẳn đi đấy, chị Kim ạ.
    Kim buông xuôi tay, nằm im. Có thể là như thế. Khi choàng qua An, chị đã cảm thấy sự triển nở của em gái mình rõ từng nét. Có phải ở một điểm An thì đang tới gần, còn Kim mỗi ngày một xa? Ấy là thời con gái. Không ai biết để đón nó nhưng lại biết rất rõ phải tiễn nó đi lúc nào.
    - Chị đang nghĩ gì vậy chị Kim?
    - Mi bắt đầu lớn rồi, An ạ. Từ nay mi phải bỏ cái tật đi nhong nhong trong nhà với cái robe cũn cỡn, chẳng ra sao cả. Nhất là những khi có khách tới.
    - Em là bé bồng bông mà chị.
    An rúc vào chị, cười. Chị Kim đẩy nhẹ đầu em:
    - Bồng bông gì nữa. Lớn rồi cô ạ.
    - Thế mà anh Thức vẫn gọi em như vậy đấy.
    - Ôi chao. Cái anh chàng đó.
    - Anh chàng đó làm sao hở chị? Em thấy anh Thức cũng được lắm chứ.
    - Trừ đôi mắt ra.
    - Đôi mắt làm sao hở chị?
    - Con trai mà lúc nào mắt cũng mọng như con gái.
    - Càng đẹp chứ sao.
    - Chẳng ai chẻ cái lãng mạn vô bổ ra mà ăn được.
    - Ăn được hay không nhưng em thấy chocolate của anh ấy vẫn ngon!
    - Mi vẫn nhận chocolate của hắn ta đấy à?
    - Em nhận giùm chị, em ăn giùm chị, có sao đâu?
    - Ở đó mà có sao đâu. Mi đừng ngậm vô tội vạ những quà tặng kiểu đó. Hãy nhớ cho đến khi hiểu được: Vô tình hay hữu ý, trong ruột mỗi vật tặng dữ đều có cái lưỡi câu.
    - Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra... Ha ha, em nhớ rồi. Như thế người ta sẽ nói rằng "sẩy con tôm bắt con tép". Và em là con tép riu bé xíu xíu chỉ thích ngậm chocolate thôi.
    - Đừng tào lao. Từ hay hễ có ta hay không có ta ở nhà, mi cũng làm ơn nói là ta đi vắng, nhớ chưa ?
    - Dạ nhớ, Chị Kim đi vắng rồi. Nếu anh có nhắn gì, chẳng hạn như gửi một thanh chocolate thì đưa em giữ giùm cho.
    - Thôi đi. Lúc nào mi cũng nhóp nhép cái miệng được.
    An rụt cổ, cong người xoay vào trong.
    Một lúc lâu yên lặng. An hiểu là chị Kim đang "mơ mộng" gì đó. Cái "gì đó" hẳn sẽ có anh Thức với vẻ mặt tiu nghỉu ra về. Tự dưng An liên tưởng tới câu chuyện vừa đọc trên báo. Có hai người thương nhau nhưng mỗi người ở một nơi xa lắc xa lơ, ngoài một ngày đường. "Mối tình hàm thụ" bằng thư từ đã bao ngày tháng. Đều đều mỗi tuần mấy lần chàng ra bưu điện gửi thư, còn nàng thì mỗi sáng ngồi đợi người đưa thư tới đều đặn. Kết thúc câu chuyện: Chàng yêu cô gái bán tem ở bưu điện, còn nàng thì "phải lòng" ngươi đưa thư tự lúc nào. Ngộ nghĩnh thật. An nghĩ tình cảm con người đôi khi là thói quen, có thể, thói quen nhìn, thói quen nghe và thói quen... yêu. Dù sao câu chuyện này cũng đáng được thưởng giải văn chương... bưu điện.
    - An này...
    Kim lay vai em. Nhưng An đã ngủ từ lúc nào. Con bé dễ ngủ thật. Cái miệng thì lúc nào cũng lao xao như tuổi của nó. Tung tăng, huyên náo và vô tư như chim muông. Hẳn là mươi năm trước mình cũng như nó bây giờ. Cả mặt trăng lẫn trái đất đều nằm trong túi. Cả ngàn xưa lẫn ngàn sau đều nhỏ xíu trong bàn tay. Ấy thế mà, khi lớn lên... Kim kéo chiếc robe trắng mong manh trên đầu gối An xuống và chợt nhận ra rằng em mình đã bắt đầu lớn thật rồi.
    - Thôi về giường mình ngủ đi nhỏ.
    An trườn mình, lưỡi lĩnh buông chân xuống khỏi giường. Sẵn ly nước trên bàn nhỏ trong tầm tay, cô bé ực một hơi. Tỉnh cả người, lại như sáo trên miệng An:
    - Như thế chị chấp thuận cả rồi nhé.
    - Còn chấp thuận gì nữa?
    - Em sẽ góp cho chị, còn thiếu bao nhiêu chị... bao chót cho em.
    - Sinh nhật em, em sẽ mời cả anh Thức nữa đấy.
    - Nếu chị không chấp thuận tất cả có nghĩa là em sẽ tự xoay sở. Và lẽ nào anh Thức lại không bằng lòng đứng ra tổ chức sinh nhật cho cô em gái của chị, với tất cả lòng biết ơn sâu xa và lòng mến mộ chân thành.
    - Khóa cái miệng lại. Khuya rồi, để bố mẹ ngủ.
    An trở về giường mình. Lâu lắm rồi cô bé mới ngủ lại được, bởi cái đầu hay nghĩ lung tung chẳng thôi bài vẽ nào bánh , nào hoa, nào bạn bè, nào những bài ca và đầy ắp những tiếng cười của buổi sinh nhật sắp tới.
    Lúc này khi cư xá đã thật yên ắng. Chỉ còn nghe tiếng rào rào từng chập của những ngọn gió khuya về ngang những lùm cây nhạc ngựa trên lối đi.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    trang 2

    Dù sao cái ngày nóng lòng mong đợi ấy cũng tới. Và mọi chuyện An đã sắp xếp xong như ý muốn. Không phải là một chục có ngọn mà là gấp đôi như thế, số bạn bè của An được mời. Được cả ba lẫn mẹ "bật đèn xanh", chị Kim có cau mày đôi chút nhưng vẫn sẵn sàng "bao chót" cho bữa tiệc sinh nhật của em. Thiệp mời được nhỏ bạn "gợi ý" kéo lụa ở nhà ông anh đầy đủ chữ nghĩa bay lượn với hoa lá cành vui mắt, được chuyển tới tận...cặp của bạn bè một tuần trước. Một tuần sau đó là nỗi băn khoăn của An. Không biết phải "ra mắt" bạn bè với chiếc áo nào, trong gia sản áo cũ xì của mình. Chị Kim là người duy nhất được hỏi ý kiến không phát biểu chi cả, chỉ "tùy mi". Để độc đáo, em sẽ xuất hiện trước bạn bè bằng chiếc robe trắng thường mặc trong nhà. Đừng có khùng, chị Kim bảo vậy. Nhưng em thích màu trắng. Chị Kim lặng lẽ dắt xe đi làm.
    Từ ngày chị Kim đi làm ở Quỹ Tiết Kiệm, chị bị cái nghề chi phối nặng nề đến tính tình. Thường xưa chị cũng không đến nỗi chi li tính toán, mà nay đụng tiêu pha một chút là chị... méo mó nghề nghiệp đưa ngay chính sách tiết kiệm ra. Trừ vấn đề may mặc. Thêm tiền của mặc, bớt tiền của ăn. Và chị đã bớt hơi nhiều ở cái này để đắp vào cái kia. Chị có thể nhịn ăn sáng liên tục, nhưng không thể "nhịn" khi thấy một xấp vải "hợp nhãn" một đôi lần với mặt vải mới và thời trang mới. Ăn cơm nguội không ai thèm biết tới, nhưng mặc một cái áo mới thì ít ra cũng... làm đẹp đường phố. Chị Kim nói thế và An cho là... phản khoa học. Với An, cứ phải chắc bụng cái đã.
    Nếu không có buổi họp mặt sinh nhật sắp tới khiến An phải băn khoăn về vấn đề ăn mặc, hẳn triết lý "cái bụng" của An vẫn được các hàng quán hết mình ủng hộ.
    Mặc thử, ưng không, trưa về còn đổi.
    Sinh nhật của An thực sự bắt đầu từ sáng sớm, khi chị Kim đã đi làm và cô bé nhận được quà tặng của chị để sẵn trên bàn lúc thức dậy. Một chiếc áo đầm voan trắng, đầy một ôm những tần đăng ten. Khỏi phải nói là An đã mừng rỡ và xúc động đến mức nào. Thử ngay tại chỗ, khỏi cần gương. An biết là quà tặng quá đẹp đối với mình. An tưởng tượng đến những đôi mắt tròn xoe của bạn bè khi nhìn mình. Ồ, chị Kim quả là tuyệt vời.
    Buổi chiều, năm giờ hơn, các bạn đã kéo tới nhà đông đủ. Đủ mọi màu, mọi kiểu, nhưng bạn gái không ai là không công bình nhận xét, dù diện màu trắng thì nữ chủ nhân vẫn là người rực rỡ nhất. Rực rỡ toàn diện. Vừa vì vòng nến mười lăm, vừa vì vẻ sang trọng, thanh khiết của mình.
    - Ê, An, tao là bạn thân nhất của mày cũng phải ngạc nhiên đấy.
    - Tao là "chồng" nó đây nó diện còn chưa xin phép.
    - Bộ trưởng bộ ăn diện là tao mà nó qua mặt cái vù.
    An la to lên át các bạn, với tuyên bố hùng hồn:
    - Khớp tất cả các miệng lại, hỡi các đức ông chồng keo kiệt và các ả hoa hậu hay ghen. Hôm nay ta không mời các người đến đây để tỏ lộ những tính nết xấu xa ấy. Chúng ta sẽ có rất nhiều trò vui tối nay mà ai cũng phải tham dự.
    - Mi tuổi con gì mà ăn hiếp nhau dữ thế hở An ?
    - Ta sinh vào tháng 11, dưới chùm sao Hổ Cáp. Hổ Cáp là con bọ cạp, vừa kẹp vừa chích được không ?
    - Đáng sợ rồi. Thôi, thắp nến sinh nhật lên và tuyên bố lý do đi, Hổ Cáp.
    - Lý do thì kể như tuyên bố rồi. Còn bây giờ xin các bạn ai hãy ngồi chắc vị trí ấy, kẻo khi ta thổi tắt nến sẽ quá hơi mà... tắt luôn cả tim các bạn đấy.
    Tiếng vỗ tay thích thú rần vang. Không ai nghĩ tới phải cài cột tim mình trong ngực áo vào cái giây phút gió bão sấm sét tiếng cười nói này.
    - Hãy thổi bay tất cả nhà cửa, bàn ghế và trái đất này đi cũng được. Nhưng nhớ chừa cái bánh lại.
    Mười lăm ngọn nến sáng lung linh trong đôi mắt mở rộng của An. Ánh lửa đẹp quá, tươi vui quá. Có một bài ca nào đang reo lên cùng với điệu múa chập chờn vây quanh tuổi của An trong giây phút huyền diệu này.
    - Có bạn nào thuộc bài "Happy Birthday" không nhỉ?
    Một bạn nào đó cất lên nho nhỏ bài ca sinh nhật lạ lẫm nhưng chẳng ai hưởng ứng nên cũng tự quên luôn nửa chừng.
    - Đáng tiếc thật. Các nhạc sĩ của ta chết đâu hết trong cái giây phút trọng đại của đời người thế này.
    - Tại hắn chưa một lần được mời sinh nhật.
    - Hắn chưa bao giờ biết khói nến vương vào mắt.
    Chị Kim đến bên giục An:
    - Dông dài mãi, thổi tắt nến đi để ta phụ cắt bánh cho.
    An nhìn lại dãy bàn dài, khẽ cười nói với chị:
    - Nhưng sao giờ này anh Thức vẫn chưa thấy tới ?
    Chị Kim bặm môi:
    - Điều đó không quan trọng.
    An nhăm nhăm con dao răng cưa:
    - Quan trọng lắm chứ. Em sẽ bằm anh ấy ra nếu dám coi thường lời mời đặc biệt của em.
    Chị Kim nhìn chừng thái độ của An rồi bỏ vào trong. Không biết chị nghĩ gì.
    - Hãy thổi nến đi chứ.
    Một bạn nhắc. An mỉm cười với các bạn:
    - Ta thay đổi ý kiến rồi.
    Thư lên tiếng:
    - Lại còn ý kiến ý ong nào ở đây nữa? Không tắt nến làm sao ăn ?
    - Mi háu ăn quá, bộ trưởng bộ ăn uống ạ.
    - Phúc cho ai có tinh thần ăn uống, vì sức khoẻ là của họ.
    - Đừng xuyên tạc Thánh Kinh để tự bào chữa. Bây giờ ta xin hỏi ai là người đầu tiên đến với ta trong ngày hôm nay?
    - Chính ta đây.
    Thư đứng lên. Thủy Tiên đứng lên tiếp:
    - Xin lỗi bạn à nha. Khi bạn tới thì tôi đã có mặt rồi.
    - Đúng thế, An xác định. Thủy Tiên là người đầu tiên.
    Và tuyên bố:
    - Người đầu tiên sẽ được lãnh một quà tặng tự ý lựa chọn.
    - Hoan hô, xin đem ngay ra cho.
    - Tất cả bắt đầu khi tắt nến.
    - Còn quà tặng cho người đến sau cùng nữa chứ. Tôi đây nè.
    Hùng nhí đứng lên. An gạt đi:
    - Nếu có quà tặng cho người đến sau cùng thì cũng không phải là bạn đâu mà ham.
    - Ai? Hùng nhí chứng minh, tôi đến khi tất cả các bạn đã ngồi vào bàn đầy đủ rồi.
    - Chưa đầy đủ đâu bạn ạ.
    - Còn ai nữa ?
    - Ai thì các bạn sẽ biết, hoặc sẽ không bao giờ biết, nếu họ không tới.
    An nhìn ra phía cổng rồi gọi chị:
    - Chị Kim ơi ra ngồi bên em, không để tụi nó đang bắt nạt em đây nè.
    Một con chó sói sợ đàn cừu tấn công. Các bạn cười reo lối nhõng nhẽo của An. Cô bé mười lăm tuổi chu môi thổi một hơi, rưới tắt tất cả những đầu ngọn nến.
    Đồng thời điện cũng tắt. Căn phòng tối om. Một cảnh hỗn loạn âm thanh sau đó.
    - Khi không cúp điện.
    - Tại nhỏ An thổi mạnh quá, tắt cả điện luôn.
    - Chân đứa nào vậy?
    - Ối, cái mũi tôi.
    - Kẻ nào nhét bánh vào miệng ta thế này?
    - Coi chừng đổ ly.
    - Ngồi yên nào, sao leo lòng ta vậy nhỏ.
    - Khỉ, đứa nào cù léc ta thế. Ối ! Ối!
    - Chỗ của tao đứa nào ngồi đây?
    Cảnh tan hoang sau đó được chấm dứt khi cả bọn khám phá ra không phải cúp điện mà chỉ vì ai đó đã đụng vào cái công tắc đèn phòng.
    Người khách cuối cùng đã có mặt trong không khí ấy. An reo lên:
    - Anh Thức !
    Người thanh niên điềm đạm, chững chạc hiện ra trước những đôi mắt tròn xoe của đám thiếu niên.
    - Xin chào tất cả các bạn nhỏ.
    An chạy tới, sừng sộ:
    - Anh là người nhiều tội. Chính anh đã tới trễ rồi còn gây chuyện tắt đèn phòng, phải không?
    Người thanh niên cười cười:
    - Làm gì có chuyện đó. Tôi đứng ngoài nãy giờ có ai thèm mời vào nhà đâu.
    An nửa tin nửa ngờ nhìn cái "cười cười" dễ ghét của người khách cuối cùng. Trịnh trọng, An làm nghi thức giới thiệu:
    - Đây là anh Thức, bạn của...
    Hướng về chỗ chị Kim nhưng An giật mình thấy chị đã biến mất tự bao giờ.
    -... Anh Thức là bạn của cả gia đình An.
    Trong tiếng vỗ tay và xì xào, An đưa anh Thức về chỗ đối diện. Nơi mà chị Kim vừa bỏ vào nhà, dặn dò:
    - Tuị bạn em gấu lắm, coi chừng sau khi chúng ăn hết mọi thứ sẽ ăn thịt anh đấy.
    Anh Thức nhún vai điệu bộ rồi lẳng lặng rút thuốc ra hút. Trong khi chia phần bánh anh để ý có những đôi mắt bồ câu nhìn mình thật dễ thuơng và cũng thật ranh mãnh. Anh hiểu mình đang đi lạc.
    An bảo anh Thức:
    - Anh nói gì đi chứ ?
    - Bé hôm nay thật xinh đẹp.
    An tặng anh một lưỡi dao cạo nơi khóe mắt:
    - Trông anh vậy mà lười sáng tạo.
    - Chiếc áo bé mặc thật hợp.
    - Chị Kim tặng đấy.
    - Sao chị Kim dạo này hay trốn anh thế nhỉ?
    - Có thể chị... không thích ồn ào. Để em vào mời chị ấy ra nhé.
    Anh Thức nhún vai, cúi xuống:
    - Thôi, đừng quấy rầy chị ấy thì hơn.
    - Chỉ sợ anh buồn.
    - Không buồn đâu, anh Thức nheo mắt nhìn, nhìn miệng các cô ăn và nói cũng vui rồi.
    - Anh thật lạ.
    - Thiệt đấy chứ, bé cứ tự nhiên vui đùa với bạn bè đi. Anh thích thế.
    Cuộc vui phải tới hơn 10 giờ đêm, nếu An không được anh Thức cho xem đồng hồ chắc nó có thể kéo dài đến... giờ đi học sáng hôm sau. Những bài hát tặng không theo yêu cầu người nghe cùng những trò chơi khởi sắc ngoài chương trình. Cuộc xổ số trúng một... hột me và công việc công khai hóa các quà tặng ngay tại chỗ thú vị hơn một sân khấụ Cuối cùng thì các bàn hết nhẵn những gì có thể ăn được, uống được. Cả những bông hoa chưng trong bình sau đó cũng được chia đều cho bạn bè mang về.
    - Hẹn vào ngày này, năm tới nhé.
    - Một thời điểm xa quá. Sao không là tháng tới?
    - Nhà đứa nào thế?
    - Cúc Tím, 12 tháng 12. Tao đã nghiên cứu kỹ lý lịch nó rồi.
    - Hoan hô hội trưởng hội truy lùng những người tiêu xài. Cúc Tím ơi, không mừng sinh nhật mi sẽ không bao giờ lớn được đâu.
    - Tao đã sẵn quà tặng cho mi rồi. Một hộp Nana cộng thêm một hộp Softina...

