.




Trung Tâm Văn Bút Việt Nam

(miền Nam VN trước 1975)

NHỮNG ĐIỀU CẦN NÓI RÕ
NHẬT TIẾN


Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Phạm Việt Tuyền đã từ trần ngày 16-2-2009 tại Strasbourg (Pháp), hưởng thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho văn giới, đặc biệt là những thành viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Sau khi ông mất, đã có nhiều văn thi hữu viết bài tưởng niệm về ông và tuyên dương ông là một cây bút suốt đời tận tụy cho văn hóa.

Riêng trong lãnh vực sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, sự ca ngợi nhà văn, nhà thơ, nhà báo Phạm Phạm Việt Tuyền là điều chính đáng bởi ông là người xứng đáng với những lời ca ngợi đó qua sự đóng góp rất nhiều công sức kể từ khi Trung Tâm này được thành lập (cuối thập niên 50) cho đến khi miền Nam rơi vào tay CS (tháng 4-1975).

Tuy nhiên, trong khi ca ngợi những đóng góp của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Phạm Việt Tuyền đối với Trung Tâm Văn Bút thì cũng không nên xóa bỏ mọi công lao của rất nhiều thành viên khác. Nêu lên điều này tất không phải là vấn đề tranh cãi về chuyện công trạng của bất cứ ai, nhưng điều chính yếu là ngoài lẽ công bằng, ta còn nên để lại cho các thế hệ về sau những tư liệu văn học mà nội dung mang được tính chính xác.

Nhật báo Người Việt phát hành ở Nam Cali, số ra ngày thứ Tư 16 tháng 9-2009, nhà thơ Du Tử Lê có viết một bài mang tựa đề “Phạm Việt Tuyền, người chọn "vắng mặt". Trong phần nói về Trung Tâm Văn Bút, ông dựa vào lời kể của nhà báo Lê Phương Chi (tức Lê Thanh Thái, hiện còn ở tại VN). Điều này cũng là hợp lý, vì Lê Phương Chi là người rất thân cận với những sinh hoạt của Văn Bút miền Nam trước 1975 trong nhiều năm ròng rã. Tuy nhiên không phải vì thế mà bài viết của nhà thơ Du Tử lê lại không có những điều cần phải nói cho rõ.

Tôi xin nêu vài điều mà nội dung có thể tóm tắt theo nguyên văn bài viết như sau:

1) Nhà báo kiêm nhà văn Lê Phương Chi, có lần nói với tôi (Du Tử Lê) rằng, nếu không có sự tận tụy, kiên nhẫn, quên mình của Phạm Việt Tuyền, thì, sinh hoạt của TTVBVN thời đó, sẽ không có gì đáng nói.

2) Ông (tức Lê Phương Chi) cho biết, ngoài việc lo nhật tu sổ sách, giấy tờ, phát triển hội viên và, tổ chức những sinh hoạt có tính cách văn học cho hội, hàng tháng, họ Phạm còn phải trách nhiệm sự sống còn của nguyệt san Tin Sách nữa.

Vẫn theo ông Lê Phương Chi, thư ký tòa soạn lâu đời và, cuối cùng của nguyệt san Tin Sách thì, trên nguyên tắc, chủ nhiệm Tin Sách là chủ tịch đương nhiệm; và chủ bút là tổng thư ký của hội. Nói cách khác, nhà văn Phạm Việt Tuyền là “xếp” trực tiếp của ông. Nhưng:“Trong suốt bao nhiêu năm tôi làm thư ký tòa soạn, chủ bút Phạm Việt Tuyền tin cậy tôi hoàn toàn. Ông không đòi hỏi hay đề nghị tôi nên giới thiệu tác phẩm này, hoặc tác giả kia. Ông cũng cho tôi toàn quyền mời người điểm những cuốn sách mà tôi dự định giới thiệu...”

3) Về đức tính khiêm tốn, luôn chọn cho mình vị trí đằng sau sân khấu, bên trong cánh gà của tổng thư ký TTVBVN, tôi (tức nhà thơ Du Tử lê) nhớ, giữa thập niên 1960, để tạo sinh hoạt đều đặn cho hội, họ Phạm đưa ra sáng kiến, mỗi tháng, mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn học hay nghệ thuật, do hội viên đó, tự chọn. Nơi chốn (luôn luôn là thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc, ở đường Nguyễn Du), cùng những nhu cầu khác như người phụ diễn, trợ huấn cụ, quảng bá tin tức, mời khách tham dự... đều do ông đích thân liên lạc, cung ứng. Diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà, không phải đưa ông duyệt trước...

4) Tháng Mười, năm 1965, cá nhân tôi (Du Tử Lê) được mời. Trước khi nhận lời, tôi hỏi ông, tại sao, một người tên tuổi, uy tín như ông lại không phải là một trong những người đầu tiên thực hiện kế hoạch? Ông đáp: “Thì các anh, các chị cứ chịu khó nói trước đi. Khi không còn ai khác, lúc đó, tới phiên tôi cũng đâu có muộn màng gì...” Tôi hiểu, ông trung thành với chủ trương “tránh mang tiếng!”

***

Là một cá nhân đã từng tham gia sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút từ năm 1959 (Hội được thành lập ngày 21-10-1957 với tên Hội Bút Việt do nhà văn Nhất Linh làm Chủ tịch sáng lập), người viết bài này nhận thấy mình có cơ may được am hiểu nhiều sự việc của Văn Bút để có thể điều chỉnh lại những điều mà nhà thơ Du Tử Lê đã đề cập đến trong bài báo kể trên. Xin đi từng điểm theo thứ tự đã ghi ở trên.

1) Không có sự tận tụy, kiên nhẫn, quên mình của Phạm Việt Tuyền, thì, sinh hoạt của TTVBVN thời đó, sẽ không có gì đáng nói:

Không ai phủ nhận sự tận tụy, hết mình của cố Tổng Thư Ký Phạm Việt Tuyền đối với Văn Bút VN, nhưng cũng phải kể đến sự đóng góp bền bỉ, tích cực của nhiều cây bút lẫy lừng khác như Vũ Hoàng Chương (Chủ tịch kế nhiệm Nhất Linh), Thanh Lãng (chủ tịch kế nhiệm Vũ Hoàng Chương), Vi Huyền Đắc, Đỗ Đức Thu, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Tchya Đái Đức Tuấn, Nguyễn Hoạt, Lê văn Hoàn, Nghiêm Xuân Việt, Hoàng Xuân Việt, Đào Đăng Vỹ, Hồ Hữu Tường..v..v. Nếu căn cứ theo bài viết của nhà thơ Du Tử Lê thì tất cả các vị kể trên đã làm gì, đi đâu trong ròng rã hơn hai chục năm mà để đến nỗi không có cá nhân nhà văn Phạm Việt Tuyền thì “sinh hoạt của TTVBVN thời đó, sẽ không có gì đáng nói” ?

Xin nêu vài sự kiện có trong thực tế :

- Ngay từ hồi Hội Bút Việt còn đóng trụ sở tại số 39 đường Cô Bắc, một con phố rất hẹp ở sau lưng Chợ Cầu Ông Lãnh Sài Gòn, khi đi vào phải lội qua những quãng bùn lép nhép hôi tanh đầy mùi cá, thì hai dịch giả : Lê văn Hoàn (dịch tiếng Việt ra tiếng Anh), Nghiêm Xuân Việt (dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp) đã chuyển ngữ những truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Bình Nguyên Lộc, Đỗ Đức Thu, Linh Bảo…để gửi đi dự các cuộc thi do nhóm các Hội Văn Bút thuộc các nước trong vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim) tổ chức cứ 2 năm một lần. Tác phẩm ”Con chồn tinh quái” (nếu tôi nhớ không lầm) của nhà văn Linh Bảo đã một lần đoạt giải, nêu cao mầu cờ sắc áo VN trong văn giới quốc tế .
Đó không phải là điều đáng nói sao ?

- Trụ sở đầu tiên của Hội Bút Việt ở đường Cô Bắc chỉ là một căn nhà 2 tầng trong một con phố chật hẹp, tầng dưới dành cho gia đình ông Nguyễn văn Hinh, thư ký của Hội (sẽ đề cập đến nhân vật này ở phần sau) và tầng trên là chỗ hội họp của Ban Chấp Hành. Riêng tôi (Nhật Tiến) đã được nhà văn Nhất Linh giới thiệu vào Hội tại căn gác này và một thời gian sau, tôi trở hành Phó Tổng thư ký Hội, phụ tá nhà văn Phạm Việt Tuyền trong một số công việc, đặc biệt là tôi đã từng ghi chép biên bản của hầu hết các cuộc họp của Ban Thường Vụ cũng như của Ban Chấp Hành Văn Bút cho đến mãi tháng 4 năm 1975 (tất nhiên trừ những khi bị đau ốm).

Qua đầu thập niên 60, nhờ sự vận động tài trợ do Chủ tịch Thanh Lãng thực hiện (trước thì do Asia Foundation, sau thì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tài trợ) mà Văn Bút có cơ hội dời trụ sở về số 107 đường Đoàn thị Điểm Sài Gòn. Đây là một căn biệt thự rất đẹp, nằm ở ngay mặt tiền của một con đường cũng rất đẹp gần vườn hoa Tao Đàn, Sài Gòn. Biệt thự này có một sân rộng, tráng xi-măng, có thể làm chỗ đậu cho khoảng trên 10 xe hơi cùng một lúc. Đây là một tòa nhà có 2 tầng lầu rộng rãi. Tầng dưới chia làm hai : một phần vẫn để cho gia đình ông thư ký Nguyễn văn Hinh trú ngụ (lúc này ông Hinh đã có thêm dâu rể, con cháu) và phần còn lại dùng làm văn phòng của Văn Bút, có tủ sách, có bàn làm việc và có chỗ để cả máy in ronoéo cùng các ngăn chứa tài liệu. Tầng trên thênh thang, để trống thông suốt, có thể dùng làm Hội trường với khoảng trên 100 ghế ngồi và bục sân khấu. Ban Thường Vụ Văn Bút thường họp hằng tuần vào mỗi tối thứ Tư trên một cái bàn dài kê ở chính giữa (thông thường, các ghế sắt kê trong Hội trường đã được gom gọn lại, chỉ khi có những buổi thuyết trình, hội thảo thì mới được bầy ra). Phía ngoài của tầng trên là một hàng hiên cũng rất rộng rãi. Chủ tịch Thanh Lãng cũng đã có sáng kiến sử dụng hàng hiên này làm chỗ cho anh chị em văn nghệ sĩ lui tới (bất kể ngày nào) ngồi uống cà phê miễn phí và nói chuyện văn nghệ riêng tư. Chính Chủ tịch Thanh Lãng đã cho đặt mua 20 bàn nhỏ và 100 ghế xếp lùn cùng rất nhiều ly tách, phin cà phê, phích nước nóng để thực hiện cái Câu Lạc Bộ bỏ túi này.




Tạo cơ hội cho anh chị em văn nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ nhau để hàn huyên, để bàn chuyện sáng tác do nỗ lực của Chủ tịch Thanh Lãng, như vậy không phải là điều đáng nói sao ?

- Lại cũng cần nói thêm về cái tên Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Nó đã được đổi từ tên cũ là Hội Bút Việt. Việc đổi tên này là do Chủ tịch Thanh Lãng thực hiện trong nhiệm kỳ thay thế Chủ tịch Vũ Hoàng Chương vì đau yếu nên nhường lại. Linh mục Thanh Lãng cũng đề nghị chọn cho Văn Bút một cái huy hiệu để in trên các tiêu đề hay trang trí hội trường trong các buổi tổ chức. Sau nhiều phiên họp, Ban Thường vụ quyết định lấy mẫu huy hiệu trong có hình cây bút đặt xéo với thanh kiếm và thanh kiếm thì bị gẫy làm hai, ý nói “ngòi bút bẻ gẫy được cường quyền”. Trong huy hiệu có 2 hàng chữ : TRUNG TÂM VĂN BÚT VIỆT NAM và PEN Club International. PEN là cây bút nhưng cũng là những chữ đầu viết tắt : P=Poetes, Playwrights, E= Essayists, Editors, N=Novelists).

Như vậy, nói chung công lao làm cho Văn Bút có nhiều sinh hoạt đáng kể trong nhiều năm ròng rã không chỉ riêng nhà văn Phặm Việt Tuyền mà còn có sự đóng góp đáng kể của nhiều nhà văn hóa, văn nghệ lẫy lừng khác như Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Đỗ Đức Thu, Đào Đăng Vỹ, Lê văn Hoàn, Nghiêm Xuân Việt, Hoàng Xuân Việt, Hồ Hữu Tường, Nguyễn thị Vinh..v.v…













2) Ông (tức Lê Phương Chi) cho biết, ngoài việc lo nhật tu sổ sách, giấy tờ, phát triển hội viên và, tổ chức những sinh hoạt có tính cách văn học cho hội, hàng tháng, họ Phạm còn phải trách nhiệm sự sống còn của nguyệt san Tin Sách nữa.-

- Điều này không hoàn toàn đúng hẳn. Tất nhiên, Tổng Thư Ký của bất cứ hội nào thì cũng phải lo chuyện phát triển hội viên, nhưng “nhật tu sổ sách, giấy tờ” thì chắc chắn Hội Văn Bút không để cho Tổng Thư Ký của mình phải gánh vác hết, vả chăng nhà văn Phạm Việt Tuyền do bận rộn rất nhiều công việc như Chủ nhiệm nhật báo Tự do, Giám đốc Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do thì làm sao ông có thể đảm đương đủ mọi thứ công việc linh tinh như thế.

Người lo sổ sách giấy tờ, cập nhập danh sách Hội viên, gìn giữ hồ sơ sổ sách của hội chính là ông thư ký Nguyễn văn Hinh, người tận tụy với Văn Bút ngay từ thuở ban đầu và sau này trở nên già nua, chúng tôi còn gọi là Cụ Hinh. Tuy Cụ không hề dính líu gì tới chuyện văn chương chữ nghĩa, sự thành công hay vinh dự nếu có của Văn Bút cũng chẳng khiến cho Cụ được vẻ vang hơn gì, nhưng Cụ lại lo lắng công việc của Văn Bút một cách rất cần mẫn tỉ mỉ. Cụ đã cất giữ tất cả những mẫu thư triệu tập các loại phiên họp, các thứ thiệp như thiệp mời tham dự buổi Nói chuyện, buổi Hội thảo, buổi trao Giải Văn Chương do Văn Bút tổ chức..v.v. Chính vì vậy mà mỗi khi có việc tổ chức, Ban Thường Vụ chỉ giao cho Cụ ngày giờ, tên diễn giả, tên đề tài thuyết trình ..v.v.. là cụ lo chạy đi in thiệp, vô phong bì và theo danh sách hội viên mà gửi đi.

Một đôi khi Văn Bút cần ra thông cáo báo chí thì Ban Thường Vụ cũng chỉ cần soạn thảo nội dung và trao cho Cụ là ai nấy yên tâm rồi. Cụ sẽ ngồi đánh máy trên giấy stencil, quay ronéo nhiều bản và gửi tới mọi tòa soạn theo danh sách báo chí mà cụ vẫn tự cập nhật. Một người tận tụy như vậy mà bị xóa sạch công lao đóng góp thì thật vừa bất công, lại vừa bất nhẫn.

- Về nguyệt san Tin Sách, tôi thấy rõ là tuyệt nhiên không thể có sự “họ Phạm còn phải trách nhiệm sự sống còn của nguyệt san Tin Sách nữa.”, như nhà thơ Du Tử Lê nhắc lại lời nhà báo Lê Phương Chi (tức Lê Thanh Thái).

Sự thể là : tờ Tin Sách vốn là sáng kiến đầu tiên của nhà văn Trần Phong Giao khi ông còn đang trông nom tờ Văn cho nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng. Nội dung tờ Tin Sách chỉ hoàn toàn hướng vể chuyện sách vở, văn chương, gồm hai phần chính: khoảng 2/3 số trang được dành cho các bài phê bình về một số tác phẩm do các nhà văn, nhà thơ đã cho ra mắt trong tháng vừa qua, 1/3 số trang còn lại thì nội dung đúng nghĩa là những Tin về Sách hay nói một cách khác, đấy là một bản ghi một cách tóm tắt toàn bộ tên những cuốn sách vừa ra trong tháng, kể cả sách giáo khoa với vài thông tin ngắn gọn như tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, khổ sách, số trang và giá tiền.

Một loại nguyệt san như thế, tuy rất hữu ích cho giới độc giả để có thể theo dõi tình hình xuất bản sách trong tháng nhưng nó vẫn là loại báo khô khan, rất kén độc giả, nếu không có sự tài trợ thì khó lòng mà sống sót . Và sự sống còn của tờ Tin Sách là do Ban Thường Vụ Văn Bút đồng thanh chấp thuận trích ngân quỹ của Hội ra tài trợ, chứ không phải Hội khoán trắng cho nhà văn Phạm Việt Tuyền “trách nhiệm sự sống còn của nguyệt san Tin Sách”.

Cũng cần nói thêm là tuy Tin Sách được coi như một cơ quan báo chí của Hội, nhưng Hội vẫn giao phó cho nhà văn Trần Phong Giao toàn quyền quyết định về bài vở, nội dung tờ báo. Sau này Trần Phong Giao vì bận việc nên trao lại cho nhà báo Lê Thanh Thái thay thế. Công việc cứ thế tiếp tục, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ ai trong ban Thường Vụ xía vô nội dung của tờ báo hay đòi hỏi phải đăng bài này, rút lại bài kia. Đây là chủ trương của Hội Văn Bút chứ không phải chỉ riêng là tính cách vô tư của nhà văn Phạm Việt Tuyền.

3) Nhà thơ Du Tử Lê nhớ lại : giữa thập niên 1960, để tạo sinh hoạt đều đặn cho hội, họ Phạm đưa ra sáng kiến, mỗi tháng, mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn học hay nghệ thuật, do hội viên đó, tự chọn. Nơi chốn (luôn luôn là thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc, ở đường Nguyễn Du), cùng những nhu cầu khác như người phụ diễn, trợ huấn cụ, quảng bá tin tức, mời khách tham dự... đều do ông đích thân liên lạc, cung ứng. Diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà, không phải đưa ông duyệt trước...

Có vài điều sai lạc trong đoạn văn ngắn trên :

- Việc mỗi tháng mời một hội viên thuyết trình về một đề tài văn chương là kết quả của nhiều phiên họp bàn thảo kỹ lưỡng trong Ban Thường Vụ (sở dĩ phải bàn kỹ lưỡng vì không phải chỉ tổ chức có một buổi nói chuyện mà đây được coi là sinh hoạt thường xuyên của Hội mỗi tháng).

Hơn nữa, cho dù sáng kiến này xuất phát từ bất cứ cá nhân nào thì nó cũng phải dựa vào uy tín của các nhà văn, nhà thơ lão thành trong Hội. Chính nhờ uy tín của những vị này mà công việc mời diễn giả đảm trách một buổi nói chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Rồi đi vào công việc tổ chức thì cũng phải đòi hỏi nhiều công sức đóng góp của rất nhiều người (như lựa chọn diễn giả, tiếp xúc và thảo luận về đề tài nói chuyện, chuẩn bị hội trường và phát động trên báo chí, in thư mời và bỏ phong bì gửi bưu điện, tìm xướng ngôn viên điều khiển buổi nói chuyện..v.v…).

Nhà văn Phạm Việt Tuyền đa đoan nhiều thứ công việc quan trọng khác của Hội cũng như của riêng ông, làm sao ông có thể đích thân lo đến cả trợ huấn cụ cũng như mời khách tham dự hay quảng bá tin tức được.

- Nhà thơ Du Tử Lê cho biết nơi chốn tổ chức: luôn luôn là thính đường trường Quốc Gia Âm Nhạc, ở đường Nguyễn Du thì cũng là điều không đúng, bởi Thính đường này không phải luôn luôn sẵn sàng cung ứng (available) theo lời yêu cầu của Văn Bút, do Học Viện Quốc Gia Âm Nhạc còn bận rộn nhiều cuộc trình diễn khác.

Trong khi ấy, Văn Bút vì phải giữ thông lệ hàng tháng của mình nên nhiều khi phải chạy tìm chỗ khi chưa có trụ sở mới khang trang. Cuộc nói chuyện do Hội Văn Bút tổ chức cho chính tôi (Nhật Tiến) vào năm 1962 đã diễn ra tại hội trường của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (sau này trở thành Thư Viện Quốc Gia do công trình của Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, cụ Mai Thọ Truyền).

Đề tài thuyết trình của tôi hôm ấy là “ Vấn đề Tự Do của Người Cầm Bút trong sinh hoạt văn nghệ hôm nay”, qua đó tôi đã chỉ trích mạnh mẽ Sở Kiểm Duyệt, Bộ Thông Tin về sự đã hạch hỏi về tên nhân vật “Thiếu phụ áo đỏ” trong tiểu thuyết kịch “Người kéo màn” của tôi khi tôi đem kiểm duyệt, xin giấy phép in.

Người kiểm duyệt sách đặt câu hỏi : “Tại sao thiếu phụ không mặc mầu áo khác mà lại là áo đỏ ?”. Quả thực là tôi đã nhức đầu khi phải trực diện với tính cách chống Cộng kiểu này, nhưng do sự cương quyết của tôi, Bộ Thông Tin đã nhượng bộ và tôi được giữ nguyên tên nhân vật “thiếu phụ áo đỏ” của mình khi tác phẩm được in ra và để cho tôi có cơ hội nhắc lại việc này trong bài thuyết trình.

Kể lại điều này là để cho thấy chỉ có ở chế độ dân chủ tự do ở miền Nam thì mới có lối tranh cãi, có sự nhượng bộ, và có sự đăng đàn chỉ trích nói trên mà người trong cuộc vẫn không bị ai làm khó dễ gì. Gần 50 năm sau (tính tới năm 2009), so ra chế độ Cộng Sản Việt Nam bây giờ hãy còn thua xa lắc !

- Diễn giả chỉ cần cho biết đề tài bài nói chuyện mà, không phải đưa ông duyệt trước...Điều này đúng nhưng không phải do sự dễ dãi của riêng vị Tổng thư Ký Phạm Việt Tuyền. Nó là chủ trương tôn trọng tự do của người cầm bút theo Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế. Nó cũng chính là lý do để cho Hội Văn Bút VN được thành lập và có rất đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, hưởng ứng. Lẽ nào lại chỉ có một mình nhà văn Phạm Việt Tuyền dễ dãi với diễn giả, không cần phải đưa bài cho ông “duyệt” trước ! Một người suốt đời tận tụy với đường lối, chủ trương của Văn Bút như nhà văn Phạm Việt Tuyền, nếu được nghe ca ngợi mình qua câu này, chắc chính ông cũng phải thấy mắc cỡ !

4) Năm 1965, nhà thơ Du Tử Lê được Văn Bút mời nói chuyện. Ông kể :

“Trước khi nhận lời, tôi hỏi ông, tại sao, một người tên tuổi, uy tín như ông lại không phải là một trong những người đầu tiên thực hiện kế hoạch ? Ông đáp: “Thì các anh, các chị cứ chịu khó nói trước đi. Khi không còn ai khác, lúc đó, tới phiên tôi cũng đâu có muộn màng gì...” Tôi hiểu, ông trung thành với chủ trương “tránh mang tiếng!”

Xin có vài điều nói về đoạn văn trên:

- Việc nhà thơ Du Tử Lê muốn nhường buổi nói chuyện cho Tổng Thư Ký Phạm Việt Tuyền vì ông có tên tuổi, có uy tín và nêu thắc mắc tại sao ông Tuyền không phải là một trong những diễn giả đầu tiên khi thực hiện kế hoạch tổ chức các buổi nói chuyện hằng tháng, đối với tôi (Nhật Tiến) nó có vẻ không ăn khớp với thời gian. Như ở trên tôi đã kể, từ năm 1962 Văn Bút đã tổ chức các buổi nói chuyện, trong khi mãi tới năm 1965 nhà thơ Du Tử Lê mới tham dự, tức là sự việc coi như đã trở thành thường xuyên rồi, thì việc nhường nhịn “ai nói trước, ai nói sau” có còn cần thiết đặt ra nữa hay không ?

- Nhà Thơ Du Tử Lê đã kết luận cho câu chuyện nhường nhịn này:

“Tôi hiểu, ông trung thành với chủ trương “tránh mang tiếng!”.

Tôi thực tình bất ngờ khi đọc đến câu này. Mời một diễn giả trong một buổi nói chuyện hằng tháng vốn đã trở thành một sinh hoạt thường xuyên sau một thời gian dài, mà ông Tổng Thư Ký của Văn Bút lại phải dè dặt nhường người khác nói trước để tránh mang tiếng, thì tôi e nhà thơ Du Tử Lê thực đã quá suy diễn.

Theo kinh nghiệm làm việc của tôi với nhà văn Phạm Việt Tuyền qua nhiều năm ở Trung Tâm Văn Bút, tôi thấy ông tuy rất khôn khéo, dè dặt, nhưng không hề ngại ngần mỗi khi phải thực hiện một công việc cần làm. Cụ thể là trong các kỳ họp Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế, do quyết nghị đề cử của Ban Thường Vụ, nhà văn Phạm Việt Tuyền không hề từ chối và sẵn sàng thu xếp công việc để lên đường tham dự. Ông đâu có sợ bị mang tiếng ! Và như thế, ông đâu có phải là “người chọn vắng mặt” như tựa đề bài viết của nhà thơ Du Tử Lê !
***

Để kết thúc bài này, tôi chỉ xin nêu một ý nghĩ nhỏ:

Đó là khi viết những tài liệu văn hóa để gửi lại cho thế hệ mai sau, ngoài những tư liệu cung cấp trong bài, đức tính thận trọng khi cầm bút cũng là điều phải đặt thành một nhu cầu tối cần thiết.


NHẬT TIẾN
21-9-2009
Báo Việt Tide số 428, ra ngày 25-9-2009