Vụ ông Jang Song Thaek bị thanh trừng là một dấu hiệu về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau vụ việc này, có thể chính trường Triều Tiên bước vào giai đoạn rối ren hết sức nguy hiểm.

Triều Tiên nổi tiếng là nơi nếu một người nói xấu về giới lãnh đạo thì người đó có thể bị đưa vào trại cải tạo suốt đời. Dù vậy, vụ xử tử tàn bạo và đột ngột ông Jang Song Thaek, chú rể và là người hậu thuẫn Kim Jong-un là điều rất bất thường.

Trước khi vụ xử tử được công bố, các nhà phân tích cho rằng ông Jang sẽ tiếp tục đóng vai trò “quan nhiếp chính” và là người đàn ông quyền lực thứ hai Triều Tiên, đứng sau lưng ủng hộ cháu trai Jong-un.

Nhưng nhận định đó đã sai.

Trong 2 vụ xử tử ông Jang và vụ thanh trừng Tướng Ri Yung-ho, Tướng cấp cao quân đội Triều Tiên hồi tháng 7/2012, có vẻ nhà lãnh đạo Kim đã tự mình hành động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thế lực nào đứng sau lưng nhà lãnh đạo này mặc dù có ý kiến cho rằng chính Tướng Choe Ryong-hae của quân đội Triều Tiên là người đứng đằng sau vụ xử tử ông Jang.

Nhà lãnh đầu tiên của Triều Tiên, Kim Nhật Thành, ưa thích Đảng hơn quân đội trong việc xây dựng sự sùng bái cá nhân đối với ông. Nhà lãnh đạo thứ hai, Kim Jong-il lại “chuộng” quân đội hơn Đảng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thứ ba Kim Jong-un ở độ tuổi 30 lại tránh xa cả hai lực lượng này và cả mạng lưới các “thân tín” như Jang và Ri. Đây là một chiến lược táo bạo nhưng cũng rất rủi ro.

Chúng ta chỉ có thể dò đoán về ý nghĩa của những sự kiện này. Vụ xử tử ông Jang có thể là biến cố của Triều Tiên mà dư luận chưa từng chứng kiến kể từ đầu những năm 1950 – khi đó nhà lãnh đạo non trẻ Kim Nhật Thành đã tiêu diệt tất cả những đối thủ của ông.

Có thể Kim Jong-un đã đi theo cùng con đường đó của cha mình. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, những vụ việc vừa qua ở Triều Tiên cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng đang chuyển theo hướng cứng rắn, lý tưởng ban đầu của Kim Jong-un, chứ không đi theo con đường cải cách và mở cửa, mà các nhà phân tích cho rằng ông Jang là đại diện.

Vụ thanh trừng ông Jang cũng là dấu hiệu của cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái ở Triều Tiên.

Hiện vẫn chưa rõ vụ xử tử ông Jang sẽ đưa Triều Tiên đi tới đâu. Giới phân tích cho rằng tình hình bà Kim Kyong-hui, cô của Jong-un và vợ của ông Jang, là “chìa khóa” quan trọng. Bà Kim trở thành “quan nhiếp chính” duy nhất của dòng họ Kim – lúc này, Kim Jong-un dần như phải tự đứng một mình.

Điều đó có nghĩa Kim Jong-un sẽ phải thận trọng hơn hoặc nhà lãnh đạo non trẻ này sẽ không còn được “người lớn” giám sát và chỉ bảo như trước đây nữa. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng sau vụ xử tử ông Jang, Triều Tiên sẽ không ổn định hơn mà có thể các biến cố mới sẽ nảy sinh từ vụ việc này.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục im lặng về tình hình Triều Tiên vừa qua.

Rõ ràng ông Jang là “đồng minh” và là cầu nối Trung Quốc với Triều Tiên. Trên thực tế Bắc Kinh đã xa lánh nhà lãnh đạo Kim Jong-un kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi đầu năm và giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng thông qua ông Jang.

Sau biến cố vừa qua ở Triều Tiên, có thể Mỹ sẽ phải thuyết phục Trung Quốc không “thân” Triều Tiên nữa. Trung Quốc sẽ phải “kiềm chế” mong muốn gặp gỡ trực tiếp Kim Jong-un để bảo vệ lợi ích của nước này ở Triều Tiên. Cho tới nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn lặng lẽ hợp tác về cách lệnh cấm vận đối với Triều Tiên tới khi nào Bình Nhưỡng tuân thủ các thỏa thuận giảm trừ vũ khí hạt nhân.


Tướng quân đội Choe Ryong-hae (trái) được cho là người đứng đằng sau vụ xử tử ông Jang.

Chỉ có một điều có thể chắc chắn về Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un là sự khó đoán trước. Trên thực tế, vào ngày ông Jang bị xử tử, Triều Tiên lại liên lạc với Hàn Quốc bàn về việc hợp tác ở Khu công nghiệp chung Kaesong. Trước đó vài ngày, Triều Tiên bất ngờ thả tự do một du khách Mỹ sau nhiều ngày giam giữ mà không đưa ra lời giải thích.

Vì vậy, dư luận thế giới sẽ còn phải chuẩn bị sẵn tinh thần trước những vụ “thót tim” từ Triều Tiên. Việc xử tử công khai các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ không phải là điều bất ngờ duy nhất về Bình Nhưỡng. Theo đó, vụ xử tử ông Jang không phải là bằng chứng cho thấy sự tự tin của Kim Jong-un mà là sự tuyệt vọng và chính trường Triều Tiên có vẻ bắt đầu tan rã. Những hành động khiêu khích từ Triều Tiên mà dư luận thường thấy sẽ trở nên “hiền lành” so với một quốc gia độc tài bất ổn và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tùng Lâm
Infonet