Dì Mẩn

NGUYỄN TRỌNG VĂN




Có lần trèo lên cây gạo đứng chon von đầu dốc đê nhìn xuống, xóm Vân trông giống như một củ ấu. Củ ấu ấy có hai chiếc sừng choãi ra ôm lấy đầm Vực.




Đầm Vực nông quèn như một cái ao, nó vốn là nơi người ta vực đất lên đắp đê nên gọi là "đầm Vực". Còn phần đuôi của củ ấu lại nối với thôn Muội nhờ con đường đất nhẵn mòn những dấu chân của mấy bà, mấy cô đi gánh lúa. Chẳng thế mà những người dân mấy xóm cùng làng đều nói "Dân xóm Vân ương như ấu".

- Con nhớ như vậy có đúng không dì?

- Ừ. Thế ra bác vẫn còn nhớ - Dì Mẩn không ngẩng lên, dì đang mải nghiền nốt miếng trầu.

- Dì. Lại gọi con là bác rồi - Tôi nhăn mặt, nhấp nhổm trên chiếc ghế nhựa, cự nự nhắc dì.

- Tại dì quen mất rồi. Bác vẫn còn nhớ - Dì Mẩn giờ mới ngừng tay ngẩng lên, chắc là dì thấy mặt tôi nhăn nhăn nên cười trừ.

- Ngày đó con còn nhớ dì hay nấu bánh đúc lạc.

- Bác... à không. Ừ lâu rồi chẳng có ai ăn bánh đúc lạc để mà nấu - Dì Mẩn lại ngừng tay nghiền miếng trầu, chợt giọng dì buồn buồn - Nhà có mỗi mình, ăn uống bày vẽ cũng ngại - Rồi giọng của dì vui hẳn lên - Hay bữa nào bác mời mấy anh em làm đường cùng bác lại chơi nhà, dì nấu nồi bánh đúc lạc ăn cho lạ miệng.

- Bọn con dân thợ đường làm khỏe, ăn nhiều lắm, dì phải nấu mấy nồi mới đủ - Tôi nghĩ thầm. Ai lại bắt dì nấu cho mình ăn.

- Các bác có bao nhiêu người cũng không lo. Ngày xưa dì nấu cả cho bốn chị em bác cùng ăn đấy thôi.

Mấy chị em chúng tôi theo cơ quan đi sơ tán được sắp xếp về ở nhà của cô Mẩn. Mẹ tôi bảo "Các con từ nay ở nhà dì Mẩn". Dì Mẩn người bé thấp, khăn thâm quấn quanh đầu suốt ngày, miệng nhai trầu ngay cả lúc dì nằm ngủ. Dì có dáng đi tất tả như lúc nào cũng vội chuyện gì đấy. Dì Mẩn ít tuổi hơn mẹ tôi, nên mẹ tôi bảo "Gọi là dì cho thân mật".

Nhà dì Mẩn lọt giữa xóm Vân. Ngõ vào nhà dì có hàng ô-rô cao chạm ngực, được cắt ngọn bằng chằn chặn. Một ngôi nhà gạch ba gian hai trái, xây từ hồi nảo hồi nao, mái ngói rêu mốc phủ dày như rải lá. Những hôm có mưa rào, tôi chụm tay hứng nước mái hiên để uống và uống luôn cả cái mùi rêu tanh tanh mốc mốc. Vườn nhà dì rộng, lá rụng vàng đầy gốc cây được quét vun thành từng đống. Còn trên những cây ăn quả lâu niên, lá xanh kín mít đến nỗi chẳng có sợi nắng nào xuyên qua được. Thích nhất là trong vườn có rất nhiều thứ cây ăn quả.

Tôi chào dì Mẩn xong bèn co chân chạy tút ra vườn sau cái nháy mắt của anh Chình. Anh Chình là em anh Chùng. Nhà chỉ còn có dì với anh Chình, hè xong anh Chình sẽ vào học cấp 3. Anh Chùng là con trai lớn của dì, đang học trung cấp sư phạm dưới tỉnh thì xã gọi về đi bộ đội, anh đi hồi đầu hè vừa rồi, đi trước ngày mấy chị em tôi về ở với dì. "Như thế đỡ vắng vẻ". Mẹ tôi nói thêm.

Anh Chình chạy trước tôi chạy sau, tới giữa vườn thì anh khoát tay bảo dừng lại. Anh ngửa cổ, chăm chú rê đầu ống xì đồng như người đang rê mũi súng, anh hướng đầu ống xì đồng lên cây thị cao vút. Anh không nhìn những quả thị chín vàng ươm đang trĩu trịt trên những cành xa lắc. Anh ngửa cổ quay đầu, rê xì đồng tìm lũ chim chào mào đang chuyền rích rích, rỉa mỏ vào mấy quả thị. Anh lại gẩy gẩy mắt ý nhắc tôi tránh xa tầm tay, anh Chình lại nâng ống xì đồng lên. Phụt. Con chào mào có cái mào đỏ chót rơi đánh bịch ngay chỗ tôi vừa đứng. Nó rơi bịch xuống đất nằm lịm, cánh xã xoài chứ không chết, không bị thủng hay vỡ chỗ nào. Tôi phục lác cả mắt. Tài thổi xì đồng của anh Chình vào loại nhất làng.

- Các bác bao giờ thì làm xong con đường?

- Dì Mẩn chợt hỏi cắt ngang dòng suy tưởng của tôi - Làm xong có khi bác lại không về đây nữa.

- Dì lại mắng con rồi. Con xin.

Tôi xua tay nói vội, phần cũng ân hận, phần cũng băn khoăn. Nói là không về nữa thì đáng trách. Còn nói sẽ về thường xuyên cũng kho khó. Dì Mẩn chẳng đoái hoài đến câu nói vừa rồi của mình, cứ như dì vừa buột miệng nói mà thôi. Dì không thôi nhai trầu. Dì nhai trầu liên tục, nhai đến nỗi cơ mặt của dì nhăn nhầu cả lại. Nhăn nhầu đến tóp hai má, nhăn nhầu đến móm cả miệng nên trông dì càng già với tuổi tám mươi.

- Các bác cả ngày ở ngoài đường, nắng nôi gió máy thế, làm được tiền có đủ tiêu không?

- Dì Mẩn lại như quen mồm hỏi tiếp - Tiền bao nhiêu cho đủ. Ở quê hóa ra lại hay, có ít tiêu ít, không có không tiêu.

- Dạ.

Tôi lúng túng không biết trả lời dì thế nào cả. Hồi năm sáu mươi chín không khó như bây giờ. Mấy chị em tôi được ở nhà dì coi như còn sướng hơn ở với bố mẹ. Mỗi tháng một lần bố tôi lích kích xe đạp về thăm. Bố cười gọi tôi lại giúp bê bao gạo vào nhà. Dì Mẩn nhìn bao gạo cứ xuýt xoa kêu sao nhiều thế.

Nhiều thế nhưng khi bố tôi đi khỏi, dì lại nhắc anh Chình đem bao gạo đó đi đâu đó. Dì nấu cơm cho mấy chị em chúng tôi ăn bằng thứ gạo trong nhà dì. Gạo mới, dẻo lại thơm, có bữa chạy lắm tôi ăn nhiều làm các chị tôi phải lườm nóng hết cả mặt.

- Thế bà chị tôi "về quê" như thế nào? - Dì Mẩn lại hỏi, lần này là hỏi thăm chuyện mẹ tôi ốm đau rồi mất ra sao.

- Dạ. Mẹ con hồi còn sống cứ nhắc về thăm dì mà giờ con mới về được.

- Các bác còn bận việc nhà nước. Về lúc nào tiện thì về - Dì Mẩn bỗng quay sang chuyện khác - Thế bác gái và bọn trẻ có khỏe không?

- Để hôm nào thông đường, con đánh xe cho các cháu về thăm bà - Tôi nhanh nhẩu -Cũng mau thôi.

- Bác lại lo tôi đi theo bà chị tôi à?

- Dạ không ạ. Đấy là các cháu bà cũng muốn vậy. Con kể chuyện ngày xưa, chuyện hồi còn ở với dì ấy. Các cháu của bà nghe thích lắm, đòi về quê nằng nặc. Ở Hà Nội chẳng có vườn cho chúng nó hái quả.

- Là dì hỏi thăm thế thôi. Trẻ con bây giờ còn phải học. Chuyện học mới quan trọng.

Hôm xã làm lễ truy điệu liệt sĩ cho anh Chùng, hôm đó trời nắng dữ, cái nắng báo trước trận lụt lịch sử năm bảy mươi mốt, dì Mẩn đứng sụp cả người. Dì mới bốn mươi hai mà còng sụp người ngay chân chiếc bàn nhỏ dùng làm ban thờ và lấy chỗ dựng tấm ảnh của anh Chùng. Ban thờ tạm đặt giữa vuông sân gạch bát đỏ au nhà dì. Cả xóm đến đủ cả, mọi người đứng im lặng giữa sân. Bốn chị em tôi không biết vì thương dì hay vì sợ mà dúm cả vào nhau. Đứng lấp ló qua khe cửa sổ nhìn mọi người đứng nghiêm giữa sân nghe ông xã đội trưởng cao lênh khênh, đầu không mũ, da mặt ông đen cháy như hòn than, đọc tin báo tử từ mảnh giấy nhỏ bằng hai bàn tay.

Lễ truy điệu liệt sĩ cho anh Chùng diễn ra nhanh gọn. Sau khi đọc tin báo tử xong, ông xã đội trưởng trịnh trọng đặt lên ban thờ tạm ngoài sân tờ giấy đã ngả vàng. Tờ giấy hơi nhầu do nó bị gấp kỹ trong chiếc túi xắc cốt mà ông xã đội trưởng phải lục mãi mới thấy.

Mọi người cúi đầu mặc niệm. Dì Mẩn cố gượng người, mắt dì ráo hoảnh. Mọi người thầm thì "Còn thằng Chình nữa. Không trốn đâu xa, trùng nó về nó mang đi nốt".

Lúc nghe mọi người nói thế tôi mới để ý không thấy anh Chình đâu. Anh Chình đâu nhỉ? Tôi chạy lén ra vườn, không thấy anh Chình ở đấy. Tôi chạy vù ra bờ sông, anh Chình cũng không thấy ngoài đó. Tôi sợ quá chạy về ngồi co ro bên góc học tập của tôi.

Chỗ ấy ngay cửa sổ nhìn ra sân, ngồi học trông bóng nắng di chuyển ngoài sân đẹp thấy mê. Anh Chình cũng không ở đó. Chiếc ống xì đồng nhẵn bóng nhờ những vết tay dựng ngay cạnh góc học tập. Một tờ giấy nhỏ buộc cẩn thận quanh thân ống.

"Anh cho Trường chiếc ống xì đồng này.

Bắn chim giỏi nhé. Nói với mẹ anh giúp anh là anh đi trả thù cho anh Chùng. Chào thân ái và quyết thắng. Anh Chình".

- Cái thằng ương ngạnh. Nó trốn nhà đi đến giờ vẫn chưa thấy về.

- Dì. Dì uống chén nước - Tôi đỡ chén nước đưa tận tay dì Mẩn, trông chừng dì uống chén nước xong rồi nói lảng sang chuyện khác -Mới đầu tháng năm mà trời nắng quá.

- Ừ phải. Các bác cẩn thận, nắng quá ốm lại khổ vợ khổ con - Dì ngẩng đầu lên, mắt dì khô khốc - Mà đường các bác làm đi đâu nhỉ?

- Đường cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng mà dì - Tôi hồ hởi nói - Để hôm con đưa các cháu về thăm bà. Dì đi chơi Hải Phòng cho biết đây biết đó.

- Dì không đi đâu cả. Dì ở nhà đợi thằng Chình về. Nó về nhà không thấy dì nó lại bỏ đi - Bây giờ thì dì Mẩn lại cúi đầu nghiền nốt miếng trầu - Cái thằng, con với chả cái. Đi bộ đội cũng được nhưng phải về nhà nói với mẹ một câu chứ.

Hôm xã làm lễ truy điệu cho anh Chùng đúng là anh Chình trốn nhà đi bộ đội thật. Bằng chứng là sau khi anh Chình trốn nhà đi đâu ba tháng gì đó thì ông xã đội trưởng mặt cháy đen như hòn than phóng xe đạp tới nhà.

"Thằng Chình nó đi bộ đội rồi. Đi tốt rồi. Đơn vị người ta mới tư giấy về xã thông báo đây này. Có gì đâu mà mấy mẹ con rối lên thế?". Nghe ông xã đội trưởng cười như vậy dì Mẩn dịu hẳn người. Dì bước ra khỏi bậu cửa, cũng ngồi bệt xuống bậc hè cạnh ông xã đội trưởng. "Nhà ta có hai thằng, đóng góp cả cho Chính phủ những hai anh bộ đội. Vinh dự lắm". Ông xã đội trưởng nhìn dì, cười bí mật. "Đơn vị nó vào sâu rồi. Đánh lớn đến nơi rồi". Nói xong ông lại cười to phớ lớ, dắt chiếc xe đạp lọc xọc ra khỏi ngõ.

- Mắt mũi dạo này kém quá -Giọng dì Mẩn nhỏ hẳn đi, tôi còn nghe rõ tiếng nghiền trầu xịt xịt - Bác xem giúp dì cái rổ ổi còn có để trên bàn không? Đứa hàng xóm mới ngắt hộ ngoài vườn. Bác nhìn có quả nào ngon, đem về làm quà cho bọn trẻ -Dì Mẩn nói thoảng làm tôi giật mình -Chẳng còn là bao, cây cối héo hết cả.

- Để dì bán lấy mấy đồng rau dưa.

- Dì có ối tiền.

- Dì thương chúng con là dì nói thế.

Con không biếu dì thì thôi - Tôi cố xua tay, toan đứng lên giả bộ như sắp chào dì để ra công trường cùng với anh em.

- Bác từ từ đã. Dì có ối tiền thật -Dì Mẩn nói dứt khoát - Đấy bác nói đến tiền dì mới nhớ ra.

- Chuyện gì hả dì?

- Dì giờ có ăn được mấy. Tiền trợ cấp hằng tháng xã đưa đủ.

- Tiền chưa tiêu đến dì cứ giắt cạp quần cho con. Con hết tiền, con về xin tiền dì.

- Bác không biết đấy thôi. Nhà nước lấy ruộng phần trăm làm con đường mà các bác đang làm ấy.

- Rồi sao nữa ạ?

- Dì tiêu không tiện.

Dì Mẩn nhìn tôi, mắt ráo khô, khẩn khoản. Chiếc khăn quàng thâm bung xuống xõa che ngang chiếc cối giã trầu. Đầu dì tóc rụng gần hết, trơ mảng da đầu nhẵn như vết sẹo. Dì nói chậm vẻ mệt mỏi, nói khó khăn từng câu vì vướng miếng trầu nhai dở.

- Tiền Nhà nước đền bù cái ruộng phần trăm, dì gửi hết vào tiết kiệm.

Bác giữ giúp hộ dì. Đợi thằng Chình nó về, bác đưa cho nó. Nói là dì tha, dì không mắng nó đâu.

Thay cho lời kết.

Con đường 5 mới đoạn chạy qua huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành. Dừng xe ngay bên vệ đường, chỗ đó cách xóm Vân độ tầm tay với.

Mộ dì Mẩn ở ngay đầu lối vào xóm, một ngôi mộ mới xây, nhìn từ xa đã thấy hình ngôi sao mầu vàng sáng rực dưới nắng và dòng chữ "Phần mộ Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Mẩn" trên tấm bia đá mầu đen.