Nắm quyền lực tối đa trong nước, chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị, tuyên bố hòng bá chủ vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.


Ông Tập Cận Bình chủ trì buổi họp Tiểu ban Lãnh đạo công tác tài chính trung ương hôm 13/6.

Tập Cận Bình thay Lý Khắc Cường nắm tài chính
Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 14/6 đưa tin, hôm 13/6 Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, Trưởng tiểu ban Lãnh đạo công tác tài chính Tập Cận Bình hôm 13/6 đã chủ trì phiên họp thứ 6 của tiểu ban này.
Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình xuất hiện với chức danh Trưởng tiểu ban lãnh đạo Tài chính.
Điều này có nghĩa sau khi nắm đại quyền trong đảng, bộ máy nhà nước, quân đội, ngoại giao, ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo cả công tác tài chính vốn trước đó do Thủ tướng đảm nhiệm.
Ngoài 4 chức danh kể trên, hiện tại ông Tập Cận Bình còn nắm 6 chức danh khác, gồm Trưởng tiểu ban Lãnh đạo cải cách toàn diện Trung Quốc, Trưởng tiểu ban Lãnh đạo công tác an ninh quốc gia và ngoại vụ Trung ương, Trưởng tiểu ban Công tác Đài Loan, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, Trưởng tiểu ban An ninh mạng và tin học hóa, Trưởng tiểu ban Lãnh đạo cải cách sâu rộng quân đội - quốc phòng, tổng cộng 10 chức danh.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã, tổ lãnh đạo tài chính có 3 lãnh đạo, ông Tập Cận Bình làm Trưởng tiểu ban, 2 cấp phó là Lý Khắc Cường và Trương Cao Lệ.
Tiểu ban Lãnh đạo công tác tài chính trung ương được đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1980, hầu hết do Thủ tướng làm Trưởng tiểu ban, tuy nhiên cũng có 2 lần do Tổng bí thư năm quyền, một lần do Triệu Tử Dương và một lần do Giang Trạch Dân điều hành.
Tuyên bố của Tập Cận Bình
Nắm giữ quyền lực tối đa trong nước, chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tiếp đưa ra chỉ thị, tuyên bố đổi chiều ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.
Tờ báo Đa Chiều, ngày 13/6 bình luận, Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên Biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981 (hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) không có gì là lạ.
Việc Bắc Kinh điều ít nhất 6 chiến hạm hiện đại bậc nhất và ít nhất 4 máy bay quân sự ra gần giàn khoan Hải Dương 981 theo Đa Chiều là biểu hiện của sự chuyển ngoặt trong chủ trương của Bắc Kinh, từ chỗ chỉ nói mồm tới chỗ "động tay chân", kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.
Theo Đa Chiều, giữa lúc Biển Đông đang leo thang căng thẳng vì những hành vi gây hấn của Bắc Kinh quân đội Trung Quốc không hề do dự phô diễn sức mạnh cơ bắp ngoài giàn khoan Hải Dương 981 rõ ràng là đã có tính toán rất kỹ, điều đó cho thấy sự thay đổi trong mô hình xử lý vấn đề Biển Đông của Tập Cận Bình.
Vậy mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó tuyên bố Bắc Kinh sẽ không gây bất ổn ở Biển Đông, nhưng cảnh báo sẽ phản ứng lại những hành động "khiêu khích" từ các quốc gia liên quan, Tân Hoa xã đưa tin ngày 31/5.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ gây bất ổn, nhưng sẽ phản ứng lại bằng biện pháp cần thiết đối với những hành động khiêu khích từ các quốc gia có liên quan”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập nói trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm qua 30/5 tại thủ đô Bắc Kinh.

Ảnh chụp ngày 7/5 cho thấy tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ông Tập nói với ông Najib rằng tình hình ở Biển Đông “nói chung là ổn định, nhưng có những dấu hiệu xuất hiện đáng để chúng ta quan tâm”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh cam kết giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, đồng thời cảnh báo các nước khác rằng việc tăng cường liên minh quân sự chống lại bên thứ 3 sẽ không có lợi cho an ninh, trích nguồn từ hãng Reuters ngày 21/5.
Không chỉ vậy, phát biểu với Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân với Nước ngoài tại thủ đô Bắc Kinh vào hôm 15/5, ông Tập nói: “Người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình và luôn theo đuổi, cũng như truyền lại cho thế hệ sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị và hòa hợp”.
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình nên được hiểu là: Trung Quốc sẵn sàng sống hòa hợp với các nước khác trên thế giới nhưng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, thái độ của Trung Quốc sẽ rất cứng rắn.
Không chỉ khu vực giàn khoan Hải Dương 981, tất cả các vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông, biển Đông đều được Trung Quốc sử dụng cách nhìn ngang ngược: chủ quyền của Trung Quốc là không thể chối cãi và tuyệt đối.
Bằng cách hứa hẹn “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc cam kết sẽ không sử dụng vũ lực để mở rộng lãnh thổ - tuy nhiên lời hứa này không có ý nghĩa với các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc ngang ngược cho rằng thuộc về nước này.
Tờ báo dẫn nguồn tin giấu tên từ Quân ủy Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc cho biết, Tập Cận Bình đã quyết định phê duyệt phương án áp đặt ADIZ ở Hoa Đông trong phiên họp Quân ủy từ tháng 8/2013, đồng thời sắp tới Trung Quốc sẽ tiếp tục đơn phương áp đặt cái gọi là khu nhận diện phòng không ở Biển Đông và Hoàng Hải.
Tại cuộc họp với các ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 31/7/2013, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc trung thành với con đường phát triển hòa bình song nước này sẽ “không từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi”, theo Tân Hoa xã.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, việc trở thành cường quốc biển là “nhiệm vụ quan trọng” của Trung Quốc bởi “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ”.


theo baodatviet.