Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Những ai chưa từng đau khổ thì những kẻ ấy không bao giờ biết tận hưởng được hạnh phúc.
Ugo Foscolo
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Thiền và Kiếm

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Thiền và Kiếm
    Quang Dục





    'Thiền' tiếng phạm gọi là "Dhyana", nghĩa đen là định niệm. Ngoài ra "thiền" còn được hiểu như "phương pháp tu dưỡng" ở Nhật Bản nói riêng và đông phương nói chung. Nói đến thiền chúng ta thường hình dung cảnh tham thiền nhập định, ngồi kiết già, điều tức quay mặt vào tường trong thiền viện, hoặc liên tưởng đến trạng thái thoát tục, thanh thoát nhẹ nhàng như nước chảy hoa nở, mây bay, trăng soi, một trạng thái thần tiên hòa nhịp với thiên nhiên cỏ cây như qua mấy vần thơ sau:

    Tâm như minh kính
    Hoa lai kiến hoa
    Nguyệt lai kiến nguyệt


    Dịch:

    Tâm như gương sáng
    Hoa nở ngắm hoa
    Trăng mọc xem trăng


    Vì thế Thiền được hiểu là trạng thái hòa hợp tuyệt diệu giữa con người và vạn vật. Khi tâm định và trong sáng như gương thì người tu thiền quán tưởng sự vật xung quanh một cách tự nhiên giống như ngắm hoa nở, nhìn trăng soi trên mặt nước hồ thu. Con tim thiền giả hòa nhịp với dòng sống vũ trụ để cùng thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên.

    Thực tại hay hình tướng sự vật với con mắt phàm tục của chúng ta nhận định đẹp hay xấu, vui hay buồn, đúng hay sai, có hay không có, nó cũng thay đổi tùy thuộc vào tâm thiền định của người tu thiền. Trạng thái này có thể tạm được diễn tả qua câu thơ sau:

    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ


    "Tâm" và "cảnh" được nhà vua Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cô đọng trong bài thơ sau:

    Nước đẩy nước trôi, đời vạn sự
    Tâm nghe lòng nhủ, tháng năm trôi

    (Ðăng Bảo Ðài Sơn)

    Vậy thì “Kiếm” có liên quan gì đến “Thiền”? Kiếm gợi cho chúng ta hình ảnh về chiến tranh, giao đấu giữa những chiến sĩ thời xưa, ngoài ra nó còn là khí cụ dùng để phòng thân hay sát nhân. Thực ra nó hoàn toàn không hẳn như thế.

    Nhìn từ tư tưởng Ðông Phương Thiền học, kiếm thuật còn là một phương pháp tu tâm dưỡng tánh. Kiếm biểu tượng trạng thái động, năng động đối lập với trạng thái tĩnh yên lặng. Ðối với người võ sĩ thanh kiếm biểu tượng cho dũng khí và sức mạnh tinh thần, linh hồn. Về mặt kiếm pháp người võ sĩ phải học phương thức phát huy hiệu năng tối đa cách sử dụng thanh kiếm trong khi giao đấu. Vì thế dụng kiếm có hai tác dụng: Tu thân và Phòng thân.

    Hơn nữa người võ sĩ muốn đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp phải ngày đêm luyện tập cách sử dụng đường kiếm sao cho thật điêu luyện, song song với đó cần phải tu tâm để đạt được trạng thái tự tại, gìn giữ một số quy luật võ sĩ đạo. Tâm định là yếu tố quan trọng nó giúp người võ sĩ quán tường sự vật đúng đán và chính xác. Nhân tố này sẽ giúp người võ sĩ hành động có hiệu quả và hữu ích.

    Ngày xưa ở Nhật Bản có truyền thống người đi học kiếm đạo là những võ sĩ đi tìm chân lý, ý nghĩa nhân sinh. Nơi đào tạo những võ sĩ gọi là “Ðạo Trường”, đôi khi ngay chính Thiền viện ở trên núi cũng là nơi để luyện tập kiếm pháp, tinh thần, tu dưỡng tâm trí. Tiếc rằng tỷ lệ người thấu hiểu triết lý của kiếm đạo, sống đúng theo nó không có là bao.

    Tư tưởng "Kiếm Thiền Nhất Như” (Kenzen ichijo) đề ra bởi võ sư Sơn Cương Thiết Châu (Yamaoka Tesshu), vào năm Minh Trị thứ 13. Sơn Cương sinh trưởng trong một gia đình thuộc giai cấp võ sĩ (Samurai) vào thời Mạc Phủ (Bakufu), trưởng thành ngay vào thời điểm công cuộc vận động canh tân hiện đại hóa Nhật Bản đang vào đoạn đường cuối cùng, giai đoạn đấu tranh kịch liệt giữa thành phần sĩ phu bảo thủ và cấp tiến, một phe chủ trương duy trì chế độ Mạc Phủ bế quan tỏa cảng, còn một phe kia chủ trương mở cửa giao thương với Tây Âu trong tinh thần “Hòa Hồn Dương Tài” (Wakon Yosai).

    Cuối cùng sau trận thư hùng phe chủ trương canh tân đã thắng và thời đại Minh Trị Duy Tân ra đời cũng là lúc chấm dứt giai cấp võ sĩ. Vào giai đoạn đó Sơn Cương là lãnh tụ Nhượng Di Ðảng (phe bảo thủ), tức ông ta thuộc vào phe thua. Hơn nữa nhân tố biến đổi chính trị đất nước, chịu nền giáo dục nho gia với tư tưởng “trung, hiếu, chí thành” có thể nói ảnh hưởng không nhỏ đến sự tư duy của Sơn Cương. Ông ta đã đạt đạo với trợ duyên của vị Thiền Sư ở Thiên Long Tự (Tenryuji), sau thời gian gian dài tọa thiền, tu luyện, dằn vặt, ưu tư về kiếm pháp, cũng như địch thủ cùng với công án “ Làm sao để tránh hai đầu thanh kiếm không chạm nhau”.

    Sau thời gian tu tập, tư duy Sơn Cương Thiết Châu đưa đến kết luận: “ Công phu khổ luyện để đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp là Vô Ðịch”. Danh từ ghép Vô Ðịch ở đây bao hàm ý nghĩa thiền học rất đặc biệt. Nó không được hiểu theo nghĩa bình thường con người thường hiểu. “Vô Ðịch trong việc tu luyện kiếm đạo nhắc nhở người võ sĩ dù trong lúc giao đấu thập tử nhất sinh nhưng vẫn không xem đối thủ là kẻ thù”. Cũng theo Sơn Cương Thiết Châu: “ Trong kiếm pháp bao gồm triết lý về căn nguyên vũ trụ. Mục tiêu cao nhất của người võ sĩ là luyện cho tâm được thanh tịnh, không tranh thắng bại”.

    Ðây cũng là mục đích thiền kiếm, dùng hùng tâm để hóa giải, thắng tà ý của đối phương, chứ không phải thanh kiếm. Khi tâm người võ sĩ trở nên trong sáng như mặt nước hồ thu, như bầu trời không gợn chút mây đen, lòng dũng cảm sẽ phát sinh. Từ đó sẽ tỏa ra sức mạnh tinh thần vô địch. Ðó cũng chính là nhân tố để quyết định cuộc đấu. Ðể đạt được cảnh giới “Vô Ðịch” như đã trình bày ở trên, người võ sĩ phải tự mình khắc kỷ, khắc khổ tu tập ngày đêm, vượt qua ý niệm thắng thua, sinh tử. Nếu trong lòng còn mang tư tưởng thắng bại trong khi tu luyện thì không thể nào đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp. Ðiều này cho thấy chỉ có bản thân người võ sĩ thể nghiệm được qua tập luyện. Tương tự nước nóng hay lạnh, chỉ người uống nước mới cảm nhận, hay như người leo núi, chỉ có người leo đến đỉnh núi mới thấy được cảnh hùng vĩ của thiên nhiên.

    Tinh thần vô địch mà Sơn Cương triển khai, có thể tìm thấy trong Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử:

    Tri nhân giả trí
    Tự tri giả minh
    Thắng nhân giả hữu lực
    Tự thắng giả cường

    Biết người là Trí
    Biết mình là sáng
    Thắng người là do sức mạnh
    Thắng chính mình mới là mạnh

    Người võ sĩ đạt đạo luôn luôn bình thản tự nhiên trong mọi hoàn cảnh, cho dù ở giữa bãi chiến trường, một phần họ đã thấm nhuần triết lý sống xem cái chết nhẹ tựa hồng mao, coi đại nghĩa nặng tựa núi thái sơn. Người võ sĩ trang bị với tinh thần Thiền nhìn tất cả những hiện tượng xảy ra trước mặt có đó mà không có đó. Ðể đạt đến trạng thái vô tâm, vô niệm, người võ sĩ cần phải hiểu rốt ráo tinh thần “Bản lai vô nhất vật” trong bài kệ của tổ Huệ Năng:

    Bồ đề bản vô thụ
    Minh kính diệc phi đài
    Bản lai vô nhất vật
    Hà xử nhạ trần ai


    Dịch

    Bồ đề vốn không cây
    Gương sáng vốn không đài
    Nguyên lai không có thực
    Chỗ đâu bụi đời bám


    Theo Sơn Cương công việc tu học kiếm pháp được xem như phương tiện để đạt đến chân lý, làm sao cho tâm trở nên sáng, thấu triệt sự uyên nguyên của tạo hóa, cuối cùng phát hiện “Phật Tính” vì “bản lai vô nhất vật.”

    Trong cuộc sống hằng ngày đầy phiền não, ưu tư, lo lắng, con người phải vật lộn với đời sống, thiên nhiên, trực diện với hoàn cảnh thay đổi nhanh chớp nhoáng như trên màn ảnh máy điện toán, máy truyền hình. Ðôi khi bối rối không biết phán xét, nhận định thực hư ra sao, thiền định giúp chúng ta quân bằng, tĩnh tâm và đơn giản ngay trong nếp sống. Tức là đạt được cái tĩnh trong cái động.

    Cũng có người bảo Thiền là “buông xả”, là “phá chấp”. Ðó cũng chỉ nói lên một khía cạnh của Thiền. Thiền là sự sống, dòng sinh mệnh liên tục chảy vô tận không ngừng nghỉ, đôi khi chúng ta không nhận thấy hay lãng quên mà thôi. Trong mỗi khoảng khắc, mỗi niệm, hay sát na là những hạt nhân vun trồng vườn hoa tâm linh để ngày ngày tăng trưởng hài hòa trong dòng sống chúng ta.

    Tư tưởng thiền là sự biết trong cái không biết, niệm trong sự vô niệm, hữu tâm trong sự vô tâm, ý thức trong vô ý thức và phân biệt trong vô phân biệt. Nói lên tính chất lưỡng diện vừa khẳng định và phủ định bao hàm trong tư tưởng Thiền.

    Tư tưởng này được Quốc sư Vạn Hạnh vào đời Lý diễn tả trong bài thơ sau:

    Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
    Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô
    Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
    Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

    Dịch

    Thân như tia chớp có lại không
    Cỏ cây xuân sanh thu lại khô
    Cuộc đời lên xuống vội lo chi
    Lên xuống như hạt sương rơi đầu cỏ.

    Tư tưởng thiền vượt không gian và thời gian, minh chứng sự vô thường của ngũ uẩn cấu tạo thể xác. Nhưng dòng sinh mệnh là “vô thủy vô chung” không có sự khởi đầu cũng như không sự tận cùng. Dòng sống hòa cùng vũ trụ “ngã tức vũ trụ” như cỏ cây sinh trồi nẫy nở trong mùa xuân,trưởng thành vào mùa hạ, héo tàn theo mùa thu, ấp ủ vào mùa đông. Cũng như ‘xuất sinh nhập tử” trong sự sống hàm chứa sự chết, trong cái chết đang nẩy sinh ra đời sống mới, tuần hoàn theo luật thịnh suy của tạo hóa, giống như giọt sương ban mai trên đầu ngọn cỏ, có đó rồi tan vào không gian.

    Thiền và Kiếm bề ngoài có vẻ như tương khắc, mâu thuẫn với nhau, nhưng thực ra giống như hai mặt của bàn tay, bổ túc cho nhau, tương sinh lẫn nhau. Vì trong động có tĩnh và trong tĩnh có động, thể hiện trong tư tưởng “sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong cái gọi là “không” có sự hiện hữu trong đó, và trong cái gọi là “có” hàm chứa tính “không”. Cũng có thể nói võ sĩ và thiền sư tuy hai mà là một, phương tiện mang theo trong cuộc hành trình tuy khác nhau có cùng chung mục đích là đạt đến chân lý và giúp đời. Hơn nữa đối thủ thực sự nó nằm ngay trong chúng ta, dùng phương cách nào để chuyển hoán nó vượt thắng nó người đó sẽ để trở thành vô địch.

    Thời đại Sơn Cương không còn nữa, nhưng con người trăm năm qua và con người ngày hôm nay dù ở bất cứ nơi đâu dưới khung trời nào vẫn là con người muôn thủa với tất cả căn tính tốt lẫn xấu trong đó. Vì thế tư tưởng “Vô Ðịch” của Sơn Cương có lẽ vẫn còn sống, và hy vọng còn áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay ở đất nước Việt Nam còn quá nhiều hận thù, nghèo khổ, chậm tiến và cho cả thế giới nói chung.


    .

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Thiền sư kiếm sĩ
    Miyamoto Musashi
    Trí Tánh Đỗ Hữu Tài


    Miyamoto Musashi hồi trẻ, đang cầm kiếm gỗ

    Miyamoto Musashi ra đời vào năm 1584 tại tỉnh Mimasaka, cách Đông Kinh 40 dặm về phía Tây Nam. Thân phụ của ông vốn là một lãnh chúa ngang tàng, đầu đội trời chân đạp đất, “biên thùy một cõi” trên hòn đảo lớn Kyushu dưới triều đại của Shogun Nobunaga. Musashi mồ côi cả cha lẫn mẹ năm mới lên bảy tuổi và được vị cậu ruột là một vị Hòa thương mang vào chùa nuôi nấng dạy dỗ. Gần giống như Lý Công Uẩn của nước ta 3.000 dặm gần đó và 600 năm trước đây.

    Nhưng cơ chế nghiệp lực đã vận hành kỳ ảo khiến cho con đường tu chứng của ông phải kinh qua một trở ngại lớn, một thử thách dài trong thời đại loạn lạc bấy giờ, đó là phải trở thành kiếm khách số một trong số hơn tám vạn Samurai đang tranh nhau thư hùng. Nghĩa là trở thành một Độc cô cầu bại, cô đơn vác kiếm đi lang thang khắp xứ Phù Tang, thành tâm mong tìm được một đối thủ đánh bại được mình !

    Cho nên chỉ tự học trong sân chùa vào những đêm thanh vắng mà mới 13 tuổi ông đã xẻ đôi thân xác Kihei, đệ nhất dũng sĩ của quân trường Shinto Ryu. Năm 16 tuổi, ông đánh bại Akiyama, trưởng tràng của kiếm phái Tadashima. Sau ngày đó, với nghịch giới sát sanh vần vũ trên đầu, ông bỏ chùa, lưng mang kiếm gỗ, một thân một bóng lên đường thực hiện cuộc hành trình chứng ngộ của một Võ sĩ đạo thời chinh chiến. Cuộc hành trình bi hùng tuyệt đẹp nầy sẽ mở lối khai đường cho kiếm pháp Nhật Bản, nâng kiếm thuật lên đỉnh cao kiếm đạo, và giúp Kiếm sĩ hóa thân thành Thiền sư.

    Không vợ con và không hành lý. Cũng không sợ hãi và không giận hờn. Chỉ với hai bộ quần áo tả tơi dưới chiếc nón rộng vành, và một thanh kiếm gỗ đã săn cứng lại vì gió sương chiến trận, ông đã lang bạt trong núi cao hang sâu của miền Hokkaido băng giá, trong rừng dày bão dữ của vịnh Kyushu, trong cung cấm nghiêm ngặt lòe ánh thép của các lãnh chúa, và đọ kiếm 129 trận không một lần chiến bại. Lần duy nhất có làm ông ngẩn ngơ trong thoáng chốc là khi dùng kiếm gỗ chèo thuyền ra đảo Ogura, ông đã phải nhờ đến ánh nắng quái của chiều tà và tiếng sóng đập vào ghềnh đá để phân tâm đối thủ và giúp ông chém chết được Kojiro, chưởng môn lừng lẫy của kiếm phái Tadaoki. Đó là lần duy nhất ông phải vận dụng thiên nhiên để cho đường kiếm của mình phá được thế thủ vững chắc và kín đáo của một kỳ phùng địch thủ.




    Năm đó ông 29 tuổi, và từ đó ông được giới kiếm sĩ Nhật Bản tôn xưng là Kiếm Thánh. Nhưng cũng từ đó, ông bẻ kiếm và suy nghiệm về thanh kiếm như một cá thể hữu tình, về múa kiếm như một con đường tỉnh thức để tự giải thoát mình ra khỏi xao động của cuộc đời. Ông để ra 30 năm trời để suy nghiệm, sống âm thầm vô danh trong một làng đánh cá hẻo lánh, hành xử như một lão già khật khùng. Và đến năm 59 tuổi thì ông bỏ làng vào động đá Reigendo để bắt đầu viết tác phẩm duy nhất của đời ông. Tác phẩm dày chỉ 10 trang giấy bổn mà ông phải mất hai năm trời mới hoàn thành. Một tuần sau đó, ông từ giã cõi đời, ung dung và tự tại giải nghiệp để tan biến vào trời đất. Năm đó là năm 1645.

    Cuốn sách ông viết có tựa đề là Ngũ Đai Thư (Go Rin No Sho - Cuốn sách về Năm Vòng đai), gồm 5 chương: chương Thổ, Thủy, Hỏa, Phong và chương Hư Vô. Trong phần mở đầu, ông viết vài dòng ngắn ngủi và khiêm cung về cuộc đời và thân phận của ông rồi tự thú rằng “Tất cả chiến thắng của tôi từ trước đến nay có lẽ nhờ trời cho, hoặc nhờ tôi khéo tay, vì mãi cho đến năm 50 tuổi tôi mới chứng ngộ được kiếm đạo chân thực... Tôi viết cuốn này mà cố tình quên đi kinh Phật dạy và lời Khổng viết, lại càng không nhớ đến bất kỳ một chiêu thức kiếm pháp nào ... Tôi chỉ quy chiếu vào Tâm mà viết”

    Bốn chương đầu, Thổ, Thủy, Hỏa và Phong, ông nhận định về thanh kiếm như một ngoại vật vô thường, đó nhưng không đó; về người múa kiếm như một tha nhân vô ngã, vừa có thật vừa không có thật; về kiếm thuật như một nghệ thuật vô hình vô tướng; và về các kiếm phái khác như cõi ta bà chứa đầy mộng ảo bào ảnh. Cũng trong bốn chương nầy, ông luận về các sách lược đấu kiếm thông qua hai phạm trù diệu hữuchân không, cho rằng trong vọng tâm, kiếm và kiếm sĩ đều có thật, nhưng không thật có vì giả hợp. Cho nên có đấu kiếm mà vẫn không có kiếm đấu.

    Riêng chương thứ năm Hư Vô và cũng là chương cuối cùng, chỉ dài có nửa trang giấy, ông đề cập đến Kiếm Đạo như một con đường giải thoát rồi ông kết thúc cuốn sách như sau:

    “Biết rằng cái gì Có chính là Không Có, mà cái Không Có chính là Có, tức là biết được Đạo vậy. Nhưng lúc biết được chính cái Đạo cũng không có nốt thì mới hoàn toàn chứng ngộ.
    Năm Shoho đệ nhị, tháng thứ Năm, ngày thứ Mười hai, Miyamoto Musashi cẩn ký”.


    Chưa hề đọc Bát Nhã Tâm Kinh, chỉ múa kiếm để giết người rồi buông kiếm để quán chiếu, thế là “đồ tể” kiếm thánh Musashi bỗng trở thành thiền sư Musashi. Cho nên khi ông buông bút chấm dứt cuốn sách trong động đá quạnh hiu, 129 nhát kiếm oan nghiệt chém chết 129 mạng người bỗng chỉ còn là những nghiệp chướng nhân quả lồng lộng. Mười sáu năm tung hoành trong chốn gió tanh mưa máu bỗng trở thành mười sáu năm trùng trùng duyên khởi.

    Ông đã đứng dậy, thanh thoát nhẹ tay phủi đám bụi hồng. Cho Tâm trong Tâm tĩnh. Cho Tâm không còn là Tâm.

    Shinmen Musashi No Kami Fujiwara No Genshin
    Sinh khoảng 1584 Harima, Nhật Bản.
    Mất khoảng 12-6-1645 (61tuổi) tại Higo Nhật Bản

    Các tên đã dùng : Shinmen Takezō; Miyamoto Bennosuke; Niten Dōraku; Shinmen Musashi no Kami Fujiwara no Genshin
    Theo môn võ :Kenjutsu
    Các học trò: Terao Magonojo; Terao Motomenosuke; Furuhashi Sozaemon

    Lính thủy sưu tầm, minh họa và kính chuyển
    http://www.luanhoan.net

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •