.

Chân Tâm – Vọng Tâm


Bát Nhã Tâm Kinh, thường gọi tắt là Tâm Kinh, mà có lẽ ít nhất một lần trong đời, chúng ta đã từng tụng, hoặc nghe tụng, vì bất cứ một thời kinh nào, dù là ở chùa hay tại tư gia, cũng đều có tụng bài này.

Ngay câu đầu của bài kinh là:

“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách …”…

Bát-nhã ba-la-mật-đa là phiên âm của tiếng Phạn prajna paramita, còn được gọi là “trí-tuệ bát-nhã”. Tiếng Phạn prajna có nghĩa là trí tuệ, paramita nghĩa là “rốt ráo”, “qua bờ kia”. Trí-tuệ bát-nhã là một thuật ngữ của nhà Phật có nghĩa là “trí-tuệ rốt ráo”. Trí tuệ này không do học nhiều hiểu rộng chuyện thế gian mà phát triển, nhưng từ công năng thiền quán thâm sâu mà trực ngộ.

Câu kinh trên được giải thích là “Bồ Tát Quán Tự Tại do thực hành thiền quán thâm sâu mà trực ngộ rằng ngũ uẩn (tức là toàn thể thân và tâm) vốn chỉ duyên với nhau mà xuất hiện, bản chất là “Không”, do đó, không còn bám víu, nên giải thoát khỏi tất cả mọi nỗi thống khổ”.

Bài kinh này được coi là quan trọng vì rất cô đọng, chỉ gồm có 260 từ ngữ thôi, mà giới thiệu được điều cốt tủy của đạo Phật, là Tâm.

Tâm này, theo Luận Đại Thừa Khởi Tín, tác giả là luận sư Mã Minh, thì vốn có hai mặt là Tâm Chơn Như (nói gọn là Chân Tâm) và Tâm Sanh Diệt (nói gọn là Vọng Tâm). Tuy có hai tên gọi, nhưng không phải là 2 tâm, cũng như nước và sóng, tuy gọi bằng 2 tên, có hai dạng khác nhau, nhưng đều là nước, chỉ khác nhau là trong thể tĩnh và động mà thôi. Hai tâm này không rời nhau và bao trùm tất cả mọi sự, mọi vật, trên thế gian, cả những cái có hình tướng và những điều không có hình tướng.

Tâm Chơn Như thì bất sanh bất diệt, nên gọi là Như, là Chân Tâm. Tâm Sanh Diệt thì tùy theo sự suy nghĩ mà khởi, nên gọi là Vọng Tâm. Vọng Tâm tức là tâm ý thức của chúng ta liên miên trôi chảy, suy nghĩ liên tục, như dòng suối không lúc nào ngưng, nên còn gọi là “dòng suối ý thức”.

Có người quan niệm rằng “Suy nghĩ là hiện hữu”. Nhà Phật cho rằng “suy nghĩ chỉ là phần Vọng của Tâm, như lớp sóng nhồi trên biển cả. Không suy nghĩ là hội nhập toàn thể biển cả, là Chân Tâm, là Trí Tuệ Bát Nhã”.

Công cụ của Vọng Tâm là Ngũ Uẩn, là “năm món ngăn che” như sau:

Sắc Uẩn, là phần hình hài vật chất, gồm bốn thành tố là:

Chất cứng, thuật ngữ nhà Phật gọi là Địa Đại, tạo thành thịt da xương cốt, vân vân..

Chất lỏng, nhà Phật gọi là Thủy Đại, tạo thành máu huyết, nước mắt, nước tiểu, vân vân…

Chất hơi, nhà Phật gọi là Phong Đại, tạo thành hơi thở, vân vân…

Chất nóng, nhà Phật gọi là Hỏa Đại, tạo thành sự ấm áp của cơ thể, vân vân…

Nói gọn thì phần cơ thể vật chất của con người là do bốn thành tố này họp lại, nên nhà Phật thường nói “cái thân tứ Đại”. Sắc Uẩn gồm tất cả những cơ quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể con người, còn gọi là Thân Căn.

Thọ Uẩn, là phần cảm giác, vui buồn khi đối trước cảnh.

Tưởng Uẩn, là phần nhận biết cảm giác, âm thanh, màu sắc, mùi vị, ý niệm, vân vân…

Hành Uẩn là phần tác ý, tạo nghiệp.

Thức Uẩn, là môi trường nhận biết để cho Thân Căn và đối tượng có thể duyên sanh với nhau mà hoạt động, gọi là bộ ba Căn, TrầnThức.

Thí dụ khi một người nghe thấy tiếng trống, thì tai là Căn, tiếng trống là Trần và duyên sanh giữa Căn và Trần khiến người đó nghe được, là do sự hiện hữu của Thức.

Căn có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý Căn, tức là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý Căn.

Thức tùy duyên theo Căn nào thì đổi thành Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý Thức, chứ không phải là một thể cố định. Về điều này, đức Phật đã dạy rõ như sau:

- “ Thức do các duyên với điều kiện mà sinh khởi chứ không cố định. Nếu không có duyên thì không có Thức sinh khởi. Thức được gọi tên tùy thuộc vào điều kiện nó duyên theo, do con mắt và cảnh vật mà Nhãn Thức duyên, do tai nghe và tiếng động mà Nhĩ Thức duyên, vân vân. Thí dụ ngọn lửa được gọi tên theo nguyên liệu, lửa cháy bằng củi gọi là lửa củi, cháy bằng rơm gọi là lửa rơm. Thức cũng thế, tùy theo điều kiện tương ứng mà nó có tên, thí dụ ở mắt là Nhãn Thức, ở tai là Nhĩ Thức, ở mũi là Tỷ Thức, vân vân”.

Hành giả thiền quán thâm sâu, tâm thức trở nên thanh tịnh, bất chợt xảy ra đột biến, trực nhận rằng tất cả những thành tố của năm nhóm tạo thành Ngũ Uẩn vốn chỉ là “Không”, do duyên với nhau mà tạo thành mọi sự, hợp tan không cố định, cho nên không còn bám níu và vì thế mà tự giải thoát khỏi mọi nỗi thống khổ.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đầu tiên đã thực hiện thành công quá trình tu chứng đó. Vốn là một vị hoàng tử Ấn Độ thời phong kiến, được vua cha đặc biệt cưng chiều, thái tử Tất Đạt Đa đã từng sống một cuộc đời cực kỳ xa hoa. Sau khi chứng kiến 4 trường hợp sinh ra, già đi, bệnh tật rồi chết, ngộ được lý vô thường, Ngài khởi tâm đi tìm đường giải thoát cho chúng sinh, thực tập những pháp tu tập cực kỳ gian nan, khổ hạnh, ròng rã 6 năm trời, tới nỗi đã đứng bên ngưỡng cửa của tử thần. Từ kinh nghiệm bản thân, Ngài nhận định rằng cả hai lối sống — xa hoa và cực khổ, hành xác — đều không phải là con đường đúng trong công cuộc luyện tâm để giải thoát, Ngài khởi sự theo đường lối Trung Đạo, ăn uống vừa đủ để nuôi sống thân thể trong khi chú tâm nỗ lực hành thiền.

Sau một thời gian hành trì thiền quán dưới gốc cây Bồ đề, dòng suối ý thức đã lắng đọng, vào buổi sáng ngày thứ 49, khi Sao Mai mọc trên nền trời, Ngài chợt bừng tỉnh, ra khỏi cơn mê vọng của thế giới hiện tượng duyên sinh, trực ngộ cái mà chúng ta tạm dùng danh từ để gọi lên, là Bản Thể, Chân Tâm, Phật Tánh, Giác Tánh, Phật Tâm, Buddha Nature, Buddha Mind, True Mind, True Nature, vân vân….

Từ sự giác ngộ đó, suốt gần 50 năm, cho đến lúc tạ thế, Ngài đã dùng rất nhiều pháp phương tiện để quảng bá đường lối tu tập thành công của Ngài.

Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh tuy là rất ngắn, chỉ 260 chữ thôi, nhưng rất quan trọng, vì đó là bài kinh giới thiệu về Tâm.

Đoạn trích dẫn ở trên là nói về Vọng Tâm, biến hiện là do Ngũ Uẩn duyên nhau mà thành. Hành giả quán chiếu thâm sâu, trực nhận được rằng Ngũ Uẩn — tức là toàn bộ thân và tâm — bản chất là Không, chỉ nhờ biến hiện liên tục, như người cầm cây nhang một đầu cháy đỏ, quay tít thành một vòng tròn, thì đầu cây nhang đỏ xoay tròn làm thành vòng tròn mầu đỏ, tưởng như là có một vòng tròn mầu đỏ, mà thật ra chỉ là đầu cây nhang đang cháy di động, huyễn hiện lên thành hình vòng tròn đỏ mà thôi.

Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ:

“Nếu người muốn biết rõ,
Tất cả Phật ba thời,
Phải quán tánh pháp giới,
Tất cả do TÂM tạo”.

(Thuật ngữ "Pháp giới" có nghĩa là thế giới hiện tượng)


Thiền sư Duy Tắc giải thích như sau:

- “Nói đến chữ TÂM cũng như hư không, vốn là thanh tịnh, vốn là thấu triệt, chẳng có hình dáng, chẳng có phương sở, bất diệt, bất sanh, bất động, bất biến. Vậy tại sao lại nói là duy tâm tạo?

Nguyên cái tâm này dù nói bất biến mà cũng là tùy duyên, vì tùy duyên nên năng tạo; nói tùy duyên là vì một niệm thình lình sanh khởi, hoặc tiếp xúc với ngoại cảnh, trong và ngoài cảm ứng với nhau, gọi là nhân duyên, có nhân duyên mới thành pháp giới. Nay dùng thí dụ để tỏ rõ :

Tâm như nước, pháp giới như làn sóng. Bản thể của nước vốn yên tịnh, chẳng phương sở, chẳng lay động, khi gặp gió thổi thì muôn ngàn làn sóng tùy sự tiếp xúc mà nổi lên. Vậy thì nước có thể tạo ra làn sóng, làn sóng do nước mà có; cũng như Tâm có thể tạo ra pháp giới, pháp giới do Tâm mà có vậy”.


Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật giảng về Tâm. Nhờ sự giải thích rất chi tiết, kỹ lưỡng, chu đáo của đức Phật mà tôn giả A Nan cùng chúng đệ tử trong hội Lăng Nghiêm hiểu được rằng Tâm vô hình mà chu biến khắp mười phương.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Tri Kiến Phật. Tri Kiến Phật là một cách gọi khác của Chân Tâm.

Kinh Lăng Già giới thiệu Tự Giác Thánh Trí, cũng là một cách gọi khác của Chân Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã, Tri Kiến Phật.

Kinh Đại Bát Nhã giới thiệu Trí Tuệ Bát Nhã, cũng là một cách gọi khác của Chân Tâm.

Nỗ lực của đức Phật và chư Tổ là nhắc nhở, thức tỉnh chúng sinh, để họ ra khỏi cơn mê vọng Tham Sân Si, tạo nghiệp, trả quả báo, trôi lăn hoài trong vòng sinh tử luân hồi.

Đức Phật đã khẳng định:

- “Này chư Tỳ kheo, bây giờ cũng như trước đây, Như Lai chỉ dạy về “Khổ” và về “Con Đường Diệt Khổ”.

Ngài nói vậy vì Ngài đã có kinh nghiệm thực chứng, đã bừng tỉnh ra khỏi cơn mê, đã “ngộ nhập Tri Kiến Phật”, đã “chứng ngộ Thánh Trí, Trí Tuệ Bát Nhã, Chân Tâm”, đã “độ nhất thiết khổ ách”, đã “đi hết con đường Diệt Khổ” đã “hết khổ” và đang sống trong cảnh giới Hữu Dư Niết Bàn.

Thiền sư Ajahn Sumedhocó lời giải thích về Niết Bàn trong cuốn “The Mind and the Way – Buddhist Reflections on Life”. Thế danh của thiền sư là Robert Jackman sinh năm 1934 tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp đại học, thày gia nhập binh chủng Hải Quân Mỹ, ngành quân y, phục vụ trong cuộc chiến Triều Tiên. Sau bốn năm quân ngũ, thày trở lại nhà trường và tốt nghiệp 2 bằng M.A. về môn Viễn Đông Học và môn Nam Á Châu Học tại University of California, Berkeley, năm 1963. Sau đó, thày hoạt động trong hội Hồng Thập Tự và Tổ Chức Quốc Tế Phụng Sự Hòa Bình.

Vào năm 1966, do lòng ái mộ Phật Giáo, thày sang thăm Thái Lan và xin thọ giới Sa Di. Một năm sau, 1967, thày thọ giới Tỳ Kheo và từ đó, thày ở lại tu thiền theo hệ phái Nguyên Thủy suốt mười năm, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Ajahn Chah, một bậc đạo sư danh tiếng của Thái Lan trong thời hiện đại. (Ajahn có nghĩa là bậc đại đức, là người có đức độ lớn.)

Năm 1977, nhận lời mời của giáo hội Phật giáo Anh Quốc, thiền sư Ajahn Chah đã dẫn theo thày Sumedho qua Anh. Sau đó, thiền sư Ajahn Chah để thày Sumedho ở lại chùa Hampstead tại Luân Ðôn để coi sóc tăng chúng tại đây. Năm 1979 chư tăng tìm thêm được một cơ sở hoằng pháp tại Sussex và thế là tu viện Chithurst ra đời.

Sự phát triển càng tăng mau dưới sự hướng dẫn của thày Sumedho. Năm 1984, Trung Tâm Phật Giáo Amaravati được thành lập ngay tại gần thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, cùng với các cơ sở Phật giáo khác được thành lập tại nhiều nơi thuộc miền Bắc và Tây Nam nước Anh. Đồng thời các chi nhánh thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Anh Quốc cũng được thành lập tại các nước Thụy Sĩ và Tân Tây Lan, dưới sự chỉ đạo tinh thần của thày Sumedho.

Đề tài thày Sumedho giảng thường là các vấn đề thực tế, xảy ra trong đời sống hằng ngày. Thày giảng về cách hóa giải cơn giận dữ, sống hài hòa với thế giới và luôn luôn nhắc nhở thính chúng phải tỉnh thức trước sự vô thường trong cuộc đời. Thày dạy mọi người bước trên con đường giác ngộ giải thoát bằng thiền định, về sự xả bỏ những vướng mắc do Tham Sân Si gây ra và nuôi dưỡng tâm từ bi, khuyên khích sống cuộc đời thanh đạm, vân vân …





Sau đây là quan điểm của thày Sumedho về Niết bàn.

…“… Theo một số người thì Niết Bàn là từ ngữ để mô tả trạng thái sung sướng, ngây ngất, mê ly, như đang ở trên thiên đàng. Sự thực, Niết Bàn có nghĩa là “không bị những điều kiện tạo thành Sinh và Tử trói buộc”. Có nghĩa là đương sự đã hoàn toàn buông xả, đã giải thoát khỏi những trói buộc của tham lam, sân hận và si mê.

Đức Phật đã nói rõ rằng giáo pháp của Ngài là để dạy con người, những người có tinh thần trách nhiệm về đạo đức, những người thông tuệ. Vậy thì bạn có phải là một trong số người đó không? Nếu không thì, có lẽ tốt hơn, bạn hãy tu tỉnh lại.
Như vậy, Niết Bàn không phải là một trạng thái thần tiên siêu thoát ở trên trời, hoặc lơ lửng giữa không trung, hoặc trong kiếp sắp tới. Đức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta về sự tỉnh thức, thấy rõ dòng đời đang trôi chảy như chính nó, ngay trong lúc này và tại nơi đây, trong phạm vi khả năng của con người.

Chúng ta cần quán chiếu thực trạng của đời sống, có thế chúng ta mới thực sự bắt đầu nhìn thấy chân lý, hơn là cứ suy đoán, tưởng tượng, tin hoặc không tin. Như thế, bạn sẽ có thể sáng suốt quán chiếu, thẩm thấu, thực nghiệm được trạng thái giải thoát, Niết Bàn, do đã thoát ra khỏi những dính mắc, trói buộc của đời sống….”…


Sau đây là câu chuyện Thiền, trích dịch từ cuốn “Collection of Stone and Sand”, do thiền sư Muju viết bằng Nhật ngữ, dịch giả Paul Reps dịch sang Anh Ngữ. Câu chuyện như sau:

“Ngay trước khi Ninakawa từ trần, thiền sư Ikkyu đến thăm và hỏi ông:

- Để cho tôi độ ông, được không?

Ninakawa trả lời:

- Tôi đến đây một mình và ra đi một mình. Ông có thể giúp gì cho tôi?

Thiền sư Ikkyu trả lời:

- Nếu ông nghĩ rằng ông thật sự có đến có đi, thì đó là ảo tưởng của ông. Để tôi chỉ cho ông con đường mà ở đó không có đến và đi.

Với mấy lời khai thị này, Đạo lộ đã được thiền sư Ikkyu mở ra rõ ràng, Ninakawa mỉm cười, nhẹ nhàng qua đời.”

Con đường “không có đến và đi” là con đường Niết Bàn. Bát Nhã Tâm Kinh đã nói: “… bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…”, đó là Như Như, là Chân Tâm, Phật Tánh, Niết Bàn. Vì Bản Tâm, Giác Tánh, Phật Tánh của mỗi chúng sinh vốn cùng khắp không gian và thời gian, bất tăng bất giảm, nên gọi là Như, có nghĩa là không đi, không đến, mà vốn đã sẵn sàng, như kinh Viên Giác nói “trong quặng vàng vốn đã có vàng”.

Chỉ một lời khai thị, thiền sư Ikkyu đã cởi mở được tâm thức chấp chặt của Ninakawa, kéo ông ta ra khỏi cơn mê vọng về sinh tử luân hồi, về đến và đi trong cõi Ta Bà.