.

Một năm ai cũng lắc đầu
Hoàng Ngọc Nguyên







Nay chúng ta đã có cả một tháng để nhìn lại năm 2013 sôi động vừa qua. Những chuyện nổi bật trong năm chắc chắn chúng ta chưa thể quên được: vào những ngày cuối năm, người ta nói nhiều đến chuyện bất bình đẳng xã hội ngày càng khơi rộng: người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo; những người đồng tính nay có thể “lấy nhau”; Cơ quan An ninh Quốc gia NSA hóa ra biết tất cả mọi chuyện riêng tư của người dân; Obamacare được đưa đi cấp cứu; Washington hầu như chẳng làm được việc gì trong năm; người dân nay nhìn các vị dân cử khả kính của mình như một thứ ăn hại đái nát.

Chuyện bất bình đẳng xã hội được khui ra vì ba cái chuyện tiền lương tối thiểu, trợ cấp thất nghiệp, và chương trình tem phiếu thực phẩm cứ treo lơ lửng. Vụ tai tiếng NSA bùng nổ vì một tên vô lại mơ được làm người hùng can đảm của thời đại trong mắt của những người tẩu hỏa nhập ma vì chẳng hiểu mình tham vọng chuyện gì. Một quyết định điên khùng rất bình thường của một Tối cao Pháp viện về vấn đề hôn nhân đồng tính bất kể chuyện làm cho nước Mỹ thêm phân hóa mà còn phải đứng trước nhiều vấn đề mới nan giải. Khi Obamacare bước vào giai đoạn thi hành điều khoản then chốt buộc ai cũng phải có bảo hiểm y tế, người ta mới thấy được những giới hạn khắc nghiệt nơi năng lực chính quyền Mỹ. Và chẳng có năm nào mà người dân thấy các ông bà thượng nghị sĩ và dân biểu tại Washington có thể xem thường liêm sĩ đến thế.

Dĩ nhiên đó là những chuyện nổi bật thường là đề tài cho người dân nói chuyên với nhau khi trà dư tửu hậu. Nhưng không phải chuyện nổi bật nào trong năm cũng là chuyện có ý nghĩa nhất. Nếu phải chọn mười sự kiện cần ghi lại như một tổng kết có tính cách phân tích, chúng ta phải tập trung vào những chuyện gì đây? Đi tìm 10 sự kiện nổi bật có thể dễ dàng, nhưng một tổng kết có tính cách nhìn lại tình hình đất nước trên mọi mặt quan yếu một cách phê phán và dự tri, công việc này cần một khảo hướng khác biêt.

Sau khi đã tồn tại được trong năm 2013 vừa chấm dứt, nhiều người dường như đã học tập được một bài học, hay kinh nghiệm: sống trong thời này, người ta phải luôn luôn cảnh giác. Chẳng thể xem chuyện gì là đương nhiên. Và cũng phải nghĩ chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra được. Bởi thế mắt bao giờ cũng phải mở rộng, tai bao giờ cũng phải căng, và miệng bao giờ cũng sẵn sàng hỏi để cho trí óc bao giờ cũng hoạt động.

Sở dĩ động thái của chúng ta có những chuyển biến “cực đoan” như thế là vì khi nhìn lại năm vừa qua, đúng là có những chuyện không thể tin được. Không tin được nhưng vẫn xảy ra. Do đó khi nhìn đến năm 2014 vừa mới bắt đầu này, chúng ta không thể không hồ nghi với nhiều câu hỏi mà lời giải đáp đòi hỏi chúng ta phải đủ cảnh giác.

Đúng là để đi tìm giải đáp cho những câu hỏi trước thềm năm mới, xin hãy nhìn lại một số chuyện năm cũ với những gì có thể đọng lại lâu dài trong trí nhớ chúng ta – cho đến khi trí nhớ bắt đầu không hoạt động được nữa.

1. Chính phủ treo bảng đóng cửa.
Đó là chuyện chính trị kinh dị, quái đản, nhưng thực tế đã xảy ra vào tháng 10 qua khi những người Cộng Hòa tại Hạ Viện đưa ra một ngân sách đòi cắt hết kinh phí dành cho chương trình cải cách hệ thống y tế mà đảng Dân Chủ và Tổng thống Obama không chịu. Sau hai tuần, vì ngượng quá, và chẳng có kết quả gì (Obamacare vẫn còn đó), nên chính những nhà dân cử phải thông qua một ngân sách “tạm thời”, và mở cửa lại chính phủ. Dĩ nhiên những thiệt hại do việc đóng cửa này, nền kinh tế phải chịu hết, nghĩa là người dân gánh hết. Nhưng who cares? Câu chuyện đóng cửa vừa phản ảnh sự hư hỏng trong cơ chế chính trị của Mỹ, vừa cho thấy sự vô lương chính trị đúng là vô hạn. Vụ đóng cửa này cũng làm nổi bật một năm vô tích sự của Hạ Nghị Viện, mà những người cộng Hòa ở đây trong một hai năm qua đã quyết theo con đường phá hoại, khủng bố.

2. Obamacare là câu chuyện tiền hung, hậu kiết.
Đảng Cộng Hòa tìm cách tiêu diệt Obamacare. Chính quyền Obama thì “chạy” nó không được, cứ bị trục trặc trong cả hai tháng 10 và 11. Nhưng cuối cùng, Cộng Hòa cũng phải thối lui. Và người tính không bằng trời tính. Ông trời tính rằng nước Mỹ không thể trễ hơn, lạc hậu hơn trong xúc tiến bảo hiểm y tế đại chúng. Cho nên câu chuyện Obamacare qua đầu năm mới xem chừng đã thành một “fait accompli”. Và không thể kể đến những con số đáng ghi nhận như thành công trong bước đầu: gần 10 triệu người đã có bảo hiểm theo Obamacare, trong đó cả 7 triệu người lớn và trẻ con được bảo hiểm theo chương trình Medicaid mở rộng, mặc dù có đến 23 tiểu bang của thống đốc Cộng Hòa không “chơi” với chương trình này!

3. Vụ đánh bom ở Boston.
Hành động khủng bố của anh em nhà Tsarnaev, di dân đến từ Chechnya (nằm trong Liên bang Nga), vào giữa tháng Tư vừa làm cho người ta thấy được tính muôn mặt và toàn cầu của khủng bố Hồi giáo, vừa cảm thấy “the American dream” chẳng đơn giản cho di dân thế hệ trẻ trong bối cảnh một xã hội “đa văn hóa” nhưng không hội nhập. Chính “giấc mơ” này nay đang đe dọa nước Mỹ trầm trọng!

4. Cái học thời nay đã hỏng rồi.
Báo cáo tổng kết giáo dục trung học ở Mỹ được đưa ra vào đầu tháng 11 đã cho người ta một cái nhìn ảm đạm: học sinh Mỹ thua sút học sinh ở nhiều nước về hai môn tập đọc và toán. Chưa nói đến kiến thức tổng quát. Khi người Mỹ không chịu tập đọc, làm sao người ta có thể hội nhập trong xã hội “đa văn hóa”? Khi mà người Mỹ không nao nức học toán, làm sao nước Mỹ chẳng bị qua mặt về lâu về dài. Và khi một nước như Mỹ phải nhìn nhận giáo dục có vấn đề, thì vấn đề không chỉ còn là giáo dục nữa. Đó là mối quan ngại của những người muốn nhìn xa.

5. Còn NRA, đừng nói chuyện gun control:
Các nhà dân cử vẫn thối lui trước sức ép của Hiệp hội Súng Quốc gia NRA. Tưởng rằng sau vụ nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook, nước Mỹ lần này phải có chuyển biến. Nhưng ngày 15-4, Thượng Viện đã không biểu quyết nổi một đạo luật đơn giản là hạn chế súng tấn công và tăng cường kiểm soát lý lịch người mua súng. Nguy cơ bạo lực súng đạn trong một xã hội có đến 1/3 người ít nhiều mang bệnh tâm thần đã không làm cho những nhà dân cử đủ lương tâm để chống lại thế lực chính trị của NRA.

6. Edward Snowden: anh hùng hay kẻ vô lại?
Trong bình chọn “Nhân vật trong năm” của tuần báo Time, tân Giáo hoàng Frances chỉ thắng được Snowden trong đường tơ kẻ tóc. Snowden là tên trộm vào khoảng tháng Sáu đã lấy cả 1.7 triệu hồ sơ của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) để dùng vào việc tố cáo nước Mỹ xâm phạm đời tư của công dân cũng như dọ thám tình báo nhiều nước. Nay thì hắn đang tỵ nạn ở nước Nga, “lá cờ đầu” trong việc chà đạp nhân quyền và dân quyền. Có những tin tức về chuyện hắn ăn cắp passwords của bạn đồng nghiệp trong một âm mưu xấu xa phản quốc. Và cũng có ý kiến cho rằng hắn có thể là điệp viên cho Trùm KGB Vladimir Putin từ lâu!

7. Kinh tế phục hồi.
Đó là chuyện cụ thể, rõ ràng và tích cưc nhất trong năm. Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 7%. Số người thất nghiệp còn khoảng 11 triệu. Tỷ lệ tăng trưởng trong quí tư ước tính 3.5%. Thị trường nhà cửa, xe hơi, năng lượng… đều ngẩng mặt. Và chứng khoán lên cao điểm như chưa từng biết đã có suy thoái cách đây bốn năm! Nay nước Mỹ đã có bà Janet Yellen làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương thay cho ông Ben Bernanke. Một giai đoạn mới đã được mở ra?

8. Đối ngoại bó tay.
Đã hết huyền thoại mặt mạnh của ông Obama là quan hệ đối ngoại với thái độ mềm mỏng, khiêm cung và lối đi thụt lùi. Quan hệ với cả Nga và Trung Quốc chẳng đi đến đâu. Đối với Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ như muốn sa lầy, từ nơi cũ cũng như mới: Iraq, Afghanistan, Pakistan Ai Cập, Lybia, tệ hại nhất là Syria (phải nhờ Nga giữ thể diện). Hy vọng Iran là cái phao bất ngờ trong tình hình này.

9. Xã hội Mỹ bất an
Xã hội đang xao động vì những chuyện bất bình đẳng kinh tế và xã hội, cùng chuyện dân quyền của người da đen bị xâm phạm. Kinh tế Mỹ phục hồi, chỉ làm cho khoảng cách giàu nghèo thêm lớn, người nghèo thêm khốn đốn vì nạn thất nghiệp, vì đồng lương thấp, vì chương trình tem phiếu thực phẩm bị cắt… Về quyền bầu cử của ngưòi da đen, chính Tối cao Pháp viện đã chấm dứt sự bảo vệ dân quyền của họ bằng một phán quyết hồi tháng Sáu. Năm vừa qua, nước Mỹ có dịp kỷ niệm 50 năm cuộc tuần hành của gần 300.000 người Mỹ ở Washington do Martin Luther King dẫn đường. Đầu năm nay, người ta cứ hỏi: nửa thế kỷ đã trôi qua, phải chăng thời gian này vẫn quá ngắn cho những tiến triển đáng tự hào!

10. Trà Hội đến chân tường.
Đừng tưởng Trà Hội và Cộng Hòa là một hay Trà Hội lãnh đạo, dẫn dắt đảng Cộng Hòa. Đứng trước năm bầu cử, qua những kinh nghiệm làm mất lòng dân của Trà Hội, đảng Cộng Hòa đang thoát ly đường lối bảo thủ, giáo điều lâu nay của Trà Hội vì sợ họ có thể mất phiếu trong các cuộc bầu cử trong những năm tới. Nay họ có vẻ chọn con đường “populist” (hội nhập với quần chúng) hơn - như chúng ta đã thấy trong biểu quyết lưỡng đảng thông qua ngân sách vào đầu tháng 12 – cho dù Trà Hội quyết liệt chống đối. Đến đầu tháng Giêng, hai đảng lại hợp tác với nhau lần nữa, nhượng bộ qua lãi để thông qua ngân sách 2014 một cách dứt khoát – không đếm xỉa sự phàn đối của nhóm Trà Hội tại cả hai viện. Năm 2014 là năm bầu cử, cuộc chiến xem ra chủ yếu là giữa những phần tử Cộng Hòa theo Trà Hội và những người Cộng Hòa không theo Trà Hội!

Năm 2013 là một năm ai cũng lắc đầu. Nhưng đã lướt qua 10 điểm chính yếu trên đây, bạn đọc nay có thể lạc quan mường tượng được năm 2014 mới bước vào của mình: Vẫn còn gay go, vì có bầu cử, nhưng chẳng bế tắc, vì Trà Hội đã bị dẹp qua một bên!