SÀI GÒN 14-13 (NV) - Sĩ quan hải quân John Kerry 44 năm trước hôm Thứ Bảy đến Việt Nam trong vị thế ngoại trưởng Mỹ, cổ võ cải thiện quan hệ giữa hai nước từ thương mại, an ninh đến nhân quyền.
Đặt chân đến Sài Gòn đầu tiên của chuyến thăm viếng Việt Nam kéo dài 4 ngày, ông Kerry đã đi dạo quanh thành phố Sài Gòn và dự thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường như một biểu tượng bầy tỏ hậu thuẫn cho tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giới hạn chặt chẽ.

Ngoại Trưởng John Kerry (thứ ba, bên phải) tới Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn dự thánh lễ như một biểu tượng bày tỏ hậu thuẫn cho tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam hiện đang bị giới hạn chặt chẽ. (Hình: LE QUANG NHAT/AFP/Getty Images)
“Tôi không thể không nghĩ về hai quốc gia đã từng hành động cố gắng hơn, làm nhiều hơn và làm tốt hơn để xích lại gần nhau hơn và thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai đồng thời đem đến tương lai cho người dân vốn rất đặc biệt”. Ngoại trưởng Kerry nói như vậy với một nhóm doanh nhân, sinh viên và những giới khác tại trụ sở tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ.
Trước khi tháp tùng Tổng Thống Bill Clinton đến Việt Nam năm 2000, ông Kerry khi đó là thượng nghị sĩ đã quay lại đây 13 lần để vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Lần này trong cương vị ngoại trưởng.
Tại Sài Gòn, ông gặp cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để trình bày về Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đàm phán mà Việt Nam cũng tham dự. Chuyến đi của ông như dư luận được thông tin, không thể không đề cập tới vấn đề nhân quyền là mối quan tâm đặc biệt của chính phủ, nhân dân Mỹ và đặc biệt là cộng đồng người Việt hải ngoại.
Cũng tại Sài Gòn, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ngoại Trưởng John Kerry đã chứng kiễn lễ ký kết giữa công ty General Electrics (GE) và công ty xây dựng và du lịch Công Lý để xây dựng nhà máy điện sử dụng năng lượng gió với 52 turbine, trị giá $94 triệu, tại Bạc Liêu. Đây là dự án do hai ngân hàng US Import-Export Bank và Vietnam Development Bank bỏ vốn đầu tư.
Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thông báo, Hoa Kỳ sẽ cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá $4.2 triệu qua chương trình "Governance for Inclusive Growth" của USAID, để giúp thực thi TPP.
Để có thể tận dụng được toàn thể các lợi ích kinh tế, Ngoại Trưởng Kerry nói rằng Việt Nam phải thay đổi. Việt Nam phải “cam kết cho tự do Internet, cho một xã hội cởi mở hơn, người dân có quyền tự do trao đổi ý kiến, một nền giáo dục phẩm chất tốt hơn, một bầu khí kinh doanh hậu thuẫn cho các doanh nghiệp có sáng kiến, đồng thời phải bảo vệ nhân quyền, để cho người dân hội họp (tự do) và trao đổi ý tưởng. Tất cả những thứ đó tạo nên một nền kinh tế sinh động hơn, mạnh mẽ hơn mà trên hết là một xã hội sống động hơn.”
Theo ý kiến của ông, một chính sách cởi mở, tôn trọng nhân quyền thật sự, chỉ “tăng sức mạnh cho đất nước Việt Nam chứ không làm nó suy yếu đi. Hoa Kỳ kêu gọi giới lãnh đạo ở nước này hưởng ứng chiều hướng đó và bảo vệ các quyền đó”.
Ngoài Ngoại Trưởng John Kerry, Đại Sứ David Shear và một số giới chức Mỹ cũng tham dự thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường, do Giám Mục Nguyễn Văn Khảm, phụ tá tổng giám mục Sài Gòn, làm chủ tế cùng ba vị linh mục khác.
Chế độ Hà Nội thường xuyên bị đả kích vì siết chặt các quyền tự do căn bản của người dân. Bản phúc trình về tự do tôn giáo và nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đều nêu ra các trường hợp cụ thể mà nhà cầm quyền CSVN vi phạm.
Hồi Tháng Mười Một, vừa qua, CSVN đã ký vào “Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn” và được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Tuy nhiên, các hành động đi ngược nhân quyền vẫn diễn ra khắp nơi ở Việt Nam.
Công an CSVN vẫn đánh chết dân khi giam giữ, vẫn ngăn cản các sinh hoạt dân chủ dù chỉ đi phát các Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Chống Tra Tấn ở công viên, trước khi ông Kerry đặt chân đến Việt Nam. Trước khi ông Kerry lên đường, 47 nhà lập pháp đã gửi một bức thư thúc hối ông áp lực với Hà Nội phải nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết về nhân quyền quốc tế bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm hiện đang bị tù đày.
Trong chuyến thăm viếng này, ông Kerry dự trù đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông từng là một sĩ quan hải quân chỉ huy một tàu tuần giang vào các năm 1968-1969. Những kinh nghiệm của ông trong cuộc chiến đã làm thay đổi cách nhìn về chiến tranh khi ông trở về Mỹ.
Ông dự trù quan sát một số dự án nông nghiệp và đánh giá hậu quả của sự biến đổi khí hậu ở khu vực.
Khi ông tới Hà Nội, tin cho hay ông dự trù nêu vấn đề các tù nhân chính trị đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ và kêu gọi trả tự do cho họ. Nhưng có lẽ lý do chính của chuyến thăm viếng kéo dài 4 ngày này, theo thông tấn đã AP, là ông dự trù thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và các tranh chấp trên Biển Đông.
Theo dự trù, ông John Kerry sẽ gặp Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh.
Hà Nội mỗi khi gặp các viên chức cao của Hoa Kỳ đều nêu lên hai điểm chính là kêu gọi bỏ cấm vận võ khí và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, mà đến nay vẫn chưa được nhìn nhận. CSVN cũng như các nước ASEAN muốn Hoa Kỳ hiện diện nhiều hơn nữa ở khu vực để tạo lực đối trọng với các hành động bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Washington loan báo kế hoạch “xoay trục sang Á Châu” với các kế hoạch chuyển lực lượng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đồng thời thúc hối các bên tranh chấp Biển Đông nhanh chóng đạt đến thỏa hiệp về một bộ quy tắc ứng xử để tránh xung đột. (TN)