Chàng cáo từ mọi người rồi lấy ngựa đi ngay. Chàng đã được Tây Môn Giới hóa trang cho từ trước lúc đến địa phận Hồ Nam nên chẳng sợ Kỳ Lân Bang nhận mặt. Tuy Giả Bạch Hổ không tham dự đại hội nhưng chắc chắn sẽ cho thủ hạ đến nghe ngóng, biết quyền minh chủ là ai? Tây Môn Giới bắt chàng phải nhuộm tóc và mang mặt nạ.
Tề Thanh Tuyệt đi rồi, Trại Tôn Tử bâng khuâng bảo:
- Người này lượng rộng như biển, chẳng hề để bụng việc gì. Nếu là kẻ nhỏ hẹp tất đã chạnh lòng vì thái độ thiếu tin tưởng của Trương giáo chủ.
Huyết Báo bực bội lên tiếng:
- Vãn bối thì lại hoài nghi nhân cách của họ Tề. Lão ta tuổi đã quá lục tuần mà còn ham gái hơn cả bọn thanh niên. Đêm qua...
Gã sực nhớ ra sự hiện diện của Mạc Chiêu Hương nên không dám nói tiếp nữa.
Tây Môn Giới hừ nhẹ:
- Tề Thanh Tuyệt không đưa Giả đại tiểu thư theo cũng là hợp lý nhưng lão phu e rằng y sẽ thất bại, chúng ta chẳng còn cách nào khác đành lo việc cứu người trước, rồi rút về Thanh Liêm Tự.
o0o
Xế chiếu ngày mười bốn, Tư Đồ Sảng đến Nhạc Dương.
Thành Nhạc Dương xưa kia có tên là Ba Lăng, nằm ở phía Đông Bắc Hồ Nam, nơi có một nửa Động Đình Hồ đổ vào Trường Giang.
Nhạc Dương có lịch sứ lâu đời, nổi tiếng thiên hạ với câu “Động Đình thiên hạ thủy. Nhạc Dương thiên hạ lâu.” Trong hàng ngàn năm, Nhạc Dương là nơi tụ hội của các thi hào văn nhân, là đất tranh hùng của các nhà cầm quân.
Nhạc Dương có con sông Mịch La, một chi nhánh của sông Tương, nơi Khuất Nguyên tự trầm.
Nhưng thắng tích lừng lẫy nhất Nhạc Dương chính là Nhạc Dương lâu, lầu Nhạc Dương đứng sừng sững ở phía Tây thành, quay mặt ra Động Đình Hồ.
Lầu có hình chữ nhật, chính điện ba gian, xung quanh có hành lang, ba tầng ba mái hiên, cao hơn sáu trượng, mười tám phẩy bốn mươi bẩy mét. Đỉnh lầu là bốn đỉnh tròn vồng lên, bề mặt của lầu trên lồi, dưới lõm, là kiến trúc có đỉnh tròn lớn nhất Trung Hoa. Mái lầu được ốp ngói lưu ly mầu vàng, các góc bên cong vút lên.
Hai mặt bên phải và trái phía trước lầu cùng với nó đứng tạo thành hình chữ Phẩm, có đình Tam Túy và đình Tiên Mai làm nền.
Nhạc Dương lâu vốn là lầu duyệt binh, do danh tướng Lỗ Túc của Đông Ngô thời Tạm Quốc xây dựng. Đến thời nhà Đường mới có tên Nhạc Dương lâu. Các thi hào như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ... đều đã đến đây ngâm vịnh, đề thơ. Nhưng từ khi có tác phẩm “Nhạc Dương lâu ký” của Phạm Trọng Yên thời Tống thì danh tiếng của Nhạc Dương lâu càng được truyền xa, nổi tiếng khắp thiên hạ.
Tư Đồ Sảng đã không thể bỏ qua cơ hội hiếm có, đến thưởng lãm danh thắng lầu Nhạc Dương cả Bạch phụng cũng thế, chui ra khỏi tay nải, nằm vắt vẻo trên vai chàng, giương đôi mắt chồn tinh quái mà ngắm cảnh.
Tư Đồ Sảng ngây ngất bước lên tầng hai để xem bút tích của những nhà thơ huyền thoại. Chàng đứng trước bài thơ “Đăng Nhạc Dương Lâu” của Đỗ Phủ, cao hứng khẽ ngâm nga cho Bạch Phụng nghe. Bỗng Tư Đồ Sảng phát hiện có ba người vừa lên đến. Chàng giật mình nhận ra Giả Bạch Hổ, đổng hành với Tiên Nhân Động chủ Tất Linh Kỳ đã bị chàng đả thương ở núi Lư Sơn. Người thứ ba là một lão nhân phương phi, quắc thước, mái tóc và bộ râu năm chòm đầu bạc tuồng như mây. Ông ta không khép kín áo choàng lông cừu và Tư Đồ Sảng thấp thoáng thấy áo trong là đạo bào, vạt trước có thêu hình Bát Quái.
Đông đã về, ngoài trời tuyết rơi nhè nhẹ, ai cũng mặc áo ngự hàn. Tư Đồ Sảng khoác áo lông cừu trắng muốt nên người ngoài khó mà nhìn thấy con chồn trắng trên vai chàng. Tuy nhiên, Bạch Phụng đã mau mắn chui vào ngực áo chàng đi tránh những cặp mắt tò mò.
Bọn Giả Bạch Hổ không hề chú ý đến người khách đơn độc đang say mê thưởng thức những câu thơ Đỗ Phủ. Họ đứng tựa lan can trước mà ngắm cảnh hoàng hôn đầu Đông trên Động Đình Hồ và trò chuyện.
Họ nói rất nhỏ nhưng âm thanh không thoát khỏi thính lực tinh tường của Tư Đồ Sảng. Qua cuộc đối thoại ấy chàng biết rằng Giả Bạch Hổ đến Bạch Dương để cầu hôn với ái nữ của ngài đô chỉ huy sứ Đường Tôn Niệm.
Đường tiểu thư đã hai mươi sáu xuân xanh, dung nhan chẳng xấu nhưng ế chồng vì mang tuổi Canh Dần. Nữ nhân tuổi Dần bị xem là cao số, sát phu nên các nhà quyền quý đều kiêng kỵ, không dám rước về làm dâu. Còn như gả con cho hạng thường dân thì Đường đại nhân không cam tâm. Cuối cùng thì người thiệt thòi nhất là tiểu thư Đường Thiên Trang, phơi vò võ phòng không mà tiếc nuối tuổi thanh xuân.
Tư Đỗ Sảng thầm lo ngại, không ngờ Giả Bạch Hổ lại nghĩ đến chuyện trở thành rể nhà họ Đường để củng cố thế lực. Chắc chắn là Đường chỉ huy sứ sẽ mau mắn gả phứt đứa con gái xấu xí ế ẩm cho chàng công tử giầu có nhất Hồ Nam, dù Thiên Trang chỉ được làm thiếp. Lúc ấy thì Kỳ Lân Bang như hổ thêm cánh, chẳng ai dám đụng đến hay kiện cáo nữa.
Khi nghe nói tối nay Giả Bạch Hổ sẽ đến tư dinh của Đường Tôn Niệm để cầu hôn, Tư Đồ Sảng vô cùng bối rối và nẩy ra ý định giết gã. Chỉ có hạ sách ấy mới ngăn cản được âm mưu của kẻ đứng sau lưng Giả Bạch Hỗ là Thanh Y Nhân.
Nhưng Tư Đồ Sảng vẫn còn do dự vì hiểu rằng Giả Bạch Hổ chỉ là con rối trong tay người khác, liệu có đáng chết hay không? Chàng đang phân vân thì nghe lão đạo sĩ tóc bạc kia nói:
- Sau khi hôn sự đã thành, bần đạo hy vọng công tử cố khống chế cho được Đường Tôn Niệm và cả Tam Ty Hồ Quảng. Mùa thu sang năm, khi quân Mông Cổ vượt Vạn Lý Trường Thành tiến đánh Du Lâm thì công tử có thể xưng vương và chinh phạt các phủ huyện giáp giới. Triều đình nhà Minh ở thế lưỡng đầu thọ địch, phải phân tán lực lượng tất sẽ rất yếu.
