Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc nào cũng phải đánh đổi bằng ít nhiều đau khổ.
Margaret Oliphant
Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 20

Chủ Đề: Hiệp Khí Đao - Koichi Tohei

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Hiệp Khí Đao - Koichi Tohei

    .

    Hiệp Khí Đao
    Koichi Tohei

    LỜI NÓI ĐẦU: HIỆP KHÍ ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
    Hội Hiệp Khí Nhu Đạo Việt Nam (1969)

    Văn minh và văn hóa càng tiến triển bao nhiêu, thì công việc tổ chức thế giới chúng ta càng đa diện và phức tạp bấy nhiêu. Ngày xưa nếp sống của những dân tộc sơ khai còn giản dị, phạm vi liên lạc của họ còn nhỏ hẹp, và những điều mà họ thực sự phải nghĩ tới là một chốn để ở, thức gì để ăn, đồ gì để bận, và thứ gì để làm vũ khí chống lại những kẻ thù ác liệt của họ.

    Ngày nay, khi con người sống khắp mọi nơi, chạy cùng thế giới, và đang nghĩ cách bay lên mặt trăng (1) thì những tư tưởng, chính trị, kinh tế và vấn đề nhân dụng trở nên đa diện và phức tạp một cách đáng sợ. Bị những đợt sóng phức tạp đó xô đẩy, ta dường như đã bị lôi ra khỏi một cái hồ yên tĩnh và ném vào những trận sóng sôi động của đại dương. Phó mặc cho ngọn gió và trận sóng, ta chỉ cần làm một lỗi lầm là đủ bị lôi cuốn đi xa như một con thuyền không chào lái đang đợi phút lâm nguy sắp tới để rồi chìm nghĩm.

    Vũ trụ đã cho ta một con thuyền tốt và những mái chèo vững chắc để vượt những trận cuồng ba, nhưng nếu ta đánh mất chúng, thì ta phải mở lớn mắt ra, xét lại sức lực của ta, hướng về mục tiêu, và, rẽ sóng, ta dần dần xây đắp lại chính ta cho đến khi ta có thể chèo lái trên đại dương cuồng nộ.

    Ít người trên thế giới biết được sức mạnh thực của mình. Một số lớn chỉ nhìn thấy cái phần sức mạnh của mình nó nổi lên trên trông như một phần của một băng đảo trên mặt nước biển và quên hẳn đi cái phần lớn hơn gấp bội đang chìm dưới nước. Có lẽ những người đó lấy làm mãn nguyện với họ rồi ; có lẽ, trái lại, họ bi quan về những yếu kém của họ.

    Tất nhiên một người hưởng được một gia tài của cha mẹ mình, bỏ tiền vào một cái két, rồi khóa lại, rồi bỏ quên đâu mất cái khóa, chẳng chịu xử dụng tài nguyên của mình, than phiền là không có tiền, rồi đi vay mượn người khác ; người như thế thật đáng chê cười. Hiển nhiên là hắn phải tìm cho bằng được cái khóa đó và tiêu xài cái sản nghiệp của mình.

    Bởi vì nó cắt nghĩa những nguyên lý cơ bản và những phương cách xử dụng Khí, vô cùng cần thiết trong việc phát hiện sức mạnh nội tâm của con người, cho nên KHÍ chính là cái chìa khóa đặng mở cái tủ két đó ra. Nắm được những nguyên lý của KHÍ khiến bạn có thể cầu viện đến cái KHÍ của vũ trụ và xử dụng cái sức mạnh mà bạn vẫn hằng có.

    Những cuộc đời đầy tiếng cười và những cuộc đời đầy tiếng khóc : cả hai đều có thể có cả. Tùy con người muốn lựa chọn cái nào cũng được. Nếu bạn mong được luôn luôn mạnh khỏe và luôn luôn bước đi trên đời với đầu ngẩng lên cao, thì bạn phải khởi sự nghiên cứu những cách xử dụng Khí.

    Tôi rất đổi vui mừng là nhiều người khắp nơi trên thế giới đã đọc nhưng lời giải nghĩa của tôi về những nguyên lý và kỹ thuật Hiệp Khí Đạo trong cuốn "Hiệp Khí Đạo là gì ?" của tôi. Cuốn sách này là một nổ lực của tôi để thỏa mãn những đòi hỏi mà tôi đã nhận được từ các nước trên thế giới yêu cầu giải nghĩa kỹ lưỡng hơn về KHÍ và cống hiến cách áp dụng những phương pháp huấn luyện cùng những nguyên lý Hiệp Khí Đạo trong đời sống hằng ngày. Không gì làm tôi sung sướng hơn là nếu cuốn sách này có thể thỏa mãn những yêu cầu đó và được dùng làm tài liệu cho bạn đọc nào muốn nghiên cứu sâu xa hơn.

    (1) Quyển nầy viết trước khi con người lên tới cung trăng.
    .
    Koichi Tohei

  2. #2
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .

    Chương 1
    PHẦN MỘT
    NHỮNG NGUYÊN LÝ HIỆP KHÍ ĐẠO
    ĐỜI CON NGƯỜI

    Khi ta sửa soạn ra khơi trên một chiếc thuyền, trước hết ta phải kiểm điểm lại một vài sự việc. Cái lái có hư không ? Máy còn tốt không ? Có lỗ hổng nào dưới đáy thuyền không ? Chỉ khi nào chắc chắn rằng mọi chuyện đều tốt lành, ta mới cảm thấy yên tâm và nhổ neo để bắt đầu một chuyến du hành bình an.

    Đời người cũng giống hệt như vậy. Khi ta sinh ra đời, tức là ta dong buồm trên những con nước dữ của thế giới loài người. Lúc chúng ta còn nhỏ tuổi, cha mẹ ta, hoặc những kẻ chung quanh ta săn sóc ta, bảo vệ ta. Nương tựa vào người khác, ta sống rất yên ổn. Nhưng khi ta lớn lên đến tuổi trưởng thành, thì mọi trách nhiệm đều quy vào ta. Ta trở thành người thuyền trưởng của chính con thuyền của ta, và ta phải chèo lái một mình, không nhờ vào ai được. Dù rằng những kẻ khác có thể khuyên bảo hoặc giúp đỡ ta, nhưng trách nhiệm về chuyến du hành thì một mình ta phải đảm nhiệm; và ta phải biết thấu đáo về khả năng cũng nhưsức lực của con thuyền ta sẽ lái. Ta cũng phải biết cách kiểm điểm lại tất cả những bộ phận để xem có gì trục trặc không.

    Cứ ngó qua những thanh niên thanh nữ thời nay, chúng ta cũng đủ thấy một tình trạng vô cùng lo ngại. Hơn nữa, những người trẻ tuổi này lại không ý thức được gì về tình trạng của mình cả. Bộ thắng của họ không ăn ; họ lại lao mình tới một hướng đi nguy hiểm : và động cơ của họ lại trục trặc. Con người của họ thì hoặc là bệnh hoạn, hoặc là sắp sửa sa đọa về tinh thần. Họ đã mất hết nhưng mái chèo, con thuyền thì lủng, sức họ thì hết, và chính họ thì đang lâm vào cơn hiểm nghèo là chìm xuống dưới những ngọn sóng phũ phàng của thế giới loài người.

    Tại sao, ngay bây giờ đây, ta lại không xác định lại năng sức của ta và xét lại toàn thể mọi bộ phận của con thuyền ta! Ta hãy phóng ra cái năng lực bẩm sinh của ta, chỉnh đốn lại, và hãy làm cho con thuyền ta huy hoàng, con thuyền mà ta phải dong buồm trên những mặt biển đời ta.

    Hãy ngừng lại đôi phút và suy nghĩ. Đời người là gì, và nó tự đâu mà đến ? Khi được hỏi từ đâu mà đến, hoặc sinh ra từ bao giờ, thì rất nhiều người trả lời rằng cha mẹ họ đã sinh ra họ. Nhưng cha mẹ mình cũng lại có cha mẹ, và nếu cứ đi ngược dòng, thì ta sẽ thấy rằng đời ta là tiếp nối một dòng đời xuôi chảy từ lúc con người đầu tiên sinh ra trên mặt đất. Nếu ta lại hỏi trước khi con người đầu tiên sinh ra trên mặt đất, đời sống tự đâu mà đến, thì ta không thể trả lời cách nào hơn là nó từ vũ trụ mà tới. Nếu như vậy, thì chính đời ta cũng khởi đi từ vũ trụ vậy. Nếu có người hỏi : anh là gì, trước khi anh là một người trưởng thành như bây giờ, thì anh thường trả lời : Tôi là một đứa trẻ. Trước khi anh là một đứa trẻ ? Một hài nhi. Trước đó ? Một bào thai. Nhưng giả thử hỏi anh là gì trước khi anh là một bào thai ? Thì liệu anh trả lời ra sao ?

    Trước khi anh là một bào thai, thì anh là kết tinh của một cái trứng trong lòng mẹ anh và của một tế bào tinh dịch trong cha anh. Cái trứng và tinh trùng tự đâu mà có ? Khi cha mẹ anh còn trẻ tuổi, cha mẹ anh chưa có thể sinh sản được trứng và tế bào tinh dịch. Chỉ có thể sinh sản ra những thứ đó khi hai người đã tới tuổi trưởng thành. Có phải cái năng lực để sinh sản ra những thứ đó là do khí trời họ thở hay thực phẩm họ ăn lúc họ đang lớn lên ? Không phải. Nó không tự đâu mà có, mà nó ở trong thiên nhiên. Nói cách khác, đời ta sinh ra qua cha mẹ ta từ vũ trụ.

    Dòng tư tưởng trên dẫn ta tới kết luận rằng chẳng riêng gì loài người, mà mọi loài cây, mọi loài cỏ, mọi sỏi đá, nước và khi trời đều tự vũ trụ mà sinh ra. Hơn nữa, chúng vẫn hằng có từ thủa khai thiên lập địa, và chúng là một phần của vũ trụ.

    Khi tâm hồn ta phấn khởi thì mọi sự vật đều nhuốm màu hồng, không có hoài nghi thắc mắc, và cuộc đời có vẻ dễ chịu. Tuy nhiên, cuộc đời đâu phải lúc nào cũng chỉ đi lên : nó cũng có lúc đi xuống. Thật thế, nếu có vui, thì hẳn phải có buồn. Khi cơn buồn sầu đến với ta, thì ta cảm thấy cô đơn. Ta cảm thấy ta bị tách rời khỏi vũ trụ, cô lập khỏi xã hội, cô đơn và thất vọng. Nếu ta coi ta là những cá nhân biệt lập, thì đối với vũ trụ bao la kia ta chỉ nhỏ bé như những hạt cát. Nỗi bất lực và sự cô đơn của ta quả là đáng tiếc thương. Nhưng nếu trong lòng ta, ta vẫn biết được rằng ta với vũ trụ chỉ là một, rằng mọi sự vật trong vũ trụ đều sinh ra từ cùng một tử cung, thì việc gì ta phải than tiếc, việc gì ta phải cảm thấy cô đơn ? Ý thức được sự việc trên thì ta sẽ có một đức tin vĩ đại rằng ta với vũ trụ là một, rằng vũ trụ sẽ bảo vệ ta, rằng chẳng có lý do nào khiến ta phải tuyệt vọng hoặc hoài nghi thắc mắc. Cho dù có đến một vạn người không hiểu được ta và phỉ báng ta, nhưng nếu ta biết cách xử dụng toàn năng lực của ta và giữ vững lòng tin đó của ta, thì vũ trụ sẽ biết. Chẳng có gì phải sợ hãi.

    Có một người bị thua lỗ lớn trong công việc buôn bán, leo lên đỉnh núi, muốn tự tử. Khi tới nơi, nhìn xuống thấy một cảnh trí trùng điệp và bao la trước mắt thì hốt nhiên cảm thấy một cảm xúc lạ thường truyền qua cơ thể. Câu chuyện kể rằng người đó lại quay trở xuống, và sau bao cố gắng, đã biến cuộc đời mình thành một thành công vĩ đại. Lúc đối diện với sự chết, tâm hồn người đó bỗng trở nên trong sáng. Hắn nhìn thấy toàn thể vũ trụ trải rộng ra trước mắt. Cái bản ngã thật của hắn lúc bấy giờ mới sực tỉnh dậy và tự khám phá được ra rằng nó là một phần của vũ trụ. Rồi một nguồn sinh lực lớn mạnh bỗng tuôn trào như thác từ lòng vũ trụ.

    Con người ngày nay chỉ còn biết có xã hội loài người, nhất là đối với con người sống nơi thành thị, hầu như lúc nào cũng chỉ nhìn thấy không gì hơn là những sự vật do con người tạo ra. Họ đã quên hẳn đi thế giới thiên nhiên. Quay mắt lại ngó nhìn vũ trụ và thụ hưởng nó, đó không phải là độc quyền của những thi sĩ và nghệ sĩ. Vũ trụ sẽ tự tiết lộ cho bất cớ ai muốn nó. Nhưng kẻ nào đã đắm chìm, sa đọa, phải ngước mắt lên nhìn vũ trụ và tự khám phá thấy chính mình là một phần của vũ trụ.

    Hiệp Khí Đạo nghĩa là cách đoàn tụ với khí (ki).Sau này chúng tôi sẽ giảng nghĩa thế nào là khí, nhưng nói cách khác ta có thể gọi Hiệp Khí Đạo là con đường đưa tới sự hợp làm một với vũ trụ. Đó là phương pháp để truyền thụ những qui luật của vũ trụ, dạy cho biết cách để mỗi một duỗi tay, mỗi một duỗi chân có thể với tới những qui luật đó, hợp tinh thần với thể xác làm một, và luôn luôn tinh luyện con người để trở nên một phần của vũ trụ. Hãy đến đây, hỡi những người muốn tìm lại bản ngã mình, những người muốn làm sinh ra cái năng lực bẩm sinh của mình, những người muốn mạnh dạn bước đi trên đời ! Đây là lúc chúng ta cùng huấn luyện với nhau.
    (còn tiếp)
    Last edited by khieman; 03-11-2014 at 11:40 PM.

  3. #3
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 2

    GIÁ TRỊ CUỘC ĐỜI TA

    Đời chúng là là một phần của vũ trụ. Nếu ta hiểu rằng đời ta đã từ vũ trụ mà ra, rằng ta đã tới thế giới này để sống, thì ta phải tự hỏi tại sao vũ trụ lại cho ta đời sống. Trong Nhật ngữ chúng tôi có dùng câu suiseimushi, nó có nghĩa là lúc sinh ra đã say sưa và lúc chết đi vẫn còn mơ mộng để diễn tả một trạng thái con người sinh ra không hiểu nghĩa lý của sự sinh và chết đi cũng vẫn chẳng hiểu gì hơn. Sinh ra như một bọt nước, và sống trên đời chỉ để lập đi lập lại cái quá trình ăn uống, bài tiết rồi ngủ, thì quả là sống một cuộc đời vô nghĩa. Chết đi mà vẫn còn mơ mơ mộng mộng thì cũng được đi, nhưng những người như thế thì lúc gần chết sẽ buồn phiền vô kể.

    Trong đám những người trẻ tuổi hôm nay, có một số nhận định rằng :

    « Tôi đâu có đòi sinh ra đời ! Ông cụ bà cụ tôi muốn thế đấy chứ ; đó đâu có phải trách nhiệm của tôi, nhưng giờ tôi đã trót sinh ra rồi thì tôi có thể làm bất cứ cái gì tôi thích ! »

    Mỗi người trong chúng ta nhận lãnh cuộc đời từ vũ trụ chỉ bằng cách qua cha mẹ ta. Có người muốn có con hết sức mà không được, trái lại có nhiều người không muốn có lại vẫn có. Cho nên việc có con hay không có con không tùy thuộc ý muốn của cha mẹ. Nếu thực sự việc ấy tùy thuộc ý muốn, thì cha mẹ ta chắc chắn sẽ chỉ cho ra đời những đứa con không bao giờ thốt ra những lời bất hiếu hoặc làm những điều xấu xa.

    Ta hãy mượn một vài kiến thức trong y khoa. Trong mỗi một lần truyền tinh trùng thì người đàn ông tống ra vào khoảng từ một đến ba trăm triệu tế bào tinh trùng. Con số tinh trùng mà một người đàn ông sản xuất được trong cả đời mình thì to lớn kinh khủng. Mà mỗi cá nhân lại là kết quả của một sự kết hợp giữa một con tinh trùng và một cái trứng mà thôi. Bởi lẽ một người sinh ra đời từ một con tinh trùng, cho nên vô số những tinh trùng khác phải bị hy sinh đi. Hiển nhiên sự phí phạm như vậy phải có một sự trừng phạt đi theo.

    Ta thường nghe nói đến câu « cuộc đời chọn lọc » áp dụng cho những kẻ có tài hơn hoặc trông đẹp đẽ hơn người khác, hoặc những kẻ có một cuộc đời huy hoàng hơn. Thực ra, thì ta phải nhận định rằng mọi người trong chúng ta, từ lúc sinh ra đời đã đi vào một cuộc đời được tuyển chọn. Từ lúc ta sinh ra đời từ vũ trụ ta đã rơi vào một cuộc đời được tuyển chọn bởi vì ta đã không sinh nhầm chỉ có mỗi một cá nhân được sinh ra mà thôi. Phung phí cuộc sống hiếm có và quí báu đó thì quả là một điều đáng tiếc vô cùng.

    Khi ta nhận lãnh cái món quà vô giá là cuộc đời đó, thì ta cũng đồng thời nhận lãnh một sự ủy nhiệm để hoàn thành một cái gì trên thế giới. Nói khác đi, ta phải biết cái ý muốn của đấng tạo hóa, và ta cũng phải biết cái sứ mạng của ta. Đấng tạo hóa chẳng hề nói một lời mà chỉ luôn luôn hành động. Đấng tạo hóa chẳng hề nói một lời, mà mọi sự sáng tạo đều phát triển thường xuyên. Vũ trụ không hề dạy dỗ ta một điều nào, mà chỉ hành động trong yên lặng. Ta không biết rằng cái đường hướng đó tốt hay xấu. Chỉ biết rằng vũ trụ đang chuyển động.

    Nếu ta cũng muốn sống một cuộc đời huy hoàng trên trái đất khi ta ngước mắt ngó thấy cái huy hoàng trên thiên đàng, thì ta phải tin tưởng rằng vũ trụ đang chuyển động tới một chiều hướng tốt. Nếu, trái lại, ta lại lựa chọn tà đạo, thì mặc dù cố gắng đến mấy, mọi sự rồi cũng là phung phí. Vũ trụ luôn luôn bành trướng và phát triển. Ta phải nhận định rằng cái sứ mạng mà vũ trụ giao phó cho ta là hướng mọi cố gắng của ta vào sự phát triển và sáng tạo đó.

    Trong thế giới nầy có kẻ giàu người nghèo và bao nhiêu công trình khác nữa. Nhưng đứng trên phương diện nỗ lực trong sự tác thành của mọi tạo vật, thì mọi người đều bằng nhau. Sẽ không có kẻ giàu người nghèo, kẻ hèn người sang. Bất cứ làm gì, bất cứ hướng tới mục đích nào, nếu anh đem hết năng lực của anh vào cái thích hợp với anh, thì trong thâm tâm anh sẽ có một tiếng nói :

    « Điều này thực là hạp với bản chất ta ».

    Khi anh cảm thấy là anh phải hoàn thành một cái gì trong một ngành hoạt động nào đó, thì anh sẽ tìm được cái sứ mạng của anh đó vậy. Xử dựng mọi năng lực vào một việc đó và anh sẽ cảm thấy cái giá trị việc anh làm và cái giá trị cuộc đời anh. Nếu không ra sức thì sẽ chẳng có sứ mạng nào hết ; nhưng sự tiến hóa sáng tạo của vũ trụ mỗi ngày mỗi tăng khi mỗi cá nhân thi hành sứ mạng của mình.

    Hãy gạt sang một bên mối bi quan cho rằng mặc dù một cá nhân cố gắng đến mấy đi nữa, những sức mạnh to lớn của thế giới vẫn không thay đổi. Nếu chỉ một người trở nên một con người tốt, thì vũ trụ ít nhất cũng tốt hơn bằng một con người đó. Một ngọn lửa nhỏ có thể đốt sáng mười ngàn ngọn khác, rồi tất cả sẽ trở thành một năng lực lớn chiếu sáng cả thế giới. Muốn tạo được một thế giới tốt đẹp hơn, ta phải bắt đầu từ chính chúng ta.

    Hiệp Khí Đạo dạy ta cái nguyên tắc đúng đường để thắng : nghĩa là, muốn thắng bất cứ một cái gì khác, ta phải thắng ta trước nhất. Một khi ta đã buộc được ta vào qui tắc, trong những nguyên lý đúng đường, và một khi ta đã thắng trận với chính ta, thì mọi người khác sẽ tự nhiên theo ta. Mục đích của ta là làm cho ta hoàn hảo hơn, là làm cho tròn cái sứ mạng mà vũ trụ đã giao phó cho ta, là xây dựng chính con người trước khi nghĩ đến việc thắng trận với kẻ khác.

    Lý do khiến chúng tôi mang sức ra để truyền bá Hiệp Khí Đạo không phải chỉ là truyền bá cái kỹ thuật tự vệ mà thôi. Chúng tôi nhằm tới việc làm cho tròn sứ mạng của chúng tôi, dù chỉ một người gia nhập hàng ngũ những người đang nỗ lực đẩy tới cái bước tiến hóa sáng tạo của vũ trụ. Dù rằng Hiệp Khí Đạo đã được phổ biến tại nhiều quốc gia, phong trào này hãy còn yếu, và có nhiều người chỉ bám lấy những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo mà không hiểu biết gì về chính Hiệp Khí Đạo. Phải cần có một người thông hiểu cái ý nghĩa đích thực của Hiệp Khí Đạo và đứng lên truyền bá sự hiểu biết đó cho người khác. Tôi đã tự nhận lãnh cái nhiệm vụ đó và tự coi nó là sứ mạng của tôi vậy.
    (còn tiếp)

  4. #4
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 3
    SỰ HỢP NHẤT GIỮA TINH THẦN VÀ THỂ XÁC

    Khi đã biết được cái bản thể của đời ta và nắm chắc được cái bản chất những sứ mạng của ta, thì mối quan tâm tiếp theo đó phải là tìm cách để thi hành những sứ mạng đó.

    Cuộc đời mà ta nhận lãnh từ vũ trụ gồm có hai yếu tố : thể xác và tinh thần. Ta có thể biểu lộ cái tương quan giữa hai yếu tố này bằng cách nói rằng thể xác chuyển động phù hợp với những hiệu lệnh của tinh thần, và tinh thần thì xử dụng thể xác. Hai yếu tố đó không thể tách rời nhau được. Cuộc sống con người sẽ không thể tiếp tục nổi nếu chỉ có một trong hai yếu tố ; nhưng nếu chúng liên kết với nhau, thì ta có thể phát biểu những khả năng cao cả nhất và những năng lực nội tại của ta.

    Hồi còn ở đại học, tôi có được nghe kể một câu chuyện về một nhà tu Thiền như sau. Lúc đó nhà tu đó đã già - kể lại chuyện lúc bắt đầu tu đạo này lúc còn trẻ -, khi đó rất yếu ớt, lại bị bệnh lao nặng. Dĩ nhiên thời nay những thuốc men tân tiến đã có thể chữa được bệnh lao, nhưng hồi đó ai mắc phải thứ bệnh này thì chỉ có chết. Rồi một hôm, trong lúc đang tham thiền thì nhà tu trẻ tuổi đó bỗng ngất đi. Các thầy thuốc đều nói rằng vô phương cứu chữa, còn chàng thì hết sức buồn rầu và cũng đành khoanh tay, yên phận chờ chết. Chàng nghĩ thầm :

    “Thật đáng buồn thay, giữa lúc đang tập đạo thì ta lại bị đau ốm, nhất là ta đã nhất quyết rắp tâm theo học đạo Thiền cho bằng được. Nhưng nếu ta phải chết đi, thì ta sẽ chết đi một cách can đảm, và ta ngồi theo lối Thiền mà chết”.

    Chàng liền nhỏm dậy khỏi giường bệnh, ngồi xếp chân theo lối Thiền, nhập vào một trạng thái chú ý tinh thần hết sức hoàn hảo, và yên tâm ngồi chờ chết. Nhưng nào chàng có chết. Ngày hôm sau chàng lại nhỏm dậy, lại ngồi theo lối Thiền, và chờ đợi, nhưng cái chết vẫn không đến. Rồi ngày này sang ngày khác, chàng vẫn cứ tiếp tục ngồi tham thiền nhập định. Bởi vì chàng đã buộc mình vào kỷ luật với sự chết luôn luôn ở trước mắt, cho nên chẳng bao lâu thái độ tinh thần của chàng đã tiến bộ hơn. Bởi vì chàng đã chờ đợi chết mà sự chết vẫn không đến, cho nên nhà tu đó bèn quyết định sẽ gạt hẳn vấn đề sống hay chết ra khỏi tâm trí và phó mặc chuyện đó cho ý trời. Chàng cũng nhất quyết theo tập đạo Thiền cho đến cùng trong lúc còn sống. Trong khi tập đạo như thế thì dần dà bệnh lao của chàng bỗng biến mất mà chàng không hề hay biết, và nhà tu hành nổi danh đó đã sống một cuộc đời trọn vẹn cho đến ngoài bảy mươi tuổi dạy đạo và dẫn dắt những kẻ khác.

    Trong khi ngồi tham thiền nhập định và chờ đợi sự chết, nhà sư đó đã tới được một trạng thái hợp nhất tinh thần và thể xác và nhờ đó đã qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo của mình. Những ai muốn bắt chước nhà sư đó và ngồi tham thiền nhập định để mong chữa khỏi một trọng bệnh nào đó cũng nên biết rằng phương pháp đó không phải luôn luôn mang tới kết quả mong muốn, mà đôi khi còn có thể rất nguy hiểm. Căn bệnh có thể còn trầm trọng hơn nếu kẻ tham thiền có thái độ hoài nghi này :

    « Được, mình sẽ ngồi tham thiền bởi vì mình nghe nói rằng cứ ngồi như vậy mình sẽ khỏi bệnh, nhưng chắc đâu...»

    Cần phải hiểu trong khi ta hợp nhất thể xác và tinh thần, thì những sinh lực nội tại của ta sẽ bắt đầu hoạt động, và chính những sinh lực đó chúng đã trấn áp căn bệnh. Mặc dù chúng tôi không đủ thời giờ để kê ra đây một danh sách những người bị ung thư dạ dầy, nhũng người bị áp huyết cao, hoặc những người bị đau tim, mà nhờ luyện tập Hiệp Khí Đạo đã đều qua khỏi bệnh, quí vị chớ nên vội vã kết luận rằng Hiệp Khí Đạo là một liều thuốc trị bá chứng. Tập luyện Hiệp Khí Đạo một cách cẩu thả, hời hợt, lộn xộn thì chẳng bao giờ là một phương pháp tốt nhất để trị bệnh. Quí vị nên hiểu rằng ta chỉ có thể vượt qua được một căn bệnh nếu ta học những qui luật về hợp nhất tinh thần và thể xác của Hiệp Khí Đạo, và nếu ta phát biểu được cái tuyệt đích của nguồn sinh lực nơi ta bằng cách luyện tập thế nào cho mọi chuyển động thể xác của ta được thể hiện thật đúng đường.

    Vấn đề khả năng cũng thế khi ta nói rằng ta giỏi về những thứ gì ta thích, thì có nghĩa là ta có thể làm tiến bộ được nếu ta thích thú việc gì ta đang làm. Ngược lại, nếu ta không thích việc gì ta đang làm, thì ta sẽ thấy khó lòng mà tập trung được tâm trí ta vào việc đó. Cho dù thể xác ta có nhắm tới một hướng đúng đường đi chăng nữa, tâm trí ta sẽ bay về một hướng nào khác. Cho nên việc ta làm sẽ rất ít tiến bộ bởi lẽ ta không thể nào tới được một trạng thái hợp nhất tinh thần và thể xác. Nếu muốn tiến bộ về bất cứ việc gì, điều quan trọng đầu tiên là hợp nhất thể xác và tinh thần ta và rồi để cho mọi khả năng ta mặc sức phát triển, mặc sức tung hoành.

    Những điều ta có thể làm được khi ta thành thực, và khi thể xác và tinh thần ta được hợp làm một, thì quả là kinh dị!

    Chuyện một con chuột nhỏ áp đảo một con mèo lớn đã được nhiều người biết đến. Trong những đám cháy, nhiều người đã phát hiện ra những năng lực kinh khủng mà những lúc thường họ không bao giờ dám mơ tưởng tới. Hoặc có những thiếu phụ đã có lần nhấc nổi xe hơi lên để kéo những đứa bé bị kẹt ở dưới gầm xe ra. Rồi trong những hoàn cảnh tuyệt vọng giữa sự sống và cõi chết, chúng ta nhiều khi có được những sự khôn ngoan tuyệt vời. Tất cả những trường hợp vừa kể đều nói lên những phát lộ của năng lực do sự hợp nhất của thể xác và tinh thần mang đến.

    Con người thụ hưởng những năng lực bẩm sinh của vũ trụ nhưng không thể xử dụng được chúng bởi lẽ không biết cách sử dụng. Chỉ khi nào anh đã học những qui luật về hợp nhất tinh thần và thể xác, chỉ khi nào anh đã tập cách xử dụng những năng lực bẩm sinh của anh bất cứ lúc nào anh muốn, và chỉ khi nào anh đã « trui luyện » chính con người anh, thì anh mới có thể thi hành cái sứ mạng do thiên nhiên giao phó cho anh. Nhưng muốn hợp nhất tinh thần và thể xác thì ta phải làm cách nào ?
    (còn tiếp)

  5. #5
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 4
    PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP

    Từ xưa đến nay đã có một số những phương pháp để đạt việc hợp nhất tinh thần và thể xác. Hợp nhất có nghĩa là sức mạnh. Cũng như nếu ta tập trung những tia sáng vào một điểm nào đó ta có thể phát triển ra được một sức mạnh lớn lao thì bằng cách tập trung tâm trí ta, ta cũng có thể phát lộ ra được một sức mạnh tương tự.

    Người xưa đã nói : “Muốn là Được”. Những người có những nhiệm vụ quan trọng bao giờ cũng có khả năng tập trung tâm trí. Tin tưởng vào thường dễ và cầu nguyện với tất cả tấm lòng thành của mình đó nhất định phải là một cách hợp nhất tâm trí. Trong lịch sử có nhiều trường hợp những người vì có đức tin thành thực mà bỗng dưng có được một sức mạnh phi thường. Ngồi yên lặng, nhắm mắt lại, như trong phương pháp Thiền hoặc Yoga cũng là một cách hữu hiệu để tập trung tinh thần. Một nhà khoa học mê mãi với công việc của mình hay một nhà nông chăm chú ngoài đồng áng là những thí dụ điển hình về những người tập trung được tinh thần vậy.

    Tuy nhiên, trên thế giới này, có rất nhiều người không thể tập trung tư tưởng mình vào một việc gì hết. Nhiều người khác, dù rằng có thể tập trung được trong chốc lát, nhưng làm rất yếu về những năng lực tập trung. Cho nên khả năng tập trung tư tưởng đòi hỏi một sự luyện tập : điều đó không có gì là lạ !

    Giờ đây, tôi muốn giới thiệu những phương pháp hô hấp cho bất cứ ai muốn hằng ngày tập cách tập trung tinh thần. Có phương pháp hít vô đằng mũi và thở ra đằng miệng, hoặc hít vô và thở ra đằng mũi : cũng lại có phương pháp vừa hô hấp và làm một vài cử động. Tôi xin giới thiệu một trong những phương pháp đó, một phương pháp nổi danh từ lâu ở Nhật Bản là phương pháp misogi hay là okinaga. Không những nó là một phương pháp mà bất cứ những ai bắt đầu học cũng có thể tập một cách dễ dàng, nó còn là một phương pháp có hiệu quả nhất.



    I. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP MISOGI

    1. Quỳ xuống, thẳng người, hai ngón chân cái bắt chéo với nhau, để một khoảng trống giữa hai đầu gối vừa đủ chỗ cho hai tay. Hai bàn tay đặt nhẹ nhàng trên hai đùi. (Chú ý : lúc mới quỳ kiểu này, hai chân bạn có thể sẽ mỏi : nhưng tập luyện dần dần bạn sê quen với thế ngồi đó, và sức mạnh, của phần hông của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Mặc dù đối với những ai không thể quỳ được kiểu đó thì họ cũng có thể ngồi trên ghế, nhưng quỳ bao giờ cũng hơn cả).

    Giữ người thật thẳng và làm cho những bắp thịt lưng dướn lên. Trọng tâm của thân thể bạn phải được tập trung ở một điểm duy nhất phía dưới bụng dưới. (Đây gọi là điểm seika-no-itten, nghĩa là một điểm nơi chính giữa bụng dưới, cách dưới lỗ rốn chừng 5 phân. Chúng tôi sẽ xin giải thích điểm đó rõ hơn sau này). Hai vai để tự nhiên, thoải mái, và ngồi ung dung, như trong hình 1a. Nhắm hai mắt lại từ đầu lúc tập cho tới cuối.

    2. Miệng há ra như khi bạn đọc âm « a ». Bạn thở ra đằng miệng thật lâu, vừa thở vừa phát một tiếng « ha » khẽ. Thở ra liền một hơi, càng nhiều hơi càng tốt, theo hướng mũi tên trong hình 1b.

    Khi thở ra, bạn hơi nghiêng người theo hướng hơi thở của bạn. Chúng tôi yêu cầu bạn phát ra một tiếng « ha » khẽ, là bởi vì nếu làm như thế bạn sẽ có thể biết xem hơi thở bạn có đứt quãng nửa chừng hay không, và nhờ tiếng đó bạn có thể biết được bạn có thở nhẹ nhàng hay không. Tiếng thở ra đó phải là một tiếng dài và rõ. Thường thường hơi thở đó kéo dài từ ba mươi đến bốn mươi giây, nhưng vì hơi khó đối với người bắt đầu tập cho nên hai mươi giây cũng tạm đủ. Tập lâu dần, bạn sẽ có thể thở ra dài hơn.

    3. Lúc thấy thở ra đã đủ lâu, bạn thở hắt mạnh ra một cái. Dù cho bạn tưởng bạn đã thở ra thật là hết ròi, nhưng thường thường một chút hơi vẫn còn thừa lại trong phổi. Dù còn thừa hơi hay không, không thành vấn đề, bạn cũng nên cố thở mạnh ra một hơi thở cuối. Lần này hơi thở đó đi theo hướng mũi tên trong hình 1c. Lúc đó, nửa thân trên của bạn sẽ tất nhiên phải nghiêng ra phía trước một chút. Mặc dù lúc bạn đã thở ra hết hơi, bạn cũng không được quên đi cái điểm ở bụng dưới, bởi vì nếu quên đi, lát nữa bạn sẽ khó lòng mà hít được hơi vào.

    4. Khi đã hoàn toàn thở ra hết, đợi chừng một hay hai giây, ngậm miệng lại, bạn bắt đầu hít vào, nhắm hơi thở thế nào cho nó đi thẳng ra phía sau gáy. Nếu hít thẳng vào ngực thì bạn sẽ cản đường hơi thở, và hơi thở sẽ đứt đoạn ngay. Bạn phải luôn luôn hít vào nhẹ nhàng theo hướng mũi tên trong hình 1d. Hít hơi như thế lâu chừng 25 giây. Cũng như khi thở ra, lúc bạn thấy bạn đã hít vào thật đủ rồi, thì bạn hít thêm vào một hơi cuối.

    5. Khi đã hoàn toàn hít hơi vào hết, bạn hãy dồn hơi thở đó xuống cái điểm ở bụng dưới đã nói và tưởng tượng hơi đó đi qua những bắp thịt lưng của bạn theo hướng mũi tên trong hình 1e. Giữ như vậy trong 10 giây. Khi hít hơi vào phía gáy, tất nhiên bạn sẽ hơi ngả người về phía sau. Bây giờ bạn lại phải quay trở lại vị trí cũ để cho trọng tâm của bạn lại ở vào cái điểm nơi bụng dưới đã nói. Nếu không dồn hơi thở xuống điểm ở bụng dưới đó, thì bạn sẽ thấy rất khó nhọc giữ hơi trong mười giây, và hơi thở ra sau đó sẽ văng mạnh ra. Chỉ khi nào dồn được hơi xuống điểm đã nói, bạn mới có thể ngậm hơi thở được một cách dễ chịu từ 10 đến 30 giây.

    6. Tập trung hơi thở vào điểm nơi bụng dưới, và khi 10 giây đã qua, bạn hả miệng, thở ra hết sức nhẹ nhàng. Lập lại bài tập hô hấp này bao nhiêu lần cũng được. Muốn cho thực kết quả, sự thở ra và hít vào phải lâu hơn một phút, nhưng đối với những người mới tập, thì 40 giây cũng đủ.

    Dù có nhiều người nói rằng khi hít vào như thế ta không được hít vào hoàn toàn mà chỉ được ngậm lại 1 phần 8 hơi thở mà thôi, và lại cũng có người chủ trương rằng khi đã hít vào rồi, ta nên để một chút hơi thoát ra và rồi mới ngậm lại, nhưng cả hai thái độ này đều chứng tỏ những người đó không biết gì về cái điểm duy nhất ở nơi bụng dưới đó. Họ cho rằng nếu ngậm lại hoàn toàn thì ta sẽ thấy rất khó chịu. Nhưng, thực ra, nếu tập trung tất cả hơi thở của ta vào điểm đó thì ta thấy ngậm cả hơi lại rất dễ. Nếu hơi thở của ta đứt quãng nửa chừng, hoặc nếu nó làm ta khó chịu, thì đó là một dấu hiệu cho biết là nó đã đi quá cái điểm nơi bụng dưới đã nói. Nếu ta dồn hơi xuống đúng điểm đó ta sẽ thấy ta luôn luôn có thể vừa hít vào và thở ra được lâu, nhẹ nhàng và đều đặn. Những người mới tập một mình, lúc làm hô hấp, nên phát ra một âm thanh khẽ như thế để có thể biết ngay được là mình làm có đúng đường hay không. Khi tập hô hấp, bạn nên nhớ rằng đó không phải chỉ là vấn đề thở ra và hít vào mà thôi.

    Bạn phải coi đó là một cơ hội để tập trung tinh thần nữa. Thở ra để hơi thở bạn vượt được đến cõi thiên đường ; hít vào để hơi thở xuống được tới bụng bạn. Nói cách khác, khi bạn thở ra, bạn nên làm cách nào để cảm thấy rằng không phải hơi thở của bạn đã tắt đi ngay trước mắt mình mà còn vượt được tới bến bờ của cõi thiên đàng. Theo lối nói của Hiệp Khí Đạo, thì đó là ki o dashite haku, nghĩa là thở ra như là ta trút ra cái khí của ta.

    Theo phương pháp này, thì mặt dù hơi thở của ta nhẹ nhàng, nhưng nó có sức mạnh. Trong khi hít vào, thì đó là ta đã kéo vào cái khí của vũ trụ và đem tập trung nó xuống cái điểm nơi bụng dưới của ta. Nói khác đi, ta có cảm tưởng như ta đang kéo vũ trụ vào trong lòng ta vậy. Khi ta đã thở ra hết, thì đó là ta đã đặt mọi sự việc vào tay vũ trụ.

    Khi ta đã hít vào hoàn toàn, thì ta với vũ trụ đã hòa làm một. Thoạt đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, lối hô hấp của bạn có thể hỗn độn và dễ bị đứt quãng nửa chừng ; nhưng nếu bạn lặp đi lặp lại bài tập đó chừng 10 hay 20 phút, tinh thần bạn sẽ trở nên hòa dịu hơn, và lối hô hấp của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn. Cứ luyện tập đều đặn và thường xuyên, bạn sẽ tới một giai đoạn mà hơi thở của bạn sẽ lâu, nhẹ nhàng và thoải mái ngay từ lúc đầu, bất cứ lúc nào bạn muốn tập.

    Lúc bấy giờ bạn đã quên đi được cái thân xác của bạn và du nhập một thế giới hô hấp thuần túy. Lúc đó bạn sẽ cảm thấy như là vũ trụ đang hô hấp chứ không phải là bạn. Cuối cùng bạn sẽ tới chỗ nhận thức chính mình như một phần của vũ trụ. Không phải là một sớm một chiều mà bạn có thể thấu đáo được cái tác dụng của những phương pháp hô hấp : cần phải có kỷ luật mới có thể du nhập được cái thế giới của nó.

    Khi đã có thể gọi là thành công trong phương pháp hô hấp ở vị trí quỳ xuống, bấy giờ bạn có thể tập hô hấp bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ ở vị trí nào, đứng, ngồi trên ghế, trong khi đi, hoặc trong khi nằm. Khi bạn tập hô hấp trong khi đi, bạn hãy cố bình tâm bằng cách tập trung tư tưởng vào cái điểm nơi bụng dưới đó, và bước đi nhẹ nhàng trên mặt đất. Đừng làm cho cái điểm đó xao động.

    Nếu bạn rút ngắn thời gian hít vào và thở ra, và kéo dài thời gian dồn khi xuống bụng dưới, thì bạn sẽ thấy rất dễ chịu. Đây là một phương pháp hết sức hữu hiệu để bình tâm ngay cả lúc bạn đang đi.

    Trong phương pháp hô hấp nằm, thì bạn nằm ngửa thật thẳng, hai chân duỗi thẳng. Bởi lẽ nằm như thế thì khó hít không khi vào đằng sau gáy, cho nên bạn hít vào được bao nhiêu tùy sức, chớ nên cố quá ; rồi cũng dồn khí đó xuống điểm đã nói.

    Trong trường hợp này cũng vậy, bạn nên rút ngắn thời gian hô hấp, và kéo dài thời gian giữ không khí ở bụng dưới. Phương pháp này được áp dụng nhất là khi bạn bị đau.

    Khi bạn đang lái xe, hoặc khi bạn đang đứng đợi người nào, bạn cũng có thể tập hô hấp được.

    Khi ở giữa đám đông, để tránh làm phiền người khác gây ngượng ngùng cho chính bạn, thì bạn hãy tập hô hấp bằng đằng mũi. Mười phút tập là mười phút bạn lấy thêm năng lực, và một giờ tập là một giờ năng lực. Dù rằng thời gian tập có ngắn ngủi đi chăng nữa, nếu bạn tập cho đúng cách thì kết quả vẫn tăng lên nhiều. Tuy nhiên đừng quên rằng nhiều khi tập nhiều quá (nghĩa là lúc nào cũng tập) lại đưa đến chóng chán. Vật gì dễ được bao giờ cũng dễ mất.

    Thói quen tốt nhất là tập lối 15 phút trước khi đi ngủ và 15 phút sau khi ngủ dậy mỗi buổi sáng.

    Bạn sẽ thấy sức lực bạn sẽ tăng cường và bạn sẽ khỏe mạnh hơn nếu bạn hy sinh 15 phút thời gian ngủ để tập hô hấp. Một điều nữa là nếu bạn mệt nhọc vì làm việc ở sở hay vì học hành ở trường, thì thay vì đi dạo hay nằm nghỉ, bạn nên dùng thời gian đó để hô hấp (lối 15 hay 20 phút), bạn sẽ thấy dễ chịu lên hẳn.

    Trong trường hợp bạn đang vô cùng bối rối về một vấn đề gì, hoặc có một biến cố gì vừa xảy đến khiến bạn lo âu, thì bạn hãy cố gắng tập hô hấp vào lối 2 giờ, trí bạn sẽ sáng ra và bạn sẽ có thêm can đảm để làm một việc gì, và bạn sẽ có thể đến được một quyết định cho bất cứ việc gì của bạn.

    Đôi khi, họp lại một nhóm người cùng một tư tưởng để tập hô hấp với nhau là một chuyện rất hứng thú. Người nào nóng tính có khi nửa đường bỏ tập luôn, nhưng nếu có một nhóm người dẫn dắt, người đó sẽ đi đến cùng. Nếu tập từng nhóm, thì cố nhiên bạn nên tuyển lấy một người trưởng nhóm để mọi người cùng theo lời chỉ bảo. Người trưởng nhóm nên kiếm lấy một vật gì bằng gỗ để có thể gõ xuống sàn hoặc một chỗ nào đó làm dấu hiệu. Khi người này gõ một tiếng, mọi người sẽ cùng thở ra ; khi gõ lần thứ hai, thì mọi người bắt đầu cùng hít vào
    .
    Một tiếng gõ nữa, thì mọi người lại cùng thở ra. Tập như thế lối một giờ. Giữa hai lần gõ cố đừng làm hơi thở bị đứt quảng. Dù cho có khó chịu, cũng cố theo đúng dấu hiệu của người trưởng nhóm. Chỉ có thể đạt được kết quả và làm chủ được phương pháp hô hấp nếu bạn đừng « ăn gian ». Nếu thấy khó chịu vì một lỗi lầm nào đó, thì nên cố gắng tìm xem có là lỗi lầm gì, hơn là « ăn gian ». Mặc dầu người trưởng nhóm có thể thở thật lâu và đều, người đó cũng chớ nên coi mình là tiêu chuẩn. Hắn phải kiểm soát lại lối hô hấp của mình bằng cách hít thở thật mạnh và ngắn hơn để những người mới tập trong nhóm có thể theo kịp.

    Loài người có thể vẫn sống được một thời gian khá lâu khi nhịn ăn, nhưng nếu nhịn thở chỉ chừng một lát thì nhất định đi đứt. Dù rằng ta thở mà mạnh : người yếu đuối thì hơi thở nếu và ngắn

    Người có một tinh thần bình yên thì thở nhẹ nhàng và đều đặn, trái lại một người tâm thần bất an thì thở lung tung và thành từng đợt. Bằng cách điều khiển lối hô hấp, ta có thể tìm cho tâm thần ta một thế quân bình và cho thể xác ta một sức khỏe. Mỗi ngày bỏ ra chút thời giờ để tập hô hấp có thể không mang tới kết quả trông thấy, nhưng nếu ta cứ tập luyện không ngừng và đừng thất vọng, thì ta có thể tạo cho ta một sức mạnh tuy tiềm tàng nhưng rất phi thường. Và rồi dần dần ta sẽ tới một giai đoạn mà lúc nào ta cũng có thể hợp nhất tinh thần và thể xác ta, nhờ đó mà ta sẽ có được những năng lực thật kinh ngạc.

    Vô số người có thể trông thấy một cây cao lớn, nhưng ít người trông thấy rễ cây đó. Một cây chỉ cỏ thể mọc lên cao là nhờ rễ của nó vững vàng.

    Những phương pháp hô hấp là những kỷ luật căn bản của Hiệp Khí Đạo. Dùng thời giờ mà mọi người thường lãng phí để tập những kỷ luật căn bản đó, bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại.

    II. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP DÙNG TRONG HIỆP KHÍ ĐẠO

    Trước khi học Hiệp Khí Đạo, chúng ta thường theo một phương pháp hô hấp đằng mũi.

    1. Đứng dạng hai chân cách nhau chừng nửa bước. Trong phương pháp này bạn có thể mở mắt hoặc nhắm mắt tùy ý. Xoè hai bàn tay ra và để hai cánh tay thõng xuống tự nhiên, (hình 2a).

    2. Hít vào và tưởng tượng bạn đang kéo vào trong người bạn cái khí của vũ trụ. Đồng thời, khi tưởng tượng đang kéo cái khí của vũ trụ vào người, bạn từ từ nắm hai bàn tay lại, bắt đầu bằng ngón tay út trước khi hít vào như thế, bạn kiễng chân lên. Hít vào lâu chừng 5 giây, (hình 2b).

    3. Khi đã hít vào đủ hơi rồi, bạn hạ thõng hai nắm tay xuống, dồn hơi vào cái điểm nơi bụng dưới và hạ gót chân xuống, (hình 2c). Trong trường hợp này, không phải là khí đã rớt vào cái điểm nơi bụng dưới đâu, mà là bạn tập trung tất cả sức mạnh của bạn vào đó. Bạn sẽ cảm thấy hầu như sức mạnh đó đang tràn lan trong khắp thân thể bạn. Giữ nguyên vị trí này lối chừng 5 giây.

    4. Ngậm miệng lại, bạn bắt đầu thở ra đằng mũi và tưởng tượng bạn đang đẩy toàn thể sức lực của bạn ra ngoài. Đồng thời, bạn xoè hai bàn tay ra, bắt đầu bằng ngón út trước, và khi đã xoè hết, bạn úp hai bàn tay xuống như là nhận xuống mặt đất. Cử động hai bàn tay theo hướng mũi tên trong hình 2 d. Lúc đã thở hết ra rồi, hạn hãy làm như xiết chặt cái điểm nơi bụng dưới đó lại, và cho hai bàn tay về vị trí cũ. Tất cả lâu chừng 10 giây.

    5. Khi đã thở ra hết hẳn rồi, bạn xoè ngay hai bàn tay ra, ngửa chúng lên trời, và quay trở lại vị trí trong hình 2 a, và lại bắt đầu hít vào. Tuy rằng phương pháp hô hấp này thua phương pháp misogi trong việc hợp nhất tinh thần và thể xác và trong việc phát triển sức mạnh, nhưng nó có lợi ở chỗ nó mất ít thời giờ. Tập lối 5 hay 6 lần cũng đủ, và bởi lẽ mỗi lần tập chỉ lâu chừng 20 giây, tất cả bộ phương pháp chỉ lâu chừng từ một phút rưỡi cho tới 2 phút mà thôi. Tập luyện hô hấp theo phương pháp này, cần phải làm như xiết chặt cái điểm nơi bụng dưới lại.

    Lý do : khi bạn bị hốt hoảng về một việc gì, hay khi bạn hết sức mệt nhọc, hay khi bạn đang cáu giận, thì bạn sẽ thấy khó dồn tâm thần bạn xuống cái điểm nơi bụng dưới, bởi lẽ trong những hoàn cảnh đó ta không thể tìm cho đúng vị trí của điểm đã nói. Trong những trường hợp đó, thì phương pháp hô hấp này sẽ rất hữu hiệu. Nếu bạn làm căng bụng dưới của bạn mà không tập hô hấp, thì máu sẽ dồn lên trên, và rồi bạn sẽ càng khó tìm cái điểm đó hơn nữa ; nhưng nếu bạn vừa tập hô hấp vừa làm căng bụng dưới, thì sức mạnh của bạn sẽ tập trung vào cái điểm đã nói nơi bụng dưới. Một khi bạn đã hợp nhất hoàn toàn được thể xác và tinh thần, và một khi bạn đã được thoải mái, thì bạn sẽ có thể tập trung cái khí vào điểm đó. Khi bạn mệt mỏi, phương pháp này sẽ phục hồi sức mạnh của bạn bằng cách giúp cho bạn hợp nhất tinh thần và thể xác bải hoải của bạn lại để tạo thêm sức mạnh. Mặc dù lúc bạn không mệt mỏi và đang sắp sửa làm một việc gì, hãy tập phương pháp hô hấp này, nó sẽ cho bạn một cảm giác tự tin để bắt đầu vào việc, và nó sẽ cho bạn biết cái sức mạnh thật sự của bạn.

    III. PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP VƯỢT QUA HÔ HẤP

    Quỳ xuống theo đúng cách thức đã dẫn, mắt nhắm lại hoặc mở hé cũng được, và nhìn tới một điểm tưởng tượng cách xa chừng một thước trước mặt bạn. Hít vào và thở ra rất nhẹ nhàng, không làm tiếng động. Tập trung tinh thần vào cái điểm nơi bụng dưới, và bạn sẽ cảm thấy không để ý tới việc hô hấp nữa. Lúc bấy giờ bạn sẽ quên hẳn bạn đi, hợp thành làm một với vũ trụ, và bước vào một thế giới mà chỉ có vũ trụ là hiện đang có mặt mà thôi.

    Tuy lời giải thích trên nghe có vẻ giản dị, nhưng thực ra quên được việc mình hô hấp và đi vào một thế giới hợp nhất với vũ trụ đòi hỏi khá nhiều kỷ luật. Trong giai đoạn đầu tập ngồi theo lối Thiền thì phương pháp này thường được áp dụng bởi vì nó là một phương pháp rất hữu hiệu để đưa ta vào một trạng thái lâng lâng của tâm hồn. Tuy nhiên nếu không có được một tinh thần quả cảm, người theo phương pháp này có thể làm cho tinh thần và thể xác mình tách rời nhau hơn nữa ngay sau khi đã hợp nhất chúng lại được, và trong thời kỳ phân hóa đó, ta sẽ rất dễ rơi vào giấc ngủ. Không có một tinh thần quả cảm thì khó lòng mà tập trung được hết cái khí trong thân thể ta. Vì những lý do này mà những người mới bắt đầu nên áp dụng hai phương pháp đã nói ở phần đầu chương thôi.

    Cả ba phương pháp hô hấp chúng tôi vừa trình bày đều tùy thuộc vào việc hợp nhất tinh thần và thể xác để hô hấp cho đúng đường. Tập cách hô hấp mỗi ngày, và chẳng cần phải hết sức để ý, lối hô hấp của bạn cũng sẽ trở nên đúng cách. Những người yếu đuối về thể xác cũng như về tinh thần lại rất nên tập hô hấp đều đặn, bởi vì hô hấp sẽ giúp cách làm hoạt động những sinh lực của họ và tạo nên một thể xác và tinh thần lành mạnh.

    Khi nói rằng một người giỏi có thể thở bằng gót, ta không ám chỉ rằng gót người đó có một bộ phận để hô hấp. Ta muốn nói rằng người hô hấp giỏi là người hô hấp với toàn thân hắn, ngay cả với phần thấp nhất của cơ thể, tức là cái gót vậy. Ta cũng nói rằng như thế là hòa làm một với vũ trụ và để cho vũ trụ hô hấp dùm ta.

    Khi đấu võ tự do và đấu võ với một số đối thủ trong Hiệp Khí Đạo, có người bỗng nhiên mất ngay khả năng điều khiển sự hô hấp của mình. Lúc xảy ra như vậy thì cơ thể họ trở nên mất sáng suốt.

    Chỉ có thể sửa được tình trạng này bằng cách tập hô hấp thật nghiêm chỉnh, thật đều đặn. Khi thể xác và tinh thần hợp nhất được thì lối hô hấp mới thực là đúng đường. Lúc bấy giờ bạn mới có thể xử dụng cơ thể bạn một cách tự do được và mới có thể phô diễn bất cứ kỹ thuật nào mà bạn muốn.
    (còn tiếp)


    Góp ý:

    Nếu quỳ như trong hình trên thấy đau bắp vế thì có thể dùng cách ngồi trên ghế tọa thiền kiểu nghiêng này:




    KA
    .
    Last edited by khieman; 03-25-2014 at 12:48 AM.

  6. #6
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 5:
    ĐIỂM DUY NHẤT NƠI BỤNG DƯỚI

    SEIKA NO ITTEN

    Hợp nhất được thể xác và tinh thần khi cơ thể bạn đang nghỉ ngơi và yên lặng, là một chuyện : nhưng làm được như thế khi cơ thể bạn đang chuyển động, lại là một chuyện khác, và khó hơn rất nhiều. Chỉ hợp nhất được thể xác và tinh thần khi cơ thể yên lặng và không làm như thế được khi cơ thể đang chuyển động, thì đó chẳng phải là một sự hợp nhất đích thực. Bởi lẽ muốn sống thì ta phải làm việc, ta phải có thể duy trì sự hợp nhất tinh thần và thể xác cả lúc ta đang nghỉ ngơi cũng như lúc ta đang hoạt động.

    Trong vô số những kỹ thuật ta dùng trong Hiệp Khí Đạo, lúc nào ta cũng tập luyện thế nào để khỏi làm khuấy động sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác. Cái chìa khóa cho phương pháp đó là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, trong Nhật ngữ gọi là seika-no-itten. Điểm này quan trọng không những trong Hiệp Khí Đạo mà còn trong mọi việc ta làm trong đời.

    Trước khi giải thích thế nào là seika-no-itten, ta thử cùng nhau khảo sát một vài nguyên lý và sự kiện.

    l. TINH THẦN ĐIỀU KHIỂN THỂ XÁC

    Khi ta xử dụng hoặc tinh thần hoặc thể xác ta, ta thường không mấy khi để ý tới, nhưng sự thực thì hai yếu tố này có liên hệ với nhau như thế nào ? Cho dù ta thấu triệt được sự quan trọng của sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác, nhưng nếu ta không hiểu được mối tương quan của hai yếu tố đó thì ta cũng chẳng thực hiện nơi sự hợp nhất đó. Khi ta đang ngồi yên lặng, cho dù ta không nghĩ tới thể xác ta, nếu ta có thể hợp nhất được tinh thần ta, thì cả thể xác lẫn tinh thần ta sẽ tới được một trạng thái hợp nhất. Tuy nhiên lý do ta không thể hợp nhất được hai yếu tố đó khi ta đang chuyển động là vì ta không hiểu mối tương quan giữa thể xác và tinh thần và vì ta không biết cách xử dụng chúng cho đúng cách.

    Cả tinh thần lẫn thể xác đều có những qui luật riêng của chúng. Tinh thần thì vô hình, vô sắc, vô hương, và bay bổng từ nơi này đến nơi khác một cách hoàn toàn tự do. Ta vừa nghĩ là nó ở chỗ này thì đột nhiên nó lại bay đi ngàn trùng đến chỗ khác.

    Trái lại, thể xác thì hữu hình, hữu sắc, hữu hương, và sự chuyển động của nó thì hữu hạn. Giữ cho hai yếu tố tách biệt đó luôn luôn hợp nhất là một điều rất khó. Ta nhận thức được rằng ta phải lấy một trong hai yếu tố đó làm trung tâm nỗ lực của ta và hợp nhất nó, nhưng điều này lại dẫn ta tới vấn đề là : lấy cái nào làm trung tâm điểm ? Tất nhiên ta không thể phân cách thể xác ra khỏi tinh thần, nhưng trên bình diện chức phận ta có thể tự hỏi rằng : có phải tinh thần điều động thể xác, hay thể xác điều động tinh thần ? Tùy theo lối giải thích của ta thế nào về điểm này mà ta có được những phương pháp tập luyện khác nhau.

    Trước hết, ta thử khảo sát cái quan điểm cho rằng thể xác điều động tinh thần xem sao. Ai có thể buộc một người vào một điểm mà ở đó tinh thần bất động không ? Tất nhiên là không thể được. Khi thể xác bị buộc lại, thì tinh thần lại càng chuyển động hơn. Một bác sĩ bảo một bệnh nhân ngồi thật yên, không động đậy, nhưng chính vì vậy mà tinh thần bệnh nhân lại càng xao động hơn.

    Như bất cứ người nào đã tập cách ngồi tham thiền nhập định biết, khi ta ngồi yên, chăm chú, thì lúc đầu có hằng ngàn sự việc cứ bay lượn trong đầu ta. Nói tóm lại, ta nhớ đến những chuyện tầm thường như là ta đã cho người hàng xóm vay ba đấu thóc ba năm về trước, vân vân. Ta không thể nào tập trung tinh thần vào một điểm bằng cách trói buộc thể xác lại được.

    Có lẽ có nhiều người cho rằng thể xác làm chủ tinh thần bởi lẽ khi thể xác mệt mỏi thì tinh thần cũng buồn bã, và khi thể xác khỏe mạnh thì tinh thần cũng trở nên vui vẻ. Tất nhiên, bởi vì tinh thần và thể xác có quan hệ với nhau, cho nên thể xác phải có ảnh hưởng vào tinh thần ; nhưng riêng điều đó mà thôi không cho phép ta nói rằng thể xác điều khiển tinh thần. Có nhiều người gặp một hạnh phúc nào đó thì bỗng trở nên khỏe mạnh hơn, và bỗng qua khỏi một cơn bệnh, nhưng, cùng một cơ thể cường tráng đó, nếu họ gặp một chuyện lo buồn lớn lao nào đó , họ có thể già hẳn đi trong một đêm thao thức. Nói ngắn lại, nếu thể xác điều khiền tinh thần, thì khi thể xác già đi, tinh thần cũng phải già đi, và khi thể xác trở nên suy nhược, thì tinh thần cũng phải yếu đi và không thề lấy lại sức được.

    Thế giới bên ngoài ảnh hưởng vào con người, nhưng thế giới bên ngoài lại luôn luôn thay đổi và bất định. Thể xác bị ảnh hưởng và điều khiển bởi thế giới bên ngoài thay đổi đó. Nếu thể xác điều khiển tinh thần, thì ta luôn luôn ở trong một trạng thái bất ổn, chứ không đời nào có thể có được một sự hợp nhất tinh thần và thể xác.

    Hiệp Khí Đạo vận hành từ cái huấn lệnh cho rằng tinh thần điều khiển thể xác.

    Những nhà thôi miên thường bảo bệnh nhân rằng : bây giờ ông không thể đứng dậy khỏi ghế được, và bệnh nhân quả nhiên không đứng dậy được, bởi vì nhà thôi miên kia đã nhồi vào trong trí người đó cái ý niệm ràng hắn không thể đứng dậy noi. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng mạnh mẽ vào tiềm thức của bệnh nhân màø nhà thôi miên đã khiến cho hắn không thể đứng dậy nổi. Người ta thường nói rằng chỉ những người nào ngu độn hoặc mắc bệnh điên mới không thể bị thôi miên bởi vì những người này không thể hiểu nhà thôi miên muộn nói gì và không thể nghĩ đến cái điều mà nhà thôi miên muốn họ nghĩ đến. Người có tánh bướng bỉnh, ngoan cố cũng vậy.

    Cho dù không có nhà thôi miên, bạn cũng có thể thử làm một mình bạn. Bạn hãy ngồi lên ghế, và nghĩ :

    « Tôi không thể đứng dậy khỏi cái ghế này được ».

    Rồi bạn thử đứng lên coi. Có lẽ bạn không thể đứng dậy được. Thử đặt hai tay lên đùi và nói thầm một mình rằng bạn không thể nhắc tay lên nổi. Nếu bạn cố thử làm, bạn sẽ thấy rằng quả thật bạn không thể nhắc tay lên nổi. Trong trí bạn, mặc dù bận không để ý đến, tinh thần hạn đang hoạt động thế nào đó để bạn không nhấc tay lên, và rồi bạn không thể nhấc nổi thật. Đó là bằng chứng tinh thần điều khiển thể xác.

    Một vị bác sĩ khi bảo bệnh nhân phải nằm thật yên lặng, nếu không thì bệnh sẽ nặng hơn, chỉ làm cho tinh thần bệnh nhân xao động hơn mà thôi.

    Ngược lại, nếu vị bác sĩ đó nói rằng, không sao, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và cố đừng nên động đậy cơ thể thì ông ta có thể tạo ra một bầu không khí thuận lợi để cho bệnh nhân chóng khỏi bệnh.

    Bởi vì tinh thần điều khiển thể xác, cho nên khi thể xác già đi, chưa chắc tinh thần đã già theo.

    Những người tuy già mà vẫn lanh lẹ và khỏe mạnh luôn luôn là những người có một tinh thần sảng khoái và vững mạnh. Nếu bạn cực lực tin tưởng rằng tuy thể xác đau yếu, tinh thần vẫn chưa chắc đã suy yếu, rằng tuy thể xác suy nhược, tinh thần vẫn chưa chắc suy nhược, thì bạn sẽ luôn luôn có thể vượt qua mọi bệnh hoạn, mọi khó khăn.

    Đến đây, ta thử xét một vài cuộc trắc nghiệm mà ai cũng có thể được, để giải thích công dụng của tinh thần trong liên hệ với thể xác.

    THÍ DỤ 1

    Hai đầu ngón tay trỏ đụng nhau tự nhiên

    Chập hai tay lại vớinhau như trong hình 3a.

    Để chừa hai ngón tay trỏ ra ngoài.

    1. Nhìn chăm chú vào hai ngón tay trỏ : Nếu bạn nghĩ rằng chúng sẽ đụng nhau, thì rồi thế nào chúng cũng đụng nhau thực (hình 3b). Đừng cố nghĩ rằng bạn phải làm cho chúng đụng nhau. Cứ để mặc cho hai ngón tay việc đó. Chỉ thử coi xem sức mạnh tinh thần bạn có thể làm chúng đụng nhau được hay không mà thôi.

    Hãy nghĩ là bạn đang tập trung tinh thần bạn một cách phục tùng. Hai ngón tay bạn sẽ tự nhiên đụng nhau ngay tức thì. Nếu bạn thắc mắc hoặc nghi ngờ, thì bạn hay cứ để cho hai ngón tay đụng nhau, rồi lại tách rời chúng ra.

    Có nhiều công ty thường dừng lối trắc nghiệm này với những nhân viên mà công ty định mướn vô làm để thử xem tính tình họ có dễ chịu hay khó chịu. Những người mệt nhọc vì làm việc quá nhiều, hoặc những người nhu nhược thường không thể làm cho hai ngón tay đụng nhau được. Đây là một cách dễ dàng để xem bạn có thể tập trung tinh thần đến mức nào.

    2. Bây giờ bạn hay chăm chú nghĩ rằng bạn không thể nào làm cho hai ngón tay đụng nhau được và rồi bạn cứ thử làm mà xem, bạn sẽ không thể làm chúng đụng nhau, cho dù bạn hết sức cố gắng. Tuy nhiên, nếu bạn còn một chút xíu lòng tin rằng hai ngón tay lúc trước đã đụng nhau thì bây giờ chúng cũng sẽ đụng nhau, thì chúng sẽ hơi hơi gần vào với nhau. Bạn phải gạt hẳn cái tin tưởng đó ra khỏi tâm trí bạn. Trong trường hợp này, nhiều người thiếu lòng tự tin cũng sẽ để cho hai ngón tay đụng nhau rồi tách chúng ra nhiều lần.

    THÍ DỤ 2

    Vòng tròn không thể bẻ gãy nổi

    Người A làm một vòng tròn bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ như trong hình 4a.

    Người B dùng cả hai ngón tay trỏ và hai ngón tay cái mình để cố làm vòng tròn đó tách ra.

    1. Nếu A cố giữ hai ngón tay mình thật chặt cứng lại, thì hắn sẽ không có cách nào ngăn cản B bẻ gãy vòng tròn đó (hình 4b).

    2. Nhưng nếu A không giữ hai ngón tay chặt cứng lại, mà chỉ tập trung tâm trí vào ý tưởng rằng cái vòng tròn của hắn là một vòng tròn bằng sắt không ai có thể bẻ gãy nổi, thì B sẽ khó lòng mà bẻ gãy đặng, (hình 4c). Cho dù nếu B có thể kéo hai ngón tay A ra một chút, nhưng chừng nào A giữ vững được tinh thần mình và tập trung được, thì hai ngón tay hắn sẽ lại dính vào với nhau.

    Trong thí nghiệm này, B không được dùng sức mà kéo hay ngón tay của A ra ngay. Chừng nào A giữ tinh thần mình được bình tĩnh thì một sự tấn công đột ngột như thế không thể nào có kết quả được. Thường thường, một áp dụng bất ngờ trên cơ thể hoặc trên một phần nào của cơ thể khiến cho tinh thần người đó đột nhiên bàng hoàng xao động.

    Nếu điều này xảy ra, thì đó không phải là một trắc nghiệm hữu hiệu về sức mạnh tinh thần. Trong cả thí dụ 1 lẫn thí dụ 2, bạn phải từ từ và bình tĩnh làm cứng hai ngón tay bạn và dùng sức mạnh.

    Làm như thế, bạn sẽ có thể biết được khi nào bạn xử dụng tinh thần bạn và khi nào bạn không xử dụng. Nếu A giữ vững được tinh thần trong suốt tất cả những lần lặp đi lặp lại trong cuộc trắc nghiệm đó, B có thể thử dùng toàn lực mình một cách bất ngờ, nhưng rất có thể hắn sẽ chẳng bẻ gãy nổi vòng tròn đó. A chỉ cần nghĩ rằng tinh thần mình đang di chuyển qua ngón tay mình, là nó sẽ di chuyển.

    THÍ DỤ 3

    Cánh tay không thể bẻ gãy nối

    A bước một nửa bước về phía trước và giơ thẳng cánh tay ra. B dùng cả hai tay để cố bẻ cánh tay A ở chỗ khuỷu tay. (B cũng nên thận trọng : đừng cố bẻ ngược cánh tay A, vì có thể gây ra thương tích).

    1. Lúc đầu, A nắm tay lại thực chặt, lên gân cánh tay, và nghĩ rằng B không thể nào bẻ nổi. Nếu hai người có sức mạnh gần tương đương, B sẽ có thể bẻ cánh tay A rất dễ dàng (hình 5a).

    2. Lần này A xoè bàn tay mình ra, duỗi cánh tay và để nó tự nhiên (đừng lên gân), và tập trung vào sức mạnh tinh thần của mình, và tưởng tượng nó đang lưu chuyển qua cánh tay mình và nhảy đi vạn dặm phía trước mặt (hình 5b).

    Chừng nào A cứ tiếp tục nghĩ như thế, thì B sẽ không tài nào bẻ nổi tay A, cho dù B cố gắng đến mấy. Nếu A là một người mới tập B nên xử dụng sức mạnh mình một cách từ tốn, chớ nên xử dụng một cách đột ngột, để xem xem sức mạnh tinh thần của A có đang hoạt động hay không. Nếu B vô ý xử dụng sức mình đột ngột, thì tư tưởng A sẽ bị mất tính cách liên tục, và B sẽ có thể bẻ được cánh tay A. Bạn cũng đừng nên bận tâm nhiều về điểm này, bởi vì một khi bạn đã làm quen với thí nghiệm đó, bạn sẽ có được một tinh thần mạnh đến độ không một ai có thể làm gián đoạn giòng tư tưởng của bạn nổi. Nếu B to lớn hơn A, thì A cũng chớ nên quan tâm đến, nếu không B sẽ có thể bẻ cánh tay mình được ngay.

    Trong động tác 2, A phải xoè bàn tay mình ra, bởi lẽ nếu nắm lại, thì ta sẽ làm mất đi cái ý tưởng rằng sức mạnh của tinh thần ta đang lưu chuyển « đi vạn dặm phía trước mặt » từ những đầu ngón tay ta.

    Một khi bạn đã làm chủ được cái quan niệm về sức mạnh lưu chuyển ra phía ngoài, thì bạn sẽ có thể nắm tay lại hoặc duỗi ngón tay ra, tùy ý mà B vẫn không bẻ gập cánh tay bạn nổi. Điều này không liên quan gì đến hình thù của bàn tay bạn. Mặc dù bạn gập cánh tay bạn lại, như trong hình 5c, nếu bạn nghĩ rằng sức mạnh tinh thần đang ùa xô tới đầu ngón tay mình, thì cánh tay bạn sẽ không thể ai bẻ nổi.

    Sức mạnh của tinh thần là sức mạnh thực sự. Nếu bạn tin rằng sức mạnh tinh thần bạn đang tràn ra, thì nó tràn ra ngay, tuy rằng bạn không thể nhìn thấy nó bằng đôi mắt bạn được. Trong những thí nghiệm này, nếu sức mạnh tinh thần bạn đang lưu chuyển qua cánh tay bạn, thì cố mà bẻ nó cũng giống như là cố bẻ một vòi rồng chữa lửa đang có nước chảy qua.

    Bởi bạn càng có thể tập trung tinh thần bạn bao nhiêu thì bạn lại càng mạnh bấy nhiêu, cho nên bạn hãy lên gắng tập luyện. Đức tin là sức mạnh đó vậy.

    Theo danh từ của Hiệp Khí Đạo, chúng tôi gọi cánh tay mà có sức mạnh tinh thần chảy qua, là cánh tay không thể bẻ được.

    Khi sức mạnh tinh thần của một người đang trào ra ngoài, hay lưu chuyển ra phía ngoài, và tinh thần người đó được hợp nhất, thì chúng tôi nói là người đó đang « đẩy khí ra ngoài ». Khi sức mạnh tinh thần người đó ngừng lại ở một nơi như nắm tay chẳng hạn, chúng tôi nói là người đó đang « ngừng khí » của hắn lại. Khi người đó kéo cái sức mạnh tinh thần của hắn vào trong, chúng tôi nói là người đó đang « kéo khí của hắn vào » Chúng tơi sẽ có dịp trình bày thêm về khí với đầy đủ chi tiết, nhưng nơi đây chúng tơi cũng cần phải lưu ý rằng người có lòng tự tin là người đang ở trong một trạng thái đẩy khí mình ra ngồi, và người thiếu lòng tự tin là người đang kéo khí mình vào trong.

    THÍ DỤ 4

    Cái cầu bằng thân người

    A nằm thẳng trên mặt sàn hai chân duỗi thật thẳng và hay cánh tay cũng duỗi thẳng theo thân mình (hình 6a). B nâng đầu A lên ở nơi gáy, và C nâng chân A lên. Hai người này (B và C) nhấc bổng A lên.

    1 . Nến A chỉ nằm duỗi thẳng hoặc lên gân toàn thân mình, khi B và C thử nhấc bổng hắn lên, thì thân hắn sẽ gập lại ở chỗ mông (hình 6b).

    2. Nhưng nếu A để cho thân hình tự nhiên, thoải mái, và tập trung vào ý tưởng rằng có một thanh thép đang xuyên qua mình hắn từ đầu cho tới các ngón chân, hay có thể tập trung vào ý tưởng rằng toàn thân hắn đã biến thành một thanh thép, thì B và C sẽ có thể nhấc bổng A lên như trong hình 6c.

    3. Kê hai cái ghế ở một khoảng cách vừa bề dài thân thể của A. Đặt đầu và vai A trên một ghếvà hai cẳng trên ghế kia. Cả thân thể của A tạo thành một cái cầu bắc qua hai chiếc ghế (hình 6d).

    4. Hai hay ba người sau đó cưỡi lên phần giữa một thanh thép cứng, thì chừng ấy hắn vẫn có thể mang được ba, có khi bốn người như vậy. Sức nặng của tất cả những người cưỡi lên A, đều đi lên bụng hắn, nhưng hắn sẽ không cảm thấy nặng lắm.

    Một người xử dụng sức mạnh tinh thần của mình có thể mang sức nặng của ba người dễ như bỡn.

    Thí nghiệm trên đây cho ta biết tinh thần có thể điều động thể xác như thế nào, và sức mạnh tinh thần của ta lớn đến đâu. Mới đầu, hãy để một người ngồi lên bạn, rồi sau đó dần dần tăng lên hai, ba... người. Nếu cái tư tưởng nói rằng thân thể bạn hóa thành một thanh thép đang nửa chừng cuộc thí nghiệm vụt biến mát, thì tất cả đều ngã xuống đất hết. Cho nên hãy duy trì cái tư tưởng đó suốt cuộc thí nghiệm. Vì thí nghiệm này không có hại gì đến cơ thể, cho nên ai cũng có thể thử nó được. Bạn hãy thử xem để có được một lòng tự tin về sức mạnh tinh thần của bạn, bởi lẽ không lời nói nào tốt bằng bằng chứng cụ thể.

    Tuy rằng các nhà thôi miên thường dùng thí nghiệm đó, bởi vì người bị thôi miên chỉ có thể làm thí nghiệm đó thành công khi dưới ảnh hưởng của thôi miên mà thôi, cái điều mà họ làm đó chẳng có gì đáng khoe khoang. điều quan trọng là chính bạn có thể tự mình làm được khi tỉnh táo và đừng dựa vào một người nào khác. Tăng cường thân thể bạn bằng khí, như chúng tôi nói theo Hiệp Khí Đạo, là điều ta có thể làm được khi ta tỉnh táo, hoặc ngay cả khí ta đang đi dạo.

    Nếu bạn chỉ đọc sách này mà thôi, và cho đù bạn hiểu được những điều nói trong sách, thì những tài liệu ở đây sẽ chẳng làm cho bạn mạnh hơn.

    Bạn phải thử làm những thí nghiệm đó với một vài bạn hữu để xem xem tinh thần bạn điều khiển được thể xác bạn đến mức nào, và xem xem tinh thần bạn mạnh mẽ đến đâu.

    Ngay cả những chuyện nhỏ mọn tầm thường hằng ngày cũng có thể vào trong đầu bạn và tác động trong cơ thể bạn. Nếu bạn nghĩ bạn là người xấu thì rất có thể sẽ trở nên xấu. Nếu bạn nghĩ bạn có một căn bệnh kinh niên, thì căn bệnh đó sẽ rất có thể chẳng khi nào rời bạn nữa. Bạn phải dùng đầu óc bạn và theo một quan điểm tích cực.

    Một khi bạn đã hiểu được rằng tinh thần điều khiển thể xác, bạn sẽ bắt đầu học theo cách hợp nhất tinh thần để có thể hợp nhất tinh thần và thể xác, và để có thể làm thế nào cho thể xác bạn vâng lời tinh thần. Bạn nên biết rằng chính sức mạnh tinh thần, chứ không phải sức mạnh thể xác, là cái ta phải tập trung ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nói cách khác, ta nạp đầy cái điểm đó bằng khí.

    II. CÁCH XỬ DỤNG TINH THẦN MỘT CÁCH TỰ DO VÀ KHÔNG HẠN CHẾ

    Giờ ta đã hiểu rằng tinh thần điều khiển thể xác, ta thử hãy luyện tập cách xử dụng tinh thần ta một cách tự do và không hạn chế. Mỗi kỹ thuật trong Hiệp Khí Đạo đều dựa lên quan niệm cho rằng tinh thần điều động thể xác. Khi ta muốn quật ngã một đối thủ không phải là ta muốn quật ngã thể xác hắn. Ta lôi kéo tinh thần hắn đi, và thể xác hắn tự nhiên phải đi theo, bởi lẽ tinh thần dẫn đi đâu thì thể xác phải đi theo đó. Khi một người A sắp sửa ngồi xuống một chiếc ghế, thì tinh thần hắn được hướng về chiếc ghế. Nếu B kéo sắp sửa kéo ghế. và A định thôi không ngồi xuống nữa, mà A vẫn ngã như thường. Thể xác có trọng lượng, nhưng linh hồn không có. Một thiếu niên hay một thiếu nữ biết Hiệp Khí Đạo có thể quật ngã một người đàn ông lớn hơn là vì lẽ tinh thần điều động thể xác.

    Tuy rằng trong Hiệp Khí Đạo ta học kỹ thuật và học cách lôi kéo tinh thần của đối thủ ta, nhưng trước khi có thể điều khiển được tinh thần người khác một cách tự do, thì ta phải có thể điều khiển tinh thần ta một cách tự do đã.

    Ai cũng tưởng rằng mình có thể điều khiển được mình một cách tự do, nhưng thực ra không phải lúc nào ta cũng có thể làm được cái ta nghĩ.

    Chẳng hạn, tức giận có lý do thì không sao, nhưng đến khi lý do cho sự tức giận đó đã đi rồi, thì sự tức giận cũng phái đi chứ. Nhưng rất nhiều người lại không thể lấy lại được bình tĩnh. Họ đâm ra cáu lây đến những người chung quanh chẳng liên quan gì đến nguyên nhân đầu tiên của sự cáu giận đó.

    Nếu có điều gì khó chịu xảy ra ở sở làm, thì tốt hơn hết là để nó lại nơi đó. Chẳng có lý nào cứ lo âu phiền muộn gì về nó, rồi mang nó về nhà để làm khổ vợ con làm gì. Khi bạn cáu giận, bạn phải có thể mỉm cười về sựï cáu giận đó khi đã xong. Bất cứ người nào cũng có kinh nghiệm hằng ngày về sự không thể điều khiển thể xác mình làm theo điều mình muốn. Nếu bạn có làm bếp, đôi khi bạn vô ý cắt vào ngón tay bạn, điều này thực là tức cười ; chẳng ai lại cố ý cắt tay mình bao giờ, nhưng thể xác ta nhiều khi lại trái với ý ta.

    Bất cứ ai mới tập Hiệp Khí Đạo cũng có cảm tưởng rằng hắn đã không bao giờ tưởng tượng được là thể xác và tinh thần hắn lại có thể không làm theo điều mình muốn. Khi nào bạn tới giai đoạn có thể xử dụng cả hai yếu tố đó một cách tự do, thì đó mới là lần đầu tiên bạn có thể trình diễn những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo một cách đúng đường. Nếu ta không huấn luyện thân thể ta, thì nó sẽ không mạnh, và ta sẽ không thể làm cho nó chuyển động lanh lẹ được. Tinh thần ta cũng thế !
    Nếu ta không huấn luyện nó, cũng không thể dùng nó cho có hiệu quả hoặc làm cho nó chuyển động lanh lẹ được. Chỉ có luyện tập và thực hành ta mới có thể tập trung ý thức của ta nơi nào ta muốn.

    Trước hết, hãy tập trung ý thức ta vào cái bàn.

    Sau đó, bất thình lình ngó đến cánh cửa. Hoàn toàn tập trung vào cánh cửa và gột bỏ hẳn cái bàn ra khỏi óc bạn. Khi qua được giai đoạn này rồi, thì bạn mới có thể lái tâm trí bạn khỏi một điều gì làm bạn bực bội và tập trung toàn thể tinh thần bạn vào một điều gì làm bạn vui thích. Vì không còn một chút tức giận nào nữa trong óc bạn, cho nên bạn sẽ có thể mỉm cười một cách hết sức thành thực.

    Không kể bạn bận rộn đến mấy chăng nữa, nếu bạn có thể tập trung toàn thể tâm trí bạn vào một việc, rồi lại tập trung nó vào một việc khác tiếp ngay sau đó cho đến khi xong việc, thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy bị lãng trí cả. Bạn sẽ không bao giờ than phiền rằng bạn bận quá, mà vẫn chẳng làm xong được việc gì hết. Nếu bạn không thể di chuyển hoàn toàn sự tập trung ý tưởng đó được, thì bạn sẽ không thể học được những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo với nhiều đối thủ cùng một lúc. Thường thường thân thể bạn di chuyển cùng với kỹ thuật. Bạn phải có khả năng di chuyển tinh thần bạn một cách bất thình lình từ đối thủ này sang đối thủ khác. Chính vì lý do này mà bạn phải luôn luôn coi đối thủ của bạn là người duy nhất bạn đang đối diện. Nếu tinh thần bạn còn vương vấn lại với người đối thủ trước của bạn, dù chỉ một chút xíu, thì bạn sẽ thấy bạn bị phân trí, và rồi sẽ bị một số đối thủ hạ hạn ngã ngay.

    Khi hướng tinh thần bạn về một điểm nào đó, bạn phải cho kèm theo sức mạnh. Nếu bạn có thể tập trung toàn thể tâm trí bạn, thì bạn sẽ có ngay sức mạnh. Để tôi xin đan cử một thí dụ.

    THÍ DỤ 1

    Di động tinh thần bạn tới đầu một chiếc gậy.

    A bước tới đằng trước một nửa bước, tay mặt cầm một chiếc gậy, hướng mũi gậy về phía B. B nắm lấy đầu gậy đó và cố đẩy nó lại phía A.

    1. Nếu A lên gân tay mặt (hình 7a), thì B có thể đẩy chiếc gậy về phía A một cách dễ dàng.

    2. Nhưng nếu A nắm chiếc gậy nhè nhẹ và tập trung toàn thể tinh thần mình vào đầu kia của chiếc gậy, thì B không thể đẩy nó được (hình 7b).

    Trong 1, B có thể đẩy chiếc gậy về phía A, bởi vì khi A nắm chặt lấy chiếc gậy, hắn đã vô tình tập trung toàn thể tinh thần hắn ở cái nơi mà hắn nắm lấy. Trong 2, bất thình lình hắn di chuyển tinh thần hắn tới đầu kia của chiếc gậy, làm cho sức mạnh tinh thần hắn di động tới đầu đó, và khiến cho B không thể đẩy chiếc gậy về phía A được. Khi làm thí nghiệm này, lúc đầu bạn nên tập trung tinh thần bạn ở đầu kia của chiếc gậy, rồi bất thình lình đem nó trở về đầu này, nơi tay bạn đang nắm. Làm như thế bạn sẽ thấy rõ cái tác dụng của sự tập trung tinh thần.

    Nếu thấu hiểu được cái thuật di động tinh thần bạn từ nơi này đến nơi khác một cách bất thần, thì cho dù bạn lo lắng đến mấy chăng nữa, thì bạn có thể di động tinh thần bạn tới một cánh đồng xa vắng mông mênh hoặc tới khoảng trời đầy sao xa thẳm, và rồi thì những sự vật nhỏ mọn chung quanh bạn sẽ biến đi mất.

    Di động tinh thần cũng còn có những tác dụng tương tự vào cơ thể bạn nữa.
    (còn tiếp)

  7. #7
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    THÍ DỤ 2

    Cánh tay nặng

    A giơ thẳng cánh tay mặt ra phía trước, và B dùng một tay đẩy cánh tay A lên trời.

    1. Nến A để cánh tay mình tự nhiên, không lên gân, và tập trung tinh thần vào cạnh dưới của cánh tay (nét vẽ đậm trong hình 8a), thì B sẽ không thể đẩy nó lên được dễ dàng.

    2. Trái lại, nếu A tập trung tinh thần vào cạnh trên của cánh tay (nét vẽ đậm trong hình 8b), thì B có thể đẩy nhẹ cánh tay A lên trời được.

    Chỉ bằng cách đổi cái nơi mà ta tập trung tinh thần ta, ta có thể làm cánh tay ta nặng hay nhẹ.

    Thân thể ta nói chung cũng vậy. Nếu ta tập trung tinh thần ta ở trên đầu, thì toàn thân ta sẽ nhẹ bổng, và có thể nhấc lên được một cách dễ dàng. Nếu ta tập trung vào phần dưới của cơ thể ta, thì nó sẽ trở nên nặng ra và khó nhấc lên được.

    Tập trung tinh thần ta vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới cũng tương tự như tập trung sức mạnh của ta vào chỗ đó. Vấn đề là không được lên gân và làm căng bụng dưới của bạn ; vô ích. Chỉ cần tập trung tinh thần bạn ở đó, bụng dưới bạn sẽ trở nên cứng rắn như thép. Tuy rằng Hiệp Khí Đạo dạy ta phải để cơ thể ta tự nhiên, đừng lên gân, nhưng không có nghĩa là nó sẽ làm cho ta mềm yếu đi. Trái hẳn lại. Với Hiệp Khí Đạo, tuy rằng trong những điều kiện bình thường cơ thể bạn được rãn ra và mềm đi, bạn có thể bất thình lình tập trung tinh thần bạn vào bất cứ nơi nào trên cơ thể bạn và làm cho nó cứng như thép. Bạn có đạt tới một tình trạng co rãn sức lực (elasticity of power) nó khiến cho bạn gạt đi bất cứ cú đấm nào của đối thủ.

    Tác dụng của tinh thần trên máu thì đặc biệt hiển nhiên. Nếu bạn tập trung vào sự lưu chuyển của máu ngược lên đầu bạn, thì máu sẽ lưu chuyển lên đầu thực sự. Máu bạn sẽ tụ tập trên đầu khiến cho đầu trở nên nặng hơn và làm nhức nhối. Trái lại nếu tập trung toàn thể tâm trí bạn vào sự lưu chuyển của máu xuôi xuống cơ thể bạn, thì máu sẽ chảy xuôi xuống thực sự, và đầu bạn sẽ nhẹ bổng hẳn đi. Khi ta học nhiều, máu ta thường thường tập trung ở đầu. Tập trung tinh thần làm cho máu chảy xuôi xuống là một lối nghỉ ngơi tốt nhất. Những người khó ngủ thường thường bị lạnh chân và tay bởi lẽ máu thường tập trung ở đầu. Trong trường hợp này cũng vậy, bạn chăm chú làm cho máu chảy xuống cơ thể, thì bạn sẽ ngủ được ngay. Người bị bệnh nằm ở giường và không làm gì được cũng nên tập cách làm cho máu lưu chuyển đều hòa và tự nhiên từ phần này đến phần kia cơ thể, sẽ thấy khoẻ khoắn hơn lên. Thay vì lo phiền về bệnh của mình, nếu người bệnh biết cách áp dụng tinh thần mình vào toàn cơ thể, hắn sẽ thấy mau khỏi bệnh.

    Mặc dù lúc đầu khó thể tưởng tượng được là máu bạn đang từ từ chảy xuôi xuống từ đầu bạn, qua hai vai, ngực, dạ dầy, bụng dưới, và chia làm đôi xuống hai đùi, và cuối cùng tới chân, nhưng nếu thực sự tập luyện thì bạn sẽ ý thức được sự lưu chuyển đó của máu. Bạn có thể dùng phương pháp này để làm cho các ngón chân bạn nóng hổi khí nào chân bạn bị lạnh.

    Hồi tôi ở Hạ-uy-di, tôi được mời đến giải thích và biểu diễn Hiệp Khí Đạo cho một đại hội bác sĩ y khoa từ khắp nơi trên thế giới. Khi biểu diễn xong, một số bác sĩ xúm đến tôi và hỏi : « Người ta nói ông có thể dùng ý chí của ông để thay đổi nhịp máu lưu thông, nhưng thực ra thì nhịp máu lưu thông là do những dây thần kinh tự động điều khiển. Nhất định ông không thể tự ý thay đổi nhịp máu chảy được. Ông có thể vui lòng cho chúng tôi đo mạch máu ông được không ? » Một vài vị bác sĩ lấy đồng hồ ra và đo mạch máu tôi thực : phút đầu là 91, phút thứ hai là 70, và phút thứ ba là 81. Các bác sĩ đều đồng ý là mạch máu tôi có thay đổi nhịp thiệt, và hỏi tôi bằng cách nào tôi có thể làm được như thế.

    Sự thực thì chẳng khó gì. Bất cứ người nào đang cáu giận hoặc ngạc nhiên về một chuyện gì thì mạch máu hắn tự nhiên nhanh hơn lên. Cũng thế, bất cứ ai đang bình tĩnh, như lúc chúng ta vừa thức dậy buổi sáng chẳng hạn, thì mạch máu chậm lại. Khi ta muốn mạch máu ta nhanh lên, thì ta chỉ việc tập trung tâm trí vào bắt ta phải cáu giận, và nó sẽ chạy nhanh. Ngược lại, nếu tập trung tâm trí ta vào một trạng thái giống như lúc ta vừa thức đậy thì mạch máu ta sẽ chậm lại ngay. Lúc tôi giải thích như thế cho các vì bác sĩ biết, thì tất cả đều thử thí nghiệm theo tôi nói, nhưng không một ai có thể thay đổi được nhịp máu chạy của mình cả.

    Một vị bèn hỏi tôi :

    « Tôi đang bình tĩnh. Làm thế nào để tôi hóa cáu giận bây giờ ? »

    Tôi đáp :

    « Xin bác sĩ hãy tập Hiệp Khí Đạo và đạt tới một giai đoạn mà bác sĩ có thể xử dụng tinh thần bác sĩ một cách tự do ».

    Mọi người đều cả cười và đồng ý. Cái khó không phải là thay đổi cách nhịp lưu chuyển của mạch máu, mà là thay đổi tinh thần bạn một cách tự do. Làm cho mạch máu chạy nhanh lên khi nó đang chạy nhanh thì khó hơn là làm cho nó chạy chậm lại, nhưng mục đích chính của bạn là phải làm cho nó chạy chậm lại, bởi lẽ nếu bạn làm được như thế thì bạn sẽ chẳng coi vào đâu tất cả những dọa nạt, tất cả những gì làm bạn giật mình.

    Cũng còn có một phương pháp khác để thay đổi nhịp chạy của mạch máu bạn. Nếu bạn hết sức cố gắng tập trung vào cách làm cho máu chảy lên đầu, thì mạch máu bạn sẽ chạy nhanh lên. Nếu bạn làm tâm thần bạn thoải mái, thơ thới, và đồng thời cố gắng tập trung vào cách làm cho máu chảy xuôi xuống cơ thể, thì nhịp mạch máu bạn sẽ chậm đi.

    Nên nhớ là, cho dù bạn có thấu hiểu được đâu là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, nhưng nếu bạn không thể tập trung tất cả tinh thần bạn vào chỗ đó thì bạn cũng chưa hẳn thành công. Mục đích là bất cứ khi nào hễ nói tới cái điểm duy nhất nơi bụng dưới là bạn có thể lập tức tập trung tinh thần bạn vào điểm đó. Khi tập Hiệp Khí Đạo, phải luôn luôn nhớ tới mục đích này.

    III. TRỌNG TÂM CỦA MỘT VẬT – PHẦN DƯỚI CỦA VẬT ĐÓ

    Trọng tâm của mọi vật là ở phần dưới của vật đó : đây là một quy luật của vũ trụ. (Chú ý : câu « quy luật của vũ trụ » không có gì là khó khăn về mặt triết lý cả. Bất cứ gì khiến cho ai cũng phải nói là : « Cái đó có lý», thì là một quy luật về Hiệp Khí Đạo của vũ trụ. Ta cũng có quyền gọi cái nguyên lý của ta nói rằng tinh thần điều động thể xác là một quy luật của vũ trụ.)

    Bởi lẽ thân thể con người cũng là một Vật – hay một đối tượng–, cho nên khi thân thể không chuyển động, thì trọng tâm của nó và của mọi thành phần nó là ở nơi nào thấp nhất. Đây là cái thế tự nhiên nhất. Như trong hình 8a, tinh thần được tập trung ở phần dưới cùng của cánh tay duỗi đó, và vì thế cánh tay khó lòng mà đẩy lên nổi. Thực ra,cho dù ta khôngt tập trung tinh thần ta ở phần dưới đó, nếu ta cứ để tự nhiên, thì trọng tâm của cánh tay vẫn là ở chỗ đó và khiến cho khó lòng đẩy cánh tay lên được. Tuy nhiên, ở con người, cái tinh thần nó khiến cho cơ thể cử động đó hay bay nhảy chỗ này sang chỗ khác mà không ở yên một chỗ, và do đó trọng tâm cũng không ở yên tại một chỗ mà đáng lý nó phải ở. Khi ta nói một người bình tâm, ta muốn nói là người mà tinh thần của hắn được ở yên tại một chỗ và trọng tâm của hắn được ở yên tại một chỗ nhất định. Người đó có thể duy trì cái thế của mình vững chảy như một tảng đá.

    THÍ DỤ 1

    Khuôn mặt không thể nâng lên được.

    A quỳ xuống ngay ngắn, đúng cách, và B để tay vào cằm A, dùng sức đẩy đầu A lên (hình 9).

    Giả thử nếu trọng tâm ở phần dưới cằm A, thì B không thể nào đẩy đầu A lên nổi. Giả thử nếu B dùng sức mà đẩy hai tay A khỏi đầu gối hắn thì B cũng không thể nào làm như thế đặng. Và nếu giả thử B lại muốn nhắc hai đầu gối A lên, hắn cũng không thể nào làm vậy được dễ dàng nữa bởi vì những trọng tâm của đầu gối A ở tại phần dưới cùng đầu gối. Nếu tinh thần bạn bình tĩnh, thì thân thể bạn sẽ ở trong điều kiện đó. Bạn nên nhớ rằng vị trí tự nhiên không những là vị trí đúng đường nhất, mà còn là vị trí mạnh mẽ nhất. Tuy rằng bạn có vẻ bình tĩnh, nếu B có thể nâng đầu bạn, hai tay bạn và hai đầu gối bạn lên được, ấy là chỉ bề ngoài bạn bình tĩnh mà thôi, chứ sự thực bên trong bạn không bình tĩnh.

    Ngay trong lúc ta di chuyển, ta phải luôn luôn giữ cái trọng tâm của cơ thể ở nơi phần dưới cùng. Có nhiều người đứng trong thang máy và khi thang máy bất thình lình đi xuống thì có cảm tưởng hầu như dạ dầy họ đang nhẩy lên ngực. Điều này được giải thích là trọng tâm của thân thể họ đang đi ngược lên phía trên. Khi thể xác anh đi xuống thì trọng tâm của anh cũng phải đi xuống theo. Những người bị say sóng nặng bao giờ cũng là người mà trọng tâm của họ thường xuyên di chuyển ngược chiều với trọng tâm của con tàu. Khi con tàu nhô lên thì trọng tâm của họ chìm xuống, và khi con tàu chúi xuống thì trọng tâm của họ lại nhô lên : khi con tàu nghiêng sang bên phải, thì trọng tâm của họ nghiêng sang bên trái, và ngược lại. Dĩ nhiên lên như thế làm cho người đi tàu biển cảm thấy khó chơi. Nếu bạn luôn luôn giữ trọng tâm bình tĩnh và cứ để cho nó tự nhiên lên xuống theo nhịp của con tàu, thì bạn sẽ không bị say sóng.

    Có một số người cũng có một cảm giác tương tự khi họ phải nói trước một đám đông. Trọng tâm của họ bất thình lình đi ngược lên khiến cho máu họ cũng lưu chuyển ngược lên đầu, và họ quên hết mọi điều muốn nói. Những lúc đó, ta phải luôn luôn giữ trọng tâm của ta bình tĩnh và nói như thường ngày.

    Khi ta đã giơ cánh tay lên, thì hạ nó xuống rất dễ dàng bởi lẽ trọng tâm của cánh tay ở phần dưới cùng cánh tay. Thế mà cũng có nhiều người, ngay cả khi đang muốn đấm xuống hoặc chặt xuống, lại để trọng tâm của họ ở phía trên cao. Khi trọng tâm của ta ở dưới thấp, thì nó làm cho cú đấm xuống mạnh hơn, nhưng nếu ta để trọng tâm ở một vị trí cao và lại muốn đấm xuống, thì ta chỉ làm hao tổn sức mạnh của ta mà thôi.

    THÍ DỤ 2

    Trọng tâm ở phần dưới cánh tay.

    A bước chân trái một nửa, bước về phía trước và duỗi tay mặt thẳng trước mặt. Mặc dù B cố tình muốn đè cánh tay A xuống, A sẽ không để cho hắn làm nổi.

    1. B không thể đè cánh tay A xuống được cho dù lên gân đến mấy chăng nữa bởi lẽ trọng tâm của cánh tay B được đặt ở cạnh phía trên cánh tay, (hình 10a).

    2. Nhưng nếu cánh tay B để tự nhiên, không lên gân, và tập trung trọng tâm cánh tay hắn ở phần cạnh dưới nó, thì hắn có thể đè cánh tay A xuống được. Lúc ấy, tất cả sức nặng của cánh tay đều đồn vào khắp cánh tay, khiến nó đè xuống dễ dàng và đồng thời kéo theo cánh tay A xuống hình 10b), bất kể A để bao nhiêu sức mạnh của mình vào cánh tay, hoặc chống đỡ đến mấy. Điều quan trọng là B phải giữ trọng tâm cánh tay mình vào phần dưới cùng của cánh tay.

    Trong Hiệp Khí Đạo, cho dù chỉ chặt một cánh tay xuống, trọng tâm ở phía dưới cùng và bàn tay tự nhiên hạ xuống. Đây là do ở cái thái độ cho rằng mỗi lần giơ tay lên và duỗi chân ra là phải làm một cách tự nhiên và hợp với những qui luật của vũ trụ. Vì lẽ đó, bất cứ ta làm gì trong Hiệp Khí Đạo, tuy rằng đối với người ngoài thì trông có vẻ dễ dàng, nhưng thực ra có nhiều sức mạnh kinh khủng.

    Tuy nhiên rất khó mà luôn luôn giữ trọng tâm ở phần dưới cùng. Muốn làm được như thế, ta phải làm chủ được cái điểm duy nhất nơi dưới bụng. Nếu ta giữ trọng tâm của phần trên cơ thể ta ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó và để các phần khác của cơ thể tự nhiên thì trọng tâm của những phần này sẽ tự nhiên tụ vào những phần dưới cùng của chúng, và toàn thân sẽ ở thế quân bình.

    IV. THẢ LỎNG DÂY THẦN KINH

    Cũng như sợi dây cung cứ căng mãi thì tất sẽ dãn ra, con người ta không bao giờ có thể chịu căng thẳng được mãi mãi và thường xuyên. Cố nhiên, ở những chỗ không có gì làm bạn khó chịu thì bạn có thể để thả lỏng thần kinh bạn được dễ dàng, nhưng ở trong những tình trạng xáo trộn, hỗn độn như của thế giới hiện nay, mà một việc này chưa được làm xong thì thì việc khác đã tới, thì bạn rất khó lòng có thể lúc nào cũng để mình thoải mái đặng. Bởi thế cho nên ta cần phải biết cách làm cho thể xác và tinh thần ta thoải mái được bất cứ khi nào ta muốn, và bất cứ nơi nào.

    Cố nhiên, mặc dù ta khó lòng mà thoải mái được khi ta bận rộn, nhưng cũng có một số người có tính hay vội vã đến nỗi họ không tài nào thoải mái nổi ngay cả khi ở trong một bầu không khí thích hợp. Những người này lúc nào cũng nóng nảy và lại dễ thấm mệt. Đứng trước một biến chuyển nào quan trọng là họ lính quýnh và mất bình tĩnh ngay. Học sinh khi đi thi thường không thể trả lời những câu hỏi mà ngày thường thuộc làu làu. Các nhà thể tháo trước một buổi trình diễn hay tranh giải vô địch nào đó hay bị mất bình tĩnh, rồi đâm ra bị thua cuộc Tất cả đều do sự không biết cách làm hệ thống thần kinh mình được thả lỏng.

    Tại sao người ta lại cảm thấy không thể thoải mái được khi một việc gì lớn sắp xảy ra ? Trước hết, quan niệm đó đã nảy ra từ một ảo tưởng rằng khi ta thoải mái là ta yếu đuối. Sự thực thì khi bạn biết cách thoải mái đúng lối, thì bạn rất mạnh, như sẽ thấy trong những thí dụ sau này. Những giây phút quan trọng và thử thách trong đời ta đòi hỏi ta phải thoải mái, bởi vì thoải mái làm ta trở nên mạnh.

    Thứ nhì, người ta không biết cách, hoặc có cảm tưởng là không thể thoải mái được.

    Thoải mái nghĩa là để cho mình được tự nhiên và để cho mọi sự việc cứ ở trong cái điều kiện tự nhiên của chúng. Ta chỉ có thể thoải mái được nếu ta có thể làm cho mọi sự vật yên tọa trong chỗ của chúng. Cái chỗ đúng để cho trọng tâm phần trên thân thể ta yên tọa là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Trước nhất, phải tìm cho được cái nơi, cái điểm duy nhất mà trọng tâm thân thể ta thường yên tọa. Để cho trọng tâm nghỉ vào chỗ đó, và để cho phần trên cơ thể ta được tự nhiên, thì trọng tâm của mọi phần khác của cơ thể sẽ được nghỉ vào đúng chỗ của nó trong một trạng thái thoải mái toàn thể. Nếu một người không biết nhà ở đâu ma về cả. Thì cho dù ta bảo người đó về nhà đi, hắn cũng không làm sao về nổi. Nếu bạn không biết cái chỗ để yên tọa sức mạnh của bạn, thì dù chúng tôi có bảo bạn thoải mái đi, bạn cũng không thể biết cách thoải mái thế nào cả. Khi ta luyện tập những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo, ta luôn luôn giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, ta luôn luôn giữ những trọng tâm của ta nghỉ vào đúng chỗ của chúng, và ta luôn luôn duy trì một tình trạng thoải mái toàn diện để ta có thể phát lộ cái sức mạnh tối đa của ta và thực hiện những kỹ thuật cho đúng lối. Vì lý do đó, cho nên trong những giây phút thử thách hay trong những lúc quan trọng, ta lại càng thoải mái được hơn.

    V. THẤU TRIỆT ĐIỂM DUY NHẤT NƠI BỤNG DƯỚI

    Khi đã nhận thức được rằng, cả trong khi xử dụng tinh thần ta một cách tự do lẫn trong khi giữ những trọng tâm của ta ở chỗ của chúng, cái điểm đuy nhất nơi bụng dưới đó tuyệt đối cần thiết, thì bước thứ hai là phải học cách làm chủ, hay chế phục được, và tập luyện cái điểm đó.

    Từ ngày xưa, người Á đông thường lấy cái chỗ hõm của bụng làm quan trọng và coi nó là nơi sinh trưởng của sức mạnh con người. Tuy nhiên họ cũng đã tin nhầm rằng chỉ cần tập trung sức mạnh cơ thể ở nơi bụng dưới là có thể tạo nên một chỗ bụng hõm mạnh mẽ. Họ đã không thấy rằng khi tập trung tinh thần vào miền đó, thì không những ta sẽ có được một bụng dưới mạnh, mà ta còn có thể phát lộ được một sức mạnh phi thường. Nếu bạn chỉ làm căng phình bụng bạn, thì dần dần bạn cũng sẽ làm căng phình ngực bạn nữa, và rồi nếu cứ tiếp tục như vậy mãi, thì bạn sẽ bị nhức nhối ngực và máu sẽ dồn hết lên đầu. Ta không nên quên rằng chính tinh thần mới điều động thể xác.

    Bởi vì chỗ hõm ở bụng là một miền, cho nên nó không thích hợp được với sự tập trung tinh thần.

    Vì lẽ đó tôi đã chọn một điểm nơi bụng dưới, một điểm duy nhất cách lỗ rốn chừng 5 phân ở bụng dưới đó, và kêu nó là điểm seika-no-itten, nghĩa là điểm duy nhất nơi bụng dưới. Tập trung tinh thần ta vào nơi đó, ta có thể tạo được một bụng dưới mạnh mẽ. Trong Hiệp Khí Đạo, ta gọi sự tập trung tinh thần đó là nhận khí xuống, hay là tập trung khí vào điểm duy nhất nơi bụng dưới. Đứng trên quan điểm của quy luật có liên quan đến cơ thể mà thôi, thì điểm đó là nơi mà trọng tâm của phần trên cơ thể phải tụ vào. Đứng trên quan điểm của quy luật tinh thần, thì đó cũng là nơi mà tinh thần phải được tập trung vào. Nó là một điểm chung cho cả tinh thần lẫn thể xác. Một khi bạn đã làm chủ được nó đúng cách, thì đó là lần đầu tiên bạn sẽ có thể hợp nhất thể xác và tinh thần bạn được rồi đó, và chừng nào bạn có thể luôn luôn duy trì cái điểm duy nhất đó, thì chừng ấy bạn sẽ có thể chuyển động với một tinh thần và thể xác hợp nhất rồi vậy.

    Cái điểm duy nhất nơi bụng dưới sự thực là cái điểm then chốt trong việc hợp nhất thể xác và tinh thần.

    Bạn luôn luôn nhớ phải làm toàn thân thoải mái để làm chủ được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn lên gân cánh tay thì tinh thần bạn sẽ rời bỏ cái điểm duy nhất để chạy lên cánh tay.

    Nếu lên gân chân, cũng vậy. Như chúng tôi đã nói, thoải mái bao giờ cũng mạnh. Cứ duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đã nói, và để toàn thân bạn nghỉ ngơi. Khả năng thoải mái và cái điểm duy nhất nơi bụng dưới bao giờ cũng đi song song với nhau.

    Tôi sẽ xin giải thích lý do tại sao trong một phần sau, nhưng bây giờ tôi muốn quí bạn hiểu rằng khi nào nhắc đến « câu điểm duy nhất nơi bụng dưới », là bạn phải thả lỏng mọi giây thần kinh, mọi thớ thịt trên cơ thể bạn ngay tức khắc.
    Lúc mới đầu, chắc bạn không có một ý niệm rõ ràng về cái điểm duy nhất đó ở chỗ nào trên phần dưới bụng. Thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của bạn đọc muốn biết xem cái điểm đó ở bên trong da bụng hay ở bên ngoài da bụng, hoặc có người lại gửi cho tôi những hình vẽ thân thể con người và yêu cầu tôi ghi bằng mực đỏ cho biết đâu là cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nghĩ như vậy chẳng đi đến đâu cả.

    Nếu bạn biểu diễn một vài thí nghiệm dưới đây luôn và đúng đường, thì bạn sẽ có thể biết được khi nào luôn cái khí của bạn được dồn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đã nói. Bạn sẽ thấy rõ ràng đó là cái điểm duy nhất và cái điểm đó như thế nào lúc khí được dồn vào đó.

    Tuy phải cần hai người mới có thể trình diễn được một chuyển động trong những thí nghiệm dưới đây, nhưng không ai nên trình diễn với mục đích để tự phụ là mình đã có chuyển động hay không. Phải luôn luôn nhớ rằng cái mục đích duy nhất của những thí nghiệm này là giúp ta chế phục được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Sự bất cẩn và sự hay vạch lỗi của đối thủ mình ra để đùa cợt không tốt đẹp và vô ích bởi lẽ nếu đối thủ bạn chưa trưởng thành trong Hiệp Khí Đạo, thì bạn sẽ làm cho người ấy mất thăng bằng tinh thần ngay tức thì. Và nếu như vậy thì hắn sẽ mất đi ngay sự tập trung tinh thần ở điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, và cuộc thí nghiệm sẽ tức khắc trở nên vô hiệu quả. Dù sao, thì ta làm những thí nghiệm đó để học cách chế ngự cái điểm duy nhất. Nếu tinh thần ta ngay lúc đầu đã bị khích động, thì ta sẽ chẳng bao giờ thành công được.

    Tất cả những thí nghiệm dưới đây phải được diễn ra trong những trường hợp giống nhau để chúng cho ta biết xem cái điểm duy nhất có được duy trì hay không. Điều này lúc mới đầu có thể biết được khi một người từ từ lấy sức mạnh vào cánh tay và ấn vai đối thủ mình xuống. Trong cả hai trường hợp, đối thủ đã lên gân toàn thể cơ thể hắn, và hắn đã dồn khí vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.

    Lúc đó họ sẽ biết rằng chính đó là cái điều kiện phải được cảm thấy khi ta hiểu được thế nào là điểm duy nhất đã nói. Rồi dần dần họ sẽ tấn tới, và phải hết sức để ý đặng giúp nhau trong việc tìm cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.

    THÍ DỤ 1

    Đẩy lui vai trái.

    A đứng thẳng, chân trái bước về phía trước nửa bước, B lên gân cánh tay mặt và dùng sức đẩy vai trái của A bằng những đầu ngón tay (hình 11a).

    1. Nếu A lên gân ở vai hoặc ở toàn thân mình, thì B có thể bẻ gẩy cái thế đứng của A dễ dàng và đẩy lui được nửa trên thân thể hắn. B vẫn sẽ có thể đẩy hắn được cho dù A lấy toàn lực vào chỗ hõm ở bụng. Dùng sức lực thể xác ở bụng dưới là một lỗi lớn.

    2. Nếu A duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B không dễ gì mà đẩy lui hắn nổi. Muốn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, bạn phải để cho toàn thân được thoải mái, và nghĩ với tất cả ý lực rằng trọng tâm của bạn là ở cái điểm duy nhất đó, và mặc kệ mọi nơi khác. Nếu B bất thình lình dùng toàn lực, thì A phải bước lui chân trải một bước về phía sau trong khi vẫn chăm chú đến cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Lúc đó thì sức mạnh của B sẽ tất nhiên bị hụt. A sẽ không nhận được một chút nào sức mạnh đó của B (hình 11b), nhưng B có thể sẽ lao về đằng trước và không thể quay mình lại kịp.

    Cánh tay không thể bẻ gẫy nổi.

    Chúng tôi đã giải thích thí nghiệm này ở hình 5, nhưng lần này A chỉ việc giơ thẳng bàn tay trái mình về phía trước mà không cần tập trung sức mạnh tinh thần mình cho nó phóng đi ngàn dặm vào không gian. Nếu A duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì B cố gắng đến mấy cũng không thể bẻ gập cánh tay A vào được. Nói cách khác, nếu bạn duy trì được cái điểm duy nhất đó, cho dù bạn không nghĩ rằng sức mạnh tinh thần bạn đang phóng ra ngoài, thì khí sẽ cũng phóng ra từ toàn cơ thể bạn. Nếu đối thủ bạn bẻ gập được cánh tay bạn, thì đó là khí đã thôi không phóng ra nữa và bạn đã không duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới.

    Trong đời sống hằng ngày, không phải lúc nào ta cũng nghĩ được rằng sức mạnh của ta đang phóng đi ngàn dặm từ tay ta hoặc từ chân ta. Hơn nữa, cũng chẳng cần luôn luôn nghĩ như vậy, bởi lẽ nếu ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, thì lúc nào ta cũng ở trong một điều kiện mà khí được phóng đi từ toàn thân ta. Hơn nữa, nếu khí mà không phóng ra từ thân thể ta, thì mặc sức ta cố gắng thế nào đi chăng nữa, ta cũng sẽ không thế nào duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đặng. Tuy chữ dùng khác nhau, nhưng phóng khí ra và duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới chỉ là một. Cái khả năng để cho thân thể ta được thoải mái, sự duy trì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và sự phóng khí ra ngoài : tất cả chỉ là một việc.

    Đối thủ đẩy bạn ra phía sau nơi cổ tay.

    A đứng trong cùng một thế như trên, giơ tay ra phía trước và cổ tay cong xuống. Dùng một bàn tay, B thử đẩy bàn tay A ngược lên theo hướng vai A (hình 12).

    Nếu A cầm cự thật lực, thì B sẽ hoặc đẩy hắn lùi được ra phía sau, hoặc bẻ gập được cánh tay hắn nơi khuỷu tay. Nếu A lên gân cánh tay mình, thì B lại càng đẩy được hắn dễ hơn. Bởi lẽ bạn đang đứng, cho nên tuy là đối thủ bạn đẩy vai bạn, hắn vẫn không tài nào bẻ gẫy thế đứng của bạn được ; nếu bạn giơ cánh tay trái ra phía trước trong cái thế « cánh tay không bẻ gẫy » được đó, bạn sẽ đứng vững vàng đến nỗi đối thủ bạn không thể lay chuyển bạn nổi.

    Tuy nhiên nên bạn cầm cự kịch liệt, khi bạn bắt đầu giơ cánh tay lên thì cái ý tưởng « giơ lên » đó vào trong óc bạn, và trọng tâm của cánh tay đổi chỗ lên phía trên. Vô tình, bạn đã lên gân cánh tay bạn, là bạn bỗng mất đi sự tập trung tinh thần vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Hơn nữa, khi bạn uốn cong cánh tay lên, thì bạn rút khí vào. Những kỹ thuật Hiệp Khí Đạo rất nhiều khi đòi hỏi ta phải phóng khí ra và làm cong cổ tay ta. Vai có bắp thịt ; sự chuyển động của cánh tay phải không được có ảnh hưởng gì đến cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn giữ vững được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó, và giơ tay lên tự nhiên, thì trọng tâm cánh tay phải được ở vào phần dưới cánh tay, và khí phải được phóng ra đều đặn và luôn luôn.

    Khi làm cổ tay cong xuống, nếu bạn không kéo khí vào, mà chỉ giương mu bàn tay ra để cho khí phóng ra, thì đối thủ sẽ không thể đẩy lui bạn được.

    THÍ DỤ 4

    Đứng một chân.

    A đứng trong cái thế ở hình 12, cánh tay trái giơ ra đằng trước và chân trái co lên (hình 13).

    B dùng sức đẩy bàn tay trái của A ngược lên hướng vai. Người nào cố hết sức cầm cự, thì sẽ té chúi ra phía sau ; có người chỉ vừa co chân lên đã đứng không vững rồi và té ngửa ra phía sau, mặc dù không có ai đẩy họ hết.

    Nếu bạn để ý quá vào việc co chân lên, thì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới sẽ đổi chỗ lên phía trên, khí sẽ rời cánh tay bạn, và bạn sẽ mất thăng bằng. Cứ để mặc cho những bắp thịt phía dưới đùi làm cái việc co cẳng lên. Việc co cẳng lên đó phải không được gây một ảnh hưởng nào hết vào cái duy nhất nơi bụng dưới. Nếu bạn giữ vững cái điểm duy nhất đó, để cho khí phóng ra từ cánh tay bạn, và co cẳng lên, thì đối thủ bạn sẽ không thể đẩy bạn té lui ra đằng sau đặng. Nếu bạn có một mình, và nếu bạn cứ làm theo lời chúng tôi vừa nói, thì bạn sẽ có thể đứng một chân mà không run rẩy gì cả.

    THÍ DỤ 5

    Cả hay tay giơ lên trời.

    A đứng hai chân cách xa nhau chừng nửa bước, hai tay giơ lên trời. B dùng tay đẩy nhẹ vào nơi giữa ngực A (hình 14).

    Cũng vậy, nếu A cố sức cầm cự thì hắn sẽ rất dễ té lui về phía sau. Khi giơ tay mà cái điểm duy nhất nơi dưới bụng cũng đổi chỗ lên phía trên, thì A sẽ té ra đằng sau.

    Giả thử có người dùng dao hoặc súng uy hiếp bạn, bắt bạn giơ tay khỏi đầu, thì bạn có thể né tránh được tầm súng và cướp ngay lấy vũ khi của kẻ uy hiếp đó nếu bạn giữ vững được điểm duy nhất nơi bụng dưới và đứng vào một thế vững vàng để có thể di chuyển hông bạn một cách dễ dàng khi bạn giơ hai tay lên khỏi đầu. Lẽ dĩ nhiên, cái nguy hiểm là ở chỗ bạn để cho cái điểm duy nhất đó rời lên phía trên và như thế bạn không thể di chuyển được hông bạn. Trong Hiệp Khí Đạo, lối xử dụng hông mình tối ư quan trọng ; nhưng để xử dụng nó cho tự do và mạnh mẽ, thì bạn phải giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Cho dù bạn muốn giơ tay lên, hạ tay xuống, hay đi một đường vòng tròn, thì cái điểm duy nhất nơi bụng dưới đó phải luôn luôn ở vào thế thăng bằng và luôn luôn ở tại một chỗ.
    (còn tiếp)

  8. #8
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 6
    NHỮNG NGUYÊN LÝ CĂN BẢN VỀ KHÍ

    Tuy từ ngày xưa ở Á-đông, tiếng khí đã được nhiều người dùng để nói tới nhiều thứ, từ cái khí hạo nhiên cho tới mọi sự vật hằng ngày chung quanh ta, nhưng nhiều người dùng tiếng đó không hiểu cái khí hằng ngày có liên hệ thế nào với cái khí hạo nhiên, và đôi khi cũng chẳng hiểu ngay cả hai cái đó có liên hệ với nhau nữa.

    Hiệp Khí Ðạo, hiểu theo nghĩa từng chữ, là con đường (đạo) đưa tới sự hợp nhất (hiệp) với khí, đặc biệt với cái khí của vũ trụ, hay khí hạo nhiên. Ðó là con đường đưa tới sự hòa đồng với vũ trụ. Tất cả mục đích của những kỹ thuật ta tập luyện hàng ngày là tinh luyện cái khí của ta. Vì thế, chúng tôi thường nói là ta « phóng khí ra », « dẫn khí », « đổ khí vào » hoặc « chế phục đối thủ ta bằng khí », v.v. Ngoài khí ra, thì Hiệp Khí Ðạo không thể có được. Tuy nhiên có nhiều người lại không thể giải thích nổi cái tương quan giữa khí hạo nhiên và cái khí mà ta xử dụng trong đời sống hằng ngày, hay, hơn nữa không thể cắt nghĩa được thế nào là khí. Bởi lẽ khi ta biểu diễn Hiệp Khí Ðạo mà ta không biết gì về những thứ đó thì ta sẽ không thực sự tin tưởng, cho nên tôi xin mạn phép cắt nghĩa cái bản chất căn bản của khí đối với đời sống hằng ngày của chúng ta, cũng như đối với những kỹ thuật trong Hiệp Khí Ðạo.

    I. BẢN CHẤT CƠ BẢN CỦA KHÍ

    Nhờ năm giác quan của ta mà ta biết được rằng vũ trụ mà hiện ta đang sống ở trong có màu sắc và hình thể. Nhưng đâu là cái bản chất thực sự của vũ trụ đó ?

    Bất cứ cái gì có hình thể là phải có một sự bắt đầu. Thí dụ nói là hiện nay mặt trời đang cháy sáng, nhưng lửa lại phải có một sự bắt đầu. Cũng phải có một cái « trước », trước khi bắt đầu có lửa.

    Nếu ta tìm tới nguyên lai của mọi vật, thì ta sẽ tới một điểm mà ở đó là hư vô. Mặt khác, hư vôlại không thể tạo được một vật gì cả. Ðạo Thiền (Zen) dùng tiếng vô (mu), nó có nghĩa là hư vô, nhưng không phải là một hư vô hoàn toàn nghĩa là cáivô trong đạo Thiền có nghĩa một trạng thái mà trong đó, mặc dù là hư vô, nhưng vẫn còn có một cái gì.

    Ở Á-đông ta dùng tiếng khí để nói về một trạng thái mà chính nó cũng là cái bản chất thực sự của vũ trụ. Theo đuổi cái điều kiện đó xa hơn nữa, ta sẽ tới một điểm ở đó mặt trời, các tinh tú,trái đất, loài người, loài vật, cây cỏ, nước, khí, trời, mọi vật là một.

    Do bởi khí, cái bản chất thực sự của vũ trụ, mà ta có động và tĩnh, hợp và tan, co và dãn, và nhiều động tác hỗ tương khác nhờ đó mà vũ trụ hiện nay có được cái hình thể của nó. Khí không có bắt đầu, cũng không có chấm dứt. Cáitrị số tuyệt đối của nó không tăng lên mà cũng chẳng giảm xuống. Chúng ta với vũ trụ là một, và đời sống chúng ta là một phần của đời sống vũ trụ. Từ trước khi bắt đầu có vũ trụ, và ngay đến bây giờ, trị số tuyệt đối của nó là một sự kiện vững chắc mà trong đó sinh, lão và tử luôn luôn tiếp tục xảy ra.

    Giáo hội Thiên Chúa gọi các bản thể của vũ trụ là Thượng Ðế, và tác động của vũ trụ là Tạo Hóa của Thượng Ðế. Nói khác đi, Thượng Ðế có mặt trong thế giới này và sự Tạo Hóa của Thượng đế là một diễn trình không bao giờ dứt.

    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta phân biệt cái khí ta xử dụng hằng ngày và cái khí vũ trụ, cái bản tính thực sự của vũ trụ, và ta gọi sự vận chuyển của vũ trụ là nhưng qui luật của vũ trụ.

    Ta sinh ra từ khí, và một ngày kia ta sẽ quay về với khí. Nhìn qua đôi mắt của thể xác, thìđời chúng ta dường như biến mất đi nơi sự chết, nhưng từ quan điểm của tinh thần, thì không có gì biến mất đi hết. Khí trước chúng ta đã có rồi, và ta sẽ tiếp tục tồn tại mãi sau này. Nhìn một sự vật nào bằng đôi mắt của tinh thần có nghĩa là quan sát sự vật đó từ cái quan điểm của bản thể đích thực. Từ cái quan điểm của bản thể đích thực của vũ trụ, thì tất cả chúng ta, toàn thể thế giới, tất cả loài người, đều ở trong cùng một bào thai với mọi loài cỏ cây, mọi thứ, cho đến cả những đám mây và sương mù.

    Như vậy thì còn có lý do nào khiến ta phải oán thù hay tranh đấu không ? Bạn sẽ là người đầu tiên hiểu được cái tinh thần yêu thương và bảo vệ muôn loài trong Hiệp Khí Ðạo và sự cấm không được hiếu chiến trong Hiệp Khí Ðạo nếu bạn xét vấn đề từ cái quan điểm bản thể đích thực của vũ trụ.

    Cuộc đời chúng giống như một vốc nước ta đã múc lên từ biển sâu và giữ trong hái tay ta. Chúng tôi gọi đó là cái« tôi ». Vâng, cũng như là gọi nước là nước của ta bởi vì ta đã giữ nó trong hai tay ta. Mặt khác, từ cái quan điểm của nước, thì đó lại là một phần của đại dương. Mặc dù nếu ta mở tay ra thì nước sẽ lại rớt xuống biển, cho dù nếu nó còn ở trong tay ta nó vẫn đoàn tụ với biển khơi vậy. Nếu ta không để cho nước chảy với dòng của nó, thì nó sẽ trở nên đục.

    Cuộc đời chúng ta là một phần của cái khí hạo nhiên đã được gắn liền với da thịt của ta. Mặc dù chúng tôi bảo rằng đây là « cái tôi », nhưng nhìn với đôi mắt của thể xác, thì nó lại chính là cái khí của vũ trụ. Tuy rằng cái khí đó được gói trong da thịt ta, nó vẫn đoàn tụ với, và là một phần của vũ trụ.

    Cũng như khi ta hô hấp, là ta hô hấp cái khí hạo nhiên vào khắp cơ thể ta. Khi cái khí của ta đoàn tụ với cái khí của vũ trụ, thì ta khỏe mạnh và vui vẻ. Khi chúng không đoàn tụ được với nhau thì ta trở nên hững hờ, lãnh đạm, thờ ơ, và khi hai dòng khí đó không chảy cùng với nhau nữa, thì ta chết.

    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập cách phóng khí ra, bởi vì khi làm như thế, thì cái khí của vũ trụ có thể thấm vào cơ thể ta và làm cho hai dòng khí cùng chảy xuôi được với nhau. Nếu ta không để khí phóng ra, thì khí mới không thể vào đặng, và hai dòng khí khó chảy xuôi được với nhau. Vì lẽ này, Hiệp Khí Ðạo nhấn mạnh sự phóng khí ra đó không những chỉ nhắm cải thiện những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo mà thôi, mà còn làm cho hai dòng khí xuôi chảy đều được với nhau nữa. Ðây là một cách tốt nhất để tăng cường sức mạnh của đời ta đến tột độ.

    Ðã hằng thế kỷ rồi dân Nhật bản thường nói ràng « chết đi là đi về nhà », nhưng nếu không có lòng tin tưởng vững chắc thì ta sẽ không bao giờ nắm vững được cái thái độ ấy ! Chúng ta với khí hạo nhiên là một, và chết đi chỉ là quay trở về với cái khí hạo nhiên đó. Ta phải xử dụng tất cả năng lực của ta lúc ta còn sống và tất cả năng lực của ta sau khi chết. Lòng tin bất diệt đó thật là cần cho mọi thành công.

    II. KHÍ ÂM VÀ KHÍ DƯƠNG

    Ðể cái bản thể cơ bản của vũ trụ tức là khí đó tiến tới được cái trạng thái hiện thời của vũ trụ, nó đã phải trải qua một số những quá trình mâu thuẫn.

    Những quá trình đó vẫn còn đang tiếp diễn ngày nay và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Ở Á đông sự nhị nguyên (dualisme) đó gọi là thuyết về âm và dương. Dương là ánh sáng và âm là bóng tối. Khi có ánh sáng, thì tất phải có bóng tối ; khi có sự sống, thì tất phải có sự chết, và ở đâu có cao tất phải có thấp, có mạnh tất phải có yếu. Vũ trụ thì tuyệt đối trong trạng thái độc nhất của nó, nhưng nó được biểu lộ ra trong thế giới bằng tính cách nhị nguyên.

    Kẻ phát minh nổi tiếng về điện là Thomas A. Edison. Edison đã nói rằng vũ trụ được làm bằng điện lực, và nó đã tiến hóa từ sự mâu thuẫn giữa những yếu tố âm và dương. Trong Hiệp Khí Ðạo, ta gọi hai cái cực của quá trình đó là« khí âm» và « khí dương ».

    Nói cách khác, thì ánh sáng và sinh thành là dương, và bóng tối và hủy diệt là âm. Phóng khí ra là một diễn trình dương, còn hút khí vào là âm.

    Khí của chúng ta là một phần của vũ trụ, và cơ thể của chúng ta là những cái thuyền dùng để bảo vệ cái khí đó. Tinh thần là cái do vũ trụ mà có và ta phải bảo vệ và nuôi dưỡng con thuyền thể xác, và nó là cái mà ta phải nhắc nhở và kiểm soát sự trao đổi khí của ta với khí của vũ trụ. Có lẽ ta có thể so sánh những diễn trình trong sự phátđiện và những diễn trình trong dòng của khí. Ở trong máy phát điện, cái bản thể cơ bản của điện trở thành điện và phóng ra để làm đủ các loại máy chuyển động. Vũ trụ chứa đầy khí mà óc ta, giống như máy phát điện, thường tạo ra tinh thần, và tinh thần đó lại trở thành cái khí của ta, cái khí nó chuyển động thể xác ta. Khi chúng tôi giảng nghĩa cái cánh tay không thể bẻ gập được, chúng tôi đã nói rằng ta phải tưởng tượng là sức mạnh của ta đang phóng ra ngàn dặm trước mặt. Nói thế có nghĩa là sự phóng sức mạnh của khí ra đó là kết quả của cánh tay không thể bẻ gập được. Vì lý do này mà chúng tôi gọi cái hành vi tưởng tượng là ta đang phóng tinh thần ra đó là « sự phóng khí ra ». Trong những trường hợp khác như « dẫn khí », « thu khí vào », và « cầm khí lại », nếu ta nghĩ với tinh thần ta, thì sức mạnh của khí tự nó phát hiện ra ngoài.

    Nếu tâm hồn ta không trong sạch, thì ta không thể bảo vệ nổi sức khỏe của thể xác ta hoặc không thể trao đổi cái khí của chính ta với cái khí của vũ trụ. Người nào muốn làm cho kỹ thuật của mình bóng láng, thì hắn phải làm cho tinh thần hắn bóng láng trước đã. Phút khởi đầu đã không trong sạch, thì phút chấm dứt sẽ cũng khòng trong sạch. Một trái tim dơ bẩn sẽ chỉ đưa tới sự trống rỗng hoàn toàn. Nói như thế có nghĩa là cái khí của vũ trụ có thể dùng trong cả trường hợp xấu lẫn trường hợp tốt. Nếu có một khí dương, thì tất phải có một khí âm. Mỗi người phải chọn cái khí nào mình muốn xử dụng. Nếu hắn muốn đi trong ánh sáng và có một cuộc đời hoạt động, thì hắn phải phát triển cái khí dương. Hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tích cực và có một thái độ tích cực. Nếu hắn muốn đi trong bóng tối và có một cuộc sống buồn bã, thì hắn phải xử dụng tinh thần hắn một cách tiêu cực. Lựa chọn thái độ nào đó là toàn quyền của ta.

    Dù rằng người nào cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc và hoạt động, nhưng những kẻ luôn luôn xử dụng tinh thần mình một cách tiêu cực có thể sẽ khòng hy vọng có một cuộc đời tích cực. Một cuộc sống tích cực tùy thuộc vào một thái độ tích cực. Bạn hãy bắt đầu luyện cho được một khí dương, và bạn sẽ thành công.

    Nếu bỗng nhiên trời trở lạnh và bạn nghĩ thầm, « trong thời tiết này sẽ rất dễ bị cảm lạnh », thì trong một nháy mắt cái khí của bạn đã trở thành âm, và rồi bạn sẽ bị cảm thực. Người nào nghĩ rằng, cảm lạnh là cái gì cơ chứ ? Nó chẳng làm được ta lo ngại, thì hắn sẽ khỏi cảm lẹ như là lúc bị cảm.

    Nếu đứng trước một việc nào đó, bạn có thái độ « chắc mình sẽ không làm nổi đâu », thì hẵn sẽ không làm nổi thực. Trái lại, nếu bạn xử dụng toàn thể sức mạnh của bạn và tin tưởng, thì bạn sẽ làm nổi.

    Rất nhiều người bắt đầu bằng một thái độ tích cực nhưng rồi về sau một thái độ tiêu cực bắt đầu lại nổi lên và quật họ ngã. Những kỹ thuật và chuyển động trong Hiệp Khí Ðạo mà ta thường xử dụng để tập luyện cách phóng khí của ta ra làm cho ta dễ có một thái độ tích cực. Nếu đôi khi ta sa ngã vào một tình trạng tiêu cực và có người bỗng đến bảo ta là : « Nào bạn, hãy luôn luôn nhờ đến việc phóng khí bạn ra chứ », hoặc bảo : « Hãy giữ vững cái điểm duy nhất nơi bụng dưới », thì ta sẽ có thể quay sang khí dương của ta ngay tức khắc.

    Năm nào cũng thế, trong ba ngày Tết, tôi thường tụ hợp các họcviên Hiệp Khí Ðạo trong làng tôi lại với nhau và chúng tôi đi tới một dòng sông gần đó để tập luyện. Nhiệt độ bên ngoài nhiều khi có thể xuống tới tám hay chín độ dưới không độ, và nước chảy từ những ngọn núi phủ đầy tuyết thì lạnh buốt đến tận tủy. Lạnh đến nỗi nếu bạn nhúng một ngón tay xuống nước, bạn sẽ cảm thấy hầu như da thịt bạn đóng băng lại. Khi mặt trời vừa lên ở phía đông, cả bọn chúng tôi thay sang quần áo tắm và theo người trưởng toán xuống nước, đứng ngập tới hông. Chúng tôi làm thành một vòng tròn chung quanh người trưởng toán, và khi người này ra lệnh « xuống ! » chúng tôi cùng cúi xuống cho tới khi nước tới tận vai chúng tôi. Rồi người trưởng toán ra lệnh « hô ! » Mọi người đều hô thật to. Chừng độ ba phút sau chúng tôi ngẩng lên. Ðôi khi chúng tôi làm như thế chừng ba lần cho đến khi người trưởng toán bảo « lên bờ », và mọi người cùng đi lên bờ.

    Sau đó chúng tôi cùng lau người cho khô, thay sang đồ tập rồi cùng tập hô hấp. Ðó là lối mà chúng tôi bắt đầu một năm tập luyện Hiệp Khí Ðạo.

    Ðôi khi có học viên đâm ra lo lắng và hỏi xem có thể bị cảm được không. Tôi thường trả lời : « Nếu anh muốn bị cảm, thì anh sẽ bị cảm. Nếu anh không muốn, anh sẽ không bị ». Tất nhiên, nếu không ai xuống sông mà bị cảm lạnh, thì cũng có thể không có người đau. Ðiều quan trọng là luôn luôn giữ vũng cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí luôn luôn phóng ra ngoài.

    Ðôi khi có người thường ngày không tập Hiệp Khí Ðạo muốn xin được tham gia vào môn học này. Thường thường thói quen của tôi là tôi từ chối trong những trường hợp đó, nhưng một khi người ấy đã rất có nhiệt tình, và sau khi đã giải thích cho hắn cáiđiểm duy nhất nơi bụng dưới và cái thuyết về khí, thì tôi bảo người ấy có thể gia nhập được. Trong lúc hắn đang ở dưới nước, thì hắn hết sức chăm chú làm như lời tôi nói, và mọi việc đều như ý muốn. Nhưng khi hắn lên bờ rồi, thì hắn trở nên quá ư tự tin và đâm ra làm mất cái điểm duy nhất đã nói. Và rồi thì hắn run lên cầm cập. Mọi học viên khác đứng chung quanh, rất tự nhiên và da thịt không hề thấy một chấm nổi da gà, đều cười ầm lên chế nhạo hắn, và chính cái cười đó đã làm hắn bình phục lại và làm hắn tìm lại được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới, và thôi không run nữa.

    Người tập Hiệp Khí Ðạo thường xuyên thì không làm mất cái điểm duy nhất, tuy rằng hắn ít khi để ý tới điều đó.
    Ðây không phải chỉ là một bài tập về khả năng chịu đựng lạnh. Trước hết, đó là một bài trắc nghiệm dùng thể xác bạn để xem xem bạn tới được một trình độ mạnh mẽ nào khi bạn duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và giữ cho khí phóng ra. Thứ hai, bạn tập bài tập đó ngay trong ngày đầu tiên trong năm để cho suốt năm ấy bạn sẽ có đầy khí và trong một điều kiện tích cực. Thứ ba, xuống nước như thế là để tắm cho sạch đi mọi ý nghĩ và kinh nghiệm xấu xa trong năm trước và để bắt đầu lại như một hài nhi tái sinh. Xuống sông như thế cũng là để phát triển một tháiđộ tích cực làm cho suốt năm khỏi bị cảm lạnh. Khi trời trở lạnh, chúng tôi chỉ việc nghĩ lại cái hôm mùa đông đó mà chúng tôi đã xuống dòng sông nước lạnh như băng.

    Cho đến bây giờ, mặc dù lạnh đến mấy, có quần áo chúng tôi không cảm khó chịu gì hết. Cho dù ta có bị cảm, nhưng với một thái độ tích cực, ta sẽ qua khỏi cơn cảm ngay tức khắc.

    Cả hai phương pháp suy nghĩ tích cực vàtiêu cực đều có thể áp dụng vào mọi sự việc. Thí dụ, một người thấy mấy người bạn mình đang nói chuyện với nhau. Người có một thái độ tích cực sẽ không coi đó vào đâu hết. Nhưng người có một thái độ tiêu cực sẽ nghĩ ngay rằng có thể mấy người đó đang nói điều gì xấu về mình. Càng nghĩ như thế, thì cái thái độ tiêu cực của người đó lại càng trở nên tiêu cực hơn. Cùng một câu nói mà một người có thể hiểu nó là xấu và tốt cùng một lúc. Hơn nữa, một câu nói có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo trong lúc hắn nghe câu đó hắn đang có khí âm hay khí dương.

    Nếu một người bạn của bạn bảo bạn là một thằng ngu, và nếu bạn đang ở trong một tình trạng tích cực thì bạn sẽ không coi câu đó vào đâu bởi lẽ bạn biết rằng người đó là bạn của bạn. Trái lại nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực và người đó lại gọi bạn như thế, thì bạn sẽ dễ nghi ngờ rằng tình bạn đó chỉ là giả bộ, và bạn có thể tin là người đó nói thật như vậy về bạn. Hãy nhớ rằng dương thì hấp dẫn dương, và âm thì hấp dẫn âm. Nếu bạn đang ở trong một tình trạng tiêu cực (âm) thì tư tưởng bạn sẽ tiêu cực, hành động bạn sẽ tiêu cực và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là tiêu cực. Bởi vì âm luôn luôn kéo theo âm, cho nên nếu một việc gì không hay, thì mọi việc khác cũng có vẻ như không hay. Nếu bạn cãi lộn với vợ bạn lúc bạn đi làm buổi sáng, thì cả ngày hôm đó bạn sẽ chẳng làm xong được việc gì cả. Cứ để cho một người đang cáu giận nhập vào một bọn bốn hay năm người đang nói chuyện vui vẻ với nhau, thì lập tức mọi người sẽ im bặt và trở nên buồn bã, bởi lẽ cái tiêu cực của một người cũng đủ mạnh để làm cho mọi người, mọi vật chung quanh hắn trở thành tiêu cực. Nếu một người trong một gia đình hạnh phúc mà có tháiđộ tiêu cực, thì cả gia đình cũng sẽ bị tiêu cực lây.

    Trái lại, nếu cái khí của bạn là dương, thì mọi tư tưởng, hành động của bạn, và mọi thứ chung quanh bạn cũng sẽ là dương. Hạnh phúc tới với ta qua một cửa đầy tiếng cười, bởi lẽ dương luôn luôn kéo theo dương. Một người có một bản chất tích cực sẽ làm một nhóm bốn hay năm người vui vẻ lên ngay. Bởi lẽ cái tích cực của hắn có thể thay đổi mọi thứ chung quanh hắn. Một ông tướng can đảm thì không thể có lính nhút nhát được, bởi lẽ cái tích cực mạnh mẽ của ổng đã làm cho thuộc hạ của ổng trở nên gan dạ. Trái lại, một ông tướng nhút nhát sẽ làm ngay cả những kẻ thuộc hạ gan dạ của ổng trở thành nhút nhát. Nếu ta muốn làm cho tất cả thế giới và tất cả xã hội sáng sủa hơn, chứ không phải chỉ riêng ta mà thôi, thì ta phải tự ta phát triển những đặc tính tích cực của ta và rồi cố gắng làm cho mọi thứ chung quanh ta trở thành tích cực.

    Một người đi rao hàng cho một hãng buôn nào đó, nếu trước khi mà đã nghĩ thầm rằng hắn sẽ không bán được cho ai hết, thì quả là tiêu cực. Hắn chưa biết sự thực hắn sẽ có bán được hàng không, nhưng trước hết đã có một thái độ tiêu cực thì hắn sẽ chuyện cái tiêu cực đó sang khách hàng. Hắn phải có đủ tích cực mới làm cho người mua phản ứng một cách tích cực được. Cho dù không bán được hàng, hắn cũng phải an ủi rằng lần đó hắn đã không bán được gì. Vẫn tiếp tục mang một thái độ tích cực như vậy, thì hắn sẽ có kết quả tốt trong lần đi rao hàng tiếp theo.

    Một người khách đến thăm bệnh nhân nói : « Ông X, Y, Z, đã chết vì bệnh này đấy, bác nên cẩn thận nhé ! », thì quả giống như bám vào chân một người đang treo cổ mà kéo xuống vậy : có ích gì đâu ! Ðến thăm một người bệnh, thì điều tốt hơn hết là nói : « Không sao đâu, thế nào bác cũng khỏi bệnh. Vui lên ! »

    Khi một người nào ở cấp trên bạn trong sở, hoặc khi một thầy giáo bạn quở mắng bạn, thì bạn có hai cách để suy nghĩ về sự quở mắng đó : hoặc là âm, hoặc dương. Bạn nên nhớ rằng bạn bị quở là vì bạn đã làm một lỗi lầm. Nếu bạn nhận lấy lời mắng đó với thiện chí và nhất định sẽ không mắc phải lỗi đó nữa, thì bạn sẽ quên được sự trách mắng ấy. Về sau, nếu thầy giáo hoặc người cấp trên của bạn quở bạn nữa, bạn có thể dùng cái khí dương của bạn và nhận lấy sự quở mắng đó. Bạn chẳng nên mếch lòng ; chẳng có gì đáng buồn cả.Cái người quở mắng bạn sẽ thấy cái lối bạn nhận lãnh lời quở, và chính cái khí của người đó sẽ trở thành dương mà không hay biết. Và thế là người đó sẽ mất hết lý do để cáu giận, và khi người đó đáng lý quở mắng bạn mười lần, thì sẽ chỉ quở hai hay ba lần mà thôi.

    Nếu, trái lại, bạn trở thành thù nghịch và oán giận khi có người quở bạn, nếu bạn sụt sệt như là sắp sửa òa lên khóc, thì cái thái độ tiêu cực đó của bạn sẽ chuyển sang cái người đang mắng bạn và người đó sẽ trở nên càng giận hơn nữa và sẽ quở mắng bạn hơn nữa.

    Nếu có người nào chỉnh bạn về một việc gì đó mà bạn đã không làm, thì đó là lỗi người đó, chứ đâu có phải lỗi bạn. Ðừng để chuyện ấy làm bạn phiền muộn. Chính bạn bạn sẽ tự hiểu xem là tình cảnh có đòi hỏi bạn nên nói ý kiến bạn ra không, hay là bạn chỉ nên im lặng nghe và để câu chuyện đó qua đi mà thôi. Nếu bạn quyết định là chỉ nên yên lặng mà nghe, thì bạn sẽ cần đến một cái khí dương thật là cứng rắn. Nhưng dù sao chăng nữa, khi nào bạn bị trách mắng, bạn nên luôn luôn giữ lấy khí dương của bạn, và đừng chịu thua người mắng bạn.

    Bởi lẽ trong Hiệp Khí Ðạo ta luôn luôn tập luyện cách phóng khí ra, cho nên phòng tập luôn luôn chứa đầy khí dương. Người nào không khỏe mạnh, hoặc quá đau yếu để có thể tập Hiệp Khí Ðạo, thì có thể đổi cái khí âm của mình sang khí dương bằng cách tới phòng tập để xem và nhận lấy một phần khí dương đang tràn lan trong đó. Người nào không học và khí của mình đang âm, thì thấy rất khó lòng đổi nó sang dương, nhưng người ấy sẽ có thể đổi sang được nếu được cái khí dương của một số đông người giúp đỡ.

    Khi bạn tan sở làm, và ra về mệt nhọc, bạn hãy ghé qua phòng tập và tập độ một lát. Toàn thể thân mình bạn sẽ thấy thoải mái, khí của bạn sẽ trở thành dương, và bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn lên ngay. Về đến nhà, bạn sẽ ngủ được rất ngon, và sáng hôm sau ngủ dậy bạn sẽ có được một thái độ tích cực đối với công việc của bạn. Trái lại, nếu bạn cứ về thẳng nhà và than thở với gia đình là bạn mệt mỏi, thì cho dù qua một đêm ngủ bạn vẫn không thấy khỏe khoắn. Và sáng hôm sau bạn thức dậy vẫn thấy người mệt mỏi như hôm trước.

    Nếu có điều gì khó chịu xảy đến cho bạn, thì thay vì mang nó về nhà, bạn hãy ghé qua phòng tập và đổi cái khí của bạn sang khí dương. Và như thế nhà của bạn bao giờ cũng sẽ là một tổ ấm tươi sáng.

    Những người ở xa phòng tập quá thì nên luyện cách giữ cái điểm duy nhất nơi bụng dưới một mình, và phải hết sức cố gắng giữ cho cái khí của mình bao giờ cũng ở trong một điều kiện tích cực.

    Khi mọi việc đều theo như ý ta muốn, thì ai cũng có thể giữ cho mình một thái độ tích cực, nhưng ta phải biết cách chuyển từ âm sang dương nếu hoàn cảnh trái với ý ta. Bởi vì dương sẽ kéo theo dương, cho nên một thái độ tích cực sẽ có thể dẫn tới một số phận tích cực.

    Khí của ta chảy xuôi cùng với khí vũ trụ. Nếu ta phóng khí ta ra càng nhiều bao nhiêu, thì ta lại càng có thể cải thiện sự hòa hợp đó. Ta có thể phóng tất cả khí của ta ra, bao nhiêu cũng được, bởi nguồn cung ứng khí thì vô tận. Một khi ta đã làm cho khí ta dương rồi, thì ta không nên tự mãn mà ngừng lại ở đó. Ðời ta sáng sủa hay tối tăm là hoàn toàn tùy thuộc vào cái thái độ tích cực hay tiêu cực của ta.

    Tay trong tay, tất cả chúng ta phải làm cho cái cuộc đời quí báu nhận lãnh được từ vũ trụ đó thành một cái gì sáng sủa. Nếu mỗi người chúng ta đều đốt lên những ánh sáng của riêng cá nhân ta, thì ta có thể soi sáng được toàn thể thế giới.
    (còn tiếp)

  9. #9
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 7
    TINH THẦN THÁNH THIỆN

    Chúng tôi đã nói rằng cuộc đời chúng ta là một phần của vũ trụ, rằng cái bản thể cơ bản của ta là cái khí hạo nhiên, rằng đời sống và thân xác chúng ta đều do cái khí hạo nhiên mà ra, và rồi chúng sẽ phải quay trở về đó. Nếu cái bản thể cơ bản của thân xác là khí, thì cái bản thể cơ bản của tinh thần cũng là khí. Tinh thần là một tập hợp những nguyên tử nhỏ nhất. Thể xác là một tập hợp những phân tử lớn hơn. Những cả hai đều do cái khí hạo nhiên mà ra.

    Hiệp Khí Ðạo là một phương pháp giúp ta hợp nhất được tinh thần và thể xác và hòa làm một với cái khí hạo nhiên. Nói khác đi, Hiệp Khí Ðạo là con đường đưa tới sự hợp nhất với khí. Tuy nhiên, tại sao lại cần phải hợp nhất những cái đã là một?

    Ta có được tinh thần và thể xác đặng tiếp tục cuộc đời trong thế giới này. Tinh thần tách biệt ra khỏi thể xác và làm cản trở sự hợp thành làm một với nó. Vì lẽ đó, một khi ta học cách điều khiển tinh thần, thì ta bị cô lập ra khỏi vũ trụ. Khi chúng tôi nói « tinh thần », chúng tôi muốn cho nó một ý nghĩa rộng hơn thường lệ.

    Ðể có thể có mặt trên thế giới này, thì mọi sự vật, trong nghĩa rộng, được cấp cho một thể xác và một tinh thần. Viên đá có hồn của viên đá bảo vệ cái hình thể của nó. Không khí có cái hồn của không khí bảo vệ cái vô hình thể của nó, bảo vệ những chuyển động của nó, và hoàn thành cái sứ mạng của nó. Ðạo Phật giảng nghĩa hiện tượng này nói rằng mọi vật đều có Phật tánh. Cái linh hồn của vật chất chính là cái mà ta gọi là cái đặc tính của vật chất. Ðặc tính chính nó là linh hồn trong cái nghĩa rộng đó vậy.

    Con người, ngoài cái mà ta thường gọi là « tinh thần », còn có cái mà ta gọi là phần hồn của mỗi vật. Móng tay có phần hồn của móng tay, sợi tóc có phần hồn của sợi tóc, và mỗi thứ hoàn tất sứ mạng của nó mà ta không hề biết đến. Tất cả những thứ đó ta gọi là « thể xác». Cái thể xác này, theo nghĩa rộng, là tinh thần.

    Cây cỏ lấy thực phẩm qua rễ của chúng và hô hấp qua lá của chúng. Cây cỏ có đời sống và linh hồn giúp cho đời sống tiếp nối. Thường thường ta chỉ nghĩ rằng cái hồn thảo mộc đó là sự diễn tiến của cuộc đời thảo mộc mà thôi. Tuy nhiên, trong thân thể chúng ta, hoàn toàn tách biệt khỏi ý thức của ta, thực phẩm đi qua miệng ta, và cơ thể ta mang nó tới chỗ để tiêu hóa, biến nó thành huyết tương (plasma), và mang nó đi nuôi tất cả mọi thành phần cấu tạo cơ thể. Ðây là cái « hồn thảo mộc » của ta vậy.

    Loài vật ăn khi đói và la lên khi chúng muốn la lên. Chúng hành động theo những đòi hỏi của sự diễn tiến đời sống chúng. Ta gọi đó là hồn động vật, hoặc nếu ở loài người thì đó là những bản năng cơ bản. Ai cũng biết là con người có những bản năng động vặt cơ bản đó. Con người kết hợp tất cả những linh hồn của sự vật, cây cỏ, động vật, và yếu tố cao siêu hơn thành cái mà ta thường gọi là tinh thần, hay là linh hồn.

    Mặc dù mọi loài vật đều có ngần ấy linh hồn, nhưng một người nào mà linh hồn của hắn không đi xa hơn linh hồn loài vật đó, thì ta gọi đó là phi nhân. Ta bảo rằng người ấy thiếu những đặc tính của loài người.

    Một người điên khùng thì trở nên một vật, bởi vì trong hắn chỉ có cái vật chất và những hồn cây cỏ là hoạt động mà thôi. Hề ngoài hắn vẫn có cái hình dáng của con người, nhưng bên trong thì hắn đã mất đi những đặc tính của nhân loại. Nhiều thanh thiếu niên ngày nay, chẳng quan tâm gì tới những điều phiền hà chúng gây ra cho người khác hoặc cho trật tự xã hội, đã chỉ cố tình làm thỏa mãn những sở thích của chúng theo cái lối của chúng mà thôi. Trong những người này, chỉ có cái vật chất, phần hồn thảo mộc và phần hồn động vật là hoạt động mà thôi. Nói khác đi,chúng là những con người thú không cao gì hơn nhưng loài vật khác.

    Con người tạo ra xã hội, người tạo ra trật tự xã hội. Hắn biết phân biệt thế nào là tốt, là xấu, và hắn biết là không được làm kẻ khác những điều gì mà hắn không muốn người khác cũng làm mình.

    Con người có khả năng suy xét ; và chính cái khả năng này đã tách biệt hắn khỏi những loài vật khác.

    Chúng ta gọi cái khả năng đó là tinh thần phán đoán. Một vài loài vật có chút ít khả năng phán đoán. Loài chó thường không bao giờ quên người đối xử tốt với nó và loài kiến duy trì được một trật tự xã hội khá mở mang, nhưng chúng không có cái khả năng phán đoán tất cảmọi sự vật của loài người.

    Một người thiếu cái tinh thần phán đoán đó, thiếu cái đặc tính của nhân loại đó, thì chẳng hơn gì loài vật.

    Cái khả năng suy luận của con người càng phát triển khi con người lớn lên, và nó tiến tới một bình diện cao hơn nữa khi ta được hấp thụ một nền giáo dục. Mới đầu thì cha mẹ ta dạy dỗ ta, rồi thì hoàn cảnh xã hội, và rồi sau đó nhà trường, cho đến khi dần dần ta trở thành những con người đích thực.

    Cái khả năng suy luận một người ở lì trong cái trạng thái hoang sơ lúc mới ra đời sẽ chẳng bao giờ phát triển được cao hơn. Thí dụ, có trường hợp một đứa trẻ sinh ra trên núi, và cả cha lẫn mẹ nó đều qua đời. Loài khỉ trên núi cho đứa trẻ bú và nuôi cho nó lớn lên. Lẽ dĩ nhiên nó không hiểu được tiếng nói loài người. Hai cẳng đứa trẻ trở nên cong cong như cẳng loài khỉ, và nó có thể leo cây nhẹ nhàng như hệt loài khỉ vậy. Nó trông thấy dân làng thì nó sợ hãi, và trông giống hệt một con khỉ.

    Người ta bảo rằng cái khả năng suy luận và phán đoán của nó gần như là không có gì. Chừng nào mà những bậc cha mẹ ngày nay còn thả lỏng con cái của họ, chừng nào mà xã hội còn không quan tâm đến cái hoàn cảnh chung quanh của thiếu niên, và chừng nào mà nhà trường còn tiếp tục chỉ lưu ý đến việc truyền bá kiến thức mà thôi, thì chừng đó con trẻ sẽ lớn lên giống hệt như loài vật, hành động hoàn toàn theo bản năng của chúng. Hiện tượng thiếu niên phạm pháp (juvenile delinquency), một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới hiện nay đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có ý thức về con cái của họ, đòi hỏi xã hội phải cải thiện hoàn cảnh của thanh thiếu nhi, và đòi hỏi nhà trường phải sửa đổi lại hệ thống giáo dục và nhận thức được cái nhu cầu giảng dạy đạo đức luân lý cho con trẻ. Ta chỉ có thể tạo được một xã hội thực sự nếu ta ghi sâu cái tinh thần suy luận vào trí não trẻ con của chúng ta, và dậy dỗ chúng trở thành những người biết tuân theo tinh thần suy luận.

    Tuy nhiên, có một vấn đề sẽ được đặt ra nếu chúng ta nghĩ rằng một khi mà óc phán đoán của chúng đã mở mang rồi thì mọi sự sẽ đâu vào đó.

    Nếu còn nhiều bậc giáo dục, những bậc được coi là có khả năng phán đoán cao, và những người ngồi ở địa vị cao trong xã hội mà phạm những lỗi nặng và những hành vi đi ngược hẳn với óc phán đoán, suy sét của họ, thì ta chẳng thể nào trách cứ được những thanh thiếu niên phạm phải những điều tệ hơn nữa, mặc dù trong thâm tâm chúng cũng biết làm như vậy là trái với lý thuyết.

    Ðôi khi lý trí lại phải nhường bước cho dục vọng ; nghĩa là cái tinh thần loài vật đã cai quản tinh thần lý trí. Dù sao chăng nữa thì lý trí chẳng thế nào hoàn toàn chế ngự được bản năng. Nếu đôi khi lý trí thắng bản năng, thì sớm muộn bản năng cũng sẽ thắng lý trí. Hai yếu tố đó luôn luôn tranh đấu với nhau, và khi thì lý trí thắng, khi thì bản năng thắng. Chính bởi lẽ con người có lý trí mà hắn cảm thấy đau khổ trước sự tranh đấu thường xuyên giữa hai yếu tố đó, một niềm đau khổ mà loài vật vô lương tri không hề biết tới. Tuy có kẻ buồn sầu, ủ rũ, than van rằng được là loài vật thì sướng biết mấy, muốn làm gì thì làm, hoặc được là loài chim hoặc là con ốc dưới đáy biển, nhưng cũng có những người dám can đảm chinh phục được bản năng bằng lý trí và dám làm những điều họ muốn.

    Tuy vậy phải nhận là lý trí chẳng thể lúc nào cũng chinh phục được bản năng. Lý trí là một thứ được đào luyện sau khi ra đời ; bản năng đã có từ lúc ta mới ra đời. Ta không hy vọng hoàn toàn lấy một đặc tánh tiêm nhiễm được để điều khiển một đặc tính bẩm sinh. Nếu con người sinh ra đời chỉ để đau khổ vì sự tranh chấp giữa lý trí và bản năng, thì quả đây là một thế giới đau thương hết sức.

    Tuy nhiên chẳng có gì đáng để ta phiền muộn, bởi lẽ con người được phú bẩm một tinh thần còn tinh tế hơn cả lý trí, một tinh thần bẩm sinh và cơ bản. Ta sinh ra từ cái khí của vũ trụ và khí đó với ta là một. Ta có một liên hệ trực tiếp với tinh thần của vũ trụ, và chính cái tinh thần đó nó đã soi sáng cho ta biết rằng ta với vũ trụ là một. Ðây không phải là vấn đề phán đoán bằng lý trí ; đây là một sự lãnh hội bằng toàn thể thân xác và linh hồn ta.

    Cái quan năng cho phép ta lãnh hội được như thế, ta gọi là linh hồn thần linh. Bởi vì linh hồn trực tiếp liên hệ đến vũ trụ, cho nên nó có năng lực điều khiển cả lý trí lẫn những bản năng động vật bẩm sinh. Một khi cái linh hồn thần linh đó đã hiện ra, thì mọi nhầm lẫn của lý trí sẽ thôi không còn nữa, và mọi bản năng cũng sẽ thôi không hỗn loạn nữa.

    Ðôi khi có trường hợp một kẻ vô lại tàn ác nhất bỗng trở nên hoàn toàn thiện hảo, đó là bởi vì linh hồn thần linh đã mở mắt cho hắn, và kẻ đó sẽ thôi không còn nghĩ tới, chứ đừng nói là phạm phải, một hành vi gian ác nữa.

    Những người có một đức tin sâu xa thường có một tinh thần vị tha và từ thiện kinh khủng đến độ họ sẵn sàng quên họ đi và hiến dâng thể xác và con tim họ vào một việc tốt lành cho kẻ khác hoặc cho xã hội. Ðối với những người thường, thì đó có vẻ như một sự đau đớn, một cái gì đòi hỏi một cố gắng vượt bực để tự thắng mình, nhưng thực ra đó chỉ là một biểu lộ của linh hồn thần linh trong một kẻ tin tưởng thực sự. Người có đức tin thì hành động theo những mệnh lệnh của linh hồn thần linh đó. Thay vì là một sự đau đớn hay một nỗi lo âu phiền muộn, đó là một niềm vui không bờ bến.

    Một nhà sư đạo Thiền có lần nói rằng cứ mỗi sáng ngủ dậy thì người lại tự hỏi : «Chủ nhà ngươi đã dậy chưa» Vị sư đó lại tự trả lời rằng : « Ðã dậy rồi !» Vị sư đó trong ngày thỉnh thoảng lại lặp lại câu trả lời đó. Trong đạo Thiền, thường thường ta kêu ta bằng tiểu ngã (shoga), hay là cái tôi nhỏ và kêu cái bản thể căn bản của ta bằng đại ngã (daiga), hay là cái tôi lớn. Ðạo Thiền cũng dạy rằng gạt bỏ tiểu ngã đi tức là tạo sinh được đại ngã.

    Ðiều này cũng như là khuyên ta đừng nên làm nô lệ cho cái tôi nhỏ của ta, nhưng phải mở mắt ra mà đón nhận cái bản thể căn bản nó hòa làm một với vũ trụ. Cái tinh thần nó thoát ra từ cái tôi lớn đó chính là cái linh hồn thần linh. Khi tự hỏi mình rằng chủ đã dậy chưa, nhà sư Thiền đó đã tự hỏi mình xem cái linh hồn thần linh của người, cái tôi lớn của người, có hoạt động không. Hỏi như thế để biết chắc là linh hồn thần linh luôn luôn được biểu lộ ra.

    Nếu vị sư đó cảm thấy linh hồn đó hầu như đang bị một đám mây mù che phủ, thì người có thể kêu gọi nó về bằng cách hỏi rằng :

    « Chủ nhà ngươi đã dậy chưa ?»

    Mục đích tối hậu của sự tập luyện hô hấp và ngồi tham thiền nhập định trong đạo Thiền và đạo Yoga là để lãnh hội cái bản thể căn bản của ta, nó với vũ trụ là một, và để phát biểu cái linh hồn thần linh. Dù ta có ý thức được nó hay không, thường thường một sự kết hợp của tinh thần động vật, chất thể và lý trí chuyển động qua chúng ta như những đợt sóng bị gió làm lay động trên mặt hồ. Cũng như là khi ánh trăng tròn bị những đợt sóng làm tan tành thành trăm ngàn tia sáng vụn trên mặt nước không thể cho ta thấy được cái hình ảnh thật sự của mặt trăng, nếu tinh thần ta bị khuấy động thì nó cũng không thể phản ảnh được vũ trụ thật sự. Sự khuấy động chỉ có thể đưa đến kết quả cuối cùng là ta không còn biết thế nào là phải, là trái nữa, và rồi ta lại bị bản năng chế ngự.

    Ta phải hợp nhất thể xác và tinh thần ta, phải làm cho những đợt sóng tinh thần được yên tĩnh, và phải làm cho chính ta trở thành một tấm gương sáng trong đó cái phản ảnh đích thực của vũ trụ có thể làm cho sự suy xét của ta minh mẫn và làm cho ta khỏi nhầm lẫn thiện với ác. Khi ta làm một điều gì ác, tiếng nói của cái ta thường gọi là lương tâm sẽ bảo ta rằng ta không được làm như thế ! Lương tâm đó là do linh hồn thần linh mà ra, nhưng khi tinh thần bị khuấy động, thì tiếng gọi của hướng tâm sẽ mất đi trong tiếng náo động những đợt sóng. Khi tinh thần ta bình yên, tuy nhiên, thì tiếng gọi của lương tâm ta sẽ vang rền lên như sấm, với một uy quyền tuyệt đối. Con người chỉ là vị lãnh chúa của tạo hóa khi nào hắn biểu lộ được cái linh hồn thần linh của hắn.

    Trong Hiệp Khí Ðạo, ta luôn luôn tập luyện cả trong lúc yên tĩnh lẫn trong lúc khuấy động để hợp nhất thể xác và tinh thần, để hòa làm một với cái khí hạo nhiên, và để giữ cho tinh thần ta sáng láng và óng mướt như một tấm gương. Vì lẽ đó ta luôn luôn phải ở trong một trạng thái có thể phát lộ được cái linh hồn thần linh của ta, và phải luôn luôn có nghị lực để tự phán xét xem cái gì ở trên thế giới này là thiện và cái gì là ác.

    Người nào tập luyện và tiến tới trong những kỹ thuật và trở nên có sức mạnh mà không nắm được cái khả năng phán xét cái thiện và cái ác, thì không phải là một đệ tử thực sự của Hiệp Khí Ðạo. Một kẻ có sức mạnh, có võ thuật, mà lại có một ác tính trong con người hắn thì lại càng làm ác, chứ không thiện, trong thế giới. Muốn học tập và thực hành Hiệp Khí Ðạo cho đúng đường đòi hỏi phải biểu lộ được linh hồn thần linh. Tinh thần Hiệp Khí Ðạo là một biểu lộ của cái linh hồn đó. Cái ý nghĩa đích thực của Hiệp khí Ðạo nằm trong sự trở thành một con người đích thực, có thể phán xét mọi sự vật chung quanh mình mà không hề sai lầm. Muốn đạt tới môn Hiệp Khí Ðạo tuyệt vời và vĩ đại đó, ta phải luôn luôn tiếp tục làm chủ được từng qui luật, từng trật tự một.
    (còn tiếp)

  10. #10
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    (tiếp theo)
    Chương 8:
    TINH THẦN YÊU THƯƠNG VÀ BẢO VỆ MUÔN LOÀI


    Mọi sự vật đổi thay tùy theo cái lối ngắm nhìn chúng. Vũ trụ thì thường xuyên trưởng thành và phát triển, và cái diễn trình hủy và diệt luôn luôn tiếp diễn.

    Tuy rằng đạo Cơ đốc dạy rằng Chúa là Tình Yêu, và đạo Phật dạy rằng vũ trụ là tình thương, nhưng có rất nhiều người lại cho rằng vũ trụ thì vô tâm. Nếu ta ngắm nhìn cái khía cạnh sinh và thành của vũ trụ, thì nó có vẻ như là tình yêu, nhưng trái lại nếu ta nhìn nó ở khía cạnh hủy và diệt, thì ta lại tin rằng vũ trụ quả thực là vô tâm. Vũ trụ chính nó thì chẳng nói gì hết, và phó mặc cho ai muốn nghĩ thế nào cũng được. Nếu ta muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn và một cuộc đời đau khổ, ta chỉ cần có một khí âm, rồi ngắm nhìn mọi sự qua cái khí đó, và cho vũ trụ là vô tâm. Khi tinh thần bạn tiêu cực, thì cho dù trong hoàn cảnh tươi sáng hoặc tối đen, bạn sẽ vẫn luôn luôn cảm thấy bị ma quỷ ám ảnh. Mọi điều bạn nghe thấy hoặc trông thấy đều chẳng làm cho bạn thích thú, và rồi bạn không còn cố gắng để tìm hiểu tình yêu của vũ trụ.

    Ngược lại, nếu tinh thần bạn tích cực, thì cho dù trong hoàn cảnh đen tối hoặc tươi sáng, bạn sẽ luôn luôn trông thấy chúng có màu xanh, và mọi điều bạn trông thấy hay nghe thấy sẽ làm bạn thích thú. Dù rằng trong thế giới này có hủy và có diệt thực đó, nhưng một người có tinh thần tích cực sẽ coi ngay đến sự chết như là một cái gì vô giá. Nếu có diệt (sự chết), thì sinh (sinh sống) phải có giá trị và tràn trề. Có lần tôi được nghe kể một câu truyện về sự việc xảy ra thế nào giả thử không có sự chết, giả thử mọi người sống mãi mãi.

    Một người vô cùng sợ chết bỗng được một cuộc đời vĩnh cửu. Thoạt đầu, hắn sung sướng lắm, nhưng về sau hắn đâm ra chán đời và tìm cách tự vẫn bằng cách nhảy từ một mỏm núi cao xuống đất. Hắn vẫn không chết. Hắn lại đi tìm độc dược để uống, rồi tìm giây treo cổ mình lên, nhưng về sau hắn phải thú nhận rằng hắn không làm cách nào để chết được cả. Và rồi hắn học được một bài học rằng cuộc đời vĩnh cửu chẳng thú vị chút nào cả, rằng như vậy chỉ là một nỗi buồn nản vô cùng vô cực.

    Trong đời ta, ta làm cố gắng, ta đi tìm giá trị, bởi vì có sự chết. Cố nhiên câu truyện kể ở trên chỉ là một câu truyện, nhưng cũng có phần đúng. Sự chết là một hình thức của tình yêu do vũ trụ mang đến cho ta.

    Khi ta đói ta thấy thực phẩm là điều tốt, và khi ta bị đau ốm, ta mới thấy sức khỏe thực là cần thiết. Khi mà vị giác của ta mất đi, thì yến tiệc linh đình cũng chỉ là đồ bỏ, chẳng nghĩa lý gì. Khi mà lòng biết ơn và sự hưởng hạnh phúc bị lãng quên đi, thì chẳng có gì trên thế giới này mang lại nỗi vui sướng cho ta. Sự thiếu thốn và nhu cầu đến với ta dưới hình thức của tình yêu từ vũ trụ . Nghĩ được như thế, thì bạn sẽ cảm thấy có hạnh phúc ngay trong lúc bị thiếu thốn, quẫn bách. Khi bạn bị đau ốm, bạn phải coi đó là một cơ hội để an nghỉ do Thượng đế ban cho, và bạn hãy dùng cơ hội đó để luyện tập tinh thần bạn. Khi bạn khỏi bệnh rồi, bạn sẽ hưởng thụ cái cảm giác của một người khỏe mạnh. Trên thế giới này chẳng có gì gọi là khó chịu cả.

    Nếu tinh thần bạn tích cực và bạn biết ơn cái tình yêu nó nhận lãnh được từ vũ trụ, thì dương sẽ kéo dương, và những thần số mạng may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Nếu mọi người trên thế giới này có thể cảm nghĩ như thế, thì chẳng bao lâu thế giới này sẽ biến thành cõi thiên đàng.

    Hiệp Khí Đạo luyện tập cái khí dương. Một khi ta với vũ trụ đã hòa làm một, thì cái phản ảnh của vũ trụ trên linh hồn thánh thiện bao giờ cũng trong hình thức tình yêu. Đó là một phát biểu của tinh thần, nhắn nhủ ta rằng ta phải yêu thương, che chở và nuôi dưỡng mọi vật. Tập luyện Hiệp Khí Đạo là tinh luyện tình yêu thương trong tâm hồn ta thành cái tinh thần của vũ trụ. Trong Hiệp Khí Đạo ta đấu võ với đối thủ của ta không phải để thắng hoặc bại. Cả hai người cùng sửa cho nhau những nhược điểm, cùng mài dũa cho nhau, và cùng phản chiếu cho nhau những hoạt động của mình. Qua tinh thần hỗ tương kính trọng nhau và hỗ tương quí mến nhau, ta huấn luyện thể xác và tinh thần ta cho tới khi ta tới được một trạng thái tinh khiết và yêu thương.

    Hiệp Khí Đạo là tinh thần yêu thương và bảo vệ muôn loài ; đó là tinh thần hòa bình vậy.

    PHẦN HAI
    LỐI SỐNG HIỆP KHÍ ĐẠO

    Chương 9:
    THỨC DẬY

    Bất cứ bạn quyết định làm một việc gì, bạn cần phải có một ý chí mạnh mẽ. Cho dù cái điều bạn nghiên cứu có giá trị đến mấy, nếu bạn không đi đến hết, nó sẽ chẳng có ích gì cả. Một người có một ý chí yếu, cho dù hắn tưởng hắn đi đúng đường, sẽ không thể tiếp tục con đường hắn đã khởi sự và rồi cuối cùng sẽ chẳng đi tới đâu.

    Tuy có nhiều người tôi dạy cho biết cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và khí dương đã thực hành những điều họ học, đã bắt mình vào qui củ, đã có thành quả, nhưng con số những người mới khởi sự tập được chừng hai hoặc ba ngày đã xin thôi thì không nhỏ. Quá ít cố gắng sẽ không thể đưa tới sự thành đạt hoàn toàn. Bạn chỉ có thể thành công trong công trình hợp nhất tinh thần và thể xác và phát lộ linh hồn thánh thiện nếu bạn cố gắng không ngừng. Người nào mà tập được vài ngày rồi thì chán nản, than phiền và chỉ trích Hiệp Khí Đạo, thì chỉ phô lộ ra cái tinh thần nông cạn của họ mà thôi. Bất cứ bạn bắt đầu làm một việc gì, bạn phải phóng cái khí dương của bạn ra, duy trì một ý chí vững chắc, và đi cho tới đích.

    Cũng như một năm chỉ có một ngày Tết, một ngày cũng chỉ có được một giây phút lúc bạn thức dậy. Nếu bạn thức dậy với một cảm giác bực bội khó chịu, mặc dù chính bạn không hay biết, thì cái cảm giác đó sẽ bám riết lấy bạn, tạo thành khí âm, và làm cho suốt ngày hôm đó khó chịu. Bạn sẽ tự nghĩ rằng :

    « Sáng nay mình thức dậy tâm hồn nặng nề như thế, thì chắc cả ngày sẽ chẳng làm được việc gì cả ».

    Hiệp Khí Đạo là cách học để luôn luôn phóng khí dương ra ngoài, nhất là vào buổi sáng, khi bạn vừa thức dậy. Bạn phải có thói quen tỉnh ngủ hẳn, tung chăn ra, và nhỏm dậy ngay lúc bạn vừa thức dậy. Có người thức dậy rồi mà còn nằm dài ở giường, không chịu dậy, chính bởi lẽ họ không có một ý chí mạnh. Trước hết, lúc mới thức dậy, không một sự gì rõ ràng tới với óc bạn, tri thức của bạn còn lờ mờ, lý trí của bạn còn chưa sắc bén, và bạn đang ở trong một tình trạng làm nô lệ cho bản thân bạn. Nằm lơ mơ trên giường như vậy chỉ khiến bạn có thói quen để cho bản năng chế ngự lý trí mà thôi. Bởi lẽ giấc ngủ là lúc mà khí vũ trụ thấm nhập cơ thể bạn, cho nên bạn phải ngủ thật say, nhưng khi đã thức dậy rồi bạn còn nằm lì ở giường thì bạn sẽ thấy mệt hơn. Bạn phải nhỏm dậy ngay khỏi giường, bởi vì như thế bạn sẽ có được khí dương làm cho ngày của bạn có được một cuộc khởi sự tích cực. Chỉ làm được như thế bạn cũng khiến cho bạn có được một tri lực mạnh mẽ. Thanh thiếu niên nào muốn đi được tới xa thì đặc biệt cần phải tiêm nhiễm cái thói quen tốt đó.

    Lần đầu tiên trong số năm lần luyện tập Hiệp Khí Đạo tại trung tâm Hiệp Khí Đạo của chúng tôi bắt đầu từ sáu giờ sáng, và kéo dài một giờ. Những người ở gần phòng tập thì không sao, còn những người ở xa phải thức dậy từ năm giờ để kịp giờ học. Thế mà có rất nhiều người, trai cũng như gái, già cũng như trẻ, vẫn đến đúng giờ, và ngày nào cũng vậy. Một giờ tập Hiệp Khí Đạo vào buổi sáng cũng đủ cung ứng cho bạn đầy đủ khí dương cho một ngày làm việc. Hơn nữa, chỉ cần tung chăn và nhỏm dậy ngay khỏi giường khi vừa thức dậy lúc năm giờ và đi thẳng ra phòng tập là bạn cũng đã làm được một việc gì hay rồi. Bạn sẽ thấy rằng bạn trở nên một con người thẳng thắn, có nghị lực mạnh. Bạn sẽ thấy rằng phần lớn mọi người tập hằng ngày trong năm là những người tập vào buổi sáng.

    Hồi còn trẻ tuổi, tôi rất là yếu đuối, cả tinh thần lẫn thể xác. Bởi vì tôi rất khó ngủ ban đêm, cho nên cứ sáng ra là tôi buồn ngủ và rất khó tỉnh dậy. Rồi bất cứ việc gì tôi bắt đầu làm tôi cũng đâm ra chán nản, và nửa chừng thì tôi bỏ cuộc. Hồi đó tôi tưởng đó là lỗi của cơ thể yếu đuối của tôi.

    Năm 16 tuổi tôi phải nằm nhà thương mất một năm để chữa bệnh sưng màng phổi, nhưng bệnh tình tôi càng ngày càng trở nên trầm trọng. Bây giờ, khi nghĩ lại, tôi thấy là vì tôi đã có một thái độ tiêu cực đối với bệnh tình của tôi nên tôi đã lâu khỏi. Suốt thời gian đó tôi lo rằng cho dù tôi có khỏi bệnh, tôi chắc sẽ không bao giờ khỏi hẳn, và vì thế tôi chẳng khỏe hơn gì mấy.

    Trong một năm trị bệnh đó, trái lại, tôi lại có dịp để ngẫm nghĩ và nhận thức ra rằng tôi không thể tiếp tục có thái độ tiêu cực như vậy được nữa. Tôi đọc rất nhiều sách nói về cách tự chữa bệnh, và tôi được biết rằng tôi phải tìm cách tôi luyện cơ thể của tôi.

    Trong khi đọc một trong số những cuốn sách đó, tôi bỗng nhận thức ra rằng ý chí của tôi yếu đuối, và tôi phải bắt nó vào khuôn khổ và làm cho nó mạnh lên. Tôi bèn tự nhủ:

    « Được rồi. Ta phải chú tâm đến ý chí của ta ».

    Ít nhất đây cũng là một việc tôi có thể làm được. Bác sĩ bảo tôi chưa tập được nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi quyết định ngày nào cũng tắm nước lạnh.

    Dạo ấy vào mùa hè, cho nên tắm nước lạnh rất là khó chịu. Sáng nào tôi cũng rời khỏi giường ngay lúc tôi vừa tỉnh giấc, chạy tới buồng tắm, và dội hai hay ba gàu nước lạnh lên đầu và lên cơ thể tôi. Sau đó tôi lau mình thật kỹ và lấy khăn tắm chà khắp cơ thể. Sau một thời gian, cứ sáng ra là tôi nghĩ ngay đến nước lạnh. Và đầu tôi tự nhiên sáng lên tức thì, và tôi tự nhủ :

    « Cứ nằm lăn lộn trong giường ấm thế này thì chẳng đi đến đâu hết! »

    Và như thế mọi thói xấu về buổi sáng của tôi bỗng thay đổi hẳn, và đêm tôi ngủ say như một khúc gỗ. Và rồi, cố nhiên, mùa thu tới. Nhiệt độ giảm dần, và nước càng lạnh hơn, nhưng tôi không hề nghĩ đến sự bỏ việc tập luyện của tôi. Không thấy khổ sở gì cả, tôi cứ tiếp tục tắm nước lạnh vào buổi sáng, và rồi cơ thể tôi trở thành khỏe khoắn hơn nhiều đến nỗi tôi cảm thấy chẳng phải làm gì hơn nữa.

    Về sau tôi được nghe nói về những kỷ luật nghiêm khắc của đạo Thiền, về phương pháp hô hấp misogi, về cách ngồi tham thiền nhập định dưới một ngọn suối nước, và lần nào tôi cũng chạy đi tập rất chăm chỉ, cho đến khi tôi thấm nhuần được điều tôi đã bắt đầu học. Rồi đến Hiệp Khí Đạo. Tắm nước lạnh là cơ hội đầu tiên của tôi. Khí của tôi trở nên dương, và dương lại kéo theo dương. Tôi có may mắn được học với một ông Thầy Hiệp Khí Đạo rất giỏi, và ngày nay tôi đã đạt tới trình độ để có thể giảng dạy về cái khí dương cho nhiều người khác trên thế giới.

    Đối với những người trẻ tuổi muốn sửa soạn phát triển cho tương lai, thì điều quan trọng là thức dậy buổi sáng, gạt bỏ mọi huyễn tưởng hồi đêm, nhỏm ngay dậy, và nhìn ngay trước mặt với một thái độ tích cực này:

    « Ta sẽ làm được nhiều việc tốt hôm nay »

    Bước đầu tiên khởi hành thường dẫn tới ngàn dặm tiến bộ. Hãy thực hiện cái kỷ luật buổi sáng đó, hãy bắt đầu ngay tự bây giờ.
    (còn tiếp)
    Last edited by khieman; 04-13-2014 at 01:07 AM.

Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Xuất hiện nhóm tự xưng khủng bố máy bay Malaysia
    By duyanh in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-10-2014, 12:27 PM
  2. Võ sư Koichi Tohei - Bậc thày về Khí
    By khieman in forum Triết Học Cổ Kim Đông Tây
    Trả Lời: 4
    Bài Viết Cuối: 02-23-2014, 10:12 PM
  3. Hiệp khách hành
    By giavui in forum Truyện Kiếm Hiệp
    Trả Lời: 81
    Bài Viết Cuối: 01-13-2014, 09:05 PM
  4. Đơn giản vì không hiểu
    By hailua in forum Truyện Cười Dí Dỏm
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-18-2013, 10:03 PM
  5. Bí ẩn hiện tượng xác chết không phân hủy
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-26-2013, 01:34 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •