Thế giới hiện không có Chiến tranh Lạnh, nhưng Trung Quốc và Nga đang sử dụng lại những chiến thuật của cuộc Chiến tranh Lạnh cũ, một chuyên gia viết về đối ngoại cho báo Washington Post nhận định.


Nga, Trung Quốc

Dưới đây là bài viết của Anne Applebaum, chuyên gia viết về đối ngoại cho báo Washington Post để trả lời câu hỏi: "Thế giới có đang có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không?":

Tôi thường gặp câu hỏi "Thế giới có đang có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không?", mỗi khi nói chuyện với bất cứ ai ở đâu về nước Nga ngày nay. Và câu trả lời rõ ràng là: Không. Đây không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều không đang thực hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga, Trung Quốc hay với bất cứ quốc gia nào. Thế giới hiện không có một cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 05/9/2013 tại Saint Petersburg, Nga.

Tuy nhiên, mặc dù không có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng những chiến thuật của Chiến tranh Lạnh cũ vẫn tồn tại vào ‘buổi bình minh’ của năm 2014. Trong thời gian gần đây, những chiến thuật này đột nhiên được triển khai theo cách chưa từng có kể từ đầu những năm 1980. Chúng ta, những người đang ở Mỹ, có thể không tin rằng chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến tranh tư tưởng với bất cứ ai, nhưng những người khác lại đang thực hiện cuộc chiến tư tưởng với chúng ta. Chúng ta, những người đang ở Mỹ, có thể không tin rằng những những liên minh lâu năm tại châu Âu và Châu Á đang bị đe dọa, nhưng những liên minh này đang thực sự dễ bị tổn thương và đang bị làm suy yếu.

Đôi khi những động thái được đưa ra một cách khá công khai. Gần đây, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một ‘Vùng phòng không’ trên biển Hoa Đông nhằm cảnh báo với các nước láng giềng rằng lực lượng hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với hạm đội của Mỹ. Gần đây, tàu hải quân Trung Quốc cũng đã chặn trước một tàu khu trục Mỹ, buộc tàu này phải đổi hướng. Hành động trên được cho là cũng nhằm gửi một thông điệp tương tự. Không một sự cố nào trên đây báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc chiến nóng, lạnh hay bất kì loại chiến tranh nào khác. Nhưng chúng có nghĩa rằng Trung Quốc đang có ý định thay đổi hiện trạng trong khu vực và làm suy yếu niềm tin trong liên minh Mỹ-Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.

Trong năm qua, Nga cũng thực hiện chiến thuật tương tự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng những mối đe dọa ‘thầm kín’. Hồi tháng 3/2013, lực lượng không quân Nga đã tổ chức một cuộc tấn công giả quy mô lớn vào Thụy Điển, rất gần với không phận của Thụy Điển và Đảo Gotland, cách lãnh hải Thụy Điển chỉ khoảng 40 km.

Các quan chức Nga cũng ngầm đưa ra những cảnh báo đối với Phần Lan, tẩy chay có chọn lọc một số ngành công nghiệp của các nước Baltic (chỉ các lãnh thổ ở phía đông của biển Baltic đã giành được độc lập từ đế quốc Nga trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất), và thể hiện ý định đưa tên lửa tầm xa tới biên giới của nước này với châu Âu.

Nga không có ý định bắt đầu một cuộc chiến tranh. Nói đúng hơn, về ngắn hạn, Nga đang có ý định làm suy yếu niềm tin trong khu vực NATO, niềm tin vào quân đội Mỹ, và mối quan hệ giữa các nước Tây Âu. Về dài hạn, Nga muốn Scandinavia, các nước Baltic, và cuối cùng tất cả các châu Âu chấp nhận chính sách trong nhiều lĩnh vực của Nga.

Tuần trước, Tổng thống Nga đã đưa ra gói hỗ trợ 15 tỷ USD cho Ukraine để nước này ngừng kí thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

theo infonet