Phe đối lập đang tiếp tục tích cực thu nhập “bằng chứng” về tính vi hiến của cuộc bầu cử Thái Lan.



Người biểu tình Thái Lan (ảnh: whatonxiamen)
Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan vừa kết thúc và được coi là thắng lợi tạm thời của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), cũng như chính phủ của bà Yingluck. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định cuộc bầu cử không thể thay đổi tình trạng rối ren của nước này khi cả chính phủ và phe đối lập vẫn tiếp tục chia rẽ và có khả năng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang.Hôm qua (5/2), Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết 46,79% số cử tri đã tham gia cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua. Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan, khoảng 20 triệu trong tổng số 43 triệu cử tri đủ tư cách đã thực hiện quyền bầu cử tại 68 tỉnh - nơi không vấp phải sự cản trở của người biểu tình, trong đó có 71,38% số phiếu bầu hợp lệ, 12,05% số phiếu không hợp lệ và 16,57% số phiếu trắng. Hoạt động bầu cử tại 9 tỉnh bị hoãn do thiếu phiếu bầu vì người biểu tình phong tỏa và tuần hành.
Dự kiến, Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ họp vào hôm nay (6/2), để bàn giải pháp cho sự gián đoạn của cuộc bỏ phiếu sớm hôm 26/1 cũng như cuộc bầu cử hôm 2/2 tại 9 tỉnh, đồng thời thảo luận vấn đề 28 khu vực bầu cử ở miền Nam không có ứng cử viên đăng ký tranh cử do sự cản trở của người biểu tình.
Dự kiến, Thái Lan sẽ phải tiến hành thêm một cuộc bỏ phiếu vào ngày 23/2 tới để những cử tri chưa được đi bỏ phiếu sẽ có cơ hội thực hiện nghĩa vụ của mình. Thế nhưng, phe đối lập đã lên kế hoạch tiếp tục thực hiện các cuộc biểu tình và thu thập bằng chứng về tính chất "bất hợp pháp" của cuộc bầu cử.Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý giữa đảng Vì nước Thái cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập vẫn chưa chấm dứt. Đại diện phe đối lập ở Thái Lan – đảng Dân chủ (DP) đã gửi thư lên Tòa án tối cao yêu cầu giải tán đảng cầm quyền Vì nước Thái của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Cùng với tuyên bố trên, phe đối lập cũng yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 2/2. Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập cho rằng, cuộc bầu cử trên là vi hiến và tổ chức trái với luật định.Ông Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ cho biết: “Các cuộc bầu cử đã không bầu đủ số đại biểu cho Quốc hội. Cuộc bầu cử diễn ra trong những hoàn cảnh mà mọi người không được đi bỏ phiếu một cách thực sự tự do”Trong khi đó, Đảng Vì nước Thái đã đệ đơn yêu cầu Ủy ban Bầu cử giải tán đảng Dân chủ và cấm các đảng viên hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử đã nhận đơn kiến nghị của đảng Vì nước Thái. Người phát ngôn đảng Vì nước Thái giải thích các cuộc biểu tình do nhà lãnh đạo Suthep Thaugsuban cùng tám nhân vật khác dẫn đầu đã vi phạm điều 68 của hiến pháp; đảng Dân chủ cũng đã vi phạm hệ thống dân chủ thông qua hành vi ủng hộ phe biểu tình chống chính phủ cản trở bầu cử Quốc hội hôm 2/2.
Người phát ngôn ghi nhận các thành viên của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) đã hợp tác với 25 đảng viên đảng Dân chủ trong biểu tình, như vậy đảng Dân chủ đã không hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là một đảng phái chính trị theo quy định tại điều 94 Luật Đảng phái chính trị. Theo người phát ngôn, kiến nghị của đảng Dân chủ yêu cầu Tòa án hiến pháp vô hiệu cuộc bầu cử Quốc hội hôm 2/2 là bằng chứng cho thấy mục đích lật đổ chính phủ của đảng này không phù hợp với các quy định dân chủ.


Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (5/2), Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua đề nghị của cảnh sát ban bố lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban với tội danh không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp. Tòa án đồng thời cho phép nhà chức trách bắt và tạm giam những thủ lĩnh biểu tình trên trong thời hạn tối đa là 7 ngày.Có thể nói tình hình ở Thái Lan sẽ có thể còn leo thang trong những ngày tới. Người biểu tình chống chính phủ đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tuần hành quy mô lớn hơn ở trung tâm Băng cốc và thúc đẩy kế hoạch hủy kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong bầu không khí căng thẳng vừa qua.

Ông Kriengsak Chareonwongsak, nhà phân tích chính trị tại Thái Lan nhận định: “Tôi nghĩ rằng, khả năng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang. Mọi việc sẽ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi có thêm những quyết định được đưa ra do sự khuấy động của cả hai bên”.Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, tài năng chèo lái con thuyền Thái Lan của Thủ tướng Yingluck sẽ tiếp tục bị thử thách bởi sự tấn công các “cơn bão pháp lý” và khó đưa ra được các dự luật cũng như ngân sách để hồi phục nền kinh tế. Nếu tình hình hiện nay vẫn tái diễn trong một vài tháng tới, Thái Lan có thể mất đi vị thế của “thiên đường” thu hút đầu tư và du lịch châu Á như một hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng

theo vovnews