Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Những ai chưa từng đau khổ thì những kẻ ấy không bao giờ biết tận hưởng được hạnh phúc.
Ugo Foscolo
Results 1 to 5 of 5

Chủ Đề: "Thôi Hạ Cờ Tây" hay "Hạ Cầy Tơ Thôi"

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    "Thôi Hạ Cờ Tây" hay "Hạ Cầy Tơ Thôi"

    .
    "Thôi Hạ Cờ Tây" hay "Hạ Cầy Tơ Thôi"

    Thôi Hạ Cờ Tây, chữ thôi ở đây là động từ mang nghĩa: Ngừng hẳn, không còn tiếp tục làm việc gì gì đó nữa. Còn chữ Thôi trong Hạ Cầy Tơ Thôi thì mang nghĩa: Phải dứt khoát làm việc gì gì đó vì khó thay đổi được. Chữ thôi nầy là một trợ từ. Vậy thì: Thôi Hạ Cờ Tây mang nghĩa Không Còn Ăn Thịt Cầy Nữa và Hạ Cầy Tơ Thôi là Dứt Khoát Ăn Thịt Cầy, quyết định là vậy, không thay đổi.

    Người ăn được món thịt cầy thì lý luận loài vật sinh ra là để làm thực phẩm cho giống người (Vật Dưỡng Nhân) và chó cũng là một con vật để cung cấp thịt như các giống heo, bò, gà , vịt... (gia cầm) hoặc các muông thú khác như tôm, cua, cá...(hải sản) hay nai, chồn, mễn... (thú rừng) khác, hơi đâu mà để ý đến riêng giống chó. Trên thế giới có nhiều nơi, nhiều giai đoạn khác nhau... kiếm được miếng thịt bỏ vào mồm đã là vật quý rồi nên hễ ai ăn được thịt chó thì cứ tiếp tục giữ ý thích của mình. Còn, ai không ăn thịt chó được thì cứ việc giữ ý định của mình vì dầu sao, con chó, loài vật nuôi trong nhà lâu ngày theo sát bên chủ như người bạn nên làm sao có thể ăn thịt nó được (Khuyển-Mã Chi Tình mà). Ăn và không Ăn, cũng là một cách cân bằng sinh thái cho loài vật nầy đấy. Cho là thịt chó ngon, phải ăn chúng thôi theo kiểu:

    ''
    Sống ở dương gian, đánh miếng dồi chó
    Chết xuống Âm Phủ biết có hay không..
    .
    ,
    hoặc:
    Ăn miếng thịt chó thì 3 ngày sau xỉa răng vẫn còn mùi thơm.

    Nhưng cũng có người kinh sợ thịt chó đến mức hễ ngửi thấy mùi khói nướng (từ chả chìa, dồi chó) thì lại chóng mặt, thậm chí mắc cơn muốn ói nữa.





    Thôi rồi! Chó ơi!

    Hầu như người Việt nào cũng đều biết các câu chuyện về loài chó như: Giết Chó Khuyên Chồng, Chó Đá Vẫy Đuôi... mà thuở nhỏ từng được nghe, được đọc. Các chuyện nầy nằm trong tiềm thức của người Việt cũng như bất cứ gia đình nào đều từng ít nhất đã có lúc nuôi 1 con chó.

    Phạm Thắng Vũ (PTV) cũng đã từng nuôi một con chó khi con vật vừa mất mẹ. Con chó mẹ (của một gia đình gần nhà) bị xe cán chết bỏ lại đàn 5 chó con nhỏ vừa mới mở mắt. Chó con quá nhỏ sợ khó giữ nuôi được nên chủ nhà mới gọi người hàng xóm cho bớt. PTV nghe chuyện liền xin mẹ dẫn đến nhà đó để nhận 1 con về nuôi với cam kết là sẽ lo sạch (dọn phóng uế) khi chó làm bậy ra nhà. Gia đình đặt tên cho nó là Bích La do đọc lái của 3 lít. Buổi đầu phải lo pha sữa đổ vào bình cho nó bú (như con nít) rồi khi nó lớn để tránh cảnh phải dọn đồ dơ của nó thì PTV nghe lời người lớn chỉ là dẫn nó đến một chỗ bỏ hoang (nằm gần ruộng rau muống mà dân trong khu phố gọi là bãi chó ỉa vì đầy rác cùng phân... chó). Đến bãi đất hoang đó, PTV nói với con Bích La:

    " Mầy từ nay ra đây ị nha, ị trong nhà là bị ăn đòn đó ".

    Vậy mà nó hiểu lời vì từ đó không thấy nó ị ra nhà nữa. Cứ có lúc thì nó chạy thẳng đến bãi đất hoang nầy và PTV chẳng phải lo cái vụ dọn đồ dơ của nó nữa. Con Bích La quấn quýt bên PTV như một người bạn thân bất kể giờ giấc. Có lần PTV nằm ngủ trưa, thoòng chân xuống dưới nền nhà thì đụng phải nó cũng đang nằm ngay tại đấy. Chân của PTV cạ lên cạ xuống cái phần bụng cùng lưng của nó và kể từ khi đó, mỗi lần mà thấy chân PTV vừa thò xuống đất là con Bích La chạy lại nằm ngay tại chỗ cũ như để chờ cái chân của chủ mình. Còn nhớ có lần trong khu phố người ta bảo nhau thức khuya, chờ xem hiện tượng Nguyệt Thực, PTV cũng chờ trước cửa nhà chung với con Bích La. Ngồi, rồi PTV nói với nó:

    " Mầy biết Nguyệt Thực là cái gì không mà ngồi đây, xem hả? ".

    Nó kêu ư ử như là trả lời mình vậy.

    Có lần nhà trường của PTV tổ chức cho học sinh đi chơi Đà Lạt (trong 3 ngày) thì hôm đi PTV dặn dò con Bích La phải coi chừng, đừng chạy ra ngoài đường sẽ bị xe cán chết như chó mẹ. Ngày cắm trại về, khi PTV vừa đặt chân vào đầu ngõ khu phố thì đã có con Bích La từ nhà chạy ra đón rồi. Làm như nó nghe được tiếng bước chân của mình vậy. Khôn thế mà con Bích La vẫn bị kẻ gian bắt mất lúc nào gia đình cũng không ai biết. Mẹ PTV nói là tại vì thằng Vũ cứ hay đánh sáo tay mỗi khi gọi con Bích La nên có lẽ mấy đứa trộm biết và giả cách đánh lừa để bắt mất nó thôi.




    Câu Lạc... Đạn của Nai Đồng Quê.

    Giống chó cũng có Tự Ái đấy, các bạn có tin như vậy không? Không phải PTV nghĩ như vậy đâu mà do đọc được 1 truyện viết về con chó của một trại huấn luyện. Truyện có tựa là Tự Ái Của Một Con Chó nên xin kể lại đây.

    Chuyện lấy bối cảnh trong một trại nuôi dạy chó cảnh sát. Trại nầy nuôi và huấn luyện chó cho các việc điều tra hay truy tầm tội phạm... Khi có một đoàn khách cấp trên đến thăm trại nầy và họ muốn biết việc huấn luyện cùng trí khôn của các con chó cảnh sát trong trại ra sao thì ban điều hành trại xin đoàn khách đứng chung tất cả thành hàng tại sân trống.

    Ban điều hành xin một người trong số khách (gọi là ông X) lấy ra 1 cái khăn tay đưa cho một nhân viên của trại. Người nhân viên nầy đi vào bên phía trong, dắt ra 1 con chó và giới thiệu với đoàn khách là con chó khôn nhất của trại. Người nhân viên cho con chó ngửi cái khăn tay của ông X. Khi nó ngửi khăn tay đó rồi thì nhân viên tháo xích con chó ra, nó liền chạy ngay đến hàng người của đoàn khách để tìm. Con chó lần lượt đi qua từng người khách, dừng lại để đánh hơi rồi tiếp tục đi. Đi, đánh hơi cho đến khi gặp ông X thì nó sủa vang.

    Xong việc, con chó chạy đến trước mặt người nhân viên, ve vẩy cái đuôi như báo công của mình đã tìm ra ai là chủ chiếc khăn tay đó.

    Thay vì gật đầu với nó như những lần trước thì người nhân viên lại lắc đầu quầy quậy, làm con chó đứng yên. Nó chần chừ rồi như muốn làm vừa lòng người nhân viên đó, con chó chạy quay trở lại hàng người của đoàn khách đang đứng để dò tìm lần nữa. Nó đi chậm rãi qua từng người, có lúc nó dừng lại, dí mũi vào chân một người khách nào đó đứng trong hàng để rồi sau cùng thì nó cũng ngừng lại ngay nơi ông X. Nó sủa vang như báo tin: " Đây nầy, ông nầy nầy, cái mũi của tôi không sai đâu ".

    Đoàn khách trầm trồ và có kẻ định vỗ tay thì người nhân viên dơ tay ra hiệu giữ yên lặng trong lúc mắt anh ta nhìn con chó đang chạy đến. Con chó đến trước mặt người nhân viên nhưng nó hoảng hồn lui lại ngay vì trông thấy sự giận dữ từ đôi mắt, bộ dạng của người chủ mình. " Đi, đi kiếm lần nữa đi, mầy sai rồi. Chó ạ! ", người nhân viên nói lớn khi đưa ra cái khăn tay cho con chó ngửi. Con cho hít hà cái khăn tay rồi phải chạy đi lần thứ ba. Lần nầy thì con chó đi ngửi chân từng người khách thật kỹ. Đến chỗ ông X nó dừng lại ngửi rồi lại đi ngửi chân người khác, người khác. Ngửi cho đến hết hàng người rồi con chó đi ra khỏi đoàn khách đang đứng chờ việc nó làm. Con vật có lúc đứng yên, không như đây nó là con chó cảnh sát tinh khôn nhất của trại nhưng rồi nó quay lại hàng người và đến ngay nơi ông X thì sủa vang. Sủa rồi còn định cắn vào quần ông khách nầy và lôi ông ta ra cho người chủ của nó thấy.

    Người nhân viên xuất hiện, thay vì có cử chỉ hoan hỉ với con vật thì anh ta lại vẫn vẻ thất vọng trong bộ dạng lắc đầu, dậm chân xuống đất. " Hôm nay là ngày gì hả trời, đúng là ông nầy rồi mà, cái mũi của mình nó bị cái gì vậy? ", con chó rảo bước về một chỗ mát dưới gốc cây đa trong sân trại. Nó bệt mông, chống hai chân trước đầy buồn bã lẫn bực tức trong tiếng kêu ư ử mệt nhọc. Nó ngồi đó, nhìn người nhân viên như đón xem thái độ của ông ta. Vẫn một vẻ thất vọng về con chó của mình, người nhân viên im lặng chung với cái yên lặng của đoàn khách giữa sân trại. Con chó ruỗi 2 chân trước để nằm yên như không màng đến chuyện vừa xẩy ra. " Mình đã vô dụng rồi sao, có cái chuyện gì vừa xẩy ra ở cái mũi của mình! ". Nhìn con chó, ai trong đoàn khách cũng thấy nó quá hay và họ không thể chờ lâu hơn được nữa nên đồng loạt vỗ tay khen. Tiếng vỗ tay rào rạo đã làm con vật chú ý nên giương hai mắt nhìn. " Kìa, ông chủ cười tươi đang rảo bước đến chỗ mình, hôm nay thái độ ông ta sao kỳ lạ vậy? ", con chó nhủ thầm. Người nhân viên đến gần bên con vật, tay ông ta vuốt ve vào mặt chó và lấy từ trong túi áo ra các viên thịt khô nhỏ định để thưởng tài. Thật bất ngờ, con chó nhổm thân lên, tránh ra khỏi tay người nhân viên và vùng chạy mất về phía bên trong của trại.

    Khi đoàn khách về rồi thì người nhân viên vội đi tìm con chó như muốn an ủi như muốn chuộc lại cái lỗi mà anh ta đã làm với nó. " Mình đã đi quá trớn, đã làm việc không nên làm với nó ", người nhân viên nghĩ vậy và nói với con vật: "Chó ơi! Cho tao xin lỗi mầy. Lần nầy là lần đầu và cũng là lần cuối nha. Sẽ không bao giờ như vậy nữa. Tao xin hứa ". Dù người nhân viên làm đủ cách để chuộc lỗi với con vật nhưng nó vẫn bỏ ăn và sau cùng thì đã chết vì kiệt sức.

    Người kể câu chuyện đó còn cho biết: Con chó nó chẳng khác chi người, hiểu ý chủ rất nhanh có điều nó không biết nói thôi. Những người nuôi dạy chó ở các trại huấn luyện hay người đi săn bắn, phải cần có chó bên mình thì hầu như họ không bao giờ ăn thịt loài vật nầy.




    Nụ cười của 3 ngày xỉa răng vẫn còn thơm.

    Khi 2 quả bom nguyên tử thả xuống nước Nhật (ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945) tại hai thành phố Hiroshima và Nagashaki làm cả trăm ngàn người bị chết thì ngay tại vùng bán kính của vụ nổ (khoảng 1km6) các sinh vật (từ con người đến các loài vật khác) đều biến mất như không có ở trên đời.

    Lúc các toán người tình nguyện đến hai thành phố nầy để dọn dẹp (cũng như cứu giúp các nạn nhân còn sống sót) thì họ thấy một chuyện lạ là có vài con chó chết (điều tất nhiên) nhưng vẫn còn hình dáng cơ thể như bằng tro trắng hoặc tro đen. Xác chó đó giống tương tự như hạt điều (đào lộn hột) mà người ta thường vùi trong than nóng để cháy hết chất dầu bao ở vỏ hạt rồi sau đó sẽ đập bỏ vỏ than nầy mà lấy hạt bên trong ra ăn. Cũng không có nhiều xác con chó bằng than đó để mà gây một sự chú ý rộng lớn thành một cuộc nghiên cứu sâu rộng tìm lý do tại sao. Có người thì cho là có thể các con chó đó tình cờ ở trong các chỗ kín đáo, an toàn hơn các chỗ khác (khi bom nguyên tử rơi xuống) nên thân xác chúng mới không tan thành bụi mà còn để lại hình hài bằng tro. Và, có người thì cho xác tro của các con chó đó là loài chó mực (đen).

    Người không ăn thịt chó thì cho ngoài việc con vật nầy sống gần gũi bên cạnh giống người đến mức độ gần như là một người trợ thủ, người bạn tin cậy nhất nên làm sao có thể ăn thịt nó được. Chó không chê gia chủ nghèo. Ta có cho nó ăn ngon hay bỏ đói trong ngày thì đêm tối đến, nó vẫn coi nhà ta nghiêm nhặt, thấy trộm là sẽ sủa báo động.

    Lỡ vì một lý do gì mà con chó phải chia ly với chủ thì khi tình cờ gặp lại, nó sẽ chạy đến vẫy đuôi nhận cố nhân ngay. Cái tình của nó có khi còn hơn của con người nữa. Trẻ nít trong nhà khi chột bụng, lỡ phóng uế ra thì chính con chó lại cần mẫn thu dọn cái bãi thải đó ngay. Con chó còn dọn cả các đờm, rãi, đồ ói mửa của trẻ nít (có khi của cả người lớn) nữa mà ít khi có người để ý đến điều nầy. Dọn các uế vật nầy vào bụng, rồi sẽ biến thành máu thành thịt của chó, không hiểu những người hay Hạ Cầy Tơ Thôi có biết không?



    Hiệp hội Thôi Hạ Cờ Tây bên xứ Hàn.

    Có người đã lấy các câu (của nhà thơ Tản Đà cùng nhà văn Vũ Bằng):

    " Thức ăn ngon mà chỗ ăn không ngon, không ngon. Không khí ngon mà không có bạn bè ăn chung cũng không ngon".

    Nhưng họ lại sửa thêm:

    " Tất cả đều ngon, nhưng ăn thì phải đúng trong cái thời tiết lạnh và thức ăn phải là Thịt Cầy thì mới tuyệt ngon".

    Thật hết thuốc.

    Ở khu phố của PTV sống thì đã từng có cảnh cả 3, 4 con chó kéo nhau ra đuổi một người đàn ông chạy xe đạp. Lũ chó nầy vừa đuổi vừa sủa inh ỏi và tiếng kêu của chúng còn kéo thêm các con chó từ nhà khác chạy ra phụ họa sau xe người đàn ông đạp xe đạp đó, chủ một tiệm Hạ Cầy Tơ trong vùng. Tại sao lũ chó đó lại đuổi theo ông chủ tiệm Đúng Rồi nầy? Người ông còn vương mùi chó (mỡ, máu, thịt...) nên làm các con chó nhận diện ra ông, kẻ thủ ác của chúng? Ông ta sau cùng phải bỏ nghề sau một cơn bệnh nặng cả tháng trời mà lý do (bỏ nghề) là vì giết phải một con chó cái có chửa nên sau đó vì sợ mà sinh bệnh. Con chó nầy đã chấp hai chân trước của nó (giống tay người kinh khủng) như van lạy ông ta xin được tha mạng (đừng giết) nhưng vẫn không thoát. Nó đã bị ông ta làm thịt.

    ''Thôi Hạ Cờ Tây'' hay ''Hạ Cờ Tây Thôi'' thì tùy các bạn khi đọc bài viết nầy. Với các bạn vẫn còn thích ăn thịt Cầy thì PTV xin kể là đã gặp một người từng làm chủ tiệm Đúng Rồi cho biết là chó thịt ngon không phải nhất Bạch nhì Hoàng tam Khoanh tứ Đốm như người ta truyền tụng. Thịt chó thơm ngon nhất phải là con chó không già cũng không non. Cái thứ chó tuổi chanh cốm trung bình từ 2 năm tuổi trở lên mà ta có thể ví với các thiếu nữ dậy thì kiểu: Xanh lên ngọn tóc, nhựa căng vú đào. Nhưng mà, chó cho thịt thơm ngon nhất lại là con chó (cũng loại 2 năm tuổi trở lên nầy) bị... xà mâu. Anh ta nói: " Có thể do bị xà mâu (một loại ghẻ ngoài da) làm cơ thể con chó phải tiết ra các chất để chống bệnh (chó đâu thể tự bôi thuốc như người) nên các chất đó mới làm cho thịt của nó thơm ngon khác thường. Tương tự như cây Gió bầu nào thân có bị thương (do mảnh bom, sâu đục...) thì trong ruột nó mới có nhiều chất nhựa mà người ta gọi là Trầm. Chó nào càng xà mâu nhiều thì thịt càng thơm ".

    Tất nhiên khi cạo lông rồi, con chó bị thui rơm sẽ cho da vàng lườm, bố ai mà biết được đây là chó ghẻ nặng.

    Để chấm dứt bài viết nầy thì PTV xin chép một bài thơ đã thấy từ khi còn nhỏ dán ở vách một tiệm Đúng Rồi. Bài thơ đó có tựa là: Bài Vè Thịt Chó.

    Nghe vẻ nghe ve
    Nghe vè thịt chó
    Thằng nào chịu khó
    Bắc nước cạo lông
    Đứa nào ở không
    Đi mua đồ nấu
    Đứa nào muốn nhậu
    Mua rượu, mua bia
    Đứa nào không ưa
    Thì đi chỗ khác
    Tao làm một lát
    Xúm lại mà ăn
    Đừng có lăng xăng
    Người ta đàm tiếu
    Con chó nhỏ xíu
    Chín mười người ăn
    Nhớ đừng xỉa răng
    Sau bữa tiệc chó
    Tý thịt dính đó
    Ba ngày còn thơm
    Xỉa ra ăn cơm
    Cũng còn ngon chán
    Nếu mà có ngán
    Rượu trắng đưa cay
    Vừa uống vừa say
    Cao lương không đổi
    Thịt chó ăn tối
    Mát ruột ngủ ngon
    Vợ chồng thêm con
    Thật là vui vẻ
    Nghe vẻ nghe ve
    Cái vè thịt chó.


    Phạm Thắng Vũ
    March 02, 2014.


  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Cún Anh ... Cún Em...






    Câu chuyện "Tự ái của một con chó" của bạn Phạm Thắng Vũ bỗng làm cho tôi ngậm ngùi nghĩ tới Cún Anh của gia đình chúng tôi. Tên nó là Kido nhưng ở nhà gọi nó là Cún Anh vì nhà tôi có 2 con chó giống Poodle, Cún Anh do một bạn thân của con gái Út tôi tặng con gái tôi, rồi nó bận bịu không trông nom được bèn giao cho bố mẹ trông. Kẹt là tôi vốn dị ứng (allergy) với lông chó mèo nên chỉ có bố xấp nhỏ nhà tôi phải lo. Thế rồi lũ con tôi lại tưởng bố thích nuôi chó, tới sinh nhật bố năm đó bèn tặng bố thêm một con cũng nhỏ xíu như con trước, bỏ vào túi áo coat nó thò đầu ra trông rất ngộ, được đặt tên là Cubi, nickname là Cún Em. Hai đứa được thả vào cái nôi, hễ thấy chúng tôi đến gần là chạy ngược chạy xuôi trong nôi, nhẩy lên chồm chồm đòi bế.

    Hai con cùng giống Poodle nhưng tính tình khác nhau, Cún Anh rõ ràng là từ tốn và khôn hơn Cún Em. Cô bạn tặng Cún Anh cho con gái tôi còn giao cả giấy khai sinh, có tên bố mẹ Cún Anh là "Sir...." và "Dame ..." gì đó, làm cả nhà tôi lăn ra cười. Đã thế, nó còn có chứng chỉ tốt nghiệp Sơ Đẳng, tức là hiểu và vâng lời khi chúng tôi ra lệnh "sit" là nó ngồi xuống, "run" là nó chạy ... vân vân ... Nó cũng biết vâng lời cả chuyện ăn uống, để thực phẩm của nó ra mà không chỉ vào rồi nói "eat" thì nó chỉ ngồi nhìn ...





    Cún Em thì chỉ có giấy khai sinh, cũng có bố mẹ là "Sir" và "Dame", nhưng không có chứng chỉ giáo dục như Cún Anh. Vì không đươc huấn luyện vào nền nếp nên nó rất ba gai, thường hay bắt nạt Cún Anh nhưng Cún Anh chỉ lùi, có lẽ là nó nhường vì khi Cún Em tới nhà thì nó đã 8 tháng tuổi.





    Chúng nó sống trong gia đình chúng tôi gần 14 năm trời với đầy ắp chuyện vui, chúng nó ít gây chuyện buồn lắm. Nhưng thôi, kể chuyện vui của bọn Cún ra chỉ làm cho qu‎ý‎ vị hâm mộ mộc tồn thấy ngứa mắt, lại rủa xả những người thương chó mèo và cưng chúng nó là đồ rởm đời.

    Cho nên tôi sẽ chỉ nói về sự buồn bã, mất mát khi nó ra đi vĩnh viễn mà thôi.

    Như trên tôi đã nói, Cún Anh khôn hơn Cún Em, nó hiểu chuyện và biêt nhường nhịn, cư xử đĩnh đạc, trong khi Cún Em chỉ là một con chó bình thường, chưa được huấn luyện mà thôi.

    Chúng sống trong nhà chúng tôi khoảng 10 năm đầu rất khỏe mạnh vui vẻ. Người ta nói cứ mỗi tuổi chó thì sự già nua của cơ thể chúng nó thay đổi bằng 7 tuổi người. Như thế, sau 10 năm thì coi như mấy cún nhà chúng tôi yếu đi ngang với người 70 tuổi, cho nên chúng bắt đầu đổ bệnh.

    Cún Anh già trước. Đầu tiên là mắt Cún Anh bị quáng, nhìn xiên xiên rồi từ từ tới mù hẳn, phải dắt nó đi. Kẹt một nỗi là tính nó cẩn thận và sạch sẽ. Bao nhiêu năm nó quen ra ngoài vườn đi tiểu, bất kể ngày đêm. Nay mù rồi nhưng bảo nó tiểu vào hộp cát để trong nhà, nó không nghe lời, đêm đêm cứ chui ra vườn bằng cái cửa nhỏ riêng của chúng nó, rồi vì mù không biết đường vào, nó cứ lang thang mãi ngoài đó, gặp trời mưa nó ướt lướt thướt. Có hôm bố xấp nhỏ đang ngủ chợt tỉnh, không thấy Cún đâu, lại phải soi đèn ra vườn tìm. Cuối cùng thì bác sĩ thú y chữa bệnh cho nó thấy nó bệnh liên miên lại có cái bướu mọc nhanh, nghi là có thể nó bị ung thư, khuyên nên chích cho nó một mũi thuốc ngủ say rồi chích thêm một mũi thuốc cho nó đi luôn thì nó không còn đau đớn gì nữa.

    Cả nhà bàn bạc rồi con gái lớn của tôi quyết định lái xe, tôi ôm Cún Anh đi. Khỏi nói thì các bạn cũng cảm được lòng dạ tôi lúc đó. Nằm trên đùi tôi, Cún Anh liếm nhè nhẹ ngón tay tôi rồi thiêm thiếp ngủ.

    Khi tôi đứng cạnh bàn mổ của Thú Y Sĩ, tay nắm chân Cún Anh, tôi không bao giờ quên được cảm giác từ thân Cún Anh truyền sang tôi, đúng là chỉ một cái uốn mình, Cún đã ra đi rồi.

    Trên đường về, Cún Anh lại vẫn nằm trên đùi tôi. Nước mắt tôi che mờ tất cả, chỉ còn cảm thấy thân thể bé nhỏ của Cún Anh mềm nhũn trong lòng. Tôi ôm nó, biết rằng nó sẽ chẳng còn bao giờ đứng cạnh cọ cọ vào chân tôi, sẽ chẳng còn bao giờ Cún Anh mù lòa loạng quạng lần ra khi nghe tiếng chúng tôi gọi... Cún Anh ... Cún Anh ... thế là hết ... nước mắt tôi tràn mi, nhòa nhoạt rồi ...
    ĐPK
    .
    Last edited by khieman; 03-06-2014 at 02:49 AM.

  3. #3
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Những đội quân chó

    khiến con người phải "ngả mũ" ngưỡng mộ


    Không chỉ giữ nhà, người bạn trung thành này của con người còn thể hiện nhiều khả năng "đáng gờm" khác trong các cuộc chiến tranh.

    Người ta vẫn nói, chó là người bạn tốt nhất của con người bởi tình nghĩa, sự trung thành của chúng đối với chủ nhân. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, ít ai biết rằng chó còn được coi là một người lính thực thụ.

    Chúng vô cùng thông minh khi được huấn luyện, dũng cảm không sợ hiểm nguy và mạnh mẽ chiến đấu với bất cứ kẻ thù nào. Hãy cùng điểm qua những khả năng đặc biệt, vai trò to lớn của loài vật trung thành này trong các cuộc
    chiến tranh lớn trên thế giới.

    1. Lính canh

    Canh gác, bảo vệ là khả năng tuyệt vời nhất mà chó sở hữu. Xa xưa, trong các đơn vị quân đội, chó đã được huấn luyện để trở thành những lính canh trung thành số 1. Khởi nguồn từ thời La Mã, sau đó tới thời Napoleon, hoàng đế Pháp thậm chí còn giao cho “những người lính” này canh gác xung quanh thành phố cảng quan trọng Alexandria.




    Trước khi được làm nhiệm vụ, chó được huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt.


    Không phụ sự kỳ vọng của những người chỉ huy, thực tế, chó canh gác đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Trong chiến tranh Nga - Nhật, người Nhật đã bị cản bước khi cố gắng xâm nhập tuyến đường sắt Mãn Châu bởi các tiểu đội chó.

    Tới Thế chiến II và sau này là Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ tiếp tục sử dụng chó canh gác, bảo vệ các khu vực lưu giữ vũ khí hạt nhân. Họ đặt cho những chú chó canh gác này biệt danh “Người giám hộ bóng đêm”.




    "Người giám hộ bóng đêm" là nỗi khiếp sợ của mọi kẻ thù.


    2. Lính chiến đấu

    Hiếm loài vật nào có được khả năng toàn diện như chó: thông minh, mạnh mẽ, dẻo dai, dũng cảm, trung thành và dễ huấn luyện. Những yếu tố đó biến chúng trở thành những lính chiến đấu cực kỳ anh dũng. Bên cạnh đó, chó còn có thể nhảy dù cùng khứu giác đánh hơi cực tốt nên trở thành sự lựa chọn số một cho đoàn tiên phong.




    Những chú chó giúp binh lính dò tìm bom, mìn.

    Quân đội Anh từng cho lập một đội lính nhảy dù gồm 5 chú chó chăn cừu Đức cực kỳ thiện chiến, có mặt tại Normandy năm 1944, sông Rhine năm 1945. Trong khi đó, quân đội Mỹ sử dụng chó cho mục đích do thám, đánh hơi, phát hiện kẻ thù trong chiến tranh Triều Tiên.




    Mới đây nhất, trong vòng 6 năm từ 2006 - 2012, chính quyền Mỹ đã chi tới 18 tỷ USD (khoảng 374.000 tỷ VND) để đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ dò tìm, phát hiện bom dưới đất.

    Họ thậm chí còn đào tạo chiến thuật tấn công, lắp kính Doggles (kính hồng ngoại nhìn được ban đêm) cho những đơn vị chó đặc biệt, biến chúng thành những lính đặc công tinh nhuệ.




    3. Cảm tử quân

    Trong Thế chiến II, chó trở thành nỗi khiếp sợ trên các chiến trường châu Âu. Nổi bật trong đó là hình tượng những chú chó tiêu diệt xe tăng của quân đội Liên Xô. Đó là những con chó bị bỏ đói lâu ngày và gắn thuốc nổ trên lưng.




    Chúng được huấn luyện để tìm kiếm thức ăn phía dưới gầm xe tăng. Khi được thả ra, chúng sẽ tìm tới những chiếc xe tăng địch, chui xuống gầm tìm thức ăn.



    Tranh vẽ một chú chó cảm tử mang bom trên lưng.


    Khi đó, lượng thuốc nổ trên lưng va chạm với thành xe và phát nổ. Kết quả là chú chó hy sinh, nhưng cùng với đó, chiếc xe tăng địch cũng bị thổi bay ngay lập tức. Theo thống kê, những chú chó cảm tử này đã giúp quân đội Liên Xô tiêu diệt được hơn 300 xe tăng của phát xít Đức, góp phần kết thúc Chiến tranh thế giới II.




    Sự hi sinh góp phần kết thúc Thế chiến II.


    4. Kéo súng

    Không chỉ có ngựa và các gia súc lớn được dùng để kéo xe, vận chuyển vũ khí vào thời kỳ chiến tranh mà chó cũng có thể, thậm chí còn làm tốt nhiệm vụ hơn thế. Trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, những tiểu đoàn chó kéo súng bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Bỉ và Hà Lan.




    Quân đội sử dụng chúng để vận chuyển quân lương, vũ khí, đạn dược. So với các loại gia súc khác, chó có kích thước nhỏ hơn, dũng cảm và trung thành hơn nên vô cùng đáng tin cậy.

    Chưa hết, sức kéo của chó cũng đáng nể, nhất là với những con chó ngao với đôi chân khỏe và phần ngực rộng. Theo ước tính, chúng có thể kéo thồ những khẩu súng nặng tới 100kg.




    5. Y tá cứu thương

    Trên chiến trường, việc di chuyển là vô cùng khó khăn với con người, nhưng lại khá đơn giản với chó - loài sở hữu tốc độ nhanh gấp đôi chúng ta. Vì thế, bên cạnh việc chiến đấu, do thám, chó còn trở thành y tá đắc lực cho việc hỗ trợ các chiến sĩ bị thương.



    Trong Thế chiến I, chó được dùng làm những y tá đặc biệt vào ban đêm, tìm kiếm các thương binh và đem thiết bị y tế tới chăm sóc họ nhờ có khứu giác tuyệt vời. Theo ước tính của nhà văn Mỹ Jagger, có khoảng 10.000 chú chó cứu thương được sử dụng vào cuối cuộc chiến khốc liệt này.






    Những hình ảnh "y tá bốn chân" tìm được thương binh trên chiến trường.

    Tạm kết: Dù muốn hay không, ta cũng phải khẳng định chó là người bạn tuyệt vời của loài người. Thế nhưng, hiện nay, nạn trộm chó, buôn bán lậu qua biên giới đang dần đẩy những “người bạn” ấy tới cái chết. Thay đổi cách hành xử của mình với những con chó ngay hôm nay, từ những điều nhỏ nhất như nuôi dưỡng chúng, chăm sóc, không đánh đập, yêu thương… là một nghĩa cử đẹp, thay cho lời cảm ơn của chúng ta với người bạn trung thành này.

    * Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Security Degree Hub, Wikipedia...
    http://kenh14.vn/

  4. #4
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó
    Nguyễn Cẩm Xuyên


    Ngày 30/ 6/ 1925, Phan Bội Châu trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu; vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì bị mật thám Pháp bắt cóc rồi đưa về Hà Nội. Lúc đầu tòa xử chung thân khổ sai nhưng sau vì sợ phản ứng của quần chúng cả nước, phải đổi lại là quản thúc tại gia.

    Từ năm 1926 cho đến ngày mất (1940), cụ Phan sống trong căn nhà tranh ở Bến Ngự, Huế.

    Ngao ngán nhẽ một đời xả thân vì nước mà ngờ đâu lại có kẻ bội phản, báo thời khắc, lộ trình đi lại của cụ cho mật thám Pháp biết mà bắt cóc tại tô giới của Anh rồi đem về nước xử án. Trong vòng lao lí cụ vẫn không ngừng chí đấu tranh, vẫn viết sách, viết báo để cảnh tỉnh hồn dân tộc.

    Chuyện “Lịch sử con Vá” do cụ viết đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936 kể chuyện chó để ngụ ngôn cho mọi người thấy chó còn hơn những kẻ mà cụ gọi là “mặt người lòng thú”, những “hạng muông người”. Chuyện con cụ kể chủ yếu nêu cao đức trung nghĩa cùng những thành tích dũng cảm của nó.

    Chuyện bắt đầu kể việc trồng bia mộ chó :

    “Năm Giáp tuất âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

    Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu…

    Kể chuyện chó, cụ lại nói đến người :

    Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

    Tôi nói : Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất, ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì ?...

    Cụ Phan vừa kể lại vừa lí luận - đặt ngang chó với người thì kẻ “tinh thần mất hết tri giác” cũng là chó thôi nhưng chắc chắn chưa thể sánh được cùng con , bởi của cụ là tấm gương “dũng” với bao nhiêu những hành động can đảm : một mình chiến đấu với bầy dê đực hơn mười con mà chẳng hề sợ hãi; một mình đánh nhau với cả bầy chó Tây béo tốt… Chiến đấu dũng mãnh với cường địch đến nỗi bị thương mù cả hai mắt…

    Kể về “dũng” xong lại kể tiếp về “nghĩa” :

    Còn như về phần “nghĩa” của Vá thì càng khiến cho tôi phải đặc biệt thương nhớ nó quá. Nó ở với tôi suốt tám năm hơn, trong miệng nó cắn người lạ có hơn trăm người, mà nó ghét nhất là những người thình lình vào buồng tôi nằm. Đêm nào nó cũng gác ở trong buồng tôi chẳng khác gì một tên vệ binh của Tào Tháo. Ban đêm đã thế mà ban ngày cũng vậy. Có một ngày kia, giữa buổi trưa tôi không nằm trong buồng; hai tên trò bé, đứa mười tuổi, đứa chín tuổi, lẻn vào buồng lên giường tôi nằm thẳng hai chân xuống. Bỗng Vá thấy được liền lấy miệng kéo chân bọn ấy ra (…). Một ngày kia nó đưa ông bạn tôi là cố Cháu ra ga, giữa đường bị người ta thiết mưu bắt nó, giam nó ở nhà họ từ bảy giờ mai đến tám giờ đêm mới mới thấy Vá chạy về thở ào ào, nằm thim thíp như hình đau mỏi lắm. Tôi lại thăm nó, thấy bên cổ nó còn có sợi dây buộc tròn, chắc là bọn bất nhơn kia đã trói nó riết lắm.

    Vá ơi ? mày có nghĩa thật !

    Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc là mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm hút rơi, ba miếng canh rau lạnh, và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta, ta thật không thể nào quên được Vá.

    Lại có một phen nữa tôi đi lên vườn trên Nam Giao, nó đi theo tôi, tôi đuổi nó về. Đột nhiên mất nó đến bốn ngày. Ai dè tảng sáng ngày thứ năm sắc trời còn lờ mờ, người trong nhà ngủ chưa dậy, vỗ đầu nó thấy nó tiều tụy lạ thường chắc là ba bốn ngày nó không ăn một hột cơm nào. Người xưa có câu “Chó Nghiêu không ăn cơm Chích” e cũng có lẽ. Tôi vì thế mà càng đặc biệt thương yêu nó. Chẳng những thế, từ năm kia tôi nuôi một mụ ở; mụ này tuổi ngoài bốn mươi mà tính tham lam cũng phi thường. Có một đêm, mụ rình buổi tôi ngủ say, biết được bao giấy ở trong mình tôi, rình lẻn vào buồng, thò tay vào trong áo tôi vừa lần được bao giấy ra thì Vá ở dưới giường làm một tiếng “hộc” rất to, chụp vào chân mụ, mụ phải vứt bao giấy chạy mau ; tôi thột dậy thì bao giấy tôi đã chạy xuống chân giường.

    (…) Trong lịch sử Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị” là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bã chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bã. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bã nó, bã mãi bã hoài mà không bã được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay…

    Kể về “dũng”“nghĩa” của xong cụ Phan kết thúc :

    “Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư ?...

    Vậy là kể chuyện chó để nói đến điều xa xôi, to tát hơn. Kể chó là để nói tới người mà người đây là người dân Việt lúc này đang chịu đè nén dưới cường quyền, muốn thoát thì không chỉ có nghĩa,dũng mà cần phải có cả trí nữa.

    Câu chuyện trên năm 1992 được in lại trong Phan Bội Châu toàn tập; tập 4 ; NXB Thuận Hóa do GS. Chương Thâu sưu tầm và biên soạn.. Cả bộ sách đã tập trung được gần hết tác phẩm của cụ Phan từ rất nhiều nguồn : từ những đề từ, những câu đối quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán, những bài thơ ngâm vịnh, các bài văn nghị luận cho đến cả những bài phú, biểu, tán, văn bia, các truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí, tự truyện, các nghiên cứu về Chu Dịch… trên báo chí hoặc rải rác khắp trong quần chúng và các nhà Nho còn lưu giữ được… Tất cả được gom lại trong cả thảy 10 tập, hơn 4.000 trang. Thật là một công trình dày công phu, nhiều tâm huyết.

    NHỮNG TẤM BIA MỘ CHÓ CỦA CỤ PHAN
    ĐÃ LƯU DANH VÀO SỬ SÁCH

    Đến Huế, về thăm mộ cụ Phan : phía dưới chân mộ nhà chí sĩ là 6 tấm bia mộ của hai con chó “nghĩa- dũng” và “nhân-trí” của cụ :

    1- NGHĨA DŨNG CẨU (con Vá) :











    Phiên âm: Nghĩa Dũng cẩu (con Vá ) chi trủng.

    Duy dũng dã, kiến cường tắc đấu ; duy nghĩa dã, tận trung ư chủ. Ngôn giả đa, hành hãn cấu. Nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ mang, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thuỳ tai , diện nhân tâm thú. Dụng thị thê nhiên, thụ bi nhữ mộ.”

    GS. Chương Thâu tác giả “Phan Bội Châu toàn tập” - tập 6, trang 405 - NXB Thuận Hóa 1992, đã đọc nhầm mất 02 chữ (có gạch chân) :

    a/…Ngôn giả đa, hành hãn hữu

    (đúng ra là : …Ngôn giả đa hành hãn cấu. Chữ 覯 (cấu) ở cuối câu nghĩa là gặp được. Nghĩa cả câu này: Kẻ nói được thì nhiều nhưng kẻ làm được thì ít gặp).

    b/…Ư duy nhữ Vá nãi kiêm nhi hữu…

    ( đúng ra là :…Ư duy nhữ mang nãi kiêm nhi hữu. Nghĩa là : Chỉ có mày là kiêm được cả (vừa NGHĨA lại vừa DŨNG).
    Giữa câu không phải là chữ mà là chữ mang ( 庬 ) nghĩa là lẫn lộn(Khác hẳn với “Vá” thuộc Nôm phải viết là 播 hoặc. Hơn nữa nếu đặt chữ “ ” vào đây làm chủ ngữ thì câu trở nên sai về cấu trúc ngữ pháp).

    Bia quốc ngữ (cụ Phan dịch nghĩa) :

    “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa, nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó !

    Ôi ! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó.”
    Theo lời kể của “Lịch sử con Vá” trên báo thì thoạt đầu cụ Phan chỉ cho trồng bia một tấm, về sau chắc là cụ đã viết và cho khắc thêm hai tấm nữa, một bằng chữ Hán, một khắc bằng quốc ngữ kể công trạng của .

    Sống trơ trọi không vợ con, không họ hàng thân thích. Mất con , cụ Phan đau xót lắm. chết năm 1934 ; ba năm sau lại chết thêm con Ky; cụ Phan cũng lập bia mộ cho nó. Mặc dù Ky không được cụ viết lịch sử lên báo như nhưng xem mấy dòng ghi năm tháng cuối bia thì ta biết được Ky chết vào năm Đinh sửu (1937).

    2- NHÂN TRÍ CẨU (con Ky) :







    Phiên âm: Nhân Trí cẩu ( Ky ) chi trủng.

    “Cận nhân giả, thường bần vu trí. Cận trí giả, thường bạc ư nhân. Nhân trí lưỡng bị, nan hĩ tai ! Hà vật súc nhân, nãi kiêm nhi hữu.

    Đồng sự nhất chủ, tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới, nhân dã ! Kiến phi kì chủ, tắc cừu địch thị chi, hoá lợi bất năng nhị , trí dã.

    Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.

    Nam lịch Đinh Sửu nguyệt nhật. Chủ nhân Sào Nam chí.”

    Sách “Phan Bội Châu toàn tập” (tập 6, trang 406 ) đã phiên âm bia này nhầm thêm 02 chữ nữa:

    a/ …cận trí giả thường bần ư nhân

    (đúng ra là : …cận trí giả thường bạc ư nhân . Nghĩa là : Kẻ gần với trí thì thường ít nhân).

    b/…Nhữ nãi bất thọ. Thụ lặc sở cảm ư nhữ mộ
    (đúng ra là : Nhữ nãi bất thọ ; viên lặc sở cảm ư nhữ mộ… Nghĩa là : Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày.)

    Bia quốc ngữ ( cụ Phan dịch nghĩa) :

    Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí ; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con KY nầy lại đủ hai đức ấy.

    Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó.
    Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ thiệt là trí đó.
    Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.

    Mầy sao vội chết !
    Hỡi trời ! Hỡi trời !
    Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.
    Đau đớn quá ! Đau đớn quá !
    Kia những hàng muông người.

    Bia công trạng của Ky viết dài hơn bia của và cũng là những lời ca ngợi chó để so với loại mặt người dạ thú : “…Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.”

    ( Nhân mà trí, loài vật như mày lại được như thế! Trời ơi! Trời ơi!. Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày. Ai kia là người mà lại là thú đấy, chẳng thể sánh với mày được.)

    Xem thế, tâm trạng của cụ Phan trong những năm sống hẩm hút ở căn nhà tranh bến Ngự ấy là hết sức cay đắng trước thói đen bạc của đời. Cụ xả thân cho xã hội mà đáp lại là những kẻ mặt người lòng thú luôn rình rập để mưu hại : kẻ đã bán cụ cho Pháp, kẻ lại theo lệnh Tây luôn ngó nghiêng do thám quanh nhà.

    Xem mấy bia mộ chó của cụ Phan ta trộm nghĩ rằng phải chăng trên cõi đời này có nhiều kẻ chưa thể sánh được với Ki - chưa sánh được cả về tư cách lẫn cả cuộc đời, hành trạng ./.
    (Kiến Thức Ngày Nay Số 724 Ngày 20. 9. 2010 ).
    Bản của tác giả.
    Nguồn: vanchuongviet
    Last edited by Hansy; 02-24-2011 at 06:59 AM.

  5. #5
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    A Tribute To The Dog
    Bài diễn văn “hay nhất thế kỷ” viết về con chó





    George Graham Vest (1830-1904) là một Thượng nghị sĩ Hoa ky` tại tiểu bang Missouri từ năm 1879 tới năm 1903 và trở thành một người dẫn đầu trong các người diễn thuyết và tranh luận giỏi trong thời gian ông ta làm việc với chức vụ Thượng nghị sĩ.

    Bài diễn văn thú vị này được viết trong thời gian đầu khi ông làm luật sư tại một thành phố nhỏ của tiểu bang Missouri. Bài diễn văn này được đọc trong một phiên toà lúc làm luật sư đại diện cho một người đàn ông thưa kiện một người đàn ông khác đã giết con chó của ông ta. Trong phiên toà, Vest, với tư cách là luật sư đã bào chữa cho thân chủ bằng cách đã bác bỏ lời khai không đủ bằng chứng của bị đơn.

    Về mặt pháp lý, Vest và thân chủ đã thắng cuộc. Bài phát biểu này chính là phần kết luận của hồ sơ bào chữa ông trinh bày trước bồi thẩm đoàn, tại phiên kết thúc và nhờ đó ông đã thắng vụ kiện nhanh chóng.

    Đây là một bài diễn văn hay, nhưng không phải là “Nhất thế kỷ” hoặc “Nhất trong 1000 năm trở lại” như một số người cao hứng bình luận. Thứ nhất, đây chỉ là lời bình của một phóng viên của một tờ báo mà thôi. Chưa hề có một cuộc bình chọn nào tầm cỡ quốc gia quốc tế trên thế giới về diễn văn cả và bản thân văn bản này đương nhiên cũng vậy không có cuộc thẩm định đánh giá nào được diễn ra về nó. Hiện tượng nổi tiếng của văn bản này bắt đầu nó là ví dụ mà các giáo sư lựa chọn dạy cho các sinh viên trường luật. Từ sau khi mạng Intơnet phát triển cư dân mạng đã tăng cường quảng bá làm cho nó nổi lên như cồn.

    Giá trị đích thực của nó hoàn toàn không nằm ở tính pháp lý. Yếu tố mà Vest chọn “đánh” vào bồi thẩm đoàn ở chỗ Ông đã khéo léo kêu gọi tình cảm, lòng thương yêu loài vật đặc biệt loài chó của những người này (Ở phương tây con chó đặc biệt có ý nghĩa). Và ông đã lựa chọn đúng điểm “đánh” để giành thắng lợi.

    Cái hay của văn bản là ở chỗ Vest đã khai thác được toàn bộ thuộc tính tuyệt vời của loài chó trong mối quan hệ với con người (đặc biệt chủ) để xây dựng thành những luận điểm thuyết phục.

    Baì diễn văn chỉ có 4 đoạn nhưng không theo thể thức hành chính. Ngoài phần thưa Bồi thẩm đoàn, còn lại 3 phần như 3 đoạn văn chính luận, luận về tình cảm siêu tuyệt vời của con chó với người chủ của nó.

    Đoạn một nói về sự trung thành tuyệt đối của con chó, một thứ trung thành không bắt nguồn từ huyết thống, từ quyền lợi mà từ siêu tình cảm. Sự trung thành ở đây không có chỗ cho khái niệm hoài nghi, dao động.

    Đoạn hai nói về sự gắn bó,an ủi, sự bảo vệ và giúp chủ “chống trả kẻ thù”… trong các tình huống, hoàn cảnh không cần điều kiện, không tính toán của con chó. Hình ảnh con chó hiện lên là người bạn đồng hành chung thủy hơn cả con người.

    Đoạn ba nói về thiên tính kết giao, về sự tri kỷ tri âm cao thượng của con chó hơn cả tình máu mủ của thế giới loài người. Con chó được xây dựng như hình ảnh một phần cuộc đời, một phần linh hồn máu thịt của người chủ. Nó như bộ phận vốn có tự nhiên của người chủ, trong người chủ, không chỉ ở thế giới hiện hữu mà còn ở một thế giới khác; cho nên khi chủ đã lìa đời con chó vẫn hướng “Tâm” về cõi mơ hồ với nỗi “nhớ thương” tự nhiên. Bởi chủ nó cũng đã là một phần cuộc sống và tâm linh nó.

    Với cách lập luận ấy, dường như Vest muốn gửi đến bồi thẩm đoàn trong phiên tòa một thông điệp: trong cõi đời ô trọc, tràn ngập vụ lợi, đầy ắp vật chất chi phối làm ra bao thứ ngả nghiêng xô lệch làm biến thái tình cảm nhân văn cao đẹp, thì vẫn còn nguyên những thứ đó trong ”trái tim chó”.

    Và rằng nó sẽ xứng đáng hơn hết được tha bổng nếu có tội; và rằng việc chủ nó yêu nó bảo vệ nó cũng là sự đương nhiên.


    Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

    Nguyên bản tiếng Anh:
    A Tribute To The Dog
    By George Graham Vest

    Gentlemen of the jury:

    The best friend a man has in the world may turn against him and become his enemy. His son or daughter that he has reared with loving care may prove ungrateful. Those who are nearest and dearest to us, those whom we trust with our happiness and our good name may become traitors to their faith. The money that a man has, he may lose. It flies away from him, perhaps when he needs it most. A man's reputation may be sacrificed in a moment of ill-considered action. The people who are prone to fall on their knees to do us honor when success is with us, may be the first to throw the stone of malice when failure settles its cloud upon our heads.

    The one absolutely unselfish friend that man can have in this selfish world, the one that never deserts him, the one that never proves ungrateful or treacherous is his dog. A man's dog stands by him in prosperity and in poverty, in health and in sickness. He will sleep on the cold ground, where the wintry winds blow and the snow drives fiercely, if only be may be near his master's side. He will kiss the hand that has no food to offer; he will lick the wounds and sores that come in encounter with the roughness of the world. He guards the sleep of his pauper master as if he were a prince. When all other friends desert, he remains. When riches take wings, and reputation falls to pieces, he is as constant in his love as the sun in its journey through the heavens.

    If fortune drives the master forth an outcast in the world, friendless and homeless, the faithful dog asks no higher privilege than that of accompanying him, to guard him against danger, to fight against his enemies. And when the last scene of all comes, and death takes his master in its embrace and his body is laid away in the cold ground, no matter if all other friends pursue their way, there by the graveside will the noble dog be found, his head between his paws, his eyes sad, but open in alert watchfulness, faithful and true even in death.


    Bản dịch

    Thưa quý ngài Hội thẩm,

    Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể có một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình thương yêu hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi, thân thiết ta nhất, những người gởi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta lỡ vận. Duy có một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay trắc trở, đó là con chó của ta.





    Street Beggars in Amsterdam

    Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù gió đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết vùi miễn sao được kề cận bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được là kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù.



    Và một khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyết thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã chết rồi.

    http://www.nguyendinhminh.net
    Last edited by khieman; 03-06-2014 at 07:38 AM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Cách nhận diện kẻ "giả sư" đi "khất thực"
    By khieman in forum Tự Do Tôn Giáo
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-08-2014, 04:38 PM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-10-2013, 01:19 PM
  3. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-09-2013, 02:31 AM
  4. Vợ kiện đòi chồng trả tiền 11 năm "hao mòn thân thể"
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-09-2013, 12:10 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-05-2013, 07:57 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •