Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Muốn đoạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình đã là người lý tưởng chưa đã?
Lelend Foster Wood
Results 1 to 2 of 2

Chủ Đề: Video: Tứ Diệu Đế - Bốn Chân Lý Thâm Diệu

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Video: Tứ Diệu Đế - Bốn Chân Lý Thâm Diệu

    .

    Tứ Diệu Đế
    (Bốn Chân Lý Thâm Diệu)

    Bốn Chân Lý Thâm Diệu mà đức Phật đã chứng ngộ là:

    - Chân Lý về Khổ

    - Chân Lý về Nguyên Nhân của Khổ

    - Chân Lý về sự Diệt Khổ

    - Chân Lý về Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.

    Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Bốn Chân Lý Thâm Diệu này.

    Do quan sát thấy cuộc đời mỗi con ngưòi đều nhiều nỗi thống khổ quá, “nước mắt của chúng sinh nhiều bằng nước ngoài biển cả”, đức Phật quyết định đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại.

    Sau một thời gian dài thiền định và quán tưởng thâm sâu, Ngài chứng ngộ được toàn bộ vấn đề của kiếp nhân sinh, đó là chứng ngộ Tứ Diệu Đế, tức là Bốn Chân Lý Thâm Diệu.

    Bốn Chân Lý Thâm Diệu này là cốt tủy của đạo Phật mà tầm quan trọng đã được đức Phật xác định:

    - “Xưa cũng như nay, Như Lai chỉ giải thích về Khổ và sự Diệt Khổ “

    Để quý độc giả có thêm tài liệu về Bốn Chân Lý Thâm Diệu này, chúng tôi xin lược trích một đoạn trong cuốn The Buddha’s Ancient Path, tác giả là hòa thượng Piyadassi Thera, tỳ khưu Pháp Thông dịch ra Việt Ngữ.

    Hòa thượng Piyadassi Thera sinh quán tại Tích Lan, là một học giả đồng thời là một diễn giả danh tiếng về Phật pháp trên các hệ thống truyền thanh Tích Lan. Nhờ nghiên cứu sâu rộng Tam Tạng kinh điển và luận giải thuộc hệ Pali nguyên thủy, nên sự hiểu biết của ngài về đạo Phật rất uyên thâm và sâu sắc. Cũng nhờ thế mà các bài giảng của ngài luôn luôn có dẫn chứng bằng những câu chuyện thích hợp và những đoạn trích lời đức Phật đều giữ được sự trung thực.

    Trong cuốn The Buddha’s Ancient Path, Hòa thượng Piyadassi Thera đã trình bày rành mạch Bốn Chân Lý Thâm Diệu về Khổ, vốn là bài học chính yếu, cốt tủy của đạo Phật, như sau:

    “Tứ Diệu Ðế (nghĩa là Bốn Chân Lý Thâm Diệu) được chứng ngộ trong khi đức Phật ngồi thiền quán dưới cội Bồ Ðề tại Gàya. Tứ Diệu Ðế này đã hình thành chân lý trung tâm của đạo Phật. Toàn bộ bài pháp đầu tiên của đức Phật dành trọn vẹn để trình bày về bốn Diệu Ðế này, vì đó là cốt tủy của Phật giáo:

    - “Ví như dấu chân của các loài đi trên đất, có thể được chứa đựng trong dấu chân Voi, được xem là lớn nhất về cỡ, giáo lý Tứ Diệu Ðế này cũng vậy, bao quát hết thảy mọi thiện pháp”

    Trong kinh điển Pàli nguyên thủy, đặc biệt là trong Tạng kinh, Tứ Diệu Ðế này được diễn giải chi tiết bằng nhiều cách khác nhau. Không có một nhận thức rõ ràng về Tứ Diệu Ðế, người ta khó có thể hiểu được Ðức Phật đã dạy những gì trong suốt 45 năm hoằng hóa.

    Ðối với đức Phật thì toàn bộ lời dạy của Ngài chỉ nhằm để hiểu về Khổ, về tính chất bất toại nguyện của mọi hiện hữu duyên sanh, và biết được con đường giải thoát khỏi tình trạng bất toại nguyện này.

    Ðức Phật xác định:

    “Xưa cũng như nay, Như Lai chỉ giải thích về Khổ và sự Diệt Khổ “

    Hiểu được lời tuyên bố rõ ràng này, là hiểu được đạo Phật; vì toàn bộ lời dạy của Ðức Phật không gì khác hơn là sự ứng dụng nguyên tắc này.

    Ðức Phật được xem là vị lương y tài đức vô song, một phẫu thuật sư tối ưu. Ngài thực sự là một vị Tối Thượng Y Vương.

    Phương pháp trình bày của Ðức Phật về Tứ Diệu Ðế có thể so sánh với phương pháp của một vị lương y. Là một lương y, trước tiên ông ta bắt mạch chẩn bệnh, kế đó tìm xem đâu là nhân sanh bệnh, rồi mới tìm cách loại trừ bệnh và cuối cùng ứng dụng cách chữa bệnh.

    Khổ là bệnh; Tham Ái là nguyên nhân hay sự phát sanh của bệnh; do sự đoạn trừ Tham Ái, bệnh được đoạn trừ.

    Người bệnh cần phải biết được bệnh tình của mình, anh ta phải ghi nhận được diễn tiến của nó để khỏi trở nên trầm trọng, rồi anh ta phải nghĩ đến cách đoạn trừ nguyên nhân sanh ra bệnh; với kết luận như vậy anh ta đi đến vị lương y để chẩn bệnh và kê toa cho thuốc, nhờ hiệu quả của thuốc mà bệnh nhân hết bệnh, và đó là cách chữa.

    Như vậy :

    - Khổ, không thể không biết, mà cần phải biết rõ, vì đó là chứng bệnh tàn khốc nhất, Tham Ái là nguyên nhân sanh khổ, cần phải loại bỏ. Bát Chánh Ðạo cần phải được tu tập, thực hành, vì đó là cách chữa bệnh Khổ.

    Với tri kiến hiểu biết về Khổ, với sự đoạn trừ Tham Ái qua việc thực hành Bát Chánh Ðạo, sự chứng đắc Niết Bàn là điều tất yếu.”

    Trên đây là lời giảng của hòa thượng Piyadassi. Như thế, hẳn quý vị đã thấy tầm quan trọng của giáo lý Tứ Diệu Đế trong đạo Phật. Bản hoài của đức Phật là chỉ đường cho chúng ta chuyển hóa tâm thức để giải thoát khỏi mọi đau khổ, vì vậy, tất cả các pháp môn được thiết lập để tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Bốn Chân Lý Thâm Diệu là căn bản, là nền tảng để xây dựng tòa nhà Phật giáo.

    Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật cũng dạy:

    - “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, ta sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ Diệu Đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này cũng không thể xảy ra”

    Kinh Di Giáo cho biết rằng trên bốn chục năm sau khi chứng ngộ Tứ Diệu Đế, vào lúc đã sắp nhập Niết Bàn, đức Phật vẫn còn dạy chư đệ tử vây quanh một lần cuối cùng:

    - “Các thầy Tỳ kheo, đối với Tứ Diệu Đế, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp”

    Xin đề cập đến Chân Lý Thâm Diệu thứ nhất, là Khổ Đế. Trong bài pháp đầu tiên, gọi là kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật mô tả cái khổ như sau:

    “Hỡi các Tỳ Khưu, đây là Chân Lý Thâm Diệu về Khổ. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, bám níu vào ngũ uẩn là khổ.”

    Trước hết, chúng ta nói về sự Khổ của Sanh. Trong chương Nhập Thai Tạng, kinh Đại Bảo Tích, đức Phật đã nói về sự khổ khi còn trong thai mẹ và lúc sinh ra, đại ý là: …”…lúc thai ở bụng mẹ như ở trong cái nồi, lúc mẹ ăn nhiều hay ăn ít, thai đều bị đau khổ, hoặc ăn quá lỏng, quá khô, quá lạnh, quá nóng, đứa con đều đau khổ cả. Hoặc mẹ đi gấp, chạy mau, ngồi lâu, nằm lâu, hay nhảy nhót, thai đều bị khổ. Lúc sơ sanh rơi vào tay người, hoặc trên khăn, chiếu v.v… hoặc trong nắng hay chỗ râm, hoặc trên xe, hoặc nơi giường, trong lòng người, tất cả mọi chỗ đều chịu sự đau đớn, khổ sở…”…

    Khổ vì tuổi già (Lão), thì đó là lúc trí nhớ đã lu mờ, suy nghĩ lẫn lộn, không còn sáng suốt, cơ thể hao mòn, nhức nhối, đi đứng lập cập, ăn uống khó khăn. Già mà nghèo khó thì dĩ nhiên là khổ. Nhưng ngay cả đến người giầu có, sang trọng, cũng vẫn khổ vì tuổi già.

    Có câu chuyện ẩn dụ về bà hoàng thái hậu, một hôm gặp một cô thiếu nữ trông có vẻ nghèo nàn nhưng trẻ trung nhanh nhẹn, bà ra lệnh ngừng xa giá để xuống trò truyện với cô ta. Cuối cùng bà hỏi:

    - Con có muốn được sống giầu sang phú quý chăng? Nếu muốn, con hãy đổi thân xác cho ta, từ nay con là hoàng thái hậu, ta sẽ là cô bé nghèo.

    Cô thiếu nữ nhìn lên gương mặt bà hoàng, với những nếp nhăn ngang dọc nét thời gian, tóc bạc, răng móm, cô sợ quá bèn ù té chạy một mạch mất biến.

    Khổ vì già đã không chừa ngay cả đến bà mẹ của vua. Nếu biết sống một cách sáng suốt, hiểu được sự vận hành của thiên nhiên, theo với thời gian lá vàng phải rụng, để mầm nhánh vươn ra, thì sẽ bớt được sự khổ não khi mỗi buổi sáng nhìn vào gương, trông thấy những vết nhăn hằn sâu trên mặt, thấy mái tóc thêm bạc.

    Như quý vị đã thấy, khổ vì Bệnh thì phần lớn chúng ta đều có kinh nghiệm. Tuy vậy, nếu bệnh qua loa thì đời sống còn chưa đến nỗi xáo trộn. Chẳng may mắc chứng nan y thì cuộc đời trở thành cơn ác mộng vì không còn sinh thú gì mà cứ phải chịu đau đớn triền miên.

    Khổ vì Chết là nỗi khổ đáng sợ nhất vì không ai biết cái gì sẽ chờ đợi bên kia cửa tử. Người ta thường nghĩ rằng chết là hết, là chấm dứt tất cả mọi liên lạc với thân nhân, bè bạn, là ra đi một mình chẳng biết sẽ về đâu, là chia tay vĩnh viễn với tài sản danh vọng một đời thâu góp.

    Khổ vì mong cầu mà không được thì hầu như luôn luôn xảy ra trong đời, học trò đi thi mong đậu nhưng nhìn bảng lại không có tên, yêu người mà người không đáp ứng, hoặc hai kẻ yêu nhau mà không được sống với nhau như cặp tình nhân huyền thoại Romeo và Juliette, đành tìm cái chết bên nhau.

    Khổ vì thương yêu mà phải sinh ly tử biệt thì trong tình sử, có rất nhiều chuyện thương tâm. Thí dụ chuyện mối tình sắt son của hoàng đế Shah Jahan thuộc triều đại Mogul và lăng Taj Mahal vào thế kỷ thứ 17. Hoàng đế Shah Jahan ra lệnh xây lăng này để kỷ niệm hai mươi năm tình nghĩa mặn nồng với bà vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahal, đã qua đời trong lúc lâm bồn. Hoàng đế đau đớn tiếc thương nên quyết định xây cho vợ một lăng mộ đẹp nhất ngay trên bờ sông Yamuna. Với số lượng nhân công lớn đến trên hai chục ngàn người cùng toàn bộ công sức và nỗ lực, vậy mà cũng phải mất 22 năm mới hoàn tất công trình, mà kinh phí lên tới 30 triệu ru-pi vào thời đó. Ngày nay khu lăng mộ này là một trong những địa điểm nổi tiếng, có sức thu hút rất đông du khách tới tham quan tại Ấn Độ

    Như thế thì chúng ta đã thấy, ngay cả đến vị hoàng đế quyền khuynh thiên hạ, cũng không thể kéo sự sống lại cho người vợ mà mình thương yêu nhất trên đời, cũng đành bất lực nhìn người yêu nằm trong huyệt mộ, ngàn đời ly biệt, chỉ còn biết đau đớn trong lòng với những kỷ niệm cũ mà sống qua ngày thôi.

    Khổ vì ghét nhau mà cứ phải gặp gỡ, liên hệ, vì những lý do ngoài ý muốn thì ai đã từng là nạn nhân của các cuộc tra tấn ắt hiểu ngay cảm giác “ghét mà cứ phải gặp” này, nhất là những tù nhân chính trị mà ban đêm nghe thấy gọi đến tên mình để “đi làm việc” (nghĩa là đi để chịu đòn tra tấn).

    Khổ vì thể xác và tâm hồn luôn luôn thay đổi, lúc khỏe lúc yếu, lúc vui lúc buồn. Thân thể đang khỏe mạnh bỗng đứt gân máu, đứng tim, đang vui vẻ bỗng nghe tin người thân yêu bị tai nạn. Thế là mọi sự đều thay đổi. Vui buồn, đau yếu đều có thế bất thình lình xảy ra, vì cuộc đời vốn Vô Thường, không có gì là bền vững, nào ai biết được chuyện tương lai. Cho nên Vô Thường là Khổ.

    Chúng tôi vừa giới thiệu với quý vị một số nỗi khổ điển hình, mà mọi người đều có thể gặp một cách bình đẳng, không đặc biệt miễn trừ ai vì bất cứ lý do nào, trích ra từ Chân Lý Thâm Diệu về Khổ, là một trong bốn Chân Lý Thâm Diệu mà đức Phật đã chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề.

    Mục tiêu cốt tủy của đức Phật có thể tóm gọn như sau:

    - Thứ nhất là nêu ra cho mọi người nhớ rằng cuộc đời đầy dẫy những nỗi khổ để nhìn rõ thực tế mà sống tỉnh thức.

    - Thứ hai là chỉ cho mọi người nhìn rõ nguyên nhân cấu thành những nỗi khổ, để tìm cách điều trị.

    - Thứ ba là nói về sự thiết yếu phải chấm dứt và phương pháp chấm dứt đau khổ để được hưởng hạnh phúc và an lạc.

    - Thứ tư là hành trì tu tập để chấm dứt khổ và giác ngộ Chân Lý, thấu suốt thực tướng của vạn hữu, thực chứng Hữu Dư Niết Bàn (là cảnh giới tâm thức an lạc của người ngộ Đạo).

    Lời nói đầu tiên khi đức Phật vừa bừng tỉnh, giác ngộ thực tại là:

    - “Lạ thay, tất cả chúng sinh đều có đầy đủ trí tuệ Như Lai, mà vì mê vọng nên phải chịu khổ trong luân hồi.”

    Về trí tuệ Như Lai, xin gửi tới quý vị một câu chuyện Thiền, trích dịch từ ngữ lục “Mud and Water” của thiền sư Bassui Tokusho, được dịch giả Arthur Braverman dịch từ Nhật ngữ qua Anh ngữ. Câu chuyện mang tên là:

    “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”

    Một cư sĩ hỏi:

    - Bạch thày, Thiền được mô tả là “Truyền ngoài kinh sách và không qua văn tự”, vậy mà lại có nhiều cuộc vấn đáp và tham hỏi về Đạo giữa các thiền sinh và thiền sư hơn cả giáo môn. Như thế thì làm sao có thể nói Thiền là pháp môn “truyền ngoài kinh sách?”? Xin thày giảng câu “ngoài kinh sách, không qua ngôn ngữ văn tự” nghĩa chân thực là thế nào?

    Thiền sư thốt lên tiếng gọi:

    - Cư sĩ !

    Ông ta đáp ngay lập tức:

    - Dạ.

    Thiền sư nói:

    - Tiếng “dạ” đó đến từ pháp môn nào?

    Ông cư sĩ cúi đầu vái thiền sư. Thiền sư tiếp:

    - Khi ông dự định tới đây, là ông tự quyết định. Khi ông định hỏi, là ông tự làm công việc “hỏi” đó. Ông không nhờ đến ai và cũng không cần phải dùng đến giáo pháp của đức Phật để làm chuyện đó.

    Chính cái “tâm” này chỉ đạo cho bản thân, chính nó là cốt tủy của “truyền ngoài kinh điển và không qua ngôn từ”.

    Đó chính là tinh túy Thiền của Như Lai. Những lời hùng biện lanh lợi, văn chương lưu loát, phân biệt và hiểu biết cảm thông, đều không tới được bờ mé của Thiền này. Chỉ có người nào thâm quán nội tâm một cách sâu sắc, không sa vào cái bẫy của chữ nghĩa, cũng không bị những lời dậy của chư Phật, chư Tổ che phủ làm mờ chân tánh, người nào vượt qua con đường độc đạo tiến tới Giác Ngộ và không để cho sự lanh lợi khéo léo trở thành nguyên nhân suy sụp, người đó sẽ, lần đầu tiên trong đời, đạt Đạo.

    Ngay từ khởi thủy, tất cả mọi chúng sinh đều vốn đã đầy đủ trọn vẹn và toàn hảo. Chư Phật và người dân thường đều vốn bình đẳng là Như Lai tự bản chất.

    Em nhỏ mới sanh vung tay khua chân cũng chính là hoạt dụng tuyệt vời của bản thể tự tánh.

    Chim bay, thỏ chạy, mặt trời mọc, vầng trăng lặn, gió thổi, mây trôi, tất cả mọi sự vật hoán chuyển đổi thay đều từ hoạt dụng của guồng quay bản thể. Chúng không tùy thuộc vào lời dạy của người khác hoặc sức mạnh của ngôn ngữ.

    Từ sự hoạt dụng của Giác Tánh, tức là bản thể của mỗi người, mà tôi đang nói chuyện đây và cũng vậy, các ông đang nghe tôi qua sự huyền diệu của Giác Tánh các ông đó.”

    Trên đây là lời giảng của thiền sư Bassui Tokusho.

    Đức Phật đã dạy “Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh”. Phật Tánh cũng là Giác Tánh, cũng là “Trí Tuệ Như Lai”.

    Nếu chúng ta tu tập “Tự thanh tịnh tâm ý”, thì Giác Tánh sẽ hiển lộ, như đức Phật khi bừng tỉnh, chứng ngộ thực tại, chấm dứt tất cả Khổ.
    Tuệ Đăng

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .









    .

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-05-2013, 08:01 PM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-03-2013, 12:07 PM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-16-2013, 12:38 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •