.
Thi Phật Vương Duy
nhà thơ, họa sĩ và âm nhạc gia
Lý Anh




Trong lịch sử văn học Trung Quốc, thơ ca phát triển đến đời Đường xuất hiện cảnh tượng phồn vinh chưa từng có với trên 2000 nhà thơ sáng tác gần 50 ngàn bài thơ vô cùng xuất sắc gồm các thể loại “Biên tái” (Cao Thích,Sầm Tham), “Điền viên” (Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên), “Tân nhạc phủ” (Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn),“Chính nhạc phủ thời Vãn Đường” (Bì Nhật Hưu, Đỗ Tuấn Hạc) và “Khuynh hướng hiện thực” (Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị) … được người đời ghi nhớ mãi. Khi nói về thơ Đường, nhà thơ Tế Hanh ca ngợi tính trường cữu của nó bằng mấy câu thơ:

Đây những tập thơ Đường bất tuyệt,
Thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ tinh hoa.
Cùng với trăng sao vằng vặc,
Triệu ngàn năm như mới tựa hôm qua.

Trong hơn 2000 nhà thơ Đường nói trên, người đời sau phong Lý Bạch là Thi Tiên (Tiên Thơ), Đỗ phủ là Thi Thánh (Thánh Thơ), Vương Duy là Thi Phật (Phật Thơ). Người viết từng giới thiệu Thi Tiên Lý Bạch trong dịp Tết Ất Dậu, Thi Thánh Đỗ Phủ trong dịp Tết Bính Tuất. Trước thềm Tết Canh Dần, xin phép giới thiệu Thi Phật Vương Duy.

Thơ Vương Duy có phong cách riêng, có chất hùng tráng và thâm trầm. Thơ ông thể hiện những đề tài khác nhau, miêu tả thiên nhiên tinh tế và sống động. Ngôn ngữ cô đọng và điêu luyện, phù hợp với những ý tứ sâu sắc, truyền cảm. Thơ của Vương Duy ngày nay còn giữ được gần 500 bài với phong cách tinh tế, trang nhã. Ông còn là một
họa sĩ, một nhà viết thư pháp, một âm nhạc gia đồng thời là một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông cũng là người tinh thông Phật học, theo trường phái Thiền tông. Trong Phật giáo có “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” là kinh sách do Duy Ma Cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Vương Duy là người kính trọng Duy Ma Cật nên lấy tên Duy, tự là Ma Cật.

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo
Đại thừa, có ảnh hưởng lớn đến Phật giáoTrung Quốc, Việt NamNhật Bản. Kinh xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, lấy tên Duy Ma Cật đặt tên cho bộ kinh này. Duy Ma Cật là một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi theo con đường Bồ Tát. Nhờ kinh này mà con người biết được trên đường tiến đến giác ngộ, kẻ sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau.

Thân thế và sự nghiệp

Vương Duy người huyện
Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc. Về năm sinh và ngày mất của ông có 2 cách nói khác nhau: Một số sách nói ông sinh năm 698 mất năm 759, cũng có sách nói ông sinh năm 701, qua đời năm 761. Vương Duy nổi tiếng từ thuở còn thơ. Mới lên 9 đã bắt đầu làm thơ viết văn, 15 tuổi sáng tác bài thơ “Quá Tần Vương Mộ Hành” (Đi Qua Mộ Tần Vương), 16 tuổi làm bài thơ “Lạc Dương Nhi Nữ Hành” (Bài Hành Con Gái Lạc Dương). 17 tuổi đến Trường An dùi mài kinh sử chuẩn bị bước vào con đường công danh. Một hôm, nhân ngày tết Trùng Cửu tưởng nhớ đến người thân ở quê nhà, ông làm bài thơ “Cửu Nhật Cửu Nguyệt Ức Sơn Đông Huynh Đệ” (Mồng Chín Tháng Chín Nhớ Anh Em Ở Sơn Đông).

Chúng tôi xin giới thiệu và phân tích bài thơ để thấy được tài năng của một nhà thơ mới 17 tuổi:

Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ

Độc tại dị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Dao chi huynh đệ đăng cao xứ
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân

Thơ dịch

Mồng Chín Tháng Chín Nhớ Anh Em Ở Sơn Đông

Một mình khách lạ chốn tha phương,
Mỗi khi tết đến nhớ quê hương.
Lòng biết anh em lên núi đá,
Thù du cài tóc thiếu người thương.

Khác với những bài thơ sơn thủy đậm màu sắc thi họa, bài thơ trữ tình này ngôn từ vô cùng chất phác. Tuy nhiên, hơn ngàn năm nay, những người xa quê hương khi đọc đến nó đều vô cùng xúc động. Lý do vì bài thơ chất phác, giản dị, kẻ tha phương tìm thấy bóng dáng của mình ở trong đó.

Bài thơ này làm vào ngày Tết Trùng Dương (còn gọi là Tết Trùng Cửu), khi Vương Duy đang dùi mài kinh sử chuẩn bị tham dự các kỳ thi để ra làm quan. Tết đến, sống tại đất khách quê người, chàng trai 17 tuổi nghĩ tới người thân ở quê nhà. Kinh thành Trường An hoa lệ, có thể lôi cuốn những kẻ sĩ đang chăm chỉ học hành để lập công danh. Tuy nhiên … đối với Vương Duy, tuy tuổi còn trẻ nhưng đậm đà tình cảm quê hương, kinh thành hoa lệ vẫn là chốn “tha hương”. Không những thế, kinh thành càng phồn vinh nhộn nhịp, càng khiến chàng trai 17 tuổi vừa xa nhà cảm thấy cô đơn.

Câu đầu của bài thơ “Độc tại dị hương vi dị khách” có một chữ “độc” và hai chữ “dị” diễn tả cảm giác tưởng nhớ người thân và nỗi cô đơn của người tha hương. Hai chữ “dị” nâng tính nghệ thuật của bài thơ lên cao. Trong thời đại phong kiến, kinh tế tự nhiên chiếm địa vị chủ yếu, phong thổ, nhân tình, ngôn ngữ, sinh hoạt và tập quán giữa các khu vực khác nhau xa. Những người từ biệt quê hương sống nơi đất khách quê người, không quen với cuộc sống mới, lúc nào cũng thấy xa lạ, thường có cảm giác mình như cánh bèo trôi dạt đó đây. “Dị hương”, “dị khách” là hai cụm từ dùng để bộc lộ cảm giác đó. Ngày thường, tình cảm nhớ quê hương và người thân của khách tha phương có thể nén xuống. Nhưng … ngày lễ ngày tết đến, tình cảm đó dễ tuôn ra, không sao ngăn chặn được {“Mỗi phùng giai tiết bội tư nhân” (Mỗi khi tết đến nhớ quê hương)}. Ngày tết là dịp người thân đoàn tụ, khách tha phương thường nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ ở quê nhà, câu thơ trên diễn tả thật là tự nhiên.

Trước Vương Duy chưa có nhà thơ nào dùng những câu thơ chất phác giản dị để khái quát tình cảm xúc động cao độ đó.
Hai câu đầu là “phương pháp diễn tả trực tiếp” trong sáng tác nghệ thuật, nhà thơ không cần nói nhiều cũng có thể bộc lộ tâm trạng của mình. Tuy nhiên, cách kết cấu này gây khó khăn khi viết tiếp hai câu sau, phải tạo ra một ý tưởng mới. Theo phong tục người Trung Hoa, Tết Trùng Dương đến, dân chúng thường đeo hoa thù du lên núi uống rượu gọi là đăng cao. Trong hai câu 3 và 4 “Dao tri huynh đệ đăng cao xứ, Biến sáp thù du thiếu nhất nhân” (Lòng biết anh em lên núi đá, Thù du cài tóc thiếu tình thương) muốn nói, hôm nay anh em ở quê nhà lên núi cao, dù đeo hoa thù du vẫn thiếu một người, thiếu một tình thương, đó là điều đáng tiếc. Bài thơ này chứng tỏ tình cảm của Vương Duy đối với quê nhà vô cùng sâu sắc, dù đang sống ở chốn kinh thành phồn hoa vẫn không quên được quê hương và người thân.

Năm 19 tuổi, Vương Duy đỗ đầu kỳ thi phủ Kinh Triệu, năm 21 tuổi thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Đại nhạc thừa. Dịp này ông sáng tác khá nhiều thơ và nhạc. Lúc giữ chức Đại nhạc thừa, Vương Duy sai vũ nữ múa hát bài “Hoàng Sư Vũ” vốn chỉ dành cho hoàng đế thưởng thức, bị biếm đi Tế Châu. Năm 734, nhà thơ Trương Cửu Linh, một trung thần thời Thịnh Đường giữ chức Tể tướng, triệu Vương Duy về Trường An cho giữ chức Hữu thập di. Lúc bấy giờ có tên gian thần Lý Lâm Phủ nịnh bợ Vũ Huệ Phi và Cao Lực Sĩ, ngày càng lộng quyền, tìm cách nói xấu Trương Cửu Linh, Đường Huyền Tông tin thật, lập tức bãi miễn chức Tể tướng của Trương Linh Cửu, Vương Duy lại bị đổi ra vùng biên cương.

Năm 739 (khoảng 40 tuổi) nhà thơ được triệu về Trường An tiếp tục làm quan. Tuy nhiên, lúc này chí tiến thủ của ông mất dần, suốt ngày chỉ gãy đàn, thổi sáo, làm thơ, làm phú trong tòa biệt thự ở Võng Xuyên. Loạn An Lạc Sơn bùng nổ, quân lính An Lộc Sơn tràn vào Trường An, Vương Duy bị bắt. Do không muốn hợp tác với An Lộc Sơn, ông uống thuốc xổ đi ngoài, giả câm giả điếc, tìm cách xa lánh đối phương, nhưng vẫn bị ép buộc đến Lạc Dương giữ chức Cấp sự trung. Một hôm An Lộc Sơn mở đại tiệc tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe tiếng nhạc trong lòng xúc động, làm bài thơ nói lên cảm giác của mình tại ao Ngưng Bích:

Ngưng Bích Trì Cảm Tác

Vạn hộ thương tâm dã sinh yên
Bách quan hà nhật tái triều thiên .
Thu hòe hoa lạc không cung lý ,
Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền.

Thơ dịch

Cảm tác bên ao Ngưng Bích

Muôn hộ đau thương khói tỏa mờ
Ngày nào quan lại được chầu vua ?
Hoa hòe rơi rụng nơi vắng vẻ,
Ngưng Bích rền vang tiếng sáo tre.

Vài năm sau, con trai An Lộc Sơn là An Khánh Tự giết chết cha hòng đoạt ngôi báu, bị trung thần nhà Đường đánh bại, những người ra làm quan cho An Lộc Sơn đều bị bỏ tù, Vương Duy suýt bị vạ lây. Nhờ có bài “Ngưng Bích Trì Cảm Tác” bày tỏ lòng đau xót trước cảnh kinh thành bị tàn phá cùng người em ruột là Vương Tấn làm quan to trong triều mới được miễn tội, lại được triều đình giao giữ chức Thái tử trung doãn, cùng năm đó thăng lên Thái tử trung thứ tử, Trung thư hàm nhân, Phục bái cấp sự trung. Hai năm sau lên Thượng thư hữu thừa, được người đời gọi là “Vương Hữu Thừa”. Tuy vậy đầu óc ông vẫn cảm thấy buồn phiền, mỗi lần bãi triều về thường ngồi một mình lặng lẽ đốt hương đọc kinh niệm Phật.

Thơ Vương Duy mang đậm dấu ấn của cuộc đời. Thời kỳ đầu bộc lộ chí khí tiến thủ như bài “Di Môn Ca” (Bài Ca Về Di Môn) bộc lộ rõ tinh thần tích cực khi bước vào đời. Các bài “Thiếu Niên Hành - 1” (Bài Hành Thiếu Niên - 1), “Tế Thượng Tứ Hiền Vịnh” (Vịnh Bốn Người Hiền Ở Tế Châu) phê phán cuộc sống xa hoa của tầng lớp quý tộc, bất mãn cảnh có tài nhưng không gặp thời, không được trọng dụng, phải sống cảnh hàn vi. Bọn công tử dốt nát thì giàu có, rong chơi xa hoa và trụy lạc. Thời kỳ bị biếm ra ngoài biên cương, ông làm một số bài thơ “biên tái” tình điệu khảng khái, hiên ngang, đề cao lòng yêu nước của lính tráng đồn trú ngoài biên thùy sẵn lòng vì một triều đại đang thịnh vượng. Trong đó có các bài “Lũng Đầu Ngâm” (Bài Ngâm Đầu Lũng), Lão Tướng Hành” (Bài hành về một lão tướng) … Tuy nhiên nhận thức của ông đối với cuộc chiến tranh “xâm lược” do nhà Đường gây ra vẫn có những điểm mơ hồ như các bài: “Bình Hồ Hành” (Bài Hành Bình Giặc Hồ) hay “Tòng Quân Hành” (Bài Hành Tòng Quân).

Thiếu Niên Hành (1)

Tân phong mỹ tửu đẩu thập thiên,
Hàm dương du hiệp đa thiếu niên.
Tương phùng ý khí vị quân ẩm
Hệ mã cao lâu thùy liễu biên.

Thơ dịch

Bài Hành Thiếu Niên (1)

Mười ngàn đấu rượu ở Tân Phong
Trai trẻ Hàm Dương bao kẻ cuồng
Buộc ngựa bên cao lâu liễu rủ,
Bốc lên nốc cạn chén tương phùng.

Vương Duy làm 7 bài thơ “Thiếu Niên Hành”, trong đó có bài chê bai các chàng trai mới lớn lên ỷ mình là con nhà giàu có ăn chơi đàn đúm, cũng có bài ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của tuổi trẻ. Bài “Thiếu Niên Hành” (1) chúng tôi giới thiệu đây là bài thứ nhất trong các bài “Thiếu Niên Hành” của Vương Duy. Bài thơ này miêu tả những chàng trai trẻ con nhà giàu ở Hàm Dương suốt ngày rượu chè be bét, mất hết ý chí của tuổi thanh niên. Mỗi khi đến cao lâu tửu điếm, các chàng trai này buộc ngựa bên cây liễu ở phiá ngoài, vào trong thi nhau uống, rượu ngon trị giá mười ngàn một lạng đối với các chàng cũng không thấm vào đâu.

Phần nổi bật trong thơ Vương Duy là những bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên. Vương Duy ưa thích cuộc sống thanh tao, phong nhã, tâm hồn ông thường hòa nhập vào cuộc sống thanh bình ở làng quê. Thơ ông miêu tả núi sông hùng vĩ, cảnh người nông dân làm ruộng và gặt hái. Ông cũng thường miêu tả tính chất phác đôn hậu của người nông dân cần mẫn trên đồng ruộng.

Xin giới thiệu ba bài “Trúc Lý Quán” (Trong Quán Trúc), (“Thanh Khê” (Suối Trong) và “Lộc Sài” để thấy tài làm thơ sơn thủy của Vương Duy:

Trúc Lý Quán

Độc tọa u hoàng lý,
Đàn cầm phúc trường tiêu.
Thâm lâm nhân bất tri,
Minh nguyệt lai tương chiếu

Thơ dịch

Trong Quán Trúc

Một mình chốn âm u,
Tay đàn miệng hát ca.

Rừng sâu không người biết,
Trăng sáng chiếu lòng ta.

Đây là một trong những bài thơ hay trong tập “Võng Xuyên Tập” của Vương Duy. Thoáng nhìn thì bốn câu thơ này không có gì đặc biệt, đọc kỹ mới cảm thấy tính nghệ thuật khá cao. Để miêu tả cảnh vật, nhà thơ chỉ dùng mấy cụm từ “âm u”, “rừng sâu” và “trăng sáng”. Khi miêu tả con người, nhà thơ dùng mấy cụm từ “một mình”, “tay đàn”, và “hát ca”. Tuy nhiên, khi tập hợp các từ miêu tả cảnh vật và con người, nhà thơ đã viết thành một bài thơ hay, giàu tính nghê thuật. Ngôn từ tuy mộc mạc chất phác, nhưng ý nghĩa của nó thật là sâu sắc.

Thanh Khê

Ngôn nhập Hoàng Hoa xuyên,
Mỗi trục thanh khê thủy.
Tuỳ sơn tương vạn chuyển,
Thú đồ vô bách lý.
Thanh huyên loạn thạch trung,
Sắc tĩnh thâm tùng lý.
Dạng dạng phiếm lăng hạnh,
Trừng trừng ánh gia vi.
Ngã tâm tố dĩ nhàn,
Thanh xuyên đạm như thử.
Thỉnh lưu bàn thạch thượng,
Thùy điếu tương dĩ hỷ.

Thơ dịch

Suối Trong

Nước suối trong róc rách,
Hòa nhập cùng Hoàng Hoa.
Qua núi rừng trùng điệp,
Cho cây xanh reo hòa.
Nước dạt dào trên đá,
Dưới bóng tùng lặng im.
Sóng bồng bềnh cây cỏ,
Bóng nước lau sậy chìm.
Lòng vốn yêu nhàn tản,
Nước trong lành đềm êm.
Ngồi câu trên bàn đá,
Thênh thênh hồn cõi tiên.

Bài “Thanh Khê” còn có đầu đề phụ là “Quá Thanh Khê Thủy Tác” (Làm Khi Đi Qua Nước Suối Trong). Bài thơ này ông làm vào dịp về ở ẩn tại Nam Sơn, tức là Chung Nam Sơn thuộc dãy núi Tần Lĩnh, có chỗ cao đến ba bốn ngàn mét. Núi Nam Sơn ở phiá nam, cách thành Trường An khoảng 50 dặm. Tại đây có tòa biệt thự của ông ở Võng Xuyên. Tuy bài thơ chỉ miêu tả con suối không tên tuổi, nhưng đã làm nổi bật đặc điểm thơ sơn thủy của Vương Duy.

Lộc Sài

Không sơn bất kiến nhân,
Đản văn nhân ngự hưởng.
Phản cảnh nhập thâm lâm,
Phục chiếu thanh đài thượng.

Thơ dịch

Lộc Sài

Núi trống không thấy người
Chỉ nghe vọng tiếng cười
Hòa nhập vào rừng sâu
Chiếu lên đám rêu trời.

Lộc Sài là một địa danh ở Võng Xuyên. Đây là bài thơ sơn thủy tiêu biểu của Vương Duy viết khi từ bỏ quan trường về ẩn dật tại tòa biệt thự của ông ở Võng Xuyên. Bài thơ này miêu tả cảnh sắc tĩnh mịch trong một ngọn núi vắng vẻ gần Lộc Sài khi hoàng hôn buông xuống, thể hiện sự kết hợp tài tình giữa thơ, họa và âm nhạc, chứng tỏ Vương Duy là nhà thơ, họa sĩ đồng thời là một nhà âm nhạc. Cảnh tịch mịch không có tiếng người, u ám không ánh sáng, người thường có thể quan sát dễ dàng. Tuy nhiên, không mấy người chú ý đến cảnh tĩnh mịch có âm thanh (Núi trống không bóng người, Chỉ nghe vọng tiếng cười). Vương Duy là một họa sĩ, một nhà âm nhạc mới có cảm giác nhạy bén đối với màu sắc và âm thanh. Cảm giác này không thể tách rời sự quan sát tỷ mỉ của ông đối với thiên nhiên hùng vĩ.

Ngoài thơ, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội họa. Tranh sơn thủy của ông mở đầu cho lối họa Nam Tông. Trong tác phẩm “Họa Học Bí Quyết”, Vương Duy bộc lộ rõ quan điểm của mình về hội họa như sau: “Trong đạo họa, phép vẽ thủy mặc hơn hết. Hình ảnh trong gương làm tăng màu sắc nhân vật; hình ảnh dưới trăng diễn tả ý tưởng nhân vật. Hình ảnh trong gương là bức tranh màu sắc, hình ảnh dưới trăng là bức tranh thủy mặc. Hình ảnh sông núi dưới bóng trăng là địa lý trong thiên văn, hình ảnh trăng sao trên mặt nước là thiên văn trong địa lý”. Với ngọn bút và cây cọ, thi và họa của Vương Duy hòa đồng với nhau, cùng phô bày vẻ đẹp thiên nhiên.
Tô Đông Pha đời Tống khi viết về Vương Duy có câu: “Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi” có nghĩa là “Thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có họa; ngắm họa Ma Cật, trong họa có thơ”. Đồng Kỳ Xương đờiMinh thì cho Vương Duy là ông tổ của phong cách họa sơn thủy Nam Tông (Nam Tông họa chi tổ).

Chúng tôi xin giới thiệu bài “Thân Di Ổ” (Thung Lũng Thân Di) chứng minh cho câu nói “Thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có họa; ngắm họa Ma Cật, trong họa có thơ” của Tô Đông Pha.

Thân Di Ổ

Mộc mạt phù dung hoa,
Sơn trung phát hồng tú.
Giản hộ tịch vô nhân,
Phân phân khai tả lạc.

Thơ dịch

Thung lũng Thân Di

Hoa phù dung đua sắc,
Núi rực màu hồng thắm.
Ngõ ngách vắng bóng người,
Hoa nở và rụng rơi.

Đây là bài thơ miêu tả cảnh điền viên trng “Võng Xuyên Tập” của Vương Duy. Đọc bài thơ này có cảm giác như đang nhìn thấy màu sắc, không khác gì một bức tranh tuyệt đẹp. Phong cảnh trong thơ là phong cảnh Võng Xuyên, thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây Vương Duy có một tòa biệt thự, ông thường về đây nghỉ ngơi, làm thơ, vẽ tranh, tụng kinh niệm phật. Ngôn từ trong bài “Thân Di Ổ” vô cùng đơn giản nhưng đã diễn tả được cảnh đẹp miền quê ông chọn làm nơi nghỉ ngơi. Chỉ trong 4 câu thơ ngắn ngủi, Vương Duy đã miêu tả được vẻ đẹp của hoa và cảnh vắng vẻ ở Võng Xuyên. Tuy phác thảo qua loa nhưng miêu tả được hình ảnh tươi sáng của cảnh vật, không khác gì một bức họa.

Cuối đời, thơ Vương Duy tạo nên nét chủ yếu trong diện mạo của một vị Phật Thi, chìm đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của đạo Phật. Trong đó có nhiều bài tiêu biểu cho tư tưởng đạo Phật như: “Chung Nam Biệt Nghiệp” (Nhà Riêng Ở Núi Chung Nam), “Quá Hương Tích Tự” (Thăm Chùa Hương Tích) … Chúng tôi xin giới thiệu ở phần dưới.

Phật giáo với thơ Đường và Vương Duy

Chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội đời Đường ưu việt khiến cho thơ Đường ngày càng nở hoa kết trái, tỏa ngát hương thơm. Các tôn giáo thịnh hành thời bấy giờ như Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo có tác dụng vô cùng lớn lao đối với thơ Đường.
Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ thời Đông Hán (năm 25 trước công nguyên đến 220 sau công nguyên), thời Nam - Bắc - Triều (420 – 589) bắt đầu phát triển mạnh, đến đời Đường mới hưng thịnh. Thời Trinh Quán (627 – 649), Hòa thượng Huyền Trang (602 - 664), họ Trần, người huyện Hầu Thị, Lạc Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam), thường gọi là Tam Tạng Pháp Sư, tục gọi là Đường Tăng. xuất gia ở Lạc Dương năm 13 tuổi, sau đến tu tại chùa Tranh Nghiêm ở Trường An mới trở thành hòa thượng. Năm 27 tuổi đi khắp trung nguyên tìm hiểu đạo pháp và nghiên cứu Phật học, Năm 629, gần 30 tuổi, hòa thượng Huyền Trang từ biệt Trường An đi theo “con đường tơ lụa” đến Ấn Độ “thỉnh kinh”. Ngài đi qua 128 nước đến chùa Na Lan Đà (Trung tâm Phật học nổi tiếng ở Ấn Độ) nghiên cứu Phật học trong thời gian 14 năm (630 - 644). Năm 645, sau khi thông hiểu Phât học, ngài dùng 20 con ngựa mang về Trường An 650 bộ kinh, nhiều bức tượng Đức Phật Thích Ca Mô Ni.

Dưới sự chủ trì của ngài, triều đình nhà Đường mở trường dịch kinh Phật. Sau 19 năm, ngài dịch xong 75 bộ kinh Phật, gồm 335 quyển. Năm 664, Hòa thượng Huyền Trang qua đời, triều đình tổ chức quốc tang, ba nghìn tăng ni Phật tử dựng lều trại ở cạnh mộ ngài 3 năm sau mới đi nơi khác. Huyền Trang là một quốc sư, nhà văn hóa Phật giáo vĩ đại đời Đường. Thời Đường Cao Tông (650 – 654), Nghĩa Tĩnh vượt biển Nam Hải sang Ấn Độ, đi qua hơn 30 nước, đem về hơn 400 bộ kinh. Đời Hiến Tông, vua thân hành đón rước Phật cốt để cầu phúc. Hàn Dũ căn ngăn đã bị vua khiển trách.

Đời Văn Tông, trong nước có trên 40 ngàn ngôi chùa thờ Phật Thích Ca Mô Ni và trên 700 ngàn tăng ni. Chỉ trong đời vua Vũ Tông Phật giáo bị bài xích mãnh liệt. Năm 845 nhà vua hạ chiếu chỉ hủy bỏ tượng Phật, phá chùa. Tuy nhiên, đến các đời vua sau Phật giáo lại hưng thịnh. Tóm lại, nhờ sự tôn sùng Phật học của vua chúa nhà Đường và công trình dịch thuật của chư tăng, Phật giáo phát triển mạnh ở Trung Quốc.

Lúc bấy giờ chùa thờ Đức Phật Thích Ca mọc lên như nấm, người sùng kính và theo đạo Phật ngày càng đông. Hà Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây là những nơi không khí trọng Phật sôi nổi nhất. Các nhà thơ đời Đường chịu ảnh hưởng của đạo Phật luôn luôn tâm niệm lòng từ bi, hỷ xả của đạo Phật. Họ thường lui tới cửa Phật, sân thiền và nơi núi cao thanh tú. Tâm linh của các nhà thơ đời Đường nhuốm màu Phật giáo, nhờ vậy thơ ca của họ rung động lòng người từ bao đời nay. Phật giáo đi vào thơ ca, thơ ca trở về với Phật giáo. Nhờ vậy thơ Đường luôn luôn trường cửu, vĩnh hằng với cuộc sống con người từ thời đại này qua thời đại khác như Tế Hanh đã nói:

Đây những tập thơ Đường bất tuyệt …
Triệu ngàn năm như mới tựa hôm qua”.

Các nhà thơ chịu ảnh hưởng của Phật giáo ngày càng nhiều. Hai nhà thơ “sơn thủy điền viên” nổi tiếng là Vương Duy và Mạnh Hạo Nhiên mang dòng máu Phật giáo sâu đậm. Bạch Cư Dị cũng là nhà thơ đời Đường chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo.

Thân phụ Vương Duy mất sớm, mẹ ở Bác Lăng thờ Phật hơn 30 năm, tạo điều kiện cho nhà thơ tiếp xúc với Phật giáo từ thuở còn thơ. Sau khi ra làm quan, lúc nào ông cũng nghĩ về đạo Phật. Mỗi khi bãi triều về nhà, thường thắp hương ngồi đọc kinh niệm Phật. Điều đó giải thích vì sao trong thơ “sơn thủy điền viên” của Vương Duy nhuốm màu “thanh tĩnh” của đạo Phật, cũng như ông đã đem đạo lý của Phật giáo ký thác vào cảnh vật thiên nhiên. Những chữ “sắc thu”, “mây tạnh” trong thơ của ông đều là cái cớ để Thi Phật Vương Duy bộc lộ ý niệm của mình về Phật pháp.

Chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và tư tưởng Lão Trang, Vương Duy không màng đến danh lợi, luôn luôn cảm thấy “phù thế công danh” thật là vô vị. Ông canh cánh bên lòng lời dạy “chư hành vô thường” của đạo Phật. Vương Duy sống giản dị, ăn chay trường, mặc áo vải, ngày ngày tụng kinh, đàm thiền với các vị đạo hữu và sư sãi. Tháng Bảy năm 761 mắc bệnh qua đời, an táng tại Võng Xuyên.

Chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ đậm màu sắc Thiền Phật của Vương Duy.

Chung Nam Biệt Nghiệp

Trung thế phả hiếu đạo
Vân gia Nam sơn thùy
Hứng lai mỗi độc vãng
Thắng sự không tự tri
Hành đáo thủy cùng xứ
Tọa khan vãn khởi thì
Ngẫu nhiên tri lâm tẩu
Ðàm tiếu vô hoàn kỳ

Thơ dịch

Nhà Riêng Ở Chung Nam

Đứng tuổi mới thờ Phật,
Già về ở Nam Sơn.

Hứng lên thì đi dạo
Lúc vui chơi một mình.
Đi đến nơi nước tràn,
Ngồi ngắm mây bay nhanh.
Chợt gặp ông già vui,
Chuyện trò quên cả tối.

Chức Thượng thư hữu thừa vương Duy làm lúc về già không phải là chức quan nhỏ bé. Nhưng … thời cuộc luôn luôn đổi thay, chính sự biến hóa vô thường, Vương Duy cảm thấy đường quan lại gian nan nguy hiểm, muốn thoát khỏi cảnh trần thế, ăn chay niệm Phật, sống cuộc đời nhàn hạ. Sau 40 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống nửa quan trường nửa ẩn dật. Bài thơ “Chung Nam Biệt Nghiệp” (Nhà Riêng Ở Chung Nam) ông làm trong tâm trạng thích ẩn dật, vui thú điền viên.

Bài thơ này miêu tả đến tuổi trung niên Vương Duy chán cảnh trần tục nên tôn thờ Phật Giáo (Đứng tuổi theo đạo Phật). Nam Sơn trong câu “Già về ở Nam Sơn” là nơi biệt thự Võng Xuyên của ông tọa lạc. Biệt thự này vốn của Tống Chi Vấn (năm sinh không rõ, qua đời năm 712) nhà thơ, đồng thời là một vị đại thần đời Đường. Sau khi có tòa biệt thự này, lúc nào Vương Duy cũng say mê phong cảnh điền viên, núi rừng yên tĩnh. Bài thơ miêu tả tâm trạng chán cảnh trần thế, ghét chốn quan trường, thích an nhàn ẩn dật, vui thú điền viên và tôn thờ đạo Phật của Vương Duy giúp chúng ta hiểu rõ tâm trạng của nhà thơ.

Quá Hương Tích Tự

Bất tri Hương Tích tự
Sổ lý nhập vân phong
Cổ mộc vô nhân kính
Thâm sơn hà xứ chung
Tuyền thanh yết nguy thạch
Nhật sắc lãnh thanh tùng
Bạc mộ không đàm khúc
An thiền chế độc long

Thơ dịch

Thăm chùa Hương Tích

Không biết Chùa Hương đâu
Mấy dặm vào mây cao.
Cây cổ không người đến,
Rừng sâu vang tiếng kêu.
Nước suối kêu trên đá,
Bóng nắng dọi tùng xanh.
Hoàng hôn phủ đầm hoang,
Phép Phật trị rồng độc.

Chữ “Quá” trong đầu đề bài thơ “Quá Hương Tích Tự” cũng giống như chữ “Quá” trong câu “Quá cố nhân trang” của nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên, đều có nghĩa là “thăm” hay “đến” (Thăm chùa Hương Tích, Thăm trang trại cố nhân).

Đi thăm Chùa Hương Tích nhưng lại mở đầu bằng hai chữ “không biết” (Không biết Chùa Hương đâu). “Không biết” mà lại đi thăm, chính là ngụ ý của Vương Duy khiến cho người đọc chú ý xem nhà thơ muốn nói gì. Vì “không biết”, nhà thơ phải lần mò vào rừng núi âm u tìm kiếm. Vừa đi được mấy dặm đã đến chân ngọn núi cao mây trắng phủ kín. Câu này nghĩa đen chỉ thấy núi cao mây phủ kín, nhưng nghĩa bóng miêu tả Chùa Hương Tích tọa lạc trong rừng sâu linh thiêng. Chưa đi đến chùa đã thấy núi cao mây trắng phủ kín, chứng tỏ Chùa Hương Tích còn ở trong rừng núi xa xôi.

Bốn câu tiếp theo diễn tả những điều mắt thấy tai nghe khi nhà thơ vào trong rừng núi âm u. Trong hai câu 3 và 4 (Cây cổ không người đến, Rừng sâu vang tiếng kêu) diễn tả trong rừng sâu cây cổ thụ chọc trời, không có dấu vết của con người; nhưng có tiếng chuông từ trong rừng sâu vang vọng ra, khiến cho rừng núi vốn tĩnh mịch, thần bí trở nên nhộn nhịp. Hai câu 5 và 6 (Nước suối kêu trên đá, Bóng nắng dọi tùng xanh) vẫn diễn tả rừng núi âm u linh thiêng, nhưng thủ pháp khác hai câu trên. Trong hai câu này nhà thơ muốn làm nổi bật tiếng “nước suối” và “bóng nắng”, ý muốn nói đã xế chiều mà vẫn chưa nhìn thấy chùa ở đâu, mãi đến hoàng hôn mới đến Chùa Hương Tích và nhìn thấy cái đầm hoang vắng ở phía trước chùa (Hoàng hôn phủ đầm hoang, Phép Phật trị rồng độc).

Những bài thơ Vương Duy làm vào cuối đời thường miêu tả cảnh vật thanh tịnh, linh thiêng. Khi làm bài “Thăm Chùa Hương Tích”, nhà thơ đã chìm đắm trong cõi hư vô của Phật học, mới miêu tả không khí linh thiêng và âm u của một ngôi chùa cổ ở trong rừng sâu. Với câu thơ cuối cùng “An thiền chế độc long” (Phép Phật trị rồng độc), Vương Duy đã diễn tả cõi lòng của mình đối với đạo Phật.

Thơ Vương Duy còn nhiều bài hay, trình độ người viết có hạn, xin mạn phép giới thiệu sơ qua một số bài gửi đến quý độc giả đọc chơi trong dăm ba ngày tết.

Lý Anh
_http://www.phapvan.ca/pv/?15659=5&596=15&759=2120&59615=4