Việc khôi phục lại Windows về tình trạng ban đầu của nhà sản xuất là cách nhanh nhất và dễ nhất để hệ thống trở lại bình thường, cho dù hệ thống chạy chậm hoặc bị virus. Điều này không chỉ đảm bảo máy tính sẽ sạch sẽ, mà hệ thống chạy ở hiệu suất tối ưu nhất. Dưới đây là 4 cách khác nhau để có thể thiết lập lại Windows như mới.


ảnh minh họa Sử dụng phân vùng phục hồi
Hầu hết các loại laptop khi đi kèm với hệ điều hành được cài đặt sẵn, bao giờ cũng có một phân vùng phục hồi (Recovery partition ) để có thể khôi phục lại hệ thống về nguyên bản của nhà sản xuất như lúc ban đầu.
Phân vùng phục hồi này là một phần của ổ đĩa cứng, nhưng mặc định phân vùng này sẽ không hiển thị trong Windows Explorer/File Explorer. Phân vùng phục hồi này sẽ có tất cả các thiết lập để phục hồi các tập tin cần thiết với khả năng làm mới lại hệ điều hành và tất cả các chương trình cài đặt.
Thông thường để bắt đầu phục hồi hệ thống thông qua phân vùng phục hồi, người dùng thường sẽ nhấn các phím "F" (như F1-F12) sau khi nhấn nút nguồn. Với mỗi nhà sản xuất, các phím tắt này sẽ khác nhau và dưới đây là một số tổ hợp phím tắt có thể sử dụng để truy cập chức năng khôi phục hệ thống thông qua phân vùng phục hồi.
• Acer - Alt + F10
• Asus - F9
• Dell/Alienware - F8
• HP - F11
• Lenovo - F11
• MSI - F3
• Samsung - F4
• Sony - F10
• Toshiba - 0 (không phím số).
Như vậy BIOS sẽ chỉ chạy các thiết lập phục hồi chứ không phải cài đặt lại Windows. Trong màn hình khôi phục hệ thống, chỉ cần làm theo các hướng dẫn trên màn hình để hoàn tất việc phục hồi.

Sau khi quá trình phục hồi đã hoàn thành, máy tính sẽ được khôi phục trở về trạng thái nguyên bản của nhà sản xuất giống như lúc mới mua về sử dụng lần đầu tiên.
Sử dụng đĩa phục hồi
Nếu máy tính không có phân vùng phục hồi, nhưng đi kèm với hệ điều hành được cài đặt sẵn thì có thể máy tính sẽ có đĩa phục hồi. Đó có thể là đĩa CD hoặc DVD có chứa tất cả các thiết lập phục hồi dữ liệu giống như được lưu trữ trong một phân vùng phục hồi riêng.
Nói cách khác, cách sử dụng đĩa phục hồi hệ thống giống như khi làm việc với một phân vùng phục hồi. Sự khác biệt duy nhất mà người sử dụng cần làm là phải khởi động hệ thống từ đĩa phục hồi chứ không phải là từ một phân vùng phục hồi.

Hiện nay, một số nhà sản xuất còn cung cấp các tiện ích, cho phép ghi đĩa phục hồi riêng với khả năng chọn vị trí lưu dữ liệu phục hồi. Theo đó, người dùng có thể xóa các phân vùng phục hồi để có thêm dung lượng cho ổ cứng để lưu trữ thêm nhiều dữ liệu hơn, vì mỗi phân vùng phục hồi thường sẽ chiếm khoảng 20GB, vì vậy việc xóa phân vùng phục hồi sẽ góp phần tăng dung lượng lưu trữ lên đáng kể.
Tuy nhiên,cũng cần lưu ý, việc xóa các phân vùng phục hồi có nghĩa là bạn sẽ không thể sử dụng cách khôi phục hệ thống bằng cách nhấn một phím F để bắt đầu mà sẽ phải sử dụng đĩa phục hồi.
Refresh hoặc Reset Windows 8
Nếu sử dụng Windows 8 hoặc Windows 8.1 thì không cần phải sử dụng phân vùng phục hồi hay đĩa phục hồi, vì Microsoft cung cấp các chức năng riêng để "làm mới" hoặc “khôi phục” lại máy tính của người dùng. Các tùy chọn này sẽ thiết lập lại máy tính dựa trên cách mà người sử dụng lựa chọn.

Refresh: Có nghĩa là có thể giữ lại các dữ liệu cá nhân cũng như các ứng dụng Metro đã cài đặt, nhưng nó sẽ xóa tất cả các ứng dụng khác.
Reset: Windows sẽ "hủy bỏ tất cả mọi thứ và cài đặt lại", điều đó có nghĩa là người dùng sẽ mất tất cả, bao gồm cả các ứng dụng Metro, dữ liệu cá nhân và các ứng dụng khác và quay trở lại phiên bản Windows hoàn toàn mới. Nói cách khác, không cần phải cài đặt lại hoàn toàn Windows 8 nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Reset máy tính cũng là một cách tốt nếu bạn chuẩn bị bán máy tính của mình cho một người khác, vì Windows vẫn được cài đặt, nhưng tất cả các tập tin và các chương trình cá nhân sẽ bị xóa.

Để truy cập vào thiết lập Refresh hoặc Reset, kích hoạt thanh Charm bằng cách bấm tổ hợp phím Windows+I, sau đó chọn mục Settings từ thanh bên phải. Rồi chọn Change PC settings ở phía dưới. Tiếp theo, bấm chọn mục General ở cột bên trái và bấm nút Get Started ở dưới mục Remove everything and reinstall Windows.

Cũng có thể truy cập các tùy chọn Refresh hoặc Reset trong trường hợp máy tính không khởi động vào Windows được.
Cài đặt lại Windows
Nếu máy tính không có bất kỳ giải pháp phục hồi dữ liệu nào ở trên thì tất nhiên giải pháp truyền thống trong trường hợp này chính là cài đặt Windows và tìm kiếm tất cả các trình điều khiển cần thiết. Cách này chắc chắn là mất thời gian nhiều hơn, nhưng có thể kiểm soát nhiều hơn trong quá trình thiết lập lại.

Đối với phương pháp này, người dùng sẽ cần phải có khóa bản quyền của Windows. Lưu ý rằng nếu chọn phương pháp cài đặt Windows, kể cả khi bạn đã có phân vùng phục hồi trên hệ thống thì cần phải thận trọng khi lựa chọn phân vùng để cài đặt Windows. Vì có thể quá trình cài đặt sẽ sử dụng toàn bộ ổ cứng, điều đó có nghĩa là phân vùng phục hồi (nếu có) cũng sẽ bị xóa hoàn toàn.


theo xahoithongtin