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 3

    Tiễn các bạn về rồi, trở vào An thấy “người khách cuối cùng” đã ngồi dưới những bậc tam cấp.
    - Anh buồn phải không, anh Thức ?
    - Không. - Anh Thức đứng dậy và búng mẩu thuốc lá vào khoảng đêm. - Anh có thể đã làm cho chị Kim buồn. - Nếu chị Kim có buồn thì điều đó không phải lỗi của anh.
    An định nói thêm: Chính An mới là người làm chị Kim buồn, vì khi mời anh là hoàn toàn do ý của An. Chị Kim không đồng tình nhưng cũngkhông ra mặt phản đối.
    Anh Thức cười cười, nghiêng xuống mái tóc đầy những cánh hoa giấy lấp lánh của An:
    - Thôi kệ những cái buồn. Miễn bé An của anh vui là được rồi.
    An véo tay anh:
    - An ghét anh, cứ hay gọi người ta là bé.
    - Thì không phải mình còn bé sao ?
    - Cứ cho là như thế đi. Nhưng có mặt bạn bè mà lại kêu người ta là bé, chúng cười chết.
    - Cười hở... mười một cái răng, kệ chúng.
    - Kệ sao được. Mất uy người ta.
    - Bạn của An, cô bé nào cũng dễ thương.
    - Sao anh, ai cũng dễ thương hết vậy ?
    - Dĩ nhiên vẫn có người dễ thương nhất chứ.
    Cánh tay Thức bị những móng tay An hỏi thăm. Các cô thật lạ, luôn có thái độ căm ghét với những điều mình muốn được nghe hơn một lần.
    - An thường có nhiều bạn thân như thế sao ?
    - Ít thôi. Thành phố, dòng sông, da-ua, cỏ may, Mực Tím...
    - Chỉ vậy ? An làm thơ siêu thực đấy à ?
    - Tên các bạn. Trong nhóm của An đứa nào cũng có một cái tên như thế đấy.
    - Với một lai lịch ngộ nghĩnh kèm theo nữa phải không ?
    - Gần như vậy. Dài dòng lắm. Có đứa tự chọn, có tên do bạn gọi mãi mà “chết”.
    - Còn An ?
    - Anh Thức thử đoán xem.
    - Không ai đoán tên bao giờ.
    - Nếu thế nó sẽ muôn đời bí mật đối với anh.
    - Nhóm bạn của bé thật vui, bao giờ cho anh gia nhập với nhé.
    - Nếu thế anh sẽ phải bỏ đi cả nửa số tuổi của anh.
    - Dễ thôi, một nửa hay... bỏ luôn cũng được chẳng sao.
    - Như thế anh sẽ phải... quấn tã, kỳ cục lắm.
    Cả hai cùng cười. Họ bước ra phía cổng. Ngẫm nghĩ một lát rồi An thắc mắc:
    - Nhưng anh Thức này, sao anh lại có ý nghĩ như con nít thế ?
    - Ðơn giản thôi, tại anh không thích làm người lớn.
    - Tại anh không thích làm người lớn ?
    - Ồ, làm người lớn thì cái gì cũng phải suy tính gần xa, hơn thiệt. Mệt lắm.
    - Anh Thức có vẻ lầm lì , phong sương hơn những người khác.
    Thức hơi giật mình về nhật xét của một cô bé. Anh nhún vai :
    - Có thể tất cả là do đời sống dạy mình thôi.
    - Ðời sống là gì ?
    - Là công việc mình làm, những người mình giao tiếp... nhưng rắc rối làm chi, bé đâu cần biết những điều đó.
    - Cần lắm chứ. An muốn hiểu sao có người lại thích trở về thời nhỏ. Còn tụi nhỏ An thì nhiều đứa cứ thích mình đã lớn. Thật kỳ cục, phải không anh Thức ?
    Thức không trả lời, anh lẳng lặng rút thuốc ra hút. Gió ngoài vười làm ngọn lửa run rẩy trong khoảnh khắc giữa hai khuôn mặt lạ lẫm, cúi xuống :
    - Anh Thức này, An gọi sự yên lặng dậy, anh nghĩ sao về con bé này nhỉ ?
    Thức phả một ngụm khói lớn, bật cười khan:
    - Thì bé vẫn bé thôi.
    - Kể cả đến hôm nay ?
    - Và ngày mai cũng vậy.
    - Cám ơn anh.
    - Cám ơn cái gì mới được chứ ?
    - Nghĩa là anh sẽ không bao giờ quên phần chocolate của An.
    An cười thích thú và Thức còn thích thú hơn.
    Anh thích thế bé ạ. Muôn đời là một cô gái bé bỏng. Hồn nhiên , vô tư ăn và nói. Ngổ ngáo một tí cũng được, đỏm dáng một tí cũng được. Có vương buồn một lúc nào đó cũng chả sao. Cũng chẳng sao nếu một lúc nào bé hiểu rằng tâm hồn con người có nhiều điều rắc rối. Ngủ một giấc là quên, dầm mình trong nước một lát là trôi hết cả.
    - Ðèn trên lầu còn sáng. Hình như có ai vừa đứng ở bên cửa sổ nhìn ra.
    - Chị Kim đấy.
    - Ðể anh trở lại chào chị ấy nhé.
    - Ðừng phiền chị ấy nữa, anh Thức ạ.
    - Ðâu phải lúc nào chị ấy cũng...
    - Ðáng lẽ anh phải hiểu chị ấy hơn An chứ ?
    - Thôi được, anh về.
    - Anh nhớ cái máy chụp hình của anh như đã hẹn đấy. Chị Kim thích chụp hình lắm.
    - Còn bé ?
    An bặm môi bất chợt:
    - An không cần.
    Yên lặng một lát Thức mới hiểu ra:
    - Anh đã nghĩ phải mang nó theo trong tối nay. Khỉ thật, anh lại chỉ loay hoay dàn xếp mấy cái máy quay vidéo ở trung tâm, cái nào cũng có việc. Thôi để dịp khác anh đền vậy. Nguyên một cuộn phim, một cuộn vidéo nhé ?
    - Còn dịp nào nữa ?
    - Sẽ có dịp hai chị em đi chơi chung, lẽ nào không cho anh tháp tùng.
    - Cái đó còn tùy ở chị Kim.
    - Tất cả phụ thuộc vào độ ẩm ướt của chị Kim.
    - Còn An thì vứt đi à ?
    Thức bật cười vì cái trẻ con của An. Chính cái trẻ con ấy đã khiến An đẹp gấp mười trước mặt anh. Dù sao thì anh cũng biết nói gì để đẹp lòng những cái phụng phịu dễ thương kia:
    - Thì chị Kim là chính, còn An là quan trọng.
    - Anh lại thuộc lòng bài vở rồi.
    - Lanh miệng lắm, cô bé ạ ! - Theo câu nói của Thức là cái ký nhẹ trên mái tóc An nhưng hụt. Cô bé chạy vút tới trước, dựa lưng vào cánh cổng khép.
    - Cho tới lúc về mà An vẫn chưa nghe anh Thức chúc sinh nhật An.
    - Ðầy đủ trong gói quà rồi.
    - Một hộp chocolate thật to như anh hứa chứ gì ?
    - Ðúng như vậy. Chúc bé hay ăn chóng lớn.
    - Nội dung lời chúc của anh thường quá. Nhưng vì lời chúc của anh, An sẽ lớn nhanh hơn anh tưởng thì anh nghĩ sao ?
    - Thì... thì mẹ cha chóng được nhờ.
    An đập nhẹ gót giầy vào cánh cổng sau lưng, ranh mãnh:
    - Anh về nếu hôm nay không ngủ được thì phải hiểu là chị Kim rủa anh đấy, chứ không phải là cái con bé này đâu.
    Thức lách xe ra khỏi cổng:
    - Uổng quá, nếu được cả bé rủa nữa thì anh sẽ ngủ ngon.
    Nhưng vừa lọt ra khỏi cổng Thức mới chợt nhớ ra cái chậu cây mà mình đã nhờ xe xích lô chở tới hồi chiều.
    - Chút xíu nữa thì quên mất, còn chậu cây này nữa.
    - Cái gì vậy anh ?
    - Anh xin ở nhà một người bạn.
    - Chị Kim dặn anh à ?
    - Không. Thức hơi bối rối, để anh tặng bé đấy.
    An đi đến bên chậu cây đặt phía sau cổng, sát lối đi tối om:
    - Cây gì mà không có hoa vậy anh ?
    - Người bạn nói hoa gì anh cũng quên mất. Hắn dặn anh là phải cả năm nữa mới có hoa. Hoa trắng.
    - Tuyệt diệu. Hoa trắng em rất mê.
    - Sao vậy ?
    - Hoa trắng thường có hương thoảng, bay xa.
    - Ðể anh bê vào trong nhé.
    - Kệ, anh đã để đâu thì cứ đặt ở đó đi.
    An huơ tay nhè nhẹ trên đầu những ngọn lá:
    - Sáng mai xem lá em sẽ biết nó là hoa gì ngay.
    - Bé thật tài.
    - Anh chưa biết danh hiệu của An đâu. Hội trưởng hội phá hoại cây cỏ là AN đấy.
    Cả hai cùng cười. An khép cổng lại còn nói :
    - Bây giờ anh về đi. Nhớ cho An gửi lời... rủa anh đấy.
    Thức đạp xe nổ máy và cảm thấy như mình có cánh. Riêng An, nhìn lại chậu cây sum suê ngang ngực áo trắng, cô bé nghĩ, đây cũng là một bất ngờ đối với sinh nhật của mình.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 4

    - Yêu cầu ngồi yên cho ta làm việc.
    - Có chuyện chi mà khám cặp người khác bất hợp pháp thế ?
    - Suốt giờ học ta để ý nhỏ cứ cúi xuống nhóp nhép cái gì trong miệng.
    - Nhóp nhé cái gì à ? Ðể cho bộ trưởng bộ ăn uống làm việc.
    - Nhân danh hội trưởng hội bảo vệ những người ăn quà vặt, ta phản đối.
    - Yên nào. Phản đối thì phản đối cũng phải có hệ thống. Á à, nguyên một hộp chocolate to thế này ăn một mình không đau bụng thì mụn cũng phun đầy mặt.
    - “Ka Xê Ét” kiểm nghiệm thực phẩm, có ta đây.
    - Ngọt, bùi, béo, ngậy... được lắm, ăn không chết người.
    - Toàn thể hội đồng kiểm phẩm mới có giá trị.
    Chỉ một loáng là hộp chocolate đã vơi quá nửa. An giữa vòng bạn bè la oai oái:
    - Việc chi phải dữ tợn, mỗi đứa chỉ nếm thử thôi, không hết phần đâu mà sợ.
    - Hết cũng được. - An vùng vằng, nhưng đừng làm nát cái hộp của người ta.
    Bạn bè reo lên thích thú và chuyền tay nhau cho đến khi hết nhẵn hộp kẹo. Kẹo không bảo vệ lo bảo vệ cái hộp. Ừa, mà cái hộp đẹp thiệt, một bông hồng đỏ chót đặt trên một vuông khăn ca rô in rõ từng sợi vải.
    An khoe ở nhà mình còn “sưu tập” một bộ giấy bọc kẹo đủ loại, đẹp tuyệt vời.
    - Tất cả đều là chocolate ?
    - Dĩ nhiên.
    Cúc Phương reo to như một khám phá :
    - Ðúng hắn rồi, các bạn ơi !
    - Ðúng cái gì ?
    - Chim tải cúc hay hót. Con An nó là con chim tải cúc hay hót. Các bạn nhớ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ chứ ? Tất cả bắt đầu bằng chocolate. Chocolate hàng tháng, chocolate hàng tuần. Ðều đặn mỗi lần thăm viếng đều có chocolate.
    - Ai thăm viếng ai ?
    - Dĩ nhiên phải có một Kamêran nào đó.
    - Có phải “bạn của gia đình” hôm bữa sinh nhật nó không ?
    Những đôi mắt tròn ngơ ngác, lạ lùng nhìn An rồi nhìn nhau. Y như bầy nai chợt nhận ra mình lạc trong một khu rừng lạ.
    An phá lên cười:
    - Lầm rồi các nhỏ ơi! Các nhỏ xem phim nhiều bị nhiễm... phóng xạ yêu. Làm gì có con chim tải cúc nào ở xứ không có bóng thánh Ala này. Anh Thức là người đang đeo đuổi chị tao.
    - Còn những thanh chocolate ?
    - Tao chỉ... ăn dùm chị tao thôi.
    - Tuyệt quá, nhỏ có ông anh tuyệt quá. Thế mà bấy lâu nay nhỏ giếm chocolate ăn một mình tệ quá.
    Một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đuợc thực hiện :
    - Ông ấy bao nhiêu tuổi vậy ?
    - Thắc mắc chi, đàn ông con trai khó đoán tuổi lắm. Cỡ chừng tuổi tao cộng tuổi mày cộng tuổi con rùa con thỏ rồi đem chia đôi.
    - Kể như huề.
    - Sao ông ấy không để râu hở mày ?
    - Lại còn chuyện vớ vẩn ấy nữa. Bộ ai cũng phải là... kiến chắc.
    - Ði xe gì , một cái Dream nho hay một bốn bánh đời mới ?
    - Một cái vespa cà tàng, mỗi lần đạp phải ngoáy mũi.
    - Nghề nghiệp mới quan trọng. Xí nghiệp bánh kẹo hay nước tương, xì dầu ?
    - Một trung tâm quảng cáo gì đó, đại loại như vậy. Tao không rõ.
    - Ðúng rồi. Trung tâm dịch vụ quảng cáo báo chí, truyền thanh, truyền hình, panô, bao bì, mẫu mã...
    - Sao mày rành quá vậy ?
    - Ðơn giản là tao đã đọc được tấm danh thiếp trong cặp mày. Nguyễn Trọng Thức, điện thoại số...
    - Xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Quá lắm rồi Thanh ạ, chưa tới tay chị tao mà đã tới tay mày.
    - Ðến bao giờ chị mày đám cưới ?
    - Làm sao biết được. Chắc còn gay go lắm.
    - Càng gay go quyết liệt càng tốt.
    - Sao vậy ?
    - Mày sẽ có chocolate ăn dài dài và lẽ nào không nhớ tụi tao.
    Buổi trưa học về, An đợi chị để trao lại tấm danh thiếp hồi sáng đi học gặp anh Thức nhờ đưa. Nhưng chị Kim không về. Thỉnh thoảng chị vẫn nghỉ trưa tại nơi làm việc. Hoặc vì bận quá hoặc có một phim nào đuọc nhắc tên nhiều lần. Năm ngoái hai chị em còn hay đi coi phim chung và thỉnh thoảng đi phố, đi chơi chung. Nhưng từ khi chị đi làm, hai chị em chỉ còn chung phòng và chung những chuyện nhì nhằng chị em vào buổi tối trước khi đi ngủ. Không phải tình chị em không còn được như xưa. Chỉ tại công việc. Có lẽ cả vì mỗi người đã có một môi truòng riêng biệt với bạn bè riêng biệt.
    Ðặt tấm danh thiếp lên bàn phấn của chị rồi, nghĩ sao An lại nhặt lên, ghi lại số điện thoại của anh Thức in trong ấy.
    Nghề của anh Thức chả lấy gì làm “ngon” cả. Sao lại không là cái gì có thể ăn được như bánh kẹo, mì ăn liền hoặc nước ngọt, nướt tương, xì dầu, cũng còn dễ thân thiện với “đức tính” của mình. An bật cười. Mỗi thời mỗi nơi sinh ra lắm nghề phục vụ quanh co, rườm rà xa thực thế... bao tử. An nghĩ khi gặp anh Thức sẽ “gây sự” với anh như vậy, để nghe anh “trổ nghề quảng cáo nghề” của anh ra sao.
    Buổi chiều rãnh rỗi, tự dưng An nảy ra ý định gọi tới nơi làm việc của anh Thức. Thế là cô bé tìm đến phòng điện thoại công cộng ở góc đường gần nhà.
    - Trung tâm dịnh vụ, tôi nghe đây.
    - Xin cho tôi gặp anh Thức.
    - Thức hả, ảnh mới đi khỏi rồi. Người đẹp cần chi để tôi nhắn lại.
    - Tôi không phải là người đẹp và tôi cũng chẳng cần nhắn lại điều gì.
    - Xin lỗi, đối với trung tâm chúng tôi ai cũng đẹp cả. Cô cho chúng tôi số điện thoại hoặc địa chỉ, chúng tôi sẽ phái nhân viên tới phục vụ tận nhà.
    - Rất tiếc. Nhà tôi xa lắm.
    - Chúng tôi có xe riêng, nơi đâu chúng tôi cũng có thể tới được trong ngày. Xin cô cứ cho biết.
    - Ðã bảo rằng xa lắm, các ông không tới được đâu.
    - Xin cô cứ cho biết để chúng tôi định liệu.
    - Mặt trăng.
    - Haha, mặt trăng. Tưởng đâu xa chứ, nơi ấy cũng có con người đặt chân đến rồi.
    - Ðó là địa chỉ tạm trú. Thực sự nhà tôi ở Sao Kim cơ.
    Cúp máy. An trả tiền điện thoại và bước nhanh ra đuờng như chạy trốn, như sợ cái điện thoại có thể đuổi theo và la lối om sòm. Ðúng là mình đã giao thiệp với một địa chỉ dịch vụ. An mỉm cười một mình và nếu là nghề đầu tư bằng... nước bọt thì cái anh chàng nào đó đã lỗ vốn to.
    Từ cư xá nơi An ở tới trường không xa lắm. Có một chị bạn học trên An ba lớp, thuòng hay đợi An chung đường đi. Thỉnh thoảng cả khi về, nếu An không kịp leo lên sau xe một đứa bạn, quá giang một đường ngắn, trước khi rẽ vào lối cư xá.
    An với chị Hà đang vừa đi vừa chỉ trỏ, nhòm ngó (để có thể trộm) những cây những hoa sau hàng rào các nhà bên đường thì xịch một cái, chiếc xe vespa của anh Thức đậu ngay trước mắt. Không cần một lời từ giã bạn đường, An nhào tới ngồi sau xe anh Thức tỉnh bơ. Anh Thức cũng không cần quay lại, sang số xe lao đi.
    - Anh đi đâu vậy, Anh Thức ?
    - Về sao Kim.
    An đấm vào lưng anh Thức liên tục :
    - Cái trung tâm... khỉ gió nhà anh chỉ hay rà tần số mò.
    - Vậy mà trúng phóc.
    - Không phải An đâu, chị Kim gọi cho anh đấy.
    Thức cười với cái cười ngây ngô đôi khi của một cô bé. Chỉ cần nghe kể sơ lại cuộc đối thoại, Thức cũng đoán ngay ra được ai gọi cho mình.
    - Chuyện chi vậy bé ?
    - Không có chuyện chi cả. Chỉ tính kiểm tra mấy con số và phá anh chơi.
    - Bé đã đưa tấm danh thiếp cho chị Kim ?
    - Chị ấy xé bỏ sọt rác rồi.
    - Tàn nhẫn thế ư ?
    - Xé bỏ sọt rác rồi chị lấy lại nhặt lên, cẩn thận gắn lại rồi ép vào tim.
    - Nếu bé được tuyển vào ngành của anh có ngày sẽ giữ tới chức siêu giám đốc chứ không phải chơi.
    - Thế hở ? Anh thích thú thật tình, bộ trung tâm của anh chuyên nói dóc hở ?
    Thức chân thành buông một tiếng thở dài thậm thượt, hệt như cái xe đang đi ngon trớn xì hết hơi.
    Tốt hơn hết là cắt ngang. Dừng lại.
    - Sao Kim đâu mà lạc lối này ?
    - Quay trái, mở lớn mắt ra.
    An nhảy xuống xe, reo lên:
    - Ồ, người yêu không thể thiếu của An, đã lâu vắng bóng ở góc đường, thì ra trốn nơi đây.
    An đến bên xe sữa đậu nành để nhận nụ cười quen thuộc. Ông già không cần đợi gọi, tự động xúc đường bỏ vào ly rồi hòa với những muỗng sữa nóng, kèm theo một miếng bánh bông lan xắt góc đặt trên đĩa cẩn thận.
    Uống được một hớp rồi quay lại, An thấy anh Thức vẫn còn ngồi đấy, trên xe.
    - Ỷ là người lớn rồi không uống sữa hở.
    Thức nhẹ nhàng gỡ cặp kính xuống, cười cười:
    - Anh chẳng háu ăn tí nào.
    - Ðể thực hiện lời chúc sinh nhật của anh Thức, em sẽ uống thêm ba ly nữa.
    Chiếc cặp để lại, tay cầm ly, tay bưng đĩa bánh, An để xuống trên yên xe làm cái bàn. Rồi cô bé trở lại xe sữa đậu nành lấy thêm một khẩu phần khác.
    - Bao giờ lớp em tổ chức picnic, anh Thức đi chung nhé ?
    - Bé tính dắt cáo vào chuồng bồ câu à ?
    - Ai cáo ai bồ câu chưa biết à nha.
    An cười trên mép ly. Học trò con gái trên hai đứa hợp lại thành một đạo quân, thầy giáo em nói rồi đấy. Anh Thức bảo, điều này đáng ghi vào sổ tay giáo dục.
    - Bé uống tiếp hai ly còn lại đi chứ.
    - Còn ngày mai, ngày mốt và ngày kia nữa, chỉ sợ không có ai để trả tiền cho em thôi.
    Giá mỗi ngày anh Thức cứ nhớ chở em về học thế này thì... tiện biết mấy.
    - Anh cho An xuống ngoài này rồi đi bộ vào cư xá cũng được.
    Anh Thức ngừng xe trước cổng vào cư xá, còn đứng lại nhìn theo nếp áo trắng học trò, cho đến khi khuất vào những bờ cây thấp. Cả mái tóc ngắn của An, cũng như một ngọn gió thoảng.
    Ừ nhỉ, Thức nghĩ, vẫn quên hỏi cô bé xem đã tìm ra tên của loài hoa trắng ấy chưa.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 5

    Những buổi sáng như thế này trời đất như đeo đá. Khô và nóng. Chưa mở mắt nắng đã liếm sạch những giọt sương hiếm quý trên các mặt lá, mặt cỏ. Những ngọn cây ngủ không có giấc mơ, thở nặng nề, không thèm vươn vai cử động. Tất cả đều lười biếng. Những lối sỏi và những phiến ngói cũ kỹ cùng những bờ rào thấp lẫn trong cỏ kia, đã già nua cùng thời với cư xá này, đang họp nhau lại thành một cụm kiến trúc lạc lõng ngay giữa thành phố. Tất cả đều thở mệt nhọc.
    Thời tiết ngoài kia với thời tiết trong An như cùng trên một phong vũ biểu: nặng nề, biếng nhác.
    Ðó là một buổi sáng Chủ Nhật, An nằm ngồi uể oải nhìn ra ngoài cửa sổ, không thiết cả tới việc chải đầu hay dọn dẹp lại giường. Chị Kim đã rúc vào phòng tắm từ sớm, than phiền nước chảy yếu quá không còn lên nổi tới vòi sen. Chị trở về phòng thoải mái với một chiếc khăn quấn ngang người và ngồi gỡ tóc thật lâu trước gương.
    - Sáng nay mi không đi đâu, hở An?
    -...
    - Mệt hả?
    - Cái đầu em hay choáng váng.
    - Ðừng nằm nữa.
    - Chị sửa cho em chiếc xe đạp đi chị Kim.
    - Phải nói với ba, chiếc xe ấy muốn đi được phải sửa lại toàn bộ.
    - Ba thì chẳng muốn em đi xe đạp.
    - Ðúng vậy, mi chạy xe ẩu lắm. Với lại gần trường cần gì.
    - Nhưng em cũng phải có bạn bè chứ.
    Chị Kim im lặng và bắt đầu ủi quần áo. Có lẽ chị sửa soạn đi đâu.
    - Chị đi đâu vậy, chị Kim?
    - Có chút việc.
    An nghe trong câu trả lời có sự giấu giếm. Chờ chị sửa soạn đóng bộ vào là An có thể đoán được phần nào chị đi đâu.
    Dạo này, chị hay chú ý tới sửa soạn, và sửa soạn hơi lâu. Khác hẳn với thời còn sinh viên, chỉ gọn gàng mái tóc là đủ. Việc chọn giày khôgn bao giờ có. Bây giờ chăm chút từng tí. Lông mi, lông mày, kem lót, phấn thoa, môi son, môi bóng. Giày dép chục đôi, thử tới thử lui có khi ra tới cửa còn trở vào đổi kiểu này kiểu khác. Rắc rối thật, con gái. Nếu xem cắm một bông hoa vào bình chưng có lẽ người ta cũng không đến nỗi tỉa tước, nắn nót vuốt ve lâu như thế.
    Một chiếc áo dài màu trắng sữa với những khối màu đỏ chen với chấm và sọc đen cắt góc rất “mô đen,” dáng người thon thả, chị Kim mặc áo dài thật hợp.
    - Lịch sự mi để đâu rồi An?
    Chị Kim kéo lại mép áo. An vẫn thản nhiên nhìn chị. Chị mình dạo này có vẻ thoải mái tự nhiên hơn những năm trước. Mà chị em với nhau có gì phải dè dặt với nhau như thế nhỉ?
    - Sao chị không sắm một lố “mi ni,” dạo này thiên hạ thịnh “mi ni” lắm cơ mà.
    - Mi có vẻ rành nhỉ?
    - Em nghe chị Hà nói vậy.
    - Hà nào?
    - Chị Hà ở cùng cư xá mình, vẫn hay đợi em đi học đó.
    - Cái nhà ấy mới dọn về đây được hơn một năm mà phất mau quá. Lên lầu lên xe nhanh như trúng số. Nghe đâu cái con nhỏ đó quậy lắm phải không?
    - Em đâu rõ.
    - Ðang đi học mà đã bày đặt cặp tùm lum.
    - Chị ấy gần hết cấp ba rồi.
    - Ba bốn gì cũng vậy. Hễ yêu cái này thì thôi yêu cái kia. Còn đi học thì chỉ nên biết sách vở.
    - Chị hơi khắt khe quá đấy, chị Kim ạ.
    - Chẳng quá đâu. Ta nói thật, ham vui sớm chỉ thiệt thân con gái.
    An im lặng. Ở đây An thấy chị và mình có một khoảng cách. Cũng như chị hay nói: Các cô bây giờ bạo quá, hơn cả xi nê. Chị quên, thời của xi nê đã chào thua để thời của video lấn lướt. An không bênh chị Hà. An khôgn biết chị Hà nhiều. Nhưng chị Hà trắng và có nét, đẹp và sống động. Nhất là giọng Hà Nội của chị, do re mi fa sol la si bảy nốt âm nhạc cũng không diễn tả hết cung bậc dễ thương, rất dễ thương mà ai cũng muốn nghe từ cái đàn là cặp môi mọng của chị.
    - Chị Kim ơi, An vội gọi chị khi chị đã bước xuống thang, nơi chị làm việc có thể gọi điện thoại tới được không?
    - Có, nhưng chỉ ngoài giờ thôi. Chi vậy?
    An tính xin chị số điện thoại để có dịp “làm quà” cho anh Thức và cũng để “nhắc nhở” tới một số điện thoại mà chị đã biết. An không muốn mất anh Thức như vậy An phải giữ được chị Kim. Ðộ này chị Kim kín lắm, bạn bè của chị đố bao giờ chị hé ra cho thấy... gót giày, nói chi tới mặt mũi. Nghe mẹ nói, hình như dạo này có đám bạn học cũ của chị hay rủ rê nhau sinh hoạt và cũng hình như, chị đang có một dấu chấm hỏi rớt vào đâu đó trong đám cố tri ấy.
    An nói với mẹ:
    - Anh Thức cũng được đấy mẹ?
    Mẹ bảo:
    - Con trai chúng nó lúc nào cũng “đom đóm lập lòe, bươm bướm chập chờn,” chẳng biết chúng ngả đâu, nghiêng đâu. Khi nào rã cánh mới biết chúng sa xuống đám nào. Biết đâu mà tin, biết đâu mà đợi.
    Mẹ nói, hết bàn. An lục chạn kiếm cái gì có thể bỏ vô miệng được rồi vào phòng tắm xối nước ào ào. Mặc mẹ phản đối: Khi không được khỏe trong người phải kiêng nước. Nước là chất xúc tác dễ làm con người trong lên và làm trôi được cả những bực bội, khó chịu nơi thân xác, An nghĩ thế. Cô bé nhắm chừng mẹ không còn ở bếp, để nguyên vậy và chạy thẳng lên lầu, quấn người bằng một chiếc mền to xù, ngồi thù lù như một con thú lông giữa giường. Ðó là buổi sáng Chủ Nhật. An bỗng thèm một ly sữa đậu nành và một miếng bánh bông lan thơm vàng mềm tơi ra ngập miệng.
    An đang sấp người với những trang báo vụn vặt bỗng nghe có tiếng huýt gió từ dưới cửa sổ vọng lên. Ló đầu ra An thấy Quân đang đứng ngửa cổ lên với cặp vợt dài cầm nhăm nhăm:
    - Chơi cầu lông không, An?
    An lắc đầu:
    - Không.
    - An đang làm gì vậy?
    - Không.
    - Xuống đây chơi được không?
    - Không.
    - Sao cái gì cũng không hết vậy. Quân vô chơi được không?
    - Ðừng. Ðợi An một chút.
    An “xoọc” vội quần áo rồi nhào xuống. Quân là em của chị Hà, “cậu bé” bằng hay hơn An một vài tuổi gì đó. Ham thể thao, anh chàng mê cả tốc độ. Khi nghe có tiếng rú ga, nhìn ra thì y như rằng chàng đang biểu diễn xe gắn máy trong đường hẹp cư xá để được chú ý và nghe các ông bà già xỉa xói cho vui.
    - Xe đâu rồi?
    An hỏi, hai người đang đứng trước bờ rào bằng hoa dâm bụt cắt thấp. Quân bẽn lẽn:
    - Bị phạt một lần, ông già cấm rồi.
    - Cho đáng. Chị Hà có nhà không?
    - Chắc có đấy. Mẹ An đâu?
    - Có lẽ đi chợ.
    - Mình vào được không.
    - Thôi đứng đây đi.
    Nhưng nghĩ rằng mẹ không thích cảnh bên bờ rào chuyện trò, An lách đám cây chui ra.
    - An muốn qua chơi với chị Hà một chút.
    Ở chung một ku, đi học chung một đường nhưng chỉ biết vậy, chị Hà và An cũng chưa bao giờ tới nhà nhau. Nhân thể vừa rồi chị khoe nhà mới mua máy đánh trứng làm bánh, An muốn tới để xem thử.
    - Chị Hà mới đi khỏi, Quân vào nhà rồi trở ra sân báo cho An biết, chị Hà có bạn trai nào vừa mới tới chở đi chơi. An có chuyện gì cần không?
    - Cũng chả cần thiết lắm.
    An nhìn lên cây mận trắng ở giữa sân để tìm một điểm... nóng. Những cành thấp đã trụi, chỉ còn vài chùm nhí nhưng lại ở rất cao.
    - Hái được không, Quân?
    - Chát lắm.
    - Kệ.
    - Ðể bao giờ lớn tặng An nguyên rổ?
    - Chẳng thèm. Lười hái thì thôi.
    Dễ chọc tự ái nhau. Quân leo lên và bức xuống hai bà chùm liền. Chẳng ngon lành gì, nhưng có cái gì nhai trong miệng cũng đỡ buồn. Vừa nhai vừa nhả, An ngồi xuống một cái ghế thấp và kêu lên:
    - Ghế gì mà dốc như cầu tuột nhà trẻ thế này?
    - À, ghế tập tạ của mình đấy.
    - Quân tập tạ nữa à. Thể dục thể thao khiếp nhỉ?
    - Sao lại khiếp nhỉ?
    - Nói thật đấy, An nhìn thấy mấy ông vai u thịt bắp cử tạ trên ti vi sợ đến phát khiếp lên được.
    An cố tình bắt chước giọng nói của một vai kịch nào đó, khinh khỉnh, tỉnh bơ.
    Quân cười:
    - Mình chỉ tập cho khỏe thôi:
    - Khỏe thì thiếu gì thứ chơi, bóng này bóng nọ hay bơi lội chẳng hạn.
    - Mình cũng tính ghi danh ở một hồ bơi đấy.
    - Ðâu vậy?
    - Ở tuốt Thị Nghè cơ.
    - Xa thế.
    - Bộ An cũng thích bơi hở?
    - Nghe tụi nó bảo bơi lội cũng tốt lắm. Anh chỉ sợ...
    - Sợ đen hở?
    - Không. An sợ phải... giao thiệp với bác sĩ tai mũi họng.
    - Làm gì đến nỗi. Cứ để bao giờ có khóa mới mình sẽ ghi danh cho An luôn thể.
    - Hy vọng từ đây đến đó An không thay đổi ý kiến.
    An ném trái mận non về phía Quân, cười. “Cậu bé” coi bộ cũng còn lắm điều ngây ngô. Rất nhanh, An liên tưởng tới lúc hắn cúi rạp người trên xe và rú máy phóng như bay. Một cách đối kháng nào đó ngộ nghĩnh, giữa hai tâm trạng ở một con người. Có phải mỗi đứa trẻ lớn lên đều như thế, ngay cả mình theo cách nghĩ của An, có những khao khát chưa rõ nét về tuổi trẻ. Lúc chưa định hình được thì mình vẫn được coi như một trẻ con với những mảnh rất trẻ con. Một trẻ con đã lớn, ở một số đứa như An chẳng hạn, theo nhận xét của bố mẹ, không phải ít điều phiền phức kèm theo.
    Về tới nhà, nghe có tiếng động phía sau bếp, An đi vòng cổng trước.
    - Ðâu về vậy nhỏ?
    - Con ra ngoài mua mấy viên thuốc.
    Hết buổi sáng Chủ Nhật. An xoài ngươì trên giường và nghe trong mình như có sóng nhồi.
    Và cô thèm được vùng vẫy trong nước.

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 6

    An tưởng mình đi học đã muộn, nhưng chị Hà lại còn muộn hơn. Ra tới đường rồi, nghe tiếng gọi An còn thấy chị đang vội vã ở phía cổng cư xá vẫy An rối rít. Chờ chị với.
    - Có lẽ lỡ mất tiết đầu rồi chị ạ.
    - Chẳng sao, lỡ luôn tiết sau cũng được. Hai giờ toán hai giờ lý hóa chồng lên nhau nhức hai ba cái đầu một lượt, chẳng ham.
    Nhưng An không yên tâm. Chị Hà nói:
    - Hay để gọi xích lô đi chung nhé. Tới trường em xuống trước.
    - Thôi chị ạ.
    - Chị có tiền bao An mà. Sáng nay bố chị dúi cho một xấp, chưa kịp xem lại, cỡ phải trên hai chục không ít.
    An vẫn rảo bước:
    - Bữa qua chị nghỉ học phải không?
    - Ừ, chị Hà đáp rồi ngập ngừng kể, tại bữa trước chị đi chơi khuya quá về ông bố nện cho một trận.
    - Chị bị đánh ư?
    - An tin không, mình lớn thế còn bị đánh đòn như trẻ con ấy. Ðòn thì chả đau nhưng đau nhất là ông bố xé nát cái váy mới của mình vừa may. Thật bất công.
    - Chị nói gì vậy?
    - Mình về nhà còn sớm hơn bố. Bố hôm nào cũng vậy, cho tới quá nửa đêm có khi còn qua đêm luôn. Nào ai nói gì đâu. Mẹ mình có càu nhàu thì ông lấy cớ này nọ, làm ăn lớn phải biết nhiều mặt, biết tiêu những đồng tiền nhỏ để kiếm được những đồng tiền to. Có lý. Mẹ mình cũng đang mê sảng về những thứ ấy. Hình như bà đang hùn hạp làm ăn gì hai ba nơi, toàn những “cây” với triệu với đô la. Mẹ đi tối ngày. Bố đi tối ngày. Rủi là tối đó ông bố thấy mình trên đường, thế là ông ấy phóng xe về nhà trước, đón mình ở cửa. Thây kệ, mình chán ngấy đã muốn nghỉ học luôn rồi đấy chứ. Nhưng sáng nay...
    - Còn một năm nữa, chị bỏ dở uổng.
    - Tốt nghiệp phổ thông hay không thì cũng vậy. Mình nghĩ chán, chả muốn học làm gì.
    - Chị nói thế chứ, lắm kẻ thèm được có cơ hội như chị.
    Hai người băng qua đường, nhìn sang cổng trường đã vắng hoe. Hà kéo An:
    - Ði ăn bánh cuốn với chị đã.
    - Thôi. - Bún, phở gì ở đầu đường này cũng sẵn.
    - Thôi, muộn mười lăm phút lên văn phòng xin giấy vào lớp cũng chưa sao chị Hà ạ.
    Nói rồi An đi như chạy vào phía trong sân trường.
    Sau đó không biết chị Hà có tới trường chị hay bỏ luôn tiết đầu. Cả tiết sau nữa không chừng. Khi tan học An đã thấy chị đứng ngoài cổng đợi An với mấy người con trai vây quanh. Thấy An, chị rẽ đám bạn bước tới.
    - Lối vào cư xá mình có một quãng cách đường xe nhưng đêm hay ngày đi ngang qua khu cổng một mình chị vẫn thấy “lạnh lạnh” thế nào ấy.
    Không biết chị Hà nói thật hay “ngẫu hứng” nhưng tự nơi chị đã khiến An phải có cái nhìn lạ hơn mọi ngày. Chung đường với chị kể cũng vui. Cả hai đều chung sở thích, thích hoa nở vườn nhà người khác và thích cả những cây cối có tên hay không có tên, có chủ hay không có chủ ở sâu hai ven đường. Có khi đề tài lại là những khung cửa sổ. Cả hai đều thích những khung cửa sổ hình vòng cung và những thanh sắt uốn lượn hoa văn của các lan can đã tự bao đời, hơn là những kiến trúc gãy góc hiện tại. Nhưng dù sao nếu ở thì ở trong một ngôi nhà “nhấn nút” nhiều vẫn thích hơn là phải khom lưng nhóm bếp hay gục mặt xuống thau quần áo đầy ú ụ. Ðiều này cả hai cũng đều nhất trí.
    - Bọn con trai có đứa lì lắm, nó thích nghe cả khi mình mắng vào mặt chúng nữa.
    Chị Hà kéo An đi. Chả mấy khi mà chị không có một cái “đuôi”. Một chiếc “cúp” rà theo hay vài câu vừa mới... trọ trẹ được từ bài thơ đầu gửi đăng báo. Mất tự nhiên thật, nhưng kể ra cũng “thinh thích” dù An chỉ là nhân vật phụ.
    - Khi biết có ai ở sau, mình cũng cảm thấy nhột lưng lắm. Thây kệ, mãi rồi quen. Miễn là họ đừng mở miệng tán tỉnh chọc ghẹo là yên thân.
    An nhớ câu: Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Bây giờ An hiểu phần nào nỗi “bạc phước” của người nữ... bị trời bắt đẹp. Khốn khổ họ vẫn thích tỏa hương, thích ươm mật thì đất trời nào chẳng dễ ngả nghiêng. Như chị Hà, áo đi học bao giờ cũng chọn vải trắng mỏng. Mái tóc thì bữa mùi dâu, hôm mùi táo, chẳng bữa nào tới trường quên bôi lén sau gáy một chút nước hoa. Ðiểm văn, điểm toán, điểm hạnh kiểm thì chỉ thầy cô với bạn bè biết. Ra đường nàng là hoa hậu. Ở nơi vũ hội nàng là nữ hoàng. Môi nho, mắt nhãn, nàng tươi trẻ và sống động... hơn những bài sinh vật, hóa lý ngoằn ngoèo công thức.
    An nhớ lời chị Kim: Nếu yêu cái này thì thôi yêu cái kia. Khổ nỗi, có người con gái nào giấu kỹ được cái gương. Và cái gương đối với một số tóc dài thì lại nằm ngay trong mắt nhìn của bọn con trai ngoài đường mới chết chứ.
    - Chị có ngượng không, bao giờ chị bị vấp té không?
    Chị Hà nựng cằm An:
    - Em bé ạ, em dễ thương lắm. Bọn con trai nó không nhìn đường thì nó té sấp xuống vũng nước chứ mắc mớ chi tới mình, chị vẫn có thể mút kem tỉnh bơ hay nhai đầy miệng ổi, xoài mà đi về tới nhà an toàn.
    - Có bao giờ chị trả lời người lạ?
    - Vui lắm chị mới có lịch sự ấy. Vì thực ra em nghĩ coi, người đàng hoàng đâu có sẵn ở ngoài đường như thế. Phần đông bọn chúng chỉ nhố nhăng, hoạ hiếm lắm mới có người thành thật.
    - Làm sao mà biết được?
    - Hãy cứ nhìn thẳng vào mắt họ, nếu họ cúi xuống hay vội ngó lơ thì... Chị Hà cất tiếng cười. An thắc mắc:
    - Thì sao hở chị?
    - Thì coi chừng trái tim mình chứ còn làm sao nữa.
    - Trái tim mình là trái tim mình chứ có làm sao phải coi chừng?
    - Ấy thế mà bị đánh cắp lúc nào không biết đấy, nhỏ ơi.
    An mơ hồ hiểu, hẳn cái “bà này” cũng đã nhiều lần bị “đánh cắp”. Nhưng chẳng lẽ một người lại có thể có lắm trái tim đến thế?
    - Trái tim mình chỉ bị đánh cắp một lần thôi nhỏ ơi. Bởi sau đó hắn sẽ ngộp và chết lăn quay ra nếu hắn không tìm lại được trái tim... người khác thay thế vào.
    -...
    - Chị chẳng trách An khờ đâu, nhỏ ạ. Ðã có lần chị tưởng trái tim mình bị đánh cắp đấy. Ðó là lần đầu tiên biết yêu. Mình cứ đi theo anh ta mà đòi, đòi cạn cả nước mắt, nát cả sách vở. Ấy thế mà nhận ra trái tim mình vẫn còn nguyên đấy. Nghĩ lại ngượng chết được.
    - Thấy An yên lặng, chị Hà hỏi:
    - Chị hỏi thật, An có bạn trai chưa?
    An cũng trả lời thật:
    - Bạn trai trong lớp em thiếu gì, may là chưa đánh nhau lần nào cả.
    - Nói chi tới mấy “chú bé” cùng lớp, chị Hà cười, có bạn trai để đi chơi riêng cũng thú lắm An ạ.
    - Em ghét cay ghét đắng cái thứ “kết mô đen,” bồ bịch lung tung, giận hờn linh tinh chẳng ra sao cả.
    Chị Hà bẹo má An:
    - Chưa tới lúc đó thôi, em bé ơi.
    Chợt chị Hà đứng khựng lại, hỏi:
    - Còn cái anh chàng đi vespa hôm nọ là sao hở An?
    An tròn xoe mắt:
    - Là sao, là sao?
    - Có vờ không đấy?
    - Chị tưởng em lớn lắm à?
    - Lớn lắm thì chưa lớn lắm đâu, nhưng cũng chẳng còn nhỏ nữa. Mà này An, em có biết là mình dễ thương lắm không?
    Bước chân An chậm lại:
    - Chị chọc em làm chi.
    - Thật đấy. Ðáng lẽ câu ấy phải để dành cho một ai đó thì hay hơn, phải không? Chị nhớ hồi học cấp hai chị cũng chỉ thích diện một màu trắng, đi học hay đi chơi. Hồi đó nhà thường lắm chứ chả được như bây giờ, bố mẹ chi li từng đồng trong ăn mặc. Mới cách đây đôi ba năm chứ đâu xa, ấy thế bây giờ mỗi lúc nghĩ lại chị tưởng như đã lâu lắm vậy, xa lắc xa lơ từ cái thời nào rồi...
    Hai người đã về tới lối vào cư xá, một vùng cây xanh và những khu nhà cũ kỹ nằm chen lẫn hút sâu vô trong như lúc nào cũng đựng bóng tối yên lặng, xa khuất hẳn thành phố.
    - Có vespa đón trễ kìa.
    Chị Hà quay lại bất ngờ làm An cũng quay lại. Rồi chị bật cười thành tiếng giòn giã trêu chọc.
    - Anh ấy tên gì vậy An?
    - Thức.
    - Cái tên nghe quen quen. Anh ấy thường đón An không?
    - Họa hiếm. Anh ấy quen với chị Kim mà.
    - Quen thân hay sơ?
    - Thân sơ gì ai mà biết được chị.
    - Tới nhà thường thì biết chứ gì?
    - Còn cái điện thoại và nơi làm việc. Ai biết hết được thành phố này ngang dọc bao lối.
    - Ừ nhỉ. Chị Hà cười gằn khó hiểu, trông dáng anh ta cũng quen quen, không biết mình đã gặp anh ta ở đâu đó một lần rồi thì phải.
    Chia tay chị Hà rồi An còn thấy câu chuyện chưa hết.
    Suốt buổi chiều và buổi tối An cứ phân vân không biết có nên kể cho chị Kim nghe câu chuyện hồi sáng với chị Hà, cả sự kiện “quen quen không biết gặp anh ta ở đâu?” Chị Kim đánh giá chị Hà thế nào nhỉ? Chẳng ra sao cả. Ðối với An, mọi chuyện vừa được nghe có gì đáng e ngại song cũng thật quyến rũ. Một người nam tới gần một người nữ, hình ảnh này không lạ chi trong phim hay trong truyện, nhưng nó vẫn thật lạ từ miệng của chị Hà đối với An. Có một cửa sổ nào đó rất gần, rất kỳ diệu mà ta chưa mở ra. Biết chắc là rất nhiều gió nhiều ánh sáng từ sau khung cửa ấy, chị Hà đã hé mở, tránh sao một An mỏng manh không khỏi rung rẩy, chóa mắt, choáng ngợp.
    Buổi tối chị Kim đi làm về trễ, An cứ bồn chồn đi lại mãi ngoài sân. Giá có ai đó để nói chuyện, chuyện gì cũng được, có lẽ An đã không phải suy nghĩ vẫn vơ những chuyện gì đâu đâu như vậy.
    Ngồi trên xích đu được một lát An nghĩ hay là mình sang chơi với chị Hà một chút. Cô bé đứng lên ra cổng. Nhưng chưa ra tới cổng An chợt nhớ tới chậu cây mà anh Thức đã tặng hôm sinh nhật. Nó vẫn còn đứng đó, lẫn trong đám chậu kiểng của ba gần sát cổng. Cho dù là đích thân “bộ trưởng bộ phá hoại cây cỏ” xem lá nhưng vẫn chưa gọi được tên hoa. Hỏi ba, ba cũng lắc đầu. An tính phải hái mẫu lá đem hỏi mấy chủ nhân “hoa cá kiểng” trong khắp phố may ra mới truy tìm lý lịch loài hoa này. Nhưng có thể chẳng ai biết, bởi biết đâu nó chẳng là một loại hoa dại nào đó.
    An xoa đầu đám lá trơn mượt với cảm giác mơn trớn thích thú khó tả. Lớn mau lên cây ơi, ta muốn biết mi sẽ tặng ta gì trong mùa tới.
    Rồi An bứt một cọng lá đưa về phòng, ủ xuống dưới gối. An tin là mình sẽ ngủ mơ, một giấc mơ thật đẹp. Giấc mơ có cánh đưa An lớn lên.

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 7

    Anh Thức xuất hiện khá đột ngột từ cánh cửa phía sau lưng, khi An đang vừa nhâm nhi những mắc me dốt vừa cặm cụi học bài.
    An nhảy chồm lên phản đối:
    - Ai cho phép anh vô phòng con gái mà quên gõ cửa?
    - Nhưng cửa có đóng đâu mà gõ?
    - Anh gặp chị Kim chưa?
    - Mẹ bảo chị Kim đi vắng.
    - Có lẽ chị ấy loanh quanh nhà mấy đứa bạn gần đây thôi. Anh tới lâu chưa?
    - Nãy giờ.
    - Nãy giờ anh ở đâu?
    - Ðứng đây.
    - Ðứng đó nãy giờ?
    - Có sao đâu.
    - Cho anh đứng đó tiếp.
    - Cũng được thôi. Nhưng còn cái này?
    Anh Thức luồn trong ngực áo lấy ra thanh chocolate đưa lên môi làm một cử chỉ khiêu khích. An thua ngay tại chỗ, đồng thời cũng thắng ngay tại chỗ. Rất tự nhiên cô bé chộp lấy thanh kẹo từ tay anh Thức, đã thành thói quen, đẩy cho nó lòi khỏi lớp giấy bọc, nhẹ nhàng gỡ lấy giấy bạc và bẻ ngay lấy một miếng.
    - Nói gì đi chứ, An?
    - Thường thì miếng thứ hai mới biết ngon. Anh đừng trêu em.
    Một người ngon, một người ngọt miệng. Thức không rời mắt nhìn An, anh tìm một điếu thuốc. Anh tìm một điếu thuốc hay tìm một cái gì đó trong đời mình, nhẹ nhàng như gió thoảng. Có những lúc mình cảm thấy thực sự mình ngây ngô, ngớ ngẩn, ấy là lúc mình cảm nhận sự hạnh phúc có mặt. Có mặt không hay chỉ là bóng dáng? Thức đang cất bước và muốn nhấc bổng đời sống mình.
    An la toáng lên:
    - Ai cho phép anh hút thuốc trong phòng người ta?
    - Chứ anh hút thuốc ở đâu bây giờ?
    - Tàn thuốc vương vãi kìa...
    - An phải giới thiệu cho anh một cái gạt tàn thuốc chứ?
    - Không ai đi hỏi cái gạt tàn thuốc trong phòng con gái bao giờ.
    - Ồ, xin lỗi.
    Thức ngửa gót giày dập vội điếu thuốc đang cháy dở rồi búng mẩu còn lại bay vèo ra ngoài cửa sổ.
    - Chị Kim mà biết được điều này hẳn anh khó sống. Ngay chuyện tiếp bạn trong phòng đã là một điều tối kỵ.
    - Thôi, anh về.
    - Anh không đợi chị Kim à?
    Thức nhún vai:
    - Biết đâu mà đợi. Mới tới đã bị dập tới tấp.
    An gói cẩn thận thanh chocolate lại rồi lùa vào ngăn kéo bàn, đứng dậy:
    - Ði với em ra ngoài này. Không chừng chị Kim chỉ dạo quanh trong khu cư xá chứ không đâu xa.
    Nói rồi An chạy nhanh xuống những bậc thang, vọng vào dặn mẹ:
    - Mẹ ơi, con ra ngoài với anh Thức đi tìm chị Kim, mẹ nhé.
    Không có tiếng trả lời. An đã nắm tay anh Thức lọt ra khỏi cổng.
    - Những năm trước đường trong cư xá còn thênh thang, tối đến còn đèn thắp dọc hết các lối. Riết rồi thiên hạ làm nhà lấn, điện cột sáng cột lu chẳng ai thèm để ý, thế là tụi em mất cái thú đi dạo vào mỗi chiều mỗi tối.
    - Cứ xem những cây cối trong khu này thì tuổi của nhà cửa nơi đây cũng phải ăn mừng thượng thọ rồi nhỉ?
    - Chắc chắn là thế đấy. Tất cả tụi em đều sinh ra ở đây. Hồi ba em còn là nhân viên của Sở Hỏa Xa thì khu cư xá này đã có rồi, trước cả nhà ga hàng hóa và xưởng sửa chữa gần đây.
    - Ba em chắc đã về hưu?
    - Lâu rồi anh ạ, từ những năm em còn nhỏ xíu xiu. Về hưu rồi thỉnh thoảng ba em vẫn thích dắt em đi dạo dọc đường rầy và lên tới tận khu nhà kho chứa hàng vào mỗi chiều tối.
    - Bây giờ mình đi được không?
    - Ghê lắm, tối thui. Lơ mơ là có kẻ sẽ “xin tí huyết” anh liền.
    - Ghê thiệt.
    - Ghê chớ sao không ghê. Em cứ tiếc là sao khi mình lớn lên cái gì cũng bé dần và hẹp lại. Cả những bước chân mình làm như cũng ngắn đi. Và tiếng còi tàu bây giờ em nghe cũng không còn như ngày còn bé nữa anh ạ.
    - Thế à? Anh Thức không thấy được đôi bi ve xanh tròn trong vùng tối nơi khuôn mặt An, người ta dùng cồn điện rồi à?
    - Không phải đâu. Em nghĩ cũng thế thôi. Em chỉ có cảm tưởng như nó gấp gáp hơn, hối hả và khô khốc làm sao ấy. Anh có bao giờ cảm thấy điều ấy không, anh Thức?
    Không. Quê Thức không có tiếng còi tàu. Cả tuổi thơ ven biển hầu như không còn âm hưởng gì vang vọng, ngoài những tiếng nổ chát chúa của chiến tranh đến mù điếc cả thính thị quá khứ. Một tuổi trẻ trốn chạy về thành thị cũng chỉ là tập hợp những tiếng động hỗn loạn.
    - Anh không nói gì đi, anh Thức.
    Thức giữ chặt lấy bàn tay bé nhỏ mềm mại của An trong tay mình, nhìn ngược lên những tàn cây tối om ở trên cao. Nói gì cho bé nghe nhỉ, một mảnh đời bị cháy xém. Bé có nên biết không, những ngày tháng lang thang vỉa hè như một tay bụi đời. Tình thương thiếu thốn như cơm ăn. Thủ đoạn thừa thãi như rác rưởi. Bé chẳng nên biết nhiều. Khoảng trời trước mắt bao giờ cũng hẹp hơn khung trời mơ tưởng.
    - Anh nghĩ gì mà im lặng mãi vậy?
    An cấu nhẹ vào cánh tay anh Thức. Anh tỉnh lại bằng tiếng cười nhỏ:
    - Anh nghĩ em luôn được điểm 10 môn văn phải không?
    - Anh ngạo em à?
    - Em có một tâm hồn nhẹ nhàng, dễ bay bổng. Hoài niệm tốt cũng là cách của một nhà văn đấy.
    - Anh hay lạc đề. Bây giờ anh sống ra sao hở, anh Thức?
    - Ở trọ nhà một người bạn hôm nay.
    - Bạn hôm nay là sao?
    - Vì rất có thể mai mốt sẽ không còn là bạn nữa.
    - Làm như cỏ cây đất đá gì, đứng lên là phủi tay. Các anh rõ chán.
    - Ừ, chán thiệt. - Thức muốn dứt ra khỏi câu chuyện - Chán thiệt nếu chỗ đèn sáng kia không có cái gì bỏ vào bụng.
    An reo lên:
    - Chuối nướng đấy. Em sẽ bao anh một chầu chuối nướng nóng hổi.
    - Có mang theo tiền không đấy?
    - Không sao. Hàng quà quanh đây đều... dưới quyền quản lý của em hết.
    Những miếng chuối nướng chưa ngậm vào đã muốn trút hết cả răng, ấy thế mà chớp mắt An đã đầy miệng.
    - Phải ăng nóng mới ngon anh ạ. Mình đi một vòng lát nữa trở lại.
    - Hết vỉ chuối đó chứ?
    - Không biết chừng.
    - Em có vẻ rành ăn uống nhỉ?
    - Em chỉ hay ăn chứ không rành. Bằng chứng là em chỉ được chức hội viên Hội ăn quà vặt.
    - Như vậy Hội viên trưởng sẽ khủng khiếp lắm.
    - Lẽ dĩ nhiên, phải rành cả điểm nào, xó xỉnh nào nổi tiếng món gì, ở đâu vừa miệng, hợp túi tiền.
    - Theo An, có ngày anh sẽ đương nhiên là hội viên.
    - Hội viên danh dự thôi.
    - Lý do?
    - Vì anh đâu có thuộc “tầng lớp” của tụi em. Lớp em còn có nhiều “Bộ” nhiều “Hội” rất trứ danh mà “ngoài đời” không thể có được. Như: Bộ trưởng bộ nước mắt, bộ trưởng bộ thích đùa dai... Hội trưởng hội bảo vệ những người ngủ gục (trong lớp). Hội trưởng hội những bà la sát, vân vân và vân vân.
    - Còn chức vị của An?
    - Hội trưởng hội phá hoại cây cỏ. Vì bất cứ hoa lá cành nào lọt vào mắt em rồi cũng sẽ lọt vào cặp em. Nơi nào có cỏ dù cấm hay không em cũng thích lột giày dép ra chạy cho mát chân mà không cần biết tới ai cả, dù là người bảo vệ công viên.
    - Anh ước gì có thể trẻ lại để học lớp em.
    - Làm gì mới được chứ? Chẳng lẽ anh chỉ ham một “chức vị” nào đó?
    Anh Thức giấu một nụ cười. Có thể như thế. Có thể chỉ mong được hưởng những nụ cười và ánh mắt hồn nhiên mà trong đời mình chưa bao giờ có được. Những chức vị ngoài đời tẻ nhạt quá, không lộng lẫy, cao quý bằng những chức vị trong các trò chơi thuở ấu thời.
    - Anh Thức này, anh để ý ngôi nhà có thắp đèn sáng ngoài sân kia không?
    - Nhà ai vậy?
    - Chị Hà, một người đẹp của cư xá. Mình tới đó chơi đi.
    - Chi vậy?
    - Ðể biết một người đẹp cũng nên lắm chứ anh.
    - Ồ, anh không thích gai góc.
    An bật cười:
    - Anh vậy mà nhát gan.
    Thức cười theo:
    - Ừ, anh nhát gan. Anh sợ những tiếng sét bất tử.
    - Thần sấm sét là em dây nè. An đối mặt với Thức và vỗ vào ngực mình, em chưa cho phép thì trái tim anh không được... rung rinh bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
    Từ ánh sáng hắt ra, Thức thấy long lanh đôi mắt vị thần đầy uy lực thật gần. Và cùng giọng nói rất “thần” ấy đã khiến cho Thức hơi chao người trong một giây. Một giây sau Thức mới nhập vai được: Xin ghi nhận. Cả hai cùng cất tiếng cười vui vẻ. An kiễng chân ló đầu lên khỏi cánh cổng gọi Quân đang lui hui ở trước sân:
    - Làm gì đó, Quân?
    Thấy An, Quân vội buông chiếc giẻ lau chạy ra:
    - An đó hả, mình đang thử chiếc xe.
    - Xe mới?
    - Mới nguyên thùng. Một chiếc xe “cuộc”.
    - Kỳ này Quân định dự thi “cúp truyền hình?”
    Quân ngượng nghịu:
    - Ðâu có. Mình chỉ thích có cái xe hai “líp” chạy cho ngon lành.
    - Cũng hay đấy. Chị Hà có nhà không vậy, Quân?
    - Chị ấy đang có mấy người bạn ở trong nhà. An vào nhà chơi đi.
    An ngần ngại:
    - Thôi, khi khác vậy.
    - Ðể mình gọi chị ấy ra nhé?
    - Ðừng, Quân. Chả có gì cần.
    - Thì An cứ vào chơi đã.
    - An có người đợi ngoài này.
    - Mời bạn ấy vào chơi luôn.
    - Thôi, An về đây.
    Quân lọt ra khỏi cổng theo An vừa ngoắt đi:
    - Mình đã ghi tên cho An ở hồ bơi Yết Kiêu rồi đấy.
    - Cám ơn Quân! - An nói vọng lại khi đã ra tới con đường tối om - Bao giờ đi An sẽ nhờ Quân coi lại giùm chiếc xe đạp ở nhà An nữa đấy.
    Anh Thức nhắc:
    - Bây giờ mình trở lại làm hết vỉ chuối nướng hồi nãy nữa chứ?
    - Hết thèm rồi. - An đẩy Thức đi trước - Bây giờ anh về trước lấy xe chở em đi một vòng.
    - Ði đâu giờ này?
    - Chẳng đi đâu cả. Em chỉ thích loanh quanh một vòng.
    - Ðể làm gì vậy?
    - Thì để... chóng mặt về ngủ cho ngon.
    Thức chiều An, anh trở về chào gia đình rồi dắt xe ra. An nhỏ nhít ngồi nép sau anh, cô bé vẽ một vòng cho chiếc xe chầm chậm lượn quanh hết một lược con đường chu vi cứ xá rồi trở lại vị trí cũ.
    An chìa bàn tay ra:
    - Chúc anh ngủ ngon.
    Những ngón tay chưa nắm gọn, An đã rút vội về và vụt biến như một con chim, khuất vào trong cổng.
    Thức nói khẽ một mình:
    - Chúc bé ngủ ngoan.

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 8+9

    Dù đã nghe An tả sơ về tình trạng chiếc xe đạp nhưng Quân cũng không ngờ nó có thể xuống cấp tàn tạ đến mức phải xách cổ vác nó ra ngoài sân chứ không thể dắt nổi.
    - Quân xem phải bắt đầu sửa từ đâu?
    Quân vừa phủi tay bụi trên hai ống quần Jeans vừa quan sát kỹ chiếc xe:
    - Ðầu tiên phải làm sạch bụi cái đã, cỡ chừng cả năm không mó tới phải không?
    - Trên hai năm là ít, từ khi chị Kim mua xe gắn máy.
    - Cặp vỏ nứt, chắc chắn ruột cũng phải thay. Bộ thắng và cặp vè móp méo rơi rụng cũng phải thay luôn. Sên, líp cần phải gỡ ra xem lại. Tóm tắt là mọi thứ đều phải nghĩ tới chuyện sửa hoặc thay thế.
    An bóp chiếc chuông xe, tiếng chuông “kính coong” kêu vang khiến cô bé thích thú.
    - Nó còn tốt đấy chứ?
    Quân bật cười:
    - Duy có một thứ không cần thì còn tốt.
    - Không cần sao được, nó vẫn kêu to.
    - To nhưng vẫn chẳng khiến ai chú ý. An xem bây giờ có chiếc xe đạp nào người ta ráp chuông đâu?
    - Kệ họ, nhưng An cứ thích.
    - Thích thì để lại. - Quân xem xét cái chuông - Ừ hàng ngoại đây. Cả cái khung bằng đuyara bây giờ cũng hiếm thấy, vừa nhẹ vừa chắc, khỏi cần sơn, chỉ cần đánh bóng là sáng như mới.
    - Quân làm được không?
    - Dễ ợt, để mình lo cho. Này nhé, Quân sẽ đưa về nhà, tháo ra hết, chùi rửa và xem lại cái gì cần thay Quân sẽ kể ra để An đi mua, cái gì phải sửa để Quân sửa cho.
    - Quân sửa xe được à?
    - Xe đạp chứ có gì đâu. Chỉ cần chiếc kìm và cái mỏ lết.
    - Tài thật. Chỉ lo Quân tháo ra rồi không biết ráp lại thì...
    - Thì đem bán “lạc xon” chứ có gì phải lo.
    Quân cười. An cười.
    - Tôi sẽ bắt thường bạn cái xe “cuộc” mới đấy.
    - Sẵn sàng, nếu An đi được xe khung ngang.
    An mạnh miệng:
    - Sao lại không. Bộ thế giới này không có “cua rơ” nữ chắc!
    - Nhưng tiếc rằng ở xứ ta thì chưa.
    - Chưa rồi sẽ. Tôi sẽ là... Kiện tướng công huân đầu tiên môn xe nữ cho bạn xem.
    - Xin chúc mừng trước.
    Quân xòe tay ra để nhận một cái đập mạnh của An. Cả hai cười vui vẻ. Quân vác cái xe lên vai nhẹ nhàng bước ra cỗng còn ngoái lại:
    - Hẹn một tuần sau tới nhận hàng nhé.
    Không đợi đến một tuần sau, ngay buổi chiều An đã có mặt ở cổng nhà Quân. Quân lật gọng chiếc xe và bắt đầu gỡ bánh xe sau với cả búa và kìm.
    - Làm chi mà nóng ruột thế?
    - Tới kiểm tra Quân làm việc được không?
    - Sợ đổi đồ hở? Hì hì, mình sẽ tới tiệm bán phụ tùng đổi hết lại thì đúng hơn. Chiếc xe... bạn xem nè, rụng càng hết cả rồi.
    An như không để ý đến chiếc xe và cũng chẳng cần biết tới công biệc tiếp sau đó của Quân sẽ ra sao, cô bé đi một vòng sân xem xét những chậu cây cảnh rồi đá nhẹ vào đôi tạ tay xem chúng lăn dưới gốc mận.
    - Thôi, dẹp đi Quân. Mình thích chơi cầu với cậu, được không?
    Quân ngớ người, đưa đôi tay đầy dầu đen sì quệt cả xuống nền sân xi măng, không hiểu An nói thật hay đùa. Cô ta một mực đòi Quân phải bỏ hết mọi việc để chỉ lo chiếc xe cho cô ta, giờ lại...
    - Tự dưng chiều nay mình thấy... khỏe quá. An nói và quay một vòng cánh tay nhỏ nhắn trước mặt Quân châm chọc, bộ Quân không thích à?
    - Có chứ, Quân vội quấn lấy cái giẻ lau, đợi mình lấy dầu rửa tay đã.
    Khi Quân vừa lau sạch đôi tay, An lại khiến cậu ta cụt hứng:
    - Nhưng mà thôi Quân ạ, ngoài đường còn nắng quá. Chỉ vài trái là chạy đổ mồ hôi, chẳng ham chút nào. Hay là... phải rồi, tại sao mình không đi bơi nhỉ?
    Lại còn thế nữa. Cái chong chóng cánh tay An đang quay trước mặt Quân, nó sẽ còn quay tiếp hay sắp dừng?
    - Thông báo, hồ bơi huấn luyện còn đang sửa chưa biết đến bao giờ mới nhập khóa. An quên rồi sao?
    - Ố là la, mình đâu có tham vọng làm vận động viên bơi lội. Thôi dẹp cái chương trình huấn luyện đi Quân. Mình chỉ thích vùng vẫy nước cho mát thôi.
    - Thế thì dễ. Có hồ bơi công cộng dành cho cả con nít lẫn người lớn lúc nào cũng mở cửa.
    - Tuyệt quá, còn chần chừ gì Quân không sửa soạn đi.
    - Nhưng...
    - Còn nhưng nhị gì nữa, bồ ngán phải chở tui hở?
    - Xe honda của mình ba giữ chìa khóa rồi.
    - Còn chiếc xe “cuộc” mới tinh để dành đua chắc?
    - Xe “cuộc” đâu có chỗ ngồi sau?
    - Ừa há. Chả lẽ mình lại phải quay chong chóng đổi ý nữa?
    - An dám ngồi đằng trước không?
    - Không sau thì trước, có gì mà không dám. Nào lên đường... Nhưng...
    - Ðừng quay chong chóng nữa.
    - Hết gió rồi, yên tâm. Mình tính thế này nè, để mình đi bộ trước đợi Quân ở ngoài cổng cư xá kẻo lỡ ông bà già thấy mình đi chơi linh tinh kiểu này hẳn khó sống.
    Hồ bơi Yết Kiêu vào những ngày nóng nực như thế này còn đông hơn rạp hát. Chủ yếu là những “kiện tướng” nhí. An thấy yên tâm và yên tâm hơn nữa là dãy hàng quà dàn hàng chào hai bên lối vào dành bồi dường cho các “kiện tướng” sau khi ngụp lặn vùng vẫy dưới nước xong, ăn cái gì cũng thấy ngon và muốn ăn nữa.
    Quân chỉ nơi thuê đồ tắm cho An và phòng thay đồ nữ, rồi anh chàng biến mất.
    An loay hoay mãi với mãnh áo tắm một mình, cuối cùng cô bé đẩy đại một cánh cửa khép hờ phòng bên cạnh.
    - Ê, làm gì vậy, tính... dê hở?
    Một bạn đang ngửa cổ xả nước quay ra nạt An.
    Tiếng cười phun nước và sau đó An bị lôi tuột vào trong.
    - Quê vừa chứ. Bộ mới đi hồ bơi lần đầu hở?
    - Ừa.
    - Thế này nè...
    Không có phản ứng phụ. An được bóc nhanh để thay vào bộ áo tắm ôm sát người.
    - Hơi bó một chút đấy, nhưng chả sao, càng nổi. Áo thuê phải không?
    - Mình bốc đại. Có kỳ lắm không?
    - Tuyệt vời. Bồ tên gì?
    - An. Còn bồ?
    - Hoàng Ly.
    - Hoàng Ly à, tên hay nhỉ. Tớ khoái bồ.
    Hoàng Ly đẩy An tới vòi sen:
    - Xả nước đi rồi ra hồ cho kịp suất với tớ.
    Chỉ khi ngâm mình dưới nước hồ rồi An mới thấy bớt ngượng. Dù rằng toàn những ông nhí, các cô cậu ở đây chưa chiếm được một góc hồ. Ở góc hồ bên kia Quân đang đảo mắt tìm An. An đưa tay vẫy cao ra hiệu. - Ai vậy?
    Hoàng Ly hỏi. An đáp bừa.
    - Ông em họ.
    - Ðược đấy. Giới thiệu với tớ đi.
    Người con trai hơi e dè khi tiến lại.
    - Ðây là Quân, còn đây là Hoàng Ly. Các bồ làm quen với nhau đi.
    Hoàng Ly đưa tay ra, Quân còn chưa hiểu ý thì đã bị kéo ngồi xuống mép hồ. Chưa ổn vị cậu ta đã bị tấn công tới tấp:
    - Tập tạ phải không? Trông Quân “phông” lắm nhưng coi chừng... thiếu bề dài đấy.
    Nói rồi Hoàng Ly phóng xuống nước, kéo An theo.
    - Sao bồ bạo miệng thế?
    - Có gì đâu, em của bồ cũng là em của tớ. Bồ không thấy nhận xét của tớ là đúng à?
    An cười. Nếu người ta cứ nói ra tất cả những điều mình nghĩ thì mọi sự đều chói như nắng giữa trưa.
    - Bồ có đồng ý không, bọn con trai thiếu bề ngang thì không đến nỗi, chứ thiếu bề dài coi không được.
    - Bồ có vẻ rành về ngoại hình nhỉ.
    - Người ta bảo tương lai thế hệ bọn trẻ mình có khuynh hướng phát triển ngoại hình cao lớn hơn những thế hệ trước làm mình cũng cảm thấy sốt ruột.
    - Bộ bồ ham làm cầu thủ bóng rổ hay bóng chuyền?
    - Cần gì phải làm cầu thủ. Này nhé, bồ không thấy bực bội khi họp mặt giao lưu nhi đồng quốc tế người ta chọn trẻ 8 tuổi còn mình phải chọn 15. Chào cờ Liên Hiệp Quốc người ta đứng nghiêm còn mình phải... nhón gót lên, tự ái dân tộc lắm chứ?
    Không biết Hoàng Ly lấy đâu ra những dữ liệu ấy. Nhưng rõ ràng là Hoàng Ly không đứng chỗ An đang đứng. An chưa kịp họi thì Hoàng Ly đã hỏi trước:
    - An học cấp 3 rồi chứ?
    - Không, mới cấp 2 thôi.
    - Vậy thì ít ra An cũng kém mình hai lớp. An còn đang tuổi lớn, còn mình thì sợ hết dài nổi nên ham đi bơi mỗi ngày đến sạm cả da đây nè.
    An bật cười, sao cô nàng cứ mãi nói tới bề dài, mà thực sự cô ta cũng hơi thiêu thiếu đấy.
    - Ðừng lo, nghe người ta nói mãi tới năm hai mí con gái mới hết lớn cơ mà.
    - Không phải đâu, tùy từng người đấy thôi. Như mình từ đầu năm đến giờ cứ ở mài con số 1 mét 55, chẳng dài hơn được một ly.
    An không có cái thước và An cũng chẳng bao giờ để ý tới điều ấy. Có một lần, chị Kim thấy quần áo em cứ cộc cũn cỡn mãi lên, chị bắt An dựa lưng vào tường và lấy cuốn sách dựng trên đầu, vạch một vạch rồi lấy cái thước vải của chị ra đo: 1 mét 58. Chị kêu toáng lên: Cái con bé này sẽ không dưới 1 mét 65 khi 18 tuổi.
    Chuông báo hiệu hết suất bơi. Mọi người hầu như chưa cảm thấy đủ nhưng vẫn nhất loạt rời hồ. Chỉ có bọn trẻ phải chờ tới cái cây của huấn luyện viên canh hồ lùa mới chịu thôi chạy nhảy, rời khu vực. Hoàng Ly rủ An ở lại suất sau nữa, An cũng ham nhưng thấy Quân bỏ vô phòng thay đồ rồi, nên thôi.
    - Hẹn bữa khác nhé – mình còn gặp nhau nữa chứ?
    - Dĩ nhiên.
    - Nhà bồ ở đâu vậy?
    - Quận 8. - Còn mình ở quận 3.
    An và Hoàng Ly trao đổi địa chỉ nhau. Cả hai còn lùa hết tô bún rồi đến dĩa bò kho trong khi Quân chỉ đứng ngó trời, không tham dự.
    - Hẹn gặp lại. Bắt tay nhau một cái đi.
    - Quân miễn cưỡng chìa tay ra nắm tay Hoàng Ly trong khi đã ngồi sẵn trên yên xe.
    Ðều vòng bánh lăng rồi, Quân mới hỏi:
    - Bạn cùng lớp với An đấy à?
    - Không. Mới quen. Cô ta cũng “dòn” đấy chứ.
    - Con gái gì mà ngổ ngáo quá.
    - Học cùng trường với Quân đấy. Cô ta có vẻ “chịu” Quân, muốn làm quen với Quân, được chứ?
    Quân yên lặng đạp xe. Ðược một quãng An đòi nhảy xuống.
    - Chi vậy?
    - Ê mông quá. Ngồi xe cái kiểu này chẳng thoải mái tí nào, để An gọi xích lô về một mình cũng được.
    Ngồi trên xích lô rồi An còn gọi vói theo:
    - Nhớ Quân nhé, cái xe đạp của An xong càng sớm càng tốt. Ngày nào An cũng tới kiểm tra đấy.
    Một buổi chiều vùng vẫy thoải mái, về tới nhà An nghe mẹ cằn nhằn: “Chị em đi đâu mà đi suốt, anh Thức ngồi chờ cả giờ, mới về rồi”.
    - Anh ấy có nhắn gì không mẹ?
    - Có biên giấy nhắn gì tụi bay ở trên phòng ấy, ai mà biết.
    Chương 9
    Thức dậy thật trể. Cơ chừng đã chín giờ hơn. Những ly bia đêm trước chưa đủ mềm nhưng cũng dư để anh phải choáng váng. Một thời rắm rối mù mịt đã qua. Thức đã chối từ lâu những cơn say vô bổ, chỉ để làm mệt người khi tỉnh giấc. Bữa qua Trung tâm ký được một hợp đồng trị giá đáng kể, thế là toàn bộ anh em được đãi một chầu nhà hàng máy lạnh để gọi là “lấy khí thế đi lên” và “gợi hứng sáng tạo”. Về tới nhà trọ đã quá nửa đêm, Thức để nguyên quần áo, giày vớ lăn ra giường.
    Từ lâu lắm, những hình ảnh xa xưa đã trốc gốc, bứt rễ. Nhưng thật kỳ lạ, trong giấc ngủ chập chờn đã nối nhau tìm về, Thúc thấy mình thuở nhỏ chạy dọc bờ đê ngăn mặn té lên té xuống. Thức nghe tiếng đạn pháo và những đám cháy xe tre nổ ràn rạt trên đầu. Rồi Thức lại thấy biển, thấy những vỏ ốc trôi dạt nằm chơ vơ nơi chân cát ẩm ướt. Những võ ốc trôi dạt nằm chơ vơ nơi chân cát ẩm ướt. Những vỏ ốc ấy in hằn trên bìa một cuốn album hoàn toàn một màu tắng ẩn hiện. Người thiết kế mẫu bìa thật tuyệt diệu, đã dùng những hình ảnh vỏ ốc để nhắc nhở rằng những gì chất chứa trong ấy, cuốn album này, chỉ là cái xác, cái hình hài đã khô còn giữ lại là kỷ niệm. Làm sao có được sự liên tưởng đầy thơ, đầy thực từ vốn sống và công việc làm? Thức thấy mình xách cái máy ảnh chạy ngược chạy xuôi khắp chốn và ngắm chụp tới tấp để hy vọng kiếm được cái gì độc đáo, xuất thần.
    Nhưng cuộn phim tráng xong chỉ toàn một màu trắng xác, thất vọng. Thức lại thấy mình ở tuổi mới lớn ngu ngơ, vác cặp lẽo đẽo theo một con bé leo lên xích lô, chú bé hồng hộc chạy theo. Con bé vô nhà, chú bé đứng nắm thanh sắt cổng ngó vào. Cười. Con bé ngó ra nhăn mặt. Chú bé vẫn đứng đấy dù cô bé đã khuất vào nhà tự khuya. Ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, cô bé vẫn thấy chút ta còn đứng đấy, ngoài cổng. Ném vào mặt một tờ giấy bạc, cô bé xua tay ra hiệu cho chú bé cút ngay.
    Thức châm điếu thuốc rồi rít hơi dài, lằm bằm: Khỉ thật, cũng có cái con bé mặc đầm trắng cài nơ đỏ ngày xưa đấy, nhưng đâu có chuyện vẽ vời như thế. Cái con bé kiêu kỳ ấy lại được đầu óc quen tưởng tượng viết tiếp một kết thúc tệ hại, đầy chất kịch. Thất vọng thì tìm đường phú lỉnh cho rồi, lại còn tiếc rẻ tờ giấy bạc cúi xuống lượm đã. Thơ văn, ong bướm đều cháy rụi bởi một cái cúi xuống chết tiệt ấy. Rõ chán.
    Thức không khỏi mỉm cười một mình với khói thuốc lãng đã bay khắp phòng. Thật kỳ lạ những giấc mơ, Thức ngẫm nghĩ, đôi khi nó không một mình chìm nghỉm trong cõi vô thức, một phần nào của bộ não vẫn làm việc và can dự theo tập tục nó vẫn thường làm. Nó quyện cả hư lẫn thực, cả quá khứ xa lắc xa lơ với hiện tại nóng bỏng đang ở trên tay.
    Nhớ tới An, lao xao trong chuổi liên tưởng một bờ áo trắng thuở vụng dại, đã nhập cả tâm tình vào đấy. Hình như mình vẫn đeo đuổi một cái gì đó trong đời. Thức nghĩ, một cái gì thanh thoát, dễ thương, một cái gì nhẹ nhàng, ấm áp. Một cái gì đó khó nắm bắt và chẳng bao giờ giữ được.
    - Tôi là Mực Tím, vì từ khi học mẫu giáo đến giờ tôi chỉ thích viết mực tím.
    - Còn tôi hễ một tuần không đi dạo phố xá là không chịu được... các bạn gọi tôi là Thành Phố.
    - Tôi yêu sự êm ả của giòng sông và tôi có thể ngồi cả ngày bên bờ (không phải vì câu cá đâu nhé) nên tôi mang tên Dòng Sông.
    - Cỏ May là tôi, loài cỏ mới dễ thương làm sao, hễ đụng tới là bám theo, tôi còn gọi chúng là cỏ “bắt bồ”.
    - Cỏ “bắt bồ”, cái tên nghe ngộ đấy.
    - Cúp máy.
    - Cái gì mà cúp máy?
    - Lạc đề. Mi không thấy là đang quay phim sao? Ðây là đoạn giới thiệu nhân vật.
    - Hay đấy, tiếp tục.
    - Ðến phiên mi chứ còn ai nữa An, mi tự giới thiệu tên đi.
    - Tên gì?
    - Thì tên... Học trò của mi chứ còn tên gì.
    - Ừa há, tao... í quên... tôi... À này, đề nghị camera thu hình một bông hao đi.
    - Sao lại một bông hoa?
    - Cãi diễn viên chính hở, xù bây giờ.
    - Ðược rồi, một bông hoa đang nở xòe ra đây nè. Nhưng mà hoa Cỏ hôi hay hoa mắc cở vậy?
    - Hoa gì cũng được miễn là trắng. Rồi chưa? Từ từ lồng hình tớ vào nhé. Tớ đang cười toe ra đây nè... Nhưng khoan đã, xóa ngay đi làm lại.
    - Lại còn gì nữa đây, khó quá.
    - Miệng tớ... hơi sún cười không đẹp, đưa tớ cái bánh hay trái cây gì nhóp nhép cho có duyên.
    - Hoa gì hoa hay ăn!
    - Cãi đạo diễn phải không, cho nghỉ việc lập tức.
    - Rồi xóa, rồi hoa, rồi nhóp nhép... Lên tiếng đi cưng.
    - Còn thiếu. Tớ thấy như còn thiếu cái gì ấy.
    - Hết ăn rồi tới uống chứ gì?
    - Ðúng rồi. Âm nhạc. Hình ảnh phải có âm nhạc mới bay bổng được. Anh Thức đâu ?
    - Có tôi.
    - Anh chơi một đoạn nhạc thật vui tươi, nhí nhảnh đi anh.
    - Các cô thích nhảy phải không?
    - Tụi em đang đóng phim.
    - Hay đấy. Nhưng phim gì vậy?
    - Phim gì chưa biết nhưng chắc chắn không phải là phim tình cảm hay võ hiệp.
    - Thế là phim học trò.
    - Ðúng rồi. Thưa các bạn, đây là một bộ phim học trò nhiều tập đầy thơ mộng, ngập tiếng cười và tiếng hát...
    - Bấm may. Âm nhậc nổi lên.
    Anh Thức ôm cây ghi-ta “tình tinh tính” đầy hào hứng.
    - Ðây có phải là kên 7 đâu mà anh chơi nhạc hiệu đầu kên. Bộ anh tính “đồng hành” với công ty vàng bạc đá quý chắc?
    - Chẳng đồng hành đồng hương chi cả. Anh cứ thích chút “Mặt trời bé con”.
    - Hay quá, chơi tiếp đi anh Thức. Tụi em cũng thích nữa.
    Cả bọn xúm lại quanh cây đàn với người thanh niên. Bài ca bắt đầu bằng tiếng “Ngày xưa” đầy huyền thoại và những đôi mắt tròn xoe long lanh, long lanh mãi thôi với nụ “cười ngộ ghê”. Ai đã về giữa đám cỏ non chợt thấy lòng mình ngọt dịu bất ngờ, thèm tìm lại được một ngày của tuổi thơ mát rượi. Không lo lắng, muộn phiền. Bài ca bay lên, chao lượn rồi tung tăng, nhảy nhót. Cho đến khi trời mưa làm “bài ca ướt mất rồi”, để lại nỗi ngẩn ngơ ở cuối bài lẫn xót xa và tiếc nuối “hạnh phúc đơn sơ” và “đời tôi đâu có ngờ”. Cái gì thế nhỉ? Kết cuộc thường tình của những câu chuyện bắt đầu bằng tiếng “ngày xưa” đều tròn trịa, nhẵn nhụi để có thể dễ in vào óc trẻ thơ nhu tay nó có thể nắm gọn một cái kẹo hoặc chiếc bánh, viên bi hoặc hòn cuội. Ở đây không có thường tình ấy. Thường tình của những người đánh mất tuổi thơ đi tìm lý tưởng, đi tìm những thứ đắt giá của cuộc đời. Rồi quay quắt, ê chề, mệt mỏi nhìn lại giật mình cảm nhận rằng: Hạnh phúc đơn sơ thôi, nó ở ngay quanh ta. Bài ca giữa trẻ nhỏ mà không thuộc về trẻ nhỏ. Vừa gần gũi vừa xa lạ. Vừa ở trong vạt áo đó song lại quá tầm tay. Nó thuộc về Mực Tím, Dòng Sông, Thành Phố, Cỏ May... và cả Thức. Nó thuộc về những tâm hồn bát ngát thương yêu.
    - Anh Thức nè, tại sao anh không là ông thầy của bọn em nhỉ.
    - Ông thầy dạy gì bây giờ?
    - Gì cũng được.
    - Ồ, các cổ chỉ thấy một ông thầy lầm lì, cau có, các cô lại là những học trò bướng bỉnh, lười biếng. Chán lắm.
    - Vậy thì dạy đàn cũng được.
    - Dạy vỗ tay mười ngón hôn nhau cho dễ.
    - Thôi đủ rồi. An đứng lên xô bạn bè ra, các cô yêu sách quá nhiều. Các cô quên rằng cái người này đã thuộc về độc quyền quản lý của ta rồi sao?
    Dữ tợn. Vô lý. Chưa đăng ký sản phẩm. Chưa đăng ký chất lượng. Ðộc quyền dỏm. Chiếm đoạt tín dụng. Mất khả năng chi trả. Tuyên bố vỡ nợ. Vỡ nợ.
    Một cảnh tượng hỗn loạn, An bị đè ra trên cỏ, bị nhéo tai, bứt tóc, rút ngón chân... la oai oái:
    - Buông tôi ra... Trời ơi... anh Thức... cứu người ta với chứ. Bớ bớ... người ta.
    Thức chỉ ngồi yên, khoanh tay trên mặt đàn, mỉm cười. Tiếc rằng nguyên một cuộn phim màu đã hết nhẵn.

