Các nhà khoa học hôm qua cho biết mảnh thiên thạch từ sao Hỏa, được phát hiện ở châu Phi năm ngoái, là "đá trời" cổ nhất từng được tìm thấy với niên đại khoảng 4,4 tỷ năm.

Mảnh thiên thạch NWA 7533 chứa nhiều thông tin giúp các nhà khoa học khám phá bí ẩn của hành tinh đỏ. Ảnh: Luc Labenne

Bằng cách phân tích khoáng chất zircon của mảnh thiên thạch NWA 7533, các nhà khoa học xác định mảnh thiên thạch có niên đại 4,4 tỷ năm. Theo giáo sư Munir Humayun của Đại học bang Florida, đây được coi là mẫu đất đá lâu đời nhất từ sao Hỏa được tìm thấy cho đến nay và chứa nhiều thông tin giúp các nhà khoa học khám phá được nhiều bí ẩn về sự sống của hành tinh đỏ.

Theo Space, trong quá trình nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học nhận thấy thấy thiên thạch NWA 7533 chứa nhiều dấu vết của kim loại hiếm như iridium, niken, osmium. Việc xác định được các thành phần này có thể giúp các nhà nghiên cứu tính được độ dày của lớp vỏ Sao Hỏa.

Thêm vào đó, thiên thạch NWA 7533 còn chứa lượng nước cao hơn gấp 10-30 lần so với bất kỳ thiên thạch nào từ hành tinh đỏ được phát hiện cho đến nay. Điều này cho thấy sao Hỏa từng là một hành tinh có lượng nước dồi dào.

Các dấu hiệu thu được trong quá trình phân tích cũng cho thấy mảnh thiên thạch được hình thành trong giai đoạn 100 triệu năm đầu tiên của Sao Hỏa và có nguồn gốc từ cao nguyên phía nam của hành tinh này.

Có khoảng 100 thiên thạch sao Hỏa được các nhà khoa học phát hiện, nhưng hầu hết số thiên thạch này đều có niên đại chỉ từ 150 triệu năm đến 600 triệu năm.

NWA 7533 là một phần của thiên thạch lớn từ sao Hỏa bay vào bầu khí quyển Trái Đất. Nó được phát hiện ở sa mạc Sahara, tây bắc châu Phi, vào năm 2012.