Làng Thanh Phước thuộc xã Hương Phong (tỉnh Thừa Thiên – Huế) được biết đến với câu chuyện mà người đời truyền tai nhau hàng trăm năm nay.



Mặc áo cho hòn đá có nhiều hoa văn chạm trổ kỳ lạ.
Đó là sự huyền bí và linh thiêng của một hòn đá được chạm trổ những hoa văn kỳ lạ. Thực hư về chuyện hòn đá biết mặc áo có thần lực chữa bệnh “thập tử nhất sinh” đã có từ ngàn xưa.
Thực hư Sự tích thiên thạch nổi giữa ngã ba Sình
Truyền thuyết kể rằng: “Ở vùng ngã ba sông Hương và sông Sình có một ông lão đánh cá nghèo, ngày ngày xuôi dòng nước của con sông chảy qua làng để quăng lưới. Một hôm từ mờ sớm đến mặt trời lên cao vẫn chưa bắt được con cá nào đủ to để ra chợ đổi gạo, ông buồn bã nằm trên vạt cỏ ven bờ, gối đầu lên một tảng đá lớn thiu thiu ngủ. Chợt ông nằm mơ thấy có một người thân hình to lớn, mặt mày đỏ gay giận dữ, tay cầm chiếc gậy dài thúc thúc vào người ông, quát: “Này ông lão kia, sao ông lại dám gối đầu lên người của ta mà ngáy?”.
Ông lão sợ quá quỳ mọp xuống, vị thần đá liền trấn an và nêu một câu hỏi nếu ông trả lời được thì vị thần đó hứa sẽ cải biến số phận để ông được sung túc, sống lâu. Câu hỏi đó là: “Thứ gì luôn im lặng và thiêng liêng như đá? Thứ gì luôn luôn ở với người, giúp ích cho người, mà không hề đòi hỏi đền đáp, hoặc lên tiếng kể lể lời nào?”.
Ông lão đánh cá ngẩn ngơ, chưa trả lời được, vì ông nghĩ trên đời đâu có thứ gì tốt bụng đến thế. Vị thần đá liền giải đáp: “Đó là hơi thở, nó có mặt để truyền sự sống cho các ngươi từ lúc mới ra đời, cho đến khi nhắm mắt mà chẳng đòi ơn nghĩa gì. Nó cũng im lặng như các loài đá mà các ngươi vẫn dùng để lót đường, xây nhà vậy”. Trước khi biến mất, thần đá quay lại nói thêm: “Thấy ngươi hiền lành, ta sẽ cho ngươi một món quà, ngươi hãy mau thức dậy và quăng lưới xuống sông, ngươi sẽ nhận được món quà ấy”.
Khi giật mình thức giấc, ông lão vội vã quăng lưới xuống nước như lời vị thần ấy dặn. Không lâu sau, ông cảm thấy có vật gì nằng nặng cứ trì lấy chiếc lưới. Ông lặn xuống xem chẳng thấy gì quý báu mà chỉ là một phiến đá to đang làm vướng lưới. Ông gỡ lưới ra khỏi phiến đá rồi lên bờ về nhà lòng không vui. Đêm ấy đang chập chờn, ông lại mộng thấy một phụ nữ xuất hiện với ánh sáng chói quanh người, bảo ông: “Ta là nữ thần dưới sông kia, hồi trưa ngươi đã gặp ta tại sao không đem ta lên bờ? Nếu ngươi đem ta lên ta sẽ phù hộ cho ngươi thoát khỏi cảnh túng thiếu”.
Sáng ra, ông lão rủ thêm vài người trong làng lại quãng sông lặn xuống và đem lên hai phiến đá to bên trên có khắc hình một nữ thần với nhiều tay đang vươn cao, chân đang ngồi xếp bằng, chung quanh có hình voi, hình người trông rất lạ mắt. Lúc ấy trời bỗng chuyển giông, mây kéo đen nghịt rồi mưa trút xối xả, hai viên đá sáng lên từng chặp theo những tia chớp trên cao lia xuống. Thấy vậy, người ta hoảng sợ đem các viên đá này vào gần làng, lấy gạch xây một cái bàn thờ để đặt đá lên trên.
Từ đó, hễ ai đem lễ vật dâng cúng cầu gì thường được toại nguyện. Nhất là cứ đến tối 30 hoặc ngày rằm âm lịch mỗi tháng, người trong làng thường thấy bóng một nữ thần từ trong tảng đá bay ra, ban đêm ít ai dám lai vãng đến chỗ thờ. Hòn đá vuông to bằng tấm chiếu, sắc xanh trắng, mặt đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân. Người chài sợ cho là thần liền đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ đấy hòn đá tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) phong làm “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”. Gặp năm đại hạn, sai quan đến cầu đảo hàng mấy tuần không được mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông. Đêm hôm ấy liền nổi gió to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn...”.
Thực hư chuyện “ngài” chữa khỏi bệnh “thập tử nhất sinh”
Khi nghe xong những truyền thuyết về hòn đá kỳ lạ của làng qua những lời kể của các cao niên trong làng, chúng tôi thấy rất vẫn còn nhiều thắc mắc về chuyện hòn đá chữa khỏi bệnh? Ông Phan Cà (82 tuổi) là người trông coi và nhang khói cho Am Bà (nơi đặt hòn đá) đã hơn 20 năm nay cho chúng tôi biết: “Cách đây chục năm có chàng thanh niên ở làng bên mắc bệnh mà không rõ nguyên nhân. Gia đình đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, có người mắc đến xin bà để bà cho lành bệnh. Rứa là anh ấy mua lễ vật tới cúng vái, cầu nguyện. Một thời gian sau chàng thanh niên đó khỏi hẳn bệnh, khỏe mạnh bình thường. Qua bên Mỹ còn gọi điện về hỏi thăm tôi, cậu ấy gửi tiền về tạ ơn bà. Bờ tường được xây quanh ngôi miếu là cậu ấy gửi về xây đó chứ!”.
Có một thời gian dài nhiều người không dám đi qua miếu bà vào những khi trời tối. Và con gái không ai dám xõa tóc đi qua đó vì sợ bị “vương”. Người dân trong làng kể cho chúng tôi nghe những năm chiến tranh Mậu Thân quân ngụy đổ bộ vô Huế. Bom đạn tốc mái của ngôi miếu nhưng hòn đá thần kỳ vẫn hiên ngang giữa đất trời. Cả tiểu đoàn của quân ngụy muốn dỡ hòn đá đi nhưng cả trăm người cũng không dỡ nổi. Và cuối cùng phải nhờ tới dân làng Thanh Phước, và chỉ cần một mâm lễ và tuần nhang mời bà mới chịu. Sau đó hòn đá thần kỳ đó được dân làng rước bà về trong chùa. Cũng từ đó mà người dân trong làng không sợ những cô gái xõa tóc đi qua mà bị “vương”. Và ba năm sau dân làng lại rước bà về lại miếu để thờ cúng cho đến bây giờ.
Kể về những câu chuyện ly kỳ về chuyện bà về báo mộng, qua lời kể của ông Phan Cà cho biết: “Ngài về báo mộng cho tôi ba dạo rồi. Hôm đó đang giữa trưa mùa hè, oi bức quá nên tôi mới ra miếu bà ngồi cho mát. Lúc đi gần tới tôi thấy có người mặc quần áo khăn đóng, tôi tưởng ai đó về thăm miếu. Rứa là tôi đi nhanh để chỉ mở cửa cho họ, nhưng đến miếu thì nhìn quanh quất không thấy ai cả. Từ đó tôi cũng sợ lắm, cũng ít ra miếu. Rồi có một hôm mới chập tối tôi đi ra miếu để khóa cửa thì gặp lại một người như trưa hôm đó. Nhưng đến lúc nhìn lại cũng chẳng có ai, nói thiệt với cô chứ lúc đó tôi lạnh toát luôn. Đêm đó tôi nằm mộng bà hiện lên nói với tôi là: “Răng bà cho con chộ bà mà con lại sợ?”. Từ đó trở đi tôi không sợ nữa dù giữa trưa hay nửa đêm tôi ra thắp hương cho ngài”.

Ông Phan Cà kể về những câu chuyện linh thiêng ở Am Bà.
Chuyện về người đua ghe mất mạng
Và như để minh chứng cho sự thần bí về miếu bà, ông Phan Cà nói chắc nịch: “Nếu ai mà không tin bà hay sỉ vả, coi thường là y như rằng gặp xui xẻo ngay. Ví như năm đó làng tổ chức đua ghe với các làng khác. Đội đua ghe làng bên đi qua miếu bà mà không vô thắp nhang lại còn phớt lờ chuyện linh nghiệm của bà, nên mới chỉ đua đến giữa dòng sông đã bị lật tay lái, người nhạo báng bà chết bất đắc kỳ tử luôn đó. Rồi còn cả chuyện ông nội ăn trộm lư hương ở am bà mà cháu nội chết, đi coi thầy họ mới nói là vì quả báo ăn trộm đồ. Sợ quá gia đình đó mới mang đồ đến trả và xin bà xá tội cho...”.
Chính những câu chuyện được truyền khẩu ra ngoài đời nên những người lợi dụng điều đó để chuộc lợi. Theo những người dân trong làng cho biết: “Có một thời gian việc nhảy đồng ở đây diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng tới an ninh trật tự của thôn xóm nên chính quyền xã đã ngăn cấm. Hiện vẫn còn nhiều người về Am bà để nhảy đồng chữa bệnh, nhưng nhỏ lẻ hơn. Vì đây cũng là nơi tín ngưỡng tâm linh của bà con nên cũng không thể cấm được họ cúng cấp mong bà phù hộ. Mình tâm linh thì được chứ không nên mê tín dị đoan”.


theo nguoiduatin