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 10

    Sửa xong chiếc xe đạp là An nhảy lên đi tìm bạn bè khoe liền. Tiếng chuông xe “kính coong” ré lên inh ỏi. Cả nhóm của An sau đó tụ tập đầy đủ, từ Mực Tím cho tới Cỏ May, Dòng Sông, Thành Phố đều vui mừng như chính mình có... chân mới.
    - Tao đề nghị mở cuộc đua.
    - Cúp gì, mày?
    - Cúp... bò viên, nước mía. Hai đứa về trước sẽ được những đứa còn lại bao khỏi trả tiền. Ðồng ý không?
    - Ðồng ý liền tù tì. Phần thắng chắc chắn về tao rồi.
    - Dẹp mày đi, chỉ ngán cặp giò dài của nhỏ An thôi. Xe nó lại mới nữa.
    - Ba lần té: Một lần xô thúng hột vịt lộn, một lần chụp rỗ bánh tráng, một lần vồ gánh bún riêu. Tao chấp nó luôn.
    - Chấp luôn cả mày nữa. Ta sẽ chơi “soọc” để đạp cho thoải mái như cua-rơ thứ thiệt.
    - Rồi, y phục tự chọn. Ðiểm xuất phát tại đây, còn điểm đến ở đâu?
    Cổng sau trường mình chứ còn đâu nữa, ở đó thiếu gì thứ “cúp”, ngoài “cúp” chính bò viên, nước mía ra còn gỏi cuốn, bột chiên, nhãn nhục... - Thôi.
    - Thôi cái gì?
    - Tả cảnh sơ sơ đủ rồi, tả kỹ tao ham thắng mày phải trả tiền, ráng chịu.
    - Nói mãi hao sức. Khởi hành đi quý vị. Nhưng còn lộ trình?
    - Lại còn lộ trình nữa à? Ðề nghị lộ trình tự chọn.
    - Ðúng rồi, từ đây tới đó ai muốn đi đường nào thì đi, miễn là tới đích.
    Cuộc đua khá hấp dẫn. Không có phát súng chỉ thiên ở điểm xuất phát nhưng hầu hết các tay đua nghiệp dư đều ào lên một lượt ngay khi rời con hẻm, náo động cả một khúc đường. Cảnh sát giao thông không thèm chấp xe đạp hay đã đánh rơi đâu mất hoặc để quên... còi ở nhà. Có kẻ bạo đã vượt đèn đỏ. Kẻ khác lanh trí đổi hướng. Những kẽ còng lại tìm cách vẽ trong đầu những đoạn đường thẳng ngắn nhất, ít xe cộ hoặc tránh được những ngã tư lớn khó vượt hầu có thể đến điểm hẹn trước nhất. Chỉ thoáng chốc là các tay đua đã lạc nhau và hòa vào dòng xe cộ từ khắp hướng đổ về cổng trường.
    Sau đó không biết ai đã tới đích trước bởi có sự tranh chấp khá sôi nỗi vì không có trọng tài. Chỉ biết chắc chắn kẻ thắng cuộc là lão bò viên, bà nước mía và một loạt những giải khuyến khíc tiếp theo mà các tay đua chẳng ai phản đối, lại còn hoan hỉ chấp thuận.
    Thiệt vui một buổi chiều, An về tới nhà lưng áo vẫn chưa khô. Chị Kim có mặt ở cổng với cái “hứ” dằn mạnh:
    - Dạo này giỏi lắm rồi đấy nghen, An.
    - Chẳng giỏi gì đâu chị Kim ơi, tà tà trung bình là được rồi.
    - Mẹ bảo cô đi chơi búa xua, chẳng thấy học hành gì cả. Lại hay yêu sách này nọ, sửa xe, may quần áo mới, đòi mua sắm đủ thứ...
    An lẳng lặng dắt xe vào. Chị Kim nắm tay giữ lại:
    - Cô mới quen con bé nào tên Hoàng Ly phải không?
    An reo lên:
    - Nó tới đây tìm em hả?
    - Phải, nó tới rủ cô đi khiêu vũ đấy.
    - Trời đất.
    - Các cô dạo này tiến bộ hơn tôi tưởng, mới nứt mắt ra đã bày đặt này nọ. Mốt miếc lung tung, bạn bè linh tinh khiến tôi đến chóng cả mặt.
    Bà chị mình hôm nay trúng thương rồi, An lầm bầm. Tốt hơn hết là chẳng đối đầu cũng chẳng đối thoại mới mong dập tắt được sự rên rỉ nhiếc móc răn đe này. Mình muốn tìm hiểu bà chị mà bà chỉ chẳng muốn tìm hiểu mình nên lâu nay đã có âm ỉ mầm mống chiến tranh lạnh. Lạnh quá rồi cũng có lúc phải bốc khói thôi. Ðó là điều dễ hiểu.
    Ðể nguyên quần áo vậy, An chui vào phòng tắm và mở vòi nước hết cỡ. Nước bao giờ cũng là sự vỗ về êm dịu nhất, kỳ diệu nhất. Nước rũ sạch bụi, trôi hết mệt mỏi. Nước khiến ta tươi ra và cảm nhận được tất cả dưới da thịt mình những mầm sinh như muốn trỗi dậy từng ngày, từng giờ. Lạ lùng biết bao những giọt nước, hình như chỉ có chúng mới hiểumình đang lớn lên, bằng sự thân thiết, thăm hỏi từng nơi chốn trên thân mình. Bờ vai này, đôi chân này... mới hôm qua thôi đã không phải là ngày hôm nay và chắc chắn sẽ khác hẳn trong một ngày sắp tới. An đứng yên vậy, dưới vòi sen lâu lắm. Cô bé muốn ngắm mình trong gương một tí, nhưng chiếc gương trong phòng tắm đã đục, xoa tay mãi cũng chẳng sáng hơn được chút nào. Cũ rồi. Bà Kim cũng cũ rồi. Sống là phải vươn vai, trỗi dậy và thay dần vào những phần mới chứ. An sốt ruột muốn thấy những cái mới, dù chưa hình dung ra được phần nào. An nhớ tới Hoàng Ly. Ừa, hắn này cũng có nhiều cái mới thụ vị lắm đây. Ðời sống là phải có nhiều khung cửa sổ, mở ra tứ phía để biết nhiều tiết trời thay đổi chứ, mãi với đám bạn trong lớp vui thì vui thiệt đấy nhưng vẫn thấy chưa đủ.
    Nghĩ là làm liền. Kể ra có chiếc xe đạp cũng tiện, nó nối chân mình được dài hơn một chút để muốn đi đâu khỏi nhờ nhắn hay đợi bạn đến, hoàn toàn chủ động đôi chân mình. Ngay buổi chiều hôm sau An dò lại địa chỉ của Hoàn Ly và đạp xe đi liền.
    Nhà Hoàng Ly trong hẻm, nhưng cũng không khó kiếm lắm, nhất là khi An vừa tới thì cũng đụng ngay Hoàng Ly đang dắt xe ra.
    - Ly tính đi bây giờ?
    - Ði tới nhà bồ nữa nè. Chiều qua bồ đi đâu vậy?
    - Ði chơi lăng quăng với đám bạn trong lớp.
    - Vui không?
    - Ðua xe đạp để chén no một bụng rồi về.
    - Hí hí, bồ còn trẻ con quá. Hôm qua mình tới tính rủ bồ đi khiêu vũ đấy. Chương trình cuối tuần ở nhà văn hóa Thanh Niên vui lắm. Bồ chưa tới đó bao giờ à?
    - Chưa. Mình đâu đã là thanh niên.
    Hoàng Ly cười nghiêng ngả:
    - Bồ thiệt ngây ngô. Nè, bồ lớn rồi. Xem, bồ còn cao hơn cả tui nữa đó.
    Nói rồi Hoàng Ly kéo An vào nhà, ấn xuống ghế bảo ngồi đợi. Lát sau cô ta trở ra với bộ cánh mới thay. Chiếc áo rộng màu đọt chuối xanh dội như phát sáng với chiếc quần soọc hết cỡ mốt.
    - Bồ xem tui được chứ?
    An gật đầu bừa. Vì nếu phải nói thì cũng có điều hơi tiếc: Giá Hoàng Ly... dài hơn một tí và nước da đỡ bánh mật hơn một tí.
    - Bồ biết sao tui phải thay đồ không? Hồi nãy tính rủ bồ đi bơi, bây giờ có bồ đến tui lại tính khác. Mình qua nhà nhỏ Hằng chơi.
    - Nhưng An đâu quen.
    - Chưa rồi quen mấy hồi. Nè, nhỏ Hằng có mấy ông anh vui lắm bồ ơi.
    An lặng thinh, sợ lên tiếng nữa bạn cười mình trẻ con kỳ chết. Theo bạn đi mà An cứ thấy mình lạ làm sao ấy, Hoàng Ly vẫn lia lia cái miệng:
    - Mấy ông anh nhỏ Hằng không ưa gì mình, bọn họ gọi mình là “con chuột chũi” còn mình gọi chúng là “Tam ca ba con Bù tọt”.
    - Họ chơi ban nhạc à?
    - Nghề ngỗng gì mình đâu biết. Tại vì có lần tới thấy mây tay ấy đang rống nhạc rock thảm thiết quá, mình đặt đại cho họ vậy. Bồ thích nghe nhạc gì hở An?
    - Chung chung thôi, chẳng thích lắm.
    - Còn mình thích “quậy” Lambada, nó thiệt hợp.
    Cả hai dừng lại trước một ngôi nhà hơi thụt sâu khuất sau dãy rào quấn đầy dây leo hao vũ nữ. Nút chuông cửa hơi cao, ngoai tầm tay trẻ nhỏ, Hoàng Ly phải kiễng chân lên mới tới. Tiếng chuông reo vọng từ trong nhà, lát sau có cái đầu tóc bờm xờm ló ra:
    - Lại cô chuột chũi đấy à?
    - Thôi nha, vùng Vịnh bữa nay cũng hưu chiến rồi nha.
    - Rất tiếc, nhỏ Hằng mới đi khỏi.
    Hoàng Ly ủi xe đẩy cánh cổng ra:
    - Thì tới chơi với anh nhỏ Hằng được không?
    - Ờ ờ... cái anh chàng bờm xờm vội sửa lại quần áo khi nhắc thấy An phía sau. Ðược chứ, mời các bạn vào chơi. Ðể anh dắt xe cho nào.
    - Thôi, cám ơn, Hoàng Ly ngúng nguẩy, dắt xe cho bạn của Ly kia kìa.
    Tay ông con trai đỡ ngay lấy ghi đông xe của An. Không cần đợi khách có bằng lòng hay không, lôi tuột vào nhà.
    - Bạn Ly trông xinh đấy chứ, hắn ta nói vào tai Ly, giới thiệu đi nào.
    - Ðừng tươm tướp cái miệng như vậy. Ly nguýt dài, khó coi lắm. Còn các ông “bù tọt” kia đâu rồi?
    - Ði vắng tuốt. Ơ, nhưng mà hưu chiến rồi đấy nhé.
    - Tạm thời.
    Người con trai xun xoe trước An.
    - Tôi tên Long, rất hân hạnh được làm quen.
    Hắn đưa bàn tay ra chờ đợi, nhưng chưa có thói quen ấy, An cúi xuống vờ như không. Mà thực sự cô bé bối rối hết mức.
    Ly đập mạnh xuống bàn tay Long, đánh thức hắn:
    - Thôi đi, ông thiếu ga-lăng quá. Mời người ta vào nhà uống nước đã nào.
    - Xin mời, xin mời.
    An theo Ly vào nhà. Nơi ở của mấy người con trai mới bừa bộn làm sao. Ðây đó quần áo lẫn với sách báo, đâu đâu cũng có tàn thuốc vung vãi và một cái gì đó phải nhặt lên, xếp lại. Trên tường đầy rẫy hình những người đẹp chen lấn cùng các hình cầu thủ bóng đá và các tay đua motor đủ kích cỡ, đủ kiểu nghiêng ngả. Có tấm hình An ngượng nhất chỉ dám liếc qua.
    - Các bạn nghe một bản trong “Top” mới nhất nhé.
    - Thôi tụi này muốn nghe Long hát.
    - Nhưng mình hát dở lắm.
    - Hát hay không bằng hay hát.
    - Thôi được. Long ôm cây ghi-ta trong lòng và đưa mắt nhìn An cười nụ nhỏ:
    - Thú thực tôi hát dở lắm nhưng bữa nay cũng xin phép được hát tặng người bạn mới một lần.
    - Ai đã là bạn với anh. Hoàng Ly nguýt dài, phải được phép tui đã.
    - Thôi mờ, người đẹp, hòa bình đã lập lại rồi.
    - Ðược. Hát đi.
    - Tôi xin hát tặng người bạn mới của chúng ta bản “Lovely Something”. Long hát, tiếng nhừa nhựa nửa tỉnh nửa như buồn ngủ. Rồi quằn quại, lắc lư, chau mày, nhíu mắt. Khi rống lên, khi chỉ còn là một hơi thở. Không phải nghe hát mà là xem hát đúng hơn. An có hiểu Long hát gì đâu, có thể cả Hoàng Ly và ngay cả người biểu diễn cũng vậy, lời bài ca xa lạ như rơi từ một cõi nào. Nhưng cả Long lẫn Hoàng Ly đều muốn kéo An đắm chìm vào những chùm âm thanh rắc rối ấy.
    Bài ca dứt bằng một chuỗi hợp âm nghịch, Ly vỗ tay tán tụng như si mê.
    - Tuyệt, tuyệt.
    Long rít một hơi thuốc lá, nhìn An:
    - Còn An thấy thế nào?
    Tính phát ngôn một câu gì đó như thực mình nghĩ nhưng An lại mỉm cười lí nhí:
    - Cám ơn anh Long.
    Ơi lời cám ơn mới ngọt ngào làm sao! Từ thưở còn nằm nôi đến giờ tôi mới được người ta xoa đầu một lần. Các điệu bộ của Long trông thật tức cười. Không biết con bù lẹt thế nào nhưng An thấy Long giống y chang, hay ít ra cũng có họ hàng xa gần gì với những “người anh em” trong sở thú. Một cảm giác lẫn lộn vừa “sờ sợ” vừa “thinh thích” khi Long xum xoe và cứ muốn xáp tới gần An.
    - Thôi à nha, Hoàng Ly búng tay “tách tách” và nhún nhảy theo điệu nhạc vừa phát ra trong máy, giọng nhai chewing-gum như dính vào nhau từng chùm tiếng, qua mặt cũng phải lịch sự biết bóp còi à nha.
    - Bữa nay trông Hoàng Ly sáng quá.
    - Cám ơn.
    - Hoàng Ly nhảy đẹp lắm, bữa nào mời Hoàng Ly đi với mình nghe.
    - Không tới lượt bạn đâu.
    An nghe trong lối nói chuyện của họ có vẻ gì hời hợt không thật. Trên về An nói với Hoàng Ly rằng mình không hợp với họ. Hoàng Ly cười ngất:
    - Bồ tưởng bồ còn bé lắm chứ gì? Tay Long hắn mết bồ rồi đó. Tiến tới đi bác tài, anh em nhà họ bảnh lắm, đừng có làm bộ chê. Nhớ cho mình gởi lời hỏi thăm Quân nghen, tui thấy ông em họ của bồ thực dễ thương.
    Về tới nhà rồi An vẫn còn thấy mình “là lạ” làm sao ấy. Hoàng Ly cứ nhắc mãi rằng mình đã lớn. Phải hỏi anh Thức coi, cái con bé mười lăm tuổi rưỡi này đã lớn chưa nhỉ?

  10. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 11

    - Con để ý giùm mẹ, nhé Kim. Mẹ thấy con An dạo này nó lớn rồi đó.
    - Ương bướng như con nít ấy thôi.
    - Nít nôi gì nữa, nó phổng phao như thế, con xem xét bảo ban nó ăn mặc…
    - Con mà bảo được nó ư, có nó bảo con thì có.
    - Nói bậy mà nghe được, chị em với nhau liệu êm kẻo người ta cười cho. Mẹ bảo nó cũng được, nhưng đâu hay bằng chị. Với lại các cô bây giờ ăn mặc cũng khác đám già này ngày xưa.
    - Bọn nhóc bây giờ gớm lắm mẹ ơi, chúng đâu cần đợi bảo mới biết.
    - Cái gì cũng phải có lớp lang chứ. Cái gì hay bằng kẻ đi trước.
    - Sách vở của mẹ với của con trở thành lỗi thời rồi mẹ không biết sao? Bây giờ báo chí, phim ảnh, điện tử, điện toán ào ào, ba mươi giây chân mây góc biển nào cũng phơi bày hết, có gì phải là thầm kín như con với mẹ đâu.
    - Ừ, mẹ thấy cỏn con như cái tivi là phương tiện truyền thông đại chúng cũng chẳng thiếu sự gì, chuyện gì cũng có thể nói oang oang được, thật nghe mà bắt ngượng. Mẹ nhớ hồi còn đi dạy có lần họp ban giáo viên cả thầy lẫn cô, mẹ nhắc nhở cá cô không nên mặt áo dài xẻ eo cao đi dạy, ấy thế mà bị các cô lên án: chuyện riêng phụ nữa sao lại nói trước cả phái nam. Bây giờ, cả con nít cũng được nghe đủ mọi chuyện.
    - Ðó là mẹ chưa quan tâm tới sách báo đó thôi, còn lắm chuyện chóng cả mặt.
    - Ðành rằng thế. Nhưng là phương tiện truyền thông đại chúng thì phải nhớ rằng trẻ con bao giờ cũng đông gấp đôi ba lần người lớn.
    - Mẹ đúng là nhà sư phạm, dù là cựu sư phạm. Nhưng mẹ có biết rằng thế giới ngày nay đã tiến đến mức nào không? Ai lại dễ để mang tiếng mình bị lạc hậu.
    - Tiến tới đâu thì tiến, đừng đi tắt. Trừ khoa học ra, vấn đề nhân văn, nhân sinh hay cái gì gì đi nữa thì cũng phải có trình tự, lớp lang. Cái kệch cỡm của kẻ bắt chước là bao giờ cũng muốn hơn người ta nên sinh ra còn lố lăng hơn cả cái “văn minh” mình đeo đuổi.
    - Bữa nay me định cho con ăn món gì thế?
    - Chẳng có gì khác. Mẹ vẫn chỉ mốn nhắc con xem chừng nhỏ An giùm mẹ.
    - Từ ngày có chiếc xe đạp cô ta quậy lắm phải không mẹ?
    - Ừa, chẳng chiều nào chịu ở nhà. Mà đứa nào sửa xe đạp cho nó vậy? - Thằng Quân.
    - Quân là thằng nào?
    - Cái cậu hay rủ nó đi chơi đánh cầu ấy.
    - À, thằng nhỏ ấy trông lễ phép. Nhưng còn con nhỏ tóc xè lông nhím nào hay tới tìm nó thế?
    - Ôi, con nhỏ linh tinh lắm, con hết biết. Ðám bạn ở trường nó đâu có đứa nào như vậy.
    - Ðộ rày nó hay nhắc mẹ may quần áo. Con xem quần áo nó cũn cỡn cả rồi, cần gì cứ cho mẹ biết, chị em chỉ bảo nhau.
    Chị Kim thở dài thậm thượt:
    - Mẹ biết không, nó bảo nó thích mặc quần xà lỏn ở nhà.
    - Sao lại quần xà lỏn?
    - À, quên quần short. Nó nói đỡ tốn vải lại còn mát.
    - Còn nhỏ nhít thì ở nhà mặc gì chả được.
    - Con đồng ý ở tuổi nó ăn mặc vậy cũng dễ thương. Nhưng còn bạn bè của con. Mẹ nghĩ coi, bạn trai con tới nhà mà nó cứ cái váy đeo cũn cỡn đi tới đi lui trông xốn con mắt quá.
    Ậm ừ, rồi mẹ hỏi:
    - Còn cái anh chàng Thức với con độ này ra sao vậy?
    - Chẳng sao cả.
    - Chẳng sao là thế nào? Mẹ thấy nó vẫn hay tới tìm con.
    - Có hay không thì cũng thế thôi.
    - Nói chi lạ vậy. mẹ thấy anh ta cũng quý hai chị em lắm mà.
    - Quý hoá gì, chị Kim dằn giọng, bao giờ gặp mặt con phải nói thẳng với hắn ta mới được.
    - Thú thiệt, mẹ chẳng hiểu tụi bay thế nào cả.
    An làm như không nghe gì trong câu chuyện giữa mẹ và chị Kim, lẳng lặng lên lầu, về phòng.
    Cắm cúi trên trang vở An vờ như rất chăm khi chị Kim bước vào. Thực sự thì bài vở cũng chả có gì ngoài vài “hằng đẳng thức quang trọng” nhưng cũng chẳng quan trọng lắm. Còn những bài khác An chỉ việc lướt qua và bằng phương pháp “ôn bài chéo góc”, An kéo hai đường thẳng xuyên suốt là đủ đầu bài đến cuối bài.
    - Học kỳ rồi em suýt trúng học sinh tiên tiến chị Kim ạ.
    - Trường mi xổ số à?
    - Ðâu có, em sẩy mất mấy điểm môn Hóa. Coi như có phiếu khen an ủi. - Thôi, đừng khoe.
    - Em chẳng khoe. Nhưng em học cũng chẳng đến nỗi tệ.
    - Học chỉ lấy làm đủ, làm xong cũng là một cách học… qua sông.
    - Qua sông không đắm đò cũng tốt chán chị ơi. Con gái mà.
    - Cái gì cũng muốn ngang tầm với nam nhi, còn học thì lại phân biệt.
    - Ừa hén, em quên mất. Nhưng tụi bạn em bảo “sắc đẹp với học giỏi không ngồi chung một bàn” phải không chị Kim?
    - Các cô nào nấu chiên luộc tục ngữ như món ăn kiểu đó khó ngửi quá. - Ðúng quá đi ấy chứ. Chỉ có các cô không ai thèm nhìn tới mới … nhìn sách vở cho đỡ tủi.
    - Bỏ cái quan niệm ấy đi nghe nhỏ. Bộ các nữ danh nhân thế giới đều như lọ lem tất cả chắc?
    - Em không dám chắc. Nhưng các nữ cầu thủ bóng chuyền, bóng rổ vẫn khó kén chồng.
    - Mi du nhập “tư tưởng lớn” hơi sớm đấy nhỏ ạ. Những đứa trẻ viết sớm mọi chuyện chẳng tốt lành gì đâu. Ta tiếc cho nhỏ Hà.
    - Ðáng hãnh diện lắm chứ, trúng tuyển xuất sắc cuộc thi diễn viên điện ảnh trẻ thành phố, chị Hà làm nức lòng học sinh toàn trường.
    - Rồi bỏ học ngang phải không?
    - Chị ấy đã có sằn tư tưởng bỏ học từ lâu. Nay có lý do chính đáng.
    - Ừa, chính đáng lắm.
    - Chị xem dễ gì có một cơ hội làm diễn viên điện ảnh như thế.
    - Chuông khánh kia còn chẳng ăn ai … Ðừng tưởng bở. Ðó chỉ là trò chơi của các đạo diễn và bọn hùa theo kiếm chác.
    - Chị lười vỗ tay quá, chị Kim ạ. Cũng tại chị hay thích đứng sau hậu trường.
    - Nói thì nói thế chứ, chuyện thiên hạ hơi đâu chỉa mũi vô. Nhưng hình như mi thích tới lui nhà ấy lắm phải không?
    - Bình thường thôi.
    - Nhà được cái chú Quân ấy coi bộ được.
    - “Củi tre dễ nấu, người xấu dễ sai, đẹp trai khó khiến” mà chị.
    - Nó mà xấu trai à?
    - Cù lần.
    - Thôi đi cô. Tôi nói cho cô biết: bạn bè vừa phải thôi. Giao tiếp với bọn con trai ít chứ, lớn rồi chứ không phải nít nôi nữa.
    - Bạn là bạn. Trai gái cũng thế thôi.
    - Tự nhiên được thế là tốt. Ðừng có bày đặt nhí nhố mà chơi trò “kết mô-đen” này nọ, không hay đâu.
    - Chị thiệt mâu thuẩn. Mới đó nói không còn nít nôi giờ lại nói nhí nhố.
    - Ừa, cái rắc rối của các cô các cậu là như thế đó.
    Cả hai chị em cùng cười và hầu như chẳng ai muốn giải thích cái điều mình đang nghĩ. Hay người ta vẫn cứ nghĩ mà chẳng bao giờ xong như thường nói, chẳng có vấn đề chi cả.
    - Chị Kim nè, An muốn rườm rà chuyện với chị, chị mà chụp hình nghiêng đẹp lắm đó.
    - …
    - Anh Thức nói vậy. Anh ấy nhắn em hôm nào mời chị đi công viên chụp hình.
    - Thôi, cảm ơn.
    - Hình đẹp có thể in lịch.
    - Tôi không phải là tài tử.
    - Mời tài tử, diễn viên đi chụp hình phải kèm phong bì dày cộp đấy chị ơi.
    - Dĩ nhiên. Nghề nào nghiệp ấy. Nai tơ đừng xớ rớ vô rừng già rừng rậm.
    - Chị nhìn đâu cũng thấy thú dữ. Em nói thế với anh Thức nhé.
    - Cứ nói nguyên văn: Coi chừng thú dữ.
    - Chị tàn nhẫn quá.
    - Cứ cho là như thế đi. Nhưng tôi cũng lưu ý cô …
    Nhìn sang An, đôi mắt tròn xoe chờ đợi, chị Kim bỏ lửng câu nói:
    - … À, nhưng mà thôi. Ðiện thoại của anh ta số mấy nhỉ?
    - Em có đưa cho chị rồi mà. Chị cần gì anh ấy nữa?
    - Chả cần gì cả. Chỉ có một điều muốn nhắn với hắn ta.
    - Em biết, An khẽ liếc chị cười nụ nhỏ, em biết trái tim chị đã … lập nghiệp ở đâu rồi.
    Thấy chị Kim yên lặng. An nghĩ chị đã … trúng thương, tấn công tiếp:
    - Chị long trọng tuyên bố đi, chị Kim.
    - Chi vậy?
    - Dù sao cũng phải đăng ký mẫu mã chất lượng để độc quyền chứ!
    - Ðừng nhảm.
    - Em mong rằng mình nhảm để khỏi mất phần chocolate của em.
    - Mi nhận của người ta sao?
    - Ðều đều. Một lối hối lộ dễ thương.
    - Dẹp mi đi, An ạ.
    Bỗng dưng chị Kim nhìn An, cái nhìn lạ lùng xuyên thẳng khiến An phải lúng túng, bỡ ngỡ:
    - Có gì đâu những miếng kẹo mà chị quan trọng vậy, chị Kim?
    - Từ nay tao không muốn cái anh chàng ấy có mặt ở nhà này nữa.
    - Chị không muốn gặp anh ấy thì thôi.
    - Cả mi nữa.
    Chị Kim gằn giọng. Có điều gì vô lý ở đây mà An chưa hiểu. Dù sao anh Thức vẫn luôn đàng hoàng, lịch sự. Có gì phải đáng trách? An tính lên tiếng bênh vực nhưng nghĩ lại chị Kim đâu cần biết điều ấy, nên thôi.
    - Tao nói vì bổn phận. Mẹ nhắc ta phải xem chừng mi. Lớn lên rồi mi hiểu.
    Có cái gì không ổn rồi đây. An lan man nghĩ ở đầu giấc ngủ. Dù sao cũng phải cho anh Thức biết tất cả.

Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Album Tạ Tình- Y Phương
    By giavui in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-03-2018, 12:26 AM
  2. Sức Mạnh Tình Yêu 10/10
    By FilmFan in forum Phim Thái Lan Online
    Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 11-19-2011, 12:29 PM
  3. Cạm Bẩy Tình Yêu 23/23
    By FilmFan in forum Phim Thái Lan Online
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-18-2011, 11:39 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-01-2011, 10:53 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •