Tết đến, xuân về, người người hối hả sắm sảnh cho cái tết thật tươm tất. Nhưng với những người lao động nghèo, quanh năm bươn chải chốn thị thành, họ chỉ mong sắm được tấm áo mới hay mua được hộp sữa cho con trước khi về quê ăn tết.


Anh Huân ngày nào cũng cặm cụi bán hàng đến 1, 2 giờ sáng
Ba năm qua, chị Mơ rời xa đứa con trai bé bỏng, xa miền quê nghèo ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc cùng chồng ra Hà Nội kiếm sống.
Ngày ngày, chị dạo quanh khu phố Cổ với thúng bánh rán đủ loại, còn anh chồng khi làm bốc vác, khi lại đi xây…ai nhờ việc gì thì làm việc đó.
Ba năm bươn chải ở đất Hà thành, chưa năm nào vợ chồng chị Mơ về quê ăn tết trước ngày 29 âm lịch, bởi những ngày cuối năm này, lượng bánh chị bán được gấp đôi gấp ba ngày thường, có ngày đắt hàng, cả thúng bánh hàng ngàn chiếc cũng hết veo. Và cũng bởi một điều quan trọng hơn tất thảy “cố ở lại làm còn mua quần áo cho con.”
Mặc dù mua quần áo ở Hà Nội tốn kém hơn rất nhiều, nhưng với chị Mơ, làm cả năm cả tháng chỉ cố gắng mua được cho con chiếc áo mới “đẹp đẹp”.

Chị Mơ gắng ở lại bán bánh rán để 29 tết về có áo mới cho con.
Gương mặt người mẹ trẻ như ánh lên niềm vui xen lẫn nỗi buồn khi nhắc đến đứa con thơ dại ở quê nhà: “Xa nhà cũng nhớ con lắm nhưng vì miếng cơm nên mới đành phải ra đây, chứ ở quê làm hùng hục cũng không đủ sống. Cả năm có cái tết chỉ mong mua được cái áo mới cho con đi chơi tết, cho nó đỡ tủi thân.”
Không nhớ chính xác quãng thời gian gắn bó với xe ngô, khoai nướng, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội từ bao giờ, nhưng với vợ chồng anh Huân (Sơn Tây, Hà Nội), đó là cả “cơ nghiệp” để mưu sinh, quan trọng hơn là để chăm lo, nuôi nấng hai con ở quê ăn học nên người.
Anh Huân chia sẻ: “Đời mình đã khổ rồi thì phải cố mà làm cho con cái được ăn học, có cơ hội được nở mày nở mặt, chứ như bố mẹ thế này thì chán lắm.”
Ngày nào cũng vậy, sáng sáng, vợ chồng anh Huân chuẩn bị ngô, khoai, sắn làm hàng tươm tất rồi rời căn phòng trọ ở Khâm Thiên đi bán hàng từ 3 giờ chiều. Người và xe gắn bó với nhau từ lúc ấy đến tận 2 giờ sáng hôm sau, có hôm bán chạy thì được về sớm hơn chút ít. Vất vả là thế, nhưng anh Huân bảo “so với làm nông thì đỡ hơn nhiều, thu nhập cũng ổn định hơn”.
Những ngày cuối năm này, món ngô, khoai, sắn nóng hổi rất hấp dẫn du khách qua lại khu vực chợ đêm Đồng Xuân, nhưng không vì thế mà anh Huân trở về phòng trọ sớm hơn bởi đã chuẩn bị thêm hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.
Anh Huân chia sẻ: “Cuối năm trời rét, hàng bán chạy hơn nên có phải về muộn hơn tí cũng không sao. Cố mấy ngày đến 28 thì vợ chồng khăn gói về quê. Người nhà quê mình tết cũng không rườm rà mua sắm gì, có sao dùng vậy, chỉ cốt là mua cho 2 đứa bộ quần áo với cả mấy hộp sữa không chúng nó lại mong.”
Với những người lao động tỉnh lẻ lên thủ đô mưu sinh, những ngày cuối năm là lúc họ mong đợi nhất nhưng cũng nhiều âu lo nhất.
Mong đợi bởi mặt hàng nào cũng bán chạy hơn ngày thường, mong đợi đến giây phút tạm gác lại mọi công việc trở về với gia đình, quê hương. Nhưng đây cũng là lúc họ chưa thể bỏ lại âu lo, bởi mấy ngày cuối năm có thu nhập khá hơn mấy thì chi tiêu cho tết cũng hết sạch.
Anh Huân chia sẻ: “Kiếm được bao nhiêu đều về lo cả cho tết. Ngoài mấy bộ quần áo cho con mua ngoài Hà Nội thì chả dám sắm gì ở đó hết, cái gì cũng đắt đỏ.”
Cô Thanh (Ninh Bình), bán vé số ở chợ đêm Đồng Xuân, chua chát nói: “Tết của người giàu, không phải của người nghèo. Năm nào cũng 30 mới về, tôi chỉ sắm hương hoa, mâm ngũ quả bày trên ban thờ và làm bữa tất niên cho con cái sum họp rồi mùng 2 lại ra Hà Nội chạy vé số.”

theo laodong