Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Muốn biết thế nào là tình yêu thì phải biết sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác tức là yêu.
Godwin
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 15 of 15

Chủ Đề: Cái cười của thánh nhân

  1. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    10. Dùng Chó Bắt Chuột

    Tề có người xem tướng chó rất giỏi.
    Nhà láng giềng nhờ mua một con chó hay để bắt chuột.
    Một năm trời mới mua được, bảo nhà láng giềng:
    - Con chó này tốt lắm.
    Người láng giềng nuôi con chó ấy mấy năm mà không thấy nó bắt chuột, bèn hỏi anh xem tướng chó. Anh này bảo:
    - Con chó này tốt lắm đấy! Nhưng cái chí của nó là bắt hươu nai, cầy, cáo, chứ không muốn bắt chuột. Vậy, phải cùm chân nó lại!
    Nhà láng giềng làm y theo lời. Quả về sau, con chó hay bắt chuột.
    Lời bàn:
    Bài văn này ở xã hội tự do, thì có thể cười được. Ở những xã hội độc tài, chắc chắn sẽ không thể cười, mà phải khóc to lên... mới được
    Là một con chó có tài bắt hươu, nai, cầy, cáo... mà bị "cùm chân" nên cam phận đi làm công việc bắt chuột, quả đáng thương hại lắm rồi! Nhưng, không ai "cùm chân" mình cả, mà lại tự ý "cùm chân", chịu nhận lãnh vai trò bị "cùm chân" để được vinh hoa phú quý, thì thật không biết nên cười hay nên khóc?

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    11. Bị Cọp Rượt

    Một người đi đường bị cọp rượt chạy gần trối chết.
    Chạy cùng đường, anh ta bèn nhảy đại xuống một cái hố sâu... may sao lại với được một sợi dây leo, và đeo lủng lẳng giữa không trung.
    Nhìn lên miệng hố lại thấy một con hổ đói khác đang há miệng chờ mồi. Dòm ở đầu sợi dây: Hai con chuột, một đen một trắng đang gậm mòn đầu dây... Nhìn trước mặt: Một trái dâu rừng chín mọng...
    Anh ta bèn một tay nắm sợi dây, một tay vớ hái trái dâu... ăn ngon lành. Dâu ngọt lịm làm sao!
    Lời bàn:
    Cái đang tức cười trong chuyện trên đây, là đang bị nguy hiểm bao vây, vậy mà chỉ vì một trái dâu chín mộng làm cho anh chàng quên tất cả mọi khốn khổ bao quanh. Còn có gì ngu bằng!
    Nhưng xét kỹ, trước những tai họa đang bao quanh đe dọa mạng sống anh ta nào có tai họa nào do mình tạo ra đâu? Cọp đang đứng mé hố chực vồ, làm sao ngăn chặn được! Hai con chuột một đen, một trắng, tượng trưng cho thời gian âm dương nhật nguyệt gặm lần chuỗi ngày còn sống xót của chúng ta, cũng không sao ngăn chặn được!
    Như vậy chỉ chăm chăm lo nghĩ nơm nớp, sợ sệt... những gì ngoài ý muốn và quyền hạn của ta, thì quả đáng thương hại không biết chừng nào! Sao không thụ hưởng cái phần hạnh phúc nho nhỏ mà cuộc đời đưa đến cho ta, vì chính những cái hạnh phúc nho nhỏ và không đâu ấy giúp ta yêu đời ngay trong nhưng phút tuyệt vọng nhất đời người. Oscar Wilde có viết: "Đời chỉ là một khoảnh khắc đầy gian nguy gồm những phút giây khoái trá" (La vie est tout simplement un mauvais quart d'heure composé d'instants exquys). Có nhà văn khuyên ta: Nếu có cơ hội để cười, thì cười lên, để khỏi phải khóc. Ta cũng có thể nói như La Rochefoucauld rằng: "Cũng là hạnh phúc, khi ta biết rõ đến mức độ nào ta phải khốn khổ" (C'est une espèce de bonheur, de connaitre jusqu'à quel point on doit être malheureux). Có cái hạnh phúc nào mà không nằm trên đau khổ, hay một viễn tưởng của đau khổ? Chết, đâu có đáng sợ. Sợ chết mới đáng sợ.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    12. Thổi Sáo

    Tuyên Vương nước Tề thích nghe thổi sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong ba trăm người ấy có Đông Quách tiên sinh không biết thổi, nhưng cũng tạm dự để kiếm cơm.
    Đến khi Tuyên Vương mất, Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe thổi sáo, nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người, Đông Quách thấy thế, tìm đường trốn trước.
    Lời bàn:
    Thời nào, và ở đâu chẳng có hạng người như tiên sinh Đông Quách nầy. Có điều Đông Quách tiên sinh của Hàn Phi Tử có ít nhiều liêm sỉ: Biết thân mà chuồn trước. Nhưng đó cũng là nhờ có người như mẫn vương biết nghe nhạc.



    13. Sướng...

    Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời. Gió cũng không. Mây cũng không. Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Mồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt, không sao nuốt được. Gọi chiếu muốn nằm xuống đất trời đã tướt như mỡ. Ruồi xanh lại bu đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm nghe như có trăm vạn trống chiêng... Mái tranh chảy như thác. Mồ hôi trên mình biến mất! Đất ráo như lau... Ruồi bay mất hết. Cơm ăn thấy ngon. Chẳng cũng sướng sao!
    ...Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường... Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi vợ: "Mình có được như bà vợ Tô Đông Pha, sẵn có rượu để dành không?" Vợ cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể đãi khách được ba ngày... Chẳng cũng sướng sao!
    ...Ngồi một mình trong căn phòng không, đang nghĩ đêm qua có tiếng chuột nghe bực quá. Không biết nó sồn sột gặm nát cái gì của mình? Trong lòng bồi hồi, chưa nghĩ ra sao...
    Bỗng thấy con mèo đẹp, chú mắt, vẫy đuôi, như đã trông thấy vật gì. Nín tiếng, nín hơi, đợi chờ chốc lát, thì thấy nó chồm lên, lẹ như gió... nghe một tiếng "chít". Con vật đó đã chết rồi!
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Đêm Xuân cùng các tay hào uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm...
    Bên cạnh bỗng có một đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục phong pháo. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái.
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Qua phố thấy có hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện... Cả hai đều đỏ mặt, tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm "chi, hổ, giả, dã"!
    Câu chuyện còn kéo dài, có thể mấy năm không xong.
    Bỗng có tay tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát to một tiếng. Thế là nín thin thít.
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm qua! Vội xem, té ra một tay khôn vặt nhất trong cả một thành.
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Lâu vẫn muốn đi tu, khốn nỗi không được công khai ăn thịt. Ví cho được làm sư mà vẫn được công khai ăn thịt, thì ngày hè ấy nước nóng, dao bén cạo sạch tóc đầu...
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Đi vắng lâu ngày mới về... Xa trông thấy cửa thành, đàn bà, con trẻ hai bên đường, đều nói tiếng quê nhà...
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Mình không phải là thánh, sao cho khỏi có lỗi.
    Đêm qua làm lén một việc. Sớm dậy ái náy trong lòng không yên. Chợt nhớ nhà Phật có phép sám hối: Không hề giấu giếm điều gì cả là "sám hối"
    Nhân tự đem lỗi mình mà nói phăng ra cho tất cả khách quen, khách lạ đều biết.
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Xem người viết đại tự...
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Mở cửa song giấy, thả cho con ong ra...
    Chẳng cũng sướng sao!
    ...Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả còn có cách gì hàn gắn... Xem đi xem lại chỉ càng thêm rối ruột.
    Chẳng cũng sướng sao!
    Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt, không bao giờ lại qua mắt nữa...
    Chẳng cũng sướng sao!
    Lời bàn:
    Phần đông chúng ta thường quan niệm hạnh phúc là một cái gì khó tìm thấy, khó đạt được và phải mua bằng một giá rất đắt, nhất là phải có nhiều tiền và thế lực. Có kẻ lại cho hạnh phúc không có trên cõi đời nầy
    Kim Thánh Thán, trái lại, chứng minh cho ta thấy rằng không cần tìm đâu xa cả, nó quanh quẩn bên ta hằng phút hằng giờ. Có cái sướng nào mà không nằm trên cái khổ. Sướng và khổ không bao giờ rời nhau. Muốn được sướng mà lánh khổ là việc làm vô lý. Vật chất là điều kiện của tinh thần, cho nên có cái sướng tinh thần nào mà không lệ thuộc vào vật chất? Có đói, ăn mới ngon! Ai mà không biết.
    Đọc bài văn trên đây ta tưởng Thánh Thán là người ngông, mà kỳ thực là người khôn, thấy là đùa bỡn tầm thường mà rất nghiêm trang thâm thúy. Thật vậy, từ bấy lâu nay, phải chăng phần đông chúng ta đã vô tình bỏ qua biết bao cơ hội để hưởng hạnh phúc trong không biết bao nhiêu câu chuyện rất tầm thường. Cái gọi là hạnh phúc, vào đâu phải ở những việc to tát vĩ đại, mà chính ở trong những cái sung sướng nho nhỏ không đâu ấy!
    Kẻ nào có những thành kiến khinh thường vật chất, muốn có được hạnh phúc thuần túy tinh thần, khi đọc xong bài văn trên đây ắt không thể không bật cười vì xưa nay đã quá ngây thơ, tưởng tìm hạnh phúc trên tận cung trăng, trong khi nó đang nằm trong lòng bàn tay của mình.
    Last edited by hnadov; 02-14-2011 at 03:03 PM.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    14. Suối Trường Sinh

    Miya Jima nước Nhật Bản xưa kia là một hòn đảo nổi tiếng linh thiêng. Dân ở đảo này hầu như không ai có quyền chết.
    Đảo này là một trong ba thắng cảnh đẹp nhất xứ Phù Tang. Toàn đảo có một ngôi đền danh tiếng ở ngay trên bờ biển. Cửa chính của đền hướng ra biển. Những lối đi trong đền dựng không biết bao nhiêu những cây đèn bằng đá, liên tiếp từ cửa này đến cửa khác. Nơi đây có những con nai đi lại nhởn nhơ không chút sợ sệt sự qua lại của những người mộ đạo. Không khí rất trong lành, biện một màu xanh biếc. Bên kia eo biển, xa xa hiện lên những dãy núi tim tím, những cánh buồm rơm vuông vắng của những chiếc thuyền đánh cá phản chiếu ánh sáng mặt trời, trông như những đám lửa nhỏ nổi lên mặt nước.
    Trong số dân cư ngụ tại đảo nầy có hai vợ chồng người tiều phu già, hết sức già. Chồng là Yoshida, vợ là Fumi. Họ được cả làng yêu mến vị nể. Ai nấy đều khen sự kiên nhẫn chịu đựng mọi sự mà họ đã trải qua, và ca tụng sự trung thành của hai người đối với nhau trên sáu mươi năm chung sống.
    Họ không quen nhau mấy, hồi mà cha mẹ họ quyết định sự hôn nhân. Yoshida chưa bao giờ dám nói chuyện với Fumi, nhưng khi gặp nhau trên bãi biển thì chàng cứ nhìn nàng bằng cặp mắt trìu mến và cứ nhìn theo nàng mãi. Nàng đi thong thả, hơi cúi về phía trước(đó là lối đi của những thiếu nữ có giáo dục). Những ngày hội, chàng thích tìm nàng trong đám đông để thấy khuôn mặt trái soan của nàng, có cặp má đào đỏ hây, cái áo dài màu ngọc trai xám có thắt ngang một cái thắt lưng lớn, gấu áo viền bằng lụa nâu có thêu những bông cúc trắng.
    Fumi cũng không khao khát ngày cưới lắm, vì nàng biết đời nàng đã được định đoạt rồi, và mấy tháng trước ngày cử hành hôn lễ, nàng đội cái mũ "mũ cưới" tượng trưng cho người con gái sắp thành hôn. Bản tính Fumi dịu dàng, mà nàng vẫn sợ trước những sự nghiêm khắc, những sự bất hòa có thể xảy ra giữa vợ chồng. Nàng nghĩ đến câu phương ngôn: "Lòng người đàn ông dễ thay đổi như trời thu". Nhưng nàng sẽ nhất định giữ được tình yêu của chồng bằng sự kiên nhẫn, dịu dàng và sự âu yếm kín đáo của nàng. Nàng có biết câu phương ngôn: "Nếu người ta ngồi ba năm trên một tản đá đó cũng sẽ nóng..."
    Cuộc hôn nhân của Yoshida và Fumi đã được cha mẹ định đoạt đúng luật lệ cổ truyền, nên được vui vẻ và tồn tại giữa hai vợ chồng. Ngay từ buổi đầu, Yoshida yêu Fumi với tất cả mối tình nồng thắm của tuổi trẻ và Fumi đền đáp lại bằng sự yêu kính chồng rất mực.
    Họ được hưởng những lúc vui sướng cũng như những hồi buồn bã. Vui, là họ sinh liên tiếp ba trai. Rất buồn là ba con lúc đã trưởng thành lại bị chết một ngày vì nghề đánh cá. Một hôm ra khơi, biển đã cướp mất cả ba người con. Yoshida và Fumi trong lòng tan nát, cố chịu đựng trước bạn bè, gượng cười ra vẻ thản nhiên. Nhưng khi chỉ có riêng họ, họ khóc sướt mướt. Tay áo họ luôn luôn đẫm lệ đau thương. Họ đặt bài vị ba con trên một cái bàn nhỏ bằng gỗ quý, tại một căn phòng đẹp nhất để ngày đêm tưởng niệm. Mỗi ngày trước bữa ăn, họ đặt thức ăn lên một cái bàn bằng gỗ sơn, đốt hương để khấn các con về thụ hưởng. Những lúc đó họ ngồi hàng giờ để nghĩ tới những người con đã mất.
    Bây giờ chỉ còn có hai vợ chồng, họ lấy sự kính yêu nhau làm nguồn an ủi duy nhất. Mỗi người đều muốn làm cho người kia bớt đau khổ, họ tìm đến cách âu yếm lẫn nhau. Dần dần tâm hồn họ bình thản trở lại, và họ trở nên kiên nhẫn. Họ lấy câu tục ngữ sau đây để tự an ủi: "Khi hoa anh đào đã tàn, không phải lấy sự tiếc thương mà làm cho hoa anh đào nở được"
    Giờ đây họ đã già lắm, già như những con đồi mồi cổ kính. Yoshida thì nhăn nheo, khô héo, chân tay run rẩy, Fumi thì tóc và lông mày đã rụng nhẵn.
    Người ta gặp họ đi chơi với nhau, bước chân chập chạp, vợ đi sau chồng một chút (vì tập tục như vậy) Thỉnh thoảng đôi cvợ chồng già này đi đến tận ngôi đền nguy nga làm cho hòn đảo nổi tiếng khắùp nước.
    Ở nhà, dù Fumi đã nhiều tuổi, vẫn cố gắng giữ gìn nhà cửa được sạch sẽ, xinh xắn. Bà ưa màu trắng của bức tường bằng giấy và ánh sáng của chiếc chiếu mới với một ý nghĩ rất tế nhị hòa hợp tình cảm, bà thường thay đổi sự trang trí tùy theo thời tiết, tùy theo từng mùa hoặc tùy theo màu sắc của từng ngày, tùy theo nỗi buồn trong tâm tưởng khi treo những bức tranh lụa trên tường, một trong cái bình bằng đồng bà cắm ba cành hoa rất khéo léo mỹ thuật.
    Đôi khi cạnh lọ hoa, bà đặt hai pho tượng nhỏ, tượng trưng cho hai ông bà già đang quét là thông. Đó là tiêu biểu tình nghĩa vợ chồng những cặp vợ chồng già được ví như hai cây thông đã mật thiếc mọc liền thân với nhau đến nỗi trông như một và cùng già bên nhau.
