Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Tình yêu và hạnh phúc là hình với bóng, nếu biết bảo vê. thì hạnh phúc sẽ thành sự thậtt, ngược lại nêu không biết bảo vê. thì hạnh phúc chỉ là một hình ảnh ảo tưởng không bao giờ có thật
Pascal
Results 1 to 9 of 9

Chủ Đề: Ông Đồ Làng Nhị Khê

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    03 Rose Ông Đồ Làng Nhị Khê

    Ông Đồ Làng Nhị Khê

    Chân Phương

    TỦ SÁCH TUỔI HOA

    LOẠI HOA ĐỎ : truyện phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám




    Chương 1

    QUÁN NƯỚC ĐẦU LÀNG

    Một cây đa già có đến một trăm năm, cành lá xum xuê, tỏa bóng xuống một khoảnh đất rộng rãi phẳng phiu ở ngay đầu làng Nhị Khê. Nơi đây mát mẻ suốt ngày kể cả những buổi trưa hè oi bức nên từ sáng sớm đến lúc sẩm tối không mấy lúc vắng người.

    Từ những khách lạ phương xa đến các bà trong làng đi chợ ở những xã kế cận, ai cũng lấy nơi đây làm chỗ nghỉ chân. Không tiền, bỏ nón ra, phe phẩy mấy cái cũng xong. Dư dả thì ghé vào quán nước dựng ngay dưới cây đa, uống bát nước chè tươi, ăn cái bánh, hỏi thăm đường, hoặc nói vài ba câu chuyện.

    Quán thật khang trang mặc dầu mái chỉ lợp bằng tranh và bàn ghế đóng bằng tre nứa. Bà hàng đã đứng tuổi, nhai trầu, môi cắn chỉ, lúc nào cũng tươi cười chào đón khách dù lạ hay quen.

    Một ông khách ngả nón bước vào, ngồi xuống ghế, tay phe phẩy chiếc quạt lớn, nan bằng tre cật.

    - Hôm nay quán chắc đắt khách lắm hả, bà Nhiêu?

    Bà hàng vói tay ngửa chiếc bát đàng trước mặt ông khách, nghiêng mình múc gáo nước chè tươi trong chiếc nồi đất ủ thật kỹ ở mé sau lưng, rót vào bát cho khách.

    - Vâng, nhờ trời cũng khá. Nhưng chẳng làm sao bằng những ngày này năm xưa đó, thưa ông Khóa.\

    Ông Khóa lẩm nhẩm tính:

    - Phải rồi, kể cả năm nay là mười năm, không thấy các quan về tế đền thờ Đức Khai Quốc 1.

    - Từ năm Hợi phải không, ông Khóa?

    - Phải, từ năm Đinh Hợi 2 đến năm nay là năm Đinh Dậu 3, đúng mười năm, bà Nhiêu nhớ cũng giỏi đấy.

    - Nhớ chứ sao không! Tôi nghĩ tổ tiên là tổ tiên chung. Chả nói đâu xa, ngay như ở làng ta, đâu có phải chỉ có một mình ông Đồ Long Vũ mới là con cháu của Đức Khai Quốc.

    Ông Khóa nâng bát nước lên uống từng hớp nhỏ rồi cười ha hả khen:

    - Chí lý! Bà Nhiêu nói phải. Chẳng những cả làng Nhị Khê ta là con cháu Ngài, mà cả nước đều phải nhớ ơn Ngài nữa. Ấy thế mà…

    Tiếng vó ngựa từ đàng xa phi tới cắt ngang câu chuyện.

    Ông Khóa vừa quay đầu ra đã thấy một con ngựa chiến, toàn thân lông đen bóng, đứng dừng thẳng tắp ngay giữa ngả ba đường. Một thiếu niên tuổi chừng mười lăm, mười sáu, mặt còn non choẹt nhưng thân hình đã vạm vỡ, từ trên lưng ngựa nhảy tót xuống nhẹ như chiếc lá.

    Buột miệng, ông Khóa khen với bà hàng:

    - Cậu bé này cũng là một tay đáo để đây!

    Tuy chỉ mặc bộ đồ võ sinh tầm thường bằng vải nâu tiệp với nước da sạm nắng, và đeo trên vai một chiếc tay nải quê mùa, Huy, tên chàng trẻ tuổi, vẫn có phong thái của một vị công tử con quan, nhất là ở ngang thắt lưng cậu có giắt một thanh gươm, chuôi và vỏ bằng đồng đen có chạm trổ.

    Với những cử chỉ thật âu yếm, thiếu niên quàng tay ôm cổ con ngựa, vuốt lưng, vuốt bờm, trước khi vỗ vỗ vào hông nó. Hiểu ý, con vật từ tốn bước tới đám cỏ tươi non gần lũy tre xanh kiếm một bữa quà thanh đạm miễm phí.

    Chàng trẻ tuổi ung dung bước vào trong quán nước.

    Khuôn mặt vuông với vừng trán rộng, cặp mắt sáng quắc cùng với đôi môi dầy và tươi dễ khiến cho người ta thoạt trông thấy đã có cảm tình ngay.

    Chàng lễ độ nghiêng đầu chào những người có mặt trong quán trước khi ngồi xuống.

    Chủ quán vừa rót nước mời khách vừa thăm hỏi thay lời chào:

    - Chắc cậu cả từ Kẻ Chợ mới tới?

    - Vâng. Đây đã phải là làng Nhị Khê chưa, thưa bà?

    - Đây là làng Nhị Khê rồi. Cậu định…

    Không để bà hàng tò mò hỏi thêm, cậu bưng bát nước chè bốc khói, rời chiếc chõng tre ra đứng ngoài quán hóng gió cho khô chiếc áo võ sinh đã ướt đẫm hết lưng.

    Một lát sau, đặt chiếc bát vào chỗ cũ, chàng khen:

    - Chè tươi ngon quá, xin bà cho bát nữa.

    - Vâng.

    Bà hàng quảng cáo thêm:

    - Hàng tôi có xôi đậu mới thổi xong. Có chuối tiêu trứng cuốc, ngon lắm, cậu xơi…

    - Dạ thôi.

    - Có bánh, bánh gai, bánh mật…

    Chàng trẻ tuổi mỉm cười, lắc đầu. Không nản lòng, bà hàng mời gặng:

    - Có cả bánh dầy Quán Gánh nữa. Bánh dầy Quán Gánh là ngon nhất hạng đấy, cậu ơi! Cậu sơi thử vài tấm nhé.

    - Vâng. Xin bà một cặp.

    Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm trở về cùng với hương vị tuyệt vời của món quà đâu cũng có nhưng đâu cũng chẳng ngon bằng ở miền Thượng Phúc này.

    Bột nhuyễn trắng tinh, nhân đậu mịn màng điểm thêm vị cà cuống vừa thơm, vừa cay khiến cho khách khó tính đến đâu cũng thấy ngọt giọng, đã ăn một lại muốn ăn hai.

    Ăn chưa hết cái bánh, mặt chàng bỗng sa sầm xuống. Hương vị thơm ngon gợi chàng nhớ về quá khứ, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ quê nhà.

    Những năm trước đây, cha mẹ chàng đến Nhị Khê thăm bác Đồ, khi về muốn mang quà gì thì mang, nhưng không thể nào quên được những tấm bánh dầy Quán Gánh gói trong những tầu lá chuối xanh. Hai anh em chàng được ăn bằng thích…

    Những ngày vui ấy có lẽ không còn nữa. Nay mai đây, mẹ chàng, em chàng sẽ phải bỏ làng mà đi. Ngay bây giờ, mẹ và em chàng đã rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn rồi cũng chưa biết chừng! Cha chàng liệu có thoát khỏi cái chết ở nơi biên thùy xa thẳm hay không?

    Còn chàng, biết nương náu nơi đây có được yên ổn cùng chăng? Không khéo còn liên lụy đến gia đình bác Đồ nữa thì khốn!

    Trớ trêu thay, bác Đồ tài kiêm văn võ của chàng lại chính là hậu duệ của vị khai quốc nguyên huân Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi, người đã bị chu di cả ba họ mặc dầu đã sớm biết thực hành câu “Công thành, thân thoái”!

    Không thể để tấn thảm kịch ngót một trăm năm xưa tái diễn!

    Bà quán cũng như ông Khóa đều nhận thấy nét ủ dột lạ kỳ của người khách lạ.

    Bánh ngon là thế mà ăn mãi không hết. Bà hàng không dám mời thêm.

    Khách còn đang uống thêm hớp nước thì cả chủ lẫn khách bỗng giật mình nghe có tiếng la của nhiều người cùng cất lên một lúc.

    Nhìn ra thì thấy một đám đông con trai cao lớn lộc ngộc đang châu đầu vào một chỗ và reo hò khoái trá.

    Ông Khóa lắc đầu mắng yêu thằng con trai vừa chạy tới:

    - Chúng bay đứa nào đầu cũng to bằng cái rành 4 mà còn ham đánh đinh đánh đáo!

    Người con khoe:

    - Vám đáo này lạ lắm, thầy ơi! Bốn anh thẩy mỗi anh một đồng tiền. Không lọt được vào lỗ, bốn đồng tiền chia nhau nằm trấn quanh miệng lỗ. Các anh ấy đố ai thẩy trúng lỗ mà không được đụng chạm đến bốn đồng kia. Khó quá! Tiếc thay không có cậu Út ở đây!

    Ông Khóa bào chữa cho tụi trẻ với những người chung quanh khi con trai đi khỏi:

    - Mắng các cậu ấy thì mắng, chứ trò chơi ấy xét ra cũng vô hại, nếu không nói là hữu ích. Là vì nó luyện cho người chơi được tinh mắt, khéo tay, chẳng khác chi người luyện võ tập ném ám khí đó, các cụ ạ.

    Ông nói đúng. Đánh đáo, người ta thường chỉ đứng cách xa lỗ đáo chừng một trượng. Nơi đây, vạch đứng cách xa đến bốn trượng, mắt phải tinh tường lắm mới trông thấy miệng lỗ khoét vừa vặn với đồng tiền. Và phải là tay có bản lĩnh cao mới hòng thẩy trúng. Đó là chưa nói đến bốn đồng tiền bao vây bốn phía!

    Tính trẻ con bỗng nổi lên, cậu trai thấy ngứa ngáy muốn trổ tài cho thiên hạ sáng mắt. Nhưng kịp nghĩ lại thân phận mình, cậu đành dằn lòng bỏ qua.

    Trả tiền quà xong, chàng huýt gió kêu ngựa lại, mắt vẫn không rời đám đông đang tiếc hùi hụi không có cậu Út ở đây để trổ tài.

    Trước khi thót lên yên, chàng mỉm cười đứng ngó mấy cậu cao lớn lộc ngộc thẩy đồng nào cũng xa miệng lỗ đến cả thước.

    Mấy chú bé lí lắc sấn đến gần chàng thiếu niên. Chúng ướm hỏi, đứa tung, đứa hứng, như khiêu khích:

    - Cậu cả thẩy chơi thử một phát không?

    - Ồ, con người sang trọng như cậu cả đâu có biết đánh đáo mày?

    - Ừ, không biết chơi thì thôi! Nhưng tao nghĩ, con trai mà không biết đánh đáo thì hơi xoàng!

    Chúng ngạc nhiên khi thấy người con trai có vẻ sang trọng mỉm cười đáp ngon lành:

    - Biết chứ! Chẳng những biết mà còn chơi hay nữa là khác!

    Và chúng reo lên gọi các anh lớn:

    - Các anh ơi! Cậu cả ở đường xa cũng muốn trổ tài nữa đây này!
    --------------------------------
    1 Nguyễn Trãi có công khai quốc được phong là Tế Văn Hầu. Ông bị tội oan. Sau vua Lê Thánh Tôn giải oan cho ông và truy tặng là Thái sư Tuệ Quốc công. Tước phong “chính thức” này để dùng trong các văn tế. Còn dân làng Nhị Khê thì trước sau vẫn gọi ông là Đức Khai Quốc.
    2 Nhà Mạc dứt nhà Lê vào năm Đinh Hợi (1527)
    3 Chuyện này xảy ra vào năm Đinh Dậu (1537)
    4 ành : một loại rổ lớn.
    Đầu to bằng cái rành : Thành ngữ dùng cách thân mật để ngạo tụi con trai đã lớn mà còn chơi trò con nít.
    Last edited by ngancau; 05-22-2011 at 03:11 AM.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 2

    MỘT CUỘC SO TÀI

    Lũ trẻ vỗ tay reo thích thú:

    - Khoái quá! Anh em ơi! Đứng xê ra cho cậu cả trổ tài!

    Chúng tự động dẹp đường lấy chỗ tiến lui cho người khách lạ.

    Bây giờ Huy mới thấy thật rõ ràng tình hình của “đấu trường”.

    Cách xa mức đứng thấy chừng bốn trượng, một lỗ đáo được khoét tròn trịa vừa vặn cho một đồng tiền Hồng Đức.

    Chung quanh miệng lỗ, ở bốn phía Đông Tây Nam Bắc, nằm ngay ngắn bốn đồng tiền đồng to bản và dầy dặn ngửa lên trời bốn chữ “Hồng Đức Thông Bảo”. Thoạt trông có thể tưởng rằng họ bầy ra như vậy để đánh đố chơi chứ bốn người khác nhau làm sao lại tình cờ thẩy được bốn đồng tiền đều tăm tắp như vậy.

    Bốn đồng tiền bao quanh miệng lỗ thật sát. Muốn đặt một đồng tiền thứ năm lọt vào giữa, phải khéo tay lắm mới không đụng vào những đồng ở bốn chung quanh. Nói chi đến chuyện đứng tận đàng xa mà thẩy! Dù tài ba đến đâu, chắc cũng không ai làm nổi.

    Trong thoáng giây, Huy chợt hồi tưởng những ngày luyện võ ở quê nhà. Cha chàng, dũng tướng Đoàn Phong, là dòng dõi của danh tướng Đoàn Thượng đời Lý mạt. Đường đao gia truyền của ông khiến anh hùng hào kiệt khắp xứ Hải Dương phải kiêng nể. Ngoài ra, ông còn luyện được nhiều tài vặt như phóng dao, ném tên, búng đạn, tung tiền, trăm phát không sai một.

    Chàng đã được cha chỉ dậy từng li từng tí. Và nhờ có linh khiếu, chàng đã lĩnh hội được tất cả tinh túy của nghề võ chân truyền.

    Trò chơi thẩy đáo này, đúng như lời ông Khóa vừa nói, chẳng qua chỉ là một khía cạnh giải trí của môn luyện ám khí.

    Với vẻ tự tin của một kẻ có thừa tài, Huy khẽ vứt trả dây cương lên lưng con ngựa để lững thững tiến đến trước mức vôi đã vạch sẵn.

    Không muốn dùng những đồng tiền Minh Đức của nhà Mạc nhỏ và mỏng hơn đồng tiền Hồng Đức của nhà Lê, chàng đứng xoa hai tay vào nhau, miệng tủm tỉm cười như chờ đợi.

    Bọn trai làng biết ý khách muốn dùng những đồng tiền của chủ cho phải điệu. Họ đưa mắt cho nhau và cùng một lúc ba đồng tiền từ ba phía bay vút tới trước mặt Huy.

    Chỉ thấy chàng thanh niên khẽ vung tay như xua đuổi một con muỗi vô hình, ba đồng tiền đã biến đi đâu mất, không ai nghe thấy tiếng kim khí rơi hay va chạm vào nhau.

    Hoảng kinh, mọi người bắt đầu nhìn cậu con quan bằng cặp mắt thán phục.

    Xóc xóc mấy đồng tiền nhẩy tưng tưng trong lòng bàn tay, rồi như giỡn chơi cậu vung tay một cái. Ba đồng tiền theo nhau lọt vào lỗ đáo, đồng nọ nhẹ nhàng nằm lên trên đồng kia, tưởng chừng như chúng vừa được rót ra qua một vòi ấm vô hình.

    Trẻ con vỗ tay rầm rầm khen ngợi. Mấy anh lớn reo lên, bội phục:

    - Ngón đáo hay tuyệt! Thật là một ngón đáo “thần”!

    Có người tiếc:

    - Hoài của! Giá có cậu Út ở đây đấu với cậu này một chập!

    - Ừ! Cậu Út đấu mới xứng tay! Chúng mình xem mới đã! Có đứa nào biết cậu Út ở đâu không?

    Từ xa, một tiếng sáo văng vẳng bỗng vút lên cao, lơ lửng trong mây rồi chập chờn đáp xuống ngọn tre cùng với hơi gió chiều dìu dặt.

    Cả bọn, người lớn cũng như trẻ con, đều reo lớn:

    - A! A ha! Cậu Út đã về!

    Trên dải đường đất phía tây dẫn tới quán nước đầu làng, một con trâu mập đĩnh đạc bước tới. Một thiếu niên quần nâu áo vải ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, hai tay nưng ống sáo.

    Lũ trẻ chạy ào lại, vây quanh người mới tới, khoe rối rít thành tích kỳ diệu của khách lạ phương xa. Chúng nài nỉ:

    - Cậu Út đấu một phát cho thiên hạ biết tài đi, cậu Út.

    Liếc qua bàn đáo rồi nhìn về phía Huy, cậu Út mỉm cười, nhẩy xuống khỏi lưng trâu, rảo bước tới bên người khách lạ, nghiêng đầu chào:

    - Chào anh bạn! Tôi hỏi hơi đường đột, phải chăng anh bạn là người làng Hồng Thị?

    Giật mình, Huy không ngờ một cậu bé chỉ bằng trạc tuổi mình mà có một cái nhìn sắc bén dường ấy.

    Đây là một cậu học trò mặt trắng hơn là một gã nông phu. Da trắng, môi hồng, mặt trái soan, đẹp như một người đẹp trong tranh. Đáng nể nhất là đôi mắt hiền từ nhưng có oai. Và dễ thương nhất là cái miệng cười thật tươi, chỉ thốt ra một lời đã cho thấy phong cách của một bậc đàn anh.

    Huy khẽ cúi đầu đáp, hơi lúng túng:

    - Thưa, em người Kẻ Chợ.

    Cậu Út cười, vỗ vai người bạn mới:

    - Vậy mà tôi cứ tưởng ngoài cánh họ Đoàn ở Hồng Thị ra, khó có ai chơi được như anh bạn. Thật đáng khâm phục… Anh bạn có thể thẩy thêm một đồng nữa được không?

    - Dạ được.

    Đồng tiền thứ tư được tung ra với nhiều chăm chú hơn. Đây là một phép chơi mới lạ. Đồng tiền vút tới như bay. Nó đâm bổ xuống như vuốt một con diều hâu dữ tợn. Ba đồng tiền trước bị bốc lên, tung xa ra ba phía, nhường chỗ cho đồng tiền mới.

    Tiếng vỗ tay ran như sấm hoan nghênh ngón chơi lạ họ chưa từng trông thấy, cũng chưa từng nghe ai nói đến.

    Cậu Út khen:

    - Giỏi tuyệt! Ai ngờ anh bạn cũng có ngón chơi này!

    Sợ người đối thoại vô ý nhắc mãi đến họ Đoàn, Huy yêu cầu một cách thật khiêm tốn:

    - Nếu không có chi phiền, xin cậu Út thẩy chơi một đồng cho em được mở rộng tầm hiểu biết.

    - Được, được. Tôi xin vui lòng bồi tiếp anh bạn.

    Một đồng tiền bay ra nhẹ nhàng. Nó không chịu nằm yên trên đồng tiền đã có mặt ở đấy từ trước, cũng không đánh bật đồng tiền ấy ra. Nhưng nó còn thừa sức.

    Mọi người đứng há hốc miệng nhìn hai đồng tiền bám sát vào nhau, quay tít mấy vòng trong miệng lỗ để rồi sau hết cả hai đứng thẳng sát bên nhau như một đôi bạn chí thân.

    Tiếng vỗ tay nổ ran như pháo. Người xem khen nức nở:

    - Từ bé đến giờ mới thấy ngón đáo tài tình đến thế này!

    - Cả hai cậu cùng tài!

    Cảm phục cách xử thế có độ lượng đàn anh của cậu Út thích kết bạn hơn là muốn ganh tài, Huy mừng rỡ ngỏ lời khen tặng:

    - Cậu Út chơi thật đẹp! Em…

    Bỗng có tiếng người từ đàng xa kêu ơi ới:

    - Cậu Út! Mời cậu Út về mau, ông gọi!

    - Chết chưa! Thầy tôi dặn hôm nay về sớm một chút!

    Chàng chắp tay chào người bạn mới, rồi thót lên lưng trâu phóng về.

    Huy đứng ngẩn ngơ, trông theo, luyến tiếc.

    Đường vào trong làng, hết đoạn đường đất gồ ghề đến con đường lát đá phẳng phiu. Tới đây, cậu Út quay đầu lại, giơ tay vẫy chào lần chót.

    Như cái máy, Huy vẫy tay lia lịa, lòng tự trách lòng sao không sớm hỏi tên để kết bạn với con người dễ mến ấy.

    Bỗng nghe thấy tiếng ông Khóa nói oang oang khi bước ra khỏi quán:

    - Thế mà đã cuối giờ thân rồi. Tôi phải về ngay kẻo tối.

    Và ông niềm nở hỏi Huy lúc tới bên chàng:

    - Cậu cả về đâu ta? Có ngựa thì có ngựa, cũng nên đi sơm sớm một chút là hơn.

    - Dạ, cám ơn ông Khóa. Cháu vào thăm ông Đồ ở làng ta đây thôi ạ.

    Mấy người nhao nhao hỏi, giọng ngạc nhiên:

    - Ông đồ nào? Phải ông đồ Long Vũ không?

    - Thưa, ông đồ Nguyễn Giao.

    Như trót dại thốt một lời phạm thượng, chàng vội chữa:

    - Ông đồ Phi Đằng.

    Ông Khóa cười hề hề giải thích:

    - Ông đồ Nguyễn Giao hay ông đồ Phi đằng, hoặc ông đồ Long Vũ nữa, thì cũng rứa! Cậu không biết, tôi nói cho mà nghe. Giao là tên tục của ông Đồ, trong làng không ai dám gọi tới. Phi Đằng là tên cậu cả con ông đồ, người lạ kiêng tên cha mà gọi tên con thế vào cũng được. Còn Long Vũ là tên hiệu của ông, người trong làng quen gọi ông bằng tên này…

    Giảng giải một hồi xong, ông nghiêm mặt hỏi:

    - À, tôi hỏi khí không phải, cậu là thế nào với ông Đồ?

    - Thưa, cháu là cháu gọi ông đồ bằng bác.

    - Thế à? Vậy mà tôi không biết đấy!

    Một thoáng nghi ngờ phớt qua trên gương mặt từng trải của người đứng tuổi. Cậu này nói nhăng rồi, ông bà đồ có thằng cháu nào ở Kẻ Chợ đâu ! Cùng sống lâu đời trong một làng, ít khi người này không biết rõ họ hàng nội ngoại của người kia.

    Điều thắc mắc ông không tiện nói ra đã được lũ trẻ la to lên như vỡ chợ:

    - Ơ hơ! Cháu ông đồ mà không biết mặt con út của ông đồ!

    Chúng nói tiếp khi Huy còn ngơ ngác nhìn quanh:

    - Cậu Út vừa rồi đó! Cậu Tường Vân, con thứ hai của ông đồ, vừa giơ tay vẫy chào cậu đó!

    Quên cả ngượng, Huy reo lên sung sướng:

    - À ra thế! Thảo hèn!...

    Và trong thâm tâm, chàng tự trách: Mình ngu thật! Anh ấy nhìn sơ một chút đã nhận ra được lai lịch của mình ngay, thế mà mình không nhận ra anh ta thì quả mình đần độn thật!

    Chàng hồi tưởng những lời cha dậy trong những khi giảng tập võ nghệ:

    - Nghề võ của họ Đoàn nhà ta và của họ Nguyễn ở làng Nhị Khê không có ngón nào giấu nhau hết. Phép đánh đại đao của ta đã truyền hết cho bác Nhị Khê. Đối lại, phép đánh trường kiếm của bác cũng đã truyền hết cho họ Đoàn ở Hồng Thị. Các môn ám khí cũng đều tập luyện chung. Duy chỉ có phép tắc trong Binh pháp yếu lược của Hưng Đạo Đại Vương và Thái Ất thần kinh của Tế Văn Hầu là ta không học được mặc dầu bác Nhị Khê đã cố công chỉ dẫn.

    Những lúc trà dư tửu hậu, cha chàng cũng thường than thở:

    - Tao chỉ có cái tài của một kẻ dũng phu là chém tướng, đoạt thành, xông xáo ở chỗ nghìn quân muôn ngựa mà thôi. Phép làm tướng đâu phải chỉ có thế!... Lớn lên mày phải theo bác Nhị Khê mà học.

    Ông Khóa vui vẻ đề nghị:

    - Chắc cậu chưa biết nhà ông đồ. Cậu có muốn đi cùng với tôi cho vui thì đi. Nhà ông Đồ với nhà tôi cũng ở chung một xóm.

    Huy chắp tay, khiêm tốn:

    - Vâng. Cháu xin đi theo hầu ông Khóa.

    - Không dám! Nào thôi ta đi kẻo muộn.

    Hai người cùng rảo bước trên con đường làng. Con ngựa ô không cần người dắt, lẽo đẽo theo sau. Lũ trẻ kéo nhau theo kế tiếp, trong giống như một đám rước nho nhỏ.

    Một vài anh lớn nhanh chân vọt lên trước, lại báo tin cho thầy.

    Ông đồ đang ngồi trên sập uống trà bảo người con trai lớn:

    - Thằng cả chạy ra xem ai.

    Thoáng cái, người thanh niên đã chạy vào trình:

    - Thưa thầy, em Đoàn Huy, con trai chú Đoàn Phong ở Hồng Thị đến xin ra mắt ạ.

    Giật mình, ông Đồ đặt mạnh chén trà xuống khay, linh cảm người em kết nghĩa của ông đã gặp chuyện chẳng lành:

    - Chắc chú hai mày có chuyện khó khăn! Rắc rối gì đây không biết!

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 3

    ÔNG ĐỒ LONG VŨ

    Đoàn Huy theo sau Phi Đằng bước lên thềm, vào gian giữa Long Vũ Trang, nơi ông đồ tiếp khách.

    Cố giữ tư cách cứng cỏi của con nhà võ, chàng vẫn không sao ngăn được nước mắt sau khi chào hai bác và chào hỏi hai anh.

    - Thưa bác, thầy con sắp gặp nạn lớn, chẳng những tính mạng khó bảo toàn mà gia đình cũng không thể tránh khỏi tai vạ. Cho nên thầy con cho con tới đây nương nhờ hai bác may ra thoát được tai mắt của triều đình. Đẻ con và em con chạy về ẩn thân nơi quê ngoại, còn thầy con thì đành một mình liều với số phận.

    Khi Huy vừa mới bước vào nhà, Tường Vân suýt reo lên mừng rỡ. Ai ngờ người bạn mới đồng trang lứa với mình không ai khác hơn là cậu công tử tài ba vừa trổ tài đánh đáo ở đầu làng lúc nẫy. Chàng đứng lặng câm trước nét mặt không vui của những người hiện diện.

    Ông đồ thở dài, than:

    - Bác đã biết trước thế nào cũng có ngày này. Bác đã hết lời khuyên can mà thầy con không chịu nghe. Bây giờ có hối thì cũng đã muộn.

    - Thưa bác, vâng. Thầy con có tiếc mấy năm trước đây không nghe lời chỉ dậy của bác. Thực ra, bản tâm thầy con đâu muốn thế. Chẳng qua chỉ là để chiều ý của bà nội con mà thôi. Vả lại, dạo ấy, thầy con cũng không thể làm gì khác hơn được. Nếu cứ khăng khăng không chịu làm quan với nhà Mạc, ắt bị chèn ép đủ thứ ở trong làng.

    - Ờ, con nói cũng phải. Thôi việc đã qua, ta cho nó qua luôn. Chả hơi đâu gợi lại làm gì, thêm buồn bực…

    Chuyện còn dài, không đi đâu mà vội. Con hãy lo tắm rửa, cơm nước đi cho khỏe. Rồi bác con mình sẽ tính sau.

    ° ° °

    Đêm khuya vắng vẻ. Ông đồ gọi hai con và Huy vào trong thư phòng bàn chuyện cho kín đáo.

    - Nào đầu đuôi cớ sự ra sao, con hãy kể rõ cho bác nghe.

    - Thưa bác, quân nhà Minh sắp kéo sang nước ta hỏi tội họ Mạc. Triều đình họp bàn. Nhà vua và một số lớn các quan muốn hàng. Riêng thầy con không chịu, đòi đánh.

    Ông đồ vuốt chòm râu đen nhánh nổi bật dưới khuôn mặt trắng trẻo, vuông hình chữ Dụng, buông một câu phê phán:

    - Ta đã bảo trước rồi mà! Đăng Dung không phải là một con người có khí tượng thiên tử. Y chẳng qua là một tên thuyền chài có sức khỏe mà thôi. Làm Đô lực sĩ thì được đấy, nhưng làm vua thì không nên. Ai đời đứng đầu cả một nước mà giặc chưa tới đã lo hàng!

    - Vâng. Vua đã vậy, các quan còn tệ hơn!

    - Rồi thầy con nổi nóng chửi vung tàn tán lên chứ gì?

    Thầm phục ông bác này thật đã hiểu thấu gan ruột của cha mình, Huy gật đầu đáp:

    - Thưa bác, chính thế. Rồi thầy con đòi đem quân lên ải Nam Quan ngăn giặc.

    - Ờ, thế chúng nó tính sao?

    - Thưa, họ muốn ghép thầy con vào tội khi quân đáng chém đầu răn chúng. May sao còn một số người có liêm sỉ cố xin tha. Nhà vua bằng lòng tha và cũng bằng lòng cho thầy con cầm quân dẹp giặc nữa.

    - Thế thì còn gì hay bằng!

    - Nhưng, thưa bác, chúng chỉ phát cho có hai nghìn quân, trong khi tin báo về cho hay quân Minh sắp kéo sang những mười vạn.

    Ông đồ vỗ tay cười ha hả trước sự ngạc nhiên của ba chàng trẻ tuổi:

    - Vậy là chúng muốn đem một tên quân Nam chống với năm mươi tên quân Tầu! Được chứ! Được lắm chứ!...

    Không hiểu ông bác của mình nói thật hay nói chơi, Huy đánh liều thổ lộ:

    - Thưa bác, đem một chống với năm mươi có khác gì đem trứng chọi với đá! Hay là đem châu chấu ra đá xe.

    Ông đồ hỏi lại, giọng nghiêm trang:

    - Cháu đọc sử nước nhà không nhớ những trang oanh liệt châu chấu đá xe đổ chổng kềnh đó sao? Đời nhà Lý, đời nhà Trần, đời nhà Lê, đời nào mà không có những trận quân ta đánh cho quân Tầu thua liểng xiểng!

    Theo ý bác, đem hai nghìn quân ra đuổi mười vạn tên giặc không phải là một việc quá khó khăn. Có điều…

    Ông suy nghĩ một lúc trước khi thở dài, nói ra một sự thật khá đau lòng:

    - Có điều thầy con hay cậy khỏe và hơi… nông nổi. Đem ít đánh lại nhiều mà chỉ ỷ vào cái mạnh của gân cốt thì phần thua nắm chắc. À, con có biết những ai theo phụ tá thầy con không? Ai làm Tham tán quân vụ?

    - Thưa, chỉ có chừng mươi viên tì tướng tầm thường. Tham tán quân vụ là một tên chủ hàng. Hắn không cản trở công việc của thầy con là may, mong chi hắn bày mưu lập kế.

    - Vậy làm sao mà thắng được?

    - Thưa bác, chẳng những thế mà thôi, chúng còn bít hẳn lối về của thầy con. Chúng tâu vua bắt thầy con làm quân lệnh trạng, nếu thua thì phải dâng đầu.

    Ông đồ gãi cằm và suy nghĩ thật lung:

    - Rầy rà nhỉ!

    - Vâng. Vì chắc trước sau thế nào cũng không tránh khỏi chết nên thầy con quyết liều một trận tử chiến. Thầy con chết đã đành, nhưng còn lo liên lụy đến vợ con nên phải liệu trước cho gia đình đi lánh nạn.

    Phi Đằng từ tốn nói ra một ý nghĩ:

    - Thưa thầy, con thấy chú Đoàn con tính như vậy không ổn chút nào.

    - Nghĩa là sao, con?

    - Nghĩa là nếu chú Đoàn chỉ mua hai tiếng Anh Hùng bằng cái chết của riêng mình chú thì không lấy chi làm đắt vì ít ra chú cũng giết được vô số quân giặc trước khi kiệt sức. Nhưng chú lại xua hai nghìn quân và một chục viên tì tướng cho chúng nó làm cỏ thì con thấy họ chết oan uổng quá.

    Ông đồ khen:

    - Thằng cả luận có lý đấy. Huy, thầy con có nghĩ đến chỗ ấy không?

    - Thưa bác, có. Đó chính là nỗi khổ tâm của thầy con. Thầy con không muốn cho mấy nghìn người chết uổng vì một chút khí phách của riêng mình. Cho nên thầy con lưỡng lự và không muốn chết với giặc ở biên thùy. Có lẽ người sẽ tự sát ở dọc đường để cho tên Tham tán rút quân về.

    Tường Vân hốt hoảng la lên:

    - Thế thì thím và các em ở nhà bị tội rồi!

    - Chính vì thế thầy em mới đợi cho vợ con đi lánh nạn xong xuôi mới chịu cất quân.

    Ông đồ cau mày suy nghĩ rồi đập tay xuống kỷ trà đánh chát một tiếng, gắt:

    - Sao thầy mày nông nổi thế?

    Mỗi khi ông đồ thay đổi cách xưng hô như vậy là ông sắp tính đến chuyện nghiêm trọng. Hai con ông thuộc rõ tính cha, ngồi im lắng nghe trong khi Huy sợ hãi không dám nhìn thẳng người anh kết nghĩa của cha mình.

    Ông đồ nói tiếp, giọng dịu dần:

    - Chú Đoàn nông nổi quá! Việc quái gì mà phải chết! Đâu đã đến đường cùng! Sao không đến hỏi ta trước khi quyết định?

    Cả ba chàng trai trẻ cùng thở phào. Huy mừng hơn ai hết. Vậy là tình thế chưa đến nỗi tuyệt vọng. Hớn hở, chàng nhìn kỹ ông bác hơn.

    Cặp mắt sáng quắc dưới hàng lông mày dầy và sắc như nét mác của một viên võ tướng hầu như tương phản với gương mặt khôi ngô, anh tuấn của một văn nhân.

    Cha chàng vẫn tâm phục bác Nhị Khê chẳng những là một tay kiếm tuyệt luân mà còn là một khối óc đầy mưu lược.

    Nhà nho vói tay kéo cái điếu ống lại gần. Cậu con trai lớn thông điếu cho cha và đặt một mồi thuốc mới vào miệng nõ. Cây cần trúc dài mầu ngà có nhiều đốt được vít cong như một cánh cung. Cậu út châm lửa vào một thanh đóm nhỏ. Với một dáng điệu thật nghiêm túc, cậu nâng ngọn lửa vừa tầm trên điếu thuốc.

    Người cha hút một hơi dài, ngửa cổ thở khói lên thượng lương như nhả một đám mây. Ông chiêu một hớp trà, khoan khoái.

    Mưu lược như đã định xong trong thời gian chớp nhoáng vừa qua, hậu duệ của vị quân sư khai quốc nhà Lê trấn an thằng cháu họ Đoàn bằng một giọng đầy tự tin:

    - Huy, con đừng lo. Mọi sự đã có bác. Việc cũng chưa đến nỗi nào, còn xoay sở kịp…

    Ông nói thêm cho thằng cháu được thật sự yên tâm:

    - Thầy con sẽ không chết đâu mà sợ. Đẻ con và em con cũng chẳng phải chạy đi đâu hết. Trái lại, cả gia đình con sẽ vững như bàn thạch…

    Trong thâm tâm, ba chàng trai trẻ tưởng chỉ trông mong cứu vãn lấy một đôi phần trong cái cơ đồ sắp sụp đổ. Họ không mảy may ngờ ông đồ có thể nghĩ ra một kế vạn toàn.

    Họ nóng nghe kế ấy. Sáu tia mắt tinh anh chiếu thẳng như treo vào cặp môi đỏ hồng đang nở một nụ cười đắc ý để lộ hàm răng đều và đen láy.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 4

    TẤM BẢN ĐỒ

    Vốn có thói quen giải quyết những việc quan trọng dễ dàng như những việc tầm thường, ông đồ Long Vũ hỏi cháu ung dung như khi ngồi giảng sách:

    - Huy, thầy con có nói nhà Minh sai ai sang đây không?

    - Thưa bác, có ạ. Cừu Loan lãnh chức Đô đốc, còn Tán lý quân vụ là Mao Bá Ôn.

    - Hừ! Nhà Lê bên ta suy thì nhà Minh chúng nó cũng sắp tàn! Phái mấy tên lính vô danh ấy làm tướng thì chết oan mạng mấy vạn quân là đáng lắm!

    - Thưa, chúng mới bắn tin mà chưa có rục rịch. Chắc còn đang sửa soạn. Trong khi chờ đợi, chúng cho người đưa thư sang cho Đăng Dung bảo phải đưa sổ ruộng đất nhân dân sang nộp và chịu tội thì được tha cho khỏi chết

    Ông đồ vuốt râu mỉm cười:

    - Phải rồi. Nhà Minh đang hồi suy yếu đâu có dám ham đi xâm lấn lúc này. Nhưng gặp nhà Mạc hèn, tội gì chúng nó không nhân cơ hội này mà bắt chẹt. Xưa nay chúng soen soét cái mồm nói điều nhân nghĩa nhưng có bao giờ vị nhân, vị nghĩa đâu. Toàn một mầu vị lợi cả!

    Phi Đằng hỏi cha:

    - Thưa thầy, có phải vì ngại ra quân tốn kém và thua thiệt nên chúng mới bắn tin trước hòng dọa dẫm những tên yếu bóng vía không?

    - Chứ còn gì nữa! Đợi lâu không thấy động tĩnh, chúng mới kéo quân sang. Cự với đạo quân này, chú Đoàn con có thể nắm chắc phần thắng nếu họ Mạc quyết tâm chống giặc.

    Huy vội cải chính ngay:

    - Thưa bác, họ Mạc không có hùng tâm tráng chí nên không dám đánh lại nhà Minh đâu. Họ sai thầy con cầm quân chẳng qua là một chuyện miễn cưỡng. Cầm bằng hy sinh một mớ để vớt vát một chút thể diện mà thôi…

    - Bác biết điều ấy lắm chứ. Đem quân đi như vậy, mười phần chắc chết cả mười. Vấn đề của chúng ta bây giờ là làm sao chuyển thua thành được, và chuyển nguy thành an.

    Cậu công tử họ Đoàn đánh liều thưa:

    - Giá được bác thương tình tới giúp cho một tay thì họa may thầy con mới có cơ thoát nạn. Không có người tài giỏi chỉ đường vẽ lối, đoàn quân kéo đi như đưa chân vào đám sương mù và chẳng thấy lối ra…

    Ông đồ nghiêm giọng đáp:

    - Không được. Bác đã thề trước bàn thờ Đức Tế văn Hầu nhà bác là trọn đời không làm quan với bất cứ triều nào. Chắc con đã hiểu vì sao.

    Nhà Lê mà bác còn không thèm giúp thì đời nào bác chịu khuất thân với nhà Mạc. Tuy nhiên, bác vẫn có thể bí mật đi giúp thầy con nếu phải chống với một đám giặc ngoại xâm quá mạnh… Bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn sắp sang đây không có gì đáng sợ, bác bất tất phải đích thân ra tay cũng đuổi được chúng nó chạy dài.

    Ngưng một lát, ông hỏi đố con cháu:

    - Theo ý các cậu thì làm cách nào thắng được lũ chúng nó bây giờ?

    Phi Đằng thấy có bổn phận trả lời thay cả cho hai em:

    - Thưa thầy, phải dùng kỳ binh mới thủ thắng được.

    - Kỳ binh à? Ừ, được rồi! Nhưng kỳ binh thế nào, cậu nói rõ thêm một chút xem sao.

    Ngẫm nghĩ mãi không khám phá được một mưu mẹo nào thật ổn, chàng đành thú nhận:

    - Thưa thầy, thực quả con tính không ra. Theo con thấy, dù có phục binh mấy mặt thì hai nghìn quân cũng chả làm sao đẩy lui được mười vạn giặc.

    Tường Vân và Huy cùng lắc đầu chịu thua.

    Ông đồ hỏi, mở đường cho những người đối thoại:

    - Thế theo binh pháp, bên quân ít có thể mượn cái gì để đánh thắng bên quân nhiều?

    Sực tỉnh, cả ba cùng đáp:

    - Thưa, nước và lửa ạ.

    - Đúng rồi! Không mượn một trong hai thứ ấy không xong.

    Ở cửa ải Nam Quan, không khơi được nước làm ngập chúng thì ta dùng lửa mà đốt chúng vậy.

    Thế là bước thứ nhất, ta quyết định rồi. Giờ ta đi bước thứ hai. Nghĩa là ta phải nghĩ xem nên đốt ở đâu và đốt bằng cách nào.

    Mở cái tráp bằng gỗ quý ở ngay tầm tay, ông lục ra một tờ giấy bản được gấp lại và dán vào một tấm bìa sơn then,

    Tờ giấy đã ngả mầu vàng. Ông nâng niu như một bảo vật trước khi trải rộng tờ giấy trên văn kỷ.

    Đó là một tấm bản đồ chi chít những hình núi non mầu đen và những chữ mầu son ghi chú.

    Ông đồ ngồi trầm ngâm một lát trước khi giải thích:

    - Đây là một tấm bản đồ mà tổ tiên ta, Đức Tế Văn Hầu, đã họa nên khi Người lưu lạc đến vùng Ải Nam Quan. Bao nhiêu thế đất hiểm trở, bao nhiêu rừng rậm núi cao, Người đều vẽ ra rành rẽ. Chỗ nào nên đóng trại, chỗ nào phải phục binh, mỗi mỗi Người đều ghi chú tường tận cho con cháu có khi phải dùng tới.

    Chính nhờ bức vẽ này mà năm xưa Người đã định ngày cho tướng Lê Sát chém tên Liễu Thăng ở Mã Yên Sơn đó.

    Những ngón tay tháp bút có móng dài của nhà nho vạch lên trên tờ giấy cùng lúc với những lời giảng dậy.

    - Đây là chỗ chúng ta phải đóng quân mới đúng phép. Đây là chỗ mà quân giặc cần chiếm để giành lấy địa lợi… Ta phải nhường cho giặc chỗ này rồi phải rút về đây ngay… Đốt giặc ở những chỗ này là tốt nhất. Chúng nó thua rồi bắt buộc phải chạy theo những ngả này…

    Ông đồ tạm kết luận:

    - Lúc nãy, ta nói đến bước thứ hai có hai đểm là nên đốt ở đâu và phải đốt bằng cách nào.

    Điểm trước coi như đã định xong, nghĩa là căn cứ vào tấm bản đồ này ta đã định được những chỗ phải đốt giặc? Kể ra thì chẳng lấy gì làm khó nếu lực lượng hai bên không quá chênh lệch…

    Theo ta, một trận đánh hỏa công tầm thường không đuổi được chúng nó đâu. Phải có một trận cháy long trời lở đất…

    Các cậu phải biết đốt cho ra trò không phải là chuyện dễ ai làm cũng được đâu. Đốt cho khéo, đốt cho mạnh, đốt cho ngon lành mới là chuyện khó.

    Nói tóm lại, phải có người biết cách đốt mới được. Và chúng ta phải cầu cho được mấy tay chuyên về việc này phò tá.

    Thằng cả, thằng hai, chúng mày còn nhớ hai chú họ Đặng ở làng Gióng không?

    Phi Đằng và Tường Vân cùng nhẩy nhổm reo lên:

    - Có ạ. Hai chú nổi tiếng về môn đánh địa lôi. Thầy có kể chuyện và hai chú đã đến đây chơi mấy lần.

    - Thằng út còn nhớ mặt hai chú không?

    Tường Vân cười khanh khách đáp:

    - Thưa thầy, làm sao con quên được. Hai chú, chú nào cũng “cao lớn” như cặp Tần Hán, Đậu Nhất Hổ trong truyện Tầu, trông thấy một lần là phải tức cười và nhớ mãi mãi.

    Hình ảnh hai ông tướng lùn vừa gợi ra khiến ông đồ không khỏi bật cười khi ông giải thích cho thằng cháu đang bỡ ngỡ:

    - Người có dị tướng thường hay có biệt tài. Họ Đặng ở làng Gióng giỏi có tiếng về môn đánh địa lôi phục. Nói cho đúng, đó là chi Đặng Chấn của dòng họ Đặng. Chuyến này phải cầu cho được cả hai anh em chi ấy là Chấn Khởi và Chấn Hưng…

    Sau khi cao hứng hút một điếu thuốc lào, ông đồ nhắp một hớp trà rồi ngó Tường Vân hỏi:

    - Việc đi mời hai chú họ Đặng, thầy giao cho thằng út đấy. Liệu có cáng đáng nổi không?

    Tường Vân chưa kịp lên tiếng thì người anh cả đã vội thưa:

    - Nhà ta có chút ân tình với hai chú, con chắc thầy bảo một tiếng thì hai chú phải nghe ngay. Nhưng con sợ em con là…

    Phi Đằng ngừng bặt. Suýt nói lỡ lời, chàng vội chống chế:

    - Con sợ em con còn nhỏ, nói năng thất thố, hai chú buồn, không khéo vì thế mà lỡ mất chuyện lớn chăng. Có nhẽ thầy để cho con đi thì tiện hơn.

    Người cha gạt ngay ý kiến đó:

    - Không được. Thằng cả không đi được đâu. Con đã trưởng thành và đã có chút ít tiếng tăm trong làng võ. Nhiều người biết mặt con. Họ sẽ đồn đại những chuyện không hay nếu con chường mặt ra trong đám quan quân nhà Mạc. Em con còn nhỏ, không ai để ý, tiện hơn.

    Huy tự thấy có bổn phận phải chia sẻ gánh nặng nếu không được gánh lấy một mình:

    - Vậy xin bác cho con cùng đi với anh Vân con.

    - Cũng không được. Còn có việc khác cần đến con nữa chứ. Cứ ngồi yên đấy, rồi đâu có đó.

    Quay sang phía người con út, ông căn dặn:

    - Thầy giao cho con tấm bản đồ, liệu cất giấu trong mình và giữ gìn cho kỹ. Sáng sớm mai, con lên đường, chạy ngựa cho nhanh để bắt cho kịp chú Đoàn càng sớm càng tốt. Theo như thầy lượng tính, chú mới cất quân – quân phần lớn đi bộ – thì giỏi lắm chiều mai cũng chỉ đến địa đầu xứ Kinh Bắc. Con sẽ trình với chú kế hoạch của thầy. Rồi hai chú cháu liệu mà bí mật tạt qua làng Gióng.

    Vỗ vai thằng cháu mà ông âu yếm như con, ông đồ cười bảo:

    - Nào bây giờ đến lượt con. Sáng mai con phải lên đường về ngay quê nhà nói cho đẻ con yên lòng. Nghĩa là đẻ con và em con có muốn tạm về quê ngoại lánh mặt ít lâu cũng được. Hay là cứ bình tâm ở lại Hồng Thị cũng không sao. Chỉ trong vòng một tháng là cùng, thầy con dẹp giặc xong sẽ ung dung trở về và không có gì đáng lo ngại cả.

    Thưa chuyện với đẻ con xong, con phải tức tốc sang bên làng Phủ Ủng. Có biết làng Phù Ủng không? Làng của cụ Phạm Ngũ Lão, cũng thuộc huyện Đường Hào như làng con đó.

    - Thưa, con biết. Con đã được sang chơi làng Phù Ủng mấy lần cùng với thầy con.

    - Ừ, thế thì tốt. Con tìm cho được một người tên là Bùi Tung.

    - Vâng ạ. Con biết chú Bùi Tung. Chú Bùi thân với thầy con lắm. Dạo chưa ra làm quan, thầy con sang làng chú chơi luôn, con cũng được theo sang.

    - Ừ, chú Bùi đối với thầy con, ngoài tình bạn hữu ra, còn có cái nghĩa thầy trò. Ta tin rằng, nghe tiếng thầy con kêu gọi, thế nào chú ấy cũng phải đi ngay. Con cứ trình thanh kiếm con đang đeo cho chú thấy, ắt chú tin ngay.

    Đắn đo, rụt rè mãi, Huy mới dám đánh bạo hỏi lại:

    - Thưa bác, thầy con thường nói võ nghệ của chú Bùi chỉ vào bực trung bình…

    - Bác lạ chi điều đó. Thầy con đâu có cần đến mớ võ nghệ tầm thường của họ Bùi. Nhưng người này có một cái tài lạ rất quý trong lúc này.

    Cả ba chàng trai trẻ cùng trố mắt, lắng nghe.

    - Tài đào địa đạo của họ Bùi cả nước ít ai bằng. Đã nhanh, lại chuẩn xác. Phép chôn giấu địa lôi phải đi kèm theo phép đào địa đạo mới thật sự nhiệm mầu. Ta phải có đủ bộ mới nắm được cơ tất thắng.

    Ông đồ giảng giải thêm:

    - Vả lại, dùng binh bao giờ cũng phải cẩn thận phòng xa. Ta cho người đi cầu viện một lúc hai nơi được cả thì càng hay. Nhược bằng được có một, cũng tạm dùng được mặc dầu sẽ vất vả thêm không ít. Trái lại, nếu chỉ cầu có một đàng nhỡ gặp điều gì trắc trở, họ không đi được thì hỏng bét!

    Huy lạc quan hơn bao giờ hết. Tất cả dường như đã thay đổi hẳn. Trước đây một trống canh, chàng chỉ thấy có thua thiệt, rã rời, chết chóc.

    Bây giờ, kế mọn của bác đồ vừa được bầy ra, chàng thấy mưu cơ thật giản dị, cách thi hành cũng không mấy khó khăn. Do đó, tình thế chả có một tí gì gọi là tuyệt vọng.

    Chàng vỡ lẽ. Thì ra cuộc đời cũng không mấy khác cuộc cờ, người chơi lắm lúc chịu thua oan chỉ vì thấp trí.

    Và chàng sực nhớ đến những lời khen nức nở của cha khi ông nổi hứng:

    - Bác Nhị Khê mày có tài xoay chuyển cả thời thế, trên đời này không ai bì kịp.

    Bây giờ chàng mới nhận thấy cái sức khỏe đơn thuần gần như là một đồ vô dụng nếu thiếu hẳn cơ mưu và chàng mong ước một ngày kia được theo học ông bác cái thuật ngồi trong trướng mà định được chuyện hơn thua ngoài nghìn dặm.

    Chàng ngước nhìn ông đồ tươi cười đứng dậy và thấy ông đẹp như một vị thiên thần.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 5

    THÔN ĐOÀI LÀNG GIÓNG

    Giữa giờ thân, đoàn quân trẩy tới địa phận huyện Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc. Đoàn Phong truyền hạ trại cho binh lính thổi cơm ăn.

    Lần đầu tiên, đứng giữa đám đông mấy nghìn người, viên dũng tướng họ Đoàn cảm thấy mình trơ trọi, yếu đuối vô cùng.

    Chung quanh không một người thân. Trước mắt, không có một cơ may thắng địch. Sự sống còn của mấy nghìn con em thật là một gánh nặng đè chĩu trên vai ông.

    Giữa cánh đồng cỏ rộng mênh mông, hàng trăm tấm lều vải căng ngang hàng thẳng lối như những chồng bát úp. Ông thả bộ đi thăm từng trại cho khuây khỏa.

    Trời tối mịt khi ông uể oải bước vào trong trướng. Cây đuốc nhựa chám bập bùng ánh lửa bên một mâm cơm dọn sẵn còn nghi ngút khói càng soi rõ cảnh cô đơn.

    Buông mình ngồi xuống ghế, ông ngạc nhiên thấy bên cạnh mâm cơm, một hồ rượu đứng nghiêm chờ đợi bên một chiếc bát bằng sứ Giang Tây úp sấp.

    Ngỡ ngàng một phút, ông nhớ ra ngay. Hồi chiều, trái với lệ thường, ông đã ra lệnh cho lính hỏa đầu mang cho ông ít rượu.

    Thở dài, ông tự nhủ: Thằng Huy chắc đã yên thân ở với bác đồ, thế cũng xong về phần nó. Chỉ còn lo về nỗi mẹ con con út ở quê nhà, không biết có rắc rối gì không đây?... Ồ, mình cũng đâm ra lẩn thẩn! Sau này, khi mình hai tay buông xuôi, chúng nó mới dám bới lông tìm vết, chứ bây giờ thì có chi đáng ngại.

    Nghĩ đến đây thấy nhẹ nhõm hẳn người, ông quơ tay rót rượu ra đầy bát. Kệ! Chuyện đời đến đâu hay đến đó, hơi đâu lo chuyện bao đồng!...

    Bát rượu vừa bưng lên được nửa vời bỗng nghe có tiếng ám khí bay vèo. A! Đứa nào dám múa rìu qua mắt thợ đây?

    Ông giật mình thấy một viên cuội trắng nằm tròn trong lòng bát.

    Ông suy nghĩ rất nhanh. Viên cuội trắng bay rất chính xác, không đụng vào thành chén, không bắn ra ngoài một giọt rượu. Đúng là ngón nghề của họ Đoàn. Không thể là ai khác hơn được! Nhưng chẳng lẽ thằng bé nhà mình đã trở về! Nếu là nó, tại sao nó không vào mà lại giở trò này?

    Một tia sáng lóe lên trong óc. Ông mỉm cười vỡ lẽ. A! Phải rồi!

    Và ông quyết định chớp nhoáng, gục ngay xuống bàn như một người trúng độc, bát rượu đổ lênh láng.

    Lắng tai, viên dũng tướng nghe rõ ba tiếng vỗ tay khe khẽ, tiếp đó tiếng gió ùa vào theo bước chân của hai người hùng hổ xông tới.

    Hai thanh gươm vung lên chưa kịp xả xuống tấm thân bất động thì, lạ làm sao, ông tướng họ Đoàn đã đứng sừng sững trước mặt hai tên thích khách, khí giới của chúng đã nằm gọn trong tay ông.

    Sợ hết vía, đầu gối nhũn ra, chúng quỳ gục xuống. Cùng lúc ấy, một thân hình bèo nhèo được từ ngoài trướng quăng vào ngay dưới chân ông tướng.

    Nhìn kỹ thì ra đó là tên Tán lý quý hóa của ông.

    Đoàn Phong reo lên khi thấy bóng một thiếu niên bước vào trong trướng. Yên trí là cậu con trai yêu quý của mình, hóa ra không phải. Ông ngỡ ngàng chắp tay định nói mấy lời xưng tạ.

    - Cháu đây mà! Chú không nhận ra cháu sao? Cháu là cháu Tường Vân ở Nhị Khê.

    Mừng rỡ, Đoàn Phong nhớ ra ngay cô con gái út của bạn, cười sung sướng:

    - À, cháu Tường Vân, con…

    Tường Vân vội cướp lời:

    - Con trai út ông đồ Long Vũ làng Nhị Khê.

    Nhìn kỹ người đối thoại, Đoàn Phong chợt hiểu. Ông mỉm cười, nói xuôi theo:

    - A ha! Cháu tôi chóng nhớn quá!... Thầy đẻ cháu mạnh khỏe chứ?... Có gặp thằng Huy nhà chú không? Sao cháu biết chú ở đây mà đến giúp?

    Ông hỏi tới tấp, trả lời không kịp.

    - Xin chú hãy phát lạc mấy tên này trước đã. Chuyện còn dài, cháu xin trình chú sau.

    - Ờ cháu nói phải. Chả biết mấy thằng ăn hại canh gác thế nào mà để…

    - Thưa, bốn chú lính canh bị hai tên này đánh gục và trói mèo ở gốc cây ngoài kia.

    Chỉ cần hạch hỏi qua loa mấy tên vừa bị bắt, Đoàn Phong đã hiểu ngay đây là thâm ý của lũ Nguyễn văn Thái, trước sau vẫn chủ hàng.

    Ông bảo viên phó tướng Đinh Hoàn:

    - Tống cả ba đứa vào trong tù xa cho tôi. Nhớ giữ kín vụ này. Để dẹp xong giặc, sẽ tâu triều đình trị tội.

    ° ° °

    Sáng sớm hôm sau, đoàn quân thong thả lên đường dưới quyền chỉ huy của Đinh phó tướng trong khi hai chú cháu Đoàn Phong bí mật đi về làng Gióng.

    Khoảng cuối giờ thìn, đã trông thấy đền thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương.

    Cho ngựa đi chậm lại, Tường Vân thưa với chú:

    - Đến đây, cháu nhớ đường rồi. Rẽ tay trái, đi một đỗi nữa là tới nơi.

    Trang trại họ Đặng rộng bao la, rõ ra vẻ một nhà cự phú.

    Ngồi trên lưng ngựa ngó vào trong sân thấy vắng hoe, Tường Vân ngạc nhiên nói:

    - Quái lạ! Sao lại tiêu điều như vậy nhỉ?

    Đoàn Phong đâm lo:

    - Hay lại có chuyện bất trắc gì đây?

    - Cháu cũng ngại cái khoản đó lắm, chú ạ.

    Viên tướng thở dài:

    - Hai anh em nhà ấy có làm sao thì rầy rà cho chú quá!

    Tường Vân nhẩy xuống ngựa, đập cửa thình thình gọi. Một tráng đinh hoảng hốt chạy tới, nhận ra chàng, reo lên và mở rộng cửa:

    - A! Tưởng ai hóa ra cậu Út. Mời ông và cậu Út vào chơi.

    - Ông Cả có nhà không chú?

    - Bẩm, ông con… bị bắt lên huyện từ sáng sớm hôm nay rồi ạ.

    Cả hai chú cháu cùng kinh ngạc hỏi dồn:

    - Sao vậy? Còn ông Hai?

    - Bẩm, ông Hai con cũng bị bắt luôn.

    Viên tổng quản gia được tin cậu con trai út ông đồ làng Nhị Khê đến Đặng gia trang cùng với một viên võ tướng vội chạy ra đại sảnh tiếp đón. Y kể lể:

    - Bẩm tướng quân, tai họa xẩy ra mới hôm qua đây nhằm ngày mừng lễ thượng thọ của Cụ Cố bà.

    Trong hàng quan khách có một số thân hữu vì ở xa nên phải nán lại đêm. Đó là một dịp may để gia chủ được đãi thêm một bữa tiệc khuya. Tất cả đều sau túy lúy. Đến sáng tỉnh dậy, ông Ấm con quan Thừa chính sứ xứ Sơn Nam kêu mất một đôi vòng ngọc quý mà ông Ấm đã cao hứng đem ra khoe trong bữa tiệc.

    Khách khứa đều là những nhà tai mắt, gia chủ đâu có dám nghi cho ai.

    Để cho êm đẹp mọi bề, ông Cả con đành đưa số châu ngọc trong nhà ra đền cho xong chuyện. Nhưng ông Ấm không nghe, nhất định làm cho ra lẽ.

    Đoàn Phong ngắt lời, hỏi:

    - Sao vậy? Ông Cả xử sự nhũn nhặn như thế là biết điều quá rồi còn gì!

    - Bẩm, tại vì đôi vòng ngọc của gia đình quan Thừa chính chánh sứ 1 chẳng những là một vật báu đáng giá liên thành mà còn là một cổ vật lưu truyền trong dòng họ đã mấy trăm năm nên đã trở thành vô giá. Do lẽ đó, ông Ấm nằng nặc đòi phải tìm cho ra thủ phạm và lấy về bằng được đôi vòng chứ không chịu nhận của bồi thường.

    - Ờ, thế thì rầy rà quá nhỉ? Rồi sau câu chuyện ra làm sao?

    - Bẩm, quan Thừa chính là một tay thần thế lớn. Vừa có họ hàng với quan Hiến sát chánh sứ xứ Kinh Bắc nhà 1, vừa là bạn thân với bọn Nguyễn văn Thái, Vũ Như Quế ở trong triều. Bởi vậy, việc đã trình lên quan trên xét xử.

    - Vậy hả? Hiện giờ, ai đang tra xét vụ này?

    - Bẩm, sáng nay tất cả chủ khách đều bị dẫn giải lên huyện. Nếu huyện tra xét không xong, sẽ bẩm thẳng lên tòa Hiến.

    Đoàn Phong đứng dậy cáo từ:

    - Thôi cám ơn tổng quản nhé. Để bọn tôi lên trên huyện xem sao. Nhờ ông tổng quản bẩm với Cụ Cố chúng tôi sẽ cố gắng can thiệp để ông Cả và ông Hai được vô can.

    - Dạ, được như vậy thì cả gia đình trang chủ con đội ơn tướng quân rất nhiều.

    Từ trong trang trại, cặp ngựa chiến, một đen một trắng, phi ra nhanh như một cơn gió lốc.
    --------------------------------
    1 Đời Lê, nước ta chia làm 12 đạo. Sau đặt thành 13 xứ. Mỗi đạo hay mỗi xứ có tòa Đô coi việc Binh, tòa Thừa coi việc Chính, và tòa Hiến coi việc Hình.
    Đứng đầu tòa Thừa là Thừa chính chánh sứ. Đầu tòa Hiến là Hiến sát chánh sứ.

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 6

    CON NGỰA THẦN

    Trên đường đi Vũ Ninh, hai chú cháu chỉ biết quất ngựa phóng cho nhanh chẳng thiết gì đến phong cảnh kỳ thú chạy ngược ở hai bên đường.

    Gần đến một thị trấn đường tuy rộng rãi nhưng đông người buôn bán gồng gánh nên họ phải cho ngựa đi chầm chậm lại.

    Đoàn Phong thẫn thờ ngó về phía trước trong khi Tường Vân nghênh ngáo như một người vô tư lự. Chàng chợt thấy ở bên tay mặt có một trang trại lớn.

    Cổng trang trại mở hé cho thấy một cái sân thật rộng. Một hòn non bộ vĩ đại mọc sừng sững trên một cái hồ bằng đá vĩ đại hơn ngự ở giữa sân.

    Tường Vân dáng chừng đã đói, nhõng nhẽo với ông chú:

    - Chú ơi! Gần đến chợ huyện rồi. Chú cháu ta hãy kiếm cái gì ăn lót lòng cái đã, chú nhé.

    Đoàn Phong gật đầu, chìu cháu:

    - Phải đấy! Ta nghỉ ngựa ở đây giây lát cũng không sao.

    Tường Vân nhẩy phắt xuống ngựa. Đoàn Phong ngạc nhiên thấy chàng bước thẳng vào trong trang trại.

    Chẳng biết thằng bé này định kiếm cái gì ở nơi đây? Sao không ra thẳng chợ có hơn không? Thôi kệ!

    Ngồi yên trên mình ngựa, Đoàn Phong tò mò ngó coi cậu Út làm những trò gì.

    Ông kinh ngạc không ít khi thấy chàng giơ tay vẫy tên gia nhân lại gần, thầm thì với nó vài câu rồi móc túi đưa tiền cho nó. Tên đầy tớ gật đầu, nhanh nhẹn quay vào để một phút sau trở ra với một gói khá lớn.

    Tường Vân hớn hở thót lên yên trong khi Đoàn Phong trố mắt nhìn, không hiểu dụng ý của thằng cháu.

    - Gì thế con?

    - Thưa, cỏ ạ.

    - Cỏ gì thế?

    - Cỏ thạch xương bồ đó, chú.

    Chàng ba hoa kể:

    - Ở nhà, thầy cháu cũng cho đắp chơi một hòn non bộ lớn, chung quanh trồng loại cỏ này nên nhác trông vào trong trang trại cháu đã nhận ra ngay.

    - Ờ, cỏ này thơm lắm. Nó chịu những chỗ có đá, có nước. Nó át được các mùi hôi. Ngửi nó thông khiếu, dễ chịu lắm. Mà cháu mua làm gì nhiều thế?

    Tường Vân cười bí mật:

    - Để giúp chú tìm ra tên thủ phạm ăn cắp đôi vòng ngọc. Cháu vừa nghĩ ra một mẹo.

    Đoàn Phong sửng sốt:

    - Thật vậy sao?

    - Dạ thật. Để lát nữa ăn xong, cháu sẽ thưa chú rõ.

    ° ° °

    Hai chú cháu nghênh ngang tiến qua cổng huyện, không thèm xuống ngựa. Một tên lính canh vội xông ra cản đường.

    Đoàn Phong trợn mắt quát, tiếng quát rền như tiếng sấm:

    - Vào báo quan huyện có Bình Bắc đại tướng quân Đoàn đến có chuyện cần. Mau lên!

    Quan huyện đang ngồi xử kiện, nghe báo tức tốc chạy ra, mặt cắt không còn hột máu.

    Y khúm núm vái dài:

    - Kính bẩm… đại tướng quân…

    Vị võ tướng lớn tiếng cắt ngang, hống hách và giận dữ:

    - Ta trẩy quân phạt Bắc, có việc cần gặp anh em nhà họ Đặng, tại sao ngươi dám ngang nhiên làm khó dễ người ta?

    Vốn là một tên ít học, kém tài, chỉ quen thói đội trên đạp dưới, viên huyện quan càng thấy người đối thoại ngang ngược càng sợ hãi.

    Y rụt đầu, gãi tai, thưa:

    - Dám bẩm đại tướng quân, chuyện này khá dài dòng, kính xin đại tướng quân hạ cố vào trong huyện đường, hạ quan sẽ xin tường trình tự sự.

    Đoàn Phong hùng hổ bước vào công đường, quắc mắt nhìn mọi người rồi nghiễm nhiên ngồi vào ghế giữa trước án thư.

    Những người có mặt trong phiên xử đều sợ hết vía khi thấy tướng mạo dữ dằn và thân hình vạm vỡ khác thường của viên võ tướng.

    Không ai dám ngó thẳng vào đôi mắt sáng như điện nhìn như soi thấu tận đáy tâm can người trước mặt.

    Từ huyện quan đến các người dính líu đến vụ án đôi vòng ngọc đều run sợ. Chỉ có hai anh em nhà họ Đặng là vững bụng khi nhận ra viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, cắp gươm đứng hầu, không ai khác hơn là cậu út Tường Vân. Họ Đặng chưa bao giờ được giáp mặt họ Đoàn, nhưng cứ xem cung cách này họ Đoàn đến đây đóng vai một vị cứu tinh.

    Sau khi lắng tai nghe huyện quan trình bầy đầu đuôi vụ án, Đoàn Phong trợn mắt quát hỏi:

    - Ngươi đã tìm ra thủ phạm chưa?

    - Bẩm đại tướng quân, chưa ạ. Hạ quan đang tính làm tờ bẩm và giải giao nội vụ lên trên tòa Hiến.

    Nổi giận, Đoàn hét vang như sấm, mắng:

    - Đồ vô dụng! Việc nhỏ bằng con muỗi mà tra xét cả nửa ngày cũng không nên thân!... Để đó cho ta.

    - Dạ, dạ.

    Trỏ tay ra ngoài sân, Đoàn hỏi:

    - Các ngươi có trông thấy con ngựa thần của ta không?

    Mọi người cùng ngoảnh cổ trông ra thấy một con ngựa trắng tuyền và một con ngựa lông đen nhánh. Con này cao và dữ hơn con kia. Đặc biệt là bốn vó con ngựa ô lại trắng như tuyết.

    - Con ngựa đang nghển cổ lắc bờm bên con ngựa bạch là con Phi Vân thần mã, một ngày đi nghìn dặm như chơi, trời cho ta để đi dẹp giặc yên dân đó.

    Là ngựa thần, nó nghe được tiếng người và cũng nói được tiếng người. Nghĩa là nó hiểu lệnh ta, và ta nghe hiểu tiếng hí của nó.

    Nó ưa ở những nơi kín đáo, sạch sẽ.

    Nghiêng đầu, ông hỏi quan huyện:

    - Huyện quan có một cái phòng nào tươm tất cho thần mã của ta không?

    - Bẩm có.

    Hài lòng, Bình Bắc đại tướng quân của chúng ta tỏ vẻ hiền hơn trước, khen huyện quan một tiếng:

    - Tốt!

    Rồi ông quay lại bảo Tường Vân:

    - Tiểu tướng quân liệu sửa soạn cho ngựa thần của ta trổ phép mầu nhé.

    - Dạ.

    Đoàn dõng dạc truyền:

    - Như các ngươi đều rõ, ngựa của ta là ngựa thần. Nó ưa người ngay thẳng và rất ghét những quân tà vạy.

    Lát nữa đây, tất cả các ngươi phải đi riêng từng người một đến bên cạnh ngựa ta mà vuốt thật mạnh vào bờm của nó.

    Nó hiền lắm, không cắn, không đá đâu mà sợ.

    Nó để yên cho mà tha hồ vuốt nếu người vuốt ve nó là một người ngay thẳng thật thà.

    Nhưng nếu kẻ đó là quân gian, động đến bờm nó, nó sẽ hí vang lên cho ta biết liền lập tức.

    Tất cả các ngươi đã hiểu rõ lời ta nói chưa nào?

    Tất cả đồng thanh đáp:

    - Bẩm đã ạ.

    Sau khi ngó thấy Tường Vân bước ra khỏi gian phòng đặc biệt dành cho Phi Vân thần mã, Đoàn Phong hạ lệnh cho toàn thể những người dính líu đến vụ án mất đôi vòng ngọc, từ chủ nhà cho đến khách khứa, kể cả người mất của nữa, phải đứng sắp hàng ở ngoài sân huyện.

    Người đứng ở ngoài cùng, phía trái, được lệnh tiến vào tiếp xúc với ngựa thần trước tiên.

    Từ huyện quan, nha lại cho đến lính tráng đều chăm chú theo rõi diễn tiến của cuộc xử án lạ lùng này.

    Mọi người cùng lắng tai nghe. Ngựa thần không hí. Người thứ nhất bước ra, mặt tươi rói. Thế là thoát nạn.

    Đến người thứ hai. Ngựa thần cũng không hí.

    Qua người kế tiếp, ngựa thần cũng im lặng luôn.

    Cứ thế cho đến người sau rốt vẫn không động tĩnh.

    Lạ nhỉ! Chẳng lẽ không ai ăn cắp mà đôi vòng ngọc lại mất được sao?

    Hay là ngựa thần không linh như ông tướng mặt đen, râu quai nón, mắt chiếu thần quang, đã lớn tiếng khoe khoang?

    Vị này dõng dạc tuyên bố:

    - Chưa xong đâu. Tất cả mọi người phải xếp hàng lại y như lúc nẫy để ta tra xét.

    Thong thả bước xuống thềm, ông tới đứng ngay trước mặt người thứ nhất, gằn giọng:

    - Chìa thẳng hai tay ra xem nào!

    Kẻ bị tình nghi rợn người khi thấy viên võ tướng dữ như một vị hung thần, cúi đầu xuống nhìn thật kỹ, thật gần hai lòng bàn tay y như một nhà tướng số có lương tâm đang cố săm soi chỉ tay của khách hàng.

    Người này được buông tay xuống, đến lượt người kia. Ông tướng mặt đen nhích dần, nhích dần về phía tay phải. Mặt ông đanh lại, chẳng nói chẳng rằng cho đến khi ông đến đứng trước mặt người áp chót.

    Ghé sát mắt nhìn hai bàn tay tên này thật kỹ đôi ba lượt, ông ngửng đầu lên, quắc cặp mắt sáng như điện chiếu thẳng vào đôi mắt ti hí của y. Ông quát trong khi hai tay ông vung lên túm chặt ngực áo của tên khốn nạn:

    - Thằng này! Muốn sống khai mau!

    Tiếng quát rền vang đến nỗi những người vô can cũng phải run sợ.

    Tên kia, mặt tái ngắt, thở không ra hơi, lắp bắp van xin:

    - Trăm lạy… trăm lạy… đại tướng quân…

    - Muốn sống khai ngay, không ta quật chết giờ!

    Miệng quát, tay vung, ông tướng lúc này như một vị hung thần sẵn sàng ra oai sấm sét. Tên kia sợ dúm người lại trông chẳng khác một con nhái bén sặp bị người ta quật xuống đất đánh bép một cái cho tan xác.

    Y la thất thanh:

    - Trăm lạy quan lớn… con xin khai!...

    Được buông ra, y thở hồng hộc trước khi thú tội:

    - Bẩm đại tướng quân, chính con đã trót dại đánh cắp đôi vòng ngọc.

    - Giấu đâu?

    - Bẩm, trong hũ mật con mua hôm qua ngoài chợ.

    Những người suýt bị mắc tiếng oan, từ hai anh em chủ nhà cho đến các quan khách, đều “à” lên một tiếng khoan khoái. Họ nhớ ra ngay hũ mật tên kia để hớ hênh ở góc nhà, trước mắt mọi người. Thì ra chỗ hở nhất lại là chỗ giấu đồ kín đáo nhất.

    Ông quan võ còn hỏi gặng:

    - Có thật không?

    - Bẩm, thật! Con không dám khai man. Xin đại tướng quân sinh phúc xá tội cho con.

    - Tại sao mày giở trò bất lương ấy?

    Tên gian thú thật:

    - Bẩm, tại vì con thua bạc quá đậm, cần có nhiều tiền để gỡ. Đôi vòng ngọc kia quý giá vô cùng, bán rẻ cũng được đến một vạn lạng bạc. Nó còn dễ cất giấu nữa nên con càng dễ nẩy lòng tham. Một cớ nữa là con có họ gần với ông Ấm con quan Thừa chính chánh sứ, lại cùng đi chơi với ông ấy nên ít bị nghi ngờ…

    Phải rồi. Bây giờ anh em nhà họ Đặng mới nghĩ ra. Tất cả khách dự tiệc đều là những người tử tế, quen biết đã lâu đời, ai nỡ muối mặt làm điều sằng bậy. Duy có tên này không mời mà đến, được chủ nhà nể mặt vì đeo theo cậu Ấm con quan. Duy có nó mới biết giá trị đích thực của đôi vòng ngọc. Những người khác nghe ông Ấm khoe khoang một tấc đến trời vẫn bán tín bán nghi.

    Cậu Ấm bây giờ cũng xạm mặt không kém tên bạn bất lương. Người ta có thể nghi ngờ y toa rập với bạn để lập tâm làm tiền gia chủ.

    Ông tướng họ Đoàn đắc ý, cười ha hả, thân mật vỗ vai quan huyện một cái tưởng đến sụm xương:

    - Thế nào, ta tra xét dùm cho quan huyện, quan huyện bằng lòng chứ?

    Ngượng nghịu, luống cuống, y lắp bắp trả lời:

    - Dạ dạ. Đại tướng quân là người nhà trời, soi xét đến đâu là phúc đức cho dân đến đó. Hạ quan…

    Ông tướng nóng nẩy cắt ngang:

    - Thôi, muộn rồi! Ta phải đi ngay. Can phạm và cả tên bạn của y nữa, ta để cho huyện quan liệu mà sửa trị.

    Còn những người khác, cấm huyện quan không được làm phiền nhiễu đến một ai, nghe không?

    - Dạ dạ.

    Tên tham quan mừng rơn trong bụng.

    Tin tức ở cửa miệng người dân truyền đi sao mà nhanh thế. Vụ án vừa xét xong, thiên hạ đã xúm đông xúm đỏ ở cổng huyện đường để được xem tận mắt con ngựa thần có bốn vó trắng như tuyết.

    Họ trầm trồ khen tặng khi Đoàn Phong phóng ngựa ra trước cùng với Tường Vân và hai anh em nhà họ Đặng:

    - Đúng là một vị thiên thần ngự trên lưng con thần mã!

    - Tên là Phi Vân có khác, bốn vó trắng phau của nó sải ra y như bay trên mây vậy đó!

    Dọc đường, Chấn Khởi thắc mắc hỏi Tường Vân:

    - Cháu à! Ngựa của ông Đoàn là ngựa thần thật hả cháu?

    Nghe tiếng, Đoàn Phong cho ngựa đi chậm lại, cười hề hề:

    - Thần thánh gì đâu! Một chút mẹo vặt của thằng cháu ông đó!

    Ông chậm rãi cắt nghĩa cho hai anh em nhà họ Đặng cùng nghe:

    - Chắc các bạn cũng thừa biết thạch Xương bồ là một loại cỏ có mùi thơm rất dai và rất dễ nhận. Cháu Tường Vân kiếm được một mớ cỏ ấy bèn vò ra lấy nước xức vào bờm con ngựa “thần” của tôi.

    Được lệnh vuốt bờm ngựa, người ngay sợ gì mà không vuốt! Là vì tôi đã nói trước nó sẽ không hí nếu người vuốt ve nó là người lương thiện. Và nó chỉ hí vang lên khi kẻ gian tà đụng vào nó thôi. Bởi thế, có tật giật mình, tên ăn cắp không dám đụng vào bờm con ngựa.

    Thành thử, sau cùng, tôi chỉ có việc ngửi tay từng người là thấy ai ngay ai gian liền…

    Hai anh em họ Đặng cùng phá ra cười, khen và cám ơn Tường Vân hết sức:

    - Cậu Út giỏi thật! Mẹo nhỏ nhưng thật hay, qua mặt được hết thẩy mọi người, kể cả tên huyện quan láu cá!

    - Con ông đồ Long Vũ có khác! Hôm nay không nhờ có thằng cháu thông minh và Đoàn huynh ra oai nạt nộ thì bọn tôi còn là mệt với tụi chúng nó!

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 7

    THANH KIẾM BÁU ĐỜI NHÀ LÝ

    Huy rời làng Nhị Khê với một tâm hồn mới. Hôm qua chàng tới âm thầm như một chú bé tìm đường ẩn vào trong bóng tối. Hôm nay chàng hớn hở lên đường, sẵn sàng chiến đấu và tự tin như đã nắm chắc phần ưu thắng.

    Không biết mẹ và em còn ở trong làng hay đã thui thủi đi sống nhờ quê ngoại? Chắc còn nấn ná chưa đi vì rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn chẳng phải là một chuyện dễ dàng. Mẹ sẽ sung sướng biết bao khi gặp lại mặt con và thấy lại cả một tương lai sáng sủa.

    Mẹ sẽ mừng rơi nước mắt. Em sẽ tíu tít đòi quà. Con nhỏ sẽ ngạc nhiên, mắt sáng rỡ trước những tấm bánh dầy Quán Gánh trắng tinh. Mẹ sẽ nâng niu mớ cau khô thơm phức bác đồ gái mới phơi xong.

    Mớ cau chàng thấy chính tay nàng Tường Vân lấy trong lọ sành ra gói ghém cho chàng. Cũng như Tường Vân đã xuống bếp để chính tay nàng lo nấu cơm, kho thịt cho chàng ăn đường. Bất giác chàng ngoái tay lấy chiếc khăn gói đeo trên vai xuống nâng niu.

    Gương mặt trái soan người con gái ăn mặc giả trai chập chờn trước mắt chàng. Dường như bao nhiêu cái thùy mị của người mẹ và cái sắc sảo của người cha đều dồn cả vào con người ngọc ấy. Dịu dàng, hiền thục, nàng lo việc bếp núc gọn gàng một cách thật dễ thương. Nhưng khi bàn luận văn chương, võ nghệ, nàng đã biến thành một trang tuấn kiệt.

    Huy nhớ như in vào óc mấy lời tâm sự của ông đồ:

    - Tường Vân tuy là gái nhưng không thích suốt ngày vùi đầu trong xó bếp. Nó muốn ganh đua trong trường văn trận bút cũng như ở chốn thao trường.

    Bác nghĩ đó cũng là một cái hay, nhất là ở cái thời buổi này, thái bình không hẳn thái bình, mà loạn lạc cũng không ra loạn lạc.

    Học văn, luyện võ cho tinh chẳng phải để tranh bá đồ vương gì, nhưng cốt để trước hết giữ mình, sau nữa là giúp đời, được phần nào trọng phần nấy.

    Ông cười dễ dãi, phân trần tiếp:

    - Tất cả đám con trai làng này đều là học trò bác. Chúng biết Tường Vân giả trai, nhưng chả đứa nào dám gọi nó là cô Út. Người lớn, trẻ con gọi nó là cậu Út quen rồi, có lẽ bây giờ họ yên trí Tường Vân là con trai út của hai bác…

    Lòng phơi phới, Huy không ra roi mà tưởng con ngựa ô truy đang bay bổng trên đường về.

    Đến làng, trời vừa chạng vạng tối.

    Cổng nhà chưa đóng.

    Ô hay! Sao lại có tiếng ngựa hí ở trong sân? Chàng hốt hoảng lo một tai vạ nào đã đến bất thần. Và tay chàng nắm sẵn chuôi thanh gươm mà chàng ngại phải tuốt ra trong tuyệt vọng.

    - A! Anh Cả đã về!

    Tiếng reo trong trẻo của cô em gái ngây thơ khiến cho người anh nhẹ nhõm.

    Tiếp theo là tiếng đàn ông lạ hoắc:

    - Ồ! Cậu Cả đã về sao? May quá!... Tạ ơn trời, may quá!

    Nhanh chân chạy ra đón chàng là một người con trai ngoài hai mươi tuổi, cao và gầy, hai mắt như dán vào thanh gươm vỏ đồng đen chàng đeo ở bên hông. Nỗi vui sum họp diễn ra chẳng giống như chàng đã tưởng tượng chút nào.

    Mẹ chàng mừng quá, mãi mới thốt được một câu:

    - Huy, con đã về đấy ư? Thầy con… sao?

    - Thưa đẻ, thầy con vẫn bình yên ạ.

    - Ừ, thế là đẻ mừng. Này con, con có nhớ ai đây không? Anh cả Hoành, con trai lớn chú Hương Cựu 1 con bên làng Phù Ủng đó.

    Mừng như người bắt được của, Huy nhẩy cẫng lên, ôm hai vai Hoành, nói liền liền:

    - Ồ, thế mà em không nhận ra, có chết không! Chú Hương vẫn mạnh khỏe hả anh? Anh sang chơi hay có chuyện gì thế? Em về đây cũng có việc cần phải sang anh. Để cầu chú Hương đi giúp thầy em một tay mà! May quá! Anh Cả ở chơi đây tối nay nhé. Sáng mai anh hãy về để cho em theo với…

    Bà mẹ tươi cười mắng yêu cậu con trai:

    - Cái thằng! Con hỏi dồn hỏi dập như vậy, làm sao anh trả lời cho kịp!

    Dường như cũng vui lây cái vui của cậu trai đang độ lớn, cả Hoành thân mật bóp nắn hai cánh tay chắc nịch của chàng và khen nức nở:

    - Con nhà tướng có khác! Mới mười lăm mười sáu mà vạm vỡ bằng người hai chục tuổi. Đeo gươm, cưỡi ngựa thật oai, tôi trông cũng phải mê đấy!

    Chợt nhớ việc mình, Hoành thở dài nói tiếp:

    - Thầy tôi vừa mắc nạn. Tôi phải sang đây cầu cứu. Biết trước là bác trai đi vắng mà vẫn cứ phải sang hú họa. Thật là trời thương nên xui khiến cho cậu về đúng lúc, lại mang cả thanh gươm mà cả nhà ai cũng đinh ninh là bác đeo theo ở bên mình…

    Cậu con trai đứng ngớ ra không hiểu, bà mẹ vội đỡ lời:

    - Chú Hương con bị quan huyện bắt giam. Anh cả đây đã đào được đường vào đến ngục nhưng chưa giải thoát được cho chú vì còn vướng những xiềng xích bằng sắt quá lớn. Anh phải sang đây để mượn thanh kiếm báu của nhà ta.

    Huy đã hiểu. Chàng buột miệng khen:

    - A! Ông trời sắp đặt thật tài tình! Anh cả ơi, thanh gươm này có bao giờ thầy em rời ra đâu. Sở dĩ cho em đeo là để em giữ một kỷ vật tổ truyền trong khi sống nhờ ở một quê hương xa lạ. Ai ngờ em lại mang nó trở về quê nhà để gặp anh đây. Hôm nay, nếu anh không sang bên này, ngày mai em cũng phải sang bên ấy…

    - Có chuyện gì thế, cậu?

    - Thầy em dặn sang bên Phù Ủng cầu chú Hương chịu khó đi giúp đỡ thầy em một chuyến. Thầy em cần ngón nghề đặc biệt của chú lắm.

    Cả Hoành reo lên, vui mừng thật sự:

    - Thế thì con gì hay bằng. Bây giờ cậu cho tôi mượn thanh gươm để đêm mai tôi ra tay cho thằng Huyện trắng mắt ra. Xong đâu đấy, cả hai cha con tôi cùng đi theo phò tá bác…

    Viễn ảnh thật đẹp. Hai tay nhà nghề dĩ nhiên phải được việc hơn là một. Cha chàng hẳn vui lòng lắm. Nhưng còn vướng một điều thật khó mở lời nhưng rồi cũng phải nói ra:

    - Tôi nói thật thế này, anh Cả đừng buồn nhé. Thanh kiếm này, tôi không thể cho anh mượn được đâu.

    Cả Hoành choáng váng như bị một búa giáng xuống đầu lúc không phòng bị. Y rên lên:

    - Trời ơi! Sao lạ vậy?

    - Anh bình tâm nghe tôi nói. Chắc anh đã rõ thanh gươm vỏ đồng đen này do tổ tiên tôi là Đông Hải Vương 1 truyền lại từ cuối đời nhà Lý đến nay đã hơn ba trăm năm. Đó là một thanh kiếm báu chém sắt như chém bùn. Nhờ nó mà khi Đông Hải Vương bị họ Trần lừa, bị vây rồi bị chém lén đến nỗi đầu sắp rụng mà còn đủ sức thoát khỏi trùng vây chạy mấy trăm dặm về đến đầu làng An Nhân mới kiệt lực. Trước khi chết, người dặn lại cấm ngặt con cháu về sau không bao giờ được giao kiếm báu họ Đoàn cho người khác họ…

    Không phải tôi không tin anh đâu. Nhưng quả tình không dám trái lời di huấn mong anh hiểu cho…

    Ôm đầu ngồi phịch xuống ghế, Hoành rên rỉ, toàn thân rũ liệt:

    - Trời ơi! Làm sao bây giờ?...

    - Hay là…

    Hoành ngửng đầu lắng nghe, hy vọng:

    - Hay là đêm mai anh cho tôi đi cùng, nhân thể giúp anh một tay… Phải rồi, có lẽ thế là ổn.

    Hoành lo ngại:

    - Sợ bác gái không cho.

    Bà Đoàn khẳng khái:

    - Việc chú Hương Cựu bên ấy cũng như việc nhà bác bên này. Thằng Huy giúp được phần nào, bác mừng phần nấy. Sao bác lại không cho?

    - Con đội ơn bác. Chỉ ngại có một điều là cậu ấy chưa quen hoạt động trong bóng tối, ở những nơi quá chật hẹp.

    Y cười hì hì bảo Huy:

    - Cái ngạch tôi đào hẹp lắm. Cha con tôi đều nhỏ người nhỏ xương chui qua được. Chả biết cậu phốp pháp thế này có lọt được người hay không?

    - Anh yên trí đi. Không lọt cũng phải lọt. Anh lọt được thì tôi cũng lọt được.

    ° ° °

    Cơm nước xong, ngay đêm ấy Hoành xin phép ra về để mẹ y ở nhà khỏi nóng lòng chờ và cũng để có nhiều thì giờ chuẩn bị cho cuộc vượt ngục sắp tới. Y hẹn chiều hôm sau sang đón Huy.

    Khách ra về một lúc lâu, Huy nhìn em, mỉm cười hỏi:

    - Thế nào, Nguyệt Cung, bánh có ngon không?

    - Ngon lắm. Cứ ăn bánh dầy Quán Gánh là nhớ ngay đến làng Nhị Khê. Phải anh đến làng Nhị Khê thăm bác đồ không?

    - Đúng rồi. Con bé này khá đấy. Đẻ ơi, thầy và con cùng đi vắng, nhà không có bóng đàn ông, cũng ngại. Hay là đẻ cho con bé Nguyệt Cung mặc quần áo con trai đi. Nó có võ, giả trai dễ, không ai dám bắt nạt.

    Bà mẹ cười hỏi:

    - Sao bỗng dưng thằng bé này có ý nghĩ lẩn thẩn thế nhỉ?

    - Tại vì con thấy con gái út bác đồ…

    Nguyệt Cung cướp lời anh:

    - Đẹp lắm hả anh?

    - Ừ, đẹp lắm. Đẹp như tiên. Giả trai lại càng đẹp. Đúng là một trang anh tuấn.

    - Chị ấy tên là gì hả anh?

    - Tường Vân.

    - Võ có giỏi bằng anh không?

    - Chưa biết. Nhưng chắc là phải giỏi. Con gái út bác đồ mà. Bác dám cho cô ấy một người một ngựa đi đến ải Nam Quan giúp đỡ thầy, nhất định cô ấy phải là một tay cừ khôi.

    Chợt nghĩ đến Bùi Tung, chàng hỏi mẹ:

    - Đẻ ơi! Có điều con thấy lạ. Tại sao chú Hương Cựu gia tư điền sản như vậy mà lại thạo nghề đào tường khoét vách? Không lẽ…

    Bà Đoàn cười:

    - Thầy chưa bao giờ kể chuyện chú Hương cho con nghe à?

    - Thưa đẻ, chưa.

    - Vậy đẻ kể cho hai anh em cùng nghe. Chú Hương Cựu giầu có sẵn, của cải từ mấy đời trước để lại. Rồi vì giầu chú mới học nghề của kẻ trộm. Và rồi cũng nhờ cái nghề mới mẻ này, chú mới trở thành đàn em của thầy mặc dầu chú lớn tuổi hơn thầy nhiều.

    …………………………………..

    Có những bữa tiệc tình cờ ràng buộc những người tứ xứ. Trong khi họp mặt, một chén rượu làm quen, một câu nói dí dỏm hay một cuộc thách đố hung hăng có thể làm cho hai người xa lạ thân nhau. Cả đến những ý nghĩ ngông cuồng, những cử chỉ ngông nghênh đôi khi cũng kết hợp được hai tâm hồn đồng thanh khí.

    Bùi Tung, một tay cự phú xứ Hải Dương, và Đào Trọng Tường, một tay giang hồ khét tiếng xứ Sơn Tây, vốn không quen biết nhau. Một sự tình cờ khiến họ trở thành đôi bạn thiết sau một bữa cơm khách họ cùng dự và cùng quá chén.

    Trọng Tường vỗ vai ông bạn rượu ngồi kế bên, lè nhè nói:

    - Chả nói giấu gì huynh, đệ có cái tên tiền định là Đào Tường. Nguyên nó là Đào Trọng Tường, anh em giang hồ có lòng thương bỏ bớt đi chữ lót cho nó đẹp. Đó là nghề tay trái của đệ chuyên để trị những tên cường hào trọc phú hay quan tham lại nhũng.

    Nhà kín cổng cao tường đến đâu, đệ đào cũng lọt. Vàng bạc châu báu chôn giấu kỹ cách mấy, đệ đào cũng phải ra. Không tin…

    Họ Bùi khật khưỡng đáp:

    - Người ta thường nói “Sơn ăn tùy mặt” mà huynh. Nếu huynh có thực tài, bữa nào mời huynh ghé nhà đệ chơi cho biết và thử xem có làm ăn gì được hay không.

    Tan tiệc, họ Bùi nhất định mời họ Đào về nhà, chỉ cho thấy chỗ cất giấu bảo vật và quả quyết:

    - Đó, những cái gì quý đệ để cả nơi đây. Huynh có giỏi, mời huynh cứ đào vào mà lấy.

    - Được rồi, canh ba đêm mai đệ sẽ tới xin huynh viên ngọc mầu hồng kia đem về cho cháu nó đeo lấy khước.

    Họ Đào thật là một tay ăn trộm có tài. Chỉ nhác trông một chút trong lúc say mà định trúng được vị trí và phương hướng của căn phòng. Tối hôm sau, y khoét một đường thật dài, thật kín đáo từ ngoài đồng vào, xuyên dưới hào nước, dưới lũy tre, rồi trổ lên ngay dưới gầm giường của gia chủ.

    Và y đợi đến đúng giờ tý mới thò đầu lên.

    Ai ngờ họ Bùi là một tay nhà giầu lọc lõi. Y rất tỉnh ngủ như trăm nghìn tay nhà giầu khác. Y lại khá võ nghệ nữa. Thành thử họ Đào vừa ra tay và chưa kịp rút lui đã bị họ Bùi vùng dậy vật ngã xuống và khóa cứng chân tay hết đường cục cựa.

    Chủ nhà cười hì hì hỏi khách:

    - Thế nào? Bây giờ huynh tính sao đây?

    - Chịu thua chớ biết tính sao! Nhưng xin huynh nhớ cho rằng đệ thua đây là thua về võ nghệ, chứ không phải thua về thuật đào tường khoét ngạch. Vả lại…

    Y móc túi ra khoe viên ngọc mầu hồng vừa lấy được, và nói tiếp:

    - Vả lại, đệ vẫn thó được cái này của đại huynh.

    Bùi Tung phì cười khâm phục:

    - Thế là hòa! Anh em đùa nhau một tí, huynh đừng giận nhé.

    Hai người đánh chén tay đôi đến sáng và từ đó kết thành bạn tâm giao.

    Để giữ của và cũng để giữ mình nữa, anh nhà giầu được anh ăn trộm truyền cho nghề đào ngạch. Về sau Bùi Tung tự tay tạo cho dinh cơ to tát của mình nhiều căn hầm kín để giấu của và nhiều lối thoát bí mật phòng khi bị đánh cướp hay bị quan quân làm khó dễ.

    ° ° °

    Cũng trong một bữa tiệc, họ Bùi và họ Đào nói ba hoa xích đế, tưởng chừng như khi nào hai gã đã “liên thủ” làm ăn thì đến ông trời cũng không giữ được của.

    Ngứa tai, họ Đoàn cho chúng một bài học khiêm nhường và thận trọng.

    - Tôi biết, hai chú giỏi lắm. Nhưng liệu hai chú có vào nổi nhà tôi mà lấy đồ không?

    Bùi Tung cười khành khạch:

    - Nhà bác trống trước trống sau, vào lúc nào mà chả được! Nhưng, em xin lỗi bác, em nói thật. Nhà bác “tiếng cả nhà không”, có gì đâu mà lấy!

    Đoàn Phong nghiêm mặt nói:

    - Ừ, tiền bạc ta không có thật, nhưng vật báu thì ta có chứ.

    Cả bàn tiệc cùng ngạc nhiên. Đoàn Phong vỗ vào thanh kiếm đeo ở bên hông, gằn giọng hỏi:

    - Thanh gươm này có phải là một bảo vật không?

    - Dạ phải. Nhưng chúng em không dám.

    - Không sao. Kiếm này là vật báu gia truyền của họ Đoàn. Nhưng nếu họ Đoàn bất tài không giữ nổi thì đâu có xứng đáng giữ nó hoài. Các chú xem có thể lấy được, cứ lấy!

    Bị khiêu khích, hai gã thấy ngứa nghề:

    - Đàn anh đã thương mà dậy thế, đàn em chẳng lẽ không vâng. Vậy đêm mai, đúng giờ tý, chúng em xin đến bái lĩnh.

    - Ừ, cũng được. Nhưng sợ gấp gáp quá chăng? Tôi muốn cho các chú rộng thì giờ và thuận tay thuận chân hơn. Vậy kể từ ngày mai, trong vòng năm hôm, các chú muốn lấy lúc nào cũng được, không cần phải hẹn giờ. Nếu cần dùng đến mê hồn hương, các chú cứ tự nhiên…

    Ái chà! Thế thì ăn chết rồi! Chạy trời cũng không thoát khỏi hai tay này! Mày đã muốn ngông, chúng ông cho ngông một thể! Chỉ sợ lúc ấy mới trớn mắt ra! Họ mừng rơn đáp:

    - Vâng. Đàn anh dậy sao, đàn em cũng xin tuân.

    Đoàn Phong cười hề hề:

    - Suýt quên không dặn kỹ để hai chú mất công tìm. Ban đêm, ta để kiếm trên bàn thờ gia tiên.

    Hai chú nên cẩn thận. Ta nằm ngủ ngay trên sập kê trước bàn thờ đó.

    - Dạ. Xin đàn anh yên trí.

    Đúng nửa đêm hôm ấy, hai gã trổ hai đường tới hai bên bàn thờ cùng một lúc và cùng xông hương mê vào trong gian nhà không mấy rộng. Họ cùng thò đầu lên khi họ Đoàn nằm ngủ ngáy như sấm.

    Đoàn Phong nằm, đầu quay về phía bàn thờ. Trước hương án, có một tấm màn bằng vải điều che kín. Trong đêm tối, hai gã có ý đứng vào chỗ khuất nhất, dẫu ông có thức cũng khó lòng trông thấy họ xuất hiện. Nói chi đến việc ra tay cản trở!

    Họ đâu có ngờ Đoàn Phong có một bản lĩnh siêu phàm.

    Luyện võ từ tấm bé cho đến già đời, ông rất thính tai, tinh mắt và tỉnh ngủ. Tiếng động trong lòng đất đã đánh thức ông từ lâu. Mới thoảng thấy mùi thơm của hương mê, ông đã nằm yên nhịn thở, hé mắt trông chừng trong đêm tối.

    Căn cứ vào tiếng động, ông tính đúng lúc hai gã kia sắp vói tay lên chiếc mâm bồng đựng thanh kiếm báu. Ông quát lên một tiếng như sét đánh, cướp tinh thần hai gã.

    Không biết ông tung mình trở dậy cách nào và xông xáo ra sao mà khi hai gã hoàn hồn đã thấy tay mình bị nắm cứng như nằm trong khóa sắt.

    Họ bội phục:

    - Đàn anh thánh thật. Nằm ngược chiều như vậy mà ra tay gọn quá!

    - Các chú thua không phải vì kém tài đào ngạch mà vì thiếu bản lĩnh giang hồ.

    Không tinh thông võ nghệ, nhiều khi các chú vào được nhà người ta mà không ra nổi.

    ………………………………………….

    Bà Đoàn kể tiếp:

    - Từ đấy, hai người học võ nơi thầy con. Chẳng những luyện võ mà thôi, thầy con còn luyện thêm cho họ cái “căn” lương thiện nữa.

    Huy cười:

    - Bây giờ con mới hiểu vì sao chú Hương Cựu già hơn thầy đến mười tuổi mà vẫn xưng em.

    - Ừ, thầy con đãi họ bằng tình anh em. Ngoài ra, còn có thêm cái tình thầy trò nữa. Cho nên hễ thầy con ới lên một tiếng là họ phải thưa liền…

    Ngẫm nghĩ một lát, bà nói thêm:

    - Việc của thầy con, giá có cả chú Tường giúp thêm một tay nữa thì hay biết mấy!

    - Vâng. Nhưng sao con không thấy bác đồ nhắc đến tên chú Tường, đẻ ạ.

    - Chắc tại bác biết chú ấy đi lang bạt kỳ hồ, không ở hẳn một chỗ nào thì biết ở đâu mà tìm kiếm.

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 8

    BÙI TUNG VÀ ĐÀO TƯỜNG

    Huy thắc mắc hỏi mẹ:

    - Anh cả Hoành có nói vì sao chú Bùi bị bắt bỏ ngục không hả đẻ?

    - Có. Việc không hay xẩy ra chỉ vì chú ấy quá giầu và tên quan huyện quá tham lam.

    - Thưa đẻ, nghĩa là sao ạ?

    - Tên huyện quan này có thần thế lớn ở Kẻ Chợ nên hống hách và ngang ngược lắm. Y cũng gian xảo nữa nên đánh lừa chú Hương Cựu một cách thật dễ dàng.

    Y cho trát đòi chú tới công đường hỏi:

    - Phải chú có tài đào ngạch nổi tiếng ở xứ này không?

    Bùi Tung ngang tàng đáp:

    - Dạ phải.

    - Bây giờ ta nhốt chú vào một chỗ, liệu chú có cách nào thoát được không?

    - Cho tôi một cái thuổng thật sắc, tôi sẽ thoát như chơi!

    Tên huyện quan cười nham hiểm:

    - Được lắm! Nói lời thì nhớ lời nhé. Ta sẽ cho chú một cái thuổng thật tốt. Nếu không ra thoát cũng đừng oán ta nhé.

    Y sai người nhốt chú Hương vào một nơi chẳng lấy gì làm ghê gớm lắm, đặt bên mình chú một cái thuổng mới tinh thật bén. Ác cái là y lại xiềng tay xiềng chân chú bằng dây xích sắt thật to. Thế thì còn làm ăn gì được nữa! Chú Hương tức đến hộc máu vì thấp cơ thua trí, không nói cho rành. Đáng lẽ chú phải giao hẹn với y:

    - Cho tôi một cái thuổng thật bén và phải để tay chân tôi được tự do…

    Bà nói thêm:

    - Nếu không có thằng con là cả Hoành ở ngoài chạy vạy thì chú phải chết rục xương trong căn nhà ẩm thấp.

    Một ngày một đêm không thấy cha về, nó cuống lên. Phải vãi tiền ra mua chuộc bọn nha lại, nó mới biết chỗ giam. Rồi nó âm thầm đào ngạch vào thăm cha mới hay chú ấy bị xiềng quá chắc. Nếu không có thanh kiếm của nhà ta, chắc không tài nào chặt được xích.

    - Anh cả Hoành có dò hỏi được ý định của tên huyện quan không hả đẻ?

    - Có. Đẻ đã bảo tai vạ của chú Hương do cái giầu của chú ấy mà ra.

    Tên ăn cướp ngày kia thấy tài sản của chú nhiều vô kể nên động lòng tham muốn vơ vét một chuyến cho thật bẫm. Y gian ngoan lập kế lừa cho chú lọt vào tròng. Chú có gan cách mấy cũng chỉ chịu đựng được vài hôm nữa thôi. Rồi phải xin chuộc mạng, không thì chết. Và muốn khỏi chết, chỉ có mỗi một cách là có bao nhiêu của cải phải dâng cho kỳ hết!

    Huy tắc lưỡi, lẩm bẩm một mình:

    - Quá lắm! Phải trừng trị tên tham quan này một vố mới xong!

    ° ° °

    Hai anh em cùng mặc đồ đen trườn mình trong những ngách hang nhỏ hẹp. Họ lách lên phòng giam không mấy khó khăn. Quân lính canh phòng lấy lệ dĩ nhiên không hay biết.

    Thanh gươm báu được tuốt ra. Ánh thép xanh dờn và lạnh lẽo xắn vào xiềng sắt ngọt như xắn vào những củ khoai.

    Bùi Tung chân tay được tự do nhưng toàn thân y lả ra chẳng khác chi người sắp chết. Y bị bệnh kiết lỵ hành hạ suốt một ngày trời, không thuốc thang, không cơm nước.

    Hoành nghiến răng căm tức muốn liều mạng xông ra tìm tên huyện quan gian ác, thí cho y một nhát.

    Huy nắm tay cản lại, thì thào:

    - Hãy đưa chú Hương về nhà phục thuốc đã. Việc ấy tính sau, vội gì!

    Sau khi ra khỏi vùng hắc ám, Huy bàn:

    - Bệnh chú Hương đang cơn nguy kịch, chắc chú không ra trận được với thầy tôi đâu. Ở nhà, tên chó má kia dĩ nhiên chả chịu để cho chú yên thân. Ta phải nghĩ cách đối phó trước.

    Giết nó bây giờ thì dễ, nhưng sợ liên lụy đến chú và toàn gia. Chi bằng hãy dọa cho nó sợ một mẻ đã. Thấy có người ở ngoài phù trợ, nó khôn ngoan ắt không dám lôi thôi nữa.

    Hoành chịu là phải, ứa nước mắt cõng cha về trong khi Huy nhẩy thót qua tường, vượt một khu vườn rộng và lẻn vào công đường mà không một ai hay biết. Sau khi lục lọi một hồi, chàng lách mình ra khỏi nơi làm việc của huyện quan để phi thân vào trong tư thất của y. Tên này đang ngủ say như chết.

    Thật khéo léo, chàng đặt ngay trên đầu giường tên tham quan mấy khúc xiềng xích đã cắt đứt, cái thuổng bén ngót và chiếc ấn huyện quan của y.

    Thoát ra khỏi cửa chàng mỉm cười tự nhủ:

    - Thức dậy, thế nào tên này cũng sợ hết vía! Nó sẽ hiểu: Tương lai cũng như tính mạng của nó, người ta đã cầm ở trong tay, muốn lấy lúc nào cũng được. Khôn hồn thì đừng có sinh sự nữa… Phải rồi, đây không phải là một chuyện thách đố. Răn đe thì đúng hơn… Hừ! Vía bảo cũng không dám kiếm chuyện lôi thôi nữa!

    ° ° °

    Mới tờ mờ sáng Bùi Tung đã giục hai người trai trẻ lên đường:

    - Tôi đã đỡ, không có gì phải lo ngại cả. Chỉ tiếc có một điều là không đủ sức đi giúp bác Đoàn trong lúc này. Đành để cho thằng Hoành đi thay vậy. Việc dẹp giặc là trọng, cậu phải đi ngay kẻo bác Đoàn mong.

    Hai ngựa ruổi rong mang trên yên hai người với hai tâm trạng.

    Hoành mặt mũi đăm chiêu, nửa lo chuyện nhà, nửa lo ngại tài của mình còn non không giúp được bác Đoàn như ý muốn.

    Huy, trái lại, lòng vui phơi phới. Ánh mặt trời và gió mát đã rửa hết những nét mệt nhọc trên gương mặt khôi ngô sau một đêm thiếu ngủ. Chàng sắp gặp lại cha, người mà cách đây vài ba hôm chàng tưởng phải chia lìa mãi mãi.

    Chàng sắp gặp mặt Tường Vân mà chàng nhớ thầm từng nét, từ đôi mắt, cặp môi cho đến cái mũi, hai gò má. Cả tiếng sáo vi vu, cả tiếng cười như gieo ngọc. Cả lối vung tay thảy đáo, cả nét tung mình bay nhẹ lên yên, mỗi mỗi đều là một ray rứt dịu dàng, một nhớ nhung thấm thía.

    Đến Bắc Giang, hai người bắt kịp đoàn quân.

    Người thứ nhất Huy gặp là người chàng mong nhớ nhất. Tường Vân đang cho ngựa đi bước một ở hàng sau chót để mắt vào những xe lương và những xe chứa đồ dẫn hỏa. Huy sung sướng nghĩ đây là một điềm thật lành. Chàng reo lên:

    - Cậu Tường Vân!

    - A! Anh Huy!

    Hai người mừng rỡ, hỏi thăm nhau vồn vã.

    - Thầy tôi vẫn mạnh chứ, cậu?

    - Vâng, chú đang ở trung quân.

    - À, hai chú ở làng Gióng đã đến chưa?

    - Rồi. Phải đi tới nơi triệu ngay ngày hôm ấy. Hai chú đang đốc thúc lính tráng ở tiền quân. Lát nữa, ăn cơm anh sẽ gặp. Còn ở làng Phù Ủng bao giờ mới tới?

    - Chú mắc bệnh không đi được. Cho con trai là anh cả Hoành đây đi thay.

    Chàng giới thiệu luôn:

    - Còn đây là cậu Tường Vân, con út của bác đồ làng Nhị Khê.

    Hai người nghiêng mình thi lễ. Trong thoáng giây, Hoành cảm thấy bao nhiêu cái kém cỏi của mình. Ối chao! Người đâu mà tuấn tú, hiên ngang đến thế! Tưởng cậu Đoàn Huy đã là nhất rồi, ai ngờ còn thua xa cậu này. Ờ, con nhà tông có khác, mới tí tuổi đầu mà xem chừng đã tinh thông cả văn lẫn võ. Rồi y tự an ủi: Trong thiên hạ, đâu phải ai cũng là dòng dõi của ông Nguyễn Trãi!

    ° ° °

    Hai hôm sau đến địa đầu xứ Lạng, trời mưa suốt ngày như trút nước.

    Đoàn Phong phải cho tạm đóng quân lại đợi cho mưa ngớt hột.

    Mấy vị bô lão địa phương cố mời kỳ được vị chủ tướng vào tạm trú trong đình làng. Và họ thành tâm dọn rượu thết đãi, từ chối thế nào họ cũng không nghe.

    Rượu được vài tuần, một cụ già nhất đám vuốt chòm râu bạc hỏi:

    - Tướng quân trị binh rất nghiêm. Bọn dân hèn chúng tôi quý mến và kính phục lắm. Nhưng lão hỏi thế này khí không phải, xin tướng quân thứ lỗi. Sao quân ta ít thế? Lão thấy lèo tèo có chừng vài nghìn. Trong khi đó, lão nghe như quân Tầu sắp xua sang nước ta những mười vạn…

    Đoàn Phong ngấm ngầm phục ông lão có đường dây tin tức thật chính xác.

    - Vâng. Quân ta quả có ít. Và giặc quả thật đông. Nhưng, thưa cụ, quân quý hồ tinh thôi ạ. Đông mà không tinh, chưa chắc đã thắng.

    - Đành vậy rồi. Nhưng ít quá coi sao được. Lão sợ không đủ dùng. Hay tướng quân có cần mộ thêm lính, để lão giúp cho.

    Đoàn Phong chắp tay cảm tạ:

    - Cám ơn cụ có lòng giúp đỡ. Nhưng tôi không dám nhận lời vì không muốn phí phạm xương máu của anh em.

    Ông cụ cười ha hả:

    - Lão hiểu rồi. Tướng quân binh ít mà lòng vẫn vững, chắc đã định sẵn trong bụng một kế sách vẹn toàn. Theo lão trộm nghĩ…

    Cụ đặt chén rượu xuống thành mâm, ghé tai nói nhỏ:

    - Không gì bằng đánh hỏa công!

    Đoàn Phong giật nẩy mình. Không thể đây là người của giặc sai đến dò la hư thực. Nhưng không lẽ một người dân tầm thường ở xó rừng núi cũng thạo phép dùng binh. À, có lẽ ông cụ già sống lâu năm ở cõi biên thùy nên từng trải.

    Không say rượu, vị hổ tướng họ Đoàn nghe nóng bừng cả mặt. Ông cảm thấy hổ thẹn. Thì ra từ con người có tài quán thế là ông đồ làng Nhị Khê, đến một ông lão vô danh ở xứ Lạng này cũng biết trận này phải dùng phép hỏa công. Thế mà thân ta làm tướng lại như người mù đi trong đêm tối, một hai lấy cái chết vô bổ ra để trốn trách nhiệm.

    Cũng may là có bác Long Vũ mở mắt cho ta, không thì chết phen này thật uổng!

    Ông ậm ự trước khi hỏi lại ông lão:

    - Ai bầy cho cụ mưu ấy thế?

    - Có ai bầy bảo gì đâu! Lão đã tám mươi tuổi đầu, già đời sống ở đây trải qua biết bao nhiêu cuộc quấy nhiễu của quân Tầu nên lão biết. Quân ít muốn đánh được quân nhiều thì phải nhờ vào sức lửa giúp đỡ.

    Ông cụ kết luận:

    - Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Lão có nhiều đồ dẫn hỏa. Con cháu lão buôn thứ đó mà, tướng quân cần để lão giúp cho.

    Đoàn Phong trả lời bằng một lời nói chân tình:

    - Tôi cũng nghĩ như cụ và đã dự bị đầy đủ. Cụ cho, thật quả tôi không dám nhận.

    - Biết thế nào là đủ! Tướng quân cứ nhận cho lão vui lòng. Vui vì đã được góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến thắng.

    Sực nhớ đến một việc, đoàn Phong bỗng thấy kém vui. Bên địa lôi đủ rồi, nhưng bên địa đạo yếu quá. Cả Hoành chưa có kinh nghiệm không biết có đóng nổi vai trò dành cho cha y không?

    Chợt có quân vào báo:

    - Bẩm, có người muốn gặp mặt chủ tướng mà không chịu xưng tên. Hiện đang chờ ở chòi canh bên sườn núi.

    - Ở đâu tới? Mặt mũi ra sao?

    - Thưa, ông ta tuổi ngoài năm mươi, ăn mặc quê mùa nhưng cưỡi con ngựa thật khỏe. Ngựa phóng như bay trên quan lộ từ phía Bắc Giang lên. Vừa đến chòi canh thì con ngựa mệt quá lăn ra chết. Quần áo mặt mũi ông ta lấm be lấm bét.

    Chưa kịp chạy ra xem ai đã thấy cả Hoành hớn hở dẫn người lạ mặt vào.

    Đoàn Phong đứng bật dậy, reo to khiến các cụ ngồi quanh mâm rượu giật nẩy mình:

    - A ha! Chú Tường! Trời giúp ta thành công chuyến này đây!

    Ông vỗ vai người mới tới:

    - Cám ơn chú đã đến giúp anh. À, sao chú biết anh ở đây mà tới?

    Bưng chén rượu cạn một hơi, Tường khà một tiếng khoan khoái, bao nhiêu nỗi vất vả dọc đường bay biến hết:

    Em nghe tin anh Bùi Tung bị tên huyện quan làm khó dễ nên đến Phù Ủng định giúp anh ấy một tay. Tới nơi mới hay bác đang cần đến bọn em. Thằng Hoành đã lên đường với cậu Huy được mấy ngày rồi. Anh Bùi giục em phải đi gấp ngày đêm kẻo không kịp.

    Trước khi tiễn đoàn quân lên đường, cụ già xứ Lạng còn ân cần dặn:

    - Bây giờ đang mùa gió nồm. Tướng quân phải tính làm sao đánh cho sớm. Đừng để nấn ná đến mùa Đông có gió bấc mới ra quân mà chết thiêu cả đám đấy!

    Thôi, lão chúc tướng quân thành công lớn. Ở nhà, lão nấu sẵn rượu khao quân đây.

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 9

    MỒI THƠM VÀ THÚ DỮ

    Như những người ham mê thú vui săn bắn, Đoàn Phong cùng bọn sáu người thân tín ruổi ngựa ra ngoài ải khi họ vừa đến Nam Quan.

    Gió thổi hun hút từ cửa ải lên mạn bắc.

    Thận trọng, viên chủ tướng mở rộng tấm bản đồ mà ông đã nghiên cứu mỗi đêm đến độ gần như thuộc lòng từng nét.

    Bản đồ xưa đến hơn một trăm năm, giấy vàng khè, nếu không được bồi lại, phất thêm một nước cậy và thếp ở ngoài bìa một nước sơn thì đã rách nát từ lâu.

    Những nét vẽ, những chữ ghi chú còn rõ ràng. Trên thực tế, những cánh rừng, những hẽm núi vẫn không thay đổi.

    Vậy là những lời chỉ dẫn của ông đồ làng Nhị Khê có thể được vâng theo đầy đủ.

    Đây là chỗ đóng quân, đó là nơi dành cho đối phương hạ trại. Và dọc theo những cánh rừng này là đường chạy dài của giặc.

    Đoàn Phong kết luận sau khi giải thích từng điểm cho bốn vị “chuyên viên”:

    - Đó! Thú dữ sắp đến nơi rồi, anh trông cậy hoàn toàn vào tài đặt mồi thơm của các chú. Thắng hay bại, sống hay chết, vinh hay nhục đều ở một trận này. Đừng để sơ xẩy nhé!

    Hai anh em họ Đặng và hai chú cháu họ Đào rủ nhau đi xem xét lại từng thế đất và bàn bạc vào chi tiết. Những gì người xưa dặn dò trên giấy, họ đều thấy có thể làm được dưới mặt đất.

    Đặng Chấn Khởi lên tiếng trước tiên:

    - Bác yên trí đi. Anh em tôi, ai có phận nấy, sẽ lo cho bác chu đáo. Không lộ được và cũng không hư hỏng được. Người ngoài tinh mắt đến đâu cũng không trông thấy. Và điều quan trọng là sẽ không có chuyện cháy nửa vời như ở Thượng Phương cốc 1 ngày xưa đâu.

    Em cam đoan với bác quân ta cứ việc đi lại tự nhiên trong hầm, giặc không thể nào biết được. Trời có mưa to, hầm cũng không ngập nước…

    Đoàn Huy và Tường Vân sóng cương cùng đi thăm thú trước hai con đường ven núi mà họ có nhiệm vụ, mỗi người một bên, săn đuổi giặc.

    Đường vắng tanh, không một bóng người. Không cả một tiếng chim, tưởng chừng như loài này có linh tính biết trước nơi đây không phải là chỗ an toàn trong những ngày sắp tới.

    Nhưng cây rừng vẫn reo vui, ánh nắng vẫn đổ xuống dịu dàng. Và lòng hai người trẻ tuổi tràn ngập một niềm hạnh phúc họ chưa từng được hưởng cũng như chưa bao giờ tưởng tượng đến.

    Huy rụt rè hỏi bạn đồng hành một câu gần như vô nghĩa:

    - Sau trận này, Tường Vân có định đi đâu không?

    - Em…

    Buột miệng xưng em, nàng ửng đôi má chữa thẹn:

    - Tôi phải về Nhị Khê ngay. Còn anh?

    - Tôi hả? Tôi cũng về Nhị Khê luôn, được không?

    - Ai mà biết!

    - Tôi sẽ xin phép thầy tôi về thăm hai bác ít ngày.

    - Phải đấy! Chúng ta sẽ… tha hồ vui. Tha hồ chơi những trò con nít.

    Mặt trời chênh chếch chiếu hai bóng người ngựa song song. Bất giác họ cùng nhớ đến ván đáo ở đầu làng bữa nọ. Vô tình hay hữu ý, Tường Vân đã khiến cho hai đồng tiền đứng song song sát vào nhau ở giữa nửa hình cầu khoét trên mặt đất.

    Họ cùng thích thú, cùng say sưa trong một không khí hơi ngượng ngập.

    Tường Vân nghiêng đầu hỏi khi hai người lỏng dây cương cho ngựa đi bước bên nhau một lúc khá lâu:

    - Thế bao giờ anh đinh trở về Hồng Thị?

    - À, tôi ở Nhị Khê… hầu hai bác bao lâu cũng được. Còn chờ thầy tôi mà. Xong việc quân, thầy tôi sẽ cáo lão về vườn y như lời chỉ dậy của bác trai. Rồi thầy tôi về Nhị Khê thăm bác. Hôm nào thầy tôi về Hồng Thị, tôi sẽ theo về.

    Đến một chỗ hơi khó đi, đường mấp mô, dây leo chằng chịt, Huy ân cần dặn bạn:

    - Hôm đánh nhau, mình đuổi giặc về đêm Tường Vân phải cẩn thận cho lắm nhé.

    - Anh đừng lo. Con ngựa của tôi hay vô cùng. Nó khôn như người. Ban đêm, dù không có trăng, nó cũng thấy đường. Và đường nào đã đi qua một lần là nó nhớ.

    - Nhưng Tường Vân cũng đừng theo giặc quá xa đấy.

    - Vâng. Nhưng thế nào tôi cũng tóm mấy thằng tướng Tầu cho chúng nó biết tay mới được.

    Cuộc rong chơi kỳ thú của đôi bạn trẻ kéo dài trong mấy ngày mà họ được coi là vô sự. Trong thời gian ấy, những người còn lại trong đoàn quân phạt Bắc trần lực ra mà làm việc.

    Một hệ thống đường hầm được tạo ra dưới sự chỉ dẫn mới lạ của họ Đào. Đây là một dịp nghìn năm mới có một lần để cho Trọng Tường cảm thấy cái nghề bậy bạ của mình thế mà cũng giúp được cho nước nhà không ít.

    Ngắm nghía công trình vén khéo, y xoa tay đắc chí nói với cả Hoành:

    - Ngày xưa, tao định truyền nghề cho thầy mày mà ông ấy nhất định không nghe. Trong lúc say, tao có nói mấy câu hằn học, cứ tưởng là lời nói sằng, nay ngẫm ra thấy cũng có lý.

    - Chú nói sao hả chú?

    - Tao cáu quá nên bảo ông ấy thế này: Anh đừng tưởng nghề của tôi là một nghề hèn. Chả có nghề nào hèn cả, chỉ có người mới hèn mà thôi. Ngay cả đến nghề… làm quan cũng chẳng phải là một nghề bẩn thỉu!

    Cả Hoành cười ha hả:

    - Lúc bấy giờ, chắc chú say lắm rồi phải không?

    - Ừ say! Nhưng cũng còn tỉnh chán. Tao nói thêm: Làm quan mà biết lo đến nơi đến chốn cho dân thì cũng được người ta trọng mà gọi là cha mẹ dân, chứ đâu có xấu xa gì. Như tôi, đào tường khoét ngạch mà không lấy của phi nghĩa thì đâu có phải là một tên ăn trộm nhơ bẩn!

    Phía kia, anh em họ Đặng chạy đi chạy lại chỉ bảo hoặc nhúng tay vào làm cho đến khi công việc được thật vừa ý.

    Chấn Khởi cười bảo em:

    - Đúng như ông cụ già xứ Lạng đã nói, chơi cái trò này không thể nói bao nhiêu là đủ. Thực ra, bao nhiêu cũng vừa, và giá có thêm thật nhiều nữa cũng chẳng thừa, phải không chú?

    - Vâng. Em thấy như thế này, đốt mới sướng tay. À, anh nhỉ…

    - Sao?

    - Tưởng tượng đến đám cháy nay mai, em bỗng liên tưởng đến làng Cháy ở huyện mình. Em nghĩ lẩn thẩn, dễ thường ngày xưa các cụ mình cũng phá giặc Ân bằng địa lôi cũng chưa biết chừng. Chỗ con ngựa sắt của Đức Phù Đổng Thiên Vương thét ra lửa đến nỗi cháy hết cả một làng biết đâu không phải là chỗ các cụ cho nổ địa lôi phục!

    Đoàn Phong đã hết lo quân Minh bất thần kéo đến khi cạm bẫy chưa giăng xong. Bây giờ lại lo chúng không chịu tới. Miễn sao chúng đừng nấn ná đến mùa đông!

    Quân do thám chạy ngựa ngày đêm về báo:

    - Chúng đã truyền hịch đi mọi nơi, rao hễ ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung thì được thưởng cho quan tước và hai vạn lạng bạc.

    Chúng hẹn trước trong vòng năm hôm nữa chúng sẽ vào cửa Nam Quan.

    Mọi người xoa tay, khoan khoái:

    - Muốn tới à? Cứ việc! Chúng ông đã sẵn sàng nghênh tiếp rồi đây!
    --------------------------------
    1 Đời Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh dùng mẹo đốt cha con Tư Mã ý ở Thượng Phương cốc. Địa lôi đang nổ thì tắt vì trời đổ mưa.


    Hết

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •