Con Nuôi Người Thủ Từ Làng Hạ


Vũ Hoàng Quế Ngân





Dáng lão đi con cón, rất nhanh. Người lão nhỏ và thấp, chỉ khoảng 40 cân, được cái gặp người làng, ai lão cũng chào, hỏi thăm rất ân cần, mặc cho họ có niềm nở hay lạnh nhạt với mình.

Không ai biết quê quán lão ở đâu. Mà lão làm gì có quê? Cụ thủ từ ở đền làng bắt gặp lão đỏ hỏn trong chiếc nón mê ở một lều quán sát chợ Dầu. Cụ mang lão về nuôi, khi cụ chết đi lão ở một mình trong cái hậu cung của đền làng lạnh lẽo.

Lão sống dựa vào thu nhập từ hai cái cây ở vườn đền. Cây thị thì dù ít, dù nhiều, năm nào cũng có hoa. Riêng cây nhãn, năm được, năm không. Những năm nhãn mất mùa, thu nhập giảm đi, lão đói. Năm nào nước sông lên, nhãn trổ nhiều hoa, lão có vẻ phong lưu. ấy là nói phong lưu theo cách của lão thôi, bởi lúc sung túc nhất, người ta cũng chỉ thấy lão dám mua mấy con tép khô hay bìa đậu. Quanh năm suốt tháng, thực phẩm chính của lão là mấy ngọn rau tập tàng hái ở vườn đền.

Người ta không gọi lão chỉ bằng tên mà luôn kèm theo một biệt danh Lợi "hủi". Lão bị bệnh phong? Không. Chẳng qua tại lão nghèo, quần áo không mấy khi hẳn hoi, trông nhếch nhác, lôi thôi. Nghèo thì sẽ bị người đời miệt thị - thường thế. Hơn nữa, lão là dân "ngoại quán". ở làng Hạ, đó là một cách biệt rất ghê. Những người "ngoại quán" luôn luôn chịu phận đàn em trong những dịp hội lễ, họ phải khênh vác, bưng bê nhưng khi thảo luận, bàn bạc việc làng, họ phải ngồi chiếu dưới, chẳng bao giờ ý kiến đóng góp của họ được mọi người để ý.

Lão Lợi không vợ con. Đúng ra chưa hề bao giờ thấy lão đả động đến chuyện này. Đã bao nhiêu lần dòng sông ngầu đỏ, lão vẫn thui thủi một mình. Cũng khó lắm thay, ở địa vị lão, tứ cố vô thân, đã nghèo lại không họ hàng, mẹ cha, có hỏi cũng không ai dám nhận lời.

Những năm nhãn được mùa, thu nhập của lão cũng bị một nguy cơ giảm đi: ấy là từ lũ trẻ con trong làng. Thằng Ân "quái", thằng Quyền "đen", thằng Kiên "còm"... và một lô một lốc những cái tên, nghe đã thấy nghịch như quỷ sứ, thuộc làu từng cái chạc trên hai cây của lão. Thoắt cái, chúng biến mất, thoắt cái đã thấy chót vót trên cao, miệng nhồm nhoàm nhai; còn lụng thụng trong lần áo may-ô đã được "sơ-vin" cẩn thận trong quần cộc, là những quả nhãn tròn căng, hay những quả thị hãy còn xanh lét.

Lão Lợi không đuổi đánh lũ quỷ sứ đó bao giờ, mặc dù rõ ràng chúng đang phí phạm miếng cơm của lão. Một lần, thằng Kiên "còm" chậm chân, mặt tái xanh, run cầm cập ở trên cây khi thấy lão Lợi dưới gốc ngước nhìn lên. Nó tưởng lão sẽ nổi giận lôi đình, xách cổ nó xuống, quất cho vài chục roi, hay chí ít ra cũng sai "áp" nó về cho cha trị tội. Vậy mà lão lại rất nhẹ nhàng:

- Thằng còm con nhà Quang đấy phải không? Xuống đây, xuống đây với ông. Từ từ thôi kẻo ngã.

Hôm đó, sau khi ăn nhãn chán chê, nó còn được lão Lợi bẻ cho một chùm to, bảo nó mang về biếu cha, mẹ nó.

Kiên "còm" không biết rằng, nồi cơm của lão đầy hay vơi, phụ thuộc rất lớn vào những chùm quả trên cây. Lão có thu nhập gì khác đâu? à mà quên, lão còn có nghề bốc mộ thuê, nhưng chẳng biết có nên coi đó là nghề không?! Thôi để nói ở sau! Chỉ biết rằng, sau những trận bọn quỷ sứ "càn quét" tan hoang, sáng hôm sau, người ta lại thấy lão Lợi xuất hiện ở chợ Dầu. Lão cắp một cái rổ lổng chổng nhãn và thị, quả chín lẫn quả xanh và khi lão về, thay vào đó là lùm lùm cái gói chừng một vài lon gạo.

Không chấp trách, không bon chen, lão Lợi cứ sống như thế, bao nhiêu năm, dưới sự miệt thị, khinh rẻ của người đời. Người lớn ngoảnh mặt đi khi thấy lão từ xa. Đàn bà đem chuyện lão ra kể như một điều gớm ghê. Riêng lũ trẻ con, chúng chạy nhồng nhồng một đám đằng sau mỗi khi lão đi qua, miệng hò hét inh tai: Lợi "hủi", ôi "hủi, hủi..." Của đáng tội, trong làng chỉ có những nhà nghèo quý lão, hoặc thương, nhưng họ phải theo số phú nông. Chẳng hạn như bố thằng Kiên "còm" - chú Quang - thỉnh thoảng, nhà có giỗ chạp, lại sai nó lén đem biếu lão một nắm xôi, vài miếng thịt heo, đôi khi thêm một vài quả chuối.

Lão Lợi chỉ là "thân quen" với đám nhà giàu khi có việc. Thường là những việc bẩn thỉu, nặng nề. Người ta gọi lão đến, ân cần một cách giả tạo. Cho lão ăn và khi lão làm xong thì quên ngay dường như với họ chưa hề có một lão Lợi bằng xương bằng thịt tồn tại ở trên đời. Chẳng hề băn khoăn, lão Lợi giúp tất cả những ai, nếu họ cần, kể cả khi họ chẳng yêu cầu. Phải chăng đó là lý do lão bị người đời rẻ rúng?!

Có hai việc mà các nhà giàu không thể nhờ ai, buộc phải mượn tay lão nhúng vào. Đó là khâm liệm xác chết và sang cát (hay còn gọi là bốc mộ).

Làng này cận thị lại cận sông, lợi thế mà cũng là tai họa đấy. Cận thị (gần chợ) thì xe cộ nhiều, tai nạn trên đường lắm. Cận sông thì mỗi năm một mùa nước lên, thế nào cũng có người chết đuối. Đó là chưa kể người chết từ nơi khác dạt vào. Đầu làng có một cái điếm canh đê, đồng thời kiêm luôn chức năng nhà quàn xác. Theo tập tục của làng, những người chết đường, chết chợ, chết trôi sông không được đem vào làng, phải quàn tại điếm canh đê, để khỏi kinh động long mạch của Thành hoàng.

Lão Lợi được vời đến mỗi khi có những "sự kiện" trên. Toàn những cảnh tượng khiến người khác thất kinh. Xác chết bình thường nhìn thấy đã sợ, huống chi có người chết ngâm nước đến cả chục hôm, trương phình, nhiều chỗ đã rữa ra, bốc mùi nồng nặc.

Lão Lợi khâm liệm tất cả các "ca". Lão làm cẩn thận, chi li, sắp xếp, lau rửa, thay mặt cho người chết rất kỹ càng, bất kể người đó là ai, có hay vô thừa nhận. Lão cũng chẳng kịp hoặc chẳng nhận được lời cảm ơn, bởi sau khi làm xong, người ta cũng cảm tưởng lão giống như một xác chết trôi sông vậy!

Việc thứ hai, các phú nông rất cần lão là cải mả cho người nhà. Thông thường sau hai năm trở ra, người chết được đào lên nậy nắp ván thiên, mò nhặt lấy xương, xếp vào tiểu sành rồi chôn ra một chỗ khác. Như thế người ta gọi là bốc mộ, sang cát hay cải mả.

Lão Lợi được nhờ làm hộ tất cả các khâu, từ đào mộ, mò xương, xếp đặt và chôn mộ mới, bởi tất cả các việc đó đều nặng nhọc và bẩn đến kinh người. Khi nắp ván thiên được nậy lên, một bộ xương người nằm thoài loài trong hòm gỗ. Cái đầu lâu đen bóng, ba hốc tối thui, hàm răng trắng nhởn nhe ra. Tùy vị trí đặt mộ có nước hay không, nếu mộ có nước, đầu lâu trôi lung tung. Mộ mà khô, chưa "hóa" hết, rất thối và hôi. Đôi khi, mộ có cả cá trê. Những con cá trê không biết chui theo ngõ ngách nào xuống được đến đây, sinh con đẻ cái, con nào con nấy béo, vàng ươm, quẫy đùng đùng làm bắn tung cả thứ nước đen đen vào mặt người cải táng.

Lão Lợi mò mẫm trong làn nước đen ngòm lôi lên đủ thứ: một mảnh ni lông, chiếc cặp tóc, mấy đồng xu... cả chiếc dép, chiếc lược... thậm chí một mớ tóc dài lê thê chưa tiêu hủy hết. Vớt hết những thứ đó xong, lão bắt đầu mò xương. Phải không thiếu một mẩu nhỏ dù là đốt ngón chân. Thường thì chủ nhà giúp lão việc sắp xếp xương vào tiểu sành sau khi đã lau rửa kỹ càng bằng nước trầm thơm. Bất cứ lúc nào lão Lợi cũng có thể gặp nguy cơ quơ phải đầu một cái đinh mà người ta dùng để đóng ván thiên. Trường hợp đó xảy ra, lão khó thoát được cái chết sau một thời gian vì thứ nước lão đang mò mẫm kia chứa đầy vi trùng uốn ván.

Thỉnh thoảng cũng có những việc nguy hiểm, dị thường xuất hiện. Một lần, khi lão Lợi hai tay nâng chiếc đầu lâu thì từ trong hốc mắt, một con rắn cạp nia phi ra. Cái thân mình khúc đen khúc trắng của nó lao như một mũi tên sượt qua mang tai của lão trúng vào kẻ ngồi sau. Lần ấy lão Lợi thoát chết còn người ngồi sau thì tàn tật suốt đời mặc dù lão đã trổ hết tài thuốc namchữa rắn cắn mà cụ thủ từ truyền lại để cứu vãn cho kẻ không may. Nọc rắn cạp nia cực độc!

Lần khác, đó là một ngôi mộ khô, khi lão Lợi vừa cậy nắp ván thiên, một cảnh tượng kinh hoàng trước mặt: chiếc đầu lâu nhảy lung tung trong lòng ván. Hai trong số người nhà xúm xít ngất ngay, số còn lại đều... đứt dép. Riêng lão Lợi vẫn thản nhiên như không, lão bình tĩnh vồ lấy chiếc đầu lâu, chậm rãi luồn ngón tay vào trong đó và lôi ra một con ếch to đùng, da trắng nhởn. Thì ra một con ếch đã không biết bằng ngách nào, chui được vào trong ván thiên. Nó tìm thấy chỗ trú ngụ lý tưởng trong chính chiếc đầu lâu, sống ở đó và lớn lên đến khi không thể chui ra, da ếch chuyển mầu trắng bệch...

Lão Lợi làm tất cả các việc đó một cách mẫn cán, không bao giờ đòi tiền công. Những nhà nghèo - sau khi cho lão ăn - thường biếu lão một vài bò gạo, một mớ khoai. Chính họ cũng chẳng có gì! Nhưng nhà giàu thường chỉ cho lão ăn. Họ không nhớ phải trả công, hay họ nghĩ là cơm nhà họ ngon, cho lão ăn là đủ? Đôi lúc, xong việc, họ tiễn lão về với một gói cơm, canh, chắc họ nghĩ phải ngồi ăn với lão là điều kinh tởm.

Một hôm, Kiên "còm" nghe được mẩu đối thoại giữa lão Lợi và cha. Cha nó bảo:

- Sao lão không đòi tiền công của mấy nhà phú nông? Bọn chúng có tốt gì với lão đâu, chúng giàu nhưng keo quá...

Tiếng lão Lợi thủng thẳng:

- Làng xóm giúp nhau chút việc, đáng là bao. Còn họ tốt, xấu với mình ra sao, quan tâm đến làm chi. Mình hãy tốt với người trước đã. Ai sống tốt sẽ gặp điều tốt, Trời, Phật có mắt đấy chú à!

Khi trí óc non nớt của Kiên "còm" hiểu được những triết lý thâm sâu trong lời của lão Lợi nói với cha thì lão đã ra đi. Một lần, trong khi cải táng, lão va ngón tay vào một cái đinh, chỉ một vết xước nhỏ thôi nhưng lão đã bị vi trùng uốn ván hỏi thăm. Sau cả một ngày co giật, vật vã trong đớn đau, lão chết.

Đám ma lão Lợi cực đông, đông hơn cả đám bá hộ Long, nhà giàu nổi tiếng trong vùng. Trong dòng người dài dặc đưa lão ra đồng, có những người cúi gằm mặt, lặng im. Họ là những nhà giàu đã khinh rẻ lão, quịt của lão tiền công. Dưới suối vàng, lão Lợi có oán trách họ không? Chắc không. Lần đầu tiên, có một người "ngoại quán" được đưa ma trọng thể như thế ở vùng này.

Rồi Kiên "còm" lớn lên. Cách mạng thành công. Kiên "còm" vào bộ đội, biệt hiệu "còm" mất đi, chỉ còn trong ký ức người thân, bè bạn ở quê. Đời lính của cụ Kiên - bây giờ đã thành cụ - đối với lũ trẻ con, kéo dài suốt ba chục năm. Cụ chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên, sang Lào giúp bạn một thời gian rồi vào thẳng chiến trường miền Đông. Lớp trước, lớp sau, bao nhiêu đồng đội của cụ đã hy sinh. Riêng cụ, qua cả trăm trận đánh, vô số đạn bom chẳng khiến cho cụ một chút gì sứt mẻ.

Sau khi về hưu, người ta thấy cụ thỉnh thoảng lại ra đi. Một đợt lâu cả tháng, hoặc hơn. Dân làng bảo cụ đã quen đời lính, nhớ và đi thăm lại chiến trường xưa. Có người cam đoan rằng cụ có gia đình ở bên Lào, vợ cụ trước đó là một cô gái Lào Thơng rất xinh. Chỉ có những người ở Hội cựu chiến binh là biết chuyện. Họ biết cụ đang lặn lội trên những cánh rừng Lào, trong những dải rừng cao-su bạt ngàn của vùng đất đỏ miền Đông để thu nhặt những di hài đồng đội.

Còn trong những dịp cụ ở nhà, mỗi lần dòng sông ngầu đỏ người ta lại thấy cụ ở cái điếm canh đê giúp khâm liệm những người xấu số chết trôi sông. Bây giờ chết đuối có ít đi, nhưng tai nạn giao thông thì tăng mạnh. Cái điếm canh đê vẫn gánh cái chức phận của nó ngày nào...

Những đêm trăng sáng, các cụ già trong làng thường kể cho con cháu nghe câu chuyện: ngày xửa ngày xưa, có một đám ma rất to, người đưa đám đứng chật ở bãi sông, tràn ra ngoài triền đê, mà người chết chẳng phải tiên chỉ, bá hộ, phú nông gì hết...