Các nước trong khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ xích lại gần nhau hơn. Một sự đoàn kết trong khối và kêu gọi sự chú ý quốc tế trong tranh chấp biển với Trung Quốc sẽ có khả năng trở thành một chiến lược hiệu quả.


Binh lính Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh, tại căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh Trung Quốc với phát xít Đức năm 1938, Manila đã đi trước Bắc Kinh một bước khi đệ đơn tranh chấp ra tòa án quốc tế The Hague.

Theo đề nghị của Philippines, mọi sự tham gia của các nước liên quan đều được để ngỏ và do Tòa án toàn quyền quyết định.

Theo một số nhà phân tích, dù phán quyết cuối cùng của Tòa án có thể sẽ không được thi hành, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế chính trị và pháp lý của quốc gia đó.

“Nếu có nhiều quốc gia, bao gồm các thành viên của ASEAN, cùng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh có thể sẽ phải trả giá đắt nếu dám coi thường phán quyết của Tòa án”, bà Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết.

Trong số 10 nước thành viên ASEAN thì có đến 4 nước hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trong khi đó, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan cùng tuyên bố một khu vực kiểm soát chiếm tới 90% diện tích biển Đông. Đây rõ ràng là một hành động không thể chấp nhận được, vi phạm trắng trợn chủ quyền của nhiều nước trong khu vực.

Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, và Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương cùng lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp và hòa bình.

Các tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động cứng rắn và liều lĩnh trên biển Đông trong vài tuần trở lại đây.

“Những hành vi ở Biển Đông của Trung Quốc phản ánh nỗ lực của nước này trong việc khẳng định quyền kiểm soát các khu vực nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng. Bắc Kinh thậm chí còn không đưa ra được một lời giải thích hay bất kì cơ sở pháp lý nào liên quan đến pháp luật quốc tế “ ông Russel nói trong cuộc họp tiểu ban.
Hiện, các luật sư của Manila đang hoàn tất hồ sơ để đệ trình lên tòa án trước khi hết thời hạn vào ngày 30.3 tới.

Bảo Duy (Theo Reuters)