Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Yêu là vui vì hạnh phúc của người khác, là coi hạnh phúc của người kia như hạnh phúc của chính mình.
G.W. Leibnitz
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 15 of 15

Chủ Đề: Chùm Hoa Trắng Rụng Xuống Sân Tình Yêu

  1. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 12

    Buổi trưa hôm qua khi vừa ghé trung tâm, nơi làm việc, Thức được anh bạn báo tin: Có một cô bé tới đây tìm cậu:
    - Nữ sinh áo trắng, cặp sách thơ ngây, mắt tròn nai tơ ngơ ngác đi tìm anh Thức.
    - Chúa tôi, bồ nhí nhé.
    - Tầm bậy tầm bạ, bồ lớn còn chưa nói chi bồ nhí. Ðừng có đầu độc trẻ thơ.
    - Nhưng cậu coi chừng bị trẻ thơ … đầu độc đấy.
    - Yên chí lớn, đầu độc bằng kẹo có chết bao giờ cũng chết ngọt ngào.
    - Cái chết ngọt ngào cũng là cái chết.
    - Ta đang mơ như thế.
    - Yêu nữ sinh đang là cái “mốt”?
    - Làm gì có chuyện đó, đừng méo mó nghề nghiệp lăng xê.
    - Hình như cậu đang có hợp đồng lẻ viết truyện phim học trò?
    - Cái trò đó thì có nhưng hiện tại vẫn chỉ trong giai đoạn phác thảo.
    - Phác thảo trên những tà áo à?
    - Cậu lại tào lao nữa. Cách phác thảo của tôi hơi khác, phác thảo bằng hình chụp và bằng những đoạn phim từ.
    - Hay đấy, bao giờ khởi động cậu phải nhớ hợp đồng với anh em mình trong dịch vụ quảng cáo cho phải phép.
    Chiều nay Thức đang sửa soạn tới tòa soạn một tờ báo gặp anh bạn thì An lại xuất hiện.
    - Bất ngờ thế, bé.
    - Anh luôn bất ngờ với người ta thì người ta trả thù chứ sao!
    - Có chuyện gì quan trọng không An?
    - Quan trọng mà cũng không quan trọng. Anh ở trong cái chuồng chim bồ câu này đây à?
    - Một phòng thuê.
    - Thế mà mấy ông ở trung tâm nói rằng anh sống huy hoàng như một ông vua.
    - Vua độc thân. Nghe chi cái miệng mấy ông vua tào lao ấy.
    - Trung tâm anh toàn vua.
    - Ừ, toàn vua. Mời công chúa ngồi.
    - Không thèm.
    An đứng hết ngó cái này cái kia rồi lại đi quanh phòng cầm xem thứ này, bỏ thứ nọ.
    - Bộ mấy tháng nay không có ai quét phòng cho anh à?
    - Tay trái bảo tay phải, tay phải đẩy tay trái, còn chân anh cứ đi suốt ngày.
    - Ðể bao giờ rảnh em tới dọn cho anh nhé.
    - Sáng kiến hay đấy.
    - Em sẽ quét hết mọi thứ trong cái phòng này lùa ra đường. Con trai các anh ăn ở bê bối quá. Ồ, anh còn cả vẽ nữa đấy à?
    - Minh họa lang thang cho một vài tờ báo.
    - Tại sao lại là lang thang.
    - Vì chỉ đôi khi mới được mời thôi.
    - Anh nhiều nghề quá.
    - Toàn những nghề có eo.
    - Tại sao lại có eo?
    - Nghề eo ngheo huyền nghèo.
    - Anh lại có cả nghề đánh vần nữa. Vui thật.
    Những sợi dây đàn treo trên tường reo lên dưới những ngón tay của An cùng với tiếng cười:
    - Cả phòng anh chỉ mình cây đàn này là có giá trị.
    - …
    - Giá trị không bụi. Hình như anh thường ôm nó.
    - Người tình cô đơn của anh đấy.
    - Ôi chao, tội nghiệp.
    - Tội nghiệp quá đi ấy chứ, những đêm chưa ngủ được, nếu không có nàng chắc anh buồn chết mất.
    - Thôi đủ tội nghiệp rồi, không ai muốn khóc đâu. Anh đàn anh nghe, bộ không có cô hàng xóm nào nghe giùm nữa sao?
    - Không hề.
    - Báo cho anh biết trước, bất chợt có hôm nào em làm hàng xóm xa tới nghe anh đàn đó.
    - Tuyệt vời, bé ạ.
    - Còn tuyệt vời hơn nếu bây giờ anh dắt xe đạp của em vô phòng!
    - Chi vậy?
    - Du lịch.
    - Hết năm du lịch từ lâu rồi, ta đi lòng vòng uống nước thôi.
    - Ði đâu cũng được, miễn là đi. Em chán ngồi lắm.
    Buổi chiều. Thức quên luôn người bạn hẹn đợi ở tòa soạn. Buổi chiều. Thức có cả nắng cả hoa, cả chim muông và âm nhạc ở sau lưng. Chiếc xe của anh phóng ra khỏi thành phố, nơi đầy những tiếng động và bụi bặm đang săn đuổi, chụp bắt, chen chúc, nhào lộn và quay tròn mọi người trong đó. Ngoại ô nhẹ nhõm và bay bỗng.
    - Anh Thức này, An nhoài người trên vai Thức, trái tim anh bình an không đấy?
    Thức giật mình:
    - Chi vậy, bé?
    - Em sắp nói với anh một chuyện quan trọng.
    - An mà cũng có chuyện quan trọng nữa à?
    - Dĩ nhiên là chỉ quan trọng đối vời anh thôi.
    - Còn An?
    - Chỉ hơi hơi quan trọng, nếu anh vẫn không quên phần chocolate của em.
    - Như mọi khi thôi, dù có quan trọng đến thế nào chăng nữa.
    - Anh không tự ái khi chị Kim cấm cửa anh chứ?
    - Anh đã linh cảm chuyện ấy từ lâu rồi.
    - Em không hiểu chị Kim sao lại không ưa anh và xem anh như những người bạn khác của chị ấy.
    - Mỗi trái tim có một lý lẽ riêng chứ.
    - Còn trái tim của anh thì sao?
    - Bằng phẳng.
    - Xạo.
    - Sao yên lặng vậy, để em kiểm tra nhịp đập của trái tim anh xem nào.
    - Ngồi yên đi, té xe bây giờ đấy cô bé ạ.
    - Ðừng té xe kẻo rụng mất tim, ông anh. Em nói đây nè: Chị Kim có bồ rồi.
    - …
    - Năm phút mặc niệm. Sao anh lại cười như mếu thế?
    - Xạo.
    - Em mà xạo à, có chứng cớ đàng hoàng. Buổi tối anh chị nắm tay nhau đứng dưới gốc cây vú sữa nhà em và cụng đầu nhau túi bụi.
    - Quỷ quái thật. An rình chị à?
    - Việc chi phải rình, em đứng ở cửa sổ phòng em là thấy hết.
    - Nhỏ ơi, thôi quên chuyện đó đi.
    - Xem phim mà anh bắt em bịt mắt à, vô lý chưa?
    - Tò mò là điều không tốt.
    - Sao anh không nói cả những điều không bao giờ nằm trong bóng tối?
    - Rắc rối vừa thôi nhỏ ơi. Như thế là anh đã hiểu chẳng còn bao giờ nên bén mảng tới cổng nhà An nữa.
    - Sao, anh nhát gan đến quên cả phần chocolate của em à?
    - Còn chocolate nữa ư. – Thức cười thầm thú vị - Không thay đổi.
    - Nếu thế anh phải sửa lại là không bén mảng tới cổng nhà chị Kim nữa mới đúng.
    - Lại rắc rối nữa.
    Mái tóc và tiếng rúc rích vùi trên lưng áo Thức. Phải gọi em là “cô bé rắc rối” mới đúng.
    An chồm lên tay lái nhấn còi:
    - Ngừng đi bác tài.
    - Ở đâu đây?
    - Anh không nhìn thấy những chùm dừa hấp dẫn trước quán kia à?
    - Mắt to có khác.
    An lựa những trái dừa tròn nhất và đòi bà chủ quán bỏ đá vào trong. Cô bé không uống nước dừa bằng ly mà bằng nguyên trái với ống hút, còn việc nạo cơm bằng muổng để tùy tiện khác miếng to miếng nhỏ, khoanh dài khoanh ngắn.
    - Sao anh không uống đi, anh Thức?
    - Ngắm bé uống cũng ngọt rồi.
    - Sao anh ưa cao hứng lung tung vậy. Lại còn cười cười nữa nghĩa là sao?
    - Sao em cứ “sao anh” hoài vậy là sao?
    - Ngạo người ta há.
    Thức châm thuốc hút và phà khói vào đôi mắt tròn đang nhìn mình không chớp:
    - Dữ vừa thôi nhỏ.
    - Anh thật lộn xộn. Ba hồi kêu người ta thế này, ba hồi kêu người ta thế kia. Em mà là cô giáo sẽ chấm anh môn Văn dưới không điểm.
    - Học tập mà cũng có điểm âm nữa cơ à, cô giáo tương lai?
    - Thù này để chờ anh chết trước đầu thai làm học trò của em.
    - Ghê nhỉ. Bây giờ anh mới biết thêm: dữ tợn còn là đức tính của các cô bé mới lớn.
    - Ðừng xếp loại tui, tự ái à nha. Tui không bao giờ thích đứng trong một mẫu số chung nào hết.
    Cái giận như vờ, cái hờn như thật. Thức muốn ghi nhận vào tập “phác thảo” của mình tất cả hình ảnh này. Cô bé thật dễ thương. Nhí nhảnh và phụng phịu, ngơ ngác rồi ranh mãnh cũng nhanh như một cái chớp mắt. An còn khác những bạn đồng tuổi trong cách nhìn thông minh, tự nhiên và rất … lanh miệng.
    - Bạn bè em ra sao rồi, An?
    - Vẫn phá phách vậy thôi. Chúng đang chờ có dịp hỏi tội anh về những tấm ảnh chụp, sao mãi không thấy anh báo cáo gì cả?
    - Còn phim, chờ in một lượt. Anh có ý định hôm nào xin phép vác máy quay video vào trường em đó.
    - Chi vậy?
    - Ghi hình chứ sao.
    - Anh làm phóng sự học đường à?
    - Chưa hẳn. Nhưng cũng gần như thế.
    - Sắp nghỉ hè rồi đó anh, nhớ vào lớp em xem tụi nó phá nhé!
    - Chắc chắn là phải có.
    - Sang năm em mặc áo dài đi học rồi đó.
    - Ôi chao, thế là đã lớn rồi đấy.
    - Và anh bỏ cái từ “bé” đi nhé.
    - Ðôi khi thôi, vẫn dễ thương chứ, chịu không nào, bé?
    - Chưa biết, còn phải xem xét lối phát âm của anh đã.
    Cái nhéo tay bất ngờ làm Thức oằn người không kịp chống đỡ, chiếc xe hơi chao đi trong tiếng cười.
    Chợt Thức nhớ tới điều phải hỏi An:
    - Có cậu Quân nào đó ở gần nhà em phải không?
    An giật mình:
    - Sao anh biết?
    - Anh đặt ống kính ở cổng cư xá nhà em mà.
    - Em không thích xem phim trinh thám đâu nhé.
    - Quân bao lớn?
    - Học trên em một lớp.
    - Quân sửa xe đạp cho em phải không?
    - Trời đất, ai khai mà biết kỹ thế?
    - Cậu ta có cô chị tên Hà phải không?
    - Anh biết rồi còn hỏi. Cái chị hay về chung đường với em đó.
    - Cô ta quả là hoa khôi nữ sinh. Hà vừa trúng tuyển diễn viên điện ảnh nghiệp dư em biết chứ?
    - Trường em ai chả biết.
    - Anh có gặp cô ta ở Câu lạc bộ diễn viên điện ảnh. Tình cờ biết cô ta ở cùng chung cư xá với em thế là cô ta khai vanh vách.
    - Chị Hà thiệt may mắn. Mộng đã trở thành thực. Chị ấy chỉ mơ được đóng phim.
    - Chưa hẳn đâu. Còn thử mệt. Quay tới quay lui, nháp một nháp hai chắc gì được giao vai. Khối diễn viên thượng thặng còn chờ xếp hàng kia. Các diễn viên trúng tuyển kiểu này được… sang tay làm người mẫu thời trang là may mắn.
    - Dù sao cũng vui. Bao giờ anh cho An đến câu lạc bộ chị ấy chơi nha. Thông báo cho anh biết là An sắp có những tháng hè chưa biết tung đi đâu đấy.
    - Anh sẽ lên kế hoạch cho em sau.
    - Kế hoạch gì cũng phải có anh nữa nhé.
    - Cớ gì rắc rối vậy?
    - Ðơn giản là vì em không muốn anh cứ phải ôm mãi “người tình cô đơn”, tay đàn tai nghe một mình hoài như vậy.
    Thức tưởng lưng mình là đám mây để An nép vào đấy, bồng bềnh trong hơi ấm thoảng qua. Cám ơn bé. Cám ơn đời đã cho ta những giây phút hạnh phúc nhỏ nhoi quý hiếm này. Biết định nghĩa làm sao đây?
    Thành phố đã lên đèn và rất nhanh. Thức không muốn cả mình và An lẫn vào trong ấy.
    - Anh không buồn chị Kim chứ?
    - Ðã từ lâu anh nghĩ như vậy rồi, chẳng buồn gì. Chỉ lo cho chị ấy biết em đi chơi lăng quăng với anh như thế này lại phiền thôi.
    Thức đã nói với An như vậy khi cô bé ra về. Câu nói còn ngầm theo anh đến ngày hôm sau khi có bạn bè cùng cơ quan nói: Rồi nhé, chở “thiên thần áo trắng” đi chơi, thấy rồi, hết chối. Thức chẳng chối gì. Chỉ cười trừ. Biết nói cho mọi người hiểu thế nào nhỉ. Và thật thà chẳng có chuyện gì để nói.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 13

    - A lô, xin lỗi phải ông Thức đó không?
    - Vâng, tôi nghe đây.
    - Tôi là Kim…
    - …
    - Tôi là Kim, chị của nhỏ An đây. Tôi muốn nói chuyện với ông một chút, không phiền chứ?
    - Chẳng có gì phiền cả, xin cô cứ nói.
    Ở đầu dây đằng kia, giọng nữ ngập ngừng: - Tôi… muốn… hỏi thật ông, nhỏ An vẫn thường quấy rầy ông phải không?
    - Không thường đâu. Và cũng chẳng có gì gọi là quấy rầy cả.
    - …
    Giây yên lặng. Thức hiểu không ổn rồi đây.
    - Cô yên tâm. An ngoan và rất thông minh.
    - Cám ơn ông, em tôi có thể tôi biết rõ hơn thế. Tôi gọi tới chỉ để xin ông lưu ý một điều … Câu nói ngắt bởi một cái bậm môi có lẽ, rồi thật nhanh, giọng nữ rắn rỏi:
    - Xin ông nhớ cho, An vẫn còn là một con bé.
    Ðối thoại cắt ngang như để dằn xúc động, Thức nghe tiếng “kịch” đặt máy khô gọng dội lại tai mình. Cầm cái ống nghe ngẩn ngơ một lúc, không biết nghĩ gì, Thức bật cười khan, nhẹ nhàng đặt xuống. Rồi anh lững thững bước ra cửa, nhìn bâng quơ lên khoảng trời nhỏ qua những tàng cây kẽ lá.
    Ðôi khi những mảnh đời cỏn con lại trở thành quan trọng.
    - Sao? Lại nhức nhối con tim rồi à?
    Một anh bạn từ trong đi ra vỗ vai Thức. Thúc nhún vai:
    - Có gì đâu.
    Cố tình phủ nhận để òa vỡ trong Thức một cảm giác phiêu lưu, lãng mạn vô bờ. Ngồi nơi góc quán thường ngày, từ sớm, Thức ngóng sang cổng trường chờ những “thiên thần áo trắng” từ “thiên đường nhỏ” ùa ra làm rộn rã đường phố, làm lấp lánh sáng một cõi trần gian này. Cái ảo tưởng mình là kẻ tội lỗi thoáng qua, ở cái nơi khói và bụi bây giờ, vừa là nỗi đam mê rắn độc, vừa là niềm trân trọng trái cấm. Thức không định ra được điều mình nghĩ. Nhưng nào phải anh là kẻ đi kiếm tìm những thứ thường tình trong cuộc sống. Không bao giờ anh muốn bằng lòng đặt chân trên những lối mòn đã trở thành đường cho bao người, anh biết rõ mình điều này. Và trên một lối riêng nào đấy, hẳn là anh phải cô đơn một mình cho đến tận cuối chân trời không tưởng kia, có thể.
    - Bản phác thảo của cậu tới đâu rồi?
    Hà Nhân, anh bạn đạo diễn trẻ ở xưởng phim truyện kéo chiếc ghế xích lại gần Thức.
    - Còn cần nhiều góc cạnh lắm. Tôi đã có ý định lọt vào sân trường để thực tế nhưng chưa biết lấy danh nghĩa gì cả.
    - Cần gì danh nghĩa chính thức. Cậu cứ đóng vai phụ huynh đi lớ ngó khắp trường để tìm văn phòng xem có ai đuổi cậu không nào.
    - Ý kiến hay đấy.
    - Bọn học trò sắp nghỉ hè rồi. Tôi đã cho thu hình những tàng phượng đỏ nở đầu tiền trong thành phố này.
    - Cả những tàng phượng cuối mùa buông trái nữa chứ?
    - Tôi cần gì phải theo suốt mùa một cây phượng như thế, mình có làm phim thực vật đâu.
    - Chẳng cần phải là phim thực vật mà cây phượng vẫn cứ quan trọng đối với học trò. Nó là hoa học trò mà lại, chúng gọi thế đấy.
    - Tôi ghi nhận điều này. Nếu cậu cho kịch bản sớm ta sẽ khởi quay vào mùa hè tới.
    - Vội thế.
    - Cũng còn phải duyệt xét, bố trí tới lui. Tôi sẽ tham gia với cậu phân cảnh sau. Ðầu mùa hè này tôi lại còn nhận cố vấn cho một nhóm phim thể nghiệm, cũng toàn trẻ cả thôi. Có thể tôi sẽ làm việc nhiều ngày ở Vũng Tàu với họ.
    - Thú nhỉ.
    - Nếu cậu thích cứ tháp tùng cho vui.
    - Tôi sẽ “lên chương trình” vụ này.
    - Có gì cứ ghé Câu lạc bộ điện ảnh, tôi thường tới lui ở đó.
    - Rồi.
    - Tôi phải có công chuyện đi ngay.
    Hà Nhân leo lên xe đạp máy, chiếc mô tô hai ống khói dềnh dàng như chủ của nó, nổ to át cả tiếng nói. Ði rồi anh ta còn hét vọng lại:
    - Này thi sĩ, yêu học trò thì được chứ đừng dạy học trò yêu nhé, tội ngập mặt.
    Mấy tuần lễ nay Thức bận rộn không còn hở một chút thời gian để ngồi quán, lặng lẽ nơi này vào giờ tan trường đợi An ngang qua như mọi lần. Dù bận còn quá nhiều việc chạy tới lui chưa xong nhưng từ lúc nghe điện thoại Kim gọi tới, anh muốn buông xuôi tất cả. Tự dưng cảm thấy mình nhớ An, nhớ đôi mắt và giọng nói cười hồn nhiên của cô bé quá đỗi.
    Tan trường đã lâu, những cánh áo trắng đã chia khắp ngã đường và cổng trường đã thưa hẳn mà chẳng thấy An đâu.
    Lòng buồn hụt hẫng trở về, suốt buổi chiều Thức chẳng làm được gì cho xong. Kỳ lạ, ta đâu phải thuở nào hồn như trang giấy trắng mà sao cứ vẫn muốn bay? Bật cười với ý nghĩ là mình đã “tương tư” thật rồi, Thức đốt thuốc liên miên.
    “Xin ông nhớ cho, An vẫn chỉ là một con bé”.
    Trong lời nhắc nhở của Kim ban sáng có cả trách móc lẫn một chút gì như hờn giận. Nếu có điều gì đáng buồn ở đây là tại Kim. Chính những gì đã buột ra khỏi ý nghĩ là một mũi tên, đẩy nó mau tới đích, để vụn vỡ những gì không thể hình dung được. Ðó là tình cảm của anh với An. Một cái nhìn cũ kỹ đã bao thời, và có lẽ còn mãi tồn tại đến bao đời nữa là, quan hệ giữa người nam và người nữ chỉ có một định danh: Tình Yêu.
    Mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, Thức bật dậy khi nghĩ rằng An đau không đi học được và đang nằm đợi “ước gì có chocolate tới thăm”.
    “Xin ông nhớ cho, An vẫn chỉ là một con bé”.
    Sáng hôm sau, chừng vô học đã được một giờ, Thức đóng bộ tươm tất vào trường tìm An.
    - Tôi muốn gặp thầy giám thị.
    - Xin phép nghỉ học hả, vào đi. Văn phòng rẽ tay phải.
    Theo hướng tay người gác cổng. Thức bước vào văn phòng. Giám thị không phải là thầy mà là một “cô” có tướng khá là phúc hậu đang trễ mắt kiếng cúi xuống một cuốn sổ lớn.
    - Thưa cô …
    - Cậu tìm ai?
    - Tôi là phụ huynh học sinh…
    Cô giám thị sửa lại kiếng, nhìn người đối diện cho rõ hơn. Thức cũng nói cho rõ hơn:
    - Tôi là anh của trò An.
    - Lớp mấy?
    - Phạm thị Thanh An, lớp 9A3.
    - Ðơn đâu?
    - Ðơn gì ạ?
    - Ðơn xin phép nghỉ học chứ còn chi nữa?
    - À không. Tôi muốn gặp em ấy một chút.
    - Ở nhà không gặp đến đây gặp chi vậy?
    - Tôi ở xa mới về, lại phải đi gấp, tôi muốn gặp em có chút việc.
    - Con nít con nôi mà có việc gì. Cậu ra ngoài phòng khách ngồi đợi tôi cho người xuống lớp gọi.
    Cầu mong cho cô bé không vì lý do gì nghỉ học, chứ không lại rắc rối to.
    May quá. Thức đưa một ngón tay lên môi ra dấu khi thấy An xuất hiện ở cửa với đôi mắt tròn bỡ ngỡ.
    - Có chuyện chi vậy, anh Thức?
    - Suỵt, nhỏ chứ. Chẳng có chuyện chi cả. Anh tưởng bé đau.
    - Ðâu có.
    - Sao bữa qua không thấy An về học?
    - Anh đi đón An à?
    - Suỵt, khẽ chứ.
    - Không có chị Hà, em về học với mấy đứa bạn, đi vòng đường khác rồi.
    - Thảo nào.
    - Uổng quá, mất phần sữa đậu nành bánh bông lan của em.
    - Chỉ hay ăn.
    - Cũng hay học nữa chứ. Xin được khiêm nhường thông báo cho anh biết: Sáng nay đã có kết quả học kỳ 2, em được xếp hạng 3.
    - Giỏi.
    - Phải thưởng cho em cái gì đi.
    - Có ngay đây.
    Thức rút trong bụng áo sơ mi ra thanh kẹo chocolate dúi vào tay An. Rất nhanh nó biến vào sau vạt áo của An khi cô giám thị làm phận sự ngoài hành lang kịp ghé mắt nhìn vào.
    - Ngày mai anh đón em chứ?
    - …
    - Sắp nghỉ hè rồi đấy.
    - Ðợi em ở xe sữa đậu nành nhé?
    An chu môi:
    - Tuyệt vời quá.
    Anh Thức về rồi, cô giám thị đứng đón An ngay ở chân thang hỏi dồn dập:
    - Ai vậy, có chuyện gì vậy?
    - Thưa cô, ông anh con.
    - Anh em mà có chuyện chi phải gấp gáp tới trường cười cợt với nhau vậy?
    - Dạ, anh ấy mới về phép.
    - Làm gì mà về phép, tóc tai thế không phải là lính rồi.
    - Dạ, anh ấy… đi tù, chỉ được phép thăm nhà ít giờ.
    - Tù gì? Tù hình sự à?
    - Dạ không, anh ấy hiền lắm. Anh ấy chỉ bị tù oan thôi, sắp được tha rồi.
    “Hừ”. Cô giám thị nhìn xuống tay An dấu trong vạt áo và chưa kịp hỏi “cái gì đây” thì An đã mau miệng hơn:
    - Cô mới mua đôi giày đẹp quá, chân cô đi thiệt hợp.
    Và không ai chạy đuổi theo với đôi giày đẹp bao giờ. Còn An thì đã khuất lẹ ở cầu thang.
    Hú vía. Giờ chơi có ngay một cái chợ nhỏ ở góc sân với đầy đủ bạn trong nhóm. An thuật lại câu chuyện “ông anh ở tù” và chưởng “tung hỏa mù” đánh lừa cô giám thị, cả bọn được một phen cười nghiêng ngửa.
    - Mi có ông anh thiệt tuyệt diệu An ạ, mai kêu ông ấy để râu cho giống phim “Chim tải cút hay hót” nhé?
    - Chỉ có khác là Chim tải cúc của mình lại đóng thế vai chính.
    - Vai phụ xuất sắc lên vai chính mấy hồi.
    - Nhờ vậy bọn mình mới có phần chocolate ăn chứ.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 14

    Có một cậu bé nào đó, được bọn con gái gạ gẫm pha mật với đường, đã mạnh dạn leo lên cây phượng ở góc trường hái xuống những chùm hoa to. Chỉ một thoáng là cây phượng hầu như chỉ còng lá, mà hoa thì đã chất đầy lên những giỏ xe đạp của đám học trò tóc dài đứng dưới.
    An cũng được chia một chùm. An đòi chùm to nhất. Tan học sớm, cô bé đến ngay nơi Thức làm việc. Không có Thức ở đấy, An để lại chùm hoa trên bàn.
    Thế là mùa hè đến.
    Khi Thức tới thì chùm hoa đã bắt đầu héo, nhưng vẫn còn nguyên đấy trên bàn.
    Buổi tối, cỡ chừng hơn 9 giờ, Thức về ngang nhà An, thấy đèn trên lầu vẫn còn sáng. Anh vòng xe vào cư xá và nhấn còi xe “tin tin”. Đã quen với tiếng còi xe này rồi, không cần nhìn thấy gì trong bóng tối dưới đường nhưng An vẫn biết là anh Thức đang đợi mình. Ló đầu trên vùng ánh sáng ô cửa, cô bé đưa tay vẫy trước khi chạy xuống.
    Có khi là một tập báo nhiều màu, một cọng hoa vàng mới lén rút ra từ một bình cắm nào đó, hoặc chỉ là một chiếc lá khô vô tình rơi trước mặt. Cũng có khi là mộc con gà con bằng len, một con búp bê mềm nhỏ xíu xíu trên tay cầm khăn tắm, nhắm mắt mím môi ngộ nghĩnh. Nhưng thường là những gì có thể ăn được như một cục kẹo có giọt rượu, chục cái trứng chim đựng trong bọc có kèm gói muối tiêu. Bịch chè chuối hay một hộp kem cũng có thể “mở tiệc” ngay tại chỗ.
    Một vòng nhỏ quanh cư xá “cho chóng mặt để về ngủ say”. Một vòng lớn là những con đường “đi cho mát để về dễ ngủ mơ”. Những câu chuyện vu vơ chẳng đâu vào đâu, nhưng lại dài như vô tận.
    - Anh Thức đã bao giờ thấy màu xanh nước mưa chưa?
    - Người ta chỉ nói xanh da trời, xanh cẩm thạch, xanh biếc, xanh lơ chứ anh chưa nghe ai nói màu xanh nước mưa bao giờ.
    - Kệ người ta chứ. Em thấy màu xanh nước mưa rồi đấy. Nó xanh trong, xanh ngọt, xanh lành mạnh, xanh thơm thơm... Cái chi mà anh cười?
    - Ly chè đậu xanh phải không?
    - Thôi đi, lãng òm. Người ta đang kể giấc mơ anh làm mất hứng.
    - Tuyệt vời màu xanh nước mưa. Hứng tiếp di, anh nghe đây.
    - Trời mưa. Em thấy mình trần trụi đi trong mưa, ướt đẫm. Kỳ cục chưa, mà tóc không hề ướt, lại có gió bay nữa chứ. Tóc em dài như thế này nè. Tóc em dài có đẹp không anh Thức?
    - Đẹp chứ.
    - Sang năm em để tóc dài nhé. Dài phủ qua vai một chút thôi, em không thích ôm hết cả lưng đâu. Vậy đẹp há.
    - Ừa, đẹp lắm.
    - Hoa cúc trắng, anh Thức biết không ngập ngang thân em như thế này nè, bát ngát một thảo nguyên cúc trắng. Thích quá em hái em hái, em hái nhiều lắm, ôm đầy ngực một màu trắng có hương thơm dịu.
    - Xin ngừng lại một chút.
    - Chi vậy?
    - Hơi ngả đầu chút nữa cho tóc xỏa xuống vai.
    - Chi vậy?
    - Mắt mở tròn đừng chớp.
    - Chi vậy?
    - Xong rồi. Anh vừa chụp được một tấm hình nghệ thuật tuyệt vời.
    - Thật nhé, bao giờ anh chụp cho em một tấm hình như vậy nhé.
    Thức không nghĩ rằng tấm hình chụp thật sẽ đẹp bằng tấm hình trong mơ. Song anh biết rằng có một cái gì thật đẹp, thật lãng mạn đang ở trước mặt anh vây lấy anh và long lanh như giọt sương sớm, sẽ tan ngay khi chạm tay vào.
    -... Rồi trăng lên...
    - Mưa trong đêm trăng à?
    - Trong mơ người ta muốn mơ sao thì mơ chứ. Anh dã nhìn thấy màu xanh nước mưa chưa, anh Thức?
    - Gần thấy rồi.
    - Thôi vòng xe về đi, em buồn ngủ nhíp mắt lại rồi đây nè.
    Về tới phòng trọ, Thức bày ngay giá vẽ ra. Còn một khung vải vuông vức anh để dành đã lâu, nay mới biết mình sẽ vẽ gì. Miệt mài tới khuya, anh cố ghi lại hình ảnh của giấc mơ An kể. Hiện dần lên những hoa, mái tóc và đôi mắt. Nhưng anh không thể nào pha được “màu xanh nước mưa”. Cuối cùng bức vẽ chỉ còn thấp thoáng một bờ vai bé nhỏ và màu những bông cúc trắng. Không hoàn tất nổi. Thất vọng, Thư”c bỏ dở bức vẽ.
    °
    Mùa hạ và những cơn mưa đầu mùa bất chợt, An đòi Thức dẫn đi loanh quanh khu buôn bán đường Huỳnh Thúc Kháng để xem (chứ không mua) đủ thứ từ máy móc điện khí đến những đồ chơi và hàng xa xỉ. Cả hai đang lúp xúp đi ven những bờ hiên thì chợt An gọi to: “Quân”, và cô bé chạy băng qua đường đến bên bạn.
    - Quân tìm gì ở đây thế?
    Quân đưa cái mỏ hàn điện lên ngang tầm ngực An:
    - Đưa tay lên, bạn đã bị bắt.
    An gạt ra:
    - Còn lâu Quân mới bắt được An. Cái gì như khẩu súng vậy, ghê thế!
    - Mỏ hàn.
    - Để làm gì với cái thứ quái quỷ này?
    - Mình đang tìm một cái đồng hồ vạn nặng nữa là đủ.
    - Chi vậy?
    - Mình vừa ghi tên học một khóa điện tử.
    - Radio, cassette, tivi.
    - Đủ hết trong ba tháng hè.
    - Quân nên sắm cả thùng đồ nghề kìm, khóa và một chiếc bơm nữa.
    - Để làm chi?
    - Xe đạp, honda, vespa.
    - Sửa xe giùm bây giờ ngạo người ta hén.
    Đứng bên này đường Thức rút thuốc ra hút, lơ đãng nhìn mọi thứ. Và nhìn trời mưa nhỏ hạt.
    - Quân, cái anh chàng sửa xe cho em đó anh Thức.
    An ríu rít, Thức phả một ngụm khói to:
    - Em có những người bạn thật tốt.
    - Hắn ta đang mua những cái gì để đi học điện tử đó anh.
    - Con trai như vậy là có chí đấy.
    - Cù lần thí mồ.
    Thức nghiêm nghị đập một ngón tay lên đầu An:
    - Đừng bừa bãi lời khen, lời chê càng cần phải thận trọng.
    - Lên mặt thầy dở òm.
    An né cái đập ngón tay khác của Thức bằng cách rụt cổ, bỉu môi.
    - Nói thế lỡ đến tai Quân có phải hắn buồn không?
    - Hắn buồn thì đã sao nào, em gọi hắn và nói to cho hắn nghe nhé.
    - Thôi đi nhỏ.
    - Đùa vậy chứ Quân cũng dễ sai bảo lắm.
    - Bạn bè mà nói thế, dễ tự ái, mất bạn đừng buồn.
    - Trời đất, bữa nay tính làm phụ huynh học sinh thiệt sao?
    - Dư sức thiệt. Nhưng thôi,k tốn chocolate hao tài lắm.
    Trời chợt đổ mưa to. Bên kia đường Quân đã leo lên xe đạp và cúi rạp người phóng đi như trốn chạy.
    - Anh Thức xem kìa, hắn khùng chưa. Lựa trời mưa to mà phóng xe như điên.
    Thức cúi xuống giấu nụ cười buồn:
    - Tại hắn nghe được những lời An nói nãy giờ đấy.
    - Em xin phép với ba mẹ là em đi chơi nhà bạn chiều tối mới về.
    - An thường nói dối ngon lành vậy sao?
    - Đôi khi thôi. Mà anh Thức cũng là bạn của em chứ bộ.
    - Anh lớn, đáng lẽ anh phải tới nhà xin phép cho em đi chơi đàng hoàng.
    - Có mà chị Kim... cắt mũi anh.
    ° °
    Đoàn xe củ nhóm phim thể nghiệm trẻ ra khỏi thành phố, trực chỉ hướng biển từ sớm. Đoàn gồm một xe vận tải nhẹ, vài xe du lịch và hàng chục xe gắn máy đeo theo. Phần lớn là tình nguyện đeo theo để được xuất hiện không tên tuổi trong đám đông làm nền, hoặc tò mò và để nhân thể đi chơi. An và Thức cũng ở trong nhóm đi sau ấy.
    - Có hai tay phóng xe “ngầu quá” tài tử chính phải không anh Thức?
    - Chính phụ gì không biết. Nhưng có màn đua xe rượt đuổi nhau trên bãi biển. Anh có được đọc qua kịch bản rồi.
    - Hay không anh?
    - Phải chờ xem phim mới biết được. Có thể họ thành công trong “tính cách trẻ” của phim là sinh đô.ng. Hàng trăm “xen” luôn thay đổi. Nhanh và nhiều tình huống bất ngờ cũng là đặc điểm củ phim dành cho giới trẻ, nhận biết được như thế đã là thành công bước đầu. Tuy nhiên họ vẫn còn thiếu.
    - Thiếu gì hở anh?
    - Tính lãng mạn của giới trẻ. Anh mong rằng ông bạn Hà Nhân của anh sẽ giúp họ vớt vát được phần nào kịch bảnh về phía cạnh này.
    - Anh cũng có thể đi làm phim được đấy anh Thức ạ.
    - Còn lâu. Học nghề gì đầu tiên cũng phải chịu khó di theo để người ta sai vặt đã. Mà anh thì lại lười cái khoản này.
    - Liệu chị Hà có phải bị sai vặt nhiều không?
    - À, chuyện hậu trường của các nữ diễn viên chẳng nên biết làm gì, nó cũng gian truân lắm.
    - Thành thật mà nói, vừa rồi gặp chị ấy, em thấy thất vọng quá. Kiêu kỳ thì cũng chẳng đáng gì, nhưng cái lối trang điểm, ăn diện làm phí phạm chị ấy đi một nửa.
    - Em nói cái gì vậy?
    - Nhìn kỹ trong con mắt chị ấy hơi tối đi.
    - Nhận xét của em thật độc đáo.
    - Em không biết diễn tả làm sao, có lẽ tại quen nhìn chị ấy đi học mặc áo trắng rồi. Làm như cái dễ thương của người con gái biến đi cùng với sách vở và bạn bè trường lớp. Chị ấy vẫn đẹp vậy, nhưng cái đẹp... làm sao ấy.
    Thức cười cười. Có những nét đẹp hiện ra từ tâm hồn, cái mà người ta không thể tô vẽ phấn son trang điểm mà có được. Thức đã ghi trong “phác thảo” của mình như thế.
    Yên lặng. Không thấy An nói gì thêm và Thức cảm thấy bờ vai mình bắt đầu hơi nă.ng.
    Ngủ ngoan đi bé, biển đang ở trước mặt chúng ta.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 15

    Trong lúc Thức mải quan sát những gì người ta đang xây dựng ở đây thì An đã một mình ra bãi. Khi quay lại thấy cô bé đã ra tới chân nước.
    Chiếc mũ cỏ bờm xờm không bao giờ chịu yên trên đầu An, gió hất đi mấy lần. Tay xách dép tay giữ mũ, An vừa đuổi theo vừa trốn chạy những con sóng nhỏ ở bờ cát một cách thích thú. Chỉ nghe tiếng sóng nhưng Thức cũng tưởng nghe được cả tiếng của An cười lẫn trong ấy.
    Buổi chiều ở đây, bãi đã thưa người. Dáng của An không thể lẫn với một ai. Màu vàng chanh của chiếc áo sơ mi vừa rộng thùng thình, vừa dài gần phủ mí gấu quần soọc trắng khiến Thức bật cười với cái tên “mốt áo đi-mượn” mà một anh bạn nào đó trong trung tâm dịch vụ đã giễu cợt gọi như thế. Đôi chân mịn màng nhỏ nhắn của An nhanh như sóc, thoăn thoắt trên cát mịn, khi thì đuổi theo một con còng, khi cúi xuống lượm một vỏ ốc vỏ sò nào đó ngắm nghía lúc lâu, tưởng muốn giữ lại rồi lại quăng xuống biển ngay sau đó.
    Bé là một quà tặng quý hiếm mà đời sống dành cho ta. Thức tìm một tảng đá và ngồi lại ở đấy, nhìn ra biển. Anh bắt đầu hút thuốc, những ngụm khói ngược gió phả lại khuôn mặt khiến nó trở thành méo mó, dị dạng và mơ hồ khó hiểu.
    Làm sao có thể giữ được một khoảng cách vừa đủ để còn mãi, còn mãi như tiếng cười hồn nhiên và đôi mắt nai thơ ngây của An. Rồi một ngày nào đó bé sẽ lớn lên, chắc chắn là thế như cỏ cây, và anh biết anh sẽ mất bé vĩnh viễn bé ạ.
    “Hãy khoan là hoa, xin hãy khoan là trái. Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”. Ngẫu hứng nào nhà thơ nữ đã tha thiết với tuổi hoa của một đời người như thế? Mùa kết trái có khi ngọt khi chua, khi sai khi đèo đọt, sâu nữa. Nhưng hình như khi đã trưởng thành rồi người ta thường ít nhiều thèm thuồng nhìn lại tuổi thơ của mình với tiếc nuối. Còn tuổi thơ của Thức, và suốt một thời lớn lên ở ngôi làng ven biển hầu như đã chìm hẳn. Chìm trong đêm tối của thiếu thốn, bom đạn và khắc nghiệt của thiên nhiên. Chỉ còn khói cháy mù mịt tiếng nổ chát chúa và những hốc mắt hoắm xuống vì lo âu, sợ sệt.
    Trong tâm tưởng Thức chỉ còn âm lại tiếng sóng biển vỗ đều đều vào bãi, đã bao năm.
    - Anh Thức, tiếng An la lớn từ cuối bãi, nó kìa.
    - Cái gì?
    - Chiếc nón của em, nói kìa...
    Cứ bị gió đe dọa rình rập giật chiếc nón mãi, An bực mình bèn tung nó lên cao. Chiếc nón liệng một vòng trong không trung, chỉ chớp mắt là nó đã quăng mình thật xa và tiếp tục lăn mình trên cát. Thức phải khá vất vả mới tóm được, khi nó dã tấp vào đám cây thấp ven đường.
    - Thôi, giữ giùm em đi , hết nắng rồi. Và cả cái này nữa, An đưa đôi dép cho Thức, “Chúc cá em học giỏi và chăm ngoan”.
    - Khỏi chúc cũng đắt hàng.
    Thức nói và tụt cả đôi dép của mình đang mang xâu chung vào một cây que, vác lên vai. Cả hai cùng thong thả bước chân trần trên cát.
    - Biển ở đây có vẻ trong và xanh hơn Vũng Tàu, phải không anh Thức? - Cũng vậy thôi. Có điều ở đây hiền và sạch hơn. Vì không bị lố nhố bởi ghế bố và dù, ít vỏ đậu phọng và cùi bắp hơn.
    - Có bao giờ người ta “ăn” luôn cả biển không anh?
    - Cũng có thể. Nhưng đến khi người ta khiến nó cau có khó chịu thì nó lại nuốt chửng luôn cả người đi cho rồi. Đó là trường hợp những thành phố bị chôn vùi dưới lòng biển.
    - Biển của em phải là biển hoang sơ, ít dấu chân người. Em không thích biển ồn ào và màu sắc như một cái chợ.
    - Như thế An phải về quê anh. Có những bãi còn trôi dạt vào rong và sứa, vỏ sò ốc nhiều vô kể. Anh đã có một thời nhỏ ở đấy.
    - Hẳn là nhiều kỷ niệm vui lắm phải không anh?
    - Chẳng có gì. Đúng hơn chỉ toàn là một màu biển. Những buổi không tới trường, anh lang thang ngoài bãi suốt ngày. Có khi tìm một bóng mát đánh giấc cho tới chiều. An biết hồi đó anh mơ gì không? Thực buồn cười, anh hay gối đầu trên tay ngó – ngược lên trời anh ước giá mình có thể hóa thành con chim được đi đây đó, bay tới khắp nơi mình muốn. Gần hai chục năm sau, hóa ra những thằng bạn anh đứa nào cũng có một ước mơ như thế. Phần đông bọn anh lại gặp nhau ở cùng một thành phố.
    - Vui nhỉ, toàn chí lớn gặp nhau.
    - Ừa, chí lớn chí bé gì cũng gặp nhau trên... đỉnh đầu.
    Thức cười và chỉ cho An cái vỏ ốc nằm chơ vơ ở mé nước. An thích thú vớt con ốc lên, vớt theo cả nước còn đựng trong ấy.
    - “Đại dương trong lòng con ốc nhỏ” nè anh.
    “Nè anh”, Thức thấy cả đại dương xanh biếc trong đôi mắt mở rộng bỡ ngỡ của An nữa. Một đại dương gọn trong lòng bàn tay rất gần rất đẹp nhưng lại là một đại dương không bao giờ có thực. Song người ta vẫn có thể chết đuối trong đó, chỉ vì chút dại dột cỏn con. Khi Thức vừa chợt nhận thấy hơi ấm đôi bàn tay bé nhỏ làm chao động mặt nước, anh vội buông ra. Cả một “đại dương” sóng sánh vỡ ra theo.
    - Đại dương tron gtúi anh là chắc nhất.
    An bỏ cái vỏ ốv vào túi quần của Thức. Cô bé thích thú vô cùng công việc này, nhất là những con ốc bé xíu xíu ưa lặn ở mé cát ướt, vỏ chúng trơn và ánh một màu hồng dễ thương như những móng tay vụng dại. Tất cả nằm trong túi Thức. Người con trai tưởng như mình đã đánh rơi mất phân nửa tuổi đời của mình cho những tiếng cười trong veo.
    - Nếu mình cứ đi hết buổi chiều này tới buổi chiều khác, An biết sẽ có gì xảy ra không?
    - Một cái mành xâu bằng vỏ ốc trong túi anh.
    - Không phải. Mười ngón tay An hóa thành vỏ ốc và nằm gọn trong ấy.
    Nhưng không bao giờ có nhiều buổi chiều như thế. Còn buổi chiều của An và Thức đang chìm dần xuống mặt biển kia. Và họ phải về thành phố kịp cho đêm xuống, trước khi biết có những giọt nước mắt buồn phiền ở đâu đó có thể trào ra, làm vỡ mất những gì vốn đã mong manh, chỉ còn là sương khói nuối tiếc ở một thời, chôn vùi một thời.
    ° °
    Giọng Kim gấp gáp, hốt hoảng khiến Thức không hiểu ngay chuyện gì xảy ra.
    - Sao? Cô Kim nói An không về nhà đêm qua à? Không, An không hề đến chỗ tôi. Tôi không biết gì hết.
    - Nó nói với nhà là nó đi dự sinh nhật bạn. Nó diện đẹp và đi từ chiều. Nó thường nói dối thế để đi chơi với ông, tôi biết.
    - Xin cô Kim cứ bình tĩnh. Tôi không hề biết chuyện này. Cô có hỏi mấy chỗ bạn của An chưa?
    - Bạn bè nó linh tinh lắm, chắc chắn không phải là những đứa bạn trong lớp. Ông phải chịu trách nhiệm về vụ này.
    Kim cúp máy và Thức tưởng như trách nhiệm đã đổ xuống vai mình. Anh vội vã phóng xe đi một vài địa chỉ bạn An mà anh có thể đoán chừng. Nhưng không. Cuối cùng Thức nghĩ phải hỏi Quân. Cậu ta ngơ ngác không biết gì và nói rằng đã lâu cả hai không còn chơi đánh cầu với nhau ở sau cư xá, dù cậu ta có rủ An mấy lần. Nhìn trong mắt và điệu bộ của Quân, Thức biết cậu ta cũng băn khoăn, lo lắng không ít về chuyện này. Sau đó Quân cũng lấy xe gắn máy đi làm việc cầu may, may ra hỏi trúng một địa chỉ của bạn An.
    Buổi trưa, Thức ở lại cơ quan trể. Chuông điện thoại lại reo, anh vồ lấy máy và hồi hộp nghe tiếng Kim ở đầu dây kia.
    - An đã về cùng với một con bạn thường tới rủ đi chơi: Hoàng Ly. Sinh nhật Hoàng Ly. Chúng chơi trò tắt đèn và đốt pháo bông cầm tay tìm nhau. An bị sém tóc và bị trượt chân té trên thang lầu, trầy sượt nhẹ nhưng bàn chân không thể đi được. Sáng nay Hoàng Ly đã đưa An về bằng xe xích lô. Sau đó người nhà mới gọi điện thoại cho Kim, thông báo vắn tắt như trên.
    - Cám ơn cô Kim đã cho tôi hay. Thực sự tôi cũng hơi lo.
    - Nhân tiện buổi trưa rảnh rổi, tôi có đôi điều muốn nói chuyện với ông. Ông không phiền chứ?
    - Tôi sẵn sàng nghe đây, cô Kim.
    - Tôi mong rằng cuộc đối thoại giữa chúng ta cởi mở và chân thành. Ông đừng nghĩ là tôi hằn học và có sẵn thành kiến đối với ông. Nhânn đây tôi cũng xin thông báo với ông là tôi đã hứa hôn và chúng tôi sẽ chính thức trong những tháng tới.
    - Xin chúc mừng cô Kim.
    - Thực lòng không có gì khiến ông bực mình chứ?
    - Chỉ hơi bất ngờ đôi chút thôi cô Kim ạ. Chắc cô Kim có thể hiểu tôi phần nào rồi.
    - Vâng, tôi hiểu ông phần nào thôi. Thành thực tôi muốn biết rõ quan hệ của ông với em gái tôi ra sao?
    Ngả máy bên vai, Thức thong thả châm một điếu thuốc. Anh tìm chút bình tĩnh và điềm đạm của câu chuyện vưa khơi lên với khói thuốc lãng đãng.
    - Biết nói thế nào cho cô Kim hiểu nhỉ. Chắc cô Kim cứ ngỡ rằng tôi còn ở tuổi lang thang trong vấn đễ tình cảm chứ gì?
    - Ồ, không. Ông đã quá chững chạc để nhìn vấn đề này. Nhưng ông không bình thường như mọi người khác. Tôi có cảm tưởng như ông đang chơi một trò gì đó, một trò chơi tình cảm khá nguy hiểm mà không ai lường trước được.
    - Cô cho là tôi không tưởng à?
    - Không hẳng như thế.
    - Có thể có một chút như thế đấy. Nhưng cô đừng nghĩ là tôi chỉ bâng quơ, vô trách nhiệm.
    - Và ông đã biết rõ là An còn nhỏ tuổi mà.
    - Tôi biết và tôi rất thận trọng với thơ ngây và hồn nhiên của tuổi An, ở cái tuổi mà người nói đó là “những tháng năm đẹp nhất của một đời người “.
    - Tôi không dám nói là ông đã quá lãng mạng, ông Thức ạ, (tiếng cười khẽ), nhưng tôi cũng không sợ để ông phải buồn khi nói: Nó chỉ là con bé hay ăn, lắm miệng và đôi khi biết nói dối như cáo.
    - Có gì lạ đâu. Làm sao thoát được những điều thường tình củ tuổi mình ở mỗi thời. Có điều là chúng ta đã nhìn với những lăng kính khác nhau.
    - Có lẽ nên để cho các ông con trai mơ mộng viễn vông về bọn con gái chúng tôi thì hơn, (lại cười). Nhưng tình cảm là chuyện không thể đùa được, ông thừa biết chuyện đó. Và tôi thì không bao giờ muốn ông dẫn một cô bé nhỏ tuổi đi xa hơn khung trời của nó. Nhất là con bé đó lại là An, em tôi, một đứa còn ham vui, ham mới, ưa tò mò và hay bắt chước. Ở tuổi nó thật quá nguy hiểm để chấp thuận phiêu lưu, đặc biệt là trong vấn đề tình cảm.
    - Thế gia đình và những người có trách nhiệm đặt ra vấn đề gì nào? Kiểm soát, cấm đoán, ngăn ngừa, hướng dẫn ra sao?
    - Thật khó nói, tôi không phải l à một người làm công tác giáo dục. Nhưng tôi hiểu sách báo, phim ảnh và bạn bè ảnh hưởng không ít đến chúng. Niên học tới là An đà mười sáu tuổi, nó chẳng còn nhỏ nhít gì nữa mà không biết ngượng trong quan hệ nam nữa. Nó cần đứng đúng vị trí của nó.
    Im lặng một lát ở hai đầu dây, rồi người con gái tiếp tục:
    - Bọn trẻ bây giờ chúng sớm dở chứng lắm, ông có nhận thấy điều đó? Tôi sợ bạn bè sẽ làm hỏng con bé. Ở nhà nó chỉ là một út ít ương bướng và chẳng chịu nghe ai. Ông có ảnh hưởng rất lớn với nó, trong chuỗi quan hệ vừa qua ông có giải thích gì để cho người khác yên tâm không, ông Thức?
    Giữ một khoảng trống vừa đủ, Thức chậm rãi trả lời:
    - Có lẽ chẳng ai hiểu tôi đang săn đuổi một điều gì, bởi ngay chính tôi cũng chẳng rõ nét. Có thể mọi người nói rằng tôi ngây ngô, dại dột. Cũng đúng thôi. Cũng đúng thôi cả những gì tôi đang nâng niu, trân trọng. Tôi muốn nhìn ngắm một mầm cây vươn lên tự do, với tất cả vẻ đẹp của nó, mơn mởn xanh tươi và hồn nhiên, sống động. Tôi muốn tìm lại cái gì đã mất tự lâu lắm ở mình... Biết nói sao để cô hiểu được nhỉ...
    Im lặng.
    - Ông làm tôi sợ.
    Rồi im lặng rất lâu ở hai đầu day. Cuối cùng người nữ kết thúc câu chuyện:
    - Ông quả là người xa rời thực tế, ông Thức ạ. Trong đầu ông có quá nhiều khói. Tôi không dám can dự hay đi sâu vào đời sống ông. Tôi chỉ muốn nhắc lại với ông một lần nữa: An đang là một cô bé, hôm nay, rồi nó sẽ lớn lên... Thôi, xin chào ông.
    Có một cơn mưa nào vừa trút xuống, trôi đi từng mảng, từng mảng. Thức cảm thấy mình trống rỗng như không. Một cái gì đó thật nhỏ nhẹ, thật mong manh vừa vỡ ra, tan đi theo cùng với lời nói chạm tới.
    Cầu mong cho An đừng biết điều này, Thức nhủ thầm như vậy. Dù sao thì quan hệ giữa hai người sau đó cũng mất hẳn tự nhiên.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trang 16( het)

    Bẵng đi một thời gian, cơ chừng bằng những cơn mưa hạ lê thê vừa dứt. Thức lại gặp An. Vào đầu một niên học mới rộn rã, An ngượng ngập trong chiếc áo trắng lần đầu tới trường, bước đi vụng về vướng vấp làm sao ấy.
    - Dư hai cái tà chẳng để làm gì cả tụi bây ơi.
    - Cột lại đựng sách vở là tiện nhất, khỏi cần mang cặp.
    - Xén phứt đi làm “xường xám” cũng hay.
    - Bữa nào kiến nghị ban giám hiệu đổi mốt áo bà ba đi học vừa gọn gàng vừa đở tốn kém.
    - Hay đấy. Rồi sẽ có mốt thi “Hoa hậu áo bà ba”, tại sao lại không đổi mới như thế nhỉ.
    - Chẳng bà ba, bà tư gì ráo trọi. Tụi bây thấy ta mặc áo dài ra sao?
    - Cây đèn cầy biết đi.
    - Ví von chi kỳ rứa.
    - Mặc áo dài mà chẳng có A có B gì hết trơn, thẳng tuốt tuột từ trên xuống dưới thì không là cây đèn cầy thì là cây gì?
    - Cây đèn cầy vẫn... sáng hơn là một hột mít mũm ma mũm mĩm.
    An đứng ngoài cuộc. Hồi hộp khi gặp anh Thức, An chỉ sợ anh “xì” một tiếng.
    - Sao anh cứ nhìn người ta mãi vậy. Bộ trông tức cười lắm hả?
    - Đâu có, đâu có. Trông An mặc áo dài càng dễ thương chứ sao?
    Cái “chứ sao” của Thức không làm cho An vui lắm. An nghĩ mình đã lớn, Thức phải nhìn nhận nghiêm chỉnh hơn.
    - Chị Kim lấy chồng rồi anh Thức ạ.
    - Anh biết.
    - Không có chị ấy ở nhà để thỉnh thoảng gây lộn cũng buồn.
    - Buồn hay bực?
    - Lúc trước An chỉ thèm có một phòng riêng, bây giờ ở một mình thấy nó... lẻ loi làm sao ấy.
    Thức bật cười:
    - Còn tụi bạn của An đâu?
    - Chúng quậy phá cũng tàn bạo lắm chứ, nhưng An thấy chúng... trẻ con quá, riết rồi cũng bực mình.
    Thực ra thì không phải tất cả đều “trẻ con” để quậy phá nghịch ngợm vô tội vạ mãi như thế. Đóng áo dài vào khối “chị” cũng đã “điệu đà” ra trò, đi đứng khép nép và biết... điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe đôi khi đi bên con trai. Đã có chuyện thầm thì và đỏ mặt có đứa khi bị bạn “đẩy đưa” tới góc này khóc kia.
    Mới đầu năm mà có chuyện râm ran toàn trường: Hè này thầy Toán đã đám cưới với một cô học trò. Vừa dứt niên học là cô học trò cấp ba xinh mộng đã bước lên xe hoa về nhà thầy không đợi kết quả thi tốt nghiệp.
    - Tốt nghiệp đâu cũng là tốt nghiệp. “Yêu thầy mới được làm (bà) thầy chứ“. Chuyện thường thôi. Chị tao kể, hồi bà còn đi học, trường mình chứ còn trường nào nữa. Giữa sân trường kia kìa, có lần trực thăng đã đáp xuống đấy.
    - Chiến tranh lan rộng khốc liệt?
    - Chiến tranh giữa sân trường vào giờ tan học. Cánh quạt trực thăng quay vù vù rạp cây rạp cỏ, tung lá tung cát bay mù mịt. Hồi ấy trường mình chỉ toàn nữ sinh, các cô sợ hãi dạt hết cả, nép vào nhau. Ban giám hiệu ai nấy đều ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy tới. Một phút kinh hoàng rồi sau đó, trong đám đông nữ sinh một tà áo dài trắng ôm cặp chạy ra. Chàng phi công trẻ hào hoa bước xuống nắm lấy tay nàng, đỡ lên ngồi bên cạnh. Cánh quạt lại quay tít, chiếc trực thăng bốc lên, chỉ trông chốc lát là đã thoát khỏi khuôn viên trường, để lại cơn gió và những đôi mắt tròn ngước lên nhìn theo.
    - Rồi sau đó?
    - Trời đất bao la ai mà biết được. Chả lẽ ban giám hiệu... chạy theo ghi số máy bay đi... kiện Bộ Tư Lệnh không quân. Chỉ còn biết thông báo cảnh cáo chung chung không được gây mất trật tự trong sân trường. Nhưng thực sự chẳng chặn được xôn xao trong lòng nữ sinh thuở ấy.
    - Chưa oai bằng nếu trường mình đến ngày nào đó người ta... khiêng ra bờ sông. Sẽ có chiến hạm đậu dài dài. Rồi hai hàng thủy thủ đồng phục trắng lốp, bồng súng trang nghiêm chào đón một áo dài ôm cặp bước lên tàu.
    Câu chuyện kể vắn tắt, nhưng An nghe rồi vẫn còn ngân nga trong đầu mình suốt ngày sau đó. Những “cổ tích hiện đại” đã mang tính chất huyền thoại kỳ thú và ngọt môi không ngờ. Ngay cả hình ảnh hai cô cậu che dù chung trong mưa cũng khiến An nhìn theo mãi và ngẫn ngơ không ít. Rồi bâng khuâng An nghĩ tới Thức, suốt đời anh vẫn muốn coi mình còn nhỏ nhít để ngậm kẹo và cười đùa thôi. An bậm môi, phải cho anh biết là mình sắp mười sáu tuổi. Một ý nghĩ vụt lóe trong đầu, sinh nhật mười sáu mình sẽ tổ chức thật người lớn, không còn vớ vẩn những trò đùa nghịch như hồi năm ngoái nữa. Sẽ có cả Long và Hoàng Ly để tổ chức ca nhạc sống, nhảy nhảy chút nếu hứng. Gạt ra ngoài danh sách những bạn lớp lóc chóc, ăn mặc chẳng ra sao, mốt miếc nhà quê nửa đi mượn nửa tư biên tự... mặc. Sẽ có chị Hà và cả mấy bạn của anh Thức nữa chứ. Còn cái anh chàng Quân tốt bụng? Thực buồn cười, ít bữa nay anh ta chê tốc độ xe “cuộc” và đã dành được thế chủ động cưỡi xế nổ, ngày đôi ba bận lượn qua nhà rồ máy ra chuyện ta đây có mặt nữa chứ.
    “An ra lệnh cho anh đấy, anh Thức ạ. Chị Kim đi rồi còn anh, sinh nhật An anh phải ngồi bên em và hoàn toàn... chịu trách nhiệm về em đấy nhé. Em sẽ nổi như một cái bánh ga-tô và sẽ rực rỡ nhuI một ngọn pháo bông giữa bạn be1 khi có anh ở bên, anh đừng quên đấy... và bản Romance”.
    Nhận được “giấy mời” bằng trang vở mở đôi của An vừa ngộ nghĩnh vừa quan trọng. Thức thấy vui hẳn lên. Anh sửa soạn máy quay, máy chụp và lỉnh kỉnh những phụ liệu mang theo đầy đủ như được mời thực hiện một... dịch vụ đặc biệt. Anh dợt bản Romance với tất cả nồng nàn, đam mê mà những ngón tay mình tưởng chưa bao giờ tha thiết đến thế. Rồi đôi mắt An, đôi mắt mở rộng lung linh ánh nến, An cúi xuống, đôi môi chu dài nũng nịu, rưới những hơi thở sâu tự trong ngực ấm, phả xuống tuổi mình. Mười sáu ngọn hồng, mười sáu bài hoan ca tươi vui cùng chắp cánh bay cao, bay mãi. Cuối cùng chỉ còn những làn khoíi. Thức sẽ thu cho được cận ảnh những làn khói ấy. Khi làn khói cuối cùng tan đi, hiện ra khuôn mặt rạng rỡ với một nụ cười đáng ghi nhớ nhất của An, ngày em mười sáu tuổi. Và tiếng pháo tay nổ ran, nhảy nhót khắp phòng.
    Nhưng không có một hình ảnh nào như trong trí tưởng của Thức. Một buổi chiều hoàn toàn bất ngờ mọi chuyện, đã làm tan vỡ tất cả. Tan vỡ cả An, tan vỡ cả Thức: Tan vỡ luôn cả khung trời huyền thoại mà anh ươm trồng những ước mơ, tưởng như muôn đời còn giữ mãi được.
    Buổi chiều đã tắt nắng, khi Thức vừa tới cổng cư xá thì từ phía trong tiếng máy xe gầm gừ rú dữ dội, một thanh niên cúi rạp trên chiếc xe phóng ào ào tới, Thức chỉ kịp lách về một bên và nghe tiếng đổ rầm ngã ra sau đó.
    Trẻ con và những người quanh đấy bu lại ầm ĩ:
    - Làm gì mà tự chiều đến giờ cứ thấy nó phóng tới phóng lui gầm rú như thằng điên.
    - Đứa nào vậy?
    - Thằng Quân ở trong cư xá này chứ còn ai nữa.
    Thức rẽ đám đông bước vào. Quân nằm sóng soài ra đấy, bất động, bên chiếc se vẫn còn nổ máy.
    - Chết rồi.
    - Không sao đâu. Thức lật Quân dậy và xốc lên, ai đỡ cậu ấy phụ tôi đưa lên nhà thương cấp cứu. May mà cậu ta văng ra khỏi xe trước khi vật xuống, chứ không chắc là đã khó bề thoát khỏi.
    Hơn hai giờ sau, băng bó xong xuôi và lập thủ tục nhập viện, Quân mới tỉnh lại đôi chút. Thấy Thức, Quân vội quay đi.
    - Cậu cứ nằm yên cho khỏe, không đến nỗi đâu. Có lẽ người nhà cậu sắp tới bây giờ. Tôi và người hàng xóm đã đưa cậu tới đây và họ đã về báo cho gia đình cậu biết rồi.
    Quân quay lại, đôi môi run và Thức thấy giọt nước mắt ứa ra trên khuôn mặt nhợt nhạt, lem luốc của Quân. Đúng ra là cậu ta muốn nói gì đó. Thức nắm nhẹ lấy bàn tay lạnh đầy bông băng của Quân và hiểu rằng Quân đang lấy gì đó trong ngực áo.
    - Cái gì vậy?
    Thức lôi ra một gói giấy hoa đã bẹp dúm trong ngực áo Quân. Đôi môi Quân mấp máy, mãi cậu ta mới nói được, thật nhỏ:
    - Nhờ anh trao lại cho An.
    Khi Thức định về thì anh gặp Hà hớt hải bước vào:
    - Quân nó làm sao rồi, ông Thức?
    - Tôi sợ có thể bị chấn thương sọ não nên đã xin đi rọi quang tuyến xem xét ngay rồi. Không sao cả, cô yên tâm. Còn tay chân là đương nhiên, ít ra cũng phải bó một thời gian, chuyện đó người ta sẽ tính sau, sau khi đã lành các vết thương ngoài da.
    - Cám ơn ông nhiều. Hà thở dài, bố mẹ tôi cũng chưa hề ai biết chuyện này. Cả tuần nay mỗi người mỗi nơi. Rõ chán.
    Nhìn khuôn mặt đầy phấn son của Hà, Thức hỏi:
    - Cô mới ở chỗ An về phải không?
    Hà kéo Thức ra ngoài hành lang:
    - Nhỏ An không mời Quân dự sinh nhật nên mới ra nông nỗi này đây.
    Thức chép miệng. Thì ra thế.
    - Ông nên tới đó ngay đi.
    - Tới đâu?
    - Tới với An chứ còn đâu nữa. Con bé như khùng, mời khách khứa, bạn bè tới đầy nhà mà cứ muốn đuổi người ta về ngay.
    - Chưa tan tiệc sao?
    - Có thể bọn trẻ còn nhảy nhót chút chút vì chúng còn chỏ theo ban nhạc rầm rộ lắm.
    Không vội vã gì. Thức muốn thế. Thức không muốn nhìn thấy cảnh ồn ào nhí nhố nơi nhà An. Khi anh tới cỡ chừng đã 11 giờ hơn, bọn trẻ hình như vừa về hết, cánh cổng còn mở toang.
    An ngồi ngay đấy, trên bậc thềm chia cắt bởi ánh đèn từ trong hắt ra. Tay chống cằm, cô bé lặng im khi Thức tới gần.
    Thức cất tiếng, cố gắng tự nhiên hỏi:
    - Vui vẽ chứ An?
    An đứng dậy bỏ vào nhà. Thức lững thững đi theo. Cảnh tượng chẳng mấy dễ chịu sau bữa tiệc tàn. Trên bàn ngả nghiêng lộn xộn những ly những đĩa. Đây đó vài cọng cúc trắng lẫn với những dây ti-gôn vương vãi trên bàn, trên ghế và cả trên nền nhà.
    An đứng dựa lưng vào tường, bặm môi cúi xuống:
    - Anh làm hỏng mất sinh nhật của em.
    - Anh xin lỗi. Nhưng An biết đấy...
    - Em không cần biết gì cả.
    - Quân vừa bị tai nạn...
    Thức cố gắng phân bua. Nhưng hình như không dằn nổi nữa , An gào to:
    - Anh tàn nhẫn lắm anh biết không. Anh coi thường em. Anh đâu biết em đã mong anh đến chừng nào.
    - Thật đáng tiếc, anh nào muốn thế. Cho anh xin lỗi.
    - Em không cần anh nữa, anh về đi.
    An vùng vằng dời chỗ khi Thức tới gần. Thức vẫn nhỏ nhẹ dỗ dành:
    - Anh sẽ đền em mà.
    Câu nói tưởng như vô tình, nhưng bất ngờ như cơn gió thốc vào ngọn lửa. An chồm tới bàn và mở tung ngăn kéo. Mọi thứ được xốc ra, ném vung vãi tất cả quanh chỗ hai người. Đó là những tờ giấy bọc kẹo chocolate nhiều màu, những mảnh giấy bạc óng ánh, vuông vức. Cả những vỏ sò vỏ vốc trong cái hộp nhỏ cũng đổ ào ra một lượt cùng với lời dằn dỗi:
    - Em không cần những thứ này nữa.
    Thức đau nhói. Anh cảm thấy có gì vừa rạn nứt, cất cánh và sửa soạn đổ vỡ, bay vuột. Dù sao thì chẳng nên nói gì thêm trước khi mọi chuyện xảy ra và anh cũng chẳng nên đứn lại để chứng kiếng một điều chẳng đợi.
    - Quân nhờ anh chuyển tới An. Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là sự chân thành của cậu ta.
    An chồm lên giằng phắt lấy gói qua từ tay Thức và không cần biết gì, cô bé ném xuống chân và đá mạnh dưới gót giày, đầy giận dữ:
    - Em không cần Quân.
    Thức nắm lấy hai vai An, ghìm lại:
    - Đừng làm thế, An.
    - Anh thì lúc nào cũng coi em còn nhỏ nhít - An nức nở vừa đấm túi bụi vào tay vào ngực Thức - Anh vô tình lắm, anh tàn nhẫn lắm. Anh không biết là em cần anh, em chỉ cần anh. Em yêu anh.
    Thức chết lặng trong giây lát. Trong giây lát ấy. Thức thấy khuôn mặt người con gái thật gần: mái tóc lăn tăn chẻ lọn từng sợi, mắt môi nhòe nhoẹt phấn son và cổ áo rộng nồng nặc nước hoa. Không phải là An. Và An sẽ chẳng bao giờ còn là An của anh nữa.
    Thức buông vội vai An và anh phóng mình ra ngoài như trốn chạy.
    Gì thế nhỉ? Thức vừa đâm sầm vào một bụi cây gần cổng, anh nhìn lại và thấy những chùm hoa trắng. Loài hoa mà anh đã ươm cho An vào ngày này năm trước, giờ đã rụng vương vãi dưới sân đêm. Lòng bỗng ứ ngập nỗi xót xa vô bờ. Thức quay mặt đi.
    Trở về nơi mình ở, giận vô cớ. Thức đập nát cây đàn anh yêu mến. Anh cũng xé vụn những tấm hình và những trang “phác thảo” mà bấy lâu nay anh hằng ôm ấp. Tất cả đã nát, đã rụng cùng với chùm hoa trắng kia.
    Sau này Thức thường tránh những dịp đi lại ngang qua các cổng trường. Thảng hoặc có lần tình cờ thấy những tà áo trắng trên đường, anh thường cúi mặt vội qua. Tiếc nuối với ân hận, anh cầu mong sao các em còn giữ mãi được những hồn nhiên vô tư của tuổi mình, để màu áo trắng kia đừng vội bay. Bởi vì những vô tư và hồn nhiên trong đời là những gì quý giá nhất, người ta chẳng còn bao giờ tìm lại được khi đã lớn lên.
    hết

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Album Tạ Tình- Y Phương
    By giavui in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-03-2018, 12:26 AM
  2. Sức Mạnh Tình Yêu 10/10
    By FilmFan in forum Phim Thái Lan Online
    Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 11-19-2011, 12:29 PM
  3. Cạm Bẩy Tình Yêu 23/23
    By FilmFan in forum Phim Thái Lan Online
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-18-2011, 11:39 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-01-2011, 10:53 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •