Dân làng Thanh Bình (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) thường gọi phiến đá ấy là “ông đá”, “thần đá”. Theo họ, đó là một phiến đá nhiệm màu...


Phiến “đá thần” được người dân thờ phụng. Làng Thanh Bình (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cách nơi tôi sống và làm việc vài chục cây. Nhưng có lẽ tôi sẽ không có cơ hội về thăm làng nếu không tò mò mấy chuyện hiếu kỳ quanh một phiến đá nghe bảo là thiêng.

Dân làng thường gọi phiến đá ấy là “ông đá”, “thần đá”. Phiến đá được lập đền thờ và có biển chỉ dẫn di tích. Theo họ đó là một phiến đá nhiệm màu, tức là nó có phép màu. Hễ ai có vật nuôi thất lạc, đến thắp hương cầu nguyện trước phiến đá thì đều tìm được vật nuôi. Hoặc những ai đó đi xa, đi thi cử thì đến thắp hương tỏ lòng thành kính đều thu kết quả.
“Đá thần” được dân làng thờ phụng

Tìm về làng Thanh Bình, tôi đã cố gắng hỏi các vị cao niên ở đây để xem phiến đá thần ấy có niên đại từ năm nào, nguồn gốc của nó ra sao. Thế nhưng đều không ai trả lời được, họ chỉ biết trả lời rằng: Đã có từ rất xa xưa. Theo quan sát của tôi thì đó là một phiến đá lộ thiên nằm trong một khu vườn gần 1.000m2, có mái che bao bọc xung quanh. Phiến đá ấy màu xanh rêu hình bầu dục, dài 2m, rộng và cao gần 1m. Cạnh đó là một đền thờ, lư hương, nến và lễ vật khách tập phương mang đến. Ngoài vườn có biển chỉ dẫn “Di tích bàn thổ”.

Cụ bà Nguyễn Thị Kỳ (89 tuổi) sống gần đền thờ phiến đá cho biết khi cụ đến đây sinh sống thì phiến đá đã ở đó rồi: “Từ hồi tui sinh ra thì người dân ở đây đã thờ phụng phiến đá này rồi, hồi đó thì người dân cũng đồn đại là phiến đá ấy thiêng, có thể tìm được vật nuôi thất lạc, Cụ Kỳ còn bảo cụ thân sinh (tức là cha của cụ Kỳ) trước đó cũng đã vài lần cầu may ở phiến đá này rồi”.

Cụ Kỳ còn hóm hỉnh bảo rằng: “Nếu chú không tin, chú đến nhà ông Luyện, ông ấy nắm rõ gốc tích được phiến đá này đấy”. Nghe lời cụ Kỳ, tôi tìm tới nhà ông Luyện. Gặp ông Luyện, ông giới thiệu rằng tên là Lê Đình Luyện, ông là một cán bộ về hưu trong làng. Ông thường dẫn các đoàn từ xa tới thắp hương ở phiến đá. Về nguồn gốc phiến đá này thì ông bảo nhìn thấy phiến đá và đền từ năm ông 15 tuổi, đó là một đền thờ thổ thần, tức là tổ thần của dân bản xứ, của làng xã. Hiệu của đền là “Bàn thổ phúc thần, càn long chi tử”.

Theo lời của ông Luyện thì trước đó hòn đá không có bản chỉ dẫn di tích, nó chỉ được đặt trong khu vườn hoang. Lâu dần thì nghe “tiếng tăm” của hòn đá có thể giúp tìm vật nuôi và mang lại may mắn nên người dân đến thờ phụng nhiều. Để thuận lợi cho việc thờ cúng thì cách đây hơn chục năm, chính quyền xã Thanh Lộc và người dân ở trong làng đã góp công sức xây miếu thờ và lập biển di tích với tên gọi “Di tích bàn thổ”.

Những chuyện kỳ bí và lời giải về phiến đá

Khi tôi bắt chuyện để hỏi mọi người trong làng về sự kỳ bí của phiến đá. Dường như không để tôi dứt lời, mấy người trong làng đã biết ý định của tôi là gì. Một người trong làng tiết lộ: “Chú hỏi về sự thần bí của nó chứ gì, nó thiêng lắm chú ơi. Thiêng cực kỳ. Dân làng ở đây hễ ai mất vật nuôi như trâu bò, ngựa, hay ai muốn cầu điều gì tốt lành thì đến trước hòn đá đưa lễ và cầu nguyện”. Vừa dứt lời xong, một người khác góp chuyện thêm: “Nếu chú cầu nguyện gì thì phải có ít lễ vật để tỏ lòng thành kính với ngài. Nếu tâm không trong sáng, cầu và làm việc mờ ám thì sẽ không thu được kết quả tốt đâu”.



Phiến đá lộ thiên nằm trong một khu vườn gần 1.000m2, có mái che bao bọc xung quanh.
Anh Thành, một người trung niên trong làng cho hay, các cây cối xung quanh khuôn viên “thần đá” không bao giờ bị đổ gãy, cho dù mưa to gió lớn đến thế nào, trong khi cây cối ở những nơi khác thì bị đổ. Nói rồi anh kể về câu chuyện cách đây vài năm, có một người tên Sơn ở trong làng Thanh Bình bị mất một con trâu 2 năm rồi. Anh Sơn đi tìm đâu cũng không thấy trâu, thế nhưng sau khi nghe lời mọi người và đến thắp hương cầu nguyện ở phiến đá thì ít lâu sau đó có người báo cho gia đình anh Sơn biết là có phát hiện một con trâu giống trâu của nhà anh ở một địa điểm khác, và khi anh Sơn đến thì đó chính xác là trâu của nhà anh.

Nói rồi anh Thành dẫn tôi tới nhà anh Sơn - người bị mất trâu mấy năm về trước. Khi tôi hỏi chuyện, anh Sơn liền cười và bảo: “Đúng là hồi đó tôi cũng có mất trâu, tưởng là mất rồi nhưng sau đó thì tìm lại được”. Sau đó anh Sơn cũng giải thích rằng việc nhà anh tìm được trâu là do may mắn và do phúc lộc trời ban, còn việc nhờ phiến đá giúp tìm vật nuôi thì anh bảo rằng đó cũng là do sự trùng hợp, vì anh cũng không dám khẳng định là việc phiến đá giúp anh tìm được trâu, như thế sẽ gây ra sự mê tín cho mọi người. Việc thờ phiến đá thì anh là người ở trong làng, tất nhiên anh cũng có thờ, tuy nhiên anh đều thành tâm và xuất phát từ đức tin của phía bản thân, không hề có sự mê tín.

Sau đó, tôi cố gắng trở lại quan sát và “mục sở thị” phiến đá thêm một lần nữa. Đất ở khu vực này hơi cằn, có nhiều sỏi đá, và nước thì cũng hơi hiếm. Thế nhưng quả thật cây cối ở xung quanh miếu thờ phiến đá tốt và rậm rạp hơn so với các cây bình thường ở những nơi khác. Phiến đá được đặt nằm ngang trước bàn thờ đựng lư hương, nến. Phiến đá ấy nhám, rêu phong bám phủ trên bề mặt, xung quanh có một chiếc rễ cây ăn sâu và lan rộng vào.



Cụ bà Nguyễn Thị Kỳ nói về phiến đá.
Khi tôi đang quan sát và tìm hiểu về phiến đá thì có một vài người tới thắp hương ở miếu thờ phiến đá. Tôi ngỏ ý muốn nhờ họ đến bên phiến đá để chụp một bức hình, thế nhưng họ đã tế nhị từ chối, họ bảo rằng họ chưa có tiền lệ sờ vào phiến đá, vì họ sợ rằng mất thiêng, và sợ “ông đá” sẽ “trừng phạt” và không mang lại may mắn cho mình?

Thấy vậy, tôi lại trở lại nhà cụ Kỳ để tìm hiểu thêm. Lúc đó sẵn có cô Hồng nhà bên cạnh cụ Kỳ đến chơi, và cô Hồng nói thêm cho tôi biết về một trường hợp khác gặp may mắn nhờ phiến đá. Hôm đó cô đi chợ huyện mua đồ đạc, gặp một người đàn ông đang đi tìm ngựa bị thất lạc 3 ngày. Cô Hồng bảo: “Anh cứ mua một ít lễ vật với nén hương rồi tôi chỉ cho”. Cầu nguyện xong vừa về đến nhà thì người đó thấy ngựa đã được một người khác tìm thấy và đưa tới giao cho gia đình. Cô Hồng cho biết thêm, cứ vào ngày mồng 1 và 14 âm lịch, người tới thắp hương ở đền ông đá đông nghịt. Có người ở những tỉnh xa như Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình.

Cụ Kỳ lại vui chuyện về một họ hàng của ông Tâm trong làng có con trai đã lấy vợ nhiều năm mà không có con. Khi nghe chuyện, người đó về làm thử. Sau đó ít lâu, nghe bảo vợ của người con trai đó đã có tin vui. “Nói chung dân làng có con cái thi đi thi cử đều đến cầu nguyện và đa phần thì ai cũng đạt được kết quả như mong muốn”, cụ Kỳ nói với giọng quả quyết.

Để có một lời giải thích xác đáng nhất về phiến đá, và để không gây sự nhầm lẫn và mê tín, chúng tôi đã tìm đến chính quyền xã Thanh Lộc để làm rõ vấn đề. Tại đây, ông Lê Văn Nhiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc khẳng định không hề có sự mê tín dị đoan, mua thần bán thánh gì ở đây cả. Ông cho rằng đó chỉ là biểu hiện đức tin nên vẫn để mọi người tín ngưỡng. Ông Nhiếu cũng cho hay chính quyền xã đã giao cho Hội người cao tuổi của xã đứng ra quản lý đền và đảm bảo không phát sinh và xảy ra bất cứ vấn đề gì. Thấy vậy tôi hỏi đùa rằng đã bao giờ ông và mọi người trong xã đến cầu nguyện ở phiến đá chưa, ông chỉ cười và bảo rằng mình chưa thử, và cũng không mê tín, ông chỉ tâm niệm sự may mắn ở trong tâm.

Qua lời khẳng định của ông Nhiếu thì có thể thấy rằng: “Đất có thổ công, sông có hà bá”, ở mỗi làng thì đều có một một sự tín ngưỡng nhất định dành cho vị thần trong làng. Với người dân làng Thanh Bình, phiến đá ấy mang lại nhiều đức tin cho họ. Nhưng vẫn mong sao mọi người làm việc, cầu nguyện thì xuất phát từ đức tin, từ lòng thành bản thân, đừng cầu nguyện vì sự mê tín.



theo danviet.