Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc không ở thiên đình
Ở ngay bên cạnh người mình đang yêu
Florian
Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123
Results 21 to 30 of 30

Chủ Đề: Hãy chăm sóc mẹ

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Hãy Chăm Sóc Mẹ

    Tác giả: Shin Kyung Sook

    Dịch giả: Lê Hiệp Lâm, Lê Nguyên Lê




    Giới thiệu nội dung

    Tác phẩm Hãy Chăm Sóc Mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?

    Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và bệnh ung thư vú khiến đầu óc mẹ không được minh mẫn như thường.

    Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn…

    Đôi nét về tác giả:

    Shin Kyung Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung Sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy Chăm Sóc Mẹ, Shin Kyung Sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.

    Nhận định về tác phẩm:

    “Cuốn sách của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc này làm độc giả rơi lệ.”

    - Library Journal
    “Cảm động và ám ảnh.”

    - Newsday
    “Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.”

    - Kirkus Reviews

    “Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất Hàn Quốc từ trước tới nay này.”

    - Publishers Weekly

    Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương.

    - Franz Liszt

  2. #21
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Đến trước khi vợ ông bị lạc, ông chưa khi nào thoáng nghĩ rằng chính sự im lặng của mình trong chuyện Kyun đã khiến vợ ông phải chịu bao đau khổ trong cuộc sống. Ông chỉ nghĩ nói lại chuyện đã qua cũng chẳng ích gì. Ngay cả khi cô con gái ông kể lại, “Bác sĩ hỏi liệu có chuyện gì làm mẹ con bị sốc không? Có việc gì mà con không biết không nhỉ?” thì ông chỉ lắc đầu. Rồi khi cô con gái nói, “Bác sĩ bảo nên đi tư vấn tâm thần xem sao bố ạ,” thì ông đã cắt lời và gắt toáng lên, “Tư vấn cái gì, tâm thần cái gì, vớ vẩn…” Ông luôn nghĩ khi tuổi già đến mình cần phải quên chuyện của Kyun đi, và giờ đây có vẻ như ông đã thực sự quên hẳn người em trai rồi. Ngay cả vợ ông từ sau khi bước sang tuổi năm mươi cũng thường nói, “Tôi chẳng thấy Kyun về trong mơ nữa. Có lẽ giờ chú ấy có thể lên thiên đường rồi.” Thế nên ông nghĩ chắc vợ ông cũng đã dần quên mọi chuyện, y như ông vậy. Mấy năm gần đây tự nhiên vợ ông lại bắt đầu nhắc đến chuyện của Kyun, mặc dù ông cứ tưởng bà đã quên.

    Có một đêm vợ ông lay ông dậy. “Chú Kyun ấy ông, nếu mình cho chú ấy đi học thì chắc chú ấy đã không làm thế đâu nhỉ?” Vợ ông lẩm bẩm như thể nói với chính mình. “Kể từ khi về làm dâu ở cái nhà này, chú Kyun là người đối đãi với tôi tử tế nhất… Tôi là chị dâu của chú ấy mà lại không thể cho chú ấy đi học cấp hai mặc dù chú ấy rất khao khát được đến trường. Tôi lại thấy chú Kyun trong giấc mơ. Tôi nghĩ rằng, chú ấy vẫn lưỡng lự chưa đi đâu được.”

    Ông chỉ “Hừ” một tiếng rồi lại quay lưng đi, nhưng vợ ông vẫn nói tiếp. “Sao lúc đó ông lại như thế chứ? Sao ông lại không cho chú Kyun đến trường? Chú ấy đã khóc lóc thảm thiết vì rất muốn đi học, thế mà sao ông không động lòng cơ chứ? Chú ấy đã bảo chỉ cần cho chú ấy nhập học thì bằng giá nào chú ấy cũng tự lo được, vậy mà…”

    Ông không muốn bàn luận với bất cứ ai về Kyun. Bởi với ông, Kyun cũng chính là một vết thương trong lòng. Dù cây mận không còn ở đấy, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ nơi Kyun chết. Ông biết vợ mình vẫn hay thẫn thờ nhìn vào chỗ đó. Ông không hề muốn động đến vết thương ấy. Cuộc đời này có nhiều chuyện còn khủng khiếp hơn.

    “Hừm hừm,” ông đằng hắng.

    Chỉ sau khi vợ mất tích, ông mới nghĩ lẽ ra đêm hôm đó mình nên dành chút thời gian nói chuyện thẳng thắn với vợ về Kyun. Hình ảnh của Kyun vẫn luôn ở trong lòng vợ ông. Có nhiều đêm, vợ ông đột nhiên vùng dậy, chạy vào phòng tắm ngồi nép xuống bên cạnh bệ xí. Hai tay bà giơ ra như đang đẩy ai đó, miệng gào lên, “Không phải tôi, không phải tôi!” Nếu ông hỏi xem có phải vợ ông gặp ác mộng không, bà sẽ chớp chớp mắt và lơ đễnh nhìn vào khoảng không, như thể bà đã quên mất mình đang làm gì. Chuyện đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.

    Tại sao ông không bao giờ nghĩ tới chuyện vợ mình đã nhiều lần phải đến đồn cảnh sát vì chuyện của Kyun? Chuyện vợ ông bị người ta đồn là kẻ giết em chồng? Tại sao đến tận bây giờ ông mới nghĩ ra rằng chuyện của Kyun có liên quan trực tiếp đến chứng đau đầu chết người của vợ mình? Lẽ ra ông phải nghe vợ mình nói chuyện, ít nhất là một lần. Ông nên để cho bà nói những gì bà muốn nói. Những tháng năm thắt nghẹn, kìm nén không được giải tỏa! Sự câm lặng của ông, thậm chí không cho vợ mình nhắc về chuyện đó, đã biến thành nỗi đau giằng xé vợ ông. Càng ngày ông càng hay thấy vợ mình ra đứng ngẩn ngơ thất thần ở đâu đó. Khi ấy vợ ông sẽ nói, “Sao tôi lại quên mất mình định làm gì rồi thế này?” Cho dù có những lúc đầu đau đến mức không lết nổi chân, vợ ông vẫn nhất quyết không đến bệnh viện. Bà còn bắt ông tuyệt đối không được nói cho các con biết về bệnh đau đầu của mình. “Nói với chúng thì giải quyết được gì chứ? Chúng nó đã túi bụi với công việc của mình rồi còn gì?”

    Khi con cái phát hiện, vợ ông lại dập đi, “Hôm qua thì đau thôi, chứ giờ thì mẹ khỏi rồi!” Có hôm nửa đêm đang ngồi thẫn thờ một mình, chợt bà hỏi ông với khuôn mặt lạnh lùng, “Sao ông lại sống với người như tôi trong ngần ấy năm làm gì cơ chứ?” Thế nhưng, vợ ông vẫn tiếp tục làm mắm, đi hái mơ rừng làm nước mơ. Có những ngày Chủ nhật, bà có thể ngồi sau xe máy để ông đèo đến nhà thờ, và đôi khi bà còn gợi ý ra ngoài đi ăn ở một nhà hàng có nhiều món vì bà muốn ăn một bữa cơm do người khác nấu. Thế rồi, khi mọi người trong gia đình bàn là nên gộp tất cả các ngày lễ lạt vào một ngày cho tiện, vợ ông nói rằng khi nào cô con dâu trưởng tiếp quản công việc cúng đơm thì bà sẽ làm thế, nhưng vì bà đã làm cỗ cả đời rồi nên chừng nào còn sống thì bà vẫn cứ tổ chức các ngày lễ riêng rẽ. Nhưng khác với trước kia, vợ ông thường quên cái này cái nọ lúc chuẩn bị cỗ thành thử phải ra thị trấn bốn năm lần liền để mua thêm đồ. Khi đó ông chỉ nghĩ già rồi thì ai cũng như thế cả thôi.

    Tờ mờ sáng chuông điện thoại đã reo vang, Ai gọi vào giờ này thế nhỉ? Ông khấp khởi hy vọng, chộp ngay lấy ống nghe.

    “Bố ạ?”

    Thì ra là cô con gái lớn.

    “Sao mãi bố mới nghe điện thoại thế? Sao bố không nghe di động?”

    “Có việc gì thế con?”

    “Hôm qua gọi điện cho anh cả, con thấy lo quá… Sao tự dưng bố lại về quê thế? Nếu có đi thì bố cũng nên nói với con vài lời chứ. Về quê như thế mà bố cũng chẳng nghe điện thoại là sao?”

    Có vẻ như đến giờ cô con gái mới biết chuyện ông về nhà.

    “Bố ngủ nên không để ý.”

    “Ngủ ấy ạ? Bố ngủ suốt từ khi ấy đến giờ sao?”

    “Ừ, có lẽ vậy.”

    “Bố ở đấy có một mình làm gì?”

    “Biết đâu mẹ mày lại về đây.”

    Cô con gái ông im lặng một lúc. Ông nuốt nước bọt, cổ họng khô rang.

    “Con về với bố nhé?”

    Trong mấy đứa con, cô con gái lớn có trách nhiệm nhất trong việc tìm vợ ông. Có thể một phần vì nó chưa lập gia đình. Ông dược sĩ ở phố Yokchon là người cuối cùng gọi để báo có trông thấy một người giống vợ ông. Con trai ông đã đăng thêm mấy tin quảng cáo trên báo, nhưng chẳng có ai chỉ dẫn gì nữa cả. Ngay cả cảnh sát cũng nói họ đã làm mọi việc có thể và giờ họ chỉ còn biết đợi người ta gọi đến báo tin nữa thôi, vậy mà cô con gái lớn của ông đêm nào cũng đi từ phòng cấp cứu của bệnh viện này tới bệnh viện khác để tìm xem trong số những bệnh nhân vô gia cư có ai là mẹ mình không.

    “Không cần… Chỉ cần nghe được gì thì gọi cho bố ngay.”

    “Bố, khi nào bố không muốn ở một mình nữa thì lên trên này ngay bố nhé. Hay là bố bảo bác sang ở cùng.”

    Ông nghe giọng của cô con gái lạ quá, cứ như nó đã uống rượu. Giọng nói có vẻ líu nhíu.

    “Con uống rượu phải không?”

    “Có mấy chén thôi ạ,” cô con gái ông trả lời lí nhí.

    Nó đã uống rượu đến tận sáng ư? “Chi-hon,” ông gọi giật lại khi thấy cô con gái định ngắt điện thoại. Cô con gái trả lời với giọng yếu ớt, “Vâng.” Bàn tay đang cầm ống nghe của ông ướt đẫm mồ hôi. Chân ông như chuội đi nên ông phải ngồi uỵch xuống sàn nhà.

    “Hôm đó, mẹ con không đủ sức để lên Seoul. Lẽ ra bố mẹ không nên đi Seoul mới phải… Từ hôm trước, mẹ con đã kêu đau đầu, bà ấy phải đổ đá vào chậu rửa mặt rồi rúc đầu vào đấy. Mẹ con đau đến mức không thể nghe được tiếng người khác gọi mình… Ban đêm, bố phát hiện mẹ con đứng trước tủ lạnh và cho đầu vào ngăn lạnh. Chắc mẹ con đau đớn lắm. Mặc dù quên cả nấu cơm sáng, mẹ con vẫn đòi lên Seoul. Mẹ con nói rằng các con đang mong bố mẹ. Nhưng lúc đó bố lại không ngăn mẹ. Giờ bố già rồi nên đầu óc cũng không minh mẫn nữa hay sao ấy. Một phần bố cũng nghĩ thôi thì nhân thể lần này mẹ con lên Seoul, phải bắt bà ấy vào viện khám xem bệnh tình thế nào… Thế nhưng, lẽ ra lúc đưa người đang trong tình trạng đau ốm như thế lên Seoul, bố đã phải để ý tới mẹ con hơn… Vậy mà, bố chẳng nghĩ mẹ con là bệnh nhân, xuống ga Seoul một cái là ngay lập tức bố đi trước mẹ con… vẫn cái thói quen cũ ấy mà… Vậy nên sự việc mới đến nước này.” Những lời mà ông không thể nói khi ngồi trước mặt các con mình giờ đây tuôn ra ào ạt.

    “Bố…” Tiếng cô con gái ông như nghẹn lại.

    Ông lắng nghe.

    “Con nghĩ mọi người đã quên mẹ rồi. Không có ai gọi điện. Bố có biết vì sao hôm đó mẹ con lại đau đầu như vậy không? Bởi vì con là một đứa con hư. Mẹ đã bảo thế đấy.” Giọng của cô con gái ông nhịu lại.

    “Mẹ nói với con vậy ư?”

    “Vâng… Con nghĩ mình không đến tiệc sinh nhật bố mẹ được nên con đã gọi điện từ Trung Quốc về hỏi xem mẹ đang làm gì, mẹ bảo đang rót rượu vào chai để đưa lên cho cậu út. Bố cũng biết là nó thích uống rượu rồi đấy. Con cũng không biết nữa. Chuyện đó thì có gì đâu, nhưng tự dưng con lại nổi cáu. Cậu út đáng ra phải bỏ rượu mới phải… Mẹ thì lại thấy cậu ấy thích uống rượu nên cứ mang cho cậu ấy thôi. Thế nên con mới bảo mẹ đừng mang thứ nặng nề ấy lên làm gì, nó uống say rồi quấy phá thì mẹ có chịu trách nhiệm được hay không? Sao mẹ không chịu nghĩ cho kỹ chút nào? Con đã nói với mẹ như thế đấy… Nghe xong, mẹ nói với giọng yếu ớt, ‘Con nói cũng phải,’ rồi nói thêm, ‘Chắc mẹ phải ra thị trấn mua ít bánh gạo…’ Năm nào đến sinh nhật bố là mẹ lại làm bánh gạo còn gì! Con lại bảo, ‘Thôi thôi mẹ ạ, thật ra có ai ăn mấy thứ bánh đấy đâu, bọn con cứ chia nhau vui vẻ như thế, chứ mang về nhà là lại vứt vào tủ lạnh để đấy thôi.’ Con bảo mẹ không phải bày đặt mấy trò quê mùa ấy nữa, cứ lên tay không là được rồi. Thấy con nói thế, mẹ hỏi, ‘Con vứt bánh tteok trong tủ lạnh à?’ Con trả lời, ‘Vâng, thậm chí bánh mẹ mang cho con từ ba năm trước vẫn còn trong tủ.’ Lúc ấy mẹ đã khóc. Con hỏi, ‘Mẹ khóc à?’ thì mẹ nói, ‘Mày là đứa con gái hư!’ Con chỉ định bảo mẹ cứ lên tay không cho đỡ khổ thôi vậy mà lại bị mẹ bảo là đứa con gái hư, nên lúc đấy con giận lắm. Hôm đấy thời tiết ở Bắc Kinh cũng nóng kinh khủng. Căng thẳng quá con mới đáp, ‘Vâng, mẹ đẻ ra đứa con hư như con thế này thì sướng quá còn gì? Vâng, con của mẹ hư lắm,’ rồi con ngắt điện luôn.”

    Ông im lặng.

    “Con biết mẹ ghét nhất bị ai đó la hét… Mọi người đều đã gào vào mặt mẹ rồi còn gì, phải không bố, tất cả chúng ta. Con đã định gọi điện lại để xin lỗi mẹ nhưng rồi con quên mất vì còn mải cùng mọi người đi ăn uống, ngắm cảnh, chuyện trò. Nếu con gọi điện lại để xin lỗi thì mẹ đã chẳng bị đau đầu như thế… và khi đó, mẹ đã có thể theo kịp bố rồi.”

    Cô con gái khóc òa lên.

    “Chi-hon à!”

    Cô con gái im lặng.

    “Mẹ con tự hào về con nhất đấy!”

    “Bố nói gì cơ ạ?”

    “Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rồi cứ lấy ra ngắm nghía suốt… Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe với người ta đấy.”

    Cô con gái im lặng.

    “Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì… mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn… Mẹ con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc sách cho mẹ con kể rằng, mỗi khi được nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ con lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra… Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả. Chi-hon à?”

    “Vâng?”

    “Nhờ con cả đấy… Mẹ con… Hãy nói với mẹ con.”

    Không thể ngăn nổi mình nữa, cô con gái òa lên nức nở ở đầu dây bên kia. Ông ghé sát điện thoại vào tai, lắng nghe tiếng khóc tuyệt vọng của cô. Tiếng khóc của cô ngày càng lớn hơn. Nước mắt của cô như nhỏ xuống chảy theo đường dây điện thoại. Khuôn mặt ông đẫm lệ. Cho dù tất cả mọi người trên thế giới này có quên, cô con gái của ông sẽ vẫn nhớ. Rằng người vợ của ông đã yêu thế giới này biết mấy, và rằng ông đã yêu vợ bao nhiêu.

  3. #22
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 4: Và người phụ nữ khác

    Ở đây có nhiều thông quá.

    Sao lại có một khu dân cư như thế ở trong thành phố này chứ? Nó ẩn mình rất sâu. Mấy ngày trước ở đây có tuyết rơi phải không nhỉ? Tuyết còn đọng trên cành cây ngọn lá. Trước nhà con, mẹ thấy có ba cây thông. Hình như ông ấy đã trồng mấy cái cây này ở đây để cho mẹ ngồi thì phải. Ồ, mẹ không tin là mình lại đang nói về ông ấy rồi. Mẹ sẽ gặp con trước rồi sau đó đi gặp ông ấy. Mẹ sẽ làm như vậy. Mẹ nghĩ mình nên làm như vậy.

    Với mẹ, các căn hộ và phòng đơn thân mà anh chị em con sống trông cứ giống nhau như lột vậy. Thật rối cả trí, chẳng biết nhà nào là của đứa nào nữa. Sao mọi thứ lại giống nhau đến thế? Sao cả mấy đứa nó lại sống trong không gian giống nhau như vậy? Mẹ nghĩ giá bọn nó sống trong những căn nhà có vẻ bề ngoài khác nhau thì hay biết mấy. Trong nhà mà có kho hay gác xép thì chẳng thú vị lắm sao? Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu sống trong một ngôi nhà có chỗ này chỗ nọ cho lũ trẻ trốn à? Con thường trốn trên gác xép để tránh phải làm những việc vặt mà các anh sai. Ngày nay ngay cả ở nông thôn, những tòa chung cư hao hao giống nhau cũng mọc lên như nấm. Gần đây con có trèo lên nóc nhà ta mà xem không? Từ đó con có thể nhìn thấy tất cả những tòa chung cư cao tầng mới mọc lên trong thị trấn đấy. Hồi con còn nhỏ, làng ta thậm chí chưa có tuyến xe buýt chạy qua. Ở nông thôn mà thay đổi thế thì ở cái thành phố hối hả này mọi thứ còn phải tệ hơn bao nhiêu. Ước gì không xuất hiện những tòa chung cư cao tầng giống nhau đến vậy. Chúng giống nhau tới mức mẹ chẳng biết đằng nào mà lần nữa. Mẹ không thể tìm thấy nhà anh trai con mà cũng chẳng tìm ra căn hộ của chị gái con. Đó là tình cảnh của mẹ lúc này. Trong mắt mẹ thì những ngôi nhà ấy giống nhau từ cái lối vào, giống nhau đến cả cánh cửa, thế mà mọi người vẫn xoay xở tìm được đường về nhà, ngay cả vào lúc nửa đêm. Ngay cả bọn trẻ.

    Nhưng con lại sống ở đây, chỗ này đẹp lắm.

    Mà đây là đâu nhỉ? Phường Puam, quận Chongno, thành phố Seoul… Đây là quận Chongno ư? Quận Chongno… À, thì ra đây là quận Chongno! Khi lập gia đình, ngôi nhà đầu tiên anh cả con sống là ở quận Chongno đấy. Phường Tongsung của quận Chongno. Anh cả con từng nói, “Mẹ ơi, đây là quận Chongno. Cứ mỗi khi viết cái địa chỉ này là con lại thấy thật hãnh diện. Chongno là quận trung tâm của Seoul. Và giờ đây con đang sống ở đó.” Anh con còn nói thêm rằng cuối cùng một anh chàng nhà quê cũng bước chân được vào quận Chongno, thế đấy. Anh con bảo tuy là ở Chongno nhưng nó sống trong một dãy nhà tập thể nằm chênh vênh trên một ngọn đồi dốc đứng hình như có tên là Naksan. Khi leo được lên trên đó mẹ tưởng mình không thở nổi nữa. Khi ấy mẹ nghĩ, “Trời ơi, sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ, trông còn thôn dã hơn cả quê mình!” Thế nhưng giờ đây mẹ cũng phải nói lại đúng cái câu ấy về nơi con đang sống thôi. Sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ.

    Năm ngoái, khi gia đình con trở về Seoul sau ba năm sinh sống ở nước ngoài, con đã vô cùng thất vọng vì với số tiền hiện có con thậm chí không thể thuê được căn nhà chung cư mình từng sống trước đây, con đành phải tìm đến ngôi làng này. Nơi này chẳng khác gì một ngôi làng ở nông thôn, ở đây có quán cà phê, có bảo tàng mỹ thuật, nhưng cũng có cả máy xát gạo nữa. Mẹ còn thấy người làm bánh gạo bên máy xát. Mẹ đứng xem một lúc lâu vì nó gợi lại trong mẹ những ký ức của ngày xưa. Tết sắp đến rồi sao? Có rất nhiều người đang làm những cái bánh gạo trắng dài bên máy xát. Ở cái thành phố này mà vẫn có một làng làm bánh gạo trắng khi Tết sắp đến cơ đấy! Ngày xưa cứ Tết đến mọi người lại đua nhau chất gạo lên xe ngựa hay xe đẩy mang đi xát để làm bánh gạo trắng. Mọi người cứ thổi phù phù vào đôi bàn tay lạnh giá trong khi chờ đến lượt.

    Tuy nhiên sống ở nơi này với ba đứa con thì chắc cũng bất tiện lắm. Con rể phải đi làm tận Sonlong thì đường sá cũng xa xôi quá. Mà xung quanh đây có chợ không nhỉ?

    Một lần con có nói với mẹ, “Mỗi lần đi siêu thị con đều mua rất nhiều nhưng vèo một cái đã hết nhẵn chẳng còn thứ gì. Để mỗi đứa được một hộp sữa chua Yoplait thì con phải mua ba hộp. Nếu muốn mua đủ cho ba ngày thì phải mua chín hộp mẹ ơi! Chết sợ mất thôi. Con cứ mua cả đống rồi lại hết vèo.” Con dang cánh tay ra như muốn nói với mẹ là nhiều vô kể thứ. Nhà có ba đứa trẻ thì đó âu cũng là chuyện đương nhiên.

    Cậu con trai cả của con, má ửng đỏ vì giá rét, toan dựng chiếc xe đạp vừa đi về ngoài cổng thì chợt nhìn chăm chú. Nó đẩy cổng chạy vào gọi tướng lên, “Mẹ ơi!” Con mặc chiếc áo len màu xám tro, ôm đứa út vào lòng rồi mở cửa bước ra.

    “Mẹ ơi! Con chim!”

    “Con chim ư?”

    “Vâng, ở trước cửa nhà mình đấy!”

    “Chim gì hả con?”

    Đứa lớn không trả lời con mà chỉ ngón tay về phía cổng. Con kéo chiếc mũ của cái áo rét trùm lên đầu đứa út đang ôm trong lòng cho nó khỏi rét rồi bước ra cổng. Con chim có màu xám tro đang nằm xõa cánh trên nền đất trước cổng. Những chấm đen lốm đốm chạy suốt từ đỉnh đầu đến tận đầu cánh con chim. Hai cánh của nó đã hoàn toàn cứng đơ. Mẹ có thể thấy con đang nghĩ tới mẹ khi con nhìn con chim. Phải nói là xung quanh nhà con có rất nhiều chim chóc. Sao lại có nhiều chim đến thế nhỉ? Lũ chim đi tránh đông đang bay lượn phía trên nóc nhà con mà không kêu một tiếng.

    Mấy ngày trước con thấy một con chim ác là lạnh run cầm cập đậu dưới gốc cây mộc qua trước cửa nhà, nghĩ chắc nó đang đói bụng, con đi vào trong bóp vụn một miếng bánh bọn nhỏ ăn còn thừa rồi ra rải dưới gốc cây mộc qua. Lúc ấy chắc con cũng đang nghĩ về mẹ. Nghĩ về chuyện ngày xưa khi mùa đông đến, khi những con chim đậu trên mấy cành cây hồng khẳng khiu trụi lá, mẹ vẫn thường bốc một nắm gạo cũ ra rắc dưới gốc cây cho chúng ăn. Vào tối hôm con vứt mấy mẩu bánh cho con chim ác là ấy, có đến hơn hai chục con chim khác bay đến đậu dưới gốc cây mộc qua. Thậm chí còn có một con chim có cánh to bằng bàn tay của con. Từ hôm đó ngày nào con cũng rắc mẩu bánh dưới gốc cây mộc qua cho bầy chim đi tránh đông đói rét. Nhưng con chim này lại đang nằm phủ phục ở trước cổng nhà con chứ không phải ở dưới gốc cây mộc qua. Mẹ biết tên loài chim đó. Đó là con chim choi choi. Thật kỳ lạ. Chim choi choi đâu có bay lẻ đàn, vậy tại sao nó lại nằm ở đây chứ? Loài chim này phải bay ở gần biển mới đúng. Mẹ đã từng thấy loài chim này ở Komso, nơi ông ấy sinh sống. Mẹ đã nhìn thấy những con chim choi choi tìm kiếm thức ăn trong thảm bùn ngoài bờ biển khi thủy triều xuống.

    Con cứ đứng tần ngần mãi trước cổng nhà, đứa lớn lắc lắc tay con. “Mẹ ơi!”

    Con im lặng.

    “Nó chết rồi ạ?”

    Con vẫn mím chặt miệng. Con nhìn chằm chằm vào con chim, nét mặt tối sầm.

    “Mẹ ơi! Con chim chết rồi hả mẹ?” Đứa con thứ hai cũng chạy lại hỏi vì thấy ồn ào bên ngoài, nhưng con cũng không trả lời.

    Chuông điện thoại reo vang.

    “Mẹ ơi! Bác gái gọi.”

    Đó là Chi-hon. Con đón lấy ống nghe từ đứa con thứ hai.

    Khuôn mặt con đầy u ám. “Nếu chị đi thì sẽ thế nào đây?”

    Chắc là Chi-hon lại đi máy bay. Nước mắt đã chảy vòng quanh mắt con. Mẹ nghĩ đôi môi con cũng đang run rẩy. Đột nhiên con hét vào ống nghe, “Mọi người thật quá quắt… quá quắt không chịu nổi!” Con ơi, con đâu phải người như vậy chứ. Sao con lại to tiếng với chị mình như thế?

    Nói rồi con thậm chí còn dập bộp điện thoại. Chị con từng làm thế với con và cả với mẹ nữa. Ngay lập tức điện thoại lại đổ chuông. Con nhìn chiếc điện thoại một lúc, rồi khi thấy nó vẫn không ngừng reo, con nhấc ống nghe lên…

    “Chị à, em xin lỗi.” Giọng con giờ đã bình tĩnh trở lại. Con im lặng nghe chị con nói ở bên kia đầu dây. Rồi mặt con đỏ bừng lên. Con lại hét lên, “Cái gì? Santiago? Một tháng?” Mặt con đỏ gay.

    “Bây giờ chị hỏi em xem chị có thể đi không ư? Chị đã quyết định đi tại sao còn hỏi em? Sao chị có thể làm như thế?” Bàn tay cầm ống nghe của con run run. “Hôm nay có một con chim chết trước cửa nhà em. Em có linh cảm xấu. Có lẽ đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ! Tại sao chúng ta vẫn chưa tìm thấy mẹ chứ? Tại sao? Làm sao chị có thể bỏ đi được? Sao mọi người lại như thế chứ? Sao đến cả chị cũng đi như thế? Chúng ta chẳng biết mẹ ở đâu trong cái lạnh căm căm này, thế mà tất cả mọi người đều thích gì là làm cho bằng được.”

    Con ơi, bình tĩnh nào. Con phải hiểu cho chị chứ. Sao con lại nói thế khi mà con cũng biết rõ chị con đã thế nào trong suốt mấy tháng qua?

    “Cái gì? Chị muốn em quan tâm đến chuyện này ư? Em ư? Chị nghĩ em còn làm gì được với ba đứa trẻ này? Chị đang chạy trốn đúng không? Bởi vì chuyện này làm chị mệt mỏi chứ gì? Chị lúc nào cũng thế thôi.”

    Con ơi, sao con lại làm thế? Có vẻ như con vẫn đang làm tốt mọi việc mà. Con lại dập điện thoại đánh rầm và òa lên nức nở. Đứa út cũng lại khóc theo mẹ. Mũi nó đỏ tấy. Trán cũng đỏ ửng lên. Thấy thế đứa con gái cũng khóc theo. Thằng con trai lớn mở cửa phòng mình bước ra, nhìn chằm chằm cả ba mẹ con đang khóc lóc thảm thiết. Chuông điện thoại lại vang lên. Đang khóc nhưng con vẫn vội vàng nhấc ống nghe.

    “Chị…” Nước mắt đã tuôn trào trên mặt con. “Chị đừng đi! Đừng đi chị nhé!”

    Cuối cùng chị con cố dỗ dành an ủi con. Không ích gì, thế nên chị con bảo sẽ đến. Con đặt ống nghe xuống và gục đầu ngồi im lặng. Đứa út leo lên ngồi trong lòng mẹ. Con ôm nó vào lòng. Đứa con gái cũng lại gần vuốt ve má mẹ. Con vỗ vỗ vào lưng con gái. Thằng cả nằm giải bài tập toán về nhà trước chỗ con ngồi để làm con vui. Con xoa xoa đầu nó. Chi-hon đến, đẩy cổng bước vào nhà. “Nào, Yun ơi!” Chị gái con đón lấy đứa út từ tay con. Đứa bé sợ người lạ nên oằn mình thoát khỏi vòng tay chị con để trườn về phía mẹ.

    “Ra với bác tí nào,” Chi-hon nói, và khi chị con cố vuốt ve đứa bé thì nó khóc òa lên. Chị con vội vàng trao đứa bé cho con. Khi đã được ngồi trong lòng mẹ, đứa bé quay ra cười toe toét với bác nó, nước mắt còn lấp lánh trên mi. Ái chà! Chị con bẹo yêu vào má đứa bé. Hai chị em con cứ ngồi như vậy, không ai nói gì. Mặc dù đã phải đi ngần ấy đoạn đường đầy tuyết để đến đây vì không an ủi được con qua điện thoại, nhưng lúc này đây chị con không nói gì. Chi-hon trông rất buồn thảm. Khuôn mặt chị con sưng húp, đôi mắt to giờ chỉ còn bé như sợi chỉ. Trông có vẻ như đã suốt một thời gian dài chị con không ngủ được.

    “Chị có định đi nữa không?” con hỏi chị, phá vỡ hồi lâu yên lặng.

    “Chị không đi nữa.” Chị con nằm sấp xuống mặt ghế xô pha như vừa trút được một gánh nặng. Chị con mệt đến mức không nhúc nhích được nữa. Tội nghiệp quá. Chị con chỉ làm ra vẻ cứng rắn nhưng thực ra lại rất mềm yếu. Con sẽ làm gì, có tự làm mình kiệt sức như vậy không?

    “Chị ơi! Chị ngủ à?” con lay vai Chi-hon một lát rồi vỗ khẽ. Con nhìn chằm chằm người chị đang ngủ ngon lành. Ngay từ khi còn nhỏ, cho dù có cãi nhau thì hai chị em con cũng nhanh chóng im lặng. Khi thấy hai đứa to tiếng, mẹ sẽ vào mắng cho mấy câu, thế là hai đứa liền đi ngủ, bàn tay nắm chặt. Con đi vào trong phòng lấy chăn ra đắp cho chị. Chị con cau mày. Chi-hon thật bất cẩn quá. Sao chị con có thể lái xe suốt cả chặng đường đó trong tình trạng buồn ngủ như vậy chứ?

    “Chị ơi, em xin lỗi…” con thì thầm, thế là chị con mở mắt ra nhìn con.

    Rồi chị con lẩm bẩm như nói một mình, “Hôm qua chị đã gặp mẹ của anh ấy. Nếu bọn chị lấy nhau thì bà ấy sẽ là mẹ chồng chị. Mẹ anh ấy sống với cô con gái lớn. Chị gái anh ấy đang kinh doanh một tiệm ăn nhỏ có tên là Swiss. Chị ấy sống độc thân. Mẹ anh ấy vóc dáng nhỏ nhắn và rất nhẹ nhàng. Bà theo chị ấy đi khắp mọi nơi, gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy cho bà ăn, đưa đi ngủ và tắm giặt cho, và lúc nào cũng nói, Mẹ thật là ngoan, thế nên bà mới gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy nói với chị rằng nếu vì mẹ chị ấy mà chị vẫn chưa kết hôn thì đừng ái ngại. Chị ấy sẽ tiếp tục sống cùng với mẹ và đóng vai một người chị. Vào tháng Một, khi năm mới bắt đầu chị ấy sẽ đưa mẹ đến viện dưỡng lão để đi du lịch, chỉ khi đó chị mới phải tạt qua chăm sóc bà trong lúc chị ấy vắng nhà. Chị gái anh ấy nói rằng hai mươi năm qua chị ấy luôn dùng tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hàng để đi du lịch trong suốt tháng Một. Chị ấy thấy thoải mái lắm, dù mẹ chị ấy sống cùng và gọi chị ấy là chị. Chị ấy cười thật tươi và nói rằng bà mẹ đã nuôi dưỡng chị đến tận bây giờ, những gì đã xảy ra chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí mà thôi, điều đó cũng rất công bằng.”

    Chị con ngừng kể rồi lặng lẽ nhìn con. “Kể cho chị nghe về mẹ đi.”

    “Về mẹ ư?

    “Ừ, điều gì đó về mẹ mà chỉ mình em biết ấy.”

    “Mẹ tên là Park So-nyo. Sinh ngày 24 tháng 7 năm 1938. Người thấp, tóc muối tiêu, gò má cao, hôm đi lạc mặc áo khoác trắng, bên trong là áo sơ mi màu xanh da trời, váy xếp nếp màu be. Nơi bị lạc…”

    Chị con lim dim mắt rồi nhắm hẳn, giấc ngủ đã kéo đến.

    “Em không biết gì về mẹ. Chỉ biết mẹ đang bị lạc,” con nói.

    Đã đến lúc mẹ phải đi nhưng sao chân không bước được. Mẹ đã ngồi đây suốt cả ngày rồi.

    Ôi không.

  4. #23
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mẹ đã biết chuyện này rồi sẽ xảy ra. Đây là một cảnh sẽ diễn ra trong vở hài kịch. Chao ôi, thật là hỗn độn. Trong tình huống như thế mà con vẫn cười được sao? Đứa con trai cả của con đứng đó vừa đội cái mũ lên vừa nói với con điều gì đó. Thằng bé nói gì thế nhỉ? Cái gì? À, nó muốn đến sân trượt tuyết. Con bảo với thằng bé là không được. Con nói với nó, “Vì gia đình ta mới chuyển về đây, con còn chưa theo kịp bạn bè ở lớp, thế nên con phải học cùng với bố trong suốt kỳ nghỉ này. Có như thế mới đảm bảo khi quay lại trường con có thể bằng bạn bằng bè. Nếu không thì con sẽ tiếp tục vô cùng vất vả ở trường.” Trong lúc con đang nói chuyện với đứa lớn thì đứa út đang chập chững đi của con suýt nữa đã nhặt những hạt cơm rơi dưới gầm bàn cho vào miệng. Chắc hẳn tay con có mắt. Con đang nói chuyện và nhìn thằng cả, nhưng tay con vẫn chộp được cục cơm lấm bụi từ tay thằng út. Đứa bé chực khóc, nhưng rồi lại đu lên chân con. Theo phản xạ tự nhiên con túm lấy cánh tay của đứa con nhỏ đang sắp ngã, tuy nhiên miệng con vẫn giảng giải cho thằng lớn chuyện tại sao phải chịu khó học hành. Thằng lớn có vẻ như không nghe lời con nói mà cứ đảo mắt nhìn quanh rồi gào lên, “Con muốn đi! Con ghét chỗ này!” Đứa con gái thứ hai chạy ra khỏi phòng nó mà gọi ới lên, “Mẹ ơi!” Con bé lẩm bẩm, “Tóc con rối tung hết cả. Một lát nữa con phải đến trường rồi, mẹ tết tóc lại cho con đi.” Giờ thì bàn tay con đang tết lại tóc cho cô con gái. Trong khi đó miệng con vẫn tiếp tục giảng giải cho cậu con trai lớn.

    Ôi chao, cả ba đứa đều đang bám chặt lấy con. Con gái của mẹ, cùng một lúc con đang phải nghe cả ba đứa trẻ nói. Cơ thể con đã thích nghi với những yêu cầu của bọn trẻ. Con đặt đứa bé gái ngồi lên ghế ăn để chải tóc cho nó, trong khi đứa con trai lớn vẫn nằng nặc đòi đi trượt tuyết, con thỏa hiệp bằng cách bảo rằng con sẽ nói với bố thằng bé về chuyện đó, và khi thằng út ngã, con vội vàng đặt cái lược xuống để kéo thằng bé dậy và xoa mũi nó, rồi con lại nhanh chóng nhặt lược lên để chải cho xong mái tóc của đứa con gái.

    Đột nhiên con nhìn ra ngoài cửa sổ. Con thấy mẹ đang ngồi trên cây mộc qua. Mắt con chạm vào mắt mẹ. Con lẩm bẩm, “Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy con chim đó trước đây.”

    Cả ba đứa nhỏ vây quanh con và cùng nhìn mẹ. “Có lẽ nó cùng đàn với con chim đã chết trước cổng nhà mình hôm qua mẹ nhỉ.” Đứa con gái nắm chặt lấy tay con.

    “Không phải… Con chim đó không giống như thế.”

    “Không đâu, giống lắm mà!”

    Hôm qua, mấy mẹ con đã chôn con chim dưới gốc cây mộc qua này. Trong lúc thằng anh đào đất thì đứa em gái hì hục làm một cây thánh giá bằng gỗ. Đứa út thì cứ nhặng xị cả lên. Lúc con cầm con chim lên, vuốt đôi cánh gọn lại và đặt xuống cái hố thằng cả đã đào sẵn thì đứa con gái lẩm bẩm trong miệng, “Amen!” Xong xuôi, đứa con gái gọi điện đến văn phòng kể cho bố nó nghe cặn kẽ chuyện chôn cất con chim. Nó nói với bố, “Bố à, con còn làm cho con chim một cây thánh giá bằng gỗ nữa đấy!”

    Cây thánh giá gỗ đã đổ sập trong cơn gió.

    Nghe tiếng rì rầm của lũ trẻ, con tiến lại gần cửa sổ để nhìn mẹ được rõ hơn. Bọn trẻ cũng lũ lượt kéo theo con đến bên cửa sổ nhìn mẹ chằm chằm. Ôi, đừng nhìn bà nữa các cháu yêu. Bà xin lỗi. Khi các cháu sinh ra, bà đã chăm sóc mẹ các cháu nhiều hơn chăm sóc các cháu. Đứa cháu gái có mái tóc tết bím gọn gàng nhìn bà chằm chằm. Cháu gái à, hồi cháu sinh ra thì mẹ cháu không có sữa cho cháu bú. Lần sinh anh trai cháu, chưa đầy một tuần mẹ cháu đã được xuất viện, nhưng lần sinh cháu lại không thuận lợi cho lắm, mẹ cháu phải nằm viện hơn một tháng. Hồi đó chính bà đã chăm sóc cho mẹ cháu. Khi bà nội cháu đến bệnh viện thăm, thấy cháu khóc ngặt nghẽo, bà nội cháu bảo mẹ cháu, “Con khóc kìa, mau cho con bú đi.” Quan sát mẹ cháu cố gắng cho cháu bú dù không có giọt sữa nào chảy ra, bà đưa mắt nhìn cháu, một đứa trẻ sơ sinh. Bà đã bảo bà nội cháu đi ra ngoài một chút, rồi bà bế cháu khỏi lòng mẹ và tét vào mông cháu. Người ta thường nói rằng khi đứa trẻ khóc, bà nội sẽ bảo, “Con khóc kìa, mau cho con bú đi,” còn bà ngoại thì sẽ bảo, “Cái đứa trẻ này, mẹ thì đang mệt sao cứ khóc mãi vậy?” và bà cũng đã làm đúng như thế đấy. Cháu không thể nhớ được chuyện đó đâu, nhưng cháu vẫn quấn bà nội cháu hơn bà. Khi nhìn thấy bà, cháu nói, “Bà ngoại, cháu chào bà!” Nhưng khi thấy bà nội mình thì cháu lại gọi, “Bà ơi!” và chạy đến sà vào vòng tay bà ấy. Cứ mỗi khi như thế bà lại cảm thấy thật có lỗi, bà nghĩ chắc tại bà đã tét mông cháu ngay khi cháu mới chào đời.

    Cháu càng lớn càng xinh đẹp.

    Trông mái tóc của cháu thật dày và đen nhánh. Mỗi bím tóc dày cả nắm tay. Trông cháu giống hệt mẹ cháu lúc còn nhỏ. Bà chưa một lần được tết tóc cho cháu. Mẹ cháu luôn muốn để tóc dài nhưng bà lúc nào cũng cắt tóc mẹ cháu ngắn ngang vai. Bà chưa bao giờ có thời gian đặt mẹ cháu ngồi lên đầu gối mình để chải tóc cho mẹ cháu cả. Chắc là mẹ cháu đang thực hiện ước mơ có bím tóc dài của thời thơ ấu trên mái tóc cháu. Đôi mắt mẹ cháu đầy u ám. Trời ơi, mẹ cháu lại đang nghĩ đến bà.

    Con gái ơi, mẹ đây. Con có nghe thấy tiếng gọi của mẹ trong sự náo động ầm ĩ này không? Mẹ đến để nói lời xin lỗi với con đây.

    Hãy tha thứ cho những biểu hiện của mẹ khi con trở về Seoul với đứa con thứ ba trên tay. Hôm ấy con đã nhìn mẹ với vẻ ngạc nhiên trên gương mặt, và thốt lên, “Mẹ ơi!” Tiếng gọi của con làm lòng mẹ nặng trĩu. Vì sao chứ? Có phải vì con không có kế hoạch sinh đứa thứ ba hay không? Hay là vì con ngượng khi nói với mẹ rằng con đã có đứa con thứ ba, trong khi đó chị gái con còn chưa lập gia đình? Cho dù vì bất cứ lý do gì thì con cũng đã giấu chuyện con sinh đứa thứ ba ở xứ sở xa xôi, con phải một mình chịu đựng những trận ốm nghén, và chỉ đến khi trở dạ con mới nói cho bố mẹ biết là con sắp có thêm em bé. Mẹ đã không làm được gì để giúp đỡ con khi con sinh đứa thứ ba, thế mà khi con ôm con trở về thì mẹ lại nói rằng: “Con đã nghĩ cái gì vậy? Con nghĩ gì cơ chứ, ba đứa con ấy à?”

    Mẹ xin lỗi nhé, con gái. Mẹ xin lỗi cháu út và xin lỗi con. Đó là cuộc sống của con, và con là con gái mẹ, cô con gái có khả năng tập trung đáng ngạc nhiên khi giải quyết bất cứ vấn đề gì. Tất nhiên là con sẽ tìm ra giải pháp cho tình huống của mình chứ nhỉ. Trong một giây mẹ đã quên mất con là người thế nào nên đã nói như vậy. Mẹ cũng xin lỗi vì những gì mẹ thể hiện trên khuôn mặt dù không hề cố ý mỗi lần mẹ gặp con sau khi con từ Mỹ trở về. Con đã rất bận rộn. Lâu lâu mẹ mới đến thăm con một lần và khi nào cũng thấy con mệt bở hơi tai chạy theo mấy đứa nhỏ. Nào là thu dọn quần áo, nào là cho bọn trẻ ăn uống, nâng đứa này bị ngã dậy, đỡ cặp sách cho đứa kia vừa đi học về, ôm lấy đứa nọ vừa gọi vừa lao ào vào lòng mẹ nó…

    Ngay trước hôm đi phẫu thuật u xơ tử cung con vẫn bận tíu tít chuẩn bị thức ăn cho lũ trẻ. Con không biết mẹ buồn đến thế nào khi mẹ mở tủ lạnh hôm ở nhà con để trông nom bọn trẻ đâu. Thức ăn đủ cho bọn trẻ dùng trong bốn ngày xếp ngăn nắp trong tủ lạnh. “Mẹ! Ngày mai mẹ cho các cháu ăn những thứ ở ngăn trên, ngày kia cho ăn những thứ ở ngăn dưới…” Con hướng dẫn cho mẹ mà mi mắt con như muốn sụp xuống. Con là người như vậy đấy. Con là người mà tất cả mọi việc đều phải tự tay mình làm hết. Đó là lý do vì sao khi con sinh đứa thứ ba, mẹ phải thốt lên, “Con đã nghĩ cái gì vậy?” Đêm hôm trước khi con đi phẫu thuật, mẹ nhặt đống quần áo vừa thay ra để bên ngoài nhà tắm trong khi con đang tắm rửa. Ống tay chiếc áo sơ mi sờn cũ bị dây mấy giọt nước mận, chiếc quần thủng lỗ chỗ toạc cả đường may, cái áo lót cũ có hàng triệu chỗ xơ xù, cái quần lót đang cuộn tròn cũng không thể nhìn rõ họa tiết là gì nữa. Hình bông hoa, hình giọt nước hay hình con gấu… tất cả đã loang lổ hết. Con đã từng là một đứa trẻ vô cùng sạch sẽ gọn gàng, khác hẳn với chị gái con. Con là đứa trẻ có thể giặt đôi giày trắng lấm lem bùn đất sạch tinh như mới. Mẹ cứ nghĩ mà không hiểu sao con học hành nhiều như vậy chỉ để rồi đây sống thế này. Con gái đáng yêu của mẹ. Khi nghĩ lại mẹ mới nhớ ngay từ khi còn nhỏ con đã rất yêu trẻ con, không như chị gái con. Con là đứa trẻ sẽ không hề do dự đưa cho con nhà hàng xóm thứ mà con cũng đang rất thích ăn nếu đứa bé đó tỏ vẻ thèm thuồng. Ngay từ khi còn nhỏ, nếu gặp đứa trẻ nào đang khóc nhất định con sẽ lại gần lau nước mắt cho bạn rồi ôm bạn vào lòng. Nhưng nhất thời mẹ quên hết những việc con đã từng làm. Mẹ đã rất buồn bực khi thấy con lúc nào cũng bận ngập đầu với việc trông nom lũ trẻ, tóc luôn hất ngược ra sau cho khỏi vướng vào mặt, thường xuyên mặc quần áo cũ, và thậm chí không hề nghĩ tới việc đi làm lại. Mẹ đang nhắc đến cái lần thấy con lọ mọ giặt giẻ lau nhà, mẹ đã cáu con, “Con có thể sống như thế này được sao?” Con hãy bỏ qua cho những lời đó của mẹ nhé. Tuy nhiên hôm đó có vẻ như con không hiểu mẹ đang nói gì. Cuối cùng mẹ thôi không đến nhà con nữa. Mẹ không muốn thấy con sống như thế trong khi con được học hành tử tế, có năng lực mà người khác cũng phải ganh tị. Con gái ngoan của mẹ! Con là người luôn đón nhận thực tế, không hề lẩn tránh mà luôn tiến lên cùng với nó, nhưng đôi khi mẹ rất giận, không hiểu vì sao con lại chấp nhận sống như vậy.

    Con gái à.

    Hãy nhớ con luôn là nguồn vui của mẹ, con nhé. Con là đứa con thứ tư của mẹ. Mẹ chưa một lần nói với con chuyện này nhưng nếu nói chính xác thì con là đứa thứ năm mới đúng. Còn có một đứa bé nữa sinh ra trước con nhưng nó đã rời bỏ thế giới này rồi. Bác con đã đỡ đứa bé đó, bác ấy nói đó là một bé trai nhưng nó đã không kịp khóc khi chào đời. Nó cũng không kịp mở mắt. Đứa bé đó đã chết từ trong bụng mẹ. Bác con nói sẽ thuê người chôn cất đứa bé đã chết nhưng mẹ bảo đừng làm vậy. Khi đó bố con không có nhà. Mẹ nằm trong phòng bốn ngày cùng đứa bé đã chết. Khi đó đang là mùa đông. Cứ đêm đến tuyết trắng rơi đầy sân phản chiếu lên giấy dán cửa. Đến ngày thứ năm mẹ ngồi dậy cho đứa bé vào chum rồi mang lên đồi chôn. Người đào cái hố trong lớp đất cứng như băng không phải là bố con mà là người đàn ông ấy. Nếu đứa bé đó không chết thì con sẽ có ba người anh trai. Và rồi khi sinh con mẹ chỉ có một mình. Có lý do nào cho chuyện đó chăng? Không. Không đâu. Không có lý do gì cả. Khi mẹ nói mẹ sẽ tự sinh con, bác con đã rất phật lòng. Đến bây giờ mẹ mới nói điều này, quả thực mẹ sợ sinh ra đứa con chết non hơn là phải sinh con một mình. Mẹ không muốn bị ai nhìn thấy. Nếu sinh ra một đứa bé chết yểu nữa thì mẹ muốn tự tay mình chôn cất đứa trẻ và rồi ở luôn trên núi không xuống nữa. Khi cơn đau đẻ đến mẹ đã không cho bác con biết, mẹ tự đun nước nóng rồi mang vào phòng, mẹ đặt chị gái bé bỏng của con ngồi trên đệm, bên cạnh đầu mẹ. Mẹ đã không kêu dù chỉ một tiếng vì nếu đứa bé đã chết thì mẹ không muốn ai biết cả. Nhưng từ trong cơ thể mẹ, con đã chui ra hồng hào và khỏe mạnh. Lúc mẹ vỗ mông con trước khi tắm cho con, con khóc ré lên. Nhìn thấy con, chị con cười ngặt nghẽo. “Em bé ơi,” chị con vừa gọi vừa lấy lòng bàn tay vuốt ve cái má mềm mại của con. Mẹ quên hết đau đớn trước sự hiện diện của con. Mãi một lúc sau mẹ mới nhận ra lưỡi mình nhuốm máu. Con đã được sinh ra như thế đấy. Con là đứa bé đã hiện diện trên thế giới này, đứa bé đã an ủi mẹ khi mẹ đang chìm đắm trong nỗi buồn đau sợ hãi rằng mình sẽ sinh ra thêm một đứa trẻ chết yểu nữa.

    Con yêu ơi…

    Ít nhất đối với con, mẹ đã cố hết sức mình để có thể làm mọi điều mà những người mẹ khác làm. Mẹ có thể cho con bú hơn tám tháng liền vì sữa mẹ rất nhiều. Trong nhà ta, con là đứa con đầu tiên được mẹ cho đi nhà trẻ, và cũng là đứa đầu tiên được mẹ mua cho giày thể thao thay vì đôi dép cao su. Và khi con đi học lớp một, cái biển tên của con cũng do chính tay mẹ làm. Tên của con là những chữ đầu tiên mẹ viết. Để viết được cái tên ấy mẹ đã phải luyện tập rất lâu. Mẹ gài chiếc khăn tay và tấm biển tên do mẹ tự viết lên ngực con, rồi cũng chính mẹ đưa con đến trường. Chắc con băn khoăn việc đó thì có gì mà to tát phải không? Với mẹ việc đó thật là to lớn. Khi anh cả con vào lớp một, mẹ đã không đi cùng nó. Ngộ nhỡ mẹ phải viết gì đó thì sao, thế nên mẹ viện cớ này cớ nọ để nhờ bác con đưa anh con tới trường. Mẹ vẫn có thể nghe thấy anh trai con càu nhàu rằng mọi đứa trẻ khác đều có mẹ đi cùng mà anh con lại phải đi với bác. Khi anh thứ hai của con đi học thì anh cả của con dắt nó đến trường. Cả chị con cũng do anh cả con đưa đến lớp. Mẹ vào thị trấn mua một cái cặp sách và một cái váy ngắn cho con, chỉ một mình con được thế thôi đấy. Mẹ vô cùng hạnh phúc vì có thể làm việc đó. Mẹ đã nhờ người đàn ông ấy đóng cho con cái bàn học cho dù nó chỉ nhỏ như cái mâm thôi. Chị con không có cái bàn như thế. Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng chị con vẫn nhắc đến chuyện ấy. Chị con bảo rằng hồi đó vì phải nằm bò trên sàn nhà để làm bài tập nên vai của chị con trở nên to ra. Được chứng kiến cảnh con ngồi bên cái bàn ấy để học bài hay đọc sách là một niềm vui sướng lớn lao đối với mẹ. Khi con ôn thi đại học, mẹ còn đóng hộp cơm trưa cho con. Mẹ còn đợi con kết thúc ca học thêm buổi tối để đưa con về nhà. Chính con đã cho mẹ niềm vui đến như vậy. Con là học sinh xuất sắc nhất trong cái thị trấn nhỏ ấy.

    Khi con đỗ vào khoa dược của trường đại học danh tiếng nhất Seoul, trường cấp ba nơi con từng học đã treo băng rôn chúc mừng thành tích của con. Mỗi khi có ai đó bảo, Con gái bà thông minh thật! mẹ lại nở nụ cười tới tận mang tai. Con không biết mỗi khi nghĩ đến con là mẹ lại thấy tự hào vì là mẹ của con đến thế nào đâu. Mẹ đã không làm được gì cho những đứa con khác, và mặc dù chúng đều là con của mẹ, mẹ không bao giờ cảm thấy như thế với chúng. Dù chúng là con cái, nhưng sao mẹ chỉ luôn cảm thấy hối hận và có lỗi. Con là đứa con đã giải thoát cho mẹ khỏi cảm giác đó. Khi con vào đại học và tham gia biểu tình, mẹ đã không can thiệp như đã làm với các anh trai con. Khi con tham gia tuyệt thực trong cái thánh đường nổi tiếng mà người ta bảo là ở Myongdong, mẹ cũng không đi tìm con. Khi mặt con đầy nốt mẩn đỏ vì hơi cay, mẹ cũng để vậy. “Mẹ không biết chính xác con đang làm gì nhưng mẹ tin đó là điều đáng làm,” mẹ đã muốn nói với con như vậy. Khi con và các bạn về vùng nông thôn để mở những lớp học buổi tối cho dân làng, chính mẹ đã nấu cơm cho nhóm của con. Ngay cả khi bác con nói, “Con gái mà cứ để kệ như thế thì có ngày sẽ trở thành cộng sản cũng không biết chừng,” thì mẹ cũng vẫn cứ để con được tự do nói năng và hành động. Nhưng với các anh trai của con thì mẹ không thể để như thế được. Với các anh trai của con, mẹ phải vừa thuyết phục vừa răn đe. Khi anh thứ của con đau lưng vì bị cảnh sát chống bạo động vụt vào người trong lúc tham gia biểu tình, mẹ rang muối rồi chườm lên vết thương cho anh con, nhưng mẹ đã dọa anh con là nếu nó còn tiếp tục hành động như vậy thì mẹ sẽ tự tử. Mặc dù khi làm vậy mẹ cũng sợ anh trai con sẽ nghĩ mẹ chẳng biết gì cả. Mẹ tin chắc rằng có những việc mà những người trẻ tuổi phải làm khi họ còn trẻ, nhưng mẹ đã ra sức ngăn cản các anh con làm những việc đó. Nhưng với con thì mẹ lại không làm như vậy. Mẹ đã không ngăn cản con cho dù mẹ không biết con đang đấu tranh để thay đổi chuyện gì. Có một năm vào độ tháng Sáu, hồi ấy con còn là sinh viên, mẹ thậm chí đã cùng con đi đến Tòa thị chính, theo chân một đoàn người đưa tang. Lần đó mẹ đang ở Seoul vì con của anh cả vừa mới chào đời.

    Trí nhớ của mẹ cũng tốt đấy chứ, phải không con?

    Tuy nhiên đó đâu phải vấn đề trí nhớ, mà bởi đó là một ngày không thể nào quên. Với mẹ ngày hôm đó là như vậy đấy. Hôm ấy khi rời nhà vào buổi sáng, con nhìn thấy mẹ liền hỏi, “Mẹ có muốn đi cùng con không?”

    “Đi đâu?”

    “Đến trường anh thứ.”

    “Tại sao? Đó đâu phải là trường con học.”

    “Ở đó có đám tang, mẹ ạ.”

    “Ờ… thế mẹ tới đó làm gì?”

    Con nhìn mẹ chằm chằm rồi toan đóng cửa lại sau lưng nhưng rồi con quay trở lại. Lúc đó mẹ đang gập mấy cái tã cho đứa cháu vừa mới sinh, con giật cái tã khỏi tay mẹ. “Mẹ đi cùng con đi!”

    “Đến giờ ăn sáng rồi. Mẹ còn phải nấu canh rong biển cho chị dâu con.”

    “Không ăn canh rong biển một ngày thì chị dâu chết được chắc?” con hỏi một cách gay gắt, thật khác với con ngày thường, rồi ép mẹ đi thay quần áo. “Con chỉ muốn đi với mẹ. Chúng ta cùng đi nào!”

    Câu nói đó thật là hay. Đến tận bây giờ mẹ vẫn nhớ giọng nói trơn tru của con, một sinh viên đại học, bảo với mẹ, một người chưa từng bước chân tới lớp, là hãy đi tới trường cùng con bởi vì, “Con chỉ muốn đi với mẹ.” Hôm đó, lần đầu tiên mẹ nhìn thấy có nhiều người như thế tập trung ở một chỗ. Cậu thanh niên mới hai mươi tuổi bị chết vì sặc hơi cay ấy tên là gì nhỉ? Mẹ đã hỏi nhiều lần và con cũng đã trả lời mẹ nhiều lần, thế mà sao mẹ vẫn không nhớ nổi. Cậu thanh niên đó là ai mà mọi người đến dự đám tang đông tới vậy? Làm sao có thể có nhiều người đến thế nhỉ? Mẹ cứ theo con cùng đoàn người đưa tang đi đến trước Tòa thị chính, và vì sợ lạc mất con nên hết lần này tới lần khác mẹ cứ tìm bàn tay con để nắm thật chặt. Con bảo mẹ, “Mẹ ơi! Nếu mẹ lạc con thì mẹ đừng đi đâu cả, cứ đứng nguyên tại chỗ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể tìm thấy nhau.”

  5. #24
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mẹ không biết tại sao phải đến tận bây giờ mới nhớ ra câu nói đó. Đáng lẽ mẹ phải nhớ ra nó khi mẹ không thể lên tàu cùng bố con ở ga Seoul chứ nhỉ.

    Con gái à, con là người đã cho mẹ bao nhiêu ký ức đẹp đẽ như thế đấy. Những bài con đã hát khi diễu hành, tay trong tay mẹ, những âm thanh mà tất cả mọi người hô vang theo cùng một nhịp điệu – mẹ không thể hiểu hay làm theo, nhưng đây là lần đầu tiên mẹ được đến quảng trường. Mẹ rất tự hào vì con đã dẫn mẹ đến đó. Ở đó, con dường như không chỉ là con gái mẹ. Trông con khác hẳn với khi ở nhà. Con giống như một con chim ưng dữ dội. Lần đầu tiên mẹ cảm nhận thấy đôi môi của con cương nghị và giọng nói của con quả quyết đến mức nào. Con gái yêu của mẹ. Sau hôm đó, lần nào mẹ lên Seoul con cũng đưa một mình mẹ ra ngoài, không đi với ai trong nhà ta cả, đến nhà hát và lăng tẩm vua chúa. Con còn đưa mẹ đến quầy bán băng đĩa ở hiệu sách và cho mẹ đeo tai nghe nhạc. Nhờ con mà mẹ được biết có một nơi gọi là quảng trường Kwanghwamun ở Seoul, có nơi gọi là Tòa thị chính, có âm nhạc và điện ảnh trên thế giới này. Mẹ đã nghĩ rằng con sẽ có một cuộc sống khác với anh chị em mình. Bởi vì trong số anh em con, con là đứa duy nhất thoát khỏi cảnh đói nghèo, nên tất cả những gì mẹ mong đợi ở con là con được tự do làm mọi chuyện. Và với sự tự do ấy, con thường hé mở cho mẹ một thế giới hoàn toàn mới lạ, vì vậy mẹ muốn con thậm chí còn tự do hơn nữa. Mẹ đã muốn con tự do tới mức có thể sống vì người khác.

    Chắc mẹ phải đi thôi.

    Nhưng, than ôi.

    Thằng út có vẻ buồn ngủ rồi kìa. Miệng nó chảy nước miếng, đôi mắt thì díp lại. Ngôi nhà vắng vẻ vì hai đứa lớn đều đã đến trường. Nhưng cái gì thế này! Nhà cửa thật là bừa bộn. Trời ơi, mẹ chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi nhà bừa bộn đến thế này. Mẹ muốn dọn dẹp giúp con một chút… nhưng giờ thì chẳng được nữa rồi. Con gái mẹ vừa mới thiếp đi khi đang ru thằng út ngủ. Chắc là con mệt lắm. Con gái bé bỏng của mẹ đang ôm đứa con bé bỏng của chính mình ngủ ngon lành. Mặc dù là giữa mùa đông nhưng mồ hôi của con vẫn vã ra như tắm. Con yêu của mẹ. Hãy để cho gương mặt thư thái con nhé. Con mà cứ ngủ với khuôn mặt mệt mỏi như vậy thì chẳng mấy chốc da dẻ nhăn nheo hết thôi. Gương mặt trẻ trung của con giờ không còn nữa. Đôi mắt nhỏ hình trăng lưỡi liềm của con trông còn nhỏ hơn xưa. Bây giờ dù con có cười thì vẻ đáng yêu hồi nhỏ cũng đã biến mất. Đã sống được đến lúc trông thấy những nếp nhăn trên gương mặt con như thế này thì mẹ không thể nói là cuộc đời mình ngắn ngủi. Nhưng mà con ơi, suốt cuộc đời ấy mẹ chưa từng nghĩ rồi đây con sẽ sống như thế này, có đến ba đứa con. Con khác xa với người chị nhạy cảm của con, chị con luôn dễ nổi giận, khóc lóc, hờn dỗi và rầu rĩ nếu có điều gì không đúng ý mình. Con luôn tự lên kế hoạch và cố gắng thực hiện kế hoạch đã đề ra. Thế nên khi con nói, “Con cũng không biết nữa mẹ ạ, con không ngờ mình lại sinh tới ba đứa con… Nhưng có bầu thì phải sinh thôi chứ biết làm thế nào được,” mẹ cảm thấy con thật xa lạ. Mẹ đã nghĩ chị con mới là đứa sẽ sinh nhiều con. Con không bao giờ nổi nóng. Trong mấy anh chị em, chỉ có con biết cách nói chuyện bình tĩnh và nhẹ nhàng phân xử đúng sai với cả những người đang nổi giận đùng đùng. Vì vậy mẹ nghĩ rằng con sẽ cân nhắc chuyện sinh một và chỉ một đứa mà thôi. Con không bao giờ xin xỏ cái gì, không giống chị con, chị con lúc nào cũng nằng nặc đòi có cái bàn giống như các anh. Những lúc con nằm bò trên sàn nhà, nếu mẹ có hỏi con đang làm gì thì con sẽ trả lời rằng con đang giải toán. Chị con chẳng bao giờ cầm sách toán cả. Nhưng con thì học rất giỏi môn đó. Con là đứa trẻ có khả năng tập trung đáng ngạc nhiên khi giải quyết mọi vấn đề. Khi con tìm được câu trả lời, con thường tươi cười hớn hở.

    Nhưng con sẽ không thể tìm được câu trả lời tại sao chuyện đó lại xảy ra với mẹ. Chính vì vậy hẳn con phải đau khổ lắm. Vì ba đứa con mà con không thể đi tìm mẹ như con muốn. Con chỉ có thể gọi điện cho chị gái hằng đêm và bảo, “Chị ơi, hôm nay có tin gì của mẹ không?” Cũng vì bọn nhỏ, con không thể đi tìm mẹ nhiều như con muốn, thậm chí còn không thể khóc một trận cho thỏa. Con yêu của mẹ. Gần đây mẹ không làm được gì nhiều cho con như lòng mẹ muốn, mỗi khi đầu óc tỉnh táo là mẹ lại nghĩ rất nhiều về con. Về con, về chuyện con phải nuôi nấng ba đứa nhỏ như thế nào, nhất là thằng út giờ mới chập chững tập đi, về cuộc đời con. Mẹ hối tiếc lắm vì tất cả những gì mẹ có thể làm chỉ là muối kim chi để gửi cho con, chẳng giúp gì được hơn nữa. Hôm con ôm đứa nhỏ về thăm nhà, lúc con vừa cởi giày vừa cười nói, “Ôi, mẹ trông này, con đi tất cọc cạch đấy,” lòng mẹ thật xót xa. Phải bận rộn đến thế nào thì một người vốn gọn gàng ngăn nắp như con mới không đủ thời gian để tìm một đôi tất đúng. Đôi lúc khi đầu mẹ sáng tỏ, mẹ đã nghĩ đến những điều mẹ phải làm cho con và bọn trẻ. Có lẽ chính những lúc như thế ý chí sống tiếp đã trỗi lên trong mẹ… nhưng rồi mọi chuyện lại thành ra thế này.

    Mẹ muốn cởi đôi dép lê màu xanh mòn gót dưới chân ra, cả bộ quần áo mùa hè bám đầy bụi bặm trên người nữa. Giờ đây mẹ muốn thoát khỏi cái hình dáng lôi thôi nhếch nhác này; chính mẹ cũng không thể nhận ra bản thân mình nữa. Đầu mẹ lại như muốn nổ tung. Giờ thì, con gái. Nâng đầu con lên một chút. Mẹ muốn ôm con thật chặt. Mẹ phải đi đây. Hãy gối đầu lên lòng mẹ và nằm một lát nhé con. Hãy nghỉ đi một chút. Đừng buồn cho mẹ. Cuộc đời mẹ đã có bao nhiêu ngày vui vì có con ở bên.

    A, ông đây rồi.

    Khi tôi tìm tới nhà ông ở Komso, cánh cổng gỗ đã vỡ toác và cửa phòng ngủ khóa chặt; có lẽ căn nhà đã bỏ không lâu rồi. Sao ông khóa chặt phòng ngủ mà lại để ngỏ cửa bếp như thế? Những cơn gió biển đã làm cho cửa bếp mở ra đóng vào không biết bao nhiêu lần tới nỗi cánh cửa gỗ đã vỡ mất một nửa.

    Nhưng tại sao ông lại ở trong bệnh viện chứ? Và tại sao vị bác sĩ lại làm như vậy? Không điều trị mà chỉ liên tục hỏi những câu hỏi đâu đâu. Vị bác sĩ cứ hỏi tên ông mãi. Tại sao anh ta lại làm như vậy chứ? Và tại sao ông lại không nói ra tên của mình? Tất cả những gì ông phải nói là Lee Eun-gyu thôi mà sao ông không trả lời để người ta cứ phải hỏi đi hỏi lại? Thực tình thì tại sao vị bác sĩ đó lại làm như vậy? Lúc này anh ta đang cầm cái thuyền đồ chơi mà hỏi ông, “Ông có biết đây là cái gì không?” Đây là một trò đùa sao? Đó rõ ràng là cái thuyền, sao anh ta còn hỏi ông làm gì? Nhưng kỳ lạ nhất là ông. Sao ông không trả lời? Ôi trời, ông thực sự không biết sao? Ông đã quên tên của mình rồi ư? Có thật ông không biết cái thuyền đồ chơi là cái gì không?

    Vị bác sĩ lại hỏi tiếp. “Ông bao nhiêu tuổi?”

    “Một trăm!”

    “Đừng nói như vậy, ông hãy nói tuổi của mình đi!”

    “Hai trăm!”

    Ông thực là cục cằn. Sao ông lại nói mình hai trăm tuổi chứ? Ông còn trẻ hơn tôi năm tuổi, thế là ông khoảng… Vị bác sĩ lại hỏi tên ông.

    “Shin Gu!”

    “Ông hãy nghĩ thật kỹ vào.”

    “Paek Il Seop!”

    Diễn viên Shin Gu? Hay diễn viên phim truyền hình Paek Il Seop? Ông đang nói về Shin Kyu và Paek Il Seop mà tôi ngưỡng mộ sao?

    “Ông đừng như vậy nữa, hãy nghĩ cho kỹ rồi trả lời chúng tôi.”

    Ông uống một ngụm nước. Chuyện gì xảy ra vậy? Tại sao ông lại ở đây và tại sao lại bị hỏi những câu ngớ ngẩn như thế này? Sao ông không trả lời được những câu hỏi đơn giản đó mà lại khóc như vậy? Trước đây tôi chưa bao giờ thấy ông khóc cả. Tôi thì khóc nhiều rồi. Ông đã bao nhiêu lần thấy tôi khóc nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.

    “Nào, ông hãy nói lại tên mình đi!”

    Ông không nói gì cả.

    “Thêm một lần nữa thôi!”

    “Park So-nyo!”

    Đó đâu phải tên ông, tên của tôi đấy chứ. Tôi vẫn nhớ cái ngày ông hỏi tên tôi. Ông đã trải đường vào lòng tôi giống như một con đường cũ. Giống như viên sỏi trong bãi sỏi, cục đất trong đống đất, hạt bụi trong đám bụi, tơ nhện trong mạng nhện. Hồi đó tôi còn trẻ lắm. Khi sống trong những năm tháng trẻ trung ấy tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện mình đang rất trẻ, nhưng giờ đây khi nghĩ về lần đầu gặp ông, tôi vẫn có thể nhớ được gương mặt thanh xuân của mình. Hôm đó, cô gái trẻ là tôi khi ấy đang đi từ chỗ máy xát về nhà trên con đường mới, đầu đội cái chậu inox đựng đầy bột mì. Đó là cái chậu inox chú Kyun mua cho tôi. Bước chân trẻ trung của tôi đang vội vã đi nhanh về nhà để nhào bột trong cái chậu này nấu thành canh bánh bột mì cho lũ trẻ. Máy xát cách nhà tôi mấy dặm, ở bên kia cây cầu. Trán tôi lấm tấm mồ hôi vì phải đội cái chậu đầy bột trên đầu. Ông đang đạp xe qua tôi thì chợt dừng lại gọi, “Cô ơi!”

    Tôi vẫn bước đi, mắt nhìn thẳng. Ngực tôi như muốn đâm ra khỏi cái áo cánh cũ. Tôi đang mặc cái quần sờn rách.

    “Cô đưa cái chậu đây cho tôi. Để lên xe tôi chở giúp cho.”

    “Làm sao tôi có thể tin được lời của người qua đường mà đưa cái chậu cho anh chứ?” Tuy nói vậy nhưng bước chân của tôi cũng chậm lại. Quả thực cái chậu bột mì nặng tới nỗi tôi tưởng như đầu mình sắp vỡ tung. Dù tôi đã dùng khăn quấn thành miếng đệm đặt dưới đáy chậu nhưng dường như cả cái trán lẫn cái mũi của tôi đều sắp bẹp gí đến nơi.

    “Dù sao thì tôi cũng đi xe không. Cô sống ở đâu?”

    “Tôi ở ngôi làng bên kia cầu…”

    “Có một cửa hàng tạp hóa ở gần cổng vào làng phải không? Tôi sẽ chở cái chậu đến đặt ở chỗ cửa hàng đó, đưa cái chậu cho tôi mà đi cho nhẹ. Đằng nào tôi cũng đi xe không, trông nặng thế kia cơ mà. Chỉ cần bỏ cái chậu đó xuống là cô sẽ đi nhanh hơn và cũng về nhà nhanh hơn.”

    Tôi cứ ngây ra nhìn ông bước xuống xe, trong lúc đó tôi nhay nhay vạt khăn rủ xuống mặt của chiếc khăn đặt lót dưới cái chậu trên đầu. Nếu so với bố của Hyong-chol thì ông trông chất phác hơn, cả hồi ấy lẫn bây giờ. Ông trắng xanh nhợt nhạt như thể người chưa bao giờ lao động, khuôn mặt dài như cái bơm và đôi mắt ủ rũ của ông không đẹp cho lắm. Cặp lông mày rậm dài tạo cho ông nét thật thà, thẳng thắn. Cái miệng cho thấy ông là con người đáng tin, đáng trọng. Cặp mắt ông đang lặng lẽ nhìn tôi trông thật thân thuộc, cứ như tôi đã gặp ở đâu đó rồi. Khi thấy tôi cứ chăm chăm nhìn mặt ông mà không sẵn lòng hạ cái chậu bột mì trên đầu xuống, ông lại leo lên xe đạp. “Tôi không có động cơ lạ gì đâu. Tôi chỉ muốn giúp cô thôi vì thấy cái chậu có vẻ nặng quá. Tôi không thể ép cô cho tôi giúp nếu cô không muốn.” Ông đặt chân lên cái pê đan chắc chắn. Ấy là khi tôi vội vã cất tiếng cảm ơn ông. Tôi đưa cái chậu đang đội trên đầu cho ông. Tôi lặng lẽ đứng nhìn ông tháo mấy sợi dây chun dày buộc ở sau xe ra, đặt cái chậu lên và dùng dây chun buộc lại thật chặt.

    “Vậy tôi sẽ chở nó đến chỗ cửa hàng đó!

    Ông phóng xe đi, ông, một người đàn ông tôi gặp lần đầu, đang chở lương thực của các con tôi. Vừa tháo cái khăn đang đội trên đầu ra phủi bụi bám trên quần áo, tôi vừa nhìn ông cùng chiếc xe đạp đang dần mất hút. Bụi bốc lên mù mịt quanh xe ông, tôi đưa tay dụi mắt để nhìn ông dần mất hút trong đám bụi. Gánh nặng trên đầu đã biến mất, tôi cảm thấy nhẹ nhõm lạ thường. Tôi bước đi trên con đường mới, nhẹ nhàng vung vẩy đôi tay. Một làn gió trong lành lùa vào trong áo tôi. Lần cuối cùng tôi được đi người không, chẳng có gì trên tay, trên đầu hay trên lưng mình là bao giờ nhỉ? Tôi ngước nhìn những chú chim bay lượn trên không trung giữa buổi chiều tà, ngâm nga một bài hát mà hồi còn nhỏ tôi thường hát cùng mẹ, và rảo chân đi về phía cửa hàng tạp hóa đó. Từ rất xa, tôi đã dõi tìm cái chậu bột mì. Vừa tiến lại gần, tôi vừa nhìn về phía lối vào cửa hàng nhưng không thấy cái chậu mà lẽ ra phải được đặt ở đó đâu cả. Đột nhiên tim tôi loạn nhịp. Bước chân tôi trở nên gấp gáp hơn. Tôi hoảng sợ hỏi người phụ nữ trong cửa hàng, “Không có ai gửi chậu bột mì ở đây cho tôi sao?” Nếu ông đã chở cái chậu đến đây thì tôi phải nhìn thấy rồi chứ, đằng này có thấy gì đâu. Cầm cái khăn trong tay, tôi vội vàng chạy tới chỗ người chủ cửa hàng, bà ấy đang nhìn tôi chằm chằm như muốn hỏi, “Có việc gì thế?” Phải đến lúc đó tôi mới hiểu ra tất cả. Rằng ông đã cướp đi bữa ăn tối của những đứa con tôi. Nước mắt tôi rơi lã chã. Tại sao tôi lại đi tin tưởng mà đưa cho ông, một người tôi chưa bao giờ gặp, cái chậu đựng thức ăn của gia đình mình? Tôi đã nghĩ gì thế? Tại sao tôi lại làm như vậy? Đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy nỗi sợ điếng người ấy, khi mối lo thoáng qua khi dõi theo chiếc xe đạp của ông biến mất đã trở thành sự thực. Tôi không thể quay về nhà với hai bàn tay trắng như vậy được. Tôi phải tìm lại cái chậu bột mì bằng mọi giá. Tôi như nghe thấy trong tai mình âm thanh khô khốc của cái ống bơ va vào thành chum buổi sáng hôm đó, khi tôi vào kho đong bột để làm bữa sáng. Tôi không thể từ bỏ được khi biết rõ rằng chỗ bột mì trong cái chậu đó cung cấp đủ lương thực cho mười ngày. Rời khỏi cửa hàng, tôi cắm đầu cắm cổ đi tìm ông và chiếc xe đạp của ông. Tôi cứ đi mãi đi mãi, gặp ai cũng hỏi xem họ có nhìn thấy người nào trông giống ông không. Chẳng mấy chốc đã có người nhận ra ông qua miêu tả của tôi. Điều đó cho thấy ông thật là bất cẩn. Ông sống cách đấy đâu có bao xa. Ngay khi biết ông sống trong một ngôi nhà ở ngôi làng cách làng tôi năm dặm về phía thị trấn, tôi lao như tên bắn đến đó. Bởi vì phải tới chỗ ông trước khi ông dùng bột mì trong chậu thì may ra tôi mới có thể mang về nguyên vẹn.

  6. #25
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Khi phát hiện ra chiếc xe đạp của ông đang dựng trước cửa một ngôi nhà tồi tàn nằm giữa cánh đồng, dưới chân đồi phía cuối con đường chạy thẳng vào trong từ lôi vào làng ông, tôi chạy ào vào nhà ông và hét lên, Aaaaa! Rồi tôi thấy tất cả. Người mẹ già của ông đang ngồi trên thềm nhà cũ nát, đôi mắt bà cụp xuống, đứa con trai chừng ba tuổi đang ngồi mút ngón tay, còn vợ ông đang trong tình trạng sinh nở khó khăn. Dù đến để thu hồi cái chậu bột mì bị ông đánh cắp, nhưng thay vì thế tôi lại lấy cái nồi treo trên tường trong gian bếp tối tăm chật chội xuống rồi đổ nước vào đun. Tôi đẩy ông ra một bên, vì ông loắn xoắn bên cạnh vợ mà chẳng biết làm gì, rồi tôi nắm lấy bàn tay vợ ông, người đàn bà mà tôi mới gặp lần đầu, và hét to, “Rặn đi! Rặn mạnh lên!” Tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian mới nghe thấy tiếng khóc của đứa bé mới sinh vang lên. Nhà ông không có lấy một cọng rong biển để nấu canh rong biển cho vợ ông. Bà mẹ già của ông bị mù. Trông bà cứ như đang trên đường sang thế giới khác rồi. Đỡ đứa trẻ xong, tôi đi múc bột mì trong chậu ra để nhào bột rồi nấu canh bánh bột mì, khi canh chín tôi múc ra mấy bát rồi mang một bát vào trong phòng của người mẹ vừa mới sinh. Đã bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi nhỉ, kể từ khi tôi đội lại cái chậu bột mì lên đầu và đi về nhà? Người đàn ông kia có phải là đứa trẻ sinh ra hôm ấy không? Cậu ấy đang lau tay cho ông. Rồi cậu ấy lại đặt ông nằm sấp xuống và lau lưng cho ông. Đã lâu quá rồi. Gáy ông giờ đã nhăn nheo. Cặp lông mày rậm rạp ngày nào nay đã thưa thớt và tôi không còn nhận ra khuôn miệng của ông nữa. Lúc này, cậu con trai của ông đang hỏi thay vị bác sĩ, “Bố ơi! Bố hãy nói tên của mình đi! Bố có biết tên của bố là gì không?”

    “Park So-nyo.”

    Không phải, đấy là tên tôi chứ.

    “Park So Nyo là ai? Là ai hả bố?”

    Tôi cũng đang băn khoăn về chuyện đó đây. Tôi là gì với ông? Là người như thế nào với ông?

    Bảy tám ngày sau, cứ nghĩ mãi về tình cảnh của ông, tôi bèn mang theo một ít rong biển đến nhà ông, nhưng chỉ có đứa trẻ sơ sinh nằm đó, không thấy vợ ông. Ông kể rằng vợ ông sốt cao trong ba ngày liền sau khi sinh đứa bé và cuối cùng đã rời bỏ thế giới này. Chính cơn đói đã khiến bà ấy không vượt qua được kỳ sinh nở. Người mẹ mù lòa của ông vẫn ngồi trên thềm nhà cũ nát, chẳng rõ bà cụ có biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Cả đứa trẻ lên ba ốm yếu kia cũng thế. Có lẽ cậu con trai bên cạnh giường bệnh của ông là đứa bé lên ba đó chứ không phải là đứa trẻ sơ sinh.

    Không biết tôi là người như thế nào với ông nhưng ông đã là người bạn suốt cuộc đời tôi. Ai mà ngờ được chúng ta sẽ làm bạn ngần ấy năm khi ngay trong lần đầu gặp nhau ông đã khiến tôi rất thất vọng khi lấy cắp cái chậu đựng chỗ bột mì tôi cần để nuôi con tôi? Con cái chúng ta sẽ chẳng hiểu được đâu. Dường như chúng có thể dễ dàng lý giải chuyện có hàng trăm nghìn người chết trong chiến tranh hơn là hiểu được mối quan hệ giữa ông và tôi. Dù biết vợ ông đã mất, tôi không thể cứ thế rời khỏi nhà ông được, thế nên tôi đành mang chỗ rong biển đi rửa. Tôi nhào chỗ bột mì còn lại mà hôm trước tôi đã múc từ trong cái chậu của mình ra cho ông rồi nấu canh bánh bột mì với rong biển. Xong xuôi, tôi cho đứa trẻ mới sinh bú. Hồi đó tôi thậm chí không đủ sữa cho đứa con gái lớn của mình. Ông đã phải ôm con đi khắp làng để xin sữa. Cuộc sống đôi khi thật mong manh, nhưng có những cuộc đời bền bỉ đến đáng sợ. Đứa con gái lớn của tôi nói rằng khi ta cắt cỏ bằng máy, đám cỏ dại cứ bám chặt lấy bánh răng máy cắt, và ngay khi đang bị cắt thì chúng vẫn phát tán đi bao hạt giống để duy trì sự sống. Đứa con mới sinh của ông bú thật đáng sợ. Nó bú mạnh tới nỗi tôi tưởng như mình sắp bị nuốt chửng, thế nên tôi phải phát một cái vào cái mông vẫn còn đỏ hỏn của nó. Nhưng chẳng ích gì, vậy là tôi lôi thằng bé ra. Đứa bé mất mẹ ngay khi mới chào đời nên theo bản năng nó biết rõ có bầu sữa ở gần, thành thử cứ o e không chịu rời. Thế nên tôi đặt đứa trẻ xuống và định đi ra ngoài, đúng lúc đó ông lên tiếng hỏi tên tôi. Từ lúc tôi lập gia đình đến khi ấy, ông là người đầu tiên hỏi tên tôi. Tự nhiên cảm thấy thật e thẹn, tôi cúi gằm mặt xuống.

    “Park So-nyo.”

    Lúc đó ông đã bật cười. Tôi không biết tại sao tôi lại làm việc tiếp theo đó. Tôi rất muốn làm ông cười thêm một lần nữa. Thế là mặc dù ông không hỏi, tôi đã nói với ông rằng chị gái tôi là Tae-nyo, nghĩa là chị gái. Tên chị em tôi là thế: em gái – chị gái. Ông lại bật cười lần nữa. Rồi ông bảo với tôi tên ông là Eun-gyu, còn anh trai ông tên là Kum-gyu. Bố ông đã cho thêm chữ vàng và chữ bạc vào tên của hai anh em với hy vọng những người con của mình sẽ kiếm được thật nhiều tiền và sống một cuộc sống giàu có. Thế là mọi người gọi ông là két bạc còn anh trai ông là két vàng. Có lẽ vì thế mà anh trai ông sống sung túc hơn ông một chút xíu. Lần này thì đến lượt tôi cười. Thấy tôi cười ông cũng cười theo. Hồi đó hay bây giờ cũng thế, ông trông bảnh nhất mỗi khi cười đấy. Vì thế cho dù có ở trước mặt bác sĩ thì cũng đừng nhăn nhó, hãy cười lên. Nụ cười có phải trả tiền đâu.

    Từ hôm đó cho đến khi đứa bé được ba tuần, ngày nào tôi cũng đến nhà ông một lần để cho đứa trẻ sơ sinh bú. Có hôm tôi đến vào buổi sáng sớm, có hôm lại đến lúc nửa đêm. Việc đó có trở thành gánh nặng đối với ông không? Tất cả những gì tôi làm được cho ông chỉ có thế, vậy mà trong suốt ba mươi năm trời sau đó, mỗi khi có việc gì khó khăn tôi lại tìm đến ông. Tôi nghĩ tôi bắt đầu đến với ông sau chuyện xảy ra với chú bọn trẻ. Vì lúc đó tôi chỉ muốn chết mà thôi. Tôi cứ nghĩ chết đi có khi lại tốt hơn. Mọi người đều gây khó dễ cho tôi, nhưng chỉ có ông không bao giờ chất vấn tôi điều gì. Ông đã bảo tôi hãy tiếp tục sống. Thời gian trôi đi thì vết thương nào cũng lành cả. Đừng suy nghĩ gì mà hãy bình tĩnh thực hiện những việc phải làm. Nếu không có ông thì không biết khi đó cuộc đời tôi sẽ ra sao nữa. Bởi vì lúc ấy tôi đau khổ đến quẫn cả trí. Chính ông là người đã chôn cất đứa con thứ tư chết từ trong bụng mẹ của tôi trên ngọn đồi. Giờ đây khi nghĩ về chuyện đó, tôi tự hỏi không biết có phải ông chuyển nhà tới Komso vì tôi đã trở thành gánh nặng quá thể với ông không? Ông không phải là người sinh ra để sống gần biển hay làm dân chài. Ông chỉ phù hợp với việc làm đất để gieo trồng hạt giống. Ông không có đất nên đi vỡ đất cho người khác. Đáng lẽ tôi đã phải nhận ra điều đó khi một người như ông mà lại chuyển đến Komso. Bây giờ tôi tự hỏi phải chăng ông chuyển đến Komso vì ông không đủ sức chịu đựng tôi nữa. Tôi nhận ra rằng mình thật tệ với ông.

    Chắc hẳn lần gặp gỡ đầu tiên là vô cùng quan trọng. Tôi tin chắc rằng từ trong sâu thẳm tôi luôn nghĩ ông nợ tôi, và tôi thể hiện điều đó bằng cách làm bất cứ việc gì mình muốn. Như cái cách tôi tìm bằng được ông khi ông chở chậu bột mì của tôi đi, cách tôi tìm bằng được ông khi ông chuyển đến Komso mà không nói với tôi một tiếng. Ông không phù hợp với cuộc sống ở Komso. Đứng trước bờ biển, trông ông thực sự lúng túng và lạ lẫm. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt của ông khi ông đứng trên cánh đồng muối bên bờ biển. Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt ấy, nhưng giờ đây khi nghĩ đến điều đó tôi lại cho rằng có lẽ vẻ mặt đó ngụ ý, “Đến tận đây mà cô ta vẫn tìm được mình sao?”

    Vì ông mà Komso đã trở thành nơi không thể nào quên đối với tôi. Tôi chỉ luôn tìm ông mỗi khi có chuyện gì đó bản thân không xoay xở nổi. Còn khi mọi chuyện êm ấm thì tôi lại quên mất ông. Tôi cứ nghĩ mình đã quên ông. Khi ông nhìn thấy tôi đến, câu đầu tiên ông hỏi tôi là, “Có việc gì vậy?” Đến giờ tôi mới thổ lộ điều này, hôm ấy tôi đến gặp ông, đó lần đầu tiên tôi đến để xem ông ra sao, chứ không phải vì có chuyện xảy ra với mình.

    Trừ lần bỏ trốn tới Komso ấy ra, ông lúc nào cũng ở nguyên một chỗ, cho đến khi tôi không tới tìm ông nữa. Cảm ơn ông vì đã luôn ở nguyên một chỗ. Có lẽ tôi sống tiếp được là nhờ điều đó đấy. Tôi xin lỗi vì hết lần này tới lần khác cứ hễ thấy bất an là lại tới tìm ông, thế mà thậm chí tôi chẳng cho ông nắm tay mình. Mặc dù vẫn tìm ông nhưng chỉ cần thấy ông có ý tới tìm tôi là tôi lại cư xử thật tàn nhẫn. Tôi thật chẳng ra gì. Tôi xin lỗi ông, vô cùng xin lỗi. Ban đầu là vì tôi thấy bối rối, về sau là vì tôi cảm thấy chúng ta không nên, và sau đó nữa là vì tôi đã già. Ông là tội lỗi của tôi và cũng là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi muốn mình tỏ ra có phẩm cách trước mặt ông.

    Đôi khi tôi kể cho ông nghe những câu chuyện mà tôi bảo mình đọc được từ trong sách, nhưng thực ra tôi đâu có đọc. Thực ra tôi đã hỏi con gái mình rồi mới kể cho ông nghe. Một lần tôi kể với ông rằng ở đất nước Tây Ban Nha có một nơi gọi là Santiago. Ông vất vả lắm mới học thuộc được cái địa danh đó và cứ liên tục hỏi tôi, “Nơi đó ở đâu?” Tôi bảo ông rằng ở đó có một con đường hành hương, phải đi bộ ba mươi ba ngày mới hết. Con gái tôi rất muốn đến đó. Vì thế thỉnh thoảng con gái tôi lại kể với tôi về nơi đó, thế nhưng tôi lại kể cho ông nghe cứ như thể chính tôi muốn đi đến đấy. Khi ấy ông đã bảo rằng nếu tôi muốn đi tới đó đến vậy thì hôm nào chúng ta sẽ cùng đi. Lòng tôi se lại khi nghe ông nói rằng chúng ta nên cùng nhau đi tới đó. Kể từ sau ngày hôm ấy, tôi không đến tìm ông nữa. Sự thực là tôi không biết nơi ấy ở đâu mà cũng không hề muốn đi đến đó.

    Chuyện gì xảy ra với tất cả những điều chúng ta đã làm cùng nhau trong quá khứ ông nhỉ? Khi tôi hỏi con gái tôi câu này, mặc dù thật ra ông mới là người tôi muốn hỏi, con gái tôi bảo, “Thật lạ khi nghe mẹ nói những chuyện như thế, mẹ ạ,” rồi nói, “Chẳng phải những điều đó sẽ hòa mình vào trong hiện tại chứ không biến mất hay sao?” Những lời đó sao mà khó hiểu thế! Ông có hiểu câu đó nghĩa là gì không? Con gái tôi nói rằng tất cả những việc đã xảy ra thực chất đều hòa mình vào trong hiện tại, những việc ngày xưa đều trộn lẫn vào những việc hôm nay và những việc hôm nay lại trộn lẫn vào những việc trong tương lai và những việc trong tương lai lại trộn lẫn với những việc ngày xưa, chỉ là chúng ta không thể cảm nhận được mà thôi, nhưng giờ đây tôi không thể tiếp tục được nữa.

    Không biết ông có nghĩ rằng những việc đang xảy ra hiện nay đều có liên hệ với những việc trong quá khứ và trong tương lai, chỉ có điều chúng ta không thể cảm nhận được thôi? Tôi cũng không biết nữa, đó có phải là sự thực không? Đôi khi nhìn các cháu của mình tôi lại nghĩ chúng giống như những đứa trẻ đột nhiên từ đâu đó rơi xuống chứ chẳng có mối liên hệ nào với tôi cả. Chẳng hề có bất cứ mối liên hệ nào với tôi.

    Chuyện chiếc xe đạp tôi nhìn thấy ông đi trong ngày đầu gặp ông là thứ đồ ông đi ăn trộm, rồi chuyện trước khi gặp tôi đang đi trên con đường mới với cái chậu đựng bột mì trên đầu thì ông đã lập kế hoạch bán chiếc xe đạp ăn trộm ấy đi để mua một bó rong biển, những chuyện như thế có hòa trộn vào đâu không? Rồi cả chuyện cuối cùng ông không bán được chiếc xe đạp ấy nên bèn đưa đến dựng ở nơi đã lấy trộm nhưng chẳng may lại bị chủ nhân của nó phát hiện ra và được một phen hú vía nữa chứ? Có phải những việc như thế đã ngưng đọng lại ở khoảng nào đó của quá khứ và mang chúng ta đến tận đây chăng?

    Tôi biết sau khi tôi mất tích ông đã lang thang khắp nơi để tìm tôi. Tôi biết rằng ông, một người trước đây chưa từng lên Seoul, đã lên ga Seoul rồi đi quanh tàu điện ngầm, hễ gặp ai hao hao giống tôi là ông chặn lại hỏi han. Ông đã đi qua đi lại nhà tôi nhiều lần, hy vọng nghe ngóng được tin tức về tôi. Ông đã rất muốn gặp và nói chuyện với các con tôi. Có phải chính điều đó đã khiến ông đổ bệnh thế này?

    Tên của ông là Lee Eun-gyu. Thế nên nếu bác sĩ có hỏi nữa thì đừng nói tên ông là Park So-nyo mà hãy bảo tên ông là Lee Eun-gyu nhé. Giờ đây tôi sẽ để ông được hoàn toàn tự do. Ông là bí mật của cuộc đời tôi. Ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, một sự hiện diện mà bất kỳ ai quen biết tôi cũng chẳng tài nào đoán ra. Mặc dù không ai biết ông đã tồn tại trong cuộc đời tôi, nhưng ông chính là người mang bè đến mọi con nước lớn để giúp tôi vượt qua thác lũ an toàn. Tôi đã rất vui vì có ông. Tôi đến để nói với ông rằng tôi đi qua được cuộc đời mình là bởi tôi có thể tìm đến với ông những lúc lo âu chứ không phải những khi hạnh phúc.

    Bây giờ tôi phải đi đây.

    Ngôi nhà như đông cứng lại.

    Sao ông lại cửa đóng then cài thế này? Đáng lẽ ông nên mở cửa để bọn trẻ hàng xóm có thể vào chơi chứ. Trong nhà không có chút hơi ấm nào. Cả ngôi nhà lạnh lẽo như một tảng băng. Tuyết đã rơi đầy xung quanh mà không ai quét dọn cả. Sân trước ngập tràn tuyết trắng. Băng bám ở khắp mọi nơi có thể bám được. Dạo bọn trẻ đang lớn, chúng hay bẻ cột băng làm kiếm để chơi trò trận giả. Hình như vì tôi không có nhà nên chẳng còn ai để mắt đến ngôi nhà này. Lần cuối có người ghé qua ngôi nhà này chắc cũng đã lâu lắm rồi. Chiếc xe máy của ông dựng trong nhà kho. Trời ạ, nó cũng đã đóng thành băng. Tôi mong ông không đi cái xe máy đó nữa. Có ai đi xe máy ở cái tuổi này không? Ông tưởng mình vẫn còn trẻ sao? Tôi lại đay nghiến theo thói quen rồi. Ấy thế nhưng, những lúc đi xe máy trông ông thật là bảnh, chẳng giống người nhà quê chút nào. Thời còn trẻ, những lúc ông vuốt keo, mặc áo da và cưỡi xe máy vào làng thì ai nấy đều phải trầm trồ nhìn theo. Tôi nghĩ có một bức ảnh từ thời đó ở đâu đấy… Trong cái khung ảnh treo trên cánh cửa phòng ngủ chính… A, kia rồi. Đó là hình ảnh của ông khi còn chưa đến ba mươi tuổi. Khuôn mặt ông tràn đầy đam mê chứ không phải như bây giờ.

    Tôi vẫn còn nhớ ngôi nhà chúng ta từng sống trước khi xây lại. Tôi thực sự rất yêu ngôi nhà đó. Nói là yêu nhưng tôi nghĩ đó không chỉ là tình yêu. Chúng ta đã sống bốn mươi năm trong một ngôi nhà mà giờ đây không còn nữa. Khi đó lúc nào tôi cũng ở nhà. Luôn luôn. Cho dù ông có nhà hay không cũng vậy. Tôi chẳng nhận được tin tức gì của ông, dường như ông sẽ không bao giờ trở lại, nhưng rồi ông lại quay về. Có lẽ đó chính là lý do. Giờ đây tôi vẫn có thể thấy ngôi nhà cũ đó hiển hiện trước mắt mình như thể nó đang tỏa sáng. Tôi nhớ tất cả mọi thứ. Tất cả những chuyện đã xảy ra trong ngôi nhà đó. Những việc xảy ra vào những năm bọn trẻ ra đời, tôi đã chờ mong ông, quên ông, ghét bỏ ông rồi lại chờ đợi ông trở về. Bây giờ ngôi nhà đã bị bỏ lại phía sau một mình. Không hề có dấu vết của con người, chỉ có tuyết trắng bao phủ khắp sân.

    Ngôi nhà là một thứ thật kỳ lạ. Tất cả mọi thứ đều hỏng hóc đi khi con người tác động đến, đôi khi có thể cảm nhận được chất độc của con người nếu ta tới gần người đó, nhưng nhà cửa lại không như vậy. Cho dù một ngôi nhà bền đẹp bao nhiêu mà không có người qua lại thì chẳng mấy chốc cũng sẽ bị phá hủy. Một ngôi nhà chỉ tồn tại khi có người sống trong đó, quét dọn lau chùi, chăm sóc nó. Hãy xem chính ngôi nhà này. Một bên mái nhà đã sụp xuống vì tuyết phủ. Sang xuân ông sẽ phải gọi người đến sửa lại mái nhà thôi. Có tờ quảng cáo ghi đầy đủ tên và số điện thoại của một đội thợ sửa mái nhà dán trên cái tủ đặt vô tuyến trong phòng khách đấy, nhưng tôi không rõ liệu ông có biết chuyện đó hay không. Nếu ông gọi đám thợ, họ sẽ đến sửa sang lại mái nhà. Ông không thể bỏ trống ngôi nhà trong suốt mùa đông như thế này được. Cho dù không có người sống trong nhà thì thỉnh thoảng ông cũng phải ghé qua bật lò sưởi lên một chút chứ.

    Ông đi Seoul rồi à? Ông đang tìm tôi trên đó hay sao?

  7. #26
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Căn phòng cất những quyển sách Chi-hon gửi khi đi Nhật Bản cũng thật lạnh lẽo. Những cuốn sách dường như cũng đã đóng băng. Từ sau khi Chi-hon gửi sách xuống đây, căn phòng này trở thành nơi tôi yêu thích nhất trong nhà. Khi cảm nhận thấy cơn đau đầu sắp hành hạ mình, tôi sẽ đi vào trong căn phòng này nằm nghỉ. Dạo đầu, dường như điều đó giúp tôi thấy khá hơn. Tôi không thích nói cho ông biết chuyện tôi bị đau đầu. Sáng mai chưa bảnh mắt là cơn đau đã ào đến và tôi thậm chí không thể nấu bữa sáng cho ông, nhưng tôi không thích trở thành một người bệnh trước mặt ông. Bao lần như thế khiến tôi cảm thấy cô đơn. Những lúc ấy tôi thường đi vào căn phòng cất sách của Chi-hon để nằm nghỉ. Có lần, ôm lấy cái đầu đau như búa bổ của mình, tôi tự hứa rằng tôi sẽ đọc ít nhất một cuốn truyện do Chi-hon viết trước khi nó từ Nhật Bản trở về. Thế là tay ôm chặt lấy đầu, tôi đi học đọc. Nhưng kế hoạch đó không thực hiện được. Khi tôi cố học đọc, tình trạng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Cố học chữ mà lại không thể nói với ông nên tôi thấy cô đơn vô cùng. Nói ra những điều như vậy khiến tôi cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Khi học đọc, ngoài đọc sách của con gái bằng chính đôi mắt của mình, tôi còn muốn làm một việc nữa. Viết thư từ biệt từng thành viên trong gia đình, trước khi tôi thành ra thế này.

    Gió thổi mạnh khủng khiếp. Tuyết ngoài sân cuốn tung theo từng cơn gió.

    Những đêm hè, khi chúng ta mang bếp ra ngoài trời để hấp bánh, là thời gian vui nhất của chúng ta trong cái sân này. Trong khi Hyong-chol còn đang đi hót phân gà và nhóm lửa để xua muỗi cho cả nhà thì những đứa em đã nhanh nhảu chạy đến ngồi lên phản đợi bánh đang hấp trong cái nồi đặt trên bếp than mau chín để ăn. Khi tôi lấy bánh trong cái nồi đầy vèn ra đặt lên khay mây là lũ trẻ sẽ tay nọ tay kia nhặt từng chiếc bánh cho đến khi hết sạch. Lũ trẻ ăn hết chỗ bánh đó còn nhanh hơn thời gian tôi hấp bánh. Trong khi cho thêm củi vào bếp lò để hấp thêm một nồi bánh nữa, cứ nhìn các con nằm bên nhau chờ đợi trên tấm phản gỗ, tôi lại thoáng thấy lo sợ. Bọn trẻ ăn khỏe quá! Mặc dù đã nhóm lửa để xua muỗi nhưng đàn muỗi vẫn bu đầy tay chân tôi để hút máu, và khi đêm về khuya, ăn hết mấy lượt bánh rồi, bọn trẻ lại nằm đợi tôi hấp thêm. Có những đêm hè bọn trẻ nằm song song bên nhau như thế, hết đứa này tới đứa kia ngủ thiếp đi, chờ bánh chín. Trong lúc lũ trẻ ngủ, tôi hấp xong những chiếc bánh còn lại, để ra rổ, đậy lại rồi đặt lên phản và đi ngủ, khi ấy sương đêm sẽ làm vỏ những chiếc bánh hấp hơi se cứng. Sáng ra vừa bảnh mắt, bọn trẻ lại kéo cái rổ về phía mình để ăn tiếp. Đó là lý do tại sao bọn trẻ vẫn thích những chiếc bánh hấp đã nguội lạnh, vỏ hơi se cứng. Có những đêm hè như thế đấy. Những đêm hè khi sao trên trời như trút xuống đầy sân nhà. Khi lang thang khắp các con đường, mặc dù đầu óc mông lung chẳng nhớ nổi điều gì, tôi vẫn rất nhớ nơi ấy. Ông không biết tôi nhớ nơi ấy đến mức nào đâu, nào là cái sân, cái thềm nhà, nào là vườn hoa, cái giếng. Sau một thời gian đi lang thang, tôi ngồi bệt xuống lề đường và vẽ những gì xuất hiện trong đầu mình. Đó chính là ngôi nhà ấy. Tôi vẽ cánh cổng, tôi vẽ vườn hoa, tôi vẽ những chum tương và vẽ cái thềm nhà. Tôi không thể nhớ được gì ngoài ngôi nhà ấy, ngôi nhà có trước ngôi nhà này, ngôi nhà đã biến mất từ lâu lắm, ngôi nhà có gian bếp kiểu truyền thống và khoảnh sân sau râm mát dưới bóng tán cây đại hoàng cổ thụ và gian kho nối liền chuồng lợn. Cái cổng bằng tôn có hai cánh với lớp sơn xanh đã bong tróc cả. Cái cổng của ngôi nhà ấy, với ô cửa nhỏ ở cánh trái và thùng thư bên cánh phải. Chỉ có dăm ba lần cả hai cánh cổng phải mở ra cùng một lúc, nhưng ô cửa nhỏ với tay cầm bằng gỗ thì lúc nào cũng mở hướng ra đường làng. Chúng ta không bao giờ khóa cổng. Dù chúng ta không có nhà, trẻ con trong làng vẫn chui qua ô cửa nhỏ trên cánh cổng màu xanh ấy vào nhà chúng ta để chơi đùa cho đến tận khi trời tối. Trong những ngày mùa bận rộn, mỗi khi đi học về sớm mà thấy ngôi nhà vắng tanh vì mọi người còn ở ngoài đồng thì cô con gái thứ lại leo lên cái xe đạp dựng dưới gốc cây hồng rồi nhấn nhấn pê đan. Khi tôi về, cô con gái thứ đang ngồi ở đầu hè sẽ lao vào lòng tôi và reo lên, “Mẹ ơi!” Khi đứa con trai thứ hai bỏ nhà đi, tôi để phần cơm cho nó ở gần lò sưởi và lúc nào cũng để cổng mở toang cả hai cánh. Nếu ai đó đá phải làm bát cơm chuệch choạc đi, tôi đặt nó lại chỗ cũ cho ngay ngắn. Ban đêm nếu giật mình tỉnh giấc vì tiếng gió thổi, tôi sẽ đi ra ngoài lấy mấy hòn đá nặng chèn cổng vì sợ gió thổi sập hai cánh lại. Mắt và tai tôi đã được luyện cho quen thuộc với từng âm thanh nhỏ từ cánh cổng.

    Tủ quần áo cũng đã đóng băng.

    Cửa tủ thậm chí không mở được. Nhưng chắc trong tủ cũng chẳng còn thứ gì. Khi bệnh đau đầu bắt đầu nặng lên, tôi muốn đến với người đàn ông ấy, người mà tôi đã không gặp lâu nay. Tôi nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi làm như vậy. Nhưng tôi đã không đi. Dằn lòng lại, tôi ở nhà để dọn dẹp đồ đạc. Tôi có thể cảm thấy ngày đó đang đến, cái ngày mà tôi lẫn đến độ không thể nhận ra điều gì nữa. Tôi muốn lo liệu mọi thứ thuộc về mình trong khi đầu óc còn sáng tỏ. Tôi gom những bộ quần áo vẫn treo trong tủ mà không thể vứt đi đâu được bọc vào một tấm vải mang ra đốt ở ngoài đồng. Những bộ quần áo mặc trong còn nguyên mác mà Hyong-chol mua cho tôi khi nhận được tháng lương đầu tiên vẫn ở nguyên trong tủ mấy chục năm nay. Ngay cả trong lúc đốt những thứ đó, đầu tôi cũng đau như muốn nổ tung. Những cái có thể đốt được là tôi đốt hết. Chỉ để lại chăn gối cho con cháu dùng khi chúng về nhà nhân dịp lễ tết. Tôi đốt cả cái chăn bông mẹ tôi dệt cho khi tôi đi lấy chồng. Tôi lôi hết những thứ đã theo tôi bao lâu nay ra ngắm lại một lần nữa.

    Cả những thứ chưa hề dùng đến vì tôi cứ để dành, những chiếc đĩa tôi gom góp để tặng con gái lớn khi nó lập gia đình. Thế mà giờ Chi-hon vẫn chưa kết hôn. Nếu biết trước rằng ngay cả khi em gái nó đã lấy chồng và có ba đứa con mà nó vẫn chưa lập gia đình thì tôi đã cho em gái nó mấy cái đĩa ấy rồi. Tôi thật ngốc khi cứ nghĩ phải tặng mấy cái đĩa ấy cho Chi-hon vì đó là món quà tôi dành cho nó. Tôi lưỡng lự hồi lâu, rồi cầm mấy cái đĩa đó ra ngoài đập vỡ hết. Tôi biết. Rằng một ngày nào đó tôi sẽ không thể nhớ được bất cứ điều gì nữa. Và trước khi ngày ấy đến, tôi muốn lo liệu mọi thứ tôi từng dùng. Tôi không muốn bỏ chúng lại phía sau. Mọi đáy chạn cũng đều trống rỗng. Tôi đập vỡ mọi thứ đồ dễ vỡ rồi chôn hết xuống đất.

    Ngay cả trong cái tủ đã đông cứng kia, thứ đồ mùa đông duy nhất còn lại cũng chỉ là chiếc áo lông chồn màu đen cô con gái thứ mua cho tôi. Khi bước sang tuổi năm lăm, tôi chẳng thiết ăn uống mà cũng không muốn đi đâu ra ngoài. Ngày tháng trôi qua, tôi chìm sâu trong mệt mỏi khó chịu, cảm giác giống như bị con gì đốt khắp mặt mày. Khi há miệng, tôi thấy như có mùi khó chịu từ trong cơ thể bay ra. Tôi chẳng nói chẳng rằng suốt mười ngày trời. Tôi cố gắng tống những suy nghĩ bi quan ra khỏi đầu, nhưng mỗi ngày lại thêm một nỗi buồn len vào trái tim tôi. Mặc dù đang giữa mùa đông, tôi cứ liên tục ngâm tay vào nước lạnh cóng để rửa đi rửa lại. Rồi một hôm tôi tới nhà thờ. Tôi dừng lại trong sân nhà thờ. Tôi quỳ xuống dưới chân tượng Đức Mẹ đang ôm thi thể người con trai. Tôi định cầu xin Đức Mẹ giúp tôi rũ bỏ sự chán nản này, tôi không thể chịu đựng nó lâu hơn được nữa, cầu xin Đức Mẹ rủ lòng thương xót tôi.

    Nhưng tôi dừng lại, tự hỏi liệu mình còn có thể xin thêm được gì từ một người mẹ đang ôm đứa con trai đã chết. Trong lúc xem làm thánh lễ Misa, tôi nhìn thấy người phụ nữ ngồi trước tôi khoác trên người một chiếc áo lông chồn đen. Bị mê hoặc bởi sự mềm mại của nó, tôi từ từ ghé mặt vào nó lúc nào không hay. Chiếc áo lông chồn như cơn gió mùa xuân dịu dàng ôm lấy khuôn mặt già nua của tôi. Những giọt nước mắt tôi đang kìm nén bỗng trào ra. Người phụ nữ nọ nhẹ nhàng tránh sang bên cạnh khi tôi cứ cố gắng tựa đầu vào chiếc áo. Lúc về nhà tôi đã gọi điện cho đứa con gái thứ để bảo nó mua cho một chiếc áo lông chồn. Đó là lần đầu tiên tôi mở miệng trong suốt mười ngày.

    “Áo lông chồn hả mẹ?”

    “Ừ, áo lông chồn.”

    Cô con gái thứ chỉ im lặng.

    “Con sẽ mua cho mẹ chứ? Hay là không?”

    “Trời đang ấm áp mà mẹ. Mẹ đi đâu mà phải mặc áo lông chồn à?”

    “Ừ.”

    “Mẹ định đi đâu à?”

    “Không.”

    Cô con gái cười vang trước những câu trả lời nhát gừng của tôi. “Thế mẹ lên Seoul đi. Con sẽ cùng mẹ đi mua.”

    Khi chúng tôi bước vào trong bách hóa và đứng trước quầy áo lông chồn, cô con gái cứ nhìn tôi chằm chằm mà không nói gì. Tôi không hề biết cái áo lông chồn của mình, ngắn hơn một chút so với cái áo tôi đã vùi mặt vào của người phụ nữ trong nhà thờ hôm nọ mặc, lại có giá đắt đến như vậy. Cô con gái đã không nói cho tôi biết. Khi hai mẹ con mang cái áo lông chồn về nhà, cô con dâu cũng tròn mắt ngạc nhiên. “Áo lông chồn cơ hả mẹ!”

    Tôi không nói gì.

    “Mẹ thật may mắn. Được con gái mua cho cái áo đắt như vậy. Con còn không thể mua nổi cho mẹ con một chiếc khăn lông cáo. Người ta nói rằng lông chồn được truyền cho thế hệ sau đấy. Khi nào mẹ không dùng nữa thì để lại cho con nhé.”

    “Đây là lần đầu tiên mẹ bảo em mua thứ gì đó cho mẹ đấy! Chị đừng có nói như thế!”

    Khi cô con gái thứ phản ứng mạnh với bà chị dâu như thể nó đang rất tức giận, tôi mới nhận ra. Lý do cô con gái cứ xem đi xem lại cái hóa đơn, Và lý do nó cứ nhìn tôi chằm chằm. Hồi đó nó vừa tốt nghiệp đại học và xin vào làm việc tại khoa dược của một bệnh viện. Lúc trở về từ Seoul, tôi cầm chiếc áo lông chồn ra bách hóa trong thị trấn để hỏi cô nhân viên bán hàng trong quầy quần áo lông chồn xem giá của nó khoảng bao nhiêu, và cứng đờ người. Ai mà biết được một mảnh áo mà lại đắt như vậy chứ! Tôi gọi cho cô con gái và bảo, “Hay chúng ta quay lại đó trả lại chiếc áo đi,” nhưng nó nói, “Chiếc áo đó rất mềm mại. Mẹ, mẹ hoàn toàn xứng đáng được mặc chiếc áo đó. Mẹ hãy mặc nó.”

    Ở khu vực này ngay cả trong mùa đông thời tiết cũng rất ấm áp, thế nên rất hiếm ngày tôi có thể mặc áo lông chồn. Có khi ba năm liền tôi chẳng mặc lấy một lần. Mỗi khi thấy phiền muộn tôi lại mở tủ quần áo ra và vùi mặt vào chiếc áo lông chồn đó. Khi ấy tôi nghĩ lúc chết đi tôi sẽ để lại chiếc áo này cho cô con gái thứ.

    Mặc dù lúc này trời đang lạnh cóng, sang xuân vườn hoa sát tường rào sẽ rộn ràng trở lại. Cây lê của nhà hàng xóm sẽ nở đầy hoa, hương thơm dìu dịu lan xa. Cây hồng leo với bao nhiêu bông hoa màu hồng phớt sẽ uốn cong những nhánh thân đầy gai reo vui trong gió. Đám cỏ dại dưới chân tường rào sẽ mọc tốt um sau trận mưa xuân đầu tiên. Có lần, tôi mua một đàn ba chục con vịt con ở dưới chân cầu trong thị trấn về thả trong sân nhà, thế là đàn vịt con kéo nhau về phía vườn hoa và giẫm cả lên hoa. Khi lũ vịt con hòa thành đàn chạy nhảy cùng lũ gà chiếp thì thật khó mà nói đâu là vịt con đâu là gà chiếp. Dù sao đi nữa, trong những ngày xuân khoảnh sân lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng kêu của chúng. Cũng tại khoảnh sân này, một hôm cô con gái lớn bảo nếu bón phân vào gốc cây thì cây sẽ nở nhiều hoa hơn rồi mang cuốc ra xới đất dưới bụi hồng, đang cuốc thì nhìn thấy một con giun bò ngoằn ngoèo trong lòng đất, thế là nó sợ quá vứt vội cái cuốc sang bên rồi chạy ào vào trong nhà, cái cuốc rơi trúng làm chết một chú gà con. Tôi vẫn nhớ mùi đất hăng nồng xông lên mũi khi một cơn mưa mùa hè đột nhiên trút xuống khiến lũ chó và đàn gà vịt đang chơi ngoài sân phải nháo nhác chạy tới núp phía dưới thềm nhà, trong chuồng gà hoặc dưới chân tường rào. Tôi nhớ cả những hạt đất vo tròn trong cơn mưa bất chợt. Còn vào những đêm cuối mùa thu lộng gió, lá của cây hồng ở sân bên sẽ trút xuống và tung bay khắp nơi. Ban đêm có thể nghe rõ tiếng lá rụng lăn hối hả qua sân. Trong những đêm đông đầy tuyết, gió sẽ lùa tuyết vào tận thềm nhà.

    Có ai đó đang mở cửa. A, bà bác!

    Bác là bác của các con tôi và là chị dâu tôi, nhưng tôi đã không thể gọi bác là chị dù chỉ một lần. Bởi vì bác giống như mẹ chồng tôi thì đúng hơn. Tôi biết bác sang để xem nhà cửa thế nào vì tuyết rơi và gió lạnh. Tôi cứ tưởng không có ai chăm sóc cho ngôi nhà này, quên bẵng mất là còn có bác ở đây. Nhưng sao bác lại đi tập tễnh thế kia? Bác vốn luôn khỏe mạnh cơ mà. Có lẽ bác đang ngày một già đi. Đường có tuyết trơn đấy. Hãy cẩn thận.

    “Có ai ở nhà không?”

    Giọng của bác vẫn vậy, rất có uy.

    “Không có ai trong nhà à?”

    Biết là không có ai ở nhà nhưng bác vẫn thử gọi. Không đợi câu trả lời, bác bước đến ngồi xuống đầu hè. Sao bác lại ăn mặc phong phanh như vậy? Cẩn thận kẻo bị cảm lạnh bây giờ. Bác nhìn chằm chằm vào đống tuyết ngoài sân cứ như người mất hồn vậy. Bác đang nghĩ gì mà trầm tư thế?

    “Cảm giác như có ai vừa đến đây…”

    Một kẻ sắp thành ma đấy, bác ạ.

    “Trời lạnh thế này mà đi lang thang ở đâu không biết.”

    Bác đang nói đến tôi đấy à?

    “Mùa hạ đi qua, mùa thu đi qua, mùa đông đã đến… Tôi không ngờ cô là người vô tình đến vậy đấy. Cái nhà này sẽ thành cái gì nếu không có cô đây? Chỉ là một cái xác không hồn. Khi ra đi cô còn mặc áo mùa hè, thế mà đông sang rồi cô cũng chẳng về. Liệu có phải cô đã là người của thế giới khác rồi không?”

    Chưa đâu. Tôi vẫn đang phiêu bạt như thế này đây.

    “Người đáng thương nhất trên thế gian này là người không được chết trong ngôi nhà của chính mình… Hãy tỉnh táo mà quay trở về nhà đi.”

    Bác đang khóc đấy sao?

    Ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, đôi mắt bác đã ngấn lệ. Giờ trông bác thế này mới thấy đôi mắt của bác không đáng sợ chút nào. Tôi luôn sợ vẻ nghiêm khắc trong ánh mắt ấy nên phải nói thật là tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mặt bác để không phải chạm mắt bác. Tôi nghĩ tôi thích thấy bác khi bác cương nghị hơn. Nhìn bác ngồi mà hai vai rũ xuống thế này thật chẳng giống bác chút nào. Khi còn sống tôi chưa một lần được nghe một lời tốt đẹp từ bác, vậy sao giờ tôi lại phải chứng kiến bộ dạng rũ rượi héo hon của bác chứ? Tôi không thích nhìn dáng vẻ yếu đuối thế này của bác đâu. Tôi không chỉ đơn thuần thấy sợ bác. Nếu những việc khó khăn xảy ra mà tôi không biết phải giải quyết thế nào, tôi lại nghĩ, bác ấy sẽ xử lý thế nào nhỉ? rồi lựa chọn làm theo cách tôi nghĩ bác sẽ làm. Thế nên bác cũng chính là hình mẫu của tôi đấy. Bác biết rằng tôi có tính nóng nảy. Mọi mối quan hệ trên thế gian này đều là hai chiều chứ không phải do một phía quyết định. Giờ bác sẽ phải chăm sóc bố của Hyong-chol vì ông ấy chỉ còn lại một mình. Mặc dù trong lòng tôi không thoải mái lắm, nhưng có bác ở bên cạnh bố của Hyong-chol thì tôi cũng an tâm phần nào. Khi tôi còn sống, tôi biết rõ rằng bác hoàn toàn phụ thuộc vào bố của Hyong-chol, bởi vì bác chỉ có một thân một mình, thế nên tôi ít khi thấy tổn thương, bực bội hay thất vọng. Tôi chỉ coi bác như một người lớn gặp hoàn cảnh không may trong gia đình thôi. Thế nên bác giống như mẹ chúng tôi chứ không phải chị gái. Nhưng bác ạ! Tôi không muốn vào phần mộ xây cho tôi mấy năm trước trong khu nghĩa trang tổ tiên đâu. Tôi không muốn vào đó. Hồi còn sống ở đây, mỗi khi đầu óc thoát được tình trạng u minh, tôi lại một mình đi lên sinh phần của mình. Làm thế để nếu có ở trong đó sau khi chết thì tôi cũng sẽ cảm thấy thoải mái. Tôi thích những tia nắng rực rỡ và những cây thông cao chót vót dù thân hơi cong, nhưng quả thật là quá cay cực và nặng nề nếu tôi vẫn là một thành viên của gia đình này ngay cả khi đã chết đi rồi. Để cố gắng thay đổi suy nghĩ ấy của mình, tôi sẽ lẩm nhẩm hát hò, nhổ cỏ rồi ngồi ở đó cho đến tận khi mặt trời lặn, nhưng không có gì ở đấy khiến tâm trạng tôi vui lên được. Tôi đã sống trong ngôi nhà này hơn năm mươi năm rồi, giờ xin hãy để tôi đi. Dạo chúng ta xây mộ, khi bác bảo phần mộ của tôi nên ở ngay dưới phần mộ của bác, tôi đã liếc xéo bác mà nói, “Ô! Vậy thì dù đã chết tôi vẫn có thể làm việc vặt cho bác nhỉ.” Đến nay tôi vẫn nhớ câu nói đó. Bác đừng có phiền lòng về mấy lời ấy nhé. Tôi đã suy nghĩ chuyện này rất lâu nhưng tôi nói thế không có ý xấu gì đâu. Giờ tôi chỉ muốn trở về nhà và nghỉ ngơi ở đó.

    Ô, cửa gian nhà kho vẫn mở.

    Gió đập sầm sầm vào cửa nhà kho như thể sẽ xé tan cánh cửa thành từng mảnh. Có một lớp băng mỏng trên tấm phản gỗ mà trước đây tôi vẫn thích ngồi. Nếu không để ý mà ngồi lên đó thế nào cũng trượt ngã ngay. Hồi xưa Chi-hon hay ngồi trong gian nhà kho này để đọc sách và bị bọ chét cắn. Tôi biết Chi-hon thường mang theo một cuốn sách rón rén trốn vào đây, giữa chuồng lợn và buồng đựng tro. Tôi đã không đi tìm nó. Nếu Hyong-chol có hỏi tôi Chi- hon ở đâu thì tôi cũng bảo không biết. Vì tôi thích thấy con bé đọc sách. Và tôi không muốn quấy rầy nó. Có một đống rơm chất trên tấm ván che chuồng lợn. Đám gà mái sẽ chiếm lấy một góc đống rơm ấy để ấp trứng. Không ai có thể tìm thấy Chi-hon cuộn mình giữa đống rơm, vừa bôi nước bọt làm dịu những chỗ bị bọ chét cắn vừa đọc sách, Chi-hon chắc phải lấy làm thú vị bao nhiêu khi nấp trên đó đọc sách mà nghe anh trai nó mở tung hết các cửa phòng và chạy cả vào nhà bếp để tìm nó. Đám gà mái cũng thật đặc biệt. Những con gà mái đang ấp trứng trên đống rơm sẽ nhặng xị cả lên khi nghe tiếng giở sách sột soạt của con bé. Lũ gà mái mẹ vốn không chịu ấp trứng nếu ta không làm cho chúng những cái tổ ấm áp với đầy trứng làm mồi nhử, chúng rất nhạy cảm với tiếng ồn của Chi-hon, có lần chúng quác quác ầm ĩ tới mức anh trai con bé đã phát hiện ra nó. Không biết Chi-hon đã đọc gì khi lặng lẽ trốn trong gian nhà kho với con lợn ủn ỉn liên hồi bên cạnh, đàn gà cục tác không ngừng phía trên, đủ thứ nông cụ như cuốc xẻng bừa cào và cả rơm rạ bao bọc xung quanh? Khi mùa xuân đến, con chó gầm gừ luôn mồm, nằm bên cạnh đàn con mới đẻ của nó ở phía dưới thềm nhà, giày mùa đông của cả nhà bị tha về khắp xung quanh chúng. Ta còn nghe thấy tiếng mưa nhỏ xuống từ mái hiên. Con chó vốn hiền lành là thế mà sao khi đẻ con lại trở nên hung dữ như vậy? Nếu không phải là người nhà thì chẳng ai đến gần nó được. Vì vậy khi con chó đẻ, Hyong-chol sẽ tô đậm lại dòng chữ “Chú ý nhà có chó” trên tấm biển lúc nào cũng treo trên cánh cổng màu xanh. Một lần nhân lúc chó mẹ ăn cơm tối xong rồi nằm ngủ, tôi bắt một con chó con dưới thềm nhà cho vào thúng, phủ một miếng vải bên trên, lấy tay che mắt con chó, rồi mang sang nhà bà bác.

    “Đã tối thế này rồi sao còn phải bịt mắt nó rồi mới mang đi hả mẹ?” cô con gái thứ vừa lẽo đẽo chạy theo sau vừa hỏi. Mặc cho tôi giải thích rằng nếu không làm như vậy thì con chó sẽ tìm được đường quay về nhà, cô con gái vẫn có vẻ chưa hiểu ra.

    “Nhưng trời đã tối thế này rồi cơ mà?”

    “Ừ, trời có tối thì vẫn phải làm vậy.”

    Con chó mẹ biết đứa con của mình không còn nữa nên suốt ngày rên rỉ đau đớn, cơm cũng chẳng buồn ăn. Nó phải ăn cơm mới có đủ sữa cho đàn chó con bú để còn lớn lên chứ. Cảm thấy cứ để mặc con chó mẹ thế thì nó sẽ chết mất, tôi mang con chó con về đặt lại bên cạnh chó mẹ, phải đến khi đó con chó mẹ mới chịu ăn cơm trở lại. Con chó ấy sống ở phía dưới cái thềm kia.

    Chà, tôi không biết sẽ phải ngừng dòng hồi tưởng đang nảy nở như chồi non mùa xuân về mọi nơi trên mảnh đất này ở đâu nữa. Mọi thứ tôi đã lãng quên chợt ùa về. Từ những bát cơm trên kệ bếp tới những hũ lớn hũ bé đựng gia vị, từ những bậc thang gỗ nhỏ hẹp dẫn lên gác xép tới những cây bí ngô bò um tùm phía dưới rồi leo lên bò tường đất.

    Ông không nên để nhà cửa đóng băng như thế.

    Nếu khó khăn quá thì hãy bảo cô con dâu thứ giúp đỡ xem sao. Nó luôn thu dọn nhà cửa rất cẩn thận cho dù ngôi nhà đó không phải của mình. Nó có khiếu trong mấy việc này lắm, lại chu đáo và chân thành. Dù vẫn đi làm nhưng nhà cửa lúc nào cũng sạch bong mà thậm chí không có người giúp việc. Nếu thấy chăm nom nhà cửa khó khăn quá thì hãy nói với nó một câu. Để tôi bảo ông, nó mà động tay vào thì đồ cũ cũng trở thành đồ mới. Ông có nhớ vợ chồng nó đã thuê một ngôi nhà gạch ở khu tái định cư như thế nào không, chủ ngôi nhà ấy không hề sửa chữa gì cả, chính cô con dâu nhà mình đã tự tay trộn xi măng để sửa sang lại ngôi nhà. Một ngôi nhà sẽ trở nên đẹp đẽ hay xa lạ tùy thuộc vào người sống trong ngôi nhà ấy, tùy thuộc vào sự chăm sóc của chủ nhân. Khi mùa xuân đến, hãy trồng hoa ngoài sân nhé, cả cọ rửa sàn và sửa sang lại cái mái đã hỏng vì tuyết nữa.

    Mấy năm trước, lúc bố của Hyong-chol say rượu, khi có người hỏi nhà ở đâu, ông đã nói rằng nhà mình ở phường Yokchon. Mặc dù Hyong-chol đã rời khỏi phường Yokchon hai mươi năm rồi. Trong trí nhớ của tôi phường Yokchon đã trở nên rất mơ hồ. Ông là người không bao giờ biểu lộ cảm xúc cho dù là vui hay buồn. Khi Hyong-chol mua được ngôi nhà đầu tiên của nó ở phường Yokchon trên Seoul, ông cũng không nói gì nhiều, nhưng tôi biết từ trong sâu thẳm, ông rất tự hào. Đó là lý do tại sao trong những lần say rượu ông quên lãng căn nhà này mà lại gọi tên căn nhà đó, căn nhà mà một năm chúng ta tới làm khách có ba hay bốn lần và chỉ ngủ lại một hoặc thỉnh thoảng là hai đêm. Ước gì ông cũng nghĩ đến ngôi nhà này theo cách đó. Trong góc sân trước hay ở sân sau của ngôi nhà này, dù tôi không trồng thì năm nào những bông hoa nhỏ xíu cũng đua nhau nở rực rỡ, đẹp mãi cho đến tận khi tàn. Trong sân trước, dưới thềm và sân sau, luôn có thứ gì đó tụ hội, đến rồi đi rồi chết. Chim chóc đậu trên dây phơi như thể đang giặt giũ phơi phóng, chúng vui đùa nhảy nhót ríu ran. Tôi thực sự nghĩ rằng một căn nhà sẽ dần trở nên giống với những con người sống trong đó. Tôi như vẫn thấy đàn vịt sống trong ngôi nhà này quác quác quanh sân và đẻ trứng khắp nơi. Tôi như vẫn thấy một ngày nắng đẹp, tôi mang một cái khay mây đựng củ cải thái lát mỏng phơi khô hoặc khoai sọ luộc ra đặt trên bức tường đất. Cảnh tượng cô con gái thứ phơi đôi giày thể thao trắng tinh sạch bong như mới dưới ánh nắng chợt vụt qua trước mắt tôi. Cô con gái lớn luôn thích ngắm nhìn bầu trời in hình trong giếng nước. Tôi như vẫn thấy hình ảnh Chi-hon đang múc nước bên bờ giếng thì ngưng lại nhìn xuống mặt nước, hai tay chống cằm.

    Đã ở lại lâu quá rồi… Bây giờ tôi phải đi thôi.

    Mùa hè năm ngoái khi bị bỏ lại một mình trên ga tàu điện ngầm Seoul, tôi chỉ nhớ được những chuyện hồi tôi lên ba tuổi. Lãng quên tất cả mọi thứ, điều duy nhất tôi có thể làm lúc ấy là bước đi. Bản thân tôi cũng không biết mình là ai nữa. Tôi cứ bước và bước. Tất cả mọi thứ đều mờ ảo. Cái sân nhà mà tôi thường chạy nhảy nô đùa hồi ba tuổi chợt hiển hiện trong tâm trí tôi. Lúc người cha bôn ba khắp nơi để đào vàng và khai thác than đá trở về, tôi mới lên ba. Tôi đi xa hết mức có thể. Tôi cứ bước đi giữa các tòa chung cư, trên những con đường đồi đầy bụi rậm và cả trên sân bóng. Tôi muốn đi đến đâu khi cứ cất bước mãi thế này? Có lẽ nào tôi muốn tới cái sân mình vẫn thường nô đùa dạo lên ba? Sau khi bố tôi trở về, sáng sáng ông lại đi bộ mười dặm đến làm việc tại công trường xây dựng nhà ga xe lửa mới. Bố tôi đã gặp tai nạn gì? Tai nạn gì mà khiến ông phải giã từ cuộc sống này vậy? Người ta kể rằng khi láng giềng đến báo cho mẹ tôi về tai nạn của bố, tôi đang chạy nhảy vui đùa ngoài sân. Tôi vẫn cứ chơi đùa khi thấy mẹ tôi loạng choạng chạy đến nơi xảy ra tai nạn với sự giúp đỡ của hàng xóm, gương mặt mẹ tái mét. Thấy tôi cười đùa ngoài sân, có người đi ngang qua bảo rằng, “Bố chết rồi không biết mà vẫn còn cười được, đúng là đứa trẻ dại ngơ dại nghếch,” rồi phét vào mông tôi. Với duy chỉ một ký ức ấy, tôi cứ lững thững bước đi cho đến khi kiệt sức ngồi bệt xuống lề đường.

    Kia rồi.

    Mẹ đang ngồi trên thềm ngôi nhà tối tăm nơi tôi sinh ra.

    Mẹ ngẩng mặt lên nhìn tôi. Khi tôi sinh ra, bà tôi đã có một giấc mơ. Một con bò cái lông vàng đang vươn vai, nó vừa thức giấc, khuỵu gối đứng lên. Bà tôi nói rằng tôi sẽ rất giàu nghị lực, vì tôi được sinh ra giống hệt như con bò dùng hết sức để đứng thẳng dậy. Bà còn nói rằng tôi nên được chăm sóc cẩn thận vì tôi sẽ trở thành nguồn vui bất tận. Mẹ nhìn xuống chỗ mu bàn chân của tôi bị đôi dép lê màu xanh cứa sâu. Xương lộ cả ra ngoài vết thương trên chân tôi. Khuôn mặt mẹ méo xệch đi vì buồn bã. Khuôn mặt ấy chính là khuôn mặt tôi trông thấy lúc nhìn vào cái gương ở tủ quần áo sau khi tôi sinh đứa con chết yểu. Ôi con tôi, mẹ thốt lên rồi dang tay ra. Mẹ cho hai tay vào nách tôi cứ như thể ôm đứa trẻ vừa mới chết vào lòng. Mẹ tháo đôi dép lê màu xanh ra khỏi chân tôi và đặt hai bàn chân của tôi lên đầu gối mẹ. Mẹ không cười. Mà cũng không khóc. Mẹ có biết không? Con cũng luôn cần mẹ trong suốt cuộc đời mình.

  8. #27
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần kết: Chuỗi tràng hạt hoa hồng

    Mẹ mất tích đã chín tháng rồi.

    Cô đang ở Italia. Ngồi trên bậc đá cẩm thạch nhìn ra quảng trường St. Peter của Tòa thánh Vatican, cô ngắm cây cột hình tháp được mang từ Ai Cập đến. Người hướng dẫn viên du lịch trán đẫm mồ hôi đang gào lên, “Xin mọi người hãy tập trung đến chỗ này,” và hướng dẫn mọi người trong đoàn của cô đứng vào chỗ râm mát dưới bậc thang, nơi có những biểu tượng hình nón khổng lồ. “Chúng ta không được phép nói chuyện trong các viện bảo tàng hay thánh đường. Vì vậy, tôi sẽ cung cấp cho quý vị thông tin về những thứ quan trọng trong bảo tàng trước khi chúng ta vào tham quan. Tôi sẽ đưa cho mỗi vị một cái tai nghe, quý vị hãy cài nó vào tai.”

    Cô nhận tai nghe từ người hướng dẫn nhưng không cài lên tai. Người hướng dẫn tiếp tục, “Nếu quý vị không nghe thấy gì từ tai nghe thì có nghĩa là quý vị đứng cách xa tôi quá. Vì có rất nhiều người nên tôi không thể để ý đến từng người được. Quý vị phải ở trong tầm nghe được tiếng của tôi thì tôi mới có thể giới thiệu đầy đủ cho quý vị được.”

    Cô treo tai nghe lên cổ rồi đi vào nhà vệ sinh để rửa tay. Mọi người trong đoàn nhìn theo cô khi cô sải bước vào nhà vệ sinh. Cô rửa tay trong bồn rửa và khi mở túi xách lấy khăn lau tay, cô nhìn chằm chằm vào lá thư đã nhàu nát của cô em gái gửi cho mình để ở bên trong. Đây là lá thư cô đã lấy ra từ trong hòm thư ở căn hộ của mình ba hôm trước, đúng vào ngày cô cùng bạn trai rời Seoul. Một tay cầm cái túi du lịch có gắn bánh xe, đứng trước cửa nhà, cô đọc tên cô em gái viết trên phong bì. Từ xưa đến giờ, đây là lần đầu tiên cô nhận được thư từ em gái. Mà đây còn là một lá thư tay chứ không phải email. Cô định mở bức thư ra xem nhưng nghĩ thế nào lại cất vào túi xách. Có lẽ cô nghĩ nếu đọc lá thư đó thì cô sẽ không thể lên máy bay với bạn trai mất. Cô bước ra khỏi nhà vệ sinh và lại ngồi xuống với cả đoàn. Nhưng thay vì đeo tai nghe lên, cô lấy lá thư của cô em gái ra cầm trên tay một lát rồi bóc phong bì thư.

    Chị.

    Hôm em tới chỗ mẹ ngay sau khi em từ Mỹ trở về, mẹ cho em một cây hồng nhỏ cao tới đầu gối em. Hôm đó em đến lấy đồ đạc gửi ở nhà mẹ. Mẹ bị té xỉu trong khu chứa đồ bên cạnh nhà kho, nơi cất giữ bếp ga, tủ lạnh và bàn ăn của em. Mẹ nằm sóng soài ở đó, chân tay rủ cả ra. Mấy con mèo nhà hàng xóm mà mẹ hay cho cơm đang ngồi xung quanh mẹ. Em vội vàng ra lay mẹ, mẹ mở mắt như thể vừa ngủ dậy, nhìn em và mỉm cười. Mẹ nói, “Đứa con gái thứ hai của tôi về rồi đây!” Mẹ bảo với em là mẹ không sao cả. Giờ thì em biết khi đó mẹ không còn tỉnh táo, nhưng mẹ vẫn khăng khăng rằng mẹ không sao cả. Rằng mẹ đang vào nhà kho để mang cơm cho mấy con mèo. Mẹ vẫn giữ nguyên xi mọi thứ em gửi trước khi em đi Mỹ. Ngay cả đôi găng tay cao su mẹ cũng không động đến, cho dù trước khi đi em đã bảo mẹ cứ dùng. Mẹ kể là trong một lần nhà có giỗ, mẹ đã tính dùng cái bếp ga xách tay nhưng rồi lại thôi. Sao mẹ lại không dùng? Em hỏi mẹ thế thì mẹ nói, Để khi con về, mẹ có thể trao lại cho con mọi thứ còn nguyên vẹn như khi con đi.

    Khi em đã chất hết đồ lên xe tải, mẹ ngượng nghịu cầm một cây hồng đi vòng ra từ phía sau nhà, nơi mẹ cất giữ tất cả những chum gia vị. Rễ cây bọc một nắm đất đặt trong túi ni lông. Mẹ đã mua cái cây đó cho em mang về trồng ở khoảnh sân ngôi nhà em mới chuyển đến. Cái cây còn quá nhỏ, em tự hỏi không biết đến khi nào cây hồng này mới cho quả. Nhưng quả tình, em không muốn mang cây hồng về. Nói là nhà có sân nhưng đó đâu phải nhà của em, vả lại em cũng nghĩ không biết ai sẽ chăm sóc cho cái cây đó. Như đọc được ý nghĩ đó của em, mẹ bảo, “Con sẽ thấy cây hồng cho quả ngay thôi; đến bảy mươi năm còn trôi qua vèo vèo nữa là.”

    Thấy em vẫn không định mang nó theo, mẹ bảo, “Như thế để khi mẹ không còn nữa, mỗi lần hái quả hồng là con lại nhớ đến mẹ.”

    Dạo đó mẹ bắt đầu hay nói câu “Khi mẹ chết…” thường xuyên hơn. Chị cũng biết đấy, từ lâu rồi câu nói đó đã trở thành vũ khí của mẹ. Đó là thứ vũ khí duy nhất của mẹ khi con cái làm những việc mẹ không vừa lòng. Em không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi khi không tán thưởng việc gì, mẹ lại bảo, Đợi mẹ chết rồi hãy làm thế. Dù chẳng chắc liệu cây hồng nhỏ đó có sống sót được hay không, em đặt nó lên xe tải chở về Seoul rồi chôn gốc của nó xuống đất sâu tới đúng chỗ mẹ đã đánh dấu trên cây. Sau đó, khi lên Seoul, mẹ bảo em trông cái cây sát tường quá, nên chuyển ra trồng chỗ khác. Từ đó mẹ thường xuyên hỏi em đã chuyển cái cây chưa. Em cứ bảo chuyển rồi, mặc dù chưa chuyển. Mẹ muốn em chuyển cây hồng ra cái khoảng trống rộng trong sân mà em đã dự định khi nào mua được ngôi nhà này thì sẽ trồng một cái cây thật to ở đó. Thực sự em không hề nghĩ mình sẽ chuyển cái cây non mới chỉ có hai nhánh, cao chưa chạm đến thắt lưng mình ra trồng ở chỗ đó, nhưng em vẫn trả lời, Vâng mẹ ạ. Trước khi mẹ mất tích, bỗng dưng ngày nào mẹ cũng gọi điện cho em mà hỏi, “Con đã chuyển cái cây ra trồng ở chỗ đó chưa?” Mỗi lần như thế em chỉ bảo, Hôm sau con sẽ chuyển.

    Chị ơi. Phải đến tận hôm qua em mới cõng thằng út trên lưng ra đón taxi đến So-orung để mua dụng cụ và phân bón thực vật. Em đào hố đúng chỗ mẹ chỉ rồi đánh cây hồng ra trồng ở đó. Em không thấy hối hận chút nào vì không nghe lời mẹ, chẳng chịu chuyển cây hồng khỏi bức tường, nhưng em thực sự ngạc nhiên khi đánh cái cây lên. Lần đầu tiên mang cây hồng lên đây, rễ của nó trơ trụi tới mức em cứ phải nhìn chăm chăm, nghi ngờ rằng đám rễ thậm chí không thể phát triển trong lòng đất, nhưng lúc em đào cái cây lên để chuyển đi, bộ rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất; đan cài vào nhau. Em vô cùng ấn tượng với sự sống bền bỉ của nó khi nó xoay xở tồn tại đươc trên mảnh đất cỗi cằn như thế. Có phải mẹ cho em cây hồng bé xíu là để em có thể chứng kiến tán lá của nó ngày một sum suê và cành nhánh của nó ngày một đan dày? Phải chăng mẹ có ý bảo với em rằng nếu muốn nhìn thấy cây đơm hoa kết trái thì phải chịu khó chăm sóc cho nó? Hay có lẽ chỉ đơn giản là vì mẹ không có tiền để mua cây to? Lần đầu tiên em thấy yêu thích cây hồng đó. Em không còn hoài nghi liệu cây hồng này có ngày cho quả hay không nữa. Em lại nhớ tới câu mẹ nói, “Sau khi mẹ đi rồi, mỗi lần cầm quả hồng lên ăn thì con sẽ nghĩ đến mẹ.”

    Chị có nhớ có lần chị đã bảo em kể cho chị nghe những chuyện về mẹ mà chỉ mình em biết không? Em đã nói là em không biết gì về mẹ cả. Tất cả những gì em biết là mẹ đang mất tích. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Đặc biệt em không biết sức mạnh của mẹ ở đâu mà ra. Thử nghĩ mà xem. Những việc mà người khác không làm được thì mẹ đều tự mình làm cả. Em cho rằng vì thế mà mẹ ngày một cạn kiệt đi. Cuối cùng mẹ trở thành con người không tìm nổi nhà của bất kỳ đứa con nào của mình. Em thấy mình thật là lạ, mặc dù mẹ bị mất tích nhưng vì còn phải cho con cái ăn uống, chải đầu cho chúng và đưa chúng đến trường nên em đã không thể đi tìm mẹ. Chị có nói rằng gần đây em đã thay đổi nhiều, không giống với những người mẹ trẻ khác ngày nay, chị bảo một phần nhỏ trong em hơi giống với mẹ, nhưng chị ơi, dù gì đi nữa, em không nghĩ mình có thể giống được mẹ của chúng ta. Kể từ khi mẹ mất tích, em cứ nghĩ mãi, liệu mình đã là đứa con gái tốt của mẹ chưa? Liệu em đã làm được cho các con mình những việc mẹ đã làm cho em chưa?

    Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ. Em cứ mong đứa út mau khôn lớn. Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kìm hãm cuộc đời mình. Khi nào đứa út lớn thêm một chút nữa, em sẽ gửi cháu đến nhà trẻ hoặc thuê người về trông cháu để em còn phải làm việc của em nữa chứ. Nhất định em sẽ làm như vậy. Vì em cũng phải có cuộc sống của riêng mình nữa. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm, và khi đó em mới biết rằng mình không thực sự hiểu mẹ. Dù chúng ta cứ nói là hoàn cảnh sống của mẹ khiến mẹ chỉ có thể nghĩ về chúng ta đi nữa, sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ, và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy. Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?

    Chị…

    Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.

    Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ…

    Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé…

    Em gái cô chắc đã không thể viết ngày tháng hoặc lời tạm biệt ở cuối bức thư. Trên trang giấy có những vết ố hình tròn, có lẽ em gái cô đã khóc, khi viết. Cô nhìn chằm chằm vào những điểm ố vàng ấy hồi lâu rồi gấp lá thư lại cho vào túi xách. Có khi trong lúc em gái cô đang viết thư thì đứa con út đã vơ lấy cái gì đó ở dưới gầm bàn cho vào miệng rồi ra túm lấy hông mẹ và cất giọng ngọng nghịu hát bài Gấu mẹ… rồi đu lên người mẹ. Cô em gái hẳn đã nhìn thằng bé với vẻ mặt u sầu rồi hát theo con, gầy gò! Đứa con trai nhỏ không hiểu được tâm trạng của mẹ nên cứ ngoác miệng ra cười toe toét, và nói, Gấu bố rồi chờ đợi mẹ phụ họa tiếp. Em gái cô nước mắt lưng tròng, đế lời con, béo ị! Có lẽ em gái cô đã không thể viết lời tạm biệt vì phải chơi đùa với con. Có lẽ đứa trẻ đã túm chặt lấy chân mẹ rồi cố leo lên nhưng rồi lại ngã lăn quay và bập trán xuống sàn nhà. Thằng bé sẽ khóc òa lên nức nở. Nhìn thấy vết bầm tím lan rộng trên làn da mỏng manh của đứa bé, có lẽ những giọt nước mắt cố kìm nén của em gái cô bỗng dưng trào ra.

    Sau khi cô gấp lá thư lại cất vào túi xách, giọng nói nhiệt tình của người hướng dẫn vọng đến tai cô. “Thứ đặc sắc nhất của viện bảo tàng này chính là bức họa Chúa tạo ra Adam trên trần nhà nguyện Sistine mà chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vào cuối buổi hôm nay. Danh họa Michelangielo đã treo mình trên xà của cái trần đó suốt bốn năm để thực hiện bức bích họa này, thế nên đến cuối đời mình, thị lực của ông ấy kém tới mức nếu không ra ngoài trời thì không thể đọc chữ hay xem tranh được nữa. Bích họa được làm từ vữa, thế nên người họa sĩ phải hoàn thành trước khi lớp vữa khô lại. Nếu họ không thể hoàn thành trong một ngày khối lượng công việc thông thường phải làm trong một tháng thì lớp vữa sẽ khô cong và họ sẽ phải làm lại từ đầu. Vì ông ấy phải treo mình trên không suốt bốn năm trời như thế, tôi nghĩ cũng là dễ hiểu khi ông ấy gặp vấn đề về cổ và lưng trong suốt phần đời còn lại.”

  9. #28
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Việc cuối cùng cô làm ở sân bay trước khi lên máy bay là gọi điện về cho người bố ở dưới quê. Sau khi mẹ mất tích, bố cứ đi đi về về giữa Seoul và ngôi nhà ở quê, nhưng từ độ sang xuân bố đã về sống hẳn dưới nhà. Ngày nào cô cũng gọi điện cho bố vào buổi sáng, cũng có khi vào buổi tối. Điện thoại vừa đổ một hồi chuông là bố cô nhấc lên ngay như đã chờ đợi cuộc gọi ấy từ lâu lắm. Bố sẽ nói tên cô trước cả khi cô kịp lên tiếng. Trước đây mẹ cũng luôn đoán ra cô mỗi khi cô gọi điện về nhà như thế. Trong khi đang nhổ cỏ ở luống hoa ngoài sân, nghe thấy chuông điện thoại reo là mẹ bảo ngay với bố, “Ông nghe điện thoại đi, Chi-hon gọi đấy!” Nếu cô có hỏi, “Sao chỉ cần nghe chuông điện thoại là mẹ có thể đoán ra ai đang gọi thế,” mẹ sẽ nhún vai bảo, “Chỉ là… mẹ tự nhiên biết được thôi.” Giờ đây sống một mình trong ngôi nhà trống vắng không có mẹ, bố cũng có thể biết chắc là cô đang gọi, ngay từ tiếng chuông đầu tiên. Cô nói với bố rằng có thể cô sẽ không gọi điện trong một thời gian vì ở bên Roma mà gọi về thì cô lại phải tính xem có làm bố thức giấc không. Như thể chẳng để ý cô đang nói gì, đột nhiên bố cô bảo rằng lẽ ra bố phải đưa mẹ đi phẫu thuật viêm màng phổi.

    “Mẹ con cũng bị đau mũi nữa sao?” cô hỏi mà giọng như nghẹn lại, bố cô kể cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là mẹ cô lại không thể ngủ được vì ho. Bố cô còn nói thêm, “Đó là lỗi của bố, tất cả là tại bố. Vì bố mà mẹ con không có thời gian chăm sóc chính bản thân mình.” Nếu phải ngày nào khác thì có lẽ cô đã bảo, “Bố, đó không phải là lỗi của ai cả,” nhưng hôm ấy những từ “Phải, tất cả là tại bố” cứ thế nhảy ra khỏi miệng cô. Bố cô buông tiếng thở dài nặng nhọc ở bên kia đầu dây. Bố cô không biết rằng cô đang gọi điện từ sân bay.

    “Chi-hon à,” mãi một lúc sau bố cô mới lên tiếng.

    “Dạ.”

    “Bây giờ thậm chí mẹ con cũng không hiện về trong giấc mơ của bố nữa rồi.”

    Cô không nói gì.

    Sau một hồi im lặng, bố cô lại bắt đầu nhắc chuyện ngày xưa. Bố kể rằng có một hôm, bố mẹ nấu con cá bao kiếm anh cả cô gửi về biếu. Hôm đó, mẹ đào một củ cải còn nguyên lá xanh ở cánh đồng trên núi về, rũ sạch đất cát, dùng dao gọt, cắt thành từng khúc to rồi rải xuống dưới đáy nồi để om con cá bao kiếm, con cá chín đỏ lên cùng đủ loại gia vị. Khi cá chín, mẹ gỡ thịt cá đặt lên bát cơm trắng tinh của bố. Bố cô sụt sịt khi nhớ lại ngày mùa xuân ấy, trong bữa ăn trưa bố mẹ chia nhau con cá bao kiếm mà mẹ đã om buổi sáng, và sau khi ăn uống no nê, hai người cùng vào trong phòng dang tay ngủ trưa. Bố cô nói khi đó bố đã không biết rằng đó là hạnh phúc. “Bố thấy thương cho mẹ con. Lúc nào bố cũng kêu ca mệt mỏi.” Đó là sự thực. Bố cô hoặc là đi vắng hoặc là ở nhà trong tình trạng ốm đau. Dường như giờ đây bố cô đang rất ân hận về điều đó. Tiếng khóc thầm của người cha già bật lên thổn thức.

    “Lúc bố bắt đầu trở nên ốm yếu thì hẳn mẹ con cũng mắc tình trạng tương tự.”

    Có phải mẹ thậm chí đã không thể nói ra rằng bà đang đau ốm, phải gạt qua một bên vì sự mệt nhọc của bố cô? Vì phải chăm sóc cho mọi người trong gia đình, mẹ trở thành người không được phép ốm. Khi bước sang tuổi năm mươi, bố cô bắt đầu phải dùng thuốc huyết áp, khớp xương thì tê cứng, bệnh đục thủy tinh thể cũng xuất hiện. Ngay trước khi mẹ mất tích, bố cô đã phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật khớp xương đầu gối trong suốt hơn một năm trời, rồi lại còn phải phẫu thuật tuyến tiền liệt vì đi tiểu khó khăn. Bố cô từng bị đột quỵ, vì vậy mỗi năm ông phải nhập viện ba lần, mỗi lần lại nằm viện nửa tháng tới một tháng, chu trình ấy cứ lặp đi lặp lại như thế. Lần nào bố nằm viện, mẹ cũng phải ngủ trong bệnh viện. Gia đình cô đã thuê người chăm sóc cho bố, nhưng ban đêm mẹ vẫn phải ngủ ở đó. Khi người giúp việc ngủ qua đêm ở bệnh viện, chừng nửa đêm bố cô đi vào nhà vệ sinh rồi chốt cửa lại và không chịu ra ngoài. Có lần đang ở nhà anh Hyong-chol, nhận được điện thoại của người giúp việc đang hốt hoảng vì không biết phải làm gì trước hành động bất ngờ của bố cô, dù đang lúc nửa đêm, mẹ cô vẫn vội vã đi đến bệnh viện để dỗ dành người chồng đang khóa cửa ngồi trong nhà vệ sinh.

    “Tôi đây. Mở cửa đi ông, tôi đây mà.”

    Cho dù ai có nói gì đi nữa bố cô cũng không mở cửa, nhưng vừa nghe thấy tiếng của mẹ cô là bố cô mở cửa ngay. Lúc ấy, bố cô đang ngồi nép mình bên cạnh bồn vệ sinh. Mẹ dìu bố ra giường, bố nhìn mẹ một hồi rồi cuối cùng thiếp đi. Bố cô đã nói rằng ông không hề nhớ chuyện đó. Ngày hôm sau, khi cô hỏi bố tại sao lại làm như vậy, bố cô đã vặn lại, “Con nói bố làm chuyện đó ấy hả?” Rồi dường như sợ cô hỏi tiếp, bố cô nhắm ngay mắt lại.

    “Mẹ cũng phải nghỉ ngơi chứ bố.”

    Bố quay người vào trong. Cô biết bố chỉ giả vờ ngủ chứ thực ra vẫn nghe thấy câu chuyện của hai mẹ con. Mẹ nói mẹ nghĩ bố làm như vậy vì bố thấy sợ. Chắc bố con làm thế vì bố con đang ở bệnh viện chứ không phải ở nhà, nửa đêm thức giấc thấy xung quanh toàn người lạ mà lại chẳng có người thân nào, vậy nên bố con mới trốn đi, sợ hãi băn khoăn không biết chỗ này là chỗ nào.

    “Có cái gì mà phải sợ đến thế chứ?” Bố cô hẳn cũng nghe thấy cô cáu gắt.

    “Con chưa từng sợ cái gì sao?” mẹ cô nói nhỏ rồi nhìn vội về phía bố cô. “Bố con nói rằng đôi khi mẹ cũng hành động như vậy. Bố con kể nhiều lần nửa đêm thức giấc bố không thấy mẹ đâu nên ông ấy phải đi tìm mẹ, lúc ấy mẹ đang trốn trong nhà kho hoặc sau bờ giếng. Mẹ huơ huơ tay trước mặt và nói, ‘Đừng làm thế với tôi…’ Bố con nói lúc ấy mẹ cứ run lẩy bẩy.”

    “Mẹ bị như thế sao?”

    “Mẹ không nhớ đã làm vậy. Bố con nói bố phải đưa mẹ vào nhà, đặt mẹ nằm xuống, cho mẹ uống nước, và rồi mẹ lại thiếp đi. Mẹ mà còn như thế thì chắc bố con cũng có nỗi sợ.”

    “Nhưng sợ cái gì mới được chứ?”

    Mẹ lẩm bẩm như nói một mình, “Mẹ nghĩ đó là nỗi sợ cuộc sống lần hồi. Sợ nhất là khi trong chum không còn chút gạo nào cả. Cứ nghĩ đến cảnh để các con phải nhịn đói… môi mẹ lại run lên vì sợ. Có những năm tháng như vậy đấy.”

    Bố cô chưa từng kể với cô hay bất kỳ ai trong gia đình về chuyện đôi khi mẹ hành động như vậy. Sau khi mẹ mất tích, mỗi lần cô gọi điện về cho bố là bố lại kể một vài câu chuyện cũ nào đó để trì hoãn không cho cô dập điện thoại, nhưng bố chưa bao giờ kể với cô rằng mẹ thỉnh thoảng lại trốn vào đâu đó giữa đêm trong khi đang ngủ.

    Cô nhìn đồng hồ. Đã mười giờ sáng. Không biết bạn trai của cô đã ngủ dậy chưa? Anh ấy đã ăn sáng chưa?

    Sáng nay, cô thức dậy vào lúc sáu giờ trong một khách sạn cũ kỹ đối diện nhà ga Terminar. Sau khi mẹ mất tích, cảm giác tuyệt vọng nặng nề bao phủ lên cơ thể và tâm hồn cô, cứ như thể cô đang chìm sâu dưới nước. Cô ngồi dậy trên giường, bạn trai cô đang nằm xây lưng lại với cô thì chợt quay lại và cố ôm cô. Cô gỡ tay anh ra đặt xuống giường. Bị cô từ chối, anh vắt tay lên trán rồi nói, “Ngủ thêm chút nữa đi em.”

    “Em không ngủ được nữa.”

    Anh bỏ tay ra khỏi trán rồi quay người đi. Cô nhìn chằm chằm vào tấm lưng săn chắc của anh. Cô đưa tay vuốt dọc lưng anh. Sau khi mẹ mất tích, cô chưa một lần ôm chặt lấy tấm lưng này.

    Mọi người trong gia đình cô đã kiệt sức vì đi tìm mẹ, cứ gặp nhau là cả nhà lại chìm vào im lặng. Rồi sau đó ai cũng nổi khùng lên. Người thì đá tung cửa để đi ra ngoài, người thì rót rượu vào cốc uống bia rồi nốc một hơi cạn sạch, cố đẩy lùi những ký ức về mẹ từ đâu bỗng ùa về vây lấy mình, cô chỉ nghĩ được một điều: Giá như mẹ có ở đây. Giá như từ phía bên kia ống nghe, mẹ có thể nói thêm một lần nữa, “Mẹ đây!” Trước đây mẹ luôn nói câu ấy mỗi khi nhấc điện thoại. Sau khi mẹ mất tích, anh em cô không thể duy trì được cuộc nói chuyện nào quá mười phút. Câu hỏi “Giờ này mẹ đang ở đâu?” cứ chậm rãi len vào dòng suy nghĩ của cô, khiến cô cảm thấy bất an.

    “Hôm nay em muốn đi một mình,” cô đánh bạo lên tiếng.

    “Em định làm gì một mình?” bạn trai cô hỏi, vẫn quay mặt vào trong.

    “Em định đi đến thánh đường St. Peter. Hôm qua, trong lúc đợi anh ở sảnh khách sạn, em đã đăng ký tour tham quan Tòa thánh Vatican hôm nay rồi. Em phải chuẩn bị để đi đây. Đoàn sẽ xuất phát vào lúc bảy giờ hai mươi phút ở tiền sảnh khách sạn. Họ nói rằng đoàn người vào đó rất dài, nếu chín giờ mà vẫn chưa tới đấy thì phải mất hơn hai tiếng đồng hồ mới vào được bên trong.”

    “Để mai đi cùng với anh.”

    “Chúng ta đang ở Roma mà. Ở đây còn rất nhiều nơi em có thể đi cùng anh.”

    Cô rửa mặt thật khẽ để khỏi quấy rầy anh. Cô muốn gội đầu nhưng sợ tiếng nước chảy quá to nên cô chỉ buộc gọn tóc ra sau rồi nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương. Cô thay quần áo rồi vừa bước ra khỏi phòng tắm vừa nói như thể mới sực nhớ ra, “Cảm ơn anh vì đã đưa em đến đây.”

    Bạn trai cô kéo chăn trùm lên mặt. Cô biết anh đã kiên nhẫn hết sức chịu đựng. Anh đã giới thiệu với tất cả những người họ gặp ở đây rằng cô là vợ mình. Nếu tìm thấy mẹ thì giờ đây có lẽ cô đã trở thành vợ của anh thật rồi. Cô cũng biết rằng anh đã nhận lời đi ăn trưa với mấy cặp đôi khác sau buổi hội thảo sáng nay. Nếu anh đến nhà hàng một mình, những người kia thể nào cũng hỏi anh rằng vợ đi đâu mà không đến. Cô nhìn chằm chằm vào anh, tấm chăn vẫn trùm kín mặt anh, rồi lặng lẽ rời khỏi phòng. Từ khi mẹ đi lạc, cô ngày càng hay hành động bốc đồng. Cô uống rượu vô cùng bốc đồng, rồi có khi đột nhiên ngẫu hứng, cô ra bắt tàu hỏa về nhà bố mẹ dưới quê. Trong lúc đang nằm thao thức nhìn chằm chằm lên trần phòng, cô lại chạy ào ra ngoài đường phố Seoul để đi dán tờ rơi, bất kể khi đó là nửa đêm hay tờ mờ sáng. Có lần cô còn nhảy bổ vào đồn cảnh sát gào lên, “Hãy tìm mẹ tôi đi.” Lúc đến đồn cảnh sát sau khi nhận được tin báo, anh Hyong-chol cứ nhìn cô chằm chằm. Cô còn gào toáng lên đầy kích động với người anh trai đang dần bình thản chấp nhận sự vắng mặt của mẹ và bắt đầu đi chơi golf trở lại, “Hãy đi tìm mẹ đi!”

    Cô gào lên vừa để phản đối sự thờ ơ của những người quen biết mẹ mình vừa bởi căm ghét chính bản thân mình vì đã không thể tìm được mẹ. Anh trai cô lặng lẽ lắng nghe những tiếng la hét inh tai tấn công dồn dập từ phía cô, “Tại sao anh lại có thể như thế được chứ? Tại sao anh lại không đi tìm mẹ? Tại sao? Tại sao!” Tất cả những gì anh trai cô có thể làm là cùng cô đi bộ khắp nơi trong thành phố vào buổi đêm. Cô lang thang tìm kiếm mẹ suốt đêm trong những đám đông tụ tập dưới những đường hầm dành cho người đi bộ, khoác trên người chiếc áo lông chồn cô lấy đi từ tủ quần áo của mẹ từ mùa đông năm ngoái, cũng có khi cô vắt chiếc áo ấy trên tay. Làm như thế để khi gặp mẹ, cô có thể choàng chiếc áo ấy lên người mẹ, vì khi đi lạc mẹ mặc bộ đồ mùa hè. Hình bóng cô cầm chiếc áo trên tay đổ dài trên bức tường đá cẩm thạch của những tòa nhà cao tầng khi cô bước đi giữa những người vô gia cư đang nằm ngủ, trên người chỉ có mấy tờ báo hay cái thùng đựng mì làm chăn. Cô luôn mở điện thoại, nhưng giờ đây không còn ai gọi điện đến để báo rằng họ đã nhìn thấy một người trông giống mẹ cô nữa.

    Một lần, cô đến ga tàu điện ngầm Seoul, đi tới đúng địa điểm mẹ bị lạc, và bất ngờ thấy anh trai cô đang đứng bần thần ở đó. Anh em cô cứ ngồi đó nhìn những đoàn tàu đến rồi đi cho đến tận chuyến cuối cùng. Anh trai cô nói rằng dạo đầu khi ngồi ở đây như thế này, anh nghĩ mẹ sẽ xuất hiện rồi vỗ vai anh mà gọi, “Hyong-chol!” Nhưng giờ đây anh không còn nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra. Anh cô bảo rằng giờ anh chẳng nghĩ được gì nữa, trong đầu anh hoàn toàn trống trơn. Mỗi khi không muốn về nhà ngay sau giờ làm việc, anh lại thấy mình lang thang đến nhà ga này. Có một ngày nghỉ, cô đến nhà anh trai mình. Khi thấy anh bước xuống xe với bộ gậy chơi golf trên tay, cô hét toáng lên, “Anh là đồ tồi!” rồi làm ầm ĩ lên một trận. Nếu ngay đến cả anh trai cô cũng chấp nhận sự biến mất của mẹ thì trên thế giới này ai sẽ là người đi tìm mẹ bây giờ? Cô giật lấy cây gậy đánh golf của anh trai mà ném mạnh xuống đất. Tất cả thành viên trong gia đình cô đang dần trở thành con trai, con gái và người chồng có người mẹ, người vợ mất tích. Dù không có mẹ, cuộc sống thường nhật vẫn tiếp diễn.

    Một lần khác, cô đến chỗ mẹ bị lạc vào lúc sáng sớm và lại gặp anh trai mình ở đó. Từ phía sau, cô ôm chặt lấy người anh trai đang đứng trong ánh sáng ban mai. Anh trai cô nói rằng có lẽ chỉ chúng ta, những đứa con của mẹ, nghĩ rằng cuộc đời của mẹ đầy nỗi khổ đau và sự hy sinh. Có lẽ bởi vì đã phạm quá nhiều sai lầm nên chúng ta mới nhớ về mẹ như một con người buồn bã như vậy. Có lẽ thực ra chúng ta đang hạ thấp cuộc đời của mẹ xuống thành một thứ gì đó vô ích. Như để chứng minh, anh trai cô nhắc lại đến những lời mẹ cô hay nói. Mẹ thường nói, “Ơn trời! Đây là một việc chúng ta phải thấy biết ơn!” khi có chuyện gì đó dù rất nhỏ diễn ra thuận lợi. Mẹ luôn biểu lộ sự biết ơn đối với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà ai cũng có. Anh trai cô nói rằng lòng biết ơn của mẹ xuất phát từ trái tim chân thành. Mẹ thường nói lời cảm ơn trong mọi việc. Một người luôn biết ơn như vậy không thể nào lại có cuộc đời bất hạnh đâu. Khi chia tay, anh cô nói, “Anh sợ rằng dù có trở về mẹ cũng sẽ không nhận ra anh nữa.” Cô nói với anh rằng, với mẹ, anh là người quý giá nhất trên thế gian. Cho dù anh có thay đổi thế nào và ở đâu đi chăng nữa thì mẹ vẫn có thể nhận ra anh. Khi anh trai cô vào trại huấn luyện để chuẩn bị thi hành nghĩa vụ quân sự, có một ngày các bậc phụ huynh được mời đến thăm trại. Mẹ cô làm bánh gạo, cho vào rổ đội lên đầu rồi dẫn cô đi thăm anh trai. Cho dù giữa hàng trăm người lính mặc quần áo giống hệt nhau đang biểu diễn những động tác taekwondo y như nhau, mẹ vẫn nhận ngay ra anh trai cô. Trong mắt cô, tất cả những người lính ấy trông cứ hao hao, nhưng mẹ cô nở nụ cười rạng rỡ, vừa chỉ trỏ vừa bảo, “Anh trai con ở kia kìa!”

    Một lần, hai anh em cô đang ngồi tâm sự thân tình về mẹ, nhưng một lát sau cô to tiếng với anh trai mình, vặn hỏi anh tại sao không làm nhiều việc hơn nữa để tìm mẹ. Cô hét lên với anh, “Sao anh lại nói về mẹ cứ như mẹ sẽ không thể trở về thế?” Anh trai cô nói, “Hãy nói cho anh biết, anh còn phải làm gì nữa để tìm mẹ đây?” Rồi trong cơn tuyệt vọng, anh trai cô bứt tung mấy cái cúc của chiếc áo mi trắng mặc bên trong áo vest, và cuối cùng anh khóc trước mặt cô. Từ sau hôm đó, anh trai cô không nhận điện thoại của cô nữa.

    Mãi sau khi mẹ mất tích, cô mới nhận thấy rằng những câu chuyện về mẹ đã chất đầy trong tâm hồn cô, không bao giờ vơi cạn. Cuộc sống thường nhật của mẹ cứ lặp đi lặp lại, không có điểm ngừng. Những lời nói hằng ngày của mẹ, những lời mà khi còn ở bên mẹ, cô chẳng bao giờ suy nghĩ sâu xa, thậm chí đôi khi còn xem như thứ vô giá trị, nay lại dội ngược lên tâm trí cô như những con sóng cuộn trào. Cô đã hiểu ra một điều. Đó là vị thế của mẹ trong cuộc đời không hề thay đổi ngay cả khi chiến tranh đã đi qua, ngay cả khi gia đình này đã có của ăn của để. Khi gia đình lâu ngày mới gặp mặt, lúc mọi người đang ngồi quây quần quanh bàn ăn trò chuyện cùng bố về cuộc bầu cử tổng thống thì mẹ vẫn phải cặm cụi làm đồ ăn để bưng ra, vẫn phải lau chùi chén đĩa và giặt giũ phơi phóng mớ giẻ. Mẹ còn phải lo việc sửa chữa cổng, mái nhà và sàn nhà. Lẽ ra cô phải giúp đỡ mẹ những công việc mẹ làm không ngơi nghỉ ấy, đằng này cô thậm chí còn xem đó là lẽ đương nhiên và vô tư coi đấy là công việc của mẹ. Đôi khi, đúng như lời anh trai cô đã nói, cô nghĩ cuộc đời của mẹ thật là đáng chán. Mặc dù mẹ đã luôn cố gắng cật lực để dành cho cô tất cả những gì tốt đẹp nhất, tuy mẹ chưa một lần được ở trong hoàn cảnh thuận lợi. Mặc dù chính mẹ là người đã vỗ về cô khi cô cảm thấy cô đơn.

  10. #29
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Khi những chiếc lá non nhỏ xíu bắt đầu tua tủa nhú lên trên những cây ngân hạnh ở gần Tòa thị chính, cô ngồi thu mình dưới một gốc cây to trên con đường lớn dẫn đến Samchong. Không thể tin được rằng mùa xuân đang đến mà không có mẹ ở đây. Mặt đất đóng băng đang tan ra và cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Trái tim cô, vốn là thứ đã giúp cô sống sót qua thử thách này với niềm tin rằng một ngày kia cô sẽ tìm được mẹ, giờ đây tan nát. Cho dù mẹ mất tích thì mùa hè vẫn đến, mùa thu sẽ lại về và mùa đông cứ sang như vốn dĩ. Và con sẽ sống trong một thế giới không có mẹ. Cô có thể tưởng tượng ra một con đường hoang vắng. Người phụ nữ bị lạc đi đôi dép lê màu xanh đang bước lảo đảo trên con đường đó.

    Không cho bất kỳ ai trong gia đình hay biết, cô theo bạn trai sang Roma khi anh tới đó tham dự hội thảo. Mặc dù chính anh đã đề nghị cô đi cùng, anh không mong đợi cô đồng ý. Khi cô quyết định chắc chắn đi cùng, anh hơi ngạc nhiên, nhưng anh vẫn kiên nhẫn thu xếp một số thay đổi trong lịch trình của mình. Trước ngày khởi hành, bạn trai cô còn gọi điện cho cô để hỏi lại xem có gì thay đổi không. Khi lên chuyến máy bay đến Roma cùng anh, lần đầu tiên cô tự hỏi không biết có phải ước mơ của mẹ là được đi du lịch không. Bởi vì lúc nào mẹ cũng mặt mày lo lắng, bảo cô không được đi máy bay, nhưng mỗi khi cô trở về từ đâu đó, mẹ lại hỏi rất kỹ về nơi cô vừa tới thăm. Người Trung Quốc ăn mặc như thế nào? Thổ dân da đỏ cõng trẻ con ra sao? Ở Nhật Bản, món gì ngon nhất? Những câu hỏi của mẹ làm cô xoay như chong chóng. Thế nên cô luôn trả lời ngắn gọn, đàn ông Trung Quốc cởi trần vào mùa hè và cứ thế đi khắp nơi, người phụ nữ thổ dân da đỏ mà con nhìn thấy ở Peru địu con của mình trong cái túi lưới đeo bên sườn, món ăn của Nhật Bản rất ngọt. Nếu mẹ hỏi thêm, cô sẽ bực mình đáp, “Rắc rối quá, con sẽ kể cho mẹ nghe sau!” Nhưng sau đó cô chẳng có cơ hội để kể những chuyện ấy cho mẹ. Vì cô còn có rất nhiều việc khác cần phải giải quyết. Cô ngả hẳn người ra ghế máy bay và thở dài đánh thượt. Chính mẹ là người đã bảo cô nên sống ở một nơi nào đó thật xa. Cũng chính mẹ là người đã gửi cô từ vùng quê nơi cô sinh ra lên thành phố xa xôi từ khi cô còn ít tuổi. Người mẹ của thuở ấy. Cô đau đớn nhận ra rằng khi đưa cô lên thành phố rồi để cô ở lại và vội vàng bắt chuyến tàu đêm để về quê, mẹ đúng bằng tuổi cô bây giờ. Một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy biến mất, từng chút từng chút một. Người phụ nữ ấy đã phải quên đi niềm vui được sinh ra trên cuộc đời này, quên đi tuổi thơ và những ước mơ, lấy chồng trước cả khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sinh năm đứa con và nuôi nấng chúng. Đó là người phụ nữ không bao giờ ngạc nhiên hay nao núng trước bất cứ điều gì, ít nhất là trong những việc liên quan đến con cái. Đó là người phụ nữ đã phải chịu bao nhiêu hy sinh trong cuộc đời cho đến tận ngày bị mất tích. Cô thử làm phép so sánh giữa chính cô với mẹ mình. Nhưng bản thân mẹ đã là một thế giới hoàn chỉnh. Nếu là mẹ, cô đã không chạy trốn như thế này, chạy trốn khỏi sự sợ hãi.

    Nói cho đúng thì toàn bộ thành phố Roma là một khu di tích lịch sử. Tất cả những điều xấu về Roma mà cô được nghe là: nhân viên ngành đường sắt thường xuyên bãi công và thậm chí không bao giờ xin lỗi hành khách, những kẻ xấu sẽ kéo tay bạn và giật đồng hồ đeo tay của bạn ngay trước mắt bạn, về đêm đường phố sẽ bị vẽ bậy và chất đầy rác rưởi. Cô không quan tâm đến những điều đó. Cô thờ ơ giương mắt nhìn khi tay tài xế taxi trộm đồ của mình và một kẻ nào đó chôm ngay chiếc kính mát cô vừa tháo ra để bên cạnh. Nhưng cô vẫn một mình đi đến nhiều khu phế tích trong suốt ba ngày qua, khi bạn trai cô phải tham dự hội thảo. Cô đi tới những nơi như chợ Roma, đấu trường cổ, nhà tắm công cộng Calacalla, khu hầm mộ. Cô đứng lặng người trong những khu phế tích mênh mông của thành phố rộng lớn này. Mọi thứ ở Roma đều là biểu tượng của nền văn minh. Mặc dù những vết tích của quá khứ trải rộng ra trước mắt cô bất kể nơi nào cô bước chân tới, cô không lưu giữ một điều gì trong trái tim mình.

    Giờ đây, cô đang ngắm nhìn những bức tượng thánh ngoài quảng trường, nhưng ánh mắt cô không dừng lại ở nơi nào cả. Người hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng Vatican không chỉ là một quốc gia của thế giới thế tục mà còn là đất nước của Chúa. Lãnh thổ chưa đầy 44 héc ta, nhưng lại là một quốc gia độc lập có hệ thống tiền tệ và tem bưu chính riêng. Cô không để ý gì đến những lời giải thích của hướng dẫn viên. Mắt cô hết nhìn người này lại tới người kia. Mặc dù chỉ có ít người ở xung quanh đây, ánh mắt bất an của cô vẫn nhảy từ gương mặt này sang gương mặt khác, cô tự hỏi liệu mẹ có ở đâu đó quanh đây không? Vẫn biết chẳng có lý gì mẹ lại ở trong nhóm du khách phương Tây này, nhưng ngay lúc này đây, ánh mắt của cô không sao ngưng lại ở một thứ gì đó được. Bất chợt cô chạm phải ánh mắt của người hướng dẫn, anh ta từng kể mình tới đây học thanh nhạc đã được bảy năm. Cảm thấy bối rối vì không đeo tai nghe, cô đành lấy tai nghe đeo lên. “Vatican là quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới,” hướng dẫn viên tiếp tục giới thiệu. “Nhưng mỗi ngày có đến ba vạn người tới tham quan nơi này.” Ngay khi lời giới thiệu của người hướng dẫn lọt vào tai cô thông qua tai nghe, cô cắn phập vào phía trong môi dưới. Lời của mẹ bất chợt xuất hiện trong đầu cô. Chuyện đó xảy ra khi nào nhỉ? Mẹ đã từng hỏi cô nước nào là nước nhỏ nhất thế giới. Mẹ còn đề nghị là nếu có khi nào cô tới đó thì hãy mua cho mẹ một chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc. Nước nhỏ nhất thế giới. Cô bỗng tập trung chú ý. Đất nước này phải không? Đất nước Vatican này sao?

    Vẫn đeo tai nghe, cô tách ra khỏi đoàn người lúc đó đang ngồi phía dưới bậc thềm đá hoa cương để tránh nắng và một mình đi vào viện bảo tàng. Mẹ đã nói là chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc sao? Cô đi lướt qua những tác phẩm điêu khắc và những bức tranh tường lộng lẫy trải dài như vô tận trước mắt. Chắc chắn quanh đây phải có cửa hàng bán đồ lưu niệm. Thể nào cũng có chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đó. Cô mau lẹ lách qua mọi người để đi tìm chuỗi tràng hạt hoa hồng rồi dừng bước ở điện thờ trong nhà nguyện Sistine. Michelangielo đã treo mình trên xà của cái trần cao tít này hằng ngày trong hơn bốn năm trời để thực hiện bức bích họa này ư? Kích cỡ khổng lồ của bức bích họa vĩ đại đó khiến cô hết sức kinh ngạc, trông thật khác hẳn với những gì cô thấy trong sách báo. Nếu kết thúc dự án này mà danh họa không gặp những vấn đề về thể chất thì mới là lạ. Sự gian truân và nhiệt huyết của người họa sĩ tràn xuống như mưa rơi trên gương mặt cô khi cô đứng dưới bức tranh Chúa tạo ra Adam. Dự cảm của cô quả không sai. Ngay khi ra khỏi nhà nguyện Sistine, cô nhìn thấy một cửa hàng bán sách và đồ lưu niệm. Mấy bà xơ mặc áo trắng đang đứng sau quầy. Cô bắt gặp ánh mắt của một bà xơ trong số đó.

    “Quý khách là người Hàn Quốc phải không?” Một câu tiếng Hàn bật ra từ miệng bà xơ.

    “Vâng.”

    “Tôi cũng đến từ Hàn Quốc. Cô là người Hàn Quốc đầu tiên mà tôi gặp kể từ khi tôi đến đây đấy. Tôi đến đây bốn ngày trước.” Bà xơ mỉm cười.

    “Cửa hàng có chuỗi tràng hạt hoa hồng không ạ?”

    “Chuỗi tràng hạt hoa hồng ư?”

    “Chuỗi tràng hạt làm từ gỗ hồng mộc ấy?”

    “À.” Bà xơ dẫn cô đến một góc của quầy hàng. “Có phải cái này không?”

    Cô đón lấy cái hộp gỗ hồng mộc bà xơ đưa cho và mở ra xem. Từ trong cái hộp được đóng kín, hương hoa hồng tỏa ra ngào ngạt. Mẹ có biết mùi hương này không nhỉ?

    “Nó vừa được một linh mục ban phước lành sáng nay đấy.”

    Có phải đây là chuỗi tràng hạt hoa hồng mà mẹ đã nhắc đến không nhỉ?

    “Có phải chuỗi tràng hạt hoa hồng này chỉ có thể tìm thấy ở đây không?”

    “Không, ở đâu cũng có ấy mà. Nhưng dù sao đây là Vatican, chuỗi tràng hạt hoa hồng ở đây sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.”

    Cô nhìn chăm chú vào miếng dán đề 15 Euro trên chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt. Bàn tay cô run run khi đưa tiền cho bà xơ. Khi đưa chiếc hộp cho cô, bà xơ hỏi, “Cô mua làm quà à?” Làm quà ư? Mình có thể tặng cho mẹ thứ này được không? Mình có thể không? Khi cô gật đầu, bà xơ lấy trong quầy ra một phong bì màu trắng in hình bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cho chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt vào rồi dùng keo dán lại.

    Cầm chiếc hộp đựng chuỗi tràng hạt hoa hồng trên tay, cô rảo bước ra phía Thánh đường St. Peter. Từ cửa vào, cô nhìn vào bên trong. Ánh sáng từ trần thánh đường hình cầu tuôn chảy bên trên tán che bàn thờ chính tráng lệ, bằng đồng. Các thiên thần bay lơ lửng giữa những đám mây trắng trong bức bích họa trên trần. Cô bước một bước vào Thánh đường và nhìn lên vầng hào quang lớn được sơn bóng loáng đang đung đưa phía xa xa. Đang bước xuôi lối đi chính giữa tới chỗ vầng hào quang đó, bước chân cô bỗng trở nên ngập ngừng. Có cái gì đó kéo cô rất mạnh. Cái gì vậy nhỉ? Cô lách qua đám đông, bước về phía có thứ đang hút cô như nam châm. Mọi người đang nhìn cái gì thế nhỉ? Cô ngẩng đầu nhìn theo. Thì ra đó là bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi của Michelangielo. Bức tượng Đức Mẹ đang ôm thi thể đứa con trai trong lòng nằm gọn sau tấm kính chắc chắn. Như thể bị ai lôi đi, cô vội vã lướt qua đám đông đến trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Ngay khi nhìn thấy dáng vẻ trang nhã của Đức Mẹ đang ôm thi thể người con trai vừa trút hơi thở cuối cùng, cô cảm thấy như mình hóa đá ngay tại chỗ. Bức tượng đó làm bằng cẩm thạch đúng không nhỉ? Dường như thi thể người con trai vẫn còn chút hơi ấm. Nhìn xuống thi thể người con trai nằm trong lòng mình, đôi mắt của Đức Mẹ như chìm vào tận cùng đau khổ. Mặc dù cái chết chắc hẳn đã đi qua, cơ thể hai mẹ con dường như vẫn rất thật; tưởng chừng như một cái móng tay cũng có thể bấm vào da thịt họ. Người phụ nữ đã bị từ chối bổn phận làm mẹ vẫn mở rộng lòng mình ôm ấp thi thể đứa con trai. Hai mẹ con họ trông hết sức sống động, như thể còn đang sống. Cô cảm thấy có ai đó đang đập đập vào lưng mình nên vội vàng quay lại nhìn. Cô có cảm giác như mẹ đang đứng ở đằng sau lưng.

    Cô nhận ra mình có thói quen nghĩ về mẹ mỗi khi có những chuyện không hay xảy đến trong cuộc sống. Bởi vì cứ nghĩ đến mẹ là chừng như mọi thứ quay trở lại đúng quỹ đạo, và một nguồn sức mạnh mới lại trào dâng trong cô. Cô vẫn quen tay gọi điện cho mẹ ngay cả khi mẹ đã mất tích. Có nhiều ngày cô định gọi điện cho mẹ nhưng rồi lại đứng lặng người. Cô lấy chuỗi tràng hạt hoa hồng ra đặt trước bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi rồi quỳ xuống. Dường như bàn tay kẹp dưới nách người con trai đã chết của Đức Mẹ đang động đậy. Quả thực quá nặng nề khi phải nhìn bộ dạng khổ não của Đức Mẹ trong lúc ôm thi thể của người con trai đã chết sau khi bị những cơn đau giày vò. Tất cả âm thanh bỗng dưng vụt biến mất, và ánh sáng tràn xuống từ trần thánh đường cũng tắt lịm. Thánh đường của đất nước nhỏ nhất trên thế giới này chợt rơi vào sự tĩnh lặng thăm thẳm. Máu không ngừng rỉ ra từ chỗ da mềm mại phía trong môi dưới của cô. Cô nuốt ngụm máu đã chảy đầy trong miệng rồi cố gắng ngẩng mặt lên ngước nhìn Đức Mẹ. Lòng bàn tay của cô tự nhiên với ra để chạm vào tấm kính chắc chắn ấy. Nếu có thể, cô muốn che đôi mắt sầu thương của Đức Mẹ lại. Cô có thể ngửi thấy hương dầu thơm của mẹ nồng nàn quanh đây, như thể cô đã nằm ngủ chung chăn với mẹ tối hôm qua và ôm chặt lấy mẹ ngay khi cô tỉnh giấc vào buổi sáng hôm nay.

    Có một mùa đông, mẹ nắm lấy đôi tay nhỏ bé, lạnh cóng của cô bằng bàn tay thô kệch của mình và dắt cô đến gần bếp lò trong bếp. “Chao ôi, tay con lạnh như băng rồi!” Hai mẹ con ngồi trước lò, mẹ ôm cô vào lòng, xoa xoa liên hồi cho tay cô ấm lên, cô hít hà mùi thơm đặc biệt của mẹ.

    Cô cảm thấy như những ngón tay đó dưới nách người con trai đã ngừng thở của Đức Mẹ đang vươn dài ra vuốt ve má cô. Cô vẫn quỳ gối trước Đức Mẹ, Người đang chật vật cố nâng cánh tay của con trai, móng tay của người mẹ bấm lõm trên da thịt người con, cho đến tận khi cô không còn nghe thấy tiếng bước chân nào trong thánh đường. Cô chợt mở choàng mắt. Cô nhìn chằm chằm vào đôi môi của Đức Mẹ nằm phía dưới đôi mắt đang đắm chìm trong nỗi buồn bất tận. Đôi môi ấy đang mím chặt với vẻ thanh nhã bất khả xâm phạm. Cô buông một tiếng thở dài. Đôi môi thanh nhã của Đức Mẹ đã vượt qua nỗi buồn trong mắt, trở thành niềm trắc ẩn. Cô lại nhìn thi thể người con trai đã chết. Cánh tay và đôi chân của người con vẫn đang gác trên đầu gối Đức Mẹ một cách thật yên bình. Cho dù đã chết, người con ấy vẫn nhận được sự an ủi của người mẹ. Nếu cô nói với bất kỳ ai trong nhà là cô đi du lịch, họ sẽ cho rằng cô đã từ bỏ việc tìm mẹ. Không có cách gì để thuyết phục mọi người nghĩ khác đi, thế nên cô đã đến Roma mà không nói cho ai biết. Cô đến đấy để ngắm bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi ư? Khi bạn trai rủ cô đến Ý cùng với anh ấy, có lẽ cô đã vô thức nghĩ đến bức tượng Đức Mẹ đang chìm đắm trong khổ đau khi ôm lấy thi thể người con trai này. Cũng có thể cô đã muốn được cầu nguyện ở chính nơi này, cầu xin cho cô được nhìn thấy một lần cuối cùng người phụ nữ sống trong đất nước nhỏ bé ở rìa đại lục châu Á xa xôi, cầu xin tìm thấy người phụ nữ ấy, và đó chính là lý do cô đến đây. Nhưng cũng có thể không phải vậy. Có thể cô đã biết rằng mẹ không còn tồn tại trên thế giới này nữa. Có thể cô đến đây vì muốn cầu xin mọi người đừng lãng quên mẹ, hãy yêu thương mẹ. Nhưng giờ đây, nhìn thấy bức tượng đặt trên bệ phía bên kia tấm kính, cánh tay yếu ớt của Đức Mẹ ôm trọn mọi nỗi buồn của nhân loại từ khi Chúa sáng thế, cô không nói được điều gì. Cô cứ nhìn chăm chú vào đôi môi Đức Mẹ. Cô nhắm mắt lại và một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô. Cô quay bước, loạng choạng rời khỏi nơi đó. Một đoàn linh mục và con chiên đi qua bên cạnh cô, có lẽ họ sắp làm lễ Thánh Misa. Cô bước ra cửa thánh đường, lơ đãng nhìn xuống quảng trường bao bọc bởi những hành lang dài hun hút cùng vầng ánh sáng chói lòa. Phải cho đến tận lúc này câu nói mà cô đã không thể thốt lên trước tượng Đức Mẹ mới bật ra khỏi miệng cô.

    Hãy chăm sóc mẹ.

  11. #30
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Mời các bạn nghe audio :




Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123

Chủ Đề Tương Tự

  1. Mẹo chăm sóc móng chắc khỏe
    By sophienguyen in forum Thẩm Mỹ Nails
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-07-2012, 01:26 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •