Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc giống như tiếng vang, chỉ nghe được tiếng trả lời mà không bao giờ thấy đến.
Carmen Sylva
Trang 1 / 3 123 Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 22

Chủ Đề: Xóm cụt

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Xóm Cụt


    Tác giả : Đỗ Thành



    Phần 1 :

    Nhìn từ phía ngoài, mấy căn nhà lèo tèo như bị bóp miệng nhét vào một cái phễu bít đáy. Chính vì nỗi tức tưởi nghẹn ngào này mà được mọi người ví von gọi là xóm cụt. Nhà gồm 4 căn, chia đều hai bên miệng phễu, chủ nhân là 4 gia đình, số người chênh lệch nhau. Thành phần gồm nhiều giai tầng xã hội cách biệt, chẳng ai muốn động đến ai, hoặc vì thời thế, hoặc vì hoàn cảnh, hoặc vì nghề nghiệp, hoặc vì xuất xứ.

    Bên phía trái, cũng nhìn từ ngoài vào, lần lượt là căn hộ của một cặp vợ chồng thương binh về hưu của chế độ, rồi đến nhà của một anh chàng sửa xe đạp độc thân. Bên phía phải là căn của một gia đình buôn máy ở chợ, kế đến là chỗ ở của vợ chồng tôi.

    Mỗi sáng, loáng thoáng có khi chợt gặp nhau, chưa kịp ngỏ lời chào hỏi thì mạnh ai nấy đi lo cuộc sống. Người vui bảo là thời buổi khó khăn nên ai cũng kiệm lời. Người tiếu lâm thì bảo người ta không muốn nói năng với nhau để tránh phiền hà, hệ lụy.

    Xem ra gia đình tôi là lép vế nhất trong xóm. Điều này đúng thôi vì tất cả có còn gì đâu mà gọi là ngẩng lên nhìn mọi người. Trước kia, chúng tôi ở một nơi khác, song nhà cửa bị trưng dụng, người ta giúi chúng tôi đến ở nơi này, vừa chật hẹp, vừa tù túng, nhưng nhất nhất vẫn phải cắn răng chịu.

    Tôi được nhà nước ưu ái cho đi tù lao động để trở thành người dân vinh quang nên về thì ví như cái mền rách mướp, nghĩ giá có cơn gió lớn cũng đổ ụp xuống không ngóc đầu lên nổi. Vợ tôi cám cảnh nuôi thúc mới đỡ đỡ, nhưng cái gốc sốt rét, nhiễm từ những ngày khổ sai vác cây, vác gỗ, uống bậy nước suối, nước khe, nên không sao lấy lại được số hồng cầu mất đi ngày trước.

    Nhiều khi thấy tôi nhăn nhó như khỉ cắn phải ớt hiểm, vợ tôi phải nhỏ to dặn dò : đừng ngúng nguẩy vạ vào thân. Đêm đến, cả nhà nằm xếp lớp như cá hộp, ngửi mùi mồ hôi nhau cũng đủ chuếnh choáng, nên vợ tôi cố làm vui an ủi : ăn thì nhiều chứ ở có bao nhiêu. Tôi hục hặc cự : ăn cũng chẳng đủ nữa thì ở như chuột cũng phải. Vợ phải bưng ngay miệng, ghé vào tai thủ thỉ : tai vách mạch rừng, bộ ông muốn vào lại trại tù sao. Tôi nghe mà bắt ớn.

    Về nhà, mang tiếng bị vợ nuôi, tôi đã ức. Ngày xưa, một mình lương tôi nuôi cả nhà, bây giờ phải tùng quyền vợ, còn bị mang danh bị đặt dưới sự giáo dục của vợ con, tôi thấy nhục. Nhiều khi muốn chết phứt cho xong, nhưng vợ lại níu tay níu chân khuyên : cố bịt miệng lội qua sông mà sống. Lâu dần tôi như con sâu bị đạp hoài đâm mềm nhũn còn hơn chết.

    Ngày lăng xăng nhìn người qua kẻ lại còn đỡ đỡ. Ban đêm về nghe thông thống bóng tối mới tủi hổ làm sao. Nghĩ lại những ngày cơm tù việc tội, bỗng nhớ bạn bè nằm xuống vì lao lực, thiếu ăn, lắm khi không khóc mà nước mắt trào dâng, mang sắc đỏ. Nằm lao xao nghe tiếng lá cựa mình, đêm âm u giữa nỗi trằn trọc của vợ, của mình, ôi sao duềnh lên nỗi sầu thẳm miên man không dứt.

    Khi no chẳng thấy gì vật vã mình, bây giờ phần lớn thiếu ăn mới thấy mình bệ rạc. Vừa cầm góc củ khoai định cắn, thấy thằng cu, con nhóc lom lom nhìn, miệng cứng lại, tay đờ ra, và vội bẻ hai, giúi cho con giục : ăn đi mà hoa cả mắt. Còn nói chi kéo ghế uống tách cà phê hay nhâm nhi viên xíu mại, tất cả trở thành như một xa xỉ không bao giờ vói tới được nữa.

    Ngoái trông hàng xóm xung quanh những ngầm phát thèm. Vợ chồng anh bán máy lúc nào cũng hí ha hí hửng. Đi thì quần lụa áo là, tóc tai chải uốn, về thì gói nọ gói kia, giục các con dọn mâm tíu ta tíu tít. Không thiết nghe cũng bắt phải nghe, không tò mò cũng biết rõ ngọn ngành vì chưng ở sát vách nhau, niềm vui nào chẳng lọt qua khe cửa mà lung lạc cảnh mình.

    Hôm nào hai ông bà trúng mánh, mặt tươi roi rói, khoe um lên bán được món hời, vậy là kêu réo con ăn nhanh còn đưa nhau đi chỗ này chỗ nọ. Bọn nhóc nhà tôi chộn rộn hẳn lên, tôi cáu tiết nạt đến nơi đến chốn : tao nghèo chỉ có vậy, đứa nào muốn ăn ngon thì sang mà sống với người ta. Vợ tôi lại nhanh nhảu lưu ý tôi : anh nói chi đụng chạm, người ta nghe được lại rầy rà.

    Tôi thấm ý, thấy mình điên vô lý. Tự ái làm cha không cho tôi xin lỗi các con, nhưng lừa lúc chúng ngủ say, tôi bò vào hôn nhẹ chúng cầu xin tha tội. Tôi rấm rứt nói : bố có lỗi và nhục với các con, sinh ra mà không tròn trách nhiệm. Chợt nghe tiếng sụt sịt, quay lại thì nhận ra vợ tôi đang đeo cứng một bên, nước mắt cũng đầm đìa.

    Thằng lớn có lần nói : bố à, hay là nhà ta mua cái ba gác, hai cha con mình cùng nhau đi chở, bố đạp, con lôi xe ở phía trước. Phần lấy đâu ra tiền mua sắm xe, phần nghe con nói mà ruột đau hơn cắt, vợ tôi phải xen vào can gián đôi đàng. Bà ấy hứa hẹn mà biết không bao giờ thực hiện nổi : để thư thư mẹ dành dụm sắm xe.

    Càng ngày áo xống vợ càng rách mướp. Phá hết cái này vá cho lũ con, ở nhà trông bà lôi thôi lếch thếch, người ngợm quắt queo, ngực lườn hằn xương, tôi đau đớn vô vàn. Lắm khi vợ chồng nằm gần nhau mà không còn sinh lực, chỉ tìm nắm tay nhau bóp chặt, lắng ghim nỗi chin rục tâm tư.

    Vợ tôi quần quật suốt ngày, khi nấu ăn, giặt giũ, lúc chạy sang hàng xóm làm giúp công việc, kiếm chút tiền. Hôm thì bà xách về mớ rau, vài củ, nói là bên nhà bà cán bộ trả công. Hôm nao được trả bằng tiền thì về lo mua cút rượu mời tôi nhấm nháp. Tôi còn bụng dạ nào mà uống, nên gạt đi bắt trả lại, bà vợ khóc sướt mướt mà thương.

    Tôi tỏ vẻ không khứng với gia đình ông cán bộ cạnh nhà. Không phải vì dị ứng mà vì chánh kiến không cùng nên không muốn lại qua để gây đụng chạm. Vợ tôi nói một câu làm tôi câm tịt : anh nghĩ nếu không làm cho gia đình ấy thì còn ai chịu mướn mình. Ta làm ta ăn, chứ có xin xỏ ai đâu mà nhục. Vả chăng giúp người ta cũng là rửa cái chuồng, phụ cắt rau bó lại, chứ có ngồi lê đàn đúm đâu mà anh không cho. Tôi hết ý kiến.

    Đi ra đi vào mãi cũng quẩn, buồn buồn ra ngồi nhìn hun hút vào con ngõ cho khuây, lại thấy càng trải dài đau khổ. Đã bao lần mon men lên phường xin việc làm, họ hẹn lần hẹn lữa, chỉ nhờ vả dọn trường, dọn lớp, kéo xe, làm vệ sinh khu phố, làm xong thì về, coi như gạo sông công chợ và trả nợ máu thế thôi.

    Người hiền thì hé lộ cho biết hạng như tôi chẳng mong được bố trí công việc, còn kẻ ác thì xăm xoi hỏi móc : chừng nào gia đình anh tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới. Thậm chí, dăm đàn em ngày trước giờ cũng lên mặt dạy đời : ông một lòng ở lại là đúng, đất nước ta độc lập rồi còn vọng tưởng đi đâu. Tôi nín thinh như con ốc, vì có nói ra cũng chẳng gỡ gạc được gì.

    Thét rồi, tôi như cây lau cây sậy vô hồn, hoặc như mớ tầm gửi khô cằn sống nhờ một bụi cây chờ giờ chết. Buồn mênh mang và đau thấu tim gan. Buổi chiều có lao xao vì mọi gia đình lần lượt tựu về, tôi vẫn thấy lẻ loi như chồi cây rữa mục. Nghe hàng xóm kể chuyện râm ram, hát vọng cổ hay lích kích tiếng khua bát đũa, thấy ngày dài thật là dài.

    Vợ tôi cảm thông nên tỏ vẻ thương yêu, nhưng bọn nhóc vô tư nhiều khi làm tôi hơi bất mãn. Cái thằng lớn vốn đã từng sống qua những ngày thong dong hồi trước, giờ thấy tôi ủ rũ bi thương, nó thường chọc : trông bố như cái xe bị lột dên, như cái xát xi bị rã gọng hay như bình nước bị bể ra.

    Có khi nó lại ôm lấy tôi quay vòng vòng rồi hạ xuống và phê chua chát : bố nhẹ quá. Tôi định nói gay gắt với nó : chưa chết là may, còn nặng được nỗi gì. Nhưng lại sợ cả cha lẫn con nhuốm buồn hay bỗng dưng làm gia đình choáng váng nên tôi bặm môi, cắn răng, nuốt nghẹn lời trong lòng.

    Hai nhóc vẫn đi học, ì à ì ạch, bữa đực bữa cái. Lắm hôm chúng quên quách việc nhà, đi làm kế hoạch nhỏ cho trường, về phờ phạc, mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Cuối tuần lại còn theo trường đi tăng gia ở mãi đâu đâu, về khoe là đi trồng khoai, trồng sắn, khi nào thu hoạch được chia phần đem về nhà, nhưng nào có thấy. Hỏi han ra thì vì nhà trường ở xa, nên dân địa phương đào trộm hết trơn.

    Đủ thứ đóng góp, hôm nay tu bổ lớp, ngày mai sửa lại trường, ngoài việc trực tiếp góp công lao động, tự túc bữa ăn, còn phải góp bằng hiện vật nữa. Thấy quá nhiêu khê, nhiều khi tôi bàn cho bọn chúng nghỉ quách, nhưng vợ tôi la tóa hỏa : chèn ơi, anh mà để chúng ở nhà còn bị bắt xâu đi làm nghĩa vụ lao động khủng khiếp hơn nữa. Nếu không muốn đi, liệu anh có tiền đóng thay chân cho chúng được chăng ? Tôi ù cả tai, hoa cả mắt, miệng đớ ra mà ngước nhìn trời.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 2

    Gia đình thương binh về hưu vào Nam khoảng cuối 78 đầu 79. Vỏn vẹn chỉ có hai người, tóc đều lớm chớm bạc. Dạo ấy chẳng ai dám hỏi han vì sợ đụng chạm vào những đau thương còn quá mới mẻ. Vả chăng, tuy là cùng đồng bào, nhưng dường như giữa hai miền có một hố sâu ngăn cách. Đối với những người từng cầm súng đối đầu nơi hai giới tuyến đã đành, ngay người dân trơn cũng chẳng ai dám đá động hoặc mong trở thành thân quen với nhau cả.

    Một đằng mừng chiến thắng ngất trời nên xem ai cũng là thù hơn bạn, tuy không đụng trận nhau, song là dân con của vùng đối đầu thì cũng là khác chí hướng. Người miền Nam an phận ngậm ngùi, chôn thật sâu nỗi đau vào tâm khảm, còn các ông bà mới vào thì vênh vang, hung hãn.

    Hôm vợ chồng ấy đến, loáng thoáng có ủy ban đến chào, hứa hẹn sẽ bố trí cho ông bà một chỗ khác tươm tất hơn. Lời hứa nào cũng hoành tráng, vậy mà trải mấy lần đổi thay, từ chủ tịch phường đến trưởng ban thương binh xã hội, thì ông này đùn bà kia, lâu thành trớt quớt.

    Dăm thì mười họa, hàng xóm có nghe hai ông bà hục hặc nhau vì chuyện “ trâu chậm uống nước đục “. Dân trong Nam nghe thì nghe mà tuyệt nhiên không ý kiến vì chẳng được lợi lộc gì mà có khi còn bị mắng mỏ đau đầu.

    Bà vợ chừng như tập kết dạo 54 nên tuy đã lai miền Bắc, mà tính Trương Phi ruột ngựa chưa bỏ được. Cái máu trong Nam phang ngang bổ củi quen, tức là phun rào rào.

    Chuyện chẳng có gì, tháng tháng ông chồng lễ mễ xách bao xách bị lên ủy ban để nhận phần trợ cấp thương binh. Bữa nào nhận được quà cáp ngay, dù chỉ là mì sợi hay bột sắn thì êm êm, còn thấy ông về nhăn nhó như cái tã rách là bà oang oang lên liền : trời ơi, làm ăn gì lạ, cả tháng dài chỉ có tí sắn, tí khoai lo không xong, hành người què đi lên đi xuống thì coi sao được đây.

    Bà được lý lịch tốt có khác, chẳng kiềng ai, chẳng nể ai, không lén lút, không e dè, muốn nói cứ toang toang đứng trước cửa mà kể. Ông chồng vốn hiền lành vội chạy ra can vợ thì bị nói mẽ nói hành : phải, ông hiền thế nên mới bị người ta ngồi lên đầu lên cổ mãi thôi.

    Tội nghiệp, vài ngày dăm bữa lại thấy ông lóc cóc lên phường, khi thì lĩnh lương hưu, khi thì nhận phụ phẩm, ôm đùm ôm nắm về đến nơi, thở ì ạch như kéo bễ phì phò. Bà vợ có vẻ hậm hực nên nói ra nói vào : tôi đã bảo mà, ngay khi vừa chiến thắng xong, tôi giục ông tình nguyện vào Nam ngay đi, ông dần dà hẹn mãi. Đến khi người ta chia nhau sạch chỗ tốt thì ông lò dò vào, còn gì nữa mà phân với bổ. Bạn bè ông nhanh chân, nhanh cẳng giờ họ có chỗ, có nơi, nhìn ông cổ hủ mấy ai còn bò tới.

    Ông nghe mà cay vì quả thực sự đời là thế. Ngày mới vào, bất chợt cụng đầu nhau với các tay chiến đấu ngày xưa, trông họ ông chẳng nhận ra. Tuy họ vẫn xà cột, dép râu, đi đâu cũng phe phẩy chiếc quạt, song họ có dáng lắm. Hỏi ra thì không giám đốc này cũng thủ trưởng nọ, mèng mèng thì cũng ban tổ chức hay trưởng phòng, còn ông thì trắng tay vẫn hoàn tay trắng.

    Nhớ lại dạo xưa, cùng trú bom B-52 với nhau, đồng chí xem nhau hơn ruột thịt. Thủ thỉ thù thì một mai hòa bình thì vẫn giữ mãi thâm giao vĩnh viễn. Hồi mới vào, họ có ghé thăm, nhưng chỉ một lần rồi bẵng vì họ ngượng với chỗ ăn chỗ ở của bạn. Được thể, bà vợ nói kháy ông : ngày xưa đồng chí với nhau, ngày nay thất thế hơn nhau đồng tiền. Ông nghe mà cay đắng cho tình đời.

    Lại nói về đường con cái. Cũng từ nơi miệng của bà vợ những lúc cằn nhằn cửi nhửi ông, người ta mới rõ gia đình ông có hai cậu quí tử. Lớn lên gặp thời chinh chiến, cả hai đều trúng nghĩa vụ quân sự, cậu lớn thì trúng hẳn, còn cậu em thì hăng quá thiếu cân, phải lận đá vào người cho đủ trọng lượng, chứ không bị đánh hỏng thì mất mặt với các bạn nữ mất.

    Chiến tranh vốn vô tình. Gia đình hai thế hệ cũng chung cầm súng, may mà còn thuộc hẳn một phe. Thế nhưng “ thời chiến chinh mấy người đi trở lại (HL) “ nên cậu nhớn ngỏm đâu tận bên Lào khi đi làm nghĩa vụ quốc tế, còn cậu bé đến giờ này vẫn không biết ở đâu.

    Vì không có chứng từ ghi rõ tình trạng, nên dù bao năm biền biệt, giờ đã có hòa bình, đến cái bằng liệt sĩ vẫn còn lửng lơ, nên gia đình ông tuy hi sinh hai mà chỉ được chấp nhận một. Bà thì tức lồng tức lộn, còn ông thì xí xóa cho xong. Vợ chồng cảu nhảu càu nhàu : mình đã có một liệt sĩ rồi còn gì, người ta con mất biệt mà chẳng có danh hiệu nào đã sao.

    Lâu dần, sống gần cạnh nhau quen nước quen cái, vả lại ánh huy hoàng nào rồi cũng sẽ nhạt phai nên bà con hàng xóm dần dà mới nghe thủng ra chuyện thầm kín trong nhà. Thì ra ở cả hai vùng chiến tuyến, nỗi đau đều ngang nhau cả, cho dù cái chết có được bọc bằng màu vàng hay màu đỏ.

    Từ sự lân la này, các bà mới thủ thỉ cho nhau : ấy dạo đi Nam nghe nói trong này khổ quá, chúng tôi phải cụ bị tất bật, sợ vào thiếu cái dùng. Có vào có biết rồi mới bàng hoàng, người trong Nam khổ đâu chưa thấy chớ họ nhởn nhơ, xem mọi việc như pha. Bà vợ nghĩ buồn cười khi chăm chút đem lỉnh kỉnh mấy món phân phối vào tặng nhà, ai dè họ còn biếu lại ông bà những thứ bền chắc nữa. Họ than thở : ấy là chúng em đã bán xới bớt, chứ không anh chị còn nhận được nhiều hơn.

    Cũng vì vai vế là cán bộ, dù đã về hưu, nên bề gì ông bà cũng được phần ưu đãi vì thuộc hạng gia đình có công. Ngày nhận nhà, ủy ban đã thao thao xác định với mọi người phần đất ao ở cuối đáy phễu là thuộc gia đình ông bà. Do đó, bà vợ gieo ít hột rau muống làm món phụ gia, nuôi lợn, hay gom bó đem chợ bán.

    Gia đình ông chạy chợ thì chẳng cần, anh sửa xe cũng gởi gọn cuộc đời vào các món bán rao, chỉ còn gia đình tôi thì im thin thít vì có nói chẳng ai nghe. Cái ao tí tẹo mà rau muống mọc tràn, có lẽ nhờ cái chỗ tiêu lộ thiên cất lù lù phía trên, từ trong xóm bước ra theo tấm ván giữ bằng mấy cái cọc, khi đi lủng la lủng liểng.

    Cả mấy gia đình chỉ trông vào một chỗ giải tỏa nên sáng sáng lắm khi chờ nhau đến sốt ruột. Cứ thấy có tờ báo che đầu là biết nhà cầu đang có người, ai cũng phải lơ huơ chờ ở đầu miếng ván giáp mặt đất. Vì tế nhị họ không dám ra xa hơn, e mặt nước im im tránh sao khỏi phải thấy những gì không muốn thấy.

    Mùa nắng đã khổ, ngày mưa lại khổ hơn, đi xong cái bụng thì ướt hơn chuột lột, đàn ông còn đỡ, phụ nữ đàn bà cứ phải khép nép vì những của trời cho đều lồ lộ ra hết cả. Từ ngày hòa bình đến giờ, lót liếc chẳng ai còn dùng nữa, áo quần tuyền một màu đen, nhưng bản năng phụ nữ vẫn e dè khi chiếc áo ướt thít chặt vào lộm cộm khó chịu.

    Gia đình ông thương binh ưu tiên tuyệt đối. Ai dù đau bụng, đau bão mà nhác thấy ông hoặc bà là phải cố nín nhường. Thản hoặc có đau đến chết thì lo chạy về nhà tùm hum che chắn, lót giấy bậy ra, rồi sau đem quẳng xuống ao làm phân bón. Ai cũng xem như định mệnh an bài, chỉ riêng nhà bán máy cục cựa, hăm he tìm nhà chỗ khác. Ấy thế mà bao năm rồi vẫn không thấy rục rịch di chuyển. Có lẽ tại giá nhà cao hay họ muốn tích vốn mở rộng thêm chỗ bán mà dây dưa, lần lựa chăng ?.

    Tất cả những điều này tôi cóp nhặt được khi từ trường đại học tù thả ra và vợ chồng đêm nằm tỉ tê nhau nghe để đỡ buồn. Thời buổi lạ kỳ, vào trại làm chết cha, chúng tôi vẫn bị rêu rao là chây lười lao động. Về nhà đi họp nghe mắng mỏ chế độ xưa chuyên bóc lột nhân dân, bây giờ ông bà thương binh nhờ vả vợ tôi cắt rau, cho lợn ăn, rửa chuồng, tắm táp heo thì bảo là lân bang giúp nhau tiến bộ, thực hiện văn hóa mới. Lắm khi tôi mù tịt, muốn điên cái đầu, chẳng hiểu phải trái thế nào.

    Ngay khi làm lao động ở phường cũng vậy, các bố lăng xăng rồi lảng ngay, vậy mà cứ đổ tội ngày xưa bọn tôi chỉ tay năm ngón, hành hạ lao động mới oan.

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 3

    Mỗi lần nghe tiếng hát nhừa nhựa điệu vọng cổ vang lên từ ngôi nhà cạnh căn hộ của đôi vợ chồng thương binh về hưu là người ta biết ngay anh thợ sửa xe đã trở về. Tuy không nói ra song ai cũng biết tiếng hát đó chỉ cất lên khi chiều đến vì suốt ngày anh lo bán mặt cho nắng nóng ngoài đường để kiếm tiền độ nhật.

    Bài hát mà anh sửa xe thường ỉ ê chẳng bao giờ thay đổi, quanh quẩn chỉ là lời trách cứ một cô gái nào đó bỏ tình yêu ra đi. Người lạc quan thì cho anh hát khơi khơi chứ không ngụ ý gì hết, còn riêng tôi, ngay từ lần đầu, tôi đã mường tượng ra nỗi sầu thầm kín của anh vì bị người yêu bỏ.

    Tôi đem điều này kể với vợ, cô nàng cho là tôi vớ vẩn không đâu. Thật vậy, những ngày đi tù, tôi đã từng nghe nhiều câu vọng cổ như thế này và thường đó là lúc họ nhớ về vợ. Họ hát không hay, nhưng thích hát, cố hát, hát cho vơi bớt nỗi lòng nhung nhớ. Anh nào vô phúc vợ ngỏn ngoẻn bỏ đi lấy người khác thì càng ai oán vô cùng. Có đời thủa nào, người đàn bà đã từng sống chung với nhau bằng nhiều mặt con sinh ra, rồi bỗng dưng nhẹ dạ, muốn được nhàn thân, đành tâm đi lấy người nhốt chồng mình như thế.

    Cho nên nghe giọng anh thợ, tôi biết anh đang đau lắm. Anh nghẹn ngào, nức nở, rỉ rên : Bạch Thu Hà, em ơi, cớ sao em đành đoạn bỏ anh mà đi theo tiếng gọi ái tình.. Hẳn nhiên, anh hát không thể sánh với kép trên sân khấu, nhưng về nỗi đau thì chắc lậm hơn. Anh hát chẳng cần để được ai khen, ai nghe, mà chỉ muốn cất lên tiếng lòng thổn thức. Mấy nhóc nhà tôi nghe giọng bơ rỉ của anh đều chọc : hát dở òm mà ông ổng hát hoài.

    Tôi muốn nạt tụi nó mà thấy chính mình cũng vô duyên khi đem chuyện ở đâu về nhà hục hặc, nhưng tôi không thể bỏ lơ tâm trạng của anh vì tôi biết trong đời không gì đau hơn bị bồ đá.

    Bởi mang mang tâm sự như vậy, nên có một lần, quanh quẩn trong nhà hoài cũng muốn cuồng chân, tôi mò ra khỏi xóm để xem sự đời cho biết. Đó là lần tôi biết chỗ làm việc của anh.

    Anh thợ đang vắng khách, cái ống bơm có đế gỗ để dựa một bên, thùng đồ nghề được kẹp làm chỗ gác chân cho đỡ mỏi, thau nước vá bốc hơi nóng ngút ngàn. Cái nắng tháng năm đến chó mèo cũng phải lè lưỡi làm anh ngất ngư mệt mỏi. Vậy mà nhác trông thấy tôi, anh vội buông mảnh báo còn một tẹo trên tay và hớn hở thưa : chào ông thầy. Tôi hơi giựt mình, cố vận dụng trí nhớ xem có lần nào anh cùng sống đời lính tráng với tôi chưa, nhưng tuyệt nhiên tìm không ra.

    Còn anh thì rụt rè nói thêm : em biết ông thầy mới được tha về, đối với em dù không cùng binh chủng hay đơn vị, ai em cũng đều xem là bậc thầy cả. Nói xong anh thở dài như cám cảnh cho thời cơ lỡ vận của cả đám. Tôi khuyên anh đừng tôn xưng gọi tôi như thế vì tất cả đã hết rồi, anh hùng hổ nói với tôi : chúng ta dù thua, nhưng vai vế vẫn còn nguyên vẹn. Tại sao ông thầy cấm cản em.

    Tôi bùi ngùi cảm động. Sực nhớ lại hôm vừa hớt hơ hớt hải từ tàu lửa xuống, bất ngờ tôi cũng đã gặp lại một đàn em ngày xưa. Anh bạn mừng tíu tít, ôm chặt tôi rơm rớm nước mắt, kéo tôi vào cửa hàng giải khát quốc doanh cạnh đó, gọi đãi cho tôi ly cà phê đầu tiên khi được tự do.

    Tôi uống vào rất đắng, nhưng lại thấy tình đời mở rộng. Anh bạn cho biết đang chạy xe lam, bi ba bi bô với tôi đủ thứ chuyện, còn hứa sẽ đưa về tận nhà. Tôi đang nôn nóng gặp vợ con mà không dứt ra được. Nỗi ngại ngùng bị chụp mũ lè phè như lời bọn coi tù hăm dọa làm tôi kém tự nhiên, trong khi xung quanh mấy anh xe lam, ba gác và các chị hàng buôn toang toang chòng ghẹo mấy tay bộ đội ngồi gần.

    Tôi nghe có phần hoảng vì những gì được nhồi nhét trong trại và bên ngoài cách xa nhau trời vực. Người miền Nam bão hòa dần với đổi thay nên họ chẳng còn e sợ nữa. Họ nói với nhau mà thực tâm nhắm vào những người khác cung cách của họ. Tôi chỉ muốn chóng xong để còn về, vậy mà cũng phải ngồi nán đến hơn nửa tiếng.

    Bây giờ ngồi với anh bạn láng giềng, tôi lại thấy nao nao. Chèn ơi, tình nghĩa đậm đà đến vậy sao. Hèn chi người ta bảo cái được, cái thua không phải tính bằng sự chiếm được đất đai mà là tính bằng sự chiếm được lòng người. Phe kia đã tự hào làm chủ mảnh đất này từ mấy năm qua rồi nhưng chắc chắn là họ lạ lẫm vô cùng tại sao lòng người vẫn thờ ơ với họ.

    Cái nắng tháng 5 rầu rầu nát nhão mà hai chúng tôi ngồi đấu láo sao vẫn thấy qua mau. Tôi đề nghị với anh đừng khép nép xem nhau cách biệt nữa, thời thế đổi thay rồi nên đối xử với nhau như anh em vốn đã quá quí. Anh bạn thợ không chịu. Một hai anh bảo với tôi : ông thầy nói vậy sao được, thượng cấp của ta đang tâm bỏ trốn, chứ ta nào có bỏ nhau. Bây giờ ở trong nước chỉ còn một dúm thầy trò mình, đâu có thể xô bồ coi nhau bằng vai phải lứa như họ. Với chế độ, cha con có thể xem nhau bình đẳng vì cùng là đồng chí, đồng rận của nhau; còn thầy trò ta đâu có vậy.

    Anh ân cần mời tôi ăn món này, uống thứ kia. Một phần tôi không muốn chịu ơn khi vừa bén thân quen, một phần lại ngại mang tiếng bù khú, lỡ gặp tay khu vực nghi ngờ hai bên bàn bạc đại sự. Tôi đem điều này nói với anh, người thợ sửa xe tủm tỉm cười : đời sống tù biến thiên ông thầy tàn nhẫn quá nên thầy đâm dè dặt. Họ hù vậy thôi để thầy đừng tơ hào mưu sự, còn tình nghĩa đãi nhau họ chẳng quan tâm đâu.

    Và như chợt nhớ ra, anh ta chêm : tay khu vực này em biết rành mà ông thầy. Hắn ba hoa chích chòe, chớ suốt ngày còn lo thu hụi chết mấy tay biên số đề, hoặc la cà ăn nhậu bắt những tay phe phẩy trả tiền. Mấy chỗ đó có của, hắn mới bò vào, chứ còn thầy giờ như cái tã rách, hắn không để ý đến đâu.

    Rồi như cất lời tâm sự, anh ghé lại gần tôi hỏi : mà sao hồi đó ông thầy không tìm đường dọt. Ở lại chi cho lận đận đi tù. Em là cấp thấp mà nếu dọt được em cũng dọt, sống sao nổi với mấy chả, thầy ơi. Tôi nghe mà thấy xót xa, biết trách ai nếu chẳng tự trách mình. Tôi cũng thủ thỉ với anh : có lẽ tại số bọn mình mạt rệp nên cùng chui vào rọ như nhau. Và để đánh tan nỗi tủi thân đè nặng trùng trùng, tôi gạt sang chuyện khác : bề gì cũng lỡ rồi, quên đi.

    Anh thợ im im một lúc như để tức tủi lắng dần vào tâm khảm, rồi anh lại thủng thẳng đề nghị với tôi : ông thầy ở nhà buồn thì ra đây cùng làm với em. Thầy trò giúp nhau lúc cùng quẫn mới thảo, thầy chỉ lo việc bơm bánh xe cho khách, còn những việc cực nhọc như lộn xên, vá ruột xe, thay nhông để em. Tôi nghe càng da diết buồn và mủi lòng lẫn lộn. Tôi chợt nhớ đến câu ví của mấy bà đi buôn gặp tôi trên chuyến tàu từ ngoài Bắc trở về. Chính các bà, các cô gom góp lo cho tôi phần tiền vé và nuôi ăn suốt mấy ngày đêm cà tịch cà tang trên chuyến tàu chợ. Nỗi ngậm ngùi dằng dặc trên nét mặt họ, có chị chồng vẫn chưa về, ngùi ngùi nói với tôi : giận thì giận mà thương vẫn thương. Hôm đó nước mắt tôi đã ứa ra theo từng tiếng rít xé gió của con tàu đang lầm lũi đi ngày đêm.

    Tôi chợt đề cập bài vọng cổ với anh. Không hề dấu diếm, anh nhận ngay đó là lời anh gián tiếp than thở vì xa người yêu ngày trước. Tôi rụt rè hỏi liệu anh có biết giờ cô ấy ở đâu chăng. Anh ngậm ngùi một lúc rồi nói : người thì nói cô ấy đã đi thoát ngay từ tháng 4-75, kẻ lại nói cô ấy về quê mà không rõ đi đâu.

    Câu cuối tôi nghe từ miệng anh kèm với một tiếng thở dài : từ đơn vị bò về, em nghe nói cô ta đang ở tại một trại, lần dò tìm đến thì cô lại dời đi và không ai biết ra sao. Câu nói buông lửng mà như một nhát dao lụi từ từ vào trái tim rỏ máu của những người đau khổ. Tôi mang theo cùng những bước chân nặng chịch về nhà và tự dưng thấy buổi chiều nhạt nhẽo làm sao…

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 4

    Lại nói về vợ chồng anh có cửa hàng bán máy tại chợ. Không ai rõ ngày trước họ ra sao, nhưng nghe đâu anh chồng cũng là phe ta. Nghĩa là thuộc hàng lính tráng miền Nam, ngành chuyên môn và cấp bậc nhỏ, nên biến cố xảy ra không phải đi tù mà chỉ theo cái gọi là “ học tập tại chỗ “ mười ngày.

    Vốn đã phục vụ trong ngành quân nhu nên việc mua bán xem ra có phần nhanh nhạy, rồi đánh hơi được thời cuộc, nhân lúc bát nháo và thu gom được chút vốn liếng, không bị ràng buộc khắt khe, và phần nào liều lĩnh nữa, nên trong khi ai nấy cũng còn rụt rè, e ngại, thì hai người lanh chân lẹ cẳng ra sống ngoài chợ.

    Thời buổi thực tức cười, trong khi các bố ở Bắc vào bảo ngoài đó thứ gì cũng có. Người miền Nam có lúc đã nghe những câu ngớ ngẩn tương tự “ ti vi, tủ lạnh chạy đầy đường và thuốc Điện Biên thơm lừng hút từ bên này mà bên kia bờ sông còn ngửi thấy mùi ngon “ thì vợ chồng anh ta đã bàn với nhau : nếu không mượn cơ hội này để vươn lên thì chẳng còn may mắn nào khác.

    Thế là những gì hai người cai quản hộ ông thầy ngày trước, đến khi gia đình họ thoát ra đi được coi như của tặng đền ơn, hai người phất lên thật lẹ. Thấy từ cán bộ, binh sĩ mới vào đều thòm thèm cái đài, cái “ đổng “, nên hai vợ chồng đổ xô đi thu gom mua lại máy thu thanh, đồng hồ và mở lời tán để đẩy nhanh kiếm lời.

    Từ đó, chợ búa miền Nam loạn xạ những lời rêu rao “ đồng hồ có cửa sổ “ hay cái đài xài ít pin, chồng thì kêu sẵn lòng giảm giá, còn vợ thì ỏn ẻn mời chào, các cán mê ríu mắt nên lời rót vào tai như mật ngọt. Chẳng mấy chốc có của ăn của để, con cá sống nhờ nước, con người sống nhờ khôn, dù cái khôn cái dại đời nay chẳng ai đo lường nổi. Hai người “ trúng mánh “ lia chia, hí hửng vui bất tận.

    Anh khu vực đánh hơi nhanh nhất nên làng nhàng đến thăm liền tù tì. Nhong nhóng bắn tin phường khóm và tổ chức băn khoăn về vốn liếng của hai người từ đâu ra, lại nữa xem như không ưng về việc làm chạy chợ của ông bà. Tay chồng biết thừa anh khu vực dọa thế thôi để dễ dàng nhờ vả, nên cũng vờ gãi đầu gãi tai nhờ anh can thiệp cho.

    Chẳng lời nói nào xuôi rót nếu không kèm theo cái “đổng “ có đủ 3 kim chạy vòng vòng, lại còn chỉ cho thấy màu dạ quang để ban đêm cũng nhìn đọc được con số. Chủ khách giỏi đóng trò, xàng xê qua lại, người biếu, kẻ từ chối, nhưng cuối cùng nể nhau cũng nhận lấy thảo cho vui.

    Ai dè đó là oan gia trói buộc. Thỉnh thoảng lại thấy anh khu vực ra tận chợ mời anh chồng đi ăn sáng hoặc cà phê, chủ nhân biết đây là một kiểu đóng hụi chết, nên dù ruột đau như cắt, vẫn phải giả tươi vui, để đưa anh ta tí tiền, tự đi ăn, vì gian hàng đang bận khách. Bởi chăng, lần đầu tiên cùng đi với anh khu vực, người chủ bán máy đã phải trả một món đau vì anh ta quơ quào ở đâu bạn bè, đồng nghiệp bu đến góp vui, ăn no, uống kỹ, quên luôn chuyện góp trả tiền.

    Ai cũng nghĩ làm ăn dạo này làm ăn quá dễ, trúng mánh dài dài, đâu ai hiểu nỗi khổ tâm của người thu chỗ này thì chi chỗ kia, như mang nợ của nhau từ đời kiếp nào xa lắc. Vợ chồng anh bán máy đến khổ vì mỗi khi anh khu vực hay các bố trong phường về phép. Thôi thì nhờ vả anh tận tình mua hộ quà cáp cho vợ, cho con để rồi hẹn khi vào sẽ thanh toán. Đã thế, đến ngày sắp lên tàu, lại xin thêm cái vé hoặc đòi hỏi chút gì đem ăn đường.

    Mà nào chỉ có bấy nhiêu chỗ, giờ ai cũng có quyền, tha hồ hoạnh họe dân bằng thích. Thuế vụ, quản lý thị trường, công an, trật tự chợ bu vô mấy gian hàng như ruồi bu miếng thịt ôi, tiếng rì rào luôn luôn không dứt.

    Bởi vậy, hai vợ chồng mè nheo nhau ti toe hằng bữa. Cãi ở chợ chán, họ lại lôi nhau về nhà mắng mỏ té tát nhau. Bà đổ tại ông, ông cằn nhằn tại bà, lôi thôi kéo hết chuyện này chuyện nọ ra hành nhau.

    Người ta bảo nghèo chẳng sao, rủng rỉnh có đồng tiến tay chân đâm ngứa ngáy. Anh chồng lăng xăng lít xít với các nhà có chồng đi tù chưa về. Anh tỏ ra mau mắn nếu ai cần nhờ vả thì anh giúp, vợ anh kêu ầm là anh tán tỉnh người ta. Thậm chí gặp con gái nhà ai hơn hớn, anh đều xưng hô chú cháu ngon ơ.

    Chả biết tâm địa anh thế nào, nhưng loáng thoáng nghe các cô phàn nàn : chú ấy kỳ, cứ ngồi sát vào con tỉ tê cháu có cần tiền đi học thêm chăng. Bà vợ một mặt rao ráo hăm he : ông mà lăng nhăng tui hổng để yên. Một mặt dằn mặt bâng quơ với hàng xóm hay bạn chợ. Chẳng qua, cả hai nghĩ cạn, chứ ai rảnh rang và vui gì mà còn muốn đèo bòng.

    Ngược lại thì anh chồng càm ràm bà vợ lúc nào cũng diện. Mà đúng vậy thực, vì hễ gặp đều thấy bà ta se sua, tóc uốn, chải lượn, quần áo bảnh bao. Trong khi nhất nhất ai cũng mặc một màu đen chũi thì chị ấy cứ quần lụa áo màu diện tràn. Các bà trầm trồ là sáng sáng nhìn bà ta lướt qua lướt lại trong nhà mà dị. Có người còn xầm xì thêm là bà ta rất hớ hênh khi thay áo quần đi chợ, nhởn nhơ để ai cũng thấy điều không đáng thấy.

    Hai vợ chồng có mấy đứa con, trai thì bỏ học đàn đúm, gia nhập băng này đám nọ, đánh đấm tùm lum, con gái thì ỏn ẻn như mẹ, chưa nói đã cười, người khắt khe bảo vô duyên. Đời là thế, gia đình lủng củng thì con cái cũng chóng học gương mẹ cha để sống buông lung.

    Nghe đâu ngày tôi đi tù, ông chồng cũng bắn tiếng xin đỡ đần gia đình, nhưng vợ tôi bỏ lửng làm lơ, lại còn cấm cản mấy nhóc không cho bén mảng hay bạn bè với các quí tử hay công nương họ.

    Cũng may, cả hai ôm lấy chợ suốt ngày, tối lảng vảng về mới nghe tiếng sát phạt nhau chứ nếu không chắc thiên hạ điếc tai. Lắm hôm, vợ chồng dẫn lũ con đi ăn, lối xóm nghe im im lại đâm nhớ nhung cái tiếng ồn vốn không thiếu.

    Tình cờ, có một bận anh bán máy gặp tôi. Có lẽ anh định chào tôi, song lúng túng không biết xưng hô ra sao, nên gật đầu chiếu lệ và lẳng lặng đi ngay. Con người có hồi cũng phức tạp ra dáng, thời thế đảo điên, ông ra thằng, thằng lên ông, sự tự ái đôi khi làm cho ai đó cảm thấy mặc cảm dữ dội. Tôi chẳng nói làm gì vì nào ai còn muốn thân thiết với người đã đánh mất dĩ vãng, nhưng còn anh đang là người ăn nên làm ra sao lại cũng ngượng ngùng với tôi. Câu tự vấn này đuổi theo tôi mãi, khi thức cũng như lúc ngủ, cả những thời gian trầm ngâm hay bối rối một mình.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 5

    Trong mấy gia đình ở xóm Cụt, có lẽ chỉ nhà tôi xem ra mạt rệp nhất, còn nói theo danh từ thời thượng thì hộ tôi là thành phần bần cố chính thống. Bần cố là vì có gì thì hoặc bị người ta tịch biên, hoặc là tự vợ con phát mãi để lấy cái đổ vào mồm, trong những ngày tôi đang đi “ nghỉ mát “, lại còn phải nhếch nhác lo đùm nắm đi nuôi tù nữa..

    Vậy mà thiên hạ vẫn chưa chịu tin, cho rằng chúng tôi khéo che khéo đậy, của nổi của chìm, còn lỉnh ca lỉnh kỉnh, dấu quanh dấu quất đâu đó. Chẳng nói chi xa, chính tay trưởng khóm nằm vùng là người tôi chịu ơn nhất và xem như hiểu rõ ngọn ngành nhà tôi nhất mà cũng có tâm trạng y như vậy.

    Chả biết lão muốn thả quả bóng thăm dò, hay nửa đùa nửa thật, mà thỉnh thoảng lão vẫn “ tiểu di “ với vợ tôi : người ta đồn dân Bắc khéo ăn, khéo kín tiếng lắm, chưa chừng ông bà còn chút đỉnh gì gửi gấm nơi ai cũng nên. Vợ tôi còn cà kê giải thích với lão, đến ngày tôi được tha về, lão cũng mửng cũ làm quà han hỏi, tôi đã khục khục cười.

    Lão có vẻ không bằng lòng, tưởng tôi mỉa mai, nói cạnh nói khóe lão, nhưng khi tôi khề khà mượn chén rượu nói với ông ta thì lâu dần nỗi nghi mới lạt phai. Chả ở đời chẳng ai dại có tí ti của để mà chịu ép mình sống khổ bao giờ. Có nhìn thấy cảnh cả nhà tôi vợ chồng con cái nằm như heo ngay trên mặt đất, tùm hum một đám, mới biết chẳng còn mạng bần cố nào so đo hơn.

    Giường tủ, bàn ghế thi nhau đem gán hết, những đồng tiền chi dụng vào đổi lấy sắn, gạo, khoai, mì và bao lần đi nuôi tù cho tôi thì còn đâu ra nữa. Bọn nhóc đang sức ăn sức lớn khả dĩ còn gắng gượng, chứ thân mạng vợ chồng tôi đã trải bao đời hương lửa, vai đè nặng dấu vết thời gian, không kêu đau lưng, nhức mỏi vì bị nhiễm hơi ẩm lạnh của đất dãi dầu mới là của lạ.

    Lão trưởng khóm cũng tinh ranh ma mãnh vô chừng. Làng xàng bất chợt cứ đúng bữa cơm thì mò đến, gián tiếp xem chừng bọn tôi ăn uống ra sao. Ông ta lăng xăng xồng xộc đi một mạch vào tận bếp, miệng oang oang hỏi han mà mắt thì liếc chừng liếc đỗi. Thấy bếp đã vùi than, toàn bữa chỉ độc nhất bát canh suông, nước lõng bõng nhiều hơn xác những rẻo bí nổi phật phờ, ông lắc đầu vội chuồn nhanh, không kịp chúng tôi mời nước chén lã.

    Nói nào ngay, bản thân ông cũng không thóc mách lắm , ngặt vì lối xóm thọt thẹt chen vào nên ông muốn củ soát xem sự thể ra sao. Để tránh bị mang tiếng chú tâm theo dõi, ông cứ một điều “ nghe người ta nói thế này, thế nọ… “ để có cái cớ không làm chúng tôi buồn. Nên sau vài lần những gì thấy tận mắt, biết tận tay, ông trở lại bênh vực chúng tôi mỗi khi nhen nhúm có lời xì xào “ nghe người ta nói thế này… “

    Mặt khác, ông cũng tìm cách giúp đỡ làng nhàng gia đình tôi như cho người trong nhà xung vào ban phân phối bánh mì (lâu lâu mới có một lần) hay ghi tên đi làm thủy lợi hòng kiếm tí gạo, tí thịt mang về sống. Thế mà nào có được nhận công lênh sòng phẳng, việc công sức tư, ký ca ký cóp hết chồng, đến vợ, lại cả lũ nhóc luân phiên nhau đi làm, có khi cả nửa tháng xa nhà. Chừng xong nhiệm vụ cũng được yêu cầu ký danh sách lĩnh tiền nhưng phần lớn chỉ ký mà phong bì ít được đưa lại. Chờ mãi thật lâu, có thập thò hỏi thì chỉ thấy ông gãi đầu gãi tai cho biết : thôi quên đi vì ngân sách thiếu hụt, phường đã tạm mượn khoản đó để chi dùng việc khẩn mất rồi.

    Ôi cuộc sống sao mà điêu linh, trần gian bể khổ, ai cũng có miệng mà câm như hến, còn cổ thì thấp chủm có ngóc được tới đâu. Dân dã lý lịch sạch boong còn bị cướp cơm chim nữa là gia đình có thành tích như chúng tôi thì càng phải cố mở mắt ra nhìn trừ.

    Hơn mười năm sống cuộc đời giun dế ở xóm Cụt, gia đình tôi chịu bao cay đắng triền miên. Họp hành luôn phải đến sớm, người ta học tập xong nhàn nhã ra về, còn những anh chị em “ tốt nghiệp nhà tù không án “ thì luôn được mượn khéo ở lại làm vệ sinh hay thu dọn chỗ hội hè.

    Lớp mẫu giáo cần chuyển chỗ, phòng phát thuốc cần dọn kho, hợp tác xã cần sắp xếp củi than lại, khóm phường cần lao động, chúng tôi luôn được ưu ái gọi mời. Lại vài hôm lịch kịch kéo xe bò hay đẩy ba gác đi làm việc xã hội, hẳn nhiên thường bị quên chẳng ai hỏi đến việc cơm nước ra sao.

    Ngày lễ, ngày tết, khóm phường vận động các anh chị em tập trung để xung vào lực lượng dân phòng, nhưng kỳ thực là để buộc chân kiểm soát không cho bọn tôi lăng nhăng lít nhít lo việc tai hại khác. Những đêm ấy, lềnh khênh cảnh ngủ và ngủ vật ở hàng hiên của khóm phường, trông bệ rạc và lem nhem hết chỗ nói.

    Xóm Cụt có tí ao con ở đáy phễu thì thuộc quyền sử dụng ưu tiên của ông bà thương binh về hưu. Ông bực bội vì hiện tại không bù các hi sinh của ông trong quá khứ nên ì ra chẳng chịu làm gì. Đến vai trò tượng trưng ở khóm phường, ủy ban, mặt trận ông cũng chẳng màng, huống chi là việc trồng rau nuôi cá.

    Ông vẫn xì xào với vợ : hồi tôi đánh đấm bị thương, mấy tay đó có khi còn chưa đẻ ra, hoặc còn là dân con phe đối nghịch, vậy mà bây giờ họ ăn trên ngồi trước mình, hoạnh họe, phê phán lung tung mới đau. Nỗi ức của ông chỉ thoang thoảng tỉ tê ở trong hộ của ông thôi, nhưng bà là cái loa oang oang mỗi khi trái gió trở trời nên thét rồi ai cũng rõ.

    Cứ dăm lần ba lượt, ông đi rồi lách cách về là y như lời ra tiếng vào bùng nổ. Bà cóc sợ ai, cứ thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ. Dăm thì mười họa có những cái miệng bép xép không để mọc da non lên tâu mách ủy ban là lối xóm lại thấy quan viên đến thăm gia đình ông. Họ bàn bạc gì, nói năng gì, bàn dân thiên hạ biết sao ra, chỉ thấy quan viên về thì nghe bà vợ bĩu môi kêu : nói thì ai nói chẳng gọn, còn làm thì chẳng ra gì. Bà bực mình vì ngay ngày đầu chiến thắng bà đã vun vào để ông nhanh chân nhận đi Nam. Bà vốn dân Nam Bộ nên hiểu tình hình bén nhậy, ngược lại ông quá tỉ mỉ đắn đo.

    Thời kháng chiến, ông nghe đồn Mỹ chọn miền Nam làm tiền đồn ở Đông Nam Á, đổ quân đổ của cũng nhiều, có lúc đếm hơn 2 triệu nhân mạng, đủ bạn đồng minh lẫn cơ hữu tại chỗ, vũ khí tinh xảo, đạn lắm, phi cơ bay rần rần, chiến hạm lướt thong dong. Từng đụng trận nhau, ông đã kinh qua bao gian lao khổ cực, bom B-52, pháo diện địa bắn vung thiên, còn hàng rào điện tử, máy dò người, cá heo thả sông thả biển, dây cáp nối thẳng từ Hoa Thịnh Đốn đến Việt Nam.

    Ác hại nhất là cái tin Saigon bán đứt Cam Ranh, Đà Nẵng cho Mỹ 99 năm, thêm nữa họ cũng gửi lại miền Nam hơn 50.000 con em họ, lẽ đâu họ dễ dàng chịu bỏ rút về. Những ngày Bạch Mai, Hàm Rồng ăn bom bi, bom cháy, ông thấy tận mắt bạn bè chết gục nát thây, hoặc vỡ tai đổ máu vì tiếng bom dội ào ạt. Cho nên ông nghi nghi là họ muốn thử để úp mình, vậy cứ chần chừ, hẹn lần hẹn lữa. Thời đó, trừ những đại đơn vị tham gia chiến trận ngay tại vùng, còn những ai được lệnh từ miền Bắc vào nhận tiếp thu thì đều chân trong chân ngoài như ông tất.

    Ai dè, cảnh “ trâu chậm uống nước đục “ là thế. Những tay hồi nao dát như cáy, nay có nhà, có chức lên mặt coi trọng, coi khinh nhau. Trong khó khăn có thể nhường nhau bát cơm, viên đạn vì chẳng biết sống chết lúc nào, hòa bình rồi thì “ miếng giữa làng vẫn hơn sàng xó bếp “ thế là chân lý đành rành ra đó. Đáng buồn hay đáng vui đây, nào có khác gì “ ngẩng mặt nhìn trời than ai thấu, đen bạc tình đời đánh đuối nhau “.

    Nỗi thua thiệt của ông lại còn thêm sự trì chiết của vợ làm ông xính vính đau lòng. Thản hoặc ông có định loe hoe lên tiếng thì bà vợ kê ngay cái tủ đứng là ông im tiệt. Bà lấy sự hi sinh của một thằng con và cảnh mất tích của thằng con khác làm ông cứng họng. Bà chẳng rêu rao ai mà chỉ nói ra sự thống khổ của chính gia đình nhà, khóm phường có nghe chướng tai thì cũng chỉ đến khuyên can là hết. Chả nhẽ lại bảo hai ông bà làm sai chính sách.

    Cho nên càng cất công gánh vác giang san nhà chồng, càng chia xẻ nỗi vui buồn với ông, càng phải lội ao trồng rau, cắt bó, bà càng dễ nổi khùng vô lối. Cho dù mình bà chẳng cáng đáng hết, ít nhiều phải dựa vào lân bang thì rốt lại cũng chỉ có vợ chứ nào ai khác. Trước thì bà đánh tiếng góp mua giống ăn chia, sau nghe vợ tôi than một đồng một chữ không dính túi thì bà lại đề nghị giúp cho bà.

    Mỗi đợt rau mọc dầy, bà ăn không hết thì hì hục cùng rủ vợ tôi cắt buộc thành bó. Hôm ấy thế nào gia đình cũng được tí màu diệp lục tố trôi trong bánh canh. Ngoài ra nếu vợ tôi nhận ôm mẹt ra góc chợ ngồi thì lại được tính công thêm nữa. Chả có việc to việc lớn để làm thì thôi đành ôm mẹt có sao, của còn chẳng tiếc, tiếc chi thân. Đời vốn đã vêu vao vì đổi thay thời thế thì con người có chịu thêm nỗi chán chường cũng thấy thấm thía hay ho.

    Tôi phục vợ tôi ở điểm này. Việc gì cũng làm được, miễn là lương thiện. Có lội xuống ao lềnh bềnh phân người hay xác chuột thì cũng là thân phận buộc đành phải vậy thôi. Chỉ tội cô nàng đêm đêm khó ngủ, mớ ú ớ hoài vì những ác mộng đan xen.

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 6

    Những năm, những tháng nằm chết dí ở xóm Cụt, tôi như con sâu bị đạp nát nhàu. Không gian của tôi thun thút quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là chiếc phễu được tận cùng bằng cái đáy thắt bò ra ao rau muống. Thỉnh thoảng buồn buồn ra đứng ở cửa, nhìn vẩn vơ, chạm mặt với những căn hộ đóng cửa im thin thít. Đảo một vòng thì chạm phải cái cầu lộ thiên, lêu khêu như cái chòi canh tôm hay cái lô cốt nhỏ. Tầm mắt bị chắn ngang chắn dọc, tình người vốn dửng dưng.

    Lắm khi nghĩ thân phận như bị gò bó, tù túng, muốn vươn lên mà lơ lửng, châng lâng, chẳng ai cho bám, chẳng ai đoái hoài. Vợ tôi thấy nỗi buồn mênh mông của tôi thường cất lời an ủi : sông có khúc, người có lúc, anh đừng buồn mà tan rã ý chí đi. Rồi một mai… cô nghẹn ngào không nói tiếp được về một mai thế nào, ai mò đoán cho ra.

    Một đôi lần nhớ về thời xưa cũ, lần lượt gặp lại những gương mặt chiến hữu, bạn bè, kẻ còn người mất, phiêu dạt những đẩu đâu, trái tim như bị ai bóp vò xé tan nát. Nghĩ những ngày cùng nhau mằm sương nhịn đói, nhịn khát, ai có dè thời huy hoàng quá chóng vánh để giờ đây ủ dột cõi lòng.

    Có lúc nghĩ quẩn, giá gì được nằm xuống như dăm ba đồng đội, có lẽ lúc này ngửa mặt thênh thang, không còn phải bận tâm vì cơm ăn, áo mặc vì bị phân biệt đối xử. Thế nhưng chợt nghe tin hôm qua nghĩa trang quân đội này bị san phẳng, bữa sau lại nghe bia mộ bị đập bỏ tan tành, mới thấy cả người sống lẫn kẻ chết, chẳng một hai yên thân cả

    Ngày trước nghe câu hát “ đàn bò vào thành phố.. người chết hai lần “ đã nghe mênh mang chua xót làm sao. Bây giờ bưng bát gạo hẩm, lẫn lộn những đầu khoai sùng, bo bo, sắn lát càng ê chề nỗi nhục kẻ bị thua.

    Đêm từng đêm dài như thế kỷ. Nằm lơ mơ trong giấc ngủ chập chờn, bên cái ba lô được nhét vội dăm bộ quần áo vá, chỉ chờ tiếng xe thắng kít ngoài cửa để trỗi dậy lại thêm một lần làm kiếp tù khổ sai. Những giấc mơ quái ác lúc nào cũng lởn vởn vây quanh xé ruột, xé gan bởi những nụ cười hềnh hệch nhạo báng hay những cặp mắt vằn đỏ hận thù.

    Quê hương tôi cùng chung một nguồn một gốc mà sao thâm thù nhau đến tận thiên thu. Những câu nói lạnh băng : lũ chúng mày chỉ đáng băm vằm ra trăm mảnh mới hết tội, nghe mà khiếp hãi vô cùng. Những buổi trưa nghe tiếng đá ném rào rào vào các cô nếch nhốt người cùm kẹp như chính mình đang bị hành tội để nhĩ tai vỡ bụng và máu nhộn nhạo trong tim. Những đêm hốt hoảng nghe tin tù trốn trại và lời hăm he đâu nằm đó lạnh lẽo như oan hồn, chẳng biết cái chết nào sắp ụp xuống trên đầu lũ bạc số.

    Còn nỗi đau nào phải theo chân người lính thắng trận ra gom xác bạn bè nơi vòng kẽm gai rỉ sét. Những tiếng van thê thiết để rồi vẫn phải lãnh một băng đạn ân huệ vì dám chống báng lại chủ trương trại. Mớ hình hài đó được bó vội, hở đầu hở đuôi trong manh chiếu để dăm người khiêng tiễn ra vùi lấp cho xong.

    Ngày mai, có một người mẹ, người vợ lên thăm con chỉ nhận được tin “ anh ấy mất vì bệnh “ và không cho ra viếng mộ, trong khi những người sống sững sờ vì được lênh cấm loan truyền sự thực về cái chết của anh bạn. Ôi còn nỗi đau nào to lớn hơn chăng ? Và trải bao nhiêu năm trại tù hiện diện, những cái chết câm nín như thế đã diễn đi diễn lại bao lần ?

    Hồi đó, tôi đã nguyện trong lòng sẽ có một lần được hé ra cho vơi bớt lòng dằn vặt, vậy mà về tới nhà vẫn ngủ giật mình vì những giấc mộng hoảng kinh. Con sâu kèn còn có chiếc lá khô để cuộn mình trú thân vào ẩn nhẫn. Còn tôi có cái gì để dấu mặt buồn hiu ?

    Hai con tôi sức ăn sức lớn bỗng đói vêu thật tội vô cùng. Lẹt đẹt học lên đến cấp 2, tròm trèm muốn bò lên cấp 3 thì cụng đầu với lai lịch. Nỗi hớn hở được vào lớp chuyên chưa kịp chớm thì một gáo nước lạnh dội rét buốt đêm đông. Nó về than với tôi : con được báo không cho theo lớp nữa vì con được xếp vào hạng E-7 nên không đến lượt mình. Ôi những sắp hạng làm người cha khóc ròng ròng vì có lỗi với con quá quắt. Ôi những vô tình làm mái đầu người mẹ càng bạc đi vì nỗi thương con.

    Xóm Cụt vẫn dửng dưng không hề hay biết đến. Tôi đã toan tự thú với các con : bố xin lỗi vì bố không làm tròn trách nhiệm, nhưng vợ tôi đã bao lần ngăn cản ý tôi. Nàng nói : đâu phải một mình gia đình ta chịu nạn lớn, anh đừng tự dằn vặt mình. Hai vợ chồng âm thầm ôm nhau nức nở giữa canh trường, gặm nhấm sự tê tái triền miên.

    Tôi thường tra vấn mình liệu còn yêu thương vợ như ngày trước. Câu hỏi băng đi như chiếc diều đứt dây, chúi đầu qua bờ qua bụi, để thực tế là chân mỏi gối chồn giữa thảm cảnh cả một lũ heo lúc nhúc nằm bên nhau, sướng vui gì mà còn lo be bờ hạnh phúc ?

    Một hôm, thấy một anh đeo toòng teng trên cột điện, ai gọi nhất định không chịu xuống. Lối xóm phải gọi công an, cứu hỏa đến, người ấy vẫn nhăn răng cười trừ. Cái áo trây di bạc màu xòe cũn cỡn, anh một tay ôm cột điện, một tay hình dung thành ngọn súng bắn ùng oàng. Bàn dân thiên hạ ai cũng bảo hắn điên. Tôi nghĩ liệu lần nào thì sẽ đến lượt tôi cũng sẽ như anh vậy.

    Mãi người ta mới đưa được anh xuống và không còn ai thấy, hoặc biết anh ra sao nữa. Một hiện diện mù tăm để giữ cho thành phố không nhếch nhác, bụi bặm. Lác đác, người qua lại nói lảm nhảm nhiều dần, họ như đang nói thầm với chính họ hoặc đang phân bua về một việc gì đâu. Thiên hạ còn bận tâm chạy lo tránh kinh tế mới, kiếm miếng cơm cho đỡ đói lòng nên chẳng mảy may quan tâm về những điều như thế.

    Càng ngày tôi thấy mình càng mọc rễ, mọc lá ra, những ngọn lá vừa nhú đã héo queo vì thiếu nước. Vợ tôi lo lắm, cứ thủ thỉ thù thì. Nước mắt cô đã vắt sau bao lần lặn lội thân cò đi nuôi tù thì giờ lại rớm máu vì chồng càng ngày càng đâm ra ngớ ngẩn. Tôi đã có lần nhìn trộm cô nói với các con : bố chúng mày lúc này muốn điên được, bảo nhau đừng để ông buồn. Ôi, tiếng kêu trầm thống như tiếng con hoẵng nhỏ nhoi bị con hổ vồ xâu xé.

    Thản hoặc một lần trời đi vắng, bất chợt ông thương binh về hưu chạm mặt tôi. Cả hai cùng tiu nghỉu và ngượng nghịu. Tôi rón rén đã đành, nhưng còn ông cũng rụt rè mới lạ. Định gật đầu nhanh rồi biến cho xong, chẳng may ông lại kề cà mở lời trước : tôi có nghe ông mới về, mừng cho ông. Tôi có nhã ý hôm nào mời ông qua chơi, chúng ta uống chén nước.

    Ông ấy đối với tôi như thế vì lẽ gì. Ngày xưa, nếu gặp nhau ngoài chiến trường chắc tay súng sẽ chẳng nương nhau để giành sự sống. “ Khôn sống mống chết “ là lẽ tự nhiên giữa khói lửa chiến tranh, có viên đạn nào có mắt để nhìn ra đâu là mục tiêu, ai là cái bia để nhắm tới. Bây giờ hòa bình rồi, ông có mất mát, chúng tôi cũng có mất mát, liệu chân tình có sớm nở ra chưa ?

    Tôi mang câu mời của ông như mang một cái nghiệp vào thân. Dù hứa hay không hứa thì mỗi lời gieo ra đều là nhân của một quả đang kết. Tôi đem kể với vợ, nàng lửng lơ chêm vào : em thấy bà ấy có vẻ cũng chân thật, xem ra không phân biệt gì đâu.

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 7

    Tôi lựa mãi mới được một ngày để “ thưa “ với vợ (vì tôi đang bị vợ con quản lý mà) : này bà, cái ông thợ sửa xe ngoài đầu ngõ rủ tôi ra làm chung. Vợ chẳng ừ hử gì cả, tôi cáu tiết, quên luôn đang bị vợ giáo dục, nên mắng ào ào : bà có nghe không mà sao nín thinh vậy. Vợ tôi sụt sùi muốn khóc, tôi ân hận vô cùng. Định dịu giọng dỗ, nhưng cục tự ái đứng sừng sững chặn cổ họng, tôi bỏ đi.

    Vợ gọi giật lại : em đâu còn đồng nào góp vốn với ông ấy để anh ra làm nên em chẳng biết nói sao. Tôi cảm động thưa thốt : ông ấy vốn là phe ta ngày trước nên rủ rê anh ra làm cho vui, cho khuây khỏa, chứ bó rọ ở nhà mãi khùng mất.

    Và để vợ khỏi băn khoăn, tôi nói luôn : ông ấy chẳng cần góp vốn gì cả, lại chia việc rành rẽ, phần kỹ thuật ông ấy lo, anh chỉ chờ có ai bảo bơm thì nhấn xịt xịt một lúc, được bao nhiêu ông ấy dành cho anh tất, bảo để hút thuốc hay mua quà cho bọn nhóc.

    Mắt vợ tôi dân dấn, cô không ngờ thời buổi này còn có kẻ chịu cưu mang nhau đến vậy. Tuy thế, nàng cũng lưu ý tôi : liệu mình làm thế có lợi dụng ông ấy không ? Tôi điếng vì chưa nghĩ đến ý này bao giờ.

    Chờ hoài không thấy tôi lảng vảng ra chuyện trò, nên lần thoáng thấy tôi, anh thợ sửa xe kêu inh lên : ông thầy, sao chuyện làm ăn tính tới đâu rồi. Tôi chân thật kể hết lời vợ với anh. Anh gãi đầu xoành xoạch : chèn ơi, sao lúc này mà cô còn cố chấp vậy chớ. Và anh đon đả giữ tôi lại, không cho về, còn nhắn nhe : để chiều em qua thăm thưa chuyện với cô luôn.

    Tôi không ngờ mình tệ hại đến thế. Việc hết sức đơn giản mà không tự nói gẫy gọn với vợ, nhưng thời buổi thuộc về một đẳng cấp khác mất rồi làm sao tôi mở miệng nổi. Thế là từ đó sáng sáng tôi theo chân anh ra, cùng bán mặt cho trời, phơi lưng cho nắng, rủng rỉnh cũng có đồng ra đồng vào uống cốc nước, ăn que kem hay nói đấu láo với nhau khi vắng khách.

    Tình chiến hữu không khơi cũng đầy ăm ắp, chẳng mấy chốc coi nhau còn hơn ruột thịt trong nhà. Tôi mượn tâm tình một bận hỏi anh : có khi nào anh được tin cô ấy ở đâu chăng ? Anh lặng đi, ngẫm nghĩ, thở dài, lí nhí nói : nếu biết thì nói làm gì, ông thầy. Đằng này cô ta đi biệt… và như sực nhớ ra, anh chêm thêm : chưa chừng cô ta hoặc gửi xác ngoài biển cả, hoặc bị bắt vào tay bọn hải tặc, chớ nếu không ít nhất cũng phải có một lần gởi tin về..

    Mắt anh bỗng quắc lên dữ tợn, nhìn thông thống lên trời, nghiến chặt răng trách bâng quơ : thế giới làm ngơ để bọn bất nhân chặn đường hiếp đáp người vượt biển. Tôi thấy bàn tay anh co lại thành nắm đấm đập bình bịch vào lòng bàn tay kia. Tôi muốn cất một lời an ủi mà cổ họng nghẹn cứng. Chẳng có nỗi buồn nào kém nỗi buồn nào vì tất cả đều chung một xuất xứ vô phúc như nhau.

    Tệ hại nhất là mùa mưa, nước chợt đổ ào ào, nắng chợt nóng hun dữ dội, y hệt cô bé đỏng đảnh làm duyên làm dáng. Anh thợ cụ bị đầy đủ nên hễ thấy trời ui ui, mây đen giăng kín kịt là vội căng tấm bạt được nối với nhau bằng những bao đựng gạo ni lông tháo banh ra. Bốn đầu anh cột bằng sợi dây lòi tói gá nhờ vào gốc cây hoặc hàng hiên của căn nhà gần đó.

    Trời miền Nam õng ẹo đến hay. Mưa chẳng ra mưa, nắng chẳng ra nắng, ào ào giận dữ trút một hơi như hắt nước vào mặt rồi êm re. Bởi mới nóng hiu nóng hắt. Những giọt nước còn đọng trên nhánh cây, cành lá kế đó rớt độp độp từng chặp, nghe thật là buồn. Những lúc đó, anh thợ thường đặt cho tôi những câu hỏi mà tôi ngọng không sao giải thích được : hổng lẽ cuộc đời cứ dai dẳng như vầy hoài sao hở ông thầy.

    Sau biến cố, tôi nghĩ rằng lòng ai cũng nát ngấu như tương, âm ỉ một tương tư chỉ cần ai khơi là bùng lên cháy dội. Nhưng biết nói thế nào khi mà quyền lực hay cơ hội mảy may đều bỏ ta đi, không nhìn lại nữa. Hai anh em chỉ còn biết an ủi nhau qua quít cho xong.

    Mỗi khi khách ghé đến kêu bơm bánh xe, ai cũng than ruột vá đi vá lại hoài mà hơi không giữ được. Người thì kêu đầu van bị hư miếng chặn, người thì nói vỏ được lót chằng lót đụp mà xẹp vẫn bị xẹp, không nói ra ai cũng biết còn thứ gì trụ lại sau một thời điên đảo. Keo chẳng ra keo, ruột mọt tưa như cám vụn thì làm sao mà bền bỉ xài hoài.

    Giả như ngày trước chỉ cần chạy loáng ra chợ mua cái lốp mới, ruột mới là xe lại chạy nhong nhong. Bây giờ đất nước đang “ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội “ thì thứ gì cũng thiếu. Các ông ấy bảo tại hậu quả do Mỹ ngụy để lại nên từ từ sẽ khắc phục. Thản hoặc lâu lơ lâu lắc nghe kháo nhau có lốp Sao Vàng mới về, thì chế độ phân phối chỉ dành cho cán bộ ưu tiên. Vậy nhưng có tiền thì của gì cũng có, cũng mua được.

    Hàng tuồn ra hoặc từ nhân viên cửa hàng mậu dịch, hoặc qua trung gian con phe con phẩy, thậm chí còn từ chính các cán bộ thấy giá hời thì bán quách lấy một món tiêu đã. Cho nên manh nha việc áp phe, kết bè kết cánh, hoặc bắt tay nhau bòn rút tiền, hàng để gây dựng tài sản riêng. HÌnh như máu tham nhũng cũng từ chế độ trước truyền lây sang cho những người về từ rừng núi ngày nao.

    Ngồi nhìn anh thợ tẩn mẩn dùng chiếc đục tháo từng mắt xích, lộn trở lại để nối kết với nhau, anh bảo đó là lộn ổ xên, chăm chăm chút chút lúc chẳng có việc làm. Hoặc rảnh nữa thì vơ quàng mảnh giấy báo đọc không còn chừa một hàng, một chữ. Anh thợ bảo từ ngày có tôi thì đỡ nản hơn, dù gì cũng ba hoa chích chòe được vài câu dăm tiếng. Phần tôi cũng đỡ bực bội vì quanh quẩn trong xó nhà, bớt được những nghĩ suy yếm thế và tuyệt vọng. Bọn nhỏ khi ở trường, lúc chạy chợ buôn nước bọt hay nhận chạy hàng để được chia tí tiền còm. Vợ tôi thì lăng xăng cơm nước, hay lội ra ao cắt rau, phụ dọn chuồng nuôi lợn với bà xã ông cán bộ.

    Cuộc sống làng nhàng cho qua ngày đoạn tháng, cố tình thu nhỏ người để khỏi bị phân bổ đi kinh tế mới. Có lần bà vợ về nhỏ to với tôi rằng bên bà cán bộ hứa nếu bị bình bầu phải giãn dân thì bà sẽ góp lời bênh vực hộ với phường khóm để gia đình tôi không rơi vào tình huống không mong đó. Chả biết thực sự lời nói vào của ông bà có tác dụng được ai chăng, thế nhưng sống giữa cảnh trên đe dưới búa thì y như anh buồn ngủ vớ được mảnh chiếu rách hay mục cũng còn hơn là không có gì hết.

    Lầm lũi thời gian trôi đi, năm đầu tiên lệnh cấm đốt pháo ngày Tết, nhà ai chẳng thăm nom, tay khu vực là đến xông đất nhà tôi. Nói là đạp chân ngày tư ngày tết là nói cho có vẻ, chứ thực tình là tay ấy muốn củ soát xem gia đình tôi tuân lệnh cấm thế nào. Quả thật miệng ăn còn chưa ra, lấy đâu tiền mua lăng nhăng đốt cái toẹt tan xác, thế nhưng vì tôi là đối tượng nên có dịp hù dọa được thì chẳng ai mà không muốn nạnh họe.

    Điều này chẳng phải là tôi hình dung mà chính từ cửa miệng tay khu vực huênh hoang nói : kể ra chú cũng biết sợ đó chứ và thế là rồ máy xe chạy mất. Tôi giờ như con dế bị bẻ càng, cánh bị rách thủng, có muốn cọ để thành tiếng gáy te te cũng lịt xịt không ra hồn ra dáng. Vả chăng, tránh voi nào xấu mặt, dại gì khua môi múa mép với người luôn nhằm đến mình nên vạn nhất làm thinh là tuyệt hảo.

    Anh thợ sửa xe có phần bạo dạn hơn tôi nên đôi lúc còn ngang phè lí lắc. Anh phàn nàn với tôi : các bố khoe mẽ là tử tế, sống có văn hóa mà lườm nguýt nhau như cáo. Anh này tị nạnh anh kia, nhìn nhỏ nhau như rình trộm, ngày xưa cùng trong cảnh lận đận thì yêu nhau ra rít, bây giờ anh có quyền lờ tịt bạn cũ hồi nao.

    Anh có vẻ tự hào về nếp sống tình nghĩa của chúng tôi. Anh đâm thọc một câu làm tôi nghe ớn : các bố trước xúi khôn xúi dại đấu tranh ở nơi nào có áp bức, bây giờ mà tay nào cứ mửng đó đem ra xài là bị thí chốt liền. Cho nên ông Thiệu có thể sai sót ở đâu không biết, chớ câu ông ấy dặn “ chớ nghe những gì Cộng Sản nói…” là trúng phóc.

    Riêng về ông thương binh hưu chẳng thấy có cái xe dù chỉ là xe đạp nào cả. Tháng tháng lên phường lĩnh gạo, lĩnh tiền thì lóc cóc lội bộ, vác lệch vai, lệch lưng. Thế nên bà vợ cay cú cứ moi việc này ra càu nhàu : tội nghiệp chồng tôi, bằng khen, huy chương thì lắm mà chỉ có đôi chân làm phương tiện ưu tiên. Ông cán bộ có mắng át thì bà càng mạnh miệng : phải, ông chê tôi là đần là chậm, nhanh như ông mà không chớp vội một cái ghế yên lành để ngày nay trẻ ranh cũng mắng mỏ, bắt tình bắt tội ông được.

    Thời thế, thế thời, đúng là vận vào câu “ thằng mù cõng thằng què nhếch nha nhếch nhác “. Thế nên, đi đâu ông cũng ba chân bốn cẳng, miệng nói chân bước, ngoe nguẩy thoáng lẩn liền. Lắm khi, tạt ngang gian hàng sửa xe, ông chỉ kịp “ chào các ông bạn “, hai anh em tôi chưa kịp đáp thì ông đã lặn mất vào trong xóm. Chả bao giờ thấy có khách đến chơi hay rì rào tiếng mời ăn uống, hai ông bà củ mỉ cù mì nhấm nhẳng lẫn nhau và lăng xăng với ao rau, chuồng lợn.

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 8

    Trong số những chuyện tán gẫu với nhau khi vắng khách đến sửa hoặc bơm xe, hai anh em chúng tôi thường cùng nhau bàn luận những sự việc đã qua. Đành rằng có nói gì đi nữa thì cũng chẳng gỡ được thân phận mình, nhưng ít nhiều anh em cũng hả hê vì gạt bớt được một vài ấm ức ghim trong dạ.

    Gẫm lại hơn 20 năm chinh chiến, biết bao máu đổ thịt rơi, biết bao người trai trẻ cả ở hai bên giới tuyến hằm hè giết nhau vô tội vạ, cuối cùng hai anh em vẫn chẳng hiểu tại sao lại có cuộc chiến này.

    Ở phía bờ Nam có lúc được gọi là tiền đồn của tự do ngăn chặn Cộng Sản thì dường như chiến tranh chỉ ở vào những người kém thân, kém thế, hoặc ở những ai quá chậm chạp, thật thà. Bởi không thể chọn con đường nào khác, vào chiến khu thì sợ thiếu ăn, hứng bom đạn, lại vi trùng sốt rét đeo đẳng tàn phá suốt cuộc đời, còn ở lại thì tiền chẳng có, quen chẳng lớn, biết chạy đâu ra một chân du học hay một chỗ an toàn miễn dịch.

    Cho nên, tiếng là hi sinh để bảo vệ cuộc sống, giữ vững mảnh đất cuối cùng mà quanh đi quẩn lại chỉ là con nhà thường dân hay bần cố. Cóc thấy một mặt con các tướng nào xông pha nơi trận mạc. Nói mạnh miệng như thế e có võ đoán và hơi quá đáng, song con số những nhà nòi chịu dấn thân vào chinh chiến e không quá một bàn tay.

    Chúng ta đã có một Đỗ Cao Luận chết khi bị địch tràn ngập hoặc một vài người nữa và chỉ thế thôi. Còn hiếm có một Bernard De Lattre De Tassigny dám bất cần bám hơi danh bố để chết tại Vĩnh Phúc Yên chẳng hạn. Các cậu ấm, cô chiêu chỉ nhông nhổng quanh thủ đô, sáng điểm tâm chiều vũ trường và đàn đúm làm những chuyện tào lao, bậy bạ.

    Chúng ta cũng có những anh, những chị chấp chổm vừa qua mảnh tú tài là gia đình lo chạy đôn chạy đáo để được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cử đi du học. Buồn là những người này ơn mưa móc chạy trốn đau thương từ một chế độ dung dưỡng để rồi khi sang đến nước người lại chọn đứng vào hàng phản bội nơi đã ưu ái cho mình ra đi. Mạnh miệng kêu gào ngưng chiến chính là những cái loa ông ổng này.

    Trong khi khắp từ những vùng dầu sôi lửa bỏng như Tam Quan, An Nhơn, Thiện Giáo hay An Lộc, Pleime, Quảng Trị, Kontum đều đỏ lửa mịt mùng thì các cậu ấm hết bù khú với nhau bằng sâm banh, rượu đỏ lại pác ti này, lễ hội nọ với nhau.

    Lãnh đạo hầm hè nhau tranh ghế, buôn chức, buôn quyền. Các bà lớn xúm nhau làm áp phe chạy tỉnh, quận trưởng. Ai cũng nghe rõ mười mươi bà trung tướng này, ông thiếu tướng nọ ngang nhiên xẻ nhà xẻ đất cho bọn đàn em để tìm vây cánh. Những vụ buôn còi hụ Long An đều có bàn tay các bậc phu nhân dúng vào, song khi bại lộ thì chỉ những con dê tế thần bị đem nướng.

    Chả thế mà người chiến binh khi về đến thành phố bực bội vì những cảnh trái tai gai mắt đã biến thành kiêu binh hay quậy phá. Tội nghiệp là hết đợt này đến đợt khác, hàng hàng lớp lớp thanh niên xô nhau vào Dalat, Thủ Đức, Đồng Đế, Lam Sơn, Sông Mao, Hòa Cầm để học bò, học lăn, học ngắm, học bắn.

    Những đoạn đường chiến binh thấm đầy mồ hôi lính, dây tử thần mỗi khóa cho phép thí dăm ba con, mỗi ngày những chuyến trực thăng tải thây, tải thương đổ về các quân y viện hay nhà vĩnh biệt Nghĩa Trang Quân Đội không ít những người hi sinh hoặc bị đạn cùng người.

    Chiến tranh chỉ có nơi những người như thế. Cùng sinh tử như nhau mà bản thân binh chủng này, quân chủng nọ vẫn còn hoặc xem thường, hoặc gắn bó nhau vì huy hiệu mang nơi cánh tay hoặc đồng hoặc dị.

    Bảo sao mà ngay giữa thủ đô chẳng thiếu những bài hát “ gia tài của mẹ là khúc nhạc buồn “. Bảo sao văn chương không có những bài thơ kiểu “ đêm Sông Mao vô nhà đĩ uống rượu, quên chút đời cực khổ ngoài kia “.

    Chiến tranh còn ở tận đâu đâu. Cho nên ông nhà thầu khai thác gỗ vẫn ngang nhiên đưa xe be vào rừng. Một mặt chịu đóng thuế cho du kích hoặc nhận mua thuốc men, gạo thóc tiếp tế để được dễ làm ăn. Một mặt chịu chi cho khắp các quan để hợp đồng một thì tham lam khai thác thành hai, ba, bốn. Bởi vậy mới gọi là nghịch lý điên đầu.

    Những tay càng bị báo chí phanh phui làm bậy thì càng thăng chức ào ào. Thậm chí một ông buôn khét tiếng chính quyền miền Tây mà bỗng thăng thành Cố Vấn mới lạ. Có một dạo người ta đồn : thượng cấp thì buôn chức, trung cấp thì áp phe, hạ cấp thì buôn bằng, có nơi nào đánh giặc mà cứ như cưỡi ngựa xem hoa đủng đỉnh thế chăng ?

    Đó là phía bên này, còn phía bên kia thì sao ? Đã gọi là gốc gác Việt thì ở đâu cũng thế. Những người được phân về các sư, trung, tiểu, đại đội đều là con em nông dân hết cả, cũng có các cấp chỉ huy nhưng chữ thọ của họ vững vô vàn. Miền Bắc khác mình là họ dám làm những điều mình e ngại, ai không nghe họ dám bóp chết không tha. Họ dùng hộ khẩu và chế độ tem phiếu để xiết chặt lòng trung thành, cho dù ngoài mặt vẫn được bọc nhung rất êm mềm, mịn dịu. Họ dựng đứng những sự việc không có mà vẫn đốc thúc được căm hờn khiến ai cũng hăm hở ra quân. Người nhẹ cân phải lận dấu đá cho đủ để được hãnh diện trúng tuyển vì nhỡ bị loại thì nhục vô cùng.

    Cả một trường rủ nhau xung vào đoàn “ vượt Trường Sơn đi cứu nước “. Ai nghe rằng dân miền Nam đang bị đói ăn, thiếu mặc, bị kìm kẹp mà chẳng ham đi “ giải phóng “ đồng bào. Người đi cứ đi, hậu phương chắt chiu ki cóp dành “ hũ gạo kháng chiến, thước vải tình thương “ để cưu mang miền tổ quốc thành đồng.

    Mọi người ngây ngô đều tin đó là sự thực, đó là chân lý, đó là cứu cánh cần phải đạt tới. Một thế hệ, một lớp tuổi có phải hi sinh thì cũng đáng giá chớ sao. Những gia đình có hàng dăm ba con thành liệt sĩ, bàn thờ chưng ảnh mà vẫn cho là mình làm đúng việc cần làm. Những người vợ có “ chồng đi biền biệt “ vẫn tin là người yêu mình đang đi cởi trói cho lê dân.

    Có ai biết đâu đường Trường Sơn đã nuốt đi bao nhiêu thân người đang ăn đã cuống cuồng vứt cả cơm mà chạy bom dội. Những cô gái vừa trông thấy nhau đã khóc vì chẳng còn biết người bạn thây gửi nơi đâu. Những quyển nhật ký được viết cho Mẹ, cho Chị, cho Vợ, cho Em để rồi ngày hòa bình đều được san nhuận và bổ đính lại, in thành sách để vớt vát nốt ý đồ đánh bóng một thần tượng.

    Trước chiến tranh, người ta rêu rao “ nơi nào có áp bức thì ở đó có đấu tranh “. Giờ hòa bình, đất đai là của công, nhưng riêng các quan thì được phép bán, dổi, chia chác, sang cho bạn bè, con cái, bên chồng lẫn bên vợ. Hẳn nhiên người ta đưa ra danh xưng rất đẹp như là xây công viên, hội trường để rồi vỡ lẽ ra thì không là khách sạn cũng là cho tư bản nước ngoài thuê để làm sân cù hay cơ xưởng.

    Thế thì đất là của công sao lại chỉ các ông được phép bán chia còn dân chúng thì không. Ai hó hé, tương ngay cho một án “ gây rối loạn trật tự “ là êm xuôi hết. Đúng là chân lý ở bên này dãy núi Pynérées và bên kia thực rất khác hẳn nhau. Cũng là một hình thức bất công mà đấu tranh với phía đối nghịch thì được, còn hô hào (chỉ hô hào thôi) với phía ta thì phạm pháp rành rành.

    Bây giờ tỉnh ra thì ai cũng lặc lè chịu chết. Chẳng những đồng bào trong Nam mà ngay các gia đình mấy đời có công, có người nằm xuống cho chế độ vinh danh thì nay cũng là nạn nhân tuốt tuột.

    Thành phố anh em chúng tôi ở rất nhỏ, hiền hòa, vậy mà xầm xì đã nghe nhiều tiếng than van của các bà mẹ có con đi núi. Có người mạnh miệng hô toáng lên : ngày xưa ai nuôi bọn mày, giờ nỡ xử tệ trả công. Có người còn tỏ ra tiếc nuối : biết thế hồi đó tao xối đại nước sôi xuống hầm bay cho xong. Ôi những lời da diết nghe mà muốn trào nước mắt.

    Thành phố anh em chúng tôi có một dạo đi đâu cũng đọc thấy lời viết bằng sơn, bắng phấn : Ùm Cối mà chẳng ai hiểu muốn nói cái gì. Ai cũng cho đó là lời ngơ ngẩn của người điên thời đại nên chỉ lặng lẽ nhìn nhau thầm hỏi mà thôi. Mãi đến khi ba món phim bộ Hồng Kông, Đài Loan nhập vào, người ta buồn đua nhau mướn coi cho qua ngày đoạn tháng. Nhà nước cũng khuyến khích để bàn dân thiên hạ mãn lo thương vay khóc mướn vì những vai diễn Tàu, Nhật, Hàn Quốc mà quên phéng đi chuyện nhỏ to khiến họ phải nhức đầu.

    Thế rồi nghe xí la xí lô trong phim Tàu tiếng Ầm Cói mới biết là họ lăng xăng cám ơn nhau thay cho tiếng “ tố chè “ thuở nao. Thì ra thiên hạ đổ xô nhau cám ơn mà chẳng biết cám ơn ai. Có thể cám ơn nhờ hòa bình mà mình mới biết thế nào là bo bo, củ sắn hay bắp hột to cầy xấy dùng nuôi ngựa. Có thể cám ơn nhờ có đổi đời nên mới vỡ lẽ ra “ sáng mắt sáng lòng “ là sao. Cũng có thể cám ơn nhờ có thế này mới hiểu ra thế nào là đắng cay, nhục nhã.

    Người say cứ xỉn suốt ngày. Bất kể giờ nào chỗ nhậu cũng tươm tướp khách. Tiền đâu ra lắm thế hay là nhậu quắc cần câu cho quên buồn, quên tủi. Người cà nhỏng cứ nghêu ngao hát lén lút lang tàng “ như có… trong thùng phuy đậy nắp “ để rồi một ngày bỗng dưng đẹp trời tay khu vực vớ được gởi đi lao động cải tạo mút mùa. Ai cũng tưng tửng, khùng khùng, gọi văn hoa thì là tam tam, còn gọi thẳng thừng là mát dây, đứt chến.

    Tuổi trẻ bắng nhắng đua nhau ghi danh thi hoa hậu, duyên dáng hết tỉnh đến thành, lan ra cả nước rồi ngông nghênh làm luôn cái toàn cầu cho bảnh. Con đại gia, cán lớn thì đua nhau mở blog, họp fans, chát chót suốt ngày, đua nhau sắm hàng hiệu không đụng mác, đổi xe, đổi áo, đổi bạn và dám đổi cả vợ/chồng tới luôn. Một đêm ca nhạc, vũ trường đủ cho vài gia đình thiếu ăn sống lây lất cả tháng.

    Loạng quạng anh an ninh, cảnh sát nào đến yêu cầu vặn bớt tần số “ vì đêm khuya mọi người cần nghỉ ngơi để hôm sau còn lao động “ là sinh chuyện. Tử tế thì lịch sự mời nhau đi chỗ khác chơi, hung hãn thì tặng nhau vài quả phật thủ. Có đưa nhau ra đồn thì chỗ người nhà, anh em xin nhận lỗi, bảo lãnh cháu về, hứa sẽ giáo dục, quan tâm.

    Có muốn làm căng lôi ra tòa thì luôn có các luật sư tài ba viện lý lẽ cháu nó vốn tí ti tâm thần nên dễ nổi nóng và xong. Con bần cố mà thế có là đi tù mãi mãi không về, nhưng con cháu các ông dù có cầm gươm, cầm súng thì cũng được diễn là đồ chơi con trẻ chứ có phải vật giết người chính cống đâu cơ chứ.

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 9

    Những năm, những tháng sống vùi đầu nơi Xóm Cụt, tôi nghĩ mình mọc rong rêu ra đến nơi. Ngồi đâu buồn thiu buồn thồi ra đó, tay chân dài ngoẵng, móng mọc vêu vao, tưởng như mọc rễ chằng rễ đụp ăn sâu xuống lòng đất. Nhìn vào đâu cũng thấy có quầng có vệt, y như con mắt cũng bị ruỗng ra, chẳng khác khúc cây khô bị mọt đục. Tai luôn điếc đặc vì cái loa phóng thanh ở đầu ngõ luôn chĩa thẳng vào nhà mình.

    Những điều không muốn nghe cứ phải lải nhải nghe, những điều không muốn thấy cứ phải mở căng mắt ra mà nhìn. Lòng cứ bã ra như mảnh chiếu rách người ta quẳng trôi sông lạc chợ. Không sáng nào, không chiều nào không phải nghe cái ông Phó Thủ Tướng họ Lê Thanh rang rảng khoe sự tự động của người dân hồ hỡi nhau đi xây dựng kinh tế mới. Thế mà vừa ra ngõ đã gặp lềnh khênh người nằm ngủ vạ vật khắp nơi.

    Hỏi ra họ đều từ ở cái thiên đường đầy mật ngọt đó bỏ về và nói năng bất cần giứ ý giữ tứ. Họ than là chết đứ đừ rồi, còn cóc gì mà sợ nữa. Nhà cửa đã hiến, tin rằng lên tới đó chợ búa đã sẵn, trường lớp đã có, trạm xá y viện đã nhiều, nhưng có đi có biết, họ phượu ra chứ nào có gì, ngoài một mé rừng đầy cây bụi và lơ thơ dăm miếng tôn mục để ra đó. Muốn ở thì cha con, chồng vợ, con cháu tự mò mẫm chặt cây, ghép cột thành sườn, thành cột mà trú; còn không thì cứ nghêu ngao nằm ngửa mặt nhìn trời chờ sao rụng mà há mõm ra chực.

    Trong những nỗi hận tràn lòng thì nỗi hận chính người lãnh đạo phe mình đánh lừa lê dân ở lại rồi các bố tếch biệt mới là đau hơn hoạn. Đó đây đã có những câu chửi rủa tục tằn để xả bớt nỗi oan khiên phải chịu vì bị bỏ rơi, thù còn hơn là thù kẻ thắng trận hay bạn đồng minh tệ bạc.

    Tôi ví như con sâu đo bị người đời đặt chân di đi di lại đến ứa cả lòng ruột chất nhầy ra ngoài. Tôi như cành lá mục rơi trên bãi lầy còn bị thêm dòng nước đen ngòm khỏa lấp nát tan. Vậy mà xem ra người ta vẫn e dè, nghi ngại bọn tôi.

    Ngoài cái anh khu vực lăm lăm lúc nào cũng dõi theo như mắt diều chực bắt gà con, năm thì mười họa vài người lại bá vơ nhận được cái giấy mời làm việc mà run cầy sấy trong lòng. Nghèo xác mồng tơi, người nào cũng phải cụ bị bao thuốc Vàm Cỏ để làm quà ra mắt, dù có người chẳng hề biết chất khói thuốc ngay từ ngày bé ra sao. Bởi rét với cái lý do lơ lửng như lưỡi dao chém treo ngành vắt vẻo trên đầu cột. Một dòng chữ ghi khô khan mà lạnh buốt hơn gươm : yêu cầu có mặt đúng giờ, lý do sẽ cho biết sau.

    Trong những nỗi tai ương hồi hộp thì cái lối nói bắt bí này đáng sợ nhất. Có khi họ mời tới hỏi han lăng nhăng ba điều dăm chuyện rồi thả về, hẹn hò lâu lâu gặp lại. Có khi họ yêu cầu kể rõ thêm những chỗ mà hồi nào khai báo chưa gẫy gọn, phân minh. Có khi được mời lên mời xuống hết ngày này qua ngày nọ chỉ vì một lý do người khách nào đó đến anh nói chuyện gì.

    Còn thân phận nào thê thảm hơn chăng. Bữa nay nghe tin mấy ông đi cải tạo về đang say sưa tới bến ngoài quán với nhau thì bị hốt sạch để hỏi xem nguồn tiền đâu ra mà nhậu lắm thế. Cuộc sống cá nhân bị những con mắt tọc mạch nhìn xuyên suốt đáng sợ. Mai lại nghe phường này phường nọ bắt đầu gom mấy tay tù mới tấp tễnh về để gửi vào trại lao động thêm vì vẫn chưa thông, còn lè phè chây lười lao động.

    Tôi đã hơn vài lần thuộc vào trường hợp được mời trôi nổi như thế. Tôi lo bằng chết, vợ cứ phải mạnh miệng trấn an : không sao đâu, người ta muốn tìm hiểu xem anh làm ăn, sinh sống thế nào, có khi xem coi anh có bị địa phương chèn ép hay gặp khó khăn thì họ gỡ cho. Em nghe nhiều bà vợ ở vào các trường hợp như anh nói như thế.

    Ôi cái xã hội mà ai cũng mù mờ hệt nhau tất cả, chỉ đồn loan các tin nghe ngóng được thế thôi, còn tuyệt nhiên chẳng hề ai dám nói là hiểu rành, biết rõ. Tôi có cẩn thận đến thăm dò tay trưởng khóm thì lão cũng ngớ ra. Thậm chí địa điểm gặp là công an phường mà khi đến đó cũng chả ai biết mô tê gì hết. Đưa tờ giấy mời thì họ dẫn vào một cái bàn rộng thênh thang, bảo ngồi ì ra đó đợi, sẽ có người trên thị hay tỉnh xuống gặp gỡ.

    Xưa rày, chẳng có anh dân ngu khu đen nào mong được bạn dân từ tỉnh hay thị xuống hỏi han mình, cho dù bất kể thuộc chế độ, thời đại nào cũng vậy. Dường như người yếu thế kỵ với những sắc phục vốn luôn âu yếm đến dân, cứ nhìn cái dùi cui của họ và cái còng số 8, ai cũng muốn lỉnh đi cho được việc.

    Ngược lại từ những ngày, những tháng sống với cuộc đổi thay, tôi cũng nhận ra được nhiều kỷ niệm hay ho. Lần đầu tiên đổi tiền tôi còn nằm trong rọ, sau này về nghe kể lại nhà nước vung tin là có bão lớn, cấm dân ra đường để chặn truyền tay nhau nhận đổi hộ tiền. Thế nhưng người dân biết hết, phần lớn chẳng ai còn nhiều tiền mà gửi, với những tay khôn ngoan thì họ còn cố giữ chi ba mảnh giấy lộn của một chế độ đã tàn. Họ đã cụ bị từ khuya bằng cách sắm vàng, kim cương hay lỉnh kỉnh trăm thứ giá trị khác, và họ gửi đâu, dấu đâu thì có trời biết, đất biết và họ biết với nhau mà thôi.

    Kín như thời gian đi tù kéo dài bao lâu mà ngày hôm trước mới vào trại hôm sau đã nghe nhong nhóng bàn nhau. Các tay rành rọt phán : Liên Xô giam trên 10 năm, Trung Quốc 9 năm, còn ta thì ít là phải 3 năm mới tạm gọi là đủ. Tin truyền tai này rất nhanh được ban phát, trại lồng lộn lên mắng mỏ anh em : các anh tội ví trời tru đất diệt, cách mạng đã tha chết mà chẳng chịu học hành. Cứ bàn tán linh tinh, ai bảo các anh là tù binh mà tự buộc rịt tiếng ấy vào mình. Các anh là học viên rõ chưa, nhà nước tập trung cốt để các anh học hiểu thì về, chứ nào ai bắt tình bắt tội làm gì. Ấy vậy mà chỉ dăm tháng ngắn ngủi thì mọi người bị tập trung với tin đồn chuyển trại để rồi được xối cho một gáo nước đá giữa đêm đông, ai nấy mới hiểu ra : kể từ nay các anh chẳng là học viên gì cả, đích danh các anh là tù tàn binh nghe rõ hay chưa.

    Thời gian tôi ở Xóm Cụt cũng thế. Những tin đồn tới tấp bay về, người nghe mừng rơn, người dửng dưng bịt tai, bịt miệng. Chẳng hạn cái tin Mỹ sẽ cấp cho những ai chịu ở lại quê nhà 5000MK làm sinh kế nuôi thân, hay cái tin sớm muộn gì thì chuyện “ mã quy “ cũng sẽ tới.

    Dạo đó, tôi không tin với tin trước vì nghĩ dù Mỹ giàu mấy đi nữa, việc xuất 5000 cho mỗi đầu quân, dân, cán, chính của VNCH đâu phải nhỏ, có quốc hội nào chấp thuận nổi ngân sách đó chăng, huống chi là chưa ai nắm được rõ con số thực sự người bị kẹt lại độ bao nhiêu để mà thảo một dự án to lớn như thế.

    Về tin sau thì đầu óc tôi mụ mị mất tiêu nên chẳng thắc mắc đoán nổi “ mã quy “ là gì, không dám xen xỏ có ý kiến vào. Sau dần dần họ kháo huỵch toẹt ra “ mã quy “ tức “ Mỹ qua “, ai cũng cười hề hề cho là các tay ngủ mơ vì có đâu Cộng, Quốc dễ hòa hợp tới vậy.

    Sự đời nào ai đoán trước được diễn tiến, “ hồi nao thù hận đáy thiên giờ đây bầu bạn nhãn tiền mới hay “, Mỹ bỏ cấm vận, rồi lại bang giao, rồi bỏ thứ này thứ khác, chỉ có những ai ngây ngô tin nghĩa tình trước sau như một mới bé cái lầm.

    Lại nảy tin đồn rùm beng, nhà nước sắp chấp thuận cho tù bị nhốt cải tạo ra đi, ai cũng cho là huyền hoặc. Thậm chí có người còn rêu rao nguồn tin ví như tin đài Catinat hồi mồ ma chế độ trước, bây giờ thay vào người ta gọi là tin đài hành lang sở ngoại vụ. Lẩm rẩm các tin đồn lại trở thành sự thực mới biết. Có nhiều người ở rải rác khắp các tỉnh được công an địa phương đến tận nhà buổi tối mời làm đơn để sớm ra đi vì có sự yêu cầu của phía Mỹ.

    Ai nghe cũng bàng hoàng, người may mắn thì hí hửng, còn các “ con bà phước “ thì băn khoăn. Cái khoản lo dịch vụ để được xét đơn ra đi, tốn kém vì lếch thếch lôi thôi đi phỏng vấn, rồi lịch tiêm thuốc ngừa, bắt uống thuốc vì có bệnh và lòng nôn nao chờ đợi ra đi làm cho mắt gia đình nào cũng sâu hoắm và những đường nhăn trên trán càng sâu hơn.

    Chỗ nào cũng có môi giới để khẻ tiền. Diễn tiến ở các văn phòng xuất nhập cảnh rất nhiêu khê, bạn có đến tìm hiểu thủ tục thì đều được nhã nhặn mời ra xem thông báo nơi tấm bảng đen đặt trước sở. Ở đó người ta chỉ thấy ghi một câu : văn phòng XNC được phép nhận hướng dẫn cách thức để hoàn tất hồ sơ ra đi. Cho nên có biết bao nhiêu người lòng muốn được thoát đi mà chỉ vì thiếu cái khoản phí lo liệu mà đành bỏ phí cơ hội.

    Cả đến lúc hồ sơ đã được chấp thuận, phỏng vấn cũng đã qua mà khâu moi tiền vẫn chưa nhả. Điều lạ lẫm là lắm ông chờ lượt lấy chuyến bay ra đi, chỉ còn phải qua phần chụp ảnh phổi lần chót mà vì nôn nóng cũng cố chạy một hai chỉ vàng, nhờ bà hàng thuốc lá lẻ nào đó nói với bác sĩ khám để có một bản chụp quang tuyến X trắng sạch.

    Tôi nghiệp làm sao và liệu ai may mắn ở bên ngoài đất nước có cảm, có thương, có cám cảnh cho những nỗi âu lo bất tận này chăng ? Dạo ấy, có những người chăm chăm dò la địa chỉ bạn bè, thân nhân, bà con ở nước ngoài để xin viện trợ chút tiền làm lộ phí mưu việc ra đi. Cũng có anh nhặt được ở đâu ra chỗ ở của một hội binh chủng ngày xưa để lâu lâu nhận được khoảng 50MK xem ra mình quá ư may mắn.

    Chuyện ra đi cũng gây lắm chuyện khóc cười vô cùng. Một bà vợ vì thấy chồng mình xác xơ lỡ vận, quen ăn sung mặc sướng đã vội phụ tình đi lấy một tay cán cối bên kia. Bây giờ đùng cái “ người ấy “ sắp đi Mỹ, cái cô bá vơ là bà sau nghênh ngang sửa soạn đi theo cùng chồng, tủi thân hờn phận nên lén la lén lút cầu xin chồng tha thứ. Gieo gió phải gặt bão, người gây nhân phải hái quả, đành nuốt hận nên quay qua nài nỉ xin chồng cũ cho con cái đi theo.

    Ngặt cái thuở nào hăm hở ra đi thì huỵch toẹt xóa hết tờ khai gia đình nên con cái từ lâu không còn sống chung với bố. Giờ có bổ khuyết thì cũng chẳng ai chấp nhận vì sự thực chứng tỏ là các đứa con đâu cần sự chăm nom của bố từ lâu rồi.

    Ôi, cái thời thế sao mà nhộn nhạo, xáo trộn lung tung lên hết vậy nhỉ ?

  10. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 10

    Hôm ông thương binh về hưu được mời lên phường đột ngột, ra về, ông chạy hấp tấp đến vấp lên vấp xuống mấy lượt. Nắng chấp chới tận trên đầu ngọn cây, chẳng chiều thẳng vào người mà cũng làm ông chóa mắt. Ông không nhận ra sự vui, sự buồn, nhưng dù sao nguồn tin vẫn làm ông có một chút hả dạ.

    Ừ, ít cũng phải là như thế. Dù có đem lại cho ông một nỗi đau lòng thì thà dứt giạt một đằng. Ít gì cũng hàng chục năm trời rồi, u u minh minh chẳng ra làm sao sất. Chết thì bảo là chết, sống thì nói là sống, chứ còn lơ lửng mất tích là sao. Chẳng lẽ phải cần một điều gì đó làm bằng cớ thì tình trạng hiện diện hay không hiện diện của một con người mới được xác định.

    Hơn hai mươi năm đánh nhau đã có bao nhiêu phần trăm con người chết hay sống được xác định rõ rệt . Những trận ném bom không dứt ở giữa rừng, con người chạy tứ tán đi hết cả. Máy bay tếch đi rồi, mãi mới lục tục kéo nhau ra, ai bò về được thì kể như còn sống, nhưng ai vắng mặt thì sao.

    Giao liên chẳng từng thập thò kể lại với nhau gặp bọn người rừng ngơ ngác, biết đâu đó chẳng là bạn đồng đội bị hơi bom xé rách màng tai đến thành hóa điên, ngộ dại, chẳng tự nhận ra mình là vượn, hay người. Có người còn kể thêm gặp cả người rừng nữ mọc đầy lông lá trên thân, âu là họ có phịa ra thêm chăng nữa, nhưng quả thật chiến tranh đã nuốt vô tội vạ lắm mạng người.

    Bây giờ thì phường đã có tin về đứa con của ông được ghi là mất tích. Họ bảo nhờ phái đoàn đi tìm xác của phía Mỹ tình cờ phát giác ra được. Ở tít mù tắp nơi một buôn mãi giữa rừng già tận vùng Plei Ia Drang, thổ dân đã chỉ dẫn để nhóm tìm kiếm đào được một ngôi mồ, nhặt nhạnh chỉ còn mớ xương và quyển sổ tay ghi tên người chết.

    Ông thương binh nôn náo đòi xin phường giao lại quyển sổ của người con ông, nhưng ban thương binh xã hội cũng chịu mù tịt vì nào có được ai trao món kỷ vật đó đâu mà đưa lại.

    Hai anh em tôi ngồi nhấm nháp ly cà phê lõng bõng màu xác trà pha loãng thì nhìn thấy ông nhớn nhác chạy qua. Anh em chưa kịp hỏi, ông đã ríu rít khoe : tôi có tin thằng cháu thất lạc rồi các cụ ạ. Lúc đầu chúng tôi cho là ông đang bộc bạch với bạn bè nào, nhưng nhìn quanh buổi trưa vắng ngắt làm gì có ai khác, mới biết là ông quá vui nên gặp ai cũng nói để chia xẻ.

    Đột nhiên, cả hai đều thấy ly cà phê uống giở đắng ngòm. Tôi đưa cái ly lên cao khỏi tầm mắt và nheo nheo mắt nhìn như tìm một lớp bã cặn nào trong đó. Anh thợ sửa xe chặn ngang : ông thầy tìm gì trong đó, thời buổi này cái gì lại chả có cặn. Huống chi hàng quán độc quyền, muốn mua phải trầy vi tróc vảy và chấp nhận hạn chế mới được.

    Mà thực vậy, bao lần anh lãnh trách nhiệm đi mua cà phê ở cửa hàng giải khát quốc doanh nơi chợ cạnh đó quả thật lâu lắc, tôi tưởng ngủ gục đến nơi. Thấy bóng anh bưng bợ hai cái ly sóng sánh chất nâu non, mặt nhăn như cái bị rách, tôi tò mò muốn hỏi thì anh đã văng sự bực mình : mấy mụ phục vụ eo xèo làm khó, chỉ thuận bán mỗi phần một cốc. Em nài nỉ khô cả cổ, nói mua thêm cho ông thầy vì chân yếu, các chị cũng lơ tuốt. May sao có một chị nói hộ vào vì không muốn em mè nheo cắt đứt chuyện tán gẫu của họ, mới được bán thêm cốc nữa, lại dặn dò phải đem trả ly, nếu không bận sau cạch mặt không bán.

    Tôi nói với anh : thời buổi này là thời buổi của những người kênh kiệu. Các mợ nghĩ là có uy quyền nên giở thái độ gia ơn, thôi thì cố mà nhịn, chú. Cãi với họ chỉ thiệt. Anh thợ vẫn chưa nguôi còn cố cà khịa : ông thầy nghĩ xem em nhắp thử thấy đắng nghét, xin thêm xí đường, các chị nghĩ là em sắp đụng vào của cải riêng nhà họ nên nhấm nhẳng nói tạt vào mặt em “ ở đây chỉ có thế, muốn ngọt thì tìm chỗ khác mà mua “. Em ức muốn nổ cổ.

    Tôi can gián anh, bởi vì nếu chấp nhất thì mình ấm ức, bực bội, giận dỗi suốt đời. Những ly cà phê loãng như nước ốc, như nước điếu thải ra, vậy mà cũng đẩy trôi được cái nóng trưa hè hừng hực nơi cổ họng. Tàng cây phượng rưng rưng như giọt máu, vẩy vung vít từng sắc nóng khắp nơi, con chó già rung lông và ghẻ đầy nằm thè lưỡi dưới chân cái trụ điện thở hồng hộc không dứt.

    Hai anh em bàn tán với nhau, hẹn chiều về cùng ghé thăm vợ chồng ông thương binh xem sự thể tin tức con ông ta thế nào. Tôi có vẻ e ngại, anh thợ sửa xe cố làm cho tôi mạnh dạn lên : ông thầy tập xem mọi việc như pha, mình có đến xin gì đâu mà né, hàng xóm láng giềng lẽ đâu nhà ai có chuyện mình lại làm lơ coi không tiện. Vả chăng cô cũng qua lại với bà vợ ông ta, em xem sự thể ông ấy cũng không phân biệt hay định kiến gì đâu, ông thầy.

    Ôi những buổi trưa ngồi bó giò bó cẳng, mắt thẫn thờ mong ngày tháng trôi mau. Những buổi trưa càng nóng càng làm mềm đi chí khí, càng vắt kiệt tâm hao. Lại thêm thời buổi việc gì cũng hiếm khó, nghĩ lại giống như khắp người bị buộc bằng những sợi tơ nhện giăng đầy.

    Càng ngày người ngỗng càng bu vào quanh các con đường dẫn vào chợ để chia chác nhau một công việc kiếm sống. Lác đác, có thêm một ông thợ bơm mực bút bi vừa ra tiệm mới toanh. Nhìn cái lối ngồi vẹo đầu vẹo cổ, nước da tái sạm đen dỉu, không hỏi ra cũng biết ngay cùng một lũ thất thời phe ta chẳng ai cho làm gì khác hơn nữa.

    Thấy ông bạn chăm chăm chút chút, không buồn hỏi han ai, mới hiểu thật không còn hạng người nào dốc lòng, dốc sức và nhẫn nhục hơn người của mình đã từng trải qua một thời đi tù. Nỗi nhẫn nhục biểu lộ bằng sự thu gom, nhặt nhạnh từng hào bạc và lóe sắc mừng khi vớ được cây bút hiệu BIC ngày xưa.

    Ông ta sẽ loay hoay tháo hòn bi tí xíu, cất ngay vào cái hộp nhựa để chỉ thay cho ai chịu trả tiền hời, vì chắc chắn viên bi sẽ chặn không cho mực bơm phùn ra từ đầu ngòi làm ướt đẵm cả ngực áo khách. Thời gian đó, nhiều người phải dở khóc dở cười vì có bút dù chẳng đụng đến mà mực cứ tự động trào ra ở cả đầu hay đuôi trông đến lạ.

    Sau này lại có thêm một chỗ xay xát gạo. Ai muốn chà gạo mà lấy cám thì trả tiền công xay, còn ai bằng lòng nhượng phần cám cho chủ máy sẽ không phải trả tiền. Thực ra, đây cũng là một việc công bằng sòng phẳng vì nhà nào cũng cố nuôi thêm con gà, con lợn, gọi là tham gia phong trào chăn nuôi với phường khóm và cũng chứng thực mình thuộc gia đình lao động thực sự, hay gia đình văn hóa mới.

    Tiếng máy chạy xình xịch suốt ngày làm bưng tai những người chung quanh đó và đồng thời cũng gây những cơn ngủ gà ngủ gật đến hai anh em tôi. Anh thợ sửa xe lâu lâu pha trò : điệu này mà được lăn quay ra đánh một giấc chắc là vui, ông thầy nhỉ. Tôi gãi đầu gãi tai vì chợt nghe rôm sảy cắn rần rần.

    Ôi thời gian bình dị hồi nao sao giờ như một xa xỉ khó còn mơ ước với tới được.

Trang 1 / 3 123 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Nữ Chúa Cụt Đầu Trên Sàn Rạp Hát Hòa Khánh
    By giavui in forum Audio Ma Kinh Dị
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-15-2016, 06:53 PM
  2. Những tác dụng tuyệt vời của măng cụt.
    By sophienguyen in forum Món Ăn Sưu Tầm
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-30-2012, 03:40 AM
  3. Cụt hết chân tay sau khi... độn mông
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-15-2012, 11:52 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •