Năm nay đã 77 tuổi, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tư vẫn đôn đáo, chạy vạy để 314 học sinh nghèo có được mỗi ngày ba bữa ăn đạm bạc. Tình cảnh của thầy và trò ở ngôi trường hết sức đặc biệt này đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của những tấm lòng vàng!



Thầy Trần Văn Tư .
ĐẾN TRƯỜNG ĐỂ ĐƯỢC… ĂN CƠM
Cách TPHCM khoảng 500 cây số về phía tây là phần Biển Hồ thuộc tỉnh Xiêm Riệp - vương quốc Campuchia (CPC). Ấp 7, xã Chong Khnia, huyện Xiêm Riệp hiện có 539 hộ với 2.401 người Việt đang sống chen chúc trên vô số nhà bè, ghe xuồng đậu đặc một góc Biển Hồ mênh mông. Nổi bật giữa khu làng nổi là một nhà bè sơn xanh hai tầng, bên hông có dòng chữ lớn, cách trăm mét vẫn đọc được “Trường học Việt Nam”. Đến những ngày đầu tháng 2-2014 này, trường vẫn duy trì sĩ số 314 học sinh chia làm 6 lớp, với 6 giáo viên phụ trách. Ngoài ra còn có 4 người nấu cơm, dọn rửa...
Hiệu trưởng Trần Văn Tư (SN 1937, quê Tây Ninh) kể về “lịch sử” của ngôi trường đặc biệt này: Hơn 30 năm trước, người Việt sống ở đây đã khá đông nhưng rất ít người biết chữ. Mỗi khi có người nhận thư từ quê nhà gửi sang, cả xóm lại tụ tập, cột ghe vào nhau để cùng đọc. Năm, mười người có khi chỉ đọc lõm bõm được một vài đoạn, sau đó phải bơi thuyền đi tìm người biết nhiều chữ hơn để nhờ đọc cho hết bức thư. Năm 1981, thầy Tư từ Việt Nam sang đây bán muối cho cộng đồng người Việt. Thấy cảnh bức xúc đó, thầy nung nấu ý định mở lớp học dạy chữ Việt cho bà con mình, nhất là trẻ em. Rồi tình cờ thầy gặp hai cô gái là chị em ruột mới từ Sài Gòn sang. Cô chị đang học dở đại học, cô em lớp 11 thì nghe lời xúi giục vượt biên. Sau khi lừa lấy hết tiền, vàng, bọn dẫn đường đã định bán họ vào một ổ chứa ở Xiêm Riệp. May mắn sao cả hai được thầy Tư phát hiện, bỏ hơn 2 chỉ vàng chuộc về. Thế là họ trở thành hai cô giáo đầu tiên của làng Việt kiều ấp 7, xã Chong Khnia này.
Thầy Tư đã đến một đơn vị bộ đội Việt Nam xin một chiếc bè cũ về sửa chữa lại làm lớp học, đồng thời cũng là “nhà” cho hai cô giáo. Gia đình các học sinh đóng góp nuôi hai cô. Lớp tồn tại được vài năm, giúp cho vài trăm người biết đọc, biết viết. Năm 1989, bộ đội Việt Nam làm xong nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân CPC thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt, rút quân về nước. Gia đình thầy Tư cùng hai cô giáo cũng trở về Tây Ninh, TPHCM.
Năm 1993, thầy Tư quay lại vùng Biển Hồ - Xiêm Riệp thì chiếc bè làm lớp học đã mục nát. Được sự giúp đỡ của sứ quán Việt Nam và sự tích cực vận động từ nhiều nguồn của ông Võ Văn Đầy (tức Sáu Đầy, Việt kiều sống lâu năm ở vùng này), một nhà bè nhỏ được đầu tư 1.700USD gắn bảng “Trường học Việt Nam” ra đời với khoảng hai chục học sinh theo học. Năm 2009, Cty xi măng Hà Tiên cho 1.600USD và 17 triệu đồng. Năm 2010, trường ngoại ngữ Dương Minh (Phú Nhuận - TPHCM) hỗ trợ 70 triệu và sư cô Trúc Huyền (Q4 - TPHCM) tặng 1.000USD, nhà sư Thích Thiện Tánh tặng một máy lọc nước, một thuyền máy đưa đón học sinh. Đặc biệt năm 2011, Quân khu 7 tặng hai nhà bè trị giá hơn 1 tỷ đồng... Tất cả những đóng góp đó đã giúp trường thêm khang trang, tiện ích cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh.
Từ năm 2009, khi cơ sở vật chất của trường đã tương đối, thầy Trần Văn Tư quyết định sử dụng tiền, quà đóng góp từ các nhà hảo tâm để cho học sinh mỗi ngày ba bữa ăn. Đến trường được học chữ lại được ăn no là ước mơ của rất nhiều trẻ em nghèo người Việt ở vùng này. Đó cũng là niềm sung sướng của các bậc phụ huynh đang kiếm sống vất vả. Vì thế từ sĩ số 31 học sinh trước khi “được ăn cơm”, đã tăng lên hơn 10 lần thành 314 học sinh. Có em 16, 17 tuổi mới xin vào học lớp 1. Có em vừa học xong lớp 1 đã... đi lấy chồng. Lo chạy ăn nuôi hàng trăm người là gánh nặng cho Hiệu trưởng Trần Văn Tư.
Thành phố Xiêm Riệp nhờ có kỳ quan thế giới Angkor Wat - Angkor Thom nên mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp thế giới. Có những đoàn khách đi thuyền ra Biển Hồ để được nhìn thấy một “kỳ quan” khác là “Trường học Việt Nam” dập dềnh trên mặt nước. Họ đến thăm và tặng tiền, quà. Nhưng nhà trường phải chi lại 30% số tiền cho hướng dẫn viên đưa các đoàn đến và chia sẻ bớt quà cho một trường Việt Nam khác ở nơi xa, không có khách du lịch đến thăm. Nhờ nguồn thu này, trường có thể nuôi học sinh ngày 3 bữa ăn và trả lương cho 6 giáo viên đứng lớp. Riêng 4 người tổ bếp không nhận lương, chỉ ăn cơm hàng ngày. Các gia đình nghèo cũng ngày ba lần chèo xuồng đến trường nhận các suất ăn từ thiện...
NHỮNG NGÀY KHỐN KHÓ
Từ giữa năm 2013 đến nay, đời sống bà con Việt kiều trên Biển Hồ - Xiêm Riệp gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ CPC ra lệnh cấm đánh bắt cá, tôm trên Biển Hồ trong thời hạn 3 năm để các loài thủy sản tránh nguy cơ bị tuyệt chủng. Hàng ngàn người Việt bao nhiêu năm nay sống lênh đênh trên mặt hồ, đánh bắt cá để kiếm sống, nay rơi vào khó khăn. Nhiều ngư dân chuyển sang buôn bán rau, số khác lên bờ đi làm mướn và một bộ phận không nhỏ dắt díu nhau đi xin ăn! Trước cái đói dai dẳng, nhiều bà mẹ cứ chờ đến giờ ăn ở “Trường học Việt Nam” (sáng 7 giờ, trưa 11 giờ và chiều 5 giờ) là chèo xuồng đưa con đến. Những đứa nhỏ đang rất thèm ăn này nhanh nhẹn xen vào đám học trò đông đúc để kiếm một bữa ăn. Các thầy cô trong trường cũng không nỡ ngăn cản...
Trong lúc khó khăn như thế thì tình hình chính trị ở CPC bất ổn với những cuộc biểu tình của phe đối lập. Đó là lý do khiến trung tâm du lịch Xiêm Riệp không còn thu hút nhiều khách như trước đây. Các đoàn tham quan cũng không còn đi thuyền ra Biển Hồ thăm và tặng tiền, quà cho “Trường học Việt Nam”. Nguồn thu không còn, nhưng mỗi ngày vẫn phải chi từ 100 - 150USD để nuôi cơm cho 314 học sinh và hàng chục trẻ em nghèo vào “ăn ké”, nên Hiệu trưởng Trần Văn Tư rất vất vả. Thầy phải liên tục về Việt Nam đến các chùa, hội từ thiện và các nhà hảo tâm để xin tiền, gạo, mì, xì dầu... về nuôi các trẻ nghèo. Nhờ cố gắng của thầy, hàng trăm đứa trẻ nghèo vẫn được học, được ăn ngày ba bữa. Nhưng thầy Tư nay đã 77 tuổi sợ đến lúc chân run, mắt mờ không còn “chạy ăn” được cho sắp nhỏ hoặc không xin thêm được nữa. Nghĩ đến lúc đó, thầy nghẹn ngào, ứa nước mắt!


theo congan