Có lẽ vì quá đói rách, hai người đàn ông Trung Quốc len lỏi vào chợ làng ở vùng biên giới Lào Cai, lân la các sạp chợ để “chôm” tiền. Bị bắt sau đó, cả hai khai tên là La Ngõa Ðức, 57 tuổi, và Hoàng Mãn Liên, 46 tuổi, quốc tịch Trung Quốc.

Báo Người Lao Ðộng cho biết, trưa ngày 11 Tháng Tư, người ta thấy hai người đàn ông lạ mặt chở nhau trên xe gắn máy đến chợ Võ Lao thuộc tỉnh Lào Cai hỏi mua trái cây. Hai ông này thừa lúc chủ sạp là bà Nguyễn Thị Hoan không để ý, thò tay vào hộp tiền của bà này lấy đi 6 triệu đồng, tương đương $300. Khi họ bỏ đi, bà Hoan cũng đồng thời phát giác sự việc.



Chợ vùng biên giới Việt-Trung. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Bà này tri hô lên, nhờ một số bạn hàng rượt theo chiếc xe gắn máy của hai người đàn ông lạ mặt. Bị rượt chạy, cả hai bị ngã xe té nhào. Hai ông này bị bắt, bị giải giao cho công an địa phương mở cuộc điều tra.

Hai ông Ðức và Liên cho biết, đã nhập cảnh Việt Nam qua cửa biên giới Hữu Nghị thuộc tỉnh Lạng Sơn hôm 2 Tháng Tư. Cả hai đã dừng lại một tiệm bán xe gắn máy mua một chiếc dùng để đi lại. Trưa ngày 11 Tháng Tư, hai ông này giả vờ ghé lại sạp chợ hỏi mua hoa quả để thừa cơ hội tốt để trộm tiền của chủ sạp.

Ðây không phải là lần đầu tiên công dân Trung Quốc bị bắt vì trà trộn vào chợ để trộm cắp tiền bạc của tiểu thương Việt Nam. Có thể nói, người Trung Quốc trộm cắp tại Việt Nam mỗi lúc một nhiều lên. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, người ta ước tính có ít nhất 10 vụ trộm trên máy bay Vietnam Airlines do người Trung Quốc thực hiện.

Trong khi người Trung Quốc tràn sang Việt Nam làm nghề ăn cắp, người Việt Nam thì sang hơn, cũng tìm cách len lỏi sang Nhật, Thái Lan, Singapore... làm việc “chôm chỉa.” Các tờ giấy áp phích viết chữ Việt không đúng chính tả dán này khắp các siêu thị và chợ để cảnh cáo người Việt Nam “chớ trộm vặt.”

Có lẽ để bắt chước các nước khác làm nhục người Việt ăn cắp, các tiệm, cửa hàng Việt Nam cũng nên dán, đặt các tấm bảng cảnh cáo khách hàng coi chừng bị rơi bẫy ăn cắp của người Trung Quốc đội lốt khách hàng để “chôm chỉa.”

Người Việt