Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Trên đời chỉ có một việc đáng nói là tình yêu vì nó là mầm mống của sung sướng và là nguyên nhân của đau khổ.
Ronsard
Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123
Results 21 to 22 of 22

Chủ Đề: Hành Trình Chữ Nghĩa - Nhật Tiến

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Hành Trình Chữ Nghĩa - Nhật Tiến

    .

    Hành Trình Chữ Nghĩa
    Tư liệu Văn Học Nghệ Thuật
    Nhật Tiến





    LỜI NÓI ĐẦU

    Hồi xưa, thuở còn trẻ, khoảng thập niên 50 ở Hà Nội, ai đã từng thích viết văn thì thường hay sinh hoạt trong những Bút Nhóm. Có nhiều tên tuổi của những sinh hoạt Bút Nhóm đó sau này trở thành những cây bút thành danh như Nguyễn Đình Toàn, Song Hồ, Dương Vy Long, Hồ My, Tạ Vũ, Vũ Mai Anh, Hùng Phong Nguyễn Đức Cầu…v.v…

    Khoảng năm 1952, nhờ sự khích lệ của bạn bè trong Nhóm, tôi cũng đã được đăng một truyện ngắn đầu tiên trên báo Giang Sơn, tờ nhật báo của bác sĩ Hoàng Cơ Bình ở Hà Nội. Thế rồi sau đó, tôi cứ tiếp tục hăm hở viết và có bài trên các báo ở thời đó như Giang Sơn, Chánh Đạo, Thời Tập, Cải Tạo, Hồ Gươm…v..v…Những năm chập chững đó, tôi không ngờ đã là những bước khởi đầu cho một cuộc hành trình chữ nghĩa không ngơi nghỉ, kéo dài cho tới năm nay (2012) thì đã là đúng 60 năm. Gọi là không ngơi nghỉ vì sau Hiệp định Gènève 1954, tôi di cư vào Sài Gòn gặp được nhiều cơ hội tốt đẹp để có thể tiếp tục tham gia các sinh hoạt văn hóa, liên tục cho tới tháng 4-1975.

    Bẵng đi gần 5 năm, từ 1975 đến 1979 tưởng như sẽ không bao giờ còn có dịp cầm bút trở lại, thế mà tôi lại vượt thoát ra đi, may mắn tới được bến bờ tự do, để cuối năm 1979, ngồi dưới túp lá tả tơi của trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan, tôi lại có thể tiếp tục trở lại với sinh hoạt chữ nghĩa. Hiện nay, trong tay tôi còn 2 bản thảo, một cuốn mang tên Bèo Giạt Mây Trôi viết dở dang, một cuốn sắp hoàn tất, sẽ in trong nay mai, mang tựa đề “Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác Dưới Mái Nhà Trường XHCN”.

    Trong suốt cuộc hành trình chữ nghĩa dài dằng dặc đó, tất nhiên tôi đã để lại trên đường đi khá nhiều dấu ấn. Vui có, buồn có, hay có, dở có, thất bại đã lắm mà thành công thì cũng được ít nhiều. Tuy nhiên chẳng bao giờ, tôi cảm thấy phải hối tiếc về bất cứ điều gì mình đã viết ra, dù cho có phải trải qua bất cứ giai đoạn khó khăn nào của thời thế.

    Thông thường, những dấu ấn trên đường đi, ta vốn chỉ nên coi là những kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào trong quá khứ dù vui hay buồn thì cũng chỉ nên ghi gói trong lòng. Cuộc hí trường trong đời một con người, bất quá cũng chỉ kéo dài trong giới hạn dăm bẩy chục năm, nhiều lắm là trăm năm. Rồi hai tay buông xuôi. Mọi thứ trên hình hài sẽ trở về với cát bụi.

    Nhưng hình hài thì về với cát bụi, còn những dấu ấn để lại trong phạm vi tinh thần thì có sẽ phai mờ trong lớp bụi thời gian hay không ?

    Tôi nghĩ là không, vì nếu nó phai mờ trong trí nhớ để không còn được ai nhắc nhở tới thì lịch sử đâu còn lý do gì mà tồn tại ?

    Cho nên, trong sinh hoạt chữ nghĩa, đừng tưởng cứ hạ bút xuống rồi là phủi tay hết trách nhiệm. Rất có thể một vài năm sau, có khi cả chục năm sau, hay lâu lắc hơn nữa, ở những thế hệ kế tiếp cũng vẫn sẽ có kẻ lần mò vào thư viện tìm đọc lại những trang sách báo cũ để tìm hiểu về các lớp cha, anh với những gì mà họ đã làm, đã đóng góp cho lịch sử, và ngay cả về phương thức xử thế, đạo đức, nhân cách của họ nữa.

    Nhưng tiếc thay, trong cả rừng sách báo còn lưu trữ đó, vàng thau mọi thứ đã vô cùng lẫn lộn. Ở giữa những trang giấy mang tâm huyết của nhiều tác giả thì cũng đã tồn tại nhiều thứ giả trá của những tên lộn sòng nhân danh ngòi bút đã và đang còn tiếp tục quấy hôi bôi nhọ lên sinh hoạt chữ nghĩa bằng cách sẵn sàng vấy bùn lên bất cứ ai mà chúng ganh ghét. Thậm chí có nhiều trường hợp chúng coi nạn nhân như một thứ bàn đạp, sẵn sàng giẫm lên danh dự, tư cách, sự nghiệp của người khác để thỏa mãn một thứ mặc cảm tự ti hay hòng tạo dựng những nấc thang danh vọng cho bản thân mình. Tình trạng này thật sự đã và đang còn làm vẩn đục thị trường chữ nghĩa từ nhiều chục năm qua. Và vì đây là xứ sở tự do, nên sự tự do đã bị lạm dụng với một tinh thần rất vô trách nhiệm nên nó vẫn đang còn được nuôi dưỡng để tiếp tục kéo dài.

    Trong cuộc hành trình của chữ nghĩa như đã kể trên, chính tôi đã từng là nạn nhân của nhiều tên lộn sòng vào giới cầm bút qua nhiều vụ xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, chà đạp danh dự một cách bất cận nhân tình. Rất nhiều thứ ngôn từ thô lỗ, hạ cấp đã được bọn chúng sử dụng để lăng mạ tôi một cách vô tội vạ, cứ như thể chúng có toàn quyền áp đặt lên những người chúng ghét bất cứ hình phạt nào, chẳng cần quan tâm đến truyền thống giữ gìn lương tâm, liêm sỉ của một con người mang danh nghĩa cầm bút.

    Nhưng đã có một thời gian dài tôi hoàn toàn giữ im lặng trước những đòn thù vũ bão đó. Một phần vì tôi bận rộn nhiều chuyện phải làm, một phần khác, tôi tự nghĩ không nên phí thì giờ vào cái việc cứ phải săm soi lo gột rửa gót giầy giữa lúc trời còn đang mưa.

    Tuy nhiên có những vụ vì lý do an ninh, có khi đến cả sinh mạng của người công chính mà tôi bó buộc phải lên tiếng. Đây là trường hợp tên Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tờ Làng Văn ở Canada, vào thời điểm 1994, hắn vu khống tôi quyên góp của văn nghệ sĩ hải ngoại tới 18 ngàn đô la rồi đem về nước trao cho nhà văn Hoàng Lại Giang, Giám đốc phía Nam của nhà xuất bản Văn Học để nhà văn này in cuốn Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại của 35 tác giả ngoài nước.

    Hắn viết rằng số tiền này tôi đã trao tận tay cho Hoàng Lại Giang để lo việc in ấn, nhưng sách thì không in mà tiền thì biến mất. Thử hỏi vào thời điểm 1994, VN hãy còn ở giai đoạn sơ khởi vừa mới mở cửa như thế, thì trong vòng vây của các thế lực bảo thủ ở trong nước, vấn đề an ninh hay sinh mạng của nhà văn Hoàng Lại Giang sẽ ra sao khi bị nghi ngờ nhận tiền đút lót của người nước ngoài, im ỉm giữ một mình không chia chác cho ai ? Trước tình cảnh này, tôi bó buộc phải lên tiếng trả lại sự thật cho vụ này, vì nhà văn Hoàng lại Giang chưa bao giờ cầm một xu teng nào do chính tôi trao lại ( Xin mời đọc bài viết ở trang 125).

    Rồi một chuyện khác. Có thể độc giả nhiều nơi tại hải ngoại vốn ra đi từ những ngày đầu sau biến cố 30-4-1975, sẽ khinh miệt cá nhân tôi đến mức độ nào, khi đọc những lời vu khống, bịa đặt một cách trắng trợn của tên Nguyễn Thiếu Nhẫn đăng trên tờ SaiGon Times của nhà thơ Thái Tú Hạp xuất bản ở Los Angeles với nội dung cho thấy rằng :

    ... “ ...sau 30 tháng 4 năm 1975, ông Nhật Tiến đã đeo băng đỏ, hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt giữ văn nghệ sĩ phản động để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng, rốt cuộc chẳng được trả công bèn dẫn vợ con xuống thuyền vượt biển, gặp cướp Thái Lan!”

    Từ bấy đến nay (1995), thời gian cũng đã trên hai chục năm qua, các văn nghệ sĩ bị kẹt lại, bị CS bắt cầm tù hồi năm 1975, 1976 đã được trả tự do hết và rất nhiều người đã ra định cư tại hải ngoại. Nhiều người còn tiếp tục viết sách, viết báo ở ngay California này. Thế mà Nguyễn Thiếu Nhẫn có trưng ra được một bằng cớ nào về vụ tôi đeo băng đỏ, hướng dẫn công an nhân dân đi bắt văn nghệ sĩ đâu?

    Bởi làm sao mà trưng bằng cớ được khi mà trong suốt 20 năm vừa qua, những văn nghệ sĩ bị CS bắt cầm tù đã ra định cư ở hải ngoại không hề có một ai lên tiếng về chuyện này, lý do dễ hiểu là chuyện đó hoàn toàn do Nguyễn Thiếu Nhẫn bịa đặt. Với tâm địa nhân danh người cầm bút nhưng sẵn sàng bịa chuyện để hạ nhục người khác như thế, thử hỏi tất cả những gì do Nguyễn Thiếu Nhẫn viết ra có còn đáng được tin cậy nữa hay không ?
    (Xin coi bài phỏng vấn của Vị Giang, trang 133).

    Nói chung thì nếu tôi có bắt buộc phải lên tiếng một đôi lần trong quá khứ thì đó cũng chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Và phải nói cho chân thật rằng tôi thật sự đau buồn khi phải chứng kiến những con người công chính trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa như Phan Nhật Nam, như Hà Thúc Sinh, như Đỗ Ngọc Yến hay Nguyễn Chí Thiện….tất cả cũng đã từng là nạn nhân của các cuộc vùi giập không thương tiếc.

    ***
    Quả là đời sống có muôn ngàn hoàn cảnh, nỗi niềm kể sao cho hết. Nhưng khi ngồi nhìn lại cả một hành trình chữ nghĩa kéo dài đã tới 60 năm, tôi thấy việc gom lại những bài viết có tính cách tiêu biểu, những đọan tường thuật hay những ghi nhận về các biến cố lớn lao đáng ghi nhớ trong suốt khoảng thời gian dài nói trên, thành những tập tài liệu lưu trữ hay tham khảo thì cũng là việc nên làm. Đó là lý do bạn đọc đã cầm trên tay cuốn đầu tiên trong nhiều tập Hành Trình Chữ Nghĩa sẽ còn tiếp tục ấn hành trong tương lai.

    Và bởi vì mỗi thời điểm có những biến cố hay dữ kiện phát sinh trong hoàn cảnh lịch sử của thời điểm đó, nên trước mỗi bài viết, tôi in thêm dấu nhãn thời gian của từng bài. Đây là một dụng ý cần thiết, vì nó nhắc nhở rằng bạn đọc đang lùi về quá khứ. Và để nhận biết rõ ràng các tâm trạng đang được diễn tả, người đọc cũng cần lui nhận thức của mình về thời gian đó. Bởi mỗi thời điểm đều có một hoàn cảnh lịch sử đi kèm, nó chi phối hay phản ánh cung cách ứng xử hay suy nghĩ của mọi con người. Trong cương vị của người đã từng viết, từng phát biểu trong nhiều cuộc phỏng vấn, chính tôi cũng chỉ là một cá nhân đã từng chia sẻ nhiều suy tư hay cảm nhận của mọi người vốn đang sinh sống trong hoàn cảnh lịch sử đó.
    NHẬT TIẾN
    California ngày 8 tháng 2 năm 2012
    In lần thứ nhất : Tháng 2-1012
    In lần thứ nhì : Tháng 5-2013
    Nhà xuất bản Huyền Trân
    Nam California ấn hành

  2. #21
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Ý kiến của Nhà văn Phan Nhật Nam :

    "Chúng ta có thể bàn qua người bạn kế tiếp,
    Huynh Trưởng Hướng Đạo Sinh - Nhà Văn Nhật Tiến."

    Mạnh mẽ, rõ ràng hơn thái độ còn đôi chút ngập ngừng do “chưa” đi hết biển..” của Nguyễn Mộng Giác, sau câu hỏi ẩn ý thăm dò (kèm thoáng mỉa mai- pnn) của Trần Văn Thủy (“Thế thì anh hẳn gắn bó với nơi chốn nầy (đất Mỹ) lắm nhỉ?”), Nhật Tiến xác nhận:

    “Vậy mà không đấy. Về mặt tâm cảm, tôi chưa nhận nơi nầy làm quê hương. Nói một cách cụ thể: Tôi biết ơn nước Mỹ đã cưu mang toàn bộ dân tỵ nạn kể từ sau tháng 4 năm 1975, đã đem lại cho gia đình tôi đầy đủ cơ hội an cư lạc nghiệp. Nhưng nhìn lại cuộc chiến vừa qua, tôi vẫn thấy ám ảnh về sự bất hạnh đã áp đặt lên số phận dân tộc mình..”
    (TVT sđd, trg 68)

    Với trả lời như trên của Nhật Tiến, Trần Văn Thủy rất nhanh nhạy “đạo diễn” ngay để có một câu hỏi khác theo mẫu mực “chống Mỹ cứu nước”:

    “Từ năm 1990, nghe nói anh vẫn có dịp thường về thăm quê nhà"
    (Bạn đọc lưu ý, về thăm “quê nhà” chứ không phải cụm từ thông thường “về Việt Nam” khi trò chuyện - pnn)”
    (TVT sđd, trg 68).

    Nhưng không như Trần Văn Thủy “hy vọng”, Huynh Trưởng Hướng Đạo - Nhà văn Nhật Tiến định giá “đất Mỹ” và “quê nhà” cùng một lần với chân thật và chính xác:

    “Nỗi ám ảnh (về sự bất hạnh) này đã khiến cho tôi cảm thấy luôn luôn là kẻ lưu vong, trên xứ Mỹ cũng như ngay trên cả quê hương mình..”
    (TVT sđd, trg 68)

    Đạo diễn Trần Văn Thủy hỏi:

    “Điều gì đã khiến cho anh (NT) cảm thấy mình bị lưu vong ngay cả trên quê hương mình?”
    (TVT sđd, trg 68).

    Và đây là câu (thật) trả lời:

    “Cảm giác xa lạ, sự không thể hòa nhập được vào đám đông ở chung quanh mình và cái bầu không khí sinh hoạt văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật cũng như báo chí nói riêng, vẫn bao trùm một nền kiêu hãnh rằng: “dân tộc ta anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, cho Ngụy nhào”. Là một người xuất thân từ Miền Nam trước đây làm sao tôi có thể hòa nhập được..?”
    (TVT sđd, trg 68)

    Trần Văn Thủy hỏi tiếp (về cái “key” mà người Miền Nam thường tránh né (theo ý của người Miền Bắc) là do “mặc cảm thua trận”, như đã có người nói cùng học giả Nguyễn Hiến Lê):

    “Vậy cuộc chiến đã lùi xa, dưới cái nhìn của anh bây giờ, nó ra sao?”
    (TVT sđd, trg 69);

    hoặc vấn đề gây “đụng chạm” hơn:

    “Với anh (NT), tôi không ngại luận bàn những vấn đề chính trị tuy đã cũ nhưng cảm nhận của tôi có đôi chỗ khác anh. Nếu những người bộ đội, những người lính tham gia chiến tranh mà tới nay vẫn thực sự ý thức là họ hy sinh cho chính nghĩa, thì quả là điều đáng mừng. Nhưng tôi nghĩ, đối diện với cuộc sống hiện nay, tâm trạng thực trong cuộc đời thực, số đông không hoàn toàn như thế. Còn những người đã nằm xuống, tức là những người đã hy sinh như anh nói, chúng ta chẳng thể biết chính xác họ nghĩ gì khi xung trận”
    (TVT sđd, trg 69)

    Nhật Tiến không tránh né nhưng vào thẳng vấn đề trên một cách tự tin (cách của người tin vào Tính Thiện, Sự Thật):

    “Dĩ nhiên tôi không có thẩm quyền để phát biểu về tư duy của bộ đội miền Bắc trước 1975, nhưng nếu nói về những người lính VNCH đã nằm xuống, đã hy sinh mà bảo rằng chúng tôi chẳng biết chính xác về họ nghĩ gì khi xông trận thì không thể chấp nhận được. Đành rằng quân đội nào thì cũng có những mặt trái của nó như lính nhát gan, lính cướp bóc, lính đào ngũ.. nhưng với quân đội miền Nam, đó không phải là tính chất tiêu biểu..”
    (TVT sđd, trg 69-70)

    Câu trả lời của Nhật Tiến đã đề cập rất đầy đủ, không chỉ riêng đối với người lính, chiến tranh, mà phê phán đến cái gọi là “tinh thần dân tộc” của cả hai phe cầm quyền nơi miền Nam, lẫn miền Bắc thường nại ra để làm cớ sự giải thích cho lần tranh quyền, đoạt lợi của họ. Nhưng bởi anh không thuộc giới chuyên nghiệp quân sự nên tôi có thể bổ sung thêm những chi tiết:

    “Vâng, thưa ông đạo diễn Trần Văn Thủy, quân đội miền Nam có đủ tất cả những khuyết điểm (mà bất cứ tập thể quân đội nào trên thế gian nầy đều mắc phải - và cụ thể với lần thất trận vào năm 1975 - nên những khuyết điểm nầy đã trở nên hiện thực). Nhưng đấy là một quân đội gồm nhiều Người Lính Khắc Kỷ Hy Sinh và Cao Thượng Chịu Đựng hơn bất cứ người lính nào đã có mặt trong tập thể quân đội của các cộng đồng dân tộc trên thế giới - Và họ gánh chịu nỗi bất công uất hận nầy một cách có ý thức - Ý thức về Trách Nhiệm-Nghĩa Vụ với lòng Tận Tụy-Hy Sinh. Nếu ông được chứng kiến cả một thế hệ thanh niên Miền Nam (phần lớn là sinh viên của các phân khoa đại học chuyên nghiệp, đang được miễn dịch vì lý do học vấn) thay vì đến giảng đường, đã leo lên dãy GMC đậu dọc dài theo đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8, Sài Gòn) đến tận Ngã Sáu (Quân Vụ Thị Trấn) để đi lên trại Nhập Ngũ Quang Trung trong thời kỳ xẩy ra trận chiến Mùa Hè 1972.”

    Với trình bày nầy có thể Trần Văn Thủy bảo chúng tôi đã “hư cấu và cường điệu” về sự kiện tuổi trẻ miền Nam “ý thức chọn nghĩa vụ người lính”, vậy tôi xin nhắc lại trường hợp điển hình: Phạm Huy Phong (con trai còn lại độc nhất của Ông Phạm Văn Bính, cựu Tổng Trưởng Thanh Niên, Thủ Hiến Bắc Việt, nội các Bảo Đại, 1949-52). Vốn đang là sinh viên cao học ở Sorbone, Pháp, Phong tự nguyện về nước nhập học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức; đậu thủ khoa khóa sĩ quan, buổi mãn khóa có đủ hàng chục đơn vị thuộc tất cả các quân binh chủng để chọn lựa - Nhưng Chuẩn Úy Phạm Huy Phong đã tình nguyện về Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, và tử trận tại mặt trận Quảng Trị, Vùng I Chiến Thuật nơi đối diện với miền Bắc qua tuyến lửa phi quân sự. Tôi có thể kể ra danh tính hằng trăm, hàng ngàn người tuổi trẻ rất có ý thức để sống-chết với Quê Hương Miền Nam - Không nơi đâu xa, chỉ với đơn vị của chúng tôi - với mỗi Người Lính Nhảy Dù QLVNCH. Chúng tôi mong được lắng nghe về một trường hợp tương tự như của Phạm Huy Phong trong số đông những con em thuộc gia đình quan chức cộng sản ở Hà Nội. Hãy kể cho chúng tôi nghe tên về một người tuổi trẻ con của các quan chức lớn của Đảng Cộng Sản tình nguyện đi B (mặt trận Miền Nam), hay sau này khi phải đánh nhau với hai nước Cộng Sản láng giềng Trung Quốc và Cao Miên. Chỉ cần một người thôi.

    Trước khi từ giã người trung trực Nhật Tiến, chúng tôi nhận thấy cần đề cập đến một thái độ không mấy “fair play” của Trần Văn Thủy (để tiếp mở đầu cho phần tới). Đấy là, Trần Văn Thủy không bỏ lỡ một cơ hội nào để mở lối “tấn công chính trị (!)”, điển hình với cách đặt vấn đề: “Rõ ràng hòa hợp, hòa giải là cần, là “sinh lộ” cho dân tộc ta như anh (NT) nói, nhưng tôi không nghĩ nó là thần dược chữa bách bệnh như mất dân chủ, nghèo nàn, chậm tiến.. (rồi bỗng dưng chuyển qua).. Anh (NT) nghĩ sao về những “khuynh hướng cực đoan” trong cộng đồng VN ở hải ngoại như những chủ trương không du lịch về VN, không gởi tiền về trợ giúp thân nhân, cũng như các công tác từ thiện...”
    (TVT sđd, trg 71-72).

    Hai vấn đề (“Mất dân chủ ở trong nước” và “Khuynh hướng cực đoan trong cộng đồng người Việt - Không chịu về VN du lịch”) hoàn toàn không liên hệ gì với nhau cả. Mất dân chủ là do cơ cấu “Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-Nhân dân làm chủ”, còn “khuynh hướng cực đoan không muốn du lịch về VN” là của riêng những ông, bà nào đấy muốn “biểu diễn lập trường” với chính họ, hoặc vì một lý do nào khác, cụ thể như tự bản thân cá nhân - không thích thấy những ông công an hậm họe nơi phi trường. Những người có “khuynh hướng cực đoan” ấy không hù dọa, trấn áp được ai - kể cả những người thân cận trong gia đình (ngoại trừ những đứa nhỏ vị thành niên không được phép đi xa một mình, hoặc không đủ tiền mua vé máy bay). Thế nên đã có kết quả như lời Nhật Tiến rành rọt kể ra:

    “Từ nhiều năm qua.. Tôi thấy du lịch về VN không còn là một điều phải giấu diếm (Ai giấu ai? Để làm gì? Tại sao phải giấu? pnn); các nhóm thiện nguyện đem tiền bạc và kỹ thuật về làm công tác từ thiện trong nước càng ngày càng nhiều.. Việt kiều hải ngoại gủi về mỗi năm lên tới hàng 2,3 tỷ đô-la thì đủ thấy người Việt hải ngoại gắn bó thế nào với quê hương, đất nước..”
    (TVT sđd, trg 73)
    (ngưng trích)

    ***

    HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA
    Tư liệu văn học của
    NHẬT TIẾN

    (TRỌN BỘ 3 CUỐN)

    do nhà xuất bàn Huyền Trân ấn hành
    lần thứ nhất ở Nam California, Tháng 2-2012
    In lần thứ hai :Tháng 5 -2013

    ***
    Đã đăng ký tại United States Copyright Office
    ISBN # 978-0-615-60408-4

    ***

    Đã ra tiếp trong năm 2012 :

    SỰ THẬT KHÔNG THỂ BỊ CHÔN VÙI
    (HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA –Tập II)

    MỘT THỜI NHƯ THẾ
    (HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA –Tập III)

    NHÀ GIÁO MỘT THỜI NHẾCH NHÁC
    (Ghi chép của một nhà giáo dưới mái nhà trường XHCN sau năm 1975)

    MƯA XUÂN
    (Tập Truyện-Kịch chưa hề in thành sách
    Gồm 8 truyện ngắn và 2 vở kịch)

    THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ
    Tiểu thuyết hồi ký – Ấn hành ở Sài Gòn năm 1973
    tái bản lần đầu tiên ở hải ngoại





  3. #22
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    "60 năm cầm bút, vui ít, buồn nhiều..."

    Nhà văn Nhật Tiến:
    "60 năm cầm bút, vui ít, buồn nhiều..."

    Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

    Nhật Tiến là một tên tuổi lớn trong làng văn Việt Nam. Cầm bút từ lúc còn là học sinh trung học ở Hà Nội, tiếp tục viết khi vào Nam sau 1954, ông vẫn in tác phẩm khi ra hải ngoại. Nhật Tiến viết nhiều thể loại, truyện dài, truyện ngắn, kịch, viết cho tuổi thơ và đã xuất bản trên 20 tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là “Những Người Áo Trắng,” “Thềm Hoang,” “Người Kéo Màn,” “Chim Hót Trong Lồng,” “Giấc Ngủ Chập Chờn”... Một số truyện ngắn của ông cũng đã được dịch ra Anh và Pháp ngữ. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn tiếp tục nghiệp chữ nghĩa, và vừa hoàn tất hai cuốn “Hành Trình Chữ Nghĩa” và “Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác Dưới Mái Nhà Trường Xã Hội Chủ Nghĩa.” Nhân dịp này, ông dành cho Người Việt cuộc trò chuyện văn học sau đây. Cuộc phỏng vấn do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.




    Nhà văn Nhật Tiến. (Hình: Nhật Tiến cung cấp)

    Người Việt: Nhìn lại những bến bờ chữ nghĩa trên nửa thế kỷ cầm bút, ông cảm nhận như thế nào?

    Nhật Tiến: Cũng chẳng khác chi “vạn nẻo đời thường,” những “bến bờ chữ nghĩa” trong tâm khảm của tôi cũng ghi nhiều dấu ấn lắm lúc chẳng hay ho gì: vui ít, buồn nhiều, ngọt ngào cũng có, nhưng cay đắng thì luôn ngự trị trong đầu. Rồi tham vọng thì lớn, mà thực hiện thì chẳng được bao nhiêu. Ấy vậy mà sau một chặng đường dài dễ có đến 60 năm, tôi lại cũng vẫn không muốn thoát ra, để rồi vẫn cứ còn bị vướng mắc bởi những dằn vặt của chữ nghĩa.

    Người Việt: Từ lúc còn là học trò, ông đã có bài đăng trên báo chí ở Hà Nội, bước đầu viết văn của ông ra sao?

    Nhật Tiến: Từ hồi còn học lớp Nhất ở trường Hàng Vôi, Hà Nội, tôi đã có lòng yêu mến văn chương chữ nghĩa. Có thể nói, ngay từ hồi đó tôi đã đọc rất nhiều, đặc biệt là những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến như Lê Văn Trương, Khái Hưng, Nhất Linh, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trương Tửu... Có lẽ rồi từ đó khiến tôi nẩy ra cái ý thích viết văn và bắt đầu sinh hoạt trong các bút nhóm học trò. Một thời gian sau thì tôi có truyện ngắn đầu tiên được in năm 1952 trên tờ Giang Sơn của Bác Sĩ Hoàng Cơ Bình xuất bản ở Hà Nội.

    Người Việt: Những bạn văn cùng thuở thiếu thời của ông, còn bao nhiêu người tiếp tục cầm bút?

    Nhật Tiến: Sau 1954, bọn học sinh chúng tôi nhiều người cũng di cư vào Nam, và phải nói rằng chính miền Nam sau này mới là nơi khiến cho những tinh hoa văn nghệ tiềm ẩn từ thuở còn cắp sách ở trong họ được đơm hoa kết trái. Tôi có thể kể: Thế Phong, Huy Sơn, Nguyễn Ðình Toàn, Dương Vy Long, Song Hồ, Vũ Mai Anh, Hùng Phong Nguyễn Ðức Cầu...

    Người Việt: Riêng cuốn “Giấc Ngủ Chập Chờn,” ông cho thấy thân phận bèo bọt của người dân trong chiến tranh, trong khi chế độ Hà Nội lên án cuốn này là “cực kỳ phản động,” xin nghe ý kiến ông?

    Nhật Tiến: Cuốn này tôi viết về đời sống của dân chúng tại một vùng “xôi đậu,” tức là một vùng không do Quốc Gia hay Việt Cộng kiểm soát hoàn toàn. Vì thế, nhiều hoạt cảnh ở phía sau cuộc chiến được phơi bày mà qua đó nêu lên được đời sống khắc nghiệt và thân phận đớn đau của dân chúng miền quê ở những vùng đang chìm trong khói lửa. Chính điều này đã làm lộ rõ cái chiêu bài bịp bợm, giả trá về “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là do quần chúng miền Nam nổi dậy chống ách xâm lược Mỹ” mà Bắc Việt vẫn rêu rao trên chính trường quốc tế. Và đây là lý do khiến “Giấc Ngủ Chập Chờn” bị phê phán rất nặng sau khi CS tiến chiếm Sài Gòn.

    Người Việt: Khi ông còn trong nước sau năm 75, hải ngoại có vài bài viết nói rằng Nhà văn Nhật Tiến “đeo băng đỏ, dẫn công an đi bắt những người cầm bút miền Nam,” sự thật của vấn đề này là thế nào, thưa ông?

    Nhật Tiến: Ðây là một sự bịa đặt trắng trợn của một ngòi bút tự nhận mình là nhà văn, mang bút hiệu Nguyễn Thiếu Nhẫn và tôi rất lấy làm tiếc là nó lại được đăng trên một tờ báo của một nhà thơ rất có uy tín và vốn cũng là chỗ tôi được hân hạnh quen biết cả hai vợ chồng.
    Ðó là tờ Saigon Times xuất bản ở Los Angeles của nhà thơ Thái Tú Hạp. Vào thời điểm 1995 khi chuyện bịa đặt ấy xảy ra, nhiều văn nghệ sĩ còn đang nằm trong tù, tôi làm sao mà cãi được? Nhưng đến nay, 2012, tức hơn 20 năm qua rồi, các nhà văn, nhà thơ đi tù đã được thả hết và nhiều người đã ra sinh sống ở hải ngoại. Từ bấy đến nay có ai lên tiếng tố cáo là tôi “đeo băng đỏ, dẫn công an nhân dân đi bắt văn nghệ sĩ ” đâu! Ngoài ra, nếu cần thì ai cũng có thể gọi phone đến hỏi từng người đã ra tù để tìm hiểu, tuy sẽ chẳng có ai xác nhận điều đó đâu. Lý do dễ hiểu là chuyện đó đã hoàn toàn được bịa đặt bởi một người mà tôi nghĩ là chưa có đủ tư cách để cầm bút.

    Người Việt: Sau khi ông vượt thoái khỏi Việt Nam rồi đến Mỹ định cư, một bài báo Việt ngữ viết rằng, ông quay về Việt Nam mang theo cả chục ngàn đô la để hợp tác xuất bản sách trong nước, nhưng rốt cuộc sách không có, tiền thì mất tăm; xin nghe ý kiến của ông về bài báo này?

    Nhật Tiến: Ðây là lý do mà khi trả lời câu hỏi ở trên tôi đã nói rằng khi nhìn những “bến bờ chữ nghĩa” trong tâm khảm của tôi cũng ghi nhiều dấu ấn lắm lúc chẳng hay ho gì . Ở hải ngoại, tự do tuy là quý nhưng nó đã bị lạm dụng đến độ quái gở. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tờ Làng Văn ở Canada đã loan tin rằng tôi quyên góp $18,000 của văn nghệ sĩ ở hải ngoại, đem về nộp cho ông Hoàng Lại Giang của nhà xuất bản Văn Học ở Sài Gòn để xin in một tuyển tập văn chương hải ngoại mà bài vở của tuyển tập này, tôi cũng đem cắt xén, kiểm duyệt bớt để làm vừa lòng chính quyền CS. Rồi cũng vẫn theo Nguyễn Hữu Nghĩa thì tuyển tập đã không ra mắt, mà tiền cũng mất tăm luôn!

    Sự thực là: Việc thực hiện tuyển tập này do họa sĩ Khánh Trường chủ trương. Ông thu thập bài vở của 35 văn nghệ sĩ ở hải ngoại để sẽ in một tuyển tập văn chương (với điều kiện là chính tác giả tự lựa chọn bài của mình và nhà xuất bản không được sửa một chữ nào khi in). Ấn phí là $2,000 quyên góp được của bạn bè, thân hữu, gửi về VN chờ khi in thì mới xuất ngân. Nhưng về sau, vì đám bảo thủ trong nước cấm cản sao đó, sách không ra được, nên tiền lại đã gửi ra cho họa sĩ Khánh Trường để ông hoàn trả các nơi đã quyên góp. Nhà văn Hoàng Lại Giang, giám đốc nhà xuất bản Văn Học ở phía Nam trong thực tế chưa cầm một xu teng nào, trái hẳn với câu chuyện dựng đứng của Nguyễn Hữu Nghĩa.

    Người Việt: Ông có nghĩ văn chương là một cái “nghiệp”?

    Nhật Tiến: Thi hào Nguyễn Du từng viết:
    Ðã mang lấy nghiệp vào thân
    Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa....


    Người Việt: Ông có tâm sự nào muốn nói thêm với độc giả Người Việt?

    Nhật Tiến: Trong số bạn đọc nhật báo Người Việt, tôi đoán là cũng có một số vị từng là độc giả của tôi. Tôi chỉ xin gửi gắm vài lời rằng, trong 60 năm cầm bút, tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về những gì mình đã viết ra và tôi sẽ vẫn tiếp tục không làm phụ lòng những độc giả đã yêu mến, đã theo dõi hay đã âm thầm cảm thông với tôi trong nhiều vấn đề liên quan tới đất nước.

    Người Việt: Cám ơn ông dành thời gian cho chúng tôi.
    Nguồn: nguoiviet online
    Last edited by khieman; 09-16-2014 at 08:12 PM.

Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-03-2013, 01:41 PM
  2. Những Vết Chân Trâu - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 3
    Bài Viết Cuối: 11-19-2013, 11:37 PM
  3. Nồi Cháo Thịt - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 3
    Bài Viết Cuối: 11-19-2013, 11:31 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •