Trung Quốc hôm qua đã đẩy tình trạng bên miệng hố chiến tranh với Nhật trên Hoa Đông thêm một nấc mới, khi tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không, cho phép quân đội tiến hành “các biện pháp bảo vệ khẩn cấp” trước các máy bay không được nhận dạng.


Senkaku/Điếu Ngư nằm trong ADIZ của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết máy bay bay qua “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) mới sẽ phải tự khai báo nhận dạng với Trung Quốc và nếu vi phạm, sẽ bị bắn hạ.
Và để chứng thực cho tuyên bố của mình, lực lượng không quân Trung Quốc vào 10h sáng qua 23/11 đã tiến hành cuộc tuần tra đầu tiên, bằng 2 máy bay do thám được hộ tống bằng 1 máy bay cảnh báo sớm và các chiến đấu cơ.
Trung Quốc khẳng định việc thiết lập “vùng phòng không” sẽ không ảnh hưởng đến giao thông hàng không thương mại bình thường. “Việc tuần tra phù hợp với thông lệ chung của quốc tế và các chuyến bay quốc tế bình thường sẽ không bị ảnh hưởng”, Shen Jinke, người phát ngôn Lực lượng không quân Trung Quốc được báo chí nhà nước dẫn lời cho hay.
Không khó đoán khi động thái trên đã gây ra một cuộc “khẩu chiến” với Nhật. Tokyo lập tức phủ nhận “vùng phòng không” trên là không thể chấp nhận được và “vô cùng nguy hiểm”.
“Thiết lập đơn phương không phận như vậy làm leo thang tình hình quanh Senkaku và có nguy cơ dẫn đến tình huống ngoài dự đoán”, Bộ Ngoại giao Nhật ra tuyên bố cho hay.
Trung Quốc đã công bố bản đồ về khu vực vào ngày hôm qua, bao gồm cả quần đảo được Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điều Ngư và mở rộng về phía đông, cách đảo chính của Okinawa hơn 120km.
Điểm cực đông của vùng mới “rất gần với Trung Quốc, máy bay chiến đấu có thể nhanh chóng tiến vào không phận của Trung Quốc từ điểm này”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yajun cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên mạng ngày hôm qua.
“Vì vậy Trung Quốc rất cần phải nhận dạng bất kỳ máy bay nào từ điểm này, để đánh giá ý định và kiểm tra nhận dạng của nó, để có đủ thời gian ra cảnh báo sớm cho các biện pháp phản ứng nhằm duy trì an ninh không phận”.
Người phát ngôn cũng nhấn mạnh khoảng 20 nước khác cũng có vùng nhận dạng phòng không tương tự. Tuyên bố cũng gợi ý đến việc Trung Quốc cũng có kế hoạch lập một vùng tương tự trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền với nhiều nước trong đó có Việt Nam và Philippines.
“Vùng nhận dạng phòng không” yêu cầu các máy bay phải thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc radio hai chiều và thể hiện rõ quốc tịch cũng như nhận dạng của máy bay. "Thách thức trực tiếp tới Nhật"


Sơ đồ vùng ADIZ của Trung Quốc
“Tôi không biết liệu vùng này có đặc biệt nhắm tới Nhật hay không. Nhưng nó thể hiện Trung Quốc cảm thấy một đất nước hiện đại cần phải có một vùng nhận dạng phòng không”, Bonnie Glaser,thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho hay.
Động thái được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi Đại hội Trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, trong đó chính phủ Trung Quốc thành lập một hội đồng an ninh quốc gia mới, với Chủ tịch Tập Cận Bình là người đứng đầu.
Trong 2 năm qua Trung Quốc đã không ngừng tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền trên quần đảo và thường xuyên có các cuộc đối đầu với máy bay và tàu Nhật. Các vụ đối đầu có vẻ như đã giảm kể từ mùa hè năm nay, nhưng một số nhà phân tích quân sự tin rằng thời gian tạm lắng dịu này là liên quan đến thời tiết hơn là chiến lược của Trung Quốc.
“Có những nhà phân tích Nhật nghĩ rằng căng thẳng đã dịu đi chút ít, nhưng đó chắc chắn là do bão. Tôi không nghĩ người Trung Quốc chuẩn bị đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào”, Glaser nhận định.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định khu vực không nhằm vào nước cụ thể nào, nhưng Xu Guangyu, một tướng quân đội Trung Quốc đã về hưu, cho rằng Trung Quốc chỉ “đang sử dụng quyền tự về của mình” nhằm phản ứng với việc Nhật mở rộng vùng ADIZ kể từ đầu những năm 1970 và các động thái giới hạn quyền bay trong khu vực của Trung Quốc.
Các chuyên gia cảnh báo căng thẳng trong khu vực chắc chắn sẽ gia tăng, đặc biệt là khi các vùng ADIZ bị chồng lấn.
Liu Jiangyong, một chuyên gia về Nhật-Trung ở Trung Quốc, nhận định nguy cơ tính toán sai lầm sẽ gia tăng. “Không phận trên quần đảo nhỏ Điếu Ngư nhỏ đến nỗi có khả năng các chiến đấu cơ tốc độ cao đâm phải nhau”, ông Liu nói.
Jun Okumura, một học giả ở Viện Vấn đề toàn cầu Meiji, cho hay, “Tôi hoàn toàn có thể đoán được rằng, lần tới khi máy bay Trung Quốc bay vào không phận Nhật, Nhật sẽ triển khai chiến đấu cơ. Sẽ có một cuộc khẩu chiến trên không và cũng rất có thể có cả tiếng súng được bắn ra. Tôi cũng cho rằng chúng sẽ không phải là tiếng súng dọa nạt.”
“Tôi cho rằng hai bên đều không muốn sự việc nghiêm trọng hơn, nhưng những thay đổi này giờ đây có nghĩa là khả năng tính toán sai lầm sẽ tăng lên”, Okumura nói. Ông cũng chỉ ra vụ việc năm 2001 trong đó một chiếc máy bay do thám Orion EP-3của hải quân Mỹ đã va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đều lên tiếng quan ngại về động thái của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã ra tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, khẳng định tuyên bố của Trung Quốc sẽ không thay đổi cách thức hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực. Ông cũng cho rằng “hành động đơn phương này làm gia tăng nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai”.
Rất nhiều nước, gồm cả Mỹ, có vùng nhận diện phòng không, vùng mở rộng bên ngoài chủ quyền không phận mỗi nước. Mỹ yêu cầu các máy bay nước ngoài phải theo các quy định của ADIZ chỉ khi chúng có ý định tiến vào không phận Mỹ.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố các máy bay nước ngoài chỉ cần tiến vào vùng nhận dạng không phận sẽ phải tuân thủ quy định của Trung Quốc, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng động thái của Trung Quốc đang được hiểu là “thách thức trực tiếp” đối với hoạt động của Nhật ở khu vực.


theo dantri.