.

Thêm vài ý kiến quanh cuốn “Nếu đi hết biển”
của Trần văn Thủy

***

Ý kiến của Nhà văn Phan Nhật Nam:
Chúng ta có thể bàn qua người bạn kế tiếp,
Huynh Trưởng Hướng Đạo Sinh :
Nhà Văn Nhật Tiến

Mạnh mẽ, rõ ràng hơn thái độ còn đôi chút ngập ngừng do “chưa” đi hết biển..” của Nguyễn Mộng Giác, sau câu hỏi ẩn ý thăm dò (kèm thoáng mỉa mai- PNN) của Trần Văn Thủy (“Thế thì anh hẳn gắn bó với nơi chốn nầy (đất Mỹ) lắm nhỉ?”),Nhật Tiến xác nhận:

“Vậy mà không đấy. Về mặt tâm cảm, tôi chưa nhận nơi nầy làm quê hương. Nói một cách cụ thể: Tôi biết ơn nước Mỹ đã cưu mang toàn bộ dân tỵ nạn kể từ sau tháng 4 năm 1975, đã đem lại cho gia đình tôi đầy đủ cơ hội an cư lạc nghiệp. Nhưng nhìn lại cuộc chiến vừa qua, tôi vẫn thấy ám ảnh về sự bất hạnh đã áp đặt lên số phận dân tộc mình..”
(TVT sđd, trg 68)

Với trả lời như trên của Nhật Tiến, Trần Văn Thủy rất nhanh nhạy “đạo diễn” ngay để có một câu hỏi khác theo mẫu mực “chống Mỹ cứu nước”:

“Từ năm 1990, nghe nói anh vẫn có dịp thường về thăm quê nhà
(Bạn đọc lưu ý, về thăm “quê nhà” chứ không phải cụm từ thông thường “về Việt Nam” khi trò chuyện - PNN)
(TVT sđd, trg 68).

Nhưng không như Trần Văn Thủy “hy vọng”, Huynh Trưởng Hướng Đạo - Nhà Văn Nhật Tiến định giá “đất Mỹ” và “quê nhà” cùng một lần với chân thật và chính xác:

“Nỗi ám ảnh (về sự bất hạnh) này đã khiến cho tôi cảm thấy luôn luôn là kẻ lưu vong, trên xứ Mỹ cũng như ngay trên cả quê hương mình..”
(TVT sđd, trg 68)

Đạo diễn Trần Văn Thủy hỏi:

“Điều gì đã khiến cho anh (NT) cảm thấy mình bị lưu vong ngay cả trên quê hương mình?”
(TVT sđd, trg 68).

Và đây là câu (thật) trả lời:

“Cảm giác xa lạ, sự không thể hòa nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một nền kiêu hãnh rằng: “dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”. Là một người xuất thân từ Miền Nam trước đây làm sao tôi có thể hòa nhập được..?”
(TVT sđd, trg 68)

Trần Văn Thủy hỏi tiếp (về cái “key” mà người Miền Nam thường tránh né (theo ý của người Miền Bắc) là do “mặc cảm thua trận”, như đã có người nói cùng học giả Nguyễn Hiến Lê):

“Vậy cuộc chiến đã lùi xa, dưới cái nhìn của anh bây giờ, nó ra sao?”
(TVT sđd, trg 69);

hoặc vấn đề gây “đụng chạm” hơn:

“Vậy cuộc chiến đã lùi xa, dưới cái nhìn của anh bây giờ, nó ra sao?”
(TVT sđd, trg 69);

hoặc vấn đề gây “đụng chạm” hơn:

“Với anh (NT), tôi không ngại luận bàn những vấn đề chính trị tuy đã cũ nhưng cảm nhận của tôi có đôi chỗ khác anh. Nếu những người bộ đội, những người lính tham gia chiến tranh mà tới nay vẫn thực sự ý thức là họ hy sinh cho chính nghĩa, thì quả là điều đáng mừng. Nhưng tôi nghĩ, đối diện với cuộc sống hiện nay, tâm trạng thực trong cuộc đời thực, số đông không hoàn toàn như thế. Còn những người đã nằm xuống, tức là những người đã hy sinh như anh nói, chúng ta chẳng thể biết chính xác họ nghĩ gì khi xung trận”
(TVT sđd, trg 69)

Nhật Tiến không tránh né nhưng vào thẳng vấn đề trên một cách tự tin (cách của người tin vào Tính Thiện, Sự Thật):

“Dĩ nhiên tôi không có thẩm quyền để phát biểu về tư duy của bộ đội miền Bắc trước 1975, nhưng nếu nói về những người lính VNCH đã nằm xuống, đã hy sinh mà bảo rằng chúng tôi chẳng biết chính xác về họ nghĩ gì khi xông trận thì không thể chấp nhận được. Đành rằng quân đội nào thì cũng có những mặt trái của nó như lính nhát gan, lính cướp bóc, lính đào ngũ.. nhưng với quân đội miền Nam, đó không phải là tính chất tiêu biểu..”
(TVT sđd, trg 69-70)

Câu trả lời của Nhật Tiến đã đề cập rất đầy đủ, không chỉ riêng đối với người lính, chiến tranh, mà phê phán đến cái gọi là “tinh thần dân tộc” của cả hai phe cầm quyền nơi miền Nam, lẫn miền Bắc thường nại ra để làm cớ sự giải thích cho lần tranh quyền, đoạt lợi của họ. Nhưng bởi anh không thuộc giới chuyên nghiệp quân sự nên tôi có thể bổ sung thêm những chi tiết:

“Vâng, thưa ông đạo diễn Trần Văn Thủy, quân đội miền Nam có đủ tất cả những khuyết điểm (mà bất cứ tập thể quân đội nào trên thế gian nầy đều mắc phải - và cụ thể với lần thất trận vào năm 1975 - nên những khuyết điểm nầy đã trở nên hiện thực). Nhưng đấy là một quân đội gồm nhiều Người Lính Khắc Kỷ Hy Sinh và Cao Thượng Chịu Đựng hơn bất cứ người lính nào đã có mặt trong tập thể quân đội của các cộng đồng dân tộc trên thế giới - Và họ gánh chịu nỗi bất công uất hận này một cách có ý thức - Ý thức về Trách Nhiệm-Nghĩa Vụ với lòng Tận Tụy-Hy Sinh. Nếu ông được chứng kiến cả một thế hệ thanh niên Miền Nam (phần lớn là sinh viên của các phân khoa đại học chuyên nghiệp, đang được miễn dịch vì lý do học vấn) thay vì đến giảng đường, đã leo lên dãy GMC đậu dọc dài theo đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8, Sài Gòn) đến tận Ngã Sáu (Quân Vụ Thị Trấn) để đi lên trại Nhập Ngũ Quang Trung trong thời kỳ xẩy ra trận chiến Mùa Hè 1972.”

Với trình bày nầy có thể Trần Văn Thủy bảo chúng tôi đã “hư cấu và cường điệu” về sự kiện tuổi trẻ miền Nam “ý thức chọn nghĩa vụ người lính”, vậy tôi xin nhắc lại trường hợp điển hình: Phạm Huy Phong (con trai còn lại độc nhất của Ông Phạm Văn Bính, cựu Tổng Trưởng Thanh Niên, Thủ Hiến Bắc Việt, nội các Bảo Đại, 1949-52). Vốn đang là sinh viên cao học ở Sorbone, Pháp, Phong tự nguyện về nước nhập học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức; đậu thủ khoa khóa sĩ quan, buổi mãn khóa có đủ hàng chục đơn vị thuộc tất cả các quân binh chủng để chọn lựa - Nhưng Chuẩn Úy Phạm Huy Phong đã tình nguyện về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, và tử trận tại mặt trận Quảng Trị, Vùng I Chiến Thuật nơi đối diện với miền Bắc qua tuyến lửa phi quân sự. Tôi có thể kể ra danh tính hằng trăm, hàng ngàn người tuổi trẻ rất có ý thức để sống-chết với Quê Hương Miền Nam - Không nơi đâu xa, chỉ với đơn vị của chúng tôi - với mỗi Người Lính Nhảy Dù QLVNCH. Chúng tôi mong được lắng nghe về một trường hợp tương tự như của Phạm Huy Phong trong số đông những con em thuộc gia đình quan chức cộng sản ở Hà Nội. Hãy kể cho chúng tôi nghe tên về một người tuổi trẻ con của các quan chức lớn của Đảng Cộng Sản tình nguyện đi B (mặt trận Miền Nam), hay sau này khi phải đánh nhau với hai nước Cộng Sản láng giềng Trung Quốc và Cao Miên. Chỉ cần một người thôi.

Trước khi từ giã người trung trực Nhật Tiến, chúng tôi nhận thấy cần đề cập đến một thái độ không mấy “fair play” của Trần Văn Thủy (để tiếp mở đầu cho phần tới). Đấy là, Trần Văn Thủy không bỏ lỡ một cơ hội nào để mở lối “tấn công chính trị (!)”, điển hình với cách đặt vấn đề:

“Rõ ràng hòa hợp, hòa giải là cần, là “sinh lộ” cho dân tộc ta như anh (NT) nói, nhưng tôi không nghĩ nó là thần dược chữa bách bệnh như mất dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến.. (rồi bỗng dưng chuyển qua).. Anh (NT) nghĩ sao về những “khuynh hướng cực đoan” trong cộng đồng VN ở hải ngoại như những chủ trương không du lịch về VN, không gởi tiền về trợ giúp thân nhân, cũng như các công tác từ thiện...”
(TVT sđd, trg 71-72).

Hai vấn đề
(“Mất dân chủ ở trong nước” và “Khuynh hướng cực đoan trong cộng đồng người Việt - Không chịu về VN du lịch”) hoàn toàn không liên hệ gì với nhau cả. Mất dân chủ là do cơ cấu “Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-Nhân dân làm chủ”, còn “khuynh hướng cực đoan không muốn du lịch về VN” là của riêng những ông, bà nào đấy muốn “biểu diễn lập trường” với chính họ, hoặc vì một lý do nào khác, cụ thể như tự bản thân cá nhân - không thích thấy những ông công an hậm họe nơi phi trường. Những người có “khuynh hướng cực đoan” ấy không hù dọa, trấn áp được ai - kể cả những người thân cận trong gia đình (ngoại trừ những đứa nhỏ vị thành niên không được phép đi xa một mình, hoặc không đủ tiền mua vé máy bay). Thế nên đã có kết quả như lời Nhật Tiến rành rọt kể ra:

“Từ nhiều năm qua.. Tôi thấy du lịch về VN không còn là một điều phải giấu diếm
(Ai giấu ai? Để làm gì? Tại sao phải giấu? PNN); các nhóm thiện nguyện đem tiền bạc và kỹ thuật về làm công tác từ thiện trong nước càng ngày càng nhiều.. Việt kiều hải ngoại gửi về mỗi năm lên tới hàng 2,3 tỷ đô-la thì đủ thấy người Việt hải ngoại gắn bó thế nào với quê hương, đất nước..”
(TVT sđd, trg 73)
(ngưng trích)
***
trích bài của Đinh Từ Thức-damau.org :

Câu chuyện giữa ông Trần Văn Thủy với nhà văn Nhật Tiến, cho thấy bên cạnh một số quan điểm rõ ràng, không hiểu vì lý do gì, ông này đã không nói rõ về một vài điểm khác. Ông Nhật Tiến đã nói thẳng nhận xét của mình khi có mặt tại Việt Nam:

“Cảm giác xa lạ, sự không thể hòa nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một niềm kiêu hãnh rằng ‘dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”. Là một người xuất thân từ miền Nam trước đây, làm sao tôi có thể hòa nhập được’”

Cái nhìn của nhà văn Nhật Tiến đối với binh sĩ Miền Nam cũng rất rõ ràng:

“Trong bao nhiêu năm khói lửa ròng rã ấy, chúng tôi biết chắc là đã có rất nhiều người gục ngã ngoài trận địa với lý tưởng là bảo vệ xóm làng, bảo vệ hậu phương trước sự tiến công của bộ đội miền Bắc. Nhân dân miền Nam biết ơn họ, đây là một thực tế trong đời sống có thể dễ dàng kiểm chứng…”

Ông Nhật Tiến cũng không ngần ngại nhìn thẳng vào các nhà lãnh đạo cả hai miền Bắc, Nam:

“Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, cấp lãnh đạo tiến hành những cuộc đấu tố, con tố cha, vợ tố chồng, cái đó có phải là sản phẩm của những người có đầu óc dân tộc, có tinh thần dân tộc không? Chủ trương dẫu có thiêu đốt cả dẫy Trường Sơn để hoàn thành việc thống nhất đất nước với cả triệu sinh mạng dân chúng ở cả hai miền có phải xuất phát từ một tấm lòng yêu thương dân tộc không? Hay như lời lẽ của một vị Tổng Thống nói công khai trên đài truyền hình là viện trợ 700 triệu thì đánh theo kiểu 700 triệu, viện trợ 300 triệu thì đánh theo kiểu 300 triệu, thì đó có phải là lời lẽ của một thứ tay sai hay một loại con bài của ngoại bang không?”

Tuy nhận mình là người xuất thân từ miền Nam trước đây, nhà văn Nhật Tiến muốn thoát khỏi vị trí bên này hay bên kia, đứng trên bình diện dân tộc để nhìn lại cuộc chiến. Và từ vị trí này, ông cho rằng:

“Con đường hòa hợp hòa giải dân tộc là sinh lộ duy nhất để đem quê hương ra khỏi tình trạng mất tự do dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến và tràn lan tệ nạn tham nhũng và bất công như hiện nay”.


Ông Nhật Tiến đã có can đảm, đề cập tới một đề tài cấm kỵ (ta-bu), điều mà nhiều người thường tránh, vì sợ bị hiểu lầm.
(ngưng trích)
****


QUAN ĐIỂM của

NHẬT TIẾN


về vấn đề

GIAO LƯU VĂN HÓA

Tình nghĩa bà con hàng xóm vẫn còn y nguyên, vâng điều đó đúng, tuyệt đối đúng, nhưng theo tôi, nó mới chỉ là một nguồn ánh sáng le lói ở nơi này, mà vẫn còn chìm khuất ở nơi kia, chứ chưa thể chan hòa, thắm đượm , tràn đầy trên quê hương. Mà để thực hiện được sự chan hòa, thắm đượm hay tràn đầy này, sẽ cần phải một thời gian rất dài và sự nỗ lực của nhiều phía trong đó vai trò của văn hóa sẽ vô cùng quan trọng. Vấn đề giao lưu văn hóa, trong mục tiêu đó, và chỉ trong mục tiêu đó, vì thế mới được đặt ra.

Nhưng giao lưu văn hóa không có nghĩa là thỏa hiệp với cường quyền hay bạo lực để tiếp tục kéo dài mãi tình trạng suy sụp như hiện nay. Giao lưu văn hóa cũng không phải là một sự kết hợp một cách bừa bãi giữa tất cả mọi người cứ mệnh danh là cầm bút. Thực chất của sự giao lưu không phải như vậy. Nó không có chỗ cho những ngòi bút vẫn còn tiếp tục ca ngợi bạo lực hay thỏa hiệp với bạo lực. Nó cũng không có chỗ cho những ngòi bút tiếp tục khơi mãi vết thương của dân tộc mà không cho thấy một lối thoát nào có thể coi là con đường thích đáng nhất đem lại được sự hàn gắn vết thương mà không phí phạm thời gian. Giao lưu văn hóa thật ra chỉ là một sự chấp nhận cùng là bạn đồng hành của những người làm văn hóa, không phân biệt quá khứ hay điều kiện địa dư, miễn là họ biết cùng nhìn về một hướng trong mục tiêu tối hậu là khôi phục lại được tất cả những giá trị nhân bản của con người và những giá trị cổ truyền của dân tộc
NHẬT TIẾN
(trích bài phát biểu tại San Diego ngày 22 Tháng 10 năm 1995, trong buổi ra mắt tác phẩm “ QUÊ NHÀ BỐN MƯƠI NĂM TRỞ LẠI “ của nhà văn Phan lạc Tiếp )

***

Nguyên văn bài của Trần văn Thủy
Thời điểm : California năm 2003

(Tại tư gia Nhật Tiến ở California - ngày 22-1-2003)

NT: Gớm nhỉ. Anh làm tôi ngạc nhiên, vì trong đầu óc của tôi, từ cả chục năm nay, tôi cứ hình dung ra anh là một nhà nghệ sĩ với đầu tóc bạc phơ. Nay lần đầu tiên gặp anh, tôi thấy anh trẻ trung, nhanh nhẹn ngoài sự tưởng tượng.

TVT: Anh đoán tôi năm nay bao nhiêu ?

NT: Dưới 50, khoảng 45 là nhiều.

TVT: Cám ơn anh, mới gặp anh, anh đã làm tôi thấy yêu đời hơn. Anh cư ngụ ở quận Cam này đã lâu chưa ?

NT: Từ năm 1981, tính ra cũng đã hơn 20 năm rồi.

TVT: Thế thì hẳn anh gắn bó với nơi chốn này lắm nhỉ?

NT : Vậy mà không đấy. Về mặt tâm cảm, tôi chưa bao giờ nhận nơi này làm quê hương. Nói một cách cụ thể : tôi biết ơn nước Mỹ đã cưu mang toàn bộ dân tỵ nạn kể từ sau tháng 4 năm 1975, đã đem lại cho gia đình tôi đầy đủ cơ hội để an cư lạc nghiệp. Nhưng nhìn lại cuộc chiến vừa qua, tôi vẫn thấy ám ảnh về sự bất hạnh đã áp đặt lên số phận dân tộc mình, kể cả miền Nam lẫn miền Bắc. Nỗi ám ảnh này đã khiến cho tôi cảm thấy mình luôn luôn là kẻ lưu vong, trên xứ Mỹ cũng như ngay cả trên quê hương của mình.

TVT : Từ năm 1990, nghe nói anh vẫn có dịp thườngvề thăm quê nhà.

NT: Vâng, thường thì cứ 1 hay 2 năm tôi lại về VN một lần, và đã đi từ Bắc xuống Nam.

TVT: Điều gì đã khiến cho anh cảm thấy mình bị lưu vong ngay cả trên quê hương của mình ?

NT: Cảm giác xa lạ, sự không thể hoà nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một niềm kiêu hãnh rằng “ dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”, là một người xuất thân từ miền Nam trước đây, làm sao tôi có thể hoà nhập được. Tuy nhiên cũng phải nói thêm là những nhận thức này tôi chỉ cảm thấy khi ra tiếp xúc với xã hội bên ngoài, còn ở chỗ riêng tư trong gia đình hay trong vòng thân mật giữa các bạn bè, dù ở bất cứ nơi đâu , Hà Nội hay Sài Gòn, tôi đều thấy chan hoà một tình cảm thân yêu, gắn bó.

TVT: Vậy cuộc chiến vừa qua, dưới cái nhìn của anh bây giờ, nó ra sao ?

NT: Điều bất hạnh cho dân tộc ta là những người đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua đều đã mang nhận thức là mình đã hy sinh cho chính nghĩa. Chống Mỹ xâm lược là chính nghĩa mà những anh bộ đội đã theo đuổi. Bảo vệ miền Nam tự do là chính nghĩa mà những chiến sĩ VNCH đã sẵn sàng đổ máu. Sự hy sinh của tất cả đều mang một ý nghĩa chính đáng, nhưng rút cục cuộc chiến chỉ là một sự tương tàn khủng khiếp mà thủ phạm là những tay sai của ngoại bang ở cả hai phía.

TVT: Có bao nhiêu người chia sẻ với anh ý nghĩ này ?

NT: Tôi chưa bao giờ làm một cuộc thăm dò hay thống kê. Tuy nhiên, nếu không thoát ra khỏi cái vị trí bên này hay bên kia để đứng trên bình diện dân tộc mà nhìn lại cuộc chiến thì chẳng có ai, dù ở phía nào, lại chia sẻ những nhận định ấy của tôi cả.

TVT: Vậy hẳn chủ trương hoà giải và hoà hợp mà hình như anh đã theo đuổi từ lâu, cũng nằm trong cái tâm thức hướng về dân tộc ấy ?

NT : Đúng vậy! Tôi chưa và cũng chẳng bao giờ lại chủ trương hoà giải, hoà hợp với độc tài hay bạo lực. Ý thức dân tộc dĩ nhiên bao gồm cả hai miền Bắc Nam, vượt lên trên thành kiến và quá khứ chính trị, có một tình cảm chung là biết cảm thông, biết thổn thức, biết thương yêu và xót xa trên những đổ vỡ đau thương của dân tộc, và dĩ nhiên biết cả sự căm phẫn về những thế lực phân hoá, chia rẽ và làm trì trệ dưới mọi hình thức, con đường tiến hoá của dân tộc. Sau bao nhiêu năm tang thương của cuộc chiến, với chất ngất hận thù giữa bên này với bên kia, con đường hoà hợp hoà giải dân tộc là sinh lộ duy nhất để đem quê hương ra khỏi tình trạng mất tự do dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến và tràn lan tệ nạn tham nhũng và bất công như hiện nay.

TVT: Trên tiến tình hoà hợp, hoà giải đó, anh nghĩ sao về những khuynh hướng cứng dắn trong cộng đồng V N ở hải ngoại đại để như những chủ trương không du lịch về VN, không gửi tiền về trợ giúp thân nhân cũng như các công tác từ thiện ở VN, không tiêu thụ những sản phẩm sản xuất từ trong nước, và riêng trong lãnh vực nghệ thuật, tẩy chay những ca sĩ từ trong nước ra bên ngoài trình diễn ?

NT: Tôi cảm thông tâm trạng của những con người còn duy trì những chủ trương cứng dắn đó, nhưng con đường cứu nước của họ chỉ là một thứ đường mòn vô dụng không đem lại một lợi ích nào cho dân tộc nếu không muốn nói là lại còn làm cản trở bước tiến của dân tộc. Tôi thường nghe rất nhiều lần người ta nhân danh quyền lợi của trên 80 triệu đồng bào ở trong nước để phát động những cuộc đấu tranh theo kiểu như trên, nhưng hầu như họ chẳng hiểu gì về tâm tư hay nguyện vọng đồng bào ở quê nhà. Ổn định và phát triển, theo tôi nghĩ, đó là khuynh hướng chung của thành phần đa số của dân tộc trong hoàn cảnh hiện nay. Dĩ nhiên, ổn định không có nghĩa là cam chịu làm tôi tớ cho giai cấp cầm quyền và làm nô lệ cho đám tư bản ngoại quốc mà hành vi của nhiều tên trong đám này đã chà đạp lên nhân phẩm cũng như danh dự của dân tộc một cách công khai mà chưa hề bị trừng trị đích đáng. Nếu hiểu sự ổn định trong ý nghĩa của sự cam chịu nhục nhã đó thì làm sao có thể phát triển được.

TVT: Là một thành viên của cộng đồng VN ở hải ngoại, anh vận dụng quan điểm chính trị ấy của anh bằng những phương cách nào? Hiệu quả ra sao?

NT: Là một người cầm bút, tôi chỉ có thể trình bầy những suy nghĩ của tôi qua con đường sáng tác văn chương hay một số bài phát biểu mỗi khi có dịp. Vào thời điểm cách đây 10 hay 15 năm, thì những suy nghĩ chính trị của tôi như vừa kể trên phải kể là quá sớm và do đó tôi đã phải nhận lãnh nhiều hệ quả. Tuy nhiên, nhìn vào sinh hoạt của đa số thầm lặng trong cộng đồng VN ở hải ngoại, tôi thấy là những suy nghĩ của mình đã dần dà được chia sẻ. Từ nhiều năm qua, du lịch về VN không còn là một điều phải giấu giếm, các nhóm thiện nguyện đem tiền bạc và kỹ thuật về làm công tác từ thiện ở trong nước ngày càng nhiều, việc các báo Việt ngữ loan lại tin tức VN trích từ các báo trong nước, ngay cả những tin tốt lành, không còn là điều cấm kỵ hay phải tránh né, và đặc biệt, cứ nhìn vào ngân khoản trợ giúp thân nhân của Việt kiều hải ngoại gửi về mỗi năm lên tới hàng 2,3 tỉ đô la thì đủ thấy người Việt hải ngoại gắn bó thế nào với quê hương, đất nước, đồng bào, quá khứ chính trị không còn là một vấn nạn nặng nề trên tâm thức của nhiều người nữa. Tôi hiểu rằng, con đường ổn định và phát triển là con đường ngày càng được nhiều người ở cả trong và ngoài nước chấp nhận.

TVT: Định cư ở Mỹ , anh sinh sống bằng nghề chuyên môn hay việc cầm bút ?

NT: Nghề chuyên môn chứ ! Viết văn làm sao nuôi sống nổi riêng bản thân chứ chưa nói gì tới gia đình. Một cách cụ thể để anh thấy rõ vấn đề, là trong hơn 20 năm ở Mỹ, tôi viết được khoảng gần 40 truyện ngắn và những truyện này đã được in trên nhiều báo chí Việt ngữ ở Âu, Mỹ, Úc. Canada nhưng tiền nhuận bút tổng cộng nhận được không quá 1 ngàn đô la. Nói nhuận bút thì không đúng, thật ra đó chỉ là tiền hỗ trợ của anh em bạn bè làm báo đã gửi cho trong những bước khó khăn lúc đầu. Sau này, khi đã ổn định đời sống rồi thì viết lách đối với tôi chỉ là một nhu cầu để giải tỏa những suy nghĩ bức xúc của mình thôi.

TVT : Theo anh thì những yếu tố nào góp phần vào sự thành công của một người định cư ở Mỹ ?

NT: Nếu hiểu sự thành công ở một mức tương đối, thông thường thì theo tôi có 3 yếu tố góp phần: Một là sự hỗ trợ hiểu theo ý nghĩa tinh thần của các thành viên trong gia đình, hai là sự cần mẫn, kiên trì của mỗi cá nhân và ba là sự trợ giúp hào phóng của nhân dân Mỹ trong tiến trình lập nghiệp của mỗi cá nhân đó.

TVT: Trở ngại hay khó khăn nhất khi sinh sống ở Mỹ theo ý anh là gì?

NT: Dĩ nhiên là Anh ngữ rồi! Theo kinh nghiệm của tôi, khó khăn nhất là Nghe, rồi đến Nói, rồi đến Viết, sau cùng dễ hơn cả là Đọc. Ở cái tuổi của tôi, tai đã chẳng thính, lưỡi đã ngay đờ...làm gì mà không gặp khó khăn. Tuy nhiên, cứ cần mẫn và kiên trì thì rồi đâu cũng vào đó cả.

TVT: Nghe nói anh cũng vừa cho xuất bản một cuốn sách do chính anh dịch từ Anh ngữ?

NT: Đó là cuốn Thân Phận Dư Thừa dịch nguyên văn từ cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn, người rời VN theo diện con lai năm 14 tuổi và bây giờ vừa là nha sĩ vừa là nhà văn. Kiên Nguyễn đã vừa ra tác phẩm thứ hai, cuốn The Tapestries, và cuốn này cũng rất thành công.

TVT: Theo anh thì yếu tố nào khiến cho giới độc giả người Mỹ chú ý đến tác phẩm của Kiên Nguyễn ngay từ cuốn đầu tay ?

NT: Vấn đề con lai ! Đây là một đề tài tương đối mới mẻ và độc giả người Mỹ muốn biết số phận của những con lai bị bỏ lại Việt Nam sau cuộc chiến sẽ ra sao. Cuốn hồi ký của Kiên Nguyễn đã diễn tả số phận của chính anh và qua đó số phận của hơn 50 ngàn đứa con lai khác. Đấy là một thảm kịch mà ít có người cầm bút nào có đủ thẩm quyền như Kiên Nguyễn để viết lại.

TVT : Ở Mỹ, người cầm bút có đủ tự do để viết tất cả những gì mình muốn viết chứ ?

NT: Về đại thể thì ai cũng cho là như thế, nhưng thu hẹp vào những cộng đồng nhỏ nhoi thì vấn đề có khác, nhất là cái cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại vốn đã từng có nhiều năm chất ngất hận thù đến độ không chấp nhận một sự suy tư nào khác hơn là sự suy tư đã đông đá trong đầu óc của họ.

TVT: Nhưng giới trẻ trong cộng đồng thì phải khác chứ, họ không bị ràng buộc gì với quá khứ và đa số, tại thời điểm năm 2003 này, nhiều thành phần trẻ không hề biết cuộc chiến ở Việt Nam là cái gì.

NT: Đồng ý là như thế, nhưng họ vẫn được dạy dỗ để tiếp tục nuôi dưỡng hận thù. Phong trào tuổi trẻ “Nối bước cha anh" là một ví dụ cụ thể. Kiến thức về Cộng Sản VN đối với họ là kiến thức của những thập niên từ 50 đến 80 do cha ông truyền lại. Thì cũng như tuổi trẻ ở Việt Nam bây giờ, họ luôn luôn bị nhồi nhét để biết ơn Đảng lãnh đạo đã đánh cho Mỹ cút, cho Nguỵ nhào. Ít có tuổi trẻ nào nhận thức được ra rằng để thay thế cái xã hội vốn đã bị lật nhào ấy, lại sản sinh ra một xã hội y hệt như thế mà mức độ đồi truỵ còn tăng lên gấp bội phần. Thế thì xương máu của các bậc đi trước đã đổ xuống quê hương có phải là một sự uổng phí đến kinh hoàng không?

TVT: Vậy anh trông mong gì ở giới trẻ, cả trong lẫn ngoài nước?

NT: Tôi kỳ vọng ở nơi tuổi trẻ một tấm lòng trong sáng, thẳng băng không nhuốm chút hận thù để biết làm một cái vươn vai lớn mạnh có tính cách Phù Đổng. Vươn vai để giã từ mọi hệ lụy, ràng buộc trong quá khứ mà nhìn thẳng vào những nhu cầu khẩn thiết của quốc gia dân tộc. Vươn vai để biết rũ bỏ tinh thần ỷ lại chỉ biết cậy trông vào sức mạnh của cường quốc để cầu xin giải quyết vấn đề của chính quốc gia mình, dân tộc mình. Họ cũng phải biết nhận thức rằng quê hương còn rất nhiều vấn đề cần đến sự tiếp tay của tất cả mọi phía: Dân trí chậm tiến, phẩm chất đạo đức cá nhân suy đồi, tệ đoan và bất công xã hội gia tăng nặng nề, sinh mệnh, đất đai của dân tộc như chỉ mành treo chuông trước mộng bá quyền của phương Bắc.. v.v... Chỉ có sự khơi mạch yêu thương và hóa giải hận thù để tập hợp được hết sức mạnh của toàn dân cả trong lẫn ngoài nước thì mới mong từng bước làm cho những vấn đề khẩn thiết của quê hương có cơ hội giải quyết. Nói tóm lại là, một thiên niên kỷ mới đã bắt đầu. Con người Việt Nam hơn hai mươi lăm năm sau cuộc chiến cũng phải thay đổi não trạng để góp phần vào công cuộc phục hưng thực sự cho xứ sở.

TVT: Anh có cho phép tôi đưa những cuộc đàm thoại kiểu như thế này vào một cuốn sách sẽ in không ?

NT: Những gì tôi đã nói ra, tôi không bao giờ ngại ngần là nó sẽ bị phổ biến thành công khai, dù ở bất cứ nơi nào. Đó là một sự trung thực tối thiểu cần có ở nơi người cầm bút. Nhưng rồi cuốn sách ấy sẽ lấy tên là gì?

TVT: Tôi chưa có sự chọn lựa dứt khoát, nhưng đại để là "Nỗi buồn nhược tiểu” chẳng hạn!

NT: Tôi hoàn toàn không thích cái tựa đề này.

TVT: Sao vậy ?

NT: Tôi ghét hai chữ “nhược tiểu”, không phải bây giờ mà từ lâu rồi, ngay cả trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Nam trước đây. Nào là nước mắt nhược tiểu, thân phận nhược tiểu, nỗi buồn nhược tiểu v.v... nghe sao mà nó tràn đầy tự ti mặc cảm và mang tính chất chưa đấu tranh mà đã chấp nhận thua thiệt về mình. Một dân tộc cứ ôm lấy suốt đời cái mặc cảm nhược tiểu như thế thì không bao giờ ngóc đầu lên được.


TVT: Vậy thì tôi sẽ tìm một cái tên khác hàm súc hơn, ấm áp hơn, thí dụ “ Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Tổ quốc nhìn từ xa”, “ Đi về nơi hoang dã”, “Những thiên đường mù”. Đùa vui tí thôi, nhưng tóm lại là không có "Nỗi buồn nhược tiểu" nữa nhé ! Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh viết đều đều và về Việt Nam dài dài.

Một ngày sương mù dầy đặc ở California,

tháng 1 năm 2003
TRẦN VĂN THỦY