Ở Đồng Nai có những bà mẹ hy sinh tuổi thanh xuân, gắn mình vào những mảnh đời bất hạnh, cứu giúp hàng chục sinh linh bé nhỏ có cuộc sống yên bình. Đó là những sư cô ở Mái ấm Thiền tự Phước Quang và Tịnh Thất Quan Âm.


Sư cô Diệu Thông đang chăm sóc bé Thông Duyên, đứa con nhỏ nhất trong tịnh thất

Cơ duyên đưa chúng tôi gặp sư cô và các em nhỏ bất hạnh đang được mái ấm, tịnh thất chở che khi cùng có chuyến dã ngoại ở một khu du lịch thuộc ấp 3, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Qua tìm hiểu được biết, vì thương hoàn cảnh bất hạnh ngay từ thuở lọt lòng của các cháu, chắt chiu, tằn tiện cả năm, hai sư cô quyết định kết hợp cùng nhau để đưa 50 cháu này đi du lịch. Đây coi như là món quà ý nghĩa mà các sư muốn dành tặng cho các cháu.
Như bầy chim sổ lồng, các em hồn nhiên nô đùa, chìm đắm trong các trò chơi vận động như: lướt sóng, nhảy cầu, trượt máng trên sông, cưỡi bò tót đá banh… Dường như nỗi bất hạnh mà cuộc đời các em trải qua, phút chốc tan biến.

Sư cô đang hướng dẫn các cháu vui chơi trong chuyến đi dã ngoại ở KDL Bọ Cạp Vàng

Sư cô Phước Diệu cho biết, ở mái ấm Phước Quang (ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, Long Thành), hầu hết các em mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa; có những đứa trẻ bỏ nhà ra đi, lang thang hè phố, có những sinh linh bé bỏng bị người thân bỏ rơi ngay từ lúc chào đời… đều được các sư cô dang rộng vòng tay nhân ái chở che, bảo bọc. Như trường hợp của em Hồ Tuyết My (12 tuổi) bị mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng đã được sư cô trong mái ấm chăm sóc và cho đi học. Em Trần Phạm Minh Khoa (9 tuổi) trí não chậm phát triển từ nhỏ. Khoa có cha, có mẹ nhưng họ nhẫn tâm bỏ mặc em trong bệnh viện chỉ vì khi vừa mới sinh ra em đã mang mầm bệnh trong người…
25 em được chăm sóc tại Tịnh Thất Quan Âm (ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) của sư cô Diệu Thông cũng có xuất phát điểm “bi đát” không kém gì các em ở mái ấm Phước Quang. Sư cô Diệu Thông đúc kết: “Mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận và cuộc đời riêng. Nhưng chung quy lại, chúng đều là những đứa trẻ bất hạnh khi vừa mới lọt lòng mẹ”.
Sư cô Diệu Thông kể lại cái duyên của mình đến với các em. Lúc trước, sư cô đi bán nhang thì tình cờ gặp một bà cụ dắt cháu bé đến chùa để gửi vài ngày. Sau đó, bà cụ bặt vô âm tín. Năm 2000, một cháu bé vừa tròn 3 ngày tuổi bị bỏ rơi tại trạm xá xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Xót thương cho cảnh đời bất hạnh của cháu, sư cô nhận về chăm sóc. Đến 2007, chỉ vì động lòng trắc ẩn, tịnh thất của sư cô Diệu Thông trở thành mái ấm gia đình của hàng chục cảnh đời bất hạnh.
“Tôi trăn trở mãi rồi cuối cùng quyết định lập mái ấm để giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ, giúp các em có bữa cơm no, có điều kiện học hành và tìm lại nụ cười trên gương mặt ngây thơ như cái tuổi của em phải có…”, sư cô tâm sự.
Mỗi đứa trẻ trong mái ấm là những trang đời tuy chưa dài nhưng đẫm nước mắt. Đó là bé Thông Duyên (2 tuổi) là con út trong mái ấm của sư cô. “Người ta bỏ đứa bé trước cửa nhà thờ khi nó mới ba tháng tuổi, đói sữa, thiếu mẹ… Nhìn thấy cháu mà rơi nước mắt”, sư cô nhớ lại khi nhận đứa bé lúc người ta mang nó về đây. Đến giờ, bé Thông Duyên vẫn chưa được mẹ đến thăm. Sư cô cũng không biết mẹ cháu là ai, chỉ nghe phong phanh là cô gái trẻ lên TPHCM làm công nhân. Không tiền, lại sinh con khi cuộc sống quá khó khăn nên cô âm thầm mang con đến bỏ trước chùa mong được phước lành.

Niềm vui của các trẻ là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời của các sư cô
Dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sư cô Phước Diệu và Diệu Thông vẫn khẳng định rằng sẽ tạo mọi điều kiện cho các em học hành tới nơi tới chốn. Sư cô vui vì thỉnh thoảng, mái ấm của mình vẫn được những nhà hảo tâm đồng hành, chung sức để giúp các cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều bác sĩ, y tá đôi khi không chỉ khám, điều trị miễn phí mà còn giúp đỡ thêm cho các cháu. Chị em tiểu thương ở các chợ gần mái ấm, tịnh thất cũng luôn quan tâm giúp đỡ các cháu từ sách vở, bút mực, đến học phí....
Dành cả một đời để “nuôi con… thiên hạ”, điều mong mỏi lớn nhất của 2 sư cô là có căn nhà đàng hoàng, có giường để các cháu ngả lưng cho giấc ngủ say. “Mỗi cháu nằm mỗi góc nhà, chúng lăn lóc để tránh cái nắng nóng. Ngủ mà mướt mồ hôi. Nhìn những cảnh này, lòng sư như quặn thắt”, sư cô Diệu Thông tâm sự.


theo dantri.