Thủ tướng Libya Ali Zeidan tuyên bố sẽ dội bom vào một tàu chở dầu treo cờ Triều Tiên nếu tàu này cố tình chở dầu khỏi khu vực cảng Es Sider đang bị người biểu tình vũ trang ở miền Đông Libya kiểm soát.

Lực lượng phiến quân đã chiếm giữ 3 cảng lớn của Libya kể từ tháng 8-2013 để đòi quyền tự trị và tuyên bố sẽ bắt đầu tự xuất khẩu dầu mà không cần sự cho phép của Chính phủ Libya ở Tripoli.
Trước động thái này, Chính phủ Libya đã tuyên bố sẽ phá hủy bất kỳ tàu thuyền nước nào đến cập cảng mua dầu từ phe nổi dậy.


Lực lượng nổi dậy có vũ trang canh gác tại cảng Es Sider. Ảnh: Reuters

Con tàu mang tên The Morning Glory này đã cập cảng Es Sider hôm 8-3 sau nỗ lực cập cảng không thành công trước đó vào ngày 4-3 và bắt đầu chuyển dầu lên tàu trong đêm. Một đài truyền hình địa phương đã phát hình ảnh phe nổi dậy ăn mừng chuyến tàu xuất khẩu dầu đầu tiên của họ. Các quan chức Libya lập tức gọi đây là “một hành động cướp biển”.
Thủ tướng Ali Zeidan xuất hiện trên truyền hình để cảnh báo thủy thủ đoàn của tàu chở dầu Morning Glory: "Tàu chở dầu sẽ bị ném bom nếu không làm theo đúng mệnh lệnh khi rời cảng Đó sẽ là một thảm họa môi trường”. Ông Zedan cũng khẳng định việc con tàu cập cảng là một hành động xâm phạm chủ quyền của Libya và cho biết nhà chức trách đã hạ lệnh bắt giữ toàn bộ thủy thủ trên con tàu chở dầu này.
Theo các nhà phân tích, dù mang cờ Triều Tiên nhưng có thể con tàu này không phải tàu Triều Tiên và không do Bình Nhưỡng điều khiển. Nhà nghiên cứu Lawrence Dermody ở Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển) phát biểu với BBC: “Rất có thể đây không thật sự là cờ quốc gia dù là tàu đang ở trên vùng biển Trung Đông”.



Đây không phải lần đầu tiên có tàu chở dầu đến khu cảng do người nổi dậy có vũ trang kiểm soát. Hôm 3-3, tàu chiến Ibn Auf của hải quân Libya đã bắn những loạt súng cảnh cáo đối với một tàu chở dầu treo cờ Malta để ngăn tàu này vào lấy dầu ở cảng Es Sider. Chủ con tàu sau đó đã phàn nàn về việc bị tấn công trên vùng biển quốc tế.
Tranh chấp dầu chỉ là một khía cạnh của cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Libya – quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC. Chính phủ Libya đang phải vật lộn để kiểm soát những người nổi dậy đã từng giúp lật đổ cựu Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011 nhưng giờ đây lại cầm vũ khí quay sang thách thức chính quyền hiện nay.


K.Khánh (Theo Reuters, BBC)