Bị u xơ thần kinh tuyến mắt khiến con mắt bên phải của em sưng húp lên gần như nhìn thấy gì nữa. Bố chết do ngã từ trên cao xuống, một mình mẹ tảo tần mò con trai, con ốc bán cũng không đủ tiền xe hai mẹ con lên bệnh viện.

Chiều mùa đông, cái lạnh lẽo và tối tăm ập đến nhanh hơn như để kéo tất cả vào màn đêm tĩnh lặng và âm u. Con sông nhỏ chằng chịt những đám bèo tây kín đặc cũng bắt đầu tối sập vậy mà thằng bé Khiêm vẫn cứ thế ngụp lặn để bắt được nhiều hơn mẻ cua, ốc để ngày mai mang bán. Đã 15 tuổi nhưng trông em nhỏ thó, cả cơ thể chỉ ngoài 20kg gầy guộc như một cành củi khô chới với giữa dòng nước. Xa xa, nghe tiếng mẹ giục “Về thôi con, trời tối không nhìn thấy nữa rồi”, cậu bé mới lục đục lên bờ với bộ quần áo ướt sũng và hai hàm răng va vào nhau vì lạnh.

Bị u xơ thần kinh tuyến mắt nên con mắt bên phải của Khiêm gần như không còn nhìn thấy gì.
Mẹ của em, chị Lê Thị Trong, người phụ nữ mà ai trong thôn, xã cũng biết bởi cả một đời long đong, lận đận. Chị Trong không có bố, ba chị em gái là kết quả của những lần mẹ chị đi “kiếm” được nhưng rồi mẹ cũng bỏ các con mà đi khi chị vừa lên 5. Thiếu thốn, nghèo nàn, mấy chị em chị Trong tá túc nhờ nhà cô dì, chú bác sống qua ngày với bữa no, bữa đói.
Càng vất vả hơn khi người chị gái của chị Trong bị bại liệt từ nhỏ nên một tay chị chăm sóc nhưng đến năm 2001 chị gái cũng theo mẹ “bỏ đi” để lại hai đứa em còm cõi nuôi nhau. Sống cảnh mồ côi, thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên khi chị gặp người cùng cảnh ngộ là anh Vũ Đình Khi (quê Hải Phòng) hai người nhanh chóng bén duyên chồng vợ. Nghèo khổ, không chốn nương thân, anh Khi quyết định ở lại quê vợ trong túp lều rách nát, chăm chỉ lam làm để lo cái ăn cho cả gia đình.



Không có thu nhập, hàng ngày hai mẹ con bám trụ vào dòng sông gần nhà kiếm con cua, con cá.
Thương vợ chồng sống cảnh trời mưa cũng như trời nắng, trong nhà cũng chẳng khác nào ngoài sân, năm 2012 anh em và bà con lối xóm gom góp mỗi người cho vay một ít tiền để xây một mái nhà đàng hoàng, kiên cố. Những tưởng ngôi nhà mới sẽ mở ra những ngày tươi đẹp cho người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh này nhưng nó lại chính là nguyên nhân đã “giết chết” chồng chị.
Nước mắt giàn giụa, chị nấc nghẹn mãi mới kể được: “Hôm đó trời mưa to lắm làm lớp lợp ở trên mái nhà bị tốc xuống nên anh ấy bảo lên xem thế nào. Vừa mới lên đến nơi, chỉ trong tích tắc thì mẹ con tôi nghe tiếng động lớn, quay ra đã thấy anh ấy ngã xuống rồi. Mọi người trong làng cũng giúp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp nữa em ạ, anh ấy mất liền sau đó 1 ngày”.



Chị Trong không cầm được nước mắt khi nhớ lại cái chết thương tâm của chồng.
Quá đột ngột trước cái chết của chồng, chị Trong như người mất hồn, không ăn không ngủ chỉ suốt ngày ra bờ sông khóc ngất, gọi hờ tên anh. Hai đứa nhỏ, Vũ Ngọc Khiêm và Vũ Thị Thùy Trang sợ hãi lẽo đẽo theo mẹ mà nước mắt ngắn dài. Không có bố, mẹ chết sớm, người duy nhất chị có thể dựa vào để sống là anh nhưng ông trời cũng nhẫn tâm cướp đi mất. Đau đớn, bàng hoàng chị càng trở nên thê thảm hơn trước số nợ khổng lồ của việc dựng căn nhà mới.
Nỗi đau mất chồng còn chưa kịp nguôi ngoai thì căn bệnh quái ác của Khiêm khiến chị phải giật mình, thức tỉnh. Trong bệnh án của con, bác sĩ cho biết Khiêm bị u xơ thần kinh tuyến mắt nên con mắt bên phải cứ sưng dần lên rồi không nhìn thấy gì nữa. Bố mất, thương mẹ vất vả, lam lũ một mình, em không đành lòng đi học tiếp mà đã xin nghỉ học được gần 1 năm nay để cùng mẹ làm công việc đồng áng.
Mơ ước một ngày được lên bệnh viện, cậu bé Khiêm tích góp mỗi ngày 20.000 đồng từ việc bán cua, bán ốc.
Sức khỏe yếu, chị Trong không được nhận vào các nhà máy làm công nhân nên chỉ bám lấy con sông gần nhà để kiếm cái ăn. Khi dòng nước lên đầy, không có bèo phủ, hai mẹ con lại chênh vênh trên con thuyền nhỏ để te tép mang về bán. Mùa này bèo mọc lên nhiều không thể đi thuyền được nên chị chuyển sang xúc cua ở ven bờ, đều đặn cũng kiếm được từ 20.000 – 30.000 đồng/ ngày.

Bố mất, mẹ không có việc làm, hành trang đi chữa bệnh của em chỉ là những con cua, con ốc.
Bệnh của Khiêm càng ngày càng nặng khi con mắt bên trái cũng đang có dấu hiệu tương tự nhưng em nào dám mơ một ngày được đến viện. Căn nhà từ ngày anh mất, chị cũng đã rao bán nhưng ngặt nỗi: “Có lẽ mọi người sợ đen đủi vì anh nhà chị mất ngay khi nó chưa hoàn thiện nên không ai dám hỏi”.
Ngày bữa cua, bữa ốc, cậu bé Khiêm vẫn cứ miệt mài ngụp lặn trên dòng nước với hi vọng mong manh sẽ được đi chữa bệnh nhưng sự thật tôi đã không dám trả lời trước câu hỏi của em: “Mỗi ngày em để dành 20.000 đồng thì khoảng bao lâu em sẽ đủ tiền đi bệnh viện hả chị?”. Câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê của cậu bé 15 tuổi nhưng đáng thương, tội nghiệp bởi em có ai để dựa vào đâu ngoài người mẹ cả một đời đau khổ, thiệt thòi. Với Khiêm, tương lai sẽ còn biết bao buổi chiều muộn em ngâm mình dưới dòng nước đầy những hiểm nguy để vớt lên những tia hi vọng mong manh của việc chữa bệnh từ những con ốc, con cua còn chưa kịp lớn.