    Cũng có khi Fumi đặt trên bàn một pho tượng sơn, tượng một vị thần mà bà thích nhất, một vị thần rất ngộ nghĩnh, có bộ râu dài, đội một cái mũ kỳ lạ, tay cầm một cái gậy, còn tay kia cầm một quyển kinh, đó là một trong bảy vị linh thần, mà là vị thần tượng trưng cho hạnh phúc của tuổi già.
    Yoshida và Fumi kể là đôi vợ chồng già sung sướng, biết gác ra ngoài những nỗi khổ cực của loài người để hưởng sự yên tĩnh và thương yêu lẫn nhau.
    Nhưng dù sao họ vẫn có một mối sầu vương vấn. Bây giờ họ đã quá già, lòng luyến tiếc thời trẻ trung xưa kia đã quá xa. Người nào cũng nghĩ rằng: Khi mà một trong hai người chết đi, người còn sống sẽ đau khổ biết chừng nào, cô đơn biết chừng nào! Giá bây giờ họ còn trẻ cả hai, họ sẽ hưởng được một cuộc sống lâu dài bên nhau. Đời sống họ sẽ trở nên thơ mộng biết bao, êm đềm biết bao!...
    Một buổi thu, trời trong sqng, Yoshida như có một cảm hứng huyền bí gì, đi về phía rừng một mình. Nơi đây, trước kia ông đã làm nghề đốn củi rất cần cù, bây giờ trước khi chết muốn nhìn lại cây cối mà ông đã sống gần suốt đời.
    Nhưng khi đến nơi, ông không còn nhận ra phong cảnh xa xưa kia nữa. Ngay cửa rừng ông không còn thấy cây Phong to lớn lá đỏ của mùa thu, nổi bật giữa đám lá thông xanh thẫm. Ông không nhận thấy cả cái suối nước trong, trong một cách lạ lùng, màu xanh lơ...
    Sau khi đã ngồi, ông thấy khát nước, thấy có một núi trong xanh ngay cạnh lối đi. Với hai lòng bàn tay, ông bốc nước lên, uống thông thả...
    Nào ngờ? Khi nhìn bóng mình trong suối nước, ông thấy thay đổi hết: Tóc đã trở nên đen nhánh, mặt hết nhăn nheo, trong người các bắp thịt có một sức mạnh đang vươn lên. Yoshida đã trẻ lại như người mới hai mươi tuổi, ông đã vô tình được nước suối "trường sinh".
    Khỏe mạnh, tươi vui, đầy nhựa sống, ông già Yoshida bây giờ là một chàng thanh niên trẻ trung yêu đời. Anh ta sung sướng chạy về nhà.
    Bà già Fumi trông thấy một thanh niên đẹp trai đi vào nhà. Bà thốt lên một tiếng: "Ồ" rồi từ ngạc nhiên đến sợ hãi, làm bà chết đứng như người mất trí.
    Yoshida vội an ủi vợ và giải thích rõ ràng sự may mắn vừa đến với anh.
    Bây giờ đến lượt bà lão đáng thương vừa cười vừa khóc vì sung sướng. Sáng mai bà cũng sẽ ra cái "suối tiên" đó. Uống nước rồi, khi về, bà cũng sẽ trẻ lại như một thiếu nữ hai mươi.
    Hai vợ chồng sẽ lại sống cuộc đời tươi đẹp, với bao sự vui thú của tuổi trẻ và sẽ hài lòng khi nghĩ đến những kỷ niệm đã qua.
    Sáng hôm sau khi nắng hồng mới hé, sau làn không khí trong trẻo. Fumi vội vàng đi ra cái suối nước trong... Yoshida ở nhà, anh ta đợi, không có gì sốt ruột. Anh biết rằng phải mất độ hai giờ cho một người già để đi đến suối, và lúc về sẽ mau hơn.
    Vậy mà đã hơn hai giờ, Fumi vẫn chưa về. Yoshida ngạc nhiên: Từ suối về có bao xa, mà sao lâu đến thế? Rồi những giờ phút trôi qua, sự sốt ruột của anh càng lúc lại càng tăng.
    Thời giờ cứ tiếp tục trôi đi một cách tàn nhẫn, chậm chạp. Đã ba giờ qua, bốn giờ qua, năm giờ qua... Sự gì đã xảy ra?
    Yoshida không còn kiên nhẫn hơn được nữa, vì sự sợ hãi cứ tăng dần lên. Anh đóng cửa lại rồi chạy ra rừng.
    Anh chạy vội đến chỗ "suối tiên". Anh nghe thấy nước chảy hòa lẫn tiếng lá reo trên cành. Chú ý im lặng tìm kiếm một vùng rộng, mà vẫn không thấy vợ đâu, anh bắt đầu thất vọng.
    Bỗng một tiếng kêu, một tiếng rên, có lẽ một con vật bị thương... làm cho anh chú y.
    Yodhida đã đến gần bờ suối... Khi đến tận bờ, anh đứng lại, ngạc nhiên trông thấy giữa đám cỏ cao, có một bé con... một đứa bé gái độ chừng vài tháng, chưa biết nói, chỉ giơ tay về phía anh với vẻ thất vọng...
    Yoshida bế đứa bé lên. Nhìn vào mắt đứa bé, cặp mắt lạ lùng! Cặp mắt đó làm cho anh nghĩ đến những kỷ niệm xa xôi của đời anh. Sao lại có cặp mắt giống hệt cặp mắt vợ anh một cách lạ lùng đến thế? Anh đã nhận được cặp mắt của người vợ anh: Khóc khi anh buồn, cười khi anh vui. Lòng anh xúc cảm mạnh.
    Rồi đột nhiên anh hiểu được tất: À, ra chính đứa bé này là vợ anh, là bà vợ già của anh, là Fumi đáng thương đã trẻ lại. Và đã trẻ quá, vì nó muốn trẻ lại hơn chồng, nên đã uống quá độ, nên đã biến thành một đứa hài nhi...
    Yoshida thở dài, bồng đứa nhỏ lên và mang nó sau lưng, như bà mẹ thường địu con... Anh buồn bã trở về, nghĩ rằng, từ đây anh sẽ phải như một người cha săn sóc và nuôi dưỡng dạy bảo đứa bé mà trước đây là vợ mình: Người bạn trung thành của anh trên đường đời.
    Lời bàn:
    Văn u mặc bao giờ cũng trang nghiêm nhẹ nhàng... tuyệt nhiên không có giọng hề chọc cười thiên hạ một cách rẻ tiền. Bài văn trên đây là một ví dụ điển hình
    Yoshida là một tượng trưng của một hiền giả Đông phương, biết "tri túc, tri chỉ" (biết đủû biết dừng lại), mặc dù cái mộng của con người, ai cũng muốn sống lâu mà không chịu già.
    Nàng Fumi là đại diện tâm hồn thiết thực của loài người nói chung, nhất là người đàn bà muôn thuở nói riêng. Có người đàn bà con gái nào mà không sợ cảnh già, mặc dù đã da mồi tóc bạc. Trẻ mãi là cái mộng duy nhất của người đàn bà để được yêu thương. Sự quá đà của nàng Fumi trong vấn đề "phản lão hoàn đồng" là cái bệnh chung của loài người. Bởi vậy, câu chuyện u mặc trên đây làm cho người ta lỡ cười lỡ khóc
    Đáng thương hại là "anh chồng" lại trở thành "ông cha", "chị vợ" lại biến thành "đứa con" để cho người đàn ông đến bao giờ phải đóng vai của một người bảo hộ mà tạo hóa dường như đã an bài? Đây là cái hài kịch của thiên thu: Người chồng nào cũng phải là cha nuôi dưỡng và che chở cho người đàn bà đã trao thân gởi phận cho mình. Và chính thế mà người đàn bà và con gái nào cũng yên chí thiết một "ông" chồng có đủ điều kiện để vừa làm một người chồng và một người cha với nghĩa thiêng liêng của nó.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    15. Túy Ngâm Tiên Sinh

    Ngâm tiên sinh là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết là ai nữa. Làm quan ba mươi năm, gần già, lui về ở đất Lạc Hà. Chỗ ở có năm, sáu mẫu ao, vài nghìn cây tre với vài chục gốc cây cối. Lầu gác sân tường đủ cả mà nhỏ. Tiên sinh an tâm mà ở đấy. Nhà tuy nghèo, không đến nỗi đói rét, tuổi tuy già chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, hay nghe đàn, hay ngâm thơ. Phàm những khách đàn, thơ rượu, chơi bời với nhau rất nhiều. Ngoài sự chơi đó, đem lòng mộ đạo Phật, học thấu các phép tiểu thừa, trung thừa, đại thừa, cùng với nhà sư núi Trung Sơn làm bạn "không môn", với Vi Sở làm bạn sơn thủy, với Lưu Mộng Đắc làm bạn thơ, với Hoàng Phủ Minh làm bạn rượu. Mỗi khi gặp nhau thì vui vẻ mà quên về. Gần Lạc thành trong ngoài sáu bảy mươi dặm, phàm chỗ nào có chùa chiền núi non, khe suối, hoa trúc, chẳng đâu chẳng đến, nhà ai có rượu ngon, đàn hay, chẳng đâu chẳng qua, ở đâu có sách vở múa hát, chẳng đâu là chẳng xem. Tự khi ở Lạc Xuyên, có người mời đi ăn tiệc đâu, thường thường cũng đi. Mỗi khi mát trời, hoặc lúc có trăng, có tuyết, bạn bè đến chơi, tất cả là bạn hồ rượu, mở tủ sách, thơ rượu thích chí rồi vớ lấy đàn gảy một khúc "thu từ", nếu hứng nữa thì sai trẻ nhà hòa nhạc, cùng tấu một khúc "Nghê thường Võ y", nếu vui nữa thì sai con hát hát vài khúc "Dương Liễu Chi", phóng tình vui vẻ, kỳ đến say khướt mới thôi. Đôi khi thừa hứng đi bộ sang láng giềng, hoặc chống gậy đi trong làng, hoặc cưỡi ngựa chơi chốn đô ấp, hoặc ngồi song loan chơi ngoài đồng nội. Trong song loan để một cái đàn, một cái gối, vài quyển thơ của ông Đào, ông Tạ, hai bên đầu tay song loan, treo hai hồ rượu, tìm nơi có sông núi, tùy tình dạo xem, ôm đàn dốc bầu, hết vui rồi trở về. Như thế mười năm, trong khoảng đó ngâm thơ ước hơn nghìn bài, ngày nấu rượu ước trăm hộc, mà trước sau hơn mười mấy năm không kể. Vợ con thấy uống nhiều quá thì lo mà ngăn can hai ba lần. Tiên sinh nói: "Phàm tính người ta ít người được trung bình, tất có đam mê về một việc. Ta cũng không giữ được mực trung bình. Nếu chẳng may mà ta hám lợi, làm nên giàu có, của cải chứa nhiều, cửa nhà lộng lẫy, để mua lấy vạ làm hại cho thân mình thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám cờ bạc, trăm nghìn đổ đi một lúc, làm cho phá gia bại sản để đến nỗi vợ con đói rét thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám sự luyện thuốc, nấu cao luyện đan, để đến nỗi không thành thuật gì, có điều lầm lỡ thì làm thế nào? Nay ta không hám các sự ấy, mà chỉ thích chí ở trong cuộc rượu câu thơ, phóng túng thì phóng túng thực, nhưng có hại gì, chẳng còn hơn ba sự kia ư? Bởi thế Lưu Bá Luân thấy vợ nói mà không nghe, Vương Vô Công chơi ở làng say mà không về vậy".
    Nói đoạn, đem vợ con vào buồng nấu rượu, ngồi xổm, ngửng mặt lên hú dài một tiếng rồi than rằng: "Ta sinh ra ở trong trời đất, tài và hạnh kém cổ nhân xa, song giàu hơn Kiềm Lâu, thọ hơn Nhan Uyên, no hơn Bá Di, vui hơn Vịnh Khải Kỳ, khỏe hơn Vệ Thúc Bảo, may lắm may lắm, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái thích của ta thì còn lấy gì mà vui lúc già!
    Bèn ngâm lại một bài thơ "vịnh hoài", ngâm xong tủm tỉm cười, rồi nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cú lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm, ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say, say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, màn trời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến, chỗ mà người xưa gọi "hòa với rượu", nên tự đặt hiệu là "Tuý Ngâm tiên sinh". Bấy giờ là năm Khai thành thứ ba, tiên sinh sáu mươi bảy tuổi, râu đã bạc, đầu hói một nửa, răng khuyết hai chiếc, mà cái vui trong thi tửu vẫn chưa suy. Ngoảnh lại bảo vợ con rằng:
    "Mình ta từ nay về trước sướng rồi, còn cái mình ta từ nay về sau chưa biết vui như thế nào nữa!".
    Lời bàn:
    Trang Tử bàn đến cái đức SAY của người "Say Đạo" đã viết.
    Người say rượu té xe, tuy mang tật mà không chết. Gân cốt thì giống với mọi người, mà bị hại thì sao lại khác với mọi người? Là vì nó giữ toàn được cái thần. Lên xe cũng không biết, té xe cũng không hay! Tử, sinh, kinh, cụ không sao vào được trong lòng. Cho nên dù có chống lại với vật mà không biết sợ. Đó là kẻ đã hòa với rượu mà còn được thế, huống chi là kẻ đã hòa được với thiên nhiên".
    Mở đầu, tác giả đã tự giới thiệu một cách trào lộng nhưng sâu sắc vô cùng "Túy Ngâm tiên sinh là người quên cả họ tên quan tước làng mạc... hồ đồ như mình không hiểu mình, là gì nữa". Đó là cái SAY của bậc "chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh".
    Say mà luận việc đời TỈNH hơn người TỈNH. Tiếng cười giòn giã của thánh nhân đã bắt đầu!
    "Phàm tính người ta ít được có người "đắc trung", tất có sự ham mê về một việc gì. Ta cũng không giữ được mực "trung". Nếu chẳng may mà ta ham mê lợi lộc, làm giàu chứa của, cửa nhà lộng lẫy để chuốc họa vào thân, thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta ham mê cờ bạc, trăm nghìn đổ đi một lúc, làm phá gia bại sản để đến nỗi vợ con đói rét, thì làm thế nào? Nếu chẳng may mà ta hám mê ăn mặc, luyện đơn luyễn thuốc để đến nỗi không thành công gì cả lại gây thêm lầm lỗi, thì là thế nào? Nay may mà ta chẳng ham mê những việc ấy, chỉ thích ở trong việc câu thơ chén rượu, phóng túng thì quả có phóng túng thật, nhưng có hại gì? Chẳng còn hơn ba việc kia sao? Bởi vậy Lưu Linh vợ can mà không nghe, Vương Tích chơi ở làng say mãi không về"
    Người ta trên đời, trong cái cõi phù du này, phải có vui thích một cái gì... để mà biết xem nhẹ cuộc đời. Cái "say" của Bạch Lạc Thiên cùng với cái "say" của Đào Tiềm là một, đó là cái say của bậc thánh nhân đắc đạo, cái say "coi đời như giấc mộng, phú quý như phù vân, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, xem trăm năm như chớp mắt" tuy thấy là một khoảnh khắc nhưng mà là một khoảnh khắc của thiên thu.
    Có cái tỉnh mà say, nhưng cũng có cái say mà tỉnh. Thế nhân tỉnh mà say, thánh nhân say mà tỉnh. Thế nhân "tỉnh" trong cái "tâm sai biệt" phân biệt chính tà, vinh nhục, thọ yểu, thị phi... trái lại thánh nhân "say" trong cái "tâm vô sai biệt" (tâm hư) trong đó vũ trụ là một xáo trộn cổ kim, kim cổ, dồn làm một khối: "Lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến"... Cái say của thánh nhân là cái say của người tỉnh. Cái tỉnh của thế nhân là cái tỉnh của người say (ngu muội): Trong cảnh giới nhị nguyên.

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Những cái chết oan uổng từ phòng khám tư nhân
    By duyanh in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 07-16-2012, 11:41 AM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 07-04-2012, 02:14 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •