Đêm nay, một thiên thạch sẽ bay qua Trái đất


Một thiên thạch lớp Apollo với đường kính gần 30m dự kiến sẽ bay qua giữa Trái đất và Mặt Trăng vào ngày hôm nay (5/3).


Quỹ đạo bay của thiên thạch 2014 DX110

Thiên thạch 2014 DX110 dự kiến sẽ bay gần Trái đất gần nhất vào lúc 21 giờ 07 phút ngày 5/3 (theo giờ quốc tế) ở khoảng cách 350.000 km với vận tốc 14,85 km/giây. Mặc dù thiên thạch không đe dọa hành tinh của chúng ta, nhưng nó được xếp vào nhóm thiên thạch có thể gây nguy hiểm tới Trái đất.
Đối với những nhà thiên văn học nghiệp dư muốn xem khoảng khắc thiên thạch 2014 DX110 bay qua Trái đất, dự án kính thiên văn trực tuyến sẽ cung cấp những hình ảnh trực tiếp qua trang web Slooh.
2014 DX110 là thiên thạch lớp Apollo, một nhóm thiên thạch bay qua Trái đất và gây ra hiểm họa tiềm tàng đối với con người. Dựa trên quỹ đạo của chúng, các nhà khoa học phát hiện nhiều thiên thạch lớp Apollo có nguồn gốc từ vành đai thiên thạch giữa sao Hỏa và sao Mộc.
Vào ngày 15/2/2013, một thiên thạch lớp Apollo có đường kính 20m đã lao xuống bầu khí quyển Trái đất và phát nổ trên bầu trời thị trấn Chelyabinsk ở miền nam vùng Urals của Nga, khiến nhiều cửa kính bị vỡ và 1.500 người bị thương.
Gần 1 năm sau vụ thiên thạch rơi xuống vùng Chelyabinsk, một thiên thạch lớn khác cũng bay qua Trái đất. Thiên thạch có tên 2000 EM26 với đường kính gấp 3 sân bóng đá đã bay qua hành tinh của chúng ở khoảng cách 3.370.610 km.


theo Reuters