Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc sẽ tự mất đi khi nào người ta tự thỏa mãn về nó. Hạnh phúc sẽ chỉ bền vững khi người ta luôn luôn vươn tới và hoàn toàn khát vọng.
K.G. Paustopski
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 16 of 16

Chủ Đề: Cô Gái Đeo Lục Lạc

  1. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 11

    Hai anh em ngồi trên sân thượng, trước mặt mỗi người một ly rượu màu hổ phách vơi gần nửa.

    Họ vẫn im lặng lơ đãng nhìn vào trời đêm chi chít những vì sao. Khuya lắm rồi, đường phố ngủ say, những ánh đèn lịm tắt theo lời nói trĩu buồn của ông Tấn :

    - Anh em mình không thể mãi mãi gần nhau.

    Tiếng cười khẽ của ông Hưng vang giữa đêm khuya :

    - Em thấy vậy cũng hay, em có dịp đi Trung Quốc luôn để thăm anh. Thanh Minh sang năm sẽ về tảo mộ mẹ cha.

    Ông Tấn thở dài đưa tay vuốt tóc bạc :

    - Chúng ta còn sống bao năm ? Đời là dâu bể.

    Ông Hưng im lặng. Phải, đời là một cuộc bể dâu, thăng trầm lắm nỗi, nhưng nếu không có gian nan, đau khổ thì niềm vui sướng nào có nghĩa gì ? Anh trai ông lúc nào cũng áy náy chuyện năm xưa. Từ một thế gia vọng tộc, vì theo kháng chiến bị truy lùng, cha mẹ ông đành bỏ lại đứa con nhỏ trên đường bôn đào và khi hy sinh trong chiến đấu, cha mẹ ông còn mãi gọi tên Lý Hưng. Ông Hưng nâng ly rượu, choàng tay qua vai anh :

    - Mọi chuyện đã qua, anh đừng buồn, chúng ta còn khỏe mạnh chán, sống ít nhất 20 năm nữa.

    Sao chú nó lạc quan vậy nhỉ ? ông Tấn trầm ngâm nghĩ ngợi. Mình không thể như nó, có phải trái tim mình già cỗi theo chuyện đau lòng năm xưa, và niềm đau đất nước bao năm ?

    Ông Hưng thấy nỗi buồn sâu lắng ở gương mặt anh, ông vụt cười lớn, tiếng cười vang xa lồng lộng trong đêm khuya. Ông nói to như cười :

    - Anh không tin à ! Em nói anh phải tin, bởi em luôn tin chính mình và tin đất nước này như tin tấm lòng anh, tin vào cố quốc dù bao năm xa cách.

    Ông Tấn đặt ly rượu xuống, vụt nắm tay em khẩn khoản :

    - Hưng ! Chừng nào em về ?

    - Giờ chưa được, có mấy hợp đồng với cơ sở nước ngoài. Kìa ! Anh đừng nghĩ em ham tiền, là chữ tín. Hẹn chắc với anh vào dịp thanh minh.

    - Em thật không hồi hương ? - Ông Tấn buông tay em.

    Ông Hưng nhìn rất lâu vào anh, chậm rãi nói :

    - Chẳng thể khác, định mệnh bắt em sống kiếp ly hương, nhưng em biết mình người Trung quốc.

    Ông Hưng đi ra tựa lan can sân thượng nói điều ôm ấp trong lòng :

    - Quê hương với em là thứ tình xa luôn nhớ. Còn nơi đây đã cho em tất cả, từ vật chất đến tinh thần. Em là người Trung Hoa, nhưng con em mang hai dòng máu. Nó chọn nơi đây là quê hương, em không có quyền ngăn cản. Hà ! tuổi em đã về chiều, có lựa chọn chăng, chỉ một nấm mồ ...

    oOo

    Vết thương giúp Quyền tiến xa trong quan hệ với Châu Hà, ông thầy võ biến thành bác sĩ, mỗi ngày chăm sóc với bao quà cáp, khiến bà Thục ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn là độ rày Quyền thường xuyên về nhà, thuận thảo với anh em, thỉnh thoảng cười giỡn như giặc.

    Thấy con đứng ngắm mình mãi trước gương, bà Thục nhẹ hỏi :

    - Con muốn cưới vợ hả Quyền ?

    Anh chàng đỏ mặt :

    - Sao má biết ?

    - Cô nào vậy ?

    - Má gặp rồi, hôm ở nhà hát - Quyền đến ngồi bên bà cười nói.

    Bà Thục nhớ ngay, bà nhíu mày :

    - Châu Hà ! Quyền à, thằng Hành yêu con bé.

    Quyền nhún vai :

    - Chẳng ăn thua, con yêu hơn và có nhiều ưu thế hơn.

    - Ưu thế không liên quan gì đến tình cảm đâu con. Vả lại con làm sao biết mình yêu hơn người khác.

    Quyền ôm vai mẹ cười :

    - Vì nó yêu mà nhường cho Thiên Trường. Cũng may họ là anh em chú bác.

    Bà Thục ngơ ngác, Quyền kể ngắn gọn câu chuyện, xong bà thở ra :

    - Má mừng cho họ quyến thuộc trùng phùng. Tội nghiệp Châu Hà.

    Quyền đứng lên vung tay :

    - Má yên tâm, con sẽ xóa nhòa nỗi buồn trong tim cô ấy. Hôm nay con chính thức cầu hôn.

    - Cầu hôn ! - Bà Thục ngạc nhiên. Má nghĩ tình yêu đến hôn nhân là khoảng cách dài.

    - Con phải rút ngắn khoảng cách đó.

    - Tại sao ? - Bà Thục nhìn con nghi ngờ.

    Dĩ nhiên Quyền không nói cho mẹ nghe nỗi lo lắng của anh khi thấy Châu Hà thẹn thùng lúc gặp ánh mắt Hành và dù họ vẫn thế, có vẻ như xưa trong quan hệ nhưng linh cảm Quyền cho biết họ mỗi lúc gần nhau hơn qua Thiên Trường.

    - Con muốn tu tỉnh. Chẳng phải má muốn có cháu nội bồng sao ?

    Điều đó dĩ nhiên rồi, bà Thục đưa mắt nhìn theo con ra cổng, môi nở nụ cười trên gương mặt xanh gầy.

    Trong khi ấy, Quyền phóng xe vun vút đến nhà Châu Hà, vết thương ở đầu gối rất lâu lành, nên cô thường ở nhà. Cô ngạc nhiên lúc thấy Quyền đến, hôm nay không phải ngày tập võ, mọi người đi làm chưa về. Quyền nói ngay khi thấy Châu Hà tròn xoe mắt, miệng dợm hỏi anh :

    - Anh có chuyện muốn nói !

    Cô gái vỗ vào lưng nệm salon :

    - Ở đây nhé !

    Quyền gật đầu, họ ngồi chung ở salon đôi :

    - Cô bé có thấy anh luôn đem lại cho em niềm vui, nụ cười ?

    Châu Hà chúm chím :

    - Và mọi người cũng vậy - Cô vờ để tay lên trán như sực nhớ ra - À quên ! Riêng má anh thì không.

    Quyền vờ xịu mặt :

    - Nghe anh Tài kể xấu chứ gì. Giờ anh ngoan rồi và đang có ý định tặng em với má anh một niềm vui.

    Quyền nói giọng dí dỏm vui đùa nhưng Châu Hà có cảm giác anh không đùa chút nào. Cô cảnh giác một cách tinh tế :

    - Sư phụ ơi ! Đệ tử không dám nhận.

    Quyền nhăn nhó :

    - Bé Lục Lạc ! Đâu phải giờ tập võ mà gọi sư phụ ?

    Châu Hà dồn chàng võ sư đến đường cùng :

    - Một ngày là thầy, 100 năm cũng là thầy.

    Quyền nhăn nhó gãi đầu rồi vụt cười :

    - Không sao, sắp đến năm 2001.

    Châu Hà tỉnh bơ :

    - Vậy hãy đợi đến năm 2001 nói nhé !

    Quyền nhảy nhổm :

    - Ê ! Không được, anh không nói giờ chắc mất ăn, mất ngủ.

    Châu Hà không đùa nữa, cô như khép kín mình lại qua ánh mắt ngưng đọng nhìn Quyền. Anh chàng võ sư không biết sợ trời đất bỗng dưng mất hết dũng khí khi thấy đôi mắt một mí tròn xoe tràn sợ hãi.

    Anh buột miệng thở dài :

    - Bé Lục Lạc !

    - Hử ?

    - Nhất định không ra nước ngoài hở ?

    - Nhất định !

    Quyền nắm tay cô gái, Châu Hà ngoảnh mặt :

    - Bé Lục Lạc ! Nếu một lúc nào … Nếu một lúc nào …

    Châu Hà rút phắt bàn tay lại, sợ hãi đứng lên lắp bắp :

    _ Đừng … Đừng …

    Quyền đổ khùng la lớn :

    - Cái gì mà đừng chớ ? Em nghĩ lại chút coi, chẳng phải em luôn được vui vẻ khi ở bên anh ? Thiên Trường là anh Hai em, còn Hành, ảnh cũng là người Trung Hoa, ảnh không thích hợp với em đâu.

    Châu Hà trợn mắt. Vậy nghĩa là sao ? Dương Hành … Cô gái chợt nổi giận. Quyền tự cho phép mình có quyền hạn với cô ?

    - Thích hợp với ai mắc gì tới anh. - Cô nói vẻ cáu kỉnh lạnh nhạt.

    Quyền ngẩn người. Cô bé nổi giận. Mình đã đi sai một nước cờ chăng ? Thiên Trường đang ở đây và tình yêu này chưa nhạt phai trong tim nàng ? Nhưng Quyền luôn là người biết xoay trở trong mọi tình huống, dù với Châu Hà hay với những đối thủ trên võ đài. Anh cười toe, giọng nói chuyển sang vui, tếu :

    - Ê ! Cô bé ! Quạu với anh à ? Giỡn tí không được sao ? Lêu lêu cái mặt như mèo, xấu xấu quá không được mẹ yêu …

    Cô ngoe nguẩy đi những bước khập khễnh về thang lầu. Quyền bứt tóc chạy theo :

    - Định nghỉ chơi với anh chiều nay thật à ?

    - Ừ đó ! - Cô gái dẩu môi.

    Chỉ một chiều nay không sao, còn cả trăm buổi chiều, miễn Hành vẫn câm nín như từng câm nín.

    - Mai anh chở em đi thăm tụi nhóc nhé, thằng Thiện nhớ em lắm.

    Điểm yếu của Châu Hà là tụi nhóc trường Tương Lai, Quyền thừa biết điều ấy. Quả nhiên cô bé tươi nét mặt, mấy hôm rồi mẹ không cho qua đó mà, nhưng cô gái quả đáo để :

    - Không dám phiền, mai anh Hành đưa đi rồi.

    - Vậy anh về, mai tới.

    Quyền nén bực mình, vẫy tay chào cô gái rồi phóng ra cửa. Anh có một giây khựng lại vì Thiên Trường đứng ở lan can từ lúc nào, đang trầm ngâm nhìn ra những hoa lồng đèn đu đưa theo gió.

    Xe Quyền phóng vút ra khỏi nhà. Thiên Trường chậm rãi lên lầu, đến trước cửa phòng Châu Hà, anh gõ nhẹ rồi nói luôn :

    - Châu Hà ! Lên sân thượng gặp anh.

    Thiên Trường đi thẳng, không thấy Khánh Hòa trờ tới. Anh cau nhẹ mày rồi đẩy cửa phòng em gái đi vào. Châu Hà nói ngay :

    - Anh đi với em lên gặp anh Trường.

    Thiên Trường không ngạc nhiên khi thấy cả hai anh em. Anh hỏi :

    - Chú thím chưa về sao ?

    Khánh Hòa cười :

    - Ba mẹ đưa bác đi dancing.

    Thiên Trường phì cười :

    - Chú thím biết ba anh lên án chuyện nhảy nhót mà.

    Châu Hà cũng cười :

    - Nên ba mẹ làm bác hiểu, đó là môn giải trí, xã giao lịch sự, đôi khi giúp mình đẩy lui tuổi già cô đơn.

    Bà Ngang bưng lên một xô đá nhỏ và ba ly soda chanh đường làm sẵn.

    Khánh Hòa cho đá vào ly, đưa tận tay anh mời :

    - Anh muốn nói gì với tụi em sao ?

    Thiên Trường cầm ly nước đến tựa lan can nhìn xuống đường :

    - Anh sắp về Trung Quốc, muốn có buổi nói chuyện với hai em, thật ra gần tháng nay chúng ta đâu có chuyện trò gì nhiều.

    Khánh hòa thắc mắc :

    - Bác Hai nói còn chơi lâu mới về mà.

    - Anh về trước, để có thời gian lo cho bên ngoại, vì đây là dịp duy nhất được nghỉ ngơi. Thanh minh sang năm, anh và cha sẽ chờ chú thím và hai em qua tế mộ nội tộc.

    Châu Hà thắc mắc :

    - Em không nghe bác và anh nhắc đến bác gái, tại sao ?

    Thiên Trường nhẹ thở dài :

    - Điều ấy chú thím đã biết.

    Khánh Hòa lắc đầu nhẹ :

    - Nếu đó là chuyện đau thương, ba mẹ không nói tụi em nghe đâu.

    Thiên Trường nhìn lên trời như muốn tìm bóng dáng người mẹ muôn vàn yêu dấu. Nỗi đau của anh, anh có bao giờ thổ lộ cùng ai. Bỗng dưng Thiên Trường nghe trái tim nhẹ nhõm, Châu Hà trước mắt anh không còn chút gì để anh thấy mình tội lỗi, khổ đau. Anh uống cạn ly soda, nhìn thẳng vào mắt Châu Hà nói thong thả :

    - Anh sợ ta không vượt qua nổi bước khổ đau đầu đời nhưng nay có thể nhìn thẳng vào nhau không hổ thẹn. Châu Hà ! Hãy trả lời anh, trong tâm hồn em, em coi anh thật sự là ruột thịt chớ ?

    Khánh Hòa siết tay em thật chặt, anh đăm đăm nhìn Châu Hà chờ đợi. Cô gái dưới bóng hoàng hôn rũ tóc che nửa mặt nhưng không che dấu nỗi niềm riêng :

    - Em không còn đau khổ nữa, nhưng chưa quen chuyện mình có thêm một người anh.

    Cô gái ngước lên, trên tay là hộp nhỏ đựng miếng ngọc Thiên Trường tặng. Cô nói :

    - Vòng lục lạc đã hiệp phố châu hoàn, em trả lại anh báu vật Chu gia. Mẹ em nói, giòng họ Chu thuộc thân vương nhà Minh có đúng không anh ?

    Mắt Thiên Trường thăm thăm nỗi buồn. Lâu lắm, anh đi lại lấy miếng ngọc cho vào túi, ngồi xuống bên Khánh Hoà, choàng tay người em chú bác, giọng đều đặn nói :

    - Ba anh già cỗi đâu vì một chuyện ấy, ông bạc đầu vì chuyện mẹ anh.

    Tiếng nói Thiên Trường trở nên gay gắt, dù cố kềm nỗi phẫn nộ từ lâu đè nén :

    - Cái gì là vua, cái gì là quan ? Cái gì là lý lịch rõ ràng, vậy mà những thứ đó đã khiến anh có mẹ cũng như không, cha anh có vợ thành không có.

    Khánh Hòa, Châu Hà nhìn Thiên Trường sửng sốt. Anh ấy lạc quan yêu đời lắm mà. Anh Hành từng nói, Thiên Trường là niềm vui bất tận, giờ xem ra không phải vậy.

    Khánh Hòa dè dặt nói :

    - Em tưởng anh là người may mắn trên đường đời.

    Thiên Trường cay đắng :

    - Phải ! anh luôn tỏ ra như vậy, đến Hành cũng chẳng biết nhiều gì về mẹ anh, ngoài việc bà qua đời sớm.

    Châu Hà thấy nỗi đau xưa về trong đáy mắt Thiên Trường, cô nghe xót xa. Một chút ngần ngại, cô gái nắm tay anh ân cần nói :

    - Anh hãy chia sớt nỗi buồn này cho chúng em, ngày nào về lại bên ấy anh sẽ thấy nhẹ lòng.

    Thiên Trường ngồi giữa hai em cất giọng trầm :

    - Mẹ anh họ Chu, tên Tưởng Bình, dòng dõi thân vương nhà Minh, nhưng chuyện đã trăm năm rồi. Chu gia không còn nhớ đến điều ấy. Có lần mẹ anh nói chẳng vinh quang gì, khi thuộc dòng họ bị nhân dân căm hờn vì chính sách cai trị tàn ác, để mất nước về tay ngoại tộc Mãn Châu.

    - Chắc bác gái thông minh nhân hậu lắm.

    - Mẹ anh là nghệ sĩ đàn tranh, người gặp cha anh năm 63 vào buổi diễn tại Nhà hát lớn Bắc Kinh. Người yêu ông vì ông biết nghe, biết hiểu từng tâm sự bà trong tiếng đàn. Cha anh yêu mẹ vì mẹ có chút gì đó giống bà nội. Lúc ấy cha đã là giảng viên ở Viện Đại học Bắc Kinh. Khi ông xin phép kết hôn, liền bị tổ chức phản đối, vì lý do nhà mẹ thuộc dòng vua quan, còn hiện tại không cùng giai cấp với cha anh.

    Thiên Trường nhẹ thở dài. Bóng dáng mẹ hiền hiện rõ trong mắt anh. Ngày ấy anh còn bé lắm nhưng vẫn nhớ rõ, mỗi khi cha đến thăm mẹ thường cười, còn cha luôn buồn. Tối nào cha ở lại, mẹ và anh vui như ngày hội, mẹ đàn hay hơn bao giờ hết. Tối lại anh được nằm giữa hai người. Cha ôm anh, còn mẹ hôn trơ trất lên hai cha con trong tiếng cười trẻ thơ của ngày ấy.

    - Anh Trường ! - Châu Hà lay nhẹ Thiên Trường.

    Anh sực tỉnh, cười bối rối :

    - Xin lỗi ! Để anh kể tiếp. Mẹ anh tính cương quyết lại thông minh, tài hoa. Yêu cha bất chấp mọi kỷ luật pháp lý. Vậy là họ lấy nhau, sống lén lút. Sau này mỗi khi cha anh một mình uống rượu, lúc say thường kể anh nghe, hồi ấy ông vừa sung sướng, vừa đau khổ, vì sự hy sinh vô hạn của mẹ anh.

    Châu Hà buồn xịu mặt :

    - Bác gái chắc bị kỷ luật không cho làm việc ?

    Thiên Trường chậm rãi gật đầu :

    - Hồi mẹ anh có thai, người ta biết con ai nhưng không đủ chứng cứ kết tội cha, vì mẹ cương quyết nhận hết. Mẹ bị khai trừ ra khỏi đoàn, bị đình chỉ công tác vĩnh viễn. Mẹ anh về nhà, nương náu bà ngoại. Ngoại nuôi không phiền trách nhưng thường mắng cha anh thậm tệ.

    Châu Hà dẩu môi :

    - Bác trai không xứng đáng với bác gái.

    - Châu Hà ! - Khánh Hòa nhíu mày nhắc em.

    Cô gái vẫn bướng bỉnh :

    - Nếu là em, em bỏ tất cả. Vì hạnh phúc một đời sao lại ngần ngại hy sinh…

    - Châu Hà ! - Thiên Trường rầy em - Đã 30 năm rồi, lúc ấy đâu như bây giờ.

    - Vậy sao bác gái hy sinh được, còn nuôi anh Trường đàng hoàng ?

    Thiên Trường ngậm ngùi :

    - Là nhờ tài năng của mẹ, người ta không thể kỷ luật mẹ mãi, vì tay đàn tranh của mẹ thuở ấy vang dội khắp năm châu. Bà đã được nhiều giải của các nước trên thế giới. Cuối cùng mẹ anh trở lại với âm nhạc, với quần chúng nhân dân, nhưng trong tình yêu bà vẫn phải chịu điều bất công ấy cho tới ngày nhắm mắt.

    Khánh Hòa thấy nỗi đớn đau xưa như trở lại trong Thiên Trường dù anh cố dấu đi. Trong giây phút anh thấy cảm thông với người anh chú bác vô cùng, đó là sự thiêng liêng về máu thịt không gì phủ nhận. Sự xa cách vô hình biến mất trong Khánh Hòa. Bây giờ Thiên Trường thật gần gũi thân thương.

    Khánh Hòa choàng tay qua vai anh siết chặt :

    - Anh kể hết tụi em nghe đi.

    - Mẹ anh chết khi anh lên 10, cuộc cách mạng văn hóa của bè lũ Giang Thanh đã giết chết bà chứ không là thứ tình yêu bà chờ đợi qua nhiều năm tháng. Anh nhớ đem ấy, bà đã yếu lắm vẫn ôm chầm anh trong tay mắt hướng ra cửa đợi cha anh về và rồi … Người đàn ông như cơn lốc lao vào quỳ xuống bên giường :

    - Tưởng Bình ! - Người đàn ông gào lên.

    Ánh mắt muốn khép lại của người thiếu phụ chợt bùng lên rạng rỡ :

    - Ôi ! Anh yêu, anh đã về kịp lúc.

    Bàn tay xanh gầy của người thiếu phụ đan lên tóc chồng, để rồi thấy mái đầu bạc trắng. Bàn tay cứng lại, vì thân thể nàng run lên :

    - Tóc anh vì em đã bạc hết rồi. Ôi anh ! Sao cứ tự chuốc khổ cho mình.

    - Tưởng Bình ! Dù phải rưới hết máu tim, anh vẫn không ngại, em hãy gượng lên vì con, vì anh đi em. Tưởng Bình ! Anh van xin em !

    Người thiếu phụ thoảng nụ cười xa xăm, vẫy con trai đang nép mình vào một góc lại gần. Nàng lau nước mắt cho con bằng bàn tay gầy nhỏ, dịu dàng dặn dò con :

    - Thiên Trường ! Mai này mẹ không còn ở gần con, con phải biết tự lo cho mình và hiếu thuận với cha.

    - Mẹ ơi ! Mẹ chết rồi chừng nào về với con ?

    - Yên nào, nghe mẹ dặn tiếp. Con phải can đảm, quả quyết đừng để ai thương hại hay bắt nạt mình. Phải luôn đạt mục đích mình chọn, dù gian khổ thế nào và phải hứa với mẹ trở thành một người chân chính.

    - Con hứa !

    Người mẹ ôm con vào lòng, dịu dàng hôn lên trán, lên má thủ thỉ :

    - Mẹ biết con luôn xứng đáng là con trai của cha và mẹ. Con ơi ! Hãy hứa thêm với mẹ một điều. Dù ngày sau vĩnh viễn con không nhìn thấy mẹ, thì hãy cứ vui tươi mang hình bóng mẹ trong tim cùng cha đi hết đoạn đường đời.

    Thằng bé òa khóc :

    - Mẹ ơi ! Mẹ nói con không hiểu gì cả.

    Người mẹ khép rèm mi dấu giọt lệ buồn :

    - Con không cần hiểu, chỉ cần nhớ thôi, lớn lên hiểu cũng chẳng muộn gì.

    Thằng bé mang máng hiểu một điều, nó sắp bất hạnh. Lần này mẹ ốm không như những lần trước, lúc ngồi dậy được, đàn cho cha và nó nghe. Khi cha cài hoa lên áo mẹ, mẹ cười đẹp như cô tiên. Lần này mẹ ốm rất lâu và lần đầu tiên nó thấy cha mẹ khóc. Năm nó học lớp 4, dường như nó hiểu rõ ràng ý nghĩa 4 chữ «THIÊN THU VĨNH BIỆT».

    Nó vụt gào lên lay cha nó rất mạnh :

    - Cha ơi ! Nói mẹ ngồi dậy đi, ngồi dậy đàn cho cha và con nghe như lúc trước.

    Người mẹ lau nước mắt cho con và rất dịu dàng :

    - Thiên Trường ! Đừng khóc nữa con. Mẹ ngồi dậy đây, mẹ đàn con nghe nhé !

    Thiếu phụ lả người trong tay chồng, từng bước đến bên chiếc đàn. Từng giọt long lanh rơi trên phím tơ chùng, tay nàng run rẩy vuốt ve đàn. Người đàn ông tan nát cả tâm hồn :

    - Tưởng Bình !

    - Em đàn cho anh và con nghe nhé !

    Đứa con như ngày nào nghiêm trang đến ngồi bên mẹ. Người thiếu phụ lướt tay trên dây đàn và bất chợt cất tiếng não nùng theo âm thanh tuôn tràn như thác đổ :

    «Tình giờ đã xa theo tiếng khóc loài Đỗ quyên trong đêm.

    Hồn giờ nát tan theo tiếng than buồn nước non trong đêm.

    Biệt ly, nhớ chăng ngày nào hai ta quen nhau trong đêm.

    Lệ này khóc thương quê hương, hay cho tình xa vấn vương.

    Trăm năm tình em gởi chàng. Thiên thu lòng dâng nước non.

    Chia tay, tiếng hát thay câu tạ từ. Ôm con nghẹn ngào chúc lời mai sau.

    Trời sầu đổ mưa, mưa tuôn rơi trong chiều thu, luyến lưu.

    Người buồn, hát câu, câu ca dao đầu đông xưa luyến lưu.

    Anh về nhìn em, tóc trắng theo đàn xưa luyến lưu.

    Gọi hồn nước non đưa em đi, xin đừng thương tiếc chi».

    oOo

    Tiếng hát Thiên Trường thê thảm hơn tiếng khóc, Châu Hà đầm đìa nước mắt ôm lấy anh :

    - Anh Trường, khóc đi anh, cho nhẹ lòng.

    Người trai Trung Hoa lắc đầu lời thốt ra thăm thẳm buồn :

    - Không ! Anh đã cạn nước mắt từ đêm ấy, cái đêm mẹ ra đi, để lại trong tim anh lời hát ly biệt. Với niềm đau mất mẹ tuổi lên 10. - Thiên Trường đứng lên - Và từ ấy anh luôn tươi cười, lạc quan theo lời mẹ, mấy ai biết Thiên Trường … - Chàng trai bỏ lửng câu nói, nhẹ thở dài , choàng tay qua hai em - Anh đăng ký chuyến bay rồi, ngày mốt anh đi.

    Hiểu anh đã quyết định, Khánh Hoà đưa mắt cho Châu hà rồi choàng vai Thiên Trường quay lại. Cả ba đi xuống lầu và sững sờ khi nhìn thấy ông bà Hưng và ông Tấn đứng lặng từ bao giờ. Người cha mắt nhạt nhòa, môi run run :

    - Con ! Con vẫn nhớ bài hát ấy. Con còn oán hận cha ?

    Thiên Trường im lặng. Một lúc anh bước lại ôm cha và nói thật nhẹ nhàng :

    - Không đâu cha. Con nhớ vì luôn trân trọng mối tình cha mẹ. Con nhớ ngày xưa ấy mẹ thật hạnh phúc với tình yêu của cha.

    Sáu con người, cả tóc bạc, tóc xanh chia làm hai nhóm. Châu Hà tựa đầu vào vai mẹ, Khánh Hòa choàng vai cha. Cả bốn nhìn hai cha con Thiên Trường ôm nhau mà nghe mí mắt cay xè.

    Hoàng hôn đã tắt, màn đêm phủ lên bầu trời màu đen xám, vài vì sao lác đác, khi sáng khi mờ tỏa lấp lánh. Bà Hưng nhìn lên, lòng thầm cầu nguyện cho hai cha con có ngày mai hạnh phúc.

    Một vì sao băng, lòng người mẹ vụt nhói đau nhớ tới người con từ lâu không còn nữa. Quảng ơi !

    oOo

    Với Khánh Hòa thời gian chờ đợi dài vô tận, thấp thoáng vài bóng áo dài, nhưng chẳng phải chiếc áo trắng trên vóc dáng mảnh mai quen thuộc. Búng tàn thuốc vào gốc cây, Khánh Hòa rời xe đi qua đi về cho đỡ sốt ruột.

    Hôm nay lần đầu tiên anh đón Hiền, lần đầu tiên anh sẽ nói chuyện với Hiền về tương lai. Khánh Hòa thẩn ra nghĩ ngợi, anh sửng sốt về điều mình vừa phát hiện. Trời đất ! Té ra họ yêu nhau đều qua Châu Hà. Từ ngày anh đến nhìn Hiền, rồi đi tới giờ, họ chưa hề hẹn hò nhau, chưa hề nói yêu nhau, tất cả đều do Châu Hà «Anh đừng đến trước cửa nhà chị Hiền nữa, chị nói với em, nghe tiếng xe anh, chị như mất hết hồn vía, không làm sao học thi được. … anh yên chí đi, em đã rào vườn, khóa cổng dùm anh rồi … Ngày mai chị Hiền đi trình luận án ra trường, anh đến đưa chị đi…». Hôm ấy anh không đến đưa Hiền đi, vì công việc, vì lo cho Châu Hà. … Ôi ! Bao nhiêu việc, cho tới nay …

    Trời ơi ! Mình cũng không đưa Hiền đi, giờ đón về phải nói sao đây ?

    Chàng trai lo sốt vó, tự trách «Có phải mình dở hơi, ngớ ngẩn không ?»

    - Anh Khánh Hòa !

    Khánh Hòa sực tỉnh, Hiền đứng trước anh trong chiếc áo trắng muôn thuở, tay cô cầm một phong bì hồ sơ lớn. Thấy Khánh Hòa ngẩn ra, Hiền thoáng lo lắng :

    - Anh sao vậy Châu Hà gặp chuyện gì à ?

    Khánh Hòa lắc đầu ngượng ngùng :

    - Anh cùng gia đình đưa Trường ra sân bay xong, Châu Hà nói anh tới đón Hiền.

    Cô gái hạ rèm mi xuống đất :

    - Thế Châu Hà đâu ?

    - Nó đi với Hành.

    Họ không biết nói gì nữa. Khá lâu Hiền ngước lên nói :

    - Hiền lấy xong bằng tốt nghiệp rồi.

    Khánh Hòa hớn hở :

    - Cho phép anh mừng Hiền bằng một món quà tặng chớ ?

    Hiền lắc đầu :

    - Không cần đâu, anh về nhà Hiền ăn bữa cơm là Hiền vui rồi.

    Khánh Hòa thấy trong lời nói cô gái không chút giận buồn gì, anh yên tâm nói :

    - Hôm nay anh rảnh, lại được ăn cơm với Hiền, ngày nay với anh có nhiều điều đáng nhớ quá.

    Anh nổ máy xe, Hiền không chút ngượng ngùng ngồi lên, xe lao vút đi như chia niềm vui với chủ. Cho tới khi về nhà, hai người không nói với nhau câu nào.

    Bước vào cửa, cả hai trố mắt khi thấy Châu Hà lăng xăng bên bàn chất đầy thức ăn. Ông Thường và mấy đứa nhỏ ngồi với Hành chuyện trò rộn rã. Thấy hai người, Châu Hà reo lên :

    - Anh Hai, chị Hai về, hoan hô !

    Khánh Hòa liếc Hiền, cô chỉ hơi đỏ mặt, môi thoáng nụ cười :

    - Châu Hà ! Hai bác bên nhà nghe được không hay đâu.

    Hiền chào Hành, mắt nhìn anh cố dấu vẻ tò mò. Khánh Hòa chào ông Thường xong bắt tay Hành hỏi :

    - Cậu không về bên Tòa Đại sứ à ?

    Hành cười nhẹ, lắc đầu. Cả nhà xúm nhau chúc mừng Hiền. Châu Hà liếng thoắng :

    - Mừng chị Hai ra trường, bé lục lạc đích thân xuống bếp. Nào ! Mời bác, mời tất cả vào bàn.

    Tất cả vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Hành ít hiểu về quan hệ giữa Khánh Hòa và Hiền, anh nghe Châu Hà một điều chị Hai, hai điều chị Hai, ngỡ rằng hai gia đình đã đi tới, nên giữa lúc ăn khen Khánh Hòa :

    - Cô Hiền với anh thật xứng đôi, chúc mừng hai bạn.

    Hành thấy cả hai ngượng ngùng nhìn ông Thường rồi cúi mặt thì ngỡ ngàng.

    - Xin lỗi !

    Châu Hà trợn mắt :

    - Anh nói đúng còn xin lỗi gì ? Anh Hai ! Có bác Thường ở đây anh thưa một tiếng rồi về nói mẹ qua. Anh 30 tuổi rồi, còn chờ tới bao giờ ?

    Bữa cơm trở nên lặng ngắt như tờ, Khánh Hòa bối rối :

    _ Anh … Anh … chưa nói với … Hiền.

    Châu Hà nhảy nhổm :

    - Chưa nói ! Ôi Trời ! Anh đợi chị Hiền già chắc ? Nói đi, nói lẹ đi.

    Thật là cảnh tượng ngộ nghĩnh. Khánh Hòa dở khóc dở cười. Ông Thường lắc đầu vẻ hết nói nổi với Châu Hà, nhưng trong lòng ông cũng nôn nóng chờ Khánh Hòa ngỏ lời.

    Châu Hà lại la lối :

    - Sao ! Giờ anh có nói không ? Hay đợi em thay mặt mẹ nói dùm anh ?

    Hết nước nói, Khánh Hòa đổ bực :

    - Ai mượn em !

    Chàng quay sang Hiền :

    - Hiền có bằng lòng để anh thưa chuyện với ba không ?

    Hiền nhìn xuống đất :

    - Anh nói đi.

    Khánh Hòa thở phào. Ôi ! Có cuộc tình nào như của anh không nhỉ ? Anh chưa cho phép mình đóng vai người yêu ngày nào. Con bé thật quái quỷ ! Khánh Hòa đứng lên, anh ngại ngùng, nhưng cũng phải nói :

    - Thưa bác ! Nếu bác không phản đối cháu xin phép bác đưa mẹ cháu đến thưa chuyện hôn nhân của cháu với Hiền.

    Ông Thường vụt ứa nước mắt. Liệu trên đời có ai may mắn như ông. Thân gà trống nuôi con bao năm, giờ được Phật Trời xót thương ngó lại, còn mong gì hơn.

    - Con tôi được cậu ngó lại là phước phận của nó.

    Châu Hà nhảy lên, tiếng lục lạc reo vang, cô cũng reo vang :

    - Bé lục lạc làm bà mai ngon lành.

    Cả nhà cười ồ và cười mãi cho đến lúc cô gái bắt anh Hòa ở lại, còn cô vô tư nắm tay Hành chạy tung tăng ra ngõ, vừa chạy vừa nói :

    - Đi ăn kem, anh Hành trả tiền.

    Mười phút sau cả hai đã đến tiệm kem. Cô gái hồn nhiên ăn hết hai cốc kem đủ màu, vừa ăn vừa kể chuyện tình không một lời tỏ tình hay hò hẹn của anh mình, kể xong cười khanh khách. Hành vui theo :

    - Châu Hà ! Cô vui vẻ tôi mừng lắm.

    Cô gái nín cười chớp mắt, cô gặp ánh mắt Hành đầy thương mến, chợt nghe lòng ấm niềm vui, cô thổ lộ :

    - Anh Quyền luôn đem lại em niềm vui tiếng cười, nhưng sao gặp anh mới thật sự thấy thanh thản.

    Hành tránh ánh mắt Châu Hà bằng cách châm thuốc hút. Cô gái lại nói :

    - Sao anh chẳng khi nào kể chuyện anh cho Châu Hà nghe.

    Hành lẳng lặng gọi người tính tiền. Châu Hà dẩu môi :

    - Nghỉ chơi với anh.

    Cô giận dỗi ra chỗ để xe, Hành ra theo, thấy cô phụng phịu anh nói nhỏ :

    - Chuyện tôi có gì đâu mà kể.

    Chưa lúc nào cô gái nhìn kỹ chàng trai Trung Hoa và bây giờ cái nhìn chầm chập của cô khiến Hành đỏ mặt.

    - Châu Hà làm sao thế ?

    - Hà vừa thấy sự khác nhau giữa anh và anh Quyền.

    - Người thì đâu ai giống ai !

    Cô gái vô tư lắc tay Hành :

    - Em nói về cái tâm, anh đến với những đứa trẻ bất hạnh bằng cả tấm lòng. Còn anh Quyền…

    Sực nghĩ nói xấu người khác khi họ vắng mặt là không tốt, Châu hà bỏ dở câu nói, cương quyết kéo tay Hành đi :

    - Mình đi qua trường.

    Hành gật đầu nhưng Hà có cảm giác anh đứng lại rời vội tay cô. Cô trố mắt định nói, chợt sực nhớ, cô nóng ran cả mặt, màu trắng trên má chuyển hồng. Cô gặp ánh mắt Hành nhìn rất lạ, ánh mắt ấy đã một lần rồi cô bắt gặp, nó không thiêu cháy cô nhưng như chất men vô hình khiến cô xao xuyến, bâng khuâng. Có lẽ nào lời Quyền nói là sự thật ? Không ! Không đâu …

    Hành ngẩn người khi cô gái lắc đầu lia lịa, mặt đỏ bừng lên như thẹn thùng. Hành biết hay không những ý nghĩ trong Châu Hà ? Điều đó chẳng ai hiểu nổi, nhưng với Châu Hà anh luôn tế nhị :

    - Châu Hà có cần về nhà thưa hai bác không ?

    - Đến trường đã.

    Cả hai về đến trường đã quá nửa chiều và chết lặng khi Thân «dấm đài» báo tin tối qua thằng Thiện trốn trường.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 12

    Hành không đọc được chữ nào trong tờ báo dù mắt vẫn nhìn vào đó chăm chú. Người cha uống đến chung trà thứ ba, thỉnh thoảng nhìn anh như muốn nắm bắt mọi ý nghĩ trong đầu đứa con nuôi đang rất thương mến. Có chuyện gì rồi ! Dù gương mặt trai trẻ thầm lặng của Hành không lộ vẻ gì, nhưng trực giác cho ông biết nó đang lo lắng. Chuyện Thiên Trường chăng ? Không ! Hay từ cô bé đeo lục lạc ấy ? Con trai ta hình như không vô tình với nó. Người cha có chút lo lắng âm thầm. Ông vờ ho nhẹ.

    Hành buông tờ báo ngay :

    - Thưa cha ! Có chuyện gì chăng ?

    - Câu đó để cha hỏi con.

    Hành đi qua ngồi bên cha nuôi :

    - Cha muốn nói về Thiên Trường và nhà họ Lý ?

    Người cha lắc đầu :

    - Hôm qua ông Lý Tấn có tới gặp cha, cùng đi có Thiên Trường, sau đó đại sứ tiếp chuyện họ khá lâu, theo cha mọi việc đều tốt đẹp.

    Hành mân mê tách trà, anh đã hiểu cha nuôi muốn hỏi gì.

    - Con đang lo cho thằng bé bên trường Tương Lai, nó bị nhóm người bán xì ke tìm giết và đã dại dột trốn trường đêm qua. Nó mới 10 tuổi.

    - Điều con lo lắng hơi thừa.

    Tim Hành thắt lại, anh nhớ tới đôi giọt nước mắt trong veo trên má Châu Hà, nhớ cái nắm tay bé xíu của thằng Thiện dành cho anh đầy tin cậy.

    - Thưa cha ! Tình người đối với người lúc nào cũng thiếu, nỗi đau tuổi thơ con chẳng nghĩa gì với nỗi khổ của thằng bé hôm nay.

    - Con muốn giúp nó bằng cách nào với ba năm học còn lại của mình ?

    Hành cau mày :

    - Châu Hà hứa lo, nhưng con phải tìm ra thằng bé trước bọn kia. Con xin phép cha được vắng mặt vài hôm.

    Có nét đăm chiêu nhưng người cha vẫn gật đầu :

    - Cha sẽ thu xếp với đại sứ, nhưng con phải cẩn thận, xảy ra chuyện không hay, con khó có điều kiện tiếp tục học ở Việt Nam.

    - Dạ ! Thưa cha. - Hành không dấu vẻ vui mừng lẫn nôn nóng, anh đứng lên :

    - Con xin phép đi.

    Hai cha con đi với nhau ra đến tận cổng. Hành cúi đầu thật thấp khi từ giã, khi ngẩng lên, tiếng xe nổ lớn và ánh đèn rọi ngay mặt anh, cùng tiếng gọi hối hả :

    - Anh Hành !

    Quyền từ xe phóng xuống, phía sau là Khánh Hòa, đang dựng chiếc Dream. Quyền không kịp chào người cha, nắm tay Hành giật giật :

    - Châu Hà đâu ?

    Hành trừng mắt :

    - Cô ấy không về nhà ?

    Khánh hòa kịp tới, anh cố điềm tĩnh chào ông bí thư :

    - Cháu chào bác.

    Hành ghìm lo lắng chận câu hỏi Khánh Hòa :

    - Anh đã qua xí nghiệp chưa ? - Thấy Khánh Hòa gật đầu, Hành lại hỏi - Qua cửa hàng cung cấp vật tư chưa ?

    Quyền nóng nảy :

    - Tìm hết rồi, cô ấy biến mất.

    Người cha cau mày xen ngang :

    - Biến mất là thế nào ? Các cậu bình tĩnh đi.

    Khánh Hòa bồn chồn :

    - Châu Hà chưa bao giờ rời nhà ban đêm một mình, lúc chiều nó về rồi đi ngay, ba cháu lại mất số tiền lớn.

    Hành cắn môi :

    - Đừng lo quá ! Ta chia nhau tìm cô ấy. Số tiền ấy chắc Châu Hà nghĩ sẽ mua được sự an toàn cho thằng Thiện.

    Anh nhìn cha :

    - Cha vô nghỉ, chuyện này chúng con lo được.

    Người cha gật đầu :

    - Con phải thận trọng.

    Ông đi khuất, Khánh Hòa hỏi Hành :

    - Thiện là ai ?

    Hành dắt xe, nổ máy :

    - Ra Bến Thành tìm thử, tôi sẽ kể anh nghe.

    Đoạn đườngng đi với họ thật dài, Hành ruột gan như lửa đốt, tự trách mình : «Hành à ! Đáng lẽ mày phải hiểu tính cô ấy, có bao giờ chịu đợi ngày mai. Khi biết thằng Thiện gặp hiểm nguy. Nếu mày nghe lời đi theo cô ấy, thì đến nỗi gì giờ phải lo âu ? Cầu trời cho bọn kia chưa tìm ra Thiện.»

    Ba chiếc xe vòng quanh công viên trước Bến Thành mấy lần vẫn không thấy bóng dáng Châu Hà, Khánh Hòa sốt ruột dựng xe xuống lề, gắt hỏi Hành :

    - Thiện là ai hả ?

    Hành kể nhanh câu chuyện, Khánh Hòa tái nhợt mặt :

    - Anh có điên không ? Sao lại để em tôi dính vào chuyện này chớ ? Trời ơi ! Chúng sẽ hại nó không trừ thủ đoạn nào.

    Hành thấy mặt Quyền như toé lửa, Khánh Hòa như điên dại, vẫn nhỏ nhẹ :

    - Cô ấy hứa với tôi về nhà, còn hẹn sáng mai đi tìm, tôi mới yên tâm ra về, không ngờ …

    Khánh Hòa bứt tóc, Quyền hối hả :

    - Báo công an ngay !

    Hành chận lại :

    - Tôi nghĩ mình vòng xuống chợ Cũ tìm một chút, bọn kia chẳng phải trùm nhóm to lớn gì, chưa chắc tìm được thằng thiện đâu.

    Cả ba phóng đi, Quyền gầm gừ như cọp :

    - Tôi mà gặp chúng sẽ bẻ cổ hết.

    Một chiếc xe phóng ngược đường vội quay lại rượt theo ba người gọi :

    - Hành ! Quyền !

    Họ dừng xe lại thì thấy Lực, anh Quyền :

    - Ba người chạy đâu mà hối hả vậy ?

    - Tìm Châu Hà ! - Cả ba đều nói.

    Lực nhướng mày :

    _-Tìm bé Lục Lạc ? Cô ấy mới từ nhà tôi về.

    Khánh Hòa mừng đến nhảy nhổm :

    - Châu Hà đi hướng nào ?

    Lực ngạc nhiên :

    - Cô ấy về nhà mà, có hẹn 8g mai xuất phát lực lượng.

    Hành hiểu ngay Châu Hà làm những gì trong thời gian qua, anh nói Khánh Hòa :

    - Ta về gặp cô ấy đi.

    Họ chia tay Lực, phóng xe về nhà đã thấy Châu Hà ngồi đối diện với vợ chồng ông Hưng và ông Tấn, gương mặt nhạt nhòa nước mắt. Cô nhào vào tay Khánh Hòa mếu máo :

    - Anh Hai !

    Khánh Hòa thở dài, anh chẳng thể nào giận em gái. Từ ngày Quảng chết đi, mọi tình thương anh dành hết cho Châu hà. Nó rất ít khi rơi nước mắt, nó là niềm vui, nụ cười của nhà họ Lý. Khánh Hòa vuốt tóc em gái dỗ dành :

    - Nín đi, ba mẹ la đúng mà, em làm cả nhà lo chết được.

    Cô gái quẹt nước mắt :

    - Em có để giấy lại ở bàn, nói tối về mà.

    Bà Hương lần đầu tiên nghiêm khắc với con gái :

    - Không nói lôi thôi, mẹ cấm con dính vào chuyện này. Tiền mẹ có thể cho, nhưng con đi ngoài đường lang thang ban đêm tuyệt đối không được.

    Châu Hà ấm ức :

    - Con không đi ban đêm, còn ban ngày mẹ đừng cấm con.

    Bà Hương cau mày, Châu Hà lật đật cầu cứu cha :

    - Ba ! Con đi tìm thôi mà, bọn lưu manh làm gì biết con tìm ai.

    Ông Hưng ngần ngừ :

    - Con nói số tiền ấy dùng thuê người tìm rồi mà, con đâu có cần gì.

    Châu Hà giậm chân :

    - Ba ! Con đi cùng anh Quyền, anh Hành ba lo gì chớ ?

    Thấy con rớm nước mắt, ông Hưng thở ra nhìn vợ :

    - Em à ! Thật ra nếu nó không đi ban đêm thi chẳng sao, miễn có Quyền đi với nó là được rồi.

    Bà Hương làm thinh. Xưa nay trước mặt mọi người bà cũng để chồng có tiếng nói quyết định, dù cưng con và lo lắng, bà vẫn tỏ ra thản nhiên. Thấy Quyền đăm đăm nhìn Châu hà, bà hỏi :

    - Quyền cũng đi tìm thằng bé à ?

    - Dạ ! Rất nhiều người đi tìm nó, bác à ! Cháu sẽ đi với Châu Hà, bác yên tâm. - Quyền nói nhanh.

    Bà Hương thấy Khánh Hòa ôm vai em gái vẻ thương yêu không phản đối, thì có vẻ suy nghĩ. Khá lâu, bà đứng lên :

    - Ba con cho phép, mẹ cũng không cản, nhưng …

    Bà chiếu tia mắt lần lượt vào Hành và Quyền rồi nói tiếp :

    - Châu Hà có chuyện gì tất cả phải chịu trách nhiệm với tôi.

    Quyền không ngần ngừ :

    - Dạ ! Bác yên tâm.

    Hành làm thinh. Ông Tấn nãy giờ ngồi làm người chứng kiến, chợt xen vào câu chuyện, ông nói với Hành bằng tiếng Hoa :

    - Hành à ! Thiên Trường nhờ con chăm sóc Châu Hà, con hứa rồi nhé, con đừng để nó gặp chuyện không may.

    Hành bối rối khi ánh mắt bà Hương nhìn anh rất sắc rồi anh nói nhỏ :

    - Cô ấy chẳng thiếu người chăm sóc, bác đừng lo.

    Ông Tấn muốn nói nhưng lại thôi, em dâu ông chẳng tỏ rõ quan điểm mình về chuyện ấy rồi sao. Chỉ tội cho tuổi trẻ, tình yêu đích thực thường nhiều đắng cay.

    Ông Tấn theo bước chân em dâu lên lầu. Ông Hưng còn nán lại dặn dò :

    - Bé lục lạc ! Con phải ngoan nhé, nếu không ba chẳng thể chịu trách nhiệm trước mẹ con.

    Châu hà ôm đầu, cô ấm ức vì thấy chuyện có quan hệ gì đâu chớ, mà ai cũng như làm cô chết đi không bằng. Cô nói lớn :

    - Ba ơi ! Coi như con đi dạo phố hàng ngày thôi mà.

    Thấy cha định nói nữa, Châu Hà vụt lộn người một vòng, cô đã đứng ở thang lầu, làm mặt khỉ như trêu cha, xong cô nói trống không :

    - Mai phải chờ người ta tới mới đi à nghe.

    Hành, Quyền ai cũng nghĩ cô đang nói với mình. Trong khi cô biến mất thì Quyền tươi hơn hớn từ biệt mọi người ra về. Hành ngỏ ý với Khánh Hòa muốn gặp ông Tấn một chút.

    Nửa giờ sau ông Tấn tiễn anh về bằng vẻ mặt trầm tư buồn bã.

    oOo

    Mười giờ đêm hương hoa sứ thoảng vào phòng nhưng chẳng ai buồn để ý. Tài khoanh vòng tròn miệt cầu chữ Y, chỉ Hành nói :

    - Khu này giao cho anh và nhóm bạn nhỏ Châu Hà.

    Hành gật đầu. Tài buông bút ngồi xuống, bưng ly nước lọc uống cạn, xong thở khì nói :

    - Hy vọng trong ngày mai tìm ra nó, nếu không qua thứ hai, tất cả đi làm thì gay go.

    Cả bốn gật gù đồng ý, Thế có vẻ đăm chiêu đưa ý kiến :

    - Em nghĩ báo công an nữa thì hay hơn.

    Hành từ tốn nói :

    - Anh Dũng nói sẽ cho mấy đội viên theo mình tìm, mấy em nầy rành đường phố có đám trẻ sống lề đường.

    Tài che miệng ngáp chỉ tay vào bản đồ :

    0 Yên chí đi, công an đã khoanh vùng thì không trật, tám mươi phần trăm tìm ra nó.

    Tài, Lực, Thế vỗ vai Hành đi về phòng ngủ. Hành không ngủ, anh châm thuốc đến tựa vào cửa sổ nhìn ra trời đêm, lung linh trong mắt anh một dáng nhỏ xanh xao, lầm lũi len lỏi trong những xóm nghèo lầy lội. Tâm trạng Hành nặng nề, hình ảnh thằng Thiện hôm nay và anh của ngày xưa có khác gì. Ôi Thiện ! Em khờ dại quá !

    Hành quay lại khi nghe tiếng động, anh ngỡ ngàng thấy mẹ Tài, bà Thục thong thả đi lại :

    - Con lo cho thằng bé à ?

    Hành nắm tay bà đến ghế ngồi :

    - Bác phải nghỉ sớm, lo cho chúng con làm gì.

    - Châu Hà thương thằng bé lắm hả con ?

    Hành lúng túng :

    - Con nghĩ bất cứ đứa trẻ nào trốn trường, Châu Hà đều lo bác ạ.

    - Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng gặp hiểm nguy.

    Hành rùng mình, anh buột miệng :

    - Không, con nhất định bảo vệ nó, chúng con sẽ tìm ra nó trước bọn chúng.

    Bà Thục tặng Hành ánh mắt từ ái :

    - Thằng bé may mắn làm sao biết được con và Châu Hà.

    Hành cười buồn, nhè nhẹ lắc đầu :

    - Với tình thương hai người không đủ bác ạ, anh Tài, anh Lực và Thế cũng thương nó lắm nhưng nó cần cả xã hội quan tâm.

    Người mẹ thở dài :

    - Thương người thuộc bản tính, con bác không xứng đáng với Châu hà, con đừng nghĩ ngợi gì, một ngày không xa cô bé sẽ hiểu, cháu mới …

    - Thưa bác ! Ba năm nữa con về lại quê hương, Việt Nam với con trở thành kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên.

    Hành ôm tay bà Thục nói nhỏ thiết tha :

    - Con sẽ nhớ nơi đây mình có thêm một bà mẹ bao dung, từ ái. Mẹ ! Con đưa mẹ về ngủ, đã khuya rồi.

    Mắt người mẹ long lanh thoáng ướt, môi già nua lại rạng một nụ cười. Một già, một trẻ nhìn nhau thôi không nói thêm điều gì, nhưng họ hiểu rõ lòng nhau.

    Hành đưa bà Thục về rồi trở về phòng ngồi mãi. Anh không ngủ, mắt đăm đăm nhìn vào đêm tối, thấy như Châu Hà cùng thằng Thiện nắm tay nhau tung tăng trên con đường.

    Người thanh niên Trung Hoa chợt ứa nước mắt. Đôi giọt lệ trong veo thần thánh ấy anh dành cho đứa trẻ tội nghiệp hay cho cô gái đeo lục lạc, mỗi anh hiểu được mà thôi.

    oOo

    Sài Gòn nắng mưa bất chợt, cơn mưa chiều ập tới ghìm bước chân hai người trẻ tuổi và một lô nhóc ở chân cầu chữ Y. dưới chân cầu chữ Y như một khu chung cư dành cho những người không gia đình, những trẻ lang thang, cả đám Pêđê và những người nghiện ngập.

    Mấy đứa nhỏ đã thanh toán hết những đĩa bánh cuốn, chúng lau sạch miệng bằng ống tay áo, uống sạch bình nước trà xong vỗ bụng la toáng :

    - Đi tìm nữa chị Hà.

    Châu hà đứng bên Hành, tay khoanh trước ngực nhìn mưa tuôn bằng vẻ mặt cau có, cô không nghe thằng Cầu gọi. Hành nhìn đồng hồ rồi nói :

    - Anh nghĩ không cần, bà bán bánh mì nói độ 5g chiều sẽ về đủ mặt để chuẩn bị «đi làm» ca tối, mình chỉ cần chờ ở đây.

    Châu Hà ngoảnh mặt :

    - Có chắc nó không anh Hành ?

    - Tôi không rõ, bà bán bánh mì nói hôm nay có thằng nhỏ mới tới, mình chờ xem.

    Châu Hà mím môi quyết định :

    - Cầu, Liên ! Hai em và bạn về đi kẻo ở nhà chờ, sáng mai gặp lại, nếu gặp bác Sáu nói có tin gì cứ nhắn lại.

    - Chị chưa về sao ? - Thằng Cầu hỏi và nhắc - Chị về trễ như bữa nọ là sóng gió nổi lên à nghe.

    Ý thằng Cầu nói chuyện hai hôm trước, Châu Hà nghe có đứa nhỏ bị người ta rượt đuổi chạy a qua đường bị xe đụng, ngờ là thằng Thiện. Cô từ khu Nhà Bè phóng thẳng đến bệnh viện Chợ Rẫy. Cô về trễ và ở nhà bà Hương đã đổ hết lo âu giận dữ lên mọi người trong nhà, rồi cấm không cho Hà đi nữa. Châu Hà phản đối bằng cách «tuyệt thực». Cuối cùng, Khánh Hòa phải đưa Hiền đến dỗ dành và xin bà Hương dùm cho Châu Hà, hứa không bao giờ về trễ nữa.

    - Chị chờ thêm mười phút nữa thôi. Yên tâm về đi.

    Con Liên, thằng Cầu và đám bạn lang thang ở ngã Năm Chuồng Chó của thằng Cầu liền chào hai người rồi che nhau bằng hai tấm nylon, vừa đùa giỡn, vừa rảo bước chân đi. Hành dặn với theo :

    - Không được đi chơi nữa, phải về nhà ngay đó.

    Anh nhìn lại Châu Hà, cô như chìm vào suy tư, dù đôi mắt to tròn nhìn mưa rơi. Ánh mắt trong veo ngày nào, giờ đây lo âu buồn bã. Hành nén tiếng thở dài, gần một tuần rồi, hôm chủ nhật có anh em Tài và một số học sinh ở Tương Lai chia nhau đi tìm. Còn sau đó chỉ có nhóm Quyền, nhóm anh và Châu Hà. Họ đi nát hết mấy khu ổ chuột trong và ngoài thành phố mà thằng Thiện vẫn bặt tăm. Quyền tỏ ra nản chí cứ khuyên Châu Hà đừng bỏ công sức vô ích, cô nổi giận bỏ nhóm anh qua đi với Hành hai hôm nay. Thật ra họ chỉ gặp nhau buổi sáng và lúc về, còn khi đi tìm thì hai người hai ngã. Châu Hà không nản chí, nhưng mối lo âu trong lòng cô cứ tăng dần, nhất là lúc sáng khi gặp Quyền, anh nói thẳng :

    - Có thể tụi kia bắt nó giết rồi, em tìm làm gì.

    Hành thấy lúc ấy cô tái mặt và cả ngày hôm nay cô nóng nảy bồn chồn.

    Người đàn bà bán bánh mì dưới chân cầu chữ Y trùm áo mưa chạy lại hối hả :

    - Thằng đó nó về rồi, mau lại coi phải không ?

    Mưa vẫn như trút nước, Châu Hà bất kể chạy theo bà bán bánh mì. Hành than trong lòng, anh sợ cô ngã bệnh.

    Đám người vô gia cư có khoảng 30 người đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Họ ngồi xúm xít nhau, kẻ ăn bánh mì, người ngồi ngó, co cụm trong những tấm áo đủ màu sắc đã bạc màu vì mưa nắng. Đám pêđê ngồi tách một bên, áo quần như đồng bóng, cười giỡn, ưỡn ẹo và chửi nhau loạn xị. Châu Hà chưa từng gặp cảnh này, cô thấy sợ, cứ nắm cứng tay Hành. Bà bán bánh mì chỉ vào một hình thù nhỏ bé nằm co ro trong miếng nilon màu nói :

    - Nó đó, bữa nay không có tiền nên không ăn gì.

    Cả hai đi lại dưới mấy chục cặp mắt nhìn chầm chập. Hành lay cái hình hài bé nhỏ kia :

    - Em ơi !

    Châu Hà nôn nóng giở miếng nilon, thằng bé dụi mắt lầu bầu ngồi lên gắt :

    - Gì mấy bà nội, để ông ngủ chút coi.

    Châu Hà muốn khóc, không phải thằng Thiện, nó trạc tuổi nhưng gương mặt tinh ranh lém lỉnh. Thằng bé thấy hai người lạ nhìn mình thì trợn mắt. Bà bán bánh mì nói vọng tới :

    - Họ đi tìm thằng em thất lạc, tao tưởng mày đa.

    Thằng bé khinh khỉnh chui lại vào miếng nilon miệng lầu bầu :

    - Là tui đi cho đỡ.

    Châu Hà thân ướt sũng, mắt đỏ hoe run rẩy. Hành lấy vội tờ bạc nhét vào tay thằng bé nói :

    - Em đến trường Tương Lai Gò Vấp mà ở.

    Khônh đợi thằng bé nói gì, Hành nắm tay Châu Hà vội đi về phía bà bán bánh mì nói :

    - Dì để lại cháu cái áo mưa, cháu gởi tiền.

    Bà bán bánh mì nhìn Châu Hà ái ngại đưa cái áo, bà nói :

    - Tiền nong gì, mai đem tới trả cho tui được rồi mà, cậu đưa cô về kẻo bệnh đó.

    Hành choàng vội áo mưa lên người Châu Hà, nói lời cảm ơn, xong kéo cô chạy nhanh tới nơi gửi xe. Cô gái buồn bã vẫn lanh trí :

    - Đưa em đến nhà chị Hiền thay đồ, nếu không mẹ la lắm.

    - Anh hiểu.

    Hành buột miệng xưng anh và hai đôi mắt gặp nhau ngỡ ngàng. Anh bối rối đạp xe mấy lần liền mà không nổ. Châu Hà dành :

    - Để em !

    Cô đạp nổ ngay, họ chở nhau đi trong cơn mưa xối xả. Châu Hà không hề tỏ ra bâng khuâng vì Hành ướt sũng, nhưng cô đã nắm lấy tay Hành dịu dàng nói :

    - Em thật may mắn vì có người bạn như anh.

    Đêm ấy trên căn gác nhà Tài, Hành không ngủ.

    oOo

    Cả phân xưởng kéo thép như nín thở trước những bước chân đều đặn và gương mặt nghiêm lạnh của bà giám đốc. Theo sau bà trái với thường lệ Khánh Hoà thì hôm nay là kỹ sư trưởng nhà máy và một cô gái nhỏ nhắn, nhưng nhìn cô người ta có cảm giác cái đầu không nhỏ như thân người.

    Những lò lửa cao độ cháy rực, những con người làm việc đều đặn, nhanh chóng, những tiếng động máy móc ầm ầm nhưng lạ thay dường như nếu một con ruồi bay qua ai cũng nghe.

    Bà Hương dừng bước, cất giọng thanh trong nhưng vẫn đượm đầy vẻ uy quyền.

    - Quyền phân xưởng trưởng.

    Anh ta đã đứng ngay trước mặt bà :

    - Thưa bà giám đốc tôi có mặt.

    Ánh mắt bà Hương sắc bén lướt qua anh ta :

    - Dường như anh đi dạo chứ không phải đi làm.

    Gương mặt đen gầy thản nhiên :

    - Thưa bà giám đốc, bà không cử tôi làm công nhân.

    - Quyền phân xưởng trưởng là ngồi chỉ tay năm ngón hay sao ?

    Tấm lưng gầy nhom trong chiếc áo thẳng nếp như cứng :

    - Thưa bà giám đốc, nhiệm vụ của tôi là chịu trách nhiệm trước bà về toàn phân xưởng, bà hãy đánh giá năng lực tôi vào thành quả cuối cùng này, chớ đừng đánh giá qua bộ quần áo và hai tháng mới làm việc của tôi.

    Hầu hết những đôi tay đều ngưng làm việc trong tích tắc và những vành tai vểnh lên lắng nghe. Bà giám đốc của họ nhìn xoáy vào anh Quyền phân xưởng trưởng tia nhìn loé anh sánh uy hiếp. Khá lâu giọng bà trầm lại :

    - Được ! Lúc ấy hoặc tôi hân hoan cắt bỏ chữ quyền trước chức vụ của anh hoặc anh vĩnh viễn rời khỏi nhà máy.

    - Rõ ! Thưa bà giám đốc .

    Người thanh niên nghiêng đầu chào thay bước chân tiễn bà giám đốc của mình. Đâu đó có nhiều tiếng thở phào, còn bà giám đốc trở về phòng làm việc của con trai mình bằng bước chân vội vã, Khánh Hoà đứng lên chào mẹ :

    - Thưa mẹ, xong rồi ạ !

    Bà trừng mắt :

    - Thưa bà giám đốc. Đây là nơi làm việc.

    Khánh Hoà hơi sửng sốt :

    - Dạ ! Thưa bà giám đốc.

    - Ông ấy đâu ? - Bà ngồi vào ghế khách hàng, cô gái cùng kỹ sư trưởng vẫn đứng.

    - Ba! A… Ông giám đốc họp trên thành uỷ chưa về.

    - Được ! Ông phó giám đốc cho tôi mượn cô thư ký, đánh giúp một văn bản để chiều họp toàn ban giám đốc.

    - Thưa bà giám đốc, văn bản gì ạ ?

    - Sa thải kỹ sư trưởng nhà máy.

    Người kỹ sư trưởng cũng tái nhợt mặt, bước tới :

    - Thưa bà giám đốc…

    Khánh Hoà cũng đổi sắc mặt, buột miệng :

    - Mẹ ! Chuyện gì ?

    Bà Hương lạnh lùng chỉ kỹ sư trưởng :

    - Anh ta đã làm trái chức năng của mình, thay vì giám sát kỹ thuật toàn nhà máy, anh ta lại lạm quyền của quản trị trưởng, tố cáo sai về năng lực của một con người làm mất thời gian cấp trên, làm mất năng sức cấp dưới.

    Viên kỹ sư trưởng hai chân muốn quỵ xuống. Ông muốn thanh minh nhưng không thể thốt ra lời, đành nhìn Khánh Hoà cầu cứu.

    Bây giờ anh là phó giám đốc nhân sự, anh nghiêm mặt :

    - Ông kỹ sư trưởng về phòng, mười ba giờ lên gặp tôi.

    Cánh cửa khép lại, Khánh Hoà đã ngồi xuống bên mẹ, đưa mắt nhìn cô gái :

    - Em ngồi đó đi ! Kể anh nghe chuyện gì khiến mẹ nổi giận.

    - Hiền làm sao nó biết, con hỏi mẹ đây.

    Khánh Hoà dịu dàng và cương quyết :

    - Hiền bây giờ là thư ký riêng kiêm cố vấn thương mại, cô ấy phải biết tất cả. Nào ! em kể đi.

    Hiền mỉm cười, nói rất ngắn gọn đơn giản :

    - Ông kỹ sư trưởng đến ngay công ty cung cấp vật tư tố cáo với bà giám đốc là, phân xưởng trưởng kéo thép không làm tròn chức năng. Bà thanh tra ngay tại xưởng, thì không đúng như vậy.

    Khánh Hoà lắc đầu :

    - Vô lý ! Nếu như vậy chưa đến nỗi nào mẹ đuổi việc kỹ sư trưởng.

    Hiền lại mỉm cười :

    - Nguyên nhân chính là vì cú điện thoại trước đó một giờ.

    Khánh Hoà vỗ nhẹ vào tay mẹ, anh đã hiểu ra:

    - Điện thoại, ai nói gì về bé Lục Lạc phải không mẹ?

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bà Hương làm thinh, Khánh Hoà khe khẽ lắc đầu :

    - Mẹ nổi giận vì những điều đơm đặt, nghĩa là mẹ chấp nhận việc làm em con không sai trái, thế mẹ giận làm gì ?

    - Nó muốn làm mẹ khổ như thằng Quảng ! - Bà Hương run run.

    Khánh Hòa lo lắng, nghiêm trọng thật rồi. Bà Hương thổ lộ :

    - Nó đi với hai gã đàn ông, la cà khắp phố, ăn chợ uống đường, nó sống như một đứa con gái hoang đàng vô gia cư. Quyền bộc trực lỗ mãng nên mẹ không sợ. Hành thì thâm trầm đầy cá tính.

    Khánh Hoà che dấu nỗi lo âu bằng cách trở về với chức vụ :

    - Cho nên mẹ lẫn lộn tính cách bà giám đốc với vai trò người mẹ. Mẹ ơi! Chẳng hiểu chiều nay mẹ và con trả lời với ông giám đốc thế nào đây.

    Bà Hương trở lại tính sắt đá của người làm chủ có quyền:

    - Cho thôi việc, cấp lương sáu tháng .

    Khánh Hoà khôn ngoan đứng lên :

    - Điều ấy để cả hội đồng và giám đốc quyết dịnh .

    Bà Hương không lép vế :

    - Mẹ muốn biết ý kiến cá nhân con

    - Với tính cách là con trai mẹ hay… tính cách một phó giám đốc nhân sự.

    Khánh Hoà đưa mắt cho Hiền, cô hiểu ý :

    - Thưa bà tôi xin phép ra ngoài gọi diện thoại về cho công ty.

    Và Khánh Hoà trả lời mẹ bằng tư cách phó giám đốc nhân sự :

    - Ông ấy có lỗi vì quên mình là kỹ sư lo về kỹ thuật. Nhìn bằng con mắt kỹ thuật đánh giá năng lực một con người thì sai lầm là điều không tránh khỏi. Ông ta phải chịu lỗi trước hội đồng quản trị, nhưng cả bố mẹ và con đều ngầm biết ơn ông ta đã vì chúng ta mà lo lắng.

    Bà Hương nín lặng, Khánh Hoà biết im lặng chờ đợi.

    Thời gian vẫn trôi và người đàn bà thông minh sắc sảo ấy đã trở về với cương vị của mình trong nhà máy :

    - Con nói đúng, có điều …

    - Dĩ nhiên chiều nay trong buổi họp hội đồng quản trị tôi và con không để em mất uy tín của bà giám đốc.

    - Thưa ba !

    Ông Hưng đã về khá lâu, ông thay con trai đáp ứng điều ngại ngùng của vợ. Ông bước tới nắm tay vợ an ủi ân cần :

    - Anh luôn tin bé Lục Lạc và dù không thích mấy chuyện nó lang thang cả tuần nay ngoài phố, anh vẫn nhớ mình đã cho phép nó.

    - Người ta …

    - «Người ta» đã tỏ ra tốt bụng điện thoại đến nói với anh nhiều lần em biết thừa, có ai rỗi hơi làm chuyện không lợi cho mình. Em hãy cho phép con thay anh trả một phần ân nghĩa với đời và hãy tin con như tin chính mình.

    Nghe chồng nói cạn lời, bà Hương đành tỏ hết lời tâm sự :

    - Nó với Dương Hành đã tiến xa quá tình bạn một cách âm thầm, nó không biết, còn Hành….

    - Điều ấy cần biết cho thấu đáo, vì anh Thiên Trường hôm ra sân bay đã ân cần nhờ Dương Hành chăm sóc cho Châu Hà.

    - Em con thiếu tình thương và sự chăm sóc sao? Thiên Trường tạo thêm ngang trái nữa rồi. - Bà Hương oán trách.

    Ông Hưng thoảng nét buồn :

    - Là cháu nó muốn tỏ lòng yêu thương trong ruột thịt.

    Nỗi buồn lộ trong lời nói của chồng khiến bà Hương giật mình. Bà luôn tỉnh táo nhận xét bản thân và biết mình vừa làm chồng buồn. Rất nhanh trí bà chuyển câu chuyện :

    - Mua xong tổ hợp Tấn Phát rồi hả anh?

    - Xong rồi ! - Ông Hưng trả lời ngắn gọn.

    Khánh Hoà tỏ ý không vui :

    - Sao ba mẹ cố ý diệt không tha vậy ? Nó là tổ hợp nhỏ thôi mà.

    Người chồng, người cha trong ông Hưng nhường chỗ cho kẻ làm ăn ở thương trường.

    - Nó nhỏ mà dám hạ giá thành sản phẩm để đối đầu với mình là phải diệt, làm ăn là như vậy.

    - Nhưng anh thâu nhận lại hết đám công nhân chứ ?

    - Dĩ nhiên, họ có đối đầu với mình đâu.

    Ông nhìn đồng hồ, Khánh Hoà biết ý nhấn chuông. Hiền hiện ra ở cửa phòng. Khánh Hoà tươi cười :

    - Nhờ cô đưa bà giám đốc về nhà.

    Hiền hiểu ý :

    - Cảm ơn anh, Hiền phải về làm cơm vì ba Hiền trở bệnh nặng rồi.

    Cô ý tứ nói với bà Hương :

    - Thưa bà ! Cô Châu Hà …

    - Nó làm sao ? - Bà Hương giật mình .

    - Dạ đang chờ bà ở trước.

    Cả bốn rời khỏi phòng. Quả thật Châu Hà đang đứng đợi, vẻ bồn chồn. Thấy mọi người cô lao tới :

    - Ối trời ! Họp gì mà lâu vậy ! Cho con mượn thêm hai trăm ngàn.

    Ông Hưng khôi hài trước cái nhíu mày của vợ :

    - Phát lương tiếp cho đội truy lùng hả con ? Mượn khi nào trả ?

    - Con sẽ làm việc trả dần.

    Nhận xấp tiền cha đưa, Châu Hà cho vào túi xong nhảy lên ôm hôn mẹ liền mấy cái, miệng liến thoắng :

    - Chiều con về. Ôi thương mẹ nhiều lắm!

    Một cái nháy mắt với anh trai và tặng Hiền nụ cười, Châu Hà bay biến liền như chưa từng có sự hiện diện của cô.

    Cô bay bằng chiếc cúp của Tài cho Hành mượn, bay đến ngay chỗ « bạn bè» đang đứng chờ. Con Liên liến láu hỏi :

    - Tiếp tục phát lương hả chị Hà ?

    Cô gái đếm nhanh mấy tờ giấy bạc cho con Liên, thằng Cầu và thêm hai đứa bạn của nó. Thằng Cầu cầm tiền rồi than thở :

    - Giá không lấy tiền chị mà về nhà vẫn có tiền đưa má thì hay biết mấy.

    - Vậy thì nói làm gì. - Con Liên xì dài, thật ra chẳng đứa nào thích lấy tiền của chị Hà, nhưng hoàn cảnh mà biết làm sao.

    Châu Hà cười khì :

    - Tụi em vẫn đi bán bánh mì mỗi ngày mà đúng không ?

    Mấy nhỏ gật đầu xuôi xị. Ông già sửa xe đạp lắc đầu tỏ ra ái ngại :

    - Châu Hà ! Vậy hoài tiền đâu hả cháu ? Có tin gì chưa?

    Bà bán bánh mì hứ mội tiếng :

    - Có thì nó đâu phát lương đợt nhì. Mèn ơi! Một đứa nhỏ bụi đời mà lo dữ vậy Châu Hà ?

    Ông Sáu xích lô đang lui hui chùi xe ngẩng đầu lên hừ mũi :

    - Bà biết gì, thằng đó hồi mới chín tuổi đã gan cóc tía, báo công an bắt mấy ổ bán xì ke. Giờ nó ra ngoài, tụi kia mần thịt liền.

    - Giêsu, lạy chúa tôi ! Chúng dám giết người sao ? Ôi ! Tội nghiệp thằng nhỏ.- Cô chủ bán bánh tạp hoá làm dấu thánh giá lia lịa như thể điều ấy giúp được thằng Thiện bình an.

    Ông Sáu nhìn lắc đầu ra dáng chê bai. Ông nói với Châu Hà :

    - Cháu cứ đi ! Chú sẽ chở tụi nó qua Nhà Bè.

    oOo

    Châu Hà cảm ơn ông Sáu, qua mua hai ổ bánh mì, dặn dò tụi nhỏ xong, phóng xe về Tương Lai. Hành đang chờ cô ở đó.

    Vẫn dưới gốc cây hoa sứ, hai người ngồi ăn bánh mì uống nước mía. Hành với vẻ trầm lặng muôn thuở, ăn chậm rãi, chăm chú. Châu Hà thì lại khác, thỉnh thoảng cô liếc Hành. Một tuần bên nhau không rời nửa bước, cô gái khám phá ra người bạn Trung Hoa có rất nhiều ưu điểm. Bức tường ngăn cách cô dựng ra đã lần lần tan biến mà cô không hay biết. Trong thâm tâm cô tự hài lòng, vì Hành là bạn của anh Trường mà hôm chia tay đã từng ân cần gởi gắm Hành, nhờ cô săn sóc trong thời gian học tại Việt Nam. Câu « gởi gắm» ấy giúp Châu Hà tự đánh lừa mình quan hệ thật tự nhiên với Hành.

    Đôi khi cô giựt mình, vì một vài câu « khuyên» của Quyền. Như hôm qua Quyền cùng cô đi tìm Thiện ở khu Bàn Cờ, anh tỏ ra rất dễ thương khiến Châu Hà hết dị ứng với anh, Hành như bao giờ nhìn họ đùa vui lặng lẽ mĩm cười. Buổi ăn trưa Quyền dành chiêu đãi vì mới lãnh lương và khi Hành ra lấy xe đi đâu một lúc, chẳng hiểu vô tình hay cố ý Quyền kể Châu Hà nghe câu chuyện một con gái Việt Nam được cưới về ở Trung Quốc, rồi than phiền một mình.

    - Đàn ông Việt Nam hết rồi sao ? Thiếu gì những người tuyệt vời mà lại đi lấy chồng xa xứ chớ. Em biết không? Sống giữa người Hoa, cô ta thấy mình cô đơn lạc lõng, vì anh chồng đâu chỉ là chồng , còn là con, là cháu, là anh, là em, đủ thứ bổn phận ràng buộc.

    Lúc ấy cô rất vô tư nói :

    - Khối chuyện hay anh không kể, kể chuyện gì buồn vậy?

    Nhưng đến đêm nằm nhớ lại, cô mơ hồ biết Quyền cố ý kể cô nghe. Cô cũng mơ hồ thấy Hành ngày một thân thiết với mình hơn. Nhưng rồi cô tự tìm lý do để khỏi bâng khuâng.

    Anh ấy là người anh tốt như anh Trường, vả lại Quyền nói đúng, thanh niên Việt Nam đâu thiếu những chàng trai tuyệt vời. Mình có cả mấy chục người bạn « hết xẩy» hơn và Hành kia mà, lo gì. Kể đâu xa, Quyền cũng « tuyệt vời» đó chứ, mạnh khoẻ nè, võ giỏi, tính hoạt bát vui tươi nè, làm ra tiền nữa nè, điều chủ yếu là rất ư yêu mình nè… mình giả đò không biết chứ ngu sao không biết ? Có điều… hỡi ôi ! Mình phải học cho xong đã…

    Và bây giờ, Châu Hà đang lén nhìn Hành như muốn tìm ở anh thêm ưu điểm gì. Hừ ! Trừ tấm lòng yêu người hơn yêu mình. Hành chẳng có gì nổi bật, ngoài dáng vẻ một triết nhân. Vậy mà là nhà báo, có lộn nghề không vậy? Cô buột miệng nói thành tiếng khiến Hành ngơ ngác :

    - Cô nói ai lộn nghề?

    Nữa, lúc em, lúc cô, cái anh chàng này. Châu Hà hỉnh mũi, đuôi tóc lúc lắc :

    - Nói anh đó, đáng lẽ làm sư ở Thiếu Lâm Tự đúng hơn.

    Cô nhảy chân sáo băng qua sân. Tiếng lục lạc rộn rã, tim Hành rộn rã theo, nhưng anh vẫn ngồi tiếp tục ăn bánh mì. Cô gái bỗng rón rén bước chân như mèo rình mèo khi ngang phòng một, gương mặt cô nghệch ra, nghiêng tai thì thầm lắng nghe. Hành chăm chú nhìn. Cô gái lại muốn đùa gì đây ? Giờ tụi nhỏ ngủ mà. Châu Hà không biết Hành đanh theo dõi mình, bởi cô đang nghe tụi nhóc tì phòng một nằm ngủ mà cãi nhau. Lớn tiếng oai quyền nhất là thằng Luận :

    - Tụi bây có im không ? Chỉ ưng ai mắc gì đến tụi bây?.

    Hiền Tề Thiên cãi khi mắt cứ nhắm ngon lành :

    - Sao không mắc, «ông» nào cũng «ngon» nhưng ông kia ở tuốt bên Tàu, chỉ theo chồng qua bển, ai chơi với mình ?

    Thân « dấm đài» nêu ý kiến bằng vẻ rụt rè :

    - Tao thích anh Hành hơn, anh Quyền vui thiệt, nhưng tao có cảm giác ảnh không thương tụi mình lắm!

    Thằng Luật nạt:

    - Thương hay không liên quan gì đến chuyện ấy ?

    Thằng Thân không giải thích nổi. Nó ấm ức kéo Huề rổl ên tiếng rất ư rành rọt :

    - Liên quan, tao đọc báo hạnh phúc hôn nhân gia đình.

    Huề rỗ chưa nói hết câu, tụi phòng một đã cười ồ và ngưng ngang ( giờ ngủ trưa mà cười là bị ông quản trị « lên lớp» phạt ngay).

    Chẳng hiểu tại sao thằng Tân có mặt ở phòng một để lên tiếng:

    - Chán mày quá rỗ à! Dôrêmon không đọc, lại đọc hạnh phúc hôn nhân gia đình, mày muốn đầu độc tuổi thơ của mày à ?

    Lại cười, lần này rúc rích như chuột… Huề rỗ bực mình :

    - Tuổi thơ con khỉ, tao mười lăm tuổi chớ bộ, không đọc làm sao tao biết hai người lấy nhau mà không hợp tính tình thì hạnh phúc gia đình dễ đổ vỡ. Chị Hà hợp với anh Hành hơn.

    Hiền Tề Thiên cầu cứu đồng minh :

    - Luận ! Mày lên tiếng coi.

    - Tao đồng ý . Chị Hà lấy chồng Tàu tụi mình mất nhờ. Không có chỉ ở đây buồn lắm, vả lại anh Quyền biết chìu chỉ mà anh Hành thì cứ như ông Phật đất.

    Ở thân hình bé nhỏ thằng Tần là lứa tuổi đôi mươi, nó nói một câu rất chi văn vẻ :

    - Tình yêu là sự đồng cảm, có khi cả sự hy sinh. Tình yêu làm gì có biên giới chứ. Có chăng từ biên giới mình tự tạo trong lòng.

    Bọn trẻ chia làm hai phe gả chồng cho Châu Hà, chúng chí choé cãi nhau, mắt vẫn nhắm, thân co quắp trên giường như ngủ. Chúng chẳng dè chị Châu Hà của chúng, rón rén, lặng lẽ đi thụt lùi và thật nhẹ nhàng đến nơi để xe. Trong đời Châu Hà đây là lần đầu tiên những bước chân cô đi không hoà theo tiếng lục lạc reo. Điều ấy khiến Hành sững sờ và anh thật sự bâng khuâng khi cô nói, nói rất nhỏ với anh lúc anh đến bên cô :

    - Chiều nay Hà bận, anh đi tìm Thiện có gì điện thoại đến nhà.

    oOo

    - Mẹ ơi! Chiều nay con đến cửa hàng chơi với me.

    Câu nói của Châu Hà khiến bà Hương quyết định nghỉ buổi chiều. Gọi điện đến giao việc cho người phụ tá và Hiền, đưa chồng ra tận cửa đi làm xong, bà vào phòng Châu Hà. Cô gái ngủ ngon lành giữa nệm bừa bãi. Một thoáng ngần ngừ, người mẹ khép nhẹ cửa phòng xuống lầu. Để con bé ngủ, mình đi chợ mua món gì về làm thức ăn cho nó.

    Bà Hương không biết khi mình lái xe ra cổng, Châu Hà nép mình ở lan can cầu nhìn theo, cô bé thở dài lẩm bẩm.

    - Mẹ ơi! Tội mẹ quá, con đúng là hư.

    Châu Hà nghệt mặt đứng ở sát lan can, miệng cắn móng tay, như say như tỉnh, cố gắng không nhớ nữa, mà sao thấy người ta càng lúc càng nhiều ưu điểm. Quyền vui tếu nhưng rất cộc, còn người ta rất hòa nhã, chưa hề giận dữ bao giờ. Đúng vậy! Anh Trường chẳng nói chơi với nhau mười lăm năm nhưng chưa thấy Hành lớn tiếng với ai .

    Ê! Không được, biểu đừng nhớ mà. Cô gái dậm chân, lắc đầu lia lịa, như muốn xua đi bao ý tưởng và hình bóng một con người. Nếu ai nhìn cô bé lúc ấy không thể không kinh ngạc.

    Quả thật ông Tấn rất kinh ngạc. Con bé làm sao thế? Ông thận trọng đến gần đằng hắng. Cô gái không nghe. Ông gọi từ tốn :

    - Châu Hà !

    Cô gái giật mình và biết ngay ai gọi. Ở trong nhà chẳng ai nói tiếng Hoa, trừ bác Tấn. Cô quay lại, đọc thấy vẻ lo lắng thương yêu trong mắt bác mình. Trái tim non trẻ chợt ngập tràn tình thương, bác ấy đã đi qua đau khổ một kiếp người và hạnh phúc hôm nay chưa đủ bù đắp. Nhìn kia đôi mắt ấy như ra vẻ cô đơn xa vắng. Có phải tình yêu xưa không nhạt phai theo tháng năm.

    Kẻ trẻ người già thật gần nhau, rất tự nhiên Châu Hà ngả vào lòng người bác ruột, đầu cô tựa lên vai ông thủ thỉ :

    - Bác hai ơi! Bác đã hết buồn chưa?

    Ông Tấn vuốt tóc cháu, thoảng nụ cười. Ông nói về chuyện khác :

    - Cháu nói tiếng Hoa giỏi thật, ba cháu dạy à?

    - Tụi cháu học nói theo ba, sau đó học chữ thì học trường lớp đàng hoàng.

    - Mẹ cháu cho học à?

    Châu Hà ngẩng lên nhìn bác. Cô bé thông minh nên hiểu ngay:

    - Bác đừng hiểu lầm, mẹ cháu rất tôn trọng về cội nguồn mỗi con người, bà chỉ không thích những hủ tục còn trong đầu ba cháu. Bác hãy tự mình đặt địa vị mẹ cháu xem có chịu nỗi không? Này nhé, lúc nào cũng lăm lăm cho cháu một ông chồng Tàu, cả cái nhà máy, lúc nhận công nhân, ba cháu thấy người nào gốc Hoa mới nhận. Chưa kể chuyện răng đe con không được có bạn trai, nhưng mỗi tuần lại cho mấy anh tàu trong nhà máy đến tán tỉnh cháu và lúc nào cũng khuyên, máu nào dòng dõi đó, khiến mẹ cháu nổi giận. Thật ra mẹ cháu chỉ muốn ông ấy hiểu không nên áp đặt con cái và phải bình đẳng trong quan hệ xã hội. Dù sao đất nước này đã nuôi ba cháu lớn lên, giúp ông gây dựng được sự nghiệp to tát như hôm nay và cháu mang hai dòng máu.

    Hai bác cháu choàng tay nhau vừa đi vừa nói chuyện. Ông Tấn biết lắng nghe và hiểu điều cháu nói không sai, bất giác ông gật đầu nói :

    - Không trách mẹ và các cháu được, ba cháu có mười hai năm ở quê hương, còn ở nơi này những năm mươi năm, hôm rồi ba cháu bảo rằng, không thể hồi hương vì tôn trọng tư tưởng của hai cháu.

    Châu Hà mừng rỡ :

    - Thật sao bác ?

    Gặp vẻ buồn nơi ông Tấn cô gái ngượng nghịu thanh minh :

    - Gia đình cháu sẽ về bên đó hoài, Bác đừng buồn nữa.

    Hai bác cháu ra tới hiên nhà ngoài, cùng ngồi xuống nhìn ra cổng. Những hoa lồng đèn xinh đẹp đỏ tươi, đu đưa trước gió, vài cánh bướm chập chờn trong nắng ngả về chiều. Châu Hà thấy bác mình nhìn vào cảnh vật xinh tươi bên ngoài như nhìn vào chốn hư không, nên lòng ái ngại. Bác hơn ba có ba tuổi mà già đi nhiều lắm, có phải vì nhớ vợ hiền xưa? Cô gái e dè:

    - Bác chưa trả lời cháu, vì sao mãi buồn?

    - Bác không vui được, chớ chẳng phải buồn.

    Cô gái xịu mặt, một lúc buột miệng:

    - Có thật những nỗi đau trong tình yêu chẳng thể nào quên?

    Ông Tấn cũng buột miệng:

    - Đúng vậy !

    Châu Hà bần thần, thật vậy chăng?

    Nghĩa là bác ấy rất yêu nên đau khổ không quên. Còn ta, có phải đã trải qua một cuộc tình? Không! Cõi lòng ta từ ấy phẳng lặng, ta nhớ Thiên Trường như nhớ một người anh đi xa chưa trở lại mà thôi.

    - Châu Hà! Cháu muốn nói gì với bác ư?

    Cô gái đăm đăm đôi mắt nhìn những hoa lồng đèn treo lơ lửng quanh rào. Cô chậm rãi nói:

    - Có lúc cháu nghĩ bác không xứng đáng với bác gái, nhưng giờ cháu đã hiểu, trong tình yêu tất cả đều là lẽ phải, mọi thứ rào cản không ngăn được nó đâu. Bác tha lỗi cho cháu nghe!

    Trước Ông Tấn, Châu Hà không còn bé bỏng ngây thơ, nếu ngày gặp cháu, ông thương yêu vì sự tinh khiết, thanh bạch, với vẻ thông minh dí dỏm, thì hôm nay, lời nói này cho ông hiểu, cô đã trưởng thành trong tấm lòng trung thực, bao la. Mắt ông Tấn nghe cay, ông nắm lấy tay cháu, nói nhỏ, nay cảm kích:

    - Cháu có lỗi gì, cháu đã cho bác niềm vui to tát.

    Có vài giây dừng lại lưỡng lự, ông Tấn nói tiếp:

    - Chẳng phải tự dưng bác được cháu cảm thông, phải chăng cháu đã gặp một tình yêu nhiều trăn trở?

    Châu Hà hốt hoảng đứng phắt lên, lắc đầu lia lịa:

    - Không! Không! Cháu đã xét kỹ lòng mình, với anh Trường chỉ là ngộ nhận với tình yêu thôi. Bác phải tin cháu nghe bác!

    Ông Tấn vẫn ngồi, hơi nghiêng nét mặt ngắm Châu Hà. Ông cười khẽ:

    - Bác biết trước khi cháu hiểu ra điều ấy, bác chỉ muốn hỏi, ai đã làm cháu trăn trở đến vậy?

    Lại một lần nữa cô gái hốt hoảng, bởi cô không cho phép mình nghĩ xa hơn:

    - Bác ơi ! Đừng hỏi nữa được không?

    Giọng cô hơi khẩn khoản như sắp khóc, tay đan chặt vào nhau vẻ bứt rứt bồn chồn. Ông Tấn hiểu lòng cháu, nó không dám đối diện sự thật, bởi con đường này nó đâu muốn đi qua. Nó muốn chối bỏ, nó đang cố gắng vùng ra khỏi lưới tình cay nghiệt ấy. Tội nghiệp cháu ta.

    Ông Tấn kéo nhẹ cháu gái ngồi xuống bên ông, ông không nói nữa, bàn tay xương gầy vuốt tóc Châu Hà đầy thương mến :

    - Ừ ! Thì bác không nói. Nào ! Bé Lục Lạc kể chuyện bác nghe đi.

    oOo

    Lúc bà Hương xuống xe với giỏ thức ăn đầy, là lúc con gái cưng trong khoảnh khoắc đã quên điều muốn quên. Cô trở lại vẻ hồn nhiên, dí dỏm và đang làm Tề Thiên Đại Thánh cho bác Tấn xem. Lộn đến vòng thứ năm, Châu Hà đụng ngay chân mẹ. Cô tung người lên reo lớn:

    - A ! Mẹ về, có bòn bon cho con không?

    Bà Hương chào anh chồng, tươi cười trách yêu con :

    - Giỏi thật, con gái lớn tồng ngồng thế này, chỉ biết vòi quà chớ chẳng giúp mẹ được gì.

    Châu Hà nhăn mũi làm xấu với mẹ, xách giỏ thức ăn nhảy chân sáo vào nhà. Tiếng lục lạc reo rộn rã. Ông Tấn cười, mắt sáng bừng :

    - Thím có cháu Hà đã là báu vật vô giá.

    Bà Hương rạng rỡ nụ cười như chấp nhận điều ông anh chồng nói đúng. Cả hai thong thả vào nhà. Ông Tấn sực nhớ hỏi :

    - Tại sao Châu Hà có tới hai vòng lục lạc vậy?

    Hơi khựng lại với chút mây u ám trên vầng trán người mẹ. Bà Hương tiếp tục bước và trả lời anh chồng :

    - Cái kia của Dương Hành tặng.

    Một tia hy vọng loé trong trái tim khô héo của người đàn ông Trung Hoa.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 13

    Chiều xuống nhanh cùng cơn mưa nhẹ hạt, hai cha con ông Hưng về nhà, thấy trên bàn thức ăn đầy ắp những thứ mình thích còn bốc khói thì xuýt xoa. Khánh Hoà nịnh nhẹ :

    - Mẹ tuyệt vời quá! Mẹ là nhất.

    Bà Hương nguýt yêu con trai:

    - Bé Lục Lạc nấu đấy ! Nó vừa nói mẹ tệ vì quên mời Hiền.

    Châu Hà cười khì, Khánh Hoà gãi đầu, bà Hương thấy chồng đi xuống cầm khăn tắm thì nói :

    - Em soạn đủ để ở phòng tắm rồi.

    Khánh Hoà nháy mắt với cha :

    - Ba con mình tắm lẹ, kẻo bé Lục Lạc ăn hết .

    Châu Hà dậm chân, Khánh Hoà chạy ù đến va vào ông Tấn vừa xuống tới. Nhìn hai anh em đuổi nhau, ông Tấn lắc đầu, cười nói cùng em dâu :

    - Thiên Trường biết sống vui vẻ, hoạt bát nhưng nó không có những giây phút hồn nhiên đầy tình thương như vậy…

    Tất cả cùng ngồi vào bàn lúc đồng hồ đánh sáu tiếng, cùng lúc chuông điện thoại reo vang. Châu Hà bước qua phòng khách cầm máy :

    - A lô ! Tôi nghe đây .

    - Phải !

    Cô gái lắng nghe trong hai phút, đôi mày càng lúc càng chau lại. Cô cắn môi nói dứt khoát :

    - Kho bốn Khánh Hội à ! Hà đến ngay, chờ nhé !

    Cô buông máy quay lại, thấy cả gia đình nhìn mình như muốn hỏi. Châu Hà nói nhanh :

    - Con xin lỗi bác hai, xin lỗi ba mẹ, con có việc ra ngoài, đừng chờ cơm con.

    Không đợi tiếng trả lời, cô chạy ra ngoài. Khánh Hoà chạy theo kéo lại :

    - Em đi đâu , không sợ mẹ buồn sao ?

    Cô gái giật tay ra :

    - Tìm ra thằng Thiện, em phải đến gọi nó về.

    Bất kể tiếng kêu của mọi người. Châu Hà phóng lên xe, vọt ra cổng. Bà Hương vừa giận vừa lo cho con đến xám xanh cả mặt nhưng lại nói rất điềm tĩnh :

    _ Thôi kệ nó, con vào ăn cơm kẻo bác và ba chờ. -

    Bữa cơm trôi qua kém phần vui vẻ. Cả nhà vào phòng khách chờ Châu Hà. Đồng hồ nhích từng chút một, đến tám giờ tối thì bà Hương hết kiên nhẫn :

    - Khánh Hoà ! Con đi tìm em đi .

    oOo

    Cô gái phóng xe khá nhanh vượt qua những con đường chạy đến kho bốn Khánh Hội. Xa xa cô đã thấy thằng Tần đứng chờ bên một máy điện thoại công cộng. Xe trờ tới, cô hỏi ngay :

    - Ở đâu ?

    Thằng Tần chỉ vào cái hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đối diện với kho bốn nói :

    - Tần thấy nó ngồi giữa hai thằng, chở nhau trên chiếc 67 quẹo vào đây. Anh Hành không cho Tần gọi Hà, ảnh cùng tụi bạn nhỏ vào đó tìm rồi. Tần vừa gọi cho anh Quyền, ảnh nói cứ báo cho Hà biết. Ảnh và anh Thế xuống kìa.

    Quả thật Quyền chở Thế trên chiếc mô tô vừa tới. Thấy Hà, Quyền nheo mắt :

    - Bé Lục Lạc yên chí, anh sẽ tìm ra nó cho em. Nào xuất phát.

    Châu Hà lắc đầu, cô hỏi Tần :

    - Tần rành khu này không ?

    Tấn gật đầu nói :

    - Có ba lối ra vào, hẻm rất nhỏ, lại ngoằn ngoèo, anh Quyền gởi xe đây xong mình chia ba đường vô .

    Quyền phân công ngay :

    - Thế đi một đường, Tần đi một đường, anh chở Châu Hà đi xe.

    - Không , anh với anh Thế chia hai đường, còn Tần đi với Hà .

    Thế lên tiếng :

    - Sao cũng được, lẹ lên. Hà đi phải cẩn thận .

    Bốn người chia ba nhóm. Tần chỉ hai con hẻm rồi cùng Châu Hà đi vào ngõ nhỏ vừa sáng ánh điện .

    Cả hai vừa đi vừa hỏi về hai người thanh niên chở đứa nhỏ đi lối nào. Sân vào hẻm là vô lối rẽ nhỏ xíu, dài ngoằn ngoèo.

    Châu Hà cắn môi quyết định :

    - Tần đi lối này, mình đi lối này .

    - Có gì Châu Hà la to lên nghe.

    - Hiểu rồi .

    Hà rẽ hẻm phải , cô hỏi người đàn bà lớn tuổi đang ngồi hút thuốc ở quán nhỏ :

    - Chị cho em hỏi, có nhóm người lạ cùng mấy đứa nhỏ vào đây không chị?

    Người đàn bà phì hơi khói thuốc, ngắm kỹ cô gái rồi nói trống không :

    - Thiệt kỳ hén ! Chiều nay sao người hỏi thăm cắc cớ. Cái thằng nhỏ nói như ngọng thì hỏi một đứa bé với hai gã Honda, con nhỏ này lại hỏi thằng đó.

    Châu Hà mừng đến nhảy nhổm :

    - Chị ơi ! Anh tìm ra họ chưa ?

    Người đàn bà phun khói phì phà :

    - Ai biết, nó đi với mấy đứa nhỏ vô tuốt bàu rau muống nhắc !

    - Bàu rau muống ở đâu chị ? - Châu Hà như nghẹn thở .

    - Đi tới, quẹo phải, quẹo phải nữa, quẹo trái, thẳng luôn qua cái cổng là tới.

    Châu Hà cảm ơn rối rít. Cô đi như chạy, người đàn bà nói theo :

    - Con nhỏ cẩn thận đa , trong đó có đám anh chị ghê gớm lắm.

    Châu Hà đụng Quyền lúc rẽ trái lần thứ hai. Cô nói nhanh :

    - Tụi nó nhất định ở trong bàu rau muống, anh Hành vô tới đó rồi, lẹ lên.

    Châu Hà chưa từng đi vào những ngõ hẻm nghèo nàn, tăm tối đến vậy. Ruồi, rác rưởi, nước bẩn và cái mùi tanh không thể tả giữa những mái nhà nhỏ xíu, xiêu vẹo. Đàn ông quần áo đẫm mồ hôi ngồi đặc ở những quán rượu. Đàn bà, con nít lóc nhóc đầy ngõ hẻm. Một ngôi nhà khang trang nằm cách biệt chơ vơ trong tận cùng ngõ hẻm, tiếng nhạc phát ra đinh tai nhức óc. Căn nhà ấy ở sát bàu rau muống. Và bên ngoài căn nhà thằng Cầu, đang bò chổng mông nép theo bóng tối bờ tường.

    Châu Hà tái mặt, cô định kêu đã thấy thằng Cầu đưa tay lên môi ra dấu im lặng. Nó tỏ vẻ thận trọng, bí mật, bò thêm vài thước rồi chạy đến kéo hai người nép vào bụi cỏ tranh to cao quá đầu người nằm sát bàu rau muống.

    - Suỵt ! Suỵt ! Phải chờ ! - Ánh điện hắt vào soi bộ mặt tỏ ra quan trọng của thằng Cầu.

    - Chờ ai, thằng Thiện đâu, mọi người đâu ? Châu Hà nóng nảy.

    Thằng Cầu vẫn với vẻ mặt hết sức nghiêm trọng.

    - Nó ở trỏng, suỵt nói nhỏ thôi, tụi kia đang đánh bài.

    Quyền đánh giá việc này hệ trọng, anh trở nên điềm tĩnh, chín chắn.

    - Anh Hành đâu ? Có gì dặn không ?

    Thằng Cầu thì thầm :

    - Ảnh dặn tụi em coi chừng, ảnh đi gọi cảnh sát, tụi con Hiền với bác Sáu đang canh hai ngã đón thằng «mắc dịch».

    - Thằng «mắc dịch» ? - Cả hai ngơ ngác hỏi :

    - Là «ba» nó à, anh Hành không cho tụi em «ra tay» vì nghe tụi kia nói đợi thằng mắc dịch về chích xì ke cho thằng thiện để trừng phạt.

    Hàng lông mày Quyền nhíu lại gần nhau, dấu hiệu sự giận dữ được đè nén. Anh chờ Châu Hà quyết định. Cô gái lại hỏi :

    - Tụi nó bán xì ke ở đây mà không ai biết sao ?

    Thằng Cầu lắc đầu trong bóng tối :

    - Không phải ổ, đây là nhà của thằng mắc dịch.

    Phải chờ Hành, Châu Hà nghĩ thầm, miệng hỏi :

    - Thiện có bị đánh không ?

    - Không biết, nó ngồi một đống, miệng ngậm tăm, có điều nó ốm nhách.

    Châu Hà lắc đầu khi gặp ánh mắt Quyền qua ánh đèn hắt sáng nhìn mình. Có tiếng xe chạy lại, ánh đèn quét sáng, cả ba nép mình và hết hồn. Gã đàn ông xuống xe vào nhà trạc bốn mươi tuổi, có vẻ mặt điển trai đểu cáng đã biến dạng vì trác táng. Châu Hà quên hết lời dặn của Hành, cô bước ra :

    - Anh Quyền, liệu có đủ sức hạ tụi nó không ?

    Thằng Cầu ra dấu có năm thằng. Quyền tự tin :

    - Nếu trở ngại, em giúp anh một đứa. O.K ?

    Cả hai vào nhà khi thằng Cầu ù chạy. Năm gã đàn ông kẻ đứng người ngồi uống bia. Châu Hà nói lớn :

    - Tại sao các người bắt cóc em tôi ?

    Gã lớn tuổi quả là tay bản lãnh, bị bất ngờ gán tội vẫn tỉnh bơ nháy mắt thằng ngồi ngay cửa xuống nhà sau. Hắn biến mất. Gã kia lom lom nhìn hai người :

    - Cô vừa nói bậy bạ gì đó ? Cô là ai ?

    Châu Hà bước tới, tiếng lục lạc ở Châu Hà khiến bốn tên còn lại trố mắt nhìn xuống. Quyền nhanh như chớp tung mình tới cánh cửa sau. Tên lớn tuổi lạng mình chận ngang, nhưng Quyền đã thấy cái gì xảy ra, anh vừa tung nấm đấm vừa quát :

    - Châu Hà ! Thằng kia bồng Thiện chạy ngả sau rồi, rượt theo.

    Cô gái quay ngược lại, ra tới sân đã bị gã chận lại. Cô đánh ngay vào mặt hắn, gã né tránh, cô chạy ra khỏi khu bàu đã thấy tên kia bồng thằng Thiện chạy phía trước. Tiếng chân thình thịch đuổi nhau khiến xóm nhỏ náo loạn, họ ùa ra, vô tình cản được bước chân tên kia. Châu Hà la lớn :

    - Bà con ơi, nó bắt cóc em tôi.

    Cô đứng lại và bị tên chạy sau trờ tới túm chặt đầu tóc, gã la :

    - Ăn trộm rồi bỏ chạy, dễ vậy sao ? trả chiếc nhẫn mau.

    Thật là náo loạn. Châu Hà la hét, cả xóm nhỏ la lối. Cùng lúc Hành đến từ ngã rẽ. Rất nhanh, anh thấy gã bồng thằng Thiện sắp thoát ra khỏi đám đông, anh chạy nhanh, lướt qua Châu Hà miệng la :

    - Đứng lại, đứng lại !

    Quyền vừa chạy tới thấy Châu Hà bị hành hung, bàn tay như sắt của anh nhanh nhẹn bóp tay gã kia rời mái tóc của cô. Gã không vừa, đạp mạnh vào bụng Quyền, Châu Hà thoát được, Quyền đấm đá tưng bừng. Thằng Cầu la :

    - Cảnh sát tới rồi, chị Hà rượt theo anh Hành.

    Cả hai vượt được qua đám đông đã nghe nhiều tiếng rú. Họ chạy tới nơi, thấy chiếc 67 đè lên gã kia và thằng Thiện. Hành một tay buông thõng đẫm máu, tay kia đang cố đỡ chiếc xe lên. Trên mặt đất có con dao dính máu. Người ùa vào đông như kiến cỏ. Châu Hà ôm được thằng Thiện trong tay. Gỡ xong miếng băng keo dán miệng nó thì Hành khuỵ xuống. Máu từ tay anh khiến cô tối sầm mắt. Cô gào :

    - Anh Hành !

    Cô còn thấy được vẻ gượng cười trên gương mặt tái mét của Hành.

    Nước mắt thằng Thiện nhỏ tong tong xuống cánh tay dày cộm thẳng đơ của Hành. Mũi dao tên côn đồ đâm vào trúng ngay cổ tay, cắt đứt một số gân và động mạch, khiến bàn tay Hành không cử động được nữa. Anh đang nằm ở nhà Tài, sau mười ngày nằm viện. Người đến thăm rất đông, chỉ vắng bóng Châu Hà.

    Nước mắt thằng Thiện khiến Hành mở mắt, anh cười nhẹ :

    - Em lại khóc rồi, con trai gì yếu quá !

    - Em sợ quá ! - thằng Thiện gạt nước mắt bệu bạo.

    - Vì cái gì ?

    - Anh không cử động được.

    Hành có vẻ suy tư rồi lắc đầu :

    - Nhất định anh sẽ cử động được, ông bác sĩ nói, chỉ can anh kiên trì tập luyện.

    Hành sực nhớ :

    - Ai đưa em đến ?

    - Dạ anh Khánh Hoà, chị Hà có gởi quà cho anh.

    Câu này thằng Thiện nói nhỏ xíu, nó sợ Hành buồn mà.

    Gần hai tuần rồi, từ hôm ấy Châu Hà không hề đến thăm Hành.

    Hành cũng không hỏi đến cô. Chẳng ai hiểu tại sao. Thằng Thiện vụt hỏi :

    - Anh Hành nè, do anh hay chị Hà mà giận nhau ?

    Hành ngồi lên châm thuốc hút nhìn lơ đãng qua cửa sổ :

    - Đâu có !

    - Vậy sao chỉ không đến thăm anh ?

    - Chắc chị Hà bận.

    Thằng Thiện không chịu :

    - Đâu bận gì, tối ngày chỉ ngồi trong phòng không à!

    Hành lảng chuyện :

    - Em ở nhà chị Hà có quen không ? Mọi người đối với em tốt không ?

    Thằng Thiện rạng rỡ nét mặt :

    - Dạ tốt lắm, má Hương nói hết hè cho em đi học.

    - Em phải cố gắng để khỏi phụ lòng tốt của mọi người.

    - Dạ!

    Thằng Thiện muốn nói vì cả tấm lòng anh nhưng nó không nói được, chỉ mân mê bàn tay Hành. Có tiếng xe nổ giòn rồi tắt. Hành nói :

    - Anh Quyền về !

    Trong phút chốc Quyền đã vào phòng trên tay đủ loại báo lẻ, cả báo Hoa ngữ, Quyền cười thân mật nói :

    - Của ba nuôi anh gởi một nửa, ổng nói chiều ghé thăm anh.

    Quyền ngồi xuống bên Hành, choàng vai vổ về nói :

    - Ông già tuyệt vời thiệt, giá tôi có ông ba như ổng. À nè ! tôi chở anh lên nhà Châu Hà chơi, chiều nay có giờ luyện võ.

    - Cô ấy tập bình thường chớ ?

    - Bình thường chỉ có trái tim đập loạn thôi.

    Hành nín thinh,Quyền quay sang thằng Thiện, chẳng rõ tự lúc nào Quyền thấy yêu thằng bé ghê gớm. Anh bóp chớp mũi nó cười toe :

    - Thiên thần bé nhỏ, ra chợ đón bà về đi, nhớ nói bà mua bòn bon cho chị Châu Hà nhé!

    Đã qua rồi tháng ngày đen tối, nhưng thằng Thiện chưa quên được nỗi sợ hãi khi phải đi đâu. Mắt nó dáo dát khiến Quyền phì cười :

    - Tụi nó ở tù sạch rồi, em sợ gì nữa chớ, nói hoài không bỏ tật.

    Thằng thiện nhảy chân sáo đi ra, căn phòng rơi vào im vắng, hai người con trai lặng lẽ hút thuốc không ai nói ai câu nào. Rồi chính Hành mở đầu câu chuyện :

    - Tôi không đi với anh được , xin lỗi nhé !

    Quyền đi ra bung tàn thuốc qua cửa sổ, châm điếu khác, anh tựa lưng vào cửa sổ nhìn Hành chậm rãi nói :

    - Anh có thể nói tôi nghe tại sao không ? Như với người bạn thân tình ?

    - Vậy tôi hiểu sao đây về thái độ hai người ?

    Hành cười buồn :

    - Có lẽ cô ấy giận tôi, vì hôm ấy đã bỏ mặc cô ấy chạy theo cứu Thiện.

    Quyền bực bội :

    - Cô ấy có ngu đâu mà không hiểu bọn kia làm vậy để cản chân mình, chúng mới đem thằng Thiện đi được. Thôi anh đừng quanh co nữa, anh nói thật đi, có phải muốn nhường cho tôi cơ hội đến với Châu Hà ?

    Hành không trả lời. Quyền thẳng thắn đến tàn nhẫn với chính mình :

    - Đúng ! Tôi không có lòng bác ái nhân hậu như anh, nhưng tôi đâu phải là thằng ngu để hiểu Châu Hà không yêu tôi. Tôi là thằng ruột để ngoài da, thằng bộc trực, sống thực tiễn lý trí, chớ không bằng tình cảm con tim. Mẫu người tôi không thích hợp với Hà. Tại sao khi tôi hiểu ra điều ấy thì anh lại quay lưng như vậy? Anh đừng có quơ tay, định bào chữ à? Anh có biết hôm vô bịnh viện, cô ấy ở bên ngoài suốt đêm và khi nghe tay anh khó bình phục cô ấy khóc như thế nào không? Tại sao hai người yêu nhau đến vậy lại tránh né nhau?

    Hành vẫn im lặng. Quyền bứt tóc đi lại bên anh và nói như van xin :

    - Hành à ! Anh nói đi chớ! Anh sẽ là tội nhân nếu làm cho Hà đau khổ.

    Hành săm soi bàn tay băng kín của mình, lời anh thốt ra thật bất ngờ, xa xôi và buồn thảm :

    - Có lẽ tôi sẽ bỏ dở chương trình học, về lại Quảng Châu, tôi cần tập luyện bàn tay này, cần làm quen dần với cô đơn và nỗi nhớ. Cả tôi và cô ấy đều trọng tình non nước hơn tình riêng.

    Quyền sững sờ. Anh đã hiểu và dù anh có quyền dành lấy tình yêu của Châu Hà hay cao thượng nhường bước thì họ vẫn là hai kẻ hạnh phúc trong nỗi cô đon thầm lặng chính mình.

    Quyền chợt nghe đau xót, niềm đau này lớn hơn nỗi đau về mối tình tuyệt vọng của anh dành cho Châu Hà. Anh rên rỉ :

    - Ôi ! Hai người thật là …

    - Hãy hứa với tôi, luôn đem lại cho cô ấy niềm vui, nụ cười.

    - Hứa cái con khỉ !

    Quyền tuôn ra khỏi phòng chạy ù xuống nhà dưới. Anh không thấy cái trợn mắt của bà Thục và thằng Thiện vừa về.

    Anh nổ máy phóng xe đi.

    oOo

    Tất cả có mặt ở phòng đợi phi trường, kể cả Hành. Hôm nay ông Tấn về nước. Hai anh em ôm hôn nhau thắm thiết. Ông Hưng vỗ vai anh mình :

    - Anh yên chí đi, thanh minh sang năm cả nhà em về bển.

    Ông Tấn gật đầu chẳng thốt nên lời. Chia tay bao giờ cũng nhiều lưu luyến nhưng thời gian đâu dừng lại đợi chờ.

    Và rồi cánh cưả ngăn cách họ đã mở. Ông Tấn với bao vòng tay thân thương đối diện với Hành. Nhìn bàn tay anh thẳng đơ ông ái ngại :

    - Hành, phải kiên trì chữa bệnh và tập luyện nghe cháu.

    - Dạ !

    - Cháu cần nhắn gì với Thiên Trường không ?

    - Dạ không, cháu chỉ tiếc không kịp cùng về với bác. Chúc bác sức khoẻ.

    Những cánh tay vẫy chào. Khi Châu Hà quay lại Hành đã biến mất. Tiếng lục lạc reo vang rồi nhỏ dần. Châu Hà chạy tìm Hành. Anh đang hỏi xe trở về thì cô tới nơi, tiếng lục lạc rộn rã, tim Hành rộn rã.

    - Để Hà đưa anh về.

    - Tôi có chuyện phải đi, bác gái tìm cô kìa.

    Lần đầu tiên Hành thấy cô nổi giận :

    - Anh không cho phép tôi có cơ hội nào chuộc lỗi sao ?

    - Lỗi ? - Hành nhíu mày.

    Môi cô gái run run :

    - Phải ! Tay anh tàn phế là lỗi của tôi. Anh định bỏ học về nước vì tôi. Có thể mai này anh bỏ cả nghề nghiệp cũng vì tôi. Anh không cho tôi cơ hội, có phải vì oán hận tôi ?

    Bà Hương đến gần. Bà thấy con gái đau đớn, thấy Hành lặng lẽ nhìn cô. Bà dừng lại, nỗi ái ngại về Hành khiến bà lưỡng lự không muốn gọi con. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai bà, Khánh Hoà nói khẽ :

    - Mình về trước đi mẹ.

    Bà Hương đi với Khánh Hoà còn ngoái đầu nhìn lại. Châu Hà vẫn tiếp tục «gây sự» với Hành :

    - Không hề oán giận, hừ ! Vậy tại sao anh tránh mặt tôi ?

    Hành thở ra, anh muốn nói chính cô tránh mặt chớ không phải anh, nhưng rồi lại nói :

    - Tìm được người bàn giao ở toà đại sứ, tôi sẽ về Quảng Châu, chẳng còn mấy thời gian, mình đừng gây gỗ với nhau nữa nhé !

    Gương mặt Châu Hà nhợt nhạt :

    - Anh còn hai năm nữa mà, ở đây cũng có bác sĩ giỏi chữa bàn tay cho anh. Tại sao ? Anh… anh…

    - Tôi nhớ quê nhà.

    - Anh nói dối ! - Cô gái la lớn.

    Hành bối rối lẫn khổ sở. Chẳng ít người quay lại nhìn họ. Hành nói khẽ :

    - Mình về thôi.

    - Không , anh phải nói thật, có phải vì muốn trốn tránh tôi ?

    Hành lặng lẽ nhìn cô gái. Đến nước này hả em? Anh đã làm em đau đớn dằn vặt thế này.

    Ôi ! Còn đâu cô gái đeo lục lạc hồn nhiên ngày nào?

    Từ đôi mắt trong veo long lanh đôi giọt lăn xuống ngập ngừng và cô gái chợt khóc vỡ oà :

    - Em ghét anh, em ghét anh.

    Cô chạy đi, Hành chết lặng nhìn theo. Nước mắt Châu Hà khiến tim anh đau đớn, nhưng anh vẫn đứng, đứng mãi cho tới khi cô khuất dạng khỏi phi trường mới thiểu não gọi xe về.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 14

    Đêm ấy Hành uống trà thật khuya với anh em Tài, để rồi thao thức không ngủ. Đêm ấy cô gái mắt một mí tròn xoe mộng nước, lăn lộn trên giường thì thào tiếng không, nhưng tim cô lại ngân vang tiếng có.

    Hôm sau cô không đi làm với mẹ. Hôm sau nữa cô đi đến trường Tương Lai, lại đến ngã Năm trò chuyện cùng nhóm bè bạn ở đó, rồi lang thang khắp nơi. Buổi tối cô nói không ăn cơm, về phòng nằm ngủ vùi. Bà Hương đích thân vào bếp nấu thức ăn đem lên tận phòng con gái. Bà lay nhẹ Châu Hà và hết hồn, Châu Hà nóng như lửa.

    Châu Hà ngã bệnh, lần đầu tiên trong ba mươi hai năm chung sống, vợ chồng ông Hưng to tiếng với nhau ngay trước con gái :

    - Em cấm bé Lục Lạc không được yêu thằng Hành phải không ?

    Khánh Hoà vừa đắp khăn ướt cho em trong khi chờ bác sĩ tới, vừa ngoảnh nhìn cha. Té ra không hề vô tư, ông biết bé Lục Lạc yêu Hành. Lần này thật tệ hại, vì đúng là tình yêu, nên con bé mới ngã bệnh như thế này.

    Bà Hương như lửa đốt trong lòng, nghe chồng kết tội mình phát giận run. Bà lớn tiếng :

    - Nếu bây giờ nó chết, cũng lỗi ở tôi chớ gì ?

    Ông Hưng sợ tiếng chết đến quên sự nể trọng vợ :

    - Em lại trù ẻo con ? Có phải em nghĩ, thà để nó chết còn hơn để nó yêu thương thằng Hành ?

    Bà Hương run bắn lên. Nghĩa là trong lòng anh ấy bao năm nay đều nghĩ rằng chính mình giết chết thằng Quảng.

    Khánh Hoà thấy ba mẹ cãi nhau vội can :

    - Ba mẹ ! Đừng cãi nhau nữa, thật ra nếu Châu Hà ưng Hành mẹ cũng chấp nhận mà, sao ba không hiểu mẹ vậy ?

    Bà Hương rơi nước mắt quay người chạy đi. Ông Hưng sực tỉnh chạy theo :

    - Hương ! Hương !

    Khánh Hòa lắc đầu, kiểu này anh lại phải năn nỉ cả người này lẫn người kia. Bác sĩ tới, Khánh Hoà nói bệnh trạng của em. Ông khám xong cho thuốc. Thấy Khánh Hoà lo lắng ông cười :

    - Cô ấy cảm thôi, nghỉ ngơi vài ngày là khỏi ngay.

    Bác sĩ đi rồi, Châu Hà vẫn sốt li bì. Khánh Hoà suy nghĩ rồi quyết định gọi Hành bằng số điện thoại tòa đại sứ. Người cầm máy là Hành, khiến Hoà mừng rỡ :

    - Hành hả ? Châu Hà sốt cao.



    - Tôi nói anh có nghe không hả ?

    Vẫn im lặng … và rồi …

    - Tôi đến ngay .

    Nửa giờ sau Hành đến, bàn tay trái thẳng đơ, mắt sâu thẳm. Khánh Hoà ra hiệu Hành lên lầu, anh lắc đầu :

    - Tôi muốn nói chuyện với anh.

    Khánh Hoà nhíu mày. Hành ngồi xuống bậc thềm ngước nhìn Khánh Hoà, từ tốn nói :

    - Toà đại sứ chấp nhận cho tôi về Quảng Châu.

    Khánh Hoà sửng sốt :

    - Tôi đăng ký chuyến bay rồi, sáng chủ nhật đi.

    - Còn hai ngày nữa thôi.

    Khánh Hoà bối rối, mừng lo lẫn lộn. Hành đặt tay mình lên tay Khánh Hòa chậm rãi nói tiếp :

    - Anh đừng cho Châu Hà biết tin này.

    - Nó sẽ phản ứng sao đây ? - Khánh Hoà lo âu buột miệng.

    Hành lặng lẽ :

    - Châu Hà không mềm yếu đâu. Ẩn sau vẻ vô tư hồn nhiên, trong trắng ấy là một Châu Hà kiên định, cứng rắn. Cô ấy từng đi qua nỗi đau tình yêu đầu đời đầy dũng cảm, có lý nào chịu khuất phục dễ dàng. Rồi nàng sẽ lãng quên.

    Khánh Hoà ái ngại nhìn Hành. Rốt cuộc ai chối bỏ, trốn chạy cuộc tình này ? Tại sao trong tình yêu luôn có nhiều đau khổ. Có phải gia đình mình là trở lực chính, khiến cả hai cùng chối bỏ ?

    Hành như hiểu điều Khánh Hoà suy nghĩ :

    - Không ai có lỗi trong chuyện này, kể cả Châu Hà và tôi.

    Hành nhìn ra những hoa lồng đèn đu đưa trong gió, giọng trầm lai ;

    - Dù ở đây hay về Quảng Châu, thì hình bóng nàng vẫn mãi mãi trong trái tim tôi, giúp tôi có niềm tin, sức sống đi vào trường tranh đấu với đời.

    Hành đứng lên nhìn sâu vào đôi mắt Khánh Hoà :

    - Ta không còn dịp gặp nhau, coi như lời tâm sự thay lời chào chia tay.

    Khánh Hoà lặng nhìn theo Hành đi lên phòng Châu Hà.

    Cô gái nằm thiêm thiếp, mặt đỏ bừng, tóc rã rượi tràn trên gối. Hành đứng bất động, mắt đăm đăm như muốn thu gọn hình hài yêu dấu ấy vào trái tim mình. Cô gái chợt trở mình miệng lảm nhảm :

    - Không ! Không !

    Chàng trai Trung Hoa chậm rãi quỳ xuống, bàn tay còn lại nhẹ nhàng cầm tay nàng áp vào ngực mình, đôi mắt sâu thẳm khép lại. Không gian ngưng động trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Và chàng trai cúi xuống đặt lên vầng trán nóng bừng nụ hôn tình yêu chôn sâu thăm thẳm tận cùng đáy lòng chàng. Có tiếng thì thào tha thiết :

    - Bé Lục Lạc, tình yêu của anh. Vĩnh biệt.

    Đôi giọt tình sầu lóng lánh duy nhất trong đời người trai xứ lạ rơi trên gương mặt thiên thần còn mê say, đọng mãi nơi khoé mắt khép kín, như hình bóng anh in đậm trong trái tim trong trắng của nàng.

    Bàn tay ai chải lên tóc ai, lần đầu tiên cũng là lần sau cùng. Chải mãi, một vài sợi vấn vương trên tay, anh nắm chặt lấy, từ từ đứng lên, nhìn lần cuối gương mặt yêu dấu ấy rồi cúi đầu bước đi. Anh đi qua người cha nhìn anh đầy thương xót qua người mẹ mắt lệ nhạt nhoà, vượt khỏi căn nhà với anh từ đây là kỷ niệm. Anh quyết về khung trời quê hương anh. Hành trang mang theo có đôi mắt một mí to tròn, với tiếng lục lạc reo rộn rã và sợi thương nhớ còn vấn vương trên tay.

    oOo

    Bắc Kinh một chiều cuối thu.

    Thiên Trường đọc thư Khánh Hòa gởi:

    .. Chúng em thành hôn trước Giáng sinh vài ngày, thiệp cưới em sẽ gởi sau. Mong anh và bác qua dự, luôn tiện vui cái Tết sum họp (Ba em khẩn thiết bảo em nhấn mạnh câu này)...

    Anh có gặp Dương Hành không? Anh ấy khỏe chưa? Bàn tay có hy vọng bình phục lại không? Em tiếc không có địa chỉ Hành để gởi thư thăm. Gia đình em từ ngày ấy, chẳng ai nhắc đến tên Dương Hành nhưng ai cũng tự biết, anh ấy đã hy sinh nhiều và thật bất công cho một tình yêu như vậy lại không thành. Viết đến đây em thấy lòng nặng nề, cho Hành cho cả bé Lục Lạc. Anh biết không, ngày Hành về Quảng Châu, sợ Châu Hà đau lòng em không hở môi, ai ngờ Quyền đến, anh ấy mắng con bé như tát nước, bắt nó đến sân bay gặp Hành. Con người suốt ngày đùa tếu, vui cười ấy trở nên chín chắn không ngờ. Còn bé Lục Lạc thì sao? Nó như chết rồi dù không lộ vẻ gì. Nó hỏi em câu độc nhất:

    - Anh biết anh ấy đi phải không?

    Em gật đầu, chẳng thể thốt nên lời trước đôi mắt tắt lịm sức sống của nó. Chúng em cùng ra sân bay nhưng muộn rồi. Châu Hà chết lặng ngay phi trường, nhìn lên khoảng trời xanh có cánh chim sắt nhỏ dần cuối chân mây, bằng ánh mắt nhạt nhòa. Nó đứng, đứng mãi, bất động như tượng đá vọng phu ngàn xưa. Lời tiễn đưa người ra đi nó không hề thốt, nhưng khối tình này Châu Hà ôm ấp mãi trong tim, em biết vậy.

    Anh Thiên Trường! Bé Lục Lạc bây giờ không còn hồn nhiên vui sống. Nó đến giảng đường đại học đều đặn, đến trường Tương Lai hàng ngày. Nó học tốt, làm tốt mọi công việc xã hội, chỉ vắng bặt trên môi tiếng cười. Viết đến đây em sực nhớ lời tâm sự của Hành ngày nào. Hành nói hôn nhân có biên cương, còn tình yêu thì không và em tự hỏi lòng đúng hay sai, khi mình chưa nói Châu Hà nghe chuyện chiều hôm ấy...

    Anh Thiên Trường hẹn gặp lại anh, còn bây giờ em đi đón Châu Hà em sẽ kể nó nghe về lời tâm sự của Hành, về nụ hôn thầm lén trang trọng Hành trao gởi, về những sợi vấn vương trên tay Hành, cũng là hành trang duy nhất Hành mang về quê hương.

    oOo

    Đám cưới Khánh Hòa như mọi đám cưới nhà khá giả. Rước dâu, đãi nhà hàng vài trăm khách. Cây đinh trong buổi tiệc là Lý Thiên Trường. Cô gái được để mắt tới nhiều nhất là Châu Hà.

    Tiệc tan, cô dâu chú rể và gia đình đưa nhau về nhà. Đập vào mắt họ là gói giấy hoa để trên bàn, bà Ngang cho biết, có người đến gởi quà tặng.

    Khánh Hòa ôm gói quà đưa cho Hiền. Cô mở ra. Mọi người ồ lên sửng sốt. Quà là pho tượng cổ bằng đồng chạm khắc tinh vi, hình đôi trai gái hòa âm sáo, đàn với y phục cổ đời Tống. Pho tượng có giá trị liên thành nhưng người tặng không lưu lại tên tuổi. Mọi người đều ngạc nhiên thắc mắc. Châu Hà thờ ơ nói:

    - Bạn đồng nghiệp của ba giàu nứt tường đổ vách, có việc nhờ cậy thì tiếc gì chừng ấy chứ.

    Cô bỏ đi lên lầu, thằng Thiện dụi mắt chạy theo. Khánh Hòa nhìn Thiên Trường lắc đầu. Hiền thấy nỗi buồn trên mặt mọi người, cô dịu dàng khuyên:

    - Thời gian sẽ giúp Châu Hà quên được, ba mẹ đừng buồn.

    Bà Hương cười gượng. Sực nhớ hôm nay ngày cưới dâu, bà vội cười ôm hôn Hiền nói lời chúc phúc. Lần lượt mọi người chúc tụng rồi đưa cô dâu chú rể về tân phòng.

    Bà Hương đến phòng Châu Hà, cánh cửa bật mở, thằng Thiện rón rén đi ra, nó đưa tay lên môi suỵt khẽ, ra dấu Châu Hà đã ngủ rồi thì thào:

    - Chỉ ngủ rồi mẹ ạ!

    Thật ra cô vờ ngủ. Cánh cửa khép lại nhẹ nhàng. Châu Hà mở mắt trao tráo nhìn ra trời đêm. Bao nhiêu tháng ngày cô không khóc. Hôm đưa tiễn Hành đi muộn màng cô cũng không khóc. Cô gái tuổi đôi mươi biết cách nuốt nước mắt vào lòng, biết cách sống trong thương nhớ. Nhưng rồi một chiều trên sân thượng, sau khi học võ, Quyền ra về, cô ngồi lặng ngắm mây bay. Khánh Hòa đến cầm tay em gái kể tất cả. Lúc ấy chỉ hỏi một câu:

    - Anh kể em nghe để làm gì.

    Khánh Hòa vuốt tóc em dịu dàng nói:

    - Anh chợt nhớ em mới hai mươi, tuổi hai mươi tại sao không mơ ước chứ? Hành có thể quay lại Việt Nam học nốt mấy năm còn lại. Chúng em có quyền yêu nhau và nghĩ về tương lai, dù một năm, hai năm, hay mười năm nữa, em và Hành vẫn còn trẻ mà.

    Khánh Hòa biết mơ ước thay em gái, còn cô gái đeo lục lạc, lần duy nhất để cho anh thấy nước mắt mình rơi.

    Bao đêm rồi nhỉ? Trong mơ Châu Hà thấy Hành về ôm tay cô áp vào ngực, thầm lén hôn cô nụ hôn thánh thiện và ra đi mang theo những sợi tóc cô rơi.

    Bao đêm rồi nhỉ? Cô cầm bút lên không viết nổi hàng chữ gọi người yêu lại? Tại sao? Anh Hai nói đúng cơ mà. Ta mới hai mươi ta có quyền mơ ước chứ. Hai nước đã giao lưu văn hóa, đã ký hiệp định sơ bộ về ranh giới, rồi đây sẽ đến kinh tế thương mại. Trên hai quê hương, ta luôn có nhau, vẫn giữ lòng tự hào về cội nguồn.

    Châu Hà vùng dậy, tiếng lục lạc reo nhỏ xíu nhưng nỗi nhớ thương ngày càng lớn dần. Không thể im lặng nữa, anh Thiên Trường biết anh ấy giờ ra sao. Cô gái mở cửa và sửng sốt thấy Thiên Trường đứng đó tự bao giờ với điếu thuốc trên tay.

    - Bé Út muốn nói chuyện với anh chăng?

    - Khuya rồi. - Cô gái cúi đầu nói khẽ.

    - Không sao, anh đợi giây phút này ba hôm rồi.

    Phải! Ba ngày rồi, từ hôm cha con Thiên Trường qua dự lễ cưới, ngoài lời chào hỏi và cái hôn mừng rỡ tặng người anh chú bác, Châu Hà không một câu nhắc đến Dương Hành.

    Cô gái rùng mình, sắp đến Noel trời trở lạnh. Thiên Trường cởi áo khoác choàng cho em, nắm tay cô đưa vào phòng. Cả hai ngồi xuống cạnh bàn học. Thiên Trường châm điếu thuốc khác chờ đợi.

    - Tay anh ấy cử động được chưa?

    - Anh không biết.

    - Hai người không viết thư thăm nhau chớ?

    - Tụi anh không có thời gian nhưng thường gặp nhau qua điện thoại.

    - Anh ấy.. có.. nhắc... đến em không?

    - Nó hỏi anh y như em vậy?

    - Anh ấy...

    Thiên Trường khẽ lắc đầu.

    - Anh muốn dạy em điều gì? - Cô gái ngẩng lên chờ đợi.

    - Nếu là tình yêu, thì chỉ một ngày bên nhau cũng đủ hạnh phúc một đời, huống chi em và Hành còn trẻ để ước mơ.

    Đôi mắt một mí tròn xoe loáng ướt tiếng lục lạc reo nho nhỏ chỉ để những người yêu nhau nghe.

    oOo

    Đêm Giáng sinh mưa bay trời giá lạnh, có cô gái nhỏ quần jean áo thung đỏ, tóc cột cao bằng sợi ruy băng, một mình đi giữa dòng người đông đảo ngược xuôi. Cô bé xinh đẹp, lẻ loi, mỗi bước đi tiếng lục lạc reo ngân nhỏ xíu. Cô đi về đâu trên những con đường?

    Cô gái đi mãi và rồi dừng lại trước khu dinh thự cổng kín cao tường có hai người cảnh sát gác.

    - Thưa anh, tôi muốn gặp ông bí thư đại sứ quán.

    - Yêu cầu cô xuất trình giấy tờ.

    Người ta đưa cô vừa đến hành lang biệt thự thì người đàn ông đầu bạc, dáng khắc khổ bước ra. Họ có vài giây nhìn nhau và người ấy từ tốn nói bằng tiếng Quảng đông trầm ấm:

    - Cháu vào đây!

    Cô gái ngồi xuống chiếc ghế mây trong căn phòng không trang trí gì ngoài cây tùng kiểng bé nhỏ trên chiếc bàn để khay trà.

    - Thưa bác, cháu tên Châu Hà, ở nhà thường gọi cháu là Lục Lạc.

    Trên gương mặt khắc khổ thoáng nét cười:

    - Cháu đến thăm bác hay có việc gì?

    - Cháu...

    Cô gái không nói được, nét lanh lợi hoạt bát biến mất, trước ông bí thư, cô gái thật bé nhỏ đáng thương qua cái rùng mình. Những hạt mưa bay li ti đậu lên tóc, đôi giày Adidas bết bùn, không áo lạnh, khăn quàng trong tiết giáng sinh giá lạnh. Con bé mang nỗi nhớ thương to lớn trong lòng.

    Cô gái đứng lên nói trong nghẹn ngào:

    - Cháu làm mất thời gian của bác, hãy tha lỗi cho cháu.

    Người đàn ông đi lại gần:

    - Cháu cần bác giúp gì cháu cứ nói.

    Cô gái ôm mặt lắc đầu lia lịa:

    - Chẳng ai giúp được cháu cả, cháu muốn anh ấy ra đi, anh ấy đi ngay, giờ cháu cần anh ấy trở về, thì chẳng làm sao gọi anh ấy trở về.

    Nỗi đau tràn ứ trong lòng bỗng vỡ òa không gì đè nén nổi. Cô gái gục xuống, nền đá hoa giá lạnh, ôm đầu gào nức nở:

    - Cháu yêu đất nước này, nhưng cũng yêu anh ấy. Cháu bắt anh ấy hy sinh, còn cháu chưa một lần vì anh ấy hy sinh. Bây giờ cháu có hy vọng, biết ước mơ nhưng anh ấy đã ra đi không trở lại. Thì ra cháu yêu đâu bằng anh ấy yêu. Dương Hành tàn phế bàn tay là lỗi của cháu, bác biết không?

    Nước mắt cô cứ tràn như suối, cô khóc mãi, đầu gục xuống, không nghe tiếng bước chân nhè nhẹ chuyển trong phòng. Bóng ai ngả xuống bên cô, bàn tay ấm nóng đặt lên bờ vai nhỏ. Cô gái ngước lên, lung linh qua làn nước mắt hình bóng thân yêu đang quỳ nhìn cô lặng lẽ. Cô gái vùng lên, đôi tay kia ghì nhẹ kéo cô lại gần, lời ngọt ngào như ru:

    - Em đừng khóc nữa.

    Châu Hà dụi mắt. Cô đang tỉnh hay mơ ? Dương Hành! Đúng là Hành, vẫn gương mặt triết nhân, dáng cao gầy, vẫn ánh mắt sâu thẳm lặng lẽ. Anh hiện diện bên cô như trong giấc mơ đêm rồi. Cô lắp bắp:

    - Anh... anh!

    Vòng tay ai siết chặt cô vào lòng, thì thầm tiếng nói thân thương:

    - Anh đây! Khi em biết ước mơ, anh vội vàng trở lại, bởi thế gian đâu có được hai Lý Châu Hà. Nín đi em, đừng khóc nữa.

    Nhưng cô gái càng khóc to hơn bao giờ hết, khiến chàng trai bối rối khôn cùng. Họ ngồi xuống bên đá hoa, anh lau nước mắt cho cô, bàn tay vụng về, lau mãi mà nước mắt cứ tuôn chảy. Cuối cùng bờ môi chàng trai viễn xứ đậu lên đôi má, uống cạn đi hàng lệ nhớ thương người yêu trao tặng mình.

    Khi đôi dòng nước mắt cạn khô, khi tiếng lục lạc reo rộn rã, hai kẻ đang yêu nhau đã nằm trọn trong vòng tay, say đắm trao nhau nụ hôn đầu.

    oOo

    Đêm Giáng sinh Sàigòn rực rỡ. Mưa bay vẫn bay, trời buốt giá. Có đôi người trẻ tuổi bên nhau không quan tâm đến cái lạnh ngày Chúa ra đời. Họ đi, đi mãi, tựa vào nhau, kể nhau nghe bao điều từng ấp ủ trong lòng.

    - Hôm ấy từ Bắc Kinh, Thiên Trường bay đến Quảng Châu đưa anh xem lá thư Khánh Hòa gởi, anh không ngủ được suốt mấy đêm.

    - Anh Trường không nói với em lời nào về anh, dấu em cả chuyện tay anh đã lành.

    - Khánh Hòa gởi thiệp mời đám cưới, cùng lúc anh quyết định qua Việt Nam, anh đi chung chuyến bay với Thiên Trường.

    - Anh Trường và anh Hòa nói rằng chúng ta còn trẻ để ước mơ nhưng lại dấu chuyện anh sang đây.

    - Anh theo em khắp nơi, từ thương xá đến chợ hoa, em lúc nào cũng đẹp trong mắt anh, nhưng đẹp nhất vào ngày cưới Khánh Hòa. Chiếc áo dài màu hoa trinh nữ ấy có phải dành cho anh?

    - Thì ra quà đám cưới ấy là của anh?

    - Đêm qua em đứng ngoài gió lạnh đến nửa đêm khiến anh lo lắng vô cùng. May quá mẹ em ra đến, nếu không anh tông cửa vào rồi.

    Cô gái đứng khựng giữa lòng đường bất kể người, xe xuôi ngược, mắt xoe tròn ngước nhìn người yêu.

    - Có phải suốt mấy đêm...

    Hành áp tay người yêu lên môi gật đầu. Châu Hà ứa nước mắt:

    - Anh điên quá, tại sao không vào?

    - Khánh Hòa và Thiên Trường đều khuyên anh chờ đợi.

    Cô gái dụi mặt vào ngực người yêu thì thào:

    - Bé Lục Lạc hư quá phải không anh?

    Chàng trai mắt lấp lánh tia cười lắc đầu, anh dìu cô bé của anh đi theo dòng người, thì thào bên tai cô lời tự tình:

    - Vì em hư nên anh yêu em nhiều, cái hư ấy không phải ai cũng học được. Bé Lục Lạc, chúng ta có quyền mơ ước phải không em?

    Mắt cô gái lại nhạt nhòa. Phải! Lòng tự hào về cội nguồn anh, cô đều có và tuổi đôi mươi ai cấm họ mơ ước một tương lai tươi hồng.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 15

    Chàng trai Trung Hoa trở lại viện đại học. Cô gái đeo lục lạc mang cặp và tiếng lục lạc reo lên ở giảng đường.

    Mỗi sáng, mỗi chiều, những "bạn bè" họ ở ngã năm, tươi cười vẫy tay chào đôi trai gái đưa nhau đi học, đón nhau về.

    Bọn nhóc trường Tương Lai không còn chia phe gả chồng cho chị Châu Hà.

    Bây giờ chúng đang kiếm vợ cho sư phụ Quyền, với tiêu chuẩn rất cao.

    Thằng Thiện học nhiều hơn ăn, một năm hai lớp mà lị. Nó quyết định mai này làm giáo viên trường Tương Lai.

    Hôm nay chủ nhật, sáng sớm tinh mơ, tiếng lục lạc reo vui trên đường.

    Chủ nhật này đẹp trời, chiếc xe bánh mì và bà chủ dừng lại. Những nhóc tì bưng bánh tiêu, bánh bò ngoảnh lại.

    Những cánh cửa sắt đang mở cũng dừng tay. Tất cả đều nhìn về cô gái, đang tung tăng trên con đường. Hôm nay bên cô có thêm một chàng trai. Ông chủ tiệm sửa xe nói với bà bán bánh mì:

    - Thằng Hành chạy với nó.

    - Ừ! Chủ nhật mà.

    Cô bé đội mâm bánh tiêu thông báo:

    - Ăn tết xong nhà chị Hà đi qua Tàu.

    Thằng Cầu đang cột vào lưng túi tiền, ngoảnh lên:

    - Đi tảo mộ ông bà chỉ rồi về mà.

    Cô gái chạy đến nơi, bên cô là chàng trai Trung Hoa. Cô dừng lại, chân vẫn nhịp đều, miệng nói như hát:

    - Chào! Bán đắt nghe.

    Tất cả chào lại vui vẻ, chân cô gái vẫn đều đặn nhịp trên lòng đường.

    - Bác Sáu đâu?

    - Ông đi ra bến xe Miền Đông.

    Cô gái nhoẻn miệng cười:

    - Chào! Hẹn gặp lại.

    Cô đưa tay chào như vận động viên chào khán giả giữa vận động trường, rồi tặng tất cả nụ cười tươi thắm, chân lại đều bước chạy.

    Thằng Cầu réo to:

    - Anh Hành ơi! Chiều về mua bánh tiêu nghe.

    Hành sóng bước bên Châu Hà ngoảnh lại cười:

    - Với điều kiện, em không "chỉa" mất tiền anh.

    Đám "bạn trẻ" Châu Hà cười ồ.

    Tiếng lục lạc bây giờ nhỏ lắm, bởi cái lục lạc Hành tặng. Người ta không còn nghe tiếng lục lạc reo, mỗi Hành nghe rất rõ, dù cô chạy xa bao nhiêu.

    Dáng cô gái quần soọc màu đỏ thắm với áo thun trắng, tóc túm cao bên chàng trai, nhỏ dần rồi mất hút ở ngã năm.

    Chiếc xe bánh mì lại tiếp tục lăn. Những mâm bánh tiêu, bánh bò kèm theo lời rao hơi trẻ. Tiếng cửa sắt kéo nghe uể oải. Ông chủ tiệm sửa xe kéo thùng đồ nghề miệng cằn nhằn thằng con ngủ tới giờ chưa dậy.

    Một ngày mới bắt đầu trên con đường Quang Trung.

    Một ngày nữa đến với tình yêu của Hành và Châu Hà.

    Đôi người yêu nhau ấy tin một ngày không xa ước mơ sẽ đạt thành.

    Bạn đọc thân mến! Thật ra đâu chỉ những người yêu nhau từ hai đất nước mới biết ước mơ...

    Hết

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •