Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Yêu là vui vì hạnh phúc của người khác, là coi hạnh phúc của người kia như hạnh phúc của chính mình.
G.W. Leibnitz
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Nhóm nhạc Việt: Lười nhác, học đòi, bắt chước, đạo ý tưởng ?

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Chuyện xưa ... Nay mới nói ...

    .

    Chuyện xưa ... Nay mới nói ...
    Hội nghị lý luận phê bình Văn Học
    Nhật Tuấn

    Kỳ 1 và 2

    Hội nghị Việt Bắc - 1951



    Nhà văn Kim Lân (ngồi, thứ 2 từ trái qua), Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (đứng, thứ 2 từ phải qua)
    cùng các văn nghệ sĩ tại một hội nghị Hội Văn nghệ VN, Việt Bắc 1951

    Hơn nửa thế kỷ trước, vào tiết mùa thu, các nhà văn VN đi theo cách mạng đã họp ở Việt Bắc để “tranh luận văn nghệ” nhằm thúc đẩy nền văn học cách mạng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường cách mạng.

    Lẽ tất nhiên, ông trùm văn nghệ Tố Hữu phải “giáo đầu” trước:

    Không có tư tưởng mới thì không thể nào nhận định đúng cuộc đời và sáng tác do đó sẽ lạc hướng. Cảm xúc của ta phải là cảm xúc của quần chúng và cảm xúc của quần chúng phải được thể hiện trong văn nghệ…”.

    Huấn thị của ông trùm lập tức đuợc các tên tuổi lớn trong làng văn VN nhao nhao hưởng ứng. Nhà văn Nguyễn Tuân “được” phát biểu trước :

    Cuộc họp tranh luận này nhằm thống nhất về đường lối tư tưởng , thống nhất về quan niệm đối với kỹ thuật sáng tác…”.

    Oi chao, cứ như là sau khi đã “thống nhất” mọi thứ, tất cả các nhà văn đều trở thành thiên tài hết. Rồi ông nhà văn nổi tiếng “ngông” này thành khẩn :

    Tôi không những là tiểu tư sản mà còn là phong kiến nữa. Cuốn Vang Bóng Một Thời đủ chứng tỏ lời tôi nhận định. Trước kia tôi không tìm được giá trị cuộc sống, tôi phủ nhận cuộc đời. Tôi có một thái độ phản động. Cuộc kháng chiến tiếp theo cách mạng tháng Tám làm tôi nhận định rõ hơn.Tôi đã cách mạng tư tưởng …”.

    Thành khẩn đến thế rồi mà sau này viết về giò chả, Nguyễn Tuân vẫn phải than :

    ” Giò tớ giã kỹ đến thế rồi mà nó vẫn còn “giã” lại…”.

    Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì hùng hồn :

    Vai trò của giai cấp công nhân là đi đầu trong việc tạo ra một cách sống mới, nó không còn là cách sống của con người cũ của ta nữa…”.

    Nữ thi sĩ Anh Thơ cũng véo von :

    Trước tôi cũng đánh phấn, bôi nước hoa. Sau tôi cũng mặc quần áo nâu và được chị em yêu quý. Thơ văn phải dễ hiểu quần chúng mới thích…”.

    Nhà thơ Thế Lữ cũng cao giọng :

    Phải khác trước, muốn tiến bộ phải cải tạo mình…”.

    Nhà văn Đoàn Phú Tư thì hồ hởi :

    Tôi thấy thích chủ nghĩa Mác vì mình chẳng…mất gì cả và tìm trong đó những hình ảnh tốt đẹp của ngày mai.. Tôi vuốt ve và mơ hình ảnh đó….” . Hoá ra gọi là “Hội nghị tranh luận” mà chẳng tranh luận cái gì hết, các nhà văn lớn chỉ tranh nhau coi ai nói cho khéo, cho lọt lỗ tai đồng chí Tố Hữu và nhất loạt hứa hẹn sẽ thực hiện cái bí kíp “ tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản, công nông hoá sáng tác” để quyết tâm xây dựng một nền văn học lớn leo lên đứng đầu thiên hạ.

    Than ôi, hầu hết những người cầm bút dự “Hội nghị tranh luận văn nghệ” ngày đó, kể cả đồng chí Tố Hữu, người dẫn đường vĩ đại, nay đã ra người thiên cổ mà các nhà văn VN chưa ai giật được giải Nobel, chưa ai vượt được chính mình so với thời “đế quốc phong kiến” mà chỉ thấy nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc “Ai điếu cho một nền văn học….”

    Hơn nửa thế kỷ sau…

    Hội nghị Tam Đảo - 2003…

    Chẳng hiểu có phải vì văn học VN đang ốm nặng, cả chục năm nay Đảng và Nhà nước chi cho vài trăm tỉ đồng, vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào “ ngang tầm thời đại”, sách báo ra cả tấn mà chẳng thấy cuốn nào “ đáng mặt văn chương”, ngay đến nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Đạo , ngàn trùng xa cách mãi tận bên Paris cũng phải than thở :

    đọc truyện Việt Nam thấy cứ như là có …mỗi một người viết” !

    Và cũng chẳng hiểu có phải vì tiền Đảng chi cho Hội nhà văn VN trong năm 2003 còn dư nhiều quá, nếu không chi hết thì Bộ tài chính nó “cắt” nên cuối năm bận rộn thế mà tự dưng Hội lại đứng ra tổ chức cuộc họp đông tới hơn 200 nhà phê bình lý luận cũng vào tiết thu, chỉ khác trước ở chỗ không họp “dưới chân núi” mà lại kéo nhau lên đỉnh Tam Đảo ! Có lẽ từ ngày lập nước, chưa có cuộc “bắt mạch kê đơn” cho “nền văn học cách mạng” nào lại rầm rộ, đồ sộ đến thế.

    Để ngăn ngừa các vị “lang băm” đến phá thối, đồng chí Chủ tịch Hữu Thỉnh đã gạt ra khỏi danh sách mời tất cả những thày lang nào “bảng hiệu chưa đăng ký”, hoặc coi giò coi cẳng thấy bốc mùi “tà khí”. Rào chắn kỹ càng như vậy mà vẫn chẳng mời được đồng chí Trưởng Ban tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm, nhân vật sô 1 trong nền văn hoá văn nghệ cách mạng VN đến dự, chẳng hiểu có phải do đồng chí ấy bận công việc lãnh đạo hay là do cẩn thận tránh xa những nơi có thể xuất hiện lắm anh Chí Phèo chuyên đánh võ mồm dễ xúc phạm uy tín lãnh đạo.

    Lạ một điều, trước cuộc Hội nghị, các thày đã thi nhau “bốc thuốc kê đơn” trên…báo Văn Nghệ. Chẳng hạn như “thày” Đỗ Văn Khang bắt mạch rằng :

    văn học VN sau thời kỳ lấy phương pháp hiện thực Xã hội chủ nghĩa làm phương pháp sáng tác chính thì đến nay vẫn chưa xác định được phương pháp sáng tác chủ yếu cho văn học đương đại…”

    ...và thày kê đơn rằng :

    phương pháp sáng tác văn học sáng giá nhất hiện nay là phương pháp …phản tỉnh”.

    Ui cha, phản tỉnh cái gì ? Thày xui các nhà văn “phản tỉnh” các thứ do Đảng đã dày công giáo dục dậy dỗ các nhà văn VN chăng ? Thưa không, thày chỉ phán mơ hồ rằng :

    Văn chương phản tỉnh là văn chương của chiều sâu nhân văn- văn chương khám phá nghịch lý để soi sáng thuận lý- văn chương minh triết…”.

    Mô Phật, thày kê đơn vậy thì đến chính thày cũng chẳng biết đằng mù nào mà bốc thuốc. Rồi các thày khác cũng đua nhau nhảy lên báo Văn Nghệ “bắt mạch kê đơn” cho nền văn chương VN, ấy thế mà khi tới phó hội Diên Hồng trên đỉnh núi Tam Đảo, các thày lại quay sang “bốc thuốc” cho nhau chứ chẳng ngó ngàng gì tới con bệnh “thập tử nhất sinh” đang nằm đó.

    Thày Vũ Quần Phương đã chuẩn bị sẵn một bài “bắt mạch, kê đơn” nhưng rồi thấy các thày kia cứ túm tụm nhau vào nhỏ to, chẳng ai chú ý đến bài soạn sẵn của thày nên thày đành xếp nó vào túi và quay sang phàn nàn về những chuyện bê bối ở Ban chấp hành Hội Nhà văn trong những chuyện “chẳng văn chương tí nào” như chia chác nhau giải thưởng, móc ngoặc kết nạp hội viên, hoặc thái độ trịch thượng không nên có của một vài nhà phê bình vốn là giáo sư đại học.

    Thày Trần Mạnh Hảo vốn đang nổi tiếng về sự “bặm trợn” mà vẫn dồi dào tính Đảng, ca cẩm về "một niềm vui, một nỗi buồn và một nửa niềm hy vọng" của cái nghề lang băm của thày.

    Thày Nguyễn Duy Bắc phê các đồng nghiệp rằng :

    thay vì tập trung phân tích đánh giá văn học từ đổi mới đến nay, hoạt động phê bình trên báo chí văn học hầu như lại tập trung phê bình sự phê bình …cho sách giáo khoa ngữ văn" .

    Thày Hoàng Minh Châu trách khéo hai thày Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ lăm le bỏ nghề bốc thuốc để chuyển sang nghề “làm thơ” với “làm nhạc” bỏ trống trận địa kiểm soát văn học.

    Thày Phạm Xuân Nguyên bộc bạch 3 cái sợ của người hành nghề :sợ những lý luận quá cũ; sợ những thứ kê đơn bắt mạch chẳng có “ lý luận gì hết trơn”; sợ thứ lang y chỉ thăm bệnh bằng “chính trị” chứ không tuân thủ y thuật.

    Bà lang trẻ Nguyễn thị Minh Thái thì chửi cả làng : "Các anh đang hành nghề một cách thiếu…triết học…” .

    Ui da da…triết học Mác Lê bấy năm nay đã đầy đầu các thày rồi, giờ vẫn còn đòi …triết học nữa thì thử hỏi nhét nó vào đâu.

    Lại có thày la lối rằng đã xuất hiện tình trạng đá lộn sân “ làm thơ thì chỉ biết làm thơ thôi chớ, nhảy sang phê bình văn học làm chi ?”.

    Chắc thày muốn móc máy hai nhà thơ Trần Mạnh hảo và Trần Đăng Khoa cớ sao lại mò tới tranh ăn, tranh nói ở cái Hội nghị chỉ giành cho các thày lang phê bình này.

    “ Nghịch lý “ là vậy, 200 thày tụ họp bắt mạch kê đơn cho văn học VN mà cấm thấy ngó ngàng tới con bệnh, chỉ thấy cấu chí, xỏ xiên, móc máy lẫn nhau để cho “Hội nghị đã thành công tốt đẹp” như lời tổng kết của Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh.

    Nói cho ngay, cũng có một thày dòm ngó tới “con bệnh” , thày Trần Đình Sử , khi thày phân tích “ba giai đoạn của văn học cách mạng VN”. Tuy nhiên, thày “bắt mạch” theo kiểu Đảng ta phân tích “ ba dòng thác cánh mạng” nên cũng chẳng mấy ép-phê, nhất là thày chưa dám chỉ ra con bệnh đã có một thời “phục hồi sức khoẻ”, ấy là thời kỳ “văn học VN được đồng chí nguyên Tổng bí thư Nguyễn văn Linh cởi trói”. Trong có 3 năm ngắn ngủi ấy, văn học VN đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có giá trị tới tận ngày hôm nay. Chỉ tiếc rằng cú “xả xú páp” quá ngắn ngủi, khi cái van đóng lại, khi giây trói lại quàng lên cổ các nhà nhà văn thì nền văn học VN ốm nặng trờ lại là điều đương nhiên rồi.

    Có một điều vô cùng đơn giản, văn học VN bao năm nay khác nào con thiên nga bị buộc cánh, muốn cho nó bay, nó múa thì thả cánh nó ra . Bài thuốc dễ thế mà hơn 200 thày lang không thày nào chịu “bốc” cho ra. Ay cũng là vì cái bao tử của các thày nó đã chặn ngang họng của các thày . Sự đời chỉ có thế, vậy mà các thày cứ làm rối mù tăng tít khiến cho sương sớm trên đỉnh non Tản lại càng thêm dày đặc vậy…

    Tính từ “ tranh luận văn nghệ Việt Bắc 1951” đến nay, hơn nửa thế kỷ mới có một cuộc “toàn quốc” lần thứ 2 như thế này?

    Vì sao phải họp ? Họp những ai và để làm gì ? Cứ theo như lời Tiến sĩ “hữu nghị” Nguyễn thị Minh Thái phát biểu ở Hội nghị thì :

    “Cấp báo, cấp báo, trong 16.000 bài thi văn vào các trường đại học Hà Nội chỉ có …1 bài được điểm 9, còn hàng ngàn bài khác càng đọc càng thấy …rùng rợn”.

    Quả rùng rợn thật. Một bài thi phân tích câu “ sông dài, trời rộng, bến cô liêu”, có thí sinh tán rằng :

    ” Ở cái bến sông kia, có một cô gái tên Liêu theo trai, chửa hoang, bị cho rớt “cái bịch”, phải tự tử. Từ đó người ta đặt tên bến sông đó là…bến cô Liêu…”.

    Hại thay cái kiểu “tư duy phân tích bến cô Liêu” như vậy lại phổ biến, rất phổ biến mới chết chớ.

    Vậy thì Hội nghị LLBP VH toàn quốc nhằm nâng cao kiến thức văn học cho học sinh ?

    Không hẳn thế, bởi nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng đăng đàn nói rằng:

    ” Chúng ta đang ở trên núi cao, càng cao không khí càng loãng, càng có dịp cho chúng ta nhìn lại chính mình…”.

    Vậy là Hội nghị sẽ kiểm điểm các quý vị có dính dáng tới “lý luận phê bình ?

    Cũng không phải nốt, thôi thì đành nghe theo Ban tổ chức :

    ” Hội nghị này nhằm tổng kết đánh giá những thành tích, ưu khuyết điểm trong chặng đường vừa qua của ngành LLPB VH, từ đó thúc đẩy những bước mới đi lên đầy hứa hẹn…”

    Câu văn này có thể dùng làm “câu mẫu” cho tất cả các Ban tổ chức các Hội nghị cấp toàn quốc từ Hội nghị xoá nạn mù chữ, Hội nghị chống muỗi sốt rét…cho tới Hội nghị nuôi trồng thuỷ sản , Hội nghị xây dựng gia đình văn hoá mới ở tổ dân phố….

    Vậy thì đành phải hiểu là từ trên núi cao, quý vị đại biểu sẽ dễ dàng nhìn xuống bức dư đồ rách của nền văn học Việt Nam, đặc biệt là vùng chuyên canh “ lý luận và phê bình”.

    Thành phần hội nghị đương nhiên gồm các quan chức Hội nhà văn, Ban văn hoá tư tưởng, các lãnh tụ văn nghề đã về hưu, các nhà phê bình lão thành và các nhà phê bình thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và chống tàu, con số đại biểu phải lên trên 200, kín hết các khách sạn ở Tam Đảo, ấy thế mà “nhà phê bình đá lộn sân”, nguyên thi sĩ Trần Mạnh Hảo lại la hoảng rằng :

    "Nền văn học đương đại VN sắp 'mồ côi' phê bình. Bởi trên văn đàn 10 năm qua, số người dám cả gan mon men làm cái việc 'mua dây buộc mình' nhiều lắm cũng không qua khỏi cơ số đếm của 2 ngón tay" “.

    Nói như ông Trần Mạnh Hảo vậy tức là “nhà phê bình là bố các nhà văn” và các nhà văn sắp mồ côi…bố cả rồi, nguy thay, nguy thay.

    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo , dường như chưa hết tơ lơ mơ vì bia Tiger, lại phân vân theo kiểu “ta hay sư, sư hay ta” khi ông cố nghĩ coi nhà phê bình văn học là cái thứ gì ? Ong phát biểu :

    "Theo từ điển Hán Việt, chữ "phê" trong "phê bình" mang khá nhiều nghĩa: phê là "phán quyết, phân xử phải trái"; phê là "khởi lên một công việc"; là "chẻ ra từng mảnh", nhưng phê cũng có nghĩa là "lấy tay đánh vào mặt người khác". Thế nhưng tôi có cảm giác phê bình văn học VN gần đây có vẻ thiên về ý nghĩa "lấy tay đánh vào mặt người khác".

    Thì ra ông nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tưởng là say, hoá tỉnh nhất. Chỉ có điều không phải “phê bình văn học VN gần đây” mà ngay từ thủa lọt lòng, mới ngoe ngoe trong trong tã lót, phê bình văn học VN đã thiên về “ lấy tay đánh vào mặt người khác rồi”.

    Thôi thì bỏ qua vụ nhà thơ Nguyễn Đình Thi bị “đánh” về tội “làm thơ khó hiểu với công nông” từ năm Hội nhà văn VN chưa lọt lòng, sau năm 1954 Đảng chính phủ vừa về tiếp quản Hà Nội, đã nổ ra vụ Nhân văn Giai phẩm, điển hình về việc chẳng những “lấy tay đánh vào mặt” mà còn cầm gạch củ đậu mà choang vào nồi cơm của người ta, đẩy người ta tới chỗ cải tạo tù đầy.

    Đó là chiến thắng mở đầu, giòn giã của “phê bình văn học VN”, từ đó hàng loạt các vụ “ trùm chăn đánh người giữa chợ “ cứ liên tục nổ ra cho tới tận bây giờ cũng chưa hết. Hàng loạt người bị “đánh vào mặt”, tiêu biểu như Hà Minh Tuân với tiểu thuyết “Vào đời” dám mô tả cái đòn gánh trên vai cô gái Hà Nội tập lao động “quẫy lên như con rắn”, Nguyễn Công Hoan với “Đống rác cũ”, Nguyễn Đình Thi với “Con nai đen”, Kim Lân với “Con chó xấu xí”….Các bậc cao niên thì thế, còn “cây bút trẻ” hồi đó “bị đánh vào mặt “ lại càng đông hơn nữa . Vũ Thư Hiên với “Đêm không ngủ”, Hoàng Tiến với “Sương tan”, Phạm Tiến Duật với “ Vòng trắng”, Lê Bầu với “ Hòn đá lang thang”, Nguyễn Đỗ Phú với “ Đêm đợi tàu”, Hoàng Cát với “ Cây táo ông Lành” vân vân và vân vân…

    Vì sao các nhà phê bình văn học VN lại thích đánh vào mặt người khác như thế ?

    Như nhà phê bình văn học số 1 Việt Nam, Hoài Thanh :

    “Nửa đời vị nghệ thuật
    Nửa đời còn lại vị …người cấp trên…”


    Đúng như thế, “đánh vào mặt người ta” chẳng qua các nhà phê bình văn học VN là “vì người cấp trên “ cả thôi.

    Nhớ ngày xưa, nghe xì xầm nhà văn Vũ Trọng Phụng có móc máy một ông ký ga nào đó, hại thay, bố đồng chí Hoàng văn Hoan, Uỷ viên Bộ chính trị thời đó cũng là …ký ga.

    Thế là trong cuộc họp phê phán Vũ Trọng Phụng, các nhà phê bình xúm lại “đánh vào mặt ông”, vu cho ông là trốt kít, là đệ tử của Freud, một cuộc họp đầy đủ các “gương mặt lớn” trong làng văn VN , vậy mà, như lời kể của nhà phê bình Như Phong kể lại, “Không ai, không một ai dám lên tiếng bênh vực Vũ Trọng Phụng lấy nửa câu…”.

    Tại sao ? Tại sao tất cả những cây đa cây đề trong nền văn học VN hồi đó như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên , Kim Lân….lại “vì người cấp trên” như vậy ?

    Bởi lẽ “người cấp trên” là người nắm giữ, ban phát đủ các thứ bổng lộc lớn bé trên đời. Chẳng thế mà sau vụ Nhân văn Giai Phẩm, vụ Hà Minh Tuân, khối anh vô tài bất tướng đã nhảy phắt lên các thứ ghế Viện trưởng, Trưởng khoa, giáo sư này nọ như Hoàng Xuân Nhị,Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức vân vân.

    Tiến thân bằng con đường “ đánh vào mặt người khác” ngày nay được các thế hệ đi sau noi theo, sốt sắng, hăng say không thua gì các bậc cha anh.

    “Nhà phê bình văn học” Nguyễn văn Lưu từ một anh thợ morrasse nhảy phắt lên ghế Gíam đốc NXB Văn Học, bằng cách “đánh” quyết liệt “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương , với “tác phẩm” được giải thưởng Hội nhà văn với cái tựa thật sắt máu :“ Luận chiến văn chương ”, quan chức Hội nhà văn VN Lê Quang Trang cũng mở đầu “sự nghiệp” bằng viết bài trên báo Nhân Dân “đánh vào mặt” tiểu thuyết “ Lửa lạnh” của Nhật Tuấn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chân ướt chân ráo vào nghề cũng “đánh vào mặt” cuốn “Niềm vui trần thế”, tiểu thuyết của Nhật Tuấn….Rồi thì các nhà báo văn hoá văn nghệ choai choai nghe ngóng có “vụ việc” gì là xúm vào đánh hôi để “lấy lòng cấp trên” mà ăn bổng lộc.

    Than ôi, cái bức tranh của nền phê bình văn học Việt Nam nó sậm màu “đầu rơi , máu chảy” như thế mà đã leo lên tận núi cao Tam Đảo, hơn 200 quý vị đại biểu Hội nghị LLPB VH toàn quốc cũng chẳng dám mở to mắt ra mà nhìn mà chỉ dám nói năng luanh quanh như “kiến bò miệng chén”.

    Nào là “...trình độ và năng lực cảm thụ tác phẩm của các nhà phê bình còn rất yếu, nhất là đối với thơ. Mặt khác, phê bình cũng bị coi nhẹ hơn sáng tác. Bằng chứng là các giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn, của Uỷ ban văn học nghệ thuật... thường ít chú ý tới các tác phẩm phê bình…” (Trịnh Thanh Sơn).

    Nào là “ phê bình văn học phải là người bạn lớn của sáng tác” ( Nguyễn Trọng Tạo).

    Nào là “phê bình hay lý luận gì cũng phải có ích…” ( Bùi Bình Thi) vân vân và vân vân. Tóm lại, toàn những lời lẽ “tát nước theo mưa’ để nhận phong bì và kỳ họp sau còn được…mời nữa.

    Về phía Hội nhà văn VN, người đứng ra tổ chức Hội nghị, tất nhiên đã tổng kết Hội nghị theo cái cách “biết rồi khổ lắm” : Hội nghị đã thành công tốt đẹp”.

    Chẳng biết trong hơn 200 nhà “phê bình lý luận”, lúc ra về, có ai nghĩ rằng rồi sẽ tới một lúc nào đó, họ – những nhà phê bình văn học VN sẽ phải sám hối trước “những linh hồn chết” mà họ đã “ăn theo”, đã “đánh thẳng vào mặt”.
    N.T.
    Last edited by khieman; 06-09-2014 at 06:03 PM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •