Năm 2013, khu vực Đông Nam Á trải qua nhiều biến động với những thảm họa có nguyên nhân tự nhiên và cả do con người gây ra.

Khói mù độc hại bao phủ 3 nước Đông Nam Á

Khói mù xuất phát từ các đám cháy rừng ở Indonesia, nhưng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở Singapore và Malaysia.




Hồi tháng 6 vừa qua, tổng thống Indonesia đã lên tiếng xin lỗi người dân Đông Nam Á vì cuộc "khủng hoảng ô nhiễm không khí" tồi tệ nhất trong suốt 16 năm qua.

Khói mù đã khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao đến mức kỷ lục ở Singapore và Malaysia, khiến ngành du lịch và kinh doanh ở hai nước này bị ảnh hưởng nặng nề.

Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines

Haiyan là cơn bão mạnh nhất thế giới vào năm 2013 đổ bộ vào miền trung Philippines ngày 8/11. Hơn 6.000 người đã thiệt mạng vì cơn bão, ngoài ra khoảng 4 triệu người đã phải sơ tán. Một số thị trấn ở Samar và Leyte đã bị quét sạch và chỉ còn lại là những bãi đất hoang. Những người sống sót bị mất nhà cửa, nhiều người hiện đang sống trong các trung tâm sơ tán tạm thời.



Viện trợ quốc tế và các tổ chức y tế đã đưa người và hàng cứu trợ khẩn cấp tới nước này sau khi cơn bão đi qua. Trong khi chính phủ của tổng thống Benigno Aquino III bị chỉ trích chậm trễ trong việc viện trợ cho các nạn nhân. Philippines cho biết nước này cần tới 361 tỷ peso (8,17 tỷ USD) để phục hồi và tái thiết những khu vực bị bão Haiyan tàn phá.

Biểu tình ở Malaysia và Campuchia sau bầu cử



Tại Malaysia, hàng trăm ngàn tập trung tại Kuala Lumpur, thủ đô của đất nước, để phản đối kết quả của cuộc bầu cử hồi tháng Năm.

Trong cuộc bầu cử, liên minh đối lập PR giành được kết quả tốt nhất từ trước đến nay tuy nhiên chỉ với 89/222 ghế hạ viện; Liên minh BN giành 133 ghế và giành quyền thành lập chính phủ.

Thủ lĩnh phe đối lập, ông Anwar Ibrahim, cựu Phó Thủ tướng Malaysia, đã tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử và cho rằng đây là một cuộc bầu cử gian lận và có nhiều điều bất thường. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Kuala Lumpur và còn lây lan sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, thủ tướng tái đắc cử Najib Razak đã bác bỏ những lời cáo buộc này.

Trong khi đó ở Campuchia, hàng chục ngàn người đã tràn xuống các con phố của thủ đô Phnom Penh phản đối chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đòi tổ chức lại cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hồi tháng Bảy vừa qua. Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ không từ chức cũng như không tiến hành bầu cử lại. Ông cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp hợp pháp để ngăn cản người biểu tình nếu họ phong tỏa các tuyến đường cao tốc và trụ sở các cơ quan nhà nước.

Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan


Chính trường Thái Lan những ngày cuối năm 2013 vẫn trong tình trạng bế tắc trước những cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Khủng hoảng bắt đầu kể từ khi chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra dự luật ân xá gây có thể miễn tội cho thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Hàng ngàn người biểu tình đã đòi bà Yingluck từ chức.

Dự luật ân xá sau đó đã bị bác bỏ và thủ tướng Yingluck buộc phải tuyên bố giải thể Quốc hội vào hôm 8/12, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 2/2/2014.



Dù vậy, những cuộc biểu tình vẫn diễn biến căng thẳng và đỉnh điểm là biến thành bạo động vào hôm 26/12 khi phe đối lập cố gắng ngăn chặn các chính trị gia đăng ký tranh cử tại sân vận động thủ đô Bangkok. Một cảnh sát đã thiệt mạng trong vụ đụng độ này.

Khủng hoảng đến nay đã cướp đi 5 sinh mạng và khiến cho hàng trăm người khác bị thương.

Hiện, Ủy ban bầu cử đã yêu cầu chính phủ Thái Lan xem xét việc hoãn cuộc bầu cử ngày 2/2, một dấu hiệu cho thấy bất ổn chính trị Thái Lan vẫn tiếp tục căng thẳng vào năm 2014.

Năm 2013 đã kết thúc và điều quan trọng là chúng ta hãy ghi nhớ những bài học đau đớn từ kinh nghiệm của Đông Nam Á năm qua và hy vọng rằng năm 2014 sẽ ít xảy ra những thảm họa, dù là tự nhiên hay nhân tạo.

Linh An
Nguoiduatin