Với viễn cảnh hàng loạt nước gắn kết lại, ngón đòn chèn ép kinh tế cùng lúc của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn.




Tổng thống Mỹ Obama sắp tới sẽ có chuyến công du đến một loạt nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Trong thời gian này, ông Obama sẽ tham gia thúc đẩy các động thái gắn kết giữa các nước, nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp trong khu vực. Trước sự nhiệt tình mà Trung Quốc cho rằng quá mức của Mỹ, Bắc Kinh rất có thể sẽ tăng cường những động thái khiêu khích trong khu vực, vì sự đoàn kết của các nước có chung tranh chấp với Trung Quốc hiện là điều nước này lo sợ nhất.

Sau khi thiết lập vùng nhận diện phòng không gây tranh cãi, gần đây, Trung Quốc lại gây chú ý khi các tàu chiến nước này chặn tàu tiếp tế của Philippines lên con tàu sắt cũ kĩ với 8 thủy thủ ở bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines đang chiếm đóng trái phép). Việc Philippines một lần nữa đưa bằng chứng tố cáo Bắc Kinh có những hành động gây hấn lên tòa án quốc tế là minh chứng cho sự nôn nóng và mạnh tay hơn của Trung Quốc trên những vùng biển và lãnh thổ tranh chấp.

Tất nhiên, như thường lệ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuần trước đã tuyên bố không thừa nhận và không tham gia các vụ kiện cáo liên quan đến tranh chấp với Philippines. Thực tế thì về năng lực quân sự, Philippines trước mắt sẽ không thể so sánh được với Trung Quốc, nên nước này sẽ chỉ còn lựa chọn bắt tay với các nước có cùng tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Đa số những nước này trước mắt đều chưa có tuyên bố tranh chấp công khai với Trung Quốc, nhưng nếu sợi dây liên kết được thắt chặt, Trung Quốc sẽ phải đau đầu.

Với vị thế là nước lớn trong khu vực, Trung Quốc vốn thường sử dụng chiêu bài kinh tế để gây áp lực với những nước nhỏ hơn, với mục đích dồn ép đối phương buộc phải chấp nhận yêu cầu “đàm phán song phương” vốn luôn được xem là có lợi cho Bắc Kinh. Nhưng với viễn cảnh hàng loạt nước gắn kết lại, thì việc chèn ép kinh tế cùng lúc sẽ khó khăn hơn. Chưa tính đến nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Thái Bình Dương của Trung Quốc có vẻ không khả quan, khi mà Mỹ liên tục khẳng định khu vực này sẽ là trọng tâm quân sự trong thời gian tới.



Chuyến thăm của ông Obama vốn bị hoãn lại từ năm ngoái do sự kiện chính phủ đóng cửa. Trong lần công du này, ngoài các động thái nhằm giảm sự lệ thuộc vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Mỹ sẽ tăng cường các điều khoản kí kết quân sự và khẳng định những cam kết hỗ trợ của mình đối với một số nước Châu Á.

Bên cạnh đó, rất có thể ông Obama sẽ ủng hộ và thúc đẩy các nước có tranh chấp trên biển cùng nỗ lực và bắt tay, thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết mâu thuẫn. Chủ trương bắt tay cùng giải quyết chủ quyền này là điều mà Trung Quốc e sợ nhất. Trung Quốc đang lo lắng trước viễn cảnh phải cùng lúc đối đầu với nhiều nước cùng sự chống lưng của Mỹ, nên rất có khả năng trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động trong khu vực.

Nếu nỗ lực của ông Obama chưa nhận được sự đồng thuận của các nước, thì Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục những chính sách gây tranh cãi của mình vì với nước này, việc “chia để trị” các nước có tranh chấp luôn là ưu tiên hàng đầu, và Bắc Kinh luôn mong muốn các nước sẽ không bắt tay để cùng chống lại mình.


theo Trí Thức Trẻ