Tư Đồ Sảng cố nén lửa giận sôi sục trong lòng, lắng nghe tiếp câu chuyện. Lúc này, Giả Bạch Hổ đang đáp lời lão đạo sĩ, gian tế của Mông Cổ. Gã cau mày lộ vẻ e ngại:
- Tuy Minh triều đang suy yếu nhưng quân đội vẫn còn đông hàng trăm vạn. Tại hạ có thể chiếm được Trường Sa nhưng không cầm cự nổi khi quý quốc chiếm được Bắc Kinh, đừng nói việc chinh phạt các vùng lân cận. Lúc ấy, tại hạ chẳng được gì mà còn mất mạng nữa.
Lão đạo sĩ kia lắc đầu trấn an:
- Bần đạo cam đoan chỉ trong vòng ba tháng là Hoa Bắc sẽ lọt vào tay người Mông Cổ. Nội gián của chúng ta ở Bắc Kinh sẽ ám sát Gia Tỉnh Hoàng Đế và Tam Hoàng Tử Chu Tải Hậu. Gã bất tài, nhút nhát là nhị hoàng tử Chu Cát sẽ lên ngôi và rút quân về cố thủ Hà Bắc. Gã đã bị chúng ta mua chuộc và uy hiếp tự lâu rồi. Chu Cát bằng lòng làm vua một lãnh thổ nhỏ bé là Hà Bắc và Sơn Tây. Bằng chứng của sự hợp tác ấy là có thư làm mai công tử cho tiểu thư Đường Thiên Trang.
Giả Bạch Hổ nghe xuôi tai, mặt mày hớn hở, nghĩ đến viễn cảnh huy hoàng. Nhưng gã vẫn thận thận trọng hỏi lại:
- Vậy chân nhân có mang theo sắc chỉ của Đại Hãn Mông Cổ đấy không? Tại hạ muốn nắm chắc cam kết giấy trắng mực đen, đóng dấu ấn tín.
Lão đạo sĩ mỉm cười vỗ ngực:
- Tất nhiên là có sẵn ở đây! Lát nữa về đến khách điếm bần đạo sẽ trao tờ sắc chỉ phong công tử làm Giang Nam Quốc Vương, cai trị toàn bộ vùng lãnh thổ phía Nam Trường Giang.
Nghe xong, Tư Đồ Sảng chợt thức ngộ rằng cơ hội tiêu diệt Kỳ Lân Bang đã đến, với điều kiện chàng đoạt được bản sắc chỉ trong người lão đạo sĩ kia.
Lúc này, bọn Giả Bạch Hổ đã rời lan can phía trước lầu, đi về hướng cầu thang. Tư Đồ Sảng nhẫn nại đứng im, tay xiết chặt chuôi gươm giả như đang mê mải đọc bài thơ trên vách.
Khi phe đối phương vượt qua hẳn, phơi lưng trống trải, Tư Đồ Sảng ập đến như cơn lốc, bủa lưới kiếm vào lão đạo sĩ tóc bạc và Trung Nguyên Quảng Đỗ Tất Linh Kỳ. Hai người này đang sát cánh chuyện trò, đi phía sau Giả Bạch Hổ. Tất nhiên đường gươm của Tư Đồ Sảng tập trung phần lớn thế thức vào mục tiêu chính là lão tạo sĩ.
Sau khi thụ dụng Kim Ngư, Tư Đồ Sảng đã có tổng cộng gần hoa giáp công lực. Giờ đây, chàng dồn hết sức vào chiêu Cuồg Phong Đoạn Mộc nên khí thế dời non lấp biển, dầu nạn nhân có đối diện đương cự cũng không chống nổi. Nhưng vì tầm quan trọng sống còn của bản sắc chỉ nên Tư Đồ Sảng quyết định ám tập để nắm chắc thành công.
Hai đối tượng của chàng đều là bậc lão thành, tu vi thâm hậu, nên chỉ nghe không khí xao động cũng phát hiện ra có người đánh lén. Họ lập tức rút gươm quay lại chống chọi chứ không dám tránh né vì lo sợ cho Giả Bạch Hổ.
Từ ngày bị Kỳ Hoa chân nhân đả thương, Tiên Nhân Động chủ Tất Linh Kỳ đã khổ công rèn luyện để chờ ngày báo phục, nhờ vậy mà bản lãnh kiếm thuật của lão ta đã tăng tiến thêm. Trong chớp mắt, họ Tất đã rút gươm khỏi vỏ, dệt nên màn kiếm ảnh cực kỳ kín đáo và kiên cố, chặn được những thức kiếm mãnh liệt của Tư Đồ Sảng. Lão thành công vì chẳng phải mục tiêu chính của chàng.
Ngược lại, lão đạo sĩ tóc bạc hoàn toàn lãnh đủ, dù đã tận lực múa gươm bảo vệ thân già.
Cuồng Phong Đoạn Mộc là một chiêu trong pho Giáng Ma kiếm pháp, chủ về lực đạo, thế kiếm nặng như núi đổ trường kiếm của lão đạo sĩ lập tức bị đánh bạt đi và Tư Đồ Sảng thọc liền một nhát vào mắt trái, đâm thủng não đối phương. Vết thương ở mắt sẽ không chảy nhiều máu, làm hỏng tờ sắc chỉ tang vật.
Lão Hán gian rú lên thảm thiết, ôm mặt quỵ xuống sàn lầu. Tư Đồ Sảng không thể lấy tờ sắc chỉ trong áo nạn nhân vì Tất Linh Kỳ và Giả Bạch Hổ đã tấn công ráo riết.
Giả Bạch Hổ quát bảo:
- Tất lão! Chúng ta phải đạt được tờ sắc chỉ trong người Bạch Lộc Chân Nhân trước khi quan quân đến.
Và gã bất ngờ xạ một đạo Ngưng Huyết Huyền Băng Chưởng, cố đẩy Tư Đồ Sảng rời xa thi thể của lão đạo sĩ Bạch Lộc.
Cùng lúc ấy, Tiên Nhân Động Chủ Tất Linh Kỳ cũng tung ra một chiêu như vũ bão.
Tư Đồ Sảng đảo bộ tránh phát chưởng Huyền Băng và vung kiếm hóa giải chiêu kiếm của họ Tất. Ở thế lưỡng đầu thọ địch, và không thể rời xa xác chết của Bạch Lộc Chân Nhân. Tư Đồ Sảng phải dồn toàn lực vào từng chiêu kiếm để đẩy lùi đối thủ và lập tức đối phó với kẻ phía sau. Đường gươm của chàng nhanh như thiểm điện và hiểm ác phi thường. Chỉ va chạm vài lần đã lăm le đâm vào yếu huyệt Tất Linh Kỳ khiến lão bở vía nhảy lùi.
Tư Đồ Sảng không bám theo mà quay ngoắt lại đón chiêu kiếm của Giả Bạch Hổ và hoán vị ngay để. tránh đạo chưởng phong từ tay trái gã. Chàng thừa sức chịu một chưởng để lấy mạng Bạch Hổ song vì đại kế lâu dài mà giả như sợ hãi. Trước sau gì Tư Đồ Sảng cũng chạm trán Thanh Y Nhân và Khô Mộc Thần Công là yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi. Hơn nữa, mục đích của chàng là cầm cự chờ quân binh Nhạc Dương xuất hiện.
Do vậy, Tư Đồ Sảng thi triển Trung Tinh Bộ Pháp, di chuyển quanh xác Bạch Lộc Chân Nhân mà đối phó với hai kẻ địch. Lầu Nhạc Dương rất gần cửa Tây thành nên chắc chắn bọn linh gác cổng thành sẽ đến can thiệp.
Thời gian là bạn của Tư Đồ Sảng song lại là tai họa cho phe địch. Tất Linh Kỳ và Giả Bạch Hổ nghe lòng nóng như lửa đốt, điên cuồng xông vào cố giết cho được lão già lạ mặt kia.
Tất Linh Kỳ dồn hết tu vi hơn hoa giáp vào thân kiếm mà xuất những chiêu ác độc nhất trong pho Hỗn Nguyên Kiếm Pháp. Hai thanh thép chạm nhau, không ngớt bắn ra những tia lửa nhỏ, âm thanh chát chúa ghê người, song lần nào Tiên Nhân Động Chủ cũng là người thoái bộ để bảo toàn mạng sống. Mũi kiếm của lão già cao lớn kia luôn tìm ra sơ hở mà uy hiếp những tử huyệt trên cơ thể lão.
Phần Giả Bạch Hổ đã tra kiếm vào vỏ dùng cả song thủ để thi triển pho Ngưng Huyết Huyền Băng Thần chưởng. Bản lãnh Phách Không Chưởng của gã còn kém Từ Long Chính và Thanh Y Nhân song cũng khá lợi hại. Giả Bạch Hỗ liên tiếp đánh hụt vì đối phương có bộ pháp quá ư ảo diệu. Những phát chưởng lạc địa chỉ đôi lúc giáng vào vách hay sàn gỗ khiến lầu Nhạc Dương rung chuyển, bụi rơi mù mịt. Thi hài của Bạch Lộc Chân Nhân cũng bị vạ lây, trúng vài ba chưởng.
Rốt cuộc, quân binh Nhạc Dương cũng đã đến nơi, đông độ ba chục người. Họ vây chặt chân lầu và quát tháo, yêu cầu ba kẻ cuồng đồ kia đình thủ, bó tay chịu trói.
Tư Đồ Sảng nghiến răng đánh văng Tiên Nhân Động Chủ và đề khí bốc lên cao. Đồng thời, chàng quát lớn bằng giọng uy nghiêm:
- Mau bắt nội gián Mông Cổ!
Trước thời Gia Tĩnh, rợ Mãn Châu vẫn còn yếu ớt, song rợ Mông đã hùng mạnh trở lại, đánh phá vùng quan ải phía Bắc và còn bắt nhà Minh phải triều cống. Nghĩa là, sau gần tám mươi năm bị đánh đuổi, Mông Cổ lại là hiểm họa của Trung Hoa. Thậm chí, vào năm Kỷ Tỵ, tức năm chính thống thứ mười bốn, vua Anh Tông nhà Minh đem quân lên phía Bắc chinh phạt rợ Mông đã thua to và bị bắt sống ở đồn Thế Lộc, Tĩnh Sát Cáp Nhĩ. Quân Mông Cổ đã giam Anh Tông bẩy tám năm mới thả về.
Bởi vậy, khi bọn quân binh Nhạc Dương nghe nói đến “nội gián Mông Cổ” thì lạnh cả gáy, gõ chiêng vang trời để gọi viện binh.
Giả Bạch Hổ và Tất Linh Kỳ chua chát hiểu rằng có đánh nữa cũng không sao thắng nổi đốí phương và sẽ khó thoát thân khi đại quân Nhạc Dương vây chặt. Hai người ấy hậm hực rủ nhau đào tẩu. Họ dễ dàng vượt qua vòng vây thừa thớt của bọn lính tuần.
Tư Đồ Sảng thở phào, ngồi xuống lục ngực áo Bạch Lộc Chân Nhân tìm thấy hai phong thư dán kín. Chàng để lại chỗ cũ chờ bọn quan quân. Lát sau, một toán kỵ binh đông độ gần trăm đã đến nơi và ùa lên lầu vây lấy Tư Đồ Sảng. Chàng liền đưa cao kim bài Bá Tước và dõng dạc nói:
- Bổn tước là người của Đại Lý Tự Bắc Kinh đi điều tra phản tặc. Các ngươi mau đưa ta và tử thi tên nội gián này đến công đường của Tam Ty Hồ Quảng.
o0o
Ngay tối hôm ấy, quan đô chỉ huy sứ Đường Tôn Niệm thống lĩnh năm ngàn quân giáp kỵ tiến về Trường Sa. Trưa hôm sau họ đã vây chặt Tổng đàn Kỳ Lân Bang bên bờ sông Tương, tức Khuất Gia Trang.
Bạch Phụng đã quay về trước, giả làm Tư Đồ Sảng mà báo mộng cho Trương Thiên Sư lúc giữa canh ba nên quần hùng biết mà chận đường Giả Bạch Hổ cùng Tất Linh Kỳ. Tuy họ không bắt được hai người ấy song cũng khiến cho chúng thọ thương đào tẩu, chẳng dám về Trường Sa thông tri cho bọn ở Tổng đàn biết nguy cơ.
Kết quả là gần ngàn tên bang chúng Kỳ Lân đều bị giết hoặc bắt sống, không sót ai. Bọn đầu lĩnh và những đao thủ Quỷ Ảnh Hội, Thập Điện Diêm Cung đã liều mạng phá vầy nhưng đều chết dưới tay quần hùng.
Qua trận này người ta mới biết rõ bản lãnh của Thiện Đề đại sư. Cánh tay dài ngoằng, mạnh mẽ của ông múa tít Giáng Ma Phủ, đánh văng những thanh đao và đả thương đối thủ thật dễ dàng. Nhưng không giết một ai và miệng luôn niệm Phật, xót xa cho nạn nhân của mình. Thỉnh thoảng, Thiện Đề còn quát vang:
- Bần tăng là phó minh chủ võ lâm đây, các người mau bó tay quy hàng để khỏi uổng mạng.
Các chưởng môn đều phì cười nhưng thầm công nhận Thiện Đề đủ tài làm phó cho Tề Thanh Tuyệt.
Tư Đồ Sảng đã một mình xông thẳng vào khu hậu viện Khuất Gia Trang để tìm Triển Phi Hoan và Thập Tự Thần Kiếm. Chàng không gặp họ Triển song lại tìm ra Phan Tứ Mỹ.
Lão ngốc ấy đang thản nhiên đứng ở hàng hiên dãy phòng mé Nam vườn hoa lớn, nói chuyện với một con chim Anh Vũ bị nhốt trong lồng. Tất nhiên con chim kia chẳng nghe được gì vì không gian tràn ngập tiếng reo hò, quát tháo, tiếng binh khí chạm nhau căng thẳng. Thế mà Thập Tự Thần Kiếm vẫn như kẻ điếc đặc, không biết gì cả.
Tư Đồ Sảng thận trọng lướt đến, đình bộ ở khoảng cách một trượng rồi lên tiếng:
- Phan Tứ Mỹ!
Họ Phan quay lại, chẳng hề sợ hãi trước ánh mất đầy sát khí và thanh gươm tuốt trần. Trái lại, lão hân hoan nở nụ cười tươi rói và nói:
- Tư Đồ đại ca đấy ư? Sao Tần Cốc Lý bảo rằng đã giết chết đại ca rồi! Năm ấy, Bá Đao có rủ tiểu đệ đi Hàm Dương tìm đại ca trả thù nhưng Mỹ này nhớ ơn cứu mạng nên không xem chuyện đại ca đoạt mất Vu Sơn Ma Nữ là mối hận. Nàng ta yêu thương ai thì đi theo người ấy, nào phải bị đại ca ép buộc?
Tư Đồ Sảng bàng hoàng, không hiểu đối phương thực tình hay giả vờ. Chẳng lẽ cha chàng với họ là huynh đệ kết nghĩa và Tư Đồ Quát đã từng chiếm đoạt thần tượng của họ là Vu Sơn Ma Nữ Triển Thương Thu? Và phải chăng Thập Tự Thần Kiếm không phải là hung thủ đã giết mẫu thân chàng?
Tư Đồ Sảng cố mỉm cười và dịu giọng hỏi:
- Này Phan hiền đệ! Thế hơn hai năm trước ai đã cùng đi với Tần Cốc Lý đến Hàm Dương?
Tử Mỹ cười khà khà:
- Còn ai vào đấy nữa ngoài gia biểu huynh Thiên Thư Tú Sĩ Lăng Quân Vĩnh. Lão ta cũng thầm ái mộ Triển Thương Thu nên rất hậm hực khi biết đại ca giành được nữ nhân.
Tư Đồ Sảng giật bắn mình sực nhớ ra rằng dung mạo của Lăng Tú Sĩ khá giống Thập Tự Thần Kiếm. Thì ra họ Lăng là anh em với Phan Tử Mỹ.
Bỗng Phan lão hạ giọng khẩn cầu:
- Tư Đồ đại ca! Nay Tần nhị ca đã chết, tiểu đệ không ai bầu bạn, chuyện trò nên rất cô độc. Hay là đại ca cho tiểu đệ về ở chung với nhé. Tiểu đệ học được nghề trồng hoa và nuôi chim, sẽ tô điểm cho Tư Đồ gia trang thêm rực rỡ.
Ánh mắt lão vô cùng tha thiết, buồn rầu khiến Tư Đồ Sảng chạnh lòng. Chàng tra kiếm vào vỏ rồi nói:
- Được! Phan hiền đệ hãy về sống với lão phu.
Rồi chàng dồn Khô Mộc Thần Công bảo vệ châu thân và bước đến đưa tay ra cho Phan Tử Mỹ nắm lấy. Nếu lão giả trá thì đây là cơ hội tốt nhất để hạ thủ. Nhưng Thập Tự Thần Kiếm đã không ám toán mà hoan hỉ nắm lấy bàn tay chàng, xiết chặt rồi cười khanh khách.