.
Mõm chó vó ngựa
Nguyễn Thụy Long


Nhà văn NGUYỄN THỤY LONG viết từ thành phố Sài Gòn
phản ứng bài viết của nhà văn HOÀNG HẢI THỦY
ở trong hang động " người có đuôi"





Thư gửi bạn

Như đã nói với vài người bạn, tôi không muốn tranh luận gì với Hoàng Hải Thủy, (Công tử Hà Ðông) người viết loạt bài bôi nhọ tôi, Nguyễn Thụy Long, ngay sau khi tôi được trao Giải Văn Chương Khởi Hành, vì hắn vốn là loại người chẳng giống con giáp nào mà tôi biết về hắn rất nhiều, từ trước 30.4.75 lẫn sau 30.4 cho đến khi hắn đi Mỹ. Thế mà một thời gian tôi đã coi hắn là bạn, lại làm cha đỡ đầu cho gái tôi, quả là tôi lầm lẫn và quá tin người thôi, như nhiều người bạn khác đã tin hắn, như anh nhà văn Văn Quang, thi sĩ Thái Thủy. Nhưng rồi tôi phải lên tiếng.

Khi hắn sang được đến đất Mỹ, để tạo ra những câu chuyện làm quà, hắn viết về đời sống của những anh em văn nghệ sĩ còn ở lại Việt Nam, thay vì để người ta còn nhớ những người nghệ sĩ vì lý gì đó còn phải ở lại trong nước, không ra đi được như hắn, hắn lên tiếng chửi bới những người đó, bôi nhọ thân phận những anh em nghệ sĩ phải ở lại không tiếc lời (Như bạn ly dị thì hắn viết là "anh bị vợ bỏ", không đẹp trai thì hắn viết là "sẹo đầu sẹo cổ", bạn một cảnh hai quê thì hắn viết "thuyền trưởng hai tầu," . Nghe nói hắn còn mang nhân vật lịch sử ra viết lách kiểu này, gọi ông Thi Sách là Thuyền trưởng hai tầu vì bịa ra rằng Hai Bà Trưng là vợ cả vợ bé của ông.

Chúng tôi không chấp hắn, vì hắn phải làm thế để kiếm tiền sống, dù lời lẽ hắn viết trong những bài báo ấy vừa tục vừa rẻ tiền. Nhưng chúng tôi cũng tha thứ cho hắn, vì đó là lẽ sống của hắn. Gọi hắn là nhà văn là một điều hơi quá đáng, vì hắn có sáng tác được gì ra hồn đâu, mà chỉ toàn là phóng tác, chứ không đủ trình độ dịch thuật. Ở Việt Nam thời đó làm được, chứ sang đến Mỹ (xin lỗi bạn nhé), mà giở trò ma bùn ấy ra thì nó bỏ mẹ, nên đành phải giở mánh ra "luộc" anh em để kiếm ăn bằng những phóng sự rẻ tiền, những người anh em ở xa hắn, không phản bác được bài viết không phải đùa cợt cho vui mà dìm bạn bè xuống để mình ngoi lên. Anh em ở đây không tát vào mặt hắn được, không đái hay ỉa vào mõm hắn vì tội nói bậy, nói láo, vì ở xa quá.

Chúng tôi đã tha thứ cho hắn để hắn kiếm những đồng đô la vấy bẩn do sự ti tiện của hắn mà nuôi thân. Tôi nghĩ hắn là con người nên còn biết xấu hổ, nhưng điều tôi không ngờ nhất là đến nay, tôi nhận được Giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp của Khởi Hành tặng, do sự đóng góp của các độc giả và bạn bè đồng nghiệp, hắn lại lồng lên, viết liên tiếp mấy bài báo chửi tôi thậm tệ, chửi cả tờ báo trao giải thưởng cho tôi, không phải trên một tờ, mà trên hai ba tờ báo. Những bài báo hắn chửi bới này, tôi không đọc mà chỉ nghe người thân, trong có em ruột và em họ tôi đang ở Little Saigon, nói lại.

Tôi đã định không lên tiếng, như đã bàn với anh Viên Linh, chủ nhiệm Khởi Hành, vì dính vào hủi làm gì cho bẩn mình ra. Qua những tác phẩm tôi đã viết đăng báo và xuất bản ở nước ngoài gần đây, tôi nghĩ độc giả cũng có đủ dữ kiện để đánh giá về tư cách tôi và đường lối làm việc của tôi. Nhất là khi cầm lại cây bút trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, lại nguy hiểm cho an ninh bản thân.

Viết truyện đời tư người khác để kiếm sống, lại nói đến Tài và Ðức

Ðộc giả không thể ngộ nhận qua lối bôi nhọ của hắn, một mặt bôi nhọ người được trao giải, mặt khác nhắc đến vụ Hồ Con Rùa gì đó mà hắn rêu rao có tham dự, cho rằng hắn mới là người xứng đáng có "khí tiết". Rõ ràng là đồ mặt dầy, một sự trơ trẽn không có lời để nói hết. Tôi muốn bỏ qua cho hắn và nghĩ đến chuyện dĩ hòa vi quý là tốt hơn hết. Nhưng hắn đã bôi nhọ đến danh dự của tôi quá đáng, lại dùng tài liệu giả để bôi nhọ tôi. Những tờ báo nào đăng tải bài chửi tôi mà không đủ bằng chứng rõ ràng tôi sẽ kiện tờ báo ấy về tội bôi nhọ, buộc họ phải xin lỗi vì đã dung dưỡng một kẻ vô lại, bằng luận điệu mất dậy, giống vô loại, đớp trộm bạn bè như giống chó, đểu gíả. Hắn có cái ganh ghét của một đứa con nít rằng sao người khác được cái bánh, cục kẹo mà nó không có.

Tôi tiếc rằng tuổi hắn đã già tóc bạc trắng, từng có cháu gọi bằng ông mà còn ngu dại. Hắn đã đánh mất cái liêm sỉ của một con người, đánh mất tất cả mà có thời người ta đã gọi hắn là nhà văn nhà báo, cho hắn đứng chung hàng ngũ nghề nghiệp, nói chuyện về hắn, một kẻ xưng mình là Công Tử Hà Ðông, mà còn thua cả tư cách mất dậy như nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao đã viết cách đây sáu chục năm. Nhân vật Chí Phèo được người đời sẵn sàng tha thứ vì là kẻ nghèo hèn, vừa đáng giận vừa đáng thương. Người ta ghê tởm mà cho nó tiền đi uống rượu để khớp cái mỏ của hắn lại, không làm phiền, làm rác tai đến ai nữa. Người ta coi loại người như hắn là mõm chó vó ngựa.

Trong đất nước ta có bao nhiêu nhà văn nhà thơ chửi đời và chửi người, nhưng nào ai dám khinh, trái lại còn mời vị ấy ngồi lên ghế cao, còn thằng công tử tỉnh lẻ này người ta phải khinh hắn thôi, vì hắn vô tài bất tướng lại bắt người khác phải công nhận hắn chửi mắng người khác chỉ vì không cho hắn những gì hắn ước muốn. Tôi khẳng định tư cách của hắn là tư cách bồi bút, một tên chuyên viết thuê bẩn thỉu trong làng báo làng văn, làm ô nhục cho giớí báo chí, lạm dụng danh xưng văn sĩ, thi sĩ dùng văn chương vào những việc bậy bạ, mưu đồ xấu xa bán rẻ bằng hữu vì được người ta trả cho vài chục đô một bài.

Từ bao lâu nay gọi hắn là nhà báo, nhà văn là một sự sai lầm, hắn không xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của những người có thực tâm muốn dùng ngòi bút đánh thức lương tri của những kẻ dùng quyền lực sống trên đầu trên cổ những người dân thấp cổ bé miệng không có gì để tự bảo vệ mình.

Thật tình tôi không muốn nhắc đến tên hắn vì sợ làm bẩn ngòi bút của tôi, nhưng nay tôi phải lên tiếng, vì tôi tôn trọng giải thưởng và tôn trọng những độc giả đã vì sự nghiệp văn nghệ mà còn nhớ đến tôi. Ðây là sự lao động trí óc của tôi mà có được thôi, và được đánh giá xứng đáng. Tôi cũng không muốn trả lời những điều hắn bôi nhọ tôi và tờ báo đã trao giải thưởng cho tôi nhưng điều tôi muốn nói ở đây là tôi muốn nói với độc giả của mình: các bạn yên tâm, những tình cảm các bạn dành cho tôi là đúng và những lời xuyên tạc của kẻ có dã tâm bẩn thỉu kia không làm tôi nao núng; vì tôi tự đánh giá và biết tôi sống và viết bằng sự thật, luôn luôn khẳng định: không bao giờ chịu lùi bước trước những thế lực muốn vùi dập thân phận tôi, chỉ vì tôi yêu quí nghề nghiệp của mình và luôn tâm niệm chỉ nói lên sự thật. Hắn luôn luôn kênh kiệu cho rằng chỉ có hắn mới là người vừa có tài, vừa có đức.

Thưa các bạn,

Nếu nói đến cái tài của hắn từ xưa đến nay,cũng chỉ ăn bám vào những tác phẩm của người khác để phóng tác và những truyện hắn viết cũng thuộc loại thường thường, sau ngày "giải phóng" thì cũng chỉ nhai đi, nhai lại vài từ coi là chống Cộng là "ngã ba cụ Hồ," và gọi thành phố Sài Gòn là cái "thành Hồ," rồi hết đề tài mang những chuyện nội bộ trong gia đình của những người bạn để có cái mà viết, đó là điều người có liêm sỉ không bao giờ làm.

Trong cuộc đời của mỗi con người có nhiều chuyện đau lòng, những đổ vỡ hoặc chuyện vợ chồng phải chia tay do thời cuộc, hoặc nhiều lý do khách quan chỉ người trong cuộc mới biết, đó là những cái bất hạnh, những chuyện đau lòng. Bạn bè nếu quí nhau, người ta còn tránh nhắc đến những chuyện ấy, nhưng trái lại hắn là một thằng vô sỉ, cười đùa trên cái bất hạnh của kẻ khác, mang lên mặt báo mổ xẻ những đau khổ của gia đình người ta, nếu hắn có can đảm thì hãy mang chuyện gia đình vợ con của mình mà bêu riếu để cho mọi người cùng biết, tôi tin rằng những bài như thế sẽ ly kỳ hấp dẫn hơn nhiều so với những chuyện của kẻ khác.

Còn luận cái đức, trong đời hắn đã làm bao nhiêu là việc thiện, giúp đỡ ai, ngoài việc ganh tỵ, ghen ghét với người khác. Trong khi đó lúc nào hắn cũng kêu gào, đòi chống Cộng triệt để, xuyên tạc những lời nói, việc làm của kẻ khác, chửi bới người ta nâng bi, ca ngợi Cộng Sản, khi tôi có nhắc đến cá nhân Huỳnh Bá Thành, một cán bộ CS, nhưng đối với bạn là một con người tốt, biết giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh không phân biệt kẻ ấy có phải là ngụy, không đòi hỏi người chịu ơn ấy điều gì. Huỳnh Bá Thành là một kẻ có tình người, mà tôi mang ơn anh ta, như nhiều người khác anh ta đã giúp đỡ. Tôi ca tụng cái đẹp của tình người, đúng với lương tâm của một con người, bất kỳ con người đó ở phe phái nào. Như mới đây một nhân vật được người ta nóì đến nhiều là cụ Hoàng Minh Chính .

Cụ Hoàng Minh Chính nguyên là người CS nòi được một đồng bào hải ngoại trân trọng mời sang Hoa Kỳ chữa bệnh, người ta quý mến vì những lời phát biểu của cụ. Cụ dũng cảm dám nói lên những nghĩ của mình, nhận định tình hình chính trị, những sai trái của nhà nước CS trong nước đang cai trị 80 tnệu dân Việt, dù cụ đã tám mươi mấy tuổi, trong người lại mang trọng bệnh. Cụ đúng là một kẻ Sĩ. Một Dương Thu Hương mạnh mẽ can đảm dùng ngòi bút để làm vũ khí chống lại những bất công, những giả dối. Lột tả hết những khốn nạn của người dân ở trong cái gọi là thiên đường Cộng Sản nhưng lại là "Thiên Ðường Mù", được các báo Việt ở hải ngoại và được báo ngoại quốc ca tụng. Một ông cụ như Hoàng Minh Chính, một nhà văn như Dương Thu Hương, họ có phải là người xuất thân từ' CS hay không?

Như vậy cũng rõ bất cứ ai, không phân biệt họ là thuộc phe phái nào, một khi thấy lầm lên tiếng, là có cái dũng của kẻ Sĩ, nhân cách họ tỏa sáng, đều được người đời kính phục. Chỉ có những kẻ có tâm địa khốn nạn, xuyên tạc những cái hay, cái đẹp, cái nhân, cái nghĩa đó là bản chất của người Việt mà người ta đang cố giữ gìn và duy trì nó.

Nói theo luận điệu của kẻ ếch ngối đáy giếng là Hoàng Hải Thủy, thì ngày nào ngứa mồm hắn có thể kết tội những người có tấm lòng vàng, đã tìm mọi cách đưa cụ Chính đi chữa bệnh và những người viết bài ca tụng Dương Thu Hương là kẻ nịnh nọt, bợ đỡ Cộng Sản, ca tụng Cộng Sản. Tôi nhấn mạnh một điều chúng ta là người có lương tri chúng ta không căm thù những người sống với CS mà chống mọi bất công bất cứ từ đâu tới.

Về bài báo viết về Nguyễn văn Trỗi trước 1975

Mấy chục năm trước tôi là nhà báo, được chứng kiến cái chết của Nguyễn văn Trỗi từ đầu đến cuối, tôi không hề ca tụng anh ta là liệt sĩ. Bài báo tôi đã viết từ mấy chục năm trước, khi tôi là ký giả của tờ báo Thiện Chí, bị kiểm duyệt đục bỏ gần hết, tôi cho đăng lại vì những tài liệu tôi được đọc sau ngày "giải phóng" nói quá sự thật không đúng như những điều tôi chứng kiến lúc người ta tử hình Nguyễn văn Trỗi. Không phải một mình tôi mà còn có hai người nữa là phóng viên Song Thi và Hải Bằng. Ðối với Nguyễn văn Trỗi dù anh ta chết cho lý tưởng nào đi nữa, niềm thương cảm tôi dành cho anh, một người còn quá trẻ, mái tóc còn xanh mà đã chết, tôi thương cảm cho thân phận con người của hắn, khi nhìn thấy dòng máu của hắn chảy qua ngón tay đeo nhẫn, nghĩa là hắn đã có vợ, có một người tình, còn cả một tương lai mà không được hưởng, thương cho một người chết trẻ, không luận cái chết đó đúng hay sai. Cái dũng cảm của người viết dám ký tên thật của mình, không cần ẩn vào một tên khác để trốn tránh trách nhiệm, hay ném đá giấu tay. Ðiều này tôi đã viết trong "Hồi ức 40 năm làm báo." Ðã đăng báo ở hải ngoại, mở trang Web lên là thấy, tôi cũng xin trích trong bộ sách ấy:

"... Cũng trong thời gian này chính quyền miền Nam do tướng Nguyễn Khánh lập chính phủ, xử tử Nguyễn văn Trỗi, tại bãi cỏ khám Chí Hòa, ký giả chúng tôi được sĩ quan Bộ Quốc Phòng đưa đến chứng kiến cuộc hành quyết. Cái áo quan để cạnh cột thọ hình mang một cây thập tự giá bằng sắt xi mạ trên nắp hòm, vì đêm qua anh đã trở lại đạo do cha Yến rửa tội. Sau những lời tuyên bố của anh, sau cuộc hành quyết, nhà báo chúng tôi lên xe ra về. Chúng tôi nói với nhau đúng anh là người Cộng Sản."

Sau này tôi xem phim và đọc những quyển sách viết về Nguyễn văn Trỗi, tôi thấy hoàn toàn sai lệch. Bài báo của tôi tường thuật trên tờ Thiện Chí bị đục bỏ nham nhở.

'Tôi xin nói rõ hơn, người sĩ quan Bộ Quốc Phòng đó là thiếu tá Hoàng Ngọc Liên, hiện giờ đang ở bên Mỹ và cũng tham gia văn nghệ . Còn hai ký giả mà tôi nói chuyện tới là bạn tôi, ký giả Hải Bằng hiện nay cũng đang làm báo ở bên Mỹ, nữ ký giả Song Thi, nay không biết ở đâu. Cái hình Nguyễn văn Trỗi thọ hình có dính cả hình tôi, anh ta đang trả lời những câu phỏng vấn cuối cùng với chính tôi.

Vậy thì nói dính đến CS chưa hẳn là kẻ bợ đỡ CS, hay tôn vinh họ là liệt sĩ như lời Hoàng Hải Thủy đã xuyên tạc, bôi nhọ, hầu làm hại tờ báo không đăng bài anh ta. Chuyện có sao nói vậy, lương tâm nghề nghiệp của người cầm bút , tôi là một chứng nhân lịch sử, tôi phải nói lên sự mà thôi, quyền của một người làm báo, thương cho một người còn trai trẻ mà bị chết vì một lý tưởng nào đó. Dù đúng hay sai, chuyện kết tội đó là của người khác. Như thời tôi làm phóng viên chiến trường, tôi thấy trên chiến địa còn bỏ lại xác chiến binh cộng sản, những thương binh của họ bỏ lại nằm lê lết, được phía Cộng Hòa cứu chữa, có anh lính Cộng Hòa trẻ, còn cúi xuống chiến binh bị thương của địch, anh ta châm cho người chiến binh ấy một điếu thuốc Quân Tiếp Vụ.

Ở đây không còn căm thù mà chỉ còn tình người, vậy thì việc làm đó của anh lính Cộng Hòa có đáng được tôn vinh hay không, hay đáng chửi, đáng kết án. Hay đó là tinh thần mã thượng của người chiến sĩ đáng tôn quí hay đáng chụp mũ bẩn thỉu. Tôi không chấp nhất tên ấy, nhưng đụng chạm đến liêm sỉ của tôi, tôi lên tiếng thôi để khỏi bị ngộ nhận.

Hoàng Hải Thủy và chuyện khám Chí Hòa

Hoàng Hải Thủy có bị ở tù Cộng Sản sau 30-4, sau đợt thu gom văn nghệ sĩ, nhưng không hề ở khám Chí Hòa, mà một trại giam khác, nên không hiểu được sinh hoạt của các tù nhân tại khám đường Chí Hòa.

Anh ta viết trong bài tôi tả khám Chí Hòa không đúng ! Chưa nói chuyện khác, có "nhà văn" nào lại viết nhà văn kia viết cái đó dở hơn tôi, viết sai, tôi viết mới đúng ?

Nội qui của khám đường nào cũng có, nội qui cấm ca hát ( để nghiêm túc "học tập cải tạo.") . Nhưng tù tại khám Chí Hòa không biết sợ là gì, đêm nào cũng ca hát với nhau, dù có bị đánh bị đập, bị nhốt biệt giam cùm chân tay họ cũng không sợ. Huống hồ một Ali Hùng kẻ mang án tử vì tham gia vụ Vinh Sơn còn gì mà sợ nữa, anh trăn trối lại với đời, với đồng bào anh những ca khúc mà anh từng ngưỡng mộ, lời trăn trối ấy là những lời thật nhất của con người trước lúc lìa đời, không thể phủ nhận, không thể mang ra bôi nhọ được, đó là điều linh thiêng, không phải chuyện đùa.

Những nhân chứng đêm hôm 9-8-1978 đó tôi đã nêu ra trong bài viết Ký Ức Về Tiếng Hát Người Tử Tù đăng trên Khởi Hành vẫn còn sống, hiện họ sống ở nước ngoài. Trong đó có hai người là luật sư Triệu Bá Thiệp, luật sư Trần Danh San, hai trong ba người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, bị bắt bị bỏ tù đầu tiên. Họ là người làm chứng cho tôi là tôi đã nói lên sự thật đêm hôm 9-8-1978 tại khám Chí Hòa. Trần Danh San đang ở tại Cali, Triệu Bá Thiệp ở Canada. Luật sư Nguyễn Hữu Giao, đã qua đời năm 1991 tại Pháp, tôi không nói đến.

Tên công tử người làng thợ thêu tỉnh lẻ này quen cái thói: bôi bác được ai là bôi bác, để kiếm tiền lẻ, chỉ muốn có vài chục đô mà hắn mang cả chuyện gia đình người ta để viết, nhân cách và liêm sỉ của hắn chỉ chừng đó giá thôi, loại nhân cách khốn nạn, bỉ ổi, chuyên kiếm sống bằng thứ văn chương hàng chợ.

Trong đợt đầu văn nghệ sĩ bị bắt bị thâu gom, hắn ta cũng bị bắt được ít lâu tính theo ngày tháng, hắn được anh ruột, nay là Cộng Sản lớn, bảo lãnh cho về, tôi không nhớ đầy đủ họ tên ông này, chỉ nhớ tên ông ta là Chất.

Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa, có một thời gian ông này phải trốn trong nhà Hoàng Hải Thủy thuê tại đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận, ngay bên cạnh nhà của nhà báo Duy Sinh thời đó, nay cũng ở Hoa Kỳ. Nhiều bạn bè biết chuyện ấy, nhưng tố cáo làm chi, vì nghĩ đó là tình máu mủ ruột thịt thì hắn phải làm việc "chứa VC trong nhà". Người quốc gia khác người CS ở điểm đó, vì họ không muốn biến thành Công an nhân dân, hay tên chỉ điểm không công.

Nói về tên công tử thợ thêu tỉnh lẻ này mãi cũng chán bỏ mẹ, nhưng phải nói thôi, xin coi đây là bức thư tâm tình gửi bạn. Cho tôi gửi lời cám ơn đến các độc giả của chúng ta, các bạn bè. Tôi phải nói lên những điều này cũng đau cho tôi lắm, tôi viết không phải để trả lời hắn, nhưng để tránh cho độc giả và bà con của tôi chuyện ngộ nhận.

Tôi từng viết tiểu thuyết phóng sự nói về nỗi khổ trong cuộc đời, dù bất cứ chế độ nào, nhưng tôi mang chính những nỗi khổ, sự vùi dập mà tôi đã trải qua để làm bằng chứng, chứ không mang người khác ra để bôi nhọ.

Nếu nói đến gia đình họ hàng tên mõm chó vó ngựa này còn rất nhiều chuyện để nói. Hắn là tên nghiện thuốc phiện, thường xuyên thiếu tiền hút xách nên luôn làm chuyện bậy bạ. Tôi đã toan bỏ qua mọi chuyện cho hắn theo lời của vài người bạn ở đây can gián, nhưng đến nay tôi thấy không được nữa rồi, tôi phải lên tiếng để cho vợ hắn biết, vợ hắn dậy bảo hắn như đã từng dậy bảo như xưa kia. Tôi thật xấu hổ khi đã trót coi tên này là bạn và làm cha đỡ đầu cho con gái tôi.

Thân mến
Nguyễn Thụy Long

Báo Việt Express, xuất bản ở Nam Cali- số 11 ngày 15-12-2005

***
Vài nét về nhà văn Nguyễn Thụy Long

Nhà văn Nguyễn Thụy Long (sinh 1938) là Cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu văn:

"Đường đi khó, không phải vì ngăn sông cách núi mà lòng người ngại núi e sông".

Ông cùng cựu học sinh Hồ Ngọc Cẩn đi lính không quân, là hạ sĩ quan tiếp vận. Vì tiếp xăng cho cái tàu bay C47 do Phan Phụng Tiên lái chở đám sĩ quan nổi loạn ngày 11 tháng 11 năm 1960, do Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi cầm đầu chạy sang Nam Vang, nên đã bị ra tòa án quân sự xử mấy năm tù, phải vào Chí Hòa. Ra tù, Nguyễn Thụy Long làm báo Ngàn khơi của Nhã Ca, viết phóng sự. Rồi làm báo Sống của Chu Tử, viết các tiểu thuyêt Loan mắt nhung, Kinh nước đen nổi tiếng như cồn. Loan mắt nhung được đạo diễn Lê Dân quay thành phim, rất đông ngươi xem.

Trước 1975, Nguyễn Thụy Long là tiểu thuyết gia viết về xã hội đen nổi đình đám nhất. Sau 1975, Nguyễn Thụy Long viết về thời đại cũng khá tầm cỡ.


TÁC PHẨM:
Vác ngà voi(1965)
Bước giang hồ (1967)
Chìm trên ngọn khô (1967)
Trong vòng tay đàn ông (1967)
Bà chúa 8 của ngục (1968)
Tay anh chị (1968)
Vết thù (1968)
Đêm đen (1968)
Bóng tối (1969)
Gái thời loạn (1969)
Kiếp hoang (1969)
Kinh nước đen (1969)
Nợ máu (1969)
Nữ chúa (1969)
Ven Đô (1969)
Xóm âm hồn (1969)
Bão rớt (1970)
Cầu cá (1970)
Dấu chân gió chạy (1970)

Loan mắt nhung (1970)
Nhà chứa (1970)
Biến đen (1971)
Biệt thự phủ du (1971)
Đàn ông đàn bà (1971)
Hạt giống của trời (1971)
Những cánh tay thuồng luồng (1971)
Sầu đời (1971)
Tốt đen (1971)
Vang tiếng ruồi xanh (1971)
Dưới chân non nước (1972)
Gió hú (1972)
Tử tội hoan hỉ (1972)
Mặt biển đêm (1973)
Bầy tiễu quỷ (197?)
Viết trên "Gác Bút"(1999)
Giữa đêm trường(2000)
Thuở mơ làm văn sĩ (2000)
Thân phận ma trơi (2000)