Bộ ván linh thiêng đến nỗi từ ngày ông Bá Đa Lộc té hộc máu cách đây 200 trăm năm, đến nay, không một ai dám ngồi, tựa, nằm lên nó nữa. Người dân xem nó như linh vật linh thiêng và kiêng sợ lắm


ảnh minh họa Đã hơn 300 năm, bộ ván dày bằng gỗ nguyên khối được nhiều đời hậu duệ Tổng trấnthành Gia Định Nguyễn Huỳnh Đức thờ tự, xem như bảo vật linh thiêng của gia tộc. Hơn thế, kỷ vật của vị Tổng trấn được người dân xem như một linh vật ứng nghiệm trong công cuộc bảo vệ lẽ phải. Những câu chuyện, giai thoại ly kỳ về bộ ván trên ăn sâu vào văn hóa người dân địa phương, linh thiêng đến nỗi hơn 300 năm qua không một ai dám ngồi, nằm, tựa lên bộ ván bằng gỗ Gõ xưa cũ ấy.

Kỷ vật của hổ tướng

Trong trái tim người dân các tỉnh miền Tây, vị Tổng trấn Gia Định thành, Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành biểu tượng của sự thanh liêm, cương trực. Hơn thế, người dân Long An còn xem ông như một vị thần sau ngày ông tạ thế. Người dân địa phương đặc biệt ngưỡng vọng bộ ván dài, vật từng được vị hổ tướng sử dụng làm nơi nghỉ ngơi, bàn việc từ thuở hàn vi. Theo lão bà tên Sáu nhiều năm làm việc, vệ sinh tại khu lăng mộ, bộ ván trên chính là hiện thân cho sự linh thiêng của cụ Nguyễn Huỳnh Đức. Bộ ván luôn hiện hữu trong các câu chuyện, giai thoại ly kỳ đã trở thành một phần văn hóa của người dân địa phương. Bà Sáu cho biết: "Tôi quét dọn ở đây nhiều năm nên nghe và biết, thậm chí chứng kiến nhiều chuyện linh thiêng từ bộ ván của cụ (cụ Nguyễn Huỳnh Đức - PV). Nói chung, ai ở hiền thì cụ thương, ai ở ác thì cụ trách phạt. Bộ ván linh thiêng đến nỗi từ ngày ông Bá Đa Lộc té hộc máu cách đây 200 trăm năm, đến nay, không một ai dám ngồi, tựa, nằm lên nó nữa. Người dân xem nó như linh vật linh thiêng và kiêng sợ lắm". Ông Nguyễn Huỳnh Thoại, cháu đời thứ 7 của cụ Nguyễn Huỳnh Đức khẳng định: "Về sự linh thiêng của bộ ván, trước đây, tôi cũng được ông, cha kể lại. Chúng có được ghi lại trong một tài liệu nhưng thất lạc mất rồi. Tôi là phận con cháu nên không muốn phổ biến chuyện tổ tiên tránh người đời chê trách "mèo khen mèo dài đuôi" nên để cho người dân kể thì chính xác và khách quan hơn.

Tuy nhiên về xuất xứ của bộ ván thì tôi được ông bà kể lại rằng chính cụ ông đã cho người lên tận vùng rừng núi Tây Ninh đốn một cây Gõ đỏ đem về. Ông cho người xẻ phần gốc cây Gõ khổng lồ trên ra làm bộ ván. Từ lúc đóng tới giờ đã hơn 300 năm nhưng bộ ván vẫn y như cũ chỉ hư hỏng phần chân và đã được tôn tạo lại". Ông cho biết, bộ ván được xem là di vật gắn bó lâu với ông nhất còn lại nguyên vẹn. Nhiều kỷ vật khác đã bị thực dân Pháp lấy đi trong những năm xâm lược. Theo đó, đây là vật vị Tổng trấn Gia Định thành dùng để nghỉ lưng sau những thời gian xông trận. Ông Thoại khẳng định, bộ ván được ông sử dụng từ thuở hàn vi và cũng là vật gắn bó suốt cuộc đời ông. Sự gắn bó đó để lại những giai thoại ly kỳ cho đến ngày ông qua đời. Nhiều người dân địa phương cho rằng, vì đây là vật ông yêu quý, gắn bó nên nó chất chứa linh hồn, tinh thần của ông. Do đó, ngoài ông, không một ai có thể leo lên đấy nằm. Đặc biệt, người có tâm địa xấu, ác, làm điều xấu trước bộ ván sẽ bị ông quở trách. Ông Thoại thông tin: "Bộ ván này dày 2 tấc, rộng 1,8 thước, dài hơn 3 thước và nặng hơn rất nhiều so với các loại sập cùng loại gỗ, cùng kích thước. Nặng đến nỗi, khi dời đền thờ ông từ miếu tôn Nguyễn Huỳnh về đền thờ này, người ta đã huy động toàn bộ người trong nhà mà không cách nào lay chuyển được nó. Cuối cùng, gia đình phải mướn nguyên một trung đội lính Sài Gòn mới khiêng nổi". Cũng từ ngày chuyển về đây, những câu chuyện lạ bắt đầu xảy ra, những giai thoại linh thiêng bắt đầu hình thành và được lưu truyền, phổ biến.

Giai thoại linh vật trị điều ác

Cho đến nay, những câu chuyện huyền bí, ly kỳ xung quanh bộ ván của Tổng trấn thành Gia Định đã sống cùng đời sống của người dân nơi đây. Hỏi về bộ ván linh, dân địa phương có rất nhiều câu chuyện kể về những điều linh thiêng được lưu truyền từ đời trước, thậm chí có những chuyện mà họ vừa chứng kiến vài năm trở lại đây. Ông Thoại kể: "Chuyện tôi nhớ nhất và cũng là chuyện mọi người ở đây, từ nhỏ đến già đều biết là việc tên Trần Bá Lộc bị hương hồn ông vật ngã xuống đất khi hống hách leo lên tấm phản thiêng ngồi. Ông Lộc nổi tiếng ác ôn, tàn bạo. Tiếng ác của người này ghi đầy trong sử sách. Trong một lần dẫn quân đi tuần vùng Trường Khánh, hắn ghé vào đền thờ ông. Thấy bộ ván đẹp, được thờ phụng giữa đền một cách uy nghi, hắn liền leo lên ngồi xếp bằng và cho quân lính, người hầu quỳ mọp quanh bộ ván. Đang lúc tận hưởng cảm giác làm vua, bỗng nhiên hắn ngã nhào xuống đất bất tỉnh, miệng hộc ra cả máu tươi. Từ đó, không một lần nào hắn dám đến đền nữa". Được nghe chính hậu duệ gia tộc Nguyễn Huỳnh kể lại giai thoại ly kỳ về đức Tiền quân, bà lão nhiều năm gắn bó, quét dọn lăng mộ cho biết thêm: "Đó là ông Thoại chỉ kể những chuyện được chép trong sách thôi, còn nhiều chuyện ở ngoài, ông không có kể. Ví như chuyện cụ Nguyễn Huỳnh Hữu là cháu đời thứ tư của đức Tiền quân nửa đêm ngã nhào từ trên phản xuống, rồi chạy ra sau nhà giập đầu xuống thềm đá ong vái lạy đến toác đầu". Được cái gật đầu của ông Thoại, lão bà kể: "Cách đây mấy chục năm vào ngày giỗ của đức Tiền quân, cháu đời thứ tư của ông là ông Nguyễn Huỳnh Hữu vì tiếp khách nhiều, mệt quá mới leo lên phản ngủ gục. Mọi người thấy thế lay ông dậy vì sợ ông bị quở nhưng nghĩ rằng ông là con cháu của cụ nên thôi. Ai ngờ, đang ngủ, ông Hữu cũng lăn xuống đất rồi vùng dậy chạy ra sau nhà, quỳ gối giập đầu xuống thềm đá ong, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Khi người nhà lôi ông dậy thì đầu ông đã rỉ máu. Hỏi ra thì ông cho biết lúc đang mơ ngủ thì nghe tiếng trách của cụ bảo: Sao dám vô phép nằm trên phản thiêng của ta nên sợ quá mới chạy ra sau giập đầu tạ tội".

Cũng theo bà này, chính mắt bà chứng kiến nhiều sự việc ly kỳ như: Cái chết bất thường và bí ẩn của một khách tham quan từ dưới Cần Thơ lên viếng lăng mộ trong dịp giỗ đức Tiền quân vào năm trước. Bà lão khẳng định: "Năm ngoái chính tôi và mọi người làm việc trong lăng chứng kiến một bà khách chết ngay trong đền thờ, trước tấm ván của cụ. Không biết bà này làm gì nhưng sau khi vái lạy đức Tiền quân xong, tự nhiên bà gục đầu vào tấm ván chết. Mọi người ai nấy đều sợ hãi, vây quanh bà vì nghĩ bà cũng như những người trong chuyện kể nhưng đúng là bà đã tắt thở. Chuyện này cách đây đúng một năm". Người dân địa phương đều khẳng định đây là chuyện thật và đưa ra nhiều lý giải. Theo đó, có thông tin cho rằng, bà này sống trong bệnh tật, ghẻ lạnh của con cháu, từ lâu đã muốn quên đời nhưng không được. Nghe đức Tiền quân linh thiêng bà mới khăn gói lên Long An viếng ngài, thỉnh cầu được theo ngài làm người hầu và được ngài chấp thuận. Ông Thoại chia sẻ: "Bộ ván rất linh thiêng, ai cũng hiểu điều đó nên hơn 300 năm nay, không một ai dám ngồi, nằm lên bộ ván này. Mỗi khi làm lễ cúng giỗ cần lau chùi, quét dọn bộ ván, chúng tôi đều phải thắp hương xin phép ông. Nhưng khi lau chùi, quét dọn, chúng tôi cũng chỉ dám khom lưng, với người lau, quét thôi chứ tuyệt nhiên không dám leo lên".

Xem những câu chuyện về đức Tiền quân như nét văn hóa của địa phương

Ông Lê Tư, cán bộ văn hóa phường Khánh Hậu (thành phố Tân An, tỉnh Long An) cho biết: "Lăng mộ đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đã được bộ Văn hoá - Du lịch - Thể thao công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Trong dân gian và sử sách, cuộc đời của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành huyền thoại. Đến nay, người dân vẫn truyền nhau những giai thoại ly kỳ về ông và những kỷ vật của ông đặc biệt là bộ ván dài bằng gỗ nguyên khối được thờ trong miếu giữa khu lăng mộ. Người dân địa phương xem khu lăng mộ cùng các vật dụng cũng như những câu chuyện, giai thoại về ông thiêng liêng như một nét văn hóa độc đáo của làng ấp". Đến chết vẫn nghèo vì quá thanh liêm Ông Nguyễn Huỳnh Thoại, cháu đời thứ 7 của cụ Nguyễn Huỳnh Đức cho biết: "Khi còn tại thế, đức Tiền quân chức cao vọng trọng từng giữ chức Tổng trấn của cả Bắc thành lẫn thành Gia Định. Nhưng gia cảnh ông lại trái ngược hoàn toàn với những vị quan dưới trướng khác. Ông thanh liêm, chính trực đến nỗi khi tạ thế, ông không để lại của cải, vàng bạc như người đời nghĩ. Cho đến nay, trong đền chỉ có những vật dụng gắn bó với ông cùng nhiều chiếu chỉ, sắc phong của các vua và bộ ván thiêng. Tôi được nghe kể việc thực dân Pháp đã lấy đi những vật quý trong đền trong thời gian đô hộ, nhưng đó cũng chỉ là những vật dụng thông thường của cụ chứ không phải vàng bạc, đá quý".

theo doisongphapluat.